ĐỊa tạng mật nghĩa chánh Trí Mai Thọ Truyền


Phẩm VIII: Diêm-La Vương Chúng Tán Thán



tải về 0.55 Mb.
trang11/15
Chuyển đổi dữ liệu15.05.2018
Kích0.55 Mb.
#38459
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

Phẩm VIII: Diêm-La Vương Chúng Tán Thán


Lúc bấy giờ, trong núi Thiết-vi, có vô lượng vua quỉ và vua Diêm La đồng lên cung trời Đao-Lợi, đến chổ đức Phật ở.  Các vua quỉ ấy tên là: Ác-Độc quỉ-vương, Đa-Ác quỉ-vương, Đại-Tránh quỉ-vương, Bạch-Hổ quỉ-vương, Huyết-Hổ quỉ-vương, Xích-Hổ quỉ-vương, Tán-Ương quỉ-vương, Phi-Thân quỉ-vương, Điện-Quang quỉ-vương, Lang-Nha quỉ-vương, Đạm-Thú quỉ-vương, Phụ-Thạch quỉ-vương, Chủ-Hao quỉ-vương, Chủ-Họa quỉ-vương, Chủ-Phước quỉ-vương, Chủ-Thực quỉ-vương, Chủ-Tài quỉ-vương, Chủ-Súc quỉ-vương, Chủ-Cầm quỉ-vương, Chủ-Thú quỉ-vương, Chủ-Mỵ quỉ-vương, Chủ-Sản quỉ-vương, Chủ-Mạng quỉ-vương, Chủ-Tật quỉ-vương, Chủ-Hiển quỉ-vương, Tam-Mục quỉ-vương, Tứ-Mục quỉ-vương, Ngũ-Mục quỉ-vương, Kỳ-Lợi quỉ-vương, Đại-kỳ-Lợi-thất-vương, Kỳ-Lợi xoa-vương, Đại-kỳ-Lợi xoa-vương, A-Na-Trá vương, Đại A-Na-Trá vương. 

Những đại quỉ-vương như trên, mỗi mỗi cùng trăm ngàn tiểu quỉ-vương, hết thảy đều ở cõi Diêm-phù-đề, mỗi mỗi đều có "sở chấp", "sở trụ".  Các quỉ-vương ấy cùng vua Diêm-La, nương oai thần của Phật và sức mạnh của Bồ-tát Địa-Tạng, đồng đến cung trời Đao-Lợi đứng qua một bên. 

Lúc ấy, vua Diêm-La, quì gối chấp tay, bạch Phật nói rằng: "Thế-Tôn!  Tôi hôm nay, cùng các vua quỉ, nhờ oai thần của Phật và sức mạnh của Bồ-tát Địa-Tạng, mới đến được cung trời Đao-Lợi này, và cũng vì chúng tôi đã gặt được lợi lành vậy.  Tôi hôm nay có điều nghi nhỏ, dám hỏi Thế-Tôn từ bi giải nói cho chúng tôi nghe". 

Phật nói với vua Diêm-la: "Ông hãy nói đi, tôi sẽ vì ông mà nói". 

Lúc bấy giờ, vua Diêm-la chiêm ngưỡng lễ bái đức Thế-Tôn, cùng quày lại ngó Bồ-tát Địa-Tạng, rồi bạch Phật: "Bạch Thế-Tôn, tôi xét thấy Bồ-tát Địa-Tạng, tại sáu đường luân hồi, dùng trăm ngàn phương tiện cứu độ chúng-sanh tội khổ, không từ mõi mệt.  Thật Địa-Tạng Bồ-tát có những thần thông không thể nghĩ bàn vậy.  Thế mà các chúng-sanh thoát khỏi tội báo không bao lâu, lại sa vào nẻo ác.  Bạch Thế-Tôn, Bồ-tát Địa-Tạng có thần-lực cứu độ không thể nghĩ bàn như thế, tại sao chúng-sanh không dừng bước ở yên trên đường lành, vĩnh viễn nắm lấy sự giải thoát?  Cúi xin Thế-Tôn giải nói cho tôi nghe". 

Phật bảo vua Diêm-la:  "Chúng-sanh cõi Nam-diêm Phù-đề, cứng đầu cứng cổ, khó dạy khó sửa.  Trong trăm ngàn kiếp, Bồ-tát Địa-Tạng hằng lo cứu nhổ tội khổ cho những chúng-sanh ấy để chúng sớm được giải thoát.  Thậm chí những kẻ vì tội báo sa vào nẻo ác lớn, Bồ-tát cũng dùng sức phương tiện, nhổ tận gốc rễ nghiệp-duyên, khiến chúng tỉnh thức mà biết những việc của các đời trước.  Chính vì chúng-sanh Diêm-phù thói ác kết hợp nặng nề cho nên mới có việc hết ra rồi lại vào, ra vào quay mòng, làm cho Bồ-tát phải mệt lo, trải qua nhiều kiếp, mới độ thoát được.  Thí dụ như có người lầm đường về nhà, đi vào một con đường nguy hiểm, nơi ấy có nào quỉ dạ-xoa, nào cọp, sói, sư-tử, rắn rít, bọ cạp.  Trong con đường nguy hiểm ấy, người lạc đường kia không bao lâu ắt sẽ ngộ độc.  Có một người hiểu biết nhiều pháp thuật lạ, có thể trừ quỉ giải độc, chợt gặp người lầm đường trong lúc người này muốn sấn bước vào nẻo hiểm.  Ông ta bèn kêu nói:  "Bác kia ơi! Làm gì mà đi vào đường ấy? Bác có phép thuật nào trừ được các thứ độc mà lại dám đi vào đó?" 

"Người lầm đường, bổng nghe lời hỏi, mới hay la mình sắp đi vào con đường nguy hiểm, bèn lập tức lui bước để ra khỏi chốn ấy.  Khách sáng-biết liền nắm tay người lầm đường dẫn ra khỏi nơi nguy hiểm để khỏi bị hại, thậm chí còn đưa đến đường tốt để được bình an, vui sướng, và nói rằng:  "Này ông bạn mê muội ơi!  Từ nay về sau, đừng đi trên con đường ấy nữa nhé!  Đi vào đấy thì khó mà ra khỏi, lại con tổn thất tánh mạng nữa".  Người lầm đường nghe dặn, lòng hết sức cảm động.  Lúc từ giã nhau, khách sáng-biết lại dặn: "Có thấy người quen biết, thân quyến cùng kẻ đi đường, bất luận nam nữ, anh nên báo cho họ biết rằng trong đường ấy có nhiều ác độc, có thể làm mất tánh mạng, để họ khỏi tự chuốt cái chết". 

Bởi Bồ-tát Địa-Tạng đầy đức đại từ bi, cho nên Bồ-tát cứu nhổ tội khổ cho chúng-sanh, mong cho chúng-sanh được sanh về cõi Nhân, Thiên, hưởng sự sung sướng huyền diệu.  Chúng-sanh nào biết rằng đi trên con đường ác nghiệp là khổ, thì khi thoát khỏi nẻo ấy, vĩnh viễn không trở lại.  Cũng như kẻ lầm đường, vào nơi nguy hiểm, gặp người sáng-biết, dắt dẫn ra khỏi, vĩnh viễn không vào trở lại, rồi khi gặp người khác, lại khuyên người chớ bén mảng nơi ấy.  Tự nhiên mà lìa cái nguyên-nhân mê-muội lạc đường, rồi không còn trở lại nữa.  Nếu còn trở lại đi trên con đường ấy là còn mê lầm, chẳng thức tỉnh việc đã qua, quên mất con đường hiểm đã phải sa vào hoặc cái nạn gần mất tánh mạng.  Những chúng-sanh đã rơi vào nẻo ác, nếu đã được sanh về cõi Nhân Thiên mà còn trở lại đường ác, nghiệp chướng nặng nề, thì phải ở địa-ngục mãi không lúc nào ra khỏi". 

Lúc bấy giờ, vua quỉ Ác-Độc, chấp tay cung kính bạch Phật: "Bạch Thế-Tôn, chúng tôi, vua quỉ, đông không thể biết số, tại cõi Diêm-phù, hoặc làm lợi ích, hoặc làm tổn hại loài người, không việc làm của quỉ vương nào giống quỉ vương nào.  Nhưng vì nghiệp-báo sai sử cho nên dòng họ tôi mới đi khắp thế-giới nhiều dữ ít lành.  Đi qua sân nhà người, hoặc thành, ấp, xóm làng, trại vườn, buồng, nhà, gặp đàn ông, đàn bà nào làm được một việc lành bằng đường tơ kẽ tóc, cho đến treo một lá phan, một bảo cái, dâng một cây hương con, dùng một đóa hoa nhỏ cúng dường tượng Phật và Bồ-tát, hoặc đọc tụng Kinh quí, đốt hương cúng dường một bài kệ, chúng vua quỉ chúng tôi kính lễ những người ấy như kính lễ chư Phật trong ba đời hiện tại, vị lai và quá khứ.  Chúng tôi còn ra lệnh cho các quỉ nhỏ, mỗi quỉ đều có sức mạnh lớn, cùng các thần thổ-địa che chở cho những người ấy, chẳng cho việc dữ, tai nạn, bệnh ngặt, bệnh thình lình và những việc không vừa ý đến gần nhà họ ở, đừng nói là vào cửa". 

Phật khen vua quỉ: "Hay lắm! Hay lắm! Chúng ngươi và các vua Diêm-la mà năng ủng hộ những trai lành, gái lành như vậy thì ta sẽ ra lệnh cho Phạm-vương, Đế-Thích che chở các ngươi". 

Lúc Phật nói mấy lời này, trong hội có một vua quỉ tên là Chủ-mạng (chủ mạng sống) bạch Phật rằng: "Thế-Tôn, nghiệp-duyên căn bản của tôi là làm chủ mạng sống của loài người ở cõi Diêm-phù-đề, giờ sanh, giờ chết của loài người đều do tôi định đoạt.  Ai theo đúng lời nguyện căn-bản của tôi thì được lợi ích lớn.  Nhưng tại vì chúng-sanh không thầm hiểu được ý tôi cho nên tự làm cho lúc sanh cũng như khi chết đều không được an.  Tại sao thế?  Người cõi Diêm-phù này, lúc mới sanh ra, bất luận trai gái, hoặc lúc sắp sanh, chỉ nên làm việc lành để thêm sự lợi ích cho nhà cửa và khiến cho thổ-địa vui mừng khôn xiết, ủng hộ cả mẹ lẩn con được nhiều an vui và làm lợi ích cho bà con.  Hoặc khi sanh con rồi, chớ nên sát hại (thú vật) để lấy phần ngon tươi cung cấp cho người mẹ, cũng chớ nên mời bà con đông đảo, rượu thịt khoản đãi, đờn ca xướng hát mà làm cho mẹ con chẳng đặng an vui.  Tại sao vậy?  Vì lúc sanh sản khó khăn, có vô số quỉ ác và ma quỉ chực ăn huyết đỏ.  Do đây tôi mớI sớm ra lệnh cho các thần trong nhà, trong cuộc đất, bảo hộ người mẹ và đứa trẻ mới sanh cho được an vui và lợi ích.  Nhừng người ấy, được an vui như thế, thì nên làm phước làm lành đáp ơn thổ-địa.  Trái lại, nếu sát hại thú vật, tụ hội bà con chè chén thì đó là tự mình gây tội lỗi phải tự chịu tai ương, mẹ con đứa trẻ sơ sanh phải có điều tổn hại.

 "Lại nữa, đối với người cõi Diêm-phù bất luận hiền dữ, hễ họ đến lúc sắp chết, tôi đều muốn cho họ, sau khi chết rồi, không sa vào nẻo ác.  Nếu là người đã tự tu căn lành, thì sức cứu độ của tôi được tăng thêm biết bao. 

"Dầu là người làm lành của cõi Diêm-phù-đề, đến giờ mạng chung, còn có trăm ngàn quỉ thần của nẻo ác, hoặc biếm làm cha mẹ, hoặc biến làm bà con, dắt dẫn vong linh người chết vào nơi nẻo ác.  Người lành mà còn bị dắt dẫn như thế hà huống người lúc sống vốn quen làm ác. 

"Bạch Thế-Tôn, kẻ nam người nữ cõi Diêm-phù-đề, khi giờ chết sắp đến, thần-thức mê muội, chẳng phân biệt được thiện ác, còn mắt tai thì không còn nghe thấy nữa.  Bà con lúc ấy nên thiết lễ cúng dường lớn lao, đọc tụng Kinh báu, niệm danh hiệu chư Phật, Bồ-tát.  Tạo được thiện duyên này thì làm cho vong linh xa lìa ác đạo được, các ma, quỉ, thần, đều phải thối lui và giải tán. 

"Bạch Thế-Tôn, tất cả chúng-sanh, nếu lúc sắp chết mà nghe được một danh hiệu Phật, một danh hiệu Bồ-tát, hoặc nghe được một câu, một kệ của Kinh-điển Đại-thừa, thì theo chỗ tôi xét thấy, ngoại trừ 5 tội trọng, đều được giải thoát các ác nghiệp nhỏ mà lẽ ra phải làm cho họ sa đọa vào ác đạo". 

Phật bảo Quỉ-vương Chủ-Mạng: "Người có lòng từ lớn lắm mới phát được nguyện to như thế, là trong chổ sanh tử, ủng hộ tất cả chúng-sanh.  Vậy trong đời vị lai, ngươi chớ nên thối bước trong hạnh nguyện ấy, để cho chúng-sanh, đến giờ sanh cũng như đến giờ chết, đều được giải thoát và an vui mãi mãi". 

Chủ-Mạng Quỉ-vương bạch Phật: "Xin Thế-Tôn chớ lo, cho đến hết thân này, tôi luôn luôn ủng hộ chúng-sanh cõi Diêm-phù-đề, khiến cho họ, lúc sống, lúc chết đều được an vui.  Chỉ nguyện có một điều, là lúc sống, lúc chết, chúng-sanh tin giữ lời tôi, thì không bao giờ mà chẳng đặng giải thoát và thâu lượm nhiều sự lợi ích". 

Lúc bấy giờ Phật bảo Bồ-tát Địa-Tạng: "Quỉ-vương này là người làm chủ mạng sống; ông ta từng trải qua trăm ngàn đời làm Đại Quỉ-vương để ủng hộ chúng-sanh trong lúc sống cũng như trong lúc chết.  Thật ra đó là một vị Bồ-tát, vì lời nguyện từ bi, hiện thân Đại quỉ để hộ chúng-sanh, chớ không phải quỉ vậy.  Về sau, quá một trăm bảy chục kiếp, Bồ-tát ấy sẽ thành Phật, hiệu là Vô-Tướng Như-Lai, kiếp tên An-Lạc, thế-giới gọi là Tịnh-Trụ.  Phật Vô-Tướng sống lâu không biết bao nhiêu kiếp mà kể. - Này Bồ-tát Địa-Tạng, sự tích của Đại Quỉ-vương là như vậy, không làm sao nghĩ bàn cho được.  Những hàng Trời, người được Quỉ-vương độ đông cũng không biết bao nhiêu mà nói". 

 Mật nghĩa

"Diêm-la vương chúng tán thán" nghĩa là:  Các vua cõi Diêm-la (âm phủ) khen ngợi. - Khen ngợi ai, khen ngợi điều gì?  Khen ngợi người làm lành, người biết cúng dường Phật-bảo, Pháp-bảo. 

Những Quỉ-vương (vua quỉ) nói trong phần đầu phẩm thứ tám, không phải những ma quỉ tin tưởng ở thế-gian, mà là những tư tưởng, ý niệm của chúng ta, hay nói cho đúng là của những chúng-sanh sống trong đen tối của ngu dốt đạo-lý (vô-minh) mà Kinh ví như địa-ngục trong núi Thiết-vi.  Toàn những tư tưởng, ý niệm của một người hợp thành tâm của người ấy.  Tâm ai ác độc là người ấy có Ác-độc Quỉ-vương, tâm ai có nhiều ác là Đa-ác Quỉ-vương, tâm ai hay tranh chấp là có Đại-tránh Quỉ-vương, tâm ai muốn ăn tươi nuốt sống kẻ nghịch kẻ thù của mình, là có Bạch-hổ, có Huyết-hổ Quỉ-vương.  Tâm ai ưa xâu xé, là có Lang-nha Quỉ-vương (Quỉ-vương có răng của chó sói); tâm ai chỉ nghĩ đến việc ăn uống, là có Chủ-thực Quỉ-vương; tâm ai chỉ hướng về chổ tiền bạc, là có Chủ-tài Quỉ-vương; tâm ai hay thèm, hay tìm ngó, là có con quỉ ba mắt, bốn mắt trong lòng (Tam-mục, Tứ-mục Quỉ-vương)... 



Quỉ thì phải ở địa-ngục; tư tưởng ác xấu phải ở trong vô-minh, trong địa-ngục vô-minh.  Cớ sao quỉ lại lên cõi trời Đao-lợi là nơi dành cho bậc lành sạch được? 

Kinh dạy:  Lên được là nhờ oai-thần của Phật và sức mạnh của Bồ-tát Địa-Tạng. 

Phật là Giác, vậy nhờ oai-thần của Phật là nhờ sự Giác-ngộ.  Địa-Tạng, tượng trưng cho Tâm, vậy nhờ sức mạnh của Địa-Tạng, là nhờ sức cương quyết giải-thoát và sự sáng suốt của Tâm. 

Vậy nghĩa kín của đoạn Kinh này là:  Nhờ sự cương quyết giải thoát của tự tâm mỗi người (Đia-Tạng Bồ-Tát lực) và sự Giác-ngộ, những "tư tưởng ác độc vì ngu muội" có thể đăng thiên, nghĩa là trở nên lành, và người có những tư tưởng ấy có thể góp mặt với đám người thuần thiện. 

Nhưng tâm ai không có những cơn ăn năn hối ngộ, cớ sao vừa ăn năm lỗi mình đó, rồi lại phạm tội nữa?  Đó là nghĩa ẩn của câu hỏi:  "Tai sao Bồ-tát Địa-Tạng hết sức cứu độ chúng-sanh, mà chúng-sanh, một khi đã được giải thoát tội lỗi, không chịu đứng yên trong đường lành, mà lại trở vào nẻo dữ?" 

Phật giải:  Ấy tại vì chúng-sanh cứng đầu cứng cổ, khó dạy, khó bảo.  Và sở dĩ chúng-sanh cứng đầu cứng cổ là vì đã nhiều đời nhiều kiếp kết nối nhiều tập quán làm ác làm sai.  Bởi lẽ này, Bồ-tát Địa-Tạng phải dày công hóa độ nhiều kiếp mới giải thoát được.  Nghĩa là chúng-sanh phải tự mình cương quyết giải thoát và tu hành nhiều đời nhiều kiếp mới có kết quả. 

Trong thí-dụ người lạc đường, người này tiêu biểu cho chúng-sanh lạc lối, lẽ phải đi trên con đường êm đẹp của thiện nghiệp lại lầm vào nẻo ác, có nhiều độc hại.  Gặp hàng tri-thức (người biết đạo lý, sáng suốt, hoặc thầy, hoặc bạn, hoặc kinh, hoặc sách) chỉ cho thấy những độc hại ấy thì nên theo sự dìu dắt sáng suốt của tri-thức mà ra khỏi mê-đồ, đừng tái nhập mà bị hại.  Chẳng những thế, một khi ra khỏi chổ nguy, nên ngăn bảo những người khác, quen biết cũng như không quen biết, đừng để họ lầm lẫn như mình trước kia. 

Ra khỏi đường nguy mà còn trở lại rồi tật nào nghiệp nấy, vô minh thêm sâu dày thì khó mà ra khỏi sự hắc ám này. 

Nhưng tư tưởng, ý niệm của chúng ta đâu có cố định là thiện hay là ác.  Tùy ta mà những quỉ làm hại sẽ trở thành những quỉ ủng hộ.  Nói một cách khác, tùy ta mà những tư-tưởng, ý niệm của chúng ta, trước dữ độc, sau trở nên hiền lành, không chiêu họa mà gọi sự phước đức đến với ta.  Tùy ở chổ chúng ta quày về với cái Thiện, với đạo-đức: chỉ làm được một việc lành bằng sợi tơ sợi tóc, chỉ biết đốt một cây hương nhỏ, chỉ biết cúng Phật một đóa hoa con, cũng đủ rồi.  Nhưng đó mới là kính trọng Phật-bảo.  Còn phải biết kính trọng Pháp-bảo, là đọc tụng và kính trọng Kinh điển là lời Phật dạy, để biết, để hiểu mà theo đó tu hành ăn năn sửa lỗi. 

Lại nữa, người đời ai không muốn "sanh thuận tử an".  Muốn được như lòng, thì đừng làm việc ác độc, giết gà mỗ lợn ăn mừng ngày sanh, vì làm như thế là tạo nghiệp ác cho đứa trẻ mới sanh.  Khi chết, cũng đừng vật trâu ngã bò cúng tế mà làm nặng gánh kẻ ra đi mà nên tụng kinh niệm Phật cho vong-linh thức tỉnh mà xa lìa nẻo ác.

 


Каталог: downloads -> giang-kinh
giang-kinh -> Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức
giang-kinh -> Chú Giải Kinh Kim Cang Và Chánh Pháp Chưa Từng Có ht. Huyền VI
giang-kinh -> GIỚi thiệu kinh trung a hàM Điền Quang Liệt Định Huệ Dịch Nguồn
giang-kinh -> Kinh tứ thập nhị chưƠng tt. Thích Viên Giác Dịch
giang-kinh -> Kinh đẠi phậT ĐẢnh như lai mật nhơn tu chứng liễu nghĩA
giang-kinh -> Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao
giang-kinh -> PHẬt thuyết a di đÀ kinh yếu giải giảng ký 佛說阿彌陀經 要解講記
giang-kinh -> ÐẠo phật ngày nay một diễn dịch mới về ba bộ kinh pháp hoa
giang-kinh -> VỊ trí thánh ðIỂn hoa văn trên phật giáo thế giớI
giang-kinh -> Bàn Về Bốn Bộ a-hàm Lương Khải Siêu

tải về 0.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương