ĐẶng thị thanh trâM ĐẢng lãnh đẠo xây dựNG, phát huy sức mạnh hậu phưƠng miền bắC



tải về 107.42 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích107.42 Kb.
#13353
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN



ĐẶNG THỊ THANH TRÂM

ĐẢNG LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG, PHÁT HUY

SỨC MẠNH HẬU PHƯƠNG MIỀN BẮC

(1965 – 1972)

Chuyên ngành : Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mã số : 62 22 56 01

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

Hà Nội, 2014

Công trình được hoàn thành tại: Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Hồ Khang

Phản biện 1:

Phản biện 2:

Phản biện 3:

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng Đại học Quốc gia chấm luận án tiến sĩ họp tại

Vào hồi giờ ngày tháng năm


Có thể tìm hiểu luận án tại:



- Thư viện Quốc gia Việt Nam

- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Giai đoạn (1965 -1972) là khoảng thời gian, không gian mà cuộc đấu trí, đấu lực giữa lực lượng cách mạng Việt Nam với đế quốc Mỹ và tay sai diễn ra quyết liệt nhất trong toàn bộ cuộc chiến 21 năm chống Mỹ, cứu nước. Trong vòng 8 năm (1965 -1972), miền Bắc hai lần chuyển hướng sang thời chiến để đối đầu với hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân thiện chiến của Mỹ; đồng thời thực hiện nhiệm vụ vừa xây dựng CNXH, vừa chiến đấu bảo vệ, vừa chi viện không chỉ cho tiền tuyến miền Nam mà còn cho cả cách mạng Lào và Campuchia. Việc đề ra và tổ chức thực hiện thành công một chiến lược hậu phương là nhân tố quyết định giúp miền Bắc tích hợp, phát huy được sức mạnh chiến tranh nhân dân đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thực hiện chi viện ngày càng nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến lớn, góp sức cùng miền Nam đánh thắng giặc Mỹ.

Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giai đoạn (1965 – 1972) chưa hẳn là thời gian miền Bắc chi viện nhiều nhất sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam và các chiến trường Đông Dương khác nhưng chắc chắn đây là những năm tháng mà vai trò, khả năng, sức mạnh to lớn, phi thường, toàn diện của miền Bắc được thể hiện sinh động nhất, phong phú nhất; thấy được sự sáng tạo, kỳ công của việc xây dựng, bảo vệ, phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc XHCN trên tất cả các mặt xây dựng, chiến đấu bảo vệ và chi viện cho tiền tuyến, thấy được mối quan hệ hữu cơ, máu thịt giữa hậu phương – tiền tuyến, thấy được sự tương tác giữa các tầng nấc hậu phương một cách hữu hiệu, đặc sắc nhất. Đó thực sự là một thành công lớn của Đảng Lao Động Việt Nam trong việc lãnh đạo, tổ chức, phát huy sức mạnh toàn dân vào công cuộc xây dựng, bảo vệ hậu phương miền Bắc XHCN, góp phần quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình khu vực, thế giới, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu mới, không kém phần thử thách, khó khăn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc trong 8 năm trực tiếp đương đầu với đế quốc Mỹ xâm lược (1965 - 1972) vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Với những lý do trên, nghiên cứu sinh quyết định chọn đề tài “Đảng lãnh đạo xây dựng, phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc (1965 - 1972)” làm đề tài luận án ngành lịch sử, chuyên ngành lịch sử ĐCSVN.



2.Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu

Làm rõ chủ trương, đường lối và sự chỉ đạo xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc của Đảng Lao Động Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1972, qua đó, rút ra những kinh nghiệm chủ yếu góp phần cho việc thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn hiện nay.



Nhiệm vụ nghiên cứu

- Đi sâu phân tích đường lối, chủ trương xây dựng, bảo vệ, phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc của Đảng qua hai giai đoạn: 1965 – 1968, 1969 - 1972.

- Phân tích, mô tả quá trình Đảng chỉ đạo xây dựng, phát huy sức mạnh của hậu phương miền Bắc những năm 1965 - 1972;

- Làm sáng tỏ những thành tựu, hạn chế trong quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng, phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc những năm 1965 - 1972; trên cơ sở đó rút ra một số kinh nghiệm góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN giai đoạn hiện nay.



3. Đối tượng, phạm vi, cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là chủ trương, đường lối của Đảng Lao Động Việt Nam về xây dựng, bảo vệ, phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc và quá trình tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện đường lối, chủ trương này.



3.2. Phạm vi nghiên cứu

Về nội dung khoa học

Luận án tập trung nghiên cứu đường lối, chủ trương, sự chỉ đạo của Đảng Lao Động Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc những năm 1965 -1972. Thực ra, trong nội dung xây dựng, phát huy sức mạnh hậu phương bao hàm cả nội dung bảo vệ hậu phương. Về nội dung xây dựng gồm những vấn đề về xây dựng kinh tế, văn hoá, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang. Về nội dung bảo vệ gồm bảo vệ trị an, bảo vệ miền Bắc trước cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa của đế quốc Mỹ. Còn nội dung phát huy sức mạnh hậu phương bao gồm việc đảm bảo GTVT, đảm bảo việc chi viện sức người, sức của cho tuyền tuyến lớn miền Nam, cách mạng Lào và Campuchia.



Về thời gian

Luận án có mốc mở đầu nghiên cứu là năm 1965 (thời gian đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất) và mốc kết thúc nghiên cứu là năm 1972 (thời gian diễn ra và kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của đế quốc Mỹ). Tuy nhiên, để làm rõ tính hệ thống, sự kế thừa, phát triển trong sự lãnh đạo xây dựng, phát huy sức mạnh hậu phương của Đảng, luận án mở rộng thời gian nghiên cứu về trước năm 1965 và sau năm 1972 (ở mức độ nhất định).



Về không gian

Không gian nghiên cứu chủ yếu là miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở ra.



3.3.Cơ sở lý luận

- Luận án được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của ĐCSVN về chiến tranh nhân dân, về vai trò của hậu phương, về mối quan hệ giữa hậu phương và tiền tuyến trong chiến tranh.



3.4. Phương pháp nghiên cứu

Luận án sử dụng các phương pháp lịch sử, logic là chủ yếu, ngoài ra, các phương pháp khác như: phân tích- tổng hợp; so sánh, đối chiếu, thống kê… cũng được vận dụng để giải quyết nội dung nghiên cứu cụ thể của luận án.



4. Đóng góp của luận án

Trên cơ sở tập hợp, hệ thống hóa, bổ sung tư liệu mới, xử lý nguồn tư liệu một cách khoa học, luận án có những đóng góp sau:



4.1.Về tư liệu

- Khai thác khối lượng tư liệu khá phong phú, đa dạng và đáng tin cậy về chủ trương, đường lối và quá trình chỉ đạo thực hiện của Đảng trong việc tổ chức xây dựng, bảo vệ hậu phương miền Bắc từ năm 1965 đến năm 1972.

- Nguồn tài liệu tham khảo, phụ lục của luận án có thể đóng góp cho việc nghiên cứu một số vấn đề thuộc về hoặc có liên quan đến xây dựng, phát huy sức mạnh hậu phương.

4.2.Về nội dung khoa học

- Trình bày một cách hệ thống chủ trương, đường lối của Đảng Lao Động Việt Nam trong quá trình xây dựng, bảo vệ, phát huy sức mạnh của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam và chiến trường Đông Dương; góp phần làm sáng tỏ hoàn cảnh hoạch định, thành công, hạn chế của các chủ trương, đường lối nói trên;

- Mô tả, phục dựng quá trình quân dân miền Bắc thực hiện xây dựng, bảo vệ, phát huy sức mạnh của hậu phương dưới sự lãnh đạo của Đảng qua hai giai đoạn: 1965 - 1968; 1969 – 1972; làm rõ những thành công, hạn chế và nguyên nhân trong sự chỉ đạo xây dựng, bảo vệ, phát huy sức mạnh của hậu phương miền Bắc từ năm 1965 đến năm 1972.

- Bước đầu đưa ra những đánh giá, nhận xét có cơ sở khoa học về những thành tựu cũng như những vấn đề tồn tại trong quá trình Đảng lãnh đạo xây dựng, phát huy sức mạnh của hậu phương miền Bắc, từ đó rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

- Luận án có thể sử dụng làm tài liệu nghiên cứu và phục vụ công tác giảng dạy môn Lịch sử ĐCSVN, cũng như những môn học có liên quan.

5. Bố cục của luận án

Ngoài phần Mở đầu, Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, luận án gồm 3 chương và 6 tiết:



Chương 1: Chủ trương và sự chỉ đạo xây dựng, phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc của Đảng từ năm 1965 đến năm 1968

Chương 2: Sự lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng và phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc từ năm 1969 đến năm 1972

Chương 3: Nhận xét và kinh nghiệm lịch sử

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
Qua khảo cứu tài liệu trong và nước ngoài đề cập trực tiếp và có liên quan đến hậu phương miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng tôi nhận thấy các công trình đã giải quyết các vấn đề sau:

- Khái quát chủ trương, đường lối của Đảng Lao Động Việt Nam về xây dựng, bảo vệ hậu phương miền Bắc; thành tựu của quân dân miền Bắc trong việc xây dựng đất nước trên một số mặt quan trọng như: kinh tế, chính trị, văn hoá, y tế, giáo dục, GTVT và thắng lợi của quân dân miền Bắc đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 – 1972); những kết quả chi viện của cải, vật chất, lực lượng của hậu phương miền Bắc cho cách mạng miền Nam.

- Khẳng định vai trò, vị trí quyết định của hậu phương miền Bắc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

- Một số tác giả nước ngoài bước đầu đề cập đến những yếu tố tạo nên sức mạnh, sức sống của miền Bắc, những yếu tố mà nhờ đó Đảng Lao Động Việt Nam nhận được sự ủng hộ to lớn của nhân dân.

- Sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn về mặt tinh thần, vật chất của các nước XHCN đặc biệt là Trung Quốc, Liên Xô đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam thông qua hậu phương miền Bắc XHCN.

Tuy nhiên, cũng còn những khía cạnh mà các công trình chưa có điều kiện đề cập đến, hoặc nếu có thì cũng cần làm rõ hơn:

- Từ năm 1965 đến 1972 là khoảng thời gian miền Bắc phải đương đầu trực tiếp với cuộc chiến tranh phá hoại và phong toả của đế quốc Mỹ, đó là khoảng thời gian hết sức khắc nghiệt và đầy thử thách đối với cách mạng Việt Nam nói chung, với vai trò, sức mạnh của hậu phương miền Bắc nói riêng nhưng chính trong hoàn cảnh đó, vai trò, sức mạnh, sức sống của hậu phương miền Bắc lại được phát huy một cách đầy đủ, mạnh mẽ, sinh động hơn bao giờ hết. Đây là kết quả của sự trung thành với chiến lược xây dựng hậu phương miền Bắc từ trước đó và sự phát triển lên một bậc cao hơn trong hoàn cảnh trực tiếp chống hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, các công trình thường tập trung vào kết quả miền Bắc đạt được trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, quân sự … chứ chưa tập trung làm rõ chủ trương hai lần miền Bắc chuyển hướng mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến (một nội dung quan trọng trong chiến lược hậu phương) của Đảng trên các lĩnh vực kinh tế, tư tưởng, tổ chức; chưa đầu tư nghiên cứu sâu chủ trương của Đảng Lao Động Việt Nam trên những phương diện xã hội, một nhân tố nổi trội, đẹp đẽ có ý nghĩa quyết định tạo nên sự bền vững, ổn định và sức sống bất diệt của hậu phương miền Bắc XHCN như chăm lo yếu tố con người, bồi dưỡng sức dân ở cả yếu tố vật chất, tinh thần, tri thức, sức khoẻ, phẩm giá con người, đảm bảo môi trường sống an ninh, trật tự trị an…

- Chưa làm rõ mối quan hệ hữu cơ, gắn bó đặc biệt giữa hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến; cũng như chưa làm rõ những nỗ lực của Đảng Lao Động Việt Nam trong việc xây dựng mối quan hệ đặc biệt này.

- Chưa tập trung nghiên cứu làm sáng rõ sự tác động qua lại, hỗ trợ giữa các tầng nấc hậu phương: hậu phương tại chỗ, hậu phương quốc tế, hậu phương chiến lược miền Bắc trong toàn bộ cuộc kháng chiến đối với tiền tuyến miền Nam và các chiến trường Đông Dương khác.

- Các kinh nghiệm từ quá trình Đảng Lao Động Việt Nam lãnh đạo xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc trong hai cuộc chống chiến tranh phá hoại (1965 – 1972) cũng cần đầu tư nghiên cứu.

Tóm lại, cho đến nay, cả trong và ngoài nước có không ít công trình nghiên cứu ở góc độ này hay góc độ khác, đề cập trực tiếp hay gián tiếp, ít hay nhiều đến vấn đề hậu phương miền Bắc giai đoạn 1965 - 1972. Đó vừa là thuận lợi mà NCS được kế thừa kết quả nghiên cứu của những người đi trước nhưng đây cũng chính là khó khăn mà NCS phải vượt qua. Những góc cạnh về hậu phương miền Bắc chưa được đề cập, hoặc đề cập đến còn ở mức khái lược, đại thể sẽ là những nội dung mà dưới góc độ Lịch sử Đảng, NCS sẽ cố gắng thực hiện.

CHƯƠNG 1

CHỦ TRƯƠNG VÀ SỰ CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG, PHÁT HUY SỨC MẠNH HẬU PHƯƠNG MIỀN BẮC CỦA ĐẢNG TỪ NĂM 1965 ĐẾN NĂM 1968

1.1. Chủ trương xây dựng, phát huy sức mạnh của hậu phương miền Bắc

1.1.1. Kế sách mới chống phá miền Bắc của đế quốc Mỹ

Luận án khái lược chủ trương của Đảng Lao Động Việt Nam xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương cho cách mạng miền Nam từ sau năm 1954 đến năm 1964 và kết quả của việc thực hiện vai trò của miền Bắc đối với cách mạng miền Nam; chỉ ra tầm quan trọng của việc chống phá hậu phương trong học thuyết quân sự Mỹ và sự quyết liệt; những thách thức, khó khăn cũng như vị trí, vai trò ngày càng có ý nghĩa quyết định của hậu phương miền Bắc khi đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Sử dụng lực lượng không quân, hải quân chống phá miền Bắc bằng chiến tranh phá hoại trở thành một biện pháp chiến lược quan trọng song hành cùng với việc trực tiếp đưa quân vào miền Nam Việt Nam, gắn liền với nhịp độ phát triển của chiến tranh.



1.1.2. Chủ trương xây dựng, phát huy sức mạnh của hậu phương miền Bắc trong điều kiện chiến tranh lan rộng

Luận án phân tích chủ trương xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc trong điều kiện chiến tranh mở rộng ra cả nước tại hai Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 11 (3 – 1965) và Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 12 (12 – 1965). Về cơ bản, chủ trương này là sự tiếp nối và phát triển chủ trương xây dựng hậu phương chiến lược đã được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (9 - 1960). Điểm mới là vai trò, vị trí của hậu phương miền Bắc ngày càng có ý nghĩa quyết định đối với tiền tuyến miền Nam, mối quan hệ giữa hậu phương - tiền tuyến ngày càng chặt chẽ, khăng khít, trọng trách của miền Bắc ngày càng nặng nề. Để đảm trách vai trò là hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam và giúp đỡ cách mạng Lào, miền Bắc phải tiếp tục xây dựng CNXH trong điều kiện chiến tranh. Toàn bộ hoạt động của miền Bắc được quyết định chuyển sang thời chiến. Chuyển hướng về xây dựng kinh tế, công tác tư tưởng và tổ chức, tăng cường lực lượng quốc phòng, đẩy mạnh việc bảo vệ, phát huy sứ mệnh hậu phương lớn là những nhiệm vụ lớn của miền Bắc khi bước sang chiến.



1.2. Chỉ đạo xây dựng, phát huy sức mạnh của hậu phương miền Bắc

1.2.1. Chỉ đạo xây dựng và bảo vệ hậu phương miền Bắc

Luận án làm rõ quá trình TƯĐLĐVN, QUTƯ chỉ đạo quân dân miền Bắc triển khai thực hiện Nghị quyết HNBCHTƯ Đảng lần thứ 11 và HNBCHTƯ Đảng lần thứ 12 nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ hậu phương trên các phương diện: giữ vững hoạt động sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân trên phương diện vật chất và tinh thần, chuyển hướng công tác chính trị - tư tưởng, tổ chức; phát triển giáo dục, văn hoá, y tế, chăm sóc sức khỏe quân dân (trong đó, những lĩnh vực mang tính nhân văn, xã hội, ngời lên vẻ đẹp của chế độ XHCN như văn hoá, giáo dục, y tế có phần phát triển hơn thời bình); đẩy mạnh công tác phòng không nhân dân, tăng cường quốc phòng, bảo đảm thông tin liên lạc và bảo vệ trị an, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ các mục tiêu, hạng mục kinh tế, giao thông, quân sự quan trọng; giải tỏa được sự bao vây, ngăn chặn của đế quốc Mỹ đối với cửa ngõ duy nhất miền Bắc; giảm thiểu sự thiệt hại về người, về của. Tóm lại, ngay khi chiến tranh bắt đầu và cho suốt cuộc chiến tranh, miền Bắc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của TƯĐLĐVN không hề nao núng, tiếp tục sự nghiệp xây dựng, bảo vệ hậu phương.



1.2.2. Chỉ đạo phát huy sức mạnh của hậu phương miền Bắc

Luận án làm rõ quá trình TƯĐLĐVN chỉ đạo quân dân miền Bắc phát huy cao độ sức mạnh của hậu phương lớn trên các phương diện: đảm bảo GTVT thông suốt, tăng cường chi viện cho tiền tuyến miền Nam và giúp đỡ cách mạng Lào.



Như vậy, trong chương 1, luận án làm rõ những thử thách lớn chưa từng có của hậu phương miền Bắc khi đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”; phân tích làm rõ sự kế thừa và phát triển của đường hướng xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh của hậu phương miền Bắc được xác định tại hai Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 11 (3 – 1965) và Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 12 (12 – 1965); và tái hiện sinh động quá trình TƯĐLĐVN chỉ đạo quân dân miền Bắc thực hiện ba trọng trách vừa xây dựng, vừa chiến đấu bảo vệ, giữ gìn trị an, vừa không ngừng chi viện ngày càng lớn cho tiền tuyến miền Nam và cách mạng Lào.

CHƯƠNG 2

SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI XÂY DỰNG VÀ PHÁT HUY SỨC MẠNH HẬU PHƯƠNG MIỀN BẮC TỪ NĂM 1969 ĐẾN NĂM 1972

2.1. Xây dựng và bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc

2.1.1. Xây dựng hậu phương lớn miền Bắc

Luận án chỉ ra những khó khăn, thử thách mới và vai trò ngày càng trở lên quan trọng hơn bao giờ hết của hậu phương miền Bắc không chỉ đối với cách mạng miền Nam mà còn đối với cách mạng Lào và Campuchia khi chính quyền Ních xơn chuyển sang thực hiện chiến lược “Đông Dương hóa chiến tranh”; phân tích chủ trương của ĐLĐVN và quá trình chỉ đạo quân dân miền Bắc tiếp tục xây dựng, bảo vệ, phát huy sức mạnh hậu phương trong hoàn cảnh mới: vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh. Nhìn chung, tạm thời trở lại thời bình từ 1969 đến đầu năm 1972, miền Bắc nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Công tác động viên chính trị - tư tưởng cho cán bộ, đảng viên một lần nữa được đẩy mạnh. Nhờ thế, nhân dân miền Bắc tích cực lao động, sản xuất và giành được nhiều thành tựu trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, gia tăng tiềm lực kinh tế, quốc phòng, củng cố hậu phương vững mạnh, GTVT; các lĩnh vực giáo dục, y tế, giải quyết các vấn đề chính sách thương binh xã hội và hậu phương quân đội có nhiều tiến bộ. Những thành quả của công cuộc phục hồi đã tạo cơ sở vững chắc để miền Bắc tạo nên sinh lực mới, tiềm lực mới và khả năng phòng thủ vững chắc cho miền Bắc trong tình thế mới.



2.1.2. Bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc

Luận án chỉ ra những hành động tiếp tục phá hoại hậu phương miền Bắc của đế quốc Mỹ cho dù họ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ cuối năm 1968. Đặc biệt, đầu năm 1972, trước khó khăn trên chiến trường miền Nam, trên bàn Hội nghị Pari và những toan tính chính trị của mình, chính quyền Ních- xơn đã tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai với quy mô lớn, cường độ hết sức quyết liệt, đỉnh cao là cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 trong suốt 12 ngày đêm vào Hà Nội và các thành phố lớn miền Bắc. Trong tiểu tiết này, luận án tập trung làm nổi bật sự chỉ đạo sát sao của BCHTƯ Đảng và trực tiếp là QUTƯ trong việc tăng cường lực lượng quốc phòng, chú trọng phát triển lực lượng PK – KQ, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc trong mọi tình huống. Luận án đi sâu vào tái hiện quá trình TƯĐLĐVN một lần nữa chỉ đạo chuyển miền Bắc sang thời chiến, xây dựng, bảo vệ hậu phương trong hoàn cảnh chiến tranh; thực hiện công tác sơ tán và đẩy mạnh phòng không nhân dân, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại hết sức ngoan cường, mưu trí, sáng tạo, bảo vệ hậu phương miền Bắc.



2.2. Phát huy sức mạnh của hậu phương miền Bắc

2.2.1. Đảm bảo giao thông vận tải thông suốt, kịp thời chi viện cho tiền tuyến miền Nam

Trong tiểu tiết này, luận án làm sáng rõ quá trình chỉ đạo quân dân miền Bắc của BCT, BCHTƯ, trực tiếp là Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ đảm bảo GTVT thông suốt, đảm bảo việc tiếp nhận hàng hóa từ nước ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc sự chi viện cho các chiến trường miền Nam cũng ngày được tăng cường.



2.2.2. Chi viện, giúp đỡ cách mạng Lào, Campuchia

Luận án trình bày những chủ trương và sự giúp đỡ chủ động, tích cực, sự chi viện ngày càng tăng của cách mạng Việt Nam, cụ thể là miền Bắc Việt Nam cho cách mạng Lào, Campuchia trên mọi phương diện.



Như vậy, chương 2 luận án tiếp tục làm sáng tỏ chủ trương xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc trong một bối cảnh vừa có những thuận lợi khi tạm thời có hòa bình, vừa có những thử thách hết sức nghiệt ngã. Một lần nữa, dưới sự chỉ đạo sát sao của TƯĐLĐVN, phát huy những kinh nghiệm của cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, quân dân miền Bắc hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh hậu phương lớn. Thắng lợi của trận “ Điện Biên Phủ trên không”, sau đó là thắng lợi của Hiệp định Pari về việc Mỹ chấm dứt chiến tranh được ký kết vào ngày 27 – 1 - 1973 chính là thành quả cách mạng ghi nhận sự chung lưng đấu cật của hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam; là mề đay minh chứng cho sức mạnh to lớn của hậu phương chiến lược đi qua giai đoạn khốc liệt nhất, thử thách nhất của cuộc chiến tranh (1965 – 1972).

Chương 3

NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM LỊCH SỬ

3.1. Nhận xét

3.1.1.Về ưu điểm

Qua nghiên cứu quá trình xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc suốt 8 năm trực tiếp đối đầu với đế quốc Mỹ (1965 – 1972) ở cả hai miền Nam, Bắc trong tình trạng cường độ, tính chất chiến tranh ngày càng ác liệt, quy mô ngày càng mở rộng, NCS có những chiêm nghiệm, nhận xét:



Một là, nhận thức về vai trò to lớn của hậu phương chiến lược miền Bắc, Đảng Lao Động đã hoạch định chủ trương, đường lối xây dựng miền Bắc phù hợp.

Mặc dù khó khăn, thử thách và trọng trách của miền Bắc ngày càng nặng nề nhưng trên cơ sở có một một chiến lược hậu phương được xây dựng và thực hiện bằng sự kết hợp chặt chẽ tính cách mạng với tính khoa học của quần chúng do Đảng lãnh đạo, một công tác hậu phương “ mang tính lý luận và tính thực tiễn cao, tính tri thức và tính kỹ thuật phù hợp với hoàn cảnh đất nước và trình độ của con người được nâng lên một bước”, ĐLĐVN tiếp tục phát triển chiến lược ấy trong hoàn cảnh mới một cách có hiệu quả.



Hai là, Đảng Lao Động Việt Nam chú trọng củng cố, phát huy quan hệ gắn bó máu thịt đặc biệt giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.

Luận án chỉ ra những chủ trương, biện pháp, hình thức trên nhiều lĩnh vực mà ĐLĐVN chỉ đạo xây dựng, gắn kết, gia cố mối quan hệ giữa hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, xây dựng ý thức Nam – Bắc một nhà, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong nhân dân cả hai miền. Vì thế, mối quan hệ hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam ngày càng khăng khít, máu thịt, trở thành một tâm lý, tình cảm thiêng liêng.



Ba là, trong quá trình xây dựng và phát huy sức mạnh của hậu phương miền Bắc, tính nhân dân thể hiện đậm nét

Luận án chỉ ra rằng: trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt trong 8 năm gian khó nhất (1965 – 1972) tính nhân dân thể hiện đậm nét trong mọi hoạt động xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh hậu phương.



3.1.2. Về hạn chế

Một là, hạn chế trong hoạch định chủ trương, đường lối

Luận án chỉ ra điểm hạn chế trong hoạch định đường lối xây dựng miền Bắc. Tiềm lực kinh tế giữ vai trò quan trọng trong chiến lược xây dựng hậu phương miền Bắc. Tuy nhiên, trong suốt 21 năm, miền Bắc đã thiết lập một mô hình kinh tế mà ở đó không có sự phù hợp của quan hệ sản xuất quá tiến bộ với trình độ lực lượng sản xuất còn lạc hậu, thô sơ của miền Bắc. Vì thế, hiệu quả kinh tế không được như mong đợi.



Hai là, hạn chế trong chỉ đạo thực hiện

Luận án cho rằng, thực hiện chuyển hướng công tác tư tưởng và công tác tổ chức sang thời chiến là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong chiến lược hậu phương miền Bắc. Tuy nhiên, trong thực tiễn, miền Bắc đã có không ít những hạn chế trong chỉ đạo thực hiện xây dựng, bảo vệ, phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc, biểu hiện trên nhiều phương diện như: công tác PKND, đảm bảo GTVT, xây dựng lực lượng quốc phòng.



3.2. Một số kinh nghiệm

3.2.1. Chú trọng xây dựng hậu phương toàn diện ngay từ thời bình

Luận án phân tích rằng: miền Bắc đứng vững qua hai cuộc chiến tranh phá hoại, nhanh chóng chuyển sang thời chiến và duy trì sức mạnh suốt 8 năm chiến tranh là nhờ ngay từ khi hoà bình, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, thì các mục tiêu chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh, ngoại giao luôn được miền Bắc chú trọng xây dựng, tạo sự vững mạnh toàn diện cho đất nước. Sự chuẩn bị toàn diện này làm cơ sở cho việc xây dựng các tầng nấc hậu phương: hậu phương chiến lược, hậu phương tại chỗ và hậu phương quốc tế phòng khi đất nước rơi vào tình huống xấu nhất là xảy ra chiến tranh thì có thể phát huy được sức mạnh vững bền, to lớn của các tầng nấc hậu phương đã được chuẩn bị trước.



3.2.2. Trong toàn bộ hoạt động xây dựng hậu phương, phải đặt trọng tâm vào công tác chính trị - tư tưởng và tổ chức

Luận án phân tích mối quan hệ chặt chẽ giữa công tác chính trị - tư tưởng và công tác tổ chức trong mọi hoạt động xây dựng, bảo vệ, phát huy sức mạnh hậu phương. Nhờ đó, sức mạnh của quần chúng được khơi gợi, nhân lên và quản trị chặt chẽ. Kinh nghiệm này còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN ngày nay.



3.2.3. Huy động, chăm lo, bồi dưỡng sức dân phải được coi là “nền”, “gốc”

Luận án chỉ ra rằng: Trong 21 năm chiến tranh, đặc biệt trong 8 năm gian khổ nhất (1965 – 1972), miền Bắc huy động được sức dân một cách cao độ và lâu dài. Nguyên do là đi đôi với chính sách huy động sức dân thì miền Bắc chú trọng bồi dưỡng sức dân trên tất cả các mặt vật chất, tinh thần, được chăm sóc sức khỏe, được giáo dục, được đảm bảo môi trường trị an…Ngày nay, kinh nghiệm này cần đặc biệt chú trọng, coi đó kế sách bền vững nuôi dưỡng sức mạnh nhân dân lâu dài để xây dựng và gìn giữ Tổ quốc.



3.2.4 Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh, trong đó, đặc biệt coi trọng vai trò người đứng đầu

Quá trình xây dựng và phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc trong giai đoạn (1965 – 1972) cho thấy, nhất là vào những thời điểm cách mạng khó khăn, ĐLĐVN rất quan tâm đến việc xây dựng, chỉnh đốn đội ngũ, cán bộ đảng viên, coi đây là nhân tố quyết định của việc huy động sức dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Luận án cho rằng: trong bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết, để xây dựng, bảo vệ đất nước vững mạnh trong mọi tình thế thì việc xây dựng được đội ngũ cán bộ đảng viên từ Trung ương cho tới các chi bộ, đặc biệt cán bộ, đảng viên cấp cao có tài, có đức, hạt nhân quan trọng nhất của khối đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa cấp thiết. Phẩm chất, đạo đức, tài năng của ĐCSVN chính là sinh mệnh của dân tộc.



3.2.5. Phát huy nội lực của dân tộc kết hợp với sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế

Luận án chỉ ra rằng: Sức mạnh của miền Bắc trong những năm chống Mỹ, cứu nước là sức mạnh của nội lực quốc gia và một phần rất quan trọng là sức mạnh từ sự giúp đỡ, viện trợ cả về tinh thần và vật chất của các nước anh em, bè bạn trên thế giới; sức mạnh của dân tộc đi đúng xu thế phát triển của thời đại, sức mạnh của một dân tộc tự chủ, khéo léo lách qua và giảm thiểu được những trở lực từ thác ghềnh của những biến động quốc tế. Luận án cho rằng, ngày nay, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, sức mạnh để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN ắt phải là sức mạnh tổng hợp, toàn diện. Sức mạnh ấy nhất thiết phải được kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa nội lực quốc gia với sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế, trong đó nội lực quốc gia có ý nghĩa quyết định.

Như vây, sau hai chương nghiên cứu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong quá trình xây dựng, bảo vệ, phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc qua hai cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 – 1972), trong chương 3, luận án rút ra ba nhận xét về nét đặc sắc, nổi trội, có thể được coi là những ưu điểm và hai nhận xét về những điểm hạn chế trong quá trình lãnh đạo xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc thời gian này. Cùng với đó, luận án rút ra năm kinh nghiệm lịch sử. Ngày nay, tư duy về bảo vệ Tổ quốc XHCN, về hậu phương, tiền tuyến có nhiều điểm không còn như trước kia, nhưng thiết nghĩ, những kinh nghiệm này chắc chắn còn nhiều giá trị trong giai đoạn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

KẾT LUẬN

Sau khi nghiên cứu đề tài “Đảng lãnh đạo xây dựng và phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc (1965- 1972)”, luận án đã đạt được một số kết quả như sau:

1. Tập hợp, mô tả và đi sâu phân tích đường lối, chủ trương, biện pháp của Đảng trong xây dựng, bảo vệ, phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc của Đảng qua hai thời đoạn:1965 - 1968; 1969 - 1972, từ đó đã làm rõ đường lối của ĐLĐVN trong việc xây dựng, bảo vệ, phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc những năm Việt Nam phải trực tiếp đối đầu với đế quốc Mỹ (1965 – 1972).

Luận án đã trình bày được những mưu đồ chống phá hậu phương miền Bắc ngày càng quyết liệt của đế quốc Mỹ trên cơ sở nhận thức mối quan hệ chặt chẽ giữa hậu phương miền Bắc và cuộc đấu tranh ở miền Nam ngay từ khi họ nhảy vào miền Nam Việt Nam. Đầu năm 1965, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Một mặt, họ trực tiếp đưa quân vào miền Nam Việt Nam tham chiến, mặt khác dùng mọi thủ đoạn từ việc leo thang bằng lực lượng không quân, hải quân đến việc lợi dụng những bất lợi trong phe XHCN để triệt hại miền Bắc trong suốt 4 năm (1965- 1968) với mục đích làm cho miền Bắc rời bỏ miền Nam. Đến đầu năm 1972, hòng cứu vãn tình thế chiến sự ở miền Nam, lật ngược thế cờ trên bàn đàm phán Pari, đế quốc Mỹ một lần nữa đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc với tính chất huỷ diệt. Trong suốt 8 năm “đụng đầu” với tên đế quốc sừng sỏ của thời đại, BCHTƯ Đảng nhanh chóng, kịp thời đưa ra những quyết sách hợp lý để miền Bắc vừa tiếp tục xây dựng CNXH, vừa chiến đấu bảo vệ mình và không ngừng phát huy sức mạnh đối với chiến trường miền Nam và các chiến trường Đông Dương. Trong đó, miền Bắc chủ trương chuyển toàn bộ hoạt động từ thời bình sang thời chiến vào đầu năm 1965 và đầu năm 1972 để tiếp tục xây dựng CNXH trong thời chiến và chủ trương nhanh chóng khôi phục kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng trong khoảng thời gian hoà bình ngắn ngủi từ đầu năm 1969 cho đến đầu năm 1972 là đúng đắn, hợp lý, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng miền Bắc nói riêng cũng như của sự nghiệp cách mạng cả nước nói chung trong giai đoạn đầy khó khăn, thử thách.

2. Luận án trình bày tổng quát quá trình triển khai thực hiện các chủ trương xây dựng, bảo vệ, phát huy sức mạnh của miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với quyết tâm sắt đá, đường hướng đúng đắn, kịp thời và những biện pháp triển khai đồng bộ, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, các vấn đề xã hội, trật tự an ninh, quốc phòng, miền Bắc đã xây dựng được một sức mạnh to lớn, toàn diện, bền bỉ, dẻo dai. Sức mạnh ấy giúp miền Bắc đứng vững trong hai cuộc chiến tranh phá hoại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến miền Nam, góp phần quyết định đưa đến sự khai tử của hai chiến lược chiến tranh cục bộ và Việt Nam hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải rút quân về nước.

3. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh hậu phương miền Bắc diễn ra sinh động, phong phú trên nhiều lĩnh vực. Hoạt động thực tiễn đó có nhiều thành công và nhưng có những hạn chế nhất định. Trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh của hậu phương miền Bắc, luận án rút ra nhận xét về những ưu điểm cũng như hạn chế cùng năm kinh nghiệm lịch sử. Trong bối cảnh khu vực, thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, những xung đột, tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa các quốc gia ngày càng căng thẳng đặt ra nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trở nên hết sức cấp bách. Thiết nghĩ tham khảo, soi rọi những kinh nghiệm lịch sử này sẽ góp phần hữu ích cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong giai đoạn hiện nay.



DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

  1. Đặng Thị Thanh Trâm (2009), “Đánh bại âm mưu ngăn chặn của địch bảo vệ vững chăc tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn”, Tạp chí Văn hoá Nghệ An (148), tr 48 -50.

  2. Đặng Thị Thanh Trâm (2009), “Giáo dục ý thức chính trị cho giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, Kỷ yếu hội thảo khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và thực trạng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay”, tr 221 - 226.

  3. Đặng Thị Thanh Trâm (2009), “Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục - đào tạo và vận dụng vào quá trình đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Đề tài cấp Bộ năm 2009, Mã số B2009 - 02- 75.

  4. Đặng Thị Thanh Trâm (2009) “Kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang trong phong trào Đồng khởi năm 1960”, 50 năm phong trào Đồng khởi ở miền Nam Việt Nam những vấn đề lịch sử, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 379 - 391.

  5. Đặng Thị Thanh Trâm (2010), “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ hậu phương miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

  6. Đặng Thị Thanh Trâm (2012), “Chuyển hậu phương miền Bắc sang thời chiến, sẵn sàng đánh bại chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ”, Tạp chí Lịch sử quân sự (252), tr 39 - 43.

  7. Đặng Thị Thanh Trâm (2012), “Từ dự báo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972”, Tạp chí Giáo dục lý luận (189), tr 11- 13.

  8. Đặng Thị Thanh Trâm (2011), Giáo dục tư tưởng chính trị cho sinh viên, thực trạng và giải pháp, Đề tài cấp trường Đại học Mỏ - Địa chất năm 2011, Mã số T11- 53.

  9. Đặng Thị Thanh Trâm - Nguyễn Văn Quang (2012), “Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo sớm âm mưu đế quốc Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B52 đánh phá Hà Nội và các thành phố lớn ở miền Bắc”, Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội.

  10. Đặng Thị Thanh Trâm (2013), Quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng về xây dựng hệ thống chính trị ở Việt Nam từ 1996 đến nay, Đề tài cấp trường Đại học Mỏ - Địa chất, Mã số T13 - 14.



Каталог: userfile -> User -> long -> files
User -> CHÍnh phủ Số: 127/2015/NĐ-cp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
User -> BỘ CÔng thưƠng cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
User -> Tuyên truyền tiết kiệM ĐIỆN 2011
User -> Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006
User -> BỘ CÔng thưƠng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
User -> BỘ TÀi chính số: 141 /2011 /tt-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
User -> §¹i häc Quèc gia Hµ Néi Céng hßa x· héi chñ nghÜa viÖt nam §éc lËp Tù do H¹nh phóc
files -> TRƯỜng đẠi học khoa học xã HỘi và nhân văn nguyễn thị thanh hải tư TƯỞng của triết học tôma aquinô Chuyên ngành : cndvbc & cndvls
files -> Nguyễn bá ĐẠt rối nhiễu tâm lý Ở trẻ em
files -> Chuyên ngành : cndvbc & cndvls

tải về 107.42 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương