ĐỂ ĐƯỜng lối cách mạng đÚng đẮn hơN: CÁi nhìn từ LỊch sử



tải về 4.82 Mb.
trang12/18
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích4.82 Mb.
#35473
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   18

Bối cảnh

Tổ chức Việt Minh được thành lập vào khoảng năm 1936 hoặc 1937, là một công cụ nhằm gắn kết chặt chẽ những người Cộng sản và những người không Cộng sản Việt Nam khao khát làm chính trị tại Nam Kinh (Trung Quốc)165. Tên gọi này được lấy lại từ tên gọi của Đảng Cộng sản Đông Dương bao gồm rất nhiều các tổ chức hoạt động nhằm giành lại độc lập từ chính quyền thực dân Pháp. Theo đề nghị của Hồ Chí Minh, cái tên Việt Minh được chấp nhận và quyết định đưa ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 5 năm 1941 tại Cao Bằng. Ngay khi nhận thấy thời cơ chín muồi cho cuộc cách mạng đã đến, Hồ Chí Minh rời Trung Quốc về nước vào ngày 28 tháng 1 năm 1941166.

Đường lối chỉ ra rõ ràng công cuộc đấu tranh và cách mạng sẽ tập trung ở khu vực nông thôn (đặc biệt ở miền Bắc) từ tháng 9 năm 1939, khi Đảng Cộng sản Đông Dương bị cấm hoạt động, các cơ sở ở thành thị tan rã, các toà báo cánh tả phải đóng cửa, và rất nhiều cán bộ nòng cốt phải chạy trốn về nông thôn hoặc đến nơi khác ở Đông Dương167. Từ khi thành lập đến đầu năm 1945, Việt Minh đã trải qua ba giai đoạn168. Giai đoạn đầu tiên từ tháng 5 năm 1941 đến tháng 12 năm 1941 khi Hồ Chí Minh tập trung xây dựng Việt Minh bằng cách hình thành mạng lưới liên kết và củng cố lời kêu gọi của Hội. Tuy sự hợp tác giữa các thành viên sáng lập ra tổ chức Việt Minh ở Trung Quốc sụp đổ vào đầu năm 1942, nhưng tháng 1 năm đó đã đánh dấu sự khởi đầu cho giai đoạn 2, bí mật mở rộng hoạt động ra toàn miền Bắc Việt Nam. Tháng 8 năm 1942, Hồ Chí Minh trở lại Trung Quốc và bị Quốc dân Đảng bắt giữ, đến tháng 9 năm 1943, Người được thả tự do nhưng không được phép về Việt Nam cho đến tháng 8 năm 1944. Giai đoạn 3 trong quá trình xây dựng Việt Minh kéo dài từ tháng 9 năm 1943 đến tháng 9 năm 1944. Trong suốt thời gian này, chính quyền Pháp liên tục có những hành động quấy phá khiến Việt Minh rơi vào tình trạng bất ổn định.

Năm 1944, khi Hồ Chí Minh quay trở lại miền Bắc Việt Nam (chiến khu Việt Bắc), vận mệnh của Việt Minh bắt đầu khởi sắc, Người tiếp tục công cuộc tuyên truyền đấu tranh và xây dựng mạng lưới liên kết chặt chẽ. Tôi xin nói thêm về giai đoạn 4 trong sự phát triển của Việt Minh, đó là thời điểm sau ngày 9 tháng 3 năm 1945 khi Nhật hất cẳng Pháp, khiến nhiều tướng Pháp bị giết hoặc bị bắt. Kể từ đó, các hoạt động của Việt Minh thoát khỏi sự kiểm soát của thực dân Pháp và ít chịu sự can thiệp của phát xít Nhật.

Từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1945169, Việt Minh xây dựng cơ sở, thu hút nhiều người gia nhập với hình ảnh đất nước Việt Nam độc lập, và quan trọng hơn cả,
là phân phát gạo trong kho cứu hàng triệu người dân miền Bắc đang chết đói170. Đến tháng 8, Việt Minh đã đủ vững mạnh để có thể chiếm giữ những thành phố lớn, tuyên bố Độc lập (vào ngày 2 tháng 9 năm 1945) và bắt tay vào công cuộc cải tổ chính quyền trong cả nước. Thực dân Pháp không công nhận chính quyền Hồ Chí Minh và cố tái thiết lập chế độ thuộc địa. Mối quan hệ căng thẳng giữa Việt Minh và thực dân Pháp chấm dứt vào ngày 19 tháng 12 năm 1946, khi xung đột nổ ra và lên đến đỉnh điểm. Đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, Việt Minh giành chiến thắng trong trận Điện Biên Phủ171. Mặc dù Pháp đã tính toán đưa 605.000 quân sang Việt Nam nhằm chống lại lực lượng Việt Minh chỉ với 185.000 người172, nhưng Việt Minh đã được nhân dân giúp đỡ173 nên có thể tích luỹ rất nhiều phương tiện (thường là không vũ trang) cho việc di chuyển (mọi thứ từ xe đạp đến xe tải nhập từ Trung Quốc) và để hoàn thành nhiệm vụ174. Mục tiêu của bài tiểu luận này là giới thiệu một vài điều rút ra từ các phương pháp tuyên truyền Việt Minh đã sử dụng nhằm huy động nhân dân trong thời kỳ đầu những năm 1940 đến năm 1954.

Môi trường văn hoá – xã hội trong hoạt động của Việt Minh

Trong nghiên cứu về chủ nghĩa dân tộc Việt Nam năm 1976, William Duiker đã kết thúc lý lẽ của mình bằng cách đặt ra những vấn đề Việt Minh gặp phải đầu năm 1941: Liệu nông dân sẽ ủng hộ những người Cộng sản? Liệu Đảng có khả năng thuyết phục người nông dân rằng đó sẽ là sự kế tục cầm quyền tuyệt vời? Liệu rằng có thể xoa dịu mâu thuẫn trong những yêu cầu giữa thành thị và nông thôn, giữa lòng tự tôn dân tộc và cải cách xã hội trong một cuộc đấu tranh gian khổ, chống lại kẻ địch cũng như với thực dân Pháp?175

Những câu hỏi trên càng nêu bật tình thế khó khăn, phức tạp Việt Minh gặp phải trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Nho giáo

Đến đầu những năm 1940, Việt Nam phải đương đầu với tình trạng tư tưởng Khổng Tử chính trị176 thất bại trong việc cai trị đất nước. Ở các xứ bảo hộ phương Bắc, những quan lại không từ quan về ở ẩn hoặc chạy trốn sang các nước khác177 đều bị coi là tay chân của giặc ngoại xâm; hoàng đế ­- người đại diện cho quyền thống trị - bắt người dân nộp thuế và đi lao dịch. Chính quyền thực dân Pháp nỗ lực lợi dụng lòng trung thành với Nho giáo trong nhân dân qua việc làm lễ tái sắc phong cho Hoàng đế Bảo Đại vào tháng 9 năm 1932178. Tháng 5 năm 1933, trích lời Tướng chỉ huy Pierre Pasquyer, Lockhart bàn về thời kỳ mới của Viện Cơ mật Huế như sau: Kể từ bây giờ mọi người phải tuân theo các quy tắc đạo đức đã được Hoàng đế thông qua. Những quy tắc này giống như những lời dạy của Thánh nhân [tác giả kinh điển Trung Hoa] thời xưa179.

Thực dân Pháp muốn đặt ra quan điểm của hoàng đế như niềm tin đạo Khổng cổ xưa nhằm cai quản Việt Nam. Một nỗ lực củng cố (ít ra về hình thức) tư tưởng Khổng giáo về chính trị đã thất bại trong việc ngăn chặn sự xâm lăng của thực dân Pháp thế kỷ XIX. Lockhart đã vạch ra ảo tưởng trong việc đưa hoàng đế trở lại, và nhận thức rằng hoàng đế, quần thần cùng các vị cố vấn đều không được nắm thực quyền: “Điều này có nghĩa như “quả bóng thử nghiệm” trong việc gia tăng quyền lực hoàng gia đã bị bắn vỡ. Nền quân chủ rơi vào thoái trào trong thời kỳ chiến tranh và đang dẫn đến hành động cuối cùng của nó”180.

Jasmin H. Cheung – Gertler đã nghiên cứu rất nhiều văn chương Nho giáo ở Việt Nam trong thế kỷ XIX và thế kỷ XX. Bà đã lập biểu đồ về sự bất lực của đạo Khổng đối với cuộc xâm lăng của thực dân Pháp. Tuy nhiên, bà tiếp tục chỉ ra thực dân Pháp đã dùng đạo Khổng và các hành vi đạo đức như thế nào trong nỗ lực kiểm soát người dân bản địa181. Jasmin kết luận rằng đạo đức Khổng giáo vẫn tồn tại (bà dùng thuật ngữ “nhu cầu đạo đức”), điều này phù hợp với học thuyết Cộng sản, cho Liên minh cách mạng như Việt Minh và cả “nhiệm vụ văn minh hoá” của thực dân Pháp, đặc biệt trong thời kỳ Chính phủ Vichy ở Pháp. Bà viết rằng: Tư tưởng Khổng giáo không thể tách rời khỏi tầm ảnh hưởng chính trị. Được cả thực dân Pháp và người bản địa sử dụng, tư tưởng Khổng Tử vốn liên hệ mật thiết với giai cấp quý tộc trở thành phần không thể thiếu trong chiến lược chính trị hợp pháp và có quyền hành. Cả chủ nghĩa đế quốc Pháp và chủ nghĩa dân tộc cộng sản Việt Nam đều vận dụng tư tưởng Khổng giáo vào kế sách chính trị. Sức thuyết phục trong tư tưởng đạo đức đề cập cả nhân cách và truyền thống của dân tộc Việt Nam – đối với họ tính hợp pháp chính trị nằm trong phạm vi đạo đức xã hội Khổng giáo – cũng như đề cập đến sức thuyết phục trong nhu cầu đạo đức với nhu cầu đế quốc và dân tộc. Sự kết hợp với tư tưởng Khổng Tử đã trở thành lực lượng chính trị không thể cưỡng lại182.

Do đó có thể khẳng định chắc chắn rằng giá trị của tư tưởng Nho giáo như vai trò của gia đình, quan hệ vị trí trong gia đình, sự ngưỡng mộ học vấn, văn chương và lòng tôn kính tổ tiên đã trở thành một phần trong cuộc sống người Việt, cũng như sự kính trọng vương quyền. Vấn đề đặt ra cho thực dân Pháp (và cả Việt Minh) là làm sao tận dụng được điều này. Trong phần tóm tắt bài nghiên cứu về tư tưởng Nho giáo để lại dấu ấn trong văn hoá Việt Nam, Shawn McHale đã đưa ra minh chứng cho một vài ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo về xã hội. Shawn cho rằng: Tóm lại, giả thiết người Việt Nam đánh giá cao học vấn của các tác giả thời kỳ từ năm 1920 đến năm 1945 là chưa chính xác. Sự thật, người Việt Nam hiểu rõ những quan điểm quan trọng trong tư tưởng Nho giáo như tam tòngtứ đức, và thường xuyên bàn về phẩm chất như hiếu nghĩa và trung thành183.

Tác phẩm của McHale đề cập đến dấu ấn văn hoá và những nhận xét của ông dường như thích hợp với thành thị hơn là nông thôn. Tuy nhiên, chúng ta sẽ xem xét sau, những tư tưởng như ý niệm về thầy đồ trong làng đầy tôn kính, xuất phát từ một vài nhận thức trong tư tưởng Nho giáo có thể được sử dụng để kêu gọi nông dân như cách mà Việt Minh đã thuyết phục họ tham gia cách mạng.



Thiên Chúa giáo

Hoạt động truyền đạo Thiên Chúa ở Việt Nam ít nhất bắt đầu từ thế kỷ XVI, nhờ đó chữ quốc ngữ có vai trò quan trọng. Đến thế kỷ XX, một bộ phận đáng kể người Việt Nam đã theo đạo Thiên Chúa, nhưng khuôn mẫu của đạo Thiên Chúa giữa miền Bắc và miền Nam lại khác nhau. Ở miền Nam, nhiều người theo đạo qua con đường truyền giáo và cầu nguyện tại gia đình bởi trong làng toàn những người lương. Trong khi đó, ở miền Bắc, ở làng xóm vẫn có các giáp cùng nhau theo đạo, theo đó quyền lực tôn giáo trong làng hoặc giáp giống nhau và tồn tại hàng trăm năm184.

Thế kỷ XX chứng kiến sự “Việt Nam hoá” từng bước xâm nhập vào Nhà thờ đạo Thiên Chúa, “đến năm 1945 các giám mục Việt Nam quản lý một nửa số nhà thờ Thiên Chúa trên cả nước, trong khi 12 năm trước chỉ là con số không”185. Về phía Việt Minh, bộ phận nhân dân theo đạo Thiên Chúa vừa đem lại cơ hội vừa đem lại những thách thức. Một mặt những người theo đạo Thiên Chúa phản đối chế độ thực dân, mặt khác mối quan hệ giữa cộng đồng Thiên Chúa với chính quyền Pháp rất êm đẹp. Chỉ có vài người trong chính quyền thực dân không thích ảnh hưởng của Toà thánh Vatican lan rộng trong cộng đồng Thiên Chúa suốt những năm 1940, và có những nghi ngờ trong cộng đồng Thiên Chúa về việc thực dân Pháp ủng hộ những tri thức Nho giáo mới. Mặt khác, vấn đề ở đây chính là việc chống lại Cộng sản của Toà thánh Vatican khi mà thành phần chủ chốt của Việt Minh hầu hết thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng có tầm ảnh hưởng quan trọng với Việt Minh186. Chính sách tuyên truyền của Việt Minh cần nắm rõ được vấn đề nếu những người theo đạo Thiên Chúa tham gia vào cuộc kháng chiến.

Năm 1946, một số chiến sỹ Việt Minh cố gắng chống phá những hoạt động Thiên Chúa vì cho rằng Giáo hội Thiên Chúa giáo nghiêng về chính quyền thực dân. Nhưng sự việc này không được những người lãnh đạo Việt Minh ủng hộ, Chu T. Lan nhận xét thái độ của những người lãnh đạo về việc này: Do vậy Việt Minh không cần thiết phải chống lại tôn giáo, nhưng người ta lại cho rằng tôn giáo là sự nguỵ trang của các thế lực ngoại xâm – ở đây là thực dân Pháp187.

Những người theo đạo Thiên Chúa không phản đối tôn giáo nhưng họ nghi ngờ lòng trung thành với Tổ quốc. Việt Minh chưa sẵn sàng tiếp nhận những giáo lý chính trị vận hành ở châu Âu, vốn là hình mẫu cho lập trường phi tôn giáo xuất hiện trong bài nhận định tôn giáo với cụm từ “thuốc phiện của con người” của Mác188. Tuy nhiên, sau năm 1946, thái độ của Việt Minh cứng rắn hơn và những thành phần không theo chủ nghĩa cộng sản phần lớn rời khỏi liên minh chính phủ và quan điểm của Thiên Chúa giáo cũng bắt đầu thay đổi. Đến năm 1951, với thành công của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc dẫn đến thất bại của Thiên Chúa giáo ở đây, các giám mục Việt Nam lo ngại chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, đã đưa ra lá thư khẳng định lại tuyên bố của Vatican “không thể cùng lúc tồn tại cả Thiên Chúa giáo và chủ nghĩa cộng sản”189.

Môi trường trí thức

Có hai nhân tố quan trọng cần được cân nhắc khi đặt ra câu hỏi về sự phát triển môi trường trí thức trong những năm 1940. Đầu tiên là ngôn ngữ và thứ hai là sự phát triển trong chính sách văn hoá của Đảng Cộng sản190.

Người Việt có thói quen viết chữ Hán hoặc chữ Nôm. Vào đầu thế kỷ XVI, những nhà truyền đạo Thiên Chúa Bồ Đào Nha, đứng đầu là Francisco de Pina, Gaspa do Amaral và Anrónio Barbarosa, đã tạo ra hệ chữ viết mới. Hệ thống chữ viết mới rất phổ biến với các nhà truyền đạo Cơ Đốc và được nhà truyền đạo đến từ Avignon191 là Alexandre de Rhodes đưa vào từ điển viết. Hệ chữ viết mới này sử dụng các chữ cái Latinh kèm theo các dấu thanh, được biết đến với tên gọi chữ quốc ngữ. Hệ chữ viết này dễ học hơn chữ Hán hoặc chữ Nôm và được sử dụng từ năm 1907 để dạy ngữ văn192. Nó đã trở thành phương tiện trong sự phát triển văn chương những năm 1920 và 1930, lần đầu tiên thơ ca, tiểu thuyết, báo chí trở nên phổ biến với mọi người, ít nhất cũng ở các thành thị. Từ đó các ý tưởng được trao đổi nhanh và chính xác hơn. Chữ quốc ngữ cũng tạo dựng cơ sở cho chương trình xoá mù chữ toàn dân rất thành công và phổ biến của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau năm 1945.

Nhân tố thứ hai trong môi trường trí thức những năm cuối 1940 là những nỗ lực của Đảng Cộng sản nhằm đưa nghệ thuật và văn chương vào sự nghiệp của mình. Điều này được báo trước khi tác phẩm Đề cương văn hoá của Tổng Bí thư Trường Chinh xuất bản193. Trong khi bàn về tác phẩm Đề cương văn hoá, Kim N. B. Ninh đã nhận định rằng “đó là những phát biểu tương đối ngắn gọn và tự do của Chủ nghĩa Mác xít”194. Bà Kim N. B. Ninh đã tóm tắt lại như sau:

Tài liệu đã phơi bày những nguy cơ khi văn hoá Việt Nam bị thực dân Pháp áp đặt và bị phát xít Nhật chiếm giữ, và đưa ra sự lựa chọn dứt khoát: hoặc văn hoá Việt sẽ ngày càng lạc hậu nếu văn hoá phát xít thắng thế hoặc nó sẽ phá vỡ khuôn mẫu và theo kịp với thế giới khi cách mạng dân tộc giành thắng lợi… Chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và hiện thực xã hội cuối cùng sẽ thắng thế195.

Điều này là lời cảnh báo rõ ràng đến các trí thức hãy đóng góp trí tuệ của mình cho sự nghiệp cách mạng. Rất nhiều trí thức đã làm như thế và việc tuyên truyền của Việt Minh đem lại những ảnh hưởng rõ rệt. Sau Hội nghị Văn nghệ Việt Bắc vào tháng 9 năm 1949, số trí thức ủng hộ Đảng Cộng sản gia tăng nhờ vào tài tổ chức của những người lãnh đạo Đảng như Trường Chinh, việc này khiến nhiều người trong số họ cân nhắc lại việc ủng hộ Việt Minh196. Các nghệ sỹ và nhà văn dần dần gia nhập các đơn vị quân đội sau thời gian này như một số tài liệu tuyên truyền chỉ rõ.

Phong trào dân tộc, quan điểm dân tộc và đảng cộng sản

Như David Marr đã chỉ ra, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam lớn mạnh vượt khỏi phạm vi chống thực dân197. Trong những năm 1940, Việt Nam chịu sự thống trị độc đoán như trong quá khứ, chỉ khác kẻ nắm quyền là thực dân Pháp. Chưa từng có tiền lệ, đó là việc những ngôi làng phải chịu thuế và lao dịch nặng nề. Sau thất bại của những cuộc khởi nghĩa do các nhà Nho lãnh đạo cuối thế kỷ XIX đầu thế


kỷ XX, người dân thành thị bắt đầu viết bài và bàn luận về những khả năng xảy ra với chủ nghĩa dân tộc Việt Nam (có lẽ cả Đông Dương). Một vài đảng phái chính trị hình thành, một số hoạt động bí mật, nhưng sự đàn áp của thực dân Pháp, sự cả tin và cạnh tranh giữa các đảng phái đã dẫn đến sự thất bại cho chính họ198. Chẳng hạn, Việt Nam Quốc dân Đảng là một trong những đảng lớn nhất thành lập cuối năm 1925199. Đây là một trong những đảng có tư tưởng cấp tiến về việc phải có sự thay đổi ở Việt Nam, nhưng tất cả đã bị phá sản sau những nỗ lực vô ích trong khởi nghĩa Yên Bái tháng 2 năm 1930. Chính phủ bảo hộ Pháp thành công trong việc kiểm soát các tổ chức dân tộc tại Việt Nam, nhưng không thể tiêu diệt những hoạt động chống đối lan rộng đến Thái Lan và miền Nam Trung Quốc, bao gồm những người chống đối và gia đình của họ, một số người từ phong trào Đông Du của Phan Bội Châu bị trục xuất khỏi Nhật năm 1909200. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, các hoạt động bên ngoài Việt Nam diễn ra rất tích cực và đó là lý do vì sao Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh) có thể xây dựng lực lượng kháng chiến từ khi ông đặt chân lên Trung Quốc cuối năm 1924201. Sự tồn tại những mạng lưới ở Thái Lan và Trung Quốc giải thích tại sao Việt Minh có thể gây dựng lại cơ sở nhanh chóng đến như vậy sau cuộc đàn áp của thực dân Pháp năm 1943 và 1944202.

Việc thành lập Đảng Cộng sản bắt nguồn từ khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (gọi tắt là Thanh niên) ra đời năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc)203. Một vài đảng cộng sản thành lập năm 1929 được củng cố vững mạnh cùng với tổ chức Thanh niên, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3 tháng 2 năm 1930 tại Hồng Kông do Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) lãnh đạo. Tên gọi này được đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 10 năm đó. Tuy nhiên con đường dẫn đến chủ nghĩa dân tộc không bằng phẳng khi Quốc tế Cộng sản chịu sức ép từ cuộc cách mạng Nga kiểu mẫu – đó là tiến hành cách mạng xã hội trước rồi mới đến cách mạng dân tộc. Đến cuối những năm 1930 xu hướng này vẫn tiếp diễn và Duiker khi nghiên cứu về thời gian này đã nhận định rằng: “Khuynh hướng phi dân tộc [của đảng cộng sản] đầu những năm 1930 không hoàn toàn biến mất, một số thành viên vẫn phản đối lời kêu gọi yêu nước từ quần chúng”204. Duiker cũng chỉ ra rằng cuối những năm 1930: “Chủ nghĩa dân tộc ôn hoà nói chung trong những năm này cho thấy hình ảnh của năng lực yếu ớt”205. Thêm vào đó cuối những năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn còn thái độ hai chiều đối với người nông dân – mà Duiker nhấn mạnh “Quốc tế Cộng sản vẫn nghi ngờ giai cấp nông dân”206. Sự quay vòng của Quốc tế Cộng sản khi đối mặt với chủ nghĩa phát xít đã không hoàn toàn nắm được các nhân tố của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1936, (thời kỳ Mặt trận bình dân ở Pháp và biện pháp ôn hoà với các nhà xã hội ở Việt Nam), Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn theo đường lối của Quốc tế Cộng sản vạch ra ở Moskva và tiếp tục khuyến khích cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo ở Việt Nam. Vấn đề về sự phù hợp của “cách mạng vô sản hoá” theo chủ nghĩa Mác – Lênin không được bàn đến207. Tuy vậy về mặt lâu dài, chủ nghĩa cộng sản Việt Nam thoát ra khỏi tiến trình này. Cheung-Gertler viết: Khác với chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh vai trò của giai cấp nông dân trong đội ngũ cách mạng. Trong khi Hồ Chí Minh không hoàn toàn tách rời tư tưởng Lênin ủng hộ liên minh “công nông”, nhưng ông không phân biệt giữa “lực lượng lãnh đạo”, “đội quân tiên phong” của giai cấp vô sản với “lực lượng cơ bản” và vai trò phụ thuộc của người nông dân208.

Việc tái định hướng của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam với cách mạng dân tộc mà giai cấp nông dân công khai lên lãnh đạo là suy nghĩ của Hồ Chí Minh trong suốt cuối những năm 1930 và đầu những năm 1940 và được củng cố tại Hội nghị Trung ương 8 của Đảng Cộng sản Đông Dương. Lockhart nhận xét rằng: Cho đến khi phải lựa chọn, Đảng Cộng sản Đông Dương cân nhắc giữa cách mạng Nga kiểu mẫu dựa vào đấu tranh giai cấp và cách mạng Trung Quốc nhấn mạnh vào giải phóng dân tộc là biện pháp hợp lý nhất để giành độc lập hiện nay209.

Thất bại của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc nổi dậy tại miền Bắc và miền Nam cuối năm 1940 đã cổ vũ thêm sự thay đổi này210.

Hội nghị Trung ương 8 tổ chức tại tỉnh Cao Bằng tháng 5 năm 1941 đã thay đổi mọi thứ. Duiker nghiên cứu về Hội nghị này đã viết: “Lần đầu tiên chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản kết hợp với nhau với trọng tâm là chủ nghĩa dân tộc”211. David Marr cũng chỉ ra rằng: Về ý thức hệ, Hội nghị lần thứ 8 đã đưa ra nghị quyết quan trọng giải quyết sự chậm trễ trong nhu cầu của giai cấp lao động và tầng lớp nông dân nghèo nói chung trong “cách mạng giải phóng dân tộc”212.

Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam có khởi đầu khó khăn nhưng đến năm 1941, Đảng Cộng sản Đông Dương đã rèn luyện Việt Minh thành tổ chức có những phẩm chất dân tộc xuất sắc. Tuy nhiên, Việt Minh phải đối mặt với điểm khác nhau cơ bản giữa cải tạo nền dân tộc còn sót lại với những cái cần gây dựng. Cụ thể miền Nam Việt Nam, Nam Kỳ, chưa được Nhật Bản trao trả cho chính quyền Việt Nam sau vụ đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945, khi Trần Trọng Kim nhậm chức trong chính phủ bù nhìn Việt Nam213. Nhiệm vụ thuyết phục nhân dân miền Nam ủng hộ Việt Minh khác với nhiệm vụ mà cán bộ nòng cốt đối mặt ở miền Bắc. Duiker khi đánh giá về Đảng Cộng sản Đông Dương và chủ nghĩa địa phương đã ghi lại: “Đáng chú ý là có quá ít quan điểm địa phương xuất hiện trong nửa đầu phong trào cộng sản. Về phương diện này Đảng đã làm tiến bộ hơn cha ông của họ”214. Tuy nhiên chúng ta chưa biết được tình trạng căng thẳng tại địa phương là gì, cũng như những thảo luận diễn ra trong Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm giải quyết vấn đề này.

Đảng Cộng sản Đông Dương có quan hệ khó khăn trong và ngoài nước. Để tháo gỡ những lo lắng về quan hệ giữa các chiến sỹ Cộng sản trong nước, Hồ Chí Minh đã chính thức giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương vào ngày 11 tháng 11 năm 1945 và các thành viên sẽ gia nhập vào “Nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác”, thực chất đây vẫn là Đảng Cộng sản Đông Dương nhưng được gọi với tên khác. Đây là giai đoạn Đảng đi vào hoạt động bí mật215. Việc này không tạo ra nhiều chuyển biến ở Việt Nam nhưng chặn đứng được hành động táo bạo của lực lượng Tưởng Giới Thạch muốn thay thế chính quyền Việt Nam. Goscha nhận xét rằng: “Một số lãnh tụ Cộng sản hàng đầu ở nước ngoài nghi ngờ liệu các đồng chí Việt Nam đã đánh mất ý chí cách mạng”216, và chuyển biến sau đó “đã liên kết Việt Nam vào phong trào Cộng sản quốc tế tháng 1 năm 1950”217. Nhờ đó, Việt Minh trong những năm đầu độc lập đã thành lập chính quyền của mình, nhưng một số nhà dân tộc ở Việt Nam cho là “quá Cộng sản”, nghi ngờ quan hệ của nó với Quốc tế Cộng sản và sự điều hành của Đảng Cộng sản hoạt động bí mật.

Cuộc sống làng quê

Đa số tài liệu tuyên truyền của Việt Minh đều phân phát ở các làng quê Bắc Bộ Việt Nam, vì thế cần tìm hiểu các đặc trưng của cuộc sống làng quê ở những vùng này. Đặc trưng những làng quê Bắc Bộ là cộng đồng khép kín với luỹ tre làng bao quanh. Nguyễn Khắc Tụng đã miêu tả như sau: Về hình thức, làng quê và các thôn xóm có nhiều điểm tương đồng. Chúng đều được bao bọc bởi hàng rào luỹ tre tạo thành ranh giới không thể xâm phạm218.

Về hành chính, các làng quê miền Bắc theo truyền thống tự quản. Nguyễn Từ Chi, trong tác phẩm về các làng Việt Nam ghi lại rằng hương ước là đặc trưng tạo nên mỗi làng xã, được truyền khẩu (ít nhất đến thời Pháp khi chữ viết trở nên thông dụng) và một số trong đó dựa theo chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông (nắm quyền từ năm 1460 đến năm 1497)219. Các làng xã đều tự đề ra quy định về thưởng phạt khi phạm những tội không nghiêm trọng, về bồi thường, các ngày nghỉ lễ và an ninh trong thôn220. Thuế được quy định từ bên trên nhưng làng xã chịu trách nhiệm phân chia lại tiền thuế và phân bổ lại đất công221. Do vậy, làng xã Việt Nam được coi là mô hình thu nhỏ của chính quyền nhà nước. Làng xã là một thực thể xuất hiện nhiều trong các tài liệu tuyên truyền của Việt Minh.

Tác giả Woodside cũng chỉ ra bằng cách nào mô hình thu nhỏ này ở các làng quê lại được sử dụng để tổ chức các cuộc bạo động nông dân và thậm chí là cả hoạt động cách mạng: Tại các làng quê, khi xuất hiện bọn đầu sỏ, tương đối dễ tổ chức những nhóm du kích: nông dân biết nhau từ lâu nên có thể nắm được khuynh hướng chính trị của hàng xóm, và biết được ai là bạn ai là thù222.

Về phía các công nhân thành thị, Woodside cho rằng: “Tình trạng vô tổ chức không căn nguyên ở đô thị không phải là mấu chốt dẫn đến cách mạng bí mật ở một nước thuộc địa”223. Tôi tin chắc rằng Woodside đã đúng khi nói rằng giai cấp công nhân ở thành thị vừa không có nền tảng vừa không có tổ chức. Thực tế ông đã phủ nhận điều này ở trang 205 khi ông cho rằng làm thế nào công nhân có thể “quay trở lại quê hương trong dịp Tết” và chịu lệ thuộc vào phong tục và quy định ở làng quê. Bên cạnh đó những người ở làng quê, những công nhân khác ở nông thôn bị áp bức dã man – chẳng hạn vào thời kỳ năm 1917 và 1951, tại đồn điền cao su Michelin ở Thủ Dầu Một, hơn một phần tư công nhân đã chết224. Sự tàn phá tổ chức xã hội ở các đồn điền cao su đã dẫn đến nhu cầu cần có một tổ chức thay thế, mà điều này cách mạng sẽ giúp họ đạt được225.

Các hình thức và mục tiêu tuyên truyền

Rất nhiều hình thức tuyên truyền của Việt Minh dùng trong nghiên cứu này được trưng bày tại các bảo tàng ở các thành phố lớn nhỏ của Việt Nam. Bảo tàng Cách mạng và Cục Lưu trữ Quốc gia ở Hà Nội có cả một bộ sưu tập lớn, tôi đã nghiên cứu một vài trong số đó. Trong vài năm vừa qua Bảo tàng Cách mạng và Cục Lưu trữ Quốc gia đã phát hành một số tài liệu về vấn đề này226.

Các hình thức tuyên truyền chính được nhắc đến trong các tài liệu của Việt Minh và Đảng Cộng sản là:

Áp phích quảng cáo: được thiết kế dán lên tường ở khu vực đông đúc. Đa số là tranh tận dụng, có kèm vài câu thơ hoặc đoạn trích và một số chỉ có đoạn trích.

 Tờ rơi.

 Bài hát.

 Báo chí.

 Sách vở (đúng hơn là những cuốn sách nhỏ).

 Triển lãm.

 Diễn kịch. Có cả một đội tuyên truyền Ngọn gió đỏ của nhóm Báo chí227 và tôi cho rằng đây là hoạt động diễn kịch tương tự như màn kịch đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng cuối những năm 1930.

Những vấn đề xuất hiện trong tài liệu tuyên truyền do Việt Minh phát tán đều liên quan đến con người thôn quê, những người sống và làm việc ở nông thôn. Công chúng thành thị đã có báo chí nhưng ở các vùng quê, đa số dân chúng không biết đọc228. Thậm chí một trong những phương tiện tuyên truyền của Việt Minh là báo Việt Nam Độc lập được viết tay và phân phát ở các khu vực phía Bắc, được đưa đến các làng quê và được cán bộ Việt Minh đọc to cho dân chúng229.

Trong bài này tôi muốn tập trung vào các áp phích và tờ rơi được niêm yết ở những khu vực đông người như chợ, gần trường học hoặc được truyền tay ở những nơi đông người tụ tập như nhà thờ Thiên Chúa. Hầu hết các tài liệu được thảo luận ở đây đều được sưu tập từ Bảo tàng Cách mạng tại Hà Nội mà tôi đã nghiên cứu trước đây230. Rất nhiều trong số đó hiện xuất hiện trong ba ấn phẩm – một của Bộ Văn hoá – Thông tin, và hai của Bảo tàng Cách mạng231.

Các mối quan tâm chính trong việc tuyên truyền

Các mối quan tâm chính trong việc tuyên truyền trên các áp phích được tóm tắt tài tình trên một áp phích (xem hình minh hoạ 1)70 . Mười điều kháng chiến ở đây là:

1. Kháng chiến để giành quyền sống, thề quyết không làm nô lệ;

2. Du kích – quấy rối địch, không để địch ăn yên, ở yên;

3. Dân quân – canh gác, đề phòng Việt gian, giúp việc vận tải, tiếp tế, phá hoại, cứu thương;

4. Đề phòng – phòng địch, phòng Gian, giữ bí mật, không biết, không nghe, không thấy;

5. Giao thông – ta biết địch rõ một cách nhanh chóng thì ta thắng;

6. Tản cư – không thể đội trời chung với quân cướp nước;

7. Tăng gia sản xuất để kiên quyết kháng chiến giành độc lập hoàn toàn;

8. Tuyên truyền để người dân cùng hăng hái kháng chiến đến thắng lợi;

9. Cán bộ làm việc vì dân, làm việc cho dân (dạy tập đọc ví dụ này);

10. Đại đoàn kết – độc lập thống nhất nhất định thành công.





Hình minh họa 1: Mười điều kháng chiến

Các chủ đề này đã được kết hợp với nhau – hỗ trợ quân đội chính quy trong các tài liệu tuyên truyền về sau. Tờ áp phích đặc biệt này được trình bày đơn giản và thể hiện được những cảnh tượng được cho là tiêu biểu của làng quê – như cổng làng với luỹ tre chẳng hạn. Đề nghị tản cư ở đây có thể là cho các thị xã và thị trấn hơn là cho các tỉnh thành lớn, ngoại trừ những vùng giải phóng ở phía bắc đang bị Pháp kiểm soát. Thông điệp cuối cùng, sự cần thiết thống nhất đất nước đã xuất hiện trong suốt quá trình tuyên truyền và Việt Minh đã hết sức để cổ vũ cho thông điệp này. Trong rất nhiều hình thức tuyên truyền khác chúng ta thấy chỉ còn lại 3 mục tiêu chính: thực dân Pháp (không phải người Pháp nói chung), giặc đói và mù chữ.

Một số nét đặc trưng trên tờ áp phích

Thi đua


Hình minh hoạ 2: Thi đua trong lớp học

Khẩu hiệu thi đua là một khẩu hiệu quan trọng trong các tài liệu tuyên truyền (ngày nay nó vẫn nguyên giá trị với Việt Nam, hầu hết các trường học vẫn treo khẩu hiệu thi đua). Đây là một khái niệm rất khó nắm bắt bằng tiếng Anh và tờ áp phích trong hình minh hoạ 2 sẽ giúp chúng ta hiểu khẩu hiệu này dễ dàng hơn232. Từ thi đua được dịch sang tiếng Anh thường là “competition”, “emulation” hoặc đơn giản là “emulation”233. Trong tờ áp phích minh hoạ, hai người thợ mộc đang đóng bàn ghế cho một trường học, người này thách đố người kia hoàn thành công việc trong vòng 2 tháng và câu trả lời là “Tôi đồng ý!”. Điều này cho thấy có một ý thức “cạnh tranh thân thiện” tồn tại trong khái niệm thi đua. Bên cạnh đó, xã hội rất miệt thị và coi thường những người không tham gia phong trào thi đua. Người dân ở làng quê Việt Nam sống với nhau rất gần gũi và những ai phá vỡ hoặc không tuân theo các luật lệ (bất thành văn) sẽ bị xã hội lên án.

Phong trào thi đua đã gặp khó khăn khi cần phải có các tờ áp phích tuyên truyền được thiết kế nhằm giải thích cho người dân hiểu và tham gia phong trào. Hình minh hoạ 3 là một tờ áp phích được làm năm 1948, minh hoạ gia đình cụ Ba trước (2 cột bên tay trái) và sau (3 cột bên tay phải) khi nhận thức được sự cần thiết của phong trào thi đua ái quốc.






tải về 4.82 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương