Lời nói đầu



tải về 101.25 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu14.07.2016
Kích101.25 Kb.
#1719
Niên biểu quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ

Quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ

Phùng Nguyên

 


Lời nói đầu

Chúng tôi chỉ có ý định làm một niên biểu (chronology) về quan hệ Trung-Mỹ với bình luận ngắn để độc giả có thể theo dõi quan hệ giữa hai nước kể từ ngày cựu TT Richard Nixon đặt chân đến Bắc Kinh trong tháng 2-1972 cho đến nay.

Mao Trạch Đông vào cuối đời bắt buộc phải thừa nhận chính sách thù địch chống Mỹ đã đưa TQ tới ngõ bí trong khi người "anh cả" Liên Xô của XHCN trở thành người thù địch. Người ta còn nhớ, quan hệ Trung-Xô trở nên xấu sau khi Liên Xô cúp viên trợ và rút chuyên viên về nước trong năm 1964. Trong hai năm 1969-1971, quan hệ càng xấu thêm khi hai nước giao tranh bằng vũ lực ở sông Oussouri giữa 2 biên giới của 2 nước. Đây có thể nói là bước ngoặt của ngoại giao của Bắc Kinh trong việc nối lại quan hệ với Mỹ mà theo sự đánh giá của nhật báo Le Monde của Pháp, ngày 29-10-1997, cho là "vừa có tình vừa có hận" vì vấp phải vấn đề Đài Loan. Ngày nào vấn đề Đài Loan chưa giải quyết trong hoà bình, quan hệ giữa hai nước sẽ không bao giờ được trọn vẹn như chúng ta sẽ thấy ở trong phần niên biểu dưới đây.


Bình luận

Trong khoảng thời gian ngoài 30 năm, quan hệ giữa hai nước có thể chia làm ba thời kỳ như sau.
 

I-Thời kỳ quan hệ bước đầu (tháng 2-1972-tháng 2-1989)


Thời kỳ này có thể chia ra hai giai đoạn: một thời kỳ "trăng mật" và một thời kỳ chuyển hướng.

1-Thời kỳ "trăng mật" (1972-1982 )

Thời kỳ này có thể gọi là thời kỳ "trăng mật" hay đúng hơn thời kỳ liên minh của tình thế kéo dài trong 10 năm từ 1972-1982. Trong thời gian này, Mỹ cần Bắc Kinh giúp đỡ để giải quyết hoà bình ở Đông Dương cùng làm áp lực Liên Xô phải có thái độ hoà hoãn trong vấn đề vũ khí hạt nhân. Ngược lại, Bắc Kinh cũng cần Mỹ để đối kháng với Liên Xô trong vấn đề biên giới. Do đó, trục Washington-Bắc Kinh chống trục Moscow-Hà Nội được thành hình.

Hai xứ chính thức thiết lập bang giao ngày 1.1.1979 sau 30 năm đối kháng nhất là chiến tranh ở Triều Tiên trong ba năm (1950-1953) đã để lại nhiều nhiều tang tóc cho hai bên (gần một triệu quân chết về phía TQ, hơn 50 ngàn quân về phía Mỹ). Trong việc tái lập quan hệ với Mỹ, Bắc Kinh đưa ra ba điều kiện đòi Hoa Kỳ phải thực hiện: hủy bỏ hiệp ước hỗ trợ an ninh ký năm 1945 với Đài Loan, chấm dứt công nhận Đài Loan và rút hết nhân sự và các thiết bị vũ trang khỏi đảo. Tuy nhiên, quốc hội Mỹ sau đó (tháng 4-1979) cho thông qua một văn kiện "Taïwan Relations Act", theo đó "mọi nỗ lực giải quyết vấn đề Đài Loan ngoài phương tiện hoà bình sẽ được coi như là một hăm doạ hoà bình và an ninh cho phía tây Thái Bình Dương và sẽ là đối tượng ưu tư nghiêm trọng của Hoa Kỳ ".

Nói một cách khác, Hoa Kỳ có thể can thiệp khi Đài Loan bị đe doạ bằng vũ lực. Văn kiện này trở thành một trở ngại lớn cho sự quan hệ tốt giữa hai nước.

Trong 10 năm đầu, TT Hoa Kỳ Gerald Ford (tháng 12-1975) và hai phó TT Walter Mondale (tháng 8-1980) và George Bush cha (tháng 5-1982) viếng thăm chính thức TQ. Trái lại, ông Jimmy Carter là TT duy nhất không viếng thăm chính thức TQ trong nhiệm kỳ của ông ta (1976-1980), có lẽ vì phải đương đầu với tình hình chính trị ở I-Răng lúc đó.

Về phía Bắc Kinh, ông Đặng Tiểu Bình dù chỉ là phó thủ tướng (thủ tướng kiêm chủ tịch Đảng lúc đó là Hoa Quốc Phong) lần đầu tiên viếng thăm Hoa Kỳ trong tháng 2-1979. Thực ra, ông Đặng Tiểu Bình lúc đó đã là nhân vật số 1 vì sau Hội nghị lần thứ 3 khoá 11 (tháng 12-1978), vị thế của Hoa Quốc Phong bắt đầu lung lay. Sau chuyến đi của Đặng Tiểu Bình, Bắc Kinh cho Hà Nội một "bài học". Bắc Kinh tiếp tục viện trợ nhóm khờ-me đỏ Pol Pot, Washington âm thầm cổ võ.

2-Chính sách ngoại giao của Bắc Kinh chuyển hướng (1983-1989)

Cũng như các liên minh của tình thế, tuần "trăng mật" Trung-Mỹ không lâu bền. Người ta khó tưởng tượng một Hoa Kỳ đại diện khối tự do lại đi liên minh với một chế độ không tự do dân chủ và vi phạm trầm trọng nhân quyền. Ở các trường hợp tương tự, người Pháp có một thành ngữ khá ngộ nghĩnh. Họ cho đó là một "hôn nhân" giữa con cá chép và con thỏ! (le mariage entre la carpe et le lapin).

Thực vậy, sau Đại hội lần thứ 12 (tháng 9-1982), ngoại giao của Bắc Kinh lại chuyển hướng. Bắc Kinh nối lại quan hệ với Liên Xô, khẳng định lại sự độc lập chính sách đối ngoại liên đới với các nước thứ ba. Lý do chính là Mỹ vẫn tiếp tục quan hệ chặt chẻ với Đài Loan cùng bán vũ khí hiện đại, không ngừng chỉ trích vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh trong khi đó Gorbatchev lên cầm quyền ở Liên Xô. So với thời kỳ của Leonid Brejnev (từ trần tháng 11-1982) và các lãnh tụ nối tiếp trong thời gian ngắn hạn, quan hệ Trung-Xô được cải thiện rõ rệt sau khi lãnh tụ Liên Xô Gorbatchev tuyên bố trong tháng 7-1986 đề nghị rút một phần quân đội chiếm đóng ở ngoại Mông Cổ và chấp nhận sửa đổi biên giới đương tranh chấp giữa Siberia và Mãn Châu. Kết quả của sự hồi sinh quan hệ là, sau một thời gian dài, TBT Gorbatchev được Đặng Tiểu Bình long trọng tiếp đón trong tháng 5-1989 mặc dù sinh viên TQ đang chiếm đóng quảng trường Thiên An Môn.

Quan hệ Trung-Mỹ, trong giai đoạn này, dù không còn khăng khít như trước đó nhưng các cuộc viếng thăm thượng đỉnh vẫn tiếp tục. Phía Mỹ, hai tổng thống Ronald Reagan (tháng 4-1984) và George Bush (tháng 2-1989), viếng thăm chính thức Trung Quốc. Phía TQ, Thủ tướng Triệu Tử Dương (tháng 1-1984) và chủ tịch nước Lý Tiên Niệm (tháng 7-1985) lần lượt viếng thăm Hoa Kỳ.



II-Thời kỳ đông lạnh (1989-1996)

Sau sự kiện Thiên An Môn (tháng 6-1989), quan hệ Trung Mỹ cũng như quan hệ của Bắc Kinh với các nước Tây phương trải qua một thời kỳ đông lạnh kéo dài trong 7 năm. Thời kỳ này xảy ra dưới nhiệm kỳ của TT George Bush (cha) và nhiệm kỳ lần thứ nhất của TT Clinton. Ngoại trừ chuyến đi của ông Bush trong tháng 2-1989 trước sự kiện Thiên An Môn, không có cuộc thăm viếng thượng đỉnh nào khác giữa 2 nước. Quan hệ Trung Mỹ còn gặp nhiều khó khăn lớn khác. Nếu trong nhiệm kỳ của ông Bush (1988-1992) quan hệ giữa hai nước không thể trở nên tốt đẹp vì sự kiện Thiên An Môn vẫn còn ở trong tâm trí của người Mỹ mặc dù những cố gắng của chính quyền Bush thì quan hệ giữa 2 nước dưới nhiệm kỳ thứ nhất của TT Clinton (1992-1996) cũng không khả quan hơn. Khi còn là ứng cử viên của đảng Dân chủ, ông Clinton đã trách móc TT Bush đã thiếu cứng rắn với chế độ Bắc Kinh thậm chí còn "nuông chiều" các bạo chúa. Vì vậy, người ta không mấy ngạc nhiên thấy chính sách ngoại giao của Mỹ trở nên cứng rắn với Bắc Kinh trong nhiều lãnh vực như việc Mỹ bán 150 phi cơ chiến đấu cho Đài Loan trong năm 1992, việc chống Bắc Kinh trong năm 1993 xin đứng ra tổ chức Thế Vận hội năm 2000 (Sydney của Úc thắng), việc Hoa Kỳ cho TT Đài Loan Lý Đăng Huy chiếu khán sang Đại học Cornell đọc diễn văn trong năm 1995 và việc Mỹ cho 2 hạm đội có trang bị vũ khí hạt nhân sang eo biển Đài Loan để giằn mặt Bắc Kinh bắn hoả tiễn ngoài khơi Đài Loan với ý đồ hăm doạ dân chúng lần đầu tiên đi bầu tổng thống theo phổ thông đầu phiếu trong tháng 3-1996.

Trái lại, quan hệ giữa hai thủ đô Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau sau sự kiện Thiên An Môn như việc viếng thăm Liên Xô của Giang Trạch Dân (tháng 5-1991) và chuyến thăm đầu tiên ở Bắc Kinh của TT Nga Eltsin trong tháng 12-1992. Trước đó, ngoại trưởng TQ Tiền Kỳ Tham tuyên bố Bắc Kinh không loại trừ khả năng "liên minh" với Nga.

III: Thời kỳ quan hệ trở lại bình thường (1997-2003)

Đây có thể nói là thời kỳ quan hệ bình thường như mọi quan hệ bình thường giữa các nước mặc dù đôi khi khi có căng thẳng.

Thời kỳ này ở vào lúc nhiệm kỳ thứ hai của TT Clinton (1996-2000) và đương kiêm nhiệm kỳ của TT George W.Bush (con). Thái độ của TT Clinton đối với Bắc Kinh trong thời kỳ này hoàn toàn thay đổi. Ông cho là cần phải hợp tác chặt chẻ với Bắc Kinh nhưng vẫn nói thẳng. Vì vậy, ở hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila, thủ đô của Phillipines vào đầu tháng 11-1996, ông tuyên bố Hoa Kỳ không có ý định ngăn chận TQ và hy vọng xứ này trở thành một đối tác chiến lược. Hai bên đồng ý là Giang Trạch Dân sẽ viếng thăm Hoa Kỳ trong tháng 10-1997 và TT Clinton sẽ đi Bắc Kinh vào cuối tháng 5-1998 không kể những cuộc gặp gỡ thượng đỉnh APEC hàng năm do các nước thành viên luân phiên tổ chức. Người ta chú ý chuyến công du của 2 nguyên thủ kéo dài trong 8 ngày ở mỗi xứ.

Ba sự kiện đáng chú ý làm quan hệ trở nên căng thẳng trong thời kỳ này là việc không quân Hoa Kỳ oanh tạc "nhầm" sứ quán TQ ở Belgrade (tháng 5-1999), thủ đô xứ Nam Tư trong việc minh ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đưa quân trừng phạt chính quyền Milosevic chiếm Kosovo, vụ Mỹ vu cáo Bắc Kinh đánh cắp tài liệu công nghệ hạt nhân của Mỹ (báo cáo Christopher Cox trong tháng 5-1999) và vụ máy bay dọ thám của Mỹ bắt buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam (tháng 4-2001).

Trong thời kỳ này, quan hệ về quân sự được tăng cường rõ rệt. Bộ trưởng Quốc phòng TQ Trì Hạo Điền, sau hai lần trì hoãn, lần đầu tiên đến Hoa Kỳ vào cuối năm 1996 được người đồng sự William Perry và TT Clinton tiếp đón. Việc trì hoãn hai lần của Trì Hạo Điền có lý do chính trị. Lần thứ nhất là do việc ông Lý Đăng Huy được chiếu khán sang Mỹ trong năm 1995 và lần thứ hai xảy ra lúc Đài Loan đang tuyển chọn tổng thống trong tháng 3-1996. Tiếp theo đó, Trương Vạn Niên, phó chủ tịch Hội đồng quân ủy Trung ương và nhiều phó TTM trưởng quân đội TQ đến viếng thăm Hoa Kỳ trong hai năm 1997 và 1998. Về phía Hoa Kỳ, tân bộ trưởng quốc phòng William Cohen viếng thăm TQ trong đầu năm 1998.

Sang nhiệm kỳ của đương kiêm TT Bush vào đầu tháng 1-2001, nếu TT Hoa Kỳ đã viếng thăm chính thức Bắc Kinh trong đầu tháng 2-2002 thì Giang Trạch Dân có gặp TT Bush ở Washington vào trung tuần tháng 10-2002 trên đường đi tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Los Cabos (Mêhicô). Ngoài ra, TBT Đảng kiêm chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cũng đã viếng thăm Hoa Kỳ trong tháng 5-2002 nhưng lúc đó ở cương vị phó chủ tịch nước.

Tiếp theo đó, TT Bush và Hồ Cẩm Đào cũng có dịp gặp nhau trong tháng 6 và tháng 10-2003 ở hội nghị thượng đỉnh Evian ở Pháp và Băng Cốc Thái Lan.

Cuối cùng, tân bộ trưởng quốc phòng TQ Tào Cương Xuyên và tân thủ tướng Ôn Gia Bảo lần lượt viếng thăm Hoa Kỳ vào cuối năm 2003. Về phía Hoa Kỳ, hai nhân vật quân sự của Mỹ viếng thăm Bắc Kinh là TTM trưởng quân lực Thái Bình Dương đô đốc Thomas Fargo vào cuối năm 2002 và thứ trưởng quốc phòng Douglas Jay Feith vào đầu tháng 2-2004.

 

Thay lời kết


Trong quan hệ với Hoa Kỳ, Bắc Kinh thừa biết vấn đề Đài Loan sẽ làm quan hệ giữa 2 nước không bao giờ được trọn vẹn.

Trong khi chờ đợi, Bắc Kinh lợi dụng kỹ thuật hiện đại và đầu tư của Mỹ và phưong Tây để hiện đại hoá đất nước cùng đồng thời tăng cường quốc phòng hầu phục vụ cho ý đồ bành trướng hay bá quyền trong tương lai. Theo các quan sát viên quân sự, lực lượng vũ trang của TQ có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ trong năm 2015 nghĩa là trong một thời gian rất gần.

Song song đó, TQ cho tăng cường phát triển kinh tế và thương mại toàn cầu. Về phương diện này, họ đang thành công lớn. Thâm hụt thương mại của Hiệp hội Châu Âu và Hoa Kỳ với TQ lên đến 170 tỷ USD trong năm 2003 trong đó thâm hụt của Mỹ với TQ lên đến 124 tỷ USD.

Ngoài ra kim ngạch xuất nhập của TQ với ngoài 800 tỷ USD trong năm 2003 đứng vào hàng thứ năm trước nước Pháp.

 

Niên biểu quan hệ Trung-Mỹ

 

-Từ ngày 1-10-1949 khi Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng Hoà Nhân dân Trung hoa cho đến ngày 1-1-1979, Hoa Kỳ và Trung quốc không có quan hệ ngoại giao.



1971

-Trong năm 1971, TT Nixon tuyên bố không chống đối Bắc Kinh vào Liên Hiệp quốc.

-Ngày 7-4, Bắc Kinh mời một đoàn ping-pong Mỹ sang Bắc Kinh.

-Từ ngày 7-11 tháng 7 và từ ngày 20 đến 26 tháng 10, Henry Kissinger, cố vấn Hội đồng An ninh của TT Nixon bí mật đi Bắc Kinh thương thuyết với thủ tướng TQ Châu Ân Lai (Zhou Enlai).

-Ngày 25-10, Trung Quốc lấy lại ghế thành viên thường trực ở Liên hiệp quổc của Đài Loan.

 

1972 

-Từ ngày 21 đến 28 tháng 2, tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Henry Kissinger viếng thăm Trung quốc mặc dù 2 nước không có quan hệ chính thức. TT Nixon gặp thủ tướng Châu Ân Lai và Mao Trạch Đông. Ngày 28-2, hai bên công bố thông cáo Thượng hải cho biết ý định thiết lập quan hệ ngoại giao trong tương lai.

 

1973 

-Ngày 27-1, hiệp định chấm dứt chiến tranh Việt Nam được ký kết ở Paris.

-Ngày 22-2, hai bên thông báo ý định mở văn phòng liên lạc ở hai thủ đô Washington và Bắc Kinh.

-Ngày 1-5, hai bên mở văn phòng liên lạc. Ông George Bush (cha) làm "trưởng phòng" về phía Hoa Kỳ.

-Đại hội lần thứ X của ĐCSTQ họp ở Bắc Kinh từ 24 đến 28-8, Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) sau một thời gian đi "học tập" trở lại Ban Chấp hành. Nhóm của Lâm Bưu sau khi chủ tướng bị tử nạn ở Ngoại Mông bị loại trừ.

 

1974

-Ngày 19 và 20-1, lực lượng hải quân TQ chiếm đảo Trường Sa do Việt Nam Cộng Hòa làm chủ. Hoa Kỳ tuyên bố không can thiệp.

-Ngày 14-3, một máy bay trực thăng Liên Xô đáp xuống phi trường Tân Cương (Xinjiang). Phi đoàn bị bắt giam về tội làm gián điệp. Quan hệ Trung-Xô vẫn căng thẳng.

-Tháng 8, TT Nixon bắt buộc từ chức vì vụ Watergate. Phó TT Gerald Ford lên thay thế.

-Ngày 26-12, báo Nhân dân Bắc Kinh viết: "Liên Xô là lò lửa nguy hiểm nhất của chiến tranh".

 

1975

-Từ ngày 13 đến 17 tháng 1, Quốc hội Bắc Kinh biểu quyết thay đổi hiến pháp và bổ nhiệm Đặng Tiểu Bình đệ nhất phó thủ tướng.

-TT Mỹ Gerald Ford viếng thăm Trung quốc từ ngày 1 đến 5 tháng 12 được Mao tiếp kiến. TT Ford kêu gọi tái lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

 

1976

-Ngày 8-1: Thủ tướng Châu Ân Lai từ trần. Hoa Quốc Phong (Hua Guofeng) được Mao chỉ định tạm thay thế.

-Tháng 4, nhân dịp lễ Thanh Minh, biểu tình lớn ở quảng trường Thiên An Môn tưởng niệm cố thủ tướng Châu Ân Lai (ngày 5). Đặng Tiểu Bình bị cách chức sau đó, Hoa Quốc Phong chính thức được bổ nhiệm thủ tướng kiêm phó chủ tịch Đảng (ngày 7).

-Ngày 9-9, Mao Trạch Đông từ trần. Nhóm "tứ nhân bang" gồm Giang Thanh (Jiang Qing, vợ Mao), Vương Hồng Văn (Wang Hongwen), Trương Xuân Kiều (Zhang Chunqiao), Diêu Văn Nguyên (Yao Wenyuan) và nhóm Hoa Quốc Phong được Đặng Tiểu Bình trợ giúp tranh quyền.

-Ngày 6-10, nhóm "tứ nhân bang" bị nhóm Hoa Quốc Phong-Đặng Tiểu Bình bắt.

-Ngày 7-10, Hoa Quốc Phong trở thành chủ tịch Đảng kiêm thủ tướng chính phủ.

 

1977

-Tháng 7, ở hội nghị lần thứ III khoá X, Đặng Tiểu Bình được bổ nhiệm đệ nhất phó thủ tướng và phó chủ tịch Đảng, Hoa Quốc Phong được tái nhiệm chủ tịch Đảng kiêm thủ tướng chính phủ.

-Tháng 8, ngoại trưởng Mỹ Cyrus Vance viếng thăm Bắc Kinh.

-Từ ngày 12 đến 18 tháng 8, đại hội Đảng lần thứ XI họp ở Bắc Kinh. Ðặng Tiểu Bình trở thành nhân vật số 3 sau Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying).

-Ngày 6-10, hiệp định Trung-Xô về việc di chuyển tàu bè trên các sông ở biên giới được ký kết.

-Ngày 21-10, Ðặng Tiểu Bình tuyên bố tất cả các nước trên thế giới kể cả Hoa Kỳ phải đoàn kết lại để chống bá quyền Liên Xô.

 

1978 

-Tháng 5, cố vấn An ninh của TT Carter, ông Brzezinski đi Bắc Kinh.

-Ngày 16-12, Mỹ và Trung quốc thông báo thiết lập chính thức ngoại giao kể từ ngày 1-1-1979 và định trao đổi đại sứ kể từ ngày 1-3-1979. Mỹ cam kết chỉ giữ quan hệ không chính thức với Đài Loan.

 

1979

-Từ ngày 28-1 đến 5-2, phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình viếng thăm chính thức Hoa Kỳ. Hai bên ký một hiệp ước hợp tác khoa học, kỹ thuật và văn hoá.

Sau chuyến đi của ông Đặng, Trung quốc cho Việt Nam một "bài học".

-Ngày 13-3, Quốc hội Mỹ cho thông qua đạo luật về quan hệ với Đài Loan (Taïwan Relations Act) theo đó Hoa Kỳ có thể tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan để "tự vệ". TT Jimmy Carter ký văn kiện nói trên. Bắc Kinh phản đối.

-Ngày 1-4, Ðặng Tiểu Bình khuyến cáo Mỹ nên thận trọng trong việc bán vũ khí cho Ðài Loan.

-Ngày 3-4, TQ tố giác hiệp định "hữu nghị" với Liên Xô ký năm 1950.

-Tháng 7, hai chính phủ ký hiệp ước có hiệu lực trong 3 năm về bang giao thương mại.

-Ngày 31-12, Hoa Kỳ hủy bỏ hiệp định phòng thủ Ðài Loan ký năm 1954.

 

1980



-Tháng giêng, TQ trở thành thành viên của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB).

-Từ 5 đến 13-1, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Harold Brown, lần đầu tiên, viếng thăm Hoa Kỳ.

-Ngay sau đó, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng quốc phòng Cảnh Tiêu (Geng Biao) và Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing), phó TTM quân đội hướng dẫn một phái đoàn quân sự đi Washington.

-Ngày 5-5, Ðặng Tiểu Bình tuyên bố Liên Xô không phải là nước XHCN mà là nước "xã hội-đế quốc".

-Tháng 7, Bắc Kinh lần đầu tiên được hưởng quy chế tối huệ quốc (MFN) về thương mại của Hoa Kỳ trong khi Liên Xô không được hưởng quy chế ưu đãi này.

-Tháng 8, Phó TT Hoa Kỳ, ông Walter Mondale viếng thăm Bắc Kinh.

-Ngày 10-9, Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) được bổ nhiệm thủ tướng chính phủ thay Hoa Quốc Phong.

 

1981

-Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) được bổ nhiệm chủ tịch Đảng thay Hoa Quốc Phong ở hội nghị lần thứ VI khoá XI họp từ 27 đến 29 tháng 6 ở Bắc Kinh.

-Ngày 11-7, Hồ Diệu Bang tuyên bố Liên Xô hăm doạ bề ngoài nhưng thực sự rất "yếu".

-Từ tháng 11 dến tháng 8-1982, quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.

 

1982 

-Ngày 8-1, Lý Tiên Niệm (Li Xiannian), phó thủ tướng tuyên bố Bắc Kinh không chống đối việc tái lập quan hệ bình thường với Liên Xô với ba điều kiện. Liên Xô phải rút quân khỏi xứ Afghanistan, giải quyết việc đóng quân thường trực ở biên giới giữa 2 nước và giải quyết vấn đề Cam Bốt đang bị Hà Nội chiếm đóng.

-Tháng 5, ông George Bush, phó tổng thống Hoa Kỳ viếng thăm Trung quốc.

-Ngày 17-8, hai chính phủ công bố thông cáo thứ ba về việc Mỹ hứa sẽ giảm bán vũ khí cho Đài Loan.

-Đại hội Đảng lần thứ XII họp từ 1 đến 11-9 ở Bắc Kinh. Nhóm Ðặng Tiểu Bình hoàn toàn thắng thế. Hồ Diệu Bang bỏ chức chủ tịch Đảng để lấy chức TBT Đảng.

-Ngày 10-11, Leonid Brejnev, TBT Ðảng Liên Xô từ trần. Hoàng Hoa (Huang Hua), ngoại trưởng TQ tham dự tang lễ và được tân TBT Youri Andropov tiếp kiến. Họ Hoàng tuyên bố "lạc quan" về việc đàm phán trong tương lai giữa hai nước.

 

1983

-Tháng 6, Quốc hội TQ bổ nhiệm ông Lý Tiên Niệm chủ tịch nước, Triệu Tử Dương, thủ tướng chính phủ.

-Tháng 12, Bắc Kinh ký hiệp định về kỹ nghệ tơ sợi của Tổ chức Tổng hiệp định về quan thuế và mậu dịch (GATT), tiền thân của Tổ chức Mậu dịch thế giới (WTO).

 

1984

-Ngày 9 tháng 1, thủ tướng TQ Triệu Tử Dương bí mật viếng thăm Hoa Kỳ của TT Reagan.

-Từ ngày 26-4 đến 1-5 TT Mỹ Ronald Reagan viếng thăm chính thức Bắc Kinh được Triệu Tử Dương và TBT Hồ Diệu Bang tiếp đón.

 

1985 

-Lý Tiên Niệm, chủ tịch nước, lần đầu tiên viếng thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 22-7 đến 2-8. Bốn hiệp định được ký kết trong đó có một hiệp định về cách sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hoà bình.

-Tháng 10, Phó TT George Bush trở lại TQ, khánh thành lãnh sự quán thứ tư của Hoa Kỳ ở Thành Đô (Chengdu).

 

1986 

-Tháng 7, TQ chính thức xin gia nhập Tổ chức GATT.

-Từ ngày 5 đến 11 tháng 11, ba tàu chiến Mỹ viếng thăm hải cảng Thanh Đảo (Qingdao) thuộc tỉnh Sơn Đông.

-Trong tháng 12, nhiều cuộc biểu tình xuống đường của sinh viên bắt đầu ở Hợp Phì (Hefei), thủ phủ tỉnh An Huy (Anhui), lan tràn đến Thượng hải, Nam Kinh và Bắc Kinh.

 

1987

-Ngày 16-1, Hồ Diệu Bang bị cách chức TBT Đảng, Triệu Tử Dương lên thay và đồng thời kiêm nhiệm chức thủ tướng chính phủ.

-Ngày 2 và 3 tháng 3, ngoại trưởng Mỹ, ông George Schultz viếng thăm Bắc Kinh.

-Đầu tháng 10, dân chúng Tây Tạng nổi dậy bị chính quyền Bắc Kinh đàn áp. Quốc hội Mỹ lên án .

-Ngày 7-10, Bắc Kinh phản kháng thượng viện Mỹ can thiệp về vấn đề Tây Tạng.

-Từ ngày 25-10 đến 1-11, đại hội Ðảng lần thứ XIII họp ở Bắc Kinh. Ðặng Tiểu Bình ra khỏi Ban Chấp hành nhưng vẫn còn giữ chức chủ tịch hội đồng quân ủy trung ương. Triệu Tử Dương tái nhiệm TBT Ðảng nhưng phải nhường chức thủ tướng chính phủ cho Lý Bằng (Li Peng), một nhân vật thuộc nhóm bảo thủ và thân gần Moscow.

 

1988

-Ngày 16-9, TBT Liên Xô Mikhail Gorbatchev tuyên bố rút 200.000 quân Liên Xô đang đóng ở biên giới Mông Cổ.

 

1989 

-TT George Bush (cha) viếng thăm chính thức Bắc Kinh trong hai ngày 25 và 26 tháng 2 được Đặng Tiểu Bình với tư cách chủ tịch Hội đồng Quân ủy trung ương, TBT Triệu Tử Dương và thủ tướng Lý Bằng tiếp kiến.

-Ngày 15-4, Hồ Diệu Bang từ trần, mở đầu sự kiện Thiên An Môn.

-Từ ngày 15 đến 18 tháng 5, TBT Liên Xô M.Gorbatchev viếng thăm chính thức TQ trong lúc sinh viên đang chiếm Quảng trường Thiên An Môn đòi tự do dân chủ.

-Trong hai ngày 25 và 26 tháng 5, ông Vạn Lý (Wan Li), chủ tịch Quốc hội Bắc Kinh viếng thăm chính thức Hoa Kỳ

-Ngày 4-6, Bắc Kinh cho quân đội tấn công chiếm quảng trường Thiên An Môn.

-Sau sự kiện Thiên An Môn, Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), bí thư thành ủy Thượng hải được bổ nhiệm TBT Đảng thay Triệu Tử Dương. Họ Triệu vẫn còn bị quản thúc tại gia cho đến nay.

Sự kiện Thiên An Môn làm quan hệ hai xứ trở nên căng thẳng.

-Từ ngày 26-6 đến 4-7, Quốc hội Mỹ cho thông qua nghị quyết trừng phạt Bắc Kinh về thương mại, cấm bán vũ khí và ngừng chỉ hợp tác về năng lượng hạt nhân với TQ.

-Khối G7 cũng biểu quyết tương tự.

-Tháng 11, bức tường Bá Linh bị sụp đổ.

 

1990

-Ngày 22-2, Bắc Kinh phản kháng báo cáo vi phạm nhân quyền ở Trung quốc của bộ ngoại giao Mỹ.

-Ngày 24-5, TT Bush gia hạn quy chế tối huệ quốc cho TQ. Từ đó về sau, Quốc hội Mỹ duyệt quy chế này hàng năm.

-Ngày 25-6, nhà dân chủ đối lập và đồng thời là nhà thiên văn học nổi tiếng Phương Lệ Chi (Fang Lizhi) cùng phu nhân trốn trong sứ quán Mỹ sau sự kiện Thiên An môn năm 1989 được phép sang Mỹ tị nạn.

 

1991

-Ðầu tháng 4, Bạc Nhất Ba (Bo Yibo), một cựu ủy viên bộ chính trị tố cáo, ở Quốc hội TQ, Hoa Kỳ có ý chí khống chế thế giới.

-Ngày 16-4, TT Bush tiếp kiến Ðức Ðạt Lai Ðạt Ma ở toà Bạch Cung. Bắc Kinh lên tiếng phản đối.

-Trong 3 ngày từ 5 đến 7-5, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Robert Kimmitt viếng thăm Bắc Kinh và lên tiếng hăm doạ Mỹ sẽ không gia hạn quy chế tối huệ quốc nếu TQ không làm cố gắng về vấn đề nhân quyền, hồ sơ không tăng nhanh quá mức  các  vũ khí hạt nhân và tôn trọng cô-ta mậu dịch

-Ngày 16-5, Giang Trạch Dân lần đầu tiên, kể từ năm 1957, viếng thăm chính thức Liên Xô được M. Gorbatchev tiếp đón. Trước đó, thống chế Yazov, bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô đi Bắc Kinh. Trong thời gian này, quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh được cải thiện rõ rệt.

 

1992

-Ðầu tháng giêng, Ðặng Tiểu Bình xuất hành đi "Nam du" đặc biệt ở Thâm quyến (Shen Zhen), kêu gọi tăng cường mở rộng kinh tế sau khi Liên Xô của Gorbatchev bị sụp đổ (tháng 8-1991).



-Ngày 17-1, Mỹ và TQ ký một giác thư (mémorandum) về quyền sở hữu trí tuệ.

-Nhân chuyến đi tham dự ở Hội đồng Bảo An của Liên Hiệp quốc ở New-York ngày 30 tháng 1, Lý Bằng, thủ tướng TQ có gặp TT Mỹ ông George Bush .

-Tháng 3, TQ ký hiệp định cấm chỉ tăng nhanh quá mức vũ khí hạt nhân.

-Ngày 2-6, TT Bush gia hạn quy chế tối huệ quốc cho TQ.

-Ngày 2-9, Hoa Kỳ bán 150 phi cơ chiến đấu F-16 cho Ðài Loan để "tự vệ". Bắc Kinh cực lực phản đối.

-Ngày 18-11, Pháp bán 60 phi cơ chiến đấu Mirage 2000-5 cho Ðài Loan. Bắc Kinh lập tức trả đũa không cho phép các công ty Pháp đấu thầu để thực hiện tàu điện ngầm cho thành phố Quảng châu và sau đó ra lệnh đóng cửa tổng lãnh sự Pháp ở Quảng châu.

-Ngày 26-11, ngoại trưởng TQ Tiền Kỳ Tham tuyên bố Bắc Kinh không loại trừ khả năng "liên minh" với Nga của TT Eltsin. Moscow không xác nhận tin này.

-Từ ngày 12 đến 18-10, đại hội Ðảng lần thứ XIV họp ở Bắc Kinh. Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) và Hồ Cẩm Ðào (Hu Jintao) được vào thường vụ bộ chính trị.

-Ngày 16-12, bà Barbara Franklin, bộ trưởng Thương mại Mỹ viếng thăm Bắc Kinh.

-Từ ngày 17 đến 19-12, TT Nga Eltsin lần đầu tiên viếng thăm chính thức TQ.

 

1993 

-Ngày 29-5, TT Clinton tuyên bố gia hạn quy chế tối huệ quốc với điều kiện cho Trung quốc, Bắc Kinh phản đối.

-Ngày 26-7, Hạ viện Mỹ cho thông qua một nghị quyết chống đối Bắc Kinh xin đứng ra tổ chức Thế Vận hội năm 2000.

-Ngày 27-8, Bắc Kinh phản đối Washington về việc Mỹ trừng phạt Bắc Kinh đã chuyển đạt công nghệ hạt nhân cho Pakistan.

-Ngày 19-11, TT Mỹ, Ông Bill Clinton gặp TBT kiêm chủ tịch nước Giang Trạch Dân ở Seattle nhân dịp hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của Hiệp hội hợp tác Á châu-Thái Bình Dương (APEC).

-Tháng 11, thứ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Charles Freeman viếng thăm Bắc Kinh. Tiếp theo đó, đô đốc Charles Larson, TTM trưởng quân lực Thái Bình Dương đi TQ.

 

1994

-Ngày 20-1, bộ trưởng thương mại Mỹ, ông Lloyd Bentsen bắt buộc Bắc kinh phải chấp nhận cho giám sát một số khám đường bị tình nghi cưỡng bức tù nhân sản xuất hàng hoá xuất cảng.

-Từ 11-14 tháng 3, ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher lần đầu tiên chính thức viếng thăm Bắc Kinh được người đồng sự Tiền Kỳ Tham (Qian Qichen) tiếp kiến.

-Ngày 2-5, TT Clinton tuyên bố không làm liên kết vấn đề gia hạn quy chế tối huệ quốc với vấn đề nhân quyền. 

-Ngày 26-5, Mỹ gia hạn quy chế tối huệ quốc cho TQ.

-Ngày 16-8, Từ Huệ Từ (Xu Huizi), phó TTM trưởng quân đội TQ viếng thăm Mỹ.-

-Từ 16 đến 19 tháng 10, BT Quốc phòng Mỹ William Perry viếng thăm Bắc Kinh được Giang Trạch Dân tiếp kiến.

-Ngày 14-11, Giang Trạch Dân và TT Clinton hội đàm ở Jakarta, nhân dịp hội nghị thượng đỉnh APEC.

-Ngày 21-12, hồ sơ xin gia nhập tổ chức GATT của Bắc Kinh bị từ chối. Bắc Kinh chỉ trích Mỹ đòi hỏi "quá đáng". (Bắc Kinh phải đợi tới năm 2001 mới được gia nhập WTO)

-Ngày 31-12, Mỹ trừng phạt Bắc Kinh ra lệnh cấm nhập cảng hàng hoá TQ vào thị trường Mỹ với trị giá tương đương 2, 8 tỷ $ Mỹ với lý do TQ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

 

1995

-Từ ngày 17 đến 28 tháng 1, Hoa Kỳ và TQ thương thuyết về quyền sở hữu trí tuệ ở Bắc Kinh.



-Ngày 11-3, hai bên ký hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ.

-Ngày 22-5, nhân dịp Hoa Kỳ cho TT Đài Loan, ông Lý Đăng Huy (Li Denghui hay Lee Tenghui), chiếu khán nhập cảnh vào Hoa Kỳ, Bắc Kinh cho triệu hồi đại sứ. (Thực sự là ông Huy chỉ được Đại học CORNELL mời đọc một diễn văn với tư cách một cựu sinh viên của trường này)

-Ngày 24-10, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Liên Hiệp quốc, Giang Trạch Dân hội đàm với TT Clinton ở New-York.

 

1996

-Ngày 14-3, Hạ viện Mỹ cho thông qua một nghị quyết đòi sử dụng lực lượng quân đội để bảo vệ Ðài Loan. Bắc Kinh cực lực phản đối Mỹ không tôn trọng 3 thông cáo Thượng hải.

-Nhân dịp tuyển cử tổng thống lần thứ nhất ở Đài Loan trong tháng 3, Bắc Kinh cho biểu dương lực lượng quân sự trong khi Hoa Kỳ cho 2 hạm đội có trang bị vũ khí hạt nhân tuần hành ở biển Thái Bình Dương. Quan hệ giữa 2 nước trở nên căng thẳng.

-Ngày 19-4, hai ngoại trưởng Tiền Kỳ Tham và Warren Christopher gặp ở La Haye (Hoà Lan).

-Ngày 24-4, TT Nga Eltsin viếng thăm Bắc Kinh lần thứ hai.

-Ngày 17-6, Giang Trạch Dân tiếp kiến bà Charlene Barshefsky, đại diện thương mại của Mỹ.

-Tháng 6, thứ trưởng quốc phòng Walter Slocomb viếng thăm Bắc Kinh.

-Ngày 6-7, cố vấn an ninh của TT Clinton, ông Anthony Lake đi Bắc Kinh.

-Tháng 9, TTM lực lượng Thái Bình Dương, đô đốc Joseph Pruher viếng thăm TQ.

-Tháng 10, Bắc Kinh ký Hiệp ước về quyền kỹ thuật, xã hội và văn hoá của Liên hiệp quốc.

-Ngày 24-11, Giang Trạch Dân và TT Clinton gặp ở Manila nhân dịp hội nghị thượng đỉnh APEC.

-Ngày 20-11, ngoại trưởng Mỹ Warren Chritopher viếng thăm Bắc Kinh lần thứ hai và lần chót.

-Tháng 12, Trì Hạo Điền (Chi Haotian), bộ trưởng Quốc phòng TQ, sau hai lần trì hoãn, chính thức viếng thăm Hoa Kỳ được người đồng sự ông William Perry và TT Clinton tiếp kiến.

 

1997

-Ngày 19-2, Đặng Tiểu Bình từ trần hưởng thọ được 93 tuổi.

-Ngày 21-2, Khuê Phúc Lâm (Kui Fulin), phó TTM trưởng quân đội TQ viếng thăm Hoa Kỳ.

-Ngày 25-2, tân ngoại trưởng Mỹ bà Madeleine Albright viếng thăm Bắc Kinh.

-Ngày 24-3, Phó TT Mỹ Al Gore viếng thăm TQ. Ông Al Gore cùng Lý Bằng chủ trì hội nghị về môi sinh và phát triển.

-Ngày 22-4, Giang Trạch Dân viếng thăm Moscow.

-Ngày 27-4, Tiền Kỳ Tham viếng thăm Hoa Kỳ.

-Ngày 6-7, Ngô Thuyên Tự (Wu Quanxu), phó TTM trưởng quân đội TQ viếng thăm Hoa Kỳ.

-Từ ngày 12 đến 18-9, đại hội Ðảng lần thứ XV họp ở Bắc Kinh. Kiều Thạch (Qiao Shi), chủ tịch Quốc hội bị loại ra khỏi Ban Chấp hành. Lý Bằng lên thay. Chu Dung Cơ được đề cử làm thủ tướng thay Lý Bằng.

-Từ ngày 26-10 đền 3-11, Giang Trạch Dân, lần đầu tiên, viếng thăm chính thức Hoa Kỳ sau 10 năm cầm quyền. Hai bên quyết định thành lập cơ chế gặp gỡ thường xuyên giữa 2 nguyên thủ quốc gia và tái lập hợp tác về năng lượng hạt nhân.

-Ngày 10-11, Giang Trạch Dân tiếp TT Eltsin ở Bắc Kinh.

-Ngày 16-11, nhà đối lập dân chủ Nguỵ Kinh Sinh (Wei Jingsheng) bị trục xuất sang Mỹ.

-Ngày 24-11, hai nguyên thủ Trung-Mỹ gặp lại ở Vancover (Gia Nã Đại) nhân dịp hội nghị thượng đỉnh APEC.

 

1998

-Ngày 17-1, ông William Cohen, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ viếng thăm TQ.

-Ngày 12-3, ngoại trưởng TQ Tiền Kỳ Tham tuyên bố Bắc Kinh ký hiệp ước về quyền dân sự và chính trị của Liên hiệp quốc.

.-Ngày 29-4, ngoại trưởng Mỹ, bà Madeleine Albright đi Bắc Kinh ký hiệp ước thiết lập đường dây "điện thoại đỏ" giữa 2 thủ đô.

-Ngày 2-6, Giang Trạch Dân tiếp kiến cố vấn An ninh quốc gia của TT Clinton.

-Ngày 3-6, TT Clinton gia hạn quy chế tối huệ quốc cho TQ.

-TT Bill Clinton, lần đầu tiên, viếng thăm chính thức Bắc Kinh từ ngày 25-6 đến 3-7. TT Mỹ xác nhận Hoa Kỳ tôn trọng 3 thông cáo chung và tuyên bố không công nhận Đài Loan, không chấp nhận Đài Loan tuyên bố độc lập cũng như không chấp nhận Đài Loan gia nhập vào một tổ chức quốc tế (thuyết ba không).

-Ngày 12-7, Tiền Thụ Căn (Qian Shugen), phó TTM trưởng quân đội TQ viếng thăm Hoa Kỳ.

-Ngày 15-9, Trương Vạn Niên (Zhang Wannian), phó chủ tịch Hội đồng Quân uỷ Trung ương viếng thăm Hoa Kỳ được bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen và TT Clinton tiếp kiến.

-Ngày 8-12, TT Clinton tiếp kiến Nguỵ Kinh Sinh, người dân chủ đối lập bị Bắc Kinh trục xuất sang Mỹ trong tháng 11-1997.

-Ngày 9-12, Hùng Quang Khai (Xiong Guangkai), phó TTM quân đội TQ viếng thăm Hoa Kỳ.

-Tháng 12, Bắc Kinh mở chiến dịch khủng bố đàn áp đối lập dân chủ và tôn giáo.

 

1999

-Ngày 26-2, bộ ngoại giao Mỹ công bố báo cáo hàng năm về nhân quyền. Bắc Kinh bị lên án.

-Cuối tháng 2, ngoại trưởng Madeleine Albright đi Bắc Kinh giải thích vấn đề nhân quyền là mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ.

-Từ ngày 6 đến 14-4, thủ tướng Chu Dung Cơ viếng thăm chính thức Hoa Kỳ trong lúc quân đội của khối minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang oanh tạc Nam Tư trong vụ Kosovo. Chủ yếu chuyến đi của ông Chu là hồ sơ gia nhập của Bắc Kinh vào tổ chức WTO. Mặc dù phía Bắc Kinh nhượng bộ rất nhiều nhưng phía Mỹ không chấp nhận vì TQ tiếp tục vi phạm nhân quyền và tổ chức làm gián điệp về công nghệ hạt nhân của Mỹ. Ông Chu gặp nhiều khó khăn sau đó ở bộ chính trị.

Nhưng chỉ độ một tháng sau (7-5), phi cơ Mỹ oanh tạc "nhầm" sứ quán của Bắc Kinh ở Belgrade, thủ đô của Nam Tư cũ, Bắc Kinh một mặt cho biểu tình rầm rộ trước sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh một mặt khác cho ngừng chỉ tất cả các liên lạc quân sự cũng như các cuộc đối thoại về nhân quyền, giải trừ vũ trang phá  hoại và hồ sơ gia nhập WTO của Trung quốc.

-Ngày 25-5, Quốc hội Mỹ công bố bản báo cáo của Christopher Cox về việc Bắc Kinh cho đánh cắp tài liệu bí mật về công nghệ hạt nhân của Mỹ. Tình báo CIA Mỹ cho ông Lý Văn Hoà (Lee Wen He), một nhà vật lý người Mỹ gốc Hoa chuyển tài liệu cho Băc Kinh.

-Ngày 3 tháng 6, Mỹ gia hạn quy chế tối huệ quốc cho TQ.

-Ngày 7-7, TT Đài Loan ông Lý Đăng Huy đưa ra thuyết "lưỡng quốc" trong quan hệ với Bắc Kinh để trả đũa thuyết "3 không" của TT Clinton.

-Ngày 22-7, Bắc Kinh cho cấm chỉ sinh hoạt của môn phái Pháp Luân công.

-Ngày 30-7, hai chính phủ đi đến thoả thuận việc Mỹ chịu bồi thường 4,5 triệu USD về việc hư hại của sứ quán TQ ở Belgrade.

-Ngày 11-9, hai nguyên thủ gặp lại ở Auckland (Tân Tây Lan) nhân dịp hội nghị thượng đỉnh APEC và quyết định tái lập thương thuyết về việc gia nhập WTO của TQ.

-Ngày 15-11, Thạch Quảng Sinh (Shi Guangsheng) bộ trưởng ngoại thương TQ và bà Charlene Barshefsky, đại diện thương mại của Mỹ đi đến thoả thuận về việc gia nhập WTO của Bắc Kinh.

-Ngày 11-12, ông Lý Văn Hoà bị bắt. Cuối cùng, ông Lý được trả tự do nhưng bị mất chức sau đó. Trong việc này, quan hệ giữa 2 xứ trở nên căng thẳng.

 

2000

-Ngày 1-2, Hạ viện Mỹ cho thông qua luật tăng cường an ninh cho Đài Loan (Taïwan security Enhancement Act). Luật này hoàn toàn trái ngược với ba thông cáo Thượng hải. Vì vậy, Thượng viện Mỹ và TT Clinton không đồng ý.

-Nhân dịp tuyển cử tổng thống theo phổ thông đầu phiếu lần thứ 2 ở Đài Loan trong tháng 3, Bắc Kinh lên tiếng hăm dọa dân chúng Đài Loan không nên bỏ thăm cho ứng cử viên của Dân Tiến Đảng, ông Trần Thuỷ Biển (Chen Shuibian) và đồng thời phản đối Mỹ tiếp tục bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan.

-Ngày 22-6, M. Albright tới Bắc Kinh được Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ tiếp kiến.

-Ngày 8-09, Giang Trạch Dân gặp TT Clinton ở New-York nhân dịp cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa các nguyên thủ quốc gia.

-Ngày 10-10, TT Clinton ký gia hạn quy chế quan hệ thương mại bình thường NTR (quy chế tối huệ quốc cũ) cho Trung quốc.

 

2001

-Vừa khi lên cầm quyền, TT George.W.Bush (con) thay hẳn chính sách ngoại giao với Bắc Kinh về Đài Loan, với I-Rắc, hệ thống phòng ngự hoả tiễn quốc gia (NMD) và nhân quyền. Trong thời gian ông Clinton cầm quyền, Bắc Kinh được xem là người "đối tác chiến lược", ông Bush đổi thành người "cạnh tranh chiến lược". Về hệ thống NMD, TT Bush muốn đi nhanh. Song song với sự thiết lập NMD, TT Bush muốn cho thực hành ngay hệ thống phòng ngự hoả tiễn khu vực (TMD) trong đó Nhật, Đại Hàn và Đài Loan sẽ là thành viên chính.

-Ngày 19-3, phó thủ tướng Tiền Kỳ Tham được Bắc Kinh gửi đi sang Hoa Kỳ để thăm dò thái độ của chính quyền mới của Mỹ.

-Ngày 21-3, cựu ngoại trưởng Henry Kissinger tới Bắc Kinh được Giang Trạch Dân, Chu Dung Cơ và Tiền Kỳ Tham tiếp kiến.

-Ngày 1 tháng 4, một máy bay dọ thám trang bị điện tử tối tân của Mỹ đụng một phi cơ của Trung quốc trên không phận quốc tế và bắt buộc phải hạ cánh xuống đảo Nam Hải trong khi phi cơ của Trung quốc bị chìm xuống biển và người lái bị tử nạn. Trong 10 ngày, quan hệ của 2 xứ trở nên căng thẳng. Bắc Kinh đòi Hoa Kỳ phải công khai xin lỗi nhưng cuối cùng hài lòng với 3 chữ "rất đáng tiếc" (very sorry). Tuy vậy, Bắc Kinh cho tháo gở hết các máy điện tử trước khi cho 24 thành viên của phi đoàn Mỹ về nước.

-Tháng 6, TQ và Nga ký Hiệp ước tương trợ lẫn nhau. Bắc Kinh muốn cho Mỹ biết TQ không "đơn độc".

-Tháng 30-7, ngoại trưởng Mỹ Colin Powell gặp người đồng sự Đường Gia Triền (Tang Jiaxuan) bàn luận về quan hệ giữa 2 nước.

-Ngày 19 tháng 10, Giang Trạch Dân lần đầu tiên gặp TT G.W.Bush ở hội nghị thượng đỉnh APEC do Bắc Kinh tổ chức ở Thượng hải.

-Tháng 11, TQ chính thức trở thành thành viên của WTO sau 15 năm thương thuyết.

-Ngày 21-11, TQ phản kháng Hoa Kỳ bán tiềm thủy đĩnh cho Đài Loan.

-Ngày 27-12, TT Bush ký nghị định cho TQ hưởng quy chế thương mại bình thường (NTR).

 

2002

-Ngày 21 và 22-2, TT Bush lần đầu tiên viếng thăm chính thức Bắc Kinh. Giang Trạch Dân cố gắng "giải thích" cho TT Bush tầm quan trọng của Bắc Kinh trong việc thống nhất với Đài Loan trong khi ông Bush chỉ hứa sẽ tôn trọng 3 thông cáo Thượng hải.

Phải nói thêm là quan hệ giữa 2 xứ được cải thiện rõ rệt sau sự kiện ngày 11-9-2001. Washington cần có sự hợp tác của Bắc Kinh trong việc chống khủng bố toàn cầu và trong hồ sơ I-Rắc. Bắc Kinh ngược lại cũng có lợi là Mỹ không để ý tới vi phạm nhân quyền của họ. Bắc Kinh tha hồ đàn áp dân tộc thiểu số người Hồi Uygur Tân Cương và người Tây Tạng.

-Cuối tháng 4 đầu tháng 5, Phó chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào viếng thăm chính thức Hoa Kỳ.

-Ngày 23-10, Giang Trạch Dân trên đường đi tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 APEC ở Los Cabos (Mêhicô), ghé Washington gặp TT Bush.

-Từ ngày 8 đến 14-11, đại hội Ðảng lần thứ XVI họp ở Bắc Kinh. Một ban lãnh đạo mới gồm Hồ Cẩm Ðào,

 

Ngô Bang Quốc (Wu Bangguo), Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) lên cầm quyền. Tuy nhiên, Giang Trạch Dân dù không còn ở Ban Chấp hành vẫn tiếp tục giữ chức Chủ tịch hội đồng quân ủy trung ương như ông Ðặng Tiểu Bình trước đây.



-Ngày 24-11, tàu khu trục (destroyer) USS Paul F.Foster Mỹ đến hải cảng Thanh đảo thuộc tỉnh Sơn Ðông trong 5 ngày. Ðây là lần thứ 10, kể từ 1986, một tàu quân sự Mỹ viếng thăm TQ.

-Ngày 29-11, một phái đoàn Ðại học quốc phòng TQ viếng thăm Mỹ.

-Từ ngày 12 đến 18 tháng12, TTM trưởng quân lực Thái Bình Dương , đô đốc Thomas Fargo viếng thăm Bắc Kinh được TTM trưởng quân đội Lương Quang Liệt (Liang Guanglie), phó TTM trưởng Hùng Quang Khai và thứ trưởng ngoại giao Lý Triệu Tinh (Li Zhaoxing) tiếp kiến.

 

-2003

-Đầu tháng 6, TBT kiêm chủ tịch nước sau Đại hội lần thứ 16 Hồ Cẩm Đào gặp TT Bush ở EVIAN trong dịp gặp gỡ thượng đỉnh của khối G8 do Pháp tổ chức.

-Ngày 20-9, tân ngoại trưởng TQ Lý Triệu Tinh viếng thăm Washington gặp người đồng sự Hoa Kỳ Colin Powell.

-Ngày 22-9, hai tàu chiến Mỹ có trang bị hoả tiễn tới hải cảng Trạm Giang (Zhanjiang) thuộc tỉnh Quảng Ðông trong 5 ngày.

-Ngày 21-10, Hồ Cẩm Đào và TT Bush gặp ở hội nghi thượng đỉnh APEC ở Băng Cốc. Hai ngoại trưởng Lý Triệu Tinh và Colin Powell gặp gỡ đàm phán về bán đảo Triều Tiên.

-Từ 27 đến 30-10, ông Donald Evans, bộ trưởng thương mại Mỹ viếng thăm Bắc Kinh.

-Ngày 29-30 tháng 10, Tào Cương Xuyên (Cao Gangchuan), tân bộ trưởng quốc phòng TQ viếng thăm Hoa Kỳ được người đồng sự Donald Rumsfeld và TT Bush tiếp kiến.

-Ngày 11-11, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào lần lượt tiếp kiến cựu TT Clinton và cựu ngoại trưởng Kissinger ở Bắc Kinh.

-Từ 9-11 tháng 12, Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao) viếng thăm chính thức Hoa Kỳ.



 

Phùng Nguyên
Paris, tháng 3-2004


Page of


tải về 101.25 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương