64/bc-cp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam


VIII. Đánh giá môi trường chiến lược



tải về 283.02 Kb.
trang7/7
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích283.02 Kb.
#29313
1   2   3   4   5   6   7

VIII. Đánh giá môi trường chiến lược


Thủ đô Hà Nội sau khi sáp nhập hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường bức xúc như: sử dụng chưa hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt tài nguyên đất, nước và cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, suy thoái tài nguyên nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải, khí thải từ sinh hoạt, sản xuất và giao thông đô thị, suy giảm các hệ sinh thái, tai biến môi trường và ngập úng...

Để xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại, trên nền tảng phát triển bền vững, trong quá trình nghiên cứu quy hoạch, đã lồng ghép việc giải quyết các vấn đề môi trường vào việc hoạch định phát triển không gian và hạ tầng kỹ thuật, cụ thể đã giải quyết các vấn đề sau:

- Đối với ô nhiễm không khí, tiếng ồn: Giảm thiểu ô nhiễm bằng việc thiết kế mạng lưới giao thông hướng tâm kết hợp các đường vành đai và hệ thống giao thông công cộng chiếm 45-55%, di chuyển các khu công nghiệp cũ, các cơ sở giáo dục, y tế ra khỏi nội thành, giảm áp lực ô nhiễm đối với đô thị trung tâm thông qua việc phân bố dân cư ra các đô thị vệ tinh và đô thị sinh thái.

- Đối với ô nhiễm và suy thoái nguồn nước: Giảm dần khai thác nước ngầm phía Nam sông Hồng từ 65% (năm 2020) và 83% (năm 2030) sang khai thác nước mặt sông Đà, sông Đuống, sông Hồng và khai thác nước ngầm Bắc sông Hồng, đảm bảo ngăn ngừa suy thoái nước ngầm và sụt lún địa chất; giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt thông qua hệ thống thoát nước riêng ở đô thị mới, hệ thống nửa chung và hệ thống cống bao tại đô thị cũ, xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung bằng công nghệ hiện đại; kiểm soát lũ lụt bằng các biện pháp thoát nước bền vững như phân lũ sông Đáy, cải tạo hệ thống thoát nước, mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước, đạt 90% và tiến tới đạt 100%, hình thành các hồ điều hòa, hồ chứa dọc các lưu vực sông Đáy, sông Tích, các hành lang xanh.

- Đối với ô nhiễm và suy thoái đất: Cải thiện chất lượng đất thông qua bảo tồn đất nông nghiệp ở khu vực năng suất cao (dọc sông Đáy và phía Nam Hà Nội) bằng các hành lang xanh; xử lý chất thải rắn và nghĩa trang theo hướng tập trung, liên kết giữa các đô thị, lựa chọn vị trí xa khu dân cư và áp dụng công nghệ hiện đại, 50% các đô thị có công trình tái chế, giảm tỷ lệ chôn lấp: 15-40%; xây dựng mô hình “Nông thôn mới”, làng sinh thái, xử lý chất thải làng nghề theo hướng phân cụm các hộ sản xuất để xử lý chất thải.

- Đối với việc bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học: Hình thành các hành lang xanh, nêm xanh, vùng đệm chiếm 60-70% diện tích, trong đó 40-45% là các vùng bảo tồn (vùng nông nghiệp, sinh thái, di sản) và 20-25% là các vùng phát triển dựa trên bảo tồn (cụm làng nghề, nông thôn mới, du lịch sinh thái, TDTT vui chơi giải trí) nhằm giữ cân bằng sinh thái đô thị, điều hòa khí hậu, giảm nhẹ ô nhiễm, tăng khả năng tự làm sạch môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học tại 3 vùng Ba Vì, Sóc Sơn, Hương Sơn.



IX. Tài chính và quản lý đô thị

1. Tài chính đô thị


a. Khái toán tổng mức đầu tư:

Hà Nội sẽ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung (bao gồm hệ thống giao thông, chuẩn bị kỹ thuật, cấp thoát nước, cấp điện, khu xử lý chất thải rắn, nhà hỏa táng, nghĩa trang và các tuyến tuynel kỹ thuật chính) ngay trong giai đoạn 2010-2020 để tạo động lực phát triển thành phố. Giai đoạn đến năm 2020, Hà Nội đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung với tổng kinh phí khoảng 30,7 tỷ USD. Trong đó giao thông chiếm 56% tổng vốn đầu tư tương ứng khoảng 20,4 tỷ USD. Đến giai đoạn năm 2030, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung tăng thêm khoảng 28,9 tỷ USD, trong đó giao thông chiếm khoảng 12,9 tỷ USD.

Như vậy tổng kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung cho cả 2 giai đoạn 2010-2030 là khoảng 60 tỷ USD, trong đó giao thông là 33,3 tỷ USD. Giai đoạn đến năm 2050, xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật tăng thêm khoảng 29,9 tỷ USD, trong đó giao thông chiếm khoảng 16,8 tỷ USD.

b. Nguồn vốn đầu tư:

Để phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng, huy động tối đa nguồn vốn nội lực, chủ yếu từ quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước. Thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Huy động từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, FDI, đặc biệt là vốn ODA để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung cho giai đoạn 2010-2020.

c. Các chương trình và dự án chiến lược.

- Các chương trình chiến lược

Về nhà ở: Chương trình cải tạo các khu chung cư cũ; Phát triển các khu đô thị mới phía Đông đường vành đai 4, Đông Anh, Mê Linh.

Về dịch vụ: Phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hai-Ba Vì, Hương Sơn, Sóc Sơn; Xây dựng trung tâm thương mại và văn hóa Tây Hồ Tây; Trung tâm triển lãm quốc gia.

Về văn hóa-xã hội: Xây dựng các cụm trường đại học tại Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn tây, Chúc Sơn, Sóc Sơn; Xây dựng cụm y tế tại Hòa Lạc, Sóc Sơn và Thường Tín-Phú Xuyên; Hoàn thiện khu liên hợp TDTT Mỹ Đình.

Về công nghiệp: Ưu tiên hoàn chỉnh hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc; Phát triển hạ tầng các khu công nghiệp Thường Tín, Quang Minh-Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên; Xây dựng thí điểm cụm trung tâm xã tại Mê Linh, Ba Vì và Thanh Oai; Phát triển vùng trọng điểm trồng lúa, trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau an toàn.

- Các dự án chiến lược:

Giao thông: Xây dựng, hoàn chỉnh (nâng tầng) các tuyến đường vành đai 2, 3, xây dựng mới tuyến vành đai 4, tuyến trục đô thị giữa đường vành đai 3 và 4 (đường Lê Trọng Tấn; Cải tạo mở rộng quốc lộ 3, quốc lộ 6, tỉnh lộ 70, tuyến Xuân Mai-Sơn Tây; Xây dựng các tuyến cao tốc Hà Nội-Việt Trì, Hà Nội Thái Nguyên, Hà Nội-Hải Phòng, Nội Bài-Hạ Long và các tuyến Hồ Tây-Sơn Tây, Đỗ Xá-Quan Sơn, tuyến Bắc Nam qua hành lang xanh sông Đáy; Xây dựng mạng lưới 5 tuyến đường sắt đô thị, ưu tiên tuyến số 2 đi Nội Bài; Nâng cấp đường sắt quốc gia; Mở rộng cảng hàng không Nội Bài.

Cấp điện: Nâng cấp, xây dựng trạm 500KV Hiệp Hòa, Thường Tín, Hoài Đức, Đông Anh; Các tuyến đường dây 500KV Quảng Ninh-Hiệp Hòa, Hiệp Hòa- Phố Nối.

Các hạ tầng khác: dự án mở rộng Nhà máy nước mặt sông Đà, sông Đuống, sông Hồng 1 và 2; Dự án thoát nước sông Nhuệ; Dự án làm sống lại sông Đáy và sông Tích; Dự án JICA giai đoạn 2 (Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở), Yên Xá và Phú Đô; dự án các khu xử lý chất thải rắn Phù Đổng-Gia Lâm, Kiêu Kỵ, Cầu Diễn, Núi Thoong, Thanh Trì; An Phú, Đồng Ké, Xuân Sơn-Sơn Tây; mở rộng và xây dựng lò hỏa táng Yên Kỳ 2, Mai Dịch 2, Thụy Lâm-Đông Anh và Lệ Chi-Gia Lâm.



d. Phân kỳ thực hiện và ưu tiên đầu tư:

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được triển khai thực hiện theo các mốc thời gian như sau:

Giai đoạn từ năm 2010-2020: Tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, trong đó ưu tiên xây dựng và hoàn thiện các tuyến vành đai 3, 4, tuyến đường Láng-Hòa Lạc, quốc lộ 32, tuyến Nhật Tân-Nội Bài, Thăng Long-Nội Bài, trục Thăng Long…, xây dựng mạng lưới giao thông công cộng (Metro), hạ tầng các Khu công nghiệp, các khu thương mại đầu mối trên tuyến vành đai 4; Xây dựng đại học Quốc gia Hà Nội, bước đầu di dời các cơ sở đại học, y tế. Tiếp tục hoàn thiện các khu vực dự án: Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao trong đô thị Hòa Lạc.

Giai đoạn 2020-2030: Tiếp tục xây dựng các hạng mục công trình đã triển khai trong giai đoạn 2010-2020. Xây dựng hạ tầng các đô thị vệ tinh và hệ thống giao thông công cộng kết nối khu vực nội đô với các đô thị vệ tinh. Thực hiện việc giãn dân nội đô và cải tạo khu vực nội đô. Xây dựng hạ tầng khu dân cư nông thôn.

Giai đoạn 2030-2050: Tiếp tục hoàn thiện các hạng mục công trình đã xây dựng trong giai đoạn 2010-2030.

2. Quản lý đô thị

Vấn đề quản lý đô thị là khâu yếu kém chung hiện nay không những ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa bàn trong cả nước. Để thực hiện được tốt quy hoạch sau khi phê duyệt, Thành phố Hà Nội sẽ phải có chương trình cụ thể về cải cách hành chính, cải cách chế độ tiền lương, nâng cao chất lượng cán bộ, hạn chế quan liêu, ách tắc giải quyết các thủ tục cho dân. Triển khai khẩn trương các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, công khai quy hoạch. Chính phủ sẽ chỉ đạo, tổ chức giám sát chặt chẽ việc lập và quản lý Quy chế quản lý quy hoạch chung Hà Nội. Định kỳ 2 năm phải tổng kết và rút kinh nghiệm, không cho phép điều chỉnh Quy hoạch chung, cũng như điều chỉnh quy hoạch chi tiết một cách tùy tiện.

Thiết lập quy chế quản lý đô thị cho tất cả các vùng chức năng của Thủ đô Hà Nội và các khu chức năng đặc thù như: Khu vực nội đô, khu vực vành đai xanh, bảo tồn phố cổ, phố Pháp cũ, dọc trục Thăng Long…

Đối với các khu vực xây mới và các đô thị theo dự án: Kiểm soát lại quỹ đất dành cho các công trình phúc lợi công cộng và công viên, vườn hoa cây xanh theo tiêu chuẩn hiện hành. Khuyến khích phát triển cao tầng tùy thuộc vào nền đất hiện trạng và các khu vực xây dựng xung quanh.

Đối với trên 750 đồ án, dự án trên địa bàn Hà Nội: Các đồ án quy hoạch, dự án phù hợp với Quy hoạch chung sẽ tiếp tục thực hiện triển khai nhưng cần phải rà soát để đảm bảo khớp nối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu vực. Các đồ án, dự án không phù hợp với Quy hoạch chung, sẽ được chuyển đổi chức năng sử dụng đất để phù hợp với các chức năng đã được hoạch định trong Quy hoạch chung hoặc tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có năng lực đầu tư xây dựng trong các khu đô thị mới, các khu chức năng đặc biệt của Thành phố. Đối với các đồ án, dự án nằm trong khu vực không được phép xây dựng, hạn chế xây dựng như khu vực vành đai xanh sông Nhuệ sẽ có biện pháp chuyển đổi chức năng sử dụng đất hoặc di dời đến vị trí khác.


Phần III

Ý KIẾN CỦA TƯ VẤN PHẢN BIỆN VÀ ĐÁNH GIÁ CỦA
HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH NHÀ NƯỚC VỀ NỘI DUNG QUY HOẠCH ()



I. Ý kiến của tư vấn phản biện Quốc tế (công ty Worley Parsons-Úc và chuyên gia Vùng Ile de France-Pháp)

Sau khi nhận hồ sơ, các tư vấn phản biện đã có ý kiến đánh giá như sau:

Thống nhất giải pháp quy hoạch phát triển không gian do Liên danh tư vấn đề xuất, bao gồm: Bảo tồn đô thị lịch sử; Cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu và phát triển đô thị trung tâm hạt nhân kết hợp đề xuất 5 đô thị vệ tinh sẽ giải quyết cho Hà Nội phát triển đạt mục tiêu Hà Nội Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại. Việc tạo lập vành đai xanh dọc Nhuệ cải thiện đáng kể cải thiện môi trường và hạn chế phát triển đô thị tự phát. Các đề xuất khác như hình thành đô thị sinh thái nhằm hỗ trợ cho vùng nông thôn; đô thị ven sông Hồng, phát triển nông thôn theo mô hình “nông thôn mới”... là những giải pháp mang tính khả thi.

Ý tưởng phát triển đô thị với hành lang xanh, chiếm khoảng 70% diện tích là nội dung quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thủ đô Hà Nội. Hành lang xanh có vai trò quan trọng về mặt sinh thái, đa dạng sinh học, duy trì các làng nghề truyền thống. Vì thế cần bảo vệ không gian của hành lang xanh theo hướng đảm bảo thoát lũ nhanh khi cần thiết, đặc biệt các tuyến đường bộ, đường sắt theo hướng Đông-Tây.

Các tư vấn phản biện lưu ý làm rõ hơn các giải pháp về giao thông, lũ lụt, định hướng dự báo cho ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu... cần phải có các giải pháp mang tính cụ thể hơn.

Về vấn đề bảo tồn di sản: Các tư vấn phản biện quốc tế khẳng định Hà Nội có quỹ di sản phong phú như phố cổ, phố cũ, hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh, mặt nước sông hồ... cần phải có giải pháp bảo tồn cụ thể và có giải pháp kiểm soát như Quy hoạch đã đề xuất. Tư vấn IMV (Pháp) có kiến nghị Cầu Long Biên là công trình có giá trị về lịch sử cần phải đầu tư tương xứng với giá trị của nó, đã được xác định như phố cổ, phố Pháp cũ.

Đánh giá môi trường chiến lược đã được đề cập tương đối đầy đủ trong nội dung báo cáo, song cần lưu ý thêm các phân tích về sự xung đột giữa các khu vực có các mục đích sử dụng đất khác nhau. Cần liên tục theo dõi diễn biến môi trường trong quá trình thực hiện xây dựng theo Quy hoạch. Tài chính đô thị cũng cần được phân kỳ đầu tư và làm rõ các nguồn vốn, đồng thời làm rõ tính khả thi của các nguồn vốn phục vụ cho việc xây dựng đô thị theo Quy hoạch.

Các tư vấn phản biện quốc tế khẳng định: Quy hoạch đã đạt được kết quả nghiên cứu của một đồ án quy hoạch chung, để báo cáo Chính phủ. Để có thể trình duyệt vào tháng 6/2010 thì cần tiếp tục bổ sung các ý kiến nhận xét của tư vấn phản biện, ý kiến của nhân dân và của Hội đồng thẩm định Nhà nước.



II. Ý kiến đánh giá của Hội đồng thẩm định Nhà nước

Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm các thành viên là đại diện lãnh đạo của UBND thành phố Hà Nội và các Bộ, Ngành liên quan đã tổ chức 2 phiên họp vào các ngày 09/02/2010 và 26/02/2010. Hội đồng thẩm định Nhà nước đã nghiên cứu đánh giá Quy hoạch trên cơ sở ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, tổ chuyên môn giúp việc và báo cáo đánh giá phản biện của 2 đơn vị tư vấn quốc tế. Hội đồng thầm định Nhà nước đã nêu một số nội dung chính như sau:

- Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản bám sát các yêu cầu của Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1878/QĐ-TTg ngày 22/12/2008, phù hợp với những định hướng lớn của Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 05/5/2008).

- Tư vấn đã tiếp thu, hoàn chỉnh Quy hoạch chung theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp báo cáo lần 1, lần 2 và lần 3; nội dung báo cáo đã có tiếp thu bổ sung và cập nhật nhiều nội dung đã được các sở ngành và UBND Thành phố Hà Nội, các hội nghề nghiệp, ý kiến đóng góp của chuyên gia tư vấn phản biện và đông đảo các chuyên gia trong và ngoài ngành.

- Quy hoạch chung đã đưa ra được mô hình phát triển không gian đô thị: hệ thống đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các đô thị sinh thái, hành lang xanh-vành đai xanh, mô hình điểm dân cư nông thôn gắn với kinh tế nông, lâm nghiệp…

Các ý kiến của Hội đồng thẩm định nhìn chung thống nhất với các ý kiến của phản biện về các mặt Quy hoạch chung đã đạt được và những mặt cần phải bổ sung, hoàn thiện. Hội đồng thẩm định sẽ tổ chức họp thẩm định Quy hoạch chung sau khi tư vấn tiếp thu các ý kiến của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, các Hội nghề nghiệp và Nhân dân, sẽ có ý kiến phản biện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.


III. Trưng cầu ý kiến nhân dân thông qua Triển lãm Quy hoạch từ ngày 21/4 đến 4/5/2010 tại Hà Nội


Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Thông báo số 348/TB-VPCP), Bộ Xây dựng đã thực hiện trưng cầu ý kiến nhân dân nhằm tập hợp trí tuệ cộng đồng đóng góp và nâng cao chất lượng Quy hoạch chung. Đợt triển lãm vừa qua đã thu hút trên 30 ngàn lượt người đến xem, trung bình mỗi ngày có khoảng >2,14 ngàn lượt người; Với tổng số khoảng 3.646 phiếu góp ý, gồm 15 câu hỏi đề cập toàn diện nội dung Quy hoạch chung theo các cấp độ. Các nội dung được hỏi ý kiến gồm: Định hướng phát triển không gian; Các đô thị vệ tinh, thị trấn, thị tứ; Quy hoạch hạ tầng xã hội; Giao thông; Hạ tầng kỹ thuật; Đánh giá môi trường chiến lược; Bảo tồn di sản; Nông thôn mới; Trục Thăng long kết nối khu vực Hồ Tây với vùng núi Ba Vì; Liên kết vùng; Dự án sông Hồng; Quản lý phát triển đô thị; Hành lang xanh; Vành đai xanh, Vị trí dự trữ đất xây dựng các cơ quan làm việc của Chính phủ sau năm 2050 ở Ba Vì. Thành phần đóng góp ý kiến của nhân dân rất đang dạng, Bộ Xây dựng đã tổng hợp các nhóm ý kiến góp ý của nhân dân như sau:

Đa số tán thành và ủng hộ những nghiên cứu về Định hướng phát triển mới xây dựng Thủ đô Hà Nội, chiếm khoảng 88% số phiếu ủng hộ, khoảng 12% số phiếu được hỏi đang còn băn khoăn và chưa ủng hộ. Các giải pháp về: Không gian cấu trúc đô thị, liên kết vùng và hạ tầng xã hội, hành lang xanh, vành đai xanh chiếm khoảng 90% số phiếu ủng hộ. Xây dựng trục Thăng Long kết nối khu vực Hồ Tây với vùng núi Ba Vì chiếm khoảng >77% số phiếu ủng hộ.

Các ý kiến đóng góp cũng đề nghị cần có kế hoạch nâng cấp các thị trấn, thị tứ trở thành thị trấn sinh thái, không chỉ đầu tư 3 thị trấn sinh thái như Quy hoạch đề xuất. Vai trò và ý nghĩa xây dựng trục Thăng Long; vị trí xây dựng các trụ sở cơ quan của Trung ương và Hà Nội trong giai đoạn trước mắt và lâu dài; quy mô của các đô thị vệ tinh; mô hình nông thôn Hà Nội gắn với làng nghề và quản lý xây dựng nhà ở và công trình công cộng ở nông thôn; biện pháp giảm dân số trong nội đô Hà Nội; kiểm soát hệ thống mặt nước và không gian xanh; phân kỳ đầu tư hiệu quả; biện pháp tăng cường bản sắc kiến trúc và cảnh quan cho Hà Nội; các động lực phát triển, đặc biệt tại các đô thị vệ tinh; các lợi thế cạnh tranh của Hà Nội với Thủ đô của các nước trong khu vực và châu Á…

Qua triển lãm cũng thể hiện mong muốn của người dân Hà Nội là Quy hoạch chung cần sớm được phê duyệt để triển khai các quy hoạch phân khu và chi tiết; Toàn bộ các đồ án quy hoạch trên địa bàn Hà Nội được công khai, trưng bày thường xuyên để người dân biết và thực hiện; thực hiện cơ chế xã hội hóa hạng mục đầu tư xây dựng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là mạng lưới giao thông công cộng, để tránh tình trạng có quy hoạch mà “dự án treo”. Cải cách công tác quản lý đô thị và giám sát việc thực hiện theo quy hoạch được duyệt để Hà Nội không còn tình trạng phát triển thiếu sự kiểm soát như hiện nay. Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện để quy hoạch Hà Nội trở thành Thủ đô Xanh-Văn hiến-Văn-minh-Hiện đại như Tầm nhìn đã đặt ra.



Phần IV

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Liên danh tư vấn nghiên cứu đã đạt được những nội dung cơ bản theo quy định hiện hành, bám sát với Nhiệm vụ thiết kế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1878/QĐ-TTg ngày 22/12/2008.

Quy hoạch đã đề ra mô hình phát triển không gian đô thị, định hướng quy hoạch hạ tầng và những giải pháp phù hợp đáp ứng các yêu cầu phát triển hiện nay của Hà Nội. Sau khi Quy hoạch chung được phê duyệt, Chính phủ sẽ chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội chủ động khẩn trương triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, đồng thời tổ chức, giám sát việc quản lý thực hiện quy hoạch đảm bảo sự thành công, hướng tới xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại, là nơi có môi trường sống tốt chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.

Kính thưa Quốc hội,

Trên đây là một số nội dung cơ bản về quá trình tổ chức lập Quy hoạch chung, những nội dung chính của Quy hoạch chung và các ý kiến của Tư vấn phản biện, Hội đồng thẩm định Nhà nước và ý kiến đóng góp của nhân dân về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ xin báo cáo Quốc hội.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội khoá XII tại kỳ họp này, Chính phủ xin trân trọng tiếp thu và sẽ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Liên danh tư vấn hoàn thiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 8 năm 2010.

Xin cảm ơn Quốc hội./.





Nơi nhận:

- Như trên;

- Thủ tướng Chính phủ;

- VPQH;


- UBND TP Hà Nội;

- Lưu: Văn thư, KTN.



TM. CHÍNH PHỦ

TUQ. THỦ TƯỚNG

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

(đã ký)

Nguyễn Hồng Quân



1 Báo cáo quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội Hà Nội, tháng 5 năm 2010

2 Báo cáo của Sở giao thông vận tải Hà Nội năm 2009

(*) Đây là những ý kiến bước đầu; các Tư vấn phản biện và Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ còn tiếp tục xem xét, đánh giá và cho ý kiến cuối cùng về Quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt




Каталог: UserControls -> ckfinder -> userfiles -> files
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
files -> II. Các kiến nghị về chính sách đối với giáo viên
files -> BÁo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học

tải về 283.02 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương