1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)


PHÉP LẠ TẠI MIDDLEBURG-LOUVAIN, NƯỚC BỈ



tải về 0.77 Mb.
trang6/11
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích0.77 Mb.
#8592
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

9. PHÉP LẠ TẠI MIDDLEBURG-LOUVAIN, NƯỚC BỈ

Năm 1374 

(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 21, Regina xb, USA, 2002) 

Thời gian đã làm mất danh tánh của người phụ nữ quí phái, người đầu tiên được đề cập trong lịch sử của phép lạ này, chỉ biết bà là người bản xứ giàu có tại Middleburg (nằm ở phía nam nước Hòa Lan). Bà rất tốt lành với những gia nhân và ân cần chăm lo sự thăng tiến tinh thần của họ. Chính bà đích thân dạy dỗ, thôi thúc họ bằng chính việc sốt sắng tuân giữ các việc đạo đức truyền thống của Giáo Hội.

Vào Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay năm 1374, theo thói quen thường lệ, bà hối thúc các gia nhân chuẩn bị đón mùa sám hối bằng việc xưng tội và lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, những lời của bà chỉ được các gia nhân đón nhận như một bổn phận chẳng đặng đừng. Một gia nhân được biết dưới cái tên đơn giản là Jean thành Cologne, anh này cảm thấy bó buộc phải đi cùng với các người khác vì sợ xấu hổ, nhưng anh ta lên rước lễ mà không chịu dọn mình xưng tội.



Cùng quì với những người khác trên hàng song, Jean chờ linh mục đến cho rước lễ. Nhưng khi vừa được đặt lên lưỡi anh ta, Mình Thánh liền biến thành thịt làm Jean không sao nuốt được! Quá hoảng sợ trước sự kiện bất ngờ, anh ta cố gắng giấu nỗi khó khăn của mình, nhưng lại phạm sai lầm khi cắn vào thịt. Vào lúc ấy, ba giọt máu nhỏ xuống từ bờ môi anh ta, thấm xuống tấm vải phủ hàng song hiệp lễ.

Sững sờ khi thấy thịt chảy máu trong miệng Jean và nhỏ giọt xuống, vị linh mục lập tức phản ứng bằng cách lấy Thánh Thể ra và kính cẩn mang lên bàn thờ, đặt vào một chiếc bình nhỏ bằng vàng.



Người ta thuật lại Jean đã bị phạt mù ngay lập tức vì tội rước lễ phạm sự thánh. Cảm thấy quá hối hận vì tội mình, anh ta quì dưới chân linh mục và thú nhận tội lỗi trước mặt cộng đoàn. Việc thành tâm sám hối của Jean đã cho anh được phục hồi thị giác. Sau đó, được biết Jean đã sống một cuộc đời gương mẫu và bền đỗ đến chết trong lòng sốt mến sùng kính bí tích Cực Thánh.

Các chi tiết về phép lạ đã loan truyền khắp nước và được tường trình lên đức cha Frederic III, tổng giám mục Cologne, người trước kia đã từng là công tước xứ Sarwerden. Vì khi ấy Hòa Lan thuộc đế quốc Đức, Middleburg ở dưới quyền cai quản của đức tổng giám mục Frederic. Ngài truyền phải đem Thánh Thể phép lạ ấy đến thành phố Cologne và lưu giữ tại nhà thờ chính tòa.

Cuộc kiệu Thánh Thể từ Middleburg đến Cologne đã tạo nên một sự kiện lôi cuốn trong chuyến hành trình 700 dặm. Sau khi Thánh Thể được lưu giữ an toàn tại nhà thờ chính tòa, người ta đã đặt làm một mặt nhật tinh vi để đặt Thánh Thể phép lạ vào đó. Mặt nhật có hình thánh giá, ở đầu mỗi thanh có một vành khuyên nhỏ bằng vàng có một ren bằng vàng xuyên qua. Có tượng Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse đứng bên dưới hai tay, trong khi ở hẳn phía dưới có bức tượng nhỏ thánh Phêrô và thánh Phaolô. Ở phần giữa của thánh giá có một khung kính, qua đó có thể nhìn thấy Thánh Thể phép lạ. Việc đặt sau khung kính bầu dục ấy là ngoại thường, vì Thánh Thể phép lạ được để trên một chén thánh nhỏ bằng vàng có một nắp đậy, vì Thánh Thể để ngang với mép của chén thánh này.

Cha Jean Bayrens, bề trên tu viện thánh Augustine tại Cologne, rõ ràng ảnh hưởng quan trọng đối với đức tổng giám mục, vì ngài đã được phép đưa Thánh Thể phép lạ từ nhà thờ chính tòa đến tu viện của ngài. Ngay khi dòng thánh Augustine được đặc quyền ấy, Thánh Thể lại được tôn vinh bằng những nghi thức đặc biệt.

Năm 1380, cha bề trên Bayrens được thuyên chuyển về tu viện ở Louvain nước Bỉ. Để cố gắng cổ động lòng sùng kính đối với phép lạ này, ngài xin phép đức tổng giám mục đưa một phần của Thánh Thể này đến Louvain. Vào lúc ấy, Thánh Thể nguyên vẹn được tôn kính vẫn còn vết răng cắn làm cho chảy máu. Đức tổng giám mục chấp thuận đề nghị, nhưng dường như mọi người đều cho rằng việc dùng một dụng cụ để chia Thánh Thể làm hai phần có vẻ bất kính. Trong vòng ba ngày, các tu sĩ đã cầu nguyện và ăn chay để xin soi sáng một giải pháp cho vấn đề này. Lời cầu nguyện của họ được nhậm lời, họ phát hiện Thánh Thể đã chia làm hai phần mà không có con người can thiệp vào. Một phần Thánh Thể cùng với miếng khăn vải dính máu được trao cho cha bề trên để chuyển về Louvain; phần còn lại được lưu giữ tại Cologne trong nhà thờ giáo xứ thánh Alban.

Tại Louvain, người ta đã đặt một người thợ kim hoàn của thành phố làm một bình đựng mới. Nửa Bánh Thánh phép lạ được lưu giữ giống như tại Cologne – Thánh Thể được đặt trên một chiếc bình nhỏ để phía sau khung kính của một hộp đựng hình thánh giá. Hộp này được giữ và tôn kính tại nhà thờ thánh Jacques của dòng thánh Augustine suốt bốn thế kỷ bình an.

Để tôn kính phép lạ, hội Bí Tích Phép Lạ đã được bề trên giám tỉnh dòng thánh Augustine thành lập vào năm 1426; những phần tử trong hội được thông công các việc lành phúc đức của các tu sĩ thuộc tỉnh dòng. Năm 1429, bề trên tổng quyền của dòng thánh Augustine tại Rome cũng chuẩn nhận cho họ một số đặc quyền. Và năm 1431, Đức Giáo Hoàng Eugene IV đã ban thêm các ân xá.

Năm 1665, Thánh Thể phép lạ được long trọng đưa đến một bàn thờ mới. Nhân dịp này, đức Alexander VII đã ban phép lành và các ân xá. Những ảnh vảy được đúc có hình Thánh Thể trong hộp đựng xinh đẹp và quí giá, nhiều họa phẩm lớn trình bày các biến cố lịch sử của phép lạ đã được thực hiện, một số hiện vẫn còn tại nhà thờ thánh Jacques.

Trong bốn thế kỷ bình an, Thánh Thể phép lạ đã được các giới chức dân sự, các thẩm quyền Giáo Hội và hoàng gia đến kính viếng. Những dịp kỷ niệm bách chu niên hoặc thường niên của phép lạ được cử hành rất long trọng và sốt sắng, với những phép lành và ân xá của đức Paul V và đức Clement XIV. Nhân dịp kỷ niệm đệ tứ bách chu niên, một chiếc hộp đựng bằng vàng nạm đá quí đã được một thợ kim hoàn tại Brussels thực hiện.

Với biến cố nữ hoàng Marie-Thérèse băng hà năm 1780 và vua Joseph II lên kế vị, sự bình an của Giáo Hội Công Giáo bị xáo trộn nghiêm trọng vì sự kiện phá bỏ các dịp lễ và các tập quán của Giáo Hội, các tu viện, các linh mục và tu sĩ nam nữ bị bách hại.

Khi tu viện thánh Augustine sắp sửa bị đóng cửa, Thánh Thể phép lạ và chiếc khăn thấm máu được ủy thác cho những người đạo đức bảo quản, và họ thấy cần phải đưa những vật thánh này đến một nơi an toàn. Có lần các thánh tích đã được giấu trong một chiếc rương lớn bằng gỗ sồi, mà hiện nay vẫn còn. Một vật khác cũng còn giữ được là chiếc khăn dùng để bọc các thánh tích khi chuyển đến nơi an toàn vào ngày 18 tháng 1 năm 1793, thời kỳ cao điểm của cuộc Cách Mạng Pháp.

Trong thời gian nguy hiểm này, Thánh Thể phép lạ và tấm khăn đẫm máu vẫn không bị quên lãng. Mặc dù bị cấm mặc trang phục giáo sĩ, nhưng thỉnh thoảng các linh mục vẫn có thể dâng thánh lễ một cách âm thầm trước các thánh tích.

Hòa bình được tái lập, Thánh Thể phép lạ và tấm khăn được đem về nhà thờ của bệnh viện thuộc các nữ tu dòng thánh Augustine ngày 27 tháng 9 năm 1803. Cần thiết phải như vậy vì nguyện đường của tu viện dòng thánh Augustine đã bị bọn nổi loạn làm hư hại nặng nề. Một tháng sau, ngày 20 tháng 10 năm 1803, các thánh tích lại được đưa về nhà thờ thánh Jacques, và người ta tiến hành việc giám định để xác minh tính xác thực của các thánh tích. Chính tại ngôi thánh đường này, hiện nay vẫn còn giữ tấm khăn thấm máu và một phần Thánh Thể phép lạ.

Trong thời gian ấy, tấm khăn được cho nhà thờ của dòng thánh Augustine tại Nimegue ở Hòa Lan mượn. Khi được trả về vào ngày 13 tháng 1 năm 1808, khăn thánh lại được giữ gìn tại nhà thờ thánh Jacques. Vào năm ấy, người ta cũng làm một hộp đựng đặc biệt cho thánh tích này. Tấm khăn được để phía sau một tấm kính tròn có khung kim loại quí. Sau đó được đặt vào một hộp đựng có một ống thủy tinh có phần đế bịt kín bằng vàng và có một thánh giá bằng vàng ở phía trên. Ta có thể nhìn thấy tấm khăn rõ ràng bên trong.



Phần Thánh Thể phép lạ được giữ tại Louvain đã ngả sang màu nâu và có phần nhỏ hơn phần kia, tuy nhiên hoàn toàn vẫn có thể nhận thấy đó là thịt. Thánh Thể và chén thánh nhỏ đỡ bên dưới được đặt vào một hộp đựng được làm vào năm 1803 và được đặt phía sau một khung pha lê ở giữa một thánh giá bằng vàng. Khi hộp đựng này được tôn vinh trên bàn thờ chính hoặc được cung nghinh, một Bánh Thánh mới được truyền phép sẽ được đặt phía sau một chén thánh nhỏ cùng với phần Thánh Thể phép lạ.

Tất cả những giấy tờ quan trọng liên quan đến lịch sử, các cuộc di chuyển, và các cuộc giám định những thánh tích phép lạ đều được giữ trong văn khố của nhà thờ thánh Jacques. Mặc dù Thánh Thể và tấm khăn thánh thấm máu vẫn còn được giữ tại nhà thờ này, nhưng chính nhà thờ lại bị đóng cửa, không thể tổ chức những nghi lễ cho quần chúng vì phần nền đang bị lún, làm cho toàn bộ kiến trúc thiếu an toàn.

 

10. PHÉP LẠ TẠI SEEFELD, NƯỚC ÁO

Năm 1384 

(Joan Carroll Cruz, Phép Lạ Thánh Thể, Chương 22, Regina xb, USA, 2002) 

Tại giáo phận Innsbruck, giữa những ngọn núi um tùm cây cối của tỉnh Tyrol ở phía tây nước Áo là ngôi làng Seefeld và nhà thờ giáo xứ thánh Oswald – một thánh đường nổi tiếng nhờ một phép lạ đã xảy ra tại đó vào ngày thứ Năm tuần Thánh năm 1384.

Vào thời đó, hiệp sĩ Oswald Milser trấn thủ lâu đài Schlossberg ở phía bắc Seefeld. Lâu đài này là một vị trí chiến lược để bảo vệ một quan ải hiểm yếu và được coi như một tiền đồn biên giới. Vị hiệp sĩ dường như hết sức tự mãn vì địa vị và uy quyền; cũng chính vì tính tự mãn của ông mà đã xảy ra sự kiện được ghi lại trong quyển Kỷ Yếu Vàng Hohenschwangau như sau:

Oswald Milser cùng với các thuộc quyền của ông xuống nhà thờ giáo xứ Seefeld. Ông đòi – hễ từ chối tức là chết – một Bánh Thánh lớn; Bánh Thánh nhỏ ông coi là quá thường. Ông lệnh cho đám thuộc hạ vũ trang bao vây vị linh mục đang hoảng sợ cùng với cộng đoàn. Vào cuối thánh lễ, Milser, kiếm tuốt trần và đầu đội mũ, đi đến bên trái của bàn thờ chính và đứng ở đó. Vị linh mục kinh hãi trao Mình Thánh cho ông, tức thì đất dưới chân kẻ phạm thượng bỗng nhiên sụp xuống. Ông ta bị lún đến đầu gối. Tái nhợt như chết, ông ta dùng cả hai tay nắm chặt lấy bàn thờ, các dấu tay cho đến ngày nay vẫn còn được nhìn thấy.

Những diễn biến khác từ đây tiếp tục, kể lại vị hiệp sĩ đầy hoảng hốt, xúc động van xin linh mục lấy Mình Thánh khỏi miệng ông. Ngay khi vị linh mục vừa lấy Mình Thánh ra, đất liền cứng trở lại. Lập tức, Oswald từ chỗ sụp đó bước lên và ra khỏi nhà thờ, vội vã đến tu viện Stams, nơi đây ông đã xưng tội kiêu ngạo của mình. Ông đã làm việc sám hối và qua đời một cách thánh thiện hai năm sau đó. Thể theo ước nguyện, hiệp sĩ đã được mai táng bên cạnh lối vào nhà nguyện Thánh Thể. Chiếc áo khoác bằng nhung ông đã mặc trong thánh lễ ngày thứ Năm tuần Thánh ấy được sửa lại thành chiếc áo lễ và tặng cho tu viện Stams.

Hồ sơ nhà thờ kể lại khi được lấy ra khỏi miệng vị hiệp sĩ, Bánh Thánh có màu đỏ, như thể mọng đầy máu. Ngay sau phép lạ ấy, hiệp sĩ Parseval von Weineck xứ Zirl đã dâng cúng một mặt nhật bằng bạc được làm theo kiểu Gothic để làm hộp đựng tôn trưng Bánh Thánh phép lạ, và hiện nay vẫn còn.

Sau phép lạ, vì có nhiều đoàn người đông đảo đến hành hương, nên một nhà trọ đã được xây lên. Con số người hành hương gia tăng nhanh chóng đến nỗi ngôi nhà thờ trở nên quá chật hẹp. Vào năm 1423, công tước Friedrich đã lo liệu để xây một ngôi nhà thờ khác lớn hơn tại chính địa điểm cũ. Nhà thờ này hoàn tất vào năm 1472. Gần một thế kỷ sau, hoàng đế Maximilian I vì ấn tượng trước con số tín hữu hành hương đến Seefeld nên đã hứa xây một tu viện kế cận. Được khởi công xây dựng vào năm 1516, tu viện này sau đó thuộc quyền các tu sĩ dòng thánh Augustine cho đến năm 1807. Từ thời điểm ấy, tu viện này được dùng như một khách sạn để tiện việc phục vụ các tín hữu hành hương.

Đại công tước Ferdinand II xứ Tyrol cũng quan tâm đặc biệt đối với phép lạ này. Vào năm 1574, ông đã xây dựng bên trong nhà thờ này một nguyện đường Máu Thánh và đã lưu giữ Mình Thánh phép lạ trong một thời gian.

Đối với hiện trường phép lạ, lỗ sâu nơi vị hiệp sĩ bị lún đến đầu gối vẫn còn được bảo quản và chỉ cho các du khách nhìn thấy. Để giữ cho tốt, lỗ này thường được đậy bằng một chiếc vỉ có thể nhấc lên cho những ai muốn thấy. Chỗ lún nằm ở phía nam của bàn thờ phép lạ.

Trong gian cung thánh còn có bàn thờ phép lạ bằng đá, được giữ nguyên tại vị trí ban đầu. Chỗ này cách hơi xa chiếc bàn thờ được trang trí được đặt thêm vào sau đó, khi ngôi nhà thờ được mở rộng. Ngay phía trên bàn thờ bằng đá là một phiến đá bàn thờ mới có các cột đỡ bên dưới. Toàn bộ được xếp đặt khít đến độ khoảng cách giữa hai phiến đá chỉ chừng một vài inches, để có thể nhìn thấy rõ bàn thờ phép lạ. Tuy nhiên, trên mặt bàn thờ đá vẫn còn thấy rõ dấu tay bấu của hiệp sĩ Oswald khi phép lạ xảy ra. Những dấu tay này cũng được chỉ cho các du khách.

Ngoài chỗ lún dưới nền nhà và bàn thờ phép lạ, tại gian cung thánh cũng còn một dấu tích thứ ba của phép lạ – đó là mặt nhật đựng Thánh Thể phép lạ. Mặt nhật này được đặt trong một nhà tạm trên bức tường phía nam của cung thánh, gần bàn thờ chính.

Nhà thờ được bài trí nhiều vật nhắc nhớ về phép lạ. Một bức panô được vẽ năm 1502 trang trí tường phía nam của ca đài, và có những cửa sổ kính màu trình bày biến cố. Một trong những bức phù điêu ở trên chỗ thông gió ở lối đi chính trình bày về phép lạ, và một tác phẩm bích họa lộng lẫy trên trần nhà nguyện Máu Thánh, trình bày vị linh mục và vị hiệp sĩ lúc hiệp lễ, trong khi các thiên thần nâng mặt nhật đựng Thánh Thể. Vẻ nguy nga của nhà thờ còn được tăng thêm nhờ những vật vô giá như các bức tượng, các tác phẩm chạm trổ và đồ đạc theo phong cách Gothic.

Ngôi nhà thờ thánh Oswald nguyên thủy không biết đích xác được xây khi nào, nhưng đã được sách niên giám năm 1320 đề cập đến. Ngôi nhà thờ hiện nay được hoàn thành vào năm 1472 là một công trình kiến trúc đã được hiệp hội thợ xây Innsbruck xây dựng duy nhất còn sót lại. Ngôi nhà thờ này được coi là kiểu mẫu rõ nét nhất của kiến trúc Bắc Tyrolian Gothic.

Vào năm 1984, nhà thờ thánh Oswald đã kỷ niệm 600 năm phép lạ xảy ra chính tại gian cung thánh diễm phúc này.
PHÉP LẠ THÁNH THỂ

THẾ KỈ 15

 

1. PHÉP LẠ THÁNH THỂ TẠI LÀNG BOIS ISAAC, NƯỚC BỈ (BELGIUM)



Năm 1405

 

Ở nước Bỉ có một làng nhỏ được gọi là Ittre, cách Brussels 15 dặm về hướng Nam.  Ittre không có tên trên bản đồ. 



Năm 1405, Chúa Giêsu đã chọn nơi này để ban cho chúng ta món quà đặc biệt của chính Ngài trong một Phép Lạ Thánh Thể.

"Chàng Thanh niên Chúa đã chọn là Gioan đệ Bois (Gioan Rừng cây).  Chàng là một Thanh niên quí tộc và là người thừa kế của Chúa Isaac.  Đời chàng thì đủ chuyện:  trai gái, ăn chơi hội hè, cỡi ngựa, nhiều sự sang trọng khác của một người thuộc hạng quí tộc, không làm chi cả và lôi thôi đủ điều.  Đối với ta, tất nhiên đây không phải là hạng người đáng lãnh nhận phép lạ cả thể của Chúa Giêsu.  Nhưng có một điều: Anh đã thừa hưởng một gia sản thiêng liêng của các tổ tiên tức lãnh chúa Isaac, người có mối tương quan đặc biệt với Đức Mẹ.

Vào thế kỷ thứ 11 lãnh chúa Isaac đã bỏ tiền xây một nhà nguyện tôn kính Đức Mẹ.  Một tượng Mẹ được đặt trong ngôi nhà nguyện, dưới tước hiệu "Mẹ Ơn Sủng và Niềm An ủi."  Ngôi nhà nguyện đã trở nên Đền Thánh Đức Mẹ cho nhiều người dân địa phương.  Nhiều phép lạ và những cuộc lành bệnh đã được nhận như do sự cầu bầu của Đức Mẹ tại đền thánh này.  Rồi năm 1336, một cơn dịch thảm khốc phát ra, thúc đẩy lòng dân rỡ tượng Mẹ khỏi căn nhà nguyện.  Họ rước kiệu cùng với tượng Mẹ đi khắp cả nước, khẩn xin Mẹ cầu bầu cho họ trước nhan Chúa nhân từ, xin Chúa chặn đứng cơn dịch.  Mặc dầu lời cầu xin của họ được nhận lời cơn dịch đã chấm dứt nhưng tượng Mẹ không trở về ngôi nhà nguyện nữa.  Trong 69 năm tiếp đó căn nhà nguyện không được dùng làm đền thánh, cho đến khi Phép Lạ Thánh Thể xảy ra.

"Miêu duệ lãnh chúa Isaac tức Gioan Bois không phải là người hoàn toàn xấu.  Anh vẫn giữ đạo Công giáo của tổ tiên.  Lúc ấy đương mùa Xuân, vào ngày Thứ Ba trước Lễ Hiện xuống, khoảng nửa đêm, chàng đang ngủ say trên giường. 

Có tiếng nói êm dịu đánh thức chàng.  Khi mở  mắt ngái ngủ ra, chàng thấy trước mặt một Thanh niên trạc 30 tuổi, mang chiếc áo khoác màu xanh có viền bằng lông chồn.  Một làn sáng toát ra và bao quanh Người Thanh niên ấy.  Khuôn mặt Ngài xịu xuống.  Cặp  mắt Ngài đăm chiêu nhìn Gioan, khiến chàng tỉnh ngủ mau chóng.  Gioan giật mình vì làn sáng và sự hiện diện khó hiểu của Người Thanh niên trong phòng ngủ của mình.

Gioan hỏi xem Ngài cần gì.  Trước khi trả lời Chàng Thanh niên mở chiếc áo khoác ra.  Thân hình Ngài đầy những vết sẹo, vết bầm và thương tích rỉ máu.  Gioan muốn ngoảnh mặt đi nhưng mắt chàng không thể rời khỏi hình ảnh đáng thương của thân hình người ấy.  Ngài đã bị đánh đập dã man.  Một lần nữa đôi mắt Người Thanh niên xuyên thấu lòng Gioan.  Cuối cùng Ngài nói:



"Hãy nhìn xem họ bạc đãi tôi như thế nào.  Hãy kiếm cho tôi một lang y và một quan tòa, người sẽ biện hộ cho tôi."

Gioan hoảng hốt hoang mang.  Tâm trí chàng rối bời.  Chàng cảm thấy một sự buồn sầu khó hiểu khi nhìn vào thân mình bị hành hạ quá dã man của Người Thanh niên này.  Chàng lắp bắp, xin lỗi vì không thể tìm lang y đến vào giữa lúc đêm khuya như thế.  Người khách không tỏ ra dấu gì bất mãn.  Ngài nói tiếp như chưa hề nghe Gioan trả lời.



"Anh đã có thể tìm thấy lang y cách dễ dàng nếu anh biết chỗ tìm."  Ngài nói tiếp: "Làm sao tôi lại không bị bao phủ bởi những vết thương?  Mỗi ngày họ đều lại gây nên những vết mới."  Rồi Người Thanh niên mở rộng chiếu áo khoác ra và chỉ vào vết thương lớn nhất ở cạnh sườn, bên dưới trái tim.  Ngài nói, "Vết thương này giầy vò tôi nhiều nhất."

Gioan không nói lên lời.  Chàng tiếp tục nhìn Người Thanh niên đang đứng trước mặt mình.  Người Thanh niên khép áo vào.  "Nếu anh không tìm được thuốc cho tôi, ít là hãy đặt bàn tay anh lên các thương tích để xoa dịu tôi.  Hãy làm những gì anh có thể.   Tôi sẽ biết ơn anh cho đến khi anh có thể giúp tôi nhiều hơn... và tôi đã tha thứ cho thế gian."  Nói đến đây, Ngài biến mất.

Đêm sau, Người Thanh niên lại hiện ra với Gioan cũng cách thức như đêm trước.  Ngài lại chỉ cho Gioan những vết thương của mình. 

Gioan chia sẻ sự việc ấy với những người trong gia đình.  Nhưng họ không tin.

Tối hôm đó chàng bảo người em trai cùng ngủ với mình.  Chàng cần thêm vài sự chứng thực.  Sự việc này có thật sự xảy ra không hay vì chàng là nạn nhân của tâm trí mình.

Đêm hôm ấy, Người Thanh niên lại hiện ra với Gioan.  Lần này được phấn khích do sự hiện diện của em trai, Gioan mạnh dạn nói với Bóng Người: "Nếu tôi gọi lang y, tôi phải bảo ông ta đến nơi nào? 

Ngài trả lời, "Hãy lấy chìa khóa nhà nguyện và vào đấy.  Ở đấy anh sẽ gặp tôi, và sẽ biết tôi là ai."

Rồi Gioan cảm thấy mình ngất trí, được di chuyển đến nhà nguyện bởi những năng lực bởi trời.  Chàng thấy Tượng Chịu Nạn trong nhà thờ rất giống với hình ảnh   Người Thanh niên đã 3 lần hiện ra với chàng.  Cuối cùng, anh ta hiểu ra rằng chính Chúa Giêsu đã đến với mình. 

Tình trạng xuất thần chấm dứt.  Anh ta được đem trở lại giường.  Anh quay sang hỏi xem em trai mình đã thấy gì, nhưng em chàng đang ngủ say.  Gioan không chia sẻ được gì về những sự việc đã xảy ra với người em.  Chàng đánh thức người em, và sau khi quở trách vì đã không thức để bảo vệ chàng, Gioan chia sẻ với em trai những gì đã xảy ra. 

Suốt đêm hôm ấy tâm hồm Gioan rạo rực.  Anh không thể ngủ được nữa.  Anh ta không biết ngày hôm sau mình phải làm gì. Chàng phó mình cho Chúa trong tất cả những  gì Ngài muốn về chàng.  Chàng đã trở lại và được tràn đầy Chúa Thánh Thần.

Đêm ấy cha sở, Phêrô Ost, nghe thấy một tiếng gọi thầm kín bên trong.  Một giọng phát từ trời nói "Hỡi Phêrô, sáng mai ngươi hãy đến Nhà Nguyện Bois Isaac và dâng Thánh Lễ tôn kính Thánh Giá." 

Cha Phêrô Ost dậy sớm, và bắt đầu cuộc hành trình vượt qua rừng cây đến Nhà Nguyện Bois Isaac.  Đến nơi, Ngài mở cửa nhà nguyện, rung chuông báo cho dân địa phương biết Thánh Lễ sắp được cử hành.  Người đầu tiên bước vào, chính là Gioan Bois.

Khi vị Linh Mục bắt đầu dâng bánh rượu, Ngài mở chiếc khăn thánh ra và đặt vào vị trí để dâng hiến.  Lúc Ngài cầu nguyện, Ngài thấy một miếng của tấm Bánh Thánh lớn nằm trên tấm khăn thánh mà Ngài đã dùng dâng lễ Thứ Ba vừa rồi.  Hôm đó cũng chính là ngày Chúa Giêsu hiện ra với Gioan lần thứ nhất.

Một luồng sợ hãi xuyên thấu thân mình Ngài.  Vị Linh Mục nghĩ rằng chắc trong Thánh Lễ mình đã làm rớt mụn Bánh Thánh xuống trên khăn thánh và đã gấp lại sau Thánh Lễ.  Ngài tìm cách nhặt Bánh Thánh khỏi tấm khăn thánh.  Cha Phêrô định sẽ chịu Mình Thánh sau khi truyền phép.  Tuy nhiên, xem như Mình Thánh dính chặt vào khăn thánh, không chịu rời ra.  Khi Ngài cố sức kéo ra, Máu tươi từ Bánh Thánh bắt đầu chảy ra nhỏ giọt.  Bánh Thánh vẫn không đổi hình dạng, vẫn màu trắng, nhưng Máu Thánh vọt ra chung quanh Mình Thánh.

Vị Linh Mục cảm thấy đôi chân mình quị xuống.  Ngài thấy sinh lực mình tan biến.  Căn phòng bắt đầu quay cuồng.  Ngài vịn bàn thờ để giữ thăng bằng.  Gioan thấy sự việc xảy ra và chạy đến bên bàn thờ"Cha đừng sợ.  Phép Lạ này đến từ Thiên Chúa."  Ban đầu vị Linh Mục nghi ngờ nhìn Gioan; nhưng Ngài thấy trong đôi mắt Gioan một ánh nhìn và một sức mạnh nội tâm phát ra từ chàng. 

Cha Phêrô lấy lại tự chủ và tiếp tục dâng Lễ.  Ngài gấp chiếc khăn thánh có mang Mình Thánh rỉ máu, và dùng khăn mới dâng Thánh Lễ.  Tuy nhiên, trong lúc dâng Lễ Ngài cứ chú ý đến tấm khăn thánh ấy và nhận thấy vết máu càng lúc càng lớn hơn.

Sau Thánh Lễ, Cha Phêrô mở khăn thánh kia ra để xem máu từ  Bánh Thánh còn chảy ra không.  Bánh Thánh vẫn màu trắng, nổi trên vũng máu.  Mọi người dự Lễ đều chứng kiến Phép Lạ.

Vị Linh Mục đau buồn vì nghĩ rằng đó là tại lỗi lầm của mình.  Nếu Ngài chịu hết Bánh thánh và không chừa lại mảnh vụn trên khăn thánh khi dâng Lễ 3 ngày trước thì đâu có việc gì xảy ra.



Trong 5 ngày Máu Thánh vẫn tiếp tục chảy ra từ Mình Thánh, cho đến Thứ Ba sau Lễ Hiện Xuống.  Máu không tuôn chảy nhưng từ từ và đều đặn chảy ra.  Khi ngừng chảy, Máu Thánh chiếm một khoảnh diện tích rộng độ 3 inches và dài 6 inches trên tấm khăn thánh.  Trong vòng vài tuần sau, Máu Thánh đã khô hoàn toàn.

Lúc này đây, những vị chức trách giáo quyền địa phương đã lấy làm hứng thú với tấm khăn kỳ lạ ấy và mang khỏi Thánh Đường Bois Isaac để điều tra.  Giám Mục Thành Cambrai, Đức Cha Phêrô đệ Ailly, đã thí nghiệm khăn lễ bằng những cuộc thử nghiệm ghê sợ, trong đó có cả sự ngâm vào rượu, sữa, và kền.   

Đúng lúc ấy, sự gì đã xảy ra cho anh chàng bê bối Gioan Bois?  Chàng trở nên sốt sắng.  Trong 6 năm trời chàng dùng thế lực của một người thuộc hàng quí tộc, lồng lộn tìm đủ mọi cách cầu xin đức giám mục trả tấm khăn thánh về Nhà Nguyện Bois. 

Đức Giám Mục biết rằng mình không thể yên thân cho đến khi làm theo lời Gioan yêu cầu.  Ngày 3.5.1411, vị Phó Giám Mục đã thánh hiến nhà nguyện để tôn kính Máu Cực Thánh Chúa Giêsu, tôn kính Đức Mẹ cũng như Thánh Gioan Tẩy Giả.  Phép Lạ Thánh Thể được trả về nhà nguyện.



Gioan tiếp tục làm phiền Giám Mục Ailly, sau này thành Hồng Y. Sau hơn 2 năm bị Gioan nài nỉ, ngày 23.09.1413, Đức Hồng Y mở một cuộc điều tra để công khai xác nhận tính cách xác thực của phép lạ.

Đức Hồng Y gọi mình là một tín hữu đơn sơ, cá nhân Ngài hoàn toàn tin rằng sự can thiệp của Chúa đã làm nên Phép Lạ Thánh Thể tại Bois Isaac.  Nhưng Ngài muốn tiến hành theo như Giáo Luật.  Vì thế sự thử thách dành cho Chúa Giêsu và Gioan lại được bắt đầu.  Tuy nhiên, Chúa Giêsu không cho phép thời gian thử thách quá lâu vì chỉ 17 ngày sau, ngày mồng 10.10.1413, một Tông Chiếu được ban hành, xác nhận tính cách xác thực của Phép Lạ.  Đức Hồng Y cũng ban lệnh mỗi năm phải rước kiệu Thánh Thể cùng với sự tôn kính Mẹ Maria đã được ban chuẩn cho Nhà Nguyện trước biến cố phép lạ xảy ra.  Từ đó đến nay mỗi năm đều có tổ chức rước kiệu, trừ trong thời gian Cách Mạng Pháp, và có lẽ thời gian Quân Đức Quốc Xã chiếm đóng tại Bỉ.

Phép Lạ Thánh Thể vẫn còn được phô bày trong thánh đường ở xã nhỏ Ittre, nước Bỉ.  Khách hành hương khắp cõi Âu Châu đến đền thờ này để kính viếng ơn đặc biệt Chúa Giêsu ban cho chúng ta.

(Minh Ngọc trích dịch từ cuốn THIS IS MY BODY, THIS IS MY BLOOD)

 


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 0.77 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương