* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown


- Anh em nông dân lại trông cậy vào chính trị để giải quyết những khó khăn của họ



tải về 1.69 Mb.
trang8/25
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.69 Mb.
#12266
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   25

- Anh em nông dân lại trông cậy vào chính trị để giải quyết những khó khăn của họ.

Ngoài "Tổ chức vựa lú" ta, còn có nhiều tổ chức nông dân mới được thành lập vào đầu thế kỷ thứ XX. Tổ chức Hiệp Hội Nông dân (Fmer's Union) khởi lập ở Texas, sau này trở thành một tổ chức rộng lớn trong toàn quốc. Tổ chức The American Farm Bureau Federation phát triển mau lẹ vào năm 1920, tổ chức này có tới hơn 2 triệu hội viên. Các tổ chức này ủng hộ các luật lệ giúp đỡ anh em nông dân. Còn một tổ chức khác nữa, đó là tổ chức Non-Partisan League (Liên đoàn không đảng phái) tích cực hoạt động để các tiểu bang ban hành luật lệ có lợi cho anh em nông dân.

Dân biểu Quốc hội thuộc các tiểu bang mà căn bản kinh tế là nông nghiệp tự động tổ chức thành một nhóm gọi là "Khối nông dân". Họ có đủ phiếu ở tại Quốc hội để thông qua những luật lệ trợ giúp nông dân. Một đạo luật có thể giúp cho nông dân căn cứ vào ruộng đất của họ để mượn tiền và trả lại trong một thời gian dài hạn. Một đạo luật khác cho phép nông dân được tố chức thành những tổ chức lớn gọi là Hiệp Hội Hợp Tác Xã (Cooperative Associations), các hiệp hội hợp tác xã này có thể bán nông phẩm với gái cao hơn là nông dân bán riêng rẽ. Hiệp Hội Hợp Tác Xã của nông dân ngày nay có chừng 6 triệu hội viên. Dân chúng đã bắt đầu nhận thức được rằng những khó khăn của anh em nông dân là quan trọng đối với tòan thể đất nước, và rằng vấn đề xã hội của anh em nông dân là mối quan tâm của chính quyền.

PHẦN IV

CHÍNH QUYỀN ĐÃ CỐ GẮNG GIÚP ĐỠ ANH EM NÔNG DÂN

NHƯ THẾ NÀO?

Các bạn vừa được biết chính quyền đã thông qua một số đạo luật để giúp đỡ anh em nông dân. Thực ra, từ nhiều năm nay chính quyền đã nhận thức được những khó khăn của anh em nông dân, và đã có nhiều hành động để giúp họ giải quyết những khó khăn đó.



-Chính quyền giúp đỡ anh em nông dân cải thiện việc canh tác và sản xuất thêm niều nông phẩm.

Dưới đây là một vài việc mà chính quyền Trung ương đã thực hiện để giúp đỡ anh em nông dân :

1/ Lập trường cao đẳng công nông. – Năm 1862, Quốc hội thông qua luật Morrill. Theo luật này, chính phủ dành ra một số đất đai để dùng làm các trường đại học hay cao đẳng để dạy ngành canh nông và đào tạo kỹ sư. Kết quả là trong các tiểu bang trong toàn quốc đều có các trường cao đẳng canh nông. Các trường này đã thực hiện được rất nhiều việc để canh tác theo khoa học. Các trường này mở các lớp học cho các anh em nông dân trẻ. Chẳng hạn như trong các lớp này, nông dân được học về phân loại nên trồng loại cây nào, làm thế nào để tăng năng xuất, phải cho bò ăn gì để sản xuất được nhiều sữa, và phải ngăn ngừa bệnh tật cho các nông súc ra làm sao. Trong các phòng thí nghiệm ở các trường cao đẳng và đại học, có các nhà khoa học thực hiện các cuộc thí nghiệm. Họ nghiên cứu việc cải thiện thổ nhưỡng, nghiên cứu các loại bệnh tật có hại cho cây mùa và gia súc, và biết bao nhiêu công việc kha1cn ữa. Các trường này cũng có những trại ương cây thí nghiệm tại đó được áp dụng phương pháp mới về trồng cây, về cách xử dụng phân bón, về cách cho n6ong súc ăn, và còn cố gắng thí nghiệm nhiều công trình khác nữa. Lúc đầu, có nhiều anh em nông dân còn nghi ngờ những tư tưởng mới lạ này. Nhưng ngày nay, hầu hết anh em nông dân đã nhận thức được rằng họ cần phải biết một vài điều về phương pháp canh tác theo khoa học thì mới thành công được.

2/ Thành lập bộ canh nông. – Một cơ quan trợ giúp khác nữa cho anh em nông dân là Bộ Canh Nông Hoa Kỳ. Vị Bộ Trưởng của Bộ này là nhân viên trong Hội đồng Nội các của Tổng thống. Bộ này được thành lập vào năm 1862. Công việc của bộ này rất cí giá trị đối với anh em nông dân. Nhiều phòng của bộ này thực hành các công trình nghiên cứu về đủ các vấn đề liên hệ đến ngành canh nông. Bộ Canh nông và các viên chức của bộ liên tiếp làm việc để diệt trừ các loại bệnh tật của các loại cây mùa và súc vật, và tìm cách làm thế nào để sử dụng được nhiều nông phẩm hơn. Bộ Canh Nông còn xuất bản các tờ tin tức loan báo những tin mới nhất về không biết bao nhiêu đề tài có lợi cho anh em nông dân. Hàng năm, bộ cũng phát hành một cuốn niên lịch tóm tắt những sưu khảo mới nhất về các vấn đề thuộc về canh nông. Đây cũng chỉ là một vài dịch vụ mà bộ canh nông thực hiện cho anh em nông dân. Văn phòng khí tượng mà ngày xưa là một cơ quan nằm trong Bộ Canh Nông có các đài khí tượng ở khắp mọi nơi trên toàn quốc, cung cấp tin tức khí tượng như bão, sương lạnh, nước lụt cho dân chúng. Bây giờ văn phòng này nằm trong Bộ Thương Mại.

3/ Trợ giúp cho các tiểu bang. – Ngoài việc trợ giúp cho anh em nông dân qua các dịch vụ của Bộ Canh nông, chính phủ Trung ương còn trả cho các tiểu bang tiền bạc để khuyến khích anh em nông dân trong việc học hỏi về canh nông. Trong nhiều tiểu bang, công trình này được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ với các trường cao đẳng canh nông. Đồng thời, hính phủ cũng dành ngân khoản để gửi các chuyên viên về canh nông gọi là Country Agent (nhân viên tỉnh) về làm việc sát cánh với anh em nông dân về đủ mọi vấn đề canh nông.

4/ Cho anh em nông dân vay tiền làm ruộng. – Chính phủ Trung ương cũng dễ dàng hóa cho anh em nông dân được vay tiền để mua đất hay hạt giống cùng máy móc. Nhiều cơ quan của chính phủ được thiết lập để giúp đỡ cho anh em được vay tiền và trả lời nhẹ.



- Giá cả trồi sụt vẫn còn làm cho anh em nông dân lo ngại.

Chính phủ đã thực hiện nhiều dịch vụ để giúp đỡ cho anh em nông dân Hoa Kỳ cải thiện và gia tăng sản xuất nông phẩm. Nhưng điều khó khăn là làm thế nào để bán nông phẩm được giá cao vẫn là điều làm cho anh em nông dân lo ngại. Giá cả nông phẩm khi tăng khi giảm vì những tình trạng nằm ở ngoài vòng kiểm soát của anh em nông dân. Các bạn hẳn còn nhớ rằng anh em nông dân đã gặp thời kỳ khó khăn vào những năm sau khi Đệ nhất Thế chiến chấm dứt. Trong những năm khủng hoảng kinh tế lớn lao vào thập niên 1930, tình trạng của anh em nông dân còn tệ hơn nhiều. Giá cả nông phẩm còn xuống thấp hơn nhiều và càng ngày càng có nhiều nông dân mất hết ruộng đất vì rằng họ không thể trẻ được nợ nần. Rồi tới thời Đệ nhị Thế chiến, nhu cầu cần đến nông phẩm Hoa Kỳ tăng vọt, nông dân Hoa Kỳ lại trở lại thời kỳ làm ăn thịnh vượng. Nhưng đến thập niên 1950, giá nông phẩm lại giảm hạ, một lần nữa, lợi tức của anh em nông dân lại giảm sút.



- Quốc hội giải quyết những vấn đề giá cả nông phẩm.

Khởi đầu bằng đạo luật Agricultural Adjustment Act được ban hành vào năm 1933 1, Quốc hội cho thông qua một số những luật lệ khác để trực tiếp trợ giúp anh em nông dân Hoa Kỳ. Những luật lệ này có nhiều hình thức và tư tưởng giống nhau.

1/ Hỗ trợ giá cả. – Muốn bảo vệ anh em nông dân, chính phủ phải định giá tối thiểu cho các loại nông phẩm chính như bắp, bông vải và lúa mì. Giá cả này thường căn cứ vào giá cả mà nông dân đã phải mua các vật dụng và các thứ khác. Nếu giá cả và các vật dụng cùng các thứ khác mà họ mua với giá cao thì theo đó giá cả nông phẩm của họ cũng gia tăng theo.

2/ Kiểm soát sản xuất. – Chính phủ cũng có những cố gắng làm nông dân nản lòng để khỏi sản xuất quá nhiều lúa mì, quá nhiều bắp cũng như quá nhiều thứ khác. Thí dụ như nếu anh em nông dân trồng ít lúa mì hơn khi trước, theo luật cung cầu sẽ giữ cho giá lúa mì lên cao.

3/ Bảo vệ đất đai. – Chính phủ khuyến khích anh em nông dân phục hồi những đất đai đã bị kiệt quệ bằng cách bón phân đúng cho thích hợp với các loại đất và trồng một vài loại cây mùa để bồi dưỡng đất đai. Muốn làm như vậy thì anh em nông dân phải làm cho đất đai màu mỡ trở nên phì nhiêu hơn, và phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Đồng thời, chương trình bảo vệ đất đai của chính phủ cũng trợ giúp việc giảm rút diện tích trồng các loại cây mùa chính.

- Công việc trợ giúp của chính phủ cho anh em nông dân đã được tiến hàng tốt đẹp như thế nào ?

Luật Agricultural Adjustment vàn hững luật lệ khác về canh nông đã đưa đến những dư luận khác nhau. Một vài người cho rằng khuyến khích anh em nông dân trồng trọt ít hơn khả năng của họ là một điều lầm lẫn. Đồng thời cũng có những chống đối về việc thực hiện những chương trình tốn kém chỉ có lợi cho một số ít dân chúng. Đặc biệt nhất là vào năm 196 khi đó chương trình trợ giúp có lợi cho các ông chủ nông trại lớn hơn là lợi cho các ông chủ nông trại nhỏ. Những người khác thì lại cho rằng đã từ lâu chính phủ đã trợ giúp cho các nhà kỹ nghệ bằng cách cho thông qua các đạo luật về thuế bảo vệ mậu dịch. Những người ủng hộ các chương trình về canh nông của chính phủ đã cho biết rằng lợi tức về canh nông đã gia tăng và anh em nông dân Hoa Kỳ có thể đáp ứng được nh cầu của đất nước torng thời Đệ nhị Thế chiến, và nuôi biết bao người đói lạnh ở khắp nơi trên thế giới.

Năm 1973, Quốc hội chấp thuận một chính sách về canh nông hoàn toàn mới với hy vọng rằng sẽ cung ứng đủ nông phẩm để giữ cho giá hạ cho những người phải đóng thuế. Theo chính sách mới này, họ có thể trồng trọt tất cả các loại mễ cốc và bông vải, nếu muốn. Hơn nữa, họ có thể bán nông phẩm của họ với bất cư giá nào. Cho nên trong nhiều trường hợp họ chỉ có thể đạt được giá cả chi phối bởi luật cung cầu. Tuy nhiên, chính phủ Trung ương lại ngưng hẳng việc hỗ trợ giá cả. Luật bảo vệ nông nghiệp và người tiêu thụ năm 1973 (The Agricultural And Consumer Act of 1973) ấn định giá cả cho mỗi loại nông phẩm. Nếu giá cả trung bình mà anh em nông dân thấy ở thị trường tự do cao hơn giá ấn định thì chính phủ sẽ trả cho anh em nông dân chỗ sai biệt dó. Nếu giá cả ở thị trường tự do cao hơn giá ấn định thì chính phủ không trả thêm tiền cho anh em nông dân nữa.

Khi kế hoạch canh nông mới được đem ra áp dụng thì chi phí của chính phủ tài trợ cho anh em nông dân bấy giờ giảm xuống còn dưới 2 tỷ Mỹ kim thay vì hơn 4 tỷ như trước. Hơn nữa, trong thời kỳ này sản lượng nông phẩm tăng lên rất nhiều, và số nông phẩm Hoa Kỳ xuất cảng sang các quốc gia khác tăng lên tới 50 phần trăm. Các bạn nên nhớ rằng việc thay đổi kiểm soát sản xuất đã thực hiện vào đúng lúc khắp nơi trên thế giới đều khan hiếm thực phẩm.



MỤC VIII

NHỮNG HOÀN CẢNH MỚI LÀM THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG HOA KỲ

Các bạn đã theo dõi những tiến bộ của Hoa Kỳ ở trong các mục đầu của sách này. Các bạn đã được biết về việc khám phá ra Mỹ Châu cũng như công cuộc định cư lập nghiệp ở miền đất này, và sự cách biệt với cựu thế giới. Các bạn đã thấy rằng quốc gia trẻ này phát triển mạnh và được các quốc gia khác kính nể. Sau cuộc chiến tranh phân ly tàn hại lan rộng khắp lục địa, quốc gia Hoa Kỳ lại thống nhất trở lại. Các bạn cũng đã được biết những thay đổi về giao thông, chuyển vận, kỹ nghệ và canh nông đã biến đổi Hoa Kỳ thành một quốc gia giàu có và hùng mạnh nhất thế giới.

Nhưng quốc gia là gì ? Một quốc gia được tạo thành bởi những cá nhân nam nữa từ những người lớn tuổi cho đến những thanh thiếu niên như chúng ta. Cái gì đã làm cho quốc gia được hùng mạnh và vĩ đại ? Các nhà lãnh đạo khôn ngoan và tài đức không thôi cũng chưa đủ, mà còn phải cần có một dân tộc biết nhìn về tương lai và phải có ý chí để biến một giấc mơ thành sự thật. Lịch sử của một quốc gia đúng ra là lịch sử của những công trình mà dân tộc đó đã tích lũy tạo nên.

Mục này nói về dân tộc Hoa Kỳ. Chương 25 sẽ bàn về một vài ảnh hưởng và hậu quả của thời đại máy móc đối với dân chúng. Các bạn sẽ thấy rằng từ năm 1865, dân số Hoa Kỳ đã gia tăng một cách nhanh chóng. Trong những năm vào thời kỳ cuối thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ thứ XX, nhu cầu cần nhiều nhân công cho các nhà máy và các hầm mỏ đã lôi cuốn một số lớn người di cư đến đất nước này. Sự lớn rộng và ồn ào của các thành phố lớn vào bậc nhất của Hoa Kỳ đã làm cho những người mới di cư đến Hoa Kỳ phải kinh sợ. Nhà chọc trời, xe hơi, xe chạy trên cao, tất cả là những dấu hiệu của thời đại máy móc đã làm cho các đô thị của Hoa Kỳ phát triển về cả tầm vóc cũng như về số lượng. Sư phát triển về kỹ nghệ đồng thời cũng làm thay đổi lối sống ở thành thị cũng như ở nông thôn.

Không phải tất cả những thay đổi những lối sống đều tốt cả. Chương 26 sẽ bàn về những cố gắng để vượt qua một vài khó khăn torng đời sống Hoa Kỳ. Đồng thời chương này cũng nói về những thay đổi về giáo dục, văn chương, khoa học, nghệ thuật, vàn hững cách tiêu khiển trong giờ nhàn rỗi.

CHƯƠNG XXV

THỜI ĐẠI MÁY MÓC LÀM BIẾN ĐỔI ĐỜI SỐNG

Ở THÀNH THỊ CŨNG NHƯ Ở NÔNG THÔN

Mãi tới tháng 8 năm 1956, người cựu chiến binh cuối cùng của quân đội Liên bang trong thời nội chiến mới từ giã cõi đời này. Ông Albert Woolson, người cựu chiến binh già đó chào đời vào năm 1847 và thọ được 109. Hình như điều làm cho chúng ta ngạc nhiên là cuộc đời của ông Woolson dài hơn một nửa lịch sử Hoa Kỳ này.

Chúng ta hãy suy nghị về những biến đổi mà ông Woolson đã chứng kiến trong lối sống của chúng ta ! Khi ông chào đời, lúc đó quốc gia này mới có 29 tiểu bang. Dân số Hoa Kỳ lúc đó chỉ có khoảng chừng 23 triệu dân, và thành phố lớn nhất trong toàn quốc chỉ có chừng 500 ngàn dân. Đồng thời vào khi ông Woolson sinh ra đời lúc bấy giờ không có đèn điện, không có điện thoại và dĩ nhiên không có vô tuyến truyền thanh cũng như truyền hình. Khoảng chừng 45 năm sau, người ta mới phát minh ra xe hơi. Và 22 năm sau mới có một đội chơi bóng bầu dục (football) đầu tiên của đại học. Khi ông Woolson được 50 tuổi, người ta mới phát minh ra bóng rổ. Chúng ta còn có thể kể thêm được rất nhiều những biến đổi khác nữa.

Chương này chúng ta sẽ bàn về việc phát triển kỹ nghệ đã lôi cuốn một số người nhập cư vào quốc gia này. Chúng ta cũng sẽ được biết thời đại máy móc đã làm cho đời sống Hoa Kỳ ở thành thị cũng như ở nông thôn thay đổi rất nhiều. Chúng ta hãy tìm hiểu những vấn đề dưới đây :

1/ Việc phát triển kỹ nghệ đã lôi cuốn dân nhập cư vào quốc gia này như thế nào ?

2/ Từ khi nội chiến, tại sao các thành phố đã phát triển quá mau như vậy?

3/ Lối sống ở trong các thành phố Hoa Kỳ đã thay đổi như thế nào ?

4/ Lối sống ở trong nông thôn cũng như tại các thị trấn nhỏ đã thay đổi ra làm sao ?



PHẦN I

VIỆC PHÁT TRIỂN KỸ NGHỆ ĐÃ LÔI CUỐN DÂN NHẬP CƯ

VÀO QUỐC GIA NÀY NHƯ THẾ NÀO ?

- Hoa Kỳ là một quốc gia của những người di cư.

Tất cả chúng ta là những người di cư hay là con cháu của những người di cư. Thật ra, giấc mơ Châu Mỹ được coi là "Mảnh đất của dịp may thứ hai" đã đóng một vài trò rất quan trọng trong việc phát triển quốc gia Hoa Kỳ này. Từ thời kỳ đầu tiên cho đến những người từ các quốc gia khác nhập cư vào Hoa Kỳ trong những những ngày gần đây đều hiểu được những lời lẽ trong những câu thơ dưới đây của William Culln Bryant

"Tự do ở ngay cổng vào của các bạn

Đây là nơi dừng chân của những người bị áp bức,

Nơi tá túc của những người tù tội đang bị truy lùng,

Nơi cung cấp ruộng đất và bánh mì cho những người đói khổ."

Bị thúc đẩy bởi những giấc mơ này, những người di cư từ nhiều nơi trên thế giới đã đến đây để mưu tìm tư do, nơi ẩn náu cũng như công ăn việc làm.

- Lúc đầu không có nhiều người di cư đến Mỹ Châu.

Trong thế kỷ thứ XVIII, người ta phải can đảm lắm mới dám vượt đại dương và đến lập nghiệp ở miền hoang vu thảo dã. Khi mà vùng duyên hải Đại Tây Dương càng ngày càng có nhiều người di cư đến lập nghiệp thì lại càng có nhiều người từ Âu châu đến định cư ở các thuộc địa Anh. Tuy nhiên, kể từ khi có khu định cư đầu tiên của người Anh cho đến 200 năm sau đó, con số những người mới tới đất Mỹ châu này vẫn còn rất ít. Hầu hết những người di cư đến đây lúc đầu đều là những người làm ruộng. Nhưng khi mà các đô thị càng phát triển thì càng có nhiều người quay ra làm nghề buôn bán, thủ công nghiệp, làm luật sư, làm mục sư...

Vì rằng lúc bấy giờ 13 thuộc địa nằm trong vòng kiểm soát của Anh quốc, cho nên hầu hết những người di cư trong thế kỷ thứ XVII là những người từ Anh quốc đến. Tới thế kỷ thứ XVIII có một sốc người Tô Cách Ái Nhĩ Lan và người Đức đến các thuộc địa Anh quốc. Như chúng ta đã được biết trước đây, người Tô Cách Ái Nhĩ Lan trở thành những người nổi tiếng ở vùng biên cương. Họ đi sâu vào trong lục địa ở các vùng như Pennsylvania, Virginia, Carolina, và họ có thể tiến sang cả bên kia dãy núi Appalaches tới tận vùng Kentucky và Tenneessee. Có nhiều người đến định cư ở miền Nam Pennsylvania. Những người Pennsylvania gốc Dutch này thiết lập những căn nhà đá chắc chắn và các nhà kho chứa lúa to lớn ở trong các trại ấp phì nhiêu sầm uất của họ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng có một số người không tự ý đến Mỹ Châu này. Đã từ lâu, có nhiều người từ Phi châu bị cưỡng bách đem đến Châu Mỹ. Thay vì đến đây để tìm tự do và mưu tìm một đời sống tốt đẹp hơn thì thực ra họ bị bọn buôn bán nô lệ bắt họ từ Phi Châu đem bán cho người ta làm nô lệ ở Mỹ châu.



- Châu Mỹ phát triển lôi cuốn thêm nhiều người di cư đến.

Không ai biết đúng là có bao nhiêu người đã tới nơi mà ngày nay gọi là Hoa Kỳ. Thực ra là cho đến năm 1820, đã không thực hiện một cố gắng nào để kiểm tra xem có bao nhiêu người di cư đến. Tuy nhiên, từ năm 1820 trở đi có khoảng chừng 45 triệu người gồm cả nam nữ, người lớn và trẻ em đã nhập cư vào quốc gia này.

Tại sao vào đầu thế kỷ thứ XIX chỉ có một số người di cư đến đây mà đến cuối thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ thứ XX này, con số những người di cư lại trở thành một làn sóng tràn vào đất nước Hoa Kỳ ? Câu trả lời là Mỹ châu đang được phát triển càng ngày càng hiến cho người ta có cơ hội tốt. Một điều nữa là trong thời gian này rất dễ cho người di cư đến Châu Mỹ để tìm kiếm đất canh tác. Khi mà vùng biên cương càng tiến xa hơn về phía Tây thì có nhiều gia đình mà đa số họ là những người di cư đến lập trại ấp ở các vùng đất mà ngày xưa còn là một khu rừng hay cánh đồng cỏ mênh mông vô tận.

Còn một điều quan trọng hơn nữa torng việc lôi cuốn người di cư đến Hoa Kỳ là việc phát triển k ỹ nghệ. Các bạn còn nhớ rằng trong nửa đầu thế kỷ thứ XIX, các nhà máy kỹ nghệ và các xưởng máy đã mọc lên như nấm ở các miền Đông Bắc. Cần phải có nhiều công nhân để điều hành máy móc trong các xưởng kỹ nghệ. Cũng cần phải có những người khác để chuyên chở và bán các hàng hóa kỹ nghệ này. Việc thành lập và điều hành các đường xe lửa cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm. Sau năm 1865, con số công nhân cần để cung ứng cho các nhà máy kỹ nghệ cũng gia tăng dữ dội. Lúc đó, Hoa Kỳ phải cần tới 2 triệu công nhân đến làm việc trong các hầm mỏ, xây nhà cửa, cầu đường, thiết lập các nhà máy kỹ nghệ và điều hành máy móc cũng như chuyên chở các hàng hóa từ các nhà máy đế nơi người ta có thể sử dụng được.



- Trong thế kỷ thứ XIX, hầu hết dân di cư là người từ Âu châu đến.

Dân từ nhiều nước đổ xô nhập cư vào quốc gia này. Cho đến thập niên 1890, phần lớn những làn sóng của người mới tới là những người từ các quốc gia Bắc Âu và Tây Âu. Tuy nhiên, dần dần cũng có thêm người di cư từ những nơi khác đế nữa.

+ Một số lớn người Ái Nhĩ Lan di cư đến – Từ thời thuộc địa cho tới sau này đã có nhiều người từ Ái Nhĩ Lan di cư đến. Chẳng hạn như ông John Barry, người gốc Ái Nhĩ Lan, đã từng là một sĩ quan Hải quân xuất sắc trong thời chiến tranh cách mạng. Nhiều người Ái Nhĩ Lan phải rời bỏ quê hương để trốn khách thống trị hà khắc của người Anh. Cũng có nhiều người phải lìa bỏ Ái Nhĩ Lan vào thập niên 1840 vì nạn đói tàn phá quê hương đất nước của họ. Từ năm 1820 đến năm 1850, số người Ái Nhĩ Lan đến Hoa Kỳ lập nghiệp nhiều hơn bất cứ từ quốc gia nào khác.

Phần lớn những người di cư Ái Nhĩ Lan này thích sống ở trong các thành phố Hoa Kỳ. Nhiều người làm các công việc ở nhà máy kỹ nghệ như là cảnh sát và lính cứu hỏa. Vì họ rất chú ý đến các vấn đề chính trị nên có những người khác đã chiếm được những địa vị có ảnh hưởng lớn và bước lên hàng lãnh đạo trong chính quyền Trung ương. Hàng ngàn công nhân Ái Nhĩ Lan làm việc trong các công việc đào kênh, lập đường xe lửa, và như vậy họ là những người đã đóng góp công lao đáng kể vào công cuộc xây dựng nước Hoa Kỳ tân tiến của ngày nay.

+ Những người Đức di cư đến. – Làn sóng di cư khác nữa đến từ nước Đức. Sự bất ổn về chính trị và những thất bại về cách mạng vào cuối thập niên 1840 đã khiến cho nhiều người Đức đi tìm tự do ở Mỹ châu. Ông Carl Schuz, người sau này trở thành một nàh báo và một chính khách, là một trong những người Đức di cư này. Có hàng ngàn người Đức khác tới đây để mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ năm 1850 đến năm 1900, người Đức dẫn đầu các nước khác về con số người di cư đến Mỹ châu. Phần lớn những người từ Đức di cư đến lập nghiệp ở miền Trung Tây. Họ trở thành những nhà nông giàu có, và cũng là những người có công trong việc mở mang các tiểu bang mới ở vùng này.

+ Những người từ các quốc gia Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch di cư đến. – Trong khi vẫn có nhiều người từ Đức di cư đến thì cũng có một số lớn người từ các quốc gia Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch di cư đến. Những người từ các quốc gia trên đây đến Hoa Kỳ đông nhật vào thập niên 1880. Giống như những người từ Đức đến, những người từ Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch đến cũng rất thích trồng trọt. Hầu hết họ lập ngiệp ở các tiểu bang miền Trung Bắc, đặc biệt là tiểu bang Minnesota và Dakota. Những người Hoa Kỳ mới cần cù này đã đến định cư ở đây và tạo nên những ấp trại trù phú.



- Làn sóng người di cư từ miền Đông và miền Nam Âu châu đến

Từ khoảng năm 1890 đến thập niên 1920, hầu hết người di cư đến Hoa Kỳ không phải từ miền Tây và Bắc Âu châu nữa mà từ miền Đông và miền Nam Âu châu đến. Những người mới tới này là những người từ các quốc gia Ý, Nga, Ba Lan và những miền thuộc các quốc gia Áo và Hung Gia Lợi cùng những quốc gia torng vùng bán đảo Balkan. Trong những năm này có nhiều người di cư đến Hoa Kỳ hơn bao giờ hết.

Hầu hết những người từ miền Nam và miền Đông Âu châu đến kiếm công ăn việc làm ở trong các hầm mỏ và ở trong các nhà máy kỹ nghệ. Như vậy là họ đến lập nghiệp ở trong các thành phố kỹ nghệ. Đây là những năm mà Hoa Kỳ trở thành cường quốc kỹ nghệ.

Không phải tất cả những người mới di cư đều kiếm xông ăn việc làm ở trong các xưởng máy kỹ nghệ. Cũng có nhiều người hoạt động torng ngành kinh doanh ở trong các thành phố lớn, giúp ích cho công cuộc phát triển ngành thương mại của Hoa Kỳ.



- Người Do Thái ở Hoa Kỳ.

Sau năm 1890, nhiều người từ miền Đông Âu châu đến là những người Do Thái trốn bỏ nước Nga đến. Đã từ mấy trăm năm, những người Do Thái không có quê hương sống thành từng nhóm nhỏ ở rải rác nhiều nước. Vì rằng thỉnh thoảng họ bị hết nước này đến nước khác ngược đãi cho nên ngay từ thuở ban đầu người Do Thái đã đến định cư ở Châu Mỹ này.

Thật sự những người Do Thái đầu tiên đã đến đây từ thời trước chiến tranh cách mạng ở Hoa Kỳ. Thời thuộc địa đã có một số người Do Thái đến Rhode Island để được tự do tín ngưỡng. Trong thời chiến tranh cách mạng, ông Haym Salomon, một nhà ngân hàng ở Philadelphia, đã góp một số tiền lớn (Phần lớn số tiền này là của ông) để trợ giúp cho công cuộc chiến đấu giành độc lập cho Hoa Kỳ. Hầu hết họ đến định cư lập nghiệp ở trong các thành phố. Họ trở thành bác sĩ, luật sư, hay các nhà kinh doanh và đã làm cho nghệ thuật, văn chương, âm nhạc và sân khấu Hoa Kỳ trở nên phong phú.

Những người Do Thái di cư đến Hoa Kỳ không đại diện cho một chủng tộc riêng biệt nào. Trải qua bao nhiêu thế kỷ bị ngược đãi, họ đoàn kết chặt chẽ với nhua và kiên quyết trung thành với đạo Hebrew cổ xưa của tổ tiên họ.



PHẦN II

TẠI SAO TỪ THỜI NỘI CHIẾN, CÁC THÀNH PHỐ ĐÃ PHÁT NHANH CHÓNG NHƯ VẬY ?

Hậu quả rất quan trọng của việc phát triển kỹ nghệ là việc mở mang các thành phố của Hoa Kỳ. Dĩ nhiên là trước năm 1865, đã có nhiều thành phố, và nhiều thành phố đã có từ khi lịch sử của quốc gia này mới bắt đầu. Tuy nhiên, khi mà Hoa Kỳ trở thành quốc gia dẫn đầu về kỹ nghệ thì các thành phố đã phát triển một cách rất mau lẹ về cả con số lẫn tầm vóc.

Mỗi một cộng đồng địa phương có một lịch sử riêng biệt, nhưng trong nhiều phương diện, việc phát triển các thành phố và thị trấn hầu như gần giống nhau. Các đoạn văn dưới đây sẽ cho các bạn thấy việc mở mang một thị trấn ra làm sao.

- Làng mạc được thành lập trên bờ sông.

Trong hậu bán thế kỷ thứ XVIII, người tiền phong đi lập nghiệp vượt qua những khu rừng rậm dừng lại trên bờ một dòng sông. Anh ta phải tìm một nơi để dựng nhà. Sau một ít ngày thăm dò những vùng chung quanh, anh ta quyết định lập một căn lều ở gần dòng sông đó.

Không bao lâu, có thêm một số gia đình mới đến đây lập nghiệp và nơi này phát triển thành một làng. Làng này, ngoài nhà cửa của người định cư ra, còn có một tiệm bán hàng hóa, và các tiệm bán hàng khác. Lại có các nhà máy xay bột, nhờ sức nước của dòng sông này để quay bánh xe quay nước của nhà máy. Đồng thời cũng có một nhà máy cưa được thành lập.



tải về 1.69 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương