ĐỊa tạng mật nghĩa chánh Trí Mai Thọ Truyền


Phẩm XIII: Chúc Lũy Nhân Thiên



tải về 0.55 Mb.
trang15/15
Chuyển đổi dữ liệu15.05.2018
Kích0.55 Mb.
#38459
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

Phẩm XIII: Chúc Lũy Nhân Thiên 


 

Lúc bấy giờ, Thế Tôn cất cánh tay sắc vàng lên, xoa đảnh đầu Bồ-tát Địa-Tạng mà nói rằng:  "Địa-Tạng!  Địa-Tạng!  Thần lực của ông không thể nghĩ bàn được; Từ-bi của ông không thể nghĩ bàn được; Trí-huệ của ông không thể nghĩ bàn được; Biện-tại của ông không thể nghĩ bàn được.  Giá phỏng chư Phật mười phương, trong ngàn muôn kiếp, ca ngợi, nói bày những việc không thể nghĩ bàn của ông, cũng không làm sao hết được.

 

"Này Địa-Tạng!  Này Địa-Tạng! Ông ghi nhớ rằng ta nay tại cung trời Đao-lợi, trong đại hội của trăm, ngàn, muôn ức, không thể kể xiết, không thể kể xiết chư Phật, Bồ-tát, Thiên Long tám bộ, trối trăn giao phó lại cho ông loài người, loài trời, tất cả chúng-sanh chưa ra khỏi ba thế-giới, còn trong nhà lửa, ông đừng để những chúng-sanh ấy rơi vào nẻo ác, dầu là trong một ngày một đêm, hà huống để cho họ rơi vào ngục Ngũ Vô-gián cùng ngục A-tỳ, trải muôn ngàn ức kiếp, không có ngày ra.



 

"Này Địa-Tạng!  Chí nguyện và tâm tánh của chúng-sanh cõi Nam-Diêm-phù-đề không định, vì phần đông quen thói làm ác cho nên thoảng hoặc có phát tâm lành, trong chốc lát rồi cũng thối bước, bằng gặp duyên ác, những tư-tưởng ác lại tăng thêm.  Bởi lẽ ấy, ta tự phân thân ra làm trăm, ngàn, ức để hóa độ chúng-sanh, tùy căn tánh mà độ thoát tất cả.

 

"Này Địa-Tạng!  Ta nay ân cần giao gởi cho ông chúng-sanh của cõi Người, cõi Trời.  Trong đời vị lai, nếu có người cõi Trời, cõi Người, cùng trai lành gái tín, ở trong Pháp Phật, gieo những căn lành, nhỏ nhít dầu bằng sợi lông, bằng hột bụi, bằng hột cát, bằng giọt nước, ông hãy lấy sức mạnh của Đạo (đạo lực) mà ủng hộ những người ấy, để cho họ lần hồi tu sửa đến chỗ Vô-thượng giác, đừng để họ thối bước.



 

"Lại nữa, này Địa-Tạng!  Trong đời vị-lai, dầu trời, dầu người, nếu vì sự báo ứng của nghiệp mà phải rơi vào nẻo ác, thì khi sắp rơi vào đường ác hoặc khi đã tới ngưỡng cửa ác mà biết niệm một danh-hiệu Phật, một danh-hiệu Bồ-tát, một câu, một kệ Kinh-điển Đại-thừa, thì ông hãy lấy phương-tiện của thần-lực mà cứu bạt những chúng-sanh ấy.  Nơi chỗ họ đứng, ông hiện thân vô biên, đập nát địa ngục, làm cho họ được sanh về cõi trời, hưởng thọ nhiều sự vui sướng mầu nhiệm.  Lúc bấy giờ, Thế Tôn nhân đây mà nói bài kệ như sau:

 

"Hiện tại, vị lai, trời, người thảy,

Ta nay ân cần giao phó ông:

Hãy dùng thần thông phương tiện độ

Đừng để rơi vào các nẻo ác".

 

Khi ấy, Bồ-tát Địa-Tạng quì gối, chấp tay, bạch Phật nói: "Thế-Tôn!  Cúi xin Thế-Tôn chớ lo.  Trong đời vị-lai, nếu có trai lành gái tín nào, trong Pháp Phật, biết một niềm cung kính, tôi sẽ dùng trăm ngàn phương tiện độ thoát những người ấy, trong chỗ sanh tử, mau được giải thoát.  Huống chi những người tai nghe việc lành, mỗi niệm đều nghĩ tới việc tu hành, thì tự nhiên trên đường Vô-thượng-giác, họ mãi mãi không thối bước".



 

Lúc Địa-Tạng nói như thế, trong Hội có một Bồ-tát danh Hư-Không-Tạng, bạch Phật nói rằng: "Thế-Tôn!  Tôi từ đến cung trời Đao-lợi, đã nghe Như-Lai ca ngợi oai thần thế lực không thể nghĩ bàn của Bồ-tát Địa-Tạng.  Nếu trong đời vị-lai, có những trai lành gái tín nào, thậm chí tất cả hàng Thiên, Long, nghe được Kinh này và danh hiệu Địa-Tạng, hoặc chiêm ngưỡng, lễ bái hình tượng Địa-Tạng, những người ấy sẽ được bao nhiêu phước lợi?  Cúi xin Thế-Tôn vì tất cả chúng sanh trong vị lai, hiện tại, sơ lược nói cho nghe".

 

Phật bảo Bồ-tát Hư-Không-Tạng:  "Hãy nghe kỹ, hãy nghe kỹ, ta sẽ vì ngươi mà phân biệt nói về điều đó.  Nếu trong đời vị-lai, có trai lành gái tín nào thấy hình tượng Địa-Tạng cùng nghe Kinh này, thậm chí đọc tụng, dùng hương hoa, ẩm thực, y phục, châu báu mà bố thí cúng dường, ca ngợi, chiêm ngưỡng, lễ bái, thì những người ấy được hai mươi tám thứ lợi ích:



 

-  Một là Thiên, Long giữ gìn sự nhớ tưởng của mình.

-  Hai là quả lành càng ngày càng thêm.

-  Ba là tụ tập những hột giống hạng cao để làm Thánh.

-  Bốn là không lui bước trên đường giác ngộ.

-  Năm là ăn mặc đầy đủ dư dật.

-  Sáu là tật bệnh không có.

-  Bảy là tránh khỏi tai họa nước lửa.

-  Tám là không bị ách nạn giặc cướp.

-  Chín là ai thấy cũng khâm phục kính mến.

-  Mười là được quỉ thần giúp đở giữ gìn.

-  Mười một là thân gái chuyển thành thân nam.

-  Mười hai (nếu phải làm thân nữ nhân) thì làm con gái của hàng vua chúa.

-  Mười ba là tướng mạo tốt đẹp và đoan chánh

-  Mười bốn là thường sanh về cõi trời.

-  Mười lăm là ở thế gian làm bậc đế vương

-  Mười sáu là sáng suốt biết đời trước.

-  Mười bảy là cầu gì được nấy.

-  Mười tám là họ hàng vui vẻ

-  Mười chín là các tai họa tiêu diệt.

-  Hai mươi là nghiệp ác trừ tuyệt.

-  Hai mươi mốt là ở, đi, đều thông suốt.

-  Hai mươi hai là đêm chiêm bao an vui.

-  Hai mươi ba là bà con chết trước hết khổ.

-  Hai mươi bốn là phước trước được hưởng.

-  Hai mươi lăm là Hiền Thánh ca ngợi.

-  Hai mươi sáu là nghe thấy sáng suốt.

-  Hai mươi bảy là nhiều thương xót.

-  Hai mươi tám là chung cuộc thành Phật.

 

"Lại nữa, này Bồ-tát Hư-Không-Tạng, nếu trong hiện tại, vị lai, Thiên, Long, quỉ, thần nào nghe danh hiệu Bồ-tát Địa-Tạng, lễ bái hình tượng Địa-Tạng, hoặc nghe Kinh Địa-Tạng Bổn nguyện, theo các điều chỉ dạy trong đó mà tu hành, ca ngợi, chiêm bái, thì sẽ được bảy thứ lợi ích:



 

-  Một là mau lên bậc Thánh.

-  Hai là nghiệp ác tiêu diệt.

-  Ba là chư Phật giáng lâm hộ trì.

-  Bốn là không thối bước trên đường giác-ngộ.

-  Năm là sức mình tăng trưởng.

-  Sáu là thông biết đời trước.

-  Bảy là rốt cuộc thành Phật".

 

Lúc bấy giờ, tất cả những người từ mười phương tụ tập về, đông không kể xiết, tất cả chư Phật, Bồ-tát, tám nhóm Thiên Long, nghe Phật Thích-ca Mâu-ni ca tụng, khen ngợi sức mạnh oai thần không thể nghĩ bàn của Bồ-tát Địa-Tạng, đều thở ra nói:  Thật là việc chưa từng nghe thấy.



 

Ngay lúc ấy, nơi cung trời Đao-lợi, vô lượng mưa hương, mưa hoa, mưa thiên y, mưa chuỗi ngọc, rưới xuống cúng dường đức Phật Thích-ca Mâu-ni cùng Bồ-tát Địa-Tạng xong, tất cả trong hội đều chiêm ngưỡng, lễ bái một lần nữa, rồi chấp tay lui bước.

 

 

Bài Tán


 

Lời tự thệ của Địa-Tạng

Là nguyên-nhân nói trong Kinh của sự trọng khinh (về phước đức).

Tàn tật, câm ngọng là do nghiệp tiền sanh.

Đời nay nếu biết đọc tụng Kinh điển Đại-thừa,

Thì sẽ có phước lợi vô cùng,

Và quyết định sanh vào hoa sen báu (cõi Cực-lạc)  

 

 



Mật Nghĩa:

 

Theo Kinh, thần-lực, từ-bi, trí-huệ và biện-tái của Địa-Tạng không thể nghĩ bàn, nghĩa là không thể quan niệm, tưởng tượng được.  Mà Địa-Tạng tượng trưng cho Tâm, thì chính tâm là sức mạnh, là từ-bi, là trí-huệ, là tài hùng biện vô lượng vô biến đó.

 

Lại nữa, nếu hiểu Tâm mới là "con người thật", mới chính là ta, thì mỗi chúng ta là một nguồn sức mạch tâm linh (forces spirituelles), một suối từ-bi, một mặt trời trí-huệ, một núi hùng biện, tất cả đều vô cùng vô tận, không thể kể nói cho hết được, và cũng không thể đem ra suy gẫm, bàn luận được.  Tất cả những đức tướng ấy đều tuyệt đối.

 

Vậy con người có đầu đủ điều kiện, phương tiện để tự mình cứu vớt lấy mình (thần lực); đầy đủ thương xót để làm lành (từ-bi); đầy đủ sáng suốt để phân biện giả chân, thiện ác, chánh tà (trí huệ), đầy đủ tài biện luận để giải nghi (biện tài).  Do đây Phật mới gởi gấm chúng sanh cho Địa-Tạng gìn giữ, nói một cách khác, giao chúng ta cho Tâm chúng ta chăm nom, đừng để rơi vào nẻo ác.

 

Sở dĩ chúng ta được Tâm Địa-Tạng trông nom như thế mà thường hâ sa đọa, chỉ vì chí chúng ta không định một chổ, nay muốn tu mà mai lại thôi, hôm nay phát tâm lành quyết bỏ việc ác mà vài hôm sau lại thối bước.  Tuy nhiên, nếu chúng ta biết rằng cốt yếu ở chổ gieo trồng, thì ngay đây gieo đi, dầu hột lành chỉ bằng đường tơ, sợi tóc, hột cát, giọt nước.  Vì sao?  Vì có giống là sẽ có cây, có cây là sẽ có trái, nếu Địa-Tạng hay Tâm của chúng ta biết ủng hộ hột giống đó đừng để nó mất.  Vì vậy, lúc muốn làm việc ác (lâm đọa thú trung), hoặc lúc sắp lám việc ác (hoặc chí môn thủ), thì nên dừng lại, nhớ nghĩ đến Phật (niệm đắc nhất Phật danh, nhất Bồ-tát danh) hoặc nhớ Pháp (niệm nhất cú nhất kệ) thì sẽ được Địa-Tạng hay Tâm phá nát địa ngục là sự mê muội, tối tăm của mình mà tránh được điều ác.

 

Hơn nữa, nếu tai cứ nghe việc lành, mỗi lúc đều nghĩ tới việc tu hành, lễ Phật, đọc Kinh, thì ngay đây được nhiều lợi ích phước đức, lại còn cái lợi khác là tiến bước mãi trên đường Vô thượng giác (thành Phật), không hề thối bước.  Muốn được như vậy, cần phải tự thề quả quyết với mình (Bổn thệ) 


Kết Luận


 

Có lẽ đến đây không còn sự nghi ngờ về tính cách tượng trưng của Bồ-tát Địa-Tạng.  Nhưng một thắc mắc không khỏi phát sanh trong lòng người đọc:  "Địa-Tạng chỉ Tâm chớ không phải chỉ một vị Bồ-tát thật có, vậy có nên tiếp tục lễ bái, chiêm ngưỡng, cúng dường Bồ-tát Địa-Tạng không?

 

Xin thưa:  chẳng những nên mà còn cần tiếp tục, nhưng với một tinh thần mới, một thái độ mới.

 

Trước kia, nếu chúng ta có lầm tưởng rằng lễ bái, chiêm ngưỡng, cúng dường là đủ, thì nay nên gắn ghi và thực hành mấy điều sau đây:

 

1.  Thêm vào sự tin tưởng lễ bái, việc đọc Kinh Địa-Tạng



2.  Suy gẫm cho nhiều, cho sâu, những lời vàng ngọc của Phật.

3.  Thực hành những gì Kinh dạy làm.

 

Thâm ý của Đức Thế Tôn là đưa ra câu truyện Bồ-tát Địa-Tạng để gây niềm tin nhân đó mà khuyến cáo về hậu quả tai hại của những nghiệp chẳng lành, rốt cuộc dạy bảo những phương pháp khử ác tồn thiện.  Vì vậy cần lễ bái chiêm ngưỡng để khải phát lòng tin; cần suy gẫm cho nhiều để thâm nhập giáo pháp của Phật về luật nghiệp báo nghiêm minh, chót hết cần phải thực hành những phương pháp tu sửa dạy rõ trong Kinh, nếu chúng ta thật tâm cương quyết thoát ly địa ngục và tự ban cho mình những phước lạc Phật hứa khả.

 

Nhất thiết do Tâm tạo, thì Thiên đường hay địa-ngục cũng đều do Tâm mà ra.  Những gì Tâm làm được, Tâm phá được.  Bởi cớ chỉ có Địa-Tạng của chúng ta mới phá ngục "thiết vi" của tham, sân, si do chúng ta tạo và trả chúng ta về với cảnh giới giải thoát tự tại.

 

Nguyện mười phương chư Phật, Bồ-tát hộ trì cho tất cả bạn đọc đều sáng suốt nhận thức như thế để khỏi phụ lòng từ mẫn giáo hóa của Đức Thế Tôn. 


Chánh Trí


 

[1] Năm tướng suy (Ngũ suy tướng) là:  quần áo dơ dáy, trên đầu tóc rối, thân thể hôi hám, dưới nách thường ra mồ hôi, không thích ngôi vị của mình nữa.

HẾT


--- o0o ---
Каталог: downloads -> giang-kinh
giang-kinh -> Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức
giang-kinh -> Chú Giải Kinh Kim Cang Và Chánh Pháp Chưa Từng Có ht. Huyền VI
giang-kinh -> GIỚi thiệu kinh trung a hàM Điền Quang Liệt Định Huệ Dịch Nguồn
giang-kinh -> Kinh tứ thập nhị chưƠng tt. Thích Viên Giác Dịch
giang-kinh -> Kinh đẠi phậT ĐẢnh như lai mật nhơn tu chứng liễu nghĩA
giang-kinh -> Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao
giang-kinh -> PHẬt thuyết a di đÀ kinh yếu giải giảng ký 佛說阿彌陀經 要解講記
giang-kinh -> ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa
giang-kinh -> VỊ trí thánh ðIỂn hoa văn trên phật giáo thế giớI
giang-kinh -> Bàn Về Bốn Bộ a-hàm Lương Khải Siêu

tải về 0.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương