12 người lập ra nước Nhật Mục lục Lời tựa của dịch giả


Chế độ quan liêu được tăng cường sau khi Okubo qua đời



tải về 1.61 Mb.
trang16/24
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.61 Mb.
#4415
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   24

Chế độ quan liêu được tăng cường sau khi Okubo qua đời

Chế độ quan liêu Minh Trị do Okubo Toshimichi du nhập vào, được xác lập vào khoảng năm 1877 (niên hiệu Minh Trị năm thứ 10), tức là vào lúc cuộc chiến tranh Tây Nam. Chính phủ Duy tân Minh Trị, cho đến năm 1871 (niên hiệu Minh Trị năm thứ tư), chỉ lo phá bỏ cái cơ chế có trước đó của thời mạc phủ Tokugawa, chứ chưa suy nghĩ nên làm gì sau đó. Việc này đã chỉ được bàn luận nghiêm chỉnh sau khi đoàn đại biểu Iwakura được cử đi thị sát nước ngoài năm 1871 đó.

Tất nhiên là một sự hỗn loạn đã diễn ra xung quanh vấn đề điều hành nước Nhật như thế nào. Năm 1873 (niên hiệu Minh Trị năm thứ sáu), chủ trương của bọn Okubo được nhìn nhận, thì đường lối cơ bản mới được định, là theo chế độ quan liêu chỉ đạo. Nhưng trong nước hãy còn nhiều nơi phản đối. Người ta chưa tin thực lực của chế độ quan liêu.

Thế rồi năm 1877, người ta thấy quân đội địa phương (trấn đài binh) gồm nông dân bị trưng binh, đã đánh bại quân đội sĩ tộc139[17] của Saigo Takamori. Sự thế đã đổi hẳn: công chức (quan liêu) giỏi và mạnh hơn sĩ tộc.

Hơn thế nữa, do cuộc chiến tranh này mà các ngành nghề như đóng tàu, súng đạn, quân trang, quân giới, v.v., đã hình thành, nghề vận chuyển đường biển để chuyên chở quân nhu cũng phát đạt lớn lao.

Thua trận, Saigo Takamori đã tự mổ bụng ở Shiroyama. Kido Takayori cũng chết bệnh. Thế là ai ai cũng tưởng Okubo sẽ thành diễn viên độc nhất trên sân khấu, nhưng chính Okubo cũng đã bị ám sát năm 1878 (niên hiệu Minh Trị năm thứ 11). Như vậy, thế hệ thứ nhất lãnh đạo cách mạng Minh Trị đã gần như không còn ai. Từ đó, thế hệ thứ hai lãnh đạo cách mạng, gồm có bọn Ito Hirobumi, Yamagata Aritomo, đã nắm giữ quyền hành của Chính phủ Minh Trị.

Chế độ quan liêu do Okubo dựng nên, đã được bọn Ito Hirobumi củng cố thêm cho vững chắc hơn. Ðể được như vậy, trước hết, họ thiết lập trường Ðại học quốc gia (đúng ra là Đại học đế quốc, ở đây tạm dịch là Đại học quốc gia) để đào tạo nhân tài cho chế độ quan liêu. Lúc đầu, chỉ có một trường Ðại học quốc gia (sau này trở thành Ðại học quốc gia Tokyo) nên không cần ghép chữ Tokyo vào tên đại học. Sau này, đến năm 1897 (niên hiệu Minh Trị năm thứ 30), trường Ðại học quốc gia thứ hai được thiết lập ở cố đô Kyoto. Từ đó, Ðại học quốc gia thứ nhất được cải danh là Ðại học quốc gia Tokyo.

Ðại học quốc gia được lập ra với mục đích gì? Trước nhất, Ðại học Luật là để đào tạo quan hành chánh và quan tòa. Ðại học Công nghệ là để đào tạo quan chức công chánh, quan chức trị thủy, quan chức đường sắt, kỹ sư cho Bộ Ðệ tín và các bộ khác.

Ðại học quốc gia có uy tín hơn các đại học tư thục khác. Vì vậy, những người xuất thân từ Ðại học quốcgia khi vào làm việc ở các bộ sở, đương nhiên có ý thức êlít, bởi vì chính họ đã được đào tạo để tự coi mình ưu tú hơn người khác. Ở đây, người ta cũng thấy xuất hiện tư tưởng quốc gia kiểu quan liêu chỉ đạo do Okubo Toshimichi lập ra vậy.

Ngược lại, các xí nghiệp dân doanh tiếp nhận nhiều người tốt nghiệp các trường đại học tư, hay các trường cao đẳng chuyên môn (như Cao đẳng Thương nghiệp, Cao đẳng Công thương). Nghị viện đế quốc (quốc hội) cũng phần lớn là những người xuất thân từ các đại học tư. Nói cách khác, cái suy nghĩ của chế độ giáo dục này, là đào tạo những người tài giỏi (quan liêu) có năng lực quy hoạch cao độ có khả năng hoạch định đường lối, còn xí nghiệp dân doanh thì chỉ cần người có năng lực làm việc ở hiện trường.

Năm 1890 (niên hiệu Minh Trị năm thứ 23), nghị viện đế quốc được lập ra. Giống như trường hợp đế quốc Ðức, nghị viện này đã được bố trí sao cho các ủy viên chính phủ được ngồi ở vị trí cao hơn hẳn lên. Nghị viện, như vậy, chỉ được coi là nơi dân đen đệ đạt ý kiến lên chính phủ.

Các quan xuất thân Ðại học quốc gia được coi là tài giỏi hơn đại biểu dân cử do dân bầu ra. Hội trường quốc hội Nhật ngày nay đã được xây năm 1936 (niên hiệu Chiêu Hòa năm thứ 11), gồm có ghế của chủ tịch quốc hội ở bậc cao nhất chính giữa, trước mặt ghế chủ tịch là diễn đàn, hai bên diễn đàn là hàng ghế bộ trưởng, phía sau hàng ghế bộ trưởng là hàng ghế ủy viên chính phủ, tức là ghế cho các quan chức bộ sở trung ương. Các nghị viên do quốc dân bầu ra, thì ngồi thấp hẳn xuống dưới, ngửa mặt nhìn lên hàng ghế các quan.

Nghị viện Anh quốc thì khác hẳn. Các nghị viên không có ghế riêng. Họ ngồi trên những hàng ghế dài, xếp đối diện với nhau thành từng bậc. Một bên là thủ tướng, các bộ trưởng và các nghị viên đảng cầm quyền, bên kia là các nghị viên đảng đối lập. Quan liêu các bộ sở trung ương không có chỗ tham dự trong cuộc tranh luận của nghị viện. Cũng là chế độ nội các nghị viện, song Nhật Bản và Anh quốc khác nhau xa lắm.

Còn hội trường của nghị viện đế quốc Ðức, tức là khuôn mẫu của hội trường quốc hội Nhật Bản, thì năm 1933 đã bị Hitler âm mưu phóng hỏa nên đã bị đóng cửa từ đó. Ðến khi quân đội Liên Xô tiến vào Berlin thì hội trường đã bị hủy hoại phần lớn. Từ đó, nó đã bị bỏ trống một thời gian dài bên cạnh "bức tường Berlin." Sau khi Ðức thống nhất, Berlin trở lại thành thủ đô liên bang, nó lại được dự kiến dùng làm hội trường của Hạ viện. Song, bên trong đã do kiến trúc sư người Anh, Sir Norman Foster thiết kế nên đã khác hẳn xưa kia.

Nước Nhật thời Minh Trị liệu có thể coi là đã thành công chăng? Nhờ về phe với Anh quốc trên mặt ngoại giao, nên Nhật Bản đã thắng hai cuộc chiến tranh Nhật - Thanh (1894-1895) và chiến tranh Nhật – Nga (1904-1905), rồi đã thành công trong việc thu hút đầu tư của Anh quốc. Kỹ thuật đường sắt, điện tín, bưu chính, v.v., cũng đã học được. Hơn thế nữa, trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Nhật Bản đã trở thành nước chiến thắng. Ðến nỗi có một lúc, Nhật Bản đã có thể tự hào là "một trong ba đại cường quốc thế giới."

Ở trong nước, thì nhờ học được thể chế của đế quốc Ðức, nên từ rất sớm hệ thống đường sắt đã được trải ra khắp nước, hệ thống điện tín được bành chướng, hệ thống giáo dục sơ cấp được phổ cập tới khắp miền xa miền sâu. Ðây chính là thành quả của chế độ Ðức sau khi đã loại bỏ sự cạnh tranh của dân gian và sự chập choạng mò mẫm.

Thành công trong ngoài như trên đã khiến Nhật Bản phát triển nhanh chóng từ thời Minh Trị (1868-1912) qua thời Ðại Chính (1912-1926).

 

Khuyết điểm của chế độ quan liêu kiểu Ðức

Chế độ quan liêu kiểu Ðức do Okubo Toshimichi đem vào Nhật Bản có nhiều điểm tích cực, song cũng có nhiều khuyết điểm lớn.

Thời kỳ đầu tiên, nhờ có những người như Okubo Toshimichi hay Ito Hirobumi, Yamagata Aritomo, tức là cha đẻ hay cha nuôi của chế độ cho nên chỉ cần một lời nói của họ đủ làm cho bọn quan liêu các bộ sở không dám ho he nữa. Yamagata Aritomo còn là người dễ dàng bịt nổi miệng đám quân nhân nữa. Sự việc này cũng giống như vị tể tướng máu sắt Bismarck của đế quốc Ðức đã làm việc suôn sẻ với thống chế Hermuth Carl Graf von Moltke140[18].

Dần dà, càng về sau, khi không còn những bậc nguyên huân hay những chính khách lớn có uy lực làm câm miệng đám quan liêu, thì cơ cấu quan liêu được phân hóa theo chiều dọc. Quan liêu Bộ Văn chỉ biết nghĩ tới việc giáo dục, quan liêu Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp chỉ biết việc gây dựng ngành nghề sản xuất. Bộ Nông lâm Thủy sản, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, tất cả chỉ lo việc của nghiệp giới mình mà thôi, chứ không có sự điều hợp tương hỗ giữa các bộ với nhau nữa.

Sự việc trên, người đời gọi là "bản tính phân chia địa bàn" hoặc "ý thức quyền hạn." Ðúng vậy, quan liêu sở dĩ làm việc là vì cái ý thức quyền hạn như vậy. Ví dụ, nếu là quan liêu Bộ Nông lâm Thủy sản, thì quyền hạn của họ là bảo hộ nông nghiệp, ổn định hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp; nếu là quan liêu Bộ Văn, thì công tác bảo hộ trường học và thày giáo là quan trọng nhất. Vì nghĩ như vậy, nên họ sốt sắng làm việc. Quan liêu mà không làm việc, thì đó chẳng qua là vì họ không có ý thức quyền hạn, họ bắt đầu nghĩ rằng việc làm của họ chẳng có gì quan trọng, chẳng có ích cho ai cả.

Nhưng nếu tất cả các quan liêu đều có ý thức quyền hạn, đều coi việc làm của mình là quan trọng nhất, rồi ai nấy đều vì mục tiêu của chính mình mà đeo đuổi cho đạt bằng được, thì sẽ ra sao? Thứ nhất, quy chế sẽ thêm nhiều ra và được tăng cường, đồng thời, chi phí tài chính sẽ lớn lên.

Trước hết, quan liêu tự coi họ giỏi dang. Họ nghĩ "ta phải làm, không thể để cho dân thường làm được." Từ ý thức đó, họ gia tăng quy chế để củng cố quyền hạn của mình. Cái đáng sợ của cơ cấu quan liêu là, chỉ cần một số rất nhỏ trường hợp không ai phản đối cả, nhưng căn cứ vào đó, họ tăng cường quy chế đưa đến kết quả là vừa làm mất tính tiện lợi vừa làm tốn tiền bạc. Cơ quan công quyền là nơi không thèm để ý gì tới vấn đề thâu hồi tiền bạc và công sức đầu tư, cho nên họ có thể gia tăng quy chế một cách vô tội vạ.

Chẳng hạn, sau trận động đất lớn Hanshin-Awaji, vì một số đường cao tốc đã bị xụp đổ, người ta đã bàn tới việc tăng cường quy chế xây dựng sao cho các đường cao tốc phải chịu được độ lắc 7141[19]. Khi có cơ quan tiền tệ (ngân hàng, quỹ tín dụng, công ty bảo hiểm) bị phá sản, thì người ta liền bàn tới việc tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ quan này. Ðiều này đương nhiên có nghĩa là không cho vay mượn trái với ý muốn của quan liêu, tức là của bộ chủ quản. Mới nghe tưởng như hợp lý lắm. Nhưng, vì đó, phí tổn sẽ gia tăng, và sự kinh doanh tự do không còn được nữa. Xí nghiệp mỗi khi làm ăn sẽ phải nhìn vẻ mặt các quan, sẽ trở nên thụ động, sẽ có thái độ người làm sao ta làm vậy để tránh mọi rắc rối. Các quan thì hể hả, bảo đảm cho đánh đổi quy chế thành phí tổn mà người tiêu dùng phải gánh chịu.

Thêm nữa, sự giám thị quy chế theo cách phân công bề dọc, sẽ làm phát sinh ra quy chế hai tầng, ba tầng, thậm chí bốn tầng, năm tầng. Thủ tục vì thế trở nên phức tạp, phiền toái. Kinh doanh bị gò bó không cựa quậy được. Kết cục là phí tổn gia tăng, và giá cả tăng lên. Ðây là cái tệ hại của chế độ quan liêu (công chức).

Vấn đề thứ hai là, nếu các bộ sở đâu đâu cũng chỉ lo đeo đuổi truy cầu mục tiêu của riêng mình, thì sự cọ sát với ngoại quốc sẽ không thể nào tránh khỏi. Bộ nào cũng cố thủ lãnh vực của mình không chịu nhượng bộ. Trên mặt ngoại giao, có khi người ta phải nhường A để được B, song đám quan liêu phân quyền theo chiều dọc thì không chịu nhượng bộ lãnh vực của họ. Nói đến xuất cảng xe ôtô thì Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp không chịu nhượng bộ. Nói đến vận tải hàng không thì Bộ Giao thông vận tải không nhường bước. Vấn đề gạo thì Bộ Nông Lâm Thủy sản không chịu lùi. Ở bàn hội nghị thuế rượu thì Bộ Kho bạc không chịu lùi nửa bước. Bộ nào cũng không chịu lùi bước nên sự cọ sát với ngoại quốc không thể tránh được. Thật ra, tình trạng tương tự đã xẩy ra ở đế quốc Ðức sau khi Bismarck đã rút lui khỏi chính trường.

Bismarck đã làm nhiều công phu mua chuộc đồng minh và nỗ lực xây dựng một hệ thống bảo đảm an toàn cho đế quốc. Ðó thường được gọi là "chính sách bảo đảm hai tầng."

Nhưng sau khi Bismarck và Moltke về hưu rồi, thì không còn chính khách nào trấn áp nổi đám quan liêu các bộ nữa. Bộ Lục quân, Bộ Hải quân, Bộ Ðường sắt, Bộ Công Thương,... bộ nào cũng đòi phần hơn. Do đó, đế quốc Ðức bị cả thế giới đối lập. Ðến nỗi, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bộc phát, thì chỉ có đế quốc Áo-Hungari chứ không còn một đồng minh nào về phe với Ðức nữa. Sự kiện này cũng giống như Nhật Bản đã phải đối địch với cả thế giới trước cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Ðó, cái tai hại của cơ chế quan liêu là như vậy.

 

Tình trạng bó chân bó tay ngày nay

Từ thời Minh Trị (1868-1912), qua thời Ðại Chính (1912-1926) tới thời Chiêu Hòa (1926- 1989), ý thức quan liêu kiểu Okubo Toshimichi trở nên rất mạnh. Nhất là sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, chỉ có Bộ Nội vụ với các "mục dân quan" là không còn nữa, chứ các bộ sở chuyên đào tạo ra người cung cấp, thì còn lại tất cả. Do đó, quan liêu chỉ về hùa với người cung cấp, và trở thành địch thủ của người tiêu dùng. Vì thế, ở những lãnh vực không có sự cạnh tranh quốc tế, thì phí tổn mỗi ngày một lên cao, quy chế mỗi ngày một khắt khe hơn. Ðời sống trở nên mỗi ngày một bất tiện, bực bội.

Với ý nghĩa như vậy, phải nói rằng, mặc dù Okubo Toshimichi đã lập nên cơ sở cho cơ chế quan liêu Nhật Bản, đã đóng góp lớn lao cho sự phát triển ngành nghề sản xuất thời Duy tân Minh Trị, song ông phải chịu trách nhiệm về việc làm cho Nhật Bản bị khốn đốn vì sức ép của quy chế, làm cho vật giá chênh lệch giữa trong và ngoài nước, làm cho người Nhật mất sự tự do lựa chọn. Nói cách khác, chính ông là nhân vật đã lập ra nước Nhật "giàu có nhưng không sung sướng."

Nếu Okubo Toshimichi không bị ám sát và sống qua được thời Minh Trị, thì hỏi nước Nhật sau đó sẽ ra sao? Mười năm sau khi cuộc Duy tân bắt đầu, tức là năm 1878 (niên hiệu Minh Trị năm thứ 10) cuộc chiến tranh Tây Nam xẩy ra, và thể chế quan liêu Nhật Bản đã trở nên vững chắc. Năm sau đó Okubo Toshimichi bị ám sát. Nghĩa là, Okubo chỉ đã lập ra cơ chế quan liêu, chứ chưa thực tay điều động cơ chế đó. Nếu sau đó Okubo vẫn còn sống, thì chắc hẳn ông sẽ theo gót Bismarck lập ra thể chế độc tài. Rồi, cùng với nội chính, ông sẽ xía vào cả vấn đề ngoại giao, như sửa đổi hiệp ước.

Những năm đầu của thời Minh Trị, ở trong nước Nhật đã có sự lo ngại là thể chế mạc phủ sẽ trở lại. Người ta lo ngại phiên chúa Satsuma sẽ lại trở thành Chinh Di Ðại Tướng Quân, lập ra mạc phủ với Okubo Toshimichi làm tể tướng độc tài. Có người cho rằng kẻ ám sát Okubo đã ôm ấp nỗi lo âu đó.

Chính vì thế, về sau, tức là năm 1889 (niên hiệu Minh Trị năm thứ 22), bản Hiến pháp Ðế quốc Ðại Nhật Bản (Hiến pháp Minh Trị) được ban bố, đã có sự lo liệu không để cho thể chế mạc phủ tái lập nữa. Theo Hiến pháp Minh Trị, các Bộ trưởng (Ðại thần) đều được nối liền với vua (thiên hoàng), chứ thủ tướng không có quyền bổ nhiệm hay bãi nhiệm họ. Hơn nữa, quyền thống suất lục quân, hải quân cũng thuộc vua và được tách rời khỏi quyền quốc vụ của chính phủ. Tại sao người ta đã để cho mọi quyền lớn đều tập trung vào nhà vua, và các quyền hạn đều phân lập ra như vậy? Ðây chính là vì người ta lo ngại nếu tập trung quá nhiều quyền hạn vào một vị thủ tướng, thì ông này sẽ có thể hành sử quyền độc tài kiểu mạc phủ.

Tuy Okubo Toshimichi đã chuẩn bị xong thể chế độc tài trước khi bị ám sát, nhưng ông quyết không bao giờ mở ra nhà mạc phủ.

Lịch sử Nhật Bản có rất ít người độc tài. Những nhân vật độc tài có tầm nhìn xa trông rộng như Nobunaga hay Okubo đều đã bị ám sát. Sống trong hòa bình lâu dài rồi, Nhật Bản không cần có những người phát huy quyền lãnh đạo mạnh mẽ, cho nên một nhân vật nào đó nếu trở thành độc tài thì dễ bị ghen ghét.

Thời Minh Trị, nhiều chí sĩ đã xả thân cho cải cách. Ðiều khiến họ hi sinh như vậy chính là cái chủ quan xã hội của họ. Ðó là sự nhiệt tâm của họ muốn lật đổ thể chế mạc phủ Tokugawa, một thể chế lấy sự "ổn định" làm nền tảng, để lập ra một thể chế mới, lấy "tiến bộ (khai hóa văn minh)," lấy "hiệu năng (gia tăng sản xuất và gây dựng sản nghiệp)," lấy "trung nghĩa (trung thành với quốc gia)" làm cơ sở luân lý xã hội. Okubo đã làm cho cuộc chiến tranh Tây Nam bùng ra, mà vẫn kiên quyết gây dựng thể chế quan liêu, hẳn là vì muốn đạt được ba chính nghĩa đó.

Vì muốn lập ra nước Nhật không bị ngoại bang miệt thị, Okubo Toshimichi đã chọn chế độ quan liêu chỉ đạo, hướng tới xây dựng một nước Nhật có hiệu suất cao, có hiệu năng cao. Ðiều này đã có hiệu quả tốt trong khoảng 40 năm kể từ thời đại Okubo. Sau đó, là thời kỳ đám quan liêu quân đội đã hành động quá khích, quá lố, không thèm đếm xỉa đến ai cả.

Sau chiến tranh thế giới thứ II, cơ chế quan liêu lại một lần tỏ ra có hiệu quả đối với sự phát triển và tăng trưởng. Thế nhưng ngày nay thì nó đã trở thành gông chân cùm tay, làm cho không thể cựa quậy được.

Phải nói rằng dù với ý nghĩa tốt hay với ý nghĩa khó xử, Okubo Toshimichi cũng là một nhân vật trọng yếu đã dựng nên nước Nhật ngày nay vậy.

[1] Nội các do thủ tướng Hashimoto Ryutaro cầm đầu, bắt đầu từ ngày 1/11/1996. Sách này xuất bản lần đầu tiên vào tháng 6/1997, thì lúc đó còn là thời kỳ hoạt động của nội các này.

[2] Nội các do thủ tướng Suzuki Zenko dẫn đầu, từ 17/7/1980 tới 26/11/1982.

[3] Nội các do thủ tướng Nakasone Yasuhiro cầm đầu, gồm có 3 đợt: đợt 1 từ 27/11/1982 tới 26/12/1983, đợt 2 từ 27/12/1983 tới 22/7/1986, đợt 3 từ 22/7/1986 tới 6/11/1987.

[4] Ủy ban này được nội các Nakasone lập ra tháng 7/1983 và do Doko Toshio, lúc ấy là Chủ tịch Tập đoàn Toshiba làm chủ nhiệm. Ủy ban đã đưa ra bản báo cáo tháng 6/1986 để đáp ứng sự tư vấn của nội các về "phương sách thực hiện một chính phủ nhỏ trong sự lợi dụng sức sống của dân sự." Dựa vào bản báo cáo này, chính phủ Nhật Bản đã quyết định chuyển cho dân sự kinh doanh ba công ty quốc doanh khổng lồ là Hệ thống đường sắt quốc doanh, Tổng Công ty bán độc quyền (thuốc lá, muối) và Tổng Công ty điện tín điện thoại. Tháng 4/1985 hai công ty sau đã được chuyển sang suôn sẻ cho dân sự kinh doanh, nhưng Hệ thống đường sắt quốc doanh mang món nợ quá lớn, phải tới tháng 4/1987 mới được phân cắt ra thành 7 công ty và chuyển sang cho dân sự kinh doanh. Hiện nay, tất cả những công ty dân sự này đều ở trong tình trạng kinh doanh tốt, không còn bị thua lỗ nữa.
[5] NTT là viết tắt chữ Nippon Telephone & Telegraph, JT là viết tắt chữ Japan Tobacco.

[6] Êlít là từ tiếng Pháp élite dịch âm, nghĩa là phần tử ưu tú.

[7] Ðây là nói thời điểm sách này được soạn thảo, tức là năm 1998. Hiện nay, năm 2003, đã có loại hình cây xăng tự phục vụ này ở Nhật Bản rồi, tuy hãy còn là số ít.

[8] Xem lời chú 16 Ch. 7.

[9] Một bậc nguyên huân khác của thời Duy tân Minh Trị, đã có công chỉ huy và chiếm thành Edo không đổ máu, khiến cho mạc chúa Tokugawa phải trao trả lại quyền chính trị cho thiên hoàng Minh Trị, rồi trong chính phủ Minh Trị mới, đã được phong Ðại tướng lục quân, giữ chức Tham mưu, song vì chủ trương gửi quân sang Triều Tiên bị phe đối lập phản đối nên đã từ quan năm thứ 6 của niên hiệu Minh Trị (1874). Năm 1877, cử binh làm phản, song bị thua nên đã tự sát. Vụ này gọi là cuộc Chiến tranh Tây Nam. Mặc dầu kết thúc bi đát như vậy, song nhân vật Saigo Takamori vẫn được tôn trọng như là một công thần của sự hiện đại hóa Nhật Bản. Một ngôi tượng đồng lớn toàn thân Saigo ngay trước vườn thú Ueno, Tokyo, đã minh chứng điều này.
[10] Hàn là quốc hiệu của triều Lý ở bán đảo Triều Tiên. Vậy Hàn là tên gọi đồng nghĩa với Triều Tiên. Chinh Hàn là chinh phạt Hàn, là xâm lược bán đảo Triều Tiên.
[11] Hội nghị tổ chức ở Osaka giữa phe phái Okubo Toshimichi và phe đã từ chức nhân cuộc tranh luận "chinh Hàn." Kết quả của hội nghị này là Itagaki Taisuke và Kido Takayoshi phục chức, và những cơ chế quân chủ lập hiến được xác lập tại Nhật Bản.
[12] Nguyên văn Shokusan Kôgyô (Thực sản Hưng nghiệp), nghĩa là Gia tăng sản xuất và Gây dựng ngành nghề sản xuất (sản nghiệp), tức là công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, v.v..

[13] Ðại lão là chức quan cao nhất của mạc phủ Tokugawa, tức là tương đương với chức Thủ tướng hiện đại.

[14] Nguyên văn là "Bunmei Kaika (văn minh khai hóa)," tức là mở mang hiểu biết làm cho xã hội văn minh.

[15] Nguyên văn là "Kuro-Fune no Raiko." Những con tàu đen là chỉ hạm đội của Ðô đốc Perry của hải quân Mỹ, đã tới Nhật Bản tháng 7 năm 1853, mang theo quốc thư của tổng thống Mỹ, đòi Nhật Bản mở cửa thông thương. Năm sau, hạm đội trở lại vịnh Edo (nay là vịnh Tokyo), ký hòa ước ở Yokohama, mở đầu cho thời kỳ mở cửa của Nhật Bản.

[16] Mori Arinori (1847-1889) : Phiên sĩ phiên bang Satsuma, chính trị gia thời Minh Trị. Du học Âu Mỹ, gia nhập chính phủ Minh Trị, làm tới Bộ trưởng Giáo dục. Có công ban bố pháp lệnh học đường, củng cố cơ sở chế độ giáo dục. Bị coi là tôn thờ chủ nghĩa Âu Mỹ hóa, nên bị phần tử chủ nghĩa quốc túy ám sát đúng ngày ban bố Hiến pháp đế quốc, tức là Hiến pháp Minh Trị, ngày 11 tháng 2 năm 1889 (niên hiệu Minh Trị năm thứ 22).

[17] Theo chế độ giai cấp thời Minh Trị, thì giai cấp trên hết là quí tộc (hoa tộc), thứ đến là sĩ tộc, và dưới cùng là bình dân. Tuy phân chia như vậy, nhưng về mặt pháp lý, sĩ tộc không được quyền lợi ưu tiên nào cả. Đến năm 1947 thì chế độ giai cấp bị phế bỏ.


[18] Danh tướng Phổ đã đánh thắng hai trận chiến tranh Phổ - Áo và Phổ - Pháp, và đã đóng góp lớn lao vào sự nghiệp thống nhất đế quốc Ðức.

[19] Tổng Cục Khí tượng Nhật Bản chia độ lắc động đất ra làm 10 bậc, đánh số từ 0 tới 7. Như vậy, độ lắc 7 là độ lắc lớn nhất. Sở dĩ 10 bậc mà chỉ có 8 con số là vì có số có 2 bậc, như 6 nhẹ, 6 mạnh, chẳng hạn.



Chương IX : Shibusawa Ei-ichi 

Thủy tổ của "chủ nghĩa tư bản Nhật"

 

Người lập ra "giới kinh tài"

Shibusawa Ei-ichi là nhân vật đã có những hoạt động rộng lớn trong thời Minh Trị, đã có quan hệ với rất nhiều xí nghiệp, đã dựng nên hầu hết các ngành nghề sản xuất hiện đại của Nhật Bản.

Các ngành nghề mà Shibusawa đã có quan hệ gồm từ ngân hàng tới đường sắt, vận tải đường biển, xí nghiệp chế tạo, công ty mậu dịch, v.v.. Có thể nói, ông đã dựng nên khoảng năm trăm xí nghiệp lớn trong hầu hết các ngành nghề.

Chỉ bao nhiêu đó thôi, có thể nói Shibusawa chính là nhân vật tiên phong trong chủ nghĩa tư bản Nhật. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Cái quan trọng là ông đã tạo ra "giới kinh tài," một giới không thấy có ở nước ngoài.

Thí dụ, ở Mỹ có vua sắt thép Andrew Carnegie, vua ôtô Henry Ford, những người đã đẻ ra những xí nghiệp khổng lồ, đã lập ra những tài đoàn142[1] lớn mạnh để cống hiến cho văn hóa, học thuật. Thế nhưng, họ đã không lập ra "giới kinh tài," tức là đoàn thể gồm những doanh nhân cùng làm ăn, cùng hoạt động với nhau. Nhân vật kinh doanh lớn như Rothschild của Anh, Krupp của Ðức, cũng vậy, nghĩa là cũng không lập ra "giới kinh tài."

Nhật Bản là nơi duy nhất đã thấy hình thành "giới kinh tài," từ đó phát sinh ra thể chế "phe phen143[2]," "thể chế đồng lõa" của giới kinh doanh. Ðó là bởi vì Shibusawa đã đồng thời có quan hệ với hàng mấy trăm xí nghiệp, và như vậy đã tạo ra môi trường cho các xí nghiệp này cùng xuất vốn làm ăn với nhau. Là người đã tạo ra phong cách làm ăn độc đáo như vậy của chủ nghĩa tư bản Nhật, Shibusawa Ei-ichi quả có giá trị đặc biệt, đã để lại ảnh hưởng lớn đối với nước Nhật ngày nay. Ông thật xứng đáng là một trong số "Mười hai người lập ra nước Nhật" vậy.

Shibusawa Ei-ichi sinh năm 1840 (niên hiệu Thiên Bảo thứ 11), và mất năm 1931 (niên hiệu Chiêu Hòa năm thứ sáu), hưởng thọ 91 tuổi. Thật là sống lâu lạ thường so với những người đương thời.

Xuất thân ở quận Hanzawa, đất Musashino (nay là thị trấn Fukaya, tỉnh Saitama), từ một gia đình phú nông. Thời nay, khi nói nông gia hay nông dân, người ta thường mường tượng một cách sai lầm rằng đó là một gia đình làm ruộng, trồng lúa, trồng rau, tự cấp tự túc thực phẩm. Nhưng nông gia thời mạc phủ Tokugawa thì không hẳn thế. Gia thế Shibusawa Ei-chi thật ra làm nghề nuôi tằm, chế thuốc nhuộm bằng lá lam (lá tràm), và như vậy là một nhà kinh doanh tiểu công thương nhiều mặt.

Tơ tằm cũng như thuốc nhuộm, đều là những sản phẩm để đổi bán lấy tiền. Tự mình chế ra sản phẩm, đồng thời lại mua góp của những nhà sản xuất địa phương, rồi bán ra như là một nhà bán buôn địa phương vậy.

Xem như vậy, nên coi gia thế Shibusawa Ei-ichi là nhà buôn, là thương gia, hơn là nhà nông. Ngoài ra, nghe nói gia đình ông còn làm cả nghề cầm đồ nữa. Gia đình ông hẳn phải có máu mặt trong địa phương. Xem như vậy, Shibusawa Ei-ichi đã sống thời thiếu niên trong gia cảnh vừa là nhà nông, vừa là nhà buôn lại vừa là nhà công nghiệp. Là một gia đình phong lưu, cho nên ông có điều kiện học hỏi được nhiều thứ.

Năm Shibusawa 14 tuổi, đoàn tàu đen của đề đốc Perry tới vịnh Uraga, gây ra sự xôn xao lớn làm cho dư luận trong nước Nhật chia hai.

Năm 22 tuổi, ra thành Edo, Shibusawa đã nhập bọn với đám người chủ trương xua đuổi bọn man di và như vậy đã bôn tẩu phấn đấu nhiệt tình cho mục đích đó. Ông đã nhập bọn với đám người âm mưu đốt cháy khu nhà ở của người ngoại quốc ở Yokohama nghĩa là đã tham gia vào những hoạt động quá khích. Ðiều này chứng tỏ ông ở tuổi thanh niên đã là một người theo chủ nghĩa quốc túy, chủ nghĩa yêu nước cuồng nhiệt.

Âm mưu đốt cháy khu nhà ở của người ngoại quốc ở Yokohama là do Kiyokawa Hachiro chủ mưu. Nhân vật này đã đề xướng việc thành lập đội tự vệ Shinsen-Gumi, đã tìm mọi cách để thực hiện âm mưu đó nhân giai đoạn hỗn độn cuối thời mạc phủ Tokugawa, song sắp đến lúc thực thi kế hoạch thì mục đích lại thay đổi, nên cuối cùng bị ám sát. Việc âm mưu đốt khu nhà người ngoại quốc ở Yokohama này bị thất bại nửa chừng như vậy, phần lớn là vì tính khí của Kiyokawa.

Bỏ trốn về Kyoto được, Shibusawa năm 1864, tức là chỉ bốn năm trước cuộc cách mạng Meiji, đã được nhận vào làm cho gia đình Hitotsubashi, một trong ba dòng họ mạc chúa Tokugawa. Thế rồi, khi công tử Yoshinobu được chọn lên làm mạc chúa (đời thứ 15), thì Shibusawa cũng trở thành một nhân vật trung tâm của thể chế mạc phủ.

Trái hẳn với phần đông những nhân vật hoạt động trong thời Minh Trị, Shibusawa đã vào làm gia thần cho mạc chúa ở thời kỳ mạt vận. Năm 1867 (niên hiệu Khánh ứng năm thứ ba) ông tháp tùng công tử Tokugawa Akitake, em mạc chúa Yoshinobu, sang dự Hội chợ Paris và như vậy có cơ hội được mắt thấy tai nghe về Âu Mỹ. Tuy nhiên, nửa chừng cuộc viễn du đó, cuộc cách mạng Minh Trị xẩy ra và mạc phủ Tokugawa bị giải tán.

Lúc đó tại Hội chợ Paris có đủ cả hai phe ủng hộ và chống đối mạc phủ. Sau này, cùng với Shibusawa trở thành một nhân vật lớn trong giới kinh tài thời Minh Trị, là Godai Tomoatsu, cũng có mặt ở Paris trong đoàn đại biểu của phiên bang Satsuma, đang triển khai đường lối ngoại giao hư hư thực thực ở đó.

Năm 1868 (niên hiệu Minh Trị nguyên niên), Shibusawa về nước, bèn cùng với gia đình Tokugawa lui về sống ở Shizuoka, và có một lúc đã lãnh chức kế toán trưởng, tức là quan chức phát hành tiền tệ của phiên bang Sunpu. Ðây chỉ là một thời gian rất ngắn.

 



tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương