TS. LƯU minh văn pgs. Ts. Phạm thái việT



tải về 152.96 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích152.96 Kb.
#38086




Công trình được hoàn thành tại: Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Người hướng dẫn khoa học: 1. TS. LƯU MINH VĂN



  1. PGS.TS. PHẠM THÁI VIỆT

Phản biện 1:…………………………………………………

Phản biện 2:…………………………………………………

Phản biện 3:…………………………………………………
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp Đại học Quốc gia chấm luận án tiến sĩ họp tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

vào hồi:….. giờ, ngày….. tháng….. năm 2016

Có thể tìm hiểu luận án tại:


  • Thư viện Quốc gia Việt Nam

  • Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội

MỞ ĐẦU


  1. Tính cấp thiết của luận án

Luận án lựa chọn nghiên cứu so sánh hai thể chế chính trị CHXHCN Việt Nam và CH Pháp với những lý do cụ thể như sau:

Thứ nhất, Việt Nam và Pháp có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ trong lịch sử gần 1 thế kỷ (từ 1858 đến 1945) với sự ảnh hưởng của văn hóa, tư tưởng chính trị pháp quyền dân chủ và tiến bộ của Pháp vào Việt Nam. Gần đây, lãnh đạo Chính phủ hai quốc gia đã ký Tuyên bố chung ngày 25/9/2013 để nâng quan hệ lên thành Đối tác chiến lược nhằm tăng cường mối quan hệ song phương, hợp tác toàn diện trong đó thúc đẩy quản trị hiệu quả, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền của Việt Nam.

Thứ hai, việc nghiên cứu phục vụ cho quan hệ hợp tác với Pháp (một nước trụ cột trong liên minh châu Âu – EU) sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào thị trường kinh tế và thương mại của EU và ngược lại hợp tác với Việt Nam cũng tạo thuận lợi cho Pháp tiếp cận vào khu vực kinh tế, thương mại của Đông Nam Á (ASEAN) nói riêng và quan hệ EU-ASEAN nói chung.

Thứ ba, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu cho đến năm 2030 (Nghị quyết số 37-NQTW, 9/10/2014 của Bộ Chính trị BCHTW Đảng CSVN), trong đó có chỉ đạo các hướng nghiên cứu chủ yếu như: 1) Tiếp tục nghiên cứu về đặc điểm của chủ nghĩa tư bản hiện đại, nghiên cứu những trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới, tiếp tục mở rộng và đi sâu nghiên cứu trên quan điểm khách quan, biện chứng và tiếp thu những giá trị tiến bộ; 2) Vấn đề hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực; 3) Nghiên cứu nguyên tắc tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng.

Với những lý do trên, luận án NCS với tiêu đề: “So sánh Thể chế Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp: nhà nước và đảng chính trị” là một nghiên cứu cần thiết, có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn.



  1. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án

2.1. Mục đích nghiên cứu:

Thứ nhất, luận án nghiên cứu so sánh thể chế chính trị Việt Nam và Pháp đương đại nhằm làm rõ những đặc điểm giống và khác nhau cơ bản giữa hai thể chế chính trị.

Thứ hai, nghiên cứu so sánh để rút ra những điểm hợp lý và hạn chế chủ yếu trong cấu trúc tổ chức và chức năng hoạt động của thể chế chính trị hai quốc gia.

Thứ ba, luận án nghiên cứu để đưa ra một số kiến nghị cụ thể, khả thi nhất cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị CHXHCN Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu so sánh theo quan điểm cấu trúc-chức năng để chứng minh đây là phương pháp có thể vận dụng so sánh trường hợp hai quốc gia khác nhau cơ bản về hình thức thể chế và bản chất nhà nước.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu: Với các mục tiêu cụ thể trên, luận án sẽ thực hiện các nhiệm vụ sau. Đầu tiên, luận án lựa chọn các công trình tiêu biểu, có liên quan trực tiếp đến nội dung nghiên cứu của luận án để phân tích tổng quan tình hình nghiên cứu trong Chương 1. Sau đó, chương 2 của luận án phân tích một số vấn đề lý luận, đặc biệt là về thể chế chính trị và quan điểm tiếp cận cấu trúc-chức năng trong phương pháp nghiên cứu chính trị so sánh. Chương 3 và chương 4, luận án tập trung so sánh cấu trúc tổ chức và chức năng hoạt động của thể chế nhà nước và đảng chính trị giữa hai quốc gia.

  1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu: Luận án so sánh cấu trúc tổ chức và chức năng: a) Đảng chính trị giữa hai nhà nước và mối quan hệ với thể chế nhà nước; b) Cấu trúc tổ chức và chức năng của thể chế lập pháp, hành pháp, tư pháp bao gồm: Quốc hội (Nghị viện), Chính phủ, Tòa án, những người đứng đầu các cơ quan trong thể chế như thủ tướng chính phủ và nguyên thủ quốc gia.

    1. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi thời gian: Luận án tập trung nghiên cứu so sánh những vấn đề đương đại về cấu trúc và chức năng cơ bản của thể chế nhà nước và đảng chính trị của CHXHCN Việt Nam và CH Pháp từ năm 2000 cho đến nay (sau khi Sửa đổi Hiến pháp 1992 của Việt Nam năm 2001 và Sửa đổi Hiến pháp CH Pháp năm 2000).

Phạm vi không gian: Luận án giới hạn nghiên cứu so sánh đảng chính trị và thể chế nhà nước giữa CHXHCN Việt Nam và CH Pháp ở cấp trung ương vì ở cấp này sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước được thể hiện cơ bản, tập trung và rõ nét nhất.

Phạm vi nguồn tài liệu: Vì luận án nghiên cứu so sánh thể chế chính trị nhà nước pháp quyền Việt Nam và Pháp nên luận án chủ yếu phân tích các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất của nhà nước. Cụ thể là Hiến pháp 1958, các Sửa đổi (17 Sửa đổi) của Hiến pháp CH Pháp; Hiến pháp 2013 của CHXHCN Việt Nam và các đạo luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của thể chế nhà nước và đảng chính trị của hai quốc gia. Ngoài ra, luận án nghiên cứu so sánh về chức năng hoạt động của thể chế chính trị, mối quan hệ giữa đảng chính trị với thể chế nhà nước trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách của hai quốc gia.

  1. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu cụ thể của luận án

    1. Phương pháp luận:

Luận án nghiên cứu so sánh về thể chế chính trị nên tuân thủ phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Lý luận về nhà nước pháp quyền, thuyết tam quyền phân lập..

    1. Phương pháp nghiên cứu cụ thể

- Phương pháp so sánh: đây là phương pháp được luận án sử dụng chính. Luận án vận dụng cách tiếp cận cấu trúc chức năng (structural function approach) để tiến hành so sánh cơ cấu, tổ chức và hoạt động của đảng chính trị và thể chế nhà nước của CH Pháp theo góc độ của chính trị học so sánh.

- Ngoài ra, luận án còn sử dụng phương pháp phân tích logic quy phạm, phương pháp nghiên cứu lịch sử.



  1. Những đóng góp mới của luận án

Đóng góp thứ nhất của luận án là so sánh để rút ra những đặc điểm tương đồng và khác biệt về cấu trúc tổ chức và chức năng hoạt động giữa hai thể chế chính trị. Tuy là hai thể chế khác nhau nhưng lại cùng có điểm chung là dựa trên nền tảng của nhà nước pháp quyền dẫn đến việc có thể vận dụng những ưu điểm của nhau để xây dựng và hoàn thiện thể chế. Việt Nam có thể áp dụng cơ chế kiểm soát của CH Pháp để quyền lực nhà nước được phân chia và phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm hơn. Ngược lại, CH Pháp có thể tiếp tục đổi mới bằng tăng cường quyền hạn của cơ quan lập pháp hoặc tổ chức đảng chính trị như Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm hạn chế xu hướng cá nhân hóa, đảng chính trị của Pháp do bị tổng thống chi phối.

Thứ hai, luận án nêu ra những thành công và hạn chế của cả hai thể chế chính trị. Thể chế chính trị cộng hòa bán tổng thống của Pháp tương đối ổn định vì có 3 khoảng thời gian cùng chung sống (cohabitation). Lý do xảy ra tình trạng này là do cấu trúc hành pháp đôi và đa đảng chính trị lưỡng cực hóa. Thể chế chính trị cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ổn định nhưng chức năng hoạt động chưa hiệu quả. Quy trình, thủ tục hoạch định chính sách công, xây dựng văn bản pháp luật rườm rà, hình thức, nặng về thủ tục. Nguyên nhân là do các thể chế nhà nước chưa hoàn toàn độc lập trong quá trình hoạch định chính sách công, chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực và thể chế có trách nhiệm thực hiện công việc này.

Thứ ba, luận án nêu kiến nghị cụ thể cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị CHXHCN Việt Nam, khắc phục hạn chế nêu trên. Các đạo luật về tổ chức thể chế nhà nước vừa được thông qua gần đây cho phù hợp với Hiến pháp 2013, do vậy khả thi nhất hiện nay là thành lập một thể chế bảo hiến vận dụng theo đặc điểm mô hình thể chế chính trị nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ tư, về phương pháp nghiên cứu, luận án chứng minh một trường hợp nghiên cứu so sánh giữa hai quốc gia có nhiều điểm khác biệt nhất do sử dụng quan điểm tiếp cận cấu trúc chức năng của phương pháp nghiên cứu so sánh trong chính trị học. Do vậy, đây sẽ là đóng góp mang tính lý luận về phương pháp nghiên cứu có thể áp dụng để so sánh giữa thể chế chính trị Việt Nam với một thể chế chính trị khác.

  1. Bố cục: Luận án ngoài phần mở đầu, kết luận, được kết cấu 4 chương, 10 tiết.

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.1. Tài liệu nghiên cứu về thể chế chính trị CHXHCN Việt Nam

1.1.1. Tài liệu trong nước: Luận án lựa chọn phân tích những đóng góp khoa học của 3 tài liệu có nội dung nghiên cứu về thể chế Việt Nam gồm: Thể chế chính trị Việt Nam – Lịch sử hình thành và phát triển của tác giả Lưu Văn An; Luận án tiến sĩ chuyên ngành Chính trị học: Hệ thống chính trị ở Việt Nam từ 1986 cho đến nay của NCS Lý Vĩnh Long; Sách: Một số vấn đề về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm nhiều tác giả do tác giả Lê Minh Thông làm chủ biên.

1.1.2. Tài liệu nước ngoài: Một số tài liệu nghiên cứu về thể chế chính trị Việt Nam, bao gồm: Renovating Politics in Contemporary Vietnam của Zachary Abuza; VIETNAM - The Politics of Bureaucratic Socialism của Gareth Porter; Constitutional Revision in Vietnam: Renovation but not Revolution của Joanna Harrington; Vietnam joins the World của James W.Morley và Mashshi Nishihara.

1.2. Tài liệu nghiên cứu về thể chế chính trị Cộng hòa Pháp

1.2.1. Tài liệu trong nước: Luận án trình bày theo hai nhóm tài liệu. Nhóm thứ nhất là các tài liệu nghiên cứu về thể chế chính trị CH Pháp trong tương quan so sánh với các thể chế chính trị khác, bao gồm: Sách Thể chế chính trị Luật Hiến pháp đối chiếu của GS.TS. Nguyễn Đăng Dung; Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước với việc tổ chức bộ máy nhà nước ở một số nước” của TS. Nguyễn Thị Hồi; Thể chế nhà nước của các quốc gia trên thế giới của tác giả Nguyễn Chu Dương; Thể chế chính trị thế giới đương đại của tập thể tác giả do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nhóm tài liệu thứ hai là các tài liệu nghiên cứu riêng về thể chế chính trị của Cộng hòa Pháp gồm: Luận án tiến sĩ Tổ chức, hoạt động của Bộ máy nhà nước Cộng hòa Pháp và giá trị tham khảo trong quá trình hoàn thiện Bộ máy nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của tác giả Tống Đức Thảo; Thể chế chính trị Cộng hòa Pháp (đề tài NCKH) của Trần Điệp Thành; Tổ chức bộ máy nhà nước Cộng hòa Pháp theo Hiến pháp 1958 của TS. Nguyễn Xuân Tế và ThS. Trần Thị Thùy Dương.

1.2.2. Tài liệu nước ngoài: Phần này luận án cũng phân tích các công trình tiêu biểu theo 2 nhóm. Nhóm 1 gồm các sách: French Politics – Debates and Controversies của Robert Elgie và Steven Griggs; Comparative Politics Today, A World View gồm các tác giả Gabriel A. Almond, G. Bingham Powell, Jr. Kaare Strom, Russell J. Dalton; The Government and Politics of France của Anne Stevens; De Gaulle to Mitterrand – Presidential Power in France của Martin Harrison, Jolyon Howorth, Howard Machin, Vincent Wright, Anne Stevens, Jack Hayward (chủ biên); Political Institutions in contemporary France của Robert Elgie; President & Parliament – A Short History of the French Presidency của Leslie Derfler; Semi-Presidentialism in Europe do Robert Elgie chủ biên. Nhóm tài liệu thứ hai là các bài báo khoa học như: The End of Ambiguity? Presidents versus Parties or the Four Phases of the Fifth Republic của Emiliano Grossman và Nicolas Sauger; The President’s Choice? Government and Cabinet Turnover under the Fifth Republic của Emiliano Grossman; Duverger, Semi-presidentialism and Supposed French Archetype của Robert Elgie.

Tiểu kết chương 1: Nghiên cứu tổng quan tài liệu về thể chế chính trị CHXHCN Việt Nam và CH Pháp cho thấy có khá nhiều tài liệu nghiên cứu riêng về mỗi thể chế. Các tài liệu trên đã trình bày và phân tích những đặc điểm riêng biệt và các yếu tố cấu thành trong thể chế chính trị của mỗi quốc gia, nêu phương hướng và những kiến nghị cho việc hoàn thiện thể chế của hai quốc gia. Tuy nhiên, một số tài liệu vẫn còn có điểm hạn chế và hiện nay chưa có tài liệu trong nước và nước ngoài so sánh trực tiếp hai thể chế. Một số tài liệu tiếng Việt chỉ đề cập đến thể chế chính trị Việt Nam ở một phần đối chiếu, liên hệ. Do vậy, nghiên cứu so sánh của luận án là hoàn toàn mới và không trùng lặp với bất kỳ các công trình đã công bố nào khác.

CHƯƠNG 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN

VỀ SO SÁNH THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ

Luận án lựa chọn phân tích một số vấn đề lý luận cơ bản về chính trị, thể chế chính trị, quan điểm tiếp cận chức năng cấu trúc trong nghiên cứu thể chế chính trị so sánh, bao gồm:



2.1. Một số khái niệm cơ bản: Chính trị, Thể chế, Thể chế chính trị

2.1.1. Chính trị: Có nhiều cách giải thích chính trị phụ thuộc vào quan điểm, tư tưởng chính trị khác nhau như của Karl Marx (1818-1883), Vladimir Lenin (1870-1924), Max Weber (1864-1920), David Easton (1917-2014), Harold Laswell (1902-1978). Từ các quan điểm, tư tưởng trên, luận án khái quát chính trị là công việc liên quan đến hoạt động nhà nước, đảng phái chính trị, chính trị là quyền lực và các vấn đề liên quan đến giành, giữ, thực thi, phân phối và kiểm soát quyền lực; là quan hệ về quyền lực giữa nhà nước và đảng phái chính trị.

2.1.2. Thể chế: Khái niệm thể chế được phân tích theo quan điểm của một số học giả như Richard R. Nelson (1930-), Douglas North (1920-2015. Thể chế gồm chính trị và các tổ chức thực thi các hoạt động liên quan đến chính trị.

2.1.3. Thể chế chính trị: Đây là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu nước ngoài về chính trị và chính trị so sánh. Tài liệu khoa học trong nước cũng bắt đầu sử dụng thuật ngữ này từ những năm 2000 để nghiên cứu thể chế chính trị tổ chức bao gồm thể chế nhà nước và đảng chính trị là hai chủ thể quan trọng nhất chi phối đến toàn bộ đời sống chính trị, quyền lực nhà nước của các quốc gia. Hiện nay, ở Việt Nam thuật ngữ thể chế chính trị đã được thể hiện chính thức trong tài liệu của Quốc hội và Chính phủ.

2.2. Phân loại thể chế chính trị: Căn cứ cơ cấu tổ chức và hoạt động của các chủ thể quyền lực chính trị, nhà nước ở cấp trung ương, luận án phân chia và phân tích các đặc điểm của 4 hình thức thể chế chính trị cộng hòa gồm: cộng hòa đại nghị (parliamentary republic), cộng hòa tổng thống (presidential republic), cộng hòa bán tổng thống (semi-presidential republic) và cộng hòa xã hội chủ nghĩa (socialist republic). Thể chế chính trị đương đại của Việt Nam là cộng hòa xã hội chủ nghĩa của Pháp là cộng hòa bán tổng thống.

2.3. Nghiên cứu so sánh chính trị và quan điểm tiếp cận so sánh thể chế chính trị

2.3.1. Nghiên cứu so sánh chính trị: Luận án trình bày nghiên cứu so sánh chính trị được sử dụng trong các nghiên cứu truyền thống của Aristote (384-322 TCN) thời cổ đại, của Alexis de Tocqueville (1805-1859), Niccole Machiavelli (1469-1527), Karl Marx (1818-1883) thời kỳ cận hiện đại. Sang thời kỳ hiện đại, nghiên cứu so sánh bao gồm các nghiên cứu nhằm xây dựng một quan điểm tiếp cận mới: cấu trúc chức năng (structural function approach) thay thế các nghiên cứu chính trị, thể chế chính trị miêu tả, thống kê truyền thống trước đây.

2.3.2. Quan điểm tiếp cận so sánh thể chế chính trị: Quan điểm tiếp cận cấu trúc chức năng (structural function approach) do Gabriel Almond (1911-2002) đề cập trong những năm 1960 và sau đó được áp dụng phổ biến trên thế giới để tiến hành nghiên cứu so sánh chính trị quốc gia, khu vực và quốc tế. Cấu trúc của mỗi thể chế chính trị là tổ chức gồm đảng chính trị, cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp... Chức năng gồm hai yếu tố: chức năng quá trình và chức năng hệ thống. Chức năng quá trình liên quan đến quá trình hoạch định chính sách công do các thể chế chính thức trong cấu trúc: đảng chính trị, cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp thực hiện.

Tiểu kết chương 2: Thể chế chính trị được các học giả trong và ngoài nước sử dụng trong các nghiên cứu về thể chế tổ chức gồm nhà nước và đảng chính trị, là các chủ thể cơ bản và quan trọng có quyền tham gia và quyết định trong quá trình hoạch định đường lối chính trị, chính sách công của mỗi quốc gia. Thể chế chính trị của Việt Nam là cộng hòa xã hội chủ nghĩa được cấu trúc tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc quyền lực nhà nước tập trung, thống nhất, không phân chia. Thể chế chính trị Nền Cộng hòa thứ Năm của Pháp là cộng hòa bán tổng thống. Nghiên cứu so sánh theo cách tiếp cận cấu trúc chức năng (structural function approach) được luận án đánh giá là có nhiều ưu điểm bởi vì có thể tiến hành nghiên cứu so sánh giữa các thể chế chính trị khác nhau.

CHƯƠNG 3: CẤU TRÚC TỔ CHỨC CỦA THỂ CHẾ

CHÍNH TRỊ CHXHCN VIỆT NAM VÀ CH PHÁP

3.1. Khái quát tư tưởng nhà nước pháp quyền và sự vận dụng cho cấu trúc tổ chức thể chế chính trị của Việt Nam và Pháp

3.1.1. Khái quát về tư tưởng nhà nước pháp quyền: Luận án trình bày nội dung tư tưởng về nhà nước pháp quyền của Charles Louis Montesquieu (1689-1755) và Jean Jacques Rousseau (1712-1778) thể hiện trong Tinh thần pháp luật (the Spirit of the Laws-1748) và Khế ước xã hội (the Social Contract).

3.1.2. Sự vận dụng tư tưởng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam: Trong thời kỳ Pháp thuộc, có hai xu hướng thể hiện việc tiếp nhận tư tưởng về chủ nghĩa lập hiến và nhà nước pháp quyền của Pháp để canh tân đất nước trong đó xu hướng của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc. Không chỉ trong tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp vận dụng tư tưởng về nhà nước pháp quyền vào tổ chức thể chế chính trị nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua Hiến pháp 1946. Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 tiếp tục kế thừa quan điểm về nhà nước pháp quyền để tổ chức, xây dựng và hoàn thiện thể chế chính trị pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

3.1.3. . Sự vận dụng tư tưởng nhà nước pháp quyền ở Pháp: Mặc dù tư tưởng về nhà nước pháp quyền bắt nguồn từ nước Pháp nhưng cả 5 Nền Cộng hòa của Pháp đã không áp dụng hoàn toàn nội dung của tư tưởng này. Thể chế chính trị của CH Pháp đương đại được thành lập từ năm 1958 do De Gaulle và Michel Debré để khắc phục những điểm bất ổn định trong Nền Cộng hòa thứ Tư. Cho đến nay, thể chế chính trị của nước Pháp vẫn tiếp tục được sửa đổi và hoàn thiện như sửa đổi Hiến pháp năm 2000 và 2008.

3.2. Thể chế nhà nước

3.2.1. Cấu trúc hệ thống của nhà nước: Cấu trúc hệ thống của thể chế nhà nước Việt Nam theo mô hình tam giác cân (được nêu trong Hình 3.1) có đỉnh là Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện quyền lập pháp. Hai góc kề một là Chính phủ - cơ quan thực hiện quyền hành pháp và hai là Tòa án nhân dân – cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Khác với Việt Nam, mô hình cấu trúc thể chế chính trị của CH Pháp theo hình tam giác đều (được nêu trong Hình 3.2) có đỉnh là Chính phủ Pháp, hai góc kề gồm Nghị viện (Thượng và Hạ nghị viện) và Tòa phá án.

3.2.2. Cơ cấu tổ chức của nhà nước

3.2.2.1. Thể chế lập pháp: Nghị viện CH Pháp có cơ cấu tổ chức hai Viện: Hạ nghị viện và Thượng nghị viện (được nêu trong Hình 3.3). Hạ nghị viện được bầu phổ thông trực tiếp hai vòng với nhiệm kỳ 5 năm. Tổng số 577 Hạ nghị sĩ, 1 Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 8 Ủy ban thường trực. Thượng nghị viện gồm 348 thành viên bầu gián tiếp qua đại cử tri, nhiệm kỳ 6 năm. Cơ cấu tổ chức của Thượng nghị viện gồm Chủ tịch và 8 Phó Chủ tịch có nhiệm kỳ 3 năm, 7 Ủy ban thường trực. Khác với cơ quan lập pháp của Pháp, Quốc hội Việt Nam có cơ cấu đơn nhất, đại biểu do cử tri bầu 1 vòng. Tổng số 493 đại biểu với trên 154 đại biểu chuyên trách. Cơ cấu tổ chức gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội,1 Hội đồng và 9 Ủy ban chuyên môn (được nêu trong Hình 3.4). Chủ tịch Quốc hội là người đứng đầu cơ quan lập pháp, chủ tọa các phiên họp toàn thể...

3.2.2.2. Thể chế hành pháp: Chính phủ của Pháp do hai người lãnh đạo (hành pháp đôi): Tổng thống và Thủ tướng. Tổng thống chủ trì phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng, bổ nhiệm Thủ tướng. Tổng thống do cử tri bầu trực tiếp 2 vòng, nhiệm kỳ 5 năm và làm không quá hai nhiệm kỳ liên tục. Thủ tướng điều hành hoạt động của Chính phủ, thực hiện các quyết nghị của Hội đồng Bộ trưởng. Thành viên của Hội đồng Bộ trưởng là các Bộ trưởng cấp cao phụ trách 18 Bộ do Tổng thống bổ nhiệm theo danh sách Thủ tướng đề nghị. Hành pháp đôi đã khắc phục hạn chế của nền Cộng hòa thứ Tư nhưng lại tạo nên mâu thuẫn giữa Tổng thống và Thủ tướng trong 3 giai đoạn cùng chung sống chính trị (cohabitation): 1986-1988; 1993-1995; 1997-2002. Khác với Chính phủ Pháp, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam do Quốc hội bầu Thủ tướng theo đề nghị của Chủ tịch nước, Quốc hội phê chuẩn thành viên Chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng. Tổ chức Chính phủ không có Hội đồng Bộ trưởng, 18 Bộ trưởng và 4 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là thành viên của Chính phủ.

3.2.2.3. Thể chế tư pháp: Thể chế tư pháp của CH Pháp có hai hệ thống: 1) Hệ thống tòa án hành chính và 2) Hệ thống tòa án tư pháp. Thẩm phán do Tổng thống bổ nhiệm, không có nhiệm kỳ. Hội đồng Hiến pháp gồm 9 thẩm phán do Tổng thống, Chủ tịch Thượng nghị viện và Hạ nghị viện bổ nhiệm với nhiệm kỳ 9 năm và không được gia hạn. Ngược lại, thể chế tư pháp của Việt Nam phân chia theo đơn vị hành chính lãnh thổ, cấp trung ương là Tòa án nhân dân tối cao. Chánh án do Quốc hội bầu, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.



3.3. Đảng chính trị

3.3.1. Cấu trúc đơn đảng của CHXHCN Việt Nam và đa đảng của CH Pháp: Mô hình cấu trúc đa đảng của CH Pháp và một đảng của CHXHCN Việt Nam đều được quy định tại Điều 4 của Hiến pháp hai quốc gia. Đảng chính trị của CH Pháp thành lập theo các Luật do Nghị viện ban hành, được nhà nước cấp ngân sách, chia thành hai hệ thống đảng thuộc Cánh Tả và Cánh Hữu gồm 7 đảng chính trị chủ chốt trong thể chế chính trị CH Pháp (được nêu trong Bảng 3.1). Đảng chính trị của Pháp được có thời gian thành lập gần đây, dễ dàng thành lập, chia tách và sáp nhập để thu hút sự ủng hộ của cử tri. Ngược lại, Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất lãnh đạo thể chế, được thành lập từ năm 1930.



3.3.2. Cơ cấu tổ chức của đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam có cơ cấu tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương và các cấp cơ sở (được nêu trong Bảng 3.2). Nguồn tài chính của Đảng chủ yếu do ngân sách nhà nước cấp cho các hoạt động thường xuyên. Ngược lại, đảng chính trị của Pháp không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các đảng đáp ứng một số điều kiện bắt buộc, hỗ trợ kinh phí cho bầu cử và theo kết quả bầu cử.

Tiểu kết chương 3: Luận án so sánh cấu trúc tổ chức của thể chế chính trị CHXCHCN Việt Nam và CH Pháp rút ra những điểm tương đồng và khác biệt (được tổng hợp trong Bảng 3.4). Thể chế chính trị của Việt Nam và Pháp trong thực tế cho thấy cả hai nhà nước đã cùng vận dụng, kế thừa, đổi mới và hoàn thiện mô hình cấu trúc tổ chức thể chế chính trị tập quyền và tam quyền phân lập. Về cấu trúc hệ thống đảng chính trị của CH Pháp là đa đảng phân chia theo hai phái cánh tả và cánh hữu với xu thế lưỡng cực hóa (cực hữu và cực tả). Phần lớn các đảng chính trị của CH Pháp không có hệ thống tổ chức chặt chẽ (chủ yếu tổ chức ở cấp trung ương). Khác với CH Pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập từ năm 1930 đến nay là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hệ thống cơ quan từ trung ương đến chi bộ cơ sở, tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính. Cấu trúc mô hình thể chế nhà nước CH Pháp theo hình tam giác đều, quyền lực nhà nước được tổ chức theo học thuyết tam quyền phân lập. Khác với CH Pháp, cấu trúc tổ chức mô hình thể chế nhà nước của CHXHCN Việt Nam theo hình tam giác cân, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Về cơ bản, thể chế nhà nước Việt Nam không thay đổi nhiều trong Hiến pháp 2013 trừ thể chế tư pháp. Cơ cấu tổ chức của hệ thống cơ quan tư pháp Việt Nam đã đổi mới về tổ chức Tòa án nhân dân tối cao, bổ nhiệm thẩm phán... Tuy nhiên, thể chế nhà nước vẫn chưa có một thể chế độc lập để bảo vệ Hiến pháp và tham gia vào cơ chế kiểm soát quyền lực.Nằm trong cấu trúc hệ thống cho nên mối quan hệ giữa thể chế nhà nước với nhau và giữa đảng chính trị với thể chế nhà nước ở Việt Nam và Pháp cũng có sự khác nhau.

CHƯƠNG 4: CHỨC NĂNG HOẠT ĐỘNG CỦA THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ CHXHCN VIỆT NAM VÀ CH PHÁP

4.1. Chức năng hoạt động của thể chế nhà nước

4.1.1. Thể chế lập pháp: Chức năng hoạt động chủ yếu của Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Pháp trong việc hoạch định chính sách công chủ yếu là ban hành luật. Tuy nhiên, chủ thể tham gia quyết định trong mỗi giai đoạn làm luật ở hai thể chế là khác nhau. Quy trình lập pháp của CH Pháp (được nêu trong Hình 4.1) gồm 5 giai đoạn thể hiện rõ ràng quyền quyết định chính sách, pháp luật thuộc về các chủ thể khác nhau. Chức năng quyết định chính sách bằng bỏ phiếu thông qua luật chủ yếu thuộc về Nghị viện. Quy trình lập pháp của Việt Nam (được nêu trong Hình 4.2) cũng gồm 5 giai đoạn chặt chẽ, nhiều thủ tục nhưng vẫn thiếu một giai đoạn thẩm tra dự luật sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua.

4.1.2. Thể chế hành pháp: Tổng thống và Thủ tướng của Chính phủ Pháp cùng quyết định chính sách và theo quy định Tổng thống quyết định chính sách đối ngoại, an ninh, chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng quyết định các chính sách đối nội và thực hiện quyết nghị của Hội đồng Bộ trưởng. Trong giai đoạn cùng phối hợp (cohabitation), cả hai cạnh tranh thể hiện vị trí ưu thế trong hoạch định chính sách. Khác với Chính phủ Pháp, Thủ tướng Chính phủ CHXHCN Việt Nam có thẩm quyền quyết định chính sách công liên quan đến tất cả các lĩnh vực của quốc gia.

4.1.3. Thể chế tư pháp: Thể chế tư pháp của Việt Nam và Pháp không tham gia vào quá trình làm luật, làm chính sách. Tuy nhiên, Hội đồng Hiến pháp của CH Pháp kiểm tra việc làm chính sách của Nghị viện và Hội đồng Nhà nước cũng tham gia góp ý các dự luật.

4.2. Chức năng hoạt động của đảng chính trị

Đảng chính trị của CH Pháp không tham gia vào quá trình hoạch định chính sách do Tổng thống chi phối đảng chính trị. Khác với đảng chính trị của CH Pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện chức năng làm chính sách thông qua các cương lĩnh và nghị quyết của Đảng.



Tiểu kết chương 4: So sánh chức năng hoạt động thể chế chính trị của CHXHCN Việt Nam và CH Pháp đã làm rõ thêm những đặc điểm động về sự tương đồng và khác biệt của thể chế nhà nước và đảng chính trị trong quá trình hoạch định chính sách công (được tổng hợp trong Bảng 4.2). Đối với thể chế hành pháp, nếu như người đứng đầu Chính phủ của Việt Nam có thẩm quyền quyết định các chương trình, chính sách, hoạt động của Chính phủ trên mọi lĩnh vực trong phạm vi cả nước và chính sách ngoại giao, thương mại, hợp tác quốc tế trong khu vực và thế giới, thì Thủ tướng Chính phủ của CH Pháp không có toàn quyền này. Trong hoạt động lập pháp, quy trình lập pháp của Nghị viện CH Pháp rõ ràng gồm 5 giai đoạn theo cơ chế kiểm soát và đối trọng. Cho dù nghị viện CH Pháp độc lập trong quá trình bỏ phiếu từng điều và toàn văn dự luật nhưng Hội đồng Hiến pháp vẫn có quyền phán quyết về tính hợp hiến của văn bản luật đã được nghị viện bỏ phiếu tán thành. Quy trình lập pháp của Việt Nam vừa thừa lại vừa thiếu, giảm tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội trong quá trình làm luật, ảnh hưởng đến chức năng của Quốc hội trong việc quyết định chính sách, pháp luật.

Về sự khác nhau giữa đảng chính trị của CH Pháp và Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng chính trị của CH Pháp không tham gia vào quá trình hoạch định chính sách vì là nước có cấu trúc hệ thống đa đảng, bầu cử trực tiếp tổng thống nên tổng thống không phụ thuộc vào một đảng hay liên minh đảng chính trị nào. Tổng thống quyết định chính sách trong chính phủ và hạn chế đảng tham gia vào quá trình này. Ngược lại, Đảng Cộng sản Việt Nam là thể chế lãnh đạo bằng các chủ trương, đường lối, chính sách chủ đạo. Đảng đề ra Cương lĩnh, Nghị quyết để Chính phủ và Quốc hội triển khai thực hiện.



KẾT LUẬN

So sánh là một phương pháp được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu chính trị và thể chế chính trị. Phương pháp so sánh truyền thống trước đây chủ yếu so sánh các trường hợp giống nhau để phân tích những điểm tương đồng và khác biệt. Phương pháp so sánh hiện đại áp dụng cách tiếp cận cấu trúc chức năng để tiến hành nghiên cứu so sánh các thể chế chính trị khác nhau như so sánh thể chế quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển, quốc gia tư bản chủ nghĩa và quốc gia xã hội chủ nghĩa. Do các quốc gia có cùng cấu trúc thể chế giống nhau nhưng thực hiện các chức năng lại hoàn toàn khác nhau và trong các chức năng giống nhau nhưng nội dung, quá trình thực hiện chức năng cũng khác nhau. Chính vì vậy, luận án đã vận dụng quan điểm này để nghiên cứu so sánh thể chế chính trị CHXHCN Việt Nam và CH Pháp liên quan đến cơ cấu tổ chức, quan hệ quyền lực (cấu trúc), hoạt động và quá trình hoạch định chính sách (chức năng) giữa các chủ thể trong thể chế chính trị của hai quốc gia. Qua nghiên cứu so sánh, luận án có những kết luận như sau:

1. Cấu trúc tổ chức của thể chế chính trị CHXCHCN Việt Nam và CH Pháp có điểm giống nhau cùng thể hiện tư tưởng nhà nước pháp quyền trong tổ chức thể chế chính trị. Hai nhà nước thuộc hai châu lục Á-Âu đã cùng vận dụng, kế thừa, đổi mới và hoàn thiện mô hình cấu trúc tổ chức thể chế chính trị nhà nước pháp quyền.

Mặc dù cùng là nhà nước pháp quyền nhưng Việt Nam và Pháp có mô hình cấu trúc tổ chức nhà nước khác nhau. Cộng hòa thứ Năm của Pháp là nhà nước pháp quyền theo mô hình thể chế cộng hòa bán tổng thống với đặc điểm: 1) Tổng thống do dân trực tiếp bầu và có nhiều quyền lực thực tế; 2) Chính phủ do Tổng thống và Nghị viện thành lập. Kể từ năm 1958 đến nay, thể chế chính trị của CH Pháp có thời gian tồn tại tương đối ổn định (58 năm) tuy chưa phải là lâu nhất so với một số Nền Cộng hòa trước đây1. Cấu trúc hệ thống đảng chính trị của CH Pháp đa đảng với đặc điểm là không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, thành lập, giải tán, chia tách và sáp nhập để thu hút sự ủng hộ đối với cá nhân lãnh đạo, nhằm có nhiều thêm kinh phí từ ngân sách nhà nước và dành chiến thắng ở các kỳ bầu cử tổng thống và nghị viện. Cấu trúc mô hình thể chế nhà nước theo hình tam giác đều, quyền lực nhà nước được tổ chức, phân chia theo học thuyết tam quyền phân lập. Các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp kiềm chế và đối trọng nhau. Mô hình cấu trúc của Chính phủ do hai người lãnh đạo làm xuất hiện tình huống cùng phối hợp. Trong thực tế có 3 thời gian cùng phối hợp, đây là giai đoạn không ổn định của Nền CH thứ Năm do vậy Sửa đổi Hiến pháp, giảm nhiệm kỳ của tổng nhằm giảm nguy cơ mâu thuẫn với thủ tướng trong tương lai. Nhánh quyền lực tư pháp được tổ chức hiệu quả hơn với sự tồn tại của Hội đồng Bảo Hiến giúp phân chia và phối hợp quyền lực giữa Chính phủ và Nghị viện Pháp.

Khác với CH Pháp, thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay theo quy định của Hiến pháp 2013, là Nhà nước Pháp quyền theo mô hình Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, “có sự phân công, phối hợp và kiểm soát để thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến cơ sở, tổ chức ở các đơn vị hành chính. Cơ quan lãnh đạo cao nhất là Đại hội đại biểu toàn quốc; Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức chỉ đạo thực hiện cương lĩnh, nghị quyết; Bộ Chính trị lãnh đạo, kiểm tra giám sát việc thực hiện cương lĩnh, nghị quyết; Ban Bí thư lãnh đạo công việc hằng ngày của Đảng. Thành viên của Bộ Chính trị đồng thời đảm trách các cương vị quan trọng trong thể chế nhà nước tạo nên một cấu trúc tổ chức tập trung, thống nhất. Mô hình thể chế nhà nước của CHXHCN Việt Nam theo hình tam giác cân, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền thành lập Chính phủ, bầu Thủ tướng, phê chuẩn danh sách Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; bầu Chánh án và phê chuẩn danh sách Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Điều này thể hiện sự tập trung, thống nhất trong tổ chức giữa Đảng và Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam (Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng) giới thiệu các chức vụ, vị trí nhân sự cấp cao của thể chế nhà nước để Quốc hội bầu, phê chuẩn.

2. Chức năng hoạt động của thể chế chính trị CHXHCN Việt Nam và CH Pháp có điểm giống nhau là đều có các thể chế nhà nước thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng nội dung và tính chất thực hiện các chức năng trong quá trình hoạch định chính sách công là khác nhau. Ở Việt nam, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định các chương trình, chính sách, hoạt động đối nội và đối ngoại của Chính phủ. Chức năng lập pháp của Quốc hội cho dù có đổi mới nhưng vẫn phụ thuộc vào một số các yếu tố khác như nghị quyết của Đảng, chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ, hằng năm. Tính chủ động trong các giai đoạn lập pháp không cao, phụ thuộc vào việc thẩm định và cho ý kiến của các Bộ, ngành thuộc cơ quan hành pháp nên không có tính độc lập trong quá trình lập pháp.

Chính phủ của CH Pháp do hai người tham gia lãnh đạo và điều hành nên tổng thống và thủ tướng sẽ phân chia thẩm quyền quyết định trên hai lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại, an ninh quốc gia. Trong thời gian cùng phối hợp thì tổng thống quyết định tất cả các chính sách chủ yếu của quốc gia, chủ trì phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng và trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động của bộ máy hành pháp. Nghị viện CH Pháp độc lập trong quá trình bỏ phiếu từng điều và toàn văn dự luật. Hạ nghị viện và Thượng nghị viện có quyền ngang nhau trong việc thẩm định, thảo luận và biểu quyết dự luật. Một ưu điểm trong quy trình lập pháp của CH Pháp đó là sau khi dự luật được hai Viện bỏ phiếu thông qua, dự luật sẽ chuyển Hội đồng Hiến pháp thẩm định và nếu có phán quyết dự án luật không phù hợp với hiến pháp thì dự luật sẽ không trở thành luật. Tổng thống của CH Pháp cũng có quyền không công bố dự luật và đề nghị hai Viện nghiên cứu và biểu quyết lại dự luật.

Về chức năng của đảng chính trị CH Pháp và Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng chính trị Pháp không tham gia chủ yếu vào quá trình hoạch định chính sách của Chính phủ vì Tổng thống với ưu thế do bầu cử trực tiếp nên không phụ thuộc vào một đảng hay liên minh đảng chính trị nào. Tổng thống là người giữ vai trò chủ đạo trong việc quyết định chính sách của bộ máy hành pháp, của quốc gia và hạn chế tối đa ảnh hưởng của các đảng chính trị tham gia vào quá trình này. Khác với Cộng hòa Pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo thể chế nhà nước, có chức năng ban hành các chính sách chủ đạo thể hiện trong cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị để các thể chế lập pháp, hành pháp hoạch định chính sách triển khai thực hiện chức năng của mình.

3. Qua những đặc điểm tĩnh và động về sự giống và khác nhau giữa thể chế chính trị CHXHCN Việt Nam và CH Pháp cho thấy cả hai thể chế đều có những thành công và hạn chế cần hoàn thiện. Thể chế chính trị CH Pháp thứ Năm tương đối ổn định vì thể chế hành pháp đôi làm nảy sinh tình huống mâu thuẫn khi đảng chính trị của tổng thống và thủ tướng khác nhau. Sửa đổi Hiến pháp năm 2000 mục đích đưa bầu cử tổng thống và hạ nghị viện về cùng một thời gian để cùng một đảng, liên minh chính trị ủng hộ cả hai kỳ bầu cử dẫn đến tình thế cohabitation ít xảy ra hơn trong tương lai. Tuy nhiên, nguy cơ này vẫn có khả năng diễn ra như sau bầu cử Thượng nghị viện năm 2014 số lượng thành viên thượng nghị sĩ thuộc đảng Xã hội giảm xuống, Tổng thống F. Hollande đã phải quyết định thay đổi thủ tướng đương nhiệm. Do vậy, thể chế chính trị của CH Pháp có thể tiếp tục cải cách nhằm tăng cường quyền hạn của nghị viện trong việc thành lập chính phủ nhằm giảm bớt thẩm quyền của tổng thống. Ngoài ra, các đảng chính trị cũng tăng cường trách nhiệm trong quá trình hoạch định chính sách công nhằm trách xu hướng tổng thống chi phối đảng chính trị ở CH Pháp.

Thể chế chính trị của nước ta là ổn định về cấu trúc tổ chức và chức năng hoạt động. Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã tiến hành đổi mới, cải cách thể chế thông qua Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng XI, XII, Hiến pháp năm 2013... Vai trò, mối quan hệ giữa Đảng và thể chế nhà nước được củng cố và tăng cường. Cơ cấu tổ chức và chức năng hoạt động của thể chế nhà nước được quy định rõ ràng, hợp lý, từng bước xây dựng cơ chế “phân công, phối hợp, kiểm soát các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Quốc hội đã được đổi mới thể hiện vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất để hoạt động lập pháp thu được kết quả cao. Tòa án nhân dân cũng được hoàn thiện nhằm thực hiện cụ thể chức năng tư pháp.

Tuy nhiên, “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp” được quy định thuộc về “Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân” (Điều 119, khoản 2 Hiến pháp 2013) mà chưa có cơ chế riêng thực sự do một thể chế nhà nước độc lập thực hiện. Điều này không chỉ giảm đi vai trò chủ động trong việc thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội, tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội mà còn ảnh hưởng đến chất lượng của các văn bản luật được thông qua không có sự kiểm tra về tính hợp hiến, hợp pháp độc lập. Trong khi rất nhiều giai đoạn của quy trình lập pháp đều được thẩm định của các cơ quan trong thể chế nhà nước nhưng vẫn để xảy ra các lỗi trong một số văn bản luật quan trọng, ví dụ như Bộ luật Hình sự năm 2015. Do vậy, Đảng và Nhà nước cần thiết ban hành chủ trương, chính sách chỉ đạo thành lập một cơ quan độc lập có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp hiến của tất cả các văn bản luật và có quyền ra quyết nghị tuyên bố các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp và trái với Hiến pháp. Ngoài ra, các Ủy ban, Hội đồng của Quốc hội có quyền thẩm tra tất cả các dự án luật từ giai đoạn thứ hai cho đến khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua và sẽ tiến hành biểu quyết từng điều trước khi bỏ phiếu toàn văn dự án luật.

4. Nội dung nghiên cứu đã thực hiện đầy đủ mục đích nghiên cứu của luận án, trong đó chứng minh phương pháp nghiên cứu so sánh theo quan điểm cấu trúc chức năng đã vận dụng so sánh hiệu quả hai thể chế chính trị khác nhau để tìm ra những điểm tương đồng, khác biệt, những thành công và hạn chế của mỗi thể chế chính trị và phương hướng hoàn thiện. Kết quả nghiên cứu của luận án cũng góp phần củng cố thêm cho cách tiếp cận cấu trúc chức năng khi tiến hành nghiên cứu, đó là các cấu trúc giống nhau nhưng được tổ chức khác nhau ở mỗi thể chế chính trị và ngược lại. Tương tự, chức năng của các thể chế chính trị giống nhau nhưng được thực hiện khác biệt. Chức năng của các thể chế chính trị không thực hiện độc lập mà có sự phối hợp với nhau. Đây chính là điểm quan trọng để tiến hành cho các nghiên cứu về cơ chế “phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” của nước ta trong thời gian tới.



Thể chế chính trị của CHXHCN Việt Nam và CH Pháp khác nhau là do bản chất của nhà nước, cấu trúc tổ chức và chức năng hoạt động của Việt Nam theo nguyên tắc tập trung quyền lực, của CH Pháp là tam quyền phân lập. Nhưng cả hai cùng có điểm chung là đều vận dụng tư tưởng nhà nước pháp quyền cho cấu trúc tổ chức thể chế. Việc nghiên cứu so sánh với cấu trúc tổ chức và chức năng hoạt động của CH Pháp “nhằm thúc đẩy quản trị hiệu quả, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền” của Việt Nam trong thời gian tới như trong Tuyên bố chung ngày 25/9/2013 về quan hệ đối tác chiến lước Việt Nam-Pháp. “Nghiên cứu về bản chất, đặc điểm của chủ nghĩa tư bản hiện đại, những trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới... nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội” theo Nghị quyết số 37 ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030. Hiến pháp 2013 của nước ta đã tổ chức thể chế theo mô hình Nhà nước Pháp quyền Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa và quy định “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp” theo luật định. Do vậy, luận án tập trung nêu một điểm kiến nghị khả thi, phù hợp về cấu trúc tổ chức đó là trong thời gian sắp tới, Đảng và Nhà nước có thể vận dụng thành lập cơ quan bảo hiến: Hội đồng Hiến pháp theo đặc điểm riêng của thể chế chính trị Việt Nam, thành viên do Quốc hội phê chuẩn danh sách đề cử của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ với nhiệm kỳ 10 năm. Hội đồng Hiến pháp sẽ thẩm định và cho ý kiến về các bộ luật, đạo luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban, Hội đồng của Quốc hội và Chủ tịch nước chuyển đề nghị xem xét.

DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ

CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN


  1. Tran Diep Thanh (2012), “A comparative study of the Korean and Vietnamese Political Institutions”, The Journal of the Korean Policy Studies (ISSN 1598-7817), Vol 12 (December), pp. 697-703.

  2. Tran Diep Thanh (2013), “Today Vietnam’s Political Institutions and How to Reform”, Joint International Conference: A Comparative Study on the Government and Public Administration of East-Asian Countries, National Research Foundation of Korea and Daejin University, South Korea, pp. 77-90.

  3. Tran Diep Thanh, Kim Chong-Soo (2013), Studying the Presidency of Vietnam and France from a Comparative Perspective”, The Journal of the Korean Policy Studies (ISSN 1598-7817), Vol 13 (September), pp. 403-422.

  4. Tran Diep Thanh (2013), “Studying China and Vietnam from an Approach of Comparative Political Institutions”, International Conference on Comparative Socialist Developments: China and Vietnam, Department of Political Science, National Taiwan University, pp. 1-12.

  5. Trần Điệp Thành (2014), “Khái quát về mô hình cơ quan hành pháp trung ương của Cộng hòa Pháp và một số gợi mở kinh nghiệm cho Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo Kinh nghiệm tổ chức bộ máy nhà nước trung ương của Pháp, Đức, Thụy Điển và gợi mở cho Việt Nam, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tr. 1-9.




1 Nền Cộng hòa thứ Ba có thời gian tồn tại trong 70 năm (từ 1870 đến 1940).


Каталог: userfile -> User -> songtran -> files
files -> Phan thành nhâm quan niệm về nhà NƯỚc và XÃ HỘi dân sự trong triết học pháp quyền của g. W. F. Hegel
files -> Chuyên ngành: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam Mã số: 62 22 56 01
files -> TRẦn thị ngọc thúY ĐẢng lãnh đẠo cuộc vậN ĐỘng quốc tế chống đẾ quốc mỹ XÂm lưỢc việt nam
files -> Mã số: 62. 22. 50. 05 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ SỬ HỌC
files -> Mã số: 62. 32. 01. 01 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ BÁo chí
files -> ­­­­­­­­­­­­ nguyễn công oánh nhân học kitô giáo và vai trò CỦa nó trong đỜi sống đẠO
files -> TRƯỜng đẠi học khoa học xã HỘi và nhân văN ­­­­­­­­­­­­ nguyễn thúy thơM
files -> HÀ NỘI – 2015 CÔng trình đƯỢc hoàn thàNH
files -> Mã số : 62 22 03 08 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ triết họC
files -> Mã số : 62 22 03 08 TÓm tắt luậN Án tiến sĩ triết họC

tải về 152.96 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương