Ở Đông Âu Kornai János Bài học chuyển đổi



tải về 1.57 Mb.
trang6/14
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích1.57 Mb.
#10727
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14

2.3 Sáu đặc trưng

Như điểm xuất phát cho phân tích tiếp theo, tôi muốn tổng kết sáu đặc trưng quan trọng nhất của sự biến đổi đã xảy ra ở khu vực Trung Đông Âu trong 15 năm qua.

1. và 2. Những thay đổi đi theo các chiều hướng chính của sự phát triển của nền văn minh phương Tây: trong lĩnh vực kinh tế theo hướng hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, và trong lĩnh vực chính trị theo hướng dân chủ.

3. Đã là một sự biến đổi hoàn toàn, song song trong tất cả các lĩnh vực: trong nền kinh tế, trong cấu trúc chính trị, trong thế giới ý thức hệ chính trị, trong hệ thống pháp luật và trong sự phân tầng xã hội.

4. Sự biến đổi đã là phi-bạo lực.

5. Quá trình biến đổi đã diễn ra trong hoàn cảnh hòa bình. Đã không có chiến tranh đi trước. Những sự thay đổi không bị áp đặt lên xã hội như kết quả của sự chiếm đóng quân sự nước ngoài.

6. Sự biến đổi đã diễn ra với tốc độ không thể tin được, trong khoảng thời gian 10 đến 15 năm.

Đây đã không phải là “sự biến đổi lớn” đầu tiên trong lịch sử thế giới, tôi mượn cách diễn đạt của Karl Polányi.11 Ông cũng đã nhấn mạnh sự thực, mà chúng ta đã biết rồi từ nghiên cứu lịch sử thế giới, rằng “những biến đổi lớn” khác đã xảy ra ở những thời điểm khác nhau và ở những khu vực khác nhau của thế giới, những biến đổi sâu rộng từ một loại hình thái xã hội sang hình thái khác. Trong sáu đặc trưng được liệt kê ở trên, có thể thấy rő ba hay bốn đặc trưng cả trong các quá trình biến đổi khác nữa. Nhưng sự hiện diện cùng lúc của cả sáu đặc trưng là độc nhất trong lịch sử thế giới.

Bây giờ tôi chỉ nêu trước khẳng định này. Tôi muốn biện hộ nó bằng những so sánh lịch sử dưới đây.

2.4 Những so sánh lịch sử

Tôi sẽ so sánh năm loại “biến đổi lớn” điển hình với cái đã xảy ra ở Trung Đông Âu. Hiển nhiên là, làm như vậy chúng ta thậm chí đã không bắt đầu vét cạn tất cả các khả năng so sánh; nhiều trường hợp lí thú và quan trọng đã bị bỏ qua. (Thí dụ, những thay đổi xảy ra ở Nga trong 15 năm qua, sự biến đổi của các chế độ độc tài Nam Âu sang nền dân chủ, hay một thí dụ mới tinh: những thay đổi xảy ra ở Iraq kể từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ.) Trong mọi trường hợp, năm sự biến đổi sẽ được nghiên cứu kĩ cho chúng ta những bài học quan trọng. Không dễ theo dői nhịp của những so sánh này. Để làm cho việc hiểu điều này dễ hơn, Bảng 5 giới thiệu một tổng quan về cấu trúc logic của những so sánh này.



Bảng 5

So sánh các đặc trưng

Đặc trưng



Vùng Trung Đông

Âu


A.

Liên Xô biến đổi từ tư bản chủ nghĩa sang xã hội chủ nghĩa



B.

Hungary: Sự phục hồi Horthy

Chilê:

Sự phục hồi Pinochet




C.

Trung Quốc:

Biến đổi sau Mao


D.

Tây Đức:


Biến đổi sau Thế Chiến lần thứ 2

E.

Biến đổi lịch sử lớn ở Châu Âu: từ Trung cổ sang Hiện đại, từ tiền Chủ nghĩa tư bản sang Chủ nghĩa tư bản



1. Theo hướng chính của sự phát triển của hệ thống kinh tế?


Y


N


Y


Y


Y


Y

2. Theo hướng chính của sự phát triển của hệ thống chính trị?


Y


N


N


N


Y


Y

(trễ thời gan)



3. Song song ở mọi lĩnh vực?

Y

Y

Y

N

N

Y


4. Không có bạo lực?

Y

N

N

Y

N

N


5. Không có chiếm đóng quân sự nước ngoài?


Y


Y


Y


Y


N


N

6. Nhanh?

Y

Y

Y

N

Y

N

(rất lâu)

A. Đầu tiên hãy khảo sát biến đổi mà chúng ta đang đánh giá bằng so sánh nó với sự vận động trước chuyển động theo chiều ngược lại: sự tiêu diệt hệ thống tư bản chủ nghĩa và thiết lập hệ thống xã hội chủ nghĩa. Để cho ngắn gọn tôi sẽ giới hạn mình chỉ ở lịch sử Soviet. Có sự giống nhau trong đặc trưng số 3: ở đó những thay đổi song song cũng đã làm biến đổi hoàn toàn tất cả các lĩnh vực của xã hội. Sự giống nhau gây sửng sốt trong đặc trưng số 6, tốc độ mà những thay đổi đã diễn ra. Đảng Cộng sản chiếm quyền lực vào năm 1917. “Sự biến đổi lớn” đã hoàn tất vào cuối năm 1932, với tập thể hóa nông nghiệp khi sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất cơ bản đã bị xóa bỏ. Đã chỉ cần 15 năm để sắp xếp mọi thứ cho việc tạo ra cái chúng ta gọi là “chủ nghĩa xã hội cổ điển”.12

Sự khác biệt bi thảm ẩn náu trong những đặc trưng số 1, số 2 và số 4. Vào cuối Chiến tranh Thế giới lần I, nước Nga sắp bước lên con đường tiến đến thiết lập một nền dân chủ nghị viện theo kiểu phương Tây. Cuộc cách mạng đẫm máu đã lật đổ quyền lực chính trị trước đó, sa hoàng và gia đình ông bị xử tử và giới ưu tú của chế độ trước hoặc bị giết hoặc bị lưu đày vào các trại lao động bắt buộc. Bạo lực và khủng bố đã áp đặt một trật tự chính trị và xã hội mới lên xã hội. Đây là cái đối lập 180 độ của cuộc cách mạng nhung 1989-1990 và tính phi-bạo lực của sự biến đổi hiện thời của chúng ta.

Trong phần còn lại của thảo luận của mình, tôi sẽ chỉ tập trung vào những biến đổi có chung đặc trưng số 1 với những biến đổi xảy ra ở Trung Đông Âu, nói cách khác nơi những thay đổi trong nền kinh tế đi theo hướng chính (hay chí ít không rời khỏi hướng chính) của những thay đổi trong lĩnh vực kinh tế.

B. Đặc trưng số 4, tính phi-bạo lực của sự biến đổi không thể được coi là hiển nhiên. Đáng minh họa điều này bằng hai thí dụ lịch sử.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ I, những người Cộng sản dưới sự lãnh đạo của Kun Béla đã nắm quyền ở Hungary và tuyên bố nền Cộng hòa Soviet Hungary. Vài tháng sau, dưới sự lãnh đạo của Đô đốc Horthy Miklós, người sau này trở thành Thủ hiến (tức là người đứng đầu nhà nước), nền cai trị Cộng sản đã bị đánh bại và trật tự tư bản chủ nghĩa trước đó được khôi phục. Khủng bố Đỏ được thay bằng Khủng bố Trắng trong những tháng đầu. Hành hình kiểu lynching (không xét xử), treo cổ và bỏ tù đã đi cùng với sự thay đổi chế độ và cần vài năm để đạt được sự củng cố chính trị nào đó.

Thí dụ thứ hai là của Chilê. Ở đây Allende và chính phủ của ông bước lên con đường có lẽ đã có thể dẫn tới sự hình thành một hệ thống xã hội chủ nghĩa. Nhưng trước khi nó được triển khai hoàn toàn, nó đã bị tiêu diệt bởi một cuộc đảo chính do Tướng Pinochet cầm đầu năm 1973. Chiến dịch trả thù, những cuộc đàn áp trả thù không xét xử, các vụ ám sát chính trị và tra tấn đã đi cùng với sự khôi phục nền kinh tế trước-Allende. Chỉ sau nhiều đau khổ và sau nhiều năm dài các thể chế dân chủ mới có thể phát triển ở đất nước đó.

Chúng ta hãy so sánh hai tình tiết lịch sử này với cái vừa xảy ra ở Trung Đông Âu. Trong tám nước là đối tượng của bài báo này, các chính trị gia của chế độ trước đã chẳng bị xử tử cũng không bị bỏ tù và đã không có chiến dịch trả thù nào được tiến hành chống lại họ. Trong nhiều nước, để chuẩn bị cho một hiến pháp mới, đã có các cuộc thảo luận văn minh giữa các lãnh đạo của đảng cầm quyền trước kia và các lãnh đạo đối lập mới, những người đã sẵn sàng nắm lấy quyền lực chính trị. Sự dịch chuyển quyền lực đã xảy ra mà không có đổ máu và không có hỗn loạn ở các mức quyền lực cao nhất.

Như trong các trường hợp khác của chúng ta, mục đích của tôi đến đây chỉ đơn giản là trình bày các sự thực: đánh giá giá trị của chúng sẽ được đưa ra trong các mục muộn hơn.

C. Việc thủ tiêu hệ thống xã hội chủ nghĩa tiếp tục được tiến hành trong các khu vực phía nam và phía đông của tám nước được khảo sát. Sẽ hợp với logic phân tích của tôi đi xét tất cả các quá trình biến đổi từng cái một và đưa ra những so sánh. Do giới hạn về thời gian, tôi sẽ so sánh những thay đổi xảy ra ở khu vực Trung Đông Âu với những thay đổi chỉ của một nước, Trung Quốc. Tất nhiên, chỉ tương lai mới sẽ cho biết xu hướng phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Trung Quốc sẽ đi xa đến đâu, và sẽ nhất quán thế nào.

Trong trường hợp của đặc trưng số 1 – và điều này có tầm quan trọng cơ bản —những biến đổi của Trung Quốc và Trung Đông Âu là y hệt nhau: cả hai đều chỉ theo hướng lịch sử chính, đến nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Sự khác biệt quan trọng nhất, tuy vậy, có thể thấy trong trường hợp của đặc trưng số 2. Liên quan đến kết cấu chính trị, sự phát triển của các nước Trung Đông Âu cũng chỉ theo hướng chính của nền văn minh phương Tây: nó rời xa khỏi hệ thống trước đó, đến nền dân chủ và sự tôn trọng các quyền con người. Ngược lại, ở Trung Quốc, độc quyền quyền lực của Đảng cộng sản vẫn còn nguyên, và đi cùng với nó là sự áp bức và sự hạn chế các quyền con người. Trong khi những thay đổi đáng kể tiếp tục diễn ra hầu như trong mọi lĩnh vực xã hội, ta không thể nói ngay cả về tính song song được nhắc đến dưới đặc trưng số 3.

Cũng có sự trái ngược nổi bật đối với con đường của Trung Quốc liên quan đến đặc trưng số 4, đến vấn đề phi-bạo lực. Người ta không thể nói về một cuộc cách mạng nhung. Sau cái chết của Mao Trạch Đông, kẻ bạo ngược trước đây, ban lãnh đạo đã giáng xuống những người xung quanh trực tiếp của ông với bàn tay sắt. Khi những đòi hỏi của các sinh viên Bắc Kinh đi quá xa so với nhịp do những người thống trị định ra, họ đã dùng lực lượng quân sự để bẻ gãy các cuộc biểu tình. Những người bày tỏ các quan điểm trái với ý của đảng bị bỏ tù.

Về đặc trưng số 5, không có sự khác biệt đáng kể: như ở Trung Đông Âu, những thay đổi của Trung Quốc không bị áp đặt bởi sự can thiệp quân sự từ bên ngoài. Lực lượng bên trong đã tiến hành những thay đổi đã xảy ra.

Sự khác biệt là rất cơ bản về đặc trưng số 6: nhịp độ của những thay đổi thể chế ở Trung Quốc đã chậm hơn rất nhiều so với ở Trung Đông Âu.

D. Cuối cùng chúng ta xem xét sự biến đổi của Tây-Đức trong thời kì sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Chúng ta bắt đầu với các đặc trưng số 1 và số 2. Dưới sự cai trị của bọn Nazi, hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa về cơ bản vẫn tiếp tục hoạt động, song kết cấu chính trị đã trệch một cách tai họa khỏi hướng chính. Liên quan đến đặc trưng số 3, đã không cần đến một sự biến đổi hoàn toàn, chỉ cần đến biến đổi một phần. Những khác biệt quan trọng nhất có thể thấy trong các đặc trưng số 4 và số 5. Đây hiển nhiên đã không thể là một sự biến đổi phi bạo lực. Đầu tiên, quyền lực của bọn Nazi phải bị tiêu diệt trong một cuộc chiến tranh đòi hỏi những hi sinh to lớn, rồi tiếp theo là sự trừng phạt những tội phạm chiến tranh và các tội phạm chống loài người. Các Cường quốc Đồng minh đã chiếm đóng trong thời gian dài. Việc thiết lập các thể chế dân chủ cơ bản được áp đặt từ bên ngoài thông qua các điều khoản của hiệp ước hòa bình được thực thi bởi sự hiện diện quân sự của quân đội Đồng minh. Đây là điểm khởi đầu của các cuộc cải cách do các lực lượng bên trong gây ra sau này. Liên quan đến đặc trưng số 6, đến tốc độ, đo trên quy mô lịch sử, dân chủ hóa đã diễn ra rất nhanh.

E. Để kết thúc những so sánh này chúng ta quay lại đề tài mà chúng ta bắt đầu với: quá trình lịch sử lớn dài hàng thế kỉ đã dẫn đến sự hình thành ban đầu của hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa và nền dân chủ. Thực ra, nhiều đặc trưng của những biến chuyển lớn này giống như các đặc trưng của sự biến chuyển hiện thời (so với nó là chuyển biến “nhỏ”) xảy ra ở khu vực Trung Đông Âu. Theo định nghĩa, các đặc trưng số 1 và số 2 là hệt như nhau, bởi vì chúng ta xác định, rút ra “hướng chính” từ những chuyển biến lịch sử lớn. Về phần đặc trưng số 3, liên quan đến tính toàn thể của những thay đổi, rő ràng là sự biến đổi kinh tế và chính trị ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét những diễn tiến này không dưới hàng thế kỉ mà thay vào đó trong khung thời gian ngắn hơn nhiều, thì chúng ta không thể nói về tính song song chặt chẽ với cái có thể quan sát được ở khu vực Trung Đông Âu trong 10 đến 15 năm qua. Trong thứ tự thời gian khác nhau tùy từng nước và với độ trễ khác nhau, các sự kiện được tăng tốc hoặc ở lĩnh vực chính trị, hay trong thế giới tôn giáo-tinh thần-ý thức hệ, hay trong nền kinh tế. Về các đặc trưng số 4 và số 5 có những khác biệt theo từng nước và từng thời kì liên quan đến những biến đổi hòa bình hay tránh được bạo lực đến mức nào, và khi nào những thay đổi được tăng tốc bởi khởi nghĩa đẫm máu, cách mạng, chiến tranh và sự xâm chiếm của các nước ngoài. Một số trường phái lịch sử cho rằng Thời Hiện đại bắt đầu với sự phát minh ra (hiểu là: xâm chiếm) châu Mĩ, trong khi các trường phái khác tính từ khi Cách mạng Pháp, dẫn đến sự ngự trị của khủng bố, nổ ra năm 1789.

Sự khác biệt lớn nhất có thể thấy một cách tự nhiên trong đặc trưng số 6, tốc độ của sự thay đổi. Chủ nghĩa tư bản đã cần đến hàng thế kỉ để trở thành hệ thống kinh tế thịnh hành của toàn bộ một nước. Quá trình dài hàng thế kỉ đã đi trước sự thực hiện nền dân chủ nghị viện. Ngược lại, bây giờ tất cả những thứ này đã xảy ra với tốc độ không thể tin nổi trong khu vực Trung Đông Âu.

Trong khi do gợi ý của so sánh lịch sử chúng ta đánh giá sự biến đổi của khu vực Trung Đông Âu là đặc biệt nhanh. Nhưng tôi muốn nhắc nhở rằng đã có những chính trị gia và các chuyên gia kinh tế hối thúc những thay đổi thậm chí còn nhanh hơn. Các nước được khuyến khích để chạy đua với nhau. Hệt như trong cuộc chạy đua, người ta cân nhắc các triển vọng thắng: tư nhân hóa kết thúc đầu tiên ở nơi nào? Liệu những người Czech, người Hung, hay những người Ba Lan sẽ chạm băng đích vào cuối năm thứ sáu hay thứ chín? Nếu chúng ta phân tích các sự kiện này từ viễn cảnh lịch sử, chúng ta có thể cảm thấy tính kì quái của một cuộc đua như vậy.

Một phần công chúng cũng nhìn cuộc đua với sự nghi ngờ. Trong khuôn khổ của một dự án nghiên cứu quốc tế có ý định đo lường thang giá trị cá nhân, các công dân của nhiều nước Trung Đông Âu được hỏi họ thích cái nào hơn: tái tổ chức triệt để xã hội qua một hành động cách mạng lớn, hay sự cải thiện từ từ xã hội qua các cuộc cải cách. 75% những người Czech, 82% những người Sloven và 67% những người Litvan chọn cái sau (xem Halman, 2001, p. 170.)



2.5. Những nhân tố tăng tốc trong quá trình biến đổi

Phân tích so sánh tất cả sáu đặc trưng xứng đáng một nghiên cứu riêng. Ở dây, tôi chỉ thảo luận một cái – đặc trưng thứ sáu. Đánh giá sự biến đổi từ từ của 10 đến 15 năm qua là cực kì nhanh, chúng ta có thể nêu ra câu hỏi: cái gì đã làm cho tốc độ lớn này là có thể?

1. Trong nỗ lực đầu tiên chúng ta có khuynh hướng cho một trả lời đơn giản: làm cái gì đó thứ hai là dễ hơn tạo ra nó đầu tiên. Chúng ta có thể trích dẫn từ những kinh nghiệm nhiều người biết của tăng trưởng kinh tế. Tái xây dựng các nền kinh tế bị phá hủy luôn luôn là quá trình nhanh hơn xây dựng các nền kinh tế ban đầu.

Tuy nhiên lí lẽ "tái thiết" chỉ đúng một phần.

Chúng ta hay bắt đầu với kiến thức và kinh nghiệm. Ngay cả những người trong thời trẻ của mình đã có được kinh nghiệm nào đấy trong lĩnh vực chính trị hay kinh tế trước khi những người Cộng sản lên nắm quyền, thì đã gần ở tuổi về hưu khi sự biến đổi bắt đầu: hầu hết những người tích cực trong kỉ nguyên trước xã hội chủ nghĩa đã chết hay đã về hưu. Các gen không thừa kế loại kiến thức này. Đã không có nhiều gia đình nơi kiến thức kinh tế, kinh doanh hay chính trị của giai đoạn trước xã hội chủ nghĩa được tích tụ và được cha mẹ truyền lại cho con cái. Trong đầu và trong tư duy của các cá nhân đã không có sự “khôi phục” trí thức cũ, mà đúng hơn là thu nhận kiến thức mới.

Thế nhưng chúng ta có thể thấy nhiều phản thí dụ. Đã có các gia đình trong thời kì xã hội chủ nghĩa, đã giữ gìn được các giá trị cũ và truyền lại cho các thế hệ trẻ hơn. Không hiếm, rằng cháu tiếp tục theo nghề của ông bà theo cách này hay cách khác. Hệ thống xã hội chủ nghĩa đã tiêu hủy các thể chế chính trị, kinh tế và xã hội đã hoạt động trong thời kì trước. Chúng không được phục sinh ngay lập tức. Thế nhưng ở đây cũng có thể chỉ ra các phản thí dụ.

Tóm lại, có thể nói: tuy sự biến đổi đã được tăng tốc bởi sự thật rằng ở nhiều điểm đã có thể quay lại những truyền thống, ứng xử và thể chế được phát triển trước đây nhằm sử dụng chúng như các điểm xuất phát – thế nhưng sự trở lại này không phải là nhân tố mạnh nhất trong các nhân tố gây tăng tốc.

2. Phần đáng kể các cá nhân hầu như có khuynh hướng tự lo cho công việc của riêng mình một cách bản năng, và có tinh thần kinh doanh. Nhiều loại ràng buộc do thời trung cổ áp đặt đã hạn chế sự phát triển của các nỗ lực tự phát này, và những cản trở này chỉ được dỡ bỏ dần dần và chậm chạp. Việc nới lỏng và phá bỏ những sự hạn chế của trật tự phong kiến, và sự mở rộng quyền sở hữu tư nhân và điều phối thị trường là các quá trình đan xen vào nhau. Hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa đã dựng lên những rào cản gây tê liệt hơn rất nhiều so với các trật tự xã hội trước nó. Nó hầu như trói gô sáng kiến, và các thiên hướng kinh doanh của các cá nhân lại. Trong thời kì biến đổi hậu xã hội chủ nghĩa, những sự cấm đoán quan liêu do các cơ quan chỉ đạo kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa áp đặt đã được dỡ bỏ không phải một cách chậm chạp và từ từ, mà với tốc độ vũ bão. Vì lí do này, tinh thần kinh doanh tự phát, bản năng kinh doanh, động lực đặc biệt này của chủ nghĩa tư bản, hầu như đã nổ tung vào đời sống kinh tế.

3. Đã không có sự phản kháng mạnh nào với sự biến đổi. Khi chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ nghị viện phát triển chậm chạp và từ từ lần đầu tiên, đã có các tầng lớp, các nhóm, và các giai cấp khác nhau của xã hội đấu tranh chống lại nó. Trật tự mới đã chiến thắng trong cuộc chiến đấu chống lại những người hưởng lợi của ancien régime [chế độ cũ]. Sau những thắng lợi của trật tự mới, thường những người ủng hộ trật tự cũ đã kháng cự chính trị, ý thức hệ và, trong một số trường hợp, quân sự chống lại nó.

Lần này đã khác. Sáu năm sau khi Gorbachev bắt đầu các cuộc cải cách của ông, vào thời gian Tường Berlin sụp đổ, các nhà lãnh đạo của chế độ cộng sản ở Trung Đông Âu đã hạ vũ khí của họ rồi. Đã không xuất hiện các phong trào xúi bẩy chống trật tự mới, những người phản đối đã không cầm vũ khí, đã không có các chiến sĩ du kích hay những kẻ khủng bố. Đa số các thành viên của của đội ngũ lãnh đạo cũ cũng đã chán ngán các lí tưởng trước đây của mình. Những người khôn ngoan hơn đã chuyển phe, họ đã thử trở thành các nhà kinh doanh – nhiều người với thành công – thậm chí thành những người đóng vai trò tích cực trên vũ đài chính trị dân chủ. Những người khác đã về hưu một cách mệt mỏi.

4. Sự giải thích quan trọng nhất cho sự nhanh chóng của biến đổi có thể thấy trong những tác động của thế giới bên ngoài bao quanh các nước Trung Đông Âu. Cụm từ “thế giới bên ngoài” được dùng trong ý nghĩa rộng nhất có thể của nó để dẫn chiếu đến những ảnh hưởng bên ngoài khác nhau và hoàn cảnh.

Một trong những tác động đã là thu nhận khuôn mẫu nước ngoài. Từ các hình thức hoạt động quản lí doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng đến các thể chế chính trị, từ các chương trình truyền thông đại chúng đến quảng cáo, từ tổ chức các hoạt động giáo dục đến tài trợ nghệ thuật và khoa học, hiếm có lĩnh vực hoạt động xã hội nơi người ta không theo hình mẫu nước ngoài.

Đã có nhiều kênh qua đó các tấm gương này tìm được đường đến với người dân Trung Đông Âu. Người dân quen với chúng trong các chuyến đi nước ngoài của họ, nhiều người ngay cả trước 1990, sau thay đổi chế độ thì còn nhiều người hơn. Họ đọc về chúng, hay xem chúng trên phim ảnh. Việc dạy về các kinh nghiệm nước ngoài được tiến hành trong các trường học, các đại học, và ở các seminar đặc biệt. Các nhà tư vấn nước ngoài kiến nghị thâu nhận chúng.

Tôi không cho rằng việc tiếp nhận các hình mẫu nước ngoài là một việc dễ. Không đủ chỉ quan sát Quốc hội Anh hay Ngân hàng ở Zürich hoạt động thế nào và rồi kì vọng rằng tất cả mọi thứ sẽ xảy ra theo cùng cách ở Quốc hội Hungary hay Estonia, ở các ngân hàng Czech hay Ba Lan. Khá dễ để nhận ra mô hình, nhưng khó hơn rất nhiều để học sử dụng nó thế nào, để thích nghi nó với các điều kiện địa phương. Nếu giả như việc học không phải là quá trình khó và mâu thuẫn, thì việc thực hiện phần lớn sự biến đổi đã chẳng cần đến 15 năm để hoàn thành, và chúng ta chẳng cần đến công việc mệt mỏi để áp dụng mô hình một cách hiệu quả hơn.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng có tác động to lớn. Họ không chỉ mang vốn vào, mà – ngoài know-how kĩ thuật ra— họ còn đưa kiến thức về quản lí công ti như thế nào, về hệ thống pháp lí và các chuẩn mực ứng xử loại nào là những đòi hỏi cho hoạt động của một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Tám nước được khảo sát đã tham gia vào các tổ chức quốc tế quan trọng –dưới sự lãnh đạo phương Tây - như NATO, OECD, và WTO, và quan hệ của chúng trở nên tích cực hơn với World Bank và IMF. Đỉnh điểm của chuỗi tư cách thành viên khác nhau là sự gia nhập vào Liên minh Châu Âu, EU. Cái trong ngôn ngữ của Brussels được gọi là quá trình “hài hòa hóa” xảy ra không chỉ trong lĩnh vực lập pháp. Trong mọi khía cạnh, Trung Đông Âu cố đồng hóa các hình mẫu phương Tây. Trước hết là các động lực bên trong đã thúc đẩy sự thích nghi này. Tuy vậy, vô ích đi từ chối rằng cũng có thể thấy một mức nào đó của áp lực chính trị bên ngoài. Đặc trưng số 5 là xác đáng, đã không có sự chiếm đóng quân sự nước ngoài. Không nước ngoài nào, ngay cả các cường quốc lớn cũng không “ra lệnh” cho các nước nhỏ Trung Đông Âu. Thế nhưng đã “có điều kiện”. Các tổ chức tài chính có trụ sở ở Washington, và sau này EU ngày càng gắn việc cho vay hay viện trợ, việc thiết lập các quan hệ, sự đảm bảo các quyền với các điều kiện. Tuy vậy, đúng là, các điều kiện này nói chung được diễn đạt theo cách để phục vụ cho những lợi ích dài hạn của riêng các nước liên quan. Thế nhưng, nhiều thay đổi đã được áp lên họ bởi áp lực bên ngoài hay, chí ít, đã góp phần vào việc thực hiện nhanh hơn những thay đổi.

Sự gần kề về địa lí với thế giới phương Tây hẳn đã đóng góp cho cường độ của các áp lực bên ngoài. Sự biến đổi xảy ra nhanh nhất chính xác ở các nước nằm sát biên giới các nước châu Âu đã phát triển.

5. Công nghệ sẵn có là một nhân tố tăng tốc quan trọng. Trong bối cảnh này, chúng ta không dẫn chiếu đến bất cứ tình huống đặc biệt nào mà khu vực Trung Đông Âu được hưởng. Nhịp độ của sự biến đổi Trung Đông Âu sở dĩ đã nhanh hơn, một phần cũng là vì ngày nay tất cả mọi thứ đều thay đổi với nhịp độ nhanh hơn. Hãy chỉ nghĩ, thí dụ, về tốc độ của giao thông và truyền thông vào cuối Thời Trung cổ và đầu Thời Hiện đại, và so sánh chúng với những khả năng sẵn có cho chúng ta ngày nay. Máy tính, internet, e-mail và điện thoại di động – chỉ nhắc đến bốn thứ – làm tăng tốc độ thông tin bên ngoài đến với những người muốn theo hình mẫu bên ngoài lên rất nhiều lần. Công nghệ mới này đã đóng góp cho nhịp độ được tăng tốc của việc xuất bản và phổ biến các quy định và các chuẩn mới.

Mặc dù đã có sự tụt hậu không thể tin nổi về sự phổ biến của “công nghệ cao” trong khu vực này trước chuyển đổi, tốc độ phát triển của nó đã được tăng tốc đáng kể. Đúng là, sự phổ biến của máy tính và việc dùng internet vẫn còn tương đối thấp.13 Tuy nhiên, có vẻ chắc chắn rằng, thông tin đến với những người ra quyết định và với những người tạo dư luận khá nhanh chóng và các phương tiện thông tin đại chúng có khả năng truyền đạt nhanh chóng đến hàng triệu người.


tải về 1.57 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   14




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương