ĐỊa tạng mật nghĩa chánh Trí Mai Thọ Truyền


Phẩm VII : Lợi Ích Tồn Vong



tải về 0.55 Mb.
trang10/15
Chuyển đổi dữ liệu15.05.2018
Kích0.55 Mb.
#38459
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

Phẩm VII : Lợi Ích Tồn Vong

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Địa-Tạng bạch Phật nói: "Bạch Thế-Tôn, tôi quan sát thấy chúng-sanh cõi Diêm-phù-đề, trong mỗi tư-tưởng, không việc nào là chẳng tội lỗi. Vì vậy, dầu gặp những trường hợp có lợi cho điều lành, phần nhiều hay để cho cái tâm quyết làm lành trước kia thối lui, còn gặp duyên ác, thì lòng nghĩ việc ác lúc lúc tăng thêm. Bọn ngườI ấy chẳng khác kẻ vác đá nặng đi trên đất bùn lầy, càng khốn đốn càng thấy nặng, đôi chân thêm lút sâu. Nếu kẻ ấy gặp được bạn lành, thay họ chia sớt hoặc lãnh gánh hết gánh nặng, thì bạn lành ấy phải là người có nhiều sức mạnh. Chẳng những gánh thay mà bạn lành ấy lại còn dìu đỡ và lại khuyên người gánh nặng nên vững chân, rồi khi đến đất bằng, khuyên nên tu tỉnh mà đừng trở lại đi trên con đường nguy hiểm nữa.


"Thế-Tôn, chúng-sanh quen thói làm ác, luôn luôn bắt từ chỗ ác mảy-mún mà đi tới chỗ ác không lường. Khi những chúng-sanh có thói quen làm ác như thế sắp chết, thì người trong thân quyến bất luận nam nữ, nên vì người sắp chết mà làm việc phúc-đức, để như cung cấp lộ phí cho họ. Việc phúc đức ấy là: hoặc treo phan cái, cúng dầu cúng đèn, hoặc tụng đọc Kinh quí, hoặc cúng dường tượng Phật, luôn cả việc niệm danh hiệu chư Phật, Bồ-tát và Bích-chi-Phật, làm sao cho một tên, một hiệu lọt được vào lỗ tai của người sắp chết hay thần-thức của họ nghe được (nếu đã chết rồi). Cứ theo ác nghiệp đã tạo và quả báo phải cảm chịu, người sắp chết phải sa vào ba nẻo dữ (địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh), nhưng nhờ quyến thuộc gieo những nhân lành sạch kể trên, bao nhiêu tội lỗi đều được tiêu diệt. Nếu sau khi người ấy chết rồi thân quyến còn, trong vòng 49 ngày, rộng làm điều thiện vì người chết, thì có thể làm cho người này vĩnh viễn xa lìa ba nẻo ác, được sanh làm người, hay lên trời, hưởng nhiều vui sướng, còn quyến thuộc còn sống được không biết bao nhiêu là lợi ích.
Bởi các lẽ trên, hôm nay trước Phật cùng Thiên, Long tám chúng, hàng người trời, tôi có lời khuyên chúng-sanh cõi Diêm-phù-đề trong ngày lâm chung (của người thân), chẳng nên giết chóc cùng tạo duyên ác cúng tế quỉ thần, cầu xin ma quái. Tại sao vậy? Tại vì giết chóc và cúng tế như thế không đem lại cho vong linh người chết mảy may lợi ích nào, mà chỉ kết thêm tội duyên làm sâu nặng mà thôi. Giả như trong đời về sau, hoặc trong đời này vì nhờ được một phần nào trong sạch, đáng được sanh vào hàng trời người, nhưng vì khi chết quyến thuộc lại gây nhân ác, thì người mạng chung phải liên lụy chịu sự tai ương, bị đem ra xét xử mà chậm sanh về nơi thiện. Đối với người lành còn thế, hà huống đối với người lúc sanh tiền chưa từng có một rễ lành cỏn-con nào, và như vậy thì mỗi người phải theo nghiệp mình mà tự lãnh một trong ba nẻo ác. Làm sao nhẫn tâm tăng thêm nghiệp ác ho bà con của mình?! Thí dụ có một người từ xa đến, vai gánh trăm cân lại thêm ba ngày hết lương, gặp người hàng xóm bắt vác thêm một ít vật, thì cái khốn khổ của người gánh nặng có phải nặng nề thêm lên không?
"Thế-Tôn, quán sát chúng-sanh cõi Diêm-phù-đề, tôi thấy nếu họ năng theo lời Phật dạy, chỉ làm việc lành bằng sợi lông, giọt nước, hột cát, hột bụi, thì họ tự được sự lợi ích".
Lúc Bồ-tát Địa-Tạng nói mấy lời ấy, trong hội có một trưởng giả tên là Đại-Biện, là người từ lâu xưa đã chứng "Vô-sinh", hóa độ chúng-sanh trong mười phương, nay hiện thân trưởng-giả. Đại-Biện chấp tay cung kính hỏi Bồ-tát Địa-Tạng: "Bạch Bồ-tát, ở cõi Nam Diêm-phù-đề, chúng-sanh nào chết rồi mà thân quyến lớn nhỏ vì họ làm nhiều công đức cho đến thiết lễ trai Tăng, tạo nhiều nhân lành, vậy người chết có được nhiều lợi ích cùng được giải thoát không?".
Bồ-tát Địa-Tạng đáp: "Trưởng-giả, tôi nay xin vì tất cả chúng-sanh trong hiện tại và vị lai, sơ lược nói về việc ấy. Này Trưởng-giả, trong hiện tại cũng như trong vị lai, chúng-sanh nào mà ngày lâm chung, nghe được một danh hiệu của Phật, của Bồ-tát, của Bích-chi-Phật, thì chúng-sanh ấy, bất luận có tội hay không tội, ắt được giải thoát. Dù nam, dù nữ, lúc còn sống mà không gieo nhân lành, tạo nhiều tội lỗi nhưng sau khi chết lại được quyến thuộc lớn nhỏ vì họ mà tạo phúc lợi, bằng tất cả những việc làm lành sạch, thì trong bảy phần công-đức, người chết lượm được một, còn kẻ sống hưởng được sáu. Bởi lẽ này, trai lành gái tốt trong hiện tại, vị lai, nghe lời tôi rồi, nên cố gắng tự tu thì mười phần hưởng trọn.
"Khi quỉ Vô-thường không hẹn mà đến, thì thần hồn người chết vơ vẫn trong chỗ mịt-mờ, chưa biết là có tội hay được phúc. Trong khoảng 49 ngày, thần-hồn như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để chịu sự biện luận về nghiệp quả. Sau khi được xét xử xong, là theo nghiệp mà thọ sanh. Trong lúc chưa lường được, đã chịu ngàn muôn sấu khổ, hà huống đọa vào ba nẻo dữ. Người chết ấy, lúc chưa được thọ sanh, trong khoảng bốn mươi chín ngày, lúc lúc đều mong người cùng máu mủ bà con tạo phúc để cứu vớt họ. Qua 49 ngày rồi thì tùy nghiệp mà thọ báo. Nếu là người có tội, thì phải trải qua trăm ngàn năm mà không có ngày giải thoát. Nếu là người phạm năm tội vô-gián (tội trọng), thì phải sa vào địa-ngục ngàn kiếp, muôn kiếp, chịu nhiều khổ não vĩnh viễn.
Lại nữa, này Trưởng-giả, nếu quyến thuộc cốt nhục vì người tội lỗi mà làm lễ trai-tăng, tư trợ nghiệp-đạo của họ, sau lúc họ mạng chung, thì lúc thiết lễ chưa xong cùng lúc đang làm lễ, chớ đem nước gạo, lá rau, vứt dưới đất, còn các thức ăn, nếu chưa dâng lên Phật và chư Tăng, thì chớ nên ăn trước. Trái lời mà ăn, cùng chẳng tinh sạch ân cần, thì người chết không hưởng được phúc lục cứu bạt nào cả. Nếu tinh cần, giữ gìn trong sạch trong việc dâng cúng Phật Tăng, thì người chết, trong bảy phần phúc đức, hưởng được một phần.
Bởi cớ, này Trưởng-giả, chúng-sanh Diêm-phù, nếu năng vì cha mẹ, bà con mạng chung, thiết lễ trai-tăng cúng dường, hết lòng cầu khẩn, thì đôi đàng, kẻ sống người chết đều được lợi ích".
Lúc Bồ-tát Địa-Tạng nói mấy lời này, tại cung trời Đao-lợi, có trăm ngàn muôn ức na-do-tha quỉ thần cõi Diêm-phù phát tâm Bồ-đề vô lượng.
Trưởng-giả Đại-Biện vui mừng, nhận lãnh lời dạy của Bồ-tát Địa-Tạng, làm lễ rồi lui.
Mật nghĩa:
"Lợi ích tồn vong" có nghĩa là kẻ còn người chết đều được lợi ích.
Phẩm thứ bảy này chia làm hai phần. Phần thứ nhất nói về bổn phận của người sống đối với thân nhân mệnh chung. Nhưng không phải Phật dạy mà Bồ-tát Địa-Tạng bạch. Vậy chúng ta có thể hiểu: cứ lấy tâm mà suy xét thì thấy cái lẽ đừng tạo thêm nghiệp làm nặng gánh cho người quá vãng.
Hễ là chúng-sinh thì sống trong vô-minh, không một tư-tưởng nào mà không trái với Chân-lý (cử tâm động niệm, vô phi thị tội). Vì vậy cho nên, dù gặp duyên lành, phát tâm tu sửa, chẳng bao lâu rồi cũng thối lui, không giữ vững cái nguyện ban sơ; trái lại, gặp dịp làm ác thì xuôi theo mà làm ác càng ngày càng nhiều, chẳng khác người gánh nặng mà đi dưới bùn lầy, càng đi càng lún.
Người gánh nặng sa lầy gặp duyên lành là được người hoặc chia sớt hoặc thay mình mà gánh lại dìu đở cho ra khỏi chỗ nguy. Một khi khỏi nguy rồi, đừng trở lại chỗ bùn lầy nữa.
Người làm ác gặp duyên lành là gặp hàng bạn tốt chỉ việc tu hành, rồi cũng phải như người gánh nặng mà đừng trở lại lối cũ nữa.
Đến lúc gần chết nếu người ác trước không gặp duyên may như nói ở trên, thì thân quyến phải cố tạo phúc để làm nhẹ gánh nghiệp báo của kẻ lâm chung.
Sau khi người ác chết, nếu muốn họ nhẹ gánh nữa, thì nên thiết lễ trai tăng, tụng Kinh, để thần hồn họ nghe lời Phật mà cải hối, chớ đừng giết trâu mỗ lợn cúng tế, khiến cho gánh nghiệp báo của họ đã nặng lại nặng thêm, chẳng khác người đi xa, hành lý nặng nề lại thêm tuyệt thực mà phải gánh thêm một ít vật nữa.
Những lẽ trên đây, nói ra rất dễ hiểu dễ nhận. Nhưng phải là Địa-Tạng Bồ-tát mới nói rõ được, nghĩa là phải những người có Tâm sáng- suốt (minh châu) và cương quyết giải thoát (kim tích) mới nói được. Do đây mà Kinh đặt vào miệng Bồ-tát Địa-Tạng, tượng trưng cho tâm ấy, những lời vừa tóm tắt lại.
Phần thứ hai là câu chuyện đối đáp giữa Trưởng-giả Đại-biện và Bồ-tát Địa-Tạng.
Đại-biện là biện luận rộng ra thêm thông nghĩa lý. Và điểm đem ra biện luận ở đây là : Vì người chết mà tu các công đức, người chết sẽ được lợi ích gì và có được giải thoát không?
Sau đây là lời đáp:
Người ác lúc sắp mạng chung mà nghe được danh hiệu của Phật, của Bồ-tát, thì được giải thoát.
Chết rồi mà thân nhân làm việc phúc đức thì người chết cũng hưởng nhưng trong 7 phần có một, còn 6 phần về người sống - Ở đây, phải chăng ý Phật muốn dạy khéo người sống nên lo tu bồi công đức, vì nếu đợi đến chết mới hưởng công-đức của thân nhân, thì chẳng có bao nhiêu.
Tuy trong 7 phần hưởng được có 1, sự hưởng thọ này còn tùy tâm chí thành chỉ khẩn của quyến thuộc.
Vì người chết mà làm việc phúc đức, người chết hưởng mà kẻ sống cũng hưởng, cho nên gọi là lợi ích tồn vong.


Каталог: downloads -> giang-kinh
giang-kinh -> Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức
giang-kinh -> Chú Giải Kinh Kim Cang Và Chánh Pháp Chưa Từng Có ht. Huyền VI
giang-kinh -> GIỚi thiệu kinh trung a hàM Điền Quang Liệt Định Huệ Dịch Nguồn
giang-kinh -> Kinh tứ thập nhị chưƠng tt. Thích Viên Giác Dịch
giang-kinh -> Kinh đẠi phậT ĐẢnh như lai mật nhơn tu chứng liễu nghĩA
giang-kinh -> Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao
giang-kinh -> PHẬt thuyết a di đÀ kinh yếu giải giảng ký 佛說阿彌陀經 要解講記
giang-kinh -> ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa
giang-kinh -> VỊ trí thánh ðIỂn hoa văn trên phật giáo thế giớI
giang-kinh -> Bàn Về Bốn Bộ a-hàm Lương Khải Siêu

tải về 0.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương