12 người lập ra nước Nhật Mục lục Lời tựa của dịch giả


Khuyết điểm của chủ nghĩa góp vốn



tải về 1.61 Mb.
trang18/24
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.61 Mb.
#4415
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   24

Khuyết điểm của chủ nghĩa góp vốn

Hiện nay, giới kinh tế Nhật Bản đang tổ chức theo cái gọi là "Ðoàn tàu hộ tống."

"Ðoàn tàu h tống" là nói nhiều tàu chở hàng hợp lại thành một đoàn tàu xung quanh có khu trục hạm của hải quân hộ tống chống lại sự tấn công của tàu ngầm địch.

Ví dụ, tất cả các ngân hàng đều họp lại thành một đoàn tàu, rồi được Bộ Kho bạc hộ vệ xung quanh cho tiến lên, không để cho một ngân hàng nào bị tụt hậu cả. Phương thức này làm cho cả đoàn tàu phải tiến theo tốc độ của con tàu chậm nhất. Những tàu có sức tiến nhanh cũng phải hạ bớt sức máy, phải chạy ngoằn ngoèo, khiến cho toàn thể giới doanh nghiệp có năng suất thấp, kinh phí cao.

Ðiều này không riêng gì giới lưu thông tiền tệ như ngân hàng hay công ty chứng khoán, mà từ giới vận tải đường bộ bằng xe tải, giới y bác sĩ, cho tới giới nông gia, tất cả những giới cần có giấy phép hành nghề do nhà nước cấp, đều họp thành đoàn tàu hộ tống như vậy cả.

Khi cho phép định giá lệ phí, chính phủ sẽ dựa theo nơi nào có kinh phí lớn nhất. Nghĩa là, căn cứ vào đơn vị làm ăn tệ nhất để tính lệ phí, sao cho không một đơn vị nào bị thua lỗ, không nơi nào bị phá sản cả. Ðiều này làm cho phí tiêu dùng lên cao, đồng thời sinh ra sự chênh lệch giữa giá cả trong nước với nước ngoài.

Ấy thế mà, hễ có xí nghiệp nào sắp phá sản, thì bèn cho hợp nhất với công ty khác để cứu sống. Vì thế, công ty mạnh phải nai lưng ra cõng công ty yếu, khiến cho kinh phí đã cao càng cao hơn nữa. Chính phủ thì coi sóc tỉ mỉ sao cho công ty yếu cũng không bị phá sản, nên sự can thiệp của quan liêu vào giới doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ, sự chỉ đạo của họ ngày càng mạnh mẽ. "Chủ nghĩa góp vốn" của Shibusawa chính là đã đưa đến phương thức đoàn tàu hộ tống này. ít nhất nó cũng đã manh nha sinh ra phương thức ấy.

Trong phương thức đoàn tàu hộ tống, tàu có sức chạy nhanh cũng phải chạy chậm. Những tàu chạy nhanh sẽ có năng lực thặng dư, nghĩa là những công ty ưu tú sẽ kinh doanh có lời lớn. Thế nhưng, cho là có sức kinh doanh tốt, có tài nguyên kinh doanh phong phú, nhưng vì thế mà kiếm lời quá nhiều, thì thế gian sẽ phê phán là làm loạn nhịp bước của đồng đội.

Do đó, những công ty kinh doanh giỏi, có vốn kinh doanh dư dả, thì cơ quan nhà nước sẽ bắt nhận một số quan liêu thuyên chuyển từ trên xuống, nghĩa là phải nuôi báo cô một số người ngồi chơi xơi nước151[10], sao cho giảm bớt lợi nhuận đi. Ấy thế mà nếu hãy còn lợi nhuận cao, thì bắt thôn tính hợp nhất với một công ty thua lỗ, nghĩa là "nuốt chửng" công ty thua lỗ này vào công ty mình. Ðổi lại sự hi sinh đó, phần chia (thị phần) của công ty bị thôn tính sẽ được trao cho công ty hợp nhất để khuếch đại phần chia của mình, để mở rộng địa bàn hoạt động. Ðể khuyến khích các công ty làm ăn giỏi tiếp nhận sự thôn tính hợp nhất như vậy, người ta cần đánh giá nhà kinh doanh không phải bằng lợi nhuận mà người ấy đạt được, mà bằng quy mô kinh doanh và bằng phần chia địa bàn kinh doanh.

Cho tới thập niên 1990, nền hành chính ngân hàng đúng là như kể trên vậy. Kết quả là tất cả các ngân hàng đều có kinh phí cao, và một khi bong bóng kinh tế nổ xẹp, thì tất cả đều ôm nặng bụng một mớ giấy nợ không trang trải được.

Ở Nhật Bản hiện nay, những ngành nghề ít bị cạnh tranh quốc tế, như xây dựng, ngân hàng, vận tải, điện lực, viễn thông, tin học, v.v., đều được bảo hộ bằng phương thức đoàn tàu hộ tống. Ðối với họ, kinh phí trở nên rất cao, đến nỗi phải coi tỷ giá đôla Mỹ là 1 đôla lớn hơn 200 Yen. Nói cách khác, chủ nghĩa góp vốn do Shibusawa nghĩ ra, ngày nay mới lộ khuyết điểm ra vậy.

Là người đề xướng rồi thực hiện chủ nghĩa tư bản Nhật Bản như kể trên, Shibusawa EiỴichi quả là người có ảnh hưởng lớn tới nước Nhật ngày nay.

 

Thang danh vọng kiểu Nhật

Một ảnh hưởng lớn nữa Shibusawa Ei’ichi đã để lại, là ý nghĩ về mục tiêu nhân sinh của nhà kinh doanh.

Theo suy nghĩ của Iwasaki Yataro, mục đích sống của doanh nhân là khuếch trương sự nghiệp để làm ra tiền. Doanh nhân làm ra tiền không phải là để khi chết cất đi. Trái lại, tiền lời làm ra, lại được đầu tư vào sự nghiệp mới để cống hiến cho xã hội. Như thế, doanh nhân tài ba như Iwasaki nếu cố gắng lập nên nhiều sự nghiệp, thì cách làm ăn khéo léo và kỹ thuật sẽ được phổ cập, nhân tài và tài nguyên sẽ được sử dụng tốt. Như vậy, bản thân sẽ được lợi mà xã hội cũng tốt ra, phong phú ra, mỗi người có chỗ làm việc để phát huy tài năng. Ðây mới là sự đóng góp đúng đắn của doanh nhân. Iwasaki Yataro hẳn muốn nói lên như vậy. Suy nghĩ như vậy chính là chủ nghĩa cá nhân Anglo-Saxon, là chủ nghĩa tư bản nguyên sơ.

Ðối lại, theo đường lối hòa hợp của Shibusawa EiỴichi, nếu một xí nghiệp nào đó có tài làm ra sản phẩm giá thành thấp, thì những xí nghiệp khác không làm được như vậy sẽ khốn đốn. Cho nên, những doanh nhân có tính hòa hợp phải đứng ra lãnh đạo điều chỉnh giới kinh tài. Như vậy, trong giới doanh nhân, người nào chăm lo việc của tập thể doanh nhân, biết điều chỉnh hoạt động, thì đáng được tôn vinh, hơn là người nâng cao lợi nhuận của xí nghiệp và làm giầu cho bản thân.

Ngày nay cũng vậy, một nhân viên lần lần leo thang danh vọng qua chủ sự, giám đốc rồi tới quản trị viên trơn, thì đều chỉ chăm lo việc nội bộ công ty. Chứ nếu đã lên tới địa vị quản trị viên thường trực, quản trị viên chuyên vụ, phó tổng giám đốc, tổng giám đốc, người ấy sẽ coi trọng vấn đề hòa hợp với toàn thể giới doanh nghiệp và sẽ không còn làm điều gì liều lĩnh nữa. Nếu là chủ tịch, thì người ấy bèn chú trọng tới chăm lo việc của giới doanh nghiệp hơn là việc của công ty nhà và bắt đầu nhắm nhía địa vị hội trưởng Phòng thương công, hoặc phó hội trưởng, hội trưởng Liên hiệp đoàn thể kinh tế (Keidanren). Nghĩa là từ người kinh doanh trở thành người "kinh tài." Làm người kinh tài để dẫn dắt giới kinh doanh và cố vấn cho chính phủ. Con đường danh vọng của đông đảo doanh nhân Nhật Bản là như vậy, nghĩa là họ muốn trở thành "Shibusawa của thời nay."

Trong thời hậu chiến, người ta còn thấy cả hai loại doanh nhân, kiểu Iwasaki và kiểu Shibusawa. Người kế thừa tư tưởng Iwasaki trong việc phát huy tài năng để khuếch trương kinh doanh, cống hiến cho xã hội, có lẽ là Matsushita Konosuke.

Matsushita Konosuke đã không trở thành Hội trưởng Liên hiệp Ðoàn thể Kinh tế, cũng không làm Hội trưởng Phòng Thương Công. Ông chỉ chăm lo phát triển công ty Matsushita Denki Sangyo và các công ty con, sản xuất ra những sản phẩm tiện và rẻ để cung cấp cho người tiêu dùng, trả lương cao cho nhân viên, phân phối lợi nhuận cho cổ đông. Những việc như vậy, ông thường nói, là báo đáp lại cho xã hội. Nói khác đi, ông coi trách nhiệm của nhà kinh doanh là cống hiến cho xã hội qua sản phẩm của công ty Matsushita và các công ty con trong cùng nhóm. Kết quả là chính ông đã trở thành cổ đông lớn của công ty và trở nên giầu có.

Những người khác cùng có chung quan niệm triết học như Matsushita Konosuke, tức là những người đã đóng góp lớn cho nền kinh tế Nhật Bản đồng thời nâng cao mức sống của người Nhật, là Honda So’ichiro, Ibuka Masaru, Ishibashi Nobuo, những người đã sáng lập ra những công ty Honda, Sony và Daiwa House.

Mặt khác, cũng có nhiều người xuất thân đi làm thuê, lần lần leo thang danh vọng trong công ty, rồi lên tới địa vị hội trưởng Phòng Thương Công, hội trưởng Keidanren, tức là trở thành những nhà kinh tài kiệt xuất. Những người như vậy rõ ràng là những nhà kinh tế tài ba, nhưng về mặt kinh doanh công ty, khó có thể phán xét được họ là doanh gia giỏi hay dở.

Ví dụ, so sánh với công ty Matsushita (Denki Sangyo), công ty Toshiba có thành tích kém hơn về mặt lợi nhuận. Từ trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Toshiba đã là xí nghiệp khổng lồ nhưng từ sau chiến tranh, thì Toshiba thụt xuống đứng sau Matsushita. Nếu chỉ xét mặt này thôi, thì phải coi Matsushita Konosuke là một nhà kinh doanh tuyệt vời, còn Toshiba thì không có ai sánh được như vậy. Thế nhưng, từ Toshiba, người ta đã thấy có đến hai nhân vật làm hội trưởng Keidanren: Ðó là Ishizaka Tanzan và Doko Toshio. Không những thế, cả hai người này đều là hội trưởng vĩ đại, đều là những nhân vật đáng nể trọng. Với thước đo kiểu Shibusawa, cả Ishizaka lẫn Doko đều là những nhà kinh tài tuyệt vời, đều là những hiện thân của chủ nghĩa góp vốn cả.

 

Ðã đến lúc thoát xác khỏi mẫu ngưới Shibusawa

Quả thật chính Shibusawa Ei’ichi đã đẻ ra, đã thực hiện và đã để lại khuôn mẫu cho sự thành đạt từ một nhà kinh doanh tới nhà kinh tài đặc trưng của Nhật Bản. Thế nhưng, liệu Shibusawa có tiên liệu được phần nào của thực trạng giới kinh tài trong thời hậu chiến chăng, đã tiên đoán được lề lối làm ăn triệt để kiểu đoàn tàu h tống chăng?

Sở dĩ đặt câu hỏi như vậy là như sau. Thời trước chiến tranh, nhân vật đứng ra lèo lái giới kinh tài chỉ cần có tài năng như vậy là được, chứ kích thước lớn nhỏ của công ty người ấy xuất thân không thành vấn đề. Nhưng sau chiến tranh, người như vậy, ngoài sự kiện phải là người có nhân cách có kiến thức, còn phải có thêm điều kiện nữa, là quy mô của xí nghiệp mà người ấy kinh doanh.

Ở thời Shibusawa Ei’ichi, chính ông không kinh doanh một công ty lớn nào cả, mà chỉ chuyên tâm vào công tác môi giới. Ông đã gây dựng ra và có quan hệ với khoảng 500 công ty, nên không thể trực tiếp điều hành quản lý tất cả được. Bởi vì, dù cho mỗi ngày chỉ quản lý một công ty thôi, thì một năm cũng không luân phiên quản lý được tất cả. Việc làm của Shibusawa là một loại tư vấn kinh doanh kiêm chỉ đạo khởi nghiệp, và hơn tất cả, ông chỉ đóng vai trò của người tổ chức, người vận động xuất vốn, lập ra công ty rồi chọn người đích đáng trao quyền kinh doanh. Shibusawa là người đại diện cho sự khai hóa văn minh thời Minh Trị nhưng đã sống và tiếp tục thi thố ảnh hưởng cho tới tận thời Chiêu Hòa (Showa). Sau khi Shibusawa nghỉ hưu rồi thì một loại người đáng gọi là chuyên gia môi giới đã xuất hiện. Xí nghiệp người này kinh doanh tuy không lớn, nhưng là xí nghiệp lâu đời. Người ấy không cần phải miệt mài vào công tác kinh doanh, mà xí nghiệp vẫn đứng vững vàng. Nghĩa là, người đứng ra cầm trịch giới kinh tài không cần phải là người có tài kinh doanh lớn, nhưng phải là người có nhân cách, có kiến thức phong phú, được mỗi người kỳ vọng.

Ðể dẫn chứng, trước huyền quan Trụ sở Phòng Thương Công Osaka, người ta thấy có ba tượng đồng. Tượng thứ nhất là Godai Tomoatsu. Người này được coi như là "Shibusawa của vùng Kansai." Ông đã đẻ ra nhiều công ty cho miền Tây Nhật Bản và đã sáng lập ra Phòng thương công Osaka. Người thứ hai là Inabata Shotaro. Công ty Inaba Sangyo là công ty có truyền thống từ đời Minh Trị, và người kinh doanh công ty, Inaba Shotaro, một người có nhân cách và kiến thức được coi như mẫu mực cho thương gia Osaka. Người như vậy xứng đáng đại diện cho giới kinh tài Osaka, cho nên đã nhiệm chức Hội trưởng Phòng thương công Osaka và để lại nhiều thành tích vẻ vang. Người thứ ba là Sugi Michisuke. Ông này là một doanh nhân thời hậu chiến, giữ chức Tổng giám đốc Công ty mậu dịch Yagi Shoten. Ðây là một công ty mậu dịch có từ ba đời trước, một trong số 8 công ty vừa vừa của "5 công ty lớn 8 công ty vừa" của giới mậu dịch Kansai. Thế nhưng, Sugi Michisuke được ngưỡng mộ bởi nhân cách thanh cao, kiến thức phong phú, tính khí ôn hậu, đáng đứng địa vị thâu tóm toàn bộ giới kinh tài Osaka. Vì thế, ông đã giữ chức hội trưởng Phòng thương công Osaka nhiều năm.

Tuy nhiên, những điều kiện trên chỉ phù hợp cho tới khoảng năm 1960 (niên hiệu Showa thứ 35) thôi. Sau đó, trong ý thức của giới kinh tài, người ta cũng bắt đầu cho "to là tốt," và bước vào thời đại chú trọng tới quy mô kinh doanh của xí nghiệp. Nói khác đi, người ta bắt đầu quan niệm nếu không là doanh gia của một công ty khổng lồ, thì không xứng đáng ngồi ở địa vị chóp bu của giới kinh tài nữa.

Cho nên, đến địa vị hội trưởng Keidanren hay hội trưởng Phòng thương công, thì phải tự mình chuẩn bị đoàn thư ký, phải chi một số tiền đáng kể cho giao tế phí. Vì thế các doanh nhân xí nghiệp vừa và nhỏ không thể kham nổi nữa. Và đương nhiên, hội trưởng Keidanren đều là những doanh gia xuất thân từ những xí nghiệp khổng lồ không lo bị phá sản, như Ðiện lực Tokyo, Shin-Nittetsu, Toshiba, v.v..

Những cơ chế không thấy có ở các nước ngoài, như thể chế quan dân đề huề, thể chế phe phen của giới chuyên ngành đã hình thành, chính là xuất phát từ chủ nghĩa góp vốn của Shibusawa. Chủ nghĩa này đã cống hiến lớn lao cho sự hiện đại hóa ở thời Minh Trị, sự phục hưng kinh tế ở thời hậu chiến Chiêu Hòa. Nhưng từ nay về sau có nên duy trì cơ chế này nữa hay không, là vấn đề khác hẳn.

Thời nay lại là thời loạn, không khác gì thời Duy tân Minh Trị hay thời phục hưng hậu chiến. Nhưng khác với thời Minh Trị, ngày nay không phải là lúc kiến thức hay kỹ thuật có thể đổ ập vào như thời xưa. Do đó, không phải kiểu người như Shibusawa, mà phải chăng mẫu người kinh doanh như Iwasaki Yataro thời Minh Trị, Matsushita Konosuke hay Honda So’ichiro thời hậu chiến mới đáng cần có?

Tuy nhiên, động hướng duy trì thể chế quan dân đề huề kiểu Shibusawa của giới quan liêu và giới xí nghiệp đã có, hẳn sẽ tiếp diễn không ngừng. Những phiêu ngữ như Cải cách Hành chính, Nới lỏng Quy chế, Xây dựng Xã hội Cạnh tranh Tự do, đều là nhằm thoát xác khỏi mô hình Shibusawa. Sự kiện người ta đã phải nhiệt liệt hô to những phiêu ngữ đó, đủ cho thấy cái ảnh hưởng sâu đậm như thế nào của Shibusawa Ei’ichi.

 

Giới hạn của sáng kiến xuất phát từ "Luận ngữ"

Quyển Luận ngữ152[11] mà Shibusawa Ei-ichi say mê đọc lúc sinh thời, đã được giới thiệu trong một chương trình TV của hệ thống truyền hình NHK. Ðó là một quyển Luận ngữ của giới Chu Tử học, có vẻ đã được đọc đi đọc lại, bị mòn rách tả tơi.

Ảnh hưởng Chu Tử học đối với chủ nghĩa tư bản và sự hiện đại hóa Nhật Bản đã được đánh giá hoàn toàn khác nhau từ thập niên 1960 tới thập niên 1990.

Trước kia, người ta đã đặt câu hỏi tại sao châu Á không phát triển như châu Âu sau thời kỳ Phục hưng (Renaissance) và sau cuộc cách mạng công nghiệp, là vì ảnh hưởng xấu của Luận Ngữ. Theo Luận Ngữ, thì xã hội có những trật tự cố hữu có sức nặng bất biến, như quan hệ cha con, quan hệ vua tôi, quan hệ già trẻ, quan hệ nam nữ. Nghĩa là, cơ chế "hạ khắc thượng" lật đổ trật tự của thế gian là không tốt. "Hạ khắc thượng" thật ra có phần gần với chủ nghĩa dân chủ. Chẳng hạn ở thời Minh Trị hình như đã có tự điển dịch từ "Democracy" thành "Hạ khắc thượng." Sự dạy bảo của Nho giáo lấy Luận ngữ làm trung tâm, không ưa sự lật ngược trật tự vốn có, cho nên đã cản trở sự phát triển và tiến bộ. Ðó là sự đánh giá âm đối với Luận ngữ.

Thế nhưng, từ khoảng những năm 1980 trở đi, Hàn Quốc, Ðài Loan, Singapore, Hong Kong đều phát triển nhanh chóng. Tiếp theo là các nước Ðông nam Á, rồi từ năm 1990 trở đi thì Trung Quốc cũng bắt đầu phát triển mạnh về kinh tế. Kết quả là, người ta đã thấy xuất hiện những từ vựng như "vùng văn hóa Nho giáo," "vùng kinh tế Nho giáo," nghĩa là người ta tìm cách trích ra từ Nho giáo những giá trị tinh thần như sự làm ăn cần cù. Nhất là "chủ tri chủ nghĩa" (sư coi trọng hiểu biết) của Chu tử học, chẳng phải đã gắn với chế độ gia đình tạo ra tinh thần hiếu học, tinh thần lao động nhiệt tâm đó sao? Nghĩa là người ta đã bắt đầu có sự đánh giá tích cực đối với Luận Ngữ.

Với ý nghĩa như trên, tư tưởng của Shibusawa Ei-ichi cũng phản ánh tư tưởng của Luận Ngữ (Nho giáo). Ðó là, một mặt thì gây dựng nhiều ngành nghề tiên tiến, đồng thời coi trọng trật tự và sự hòa hợp. Không như Iwasaki Yataro chủ trương "Dù là mấy trăm vạn, ta cũng gánh," mà đằng này thì mỗi người bỏ ra một ít vốn, rồi lợi nhuận thì chia nhau đồng đều.

Tuy vậy, đối tượng của sự phân chia đồng đều này chỉ hạn chế ở giới thượng lưu của xã hội, tức là những người có khả năng xuất vốn. Chẳng hạn, huy động vốn từ những nhà hằng sản ở địa phương để lập ra ngân hàng quốc gia, góp vốn của các hào thương ở Tokyo và Osaka để lập ra công ty Vận tải Cộng đồng, nghĩa là thực hiện chủ nghĩa hòa hợp giai cấp thượng lưu dựa trên trật tự vốn có của giai cấp này. Ðiều này phải chăng cũng là tư tưởng kiểu Luận Ngữ?

Luận Ngữ một mặt thuyết: "Bất hoạn bần nhi hoạn bất quân, bất hoạn quả nhi hoạn bất an153[12];" song mặt khác lại dạy phải duy trì trật tự vua là vua, tôi là tôi, "con vua thì lại làm vua, con người thày chùa vẫn quét lá đa."

Ở thời Tokugawa, lúc ảnh hưởng của Chu tử học còn mạnh, cả mạc chúa, phiên chúa lẫn nông dân, có người còn nghèo rành rành, thế mà lại nói "không lo nghèo túng mà chỉ lo không được đồng đều," thì rõ ràng là thời đó, bậc minh quân đã chỉ đi tìm "cái bình đẳng chiều dọc," chứ không phải "cái bình đẳng chiều ngang."

Trong các loại bình đẳng, có "bình đẳng về cơ hội" và "bình đẳng về kết quả." Ví dụ, ai ai cũng dự thi tuyển sinh được, ai ai cũng có thể ra ứng cử nghị viên được, ai ai cũng có thể buôn bán tự do được. Ðây là sự "bình đẳng về cơ hội."

Thế nhưng, nếu duy trì sự "bình đẳng về cơ hội" thì thế nào cũng có người đậu kẻ rớt, thế nào cũng có người đắc cử và người thất cử, thế nào cũng có công ty làm ăn phát đạt và công ty phá sản. Nghĩa là, kết quả ắt phải là bất bình đẳng. Cái "bình đẳng" được tôn dương trong phiêu ngữ cách mạng Pháp hay trong bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Tự do - Bình đẳng - Bác ái, là cái bình đẳng như vậy.

Ðối lại với cái bình đẳng trên, Luận Ngữ thuyết giảng cái "bình đẳng về kết quả." Trong cái "bình đẳng về kết quả," lại có "bình đẳng chiều dọc" và "bình đẳng chiều ngang."

Thời mạc phủ Tokugawa thì không có "bình đẳng chiều ngang." Mạc chúa và nông dân, cha và con, nam và nữ, tất cả đều không bình đẳng, và cũng không thấy có tư tưởng cách mạng nào đòi thay đổi tình trạng ấy. Vậy sao lại nói "không lo nghèo túng mà lo không đồng đều?" Ðây là ý muốn thực hiện sự "bình đẳng chiều dọc."

Cụ thể hơn là ví dụ sau.

Ở một thời điểm nào đó, thu nhập và tài sản của mỗi người dân đều không còn sai lệch lớn lao nữa, thì lúc đó có thể nói là sự "bình đẳng chiều ngang" đã thực hiện được. Nhưng, đối lại, 30 năm trước một người lính trơn bây giờ vẫn là lính trơn, 20 năm trước một nhóm tốt nghiệp đại học cùng vào làm cho công ty, nếu nay tất cả đều đã trở thành chủ nhiệm bộ môn thì sự "bình đẳng chiều dọc" đã được thực hiện trong nhóm đó.

Một người trong đám phiên chúa 30 năm trước nay đã trở thành lính trơn. Ngược lại, một người trong đám lính trơn 30 năm trước nay đã trở thành phiên chúa. Dù cho mỗi trường hợp như vậy đều có lý do chính đáng xui khiến ra, nhưng đây là sự "bất bình đẳng chiều dọc."

Cái mà Luận Ngữ đi sâu vào, chính là "chủ nghĩa bình đẳng chiều dọc." Nhật Bản ngày nay cũng đang có "chủ nghĩa bình đẳng chiều dọc" rất mạnh.

Chẳng hạn, nhà nông trồng lúa thì được bảo hộ, được chăm sóc, sao cho suốt đời có thể chuyên tâm vào trồng lúa. Không chừng người này bỏ nghề trồng lúa, quay sang xây chung cư lại có thể trở nên giầu hơn. Thế nhưng, mỗi người thấy an tâm hơn nếu mỗi người cứ giữ nghề trước. Nghĩa là người ta sẽ xin được bảo hộ để có thể tiếp tục làm nghề trồng lúa.

Ở công sở hay ở xí nghiệp tư, cơ chế thứ tự thâm niên chính là để duy trì sự "bình đẳng chiều dọc." Những người cùng thế hệ gia nhập công ty, thì đều được đồng loạt thăng lên làm trưởng phòng, chẳng hạn. Ðây chính là hai mặt phải và trái của chủ nghĩa hòa hợp kiểu Shibusawa. Cái đó đã phát triển thành "chủ nghĩa quan dân đề huề" ngày nay vậy.

Chủ nghĩa "bình đẳng chiều dọc" không làm cho xã hội phát triển. Duy trì cơ chế này là nền "chính trị đố kỵ." Xét điểm này, ta thấy Luận Ngữ cũng có hạn chế, và như vậy, chủ nghĩa hòa hợp kiểu Shibusawa cũng có hạn chế.

Nhật Bản trong thời đại Heisei (Bình Thành, niên hiệu hiện nay của Nhật Bản) có thể vượt lên trên "Shibusawa" được không? Có thể vứt bỏ hẳn "Shibusawa" được không? Ðây là vấn đề lớn, quan trọng, có tính cách quyết định sự thành bại của sự cải cách hành chính.

[1] "Tài đoàn" là từ Nhật bản, đọc âm Việt, dùng để dịch từ Foundation của Anh ngữ, hay Fondation của Pháp ngữ. Ðây là một loại hình pháp nhân tài chính được thành lập dưới sự giám sát của chính phủ để hoạt động cho một mục đích nhất định, như từ thiện, học thuật, nghệ thuật,... Một tổ chức như vậy được lập ra để quản lý một tài sản lớn, thường là của một cá nhân đã cúng cho mục đích đó. Ford Foundation là một trường hợp điển hình ở Mỹ. Tài đoàn Ford này đã tài trợ nhiều chương trình văn hóa xã hội tại Việt Nam. Ở Việt Nam chưa thấy có những tổ chức nào tương tự. Ở Trung Quốc cũng chưa thấy có những tổ chức như vậy. Ở Rossia (Nga) có Gorbachev Foundation. Tuy nhiên, tiếng Hoa đã du nhập từ "tài đoàn" của tiếng Nhật. Quyển Hán Việt Từ Ðiển Hiện Ðại, Nhà Xuất Bản Thế Giới, trang 84, có sưu tập từ này, tuy nhiên đã giải thích sai lầm với nghĩa xấu là "tập đoàn tư sản cỡ bự, trùm tư bản." Ở VN, Foundation có được dịch là Quỹ, tức là lẫn lộn với Fund.


[2] "Phe phen" là dịch ý từ "Dangô (Ðàm hợp)" của Nhật Bản. "Ðàm hợp" có nghĩa là "thỏa hiệp ngầm," "sắp xếp ngầm" giữa các nhà thầu trước khi tham gia đấu thầu, vừa để chia nhau những gói thầu, đồng thời để tự mình định mức giá thầu.
[3] Ở ngay chính trung tâm Tokyo, trước nhà ga Shinjuku, người ta cũng thấy có ngân hàng mang bảng hiệu Ngân Hàng 101.
[4] Viết tắt của Keizai Dantai Rengokai, tức là Hội liên hiệp doanh nghiệp, tức là hội đoàn của tất cả các xí nghiệp kinh doanh của miền Ðông Nhật Bản.

[5] Viết tắt của Kansai Keizai Dantai Rengokai, tức là tổ chức tương tự như Keidanren (xem lời chú ngay trên) ở miền Tây Nhật Bản.

[6] Hình thức samurai ở thôn quê, chứ không phải samurai ở thành thị. Sống bằng nghề nông nhưng được hưởng một số đặc quyền của giai cấp samurai.
[7] Tên bốn dòng họ chủ của bốn nhóm tài phiệt Nhật Bản, tức là Mitsubishi, Mitsui, Yasuda và Sumitomo. Những nhóm tài phiệt này đều là những tập thể doanh nghiệp bao trùm hàng mấy trăm xí nghiệp lớn, từ ngân hàng tới các công ty sản xuất công nghiệp nặng nhẹ, công ty xây dựng, công ty vận chuyển đường thủy đường bộ, v.v.. Sau khi Nhật Bản thua trận Chiến tranh thế giới lần thứ hai rồi, tất cả các nhóm tài phiệt đã bị giải thể. Thế nhưng trên thực chất, những xí nghiệp trong cùng một nhóm tài phiệt xưa, ngày nay vẫn còn có quan hệ khá mật thiết với nhau trên phương diện kinh doanh.
[8] "Thuyên chuyển từ trên xuống dưới" là dịch nghĩa từ "amakudari (từ trên trời xuống)," một hình thức xử lý nhân sự theo đó một nhân viên của một cơ quan chính quyền thuyên chuyển xuống làm cho một công ty trực thuộc cơ quan chính quyền đó hoặc một công ty tư nhân có liên hệ với cơ quan chính quyền đó, hay một nhân viên của công ty mẹ thuyên chuyển xuống làm cho một công ty con hoặc công ty cháu.
[9] Chế độ làm thuê ở Nhật Bản cơ bản làm suốt đời, nghĩa là cho tới khi người làm thuê về hưu. Tuy nhiên, cấu tạo nhân sự của mỗi công ty, mỗi cơ quan đều theo hình chóp (hình kim thự tháp, hình pyramid), nghĩa là càng lên cao thì số địa vị càng ít đi. Vì thế, một số nhân viên trung niên và cao niên trong công ty mẹ, sẽ không có cơ hội tiến thân. Ðể giải quyết tình trạng này, người ta đã lập ra những công ty con và công ty cháu, tức là tăng thêm cơ hội cho những nhân viên trung niên và cao niên đó thuyên chuyển xuống giữ địa vị cao hơn địa vị đáng lẽ của họ ở công ty mẹ.
[10] Như đã nói ở Chú thích ngay trên, chế độ nhân sự gọi là "thuyên chuyển từ trên xuống" một phần là để giải quyết những vấn đề nhân sự khúc mắc của cơ quan chủ quản. Những cơ quan này ôm đồm nhiều công chức trung niên và cao niên nhưng không có cơ hội thăng tiến nữa. Những người như vậy ăn lương cao nhưng không làm công việc tương xứng với đồng lương. Những gánh nặng như vậy, cơ quan chủ quản sẽ tìm cách bán khoán cho những công ty có quan hệ. Ở công ty họ được thuyên chuyển xuống, họ cũng sẽ không có việc làm tương xứng mà sẽ chỉ "ngồi chơi sơi nước." Tiếng Nhật gọi họ là "bọn ngồi bên song cửa," nguyên văn là Mado Giwa Zoku.
[11] Luận Ngữ là một sách trong Tứ Thư (Ðại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử) của Nho giáo.
[12] Nghĩa là: "Không lo nghèo túng mà lo không đồng đều, không lo vắng người mà lo không yên ổn." Câu này trích trong Thiên 16, Quí Thị, là lời đức Khổng tử nói với một học trò tên là Nhiễm Hữu.

Chương 10  :  MacArthur 

Thí nghiệm biến Nhật Bản thành một "nước Mỹ lý tưởng"

 

Tốt nghiệp thủ khoa trường võ bị Westpoint

Nguyên soái154[1] Douglas MacArthur đã được chọn làm người thứ mười trong "Mười hai người lập ra nước Nhật." Ðây là người ngoại quốc duy nhất được chọn.

Xét nước Nhật hơn 50 năm sau chiến tranh, người ta sẽ thấy ảnh hưởng vô cùng lớn của quân đội chiếm đóng Nhật Bản như tượng trưng bởi MacArthur. Việc Douglas MacArthur, một quân nhân Mỹ có cá tính cương cường, tổng chỉ huy quân đội Liên hợp quốc, đã thống suất Ðại Bản doanh chiếm đóng Nhật Bản, là sự kiện đã mang lại ảnh hưởng không nhỏ cho nước Nhật ngày nay.

Trước nhất hãy kể lại lý lịch của nhân vật này.

Douglas MacArthur sinh năm 1880 tại Little Rock, bang Arkansas, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Arkansas cũng là bang xuất thân của Tổng thống Bill Clinton, và Little Rock là thủ phủ bang này. Cha, Arthur MacArthur, cũng là quân nhân lục quân, đã hạ sinh Douglas trong khi đồn trú tại Little Rock.

Như vậy, ông không là người miền Nam chính tông. Trong sách tự truyện, MacArthur đã dài dòng kể rằng tổ tiên mình thuộc dòng dõi danh gia thế phiệt Scotland. Sự kiêu hãnh về gia thế như vậy, đã ảnh hưởng tới ngôn từ và phong cách rất đặc trưng của ông.

Thời niên thiếu, cha ông đã giữ chức tổng tư lệnh quân đội đồn trú Philipines, lúc ấy mới trở thành thuộc địa của Mỹ. Vào cuối thế kỷ thứ XIX, Philippines đã được Tây Ban Nha cát nhượng cho Mỹ làm thuộc địa, do kết quả cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha.

Thời đó, Philippines chưa được khai phá mấy. Ðó cũng là thời kỳ người da trắng chiếm ưu thế và chủ nghĩa thực dân đang độ phát triển mạnh mẽ. Thiếu niên Douglas đã trưởng thành trong bối cảnh như vậy, với tư cách là con trai vị tổng tư lệnh quân đội đồn trú Philippines.

Douglas lớn lên, vào học trường Sĩ quan Lục quân Westpoint, rồi tốt nghiệp thủ khoa với thành tích ưu tú một cách kỷ lục. Trường võ bị Westpoint là nơi đã đào tạo ra hầu hết sĩ quan của lục quân Hoa Kỳ. Thế mà thành tích của Douglas đến nay vẫn còn được truyền tụng. Nghe nói, ông đọc nhiều biết rộng và có trí nhớ kinh dị.

Năm 1905, nhân cha ông trở thành võ quan quan sát cuộc chiến tranh Nhật - Nga, còn ông đã là sĩ quan trợ lý, và do đó đã ở Nhật một thời gian ngắn.

Ðến thời kỳ cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, khi Mỹ tham chiến, ông đã đề nghị thành lập sư đoàn Rainbow (Cầu Vồng) gồm toàn binh sĩ đặc biệt tinh nhuệ. Ðề nghị được chấp thuận, ông đã đích thân làm tham mưu trưởng chỉ huy sư đoàn này. Tên Cầu Vồng là hàm cái nghĩa cầu nối giữa Mỹ với Âu châu và phô trương một sư đoàn tinh nhuệ như trong mộng. Nội việc đề xuất sự thành lập một sư đoàn tinh nhuệ, rồi đích thân đứng làm tham mưu trưởng, cũng đủ rõ cái ý thức êlít và ý muốn chơi trội như thế nào rồi.

Sau đó, năm 1919, ở tuổi 39, ông đã trở thành Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân và năm 1925, ở tuổi 45, ông đã được phong Trung Tướng155[2] (Major General). Cả hai chức danh trên đều là kỷ lục về độ tuổi thấp nhất. Ðiều này chứng tỏ ông là thành phần siêu ưu tú của lục quân Mỹ vậy.

Tuy nhiên, cần chú thích ít nhiều về Douglas MacArthur. Ðó là, giai đoạn hoạt động nhất của đời quân nhân của ông, tức là những năm từ 1925 tới 1930, lại rơi vào thời kỳ giải trừ quân bị và đại khủng hoảng kinh tế.

Từ thập niên 1920 sang thập niên 1930, do Hiệp ước Washington và Hội nghị giải trừ quân bị London, Mỹ đã cắt giảm quân số so với các nước khác. Chỉ trong thời gian ngắn, chi phí quân sự của Mỹ đã rút xuống tới khoảng một phần trăm của tổng sản phẩm quốc dân (GNP), nghĩa là chỉ tương đương với chi phí cho lực lượng phòng vệ156[3] của Nhật Bản ngày nay.

Hiệp ước Washington hạn chế số tàu quân sự. Nhật Bản thời đó, Anh quốc, và những nước khác cũng chịu sự hạn chế như vậy. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ Coolidge còn làm triệt để hơn, bằng cách bán chiến hạm đang đóng cho công ty điện ảnh, rồi cho quay phim cảnh đánh chìm. Ðối với quân nhân, thì đó không những là sự đau lòng về mặt kinh tế, mặt tổ chức, mà còn là sự nhục nhã về mặt tinh thần nữa.

Lục quân thì bì cắt giảm một số sư đoàn, võ khí quân trang cũng hầu như không được trang bị mới nữa. Toàn thế giới chìm đắm trong bầu không khí hòa bình, nơi nơi đua nhau ký kết hiệp ước bất chiến, lực lượng võ trang mỗi ngày một được thu nhỏ lại. Trong xã hội, địa vị quân nhân ngày một xuống thấp, cho nên, những phần tử ưu tú không còn gia nhập quân đội nữa.

Ở Nhật Bản còn có từ gọi thời đại này là "Thời giải giáp Taisho." Người mặc quân phục vào cửa hàng liền bị chế diễu. Thậm chí, người ta còn nói "quân nhân thì không có ai chịu đến làm dâu cả." Thời kỳ MacArthur hoạt động với tư cách là Trung Tướng, tham mưu trưởng, lại trùng với thời kỳ giải giáp dài hơn thời giải giáp ở Nhật Bàn này, là điểm đáng chú ý.

Cha là quân nhân, bản thân mình cũng là quân nhân ưu tú đậu thủ khoa Trường Sĩ quan lục quân Westpoint, Douglas MacArthur hẳn đã phải sống những ngày sầu muộn vì chí chẳng đạt.

 



tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương