ĐỀ CƯƠng tuyên truyền kỷ niệM 80 NĂm ngày thành lập phủ Ủy tam kỳ



tải về 172.11 Kb.
trang1/2
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích172.11 Kb.
#12918
  1   2
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP PHỦ ỦY TAM KỲ

(15/8/1933 - 15/8/2013)
I. KHÁI QUÁT VỀ MẢNH ĐẤT, TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH YÊU NƯỚC VÀ SỰ RA ĐỜI PHỦ ỦY TAM KỲ.

1. Vài nét về mảnh đất và truyền thống đấu tranh yêu nước.

+ Trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, cùng với sự thay đổi về địa lý, thể chế chính trị, Tam Kỳ - Núi Thành cũng có những thay đổi để phù hợp với sự phát triển của đất nước. Vùng đất Tam Kỳ (chung), Núi Thành hiện nay, trước thế kỷ XV vốn là vùng đất Chiêm Động của Chămpa, sau chiến thắng của vua Hồ Hán Thương (1402) đã trở thành vùng đất thuộc châu Hoa thuộc lãnh thổ Đại Việt; đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông lập thành huyện Hà Đông, cùng với sự ra đời Thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1841, dưới thời vua Thiệu Trị, huyện Hà Đông trực thuộc phủ Thăng Hoa, sau đó đổi thành phủ Thăng Bình, có diện tích khá rộng, bao gồm cả huyện Tiên Phước và một số xã phía Nam huyện Thăng Bình ngày nay. Năm Thành Thái thứ 18 (1906), huyện Hà Đông tách khỏi phủ Thăng Bình, đổi thành phủ Tam Kỳ. Đến năm 1920, sau cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội, thực dân Pháp cắt một số xã phía Tây của phủ Tam Kỳ, sát nhập với các xã vùng thấp của Trà My để thành lập huyện Tiên Phước. Phần đất còn lại của phủ Tam Kỳ có 7 tổng, 157 xã; các tổng An Hòa, Đức Hòa, Đức Tân - thuộc huyện Núi Thành ngày nay, với 58 xã; các tổng Phú Quý, Chiên Đàn, Vĩnh Quý và Phước Lợi- thuộc thành phố Tam Kỳ và huyện Phú Ninh, có 99 xã. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, các đơn vị hành chính trước đây là phủ, huyện đều gọi chung là huyện- huyện Tam Kỳ, trong đó có thị trấn, thị xã Tam Kỳ được thành lập năm 1951, nằm trên địa bàn xã Tam Chánh. Thời kỳ tạm chiếm của Mỹ- ngụy, chúng chia Tam Kỳ thành ba đơn vị hành chính: quận Tam Kỳ, quận Lý Tín và xã Châu Thành, sau nâng lên thị xã Tam Kỳ, tỉnh lỵ tỉnh Quảng Tín. Đối với ta, để thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ tháng 4 năm 1963, ta chia huyện Tam Kỳ thành ba đơn vị cấp huyện: Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ. Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 10 năm 1975 huyện Tam Kỳ được thành lập lại, thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, có 21 xã và thị xã Tam Kỳ. Đến tháng 12 năm 1983, theo Quyết định số 144 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), huyện được tách thành hai đơn vị hành chính: thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành, lấy sông Tam Kỳ cắt thẳng về hướng Đông làm ranh giới. Thị xã Tam Kỳ có 13 xã và 8 phường nội thị với diện tích 343,4 km2, dân số 196.000 người, mật độ 571 người/km2. Huyện Núi Thành có 12 xã và thị trấn Núi Thành (hiện nay có 16 xã và 01 thị trấn) với diện tích 533,03km2 , dân số 140.457 người, mặt độ dân số 264 người/km2. Tháng 12 năm 1996, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10 đã ra Nghị quyết chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành đơn vị hành chính mới: tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Đến ngày 05 tháng 01 năm 2005, Chính phủ ra Nghị định số 01, thành lập huyện Phú Ninh có 10 xã tách ra từ thị xã Tam Kỳ, có diện tích tự nhiên 251,79 km2, dân số 84.477 người. Nhưng dù có thay đổi, điều chỉnh như thế nào chăng nữa thì Tam Kỳ- Núi Thành- Phú Ninh vẫn là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, con người nơi đây hiếu học, cần cù, chịu thương, chịu khó và cầu tiến. Từ ngày mở đất Hà Đông, đặc biệt là từ ngày thành lập phủ Tam Kỳ, huyện Nam Tam Kỳ - Núi Thành ngày nay, nhân dân đã theo Đảng làm cuộc cách mạng kiên cường, bất khuất góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

+ Truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh chống áp bức và chống ngoại xâm của nhân dân Núi Thành đã có từ lâu. Ngay khi mở đất, nhân dân Hà Đông dưới sự lãnh đạo của Thổ quan Đại tri Châu Đặng Tất cùng lúc chống lại quân xâm chiếm Chiêm Thành vừa tham gia cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi chống lại quân Minh xâm lược. Cuối thế kỷ XVIII, cùng với địa phương khác ở miền Trung, nhân dân Hà Đông hăm hái tham gia cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, tiêu diệt quân Thanh giải phóng đất nước; những năm 1885-1887, nhân dân huyện nhà tiếp tục nổi dậy đấu tranh chống lại sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai. Tiêu biểu cho phong trào là nhân dân đã tham gia cuộc khởi nghĩa Cần Vương do các sĩ phu yêu nước Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến lãnh đạo; tiếp năm 1906 -1908, nhân dân Núi Thành lại hưởng ứng phong trào Duy Tân do các nhà yêu nước và tiến bộ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… đề xướng cuộc vận động “khai dân trí, chấn dân trí, hậu dân sinh”, phong trào đã thức tỉnh lòng yêu nước và lối sống mới trong các tầng lớp nhân dân; tiếp đến phong trào xin “xâu”, chống đi phu, chống thuế lên đến đỉnh cao dẫn đến cuộc biểu tình bạo động với quy mô toàn phủ tối ngày 30.3.1908, có trên 3.000 người khắp nơi kéo về bao vây phủ đường Tam Kỳ đòi hỏi tội Đề đốc Trần Tuệ. Sau cuộc biểu tình, địch đàn áp dã man phong trào, nhà yêu nước Trần Thuyết- người dẫn đầu cuộc biểu tình và một số sĩ phu yêu nước khác bị bắt, kết án tử hình, đày ra Côn Đảo và các nhà lao. Mặc dù bị địch đàn áp dã man, nhân dân Núi Thành quyết không chịu khuất phục. Những năm 1915- 1916, nhân dân huyện nhà tham gia tích cực phong trào Việt Nam Quang phục Hội do Thái Phiên, Trần Cao Vân lãnh đạo, đến phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu (1925), để tang cụ Phan Châu Trinh (1926), phong trào đòi dân sinh, dân chủ; đấu tranh của công nhân, nông dân chống lại sự bất công, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến đến cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi- khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa… Mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều chí sỹ yêu nước, trung kiên, tên tuổi và sự nghiệp của họ gắn liền với trang sử vẻ vang của dân tộc và của Đảng bộ. Cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do cho dân tộc hơn 2/3 thế kỷ đã để lại nhiều bài học quý báu về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường dân tộc và sự hy sinh của các chí sỹ yêu nước,quần chúng trung kiên là nguồn động viên vô giá để nhân dân huyện nhà vững tin trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, giải phóng quê hương dưới sự lãnh đạo của Đảng qua các thời kỳ lịch sử tiếp theo.

2. Quá trình vận động thành lập các chi bộ Đảng ở Tam Kỳ (1925-1933)

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta và từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam, biến một quốc gai phong kiến trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Phát huy truyền thống yêu nước, các phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống lại sự thống trị của thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi nhưng do thiếu đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên phong trào lần lược bị thất bại.

Giữa lúc đó, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ( tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Sau nhiều năm hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài, chủ nghĩa Mác - Lênin từng bước xâm nhập vào Việt Nam, Quảng Nam nói chung, Tam Kỳ - Núi Thành nói riêng. Một số người con của quê hương ra học ở Huế đã nhanh chóng tiếp thu tư tưởng vô sản thông qua tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên.

Cùng với sự phát triển của phong trào toàn tỉnh, nhất là sau cuộc bãi khóa năm 1927 tại Huế, đồng chí Đỗ Quang (người huyện Quế Sơn), được dự khóa huấn luyện tại Quảng Châu (Trung Quốc) về đứng ra vận động thành lập Ban Vận động Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tỉnh Quảng Nam. Tiếp thu tinh thần và phong trào toàn tỉnh, đầu năm 1928, tại Tam Kỳ, đồng chí Khưu Thúc Cự, Nguyễn Thế Khải, Hồ Đắc Thành, Phan Kỉnh… thành lập một nhóm thanh niên hoạt động cách mạng theo tôn chỉ, mục đích của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, thông qua tủ sách “Chiêu anh thư quán” tại thị trấn Tam Kỳ, nhóm thanh niên đã tích cực truyền bá tư tưởng vô sản trong lớp thanh niên tiên tiến và những người lớn tuổi đã từng hoạt động trong các phong trào yêu nước trước đó, chuẩn bị cho việc thành lập chính thức tổ chức của Hội.

Bên cạnh hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, ở huyện còn có tổ chức Tân Việt cách mạng đảng, gọi tắt là Đảng Tân Việt. Đây thực chất là tổ chức chịu ảnh hưởng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, thành lập tháng 12 năm 1926, nhưng họat động của Đảng Tân Việt không ảnh hưởng bằng Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Sự hoạt động và ảnh hưởng của nhóm thanh niên Cách mạng ở nội ô thị trấn Tam Kỳ đã lan rộng và phát triển mạnh đến vùng An Hòa (một số xã phía Đông của huyện Núi Thành ngày nay). Năm 1929, Hồ Đắc Thành, Phan Cự Hải lập ra nhóm thanh niên hoạt động cách mạng tại Bàn Than (thôn Hòa Thuận, xã An Hòa, nay là thôn Thuận An, xã Tam Hải), gồm các ông Võ Minh, Trần Học Giới, Lương Hợp Phố (Lương Học Thực, còn có tên là Ngạt). Sau khi ra đời, nhóm thanh niên dựa vào các tổ chức biến tướng như: Hội Đồng dân trồng dừa, hội bóng đá, hội truyền bá văn thơ của các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, đọc sách báo mới để tuyên truyền, khêu gợi lòng yêu nước và tư tưởng cách mạng theo học thuyết Mác - Lênin (chủ nghĩa Cộng sản), đến năm 1932, nhóm cách mạng này chuyển thành nhóm Cứu tế đỏ.

Bên cạnh sự hoạt động của các hội viên trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, năm 1927- 1929 ở địa phương còn xuất hiện nhóm hoạt động yêu nước của các cụ Nguyễn Kế, Nguyễn Chỉ, Võ Dương, Trần Xán, Đào Quang Hiển… là những người tích cực trong các phong trào đấu tranh yêu nước, có tư tưởng cách mạng quốc gia, từng bị ở tù dưới chế độ thực dân do tham gia cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội (1916), các cụ đã lập ra các Hội buôn bán nông lâm sản và thông qua hội này để liên kết những người yêu nước, vận động nhân dân đấu tranh chống chế độ thống trị của bọn thực dân Pháp. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, hầu hết thành viên của nhóm đều nhanh chóng chuyển theo đường lối cách mạng vô sản và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giữa lúc phong trào cách mạng trong toàn tỉnh và huyện đang có chiều hướng phát triển. Đầu tháng 6.1929, Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nhận được tin, trong Đại hội của Tổng hội Việt Nam cách mạng thanh niên có sự phân liệt, nhiều nơi xuất hiện truyền đơn kêu gọi thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng và hô hào hội viên Hội Việt Nam CMTN gia nhập Đảng. Ngày 17.6.1929, thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ và tiếp theo đó, tháng 9.1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản đảng Quảng Nam được thành lập. Tỉnh ủy lâm thời có các đồng chí Phan Văn Định, Phạm Thâm, Nguyễn Thái do đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư.

Sự xuất hiện ba đảng cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) phản ánh xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam. Nhưng sự hoạt động của ba đảng cộng sản trong một nước sẽ phát sinh mâu thuẫn, làm hạn chế sự phát triển của phong trào cách mạng cả nước, đòi hỏi có sự lãnh đạo thống nhất, cần có một tổ chức cộng sản cao hơn, đủ uy tín đứng ra giải quyết tình trạng phân tán về lãnh đạo cách mạng. Tổ chức Quốc tế cộng sản, Người lãnh tụ có uy tín và tài năng được Quốc tế cộng sản giao phó hợp nhất ba đảng là đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Ngày 03.2.1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản đã họp ở Cửu Long, gần Hương Cảng (Trung Quốc). Một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức ra đời.

Tại Quảng Nam, sau khi được tin Hội nghị hợp nhất Đảng thắng lợi, Tỉnh bộ lâm thời Đông Dương Cộng sản Quảng Nam thống nhất chủ trương hợp nhất của Trung ương Đảng.

Ngày 28.3.1930, Ban Chấp hành lâm thời Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam ra Thông cáo về việc thành lập Đảng bộ và công bố: Từ nay chỉ có một Đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn đường cho công nhân, nông, binh, nhân dân bị áp bức đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ tỉnh gồm 3 đồng chí: Phan Văn Định, Phạm Thâm và và Nguyễn Thái do đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư, đồng chí Phạm Thâm làm Phó Bí thư.

Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, chứng tỏ chủ nghĩa Mác- Lênin đã được tuyên truyền khá sâu rộng trong phong trào cách mạng toàn tỉnh; đặc biệt, sự ra đời của Đảng bộ tỉnh đã giúp cho các địa phương, nhất là những thanh niên yêu nước, những đảng viên thuộc thế hệ đầu tiên kịp thời nắm bắt chủ trương, chuyển hướng hoạt động, thành lập các tổ chức đảng cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng.

Tháng 5.1930, tại chùa Ông (phường Phước Hòa, Thành phố Tam Kỳ), chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Tam Kỳ được thành lập, gồm 3 đồng chí: Hồ Bằng, Phan Kỉnh và Tư Định, do đồng chí Tư Định làm Bí thư, sau đó phát triển thêm đồng chí Khưu Thúc Cự và Hồ Đắc Thành vào Đảng. Đến tháng 10 năm 1930, Quảng Nam xảy ra cuộc khủng bố của giặc, chúng bắt giam nhiều đảng viên và quần chúng cách mạng, phá vỡ nhiều tổ chức cở sở đảng mới nhen nhóm thành lập. Riêng ở Tam Kỳ, Chi bộ chỉ có 5 đảng viên thì đã bị bắt và kết án 3 người, chi bộ phải tạm thời ngừng hoạt động, một số đảng viên còn lại phải tự liên lạc với nơi khác để tiếp tục lãnh đạo phong trào.

Sau vụ bể vỡ tháng 10.1930, phong trào cách mạng toàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn thì ở vùng An Hòa và các xã phía Nam của Phủ Tam Kỳ được sự cổ vũ từ phong trào cách mạng Quảng Ngãi. Đầu năm 1932, nhóm thanh niên cách mạng Bàn Than được đồng chí Hồ Đắc Thành, Phan Kỉnh ra tù về bắt liên lạc và chỉ đạo chuyển thành tổ Cứu tế đỏ (1) (nơi bồi dưỡng quần chúng để kết nạp vào Đảng), hoạt động của nhóm theo Điều lệ và Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt Nam). Tổ gồm có 4 người, do Võ Minh phụ trách, sau thời gian hoạt động tích cực, tổ Cứu tế đỏ Bàn Than đã thành lập được 14 tổ cứu tế đỏ ở các xã, với 70 hội viên. Nội dung hoạt động chủ yếu là học tập, thảo luận Chương trình, Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương, Đệ Tam Quốc tế, tiểu sử Stalin, tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, vận động ủng hộ, quyên góp tài chính giúp đỡ những đảng viên, hội viên bị địch bắt giam trong các nhà tù; in tài liệu tuyên truyền và phát triển tổ chức hội.

Trước sự phát triển của các tổ chức Cứu tế đỏ, số lượng hội viên ngày càng đông, yêu cầu phải có một tổ chức đảng để lãnh đạo phong trào là nhu cầu bức thiết của cách mạng địa phương. Sau một thời gian nắm bắt tình hình, đồng chí Võ Minh, Trần Học Giới bắt được liên lạc với Tỉnh ủy Quảng Ngãi, và được sự giúp đỡ nhiệt tình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ngày 02.12.1932, tại rừng dừa Đồng Dân, thôn Hòa Thuận (nay thôn Thuận An), xã An Hòa (Tam Hải) chi bộ An Hòa được thành lập, lấy tên là “Quang Ánh Minh”; chi bộ gồm 3 đảng viên: Võ Minh, Trần Học Giới và Lương Hợp Phố, do đồng chí Võ Minh làm Bí thư; đến tháng 4 năm 1934, được công nhận chi bộ chính thức, do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi trực tiếp chỉ đạo.

Như vậy, chỉ hơn một tháng, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03.2.1930); Đảng bộ lâm thời tỉnh Quảng Nam được thành lập (tháng 3.1930). Và chỉ sau hai tháng (5.1930), một chi bộ đảng (Chùa Ông) ra đời ở Tam Kỳ. Sự ra đời chi bộ đảng ở Chùa Ông, Tam Kỳ, bắt nguồn từ truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần chống áp bức, bóc lột, bất công của nhân dân huyện nhà. Yêu nước nồng nàn, yêu nước chân chính tất yếu dẫn đến chủ nghĩa cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm tổng kết: Trong thời đại mới, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Sự ra đời của chi bộ cộng sản ở Tam Kỳ- thể hiện xu thế phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam; đã sớm đưa phong trào cách mạng ở Tam Kỳ hòa nhịp với phong trào cách mạng chung của toàn tỉnh Quảng Nam và cả nước.

Đặc biệt, trong thời gian bị địch vay ráp, khủng bố, đàn áp khốc liệt nhưng tại mảnh đất này vẫn thành lập được một tổ chức Đảng. Chi bộ An Hòa ra đời (02.12.1932), đánh dấu một bước phát triển mới, sự khôi phục sớm của phong trào cách mạng ở địa phương, góp phần vào sự ra đời của phủ ủy Tam Kỳ, đóng góp tích cực khôi phục Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam và phong trào cách mạng toàn tỉnh. Đồng thời, qua thực tiễn phong trào cách mạng đã xác định vị trí tổ chức Đảng ở Tam Kỳ trong tiến trình cách mạng của tỉnh Quảng Nam.



3. Hoạt động của chi bộ An Hòa và sự ra đời Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ.

Trước sự tuyên truyền, vận động tích cực của các đảng viên trong chi bộ An Hòa, nhất là tập trung xây dựng các tổ chức Cứu tế đỏ - tổ chức “dự bị cộng sản”, nơi để các thanh niên yêu nước và tiến bộ rèn luyện đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho lực lượng quần chúng cách mạng. Đến tháng 4.1933, chi bộ An Hòa kết nạp thêm 6 đảng viên, phát triển 3 tổ Đảng, giác ngộ được hàng chục thanh niên vào tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh chống bọn lý hương, cường hào bóc lột, gian lận trong việc thu thuế, tăng thuế, bày vẽ tệ nạn “xôi thịt” cẩn biếu, cúng tế, mê tín, dị đoan, đời sống nhân dân đã đói khổ càng thêm bần cùng… sự lãnh đạo của chi bộ An Hòa, nhất là thắng lợi ban đầu qua các cuộc đấu tranh đã lan tỏa đến các làng, xã chung quanh An Hòa như làng Vân Trai (Tam Hiệp), Tịch Tây (Tam Nghĩa), Phú Xuân Hạ (Tam Quang)… Chứng tỏ “chủ nghĩa cộng sản” đã lan ra các xã, tác động, cổ vũ phong trào đấu tranh của giai cấp nông dân, công nhân, dẫn đến một số cuộc đấu tranh tự phát của nhân dân lao động chống tệ “xôi thịt”, cẩn biếu và thái độ cường hào của bọn lý hương trong làng, của công nhân chống lại bọn chủ tư sản Pháp. Trong đó, điển hình là cuộc đấu tranh “phá chay” mấy ngày liền của nhân dân làng Phú Xuân Hạ (Tam Quang), của công nhân làm đường xe lửa đoạn Trà Lý- Bích Ngô và ga Trường Xuân (Tam Kỳ) bãi công, đòi giảm giờ làm, phát lương đúng kỳ… những cuộc đấu tranh tự phát, tuy còn hạn chế về quy mô và tổ chức nhưng chứng tỏ có sự ảnh hưởng, lãnh đạo của các đảng viên trong chi bộ An Hòa.

Việc mở rộng phạm vị hoạt động của chi bộ cùng với phong trào đấu tranh công nhân nổ ra liên tục, chi bộ An Hòa không đủ khả năng lãnh đạo, cần có một tổ Đảng cao hơn, lãnh đạo phạm vị rộng hơn, nhất là yêu cầu thành lập lại Tỉnh ủy Quảng Nam để lãnh đạo trong toàn tỉnh. Trước tình hình bức thiết và hội đủ điều kiện để thành lập một tổ chức đảng cao nhất của tỉnh; thực hiện sự chỉ đạo của Miền ủy miền Đông Nam bộ, đầu năm 1933, Chi bộ An Hòa tổ chức cuộc Hội nghị tại rừng Định Phước (xã Tam Nghĩa), để kiểm điểm tình hình, bàn nhiệm vụ công tác mới của chi bộ. Nhưng khi vào Hội nghị, nội dung đã chuyển sang bàn và quyết định thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam (có thể xem đây là một lần Đại hội thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, sau vụ khủng bố tháng 10.1930), Tỉnh ủy lâm thời mới có ba đồng chí: Võ Minh- Bí thư, Lương Hợp Phố- phụ trách tuyên huấn và đồng chí Trần Học Giới- phụ trách liên lạc, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng miền Nam Trung kỳ, ra tờ báo “Cờ đỏ” để tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng. Bắt đầu từ đó, các cơ sở Đảng còn lại ở các phủ huyện trong tỉnh cũng được chắp nối. Nhiều nơi đã lập lại công hội đỏ, nông hội đỏ, cứu tế đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn và phụ nữ cảm tình cộng sản.

Việc ra đời chi bộ An Hòa và Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam (lần thứ hai, năm 1933) trên đất Núi Thành, trong khi các phủ huyện trong tỉnh chưa có nơi nào xây dựng lại các tổ chức Đảng trong vụ bể vỡ tháng 10 năm 1930, Núi Thành đã trở thành “cái nôi, bàn đạp” của cách mạng tỉnh Quảng Nam.

Được sự giúp đỡ, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, chỉ trong thời gian ngắn ở các xã Xuân Quang (Tam Quang), Diêm Trường (Tam Giang), Vân Trai (Tam Hiệp), Phú Quý Đại (Tam Mỹ Đông), Thạnh Trung (Tam Mỹ Tây)… đã thành lập được chi bộ Đảng để lãnh đạo quần chúng nhân dân.

Trước sự phát triển của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và yêu cầu của phong trào cách mạng địa phương,Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam quyết định thành lập Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ. Ngày 15 tháng 8 năm 1933, tại rừng Định Phước (Tam Nghĩa), Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ được thành lập, gồm các đồng chí Phan Truy, Nguyễn Phùng và Đào Thuần Thăng, do đồng chí Phan Truy làm Bí Thư, nhiệm vụ chủ yếu của Phủ ủy lúc này là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển tổ chức Đảng và quần chúng trong toàn phủ, đồng thời tổ chức học tập nâng cao nhận thức về chủ nghĩa cộng sản và về nhiệm vụ của Đảng bộ. Đến tháng 6 năm 1934, Phủ ủy tổ chức cuộc họp tại thôn 3, xã An Hòa (Tam Hải) để kiểm điểm tình hình và bàn kế hoạch tiếp tục phát triển tổ chức Đảng và quần chúng ở những xã chưa có chi bộ, tuyên truyền phát huy ảnh hưởng Đảng trong quần chúng, vận động tài chính cho Đảng. Hội nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Phùng làm Bí thư thay cho đồng chí Phan Truy- Hội nghị này được xem là Đại hội đầu tiên của Đảng bộ huyện Núi Thành, Phú Ninh và thành phố Tam Kỳ hiện nay.

Sự ra đời của Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ là mốc lịch sử quan trọng, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở địa phương vượt qua khó khăn, thử thách để phát triển đi lên, hòa cùng phong trào cách mạng chung của toàn tỉnh và của cả nước, thực hiện cuộc cách mạng đấu tranh dân tộc dân chủ dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

II. Đảng bộ Núi Thành - 80 năm xây dựng và phát triển (1933-2013)

1. Đảng bộ Núi Thành trong công cuộc đấu tranh giành chính quyền (1933-1945)

Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ đã tập trung cho công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên ra toàn huyện. Nhờ đó, ở các xã Tam Hải, Tam Quang, Tam Giang, Tam Hiệp, Tam Nghĩa, Tam Mỹ, Tam Xuân… nơi nào cũng có từ 2-3 đảng viên, một số xã thành lập được chi bộ Đảng và các tổ chức quần chúng cách mạng như: Nông hội đỏ, Ngư hội đỏ, Công hội đỏ; các tổ chức biến tướng như: hội tế bần sĩ (hội giúp học trò nghèo), hội Đồng dân trồng dừa, trồng dương liễu, hội trợ tang và các nhóm đọc sách báo tiến bộ, thu hút hàng trăm thanh niên tham gia. Thông qua các hình thức biến tướng này để tuyên truyền đường lối của Đảng cho quần chúng nhân dân, tổ chức nhân dân đấu tranh chống lại chế độ thực dân, phong kiến, đòi quyền tự do, dân sinh, dân chủ. Sự hoạt động của các đảng viên và tổ chức quần chúng, nhất là việc tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản đã tác động mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là khêu gợi tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự cường dân tộc. Trong đó, qua các cuộc đấu tranh đòi bãi bỏ thuế chợ, thuế nhà, thuế đò, thuế muối, thuế thân, thuế ba tăng; đòi phóng thích tù chính trị, phản đối việc khám xét, lùng bắt những người làm cách mạng; đòi bãi bỏ tổ chức đoàn phu, tộc biểu; đòi tự do đi lại, lập hội; đòi thành lập chính phủ công nông binh; tịch thu tài sản của địa chủ chia cho dân cày; ủng hộ Liên bang Xô Viết, ủng hộ cách mạng Trung Hoa. Hoặc những cuộc đấu tranh thuần túy do giai cấp công nhân tổ chức đòi tăng lương giảm giờ làm, chống sa thải, cứu tế người thất nghiệp. Nông dân đòi giảm tô, giảm tức, hoãn nợ khi mất mùa, bỏ lễ mồng 5, ngày tết cho chủ điền; vận động phong trào chống tệ cúng tế, xôi thịt, cẩn biếu của lý hương, chức sắc; chống thái độ hách dịch ức hiếp dân của bọn cường hào, tay sai Pháp và Nam triều… được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, chứng tỏ sự ra đời và lãnh đạo của Phủ ủy đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân toàn huyện.

Trong những năm 1934 -1935, Đảng bộ tuy chưa phát động, tổ chức được phong trào đấu tranh sôi nổi với quy mô lớn, nhưng thông qua các hình thức vận động cách mạng đã diễn ra nhiều vụ đấu tranh dưới nhiều hình thức, mức độ chống áp bức, bóc lột khá sâu sắc, làm cho bọn lý hương, cường hào tay chân của thực dân Pháp không dám hống hách như trước. Tuy nhiên, đến đầu năm 1935, phong trào cách mạng của huyện một lần nữa bị địch đánh phá. Những năm 1936-1939, Đảng bộ được khôi phục và lãnh đạo thành công nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ; trong đó phải kể đến: phong trào Vận động Đông Dương Đại hội, phong trào đón phái bộ Gô - đa sang điều tra tình hình Đông Dương, vận động tranh cử cho Phan Thanh, Đặng Thai Mai vào viện dân biểu Trung Kỳ… càng thể hiện năng lực lãnh đạo tài tình của Phủ ủy, khi Đảng ta còn trong thời hoạt động bí mật, những thắng lợi ban đầu đó đã góp phần vào thắng lợi chung của cả tỉnh, cả nước.

Những năm 1939-1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (9.1939), Anh, Pháp tuyên chiến với Đức; Pháp bại trận và đầu hàng Đức không điều kiện (6.1940). Ngày 23.9.1940, Pháp dâng Đông Dương cho Nhật, nhân dân Đông Dương phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” áp bức bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Ở Việt Nam chúng thực hiện chính sách thời chiến, khủng bố trắng các cuộc đấu tranh của nhân dân và mọi hình thức hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, xóa bỏ các quyền tự do dân chủ tối thiểu mà nhân dân ta giành được trong thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939); cấm hội họp, giải tán các tổ chức nghiệp đoàn, hội ái hữu… Tăng cường lực lượng tay sai, lực lượng đoàn phu, phát triển mạng lưới mật thám, chỉ điểm, dựng thêm điếm canh, tiến hành khám xét, bắt bớ cán bộ, đảng viên; về kinh tế, bằng mọi cách, chúng tiến hành vơ vét sức người, sức của để phục vụ chiến tranh làm cho đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Lòng căm thù và ý thức dân tộc một lần nữa lại trổi dậy mạnh mẽ trong lòng mọi người dân Việt Nam.

Cuối năm 1940 đầu 1941, tình hình trong nước có những chuyển biến mới, các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (9.1940), Nam Kỳ (11.1940) và binh biến Đô Lương (01.1941) nổ ra. Ở Quảng Nam và Phủ ủy Tam Kỳ liên tiếp tổ chức các cuộc Hội nghị quán triệt Nghị quyết của Trung ương Đảng lần thứ sáu (11.1939) và lần thứ tám (5.1941), nhằm xác định kẻ thù trực tiếp, đề ra phương pháp đấu tranh cách mạng, thành lập Mặt trận phản đế, Đồng Minh nhằm tập hợp mọi lực lượng yêu nước, đánh đổ đế quốc Pháp, chống ách ngoại xâm.

Trên cơ sở đường lối của Đảng, nhất là quán triệt Nghị quyết, Chương trình, Điều lệ của Mặt trận Việt Minh, Thư kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Phủ ủy đã tập trung xây dựng tổ chức, phát triển lực lượng, làm cho phong trào cách mạng của địa phương phát triển tương đối đều khắp ra toàn huyện. Những cuộc mittinh tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhằm phổ biến tình hình trong nước, thế giới, phát huy ảnh hưởng và ủng hộ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Đô Lương, Nam Kỳ để phát động tinh thần yêu nước, giải thích đường lối cứu nước; Đảng bộ còn lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống bắt phu, chống lệnh phá lúa trồng đậu phụng, chống lệnh cấm làm nuối hoặc đấu tranh đòi bầu cử lại lý trưởng, đưa đảng viên, quần chúng cách mạng vào nắm bộ máy chính quyền cơ sở… nhằm hạn chế việc thực hiện các chính sách khủng bố, bóc lột của địch, tạo thuận lợi cho hoạt động của cách mạng và cuộc sống của nhân dân.

Tuy nhiên, trong 5 năm lãnh đạo (1939-1944), chuẩn bị các điều kiện thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng bộ gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, đã 5 lần bị địch khủng bố ác liệt (lần thứ nhất 7.1939, lần thứ hai 10.1939, lần thứ ba 4.1941, lần thứ tư 8.1942, lần thứ năm 12.1943). Trong đó, vụ khủng bố năm 1942, đã gây nên những tổn thất rất lớn về lực lượng và tổ chức đảng, hầu hết cán bộ lãnh đạo của Đảng các cấp bị bắt, nhiều cấp ủy tan rã, làm cho tư tưởng đảng viên và quần chúng có những diễn biến phức tạp... Nhưng với tinh thần triệt để cách mạng, ý chí không chịu khuất phục trước hành động tàn bạo của kẻ thù, nhiều cán bộ, đảng viên đã sáng tạo những hình thức hoạt động bí mật, kiên trì bám dân, sát cơ sở và được quần chúng nuôi dấu, bảo vệ. Vì thế, mặt dù nhiều lần bị đánh phá ác liệt, tổ chức bị bể vỡ nhưng sau đó đều được khôi phục lại nhanh chóng và càng về sau càng vững chắc hơn; Đảng bộ trở thành địa bàn đứng chân, chỗ dựa vững chắc của nhiều cán bộ thoát ly các cấp và nơi làm việc của cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam trong giai đoạn khó khăn nhất của cách mạng toàn tỉnh. Và trong cuộc đấu tranh này đã xuất hiện nhiều tấm gương đảng viên trung kiên, quần chúng gan dạ trước sự khai thác tàn bạo của quân thù.

Bước vào năm 1944, tình hình thế giới và trong nước chuyển biến có lợi cho cách mạng, quân Đồng Minh liên tục phản công quân Nhật; ở Đông Dương mâu thuẫn Nhật -Pháp ngày càng sâu sắc, những cuộc xung đột giữa quân Nhật và quân Pháp ở Việt Nam được lan truyền khắp nơi. Bộ máy cai trị của địch ở địa phương bắt đầu dao động, quần chúng trông chờ sự lãnh đạo của Đảng.

Từ tháng 5.1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Trong nước, thế và lực của Mặt trận Việt Minh lớn mạnh nhanh chóng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân hoạt động thu nhiều kết quả; giữa lúc đó Tỉnh ủy Quảng Nam, Phủ ủy Tam Kỳ liên lạc được với Trung ương và nhận được Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Thường vụ Trung ương Đảng. Đầu tháng 7.1945, Phủ ủy tổ chức Hội nghị mở rộng tại làng Thọ Khương (Tam Hiệp), quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng; khẩn trương tập hợp đảng viên, mở rộng các tổ chức đoàn thể cứu quốc và Mặt trận Việt Minh, phát triển lực lượng tự vệ, tổ chức huấn luyện và trang bị vũ khí. Tuyên truyền, kêu gọi quần chúng đấu tranh chống xâu, chống thuế, vơ vét lúa gạo, đậu phụng của bọn Nhật để tạo phong trào, khí thế cách mạng. Cùng với việc tuyên truyền và công tác xây dựng lực lượng cách mạng quần chúng, cuối tháng 7.1945, Phủ ủy thành lập đội “Tuyên truyền tấn phát xung phong”, tổ chức mittinh, nói chuyện với nhân dân, vạch trần chính sách lừa bịp, mị dân của Nhật và chính phủ bù nhìn, kêu gọi toàn dân nổi dậy khởi nghĩa cướp chính quyền.

Đầu tháng 8.1945, mọi hoạt động của ta hầu như công khai, bộ máy ngụy quyền cấp xã hầu như tê liệt, phần đông lý hương có xu hướng theo Việt Minh, hưởng ứng các hoạt động của cách mạng.

Từ sau ngày 8.8.1945, cao trào kháng Nhật cứu nước do Đảng lãnh đạo ngày càng mạnh mẽ và lan rộng, đội “Du kích Vũ Hùng” của tỉnh cũng được thành lập trên vùng đất An Hòa… những điều kiện khởi nghĩa giành chính quyền đã chín muồi.

Trước tình hình đó, ngày 15.8.1945, Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp tại Khương Mỹ (Tam Xuân 1), bàn kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện đón thời cơ nổi dậy cướp chính quyền.

Cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Quảng Nam bắt đầu từ Hội An vào đêm 17 rạng ngày 18.8.1945 và nhanh chóng giành thắng lợi ở Tỉnh lỵ, sau đó lệnh khởi nghĩa được cấp tốc truyền đến các địa phương; Tại Tam Kỳ, đêm 18.8, lệnh khởi nghĩa của Ủy ban bạo động Phủ đã đến các xã, riêng một số xã cánh Nam của huyện, vào chiều ngày 18.8, cuộc khởi nghĩa đã bắt đầu nổ ra ở một số làng. Trước hết là xã Vân Trai, Thọ Khương (Tam Hiệp), nhân lúc đội tuyên truyền xung phong và lực lượng tự vệ đang tập trung huấn luyện tại rừng Thọ Khương nghe tin Hội An khởi nghĩa liền tung lực lượng đi lùng bắt số lý hương, cường hào, những tên mật thám, chỉ điểm đưa về giam tại trường học Vân Trai. Tiếp theo Vân Trai, Thọ Khương là các xã thuộc Tổng An Hòa cũng tiến hành nổi dậy bắt cường hào, huy động nhân dân dọc quốc lộ 1 hạ cây cản đường và kéo đi đập phá các xích hậu, điểm canh, cắt đường điện thoại dọc đường sắt và 19 giờ cùng ngày, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Thanh Hải, Phan Quang Trọng (cán bộ Tỉnh ủy); đồng chí Huỳnh Thanh (cán bộ Phủ ủy), quần chúng và lực lượng tự vệ các xã Diêm Trường (Tam Giang), Xuân Quang (Tam Quang), Thọ Khương, Vân Trai (Tam Hiêp) kéo xuống bao vây chiếm đồn thương chánh Hiệp Hòa. Đến 18 giờ ngày 18.8.1945, hầu hết các xã của Tổng An Hòa, Đức Hòa chính quyền đã thuộc về tay nhân dân.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 18.8.1945 ở huyện đã góp phần cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, mở ra một trang sử mới trong lịch sử dân tộc.



2. Đảng bộ Núi Thành trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975).

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Phủ ủy từ hoạt động bí mật chuyển sang hoạt động công khai với những nhiệm vụ mới và nặng nề. Đảng bộ vừa củng cố phát triển tổ chức Đảng, vừa lãnh đạo nhân dân trong phủ xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện các chủ trương của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh; chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Ngày 19.12.1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Núi Thành là vùng tự do, ngoài vùng kiểm soát của địch, nhiệm vụ của Đảng bộ là tập trung xây dựng hậu phương vững chắc, tích cực chi viện cho tiền tuyến, cùng với tỉnh đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của quân Pháp, kèm chân chúng ở Đà Nẵng, Hòa Vang. Đến tháng 6.1947, buộc chúng phải dừng chân ở sát bờ Nam sông Thu Bồn. Từ đây, Đảng bộ huyện lãnh đạo nhân dân vừa đẩy mạnh xây dựng vùng tự do vững mạnh vừa xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ chống địch càn quét, lấn chiếm, đánh phá, ổn định đời sống nhân dân, góp phần cùng nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ- ne - vơ, thừa nhận nền độc lập của ba nước Việt Nam, Lào, Camphuchia.

Theo Hiệp định Giơ- ne-vơ, Núi Thành do địch tạm thời kiểm soát, sau hai năm sẽ tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Bước ngoặt này đặt ra cho Đảng bộ nhiều thách thức mới: vừa sắp xếp, tổ chức lại hệ thống tổ chức Đảng, hoàn thành việc chuyển quân tập kết, vừa lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi địch nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơ- ne- vơ. Tuy vậy, bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm được Mỹ giúp sức đã ngang nhiên vi phạm trắng trợn nội dung Hiệp định, tiến hành đàn áp dã man phong trào cách mạng của nhân dân ta. Hàng trăm đảng viên bị sát hại, nhiều tổ chức Đảng bị đánh phá hoặc phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, trong hy sinh, tổn thất, nhiều cán bộ, đảng viên đã giữ phẩm chất cao quý của người cộng sản, đấu tranh kiên quyết với kẻ thù. Đảng bộ vẫn vững vàng lãnh đạo phong trào, giữ gìn lực lượng để từng bước khôi phục, vực dậy và đi lên.

Sự tàn bạo của Mỹ- Diệm thúc đẩy nhân dân miền Nam phải cầm vũ khí chống lại, để đáp ứng nhu cầu của lịch sử, tháng 01 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 15 ra Nghị quyết khẳng định: Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ. Con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Phương pháp cách mạng là đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.

Giữa năm 1959, Nghị quyết 15 của Trung ương về đến Quảng Nam, tháng 6 năm 1959, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị quán triệt; tháng 7 năm 1959, tại nóc Ông Bền, xã Zút, huyện Trà My, Huyện ủy tổ chức hội nghị tiếp thu, xây dựng kế hoạch hành động của Đảng bộ. Đặc biệt, để phổ biến rộng rãi Nghị quyết 15 trong toàn Đảng bộ, với phương pháp học tập “nứt nhánh”- cán bộ, đảng viên tiếp thu trước truyền đạt cho cơ sở, lực lượng cốt cán và từ lực lượng cốt cán tiếp tục phổ biến tới các đối tượng quần chúng trung kiên, lan dần đến quần chúng rộng rãi… được Nghị quyết 15 soi sáng, Huyện ủy tổ chức rút thanh niên trong vùng địch kiểm soát đưa lên căn cứ mở lớp học tập, huấn luyện quân sự, chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng.

Tháng 11 năm 1959, Đội vũ trang tuyên truyền được thành lập, nhiệm vụ chủ yếu của Đội là vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng và tổ chức chiến đấu tiêu diệt địch.

Với những cố gắng không biết mệt mỏi, vượt qua muôn ngàn khó khăn thử thách, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, từ tháng 3 năm 1960, đội vũ trang bắt đầu tiến hành các hoạt động vũ trang tuyên truyền vào các thôn giáp ranh miền núi thuộc các xã Kỳ Sanh (Tam Mỹ), Kỳ Khương (Tam Hiệp), tổ chức tiêu diệt một số tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân, tiến lên đột nhập vào các vùng địch kiểm soát như chợ Cà Đó (Tam Mỹ), Chợ Trạm (Tam Hiệp), An Tân (thị trấn Núi Thành)… tiếng súng diệt ác và các đợt vũ trang tuyên truyền đã gây được tiếng vang, phát triển thanh thế cách mạng, làm chuyển biến phong trào, khơi dậy niềm tin trong nhân dân và bước đầu làm rung chuyển bộ máy tề ngụy trên khắp địa bàn huyện.

Khi phong trào cách mạng được khôi phục và phát triển, Liên Khu ủy 5 quyết định đẩy mạnh tiến công địch cả về chính trị và quân sự, nhằm củng cố và mở rộng căn cứ địa cách mạng ở miền núi, phát động và tổ chức quần chúng phá thế kèm ở đồng bằng. Thánh 9 năm 1960, Liên Khu ủy thành lập Mặt trận 32A, chỉ đạo mở rộng căn cứ bàn đạp, tiến xuống đồng bằng, thiết lập đường dây liên lạc và mở các cửa khẩu thu mua lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ cho chiến trường Liên khu 5. Thực hiện chủ trương của Khu ủy, Đảng bộ đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Mặt trận 32 A, tập trung mở rộng căn cứ bàn đạp, đẩy mạnh công tác phá kèm, giành quyền làm chủ nông thôn, đồng bằng, phát triển cơ sở, thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên.

Tháng 10.1960, đội vũ trang tuyên truyền thọc sâu xuống xã Kỳ Xuân (Tam Giang), phá banh mâm hội đồng, thu 10 khẩu súng, sau đó tiến lên xã Kỳ Khương rải truyền đơn, treo cờ đỏ sao vàng dọc tuyến quốc lộ 1A, đoạn từ cầu An Tân đến cầu Tam Kỳ… Những hoạt động táo bạo, bất ngờ và thắng lợi liên tiếp, đội vũ trang tuyên truyền huyện càng tăng thêm thanh thế, quần chúng nhân dân tin tưởng, phấn khởi trước sự phát triển của cách mạng địa phương, báo hiệu thời điểm chấm dứt giai đoạn “tạm thời ổn định” của ngụy quyền, đánh dấu sự thất bại của chính quyền tay sai độc quyền phát xít Ngô Đình Diệm.

Để đối phó với phong trào cách mạng miền Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ tay sai, tăng cường phát triển quân ngụy, trang bị phương tiện chiến tranh hiện đại, dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ; thực hiện chính sách “bình định”, gom dân, lập ấn chiến lược, hòng dập tắt phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân và sự chi viện từ miền Bắc cho cách mạng miền Nam.

Cách mạng miền Nam nói chung, phong trào cách mạng huyện nhà đứng trước thử thách nghiêm trọng. Song, Đảng bộ đã thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, nhiệm vụ cấp bách mà Đảng giao cho cách mạng miền Nam là: giữ vững, mở rộng vùng giải phóng, vùng làm chủ, quyết tâm đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch. Với phương châm đấu tranh “ hai chân ba mũi giáp công”, đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, tiến công địch trên cả hai mặt chính trị và quân sự; xây dựng căn cứ, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh.

Từ năm 1960-1964, mặc dù địch đã tăng cường dày đặt các đồn bót, triển khai nhiều đơn vị lính cộng hòa, bảo an, biệt kích, thám báo, thành lập tổng đoàn dân vệ, lực lượng thanh niên chiến đấu… thường xuyên tổ chức các đợt càn quét, đánh phá cơ sở; chúng lựa chọn những tên ác ôn, những người có tư tưởng chống cộng đưa vào nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy ngụy quyền địa phương… để kèm kẹp, chống phá phong trào cách mạng.

Trước việc địch tăng cường lực lượng đánh phá phong trào cách mạng, Huyện ủy quyết định tổ chức lực lượng chủ động tấn công nhằm hạ uy thế của chúng, vận động nhân dân nổi dậy giải phóng những nơi có điều kiện thuận lợi, thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng căn cứ vững chắc để đảm bảo chiến đấu lâu dài. Tháng 6.1961, ta tiến hành vũ trang tuyên truyền vào thôn Tứ Mỹ (xã Kỳ Sanh), bắt 3 tên ác ôn; ngày 31.8.1961, tại thôn Tứ Mỹ, ta tổ chức tấn công bọn ngụy quân, ngụy quyền, hổ trợ nhân dân nổi dậy giải phóng thôn Tứ Mỹ, xã Kỳ Sanh (Tam Mỹ Tây) và các thôn Xuân Bình, Phú Thọ xã Kỳ Yên (Tam Trà), thành lập chính quyền cách mạng lấy tên là xã Tứ Mỹ, đây là vùng núi giáp ranh đồng bằng đầu tiên của tỉnh, của khu Trung Trung bộ được giải phóng, mở ra thời kỳ mới cho phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Nam và huyện nhà. Sau thắng lợi giải phóng Tứ Mỹ, Đảng bộ đã tập trung xây dựng lực lượng vũ trang: thành lập Đội công tác các xã (1961), ra đời cơ quan huyện đội (4.1962) và thành lập đại đội chủ lực huyện (V14), với quân số hơn 100 cán bộ, chiến sỹ, được trang bị đầy đủ vũ khí… đây là lực lượng chủ yếu thực hiện thọc sâu vào bên trong vùng địch kiểm soát, vũ trang tuyên truyền, diệt ác, phá kèm, làm rối loạn hậu phương của địch; lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị, binh địch vận, chống càn, bắn phá, tổ chức nghi binh đánh địch, bố phòng, bảo vệ vùng giải phóng.

Cùng với thuận lợi trên, đầu tháng 4 năm 1963, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện Nam Tam Kỳ (phần diện tích địa bàn huyện Núi Thành ngày nay) được thành lập, trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Nam, Đảng bộ có 162 đảng viên, sinh hoạt tại 17 chi bộ cơ sở. Đồng chí Ngô Độ (Nghiên)- Tỉnh ủy viên được Tỉnh ủy chỉ định làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Võ Đăng Thứ- Phó bí thư.

Huyện ủy Nam Tam Kỳ ra đời trong bối cảnh phong trào nổi dậy, diệt ác, phá kèm, giành quyền làm chủ của nhân dân diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, vùng giải phóng ngày càng mở rộng. Đến tháng 5 năm 1963, ta đã giải phóng hoàn toàn xã Kỳ Thạnh; thôn 10 (Tứ Mỹ), thôn 7, 8 xã Kỳ Sanh (Tam Mỹ Tây); thôn 5, 7, 8, 9 xã Kỳ Trà (Tam Sơn); thôn Xuân Bình, Phú Thọ xã Kỳ Yên (Tam Trà); thôn Khương Thọ, Khương Nhơn xã Kỳ Khương (Tam Hiệp); thôn Xuân Trì, Xuân Vinh, Đức Bố xã Kỳ Chánh (Tam Anh Bắc); thôn Bích Kiều, Bích An xã Kỳ Bích (Tam Xuân)… những thắng lợi trên đã góp phần cùng với các địa phương khác cả nước đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ- ngụy.

Để cứu vãn trước sự thất bại nặng nề của ngụy quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ chuyển sang thi hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân viễn chinh Mỹ trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam, nhằm mục tiêu tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta, ngụy quân chuyển sang chủ yếu làm nhiệm vụ chiếm đóng, bình định, kèm kẹp nhân dân để đánh bại phong trào cánh mạng miền Nam trong vòng 25-30 tháng; đồng thời chúng tăng cường sử dụng lực lượng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Ngày 8 tháng 3.1965, quân Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng.

Lúc này, tình hình Đảng bộ có những chuyển biến thuận lợi, toàn huyện đã có 5 xã (gồm Kỳ Thạnh, Kỳ Yên, Kỳ Xuân, Kỳ Vinh, Kỳ Bích) và 24 thôn (của xã Kỳ Chánh, Kỳ Khương, Kỳ Hòa, Kỳ Sanh, Kỳ Trà) đã được giải phóng; một số thôn ven lộ đưa lên thành địa bàn tranh chấp. Toàn Đảng bộ có trên 300 đảng viên, 11 xã có chi bộ, hầu hết các thôn có tổ đảng, đảng viên. Chính quyền các xã, thôn vùng giải phóng được thành lập đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh, xây dựng thôn, xã chiến đấu. Lực lượng du kích các xã trưởng thành nhanh chóng, độc lập chiến đấu nhiều trận xuất sắc, làm chủ từng vùng, buộc địch phải luôn đối phó. Bộ đội địa phương huyện, các đội công tác thường xuyên thọc sâu vào vùng địch kiểm soát vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, giành dân, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân.

Thực hiện ý đồ xâm lược, ngày 07.5.1965, chúng đổ 6.400 tên lính thủy đánh bộ Mỹ, 24 xe tăng, hàng chục khẩu pháo, hàng trăm lượt máy bay lên thẳng đổ bộ lên 2 xã Kỳ Liên, Kỳ Hà xây dựng căn cứ quân sự Chu Lai, làm bàn đạp mở rộng chiến tranh ra khu vực miền Trung. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Núi Thành bắt đầu từ đây. Sau 3 ngày Mỹ đổ quân lên địa bàn huyện, Đảng bộ đã tổ chức hình thành vành đai bao vây tiêu hao, tiêu diệt quân Mỹ, hạn chế, kìm hãm không cho chúng lan nhanh ra vùng giải phóng… Vành đai diệt Mỹ Chu Lai ra đời là một mô hình điển hình, một sáng kiến độc đáo của chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được tổ chức thực hiện tại chiến trường Nam Tam Kỳ.

Toàn huyện hình thành một thế trận có chiều rộng, chiều sâu, chia làm nhiều tuyến, nhiều khu vực với nhiều lực lượng tham gia; tổ chức một cách chặt chẽ, có trước, có sau, có hợp pháp, bất hợp pháp, tạo nên sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân tại địa phương. Lấy xây dựng cơ sở chính trị để phát triển lực lượng cách mạng; lấy tác chiến của chiến tranh du kích để tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch… Tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực đánh những trận quyết định, tiêu diệt phần lớn sinh lực địch. Cùng với thực hiện phương châm đấu tranh hai chân ba mũi giáp công, giữ vững thế tiến công để làm chủ, làm chủ để tiến công… quyết tâm đánh bại quân xâm lược Mỹ và ngụy quyền tay sai, giải phóng hoàn tòan huyện nhà.

Trước tình hình quân Mỹ ồ ạt đổ quân chiếm các điểm cao, xây dựng nơi đây thành các chốt điểm tiền tiêu, án ngữ, bảo vệ phía Tây, Tây Nam căn cứ Chu Lai. Tại Núi Thành, chúng bố trí một đại đội gồm 180 tên chốt giữ, được trang bị vũ khí hiện đại, các trận địa pháo Ô Vuông, Chu Lai, pháo hạm và máy bay trực thăng vũ trang sẵn sàng chi viện khi bị tiến công. Đứng trước tình hình đó, nhiều người lo sợ, đặt ra câu hỏi liệu chúng ta có đánh thắng Mỹ được hay không? và đánh Mỹ như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi trên, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh quân khu 5 chủ trương dùng lực lượng bộ đội địa phương tổ chức đánh tiêu diệt một đơn vị quân đội Mỹ để rút kinh nghiệm và giao cho Quảng Nam tổ chức thực hiện. Thực hiện sự chỉ đạo của Quân khu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Nam hạ quyết tâm tiến công tiêu diệt đại đội quân thủy quân lục chiến Mỹ tại Núi Thành; sử dụng Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 70, được tăng cường một phân đội của Đại đội 16 đặc công tỉnh làm nhiệm vụ chiến đấu. Sau thời gian ngắn chuẩn bị chiến trường; đúng 0 giờ 30 phút ngày 26 tháng 5 năm 1965, đơn vị nổ súng tấn công tiêu diệt địch. Sau 30 phút chiến đấu dũng cảm, mưu trí đơn vị đã tiêu diệt đại đội Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 139 tên, thu và phá hủy toàn bộ vũ khí của chúng. Cắm lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” trên đỉnh Núi Thành. Với chiến thắng Núi Thành, Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 được Bộ chi huy quân giải phóng miền Nam tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và lá cờ mang dòng chữ “Núi Thành oanh liệt- Quyết chiến lập công”; Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng cho quân và dân tỉnh Quảng Nam danh hiệu “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Chiến thắng Núi Thành đạt cả hai mục tiêu quân sự và chính trị, khẳng định các lực lượng vũ trang ta không những diệt từng tên Mỹ mà còn diệt được cả một đơn vị Mỹ; giải quyết cơ bản vấn đề, ta có thể đánh thắng quân chiến đấu Mỹ, xua tan tâm lý sợ Mỹ, gờm Mỹ của một số người. Sau trận đánh Núi Thành trên chiến trường vành đai diệt Mỹ Chu Lai và tỉnh Quảng Nam xuất hiện khẩu hiệu “Tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt”. Tiếp đến, ngày 10/6/1965 tổ du kích xã Kỳ Sanh (Tam Mỹ) do đồng chí Nguyễn Văn Tâm chỉ huy, phục kích tiến công một trung đội lính Mỹ nống ra càn quét để bảo vệ căn cứ Chu Lai tại cầu Xuổng, thôn 4, Kỳ Sanh. Sau 3 giờ chiến đấu, du kích đã tiêu diệt 11 tên Mỹ. Trận đánh đã cổ vũ mạnh mẽ du kích khắp nơi thi đua đánh Mỹ.

Tiếp đó, đáp Lời kêu gọi toàn dân quyết tâm chống Mỹ, cứu nước và thực hiện chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Nam Tam Kỳ dấy lên phong trào “dũng sỹ diệt Mỹ”,tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “bám thắt lưng Mỹ mà đánh”… đã động viên toàn quân, toàn dân đánh Mỹ trên cả 2 chân, 3 mũi tiến công; đánh Mỹ ở cả vùng núi, đồng bằng, cơ quan sào huyệt của chúng nhằm tiêu hao sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Góp phần đẩy Mỹ vào thế tiến thoái lưỡng nan, nội bộ mất đoàn kết.

Để chuyển cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định, nhằm tạo một bước ngoặt lớn của chiến tranh, cùng với đánh địch trên khắp các địa phương. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 14 (01.1968) và các Nghị quyết của Đảng cấp trên, đúng đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết Mậu Thân (30 - 31.1.1968), quân và dân huyện Nam Tam Kỳ đồng loạt tiến công, nổi dậy đánh vào các cơ quan đầu não của địch như quận lỵ Lý Tín, tỉnh đường Quảng Tín, căn cứ Chu Lai, cầu An Tân và một số mục tiêu khác.

Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân- 1968 ở địa phương đã góp phần cùng toàn miền Nam tạo nên một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, gây chấn động dư luận thế giới; lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, quân đội Mỹ bị đánh bại trong một cuộc chiến tranh xâm lược. Ngày 31.01.1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn phải ra tuyên bố gồm 3 điểm: đơn phương ngừng bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; nhận đàm phán với ta tại hội nghị Paris, không ra tranh cử nhiệm kỳ hai.

Sau Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang huyện rút về căn cứ, củng cố lực lượng, chuẩn bị cho những nhiệm vụ tiếp theo. Trong khi đó, Mỹ - ngụy tập trung củng cố ngụy quân, ngụy quyền, tăng cường phòng thủ, tổ chức những cuộc đánh phá vào căn cứ của ta với quy mô và mức độ cao hơn, chúng dùng cả máy bay ném bom hiện đại, pháo hạm tầm xa, chất độc hóa học hủy diệt, xe tăng, xe bọc thép chà đi, xát lại nhiều lần vào căn cứ, khu dân cư, ruộng vườn, tài sản nhân dân… làm cho nhân dân vùng căn cứ vô cùng khó khăn, thách thức.

Song nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, nhất là kịp thời ổn định tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nên tinh thần chiến đấu đã sớm hồi phục, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Du kích các xã tổ chức nhiều trận đánh táo bạo, sáng tạo nhiều cách đánh máy bay địch làm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của chúng. Đặc biệt, từ sau tháng 3 năm 1968, Mặt trận Chu Lai được thành lập, xác định tư tưởng cách mạng tiến công giữ vai trò chủ đạo xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy tác chiến. Nhiệm vụ của Mặt trận là liên tục tổ chức lực lượng bao vay, tiến công địch với phương châm đánh đều, đánh sâu, đánh đau, đánh hiểm. Tiêu diệt từng tên, từng tiểu đội đến tiêu diệt lớn sinh lực địch và các phương tiện chiến tranh hiện đại.

Sự ra đời Mặt trận Chu Lai là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Đảng bộ và nhân dân Nam Tam Kỳ đẩy mạnh thế tiến công, phát triển mạnh mẽ, sâu rộng phong trào cách mạng; quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng; đẩy địch vào thế bị động, phòng thủ, đối phó. Đầu năm 1969, Níchxơn lên làm Tổng thống thay đổi chiếc lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đây là chiến lược cực kỳ thâm độc với âm mưu “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam” bằng tiền của và vũ khí của Mỹ, xoa diệu làn sóng đấu tranh của nhân dân Mỹ trong lòng nước Mỹ; chúng tập trung hiện đại hóa quân ngụy, xây dựng, củng cố ngụy quyền từ trung ương đến xã, ấp đủ sức đàn áp phong trào cách mạng; tập trung “bình định nông thôn” nhằm tiêu diệt tận gốc cơ sở cách mạng, giành quyền kiểm soát địa bàn, đánh bật lực lượng vũ trang ta không có chỗ đứng chân, phải rút về căn cứ rừng núi.

Mặc dù tình hình vô cùng khó khăn, ác liệt nhưng với ý chí quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược, trong những tháng cuối năm 1969, quân và dân huyện nhà liên tục tổ chức những trận đánh quyết định với địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, bắn rơi gần chục máy bay trực thăng, hàng chục xe tăng, xe quân sự, tàu chiến các loại… các chiến công đã cổ vũ niềm tin, giữ vững phong trào cách mạng tại địa phương.

Từ sau năm 1970, Mỹ - ngụy thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, chúng bắt lính đôn quân, tăng cường quân số, thành lập các trung đoàn bộ binh, đại đội bảo an, liên đội “biệt lập” cắm chốt, đóng đồn, bắt đầu thay thế các đơn vị bộ binh Mỹ trên địa bàn huyện, ngoài ra chúng còn hình thành nhiều đoàn bình định, các trung đội cảnh sát dã chiến, thám kích ngày đêm lùng sục khắp các thôn xóm; ngoài lực lượng trên, mỗi ấp, làng còn có các trung đội thanh niên chiến đấu, phòng vệ dân sự và trên 160 tên mật vụ được bố trí, cài cắm dày đặc để kèm kẹp quần chúng, bình định nông thôn mà chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đề ra.

Trong suốt những năm 1970 - 1972, dù tình hình gặp nhiều khó khăn, nhưng quân và dân Nam Tam Kỳ vẫn giữ vững tinh thần kiên cường, đẩy mạnh diệt ác phá kèm, chống bình định gom dân, giữ được thế chiến trường; nhanh chóng khôi phục được thế và lực, tham gia vào cuộc tiến công tổng hợp năm 1972, góp phần đánh bại “chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, chấm dứt dính liếu quân sự và can thiệp nội bộ của Việt Nam; rút quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhân dân ta đã căn bản hoàn thành sự nghiệp “đánh cho Mỹ cút” tạo tiền đề để “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Hiệp định Paris được ký kết chưa kịp ráo mực, chính quyền Sài Gòn đã ngang nhiên vi phạm, tăng cường lấn chiếm, bình định, đánh phá vùng giải phóng. Song, Đảng bộ Nam Tam Kỳ đã lãnh đạo quân và dân trong huyện đánh bại âm mưu lấn chiếm, bảo vệ vùng làm chủ, giữ vững vùng giải phóng. Từ sau năm 1974, tương quan lực lượng trên chiến trường thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ta. Huyện ủy, tăng cường lãnh đạo, tập trung xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ, mở rộng cơ sở cách mạng, đẩy mạng các cuộc tấn công, tiêu hao, tiêu diệt địch; giành thế chủ động trên chiến trường, mở rộng vùng kiểm soát. Đầu tháng 3.1975, Huyện ủy sử dụng lực lượng bộ đội chủ lực huyện kết hợp du kích địa phương, tập kích vào cơ quan hội đồng xã Kỳ Xuân (Tam Giang) tiêu diệt và làm bị thương trên 40 tên địch, mở ra phong trào giải phóng toàn huyện. Phát huy thắng lợi toàn miền, phối hợp với các chiến trường trọng điểm, đêm ngày 23 tháng 3 năm 1975, quân, dân huyện nhà đồng loạt nổi dậy tiến công, đánh chiếm các đồn bót, quận lỵ Lý Tín, căn cứ Chu Lai, quân cảng Kỳ Hà… Ngày 24 tháng 3 năm 1975, Huyện nhà hoàn toàn giải phóng, góp phần cùng quân và dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống xâm lược, riêng huyện Núi Thành có 4.612 liệt sĩ, 1.213 thương binh, 270 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (số liệu 2010). Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân dân và lực lượng vũ trang các xã Tam Giang, Tam Hiệp, Tam Trà, Tam Hòa, Tam Thạnh, Tam Sơn, Tam Nghĩa, Tam Hải, Tam Mỹ Tây, Tây Mỹ Đông, Tam Anh Nam, Tam Anh Bắc, Tam Xuân 1, Tam Xuân 2 được tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Có 18 cá nhân được truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân1.



3. Đảng bộ Núi Thành trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (1975-2013).

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Núi Thành là huyện chịu nhiều hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân trong huyện đã nhanh chóng bắt tay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống, bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được. Nhờ đó, cho đến năm 1977, Núi Thành đã khắc phục hậu quả chiến tranh và chuyển sang thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương. Những thành quả trong những năm khắc phục hậu quả chiến tranh cũng như cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất có một ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết của Huyện ủy và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn dân.

Thực hiện Quyết định số 144-HĐBT, ngày 03.12.1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ) và Quyết định số 11-QĐ/TVTU, ngày 14.01.1984 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, huyện Tam Kỳ được tách thành hai đơn vị hành chính: thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Đảng bộ huyện Núi Thành cho đến nay có 17 đảng bộ xã, thị trấn; 21 đảng bộ, chi bộ cơ quan trực thuộc với trên 3.700 đảng viên.

Trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Nam, Núi Thành phải đối mặt với nhiều khó khăn, là huyện đất rộng, người đông, nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, hậu quả của chiến tranh còn tác động lâu dài. Nền kinh tế có điểm xuất phát thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thuận lợi của Núi Thành vẫn là cơ bản. Đó là thế mạnh về tài nguyên, giao thông, con người, những kinh nghiệm chỉ đạo trước đây là cơ sở để Đảng bộ chỉ đạo quân và dân trong huyện giành được những thành tựu to lớn hơn nữa. Đặc biệt, từ năm 2003 được tỉnh và Trung ương chọn Núi Thành làm thí điểm xây dựng Khu kinh tế Mở Chu Lai- Khu kinh tế Mở đầu tiên của cả nước. Điều đáng chú ý là trong lãnh đạo, Đảng bộ đã phát huy được những lợi thế so sánh và tiềm năng của địa phương, nắm bắt thời cơ, đề ra những chủ trương sát đúng, kịp thời. Nhờ đó, kinh tế của huyện trong những năm gần đây không ngừng tăng trưởng. Trong hơn 15 năm qua ( 1997-2012), tổng giá trị sản xuất bình quân mỗi năm tăng 18,77%; gấp gần 13,2 lần so với năm 1997. Tổng giá trị sản xuất năm sau cao hơn năm trước: năm 2004 tăng 5,75%; năm 2006 tăng 14,74%; năm 2010 tăng 24,85%; năm 2012 tăng 6,13%. Giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản từ năm 1997 đến năm 2012 tăng bình quân mỗi năm trên 8,48%; Sản lượng lương thực có hạt năm 1997 là 22.750 tấn, năm 2012 là 38.524 tấn, tăng bình quân mỗi năm 3,57%. Giá trị sản phẩm trồng trọt/ha canh tác tăng từ 8,09 triệu năm 1997 lên 21,70 triệu năm 2012. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 21,58% mỗi năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn năm 2010 đạt 386 tỷ đồng; năm 2012: 582,41 tỷ đồng; tăng 8,2 lần so với năm 1997. Trong những năm gần đây, đã vận động trên 10 ngàn hộ, giải tỏa 1.500 ha đất. Tái định cư cho 1.600 hộ vào nơi ở mới; tổng số tiền bồi thường là gần 1.000 tỷ đồng; thu hút hơn 10.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, so với năm 1999 tăng 28,5 lần.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2012, tỷ trọng giá trị Công nghiệp - Dịch vụ chiếm 82,54%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% hộ dân có diện tích sinh hoạt; mạng lưới điện thoại được lắp đặt, phủ sóng trên toàn huyện, hiện có 24.419 thuê bao cố định, 1.900 thuê bao Internet. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt gần 20 triệu đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2011 đạt 1.620 tỷ đồng, tăng hơn 100 lần so với năm 1999. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2005-2012 đạt trên 8.000 tỷ đồng.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả, có 34/63 trường học được tầng hóa; 20 trường đạt chuẩn Quốc gia; đến năm 2012, có 43% lao động được đào tạo; tỷ lệ hộ nghèo (mới) là 10,69% theo chuẩn mới, so với năm 1997 giảm 31,3%; hoàn thành việc xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Có 120/138 thôn có nhà sinh hoạt văn hóa; 17/17 trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia; hệ thống truyền thanh phủ khắp trên địa bàn huyện.

Công tác quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự xã hội cơ bản đảm bảo. Bộ máy chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn phát huy tính hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận và các hội đoàn thể ngày càng được củng cố, đạt nhiều kết quả.

Đặc biệt, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng từng bước được nâng lên, giữ vững vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) bước đầu mang lại kết quả khả quan; Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng được củng cố và giữ vững; niềm tin trong quần chúng đối với Đảng được nâng lên.



Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 172.11 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương