Lectio divina học trong trưỜNG



tải về 1.56 Mb.
trang1/6
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích1.56 Mb.
#37403
  1   2   3   4   5   6



Jean KHOURY

LECTIO DIVINA

HỌC TRONG TRƯỜNG

MẸ MARIA

Bản dịch tiếng Việt

Fr. Marie Bảo Tịnh ocist.

Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca






Lectio divina

học trong trường Mẹ Maria

THƯ CỦA TÁC GIẢ JEAN KHOURY

GỬI Fr. Marie Bảo Tịnh Ocist

Cha Bảo Tịnh rất mến,

Nhà xuất bản sách của tôi, “Docteur Angélique” đã chuyển cho tôi điện thư của cha. Tôi rất vui khi nhận được và đọc lá thư đó. Thật là một niềm vui lớn khi hoạt động cho Lectio divina và quảng bá Lectio divina. “Những Lời Thần Khí và Sự Sống” là lương thực hằng ngày của chúng ta. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Ân huệ ban sinh lực này.

Tôi hiểu là cha gặp những khó khăn khi xuất bản. Lòng nhiệt thành và sự hứng khởi sẽ có thể giúp cha hoàn thành công việc như thế. Tôi rất vui đồng ý cho cha dịch và xuất bản quyển sách của tôi: “Lectio divina học với Mẹ Maria”. Cha nên quảng bá quyển sách này trong Dòng của cha và tại các quốc gia khác. Tôi nghĩ nhiều đến Nam Hàn nơi đó Giáo Hội đầy nhiệt thành. Cha có liên hệ gì với Giáo Hội tại đó không?

.



Tôi sẵn sàng trả lời cha và nói rõ hơn về quyển sách.

Tôi rất quan tâm đến tất cả những gì liên quan tới Lectio divina. Tôi rất ngạc nhiên thấy rằng có ít tác giả và nhà sư phạm về đời sống thiêng liêng hướng dẫn thực hành Lectio divina “khởi đi từ các bài đọc trong Thánh Lễ”. Tại Ý, các nhóm của chúng tôi (Trường học Mẹ Maria đã gọi đó là “Lectio divina phụng vụ”! Dẫu sao thì đó cũng chính là ý nghĩa của Phụng vụ Lời Chúa: một bàn tiệc. Có rất nhiều điều cần bàn đến vấn đề này để biến Bàn Tiệc Lời Chúa thành một bữa tiệc thực sự.

Sách in xong, xin cha vui lòng gửi cho tôi hai quyển về địa chỉ:

Jean Khoury

16 University Rd

London SW19 2BX

Royaume Uni

Tôi cũng xin thông báo cho cha biết, mới vài tuần nay, tập sách khác của tôi đã được xuất bản: “Tâm nguyện với Mẹ Maria” (La prière du coeur à l’école de Marie, Nhà xuất bản Docteur Angélique) bàn về kinh nguyện theo phương diện thực hành. Tôi hy vọng cha cũng thích quyển sách này.

Cha đáng kính, xin cha vui lòng nhận lời chào thăm huynh đệ nhất của tôi.

Kính chúc cha mừng lễ thánh Têrêsa thật thánh thiện.

Tôi tin tưởng nhiều nơi lời cầu nguyện của cha và của các tu sĩ của cha. Cám ơn cha hết lòng. Xin Mẹ Maria ban cho cha tràn đầy ơn của Mẹ và xin Mẹ luôn che chở cha.

Trong Chúa Kitô.

Jean Khoury

jeancyrille@wanadoo.fr

Thứ năm, 15/10/09


LỜI GIỚI THIỆU
Lectio divina”, hạn từ latinh rất quen thuộc với Kitô hữu, nhất là các tu sĩ ở Âu Châu, nhưng tương đối còn gây nhiều ngỡ ngàng với giáo dân Việt Nam và ngay cả các tu sĩ, nếu không dám nói đến các đan sĩ.

Nhìn lại lịch sử cuộc sống đạo của Giáo Hội, chúng ta thấy ngay từ những thế kỷ đầu cho tới thế kỷ thứ XII, Lời Chúa đã là sức sống của Giáo Hội. Đọc Kinh Thánh, suy niệm Kinh Thánh, để cho Kinh Thánh tác động mãnh liệt trong đời sống cầu nguyện và hoán cải, đó đã là những sinh hoạt căn bản của toàn thể Kitô hữu, không riêng gì của các tu sĩ. Từ thế kỷ XII, nhiều hình thức cầu nguyện khác đã dần dần đi vào cuộc sống của một số thành phần dân Chúa. Lectio divina đã trở thành sinh hoạt đặc thù của các đan sĩ. Theo thầy Enzo Bianchi, việc thực hành Lectio divina từ ngày đó đã bị đẩy lui vào trong các đan viện và bị “cầm tù” trong đó. Phải đợi đến Công Đồng Vaticanô II, với Hiến Chế về Mặc Khải “Dei Verbum”, Lectio divina nói riêng và Kinh Thánh nói chung mới được “giải phóng” trong đạo Công Giáo chúng ta. Kể từ ngày đó các Đức Giáo Hoàng đã nhiệt liệt cổ võ việc đọc Kinh Thánh, suy niệm Kinh Thánh, dùng chính Kinh Thánh để cầu nguyện. Các ngài đã muốn làm sống dậy một truyền thống cổ kính nhưng luôn hiện đại trong Giáo Hội. Đó là Lectio divina.

Nhân dịp kỷ niệm hai thông điệp lớn về Kinh Thánh: Thông Điệp Providentissimus Deus, ĐTC Lêô XIII  và Thông Điệp Divino afflante Spiritu, ĐTC Piô XII , năm 1993 Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh đã xuất bản một tài liệu quan trọng về “Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội”. Ủy ban này nhận thức tầm quan trọng của Lectio divina:

Lectio divina là việc cá nhân hay cộng đoàn đọc một bản văn Kinh Thánh, dài hay ngắn, tiếp nhận như là Lời Chúa và khai triển dưới tác động của Thánh Linh trong suy niệm, cầu nguyện và chiêm ngắm.



Thường xuyên hoặc mỗi ngày đọc Kinh Thánh đáp ứng với cách thực hành cổ xưa trong Hội Thánh... Việc thực hành Lectio divina dưới hai hình thức, cá nhân và cộng đoàn, đã trở lại thời sự. Mục đích muốn đạt được đó là khơi động và nuôi dưỡng “một tình yêu thiết thực và bền vững” đối với Kinh Thánh, nguồn của đời sống nội tâm và đem lại hiệu quả cho việc tông đồ, giúp hiểu tốt hơn về phụng vụ và bảo đảm cho Kinh Thánh có một chỗ quan trọng trong việc học thần học và cầu nguyện... Cầu nguyện phải song hành với việc đọc Kinh Thánh, bởi vì cầu nguyện là đáp lại Lời Chúa được gặp thấy trong Kinh Thánh dưới sự linh hứng của Thánh Linh...”

Ngày 16.09.2005 ĐTC Bênêđíctô XVI quả quyết:

Việc thực hành Lectio divina, nếu được làm cách hữu hiệu, sẽ đem lại cho Hội Thánh một mùa xuân thiêng liêng mới mẻ, tôi đoan chắc như thế”. Tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh” diễn ra tại Roma từ ngày 5 tháng 10 đến 26 tháng 10 năm 2008, các Nghị Phụ cũng một lòng với Đức Thánh Cha nói lên xác tín về sự cần thiết và lợi ích sâu xa cho đời sống thiêng liêng của người tín hữu khi siêng năng và chuyên cần thực hành Lectio diviva.



Từ ít năm nay, một số cộng đoàn tu sĩ tại Việt Nam đã bắt đầu đưa Lectio divina vào thực hành trong đời sống thiêng liêng. Và đó là một may mắn lớn cho các tâm hồn, cho các tu viện và cho cả Giáo Hội.

Nhân dịp Giáo Hội Việt Nam mừng kỷ niệm 350 năm ngày thành lập hai Giáo Phận Đại Diện Tông Tòa “Đàng Trong và Đàng Ngoài” và 50 năm thành lập hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt Nam, đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca thuộc Giáo Phận Nha Trang đã cố gắng đóng góp cụ thể phần của mình trong nhịp sống của Giáo Hội Việt Nam bằng cách chuyển dịch một tác phẩm rất quý giá của Jean Khoury về phương diện thực hành Lectio divina: LECTIO DIVINA HỌC VI MẸ MARIA (Lectio divina à l’école de Marie). Nội dung phong phú của tác phẩm giúp chúng ta có một cái nhìn, một tầm hiểu biết đúng về Lectio divina và nhất là giúp chúng ta đi vào cầu nguyện dưới tác động của chính Lời Chúa theo mẫu gương Mẹ Maria, Đấng đã đón nghe Lời, ghi nhớ Lời và suy niệm Lời để rồi qua đó đã giúp Lời nhập thể và nhập thế. Mỗi Kitô hữu, và nhất là mỗi tu sĩ, đan sĩ, linh mục cũng phải thường xuyên đọc Kinh Thánh, ghi khắc Lời trong lòng và thường xuyên suy niệm Lời noi gương Mẹ Maria và theo Truyền Thống rất đáng tôn kính của Giáo Hội. Có như thế, biến cố Truyền Tin cho Mẹ Maria sẽ có cơ may tái thể hiện trong đời sống của mỗi người và Lời Chúa có cơ may lại nhập thể và nhập thế thực hiện công cuộc cứu rỗi cho riêng cá nhân mi ngưi và cho nhân loại.

Tôi cám ơn nỗ lực của các đan sĩ Xitô Mỹ Ca và nhiệt liệt giới thiệu quyển sách quý báu này với dân Chúa tại Việt Nam, đặc biệt trong Năm Thánh 2010.

Nha Trang, 4.12.2009
(ấn ký)

+ Giuse Võ Đức Minh

Giám Mục Giáo Phận Nha Trang

Chủ Tịch Ủy Ban Kinh Thánh

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam


NỘI DUNG
LECTIO DIVINA

HỌC TRONG TRƯỜNG MẸ MARIA



PHẦN I

LỜI TRỞ THÀNH NHỮNG NGÔN TỪ

I

Lời đã làm Người



II

Trọng tâm của Phúc âm


PHẦN II

LECTIO DIVINA

I

Những điểm căn bản của Lectio divina



II

Lectio divina

III

Liên quan đến vấn đề Lectio divina



PHẦN III

MẸ MARIA VÀ LECTIO DIVINA

I

Mẹ Maria và Lời



II
Mẹ Maria và chúng ta

PHẦN IV

CHÚA THÁNH THẦN VÀ LECTIO DIVINA

I

Vài nhắc nhớ quan trọng



II

Chúa Thánh Thần và Lectio divina



PHẦN V

LECTIO DIVINA

VÀ CUỘC SỐNG THƯỜNG NGÀY

I

Lectio divina và hai huấn lệnh về tình yêu



II

Lectio divina trải dài qua ngày sống

III

Lectio divina và cuộc sống đơn sơ



IV

Lectio divina và ơn gọi

V

Lectio divina và cuộc sống trí thức



VI

Lectio divina và cuộc sống thiêng liêng

VII

Ví dụ về Lectio divna; cẩm nang



Kết luận phần thứ năm

KẾT LUẬN CHUNG

Dẫn nhập

Khi trao ban Lời của Người cho chúng ta, Chúa chờ đợi một đáp lời từ phía chúng ta. Trong tác phẩm này Ơn Ban Lời Chúa và sự đáp lời của chúng ta sẽ được đào sâu để hiểu rõ hơn những nối kết thực tiễn giữa hai bên. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta đọc: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày (xin dịch lại theo bản dịch tiếng Pháp để sát với ý tác giả muốn trình bày trong tập sách: “Xin Cha cho chúng con khẩu phần ngày hôm nay” (Donne-nous aujour-d'hui notre pain de ce jour). Chúng ta sẽ bàn đến Lời của Chúa như lương thực (bánh) thật nuôi dưỡng. Thực ra, Chúa nói với chúng ta trong Phúc âm theo thánh Gioan: “Tôi là bánh từ trời xuống” (Ga 6, 41; x. Ga, 6, 31-33). Trong quyển sách này chúng tôi sẽ đề cập tới Chúa Giêsu-Bánh dưới dạng Lời. Tiến trình ăn sẽ được giải thích chi tiết; chúng tôi cũng sẽ từng bước trình bày sự đồng hóa của những Lời đầy sự Sống và Thần Khí mà Chúa đã đến ban cho chúng ta để chúng ta có sự sống.

Quyển sách này vừa cũ và vừa mới. Cũ bởi vì, từ thuở bình minh của thời gian, con người cố gắng tiếp nhận Ánh Sáng Thiên Chúa trong những Sách Thánh. Nhưng mới là đề cập chi tiết tiến trình nhập thể của Ánh Sáng như thấy trong bản văn thánh: Kinh Thánh. Mới cũng vì nó đề nghị dùng Ánh Sáng này như lương thực hằng ngày chứ không thỉnh thoảng dùng một lần cho qua.

Chúng tôi chia ra làm năm giai đoạn: trước hết chúng tôi sẽ ngắn gọn nhưng cô đọng khảo sát Lời của Thiên Chúa là gì, trong chính Lời và trong đời sống chúng ta, Lời trở thành những lời đầy Thần Khí và Sự Sống như thế nào.

Tiếp đến – đấy là phần trung tâm của tác phẩm này – chúng ta sẽ thấy những Lời này nhập thể trong chúng ta mọi ngày như thế nào qua thực hành Lectio divina. Sau đó chúng ta sẽ thấy vai trò của Mẹ Maria trong việc Lời nhập thể; Mẹ xuất hiện như mẫu gương của việc nhập thể nhưng đồng thời cũng là một giúp đỡ. Trong phần thứ bốn chúng tôi sẽ bàn kỹ về hoạt động bí nhiệm của Chúa Thánh Thần trong tiến trình nhập thể; thực ra sự hiện diện của Mẹ Maria và hoạt động của Chúa Thánh Thần đi đôi với nhau. Cuối cùng, chúng ta sẽ thấy Lectio divina soi sáng và biến đổi cuộc sống thường ngày của chúng ta ra sao. Chúng tôi sẽ đề cập đến những khía cạnh khác nhau của cuộc sống chúng ta và chúng ta sẽ thấy Lectio divina soi sáng những khía cạnh đó và làm cho chúng vững mạnh như thế nào.

Tóm lại, mục tiêu của quyển sách này là đưa người đọc đi vào tiến trình chuyển biến của Con Người: nhìn Cha làm và làm như vậy. “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc” (Ga 5, 19-20). Những lời thật đơn sơ nhưng trong đó gặp được tất cả. Cả quyển sách này được tóm gọn trong hai câu đó. Nền tảng của tất cả là: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 17). Thấy và làm. Thật đơn giản. Thấy từ trên cao chứ không thấy hoàn cảnh trong đó tôi đang sống. Thực tế Người làm cho tôi thấy. Người mạc khải cho tôi điều Người làm. Người vén màn cho tôi thấy hoạt động của Người. Cha yêu Con và chỉ cho Con thấy tất cả những gì Cha làm…

Cấu trúc và biểu đồ của quyển sách giống như hình Thánh Giá hoặc như một số nhà thờ của chúng ta:

1. Hậu Cung Thánh thường là nơi đặt Mình Thánh Chúa (trong Nhà Tạm), Thiên Chúa (phần thứ nhất: Ngôi Lời trở thành những Lời).

2. Cung Thánh, đôi khi là điểm giao với Cánh Ngang (nếu nhà thờ có hình Thánh Giá) và thường có bàn thờ là nơi Thiên Chúa nhập thể, và ở nơi này người ta cho rước lễ. Một nơi tuyệt vời của việc Chúa biến đổi (phần thứ hai: Lectio divina)

3. Cánh Ngang hướng Nam (phần thứ ba: Mẹ Maria và Lectio divina).

4. Cánh Ngang hướng Bắc (phần thư bốn: Chúa Thánh Thần và Lectio divina)*.

5. Lòng Nhà Thờ là nơi Dân Chúa tụ họp và Chúa ban chính mình Người cho Dân (phần thứ năm: Lectio divina và đời thường).

Tâm điểm của quyển sách là phần thứ hai. Những phần khác là những khai triển thêm để thấy rõ hơn: nguồn của tất cả, Ngôi Lời trở thành những lời đầy Thần Khí và Sự Sống, những giúp đỡ, những ví dụ, được trình bày cho chúng ta để thực hành Lectio divina, Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria. Và cuối cùng để thấy Lectio divina nhập thể như thế nào trong cuộc sống, làm sao Lectio divina thấm nhập những sinh hoạt khác nhau trong ngày sống của chúng ta.

---------------------
* (Lời người dịch: Dĩ nhiên ở đây theo nhà thờ được xây đúng nguyên tắc hướng Đông Tây, chúng ta mới có hai Cánh Ngang hướng Nam và hướng Bắc).

PHẦN I
NGÔI LỜI TRỞ THÀNH NHỮNG NGÔN TỪ

I

NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI
Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng

có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội,

ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội,

là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng,

tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội”1.
Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời,

và Ngôi Lời là Thiên Chúa (Ga 1, 1)

Mỗi thánh viết Phúc âm thích dùng những cách gọi hoặc một số những danh xưng của Chúa chúng ta. Sự chọn lựa (dĩ nhiên là không loại trừ) của thánh Gioan tác giả Phúc âm là hạn từ “Ngôi Lời” (Lời, Logos). Tuy nhiên chúng ta cũng phải ghi nhận ngay rằng, qua hạn từ này, thánh nhân nhắm tới thiên tính của Chúa Kitô. Thánh nhân còn bắt đầu Phúc âm của ngài bằng thực tại có trước của Chúa Con, thực tại của Chúa Con trước khi Nhập Thể, và người ta có thể nói trước cả cuộc tạo dựng. Ngôi Lời hiện hữu từ đời đời và Người là Thiên Chúa. Như vậy thánh Gioan đã đi ngược lên nguồn gốc không có khởi đầu của Chúa Giêsu Nadarét. Như thế thánh nhân đã chọn hạn từ Logos, Ngôi Lời, để nói về bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu Nadarét.

Không phải thánh Gioan bị ảnh hưởng bởi một trào lưu Hy Lạp hoặc trào lưu nào khác (ngộ đạo…) nhưng bởi vì Phúc âm của ngài nhắm tới một mục tiêu vô cùng sâu xa hơn, đó là chỉ cho thấy Chúa Kitô với tư cách người mạc khải Thiên Chúa, là người làm cho người ta nhận biết Thiên Chúa, là người truyền đạt Thiên Chúa cho con người: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1, 18). Và đối với thánh Gioan sự mạc khải được thực hiện qua hình thức trí-thị (intellectif-visuel = nhìn thấy bằng mắt và suy lý); thực ra con người có lý trí, có hiểu biết và ý muốn. Người ta sẽ hiểu hơn sự lựa chọn của thánh nhân để trình bày về Chúa Con là Logos. Người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, là ý tưởng của Cha, là Lời của Cha, là tất cả Lời của Cha. Và Con sẽ mạc khải, bày tỏ, chuyển thông Cha; Con sẽ cho nhân loại thấy Cha. Vậy hạn từ Logos, được thánh Gioan chọn, thật rất quan trọng. Nó sẽ có những hệ quả lớn lao trên những sinh hoạt của con người

Vì chưng, con người được dựng nên theo hình ảnh và giống Chúa và được mời gọi tham dự vào cuộc sống của Chúa. Con người có một linh hồn và một trí khôn là đỉnh điểm của linh hồn này2. Ở mỗi cấp độ này của (linh hồn, trí khôn) con người được mời gọi tham dự vào cuộc sống của Chúa tùy theo dạng thức của mình. Nhờ trí khôn có thể hiểu về Thiên Chúa, con người được mời gọi tham dự với Thiên Chúa3. Và nhờ linh hồn mình, như chúng ta sẽ thấy trải dài trong tác phẩm này, con người tham dự vào những ngôn từ vừa có tính cách con người vừa có tính cách Thiên Chúa của Logos (humano-divines : nhân-thần).

Lời của Thiên Chúa. Đó là tiêu chí tối cao của sự hiểu biết và cuộc sống của con người, đó là lương thực của con người. Tuy nhiên “điều đó” có thể xảy ra thế nào? (x. Lc 1, 34).

Ngôi Lời đã trở nên người phàm


và cư ngụ giữa chúng ta”
Ga 1, 14

Thánh Gioan chỉ cho chúng ta thấy Lời này của Thiên Chúa đã làm người như thế nào, có nghĩa là bằng cách nào cái có chiều kích vô biên và tự hữu của Thiên Chúa lại khép mình, tự ban mình, tự hóa thành ngôn từ của con người, nhưng từ nay những ngôn từ này lại có một nội dung Thiên Chúa. Biến cố ấy là siêu việt vì cuối cùng nó sẽ cho sự hiểu biết của con người lại được tiếp cận với điều thuộc Thiên Chúa, với Ngôi Lời hằng hữu. Những Lời Thiên Chúa mà Ngôi Lời sẽ thông truyền cho chúng ta sẽ là chiếc cầu nối giúp chúng ta từ nay có thể trở về cùng Thiên Chúa.

Ý tưởng vô biên và tự hữu của Thiên Chúa đã nhập thể và trở thành lời của con người. Không phải là thiên tính đã đổi bản tính, nhưng thiên tính ấy đã mặc lấy hình thể người. “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6, 63). “Ðể mặc khải chính mình cho loài người, Thiên Chúa đã đoái thương dùng ngôn ngữ loài người mà nói với họ: “Lời của Thiên Chúa, diễn đạt bằng ngôn ngữ nhân loại, trở nên giống tiếng nói loài người, cũng như khi xưa Ngôi Lời của Cha hằng hữu đã trở nên giống như con người khi mặc lấy xác phàm yếu đuối của chúng ta”4. Người là Đấng mà tai và trí khôn con ngươi không thể nghe được, nay trở nên nghe được. Đấy là một biến cố không thể đo lường. Đấng trước đây đã không thể tự ban chính mình, từ nay tự ban mình qua những lời có hình thức con người nhưng chất chứa nội dung Thiên Chúa. Sự Nhập Thể có một hệ quả hoàn toàn độc nhất và căn bản cho sự hiểu biết của con người. Những lời của con người, không còn chỉ có tính cách con người, nhưng từ nay có khả năng tìm được những lời tuy vẫn mang một hình thức quen biết, nhưng có chất lượng Thiên Chúa. Chắc hẳn có ba mươi năm cách biệt từ lúc Nhập Thể tới khởi đầu hoạt động của Chúa Kitô. Tuy nhiên người ta có thể xét chung biến cố như là sự kiện Ngôi Lời đi ra gieo những lời của Người, tự gieo mình bằng những Ngôn từ.

Trong cuộc sống con người, chúng ta không đo lường hết tầm quan trọng về sự kiện Lòng của Cha đã mở ra, về việc Người Gieo Giống ra đi. Ngôi Lời đã bị che giấu trước mắt chúng ta, chúng ta đã không có Ánh Sáng. Trước đây đã có như một hàng rào cản giữa con người và Thiên Chúa. Con nguời đã không thể ăn Cây Sự Sống5. Từ nay, nhờ sự đi ra của Đấng đã giấu ẩn mình trong Cung Lòng Cha, nhờ sự Nhập Thể bí nhiệm của Ngôi Lời thành Những Lời nhân-thần (vừa có đặc tính Thiên Chúa vừa co đặc tính loàn người), từ nay con đường lại được mở ra. Chúng ta đến được với Cây Sự Sống6.

Như thế, Ngôi Lời sẽ rảo khắp xứ Palestina gieo những lời đầy sự sống của Người, những lời soi sáng và chữa lành. Rồi Người sẽ ủy thác những Lời sống động này – như Người sẽ ủy thác Mình và Máu của Người – cho những người kế nhiệm để đến lượt họ, họ phân phát7.

Chúng ta hãy nói lại điều đó: sự được mất của biến cố này không thể lường được. Trong tập sách này chúng tôi sẽ cố gắng trình bày sự phong phú của biến cố này và những lời này có thể nhập thể trong lòng chúng ta như thế nào!



Phúc âm là quyển sách chứa đựng những lời này: "Ai không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô"

Chúa Kitô đã cho các tông đồ những lời này và các ông đã trao lại cho các thế hệ kế tiếp dưới dạng truyền khẩu và chữ viết. Phúc âm là dạng chữ viết tuyệt vời mà những lời đem lại sức sống của Chúa Kitô đã được viết ra. Phúc âm chuyển trao lại cho chúng ta những lời này chính xác như đã được lưu giữ và suy niệm trong lòng nhhững con người đã được Chúa Kitô tuyển chọn và được Chúa Thánh Thần hỗ trợ.

Phẩm giá của Phúc âm cũng ngang bằng với phẩm giá của Thánh Thể, bởi vì Phúc âm là lời Sự Sống và Thần Khí, lời của Ngôi Lời nhập thể8. Và như thánh Giêrônimô nói: "Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô"9. Do đó phải đến với Kinh Thánh, yêu mến Kinh Thánh, dò hỏi Kinh Thánh ở với Kinh Thánh để học biết khoa học cao vời về Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta đừng lơ là với phần thứ nhất của Thánh Lễ (phụng vụ Lời Chúa) bởi vì phần này cho phép chúng ta nhận biết và yêu mến Chúa trong chân lý và chính trên đó Thánh Thể đã được thiết lập. Thật vô ích kêu cầu Chúa: "Lạy Chúa, lạy Chúa" rồi lên rước lễ mà không có tinh thần hoán cải, và trước đó không lắng nghe Đấng mà mình sắp rước lấy nói với mình. Theo một nghĩa nào đó, Lời đã đón nghe và tiếp nhận ngày hôm nay là Mình và Máu của Chúa cho tôi. Gần như là một lạc giáo nếu bỏ qua phần thứ nhất của Thánh Lễ và chỉ nhắm tới Rước Lễ! Đó là xúc phạm đến Chúa và không cho phép Chúa "ăn" chúng ta. Vì lắng nghe Lời Chúa cho phép chúng ta đi ra khỏi chính mình; và như vậy Chúa có thể "ăn" chúng ta.



"Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh nhưng nhờ tất cả những lời từ miệng Chúa phán ra" (Lc 4,4).

Khi bị cám dỗ trong hoang mạc, Chúa chỉ cho chúng ta con đường. Người trả lời cho quỉ: "Người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh nhưng nhờ tất cả những lời từ miệng Chúa phán ra" (Lc 4,4). Chúng ta không chỉ được dựng nên không chỉ có xác, mà còn có trí khôn và ý muốn. Chúng ta phải nuôi dưỡng chúng. Lương thực cho chúng dùng là chính Lời của Chúa! Lời của Chúa là tư tưởng của Người nuôi dưỡng tư tưởng của chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta thấy chúng ta nuôi trí khôn của mình bằng đủ mọi thứ và chúng ta lơ là thức ăn này hằng ngày như thế nào. Lời Chúa là thức ăn thật sự của trí khôn và ý muốn. Tuy nhiên Chúa Kitô không tự ban chính mình hoàn toàn cùng một lúc nhưng từng ít một.

Mỗi ngày có khẩu phần từng ngày; Chúng ta thấy điều đó trong kinh Lạy Cha: "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày"10.

II

TÂM ĐIỂM CỦA PHÚC ÂM

Không phải những người thưa với Thầy:


lạy Chúa, lạy Chúa”

Chúa nhắc cho chúng ta sự thật chính yếu này của Phúc âm và Người tóm tắt lại: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu” (Mt 7, 21 tt; Lc 6, 46-49) nhưng những người giữ Lời Thầy. Người mời gọi chúng ta xây dựng cuộc sống chúng ta trên đá tảng Lời Thiên Chúa để cuộc sống của chúng ta có thể tồn tại vĩnh viễn. Khi người ta nói về mẹ và anh em của Chúa, Chúa đã dạy chúng ta: “Mẹ và anh em của Thầy, đó là những ai lắng nghe lời của Chúa và đem ra thực hành” (x. Lc 8, 19 tt). Cũng thế, khi người ta hiểu sai ai là mẹ Người và người ta chỉ khen ngợi người mẹ đã bồng ẵm và cho Người bú, Người nói với chúng ta là nên thấy nơi người mẹ đó sự kiện đã lắng nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 27-28). Và Người chỉ cho chúng ta “yêu mến Chúa” là gì: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14, 22).



Trải nghiệm Lời Chúa Kitô

Chúa mời gọi chúng ta trải nghiệm Lời Người và nhận ra Lời Người là Lời Thiên Chúa và là Lời đem lại sức sống. “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi. Ai muốn làm theo ý của Người, thì sẽ biết rằng đạo lý ấy là bởi Thiên Chúa hay do tôi tự mình giảng dạy” (Ga 7, 16-17). Cũng thế đối với những người Samaritanô nghe Chúa rao giảng, sau khi đã cảm nghiệm lời Người nói, họ nói với người nữ Sama-ritana (và lời này có giá trị chứng tá): “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4, 42). Thánh Phêrô đã làm chứng về trải nghiệm này. Khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Cả các con cũng muốn đi ư”? Nhân danh cả nhóm, Phêrô trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6, 68-69). Và thánh Gioan cũng nói cho chúng ta cách gián tiếp kinh ngiệm của ngài qua lời của Chúa Kitô: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8, 32). Như vậy người ta nhận ra được tầm quan trọng của Lời và sự cần thiết như thế nào trong việc trải nghiệm trong đời sống của cá nhân mình để nhận ra Lời Chúa hữu hiệu như một gươm xuyên thấu nơi giao điểm của linh hồn và tâm trí111. Người ta cũng sẽ hiểu được nỗi khát mong của thánh Phaolô “Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú” (Cl 3, 16).


III

CẦN THIẾT ĐƯỢC NUÔI BẰNG LỜI

So sánh với bữa ăn

Như chúng tôi vừa nói trên đây, chúng ta nhận định rằng chúng ta không ăn, không nuôi dưỡng trí khôn và ý muốn của chúng ta, và cũng chính vì thế mà chúng “suy dinh dưỡng” một cách thật trầm trọng. Chúng ta hãy tính số giờ chúng ta dành cho những bữa ăn: ba bữa (nói chung): đi chợ mua thực phẩm, chuẩn bị, nấu bếp, dọn bàn, thu bàn, rửa chén dĩa v.v… Chúng ta vẫn luôn tìm được đủ lý do để thoái thác Lời Chúa, nhưng để ăn thì dù có bận mấy đi nữa chúng ta vẫn luôn luôn có mặt! Thật là quá coi thường!

Trong Thánh Lễ, khi nghe diễn thuyết, hay dự cuộc tĩnh tâm, Lời vào rồi lại ra; Lời vào tai này lại ra tai kia. Lời không ở lại! Nếu gà mái không nằm lại tại ổ để ấp trứng, sẽ không có sự sống. Cũng vậy, nếu chúng ta không giữ lại Lời trong chúng ta, nếu chúng ta không lấy giờ để lắng nghe Lời (và, như chúng ta thấy là công việc này cần phải có giờ), thì dĩ nhiên là cuộc sống của chúng ta sẽ khô khan, không phát triển gì ở trần gian này cũng như ở trên trời. Vì cuộc sống thật của chúng ta bắt đầu ngay ở dưới đất này qua việc tiếp cận với Lời.

Làm thế nào?

Lectio divina và Lectio divina thực hành đúng cách, thực hành thường ngày, sẽ là một khí cụ sắc bén cho việc nên thánh. Đó là hoàng đạo cho phép Chúa ban mình cho chúng ta, và cho phép chúng ta cải hóa thực tế và làm một cuộc đổi đời chân thật. Như vậy mỗi ngày chúng ta đón nhận khẩu phần Bánh Hằng Sống (Bánh Lời Chúa). Đó sẽ là lương thực hằng ngày của chúng ta.



PHẦN II
LECTIO DIVINA


I

NHỮNG ĐIỂM CĂN BẢN

TRONG LECTIO DIVINA

Bao lâu anh em còn làm nhiều sự,



nếu ít ra anh em không học biết từ bỏ ý riêng

và quy phục,

bỏ đó nỗi âu lo về chính mình,

và về những gì thuộc về mình,

anh em sẽ không thể tiến triển được chút nào

trên đường hoàn thiện12


Dẫn nhập

Trước hết phải hiểu Kinh Thánh là gì đối với chúng ta. Kinh Thánh là Bí Tích của Lời vĩnh cửu và tự hữu13. Hạn từ “Bí Tích” có nhiều nghĩa. Điều đó muốn nói rằng:

1. Lời cho chúng ta chính Thiên Chúa, (Lời này, là một hữu thể tự hữu vượt quá trí khôn chủ động của chúng ta, nhưng nhờ áo bọc được tạo dựng, đến qua trí khôn của chúng ta.

2. Lời được chuyền đến qua các giác quan (thị giác hay thính giác) và qua trí khôn và ý muốn chủ động (tất cả công việc hiểu biết về bản văn).

3. Lời cũng siêu việt hóa các giác quan (vì Lời chủ yếu nhắm tời tinh thần hoặc con tim).

4. Lời nuôi dưỡng ba cấp độ thuộc con Người: thân xác, trí khôn và ý muốn chủ động (linh hồn), trí khôn và ý muốn thụ động (tinh thần), mỗi cấp độ tùy theo phương thức riêng.

Tuy không nhận ra, nhưng chúng ta có thể có một thái độ khô khan lạnh nhạt trước một bản văn. Mục đích của bản văn là biến đổi chúng ta hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta có thể dường như vẫn chỉ mới tiếp nhận để nuôi dưỡng trí khôn và thực tế, chưa dẫn tới biến đổi thực sự. Theo cách này, Lời không đi hết tiến trình vì thái độ đã sai lạc: chúng ta không còn đối diện với một bí tích. Chỉ khảo sát bản văn, chúng ta không còn tiếp cận với Lời tự hữu và nhập thể nữa: đó là Chúa Giêsu. Thay vì lắng nghe, chúng ta lại dừng bước ở cấp độ giải thích hay, giải thích đúng về bản văn, nếu không thì cũng ở mức độ chủ quan của mình – có nghĩa là ở những ước muốn, những vấn đề của chúng ta. Để Kinh Thánh có thể nuôi dưỡng linh hồn và trí khôn, chúng ta phải quyết định chấp nhận để điều chúng ta đọc gây phiền toái, hoán cải, lay động, soi sáng mình và không tìm ở đó cái thuận tiện, thích thú cho mình.

Có một sự khác biệt lớn giữa cái chúng ta có thể coi, một đàng như là hiểu biết Lời Thiên Chúa và, đàng khác, là cảm nghiệm Lời Người. Sự hiểu biết dẫn đến điều mà thánh Phaolô nói: “Tôi biết điều tôi phải làm nhưng tôi không làm”14; Lời đã không thành công trong việc nhập thể vào những hành động của tôi, trong cuộc sống của tôi.

Trái lại, chúng ta có thể nói đến sự cảm nghiệm Lời nhờ một sự biến đổi thường ngày có tính cách cụ thể và phép lạ: Lời nhập thể trong tôi. Phép lạ, bởi vì đó là một việc làm đụng chạm tới ý muốn và chữa lành ý muốn. Thực vậy, ý muốn thì bệnh hoạn. Đó là điều thánh Phaolô nhận ra khi nói: “Tôi không làm điều tôi biết là đúng”15.

Về Kinh Thánh phải phân biệt rõ hai cấp độ:

1- Cấp độ hiểu bản văn

2- Cấp độ lắng nghe.

Hiểu bản văn đòi hỏi phải dùng đến những gì trí khôn có thể cống hiến như là khí cụ ví dụ những phương pháp chú giải v.v... Nhưng chúng ta vẫn còn ở xa Lectio divina vì còn cần phải lắng nghe Chúa nói qua bản văn. Bước đầu làm cho chúng ta hiểu ý nghĩa của bản văn. Nhưng bản văn phải trở thành khí cụ cho Đấng muốn nói với tôi và nuôi dưỡng tôi hôm nay. Bản văn phải trở thành bí tích. Lời Tự Hữu đã làm Người, đã trở thành lời con Người nhưng không theo ý nghĩa hạ mình hoặc biến tan (giảm thiểu), mà theo ý nghĩa trong đó Lời Tự Hữu đã sử dụng lời con Người như phương tiện để đến và để kết hiệp với chúng ta. Chúng ta cho thể phân tích bí tích – phương diện văn tự của bản văn, cái vỏ bọc được tạo dựng của bí tích – trong yếu tố vật thể, tuy nhiên sự phân tích này không bao giờ cho chúng ta chính Chúa! Điều đó cho chúng ta một hiểu biết về bản văn, một cái nhìn rộng và ảnh thánh được vẽ lên về phương diện vật thể, nhưng không cho chúng ta Ánh Sáng Tự Hữu. Phải nắm chắc như thế. Không phải là vấn đề rơi vào trong cái vô lý nhưng là làm cho cái hữu lý trở thành bí tích, làm cho nó trong sáng trước ánh sáng tự hữu. Tôi có thể làm một phân tích tuyệt hảo và sáng ngời về bản văn. Nhưng đó còn là cái gì khác cái mà tôi được mời gọi làm. Tôi vẫn chưa thực hành một Lectio divina đơn thuần!

Chúng ta có thể hiểu thấu đáo tất cả Lectio divina và sự cần thiết của Lectio divina dựa trên lời của Chúa: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 5, 15), và dựa trên sự xếp đặt bên trong của Con Người được diễn tả trong Phúc âm theo thánh Gioan: “Thật, tôi bảo thật các ông: Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì Người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu Người Con và cho Người Con thấy mọi điều mình làm” (Ga 5, 19-20). Lời này được áp dụng cho Con Người, vậy có nghĩa là cho tất cả mọi Người. Do đấy, chúng ta hiểu là cần thiết phải “thấy Cha làm”. Lectio divina cho phép điều đó. Đó là vấn đề đưa hoạt động ý thức vào trong chuyển động này, đó là vấn đề từ từ đặt hoạt động ý thức của chúng ta dưới sự điều động của Chúa và dưới tác động của Chúa. Đó là căn bản của đời sống kitô và của Lectio divina. Nếu không, chúng ta chỉ xây dựng con Người của mình, tổ chức những sinh hoạt của mình, tổ chức ngày sống riêng của mình, sống kitô giáo của mình và những điều đó chẳng đem lại kết quả gì16. Cần phải suy niệm lâu dài câu nói này của Chúa Kitô: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 5, 15). Và do đấy mỗi ngày Thầy cho anh em biết ý muốn của Thầy và ban cho anh em điều cần thiết để đem ra thực hành. Muốn xây dựng một cuộc sống kitô hay một cuộc sống cầu nguyện mà không có những nền tảng này thì chính là đánh lừa, là một chạy trốn, là một lầm lạc.



Vị trí trung tâm của Chúa Kitô trong tiến trình

Chúa Kitô Đấng trung gian duy nhất
giữa Thiên Chúa và con Người

Khi chúng ta thực hành Lectio divina, có nghĩa là khi chúng ta sẵn sàng lắng nghe Chúa, chúng ta ở trước mặt Chúa Kitô. Chúa Kitô là Lời mà Cha ban cho chúng ta, Lời duy nhất của Cha và Cha xin chúng ta chú tâm lắng nghe Lời này. Chúa Kitô vừa là Thiên Chúa, vừa là Người, là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con Người. Sau đây chúng ta sẽ thấy tiến trình của Lectio divina là tiến trình của nhập thể như thế nào. Tuy nhiên đó là sự nhập thể của Lời Thiên Chúa trong chúng ta, sự nhập thể của Chúa Kitô trong chúng ta. Không bao giờ chúng ta bỏ quên Thiên Chúa mà còn nghĩ tới Chúa Kitô. Người là trung tâm.



Chúa Kitô là Đấng mạc khải Thiên Chúa Cha

Chúa Kitô chiếm vị trí trung tâm của Phúc âm. Trong Phúc âm thánh Gioan, Người được trình bày như có sứ vụ chuyên biệt mạc khải Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1, 18). Đó là Con cho phép chúng ta nghe được tiếng của Cha, thấy được eidos (hình ảnh) của Cha (x. Ga 5, 7-38). Dò tìm Kinh Thánh, đưa chúng ta đến với Người Con là Lời của Cha và chính Người Con này ban cho sự sống vĩnh cửu (x. Ga 5, 19-47).



Chúa Kitô trung tâm của cuộc sống thiêng liêng

Đó là điểm nền tảng của tất cà cuộc sống thiêng liêng. Trong một thời gian dài thánh Têrêsa Giêsu đã tự hỏi rằng trong việc chiêm niệm trọn hảo, Người ta tiếp tục nhìn ngắm Chúa Kitô trong nhân tính của Người, hay ngược lại phải suy tư về thiên tính của Chúa, về sự vô biên của Chúa. Câu trả lời của các nhà thần học vào thời của thánh nữ hợp với tư tưởng của Phúc âm và của thánh Phaolô: sự viên mãn của thiên tính ở trong Chúa Kitô một cách có xác thể (x. Cl 2, 9) và chúng ta thấy “trong Chúa Kitô có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2,3)17. Thánh Gioan Thánh Giá, cũng như thánh Têrêsa Giêsu, mời chúng ta chiêm ngắm, qua cái nhìn của Thiên Chúa Cha, Nhân Tính thánh của Con Người: “Bởi vì trong khi ban cho chúng ta Con của Người là Lời duy nhất của mình như Người đã ban – vì Cha chẳng có lời nào khác – Cha đã nói và đã mạc khải tất cả mọi sự chỉ một lần và duy nhất chỉ qua Lời này”18. Chính Chúa Kitô là Đấng chúng ta gặp gỡ và là Đấng chúng ta lắng nghe trong Lectio divina.




tải về 1.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương