TÀi liệu hỏI ĐÁp về cuộc bầu cử ĐẠi biểu quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 2021 Chủ nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2016



tải về 65.87 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích65.87 Kb.
#15894


ỦY BAN BẦU CỬ THÀNH PHỐ CẦN THƠ




TÀI LIỆU HỎI - ĐÁP
VỀ CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV

NHIỆM KỲ 2016 - 2021

Chủ nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2016

(Tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên các đoàn thể và quần chúng)

TIỂU BAN TUYÊN TRUYỀN

NĂM 2016

TÀI LIỆU HỎI - ĐÁP

VỀ CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV

Chủ nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2016

(Tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên các đoàn thể và quần chúng)

----------------------

Câu 1

Hỏi: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra vào thời gian nào? Có ý nghĩa và tầm quan trọng ra sao?

Đáp: Ngày 25/11/2015, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 105/2015/QH13 về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Theo Nghị quyết của Quốc hội, ngày bầu cử sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật 22/5/2016.

Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 04/01/2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 nêu rõ: Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước. Công cuộc đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang thu được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh quốc tế và khu vực có những thuận lợi và khó khăn đan xen; các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới của Nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Cùng với thành công đại hội đảng các cấp, tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016.
Câu 2

Hỏi: Theo Hiến pháp năm 20131, Quốc hội có vị trí và chức năng như thế nào?

Đáp: Điều 69, Hiến pháp năm 2013 quy định vị trí và chức năng của Quốc hội như sau:

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Câu 3

Hỏi: Pháp luật nước ta quy định như thế nào về vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội? Đại biểu Quốc hội cần phải có những tiêu chuẩn gì?

Đáp:

* Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 20142 quy định:

1. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

2. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri và trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình.

3. Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội.



* Đại biểu Quốc hội cần phải có những tiêu chuẩn như sau:

Thứ nhất, trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ hai, có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thứ ba, có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

Thứ tư, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

Thứ năm là có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Câu 4

Hỏi: Trách nhiệm và nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội được Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định như thế nào?

Đáp: Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, đại biểu Quốc hội có các trách nhiệm và các quyền sau:

- Trách nhiệm tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội;

- Trách nhiệm với cử tri;

- Trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân;

- Quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh;

- Quyền tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;

- Quyền ứng cử, giới thiệu người ứng cử vào các chức danh do Quốc hội bầu;

- Quyền chất vấn;

- Quyền kiến nghị của đại biểu Quốc hội;

- Quyền yêu cầu khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật;

- Quyền yêu cầu cung cấp thông tin;

- Quyền tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân;

- Quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội.
Câu 5

Hỏi: Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 20153, ai có quyền tham gia bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội? Những trường hợp nào không được bầu cử và ứng cử?

Đáp: Điều 2, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này.

Ngoài ra, điều 37 của Luật này cũng quy định những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đó là:

- Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

- Người đang bị khởi tố bị can.

- Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.

- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.

- Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Câu 6

Hỏi: Khi tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, cử tri cần nắm vững những nguyên tắc gì? Nguyên tắc bỏ phiếu như thế nào?

Đáp:

Điều 1, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Về nguyên tắc bỏ phiếu, Điều 69 của Luật này quy định:

- Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.

- Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.

- Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

- Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

- Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.

- Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.

- Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.

- Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.



Câu 7

Hỏi: Thời gian bỏ phiếu như thế nào?

Đáp: Về thời gian bỏ phiếu, điều 71, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 ghi rõ:

Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.

Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri.

Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.


Câu 8

Hỏi: Những phiếu bầu cử như thế nào được xem là không hợp lệ?

Đáp: Căn cứ điều 74 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, những phiếu bầu sau đây là phiếu bầu không hợp lệ:

a) Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra;

b) Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;

c) Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử;

d) Phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử;

đ) Phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.


Câu 9

Hỏi: Có bao nhiêu đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa XIV? Đơn vị thành phố Cần Thơ sẽ bầu bao nhiêu đại biểu?

Đáp: Căn cứ Điều 7 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015: Tổng số đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không quá năm trăm (500) người.

Đơn vị thành phố Cần Thơ được phân bổ cơ cấu, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV là 07 đại biểu. Trong đó, số đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 04 đại biểu và do Trung ương giới thiệu là 03 đại biểu.

Câu 10

Hỏi: Tại sao nói bầu cử vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân?

Đáp: Quyền bầu cử là một quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định, bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước.

Bầu cử là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực của Nhà nước. Do đó bầu cử vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân. Vì, thông qua bầu cử, Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu tín nhiệm bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; thông qua bầu cử mà Nhân dân góp phần tham gia việc thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.


Câu 11

Hỏi: Nhân dân thành phố Cần Thơ phải làm gì để góp phần làm cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt kết quả tốt?

Đáp: Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV ngày 22/5/2016 đạt kết quả cao, Nhân dân thành phố Cần Thơ phải thực hiện tốt những yêu cầu sau:

Một là, cử tri nắm vững quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử; nắm vững tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội để lựa chọn, bầu được những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng vào Quốc hội.

Hai là, tích cực lao động sản xuất, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri, các cuộc tuyên truyền về bầu cử; góp phần đưa ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV thật sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân.

Ba là, tất cả cử tri tự giác tham gia bầu cử; tuyên truyền, vận động người thân hăng hái đi bầu cử đông đủ, đúng thời gian, đúng nguyên tắc, đảm bảo theo cơ cấu, chấp hành tốt những quy định về bầu cử.

Bốn là, luôn có tinh thần đề cao cảnh giác, đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, những âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối, chia rẽ của các thế lực thù địch.

MỤC LỤC
Câu 1: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra vào thời gian nào? Có ý nghĩa và tầm quan trọng ra sao? 2

Câu 2: Theo Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có vị trí và chức năng như thế nào? 3

Câu 3: Pháp luật nước ta quy định như thế nào về vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội? Đại biểu Quốc hội cần phải có những tiêu chuẩn gì? 3

Câu 4: Trách nhiệm và nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội được Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định như thế nào? 4

Câu 5: Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, ai có quyền tham gia bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội? Những trường hợp nào không được bầu cử và ứng cử? 4

Câu 6: Khi tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, cử tri cần nắm vững những nguyên tắc gì? Nguyên tắc bỏ phiếu như thế nào? 5



Câu 7: Thời gian bỏ phiếu như thế nào? 6

Câu 8: Những phiếu bầu cử như thế nào được xem là không hợp lệ? 6

Câu 9: Có bao nhiêu đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa XIV? Đơn vị thành phố Cần Thơ sẽ bầu bao nhiêu đại biểu? 6

Câu 10: Tại sao nói bầu cử vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân? 7

Câu 11: Nhân dân thành phố Cần Thơ phải làm gì để góp phần làm cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt kết quả tốt? 7

MỤC LỤC 8

* Chịu trách nhiệm xuất bản:

BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY CẦN THƠ

* Trụ sở:

Số 01 Quang Trung, TP Cần Thơ



Điện thoại: 080 71189


1 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, được Quốc hội khóa XIII, thông qua tại kỳ họp thứ 6, vào ngày 28/11/2013 (sau đây gọi là Hiến pháp năm 2013).

2 Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2014 (sau đây gọi là Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014).

3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25 tháng 6 năm 2015 (sau đây gọi là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015).




tải về 65.87 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương