12 người lập ra nước Nhật Mục lục Lời tựa của dịch giả


Sự kỹ tính phát triển thành lý luận về nhân cách của con người trong tổ chức



tải về 1.61 Mb.
trang14/24
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.61 Mb.
#4415
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   24

Sự kỹ tính phát triển thành lý luận về nhân cách của con người trong tổ chức

Ảnh hưởng thứ ba của nền Tâm học Thạch Môn, là từ sự đánh giá nhân cách cao khiết của người thợ làm ra sản phẩm trau chuốt, người ta ngược lại đã coi sản phẩm thô tạp là tác phẩm của những kẻ đê tiện. Chẳng hạn, xe ôtô Mỹ thì nước sơn không kỹ bằng xe Nhật, hay cột cánh cửa thì không khít từ trên xuống dưới, cho nên người Nhật thường nói với nhau rằng "xã hội làm ra loại xe ôtô thô tạp thế này, thì luân lý lao động bị suy tàn rồi."

Có người kể lại rằng: "Tôi mua một chiếc xe ôtô Mỹ. Dùng một thời gian thì thấy có mùi thối. Xem kỹ mới thấy ở giữa lớp sắt cánh cửa ngoài và lớp lót bên trong cánh cửa có một chiếc hamburger đã thối. Thì ra thợ ráp xe ôtô vừa ăn hamburger vừa làm việc nên đã bỏ quên ở đó."

Câu chuyện trên, tôi (Sakaiya Taichi) đã được nghe kể tới bốn lần trong khoảng những năm 1980. Hai lần được nghe người Nhật làm việc ở nước ngoài kể lại, và hai lần được nghe ở trong nước. Có lẽ là chuyện có thật. Thế nhưng cả bốn lần cùng một câu chuyện, thì đó có thể chỉ là một trường hợp trong hàng mấy chục ngàn chiếc xe mà người Nhật mua của Mỹ. Thế mà người ta đã rút ra ở đó một kết luận chung, về "sự suy đồi đạo đức lao động của người Mỹ," về nhân cách tổ chức của xã hội Mỹ.

Ấy đấy, ở nước Nhật này, người ta hay nghĩ rằng "công ty làm ra sản phẩm tồi tệ thô tạp, thì có đạo đức lao động thoái hóa, có nhân cách tổ chức thoái hóa." Thế rồi, từ đó người ta suy ra rằng "những sản phẩm khác của công ty đó đều xấu cả." Vì vậy, những công ty lớn, nhất là những công ty chế tạo nhiều mặt hàng của Nhật Bản, thì không chịu chế ra những mặt hàng giá rẻ. Ðiều này khiến cho toàn xã hội Nhật Bản đã trở thành một xã hội đắt đỏ.

Cái tư tưởng của nền Tâm học Thạch Môn do Ishiba Baigan khởi xướng, đã hạn chế không ít cái ý thức thẩm mỹ và cái quan niệm đạo đức của người Nhật thời nay.

Thời kỳ bế môn tỏa cảng, Nhật Bản thiếu vốn liếng, thiếu đất đai trồng trọt, cho nên dù có phải hạ thấp năng suất lao động xuống, nhưng sự nâng cao giá trị gia tăng đối với mỗi tài nguyên, hay sự nâng cao năng suất sản xuất của đất đai, như đã kể trên, đều đã mang lại hiệu quả nhất định trên mặt hợp lý hóa. Người Nhật mỗi khi du nhập cái cơ bản về một kỹ thuật hay một sản phẩm mới từ nước ngoài về, thì chẳng mấy chốc, họ đã có thể chế ra sản phẩm tốt hơn của nước thày của họ. Sự kiện này đã là nguyên nhân khiến cho khối lượng mậu dịch của Nhật Bản có lợi lớn cho trong thập niên 1980.

Mặt khác, hàng ngoại quốc mỗi khi muốn đưa vào thị trường Nhật Bản, thì chính người ngoại quốc sẽ không thể ngờ được rằng họ bị đòi hỏi khắt khe đến thế, từ phẩm chất đến những chỗ tỉ mỉ của sản phẩm. Ðến nỗi, họ than phiền rằng "Thị trường Nhật Bản có tính bài ngoại." Ðây quả là một vấn đề ý thích đặc thù của thị trường Nhật Bản.

Một điểm nữa là người Nhật thật không biết thực sự an hưởng thời giờ nhàn rỗi. Ðây cũng lại là một ảnh hưởng của nền Tâm học Thạch Môn. Ngồi không ăn chơi là phí phạm. Ngay cả nếu nhàn du, thì cũng rán học hỏi thêm. Vì vậy, họ đua nhau tới các trung tâm văn hóa, các câu lạc b dưỡng sinh. Ở xứ Nhật, người ta không thể quan niệm được rằng "vacance" nghĩa là "chỗ trống," là "trống rỗng117[13]."

 

Ý thức "Xa xỉ là kẻ địch"

Ảnh hưởng thứ tư của nền Tâm học Thạch Môn là sự nhấn mạnh vào điểm "tần tiện là đức tính tốt."

Baigan không phải chỉ khuyên người ta hãy cần cù làm ăn, mà đồng thời còn thuyết giảng sự tần tiện nữa. Chính từ việc coi tần tiện là điều thiện này, đã lan ra một ảnh hưởng lớn rộng khiến phát sinh ra sự bất quân bình trong xã hội ngày nay.

Trước nhất, từ sự khích lệ tính tần tiện đã nảy sinh ra ý thức "xa xỉ là kẻ địch." Vì thế nên các nhà chính trị nếu tiêu xài xa xỉ thì bị phê bình ngay. Vì thế, phu nhân các chính trị gia khi lên Tokyo dù có tiêu xài xa xỉ cách mấy, thì về cơ sở, về tuyển khu, phần đông họ đều phải giả bộ "thanh bần." Bởi vì nếu tiêu xài xa xỉ, thì thế nào cũng bị chê bai, bị coi là phẩm hạnh xấu. Ðó là bởi vì Tâm học Thạch Môn dạy người ta rằng: "Người cao thượng làm ăn cần cù để tu dưỡng nhân cách, và để cảm thấy niềm vui trong sự cam phận thanh bần." Do đó, tiền tích lũy tăng lên, trong khi sự tiêu xài lại ít. Vì vậy, tiền đã tích tụ vào các cơ quan công quyền hoặc các xí nghiệp kinh doanh và chỉ có các đoàn thể, các tổ chức như vậy mới tiêu xài phí phạm được thôi.

Nói cách khác, nếu có chi phí trong việc giao tế một cách xa hoa, xa xỉ cho xí nghiệp, cho cơ quan, thì cái đó tha thứ được, song cho cá nhân thì không được. Vì thế, khi thết đãi các "quan lớn" vì việc công ty, vì việc cơ quan, thì dù có phải dùng tới những nhà hàng đắt tiền cũng không sao, nhưng nếu cá nhân mà tới những nhà hàng đắt tiền đó, thì sẽ bị chỉ trích. Trụ sở của công ty, câu lạc bộ hay nhà của công ty, thì dù có cất ở ngay vùng nhất đẳng địa của trung tâm thủ đô, cũng được. Nhưng nhà của cá nhân bậc quản trị viên công ty cũng vô cùng khiêm tốn. "Xa xỉ là địch" nhưng "xa xỉ cho cơ quan, cho tổ chức, là bạn, là ta."

Xem như trên, ta thấy rằng Tâm học Thạch Môn đã để lại ảnh hưởng vô cùng lớn đối với Nhật Bản và "văn hóa" của người Nhật Bản.

Trên cơ sở của nền Tâm học Thạch Môn đó, nền văn minh Tây Âu đã du nhập vào Nhật Bản kể từ sau cuộc Duy tân Minh Trị. Người Nhật kể từ thời Minh Trị, đã được dạy bảo rằng, phương pháp hay là chỉ cần học thêm những chỗ tinh xảo của nền văn hóa Tây Âu, cách học giỏi là chỉ cần bắt chước rồi làm tinh xảo hơn những kỹ thuật hay chế độ của ngoại quốc. Vì vậy mà người Nhật chỉ khéo léo làm được ngay cả những chỗ tỉ mỉ nhất, nhưng họ tỏ ra không thành thạo trong sự xây dựng khái niệm tổng thể hay sự chuyển đổi nhảy vọt về ý tưởng. Ngược lại, sự không thành thạo như vậy lại còn được coi như bằng chứng cho phẩm hạnh phương chính, tức là tính trung thực không đi chệch đường ray.

Khi viết luận văn thì chỉ cốt sao cho luận điểm tổng thể được thông thoát. Như vậy tức là chỉ coi trọng sự tham khảo, sự dẫn chứng trung thực chư thuyết của người trước hay của ngoại quốc, hơn là sự đánh giá về tính sáng tạo, tính độc đáo. Vì thế, không thấy phát sinh ra những học thuyết làm cho thế giới kinh ngạc. Mà nếu một học thuyết như vậy có phát sinh ra, thì cũng khó mà lan truyền rộng ra được118[14]. Vậy nên, có rất ít người cam tâm miệt mài vào những nghiên cứu cơ bản, với viễn vọng lập ra lý thuyết mới.

Tóm lại, từ tư tưởng làm sao cho cả cần mẫn lẫn tần tiện được lưỡng lập, đã phát sinh ra sự cố chấp tới những chỗ tỉ mỉ, rồi từ tỉ mỉ tới "chủ nghĩa thủ tục." Chủ nghĩa coi trọng thủ tục này đã có quan hệ tới chế độ quan liêu (công chức) hiện nay của Nhật Bản vậy.

 

"Chủ nghĩa đâu ra đó" phát sinh ra từ nền Tâm học Thạch Môn

Quan chức ngoại giao nước ngoài ở Tokyo, hay xì xào với nhau từ "chanto-ism119[15]." Người Nhật có tính làm gì cũng kỹ lưỡng, từ cách gói ghém bao bì, từ cách trình bẩm báo cáo, từ cách lấy chứng từ thu ngân, v.v., nhất nhất cái gì cũng phải đâu ra đó mới chịu. Thu thuế thì tới một yên cũng phải cho minh bạch. Thuế tiêu thụ ở ngoại quốc thì đại khái chủ nghĩa thôi, nhưng ở Nhật Bản, thì chỉ nói rằng, cửa hàng nhỏ với doanh thu dưới 30 triệu yên thì khỏi phải nộp thuế tiêu thụ, là đã thấy có sự bàn tán là "ăn lời nhờ thuế."

Liệu cái "chủ nghĩa đâu ra đó này" có hiệu quả thực tế không? Người ta nói rằng, Luật tiêu chuẩn kiến trúc Nhật Bản, hay Luật phòng cháy chữa cháy Nhật Bản là nghiêm khắc nhất thế giới. Ấy thế mà hồi trận động đất lớn Hanshin-Awaji thì sự thiệt hại về cơ sở xây dựng đã lớn hơn bất cứ ở nước nào khác. Số người chết cũng rất lớn. Nghĩa là, mặc dù "đã làm đàng hoàng," song hiệu quả thực tế thì yếu kém120[16].

Tương tự như vậy, tỷ suất cứu hộ thấp các trường hợp bị liệt tim trở tới bệnh viện bằng xe cấp cứu có tỷ lệ cứu sống thấp, sự phát sinh tình trạng bị AIDS vì dược hại (cái hại của sự dùng thuốc)121[17], sự chế tạo thẻ chơi pachinko122[18] giả, v.v.. Nghĩa là, "chủ nghĩa làm đàng hoàng" của Nhật Bản thật ra chú trọng tới thủ tục nhiều hơn là hiệu quả.

Vậy, làm đàng hoàng cái gì? Trước nhất là cái cảm giác, cái ý thức đẹp đối với việc làm thủ tục một cách đàng hoàng, kỹ lưỡng. Thứ hai là, với việc làm đàng hoàng như vậy, người ta đã nhận thức được sự bình đẳng, sự ngang hàng với nhau. Nghĩa là, không có ai làm cái gì đột phá, không có ai chơi trội cái gì cả. Ai cũng làm đàng hoàng cả, nên mọi người an tâm. Rồi, thứ ba là, làm đàng hoàng để có thể chạy trốn trách nhiệm. Nghĩa là "việc này đã được làm như vầy, như vầy, đúng thủ tục, ai nấy đều thừa nhận cả. Cho nên, trách nhiệm không phải là về ai cả."

Nếu Nhật Bản nới bớt những gò bó, những quy tắc, để lập ra một xã hội cạnh tranh tự do, thì Nhật Bản phải chấp nhận một phần sự "lỏng lẻo" thì mới thoát ra khỏi được chủ nghĩa tiêu chuẩn, thoát khỏi sự thống chế của chế độ quan liêu, tránh được "chủ nghĩa đâu ra đó."

Nghĩa là, dù cho những chỗ nhỏ nhặt có không được làm kỹ càng đi chăng nữa, thì cũng nên để cho bán ra. Tự do cũng có nghĩa là chấp nhận để cho những phẩm vật thô tạp có đất phát sinh. Ðể cho mỗi vật có cơ hội tham gia cạnh tranh, rồi để cho người tiêu dùng lựa chọn, mới có thể xác lập được quyền làm chủ của người tiêu dùng. Nói cách khác, chỉ có thế mới thoát ra khỏi được cái ảnh hưởng của nền Tâm học Thạch Môn, của "chủ nghĩa đâu ra đó," một sản vật của nền Tâm học này.

Trong xã hội được kiểm soát nghiêm ngặt của thời Kyoho, trí tuệ của thứ dân đã kết tinh thành nền Tâm học Thạch Môn, một nền triết học độc đáo của Nhật Bản.

Nhưng ngày nay, năng suất sản xuất của người Nhật đã tăng rất cao, đời sống đã trở nên phong phú. Cần có một quy phạm đạo đức mới, một ý thức đẹp mới vượt lên trên triết học của Ishida Baigan.

[1] Genroku (1688-1704) là niên hiệu của vua Higashiyama, thường được coi là lúc thịnh trị, thịnh vượng nhất của thời đại mà nhà mạc phủ Tokugawa đóng ở thành Edo (Tokyo ngày nay).


[2] Năm 1945, các đảng vô sản có từ trước cuộc Ðệ nhị Thế chiến, đã kết hợp lại thành Ðảng Dân Chủ Xã hội. Năm 1947, đảng này do vị Chủ tịch đầu tiên của đảng là Katayama Tetsu, đã thành lập nội các liên hiệp, và như vậy đã là đảng cầm quyền tại Nhật Bản, nhưng hai phe tả và hữu trong đảng đối lập nhau dữ dội, đến nỗi năm 1951, đảng tách ra làm hai. Rồi năm 1955, hai đảng cánh tả và cánh hữu đã hợp nhất lại thành Ðảng Xã Hội Nhật Bản. Lúc đó Ðảng Dân Chủ Tự Do ra đời và do đó đã xuất hiện một tình trạng cân bằng giữa các lực lượng bảo thủ và lực lượng cấp tiến, do hai đảng lớn lãnh đạo. Tình trạng cân bằng như vậy được gọi là "thể chế năm 55 ". Tình trạng chính trị, xã hội như vậy, nếu đem so sánh với năm 1867, tức là lúc Nhật Bản còn là nước nông nghiệp phong kiến lạc hậu, đang sắp tập tễnh bước vào cuộc đổi mới, cuộc công nghiệp hóa, thì quả là quá xa. Nói cách khác, 85 năm là cả một thời gian dài. Những gì xẩy ra trước kia và những gì đang diễn ra bây giờ đều khác nhau rất xa. Người sống 85 năm trước không thể đoán được những gì sẽ xẩy ra 85 năm sau. Và người 85 năm sau cũng không còn ký ức gì về 85 năm trước nữa.
[3] Showa (1926-1989) là niên hiệu của thời trị hơn 62 năm của thiên hoàng Hirohito. Showa bắt đầu từ thời kỳ Nhật Bản xưng hùng xưng bá ở châu Á, nào gây hấn ở Trung Quốc, nào dựng nước bù nhìn Mãn châu, nào chiếm đóng các thuộc địa và đất bảo hộ của Pháp, Anh, Mỹ, Hòa Lan ở Ðông Nam Á, qua thời kỳ thua trận chiến Thái Bình Dương (Chiến tranh thế giới lấn thứ hai), rồi tới thời kỳ phục hưng để trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới như hiện nay. Thời Showa như vậy là thời kỳ vừa nhục nhã (bại trận), vừa đáng hãnh diện (thái bình thịnh vượng) của Nhật Bản. Genroku là thời kỳ thịnh vượng, hào hoa nhất trong gần 300 năm của mạc phủ Tokugawa. Do đó, từ Thời Genroku Showa là nói cái khúc thái bình thịnh vượng của thời kỳ Showa.
[4] Amako là một dòng dõi thế phiệt của thời Mạc Phủ Kamakura (xem Chương III). Mười Dũng sĩ Amako là nhóm người muốn phục hưng cơ nghiệp của họ Amako này.
[5] Meireki và Manji đều là niên hiệu của thời trị (1654-1663) của thiên hoàng Gosai (1637-1685). Trận hỏa hoạn lớn này đã xẩy ra trong ba ngày 18-20 tháng Giêng âm lịch năm 1657, đốt cháy một diện tích khoảng 400 mẫu tây, làm thiệt mạng 100 ngàn người.
[6] Trận đánh Mùa Hè Ozaka là trận đánh cuối cùng để tiêu diệt dòng họ Toyotomi, và như vậy là hoàn thành cuộc thống nhất toàn quốc Nhật Bản dưới quyền cai trị của mạc phủ Tokugawa.
[7] I = Investment = đầu tư, S = Saving = tiết kiệm=tích lũy.

[8] Chushin-gura là tên gọi của những kịch hát bội Kabuki, kịch rối Joruri, kịch hài No, phim kịch lịch sử, v.v., diễn tích 47 người dũng sĩ của phiên bang Ako đã quyết tâm trả thù cho chúa của họ là Asano Takumi No Kami. Ông này có lãnh địa nhỏ bé ở địa phương nay là tỉnh Hyogo, ngay cạnh Osaka. Ông được cử tiếp sứ giả của triều đình ở thành Edo (Tokyo ngày nay). Song vì ít hiểu biết về nghi lễ nên đã phải nhờ cậy Kira Konosuke No Suke, một chức quan coi việc nghi thức của phủ chúa Tokugawa, chỉ bảo. Lệ thường, ông phải cung phụng xứng đáng cho Kira. Song vì tiền lo lót ít, ông đã bị Kira tìm mọi cách làm tình làm tội, xài xể dè bỉu là quê mùa. Bị làm nhục, ông đã tuốt đao chém Kira ngay trên điện. Kira chỉ bị thương nhẹ. Thời ấy, khi hai người đánh lộn với nhau, thì đáng lẽ cả hai bên đều bị xử phạt, song chỉ có Asano bị xử phải tự mổ bụng, lãnh địa bị tịch thu, con cháu bị truất khỏi hàng phiên chúa. Còn Kira thì được miễn trách. Sự bất công này đã làm phẫn nộ đám gia thần của Asano. Họ lập mưu, đột nhập dinh của Kira đêm 14 rạng 15 tháng Chạp, bắt được Kira, chém đầu đem ra tế trước mộ chủ. Như thế là trả thù được cho chủ, nhưng rồi tất cả 47 người đều bị mạc phủ Tokugawa xử tội phải tự mổ bụng. Việc làm của họ, trả thù cho chủ rồi tự mổ bụng chết theo chủ, đã trở thành tấm gương sáng về lòng trung nghĩa. Và cái chết oan ức của chúa tôi Asano đã làm thành đề tài cho dân gian thương tiếc những kẻ anh hùng hoại diệt như vậy suốt trong lịch sử hơn 300 năm nay.


[9] Nikolai D. Kondrachev (1892-1938), một nhà kinh tế học người Rossia (Nga).

[10] "Lục căn thanh trừng" nghĩa là "rửa sạch lục căn." Lục căn, theo Ðạo Phật, là sáu cảm quan sinh ra cái biết, tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân mình và ý nghĩ. Tục đi lễ núi Phú Sỉ sau này trở thành đạo Phù Tang.

[11] Thủ tường Nhật Bản từ ngày 6/11/1987 tới ngày 2/6/1989.

[12] Nói đến sự đúng giờ từng phút từng giây, thì phải kể đến sự đúng giờ của hệ thống đường sắt Nhật Bản. Có thể nói, đường sắt Nhật Bản là phương tiện giao thông công cộng tiện lợi nhất, rẻ tiền nhất, an toàn nhất, có thể đi tới bất cứ nơi thâm sơn cùng cốc nào cũng như hàng cùng ngõ hẻm nào, và nhất là đúng giờ nhất thế giới. Hồi năm 1972, nhân dịp kỷ niệm 100 của ngành đường sắt Nhật Bản, các giới chức của hệ thống đường sắt Anh quốc đã được mời tới Nhật Bản tham dự. Phái đoàn Anh quốc đã phải thốt lên lời thán phục về sự đúng giờ của đường sắt Nhật Bản, đúng đến nỗi chưa bao giờ một chuyến tàu đường xa lại chậm tới hơn một phút mà không có thông báo trước cả. Ngay cả đến những tuyến đường sắt nội ô Tokyo hay Osaka, buổi sáng trong giờ cao điểm thì cứ khoảng chưa đầy 10 giây đã có một chuyến khởi hành hoặc đáp bến, chuyến nào cũng từ 12 tới 15 toa, toa nào cũng chật ních hàng 200 người, mà không bao giờ tàu tới trễ hoặc khởi hành trễ cả.


[13] Trong tiếng Nhật, "ba-kan-xư" là từ dịch âm của tiếng Pháp "vacance" và có nghĩa là sự nhàn du, sự nghỉ ngơi thư giãn. Ở đây, tác giả muốn nhắc đến nghĩa nguyên gốc của từ "vacance." Theo tự điển tiếng Pháp Petit Larousse Illustré (1976), "vacance: état d’une place, d’une charge non occupée," nghĩa là "vacance là chỗ trống rỗng."
[14] Một thí dụ điển hình hay được kể lại, là trường hợp Tiến Sĩ Esaki Leona, thuộc Ðại học Quốc gia Tokyo, đã phát minh ra diod đường hầm (tunnel diod) năm 1957. Tuy nhiên, ở trong nước Nhật thời đó, ít người tán thưởng, thậm chí còn bàn ra. Phải chờ đến năm 1962, nhà bác học người Mỹ là William Shockley, người đã được giải Nobel Vật Lý về phát minh ra transistor, sang Nhật, công nhiên khen ngợi công trình nghiên cứu của TS Esaki trước đại hội khoa học, thì phát minh đó mới được đánh giá một cách chính đáng. Cũng nhờ có sự khen ngợi của Shockley mà Esaki đã được đề nghị và được trao tặng giải Nobel Vật lý.
[15] "Chanto" tiếng Nhật có nghĩa là "đàng hoàng, kỹ càng, đúng đắn, chính xác, không bôi bác, không phiên phiến, không tắc trách." Còn "ism" là tiếp vĩ ngữ tiếng Anh, có nghĩa là "chủ nghĩa." Vậy "chanto-ism" là "chủ nghĩa đàng hoàng, kỹ càng, đúng đắn, chính xác, không bôi bác, không phiên phiến, không tắc trách,..." mà ở đây đã được tiêu biểu bởi từ "chủ nghĩa đâu ra đó."
[16] Trận động đất lớn này đã xảy ra ngày 17/01/1995, phá hoại ba tỉnh Osaka, Kyoto, Hyogo, làm chết 6300 người, bị thương 43 ngàn người, làm đổ hoặc hư 209 ngàn căn nhà. Thành phố cảng Kobe là nơi bị thiệt hại lớn nhất, bị phá hủy tan hoang, từ cao ốc tới các xa lộ cao tốc. Tuy nhiên, tác giả Sakaiya Taichi có phần hơi khắt khe quá với vụ việc này. Thật ra, khu vực lấy thành phố Kobe làm trung tâm này, xưa nay được coi là an toàn về mặt động đất, cho nên các kiến trúc đều theo tiêu chuẩn cũ, ít chịu đựng được những trận động đất lớn, nên đã bị phá hủy nặng nề trong trận động đất năm 1995 vừa nói.

Còn số người chết và người bị thương lớn, thật ra không phải vì ảnh hưởng trực tiếp của trận động đất, mà vì họ bị chết cháy hoặc bị phỏng sau khi động đất xảy ra rồi. Hơn nữa, còn có một lỗi lầm lớn do người gây ra: Ðó là sự ứng phó chậm chạp của lực lượng quân đội Nhật Bản đóng ở gần địa điểm động đất, trong việc ra quân cứu hộ. Viên tướng chỉ huy quân khu, đã không linh hoạt cho xuất quân ngay để cứu hộ, mà còn "dềnh dàng" điện thoại xin mệnh lệnh của bộ trưởng quốc phòng, khiến cho sự ra quân bị chậm trễ cả nửa ngày. Ðây là một trường hợp điển hình của một viên tướng chỉ huy "tồi," không hiểu cái "lẽ quyền biến," không hiểu cái "quyền hạn" của người tướng ở tiền tuyến, hễ thấy "địch" là phải biết ra tay ngay, chứ đâu cần phải chờ có "lệnh bài" mới ra quân? Trường hợp này, "địch" tức là trận động đất, tức là đám cháy. Ðúng ra, đây quả là một trường hợp viên tướng chỉ huy này đã quá câu nệ tới "thủ tục," nên đã không "làm chủ" được trách nhiệm của mình. Câu nệ thái quá tới thủ tục, mới là điểm tác giả Sakaiya nên chỉ trích.


[17] Vụ này đã xảy ra vì có một số người mắc bệnh thiếu máu (bần huyết) đã dùng loại thuốc tăng huyết chế ra từ máu người nhập từ ngoại quốc vào mà không qua xử lý nhiệt. Thời đó, ở Mỹ hoặc ở Pháp, giới y học đã có cảnh báo rằng máu ngoại nhập như vậy có khả năng chứa đựng virus HIV, và như vậy có nguy cơ nhiễm độc đối với người sử dụng thuốc chế tạo từ máu như vậy nếu không qua xử lý nhiệt. Tuy nhiên, ở Nhật Bản thời đó, cơ quan chủ quản việc cho lưu hành thuốc men, là Bộ Y Tế, lại chưa có quyết định chính thức về sự bắt buộc phải xử lý nhiệt những loại thuốc như vậy. Do đó, các công ty bào chế thuốc vẫn bán ra những thuốc tăng huyết không qua xử lý nhiệt. Kết quả là có nhiều người đã nhiễm virus HIV, và một số đã bị AIDS rồi chết một cách oan ức. Vụ này đã gây ra một vụ án lớn lao kéo dài hàng chục năm ở Nhật Bản và đã làm cho dư luận phẫn nộ trước sự vô trách nhiệm của Bộ Y Tế. Qua mấy đời bộ trưởng, bộ này cứ khăng khăng chối bỏ trách nhiệm đối với các nạn nhân. Kết cục, Bộ trưởng Y Tế Kan Naoto, sau là tổng thư ký của đảng đối lập lớn nhất Nhật Bản, đã phải trực tiếp họp báo xin lỗi nhân dân, nhận lỗi của Bộ Y Tế và bằng lòng trích công quỹ ra bồi thường cho các nạn nhân.
[18] Pachinko là một trò chơi, hay đúng hơn là một trò cờ bạc, dùng một máy tự động bắn bi sắt vào một bảng có nhiều lỗ, mỗi lỗ có thể ăn được một số hòn bi khác nhau. Số bi thắng được có thể đổi ra hiện vật như bánh kẹo, thuốc lá,...

Chương VIII : Okubo Toshimichi 

Người dựng nên "chế độ quan liêu (công chức)"

 

Nguồn gốc của thể chế "quan liêu (công chức) chỉ đạo"

Vấn đề chính trị lớn hiện nay là giảm bớt quy chế.

Nội các Hashimoto Ryutaro123[1] đã lấy việc giảm bớt quy chế làm công tác chính trị lớn nhất của mình. Song việc này không dễ dàng.

Nguyên lai, vấn đề giảm bớt quy chế và cải cách hành chính vốn đã do nội các Suzuki Zenko124[2], ra đời tháng 7 năm 1980, đề xướng ra. Tới nay (1998) đã được 18 năm. Nhất là nội các Nakasone Yasuhiro125[3], ra đời sau nội các Suzuki, tự xưng là "nội các cải cách hành chính," đã lập ra Ủy ban lâm thời cải cách hành chính126[4] Doko, với quyết tâm cải cách hành chính, giảm bớt quy chế và chia quyền cho địa phương.

Chính phủ đã đạt được ít nhiều thành quả tốt. Chẳng hạn, Hệ thống Ðường Sắt Quốc Doanh đã được phân thành 7 công ty và chuyển sang dân doanh. Tổng Công ty điện tín điện thoại Nhật Bản và Tổng Công ty bán độc quyền thì biến thành các công ty dân doanh, thứ tự gọi là Công Ty NTT và Công Ty JT127[5]. Xét cái hoàn cảnh lúc đó, thì việc cải cách như vậy là mạnh bạo. Song, cơ quan hành chính chủ chốt, tức là các bộ sở trung ương cùng các cơ quan hành chính địa phương, thì không thể mó tay tới được tí nào cả.

Không phải chỉ có thế. Các bộ sở đã tăng số lượng quy chế, thể lệ về chứng nhận và cho phép lên từ con số 9.600 ở thời điểm nội các Nakasone mới thành lập, tới 19.000 vào cuối năm 1995. Nghĩa là trong vòng mười năm, mặc dù có sự hô hào la lối "giảm bớt quy chế, giảm bớt thể lệ," song thực tế là quy chế, thể lệ cứ mỗi ngày một tăng thêm.

Tại sao như vậy? Nói trắng ra là vì hàng ngũ quan liêu (công chức) quá mạnh, và số người lệ thuộc vào hàng ngũ quan liêu này lại quá đông. Mỗi bộ sở của chính phủ đều có những ngành nghề kinh doanh bám vào đó, sống đèo bòng vào đó. Trong đám đèo bòng này, có rất nhiều người kinh doanh, nhiều doanh nghiệp lúc nào cũng chỉ trông chờ sự chỉ đạo, sự chỉ bảo của "quan trên." Thế rồi, dân gian cũng coi việc làm như thế là đương nhiên. Ở nước Nhật, ngay lúc này cũng còn có rất nhiều người suy nghĩ rằng, nếu không có quan trên chỉ đạo, quan trên quy định cho, thì mỗi việc đều bị lộn xộn hết.

Cái xu hướng, cái thể chất quan liêu chỉ đạo này đã hình thành bao giờ và hình thành như thế nào? Nếu ngược dòng lịch sử, người ta sẽ đụng tới Chính phủ Minh Trị. Thế rồi, nói đến nhân vật đứng ở trung tâm của việc lập ra chế độ quan liêu này của Chính phủ Minh Trị, người ta ắt phải nói tới Okubo Toshimichi.

Trước khi xét vai trò của bậc nguyên huân Okubo Toshimichi này của thời Minh Trị, cần suy nghĩ xem tại sao Nhật Bản lại có nhiều quy chế, nhiều thể lệ như vậy. Tại sao sự chỉ đạo của quan liêu lại không bị đánh đổ. Nghĩ như vậy, người ta sẽ thấy có hai mặt.

Trước nhất là ý thức êlít128[6] và tinh thần trách nhiệm mãnh liệt của đám quan liêu. Họ nghĩ rằng: "bọn ta không chỉ đạo thì nước Nhật non nớt này không thể đứng dậy bước đi nổi." Chính vì vậy mà ở Nhật Bản, quan liêu làm việc rất nhiệt tâm và đầy kiêu hãnh. Nhưng mặt khác, không thể bỏ qua sự thật là ngay hiện nay cũng vẫn còn tồn tại tư tưởng coi dân là ngu, coi "dân sự chẳng bao giờ làm được gì ra hồn cả."

Chẳng hạn, một thí dụ trong việc nới bỏ quy chế, là đề nghị hãy thử cho phép mở những cây xăng tự phục vụ. Ở nhiều nước trên thế giới, việc biến các cây xăng thành hình thức tự phục vụ đã được phổ biến, nhưng ở Nhật Bản thì việc này hãy còn bị cấm129[7]. Nếu để cho cây xăng trở thành tự phục vụ, thì mỗi lít xăng có thể rẻ đi vài Yen. Vậy mà tại sao ở ngoại quốc có mà ở Nhật Bản lại không có những cây xăng tự phục vụ? Ðó là vì các quan ngại rằng: "Nếu để cho cây xăng tự phục vụ, có kẻ sẽ gây ra hỏa hoạn."

Thế nhưng, ở Âu Mỹ cũng như ở châu Á, cây xăng tự phục vụ đâu có gây ra hỏa hoạn? Vậy mà khi hỏi: "Tại sao nghĩ rằng chỉ ở Nhật Bản mới xẩy ra hỏa hoạn?" Thì các quan trả lời: "Người Âu Mỹ và người châu Á quen rồi, chứ người Nhật chưa quen, nên nguy hiểm." Thật là câu trả lời coi thường người Nhật. Ấy thế mà khi nghe xong câu chuyện này, cũng đã có người phụ họa: "Chả nói gì chứ ở ngay gần nhà tôi cũng có cây xăng. Nói chung, nên để các quan kiểm tra dùm chứ không thì sợ lắm."

Cái ý thức quan trên như vậy đã thấm sâu vào mỗi lãnh vực. Người dân cũng vậy, hễ có chuyện gì xẩy ra thì thế nào cũng có người nói: "Nhà nước làm gì?" "Nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn." Tóm lại, đó là thái độ coi nhà nước là vạn năng, thái độ ỷ lại vào quan liêu. Ðó chính là chế độ do Okubo Toshimichi nghĩ ra vậy.




tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương