ĐỊa tạng mật nghĩa chánh Trí Mai Thọ Truyền


Phẩm IV: Diêm-Phù Chúng-Sanh Nghiệp-Cảm



tải về 0.55 Mb.
trang7/15
Chuyển đổi dữ liệu15.05.2018
Kích0.55 Mb.
#38459
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   15

Phẩm IV: Diêm-Phù Chúng-Sanh Nghiệp-Cảm

Lúc bấy giờ Bồ-tát Địa-Tạng bạch Phật: "Thế-Tôn nhờ sức thần của Như-Lai mới phân chia thân hình này khắp trăm ngàn muôn ức thế-giới, nhổ tận gốc rể nghiệp báo chúng-sanh. Nếu không có sức đại-từ của Như-Lai thì không thể biến hóa như vậy được. Nay tôi lại được Phật căn dặn, từ nay cho đến ngày A-Dật-Đa thành Phật, tôi phải làm cho chúng-sanh trong sáu nẽo luân hồi đều được độ thoát, tôi xin vâng, nguyện Thế-Tôn chớ lo".


Bấy giờ Phật nói với Địa-Tạng Bồ-tát: "Tất cả chúng-sanh nào chưa được giải-thoát thì tánh thức không định, cho nên hễ tụ tập nhiều việc ác thì kết thành nghiệp ác, tụ tập nhiều điều thiện thì kết thành quả thiện. Nhưng dù làm lành, làm dữ đều theo cảnh mà tái-sanh, lăn lộn trong năm đường, không lúc nào ngừng nghỉ, bị mê hoặc làm chướng ngại, kiếp nầy sang kiếp khác nhiều như bụi bặm, ví như cá lội trong lưới, theo giòng nước chảy, giá có tạm ra khỏi, rồi cũng trở vào. Vì vậy mà ta phải lo nghĩ đến những chúng sanh ấy. Ông đã trót lập nguyện, nhiều kiếp thề nặng rộng độ chúng sanh tội lỗi, thời ta còn lo gì".
Lúc Phật nói mấy lời này, trong hội có một Bồ-tát tên là Định-Tự-Tại-Vương bạch Phật: "Thế-Tôn! Từ nhiều kiếp đến nay, Bồ-tát Địa-Tạng đã phát nguyện gì mà nay được Thế-Tôn ân cần khen ngợi như vậy? Cúi xin Thế-Tôn sơ nói cho nghe". Phật đáp: "Hãy nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo suy gẫm! Ta sẽ vì ông mà giải bày rõ ràng.
"Trong quá khứ cách nay vô số kiếp, có một đức Phật ra đời, hiệu là Nhất-Thế-Trí-Thành-Tựu..., sống lâu sáu muôn kiếp. Lúc chưa xuất gia, Ngài làm vua một nước nhỏ và kết bạn với một tiểu vương lân cận. Hai vua đều hành mười hạnh lành, làm lợi ích cho nhân-dân.
"Dân chúng trong nước láng giềng ấy phần nhiều hay làm việc ác. Hai vua cùng nhau nghị kế, tìm phương rộng cứu. Một vua phát nguyện sớm thành Phật để độ những người tội lỗi, không sót một ai. Một vua lại nguyện nếu trước chẳng độ được người tội lỗi, khiến họ được an vui cho đến đắc quả Bồ-đề, thì cho đến cùng [9], chưa nguyện thành Phật.
Đức Phật nói tiếp: "Nhà vua phát nguyện sớm thành Phật là Nhất-Thế-Trí-Thành-Tựu Như-Lai, còn nhà vua nguyện độ mãi chúng sanh tội lội, chưa nguyện thành Phật, là Bồ-tát Địa-Tạng vậy.
"Lại trong vô lượng vô số kiếp về trước, có một đức Phật ra đời, hiệu là Liên-Hoa-Mục Như-Lai, Ngài thọ bốn mươi kiếp. Trong thời "tượng pháp" của Ngài, có một vị La-hán dùng phước cứu độ chúng-sanh. Nhân lúc đi giáo-hóa, La-hán gặp một người nữ tên là Quang-Nục. Nàng sắm thức ăn, cúng dường La-hán. La-hán hỏi: "Nàng ý muốn gì?"
"Quang Mục thưa: "Ngày mẹ tôi mất, tôi đã làm phước để cứu vớt mẹ tôi; chẳng biết mẹ tôi đã thác sanh vào đường nào (trong lục đạo)?"
"Nghe nói cảm thương, La-hán nhập định quán sát thì thấy thân mẫu Quang Mục đọa vào địa ngục, rất là khổ sở. La-hán hỏi Quang Mục: "Thân mẫu nàng, lúc sanh tiền, đã làm những nghiệp gì mà nay phải rơi vào địa-ngục, chịu nhiều khổ não lớn lao tột bậc như thế?"
"Quang Mục thưa: "Mẹ tôi có thói quen thích ăn cá, thịt rùa[10], mà lại hay ăn cá con, rùa con, hoặc chiên, hoặc nấu. Nếu kể ra thì có hàng ngàn, hàng muôn. Tôn-giả có lòng thương xót, xin chỉ coi phải làm thế nào để cứu mẹ tôi".
"La-hán xót thương, nghĩ ra một phương, bèn dạy Quang Mục: "Nàng nên chí thành niệm nhớ Thanh-Tịnh Liên-Hoa-Mục Như-Lai và vẽ đắp hình tượng Ngài mà thờ, được như vậy thì kẻ còn, người mất, đều có phước báo".
"Quang-Mục nghe xong, liền bỏ mọi điều mến chuộng, tìm người họa tượng Phật thờ cúng. Nàng lại cung kính, khóc than, chiêm ngưỡng và đảnh lễ tượng Phật. Bổng lúc đêm gần tàn, nàng chiêm bao thấy Phật, thân sắc vàng sáng chói như núi Tu-di. Phật phóng ánh sáng, bảo Quang-Mục: "Chẳng bao lâu nữa mẹ ngươi sẽ thác sanh vào nhà ngươi, và khi vừa biết đói lạnh là biết nói".
"Sau đó, đứa con tớ gái trong nhà Quang Mục sanh một đứa con. Chưa đầy ba ngày, đứa bé biết nói. Nó cúi đầu than khóc, nói với Quang Mục: "Sanh-tử nghiệp duyên, tự mình gây thì tự mình lãnh quả báo. Ta là mẹ con đây, từ lâu đã ở trong chổ tối tăm, từ ngày xa cách con, mẹ được thọ sanh làm kẻ hạ tiện, lại thêm số mạng ngắn ngủi, sống hết mười ba năm lại sa vào địa ngục nữa. Con có phương nào làm cho mẹ thoát khỏi khổ sở không?"
"Nghe đứa trẻ nói, Quang Mục biết là mẹ nàng, không nghi kỵ gì cả. Nghẹn ngào thương xót, nàng mới nói với đứa trẻ: "Nếu đã là mẹ của tôi thì phải biết tội mình, vậy đã tạo nghiệp gì mà nay phải sa vào nẻo ác?"
"Đứa con của tớ gái đáp: "Vì đã tạo hai nghiệp, sát sanh và chê bai mắng nhiếc, nên nay phải chịu sự báo ứng. Nếu không nhờ phước đức cứu nạn thì vì hai nghiệp đó mà chưa biết lúc nào được giải thoát."
"Quang Mục hỏi: "Trong địa-ngục, sự báo ứng của tội lỗi như thế nào?"
"Đứa trẻ đáp: Những khốn khổ dành cho tội nhân trong địa-ngục, không lòng dạ nào nói ra cho hết, dầu phải trải qua trăm, ngàn năm".
"Quang Mục nghe xong, than khóc rơi lệ, bạch giữa hư-không: "Nguyện cho mẹ tôi thoát hẳn địa-ngục, mãn mười ba tuổi rồi, không còn trọng tội và không còn phải đi trong nẻo dữ nữa. Cúi xin chư Phật mười phương đem lòng từ-bi thương xót tôi, nghe tôi vì mẹ phát lời thệ-nguyện lớn như sau: "Nếu mẹ tôi thoát hẳn địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh, cùng không tái sanh làm người hèn thấp, thậm chí đời đời kiếp kiếp không mang thân đàn bà, thì trước tượng Thanh-Tịnh Liên-Hoa-Mục Như-Lai, tôi xin nguyện kể từ nay cho đến về sau trong trăm ngàn muôn ức kiếp, ở thế-giới nào mà có chúng-sanh chịu khổ trong địa-ngục và trong ba đường ác, tôi sẽ cứu vớt tất cả những chúng sanh ấy. Chừng nào tất cả những tội-nhân ấy đều thành Phật hết, chừng ấy tôi mới tiếp theo sau mà thành Chánh-giác".
"Phát nguyện xong, Quang Mục nghe tiếng Thanh-Tịnh Liên-Hoa-Mục Như-Lai nói: "Này Quang Mục! Nhà ngươi có lòng từ lớn mới vì mẹ mà phát đại-nguyện như thế. Ta quan sát thấy mẹ ngươi mãn mười ba tuổi, sã bỏ báo-thân này, sanh làm Phạm-chí, sống lâu trăm tuổi, sau đó lại sanh về nước Vô-Ưu, sống lâu không biết bao nhiêu kiếp mà nói, và rốt hết sẽ thành Phật, rộng độ trời, người, đông như cát sông Hằng".
* * *
Đức Phật Thích-Ca bảo Bồ-tát Định-Tự-Tại-Vương: "Vị La-hán phước lành độ Quang Mục thuở đó, chính Bồ-tát Vô-Tận-Ý, thân mẫu của Quang Mục chính là Bồ-tát Giải-Thoát, còn Quang Mục là Bồ-tát Địa-Tạng vậy. Trong nhiều kiếp lâu xa về trước, Bồ-tát Địa-Tạng đã từ mẫn mà phát ra Hằng-hà sa số thệ nguyện độ khắp chúng sanh như thế. Trong đời sau, nếu có trai gái nào, không làm lành lại làm dữ, thậm chí những kẻ không tin nhân-quả, phạm tội tà dâm, nói láo, đâm thọc, mắng chưởi, hủy báng giáo-lý Đại-thừa, tội nghiệp như thế thì phải đọa vào ác đạo, nhưng nếu gặp người biết điều lành khuyên bảo, khiến họ quy-y với Bồ-tát Địa-Tạng trong khoảnh khắc nhanh như khảy móng tay, thì những chúng sanh phạm tội ấy liền đặng thoát khỏi sự báo-ứng khổ não trong ba đường ác. Ai hết lòng qui kính, chiêm ngưỡng, đảnh lễ, ngợi khen cúng dường, thì trong trăm ngàn muôn ức kiếp sau thường được ở cõi trời hưởng sự vui sướng. Đến lúc phước hết, sanh xuống nhân-gian, còn thường được làm vua chúa trong trăm ngàn kiếp, lại nhớ cội ngành nhân quả các đời trước.
"Này Định Tự Tại Vương! Bồ-tát Địa-Tạng có thần lực rất lớn không thể nghĩ bàn như thế, rộng làm lợi ích cho chúng sanh. Các ông, bậc Bồ-tát, nên ghi nhớ mà tuyên truyền khắp nơi kinh này".
"Định Tự Tại Vương bạch Phật: "Xin Thế-Tôn chớ lo, ngàn muôn ức đại Bồ-tát chúng con đều có thể nương vào oai-thấn của Phật mà truyền rộng kinh nầy nơi cõi Diêm-phù-đề, làm lợi ích cho chúng-sanh".
Bạch xong, Định Tự Tại Vương cung kính lễ Phật lui ra.
Bấy giờ, bốn vị Thiên-Vương đồng đứng dậy cung kính bạch Phật: "Thế-Tôn! Bồ-tát Địa-Tạng từ kiếp lâu xa, đã phát nguyện rộng lớn như thế, tại sao đến nay vẫn chưa độ hết chúng-sanh, lại phải phát nguyện rộng lớn nữa? Cúi mong Thế-Tôn dạy cho chúng con rõ".
Đức Phật đáp: "Hay thay! Hay thay! Để làm lợi ích cho nhiều người, ta nay vì các ông cùng hàng trời, người trong hiện-tại và vị-lai, mà nói những phương-tiện được Bồ-tát Địa-Tạng dùng, trong đường sanh tử ở thế-giới Ta-bà, để độ thoát tất cả chúng-sanh mắc phải tội khổ".
"Từ kiếp lâu xa đến nay, Bồ-tát Địa-Tạng độ thoát chúng-sanh, vẫn chưa mãn nguyện. Nay thương xót chúng-sanh mắc tội đời này lại xét thấy vô-lượng kiếp trong tương lai, nguyên-nhân tội khổ lây dây mãi không dứt, cho nên Bồ-tát phải lại phát trọng nguyện.
Vì trọng nguyện đó, mà Bồ-tát Địa-Tạng, ở thế-giới Ta-bà, châu Diêm-phù-đề, dùng trăm ngàn muôn ức phương-tiện mà giáo-hóa chúng-sanh. Đây là những phương-tiện:
"Với kẻ sát sanh, Bồ-tát lấy sự báo ứng chết yểu mà dạy.
"Với kẻ trộm cắp, Bồ-tát lấy sự báo ứng nghèo nàn khổ sở mà dạy.
"Với kẻ tà dâm, Bồ-tát lấy sự báo ứng làm chim sẽ, bồ câu, uyên ương mà dạy.
"Với kẻ miệng độc, Bồ-tát lấy sự báo ứng bà con kình chống nhau mà dạy.
"Với kẻ nói xấu dèm pha, Bồ-tát lấy sự báo ứng không lưỡi, miệng lở, mà dạy.
"Với kẻ nóng giận, Bồ-tát lấy sự báo ứng thân hình xấu xí, tàn tật mà dạy.
"Với kẻ bỏn xẻn, Bồ-tát lấy sự báo ứng cầu một đàng, được một ngả mà dạy.
"Với kẻ săn bắn, Bồ-tát lấy sự báo ứng điên cuồng mất mạng mà dạy.
"Với kẻ trái nghịch mẹ cha, Bồ-tát lấy sự báo ứng trời đất gieo tai sát hại mà dạy.
"Với kẻ thiêu núi đốt rừng, Bồ-tát lấy sự báo ứng cuồng mê đến chết mà dạy.
"Với hạng cha mẹ ghẻ độc ác, Bồ-tát lấy sự báo ứng đời sau chịu sự roi vọt mà dạy.
"Với kẻ lưới rập chim non, Bồ-tát lấy sự báo ứng cốt nhục chia lìa mà dạy.
"Với kẻ dèm chê Tam Bảo, Bồ-tát lấy sự báo ứng đui, điếc, câm, ngọng mà dạy.
"Với kẻ khinh khi Chân-lý, Bồ-tát lấy sự báo ứng ở mãi trong ác đạo mà dạy.
"Với kẻ lạm phá tiền của của chùa, Bồ-tát lấy sự báo ứng ức kiếp luân hồi địa ngục mà dạy.
"Với kẻ làm ô-nhục và vu cáo người tu hành, Bồ-tát lấy sự báo ứng ở mãi trong loài súc sanh mà dạy.
"Với kẻ sát sanh bằng nước sôi, lửa, chém, chặc, Bồ-tát lấy sự báo ứng phải luân hồi thường mạng mà dạy.
"Với kẻ phá giới phạm trai, Bồ-tát lấy sự báo ứng làm cầm thú đói khát mà dạy.
"Với kẻ phung phí tiền của, Bồ-tát lấy sự báo ứng thiếu hụt về sau ma dạy.
"Với kẻ tự cao, phách lối, Bồ-tát lấy sự báo ứng làm người hèn hạ, bị người sai khiến mà dạy.
"Với kẻ đâm thọc gây gổ, Bồ-tát lấy sự báo ứng làm người không lưỡi hay có trăm lưỡi mà dạy.
"Với kẻ tà kiến mê tín, Bồ-tát lấy sự báo ứng làm người sanh vào nơi hẻo lánh dã man mà dạy.
"Những nghiệp thân, miệng của chúng sanh cõi Diêm-phù, kết quả là trăm ngàn báo ứng như thế, nay chỉ nói sơ lược như vậy. Vì nghiệp-cảm của chúng-sanh sai biệt, cho nên Bồ-tát Địa-Tạng phải dùng trăm ngàn phương-tiện để giáo-hóa. Những chúng-sanh tạo nghiệp, phải chịu sự báo ứng, sau sa vào địa ngục, không có ngày ra. Vì thế, các ông là người hộ vệ cho tâm chúng-sanh, các ông chớ để cho nghiệp-chướng mê hoặc chúng-sanh".
Bốn vị Thiên-vương nghe xong, rơi lệ than thở, chắp tay lễ Phật lui ra.
Lời nguyện Địa-Tạng,
Nơi cung Trời Đao-lợi,
Là dùng thần-thông hiển hiện mà hóa độ đám tối tăm,
Nhưng khó mà làm sáng cõi đời năm trược:
Chúng-sanh ngang ngạnh
Vì tham vui nên chịu khổ vô cùng.
Nam-mô Thường-trú Thập-phương Phật
Nam-mô Đại-Nguyện Địa-Tạng Bồ-tát.

Mật nghĩa:


Phẩm thứ ba nói về nghiệp-duyên, nghĩa là những duyên cớ khiến chúng-sanh tạo nghiệp.
Phẩm thứ tư này nói về nghiệp-cảm, nghĩa là những cảm ứng hay báo ứng của nghiệp, tức là của những hành-động của miệng, của thân.
Chúng-sanh sống trong vô-minh hắc ám. Phật ra đời như mặt trời mọc, như đèn đốt sáng. Nhưng từ thời của đức Phật Thích-Ca cho đến thời của Phật A-Dật-Đa (Di-Lặc) trong tương lai, lấy ai soi sáng cho chúng sanh tội lỗi?
Kinh bảo: Đức Thích-Ca giao sứ-mệnh này cho Bồ-tát Địa-Tạng. Nên hiểu: nhằm lúc không có Phật ra đời, thì phải nương vào Tâm, quy-y với Bồ-tát Địa-Tạng của mình, mới mong giải thoát. Với hai điều-kiện: Nguyện và Thệ.
Nguyện là mong mỏi trong lòng, là muốn (forme le voeu)
Thệ là thề, là cả quyết (jurer, faire le serment de...)
Muốn giải thoát mà không cả quyết, không tự thề với mình, không thành công được.
Tu theo Phật-giáo, có thể có hai thứ nguyện:
1. Nguyện thành Phật trước, sau mới độ chúng-sanh. Đây là con đường tu của La-hán.
2. Nguyện trước độ chúng-sanh, sau mới thành Phật. Đây là con đường tu của Bồ-tát.
Nhất-thế-trí hay Trí-huệ bát nhã mà thành-tựu rồi nơi chúng-sanh nào đó, thì chúng-sanh ấy được độ thoát. Đèn huệ đã đốt thì hắc ám đâu còn, hắc ám không còn thì đâu còn nghiệp ác, cho nên gọi là được độ thoát.
Không tu La-hán thì phải tu Bồ-tát bằng cách lần hồi diệt nghiệp, đời này sang đời khác (vĩnh độ chúng-sanh), khi diệt hết rồi thì Tâm trở thành thanh tịnh hoàn toàn. Tâm ấy là Tâm Phật, là Phật. Vì vậy, Kinh nói độ hết rồi sau mới thành Phật.
Để chứng minh, Kinh đưa ra một thí dụ: câu truyện Quang-Mục.
Chúng-sanh nào phạm tội sát hại thú vật để làm ngon miệng và như thế là phạm luôn tội "hủy mạ" luật nhân-quả nghiệp-báo mà muốn thoát khổ thì phải "chí thành niệm Thanh-Tịnh Liên-Hoa-Mục Như-lai", nghĩa là giữ mắt trong sạch, thấy mon ngon vật lạ đừng thèm. Giữ được như vậy sẽ có cái kết-quả là đôi mắt sẽ sáng suốt (Quang-Mục), thấy tội thấy lỗi, thấy thiện thấy ác, và tự mình sẽ nói với mình rằng: Sanh tử nghiệp duyên, quả báo tự thọ (trong vòng sanh tử, tự mình để cho cảnh duyên thúc đẩy mà tạo nghiệp, thì tự mình phải thọ lấy quả báo, không một quyền lực nào xen vào để làm tội hay tha thứ mình được).
Biết như vậy rồi, ai là người không thệ nguyện giải thoát các tội lỗi khác? Giải thoát được là trở về con đường Thiện, sanh Thiên (làm Phạm-Chí), rồi tiến tu cho đến chỗ thanh tịnh (Vô ưu) và rốt phải thành Phật.
Câu "Phật nói với Định-Tự-Tại-Vương: Lúc bấy giờ, vị La-hán làm phước độ Quang-Mục là Bồ-tát Vô-Tận-Ý, mẹ của Quang-Mục là Bồ-tát Giải-Thoát, còn Quang-Mục là Bồ-tát Địa-Tạng" có thể có nghĩa như thế này:
Muốn được giải thoát (như mẹ của Quang-Mục), tâm phải sáng mắt (Quang-Mục) và áp dụng những phương pháp tu sửa vô tận của Phật dạy, vì Vô-tận-Ý có nghĩa là Bát thập vô tận pháp-môn (Phật Học Từ-điển).
* * *
Đến đây, một nghi-vấn được đưa ra trong câu hỏi của Tứ-Thiên-Vương: Bồ-tát Địa-Tạng đã thệ nguyện cứu độ chúng-sanh từ những kiếp lâu xa, tại sao nay còn phát nguyện nữa? Hỏi như thế tức hỏi theo nghĩa ẩn: Chỉ có tâm mới cứu độ được, mà chúng-sanh thì không ai không có tâm, tại sao số người tội lỗi còn dẩy đầy?
Phật trả lới: Làm sao độ hết được vì "nhân man bất đọan" - Nhân là nguyên-nhân tội khổ; man là dài, là dây dưa; bất đoạn là chẳng dứt. Nguyên nhân tội lỗi của chúng-sanh là gì? Là tham-lam vì vô minh. Ai là người diệt trừ nguyên nhân ấy? Từ gần 3000 năm nay, chỉ mới có được một người: đó là đức Phật Thích-Ca. Nguyên nhân còn kéo dài trong mỗi chúng-sanh thì công việc thức tỉnh, cứu độ của mỗi Tâm chúng-sanh phải tiếp tục, do đây mà Kinh nói: sự cứu thoát chúng-sanh chưa bao giờ làm trọn nguyện của Địa-Tạng được.
* * *
Đối với người trí, biết nhân-quả, nghiệp-báo là đủ tự cứu tự độ rồi. Nhưng đối với người thường, cần phải tu sửa bằng những phương-tiện, chớ không lấy lý mà nói được. Vì vậy, phải phương-tiện mà nói:
- với người sát sanh: anh hãy coi chừng đời sau bị chết yểu nhé!
- với người trộm cắp: anh lấy của người, đời sau anh sẽ bị bần cùng khổ sở...
Phương-tiện không phải là sự thật, nhưng chủ yếu ở đây là trị bệnh thì thuốc nào cũng được, chẳng nên luận quí tiện, đắt rẽ, cốt yếu trị hết bện thì thôi.
Bài tán cuối quyển đầu của Kinh đã nhắc lại một lới cảnh cáo: Trong đời dơ bẩn này, khó đem ánh sáng mà rọi vì chúng-sanh cứng đầu cứng cổ, dạy bảo không nghe, cứ chạy theo tham muốn vui sướng, cho nên phải khổ sở vô cùng. Bởi vậy, Phật mới nói ra bài Kinh Địa-Tạng bổn nguyện để hóa độ kẻ tối tăm.

[1] Kiếp (kalpa) có ba hạng. Tiểu kiếp có: 16,800,000 năm. Trung kiếp: có 20 tiểu kiếp (336,000,000 năm). Đại kiếp có 4 trung kiếp (1,344,000,000 năm)


[2] Chánh văn viết: Tam thập tam thiên, tức là Đao-lợi
[3] Tượng pháp: 500 năm đầu của Phật-Pháp, gọi là Chánh-Pháp; 1500 năm kế đó, gọi là Tượng-Pháp. Trong thời-gian này, Pháp-Phật còn "tương tựa" mà thôi, nghĩa là đã bị phai mờ rồi, còn hình bóng mà thôi. Thời-kỳ chót là Mạt-Pháp.
[4] Tam-Bảo: Phật, Pháp, Tăng
[5] Chánh kiến: Thấy đúng với Chân lý
[6] Do-tuần: 30 dặm
[7] Chiêu cảm - Chiêu là lấy tay vẩy lại, tự gây việc cho mình. - Cảm là nhiểm phải. - ý nói biển nghiệp ấy do ba nghiệp (thân, khẩu, ý hay tham, sân, si) của chúng sanh tự tạo để tự nhiểm sự khổ não.
[8] Mười tám ngục này chỉ Thập-bát-giới (sáu căn, sáu trần và sáu thức)
[9] Bản dịch âm của T.T. Trí Tịnh và của Ô. Đoàn Trung Còn đều ghi: "Nhược bất tiên độ tội khổ linh thị an lạc, đắc chi Bồ-đề, ngã tùng vị nguyện thành Phật". Vì chữ "tùng" ở đây hình như không có nghĩa, tôi tra lại trong Đại-Tạng, thì thấy viết là "chung" chớ không phải "tùng". (dịch giả)
[10] Nguyên văn là "biết", mà "biết" theo Hán-Việt Từ-Điển của Đào Duy Anh, có nghĩa là con ba-ba, giống như lọai rùa.

--- o0o ---




Каталог: downloads -> giang-kinh
giang-kinh -> Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức
giang-kinh -> Chú Giải Kinh Kim Cang Và Chánh Pháp Chưa Từng Có ht. Huyền VI
giang-kinh -> GIỚi thiệu kinh trung a hàM Điền Quang Liệt Định Huệ Dịch Nguồn
giang-kinh -> Kinh tứ thập nhị chưƠng tt. Thích Viên Giác Dịch
giang-kinh -> Kinh đẠi phậT ĐẢnh như lai mật nhơn tu chứng liễu nghĩA
giang-kinh -> Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao
giang-kinh -> PHẬt thuyết a di đÀ kinh yếu giải giảng ký 佛說阿彌陀經 要解講記
giang-kinh -> ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa
giang-kinh -> VỊ trí thánh ðIỂn hoa văn trên phật giáo thế giớI
giang-kinh -> Bàn Về Bốn Bộ a-hàm Lương Khải Siêu

tải về 0.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương