TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 6238-1: 2011 iso 8124-1: 2009



tải về 0.7 Mb.
trang1/9
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích0.7 Mb.
#26583
  1   2   3   4   5   6   7   8   9
TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 6238-1:2011

ISO 8124-1:2009

AN TOÀN ĐỒ CHƠI TRẺ EM - PHẦN 1: CÁC YÊU CẦU AN TOÀN LIÊN QUAN ĐẾN TÍNH CHẤT CƠ LÝ



Safety of toys - Part 1: Safety aspects related to mechanical and physical properties

Lời nói đầu

TCVN 6238-1:2011 thay thế TCVN 6238-1:2008 (ISO 8124-1:2000) và TCVN 6238-6:1997 (EN 71-6:1994).

TCVN 6238-1:2011 hoàn toàn tương đương với ISO 8124-1:2009.

TCVN 6238-1:2011 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 181 An toàn đồ chơi trẻ em biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Bộ TCVN 6238, An toàn đồ chơi trẻ em, gồm các phần sau:

- TCVN 6238-1:2011 (ISO 8124-1:2009), Phần 1: Các yêu cầu an toàn liên quan đến tính chất cơ lý;

- TCVN 6238-2:2008 (ISO 8124-2:2007), Phần 2: Yêu cầu chống cháy;

- TCVN 6238-3:2011 (ISO 8124-3:2010), Phần 3: Giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại;

- TCVN 6238-4A:2011 (ISO 8124-4:2010), Phần 4A: Đu, cầu trượt và các đồ chơi vận động tương tự sử dụng tại gia đình;

- TCVN 6238-4:1997 (EN 71-4:1990), Phần 4: Bộ đồ chơi thực nghiệm về hóa học và các hoạt động liên quan;

- TCVN 6238-5:1997 (EN 71-5:1993), Phần 5: Bộ đồ chơi hóa học ngoài bộ đồ chơi thực nghiệm;

- TCVN 6238-9:2010 (EN 71-9:2005), Phần 9: Hợp chất hóa học hữu cơ - Yêu cầu chung;

- TCVN 6238-10:2010 (EN 71-10:2005), Phần 10: Hợp chất hóa học hữu cơ - Chuẩn bị và chiết mẫu;

- TCVN 6238-11:2010 (EN 71-11:2005), Phần 11: Hợp chất hóa học hữu cơ - Phương pháp phân tích.



Lời giới thiệu

Tiêu chuẩn quốc tế này được xây dựng dựa phần lớn vào tiêu chuẩn EN 71-1 và ASTM F963.

Tuy nhiên, một đồ chơi được sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn này không có nghĩa là sẽ hoàn toàn phù hợp với các yêu cầu quốc gia về an toàn đồ chơi tại thị trường mà sản phẩm đó được phân phối. Vì vậy người sử dụng tiêu chuẩn này cần phải tham khảo thêm các yêu cầu quốc gia có liên quan.

Việc phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn này sẽ làm giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến đồ chơi khi đồ chơi được sử dụng đúng với cách thức đã định (sử dụng bình thường) cũng như khi đồ chơi được sử dụng không đúng cách thức đã định (sử dụng sai có thể dự đoán trước do các hành vi thông thường của trẻ).

Tiêu chuẩn này không loại trừ cũng như không có mục đích loại trừ trách nhiệm của cha mẹ trong việc lựa chọn đồ chơi một cách phù hợp. Ngoài ra, tiêu chuẩn này không loại trừ việc cần thiết phải có sự giám sát của cha mẹ trong các trường hợp mà trẻ em ở các lứa tuổi khác nhau có thể tiếp xúc với cùng một (các) đồ chơi.

Các phụ lục A, B, C, D và E chỉ có mục đích để tham khảo nhưng rất quan trọng vì phụ lục này cung cấp các giải thích chính xác cho nội dung của tiêu chuẩn.

An toàn của đồ chơi điện được nêu trong IEC 62115.

Khi có yêu cầu chỉ ra tuổi sử dụng trên nhãn an toàn thì có thể thể hiện theo năm hoặc theo tháng tuổi.


AN TOÀN ĐỒ CHƠI TRẺ EM - PHẦN 1: CÁC YÊU CẦU AN TOÀN LIÊN QUAN ĐẾN TÍNH CHẤT CƠ LÝ

Safety of toys - Part 1: Safety aspects related to mechanical and physical properties

1. Phạm vi áp dụng

Các yêu cầu trong tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả các loại đồ chơi, là sản phẩm hoặc vật liệu bất kỳ được thiết kế hoặc được nêu rõ để cho trẻ nhỏ hơn 14 tuổi sử dụng khi chơi. Trừ khi có các quy định đặc biệt khác, các yêu cầu này áp dụng cho cả đồ chơi mới và đồ chơi đã trải qua các điều kiện sử dụng thông thường cũng như sử dụng sai có thể dự đoán trước do các hành vi thông thường của trẻ.

Các yêu cầu của tiêu chuẩn này qui định các chuẩn mực có thể chấp nhận được đối với các đặc tính về cấu trúc của đồ chơi như hình dáng, kích cỡ, đường nét, khoảng trống (ví dụ lúc lắc, các chi tiết nhỏ, đầu nhọn và cạnh sắc, khe hở của đường bản lề) cũng như các chuẩn mực có thể chấp nhận được đối với các tính chất riêng biệt của một số nhóm đồ chơi (ví dụ giá trị động năng tối đa cho các vật phóng có đầu bịt không đàn hồi, góc lật tối thiểu của một số đồ chơi do trẻ lái).

Tiêu chuẩn này qui định các yêu cầu và phương pháp thử đối với đồ chơi dành cho trẻ em ở các nhóm lứa tuổi khác nhau từ mới sinh cho đến 14 tuổi. Các yêu cầu này khác nhau tùy thuộc vào nhóm tuổi sử dụng đồ chơi. Các yêu cầu đối với một nhóm tuổi riêng biệt phản ánh bản chất của các nguy cơ và khả năng thể chất và/hoặc tinh thần có thể trông chờ được của trẻ để đối phó với các nguy cơ đó.

Tiêu chuẩn này cũng quy định rằng trên một số loại đồ chơi hoặc bao gói của chúng phải có lời cảnh báo và/hoặc hướng dẫn sử dụng phù hợp. Do các vấn đề về ngôn ngữ giữa các quốc gia khác nhau nên tiêu chuẩn không quy định cách diễn đạt các lời cảnh báo và hướng dẫn, mà chỉ cung cấp dưới dạng thông tin chung trong Phụ lục B. Cũng cần lưu ý rằng tại nhiều quốc gia có các yêu cầu pháp lý khác nhau liên quan đến việc ghi nhãn này.

Tiêu chuẩn này không nhằm mục đích bao trùm hoặc bao gồm mọi nguy cơ tiềm ẩn có thể nhận thức được của một đồ chơi hoặc một loại đồ chơi cụ thể. Ngoại trừ yêu cầu về dán nhãn chỉ ra các nguy cơ thuộc về chức năng và lứa tuổi thích hợp sử dụng đồ chơi, tiêu chuẩn này không đưa ra các yêu cầu đối với các đặc tính vốn có và các nguy cơ gắn liền với chức năng của đồ chơi.

VÍ DỤ 1 Một ví dụ về một nguy cơ như thế là một đầu nhọn cần thiết cho chức năng của một cây kim. Người mua bộ đồ chơi khâu vá hiểu rõ về nguy cơ gây ra bởi cây kim và nguy cơ gây ra bởi đầu nhọn chức năng này tương tác với người sử dụng như là một phần của quá trình học hỏi thông thường cũng như khi mua hàng thông qua nhãn cảnh báo trên bao bì của sản phẩm.

VÍ DỤ 2 Một ví dụ nữa là xe hẩy đồ chơi (xe scooter đồ chơi) có các nguy cơ hiển nhiên và nhận thấy được liên quan đến việc sử dụng xe (ví dụ tính không ổn định trong sử dụng, đặc biệt là khi tập chơi). Các nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến các đặc tính về cấu trúc của xe (cạnh sắc, nguy cơ kẹp, v.v…) sẽ được giảm thiểu khi xe phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn này.

Các sản phẩm sau đây không thuộc phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn:

a) xe đạp, trừ các xe được coi là đồ chơi, như các xe có chiều cao yên tối đa là 435 mm (xem Điều E.1);

b) ná bắn đá

CHÚ THÍCH "Ná bắn đá" cũng được biết đến là "súng cao su".

c) mũi tên có đầu nhọn bằng kim loại;

d) thiết bị trong các sân chơi gia đình và công cộng;

e) súng và súng ngắn hoạt động bằng hơi và khí nén (Xem Điều E.1);

f) diều (loại trừ độ cách điện của dây diều có được quy định trong tiêu chuẩn);

g) bộ mô hình lắp ráp, bộ sưu tập hay mô hình máy bay, tàu thủy trong đó sản phẩm sau khi lắp ráp không dùng chủ yếu để chơi;

h) thiết bị và đồ dùng thể thao, đồ dùng cắm trại, thiết bị luyện tập thể thao, nhạc cụ; tuy nhiên, các đồ chơi mô phỏng của các thiết bị này vẫn thuộc phạm vi của tiêu chuẩn;

Thông thường có thể nhận thấy sẽ có sự khác biệt rất nhỏ, ví dụ giữa một nhạc cụ hoặc một dụng cụ thể thao với các đồ chơi mô phỏng của chúng. Mục đích của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối, cũng như việc sử dụng thông thường và sử dụng sai có thể dự đoán trước do hành vi thông thường của trẻ nhỏ, sẽ quyết định sản phẩm có phải là một đồ chơi mô phỏng hay không;

i) mô hình máy bay, tên lửa, tàu và các loại xe chạy trên mặt đất vận hành bằng động cơ đốt trong; tuy nhiên, các đồ chơi mô phỏng của chúng vẫn thuộc phạm vi của tiêu chuẩn (Xem Điều E.1);

j) sản phẩm sưu tầm không dùng cho trẻ dưới 14 tuổi;

k) sản phẩm dùng chủ yếu để trang trí trong các ngày lễ;

l) thiết bị sử dụng ở chỗ nước sâu, dụng cụ tập bơi và thiết bị giúp nổi trên mặt nước dành cho trẻ em như là phao bơi dạng ghế ngồi và các phao dạng khác;

m) đồ chơi lắp đặt ở nơi công cộng (ví dụ các khu giải trí, trung tâm thương mại);

n) bộ đồ chơi ghép hình (puzzles) có hơn 500 mảnh hoặc không có hình, dùng cho người chuyên nghiệp;

o) pháo hoa, bao gồm cả kíp nổ giấy, trừ kíp nổ giấy được thiết kế riêng cho đồ chơi;

p) sản phẩm có các phần tử đốt nóng được sử dụng dưới sự giám sát của người lớn dùng trong giảng dạy;

q) động cơ hơi nước;

r) đồ chơi video có thể nối với màn hình video, hoạt động ở điện áp danh nghĩa lớn hơn 24V;

s) núm vú cao su giả dành cho trẻ em (đầu vú cao su);

t) súng mô phỏng;

u) lò điện, bàn là hoặc các sản phẩm chức năng khác vận hành ở điện áp danh nghĩa lớn hơn 24 V;

v) cung để bắn với chiều dài ở trạng thái tĩnh lớn hơn 120 cm;

w) đồ trang sức thời trang dành cho trẻ em (Xem Điều E.1).



2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.

TCVN 257-1:2007 (ISO 6508-1:2005), Vật liệu kim loại - Thử độ cứng Rockwell - Phần 1: Phương pháp thử (thang A, B, C, D, E, F, G, H, K, N, T).

TCVN 4502:2008 (ISO 868:2003), Chất dẻo và ebonit - Xác định độ cứng ấn lõm bằng thiết bị đo độ cứng (độ cứng Shore).

ISO 3746:1995, Acoustics - Determination of sound power levels of noise sources using sound pressure - Survey method using an enveloping measurement surface over a reflecting plane [Âm học - Xác định mức độ âm thanh của các nguồn ồn bằng cách sử dụng áp suất âm - Phương pháp điều tra sử dụng bề mặt đo qua mặt phẳng phản chiếu].

ISO 4287:1997, Geometrical Product Specifications (GPS) - Surface texture: Profile method - Terms, definitions and surface texture parameters (Yêu cầu cho các sản phẩm hình học (GPS) - Kết cấu bề mặt: Phương pháp mặt cắt - Thuật ngữ, định nghĩa và các thông số kết cấu bề mặt).

ISO 4593:1993, Plastics-film and sheeting - Determination of thickness by mechanical scaning [Chất dẻo - Màng mỏng và tấm nhựa dẻo - Xác định độ dày bằng phương pháp quét cơ học].

ISO 11201, Acoustics - Noise emitted by machinery and equipment - Measurement of emission sound pressure levels at a work station and at other specified positions - Engineering method in an essentially free field over a reflecting plane [Âm học - Tiếng ồn phát ra từ máy và thiết bị - Đo các mức áp suất âm phát ra ở một trạm làm việc và tại các vị trí quy định khác - Phương pháp kỹ thuật trong một trường hợp âm tự do qua một mặt phẳng phản chiếu].

ISO 11202, Acoustics - Noise emitted by machinery and equipment - Measurement of emission sound pressure levels at a work station and at other specified positions - Survey method in situ [Âm học - Tiếng ồn phát ra từ máy và thiết bị - Đo các mức áp suất âm phát ra ở một trạm làm việc và tại các vị trí quy định khác - Phương pháp điều tra tại chỗ].

ISO 11204, Acoustics - Noise emitted by machinery and equipment - Measurement of emission sound pressure levels at a work station and at other specified positions - Method requiring environmental corrections [Âm học - Tiếng ồn phát ra từ máy và thiết bị - Đo các mức áp suất âm phát ra ở một trạm làm việc và tại các vị trí quy định khác - Phương pháp đòi hỏi sự hiệu chỉnh môi trường].

IEC 61672-1:2002, Electroacoustics - Sound level meters - Part 1: Specifications (Điện âm học - Máy đo mức âm - Phần 1: Yêu cầu kỹ thuật).

IEC 61672-2:2003, Electroacoustics - Sound level meters - Part 2: Pattern evaluation tests (Điện âm học - Máy đo mức âm - Phần 2: Phép thử đánh giá mẫu).



3. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau.

CHÚ THÍCH Các yêu cầu của tiêu chuẩn này được áp dụng cho các nhóm tuổi nhất định. Điều E.42 (thuật ngữ về khoảng tuổi sử dụng đồ chơi) diễn giải về các nhóm tuổi này.

3.1. Vùng tiếp xúc được (accessible area)

Phần hoặc chi tiết bất kỳ của đồ chơi mà phần phía trước vòng đai của dụng cụ dò khả năng tiếp xúc như mô tả tại 5.7 có thể tiếp xúc được.



3.2. Đồ chơi dưới nước (aquatic toy)

Đồ chơi, có thể hoặc không thể thổi phồng, có mục đích mang khối lượng của trẻ và được sử dụng như là một dụng cụ để chơi ở chỗ nước nông.

CHÚ THÍCH Các đồ chơi trong bồn tắm và bóng để chơi trên bãi biển không được coi là đồ chơi dưới nước.

3.3. Lớp lót (backing)

Vật liệu dính vào màng nhựa mềm.



3.4. Bóng (ball)

Vật thể dạng hình cầu, hình trứng hoặc hình elip được thiết kế hoặc được dùng để ném, đánh, đá, lăn, thả hoặc cho nảy lên.

CHÚ THÍCH 1 Định nghĩa này bao gồm các quả bóng được nối với đồ chơi hay một sản phẩm nào đó bằng dây, dây đàn hồi hoặc dây tương tự và cả các vật thể có nhiều mặt được tạo thành bằng cách nối nhiều mặt phẳng với nhau và các vật thể khác dạng hình khối ovan hay elip được thiết kế hoặc để trẻ sử dụng như một quả bóng.

CHÚ THÍCH 2 Định nghĩa này không bao gồm các súc sắc hoặc các quả bóng ở bên trong máy bắn bóng, trò chơi mê cung hoặc các vật chứa tương tự. Một quả bóng được cho là ở bên trong một vật chứa nếu khi thử theo 5.24 (phép thử việc sử dụng sai có thể dự đoán trước do hành vi thông thường của trẻ) thì không thể lấy chúng ra khỏi vật chứa bên ngoài.



3.5. Đồ chơi hoạt động bằng pin (battery-operated toy)

Đồ chơi có ít nhất một chức năng phụ thuộc vào điện và được vận hành bằng pin.



3.6. Bavia (burr)

Phần nhám do xử lý không tốt khi cắt, tách hoặc hoàn tất vật liệu.



3.7. Đồ chơi để gần tai (close-to-the-ear toy)

Đồ chơi được thiết kế để sử dụng gần tai, nghĩa là phần phát ra âm thanh của đồ chơi thường được áp vào tai của trẻ.

VÍ DỤ Đồ chơi điện thoại di động và đồ chơi điện thoại phát ra âm thanh từ tay cầm của điện thoại.

3.8. Sập đổ (collapse)

Sự đổ sập bất ngờ hoặc không lường trước của một cơ cấu.



3.9. Âm thanh liên tục (continuous sound)

Âm thanh bất kỳ ở trạng thái ổn định hoặc nhóm các âm thanh biến thiên kéo dài trong khoảng thời gian quá một giây.



3.10. Dây (cord)

Đoạn vật liệu mảnh, dễ uốn.

VÍ DỤ Các monofilamăng, dây dệt và dây xe, dây thừng, băng dệt bằng chất dẻo, ruy băng và dây bện từ vật liệu dệt.

CHÚ THÍCH Tóc búp bê không được coi là dây.



3.11. Sự kẹp (crushing)

Sự gây thương tích cho phần cơ thể do bị kẹp giữa hai bề mặt cứng.



3.12. Mức áp suất âm đỉnh trọng số C (C-weighted peak sound pressure level)

LpCđỉnh

Mức áp suất âm đỉnh thu được khi sử dụng trọng số C tiêu chuẩn.

3.13. Cơ cấu phóng (discharge mechanism)

Hệ thống dùng để giải phóng và đẩy một vật phóng.



3.14. Cơ cấu dẫn động (driving mechanism)

Tổ hợp các bộ phận hoặc chi tiết được kết nối (ví dụ các bánh răng, đai truyền, cơ cấu lên dây cót) và ít nhất một trong các chi tiết này chuyển động và được truyền động bằng một nguồn độc lập với trẻ em (ví dụ bằng điện hoặc cơ học).



3.15. Cạnh (edge)

Đường có chiều dài lớn hơn 2,0 mm, được tạo nên ở chỗ tiếp giáp của hai bề mặt.



3.15.1. Cạnh uốn tròn (curled edge)

Cạnh mà tại đó phần tấm liền kề với nó được uốn vào theo một hình cung và tạo thành một góc nhỏ hơn 900 so với tấm nền.

CHÚ THÍCH Xem Hình 1.

3.15.2. Cạnh gấp (hemmed edge)

Cạnh mà tại đó phần tấm liền kề với nó được bẻ gập lên tấm đó một góc khoảng 1800, sao cho phần tấm liền kề với cạnh gần như song song với tấm nền chính.

CHÚ THÍCH Xem Hình 1.

3.15.3. Cạnh cuộn tròn (rolled edge)

Cạnh mà tại đó phần tấm liền kề với nó được uốn vào theo hình cung và tạo thành một góc từ 900 đến 1200 so với tấm nền chính.

CHÚ THÍCH Xem Hình 1.





a) Cạnh cuộn tròn

b) Cạnh gấp (uốn gấp)





c) Cạnh uốn tròn

d) Mối nối chồng đặc trưng

a không giới hạn

Hình 1 - Cạnh

3.16. Mức áp suất âm tương đương (equivalent sound pressure level)

LpA

Mức âm thanh ở trạng thái ổn định, mà trong một khoảng thời gian xác định và ở một vị trí xác định có cùng năng lượng âm thanh trọng số A như năng lượng của âm thanh thay đổi theo thời gian.

3.17. Vật liệu giãn nở (expanding material)

Vật liệu mà khi cho vào nước thì thể tích của nó giãn nở ra.



3.18. Hoạt động nổ (explosive action)

Sự giải phóng năng lượng đột ngột đặc trưng bởi sự giãn nở nhanh hoặc nổ tung của một vật liệu.



3.19. Chi tiết lắp xiết (fastener)

Dụng cụ cơ khí gắn hai hoặc nhiều phần của đồ chơi lại với nhau.

VÍ DỤ Đinh vít, đinh tán, ghim dập.

3.20. Cạnh vát (feathering)

Sự mài vát của một cạnh (hoặc giảm chiều dày hướng về phía cạnh) do quá trình xén hoặc cắt vật liệu.



3.21. Rìa (flash)

Vật liệu thừa lọt ra ngoài giữa các phần ăn khớp của một tổ hợp khuôn.



3.22. Cơ cấu gấp (folding mechanism)

Cơ cấu có bản lề, khớp xoay, gấp hoặc trượt có thể gây kẹp, đè, cắt hoặc đứt gãy trong quá trình vận hành.

VÍ DỤ Cầu là đồ chơi hoặc ghế đẩy đồ chơi.

3.23. Đồ chơi chức năng (functional toy)

Đồ chơi, thường là một mô hình thu nhỏ, hoạt động và được sử dụng giống như sản phẩm trong thực tế dành cho người lớn.

VÍ DỤ Bếp có các chức năng gia nhiệt.

3.24. Lông/tơ (fuzz)

Vật liệu dạng xơ có thể dễ dàng lấy ra khỏi đồ chơi có bề mặt bằng lông mịn.



3.25. Thủy tinh (glass)

Chất vô định hình, cứng, dễ vỡ, được chế tạo bằng cách nung chảy, thường gồm có silic oxit và silicat hòa tan lẫn nhau và cũng có thể có cả xút và vôi.



3.26. Đồ chơi cầm tay (hand-held toy)

Đồ chơi được thiết kế để sử dụng hoặc hoạt động khi được cầm bằng tay.

VÍ DỤ Dụng cụ đồ chơi, trò chơi điện tử nhỏ, đồ chơi nhồi, búp bê, đồ chơi âm nhạc và đồ chơi phát nổ-phát sáng.

3.27. Tổn hại (harm)

Tổn thương cơ thể hoặc thiệt hại đến sức khỏe của con người hoặc thiệt hại về tài sản hay môi trường.



3.28. Nguy cơ (hazard)

Nguồn gây tổn hại tiềm ẩn.

CHÚ THÍCH Thuật ngữ nguy cơ có thể được làm rõ để xác định nguồn gốc của nó hoặc bản chất của tổn hại có thể xảy ra (nghĩa là nguy cơ bị điện giật, bị kẹp, bị cắt, bị nhiễm độc, nguy cơ cháy hoặc chết đuối).

3.29. Chi tiết nhô ra nguy hiểm (hazardous projection)

Chi tiết nhô ra mà do vật liệu hoặc hình dáng của nó hoặc do cả hai, có nguy cơ đâm vào trẻ khi trẻ giẫm lên hoặc bị ngã vào.

CHÚ THÍCH 1 Các nguy cơ đâm vào mắt và/hoặc miệng không được đề cập đến trong định nghĩa này vì việc thiết kế sản phẩm không thể loại trừ các nguy cơ đâm vào các vùng này của cơ thể.

CHÚ THÍCH 2 Nếu chi tiết nhô ra ở trên một đồ chơi nhỏ mà đồ chơi này bị lật đổ khi tác dụng một lực vào đầu của chi tiết nhô ra thì chi tiết đó không được coi là có nguy cơ gây nguy hiểm.



3.30. Cạnh sắc nguy hiểm (hazardous sharp edge)

Cạnh có thể tiếp xúc được của đồ chơi có khả năng gây thương tích không lường trước được khi sử dụng thông thường hoặc sử dụng sai có thể dự đoán trước do hành vi thông thường của trẻ.



3.31. Đầu nhọn nguy hiểm (hazardous sharp point)

Đầu nhọn có thể tiếp xúc được của đồ chơi có khả năng gây thương tích không lường trước được khi sử dụng thông thường hoặc sử dụng sai có thể dự đoán trước do hành vi thông thường của trẻ.



3.32. Khe hở đường bản lề (hinge-line clearance)

Khoảng cách giữa phần chuyển động và không chuyển động của đồ chơi, dọc theo hoặc liền kề với đường xuyên qua trục quay.

CHÚ THÍCH Xem Hình 2.

3.33. Âm thanh xung (implusive sound)

Âm thanh bất kỳ đặc trưng bởi sự lệch của áp suất âm thanh vượt xa tiếng ồn xung quanh, thường trong khoảng thời gian ít hơn một giây.



3.34. Sử dụng theo dự kiến (intended use)

Sử dụng một sản phẩm, qui trình hoặc dịch vụ theo thông tin DO nhà cung cấp đưa ra.



3.35. Điểm nối chồng (lap joint)

Điểm nối mà ở đó một cạnh chồng lên một bề mặt song song nhưng không nhất thiết phải gắn cơ học vào bề mặt này ở tất cả mọi điểm dọc theo chiều dài.

CHÚ THÍCH Xem Hình 1.

CHÚ DẪN


1. Đường bản lề

2. Nắp


3. Hộp

A Khe hở đường bản lề ở giữa các cạnh lắp ghép



Hình 2 - Khe hở đường bản lề

3.36. Đồ chơi lớn và cồng kềnh (large and bulky toy)

Đồ chơi có diện tích đáy lớn hơn 0,26 m2 hoặc có thể tích lớn hơn 0,08m3 không tính đến các phần phụ không quan trọng.

CHÚ THÍCH Diện tích đáy của đồ chơi có chân gắn cố định là diện tích được tạo bởi các đường thẳng nối các cạnh ngoài cùng của từng chân của vòng đai này.

3.37. Viên bi (marble)

Khối cầu được làm bằng vật liệu cứng như là thủy tinh, đá mã não, cẩm thạch hoặc chất dẻo, được sử dụng trong nhiều trò chơi khác nhau của trẻ em, thông thường như vật để chơi hay đánh dấu.



3.38. Mức áp suất âm trọng số A tối đa (maximum A-weighted sound pressure level)

LpAmax

Mức áp suất âm tối đa thu được khi sử dụng trọng số A tiêu chuẩn.

3.39. Kim loại (metal)

Vật liệu bao gồm kim loại cơ bản và/hoặc hợp kim của kim loại.



3.40. Sử dụng thông thường (normal use)

Cách chơi tuân thủ các hướng dẫn kèm theo đồ chơi, được thiết lập theo truyền thống hoặc thói quen hoặc hiển nhiên từ việc khám phá đồ chơi.



3.41. Bao gói (packaging)

Vật liệu kèm theo đồ chơi khi mua nhưng không có chức năng để chơi.



3.42. Giấy (paper)

Vật liệu được bán như giấy hoặc cáctông, có khối lượng tối đa trên một đơn vị diện tích là 400 g/m2.



3.43. Đồ dùng để chơi (play furniture)

Đồ dùng được thiết kế cho trẻ sử dụng và dự kiến hoặc có thể dùng để mang/đỡ khối lượng của trẻ



3.44. Quả len (pompom)

Các đoạn xơ, sợi hoặc chỉ được kẹp hoặc bó, buộc ở giữa và được chải ra để tạo thành một khối hình cầu.

CHÚ THÍCH 1 Định nghĩa trên bao gồm cả quả hình cầu được làm từ các vật liệu nhồi (xem Hình 3).

CHÚ THÍCH 2 Quả tua có các dải sợi dài không được coi là quả len (xem Hình 4)





Hình 3- Quả len thông thường và quả len tròn



Hình 4- Quả tua có các dải sợi dài

3.45. Vật phóng (projectile)

Vật được thiết kế để phóng cho bay tự do, hoặc bay theo một quỹ đạo trong không gian.



3.46. Đồ chơi phóng có năng lượng dự trữ (projectile toy with stored energy)

Đồ chơi có vật phóng được phóng ra bằng cơ cấu phóng có khả năng dự trữ và giải phóng năng lượng.




tải về 0.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương