* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown


- Điện thoại trở nên quan trọng torng đời sống hàng ngày của Hoa Kỳ



tải về 1.69 Mb.
trang4/25
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích1.69 Mb.
#12266
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   25

- Điện thoại trở nên quan trọng torng đời sống hàng ngày của Hoa Kỳ.

Máy điện thoại lúc đầu thật kỳ lạ, và sau đó luôn luôn được cải thiện, và sử dụng điện thoại càng ngày càng được mở rộng nhiều hơn. Mỗ năm, người ta lại đặt thêm nhiều đường dây điện thoại, và tại các gia đình cũng như ở các công tư sở càng ngày càng sử dụng điện thoại nhiều hơn. Đầu thế kỷ thứ XX, điện thoại trở nên rất quan trọng trong đời sống Hoa Kỳ. Đối với đa số dân chúng, điện thoại không còn là một thứ xa xỉ nữa, mà trái lại nó trở thành những thứ nhu cầu cần thiết.

Người ta có thể gọi nói chuyện với những người ở thật xa. Ngay từ năm 1915, đã có đường điện thoại nối liền New York với San Francisco. Khi phát minh ra được điện thoại tự động, người ta có thể nói chuyện với người đối thoại mà không cần sự giúp đỡ của người làm ở tổng đài nữa. Vào đầu thập niên 1960, những người ở các vùng khác nhau có thể quay tự động nói chuyện với nhau cũng như nói chuyện với những người ở trong các thành phố xa xăm. Ngày nay, chúng ta có thể quay điện thoại nói chuyện với bất kì nơi nào ở trên thế giới một cách rõ ràng hơn là vào thời kỳ cách đây một thế kỷ, thuở đó người ta phải la thật lớn để nói chuyện với một người chỉ cách xa chừng một trăm thước thôi.

- Hoa Kỳ và thế giới sử dụng máy vô tuyến điện.

Ngày nay chúng ta rất khó mà tưởng tượng được rằng một nơi nào lại không có máy vô tuyến điện. Thật ra mãi tới năm 1920 đài phát thanh đầu tiên của Hoa Kỳ là KDKA mới được thiết lập ở Pittsburgh, và mãi tới nhiều năm sau đó thì các máy thâu thanh mới trở thành thông dụng.

Tuy nhiên, lịch sử về vô tuyến điện đã bắt đầu từ thập niên 1890. Ông Marconi, một người Ý, khám phá ra một cách chuyển thư từ qua những làn sóng điện truyền đi trong bầu khí quyển. Chẳng bao lâu, ông có thể nói chuyện qua hệ thống vô tuyến điện giữa Anh quốc và Newfoundland. Trong một thời gian, thư từ chuyển qua đường vô tuyến điện bằng một hệ thống ký hiệu giống như những bức điện tín. Công trình phát minh nay được sử dụng nhiều nhất là các tàu đi biển, đặc biệt nhất là khi các tàu này gặp tai nạn. Rồi không bao lâu, các nhà khoa học cố gắng tìm cách truyền tiếng nói của loài người và âm nhạc qua không gian. Kết quả thành công tốt đẹp như chúng ta thấy như là vô tuyến điện ngày nay.

Vô tuyến điện không những chỉ là điều thích thú mà còn có nhiều mục đích hữu ích nữa. Vô tuyến điện có thể chuyển âm nhạc, tin tức, kịch nghệ, tin thể thao và những tin tức khác đến với hàng triệu gia đình, Những báo cáo về thời tiết , thị trường, tin tức về an ninh, y tế, những lời lẽ kêu gọi lòng bác ái, diễn văn vận động chính trị cũng như các quảng cáo đều được truyền đi bằng vô tuyến điện cả. Một vài cơ sở kỹ nghệ có những hệ thống nói chuyện với dân chúng cũng dùng vô tuyến điện để truyền thanh. Những chiếc điện thoại hai hiều ở trong các xe taxi, xe hơi, tàu thuyền, máy bay hay điện thoại xách tay mà quân đội thường sử dụng đều làn hững hình thức quan trọng khác của vô tuyến điện trong ngành truyền tin cả. Những sử dụng đặc biệt khác là tín hiệu vô tuyến điện như radar ( mắt thân ) hay sonar (máy dò tiếng động) được các máy bay, tàu thuyền và tàu ngầm sử dụng để khám phá ra bất kỳ vật gì tới gần trước khi có thể nhìn thấy được. Việc di chuyển bằng đường hàng không được an toàn hơn vì rằng tín hiệu vô tuyến điện có thể giúp cho các phi cơ đi đúng đường, và đáp xuống các phi trường được an toàn vào những khi sương mù phủ kín cả phi trường. Những làn sóng vô tuyến điện có thể chuyển những hình ảnh cho báo chí cũng như phim ảnh mà ngày nay chúng ta gọi là vô tuyến truyền hình.



- Vô tuyến truyền hình được phát triển mau chóng.

Người ta đã phát minh ra vô tuyến truyền hình từ trước khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ. Nhưng mãi tới sau năm 1945 vô tuyến truyền hình mới trở nên thông dụng trong các gia đình. Vào đầu thập niên 1970, Hoa Kỳ đã có tới hơn 100 triệu máy vô tuyến truyền hình. Vô tuyến truyền hình chuyển các báo cáo, tin tức và các chương trình giải trí đến với mọi gia đình. Đồng thời, vô tuyến truyền hình cũng trở nên quan trọng ở trong các lớp học. Vô tuyến truyền hình cũng đã giúp cho việc tiến bộ kỹ nghệ ở Hoa Kỳ rất nhiều, vì rằng các công việc chế tạo, bán hàng, sửa chữa cũng như việc chuẩn bị các chương trình, tất cả đã tạo nên những cơ sở kỹ nghệ mới vĩ đại sử dụng biết bao nhiêu là nhân công.

CÁC ĐƯỜNG XE LỬA NỐI LIỀN CÁC VÙNG CỦA ĐẤT NƯỚC LẠI VỚI NHAU.

- Gia tăng việc thiết lập đường hỏa xa.

Trong khi việc truyền tin được phát triển mạnh thì việc di chuyển cũng được dễ dàng hơn. Các bạn đã học về các đường hỏa xa lúc đầu trong chương XIV. Sau khi cuộc nội chiến chấm dứt, hòa bình được tái lập thì có việc đẩy mạnh công cuộc thiết lập các đường hỏa xa. Các đường xe lửa ở miền Nam bị phá hoại trong thời chiến được sửa sang lại và mở rộng thêm. Miền Bắc và miền Trung cũng thiết lập thêm những đường xe lửa mới.

Vì rằng Hoa Kỳ, là quốc gia đang bành trướng mau lẹ nên nhu cầu cần có đường hỏa xa lại càng lớn lao hơn bao giờ hết. Những làng mạc và đô thị mới suốt ngày inh ỏi với những hoạt động hỏa xa. Các nông trại càng ngày càng sản xuất nhiều nông phẩm, vá các nhà máy càng ngày càng chế tạo nhiều hàng hóa. Nhưng khởi lập một đường hỏa xa thì rất tốn kém. Phải làm lớp đường móng trước rồi mới đặt các đường rây, phải xây các nhà ga, rồi lại phải mua đầu máy xe lửa và các toa xe. Dầu sao thì cũng có một số người thấy rằng điều hành xe lửa là một cơ hội để làm giàu. Nhiều công ty được thành lập, và người ta khuyên dân chúng nên đầu tư vào việc mở mang đường hỏa xa. Phần lớn những người thiết lập các đường hỏa xa và những người bõ tiền ra đầu tư vào ngành đều được trả những số tiền lời khác lớn.

- Các đường xe lửa ở miền Đông nối liền thành một hệ thống hỏa xa lớn.

Những đường hỏa xa lúc đầu thì rất ngắn, chỉ là những đường nối liền hai hay ba thành phố lớn với nhau thôi. Và cũng có rất ít đường như vậy. Như vậy có nghĩa là việc chuyển vận hàng hóa và hành khách đi rất xa là trì trệ và bất tiện. Nếu phải đi những đường khác nhau thì người ta phải bốc dỡ dàng hóa chuyển từ những toa xe này sang những toa xe khác. Nếu phải chuyển vận hàng hóa đi xa thì người ta phải mất nhiều lần bốc dỡ hàng hóa sang các toa xe khác. Chẳng hạn như khi mới có đường xe lửa, nếu phải chuyển vận hàng hóa từ New York đến Chicago người ta phải mất 19 lần bốc dỡ hàng hóa chuyển qua các toa xe khác.

Người đầu tiên nối liền nhiều đường hỏa xa ngắn lại thành một đường chính là là ông Cornelius Vanderbilt, một vị cựu thuyền trưởng. Bằng cách mua và thống nhất nhiều đường xe lửa ngắn ở trong tiểu bang New York, ông Varderbilt đã phát triển thành một hệ thống lớn các đường hỏa xa gọi là hệ thống New York Trung ương. Gần tương tự như vậy, các đường hỏa xa ở Pennsylvania cũng được hợp nhất lại thành một hệ thống thiết lộ Pennsulvania. Đường hào xa Baltimore và Ohio cũng là một hệ thống thiết lộ quan trọng vào lúc đầu.

- Đường hỏa xa phải đương đầu với sự cạnh tranh của các ngành chuyển vận mới.

Thời kỳ cuối thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ thứ XX hỏa xa là phương tiện giao thông quan trọng nhất ở Hoa Kỳ. Và cũng từ đó hỏa xa luôn luôn được cải tiến. Những đầu máy to lớn chạy bằng hơi nước phùn phụt phun khói được thay thế bằng những đầu máy chạy bằng dầu hay bằng điện. Xe hỏa chuyển vận không biết bao nhiêu là hàng hóa từ nơi này đến nơi khác. Trong vòng 50 năm vừa qua khả năng chuyên chở của xe lửa đã gia tăng ghê gớm. Xe lửa đã góp phần rất nhiều cho đất nước vào việc phục vụ trong cả hai cuộc thế chiến. Nhưng sau này xe hơi với những xa lộ tối tâm và sự chuyên vận bằng đường hàng không càng ngày càng được mở rộng đã làm giảm bớt rất nhiều khách hàng của ngành hỏa xa.

XE HƠI XUẤT HIỆN Ở HOA KỲ

- Loại xe không có ngựa kéo thay thế các loại xe ngựa.

Không thế nào torng một ngày lại có thể phát minh ra xe hơi được. Một số người ở Hoa Kỳ cũng như ở Châu Âu đã từng nghiền ngẫm nghiên cứu một loại xe không có ngựa kéo, một kiểu xe chạy được là do sức đẩy của động cơ. Một vài chiếc xe đã chạy được bằng cách dùng hơi nước đẩy. Có những chiếc xe khác chứng tỏ thành công hơn nhờ áp dụng những phát minh mới, đó là việc sử dụng đầu máy chạy bằng ét săng. Trong thập niên 1890, Hoa Kỳ có những nhà thí nghiệm khoa học như các ông George Selden, Charles Duryea, Elwood Haynes, Alexander Winton, và Henry Ford.

Ngay sau năm 1900, người ta đã thấy xe hơi bắt đầu xuất hiện ở trên các đường xá. Lúc đầu xe hơi được coi như một sự kỳ lạ và nó cũng gây ra nhiều rắc rối phiền toái. Mỗi lần xe trục trặc là có nhiều người đến xem và la ó "Thôi hãy kiếm một con ngựa cho rồi". Người lái chiếc xe kỳ lạ này là một tay phù thủy có biệt tài về máy móc, vì rằng lúc đó không có trạm xăng ở dọc đường để cung cấp xăng nhớt, và sửa vá bánh xe hay các bộ phận hư. Đường xá thì rất tệ, gặp khi thời tiết khô ráo thì đầy những cát bụi khiến cho người đi xe phải mặc áo choàng và đeo kính để che bớt bụi bặm khỏi bám vào người và vào mắt. Tuy nhiên, nhờ hàng loạt các phát minh mới nên người ta đã có thể chế tạo được những chiếc xe hơi tốt đẹp và bán với giá rẻ hơn. Xe hơi không còn là một thứ đồ chơi nữa, mà là một thứ nhu cầu thiết dụng hàng ngày trong đời sống Hoa Kỳ.

- Những thí nghiệm của ông Goodyear về cao su đã làm cho việc chế tạo bánh xe hơi được thành công.

Nếu không có biết bao nhiêu là công trình phát minh và phát triển thì không thể nào có được những chiếc xe hơi như ngày nay. Loại thép đặc biệt, crom và những loại kim loại khác đã được chế biến để chế tạo các bộ phận xe hơi. Hệ thống điện cũng được cải thiện để thắp sáng và sưởi ấm cũng như hâm nóng xe để cho động cơ chạy cho êm. Người ta lại còn biến chế ét săng để chạy với loại động cơ mạnh. Một trong những nhu cầu lớn nhất là phải có bánh xe co dãn được thì xe mới có thể chạy nhanh và êm được.

Chúng ta phải nhớ tới một người ở vùng Tân Anh tên là Charles Goodyear, vì nhờ có công trình khám phá của ông mà ngày nay xe hơi của chúng ta mới có những chiếc bánh xe dễ dàng chạy được như vậy. Dù rằng ông Goodyear đã chết vào năm 1860, nhưng trước khi người ta khám phá xe hơi thỉ chính ông đã tìm ra được phương pháp làm cho cao su rắn chắc. Từ thời Columbus, người Da trắng đã biết cao su nguyên chất. Nhưng lúc bấy giờ người ta không sử dụng cao su vì thời tiết và nhiệt độ thay đổi thì cao su cũng bị ảnh hưởng theo. Trời lạnh thì nó trở nên giòn và rất dễ bể vỡ, và mùa hè thì nó lại hóa ra dẻo và nhớp nháp.

Ông Charles Goodyear gần như tận tụy suốt đời để thí nghiệm cao su với hy vọng vượt qua những nhược điểm này. Vì phải tiêu pha nhiều tiền trong các cuộc thí nghiệm mà ông lâm vào cảnh nghèo túng. Ông phải vay tiền của các bạn bè để tiếp tục các cuộc thí nghiệm. Có một lần ông đã phải bán hết đồ đạc trong nhà để lấy tiền, rồi lại một lần khác, ông phải bán cả sách học của đàn con ông. Ông chế tạo giày cao su và dùng nó. Rồi ông lại chế tạo một chiếc áo choàng bằng cao su để mặc khiến cho ngoài phố người ta nhìn ông bằng đôi mắt chể giễu. Dù gặp phải nhiều khó khăn, ông vẫn tiếp tục tiến hành. Ông biết rằng nếu chế thêm sulfur vào cao su thì cao su không còn trở thành dính nhớp nháp vào những khi tăng nhiệt độ. Một hôm, ông nhỏ vài vài giọt cao su lên bếp nấu, ngẫu nhiên ông khám phá ra rằng sức nóng sẽ làm cho cao su trở nên rắn hơn và tốt đẹp hơn. Ông cố gắng thí nghiệm với những nhiệt độ khác nhau cho tới khi ông có được một loại cao su không còn bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhiệt độ nữa. Phương pháp này gọi là phương pháp lưu hóa, và đã trở nên rất có giá trị để chế tạo bánh xe, khi mà xe hơi ra đời. Công trình này đã đưa đến việc phát triển kỹ nghệ cao su ở Hoa Kỳ.

Trong thời Đệ nhị Thế chiến, nguồn cung cấp cao su thiên nhiên của Hoa Kỳ bị quốc gia thù địch ngăn chặn, các nhà khoa học và kỹ nghệ Hoa Kỳ phái biến chế cao su tổng hợp. Sau chiến tranh, cao su thiên nhiên lại được nhập cảng, nhưng người ta lại chế tạo nhiều vật dụng bằng cao su tổng hợp.

PHI CƠ LÀM CHO VIỆC DI CHUYỂN ĐƯỢC MAU CHÓNG.



- Loài người học bay.

Xe lửa và xe hơi cũng vẫn không làm cho nhân loại dừng lại trên đường đi tìm phương tiện di chuyển mau chóng hơn. Đã từ mấy trăm năm loài người hằng mơ ước có thể bay lượn được ở trên không trung. Đầu thế kỷ thứ XIX, người ta đã biết sử dụng khinh khí cầu. Người Anh, người Đức và người Hoa Kỳ đã thí nghiệm để chế tạo phi cơ. Nhưng mãi tới khi phát minh ra đầu máy chạy bằng ét săng thì người ta mới chế tạo được phi cơ tân kỳ.

Nhìn chim muông bay lượn trên không trung, ông Samuel Langley, một nhà khoa học Hoa Kỳ tự hỏi "Tại sao loài người lại không bay lượn như loài chim?" Ông cố gắng chế tạo nhiều loại máy bay nhưng không có cái nào bay được cả. Qua nhiều cố gắng thí nghiệm nhưng đều thất bại, ông Langley đành bỏ cuộc. Sau đó những nhà phát minh khác cũng thí nghiệm với những loại máy nặng hơn. Nhưng cái vinh dự của công trình chế tạo máy bay đầu tiên lại thuộc về hai anh em thợ máy trẻ tuổi Wilbur và Orville Wright ở Dayton, Ohio. Hai nhà chuyên viên cơ khí này đã chú ý nghiên cứu thí nghiệm máy bay từ thuở thiếu thời. Tháng Chạp năm 1903, hai anh em ông thành công trong việc thí nghiệm cho bay một chuyến bay ở Kittyhawk thuộc North Carolina. Trong lần thí nghiệm thứ tư, ông Wilbur Wright cho bay một chuyến bay lâu 59 giây và bay được một đoạn đường dài 852 bộ. Giấc mơ bay lượn của loài người đã trở thành sự thật.

- Những người tiên phong trong ngành hàng không đã chứng tỏ rằng loài người có thể bay lượn được.

Loài người phải mất nhiều năm cố gắng nghiên cứu để hoàn thành một chiếc máy bay. Cuối cùng, người ta cho rằng dù cho không lao vào không gian thì ở dưới đất loài người cũng có thể bị giết hại hay bị thương bằng nhiều cách. Nhưng việc phát minh ra xe lửa và xe hơi đã làm cho công việc di chuyển được mau chóng, thì còn cố gắng chế tạo máy bay để làm gì ? Tuy nhiên, Đệ nhất Thế chiến, phi cơ đã được sử dụng để do thám và chiến đấu. Trong thập niên 1920, người ta cho thiết lập nhiều pho trường và xếp đặt những chuyến bay chạy như thường lệ.

Nhiều chuyến bay gây nên nhiều thích thú đã khiến cho người ta chú ý nhiều đến việc có thể di chuyển bằng đường hàng không. Tháng 5 năm 1927, một thanh niên phi công chạy thư tên là Charles Lindburgh một mình bay một chuyến bay không ngừng lâu hơn 30 giờ từ Long Island đi Paris. Bốn năm sau, các ông Wiley Post và Harold Gatty làm mọi người ngạc nhiên bằng một chuyến bay vòng quanh thế giới trong 8 ngày. Cô Amelia Earhart là người phụ nữ đầu tiên một mình bay vượt Đại Tây Dương, và 3 năm sau tức là vào năm 1935, cô lại một mình bay từ Honolulu tới California. Cuộc đời bay của cô chấm dứt một cách bi thảm vào năm 1937, chiếc máy bay của cô đã biến mất trong một chuyến bay vượt Thái Bình Dương.

- Phi cơ đã làm thay đổi rất nhiều torng công việc chuyển vận.

Trong thập niên 1930, việc di chuyển bằng đường hàng không đã trở nên rất thông dụng. Tuy nhiên, mãi đến thời Đệ nhị thế chiến người ta mới thực hiện được những tiến bộ ghê gớm ở trong ngành hàng không. Những cơ xưởng vĩ đại sản xuất hàng ngàn chiến đấu cơ và oanh tạc cơ. Càng ngày người ta lại càng chế tạo ra nhiều kiểu phi cơ mới. Và mỗi kiểu mới ra lại lớn hơn và bay nhanh hơn kiểu cũ. Người ta xử dụng Rocket (hỏa tiễn) để làm cho việc cất cánh được mau chóng hơn, và bây giờ thì người ta tiến đ61n việc sử dụng phi cơ phán lực.

Sau năm 1945, người ta áp dụng những phương thức mới để bay trong thời bình. Các đường hàng không điều hành những chuyến bay thường lệ vận chuyển hành khách đi khắp nơi trong đất nước Hoa Kỳ cũng như ở khắp mọi nơi trên thế giới. Những con số hành khách dưới đây cho ta thấy việc di chuyển bằng đường hàng không trở nên rất là thông dụng.

Tính đến năm 1950, mới khoảng chừng 20 năm hoạt động, các đường hàng không Hoa Kỳ đã chuyên chở tới người hành khách thứ 100 triệu. Bốn năm sau, con số hành khách lên tới 200 triệu, và ngày nay, hàng năm hàng không Hoa Kỳ chuyên chở tới 60 triệu hành khách. Nhờ việc sử dụng phi cơ phản lực với tốc độ 600 dặm một giờ mà thời gian bay trên các quãng đường dài đã được rút giảm đi nhiều.Trong thập niên 1970, nhiều quốc gia đã bắt đầu cho dùng loại máy bay siêu thanh để chuyển vận trong ngành hàng không. Dùng loại phi cơ này sẽ bay nhanh hơn các loại phi cơ đang dùng ngày nay gấp nhiều lần, và mỗi chiếc máy bay có thể chở được hơn 300 hành khách.

NHỮNG CẢI THIỆN TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VÀ CHUYỂN VẬN ĐÃ GIÚP CHO VIỆC PHÁT TRIỂN KỸ NGHỆ HOA KỲ.

Thật là dễ dàng cho ta nhận thấy rằng những hình thức mới về chuyển vận, giao thông và truyền tin đã ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người dân trung bình ở Hoa Kỳ. Nhưng tại sao những thay đổi torng ngành chuyển vận, giao thông và truyền tin lại rất quan trọng trong việc mở mang kỹ nghệ của Hoa Kỳ? Ta hãy lấy một nàh kinh doanh ở Detroit làm thí dụ. Ông ta là một viên chức của một công ty lớn sản xuất xe hơi ở đây. Muốn chế tạo xe hơi, ông ta phải đặt mua thép ở Pittburgh hay Chicago, cao su ở Akron, các đồ điện ở Toledo. "Các cơ sở ráp máy", nơi mà người ta ráp xe hơi, ở rải rác khắp mọi nơi trên địa cầu. Những nơi đó có thể là ở Los Angeles, New York.

Nhà kinh doanh này cần phải được người ta giao cho các vật liệu một cách mau chóng. Xe lửa tốc hành và các xe vận tại hạng nặng đảm nhận việc này. Máy đánh chữ (xuất hiện vào thập niên 1870) có thể giúp cho các nhà kinh doanh lưu giữ hồ sơ và giao dịch với các nàh kinh doanh khác. Nhưng nếu ông ta phải làm nhanh chóng mau lệ, ông ta có thể dùng điện thoại nói chuyện với hành khách hay những nhà kinh doanh khác ở mãi nơi xa xăm. Thường thì ông ta phải đi thăm các nhà máy của ông ta hay các nhà máy của công ty cung cấp vật liệu cho ông ta. Những chuyến xe lửa tốc hành hay phi cơ có thể giúp cho ông ta di chuyển đến các thành phố khác một cách dễ dàng và nhanh chóng. Không có hệ thống giao thông truyền tin và chuyển vận vĩ đại như vậy thì nền kỹ nghệ của Hoa Kỳ chắc sẽ không thể nào điều hành được như vậy.

Những cải tiến về chuyển vận truyền tin và giao thông đồng thời cũng tạo nên một số kĩ nghệ mới. Chúng ta hãy suy nghĩ về tất cả những nguyên liệu cần để chế tạo xe lửa, xe hơi, máy bay, điện thoại và vô tuyến điện. Chúng ta hãy nghĩ đế những nhà máy vĩ đại và những máy móc để biến chế những nguyên liệu thành các bộ phận. Chúng ta hãy nghĩ đến toàn công nhân được huấn luyện để ráp các bộ phận, để điều hành xe lửa, xe vận tải, máy bay, và để sửa xe hơi, điện thoại và vô tuyến điện. Khi các bạn tổng kết tất cả những người tham dự vào việc chế tạo và điều hành tất cả những phương tiện mới trong ngành giao thông, truyền tin và chuyển vận, thì các bạn có thể thấy rằng một số lớn nhân công Hoa Kỳ làm việc ở trong các ngành này.



PHẦN IV

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP KINH DOANH ĐÃ THAY ĐỔI THEO

SỰ PHÁT TRIỂN KỸ NGHỆ NHƯ THẾ NÀO?

CÁC NHÀ KINH DOANH THIẾT LẬP NHỮNG NHÀ MÁY KỸ NGHỆ VĨ ĐẠI

Chúng ta thấy rằng sua năm 1865, ở Hoa Kỳ nhờ có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhờ việc hàng hóa được sản xuất hàng loạt, nhờ việc chuyển vận và giao thông được nhanh chóng, và nhờ có sự phát triển tổ hợp công ty, tất cả đã làm cho việc phát triển kỹ nghệ được thuận lợi. Trong những năm vào cuối thế kỷ thứ XIX, những hoạt động của một số nàh kinh doanh cũng đã giúp cho việc ở mang kỹ nghệ ở Hoa Kỳ rất nhiều. Thường thì chỉ cần có một trong các nàh kinh doanh này với sự khôn ngoan và can đảm cũng có thể đứng ra thành lập và điều khiển một công ty to lớn, và làm nên một sự nghiệp vĩ đại. Chúng ta hãy nhìn vào cuộc đời của ba nhà kỹ nghệ thành công nhất ngày nay.

- Ông James J. Hill, một nhà kinh doanh thiết lập đường xe lửa.

Mộ trong những người đáng kể nhất trong ngành kỹ nghệ xe lửa là ông James J. Hill. Ông James Hill ra đời vào năm 1838 trong một căn nhà gỗ tại một tiểu nông trại ở Gia Nã Đại. Trong một nông trại nhỏ như vậy, ông James phải tham dự làm nhiều công việc nặng nhọc. Sau khi thân phụ ông từ trần, ông James quyết định thử thời vận. Ông đến Hoa Kỳ bằng một chuyến tàu chở hàng hóa. Ông đã làm rất nhiều công việc và dần dần đi đến ST. Paul thuộc Minnesota. Ở đây ông làm cho công ty tàu chạy biển và hảo xa.

Tới khi chừng 40 tuổi, ông cũng không làm gì khác hơn thường lệ. Ông có những tư tưởng rất vĩ đại, nhưng không ai chịu nghe theo ý kiến của ông cả. Mộ trong những tư tưởng của ông là mở mang vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Chính ông Hill đã dùng xe lửa và xe có chó kéo đặt chân lên hầu hết các nơi ở trong các vùng này. Sau cùng, ông thuyết phục một số người chiếm được đường hỏa xa, nơi mà ông đang làm việc và ông được bầu làm tổng quản lý đường xe lửa này. Lúc bấy giờ, tình trạng của con đường này rất tệ và chẳng có gì là hứa hẹn cả. Ấy thế mà từ cái khởi đầu khiêm tốn này, ông James Hill đã thiết lập được thành một đế quốc hỏa xa.

Cái bí mật của sự thành công của ông là : ở nơi ông hiểu rõ rằng nếu con đường xe lửa của ông có thành công được thì rải rác ở khắp miền Đông Bắc phải có những nông trại trù phú. Cho nên ông thu xếp để cho những người muốn đi lập nghiệp đi thăm viếng các vùng đồng quê. Ông cho nhập cảng các nông súc và ngựa ở Âu Châu để khuyến khích việc chăn nu6oi nông súc và trợ giúp nông dân mua hạt giống và nông cơ với giá cả và điều kiện phải chăng. Ông thu xếp để gởi hàng trăm thiếu niên đi học về khoa canh nông.

Vào khoảng năm 1893, dưới quyền điều khiển của ông, hệ thống Đại Bắc Hỏa Ca chạy từ ST. Paul Minnesota đến Seatle, Washington. Trong những năm sau này, ông James Hill năm quyền kiểm soát hầu hết các đường hỏa xa ở Tây Bắc. Tổng số đường xe lửa lên đến 20 ngàn dặm.

- Ông Andrew Carnegie, nhà chế tạo thép.

Hoa Kỳ trở thành quốc gia kỹ nghệ phần lớn là do khả năng sản xuất những khối lượng tháp khổng lồ. Đường rày xe lửa, xe hơi, đủ các loại máy móc và các tòa nhà cao rộng, tất cả đều làm bằng thép cả. Từ bao nhiêu thế kỷ, người ta đã biết rằng sắt không có tính chất cứng và bền như thép, nhưng thép thì mắc quá nên không được sử dụng rộng rãi. Người ta biết rằng có thể lọc một số chất bẩn ở sắt ra để biến thành thép, nhưng người ta lại chưa tìm được những phương pháp rẻ tiền để lọc những chất bẩn ở sắt ra. Trong thập niên 1850, một người Anh tên là William Kelly, mỗi người tìm ra được một phát minh, làm nhiều người phải ngạc nhiên. Cùng thí nghiệm trên cùng một chất liệ giống nhau nhưng ở những nơi cách biệt nhau, hai ông này đã khám phá ra rằng nếu thổi một luồng không khí vào một dung dịch sắt nấu chảy thì có thể loại bỏ được những chất bẩn trong sắt. Phương pháp chế tạo thép này rất dễ dàng và ít tốn kém, cho nên người ta có thể sản xuất được những khối lượng thép khổng lồ với giá rất rẻ.

Tuy nhiên, biệc phát triển mau chóng trong ngành kỹ nghệ théo ở Hoa Kỳ phần lớn là do công ơn của một người buôn bán thép chứ không phải của những người chế tạo thép. Ông Andrew Carnegie là một thiếu niên nghèo người Tô Cách Lan. Năm 1848, lúc đó ông mới 13 tuổi, ông theo cha mẹ sang Hoa Kỳ. Khởi đầu, ông làm việc cho một nhà máy dệt ở Pennsylvania, với số lương một tuần chỉ có một Mỹ kim và 20 xu. Rồi ông vào làm việc tại một phòng điện tín của một công ty hỏa xa. Ông làm thư ký cho một viên chức hỏa xa. Nhờ chịu khó làm việc và thông minh, ông Carnegie đã thành công mau lẹ trong giới kinh doanh. Từ phạm vi thiết lập các đường xe lửa, ông tiến sang lãnh vực xây cầu. Vì thép giữ vai trò quan trọng trong cả hai ngành kỹ nghệ này nên ông quay ra chú ý tới kỹ nghệ thép.

Carnegie là người can đảm và thông minh. Ông quyết định đem hết sự nghiệp và tương lai đầu tư vào kỹ nghệ sản xuất thép bằng phương pháp mới do các ông Kelly và Bessemer khám phá ra. Ông Carnegie đã thành công ghê gớm. Vào khoảng năm 1900, công ty thép Carnegie, tổng hành dinh ở Pittburgh, Pennsylvania, là một công ty sản xuất thép nhiều nhất ở Hoa Kỳ. Muốn giữ cho các lò nấu thép này chạy đều, ông Carnegie phải mua một khu mỏ sắt ở vùng Thượng Ngũ Hồ. Đồng thời ông cũng kiểm soát một đoàn tàu chuyên chở quặng sắt từ hồ Erie đến lò nấu sắt ở Pittburgh.



Năm 1901, ông Andrew Carnegie về hưu. Ông đem bán hết các cơ sở kinh doanh thép đang phát triển mạnh của ông, đó là công ty thép Hoa Kỳ (The United State Steel Corporation) một công ty sảnh xuất thép lớn nhất. Ngày nay, người ta còn nhớ đến ông Carnegie không phải chỉ vì sự thành công vĩ đại của ông torng công việc kinh doanh mà còn vì những món quà to lớn lấy từ gia tài kếch xù của ông để hiến cho dân chúng. Nhiều đô thị, thành phố Hoa Kỳ dùng tiền của ông Carnegie để thiết lập thư viện công cộng.




tải về 1.69 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương