12 người lập ra nước Nhật Mục lục Lời tựa của dịch giả


Sinh ra nguyên nhân băng hoại chế độ gia tộc



tải về 1.61 Mb.
trang20/24
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.61 Mb.
#4415
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24

Sinh ra nguyên nhân băng hoại chế độ gia tộc

Xét về mặt xã hội, việc tạo ra giới tiểu nông đã có lợi cho ý đồ của MacArthur. Ðó là sự giải thể chế độ gia tộc. Nhờ cải cách ruộng đất, cha mẹ ở lại nông thôn, còn con cái sau khi tốt nghiệp trung học, liền bỏ ra thành thị làm công nhân. Sự kiện này chia rẽ nơi cư trú của cha mẹ và con cái, và làm "hạt nhân hóa" gia đình.

Chính sách cải cách ruộng đất của MacArthur nhằm mục đích phân tán lực lượng lao động về nông thôn làm cho Nhật Bản không thể trở thành nước công nghiệp lớn được. Từ cuộc chiến tranh Triều Tiên trở về trước, Mỹ đã áp dụng chính sách này.

Thế nhưng kết quả là chỉ có lớp người trung và cao niên ở lại nông thôn, còn lớp trẻ mới tốt nghiệp thì ra thành thị làm công nhân, ở ký túc xá của xí nghiệp, và vì không phải nuôi gia đình nên sẵn sàng làm công với đồng lương thấp. Nghĩa là một tình trạng ngược lại với ý đồ của MacArthur đã xẩy ra.

Một mặt, MacArthur cho rằng chế độ cha anh làm cốt lõi gia tộc, chính là nguyên mẫu của quốc gia dân tộc chủ nghĩa lấy Thiên hoàng làm đầu. Vì thế, muốn phá bỏ chủ nghĩa quốc gia dân tộc và chế độ Thiên hoàng, trước hết phải đập bỏ chủ nghĩa gia tộc theo chế độ cha anh làm trưởng tộc. Ðây chính là căn nguyên của xã hội phong kiến Nhật Bản, ở đó người ta có thể tấn công tự sát nếu được Thiên hoàng xuống chiếu ra lệnh. Nghĩa là, ông đã áp dụng thuyết về "chế độ chuyên chế châu Á" của những nhà xã hội học cũ như Wittfogel162[9] vào trường hợp Nhật Bản. MacArthur cho rằng nếu phá bỏ được chế độ này, Nhật Bản sẽ trở thành một nước hòa bình dân chủ. Thực tế là sự đập bỏ chế độ gia tộc đã sinh ra rất nhiều "người xí nghiệp," giúp thực hiện được sự sản xuất đại trà theo quy cách.

Nói tóm lại, sự cải cách Nhật Bản của MacArthur là thay đổi quan niệm luân lý và ý thức thẩm mỹ, sửa đổi chế độ gia tộc và cơ cấu địa phương, đảo lộn tất cả giai tầng xã hội đi. Nhưng, ông đã không đả phá được thể chế quan liêu chỉ đạo, mà ngược lại đã giúp cho Nhật Bản thực hiện được giấc mơ từ thời Minh Trị là hình thành một xã hội công nghiệp hiện đại với sản xuất đại trà theo quy cách. Sự phủ nhận chủ nghĩa tinh thần đã biến người Nhật thành "người xí nghiệp," thành "súc vật kinh tế ."

 

Cải cách luân lý và ý thức thẩm mỹ

Ở Nhật Bản ngày nay, ảnh hưởng quan trọng nhất do MacArthur để lại, là cải cách luân lý và ý thức thẩm mỹ. Ba điều được coi như đúng tuyệt đối là "năng suất," "bình đẳng" và "an toàn." So với bất cứ nước nào khác trên thế giới, Nhật Bản coi ba điều này là "chính nghĩa" một cách triệt để hơn hết. Tuy nhiên, cái "bình đẳng" ở đây không phải là "bình đẳng về cơ hội" của cách mạng Pháp hay nói trong bản Tuyên ngôn độc lập Mỹ.

"Bình đẳng về cơ hội" là "bình đẳng trước pháp luật." Ai cũng được dự kỳ thi tuyển sinh, ai cũng được ứng cử, ai muốn làm nghề gì cũng được.

Nhưng, dự kỳ thi tuyển sinh thì phải có người đậu, kẻ rớt. Cùng làm một nghề thì cũng có người thành công, kẻ thất bại. Cùng có quyền trở thành cầu thủ bóng chày, nhưng có người thành siêu sao, có kẻ không thành gì cả. "Bình đẳng về cơ hội" đã sinh ra "bất bình đẳng về kết quả." Ðể làm nhẹ bớt "kết quả bất bình đẳng," chế độ đánh thuế lũy tiến đã được áp dụng vào những "người thành công về kết quả" và những "người thất bại về kết quả" thì được săn sóc tận tình bằng chính sách phúc lợi xã hội. Nghĩa là sự khác sai về kết quả cần phải được tu chính.

Nhưng, chủ nghĩa dân chủ Nhật Bản thời hậu chiến lại coi ưu tiên sự "bình đẳng về kết quả" hơn là "bình đẳng về cơ hội." Vì coi trọng sự "bình đẳng về kết quả," nên người ta đã kiềm chế "bình đẳng về cơ hội." Không phải dùng thuế lũy tiến hay phúc lợi xã hội để tu chính sự "bất bình đẳng về cơ hội," mà người ta đã hạn chế "bình đẳng về cơ hội" để tạo ra "bình đẳng về kết quả" bằng chủ nghĩa quan chức quan liêu thống suất.

Hiến pháp Nhật Bản do MacArthur để lại, bảo đảm quyền "tự do nghề nghiệp," nhưng lại hạn chế sự vào nghề của người mới. Ví dụ, mở hiệu thuốc thì tự do nhưng sự thật là bị hạn chế bởi chế độ đăng ký. Trường hợp cây xăng cũng tương tự.

Như nói ở chương trước, trong "bình đẳng về kết quả," thì "bình đẳng chiều dọc" được coi trọng ở Nhật Bản hơn là "bình đẳng chiều ngang".

Nhật Bản ngày nay là nước đã thực hiện được sự "bình đẳng chiều ngang" nhất thế giới. Người ta nói, muốn biết sự bình đẳng kinh tế đã đạt được hay chưa, thì không gì thích đáng bằng so sánh "thu nhập năm giai đoạn." Ðó là sự cách xa giữa thu nhập của một phần năm số người có thu nhập cao nhất so với một phần năm số người có thu nhập thấp nhất. Con số này ở Nhật Bản là 2,9, ở Mỹ là 9,4, ở Âu châu ít nhất là Ðức cũng là 6,0 còn các nước khác đều hơn 10. Ở các nước đang phát triển, con số này còn lớn hơn nhiều.

Còn "bình đẳng chiều dọc" thì bây giờ chỉ còn là vấn đề luân lý cá biệt của Nhật Bản thôi. Trong cái "bình đẳng" do MacArthur cổ súy, cũng có phần nào cái khái niệm "bình đẳng chiều dọc" từ thời mạc phủ Tokugawa. Biểu hiện của điều này là chế độ sống lâu lên lão làng. Ví dụ, cùng tốt nghiệp đại học rồi cùng vào làm công ty, nếu hai mươi năm sau mỗi người đều lên tới hàng trưởng phòng, thì như vậy là có "bình đẳng chiều dọc."

Nông gia trồng lúa từ hai mươi năm trước, thì sau này vẫn nên tiếp tục trồng lúa. Bởi vậy để duy trì tình trạng này, phải bảo hộ những nhà nông như vậy163[10]. Người bán lẻ bây giờ cũng vậy, cũng nên tiếp tục bán lẻ hai mươi năm sau. Vì thế, đã có đạo luật hạn chế những nhà hàng bán lẻ quy mô lớn (siêu thị).

Nhưng, nếu nhấn mạnh vào sự "bình đẳng chiều dọc," thì sức lao động trở thành cứng ngắc. Thế nhưng, nếu thế hệ đổi mới, mọi thứ đều đổi hết. Ví dụ, đời cha làm ruộng, nhưng người kế nghiệp làm ruộng không nhất thiết phải là con. Cha kinh doanh tiệm bán lẻ, nhưng con không kế nghiệp cha. Nghĩa là, những người cùng thế hệ còn làm việc với nhau thì cấu tạo công ăn việc làm không thay đổi lắm, nhưng khi thế hệ mới xuất hiện thì cấu tạo ấy thay đổi hẳn đi.

Tư tưởng "bình đẳng" mà MacArthur đem vào đã đẻ ra một thứ "bình đẳng không có tự do" khác hẳn với ý đồ của ông.

Về "an toàn," thì Nhật Bản đã đi quá xa so với ý đồ của MacArthur. Ông cho rằng Nhật Bản đã đẻ ra "đội đặc công quyết tử" thì Nhật Bản hẳn là "dân tộc không sợ chết," không nghĩ gì tới an toàn cả. Vì thế, MacArthur đã đặt nặng vấn đề an toàn, cổ súy chủ nghĩa bình đẳng, ý thức vệ sinh và xã hội không sự cố, không tai nạn.

Thế nhưng, Nhật Bản đã đưa những việc này lên tới mức cực đoan. Ngày nay, người Nhật quan niệm rằng, chiến tranh là xấu tuyệt đối bất kể lý do là gì, hòa bình là tốt tuyệt đối. Vì thế, dù chỉ là gửi quân tham gia hoạt động hậu phương trong chiến tranh vùng Vịnh, hay tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, nhưng lập tức có đông người phản đối như một phản xạ tự nhiên.

Ý thức vệ sinh cũng trở nên cực đoan. Chẳng hạn, học trò tiểu học chơi ở bãi cát sợ bẩn tay nên đeo bao tay, quần áo hàng hiệu sợ vấy bẩn nên không chơi ở sân trường, v.v..

Thế rồi, để cho sự cố khỏi xẩy ra, quan liêu đã tăng cường tiêu chuẩn quy cách, khắt khe hóa quy chế. Do đó, khi quan chức (chuyên viên) nói "không chừng có thể có sự cố" thì quy chế khắt khe nào cũng thông qua được. Những sự việc như vậy đã làm tăng quyền hạn của quan chức quan liêu trong thập niên 1980, và để công tác quản lý dễ dàng, quy chế và hạn chế độ được tăng cường vô tội vạ. Như đã viết, những vụ việc, như vụ động đất lớn Hanshin-Awaji, vụ ngộ độc vi khuẩn O157, vụ khủng hoảng hệ thống lưu thông tiền tệ, v.v., đã cho thấy rõ quy chế tuy khắt khe mà thực chất tính an toàn lại đạt được rất thấp.

 

Phủ nhận tinh thần sinh ra sùng bái vật lượng và tín ngưỡng số lượng

Một điều nữa là, do sự cổ súy ý thức về giá trị của nền văn minh vật chất, đồng thời phủ nhận những giá trị tinh thần như thần thoại Nhật Bản hoặc "hồn Yamato," đã đưa Nhật Bản tới sự sùng bái vật lượng và tín ngưỡng số lượng một cách kỳ lạ. Chẳng hạn, thứ bậc công ty được xếp đặt theo quy mô kinh doanh lớn hay nhỏ, công ty vừa và nhỏ mặc dầu có truyền thống và kỹ thuật tiên tiến đến đâu cũng không được kính trọng. Xưa kia, chủ nhân những công ty vừa và nhỏ cũng được giới kinh tài kính trọng. Nhưng nay, những nhà kinh doanh với doanh thu khoảng 100 tỷ Yen (khoảng non 1 tỷ đôla không còn lọt vào ghế Hội trưởng Phòng thương công Tokyo hoặc Osaka, hoặc Keidanren nữa.

Ở ngoại quốc, như ở Ðức, người ta thấy Hội trưởng liên hiệp công nghiệp Ðức (tương đương với Keidanren Nhật Bản) là những người như chủ công ty gọng kính Rosenstock hay giám đốc công ty dao kéo Henkel. Công ty nào cũng chỉ có số doanh thu khoảng từ 1 đến 2 tỷ đôla nghĩa là, người ta coi trọng truyền thống và kỹ thuật được người đời biết đến, cũng như nhân cách của nhà kinh doanh, hơn là quy mô kinh doanh của công ty.

Nhưng ở Nhật Bản, thì tất cả đều là số lượng. Thậm chí, tranh vẽ cũng tính giá bằng kích cỡ, bằng cân nặng. Số lượng đã thấm sâu vào xã hội, khiến nẩy sinh ra tư tưởng coi trọng kinh tế, sùng bái tiền bạc.

Xem như vậy đủ thấy sự phủ nhận tinh thần đã đi quá trớn. Có lẽ MacArthur không biết rằng Nhật Bản là nước không có tôn giáo theo đúng nghĩa của tôn giáo.

Như đã đề cập ở Chương I về Thái tử Shotoku, quan niệm tôn giáo của Nhật Bản là "hay đâu âu đấy." Trong bối cảnh như vậy, sự phủ nhận truyện thần thoại, bác bỏ tính duy tâm đã khiến Nhật Bản có chủ nghĩa duy vật thật là quái dị.

 

Là quân nhân đồng thời là nhà chính trị

MacArthur là quân nhân, đồng thời lại là nhà chính trị. Là quân nhân, ông đã hoạt động trong ba lần chiến tranh: chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chiến tranh thế giới lần thứ hai và chiến tranh Triều Tiên. Ðối với một quân nhân Mỹ, như vậy ông đã ra trận khá nhiều lần. Không những thế, khi ở Philippines ông đã chuẩn bị bản hiến pháp để xây dựng một nhà nước mới. Ở Nhật Bản, ông đã lấn sâu rộng vào chính sách chiếm đóng. Như vậy, ông là nhân vật rất chú trọng tới vấn đề chính trị. Hơn hết tất cả, ông là người tự tôn tự đại, có ý thức êlít mãnh liệt.

Nhất là những cải cách của ông trong thời gian chiếm đóng Nhật Bản, phải coi là của một chính trị gia, hơn là của một quân nhân. Mà là một chính trị gia độc tài, chứ không phải kiểu chính trị gia được quần chúng nhân dân ủng hộ, hay kiểu chính trị gia đấu tranh phe phái.

Thông thường, một nhà chính trị phải vận động chiếm được sự ủng hộ của người khác, đoạt được phiếu trong tuyển cử hay trong nghị viện. Nhưng MacArthur thì có sức mạnh quân sự nước ngoài ở sau lưng. Vì thế, ông bất chấp các chính trị gia khác, không cần thỏa hiệp với quan chức, mà chỉ cần ra lệnh là được. Nói cách khác, ông chỉ cần làm chính trị kiểu đế vương.

Năm 1952, MacArthur đã định ra tranh cử tổng thống Mỹ với tư cách ứng cử viên của Ðảng Cộng hòa, nhưng không được. Lúc đó, người được chọn làm ứng viên tổng thống của Ðảng Cộng hòa rồi đắc cử tổng thống, là Nguyên soái Eisenhower, tổng chỉ huy mặt trận Âu châu, thuộc lớp đàn em của ông trong hàng ngũ quân nhân lục quân. Xem như vậy đủ thấy MacArthur không phải là nhà chính trị quyền mưu thuật số, không phải là một người khôn khéo trong vấn đề vận động nghị viện.

Thế nhưng, trong khi làm chính trị ở Nhật Bản, ông đã tỏ ra thích phô trương và khéo léo. Ðồng thời, để cho người Nhật hiểu ông là một người Mỹ hào hoa, ông đã diễn xuất rất tinh vi.

Chẳng hạn, nếu xem bức hình chụp cuộc hội kiến giữa ông và Thiên hoàng Nhật Bản, người ta thấy Thiên hoàng mặc bộ lễ phục đuôi én, trong khi ông mặc áo sơmi trần. Muốn cho thấy Thiên hoàng chỉ là người thường chứ không phải thần thánh, thì đây quả là một hành vi có hiệu quả. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, ông có thể từ từ phản công đánh từ phía nam lên một cách ăn chắc, nhưng ông đã không làm như vậy. Ông đã dám cho đổ bộ lên Inchong, gần Seoul, một diễn xuất có tính chất kịch bản. Nói chung, ông rất khéo diễn xuất. Cũng may cho ông là ông đã thành công phần lớn nhờ vào "lượng vật chất" phong phú một cách áp đảo của Mỹ.

Trong dòng lịch sử Nhật Bản, đột nhiên xuất hiện nhân vật thống trị MacArthur từ nước ngoài đến, một người chưa có hiểu biết chính xác về Nhật Bản, nhưng đã ôm một giấc mơ muốn biến Nhật Bản thành một nước Mỹ lý tưởng.

Những ý đồ của MacArthur có cái đã thành công mỹ mãn, có cái đã đi quá trớn. Nhưng tựu trung, chúng đã để lại ảnh hưởng mãnh liệt trong xã hội Nhật Bản ngày nay. "Thể chế năm ’55," một hình thức tu chính để triệt tiêu những ý đồ của MacArthur, nay đã băng hoại, nên bây giờ là lúc cần xét xem phần nào đáng nhân rộng ra, phần nào phải cắt bỏ đi.

[1] Nguyên soái: Cấp bậc cao nhất trong quâ n đội, trên đại tướng (Ðại Tự Ðiển tiếng Việt, NXB VHTT, tr.1217); tương đương với Thống chế (?) (sách đã dẫn, tr.1588).

[2] Nguyên văn tiếng Nhật là Shosho. Trong Quân đội Hoàng gia Nhật Bản, Shosho là "tướng 2 sao," tương đương với Major General của Mỹ, và Trung Tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vì thế, ở đây dịch là Trung Tướng.

[3] Nhật Bản ngày nay chỉ có Ðội Tự vệ (nguyên văn tiếng Nhật là Jieitai). Hiến pháp Nhật Bản (điều 9) đã chối bỏ chiến tranh, cho nên Nhật Bản không thể có Quân đội được. Vì thế, luật pháp Nhật Bản chỉ quy định một tổ chức quân sự đặt tên là Ðội Tự vệ, với chức năng thuần túy tự vệ.


[4] New Deal là đường lối cải cách cấp tiến của tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, chủ yếu nhắm vào bảo hiểm xã hội và phục hồi kinh tế (1933-1939).

[5] Học chế của Nhật Bản cho tới trước thềm đại học, là chế độ 6-3-3, nghĩa là 6 năm tiểu học, 3 năm trung học cấp 1 (cơ sở) và 3 năm cấp 2 (phổ thông). Giáo dục bắt buộc (nghĩa vụ) là 9 năm đầu.

[6] Homeroom là phòng học dành riêng cho một nhóm học sinh nhất định hàng ngày tới lui sinh hoạt với một thầy cô nhất định (thầy cô phụ trách) để được chỉ bảo, hướng dẫn những điều cần thiết trước khi phân tán vào các lớp học khác nhau.

[7] Cuộc đấu tranh chống lại Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ năm 1960, là phong trào quần chúng qui mô lớn nhất lịch sử cận đại của Nhật Bản. Nó đã lan rộng ra toàn quốc Nhật Bản, và trong những tháng 5, 6 năm 1960, mỗi ngày đều có hàng chục ngàn người biểu tình bao quanh trụ sở Quốc hội Nhật Bản. Thậm chí, tổng thống Mỹ đương thời là Eisenhower, đã phải hủy bỏ cuộc viếng thăm chính thức tới Nhật Bản dịp đó.


[8] "Quan bảo an" là dịch từ ngữ Sheriff của tiếng Mỹ. Ngày nay, Sheriff là quan chức có quyền cảnh sát của một quận, do dân bầu ra, phục vụ theo nhiệm kỳ. Nhưng thời kỳ Khai thác miền Tây, khi tình hình trị an còn thấp kém, Sheriff phần lớn là những tay súng bắn nhanh (fast draw gun man) được dân địa phương thuê. Rất nhiều phim truyện cao bồi Mỹ đã được xây dựng trên những truyền thuyết về những Sheriff bắn nhanh như vậy.
[9] Karl August Wittfogel (1896-1988), nhà nghiên cứu Trung Quốc từ thời Ðức Quốc xã, năm 1934 lưu vong sang Mỹ, làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung quốc của Ðại học Columbia ở New York.
[10] Nhật Bản có chính sách bảo hộ nông gia trồng lúa vô cùng triệt để. Từ trợ cấp, ấn định chỉ tiêu sản xuất, định giá gạo do chính phủ thu mua, nâng hàng rào quan thuế lên để ngăn chặn không cho gạo nhập cảng từ ngoại quốc vào, v.v.. Đến nỗi, giá gạo ở Nhật Bản bình quân cao hơn giá gạo trên thị trường thế giới khoảng 20 lần.

Chương XI : Ikeda Hayato

Sự thực hiện một đại cường quốc kinh tế

 

Con đường tới "gấp đôi thu nhập"

Người thứ 11 trong "Mười hai người lập ra nước Nhật," là Ikeda Hayato.

Nói tới Ikeda Hayato, ai nấy đều biết đó là thủ tướng Nhật Bản từ năm 1960 (niên hiệu Chiêu hòa thứ 35) tới 1964, tức là năm Nhật Bản đứng ra đăng cai Thế vận hội Tokyo.

Trong biết mấy đời thủ tướng thời hậu chiến, tại sao lại chỉ chọn một mình Ikeda Hayato làm một trong "Mười hai người lập ra nước Nhật?"

Lý do: Ông là người đã dẫn dắt Nhật Bản thời hậu chiến trở thành đại cường quốc kinh tế. Không cứ gì thành tích ông đã đạt được về sự tăng trưởng kinh tế, điểm quan trọng nhất là ông đã thảo ra "Kế hoạch gấp đôi thu nhập" trong đó ông đã dương cao lý tưởng đưa Nhật Bản lên hàng "đại cường quốc kinh tế."

Lý tưởng cho một nước có nhiều thể loại: Nước được toàn thế giới tôn trọng về mặt chính trị, nước được vị nể và nương tựa về sức mạnh quân sự, nước được ngưỡng mộ về mặt văn hóa, nước được mỗi người yêu thích vì con người vui nhộn, v.v.. Thế mà Ikeda Hayato đã đặt cho Nhật Bản lý tưởng là trở thành đại cường quốc kinh tế, rồi ông thuyết phục được mọi người đồng ý với ông. Nghĩa là, nội các Ikeda đã tuyên bố "dốc toàn lực cho chính sách gấp đôi thu nhập" và đã được toàn dân ủng hộ mạnh mẽ.

Việc này một mặt đóng góp vào sự phát triển kinh tế ngày nay, mặt khác đã sinh ra quan niệm coi đồng tiền là trên hết, và như vậy đã tạo ra "xã hội trọng quyền lực của đồng tiền164[1]." Cũng có thể nói, nó đã làm nẩy sinh ra cấu tạo công nghiệp sản xuất đại trà theo quy cách, cấu tạo địa phương kiểu đô thị tập trung, hay đã biến Nhật Bản thành xã hội chức tước bổng lộc hay "xã hội chức lộc", trong đó toàn dân Nhật trở thành "người xí nghiệp."

Với ý nghĩa trên, Ikeda Hayato đáng được coi là có công lao lớn nhất trong các thủ tướng Nhật Bản trên phương diện quyết định ý nghĩa và luân lý của xã hội Nhật Bản.

Trong số các Thủ tướng Nhật Bản thời hậu chiến, người ta thường hay kể đến bốn người: Yoshida Shigeru, Ikeda Hayato, Sato Eisaku, rồi Tanaka Kakuei. Trong bốn người, Yoshida Shigeru là một nhân vật lớn, nhưng hầu hết những quyết định trọng yếu của ông đều đã xuất phát từ quân đội chiếm đóng, tức là từ MacArthur.

Trong khi đó, Ikeda Hayato với sáng kiến riêng, đã để lại ảnh hưởng lớn đối với lối sống của người Nhật, hay đúng ra, đối với thực trạng xã hội Nhật Bản ngày nay.

Trước hết, như thường lệ, hãy xét qua lai lịch nhân vật này.

 

Một công chức (quan liêu) thành đạt muộn

Ikeda Hayato sinh năm 1899 (niên hiệu Minh Trị thứ 32) tại tỉnh Hiroshima. Như thế ông có tuổi chẵn bằng số năm của thế kỷ thứ XX165[2].

Năm 1925, ở tuổi 25, ông tốt nghiệp Trường Ðại học luật, thuộc Ðại học quốc gia Kyoto. Như vậy, ông đã tốt nghiệp đại học chậm từ 2 tới 3 năm. Có lẽ ông không phải là loại học giỏi. Một phần là vì sức khỏe không được tốt, mãi tới 18 tuổi ông mới vào trường Ðệ ngũ Cao đẳng166[3]. Rồi để tiến lên Ðại học Kyoto, ông đã phải mất 4 năm trong khi đáng lẽ chỉ mất 3 năm thôi. Không thể nói như vậy là ông học kém, nhưng nếu so sánh với người tiền nhiệm của ông, tức là Thủ tướng Kishi Nobusuke, một người đã từ Ðệ nhất Cao đẳng tiến lên Ðại học Quốc gia Tokyo rồi tốt nghiệp trong thời hạn ngắn nhất, thì phải nói là ông đã bị vất vả lắm trong kỳ thi tuyển sinh.

Tốt nghiệp đại học xong, ông lập tức vào làm công chức Bộ Kho bạc. Hai năm sau, 27 tuổi, ông đã lấy người con gái thứ ba của Bá tước Hirosawa Kinjiro, tên là Naoko. Người chủ hôn là Bộ trưởng Kho bạc đương thời Inoue Junnosuke. Cứ nhìn tên tuổi những người này, ta có thể thấy ông là công chức êlít (ưu tú), được đánh giá cao trong Bộ Kho bạc.

Nhưng chẳng bao lâu, năm 1932, Naoko đã vi vã qua đời vì bệnh tim mạch. Năm trước đó, chính Ikeda Hayato cũng bị bệnh, phải xin nghỉ việc để dưỡng bệnh. Nghe nói đó là một bệnh nan y (một bệnh phát ban). Vì thế, ông đã cùng mẹ đi hành hương 88 linh địa trên đảo Shikoku167[4].

Khỏi bệnh, năm 1934, ông trở lại Bộ Kho bạc làm việc. Năm sau, tái hôn. Người vợ sau tên là Machie.

Cuộc chiến Thái bình dương bùng nổ168[5], rồi năm 1942, ở tuổi 42, ông được thăng trưởng phòng Phòng Thuế số 1, Cục Thuế.

Thời đó trưởng phòng Thuế số 1 có hàm cán bộ cấp ba. Ở tuổi 42 mà còn lẹt đẹt ở địa vị này, là quá muộn. Chắc tương lai cũng không có triển vọng nào.

Năm 1944, ông được thăng chức cục trưởng Cục Tài vụ Tokyo. Nhưng chức này cũng chỉ là cán bộ cấp hai. Thời ấy, đáng lý ông phải lên tới chánh văn phòng bộ trưởng, mới xứng. Ðịa vị của ông như vậy cũng tương tự như ngày nay đã đến tuổi 56, 57 mới lên được tới chức cục trưởng một cục địa phương. Nói cách khác, ông đã đi chệch quỹ đạo danh vọng.

Tóm lại, xem lý lịch Ikeda Hayato cho tới đây, dù bị bệnh đến phải nghỉ việc, nhưng xét ra ông đã phải phấn đấu khá gian nan với cuộc đời công chức.

May thay, năm 1945, ông đã được thăng chức cục trưởng Cục Thuế. Là cục trưởng Cục Thuế rồi, ông có thể có cơ hội làm tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quốc gia. Như vậy là ông đã trở lại được quỹ đạo danh vọng. Vừa lúc ấy, cuộc chiến tranh chấm dứt, rồi bộ Tổng chỉ huy quân đội chiếm đóng bắt đầu cuộc thanh trừng "công chức"169[6].

Cán bộ cao cấp Bộ Kho bạc nhiều người bị thanh trừng. Không biết có phải vì vậy không, năm 1947, ở tuổi 47, Ikeda Hayato bỗng được nâng lên làm chánh văn phòng Bộ Kho bạc. Có thể nói là bản thân Ikeda dẫu muốn cũng khó được địa vị này. Thật đã tới buổi hạnh vận của Ikeda vậy.

Thế nhưng, năm sau 1948, ở tuổi 48, ông đã từ quan. Nghe nói lý do là sự bất đồng ý kiến với nội các liên hiệp Katayama - Ashida. Thực tế là thế nào thì không rõ.

Năm sau, 1949, nhân có cuộc tổng tuyển cử Hạ nghị viện ngày 23 tháng 1, ông ứng cử và ngay lần đầu tiên đã đắc cử. Rồi ngày 26 tháng 2, nhân thủ tướng Yoshida Shigeru thành lập nội các lần thứ ba, ông đã một bước nhẩy vọt lên chức bộ trường Bộ Kho bạc. Cuộc thanh trừng công chức cao cấp làm thiếu hụt nhân tài khiến ông đã được đắc dụng, rồi lại nhờ thói quen độc tài của Thủ tướng Yoshida, ông bỗng dưng nhẩy vọt từ chánh văn phòng lên bộ trưởng Kho bạc chỉ trong vòng vài tháng.

Thời nay, phải là 57, 58 tuổi mới lên tới chánh văn phòng. Sau đó, ứng cử nghị viên, nếu đắc cử cũng phải ba hay bốn nhiệm kỳ sau mới mong được cất nhắc lên làm bộ trưởng. Ấy là chưa kể bộ trưởng Kho bạc là vị trí trọng yếu170[7], không dễ gì giành được.

Nhờ có cuộc chính biến171[8] nên đã được làm bộ trưởng Kho bạc rất sớm, là trường hợp đảng trưởng Takemura Masayoshi của Ðảng Sakigake. Ấy thế mà ông này trước đó cũng đã làm thủ hiến tỉnh hai nhiệm kỳ, đã đắc cử nghị viên ba nhiệm kỳ và đã 60 năm tuổi. Nhưng, ở thời ngay sau chiến tranh mà nghị viên mới đắc cử lần thứ nhất đã được chọn làm bộ trưởng, cũng không đáng ngạc nhiên. Thời ấy, tuổi 49 là tuổi lão thành hơn thời nay, đồng thời vì cuộc thanh trừng công chức nên rất nhiều người trẻ tuổi đã được nâng lên chức trọng quyền cao. Ðó là "thế hệ thứ nhất hậu chiến."

Ikeda đã từ chánh văn phòng nhẩy vọt lên làm bộ trưởng Kho bạc. Hơn thế nữa, trong nội các Yoshida lần thứ ba, bộ trưởng Kho bạc lại kiêm luôn cả bộ trưởng Thương mại quốc tế và công nghiệp. Nghĩa là ông đã chiếm vị trí trung khu của các bộ trưởng liên quan tới kinh tế.

Ðến đợt nội các Yoshida lần thứ tư, ông cũng giữ chức bộ trưởng Thương mại quốc tế và công nghiệp kiêm bộ trưởng Quy hoạch kinh tế. Sau đó, ông đã giữ chức chủ nhiệm Ủy ban điều hợp chính sách172[9], nghĩa là nghiễm nhiên đóng vị trí trung tâm của chính giới Nhật Bản.

Trong thời kỳ nội các Yoshida đợt thứ năm, ở Nhật Bản đã xẩy ra một vụ xcăngđan về tiền trợ cấp cho kế hoạch đóng tàu. Vụ này gọi là vụ xcăngđan đóng tàu173[10].

Một người nữa được coi là rất sáng giá dưới trướng Thủ tướng Yoshida, tức tổng thư ký Sato Eisaku, lúc ấy có trát bắt giữ. Nhưng bộ trưởng Tư pháp lúc ấy, Inukai Takeru, đã sử dụng quyền chỉ huy đối với viện trưởng Viện Kiểm sát để cản lệnh bắt giam Sato Eisaku. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử xcăngđan của chính giới Nhật Bản thời hậu chiến mà quyền chỉ huy đã được sử dụng.

Việc sử dụng quyền chỉ huy như vậy, bị người đời chỉ trích là lạm quyền, Inukai Takeru phải từ chức bộ trường Tư pháp, nội các đổ, nhưng Sato Eisaku thoát khỏi bị bắt.

Lúc đó, chỉ có trát bắt giam đối với Sato Eisaku thôi, nhưng tin đồn là Ikeda Hayato cũng có nghi vấn. Vì quyền chỉ huy đã được sử dụng, Sato Eisaku đã thoát khỏi bị bắt, mà Ikeda Hayato cũng không thấy có trát đòi nữa.

Nhân vụ bê bối đóng tàu đó, ngày 28 tháng 2 Ikeda đã ra điều trần trước quốc hội với tư cách người tham khảo174[11]. Nhưng năm tháng sau, ông nhậm chức tổng thư ký đảng Tự do. Xem như vậy đủ thấy bầu không khí chính trị bất chấp dư luận của những năm đầu thời hậu chiến. Nghĩa là, vụ bê bối đóng tàu này đã không để lại dấu ấn xấu nào đối với lý lịch chính trị của cả Sato Eisaku lẫn Ikeda Hayato.

Từ đó về sau, Ikeda Hayato trở thành nhân vật số một sành sỏi vấn đề tài chính, nên trong nội các Ishibashi, nội các Kishi đợt một, ông đã giữ chức bộ trưởng Kho bạc, rồi bộ trưởng vô nhiệm sở trong nội các Kishi đợt hai, bộ trưởng Thương mại quốc tế và công nghiệp trong nội các Kishi cải tổ. Thế rồi, nhân vụ rối loạn vì cuộc đấu tranh phản đối Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ năm 1960, nội các Kishi tổng từ chức, Ikeda Hayato liền có cơ hội lập nội các nắm lấy chính quyền. Ðó là ngày 19-7-1960.

Cho tới lúc đó, Ikeda Hayato mới đắc cử nghị viên Hạ nghị viện được năm lần. Nếu là thời nay, thì như vậy ông mới chỉ được chức "bộ trưởng dự tiệc175[12]." Trước nay, ông chỉ được thế gian coi là "học trò giỏi của trường Yoshida," một đàn em đắc lực của Yoshida, nhưng nay ở tuổi 60, Ikeda Hayata mới bắt đầu phát huy bản lãnh của mình.

 



tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương