Lectio divina học trong trưỜNG



tải về 1.56 Mb.
trang4/6
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích1.56 Mb.
#37403
1   2   3   4   5   6

II

Lectio divina

trẢi dài trong ngày sỐng

Lectio divina, phương thế trị liệu

Lectio divina như là phương thế trị liệu tuyệt diệu. Thực ra, nhờ Lectio divina, người thầy thuốc, Chúa Kitô, biết ta trọn vẹn, mỗi ngày nói với ta những lời Người thấy hợp với nhu cầu của ta. Sự thường, các thầy thuốc trị liệu không biết ta đủ, không thấy những nhu cầu thật, không biết đo lường điều người ta có thể làm và điều ta không thể làm, các ông không biết được những góc cạnh của tâm hồn ta. Nhưng ở đây chính Chúa Kitô hành động... Hơn nữa hai chiều kích, tâm lý và thiêng liêng, hiện diện thực tế. Hiển nhiên là điều đó liên quan tới cái bình thường của kiếp người; đối với những trường hợp bệnh lý, tuyệt đối cần thiết phải chạy tới các thầy thuốc.

Hơn nữa, Lời của Chúa Kitô có một tác động thanh tẩy. “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (Ga 15, 3). Lectio divina là một gặp gỡ với lời của Người, cũng thanh tẩy ta.

Lectio divina và tâm lý

Đoạn này đặc biệt ích lợi cho những ai chuyên về tâm lý.

Thời nay, với sự phát triển về tâm lý, ta có thể dễ dàng thấy trong những lời của Chúa Kitô tất cả việc chữa lành của tâm hồn, một sự chữa lành tâm lý đối với những mù quáng của ta. Chính trong tâm hồn của con người mà Người hành động. Người đi sâu vào tâm thần con người: Trong Bài Giảng trên núi, Người cho ta thấy không chỉ những hành động của ta cần phải chữa trị nhưng ngay cả con tim của ta: người ta đã nói với các anh: “chớ giết người”. Còn tôi tôi nói các anh đừng giận dữ đối với người anh em! Tuy nhiên Người cũng tấn công người pharisêu nhỏ bé có trong mỗi con người ta, và qua đó Người vén cho thấy những động thái của mỗi tâm hồn con người. Ví dụ trong Phúc âm theo thánh Matthêu, có cả một chương để vạch trần những động thái giả hình có trong tâm hồn nhân loại bị phân chia (Mt 23). Đó là cả một công việc thống nhất lại con người trong chiều sâu. Nhưng cũng có những đoạn khác Người nói với người pharisêu trong ta: “người con hoang đàng”, “người nữ tội lỗi được tha thứ”, “người pharisêu và người biệt phái”, v.v... Có cái xuất hiện bên ngoài và muốn thật hoàn hảo, và có những rễ sâu của con người ta đầy những tối tăm mâu thuẫn. Thay vì tưởng tượng ra một thế giới tinh khiết, trong sạch, hay khô cằn, hoặc trắng và đen, lành và dữ, Chúa Kitô dạy ta nhìn thấy trong ta những bóng tối của ta, những động cơ không dám tự thú (bí mật) của ta, hoặc đơn thuần không biết được, nhưng dẫu vậy vẫn có đó. Khi anh ăn chay hoặc khi anh làm việc lành (Mt 6), đừng tìm trình làng điều đó, hoặc ăn chay để làm hài lòng mình hoặc để lôi kéo lời ca tụng.

Người đã đến bằng sức mạnh của Người để giải thoát những sâu thẳm của con người, nếu không đã chẳng có Bài Giảng trên núi, và chắc cũng chẳng có: “còn Ta, Ta nói với anh em”... Ta mạc khải cho anh em chiều sâu của anh em... nếu anh em muốn thấy chúng!

Lúc đó người ta hiểu rằng thế gian được làm bằng một pha trộn đen và trắng, và chính ta, ta cũng thế. Một khám phá gây bức xúc hơn là một tên gọi, nhưng không có nó, người ta sẽ đem quăng đi cả đứa bé lẫn nước tắm... Sự xấu và tác giả của sự xấu, hạt tốt lẫn cỏ lồng vực!

Vậy đi vào trong sâu thẳm tăm tối của ta, đi vào cứu rỗi và giải cứu ta từ từ, nhưng giúp ta khám phá sự khốn cùng của mình, cái “hư vô” của mình, nói theo thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, nhưng cũng khám phá ra lòng thương xót mà nếu không có lòng thương xót này người ta không thể chịu đựng được khi thấy chiều sâu và cái hư vô của mình.

Trị liệu dẫn ta đến khiêm hạ của Thiên Chúa và đến bác ái xuất phát từ nơi Người. Ta sẽ gặp được Đức Trinh Nữ nghèo và dẫu vậy lại đầy ơn sủng.

Thực ra, chứng nhiễu loạn thần kinh đến từ sự chống đối của cái ý thức (tâm hồn) và cái vô ý thức (tinh thần) là những rễ sâu của tâm hồn. Một đàng, qua phần ý thức của mình, người ta tạo cho mình một “persona” (nhân vị, con người), một hình ảnh của chính mình, một hình ảnh xã hội, và từ đáy lòng mình, điều mình sống lại hoàn toàn khác. Sự xung đột giữa cái bên ngoài và cái bên trong (x. “bên trong và bên ngoài của cái đĩa” Mt 23, 25) nổ tung và tạo nên sự nhiễu loạn thần kinh, một sự bất quân bình trong cuộc sống tâm thần của ta. Vậy mà nhờ Lectio divina, ta trở thành ngoan ngoãn qua lắng nghe để Chúa thống nhất con người ta (“Người đã liên kết đôi bên” x. Ep 2, 14).

Lectio divina vẫn luôn còn là một phương thế rất mãnh liệt để chữa lành tâm lý. Nhờ gặp gỡ Chúa Kitô, Lectio divina cho phép ta tìm lại đuợc sự thống nhất cao độ bằng cách sáp nhập toàn thể con người ta. Marie-Louise von Franz, học trò của C.G.Jung, so sánh Kinh Thánh với chính Vô thức một cách rõ ràng và sâu xa! Ta đừng quên rằng Vô thức, xét theo tổng thể của nó, - ít ra theo tâm lý học của Jung (vô thức tập thể) – là bí nhiệm và bao la. Người ta không thể hiểu nó (theo nghĩa bao quát) nhờ lý trí.

“Các Giáo Phụ trong cùng một thời, đã luôn trình bày Kinh Thánh trong toàn thể qua những hình ảnh mà xét về mặt tâm lý, ngày nay ta coi như biểu tượng của vô thức, chẳng hạn như suối nguồn, mê đạo (mê cung), biển khơi vô tận, trời cao thăm thẳm, vực sâu khôn dò hoặc dòng nuớc mãnh liệt mà người ta có thể kín múc đời đời, tuy nhiên sự bí nhiệm cuối cùng người ta cũng không bao giờ tới được153.

Marie-Louise von Franz vắn tắt lấy lại sự song đôi (so sánh) giữa chú giải thời Trung Cổ về bốn ý nghĩa của Kinh Thánh (văn tự, ẩn dụ, luân lý và thần bí) và bốn chức năng căn bản của tâm thần con người (ấn tượng, ý tưởng, cảm tình và trực cảm) và kết luận điều này:

“Vào thời Trung Cổ, Kinh Thánh được coi như một đơn vị, một mầu nhiệm giải thích thực tại của Chúa Kitô. Khi mầu nhiệm này, tự nó không thể hiểu, bắt đầu được vận hành nhờ bốn bánh xe của bốn cách chú giải Kinh Thánh, nó tiến gần tới lý trí của ta. Nhưng giác quan của ta không bao giờ có thể kín múc hết được chủ đề, thánh Jean Scot Érigène nói ‘ý nghĩa của Lời Chúa là một đa dạng bất tận”154.

Điều mà ta cần nhắc lại luôn mãi là trong tâm lý, chính ý thức (lương tâm) vẫn luôn là chìa khóa của cứu rỗi. Chính nó có thể thay đổi điều gì đó, hoặc cho phép cái gì đó thay đổi. Nhờ Lectio divina – là cái khích động phần ý thức nhưng đáp lại toàn thể155 được tỏ bày nhờ Chúa Kitô nói trong Kinh Thánh -, những vùng của bóng tối được đề cập tới mỗi ngày. Vậy, không phải chỉ là nói về một phân tích (có lẽ một trong những cách hay nhất vì hoàn toàn phù hợp với cá nhân và có thể đem tới như một mạc khải về chính mình), nhưng cũng về một sự hợp tác để chữa lành. Và ở đây cá nhân quả thật là đồng-tác giả (cùng là thầy thuốc) của việc chữa lành chính mình. Khi ta biết bổn phận phải nhận lấy cho mình, lúc đó người ta sẽ hiểu lợi ích cao vời của Lectio divina đối với sức khỏe tâm lý, và năng lực của phương tiện chữa lành này.

Tâm lý học, để đạt tới được miền vô thức, để trợ giúp và để cho vô thức có thể diễn tả, cần đến những phương pháp khác nhau. Trong số các phương pháp này có những phương pháp tưởng tượng chủ động hay thụ động. Về điểm này và nhất là so sánh với phương pháp tưởng tượng chủ động mà Jung và các đệ tử của ông nhắc đến, Lectio divina tạo nên, và trên một bình diện toàn thể hơn, một cách thế cực kỳ hữu hiệu vì Lectio divina để cho Chúa được hoàn toàn tự do hơn để soi sáng những chiều sâu của ta – cũng như phương pháp của Jung. Lectio divina cũng củng cố cái tôi và ý thức liên quan tới vô thức và thống nhất con người. Nói như thế, Lectio divina thực là “mười lần” hữu hiệu hơn và dễ dàng thực hành hơn là bất cứ phương thế trị liệu tốt nhất nào. Vì Chúa có đó – một bổ trợ và xúc tác tuyệt vời nhất! -, Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô. Nhưng trong những trường hợp hệ trọng và giới hạn (không thể vượt qua), Lectio divina không thể thay thế sự can thiệp của thầy thuốc hay ít ra một vị hướng dẫn có kinh nghiệm.

Hiển nhiên là những lưu ý này cần được khai triển rộng rãi hơn và một cần được học hỏi sâu và qua so sánh.

Lectio divina và khiết tịnh

Kinh Thánh – và cách riêng Lectio divina – là một trợ lực lớn cho đức khiết tịnh156. Nếu người ta so sánh tình yêu Kinh Thánh với tình yêu một người nữ, trích đoạn sau đây sẽ soi sáng một số khía cạnh của Lectio divina: “Cậu I-xa-ác đưa cô Rê-bê-ca vào lều của bà Xa-ra mẹ cậu; cậu lấy cô làm vợ, cậu yêu thương cô và khuây khoả được nỗi buồn mất mẹ” (St 24, 67). Câu cuối này có thể làm cho ta kinh ngạc hay ít ra ngạc nhiên. Nhưng ta biết rõ rằng người nam đạt tới phần nữ của con người sâu thẳm của mình, đạt tới Anima (linh hồn – giống cái) của mình nhờ người nữ - đối với người nữ sẽ là phần nam của mình, Animus (linh hồn - giống đực). Và người đàn bà đầu tiên mà chàng gặp trong cuộc sống thường là người mẹ của chàng. Và khi chàng mất tiếp xúc với mẹ, khi chàng mất mẹ, điều đó làm cho chàng mất quân bình. Mẹ ở trong chàng tuy nhiên chàng không còn tìm thấy gì cụ thể, không có một bí tích nào của anima nữa... lúc đó chàng chẳng còn được “khuây khỏa”, chàng không sống nữa; chàng như bị tách lìa khỏi chính mình. Và người ta thấy ở đây là cuộc gặp gỡ với Rê-béc-ca tái lập tiếp xúc với Anima... sự quân bình nơi người nam lúc đó được tái lập. Mất một người mẹ, là mất nguồn sức sống. Chàng tiêu tùng!

Ở đây ta không cần đến tâm lý học hay phân tích, đó là bản chất tự nhiên chữa trị con người. Người nữ là người điều trị của người nam, và ngược lại. Anima ở trong người nam, có thể tiếp xúc với người nam nhờ phương tiện người nữ.

Kinh Thánh có được một khả năng như thế không? Người ta nói đúng: “ở trong Kinh Thánh”. Người nam cũng “ở trong” người nữ. Qua Kinh Thánh và trong Kinh Thánh, con người nhìn thấy mình như trong một tấm gương. Người nữ cũng là gương soi cho người nam cho phép chàng tỏ ra cho nàng, phản ánh những phương diện xấu mà chàng có trong mình. Kinh Thánh và người nữ có cùng một chức năng: gương soi, hay kính phóng đại chiếu tỏ mặt tối của người nam (cũng thế đối người nữ). Cuối cùng người ta tìm thấy trong Kinh Thánh điều cần cho ta. Tất cả các thánh đều đã gắn bó với Kinh Thánh và ta biết các ngài gắn bó đam mê như thế nào! Ở đây có một cái gì đó sống còn cho con người, như hôn nhân đối với con người! Ta hiểu rõ hơn ngạn ngữ hồi giáo nói rằng “hôn nhân là nửa phần tôn giáo”! Vì hôn nhân là nhập thể, và có khả năng trị liệu, thay đổi. Không có hôn nhân, con người không thể tiến hóa. Nếu người nam đi tu làm đan sĩ, chàng dùng những biện pháp mạnh (Lectio divina như là gương soi, v.v...), cũng như những người sống đời hôn nhân (người bạn đời như là gương soi mạc khải), để thánh hóa mình. Nhưng ở vậy, không có một lý tưởng nào rõ rệt, không làm đan sĩ mà cũng chẳng làm chồng, thì như tự cắt đứt khỏi chính mình...

Ta đo lường được rõ hơn: xa rời Kinh Thánh là rất nguy hiểm; vì không có Kinh Thánh con người sẽ liều mạng cho cảm xúc! Không có Kinh Thánh, con người sẽ đi tìm an ủi ở nơi nào khác. Thánh Phaolô nói rõ rằng Kinh Thánh đem lại an ủi. Dường như sự độc thân thánh hiến chỉ thực sự được bảo vệ bởi Kinh Thánh. Thánh Thomas Aquinô có lý khi nói rằng sự suy ngắm những điều thuộc Thiên Chúa là một thứ thuốc mạnh chống lại những khuynh hướng xác thịt.

“Điều thứ ba, việc học văn chương (Kinh Thánh) thích hợp cho những dòng tu tùy thuộc vào những gì là chung cho tất cả. Tính dâm dục tìm được ở đó thứ thuốc hiệu nghiệm. Thánh Giêrônimô viết: “Bạn hãy yêu mến học Kinh Thánh, bạn sẽ không còn yêu thích những tính xấu của xác thịt”. Vì chưng, việc học này chuyển hướng tâm trí khỏi nghĩ tưởng đến những sự hư hỏng, và nó hành khổ thân xác bởi lao nhọc mà việc học áp đặt, theo lời này (Hc 31, 1, bản dịch Vulgata): ‘Thức đêm vì đức hạnh làm hao mòn thân xác’” (S T II-II q. 188, a 5, rép). Thực ra Kinh Thánh hướng cái nhìn của con tim về sự suy ngắm những điều thuộc Thiên Chúa. Con mắt vì dục vọng (x. 1 Ga 2, 16) muốn tìm cái đẹp, sẽ gặp được cái gì làm cho nó say mê bởi cái đẹp của Thiên Chúa.

Vậy con người là một hữu thể có phái tính sâu đậm, không phải chỉ theo thân xác nhưng cũng và nhất là theo tâm lý. Chàng có “Anima” của mình trong đáy lòng mình và “cái bóng” của mình, v.v... Chàng không thể ở cô độc một mình! “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2, 18), có nghĩa là không tốt nếu con người bị cắt đứt khỏi chính mình, không có người đối diện để đưa mình về chính mình, vào trong nội tâm mình và đưa tới biến đổi mà con người được mời gọi. Và cắt đứt với “Anima” của mình gây nên sự mất mát năng lực trong con người đó. Hoặc là hôn nhân được sống đúng đắn, hoặc là gắn bó với Kinh Thánh157 là những phương thế làm cho con người tiếp cận với chính mình, với “Anima” của mình, trả lại cho con người sự quân mình mà nó cần thiết, cũng như nguồn năng lực.

Chắc hẳn phải nhập thể Kinh Thánh. Gắn bó với Kinh Thánh chưa đủ. Phải đưa Kinh Thánh ra thực hành. Không khác gì thấy chân lý nhưng không áp dụng chân lý. Kinh Thánh là gương soi nhưng cuộc sống thường ngày là môi trường áp dụng điều đã thấy trong gương soi. Do đấy gắn bó với Kinh Thánh là một gắn bó của toàn thể con người và bắt buộc phải đem ra thực hành điều đã thấy. Đó không phải là một gắn bó không nhập cuộc! Đó chính là một phương thế mạnh mẽ để sống.

Chắc hẳn ta có thể tìm được những cái khác thay thế Kinh Thánh. Congar đã viết rõ rằng: “Tôi đã yêu mến Chân Lý như người ta yêu một người nữ”. Cha Congar đã đặt trọn năng lực nơi Chân Lý. Nhưng điều này không nói với ta rằng cha đã lơ là đối với Kinh Thánh. Đàng sau Kinh Thánh, đó chính là Đấng nói trong Kinh Thánh mà người ta tìm kiếm và người ta gặp được Người, Đấng đã nói về chính mình: “Thầy là Chân Lý và là Sự Sống”.

Tình yêu và sự gắn bó này với KinhThánh dĩ nhiên tìm gặp được một trong những thực thi tốt nhất, nếu không muốn nói là cái tốt duy nhất trong Lectio divina, vì rất đơn thuần đó là lương thực mà ta có trong Thánh Lễ mỗi ngày. Chính Chúa Thánh Thần nói trong Kinh Thánh. Kinh Thánh đem lại một ánh sáng chiêm niệm làm no thỏa, củng cố, an ủi, linh hoạt, cho lại can đảm, làm chìm vào sâu thẳm của Thiên Chúa.

Đối với thời đại đầy khiêu dâm của ta, phương thuốc là tình yêu đối với Kinh Thánh – và đặc biệt đối với Lectio divina – là một phương thuốc cấp cứu.

Những khó khăn của Lectio divina

Trong phần thứ hai, chúng tôi đã đề cập tới một số những khó khăn ta gặp thấy hầu như mỗi ngày trong Lectio divina. Đó là “những cám dỗ bỏ trốn”. Ở đây ta bàn đến những khó khăn khác mà ta có thể gặp khi thực hành Lectio divina hằng ngày. Có thể thực hiện tất cả mọi ngày mà không có bỏ sót? Dần dần người ta sẽ không bỏ qua như thế? Ta Hãy xét kỹ những khó khăn này.



Tất cả mọi ngày, thật chăng?

Những ai chưa quen thực hành Lectio divina mỗi ngày, và đọc quyển sách này, với việc thực hành Lectio divina, đặt cho mình câu hỏi một cách thành thật: nhưng thực ra người ta có thể hoặc phải thực hành Lectio divina mỗi ngày chăng? Có những lúc trong cuộc sống ta không thể thực hành như vậy được, vì nhiều lý do khác nhau.

Có thể là vào một số giai đoạn nào đó trong cuộc sống, những bận rộn tới tấp chiếm hết thời giờ. Nếu điều đó không kéo dài quá lâu, nó thuộc về những giai đoạn của cuộc sống. Như vậy đôi khi người ta không thể, vì những lý do ngoài ý muốn.

Tuy nhiên cũng có thể chỉ là vấn đề tổ chức. Ta không thật sự đặt một niềm tin vào quyền lợi mà ta có đối với Lời hằng ngày từ nơi Chúa như lương thực hằng ngày, một trong những điều ta xin trong kinh Lay Cha: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (dịch nôm na: Xin Cha cho chúng con bánh (cơm) của ngày hôm nay). Hoặc vì ta đã chưa thực sự dâng hiến cho Chúa cuộc đời mình, ta đã chưa dấn thân theo Người. Điều này có nghĩa là ta vẫn còn là chủ nhân ông của chính mình, của thời giờ của mình. Ta chưa thực sự dâng hiến mình cho Chúa. Lúc đó Lectio divina mới chỉ là một khoảng thời gian dành cho Chúa chứ không phải là một cam kết trọn cuộc đời, tất cả ngày sống. Sự khác biệt thật là rất lớn.

Một số người vì không thể thực hành buổi sáng, đơn sơ tự hỏi: nếu không làm khác được, người ta có thể thực hành Lectio divina vào buổi tối, hoặc sau trưa không (tùy theo trường hợp). Dĩ nhiên là có còn hơn không. Lectio divina lúc đó cũng có một số công hiệu. Lectio divina được thực hành vào ban sáng thì như Ánh Sáng chiếu soi tất cả ngày. Người ta có thể phản kháng: “Nhưng nếu thực hành vào chiều tối, Lectio divina sẽ hoạt động ban đêm như men và như vậy, ngày hôm sau cũng sẽ không khác gì làm làm ban sáng”. Nhưng liệu ngay sáng sớm ta có thể nhớ lại cái chính yếu và đem ta thực hành không?

Hãy trở lại điểm chính: phải có một hành động của đức tin. Mỗi người sẽ cảm thấy điều này trong lương tâm của mình. Ví dụ, một giáo sư lập gia đình đã có hành động đức tin và nói với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa biết rõ con muốn đặt Chúa ở chỗ nhất, nhưng con chẳng tìm ra giờ. Xin Chúa giúp con tổ chức thời giờ của con và đưa vào giờ Lectio divina, bởi vì con nhận rõ Lectio divina có tầm quan trọng quyết định trong đời con”. Ông giáo sư này ở đây thật đức hạnh, trung thực, có một một dức tin và đức cậy nơi Chúa hoàn toàn chính trực và “tinh tuyền”. Và ông rất ngạc nhiên, vào đầu năm, ông đã không có những giờ dạy đặc biệt mà lẽ ra một giảng sư tầm cỡ sáng chói và nổi tiếng như ông phải có. Điều này không ngăn cản ông “chới với” một chút khi nghĩ rằng, nếu điều đó cứ tiếp tục như thế thì mình không thể thanh toán nổi tiền chi tiêu của gia đình trong tháng, và nhất là với người vợ đang chờ sinh con. Tuy nhiên trong thâm tâm ông hiểu là ông có thể thu xếp, từ trên cao Chúa đã nhậm lời cầu nguyện đạo hạnh của ông và chính Người cho ông thấy phải làm sao, phải thu xếp lại như thế nào.



Những thất bại

Cũng có thể trong việc trung thành với Lectio divina thường nhật, Lectio divina không có “hiệu lực”, không xuôi thuận. Bởi vì có thể có nhiều lý do không nhất thiết là từ phía ta, và như vậy không hẳn là do thiếu cố gắng cần thiết về phía ta. Tuy nhiên tỷ lệ những người thất bại này rất thấp; có lẽ mỗi tháng một lần là nhiều. Đôi khi Chúa hành khổ ta. Thực ra, trong những lúc đầu thực hành, sự an ủi mà ta nhận được trong và qua Lectio divna – sự an ủi nội tại khi gặp gỡ Ánh Sáng – trở thành một cái bẫy và do đấy một tìm kiếm chính mình và ngăn cản ta đến với Lectio divina duy chỉ vì Chúa, và để khám phá ra thánh ý của Chúa. Nhưng đôi khi đơn thuần ta không nhận ra được lý do chính xác của việc không hiệu quả này. Lectio divina trở thành một suy gẫm thôi, một chút suy tư về những bản văn đã đọc. Nên chấp nhận những thất bại này và cũng đừng vì đó mà bực bội thái quá. Tuy nhiên ta cũng nên nói thêm lại một lần nữa rằng những thất bại loại này rất hiếm.


Tiến triển trong Lectio divina
hay Lectio divina tiến triển?

Trong mục này chúng tôi muốn đề cập tới một điểm quan trọng. Khởi đi từ một thắc mắc: ngay từ đầu, phải chăng người ta phải thực hành Lectio divina như đã được chỉ dẫn trong phần hai của quyển sách này? Hay có thể nhắm đến một sự tiến triển từ từ?

Có thể đạt tới ngay từ đầu nếu ta đã có một kiến thức tối thiểu về Kinh Thánh. Tuy nhiên ta có thể qua những con đường khác trước khi đạt tới. Và, trong khi thực hành Lectio divina, người ta cũng có thể tiếp tục có những cách thế khác để rút ra được lợi ích từ Kinh Thánh: đọc toàn bộ Kinh Thánh, học hỏi một sách riêng biệt trong Kinh Thánh, học chú giải, v.v... Cần nhắc lại, không có chống đối gì giữa việc thực hành Lectio divina dựa trên hai bài đọc trong Thánh Lễ và tất cả những tiếp cận khác với Kinh Thánh, dù đó chỉ là một cách đọc đơn sơ, suy niệm, lắng nghe Chúa trong một trang Phúc âm, chia sẻ Phúc Âm hay một công việc học có tính cách trí thức. Lectio divina là một hoạt động riêng biệt cho phép Chúa nói với ta thường ngày và biến đổi ta trong Người. Đó là lương thực ta lãnh nhận trong Thánh Lễ đem lại hiệu quả thực tế. Do đấy, tự nó Lectio divina có hay không có hiệu quả. Không có sự tiến phát nội tại trong thao tác này. Hoặc là thao tác này vận hành, và ta đã biết lắng nghe trong Thần khí, hoặc là không. Đương nhiên trước khi ta thực hành thao tác này, có thể là một thời gian đầu ta dành để thực tập làm quen với Kinh Thánh qua việc đọc ít ra những sách quan trọng nhất, với những dẫn nhập giúp ta đi vào thế giới của Kinh Thánh khá khác với thế giới ta sống. Nhưng ta không thể gọi đó là một Lectio divina tăng triển. Đó thuần chỉ là cố gắng đọc được Kinh Kinh Thánh bao nhiêu có thể mà không hiểu sai nghĩa. Đó là làm cho dụng cụ thêm dễ hiểu và trong sáng (tôi có thể nói: thành bí tích) đối với Chúa là Đấng muốn nói với ta.

Do đấy có sự tiếp cận tiến triển với với Lectio divina chứ không có Lectio divina tiến triển, có nghĩa là thực hành nửa vời.



Những khó khăn

Trong số những khó khăn thường gặp, có cái khó khăn là tin rằng cách lắng nghe Chúa như thế này thì hiệu quả và không thể thay thế được. Người ta đặt câu hỏi: Ta có thể suy niệm tốt chỉ một bản văn Kinh Thánh, tại sao lại phải đọc chung hai bài đọc trong Thánh Lễ dưới cùng một ánh sáng? Chúa lại không quá hà tiện hay thiếu phương tiện? Và tại sao lại phải sử dụng bài đọc trong phụng vụ mỗi ngày? Đây là những câu hỏi thường được nêu nên trong khóa học và trong việc trung thành với Chúa. Phải chăng Lectio divina khởi đi từ những bài đọc trong Thánh Lễ hằng ngày loại trừ tất cả các cách thế khác thực hành Lectio divina? Chắc hẳn là không. Tuyệt đối không. Ai dám quả quyết như thế! Trái lại, và chúng tôi đã nói trên đây, có những hình thức khác thực hành Lectio divina, và những hình thức này có thể: đọc chỉ một bản văn, đọc liên tục một sách trong Kinh Thánh, đọc với nhiều người, chia sẻ Phúc âm, những bài đọc trong những khóa tĩnh tâm, v.v... Tuy nhiên đặc tính thực tiễn và cô đọng của việc thực hành Lectio divina này khiến chúng tôi nhấn mạnh. Đó là một ơn sủng được ban cho tất cả mọi ngày. Chắc hẳn do yếu ta không thực hành tốt hoặc không thể thực hành được, và vì nhiều lý do: khó khăn, lười biếng, những bận rộn chính đáng khác xảy đến bất ngờ. Đó cũng là kinh nghiệm của số đông kitô hữu qua nhiều thế kỷ và cũng mới đây từ công đồng Vaticanô II kinh nghiệm có đó để kêu mời ta đừng bỏ qua ơn huệ này.

Lấy lại can đảm mỗi ngày và cứ tin, đổi mới đức tin của mình vào ơn sủng này là điều bắt buộc đối với một số đông người. Cho dù việc gặp gỡ Thiên Chúa trong Lời của Người đã đem lại một thích thú hay một an ủi, cho dù vào một giai đoạn hay một thời kỳ điều đó có dễ dàng thực hiện – dẫu không bao giờ dễ dàng hoàn toàn – thì vấn đề chính vẫn là được đổi mới mỗi ngày trong đức tin, tin rằng Chúa muốn nói với tôi, Người có điều gì đó nói với tôi, một ánh sáng ban cho tôi, một phần của chính Người muốn chuyển sang cho tôi, nhờ sự tự do ý thức và tỉnh táo của tôi. Ta là những người cộng tác với Người như thánh Phaolô nói, hoặc những bạn hữu của Người như thánh Gioan nhấn mạnh, Người chờ đợi trí hiểu và ý muốn tự do của ta đáp lại ánh sáng của Người mỗi ngày. Sự cứu rỗi của ta và của những người khác lệ thuộc nơi ta. Ta có phần chủ động trong sự cứu rỗi này. Chắc hẳn Người đã nhận được cho ta trọn vẹn trên Thánh Giá, nhưng Người chờ đợi “lời vâng”, sự đồng ý của ta để các ơn sủng của Người chuyển sang cho ta và cho các anh em của ta.

Người không ở đó để cho ta những giải pháp được làm sẵn. được ban cho như cho các nô lệ, Người kêu gọi sự hoạt động hiểu biết và trách nhiệm của ta, Người khơi động sự sáng tạo của ta qua tiếp cận với ánh sáng Người ban. Dường như Người thường nói với ta: “Sự việc là thế đó, đây ánh sáng Cha ban, còn con, con sẽ làm gì đây”? Người cũng muốn rằng qua ánh sáng được tiếp nhận, chính ta sẵn lòng và với niềm vui quyết định dâng hiến chính ta, giúp đỡ, cộng tác vào công cuộc cứu rỗi của Người.



Trách nhiệm trong liên hệ của ta với Chúa

Thực tế Lectio divina được đặt trong khung cảnh một liên hệ giữa Thiên Chúa và con người. Không hiểu thấu được khung cảnh này, loại liên lạc phải có giữa Thiên Chúa và con người đó, thì không khác gì ta không sẵn sàng thực hành Lectio divina. Đôi khi ta dành cho Chúa một chỗ lớn trong liên hệ này với con người, đến độ biến con người thành nô lệ, một thứ hư vô. Và đôi khi ta lại dành cho con người tất cả đến độ như hành động nhân danh Chúa nhưng lại chẳng để cho Chúa nhúng tay vào. Cũng đôi khi người ta quan niệm một thứ liên hệ ngang bằng, nhưng không còn là một thứ liên hệ với Chúa, Đấng là Alpha và Omega – là Đầu và là Cuối, là Khởi Sự và Kết Thúc -. Và ngay cả trong liên hệ này mà Chúa được coi như nguồn linh hứng và cùng đích của tất cả hoạt động của ta, thì những phân định lượng giá cũng không chính xác – Cũng đừng quên con người đã chuyển qua liên hệ với Chúa, đã vào tuổi trưởng thành, hoặc, như thánh Têrêsa Giêsu nói, đôi khi Chúa hài lòng để cho chính ta điều khiển.

Chúng tôi nhắc lại, vậy khi ta thực hành Lectio divina, một cách vô thức ta có một cái nhìn về liên hệ của ta với Thiên Chúa. Và cái nhìn này có thể làm chậm lại hoặc ngay cả vạch đường cho ơn sủng của Lectio divina! Vậy ta hãy xem kỹ sự liên hệ tế nhị này.

Theo một nghĩa nào đó, Thiên Chúa không thể tạo ra con người cách hoàn toàn158. Để nhập thể trong ta và khai triển trong đời sống con người, Thiên Chúa cần đến con người. Người dựng nên con người theo hình ảnh của Người, nhưng chính con người phải chu toàn để đạt tới chỗ giống Người; để rồi đến phiên mình lại là người tạo dựng. Người ta không tạo ra được một người sáng tạo có sẵn; Con người phải tự mình trở thành kẻ tạo dựng. Nói một cách khác, Thiên Chúa tạo dựng con người ít hoàn thành bao nhiêu có thể. Điều này làm nghĩ tới câu thơ của Holderlin: “Thiên Chúa tạo dựng con người như đại dương tạo nên các lục địa: bằng cách rút lui dần”!


Và những ai không thể?

Vì nhiều lý do khác nhau, có những người không thể đến với Lectio divina. Một người đến một tuổi nào đó không thể luôn thực hành thao tác này, hoặc vì sức khỏe, hoặc vì cặp mắt, hoặc vì thiếu một tối thiểu về “văn hóa” con người và thiêng liêng, hoặc đơn thuần chỉ vì tuổi tác không cho phép họ thực hành được nữa: sức lực yếu dần. Bệnh tật (điều này còn tùy), mù chữ, không có khả năng... dĩ nhiên đều là những lý do loại trừ việc thực hành Lectio divina. Thiên Chúa chỉ cho họ những con đường khác để lắng nghe Người và thực thi thánh ý Người. Đừng quên rằng Chúa ở trong lòng ta, và Người nói với ta. Ta rất quá thường ở ngoài lòng mình và ở xa Chúa. Ta không thể lắng nghe Người. Cũng có thể là có những người đơn sơ có cách riêng của họ để lắng nghe Chúa, thường vượt xa những người khôn ngoan và những người thông thái. Nhưng nguyên tắc căn bản vẫn là một: một sự lắng nghe, một sự tìm kiếm Chúa, một sự kêu cầu Chúa Thánh Thần để đem ra thực hành điều Người nói với ta, trong đáy lòng ta. Nhưng một người có khả năng thực hành Lectio divina lại thôi không thực hành, người này thử thách Chúa, có nghĩa là không làm lợi những phương tiện mạnh mà Chúa ban tặng cho mình. Đó là lười biếng và chểnh mảng, lơ là.



III

LECTIO DIVINA

VÀ CUỘC SỐNG ĐƠN SƠ
Cuộc sống hoạt động

Bản thân chúng ta thường có những lý lẽ bài bác Lectio divina. Ta không tìm ra giờ, vì ngày sống của ta đã quá đầy, và đàng khác, rất có thể là ta đã cống hiến thời giờ để làm từ thiện ở chung quanh ta trong một nhóm, một hiệp hội, giáo xứ, hay trong một phong trào. Vậy làm cách nào? Hãy xét hai lý lẽ bác bẻ sau đây.

Tôi không có giờ”

Một vấn đề lớn, tất cả mọi ngày làm sao chen kẽ được một giờ Lectio divina giữa bao bận rộn như thế? Ngay cả khi đưa ra những mẫu người dù bận rộn trăm công ngàn việc cũng vẫn dành chỗ cho Lời mà Chúa Kitô muốn nói với họ hằng ngày, điều đó cũng không thuyết phục nổi. Tiến hành làm sao? Có một cách thế đơn giản và kết quả cho những người áp dụng với một mong ước thật.

Vậy nếu ta được thuyết phục về sự quan trọng hàng đầu của Lectio divina, nhưng vì ta nghĩ không tài nào tìm ra được một kẽ hở cho Lectio divina trong ngày, và điều đó làm ta ân hận, buồn phiền, thì ta còn có thể dâng Chúa lời nguyện đơn sơ này: “Lạy Chúa, Chúa cho con hiểu rằng gặp gỡ Chúa, lắng nghe Chúa tất cả mọi ngày qua hai bài đọc trong Thánh Lễ là điều vô cùng quan trọng biết bao, nhưng Chúa thấy cho việc dùng thời giờ của con không cho phép con thực hành điều đó. Xét rằng đó chính là ao ước của Chúa muốn nói với con và Chúa là Đấng Quyền Năng, nên con xin dâng Chúa việc dùng thời giờ của con, cuộc đời con, chương trình sống của con, xin chỉ cho con biết làm cách nào con có thể tìm ra giờ, con sử dụng như thế nào thời giờ Chúa ban cho con, chỉ cho con cách thế xếp đặt lại cuộc sống của con, rút bỏ đi những gì kềnh càng và giữ lại cái gì tốt đẹp, và đặt cho con thời giờ thánh này để gặp Chúa”. Hãy đọc lời kinh này bằng tất cả tâm lòng. Thỉnh thoảng đọc lại, đặt trọn tin tưởng nơi Chúa và hãy mở mắt nhìn. Chúa sẽ chỉ cho ta nhiều điều. Nếu ta muốn Người là Chủ đời sống của mình – và đó là ý nghĩa của bí tích Rửa Tội – ta hãy cậy trông nơi Chúa, ta hãy dâng Chúa tất cả, và trong mọi trường hợp hãy dâng lời kinh trên đây. Kết quả sẽ mau đến.

Chắc hẳn, không tìm được chút giờ dường như là một chứng cớ có tầm cỡ. Chứng cớ xem ra vững mạnh và hợp lý (những bận rộn của ta luôn luôn chính đáng và cần thiết, và thường cần thiết hơn là Chúa cho ta sống và sức khỏe). Một chứng cớ không thể tránh được. Nhưng lời cầu nguyện này, hoặc tương tự như thế, rất uy thế. Đọc lời nguyện này rồi thì sự ngay thẳng tuyệt đối của ta quyết định.

Tôi đã có những sinh hoạt trong Giáo Hội”

Có thể có một chứng cớ khác: tôi đã dành không ít giờ cho Chúa và cho Giáo Hội, phải chăng đó không là cầu nguyện và lắng nghe Chúa? Người ta có thể đã ở trong công giáo tiến hành, trong một phong trào thuộc Giáo Hội, và có nhiều hoặc ngay cả nhóm hoạt động, bác ái. Chứng cớ này cũng dường như mạnh và đủ để tránh không hiến dâng mình cách khác. Vâng, tôi nói rõ là hiến dâng mình một cách khác. Vì người ta có thể trấn an lương tâm, hay ngược lại chạy trốn lương tâm bằng cách thích thú hài lòng mình đã làm nhiều sự cho Chúa. Nhưng tất cả những cái đó đều là chạy trốn. Không phải là ta chống lại hoạt động, nhưng ngược lại chính vì ta đồng ý với hoạt động. Thiên Chúa đồng ý với hoạt động, Người đã nói rõ: Ta làm việc, Cha Ta làm việc luôn mãi (x. Ga 5, 17). Tuy nhiên Chúa đồng ý với hoạt động đến từ Thiên Chúa, đến từ một chiêm ngắm, một kết hiệp với Thiên Chúa. Phần thứ hai của quyển sách này cho ta thấy Lectio divina được hướng một cách nền tảng về ý muốn, một hành động, một thay đổi như thế nào. Rồi muốn thay đổi thế gian có ích gì, nếu người ta không thay đổi chính mình. Đó là công việc khó khăn hơn. Nhờ Lectio divina, ta hãy thay đổi, và như thế tất cả thế giới cũng sẽ bước đi với ta, và nhờ ta. Chỉ một hành động do tình yêu tinh tuyền, có nghĩa là được làm trong Chúa – và Lectio divina là một -, có giá trị do Chúa Kitô là Thầy của Sứ mệnh. “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Mà Lectio nối kết ta (là ngành) với Tác Giả của cuộc sống ta và như thế cho ta những quả tồn tại, và lúc đó ta mới thực hiện công việc của Chúa chứ không phải của ta.

Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Nhưng ở lại trong Người như thế nào? “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em [...] (Ga 15, 7). Ta thấy rõ để ở trong Chúa Kitô và mang lại hoa trái, thì lời của Người phải ở trong ta. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Trong Lectio divina, mỗi ngày Người mạc khải cho ta điều Người đã học biết, đã nghe, đã thấy từ nơi Cha. Chính Người, Người không tự ý làm gì. Người đã làm gương cho ta để ta cũng làm như Người. Điều này là chủ yếu. Nếu Con đã không hành động tùy tiện, mà chỉ hài lòng với việc áp dụng những qui lệ và Luật, nếu Con đã không bền bỉ và thường xuyên chiêm ngắm Cha là người ngày lại ngày chỉ cho Người chương trình hành động, Người sẽ không mang lại hoa trái. Để mang lại hoa trái, Người đã chiêm ngắm Cha hành động, làm việc. Người nhận hướng dẫn từ cái nhìn chiêm ngắm này. Và Người cũng yêu cầu ta làm như thế. Người vạch cho ta thấy điều Người đã nhận từ Cha, Người cũng chỉ cho ta phương pháp của Người: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc” (Ga 5, 19-20). Lectio divina là một cách thế đem vào thực hành thái độ này của Con.

Như thế, ta bước đi theo nhịp của Chúa. Ta không áp đặt cho Chúa một chương trình sống mỗi ngày hay mỗi tuần. Ta không gán Chúa vào trong cuộc sống của ta. Ta gán mình vào trong Chương Trình của Chúa, trong cuộc Sống của Chúa. Theo cách thế này ta sẽ mang lại hoa trái, và là thứ hoa trái tồn tại. Công việc đích thực được làm “trong Chúa”.

Dù những lời của thánh Gioan Thánh Giá được áp dụng cho suy nguyện, ta cũng hiểu những lời đó soi sáng mạnh mẽ cho điều ta tìm hiểu về Lectio divina:

“Vì thế mặc dù việc loan báo Phúc âm của bà đã đem lại nhiều lợi ích và dù còn có thể làm hơn thế, nhưng vì hết sức khao khát muốn làm đẹp lòng Đức Lang Quân và giúp ích cho Hội Thánh, bà Maria Mađalêna đã ẩn náu nơi sa mạc ba mươi năm trời để sống thực sự cho tình yêu này. Dù sao, so với bao nhiêu cách khác thì cách này vẫn giúp bà gặt hái được nhiều hơn, bởi lẽ một chút xíu tình yêu này đủ mang lại lợi ích hơn và quan trọng cho Hội Thánh hơn nhiều” [...]

“Vậy, những ai quá ham hoạt động, tưởng rằng với lời rao giảng và những công việc bề ngoài, mình sẽ chinh phục được cả thế gian, thì ở đây xin hãy nhớ cho rằng họ sẽ làm lợi cho Hội Thánh và đẹp lòng Thiên Chúa hơn nhiều – chưa kể là họ sẽ nêu được một gương sáng lớn – nếu họ sử dụng một nửa thời gian ấy để cầu nguyện với Thiên Chúa, dù họ chưa đạt tới tình trạng cao vời như tình trạng đang bàn. Chắc chắn họ sẽ làm được hữu hiệu hơn nhiều mà lại ít lao nhọc hơn, nhờ chỉ một việc hơn là cả ngàn công việc, tức là nhờ lời cầu nguyện của họ, họ đáng được kết quả ấy, đồng thời còn được thêm sức mạnh tâm linh. Thiếu cầu nguyện, tất cả mọi việc ta làm chỉ giống như những cú búa nện chẳng nên cơm cháo gì, đôi khi còn gây hại là đàng khác. Xin Chúa đừng để muối của ta bắt đầu nhạt đi (x. Mt 5, 13), vì mặc dù bề ngoài có vẻ như đã làm được chút gì đó nhưng xét cho cùng thì lại chẳng là gì cả, bởi vì chắc chắn ta không thể làm được những việc tốt lành nếu không dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa.

Ôi biết bao nhiêu điều có thể viết về đề tài này ở đây! [...] những ai muốn giản lược tất cả vào cái hoạt động sáng chói bên ngoài, đập thẳng vào mắt người ta. Họ làm sao hiểu được những mạch ngầm lặng lẽ đang phát sinh ra dòng nước, những cội rễ ẩn khuất đang làm trổ sinh mọi thứ hoa trái” (Khúc Linh Ca 29, 1-4, bản dịch Trăng Thập Tự và Nguyễn Uy Nam, NXB Tôn Giáo 2003, trang 301-306).



Lectio divina
và những khó khăn của cuộc sống đời thường

Trong phần thứ hai của quyển sách, này chúng tôi đã đề cập qua về vấn đề này. Trong cuộc sống đời thường, ta phải đối đầu với những vấn đề khác nhau và những khó khăn. Chúng thuộc nhiều cấp độ khác nhau; chúng có thể thuộc vật chất, luân lý, gia đình, v.v... Khi bắt đầu Lectio divina ta mang trong mình tất cả những lo âu và thường tâm trí ta còn bị chúng đè nén. Ta khó có thể thoát khỏi chúng. Hoặc chúng trở thành trọng tâm của Lectio divina hoặc cố gắng quá lớn gạt bỏ chúng ra bên cạnh đến độ không thể được. Làm sao đây? Hơn nữa, đó lại là một khó khăn thường ngày; làm sao có thể thoát khỏi để thực hành Lectio divina? Hoặc ta cảm thấy bắt buộc phải vòng vo theo hướng các sự việc luôn chiếm hữu mình. Hoặc người ta đi vào mơ mộng và ganh tị với các đan sĩ là những người không có tất cả những vấn đề ấy. Ta đâm ra chán nản thất vọng vì không trung thành được với Chúa trong hoàn cảnh đang gặp phải. Và rồi những cám dỗ ập đến trong tâm trí: phải chăng Chúa quên tôi? phải chăng Người tách biệt khỏi cuộc sống thường ngày của tôi? Người ta Chỉ còn biết nghĩ ngợi lung tung.



Ta hãy thử xét một trong những lời của Chúa. Trong Phúc âm theo thánh Mátthêu, Chúa nói với ta một lời an ủi nhất, nhưng lại bao gồm giải đáp cho mối bận tâm của ta. Người nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30). Qua những lời này dường như Chúa đề nghị với ta một trao đổi. Các con cho Thầy các lo âu của các con, Thầy sẽ cho các con những mối lo âu của Thầy. Các con có một gánh nặng, và Thầy cũng có một gánh nặng. Ở đây Chúa không hề nói đến thập giá, nhưng gánh nặng. Điều thấy trong câu nói: có vẻ gánh nặng của ta thì nặng nề hơn gánh nặng của Người. Trong mọi trường hợp, Chúa đề nghị trao đổi những gánh nặng. Chúa không yêu cầu ta phải tìm mọi cách khước từ gánh nặng – lúc đó cuộc sống trên trần đời sẽ mất đi tất cả ý nghĩa, bởi vì ta sống trên đời là để làm một cái gì đó giúp ta trở nên tốt hơn. Sự trao đổi ở đây thực chất là trao đổi những viễn tượng, những mục đích, những ý nghĩa. Cách thế ta đi vào tiếp cận cuộc sống thâm nhập thái độ của ta khi ta thực hành Lectio divina. Và ta rất thường không thoát ra khỏi cuộc sống của mình như Chúa muốn. Chúa muốn ta ở trong thế gian, nhưng không hề thuộc về thế gian. Người yêu cầu ta sống và dấn thân trong thế gian nhưng bằng cách không dính bén. Thánh Phaolô diễn tả điều này như sau: “Tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7, 29-32). Chúa không đòi hỏi ta phải rời khỏi đời này; đó cũng chính là điều Chúa thưa với Chúa Cha khi cầu nguyện: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17, 15). Điều quan trọng đối với Chúa là không lo lắng, bởi vì lo lắng bóp nghẹt Lời của Chúa và làm cho Lời của Chúa ra vô hiệu trong cuộc sống ta. Trong giải thích về dụ ngôn Người Gieo Giống, về loại đất thứ ba, loại đất có những bụi gai, Chúa nói về hạt giống Lời được gieo trong lòng lo lắng của ta: “Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì” (Mt 13, 22). Chính vì thế nhiều lần Chúa đã khuyên ta đừng lo lắng. Người biết luôn có những khó khăn và những gian truân trong cuộc sống. Nhưng Người muốn ta không lo lắng. Có một sự khác biệt lớn giữa những khó khăn và những lo lắng do khó khăn gây ra. Chúa gia tăng những lời nhắn nhủ trong ý nghĩa này. Người nói rằng những lo âu và lo lắng không thể thay đổi được những hoàn cảnh. “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay”? (Mt 6 ,27). Và Người còn nói: “không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12, 15). Sự khác biệt giữa khó khăn và lo lắng rất quan trọng, cần phải hiểu. Những vấn đề, luôn luôn có đó, và dù ta sống theo ơn gọi nào cũng thế. Những ai cho rằng cuộc sống của các đan sĩ không có những lo lắng thì chỉ có một nhận thức, một hiểu biết ngoài mặt về con người. Thế gian cũng theo các đan sĩ đi vào trong hoang mạc và trong tu phòng của các ngài. Ta hãy nhắc lại: ước mong thôi thúc của Chúa đó là ta đừng để cho lo lắng đày đọa mình. Thực ra nỗi lo lắng làm tiêu sinh lực của lòng ta như ta đã thấy trong phần hai của quyển sách này. Lòng ta được dựng nên cho chỉ mình Chúa và khốn thay những tạo vật, những âu lo ngự trị trong đó. Chúng làm cho lòng ta thành nô lệ, thành tù nhân. Chính trong lòng ta xảy ra cuộc chiến. “Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi”. Đó là thách đố mà Phúc âm đặt ra cho ta. “Hết lòng ngươi”. Làm sao có thể luôn bình an trong nội tâm giữa những sóng gió bập bùng của trần gian này? Chúa muốn ta ở trong thế gian. Tất nhiên Người phải có một giải pháp.

Vậy làm cách nào? Người yêu cầu ta phó thác cho Người những âu lo của ta. Ta cần sự trợ giúp của Người để được giải thoát, không phải những khó khăn, nhưng là những âu lo mà những khó khăn gây ra trong lòng ta. Ta cần Chúa Thánh Thần để Người giúp ta phó thác cho Chúa tất cả những âu lo của ta, tất cả nỗi lo lắng của ta. Ta cần sự trợ giúp của Chúa để Người dạy ta biết làm việc trong bình an, giữa những khó khăn mà không bị khổ tâm. Phải, Chúa đòi hỏi ta làm việc, vì “ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2 Th 3, 10). Nhưng làm việc trong an tâm để có của nuôi thân (x. 2, Th 3, 12).

Chúa giúp ta nhờ Thần Khí Tình Yêu của Người. Đó là điều vua Đa-vít nhắc cho ta:

Lạy Chúa, khi con nói: “Này chân con lảo đảo”,
tình thương Người đã đỡ nâng con;
lúc ưu tư đầy ắp cõi lòng,


ơn Người an ủi khiến hồn con vui sướng”
(Tv 94, 18-19).

Như vậy ta trao đổi gánh nặng của ta lấy gánh nặng của Người; ta quăng gánh nặng của ta, ta than thở, ta van xin. Ta phó thác cho Chúa những âu lo của ta và ta đón nhận sự an ủi của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho lòng ta bình an và chuẩn bị ta đi vào Lectio divina. Ta nhắc lại niềm tin cậy của ta nơi Người. Chúa là Bạn của ta. Người lắng nghe và an ủi ta. Người chuẩn bị ta như thế để lắng nghe Người.

Tiếp đến ta hỏi Người cho biết ta phải nhận lấy gánh nặng nào? Thường ta nghĩ tới Thánh Giá nhưng thực tế Chúa chỉ cho biết gánh nặng của Người, nỗi lo lắng phải xâm chiếm lòng ta. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6, 33). Đó là nỗi lo lắng và gánh nặng mà ta phải vác mọi ngày. Chúa có lý khi nói gánh của Người nhẹ nhàng. Gánh nặng của Người, đó chính là gắn bó với Người để vác cùng một ách: Chúa Thánh Thần, Tình Yêu của Người. Nhận biết Chúa đó là Nước Trời. Nhưng điều đó đòi hỏi thực thi thánh ý Người, trước hết tìm kiếm thánh ý Người. Và đó là Lectio divina. Vì yêu mến Chúa đòi phải thực thi ý Chúa. Ai yêu mến Thầy thì thực thi ý muốn của Thầy và đem ra thực hành. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14, 23).

Không phải là trí thức
cũng không phải hiếu động

Lectio divina không phải là vấn đề trí thức, nhưng dùng trí tuệ phụng sự Chúa và nhắm tới biến đổi ý muốn của ta. Ta không tìm trong Lectio divina một kiến thức về Chúa, cho dù hoàn toàn có trong đó và tiềm ẩn. Trong chủ thuyết duy trí, ánh sáng nhận được vẫn là tù nhân của tri thức của ta và không nhập thể. Trong Lectio divina, ta không tìm kiếm để có được những tư tưởng hay đẹp về Thiên Chúa. Ta chiêm ngắm trong đó, với trí thức của ta, điều mà Chúa – Đấng là ánh sáng – cho ta biết về chính Người mỗi ngày.

Nhưng Chúa là ánh sáng và tình yêu. Tuy nhiên trong Người ánh sáng và tình yêu không tách rời nhau. Người là ánh sáng-tình yêu, là ánh sáng yêu đương, cũng như lửa vừa là ánh sáng vừa là sức nóng. Như thế, ánh sáng được tiếp nhận, là một ánh sáng có mục đích nhập thể, đưa ra thực hành, áp dụng. Từ đó có hoạt động chứ không có tính cách hiếu động. Những con người hướng ngoại theo bản tính thường hướng đến hoạt động và điều đó dễ trở thành hiếu động. Ngay cả những người hướng nội, ít ra chính họ cũng sa chước cám dỗ chạy trốn khỏi hoạt động bên ngoài. Mà Lectio divina lại làm cho ta tránh khỏi cả hai mối nguy: duy trí và hiếu động. Trong hiếu động, hoạt động của ta bắt nguốn từ chính ta chứ không phải từ ánh sáng của Chúa. Ánh sáng hướng dẫn hành động của ta và định hướng ta không phát xuất từ Thiên Chúa. Ta không hướng dương, ánh dương là Chúa Ki-tô. Vậy Lectio divina không phải là thái độ duy ý chí mà cũng không phải là hiếu động. Lectio divina là tác động. Tác động trong Thiên Chúa. Sự hiệp đồng. Tác động tìm gặp trong đó tất cả giá trị, sự rạng ngời, và chiều sâu của nó.

Hơn nữa, Lectio divina rèn luyện một ý chí đổi mới. Qua những tác động nó khơi dậy và dẫn tới thực hiện, Lectio divina làm cho tái sinh ý muốn trong Chúa. Cũng vậy Lectio divina huấn luyện ý thức trách nhiệm và hoạt động đúng. Lectio divina thúc đẩy tới chọn lựa và quyết định, Lectio divina làm cho chọn lựa đúng đắn.



Lectio divina và sứ vụ tư tế

Những lưu ý sau đây được áp dụng cho tất cả những ai làm việc trong cánh đồng của Chúa: các linh mục, phó tế, giảng viên giáo lý, v.v... Nhưng ở đây, chúng tôi lấy ví dụ đặc thù về linh mục.

Sứ vụ đầu tiên của linh mục là giảng lời Chúa. Khoa học xuất phát từ miệng linh mục. Mà như ta đã thấy trên kia, khoa học nào nếu không phải là khoa học của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân là đối tượng cho việc tìm kiếm của linh mục mỗi ngày? Được gọi để cử hành Thánh Lễ mỗi ngày, cũng thật bình thường nếu linh mục là người thứ nhất trong cộng đoàn các tín hữu cần được giáo huấn bởi Lời. Và để được vậy, có phương thế nào dễ đạt được và thực tế hơn là Lectio divina! Linh mục có một ơn gọi đặc biệt hơn cho việc thực hành này vì hơn nữa ngài có trách nhiệm đối với các tín hữu, ban phát cho họ một thức ăn cứng và hữu hiệu. Vài lời ngắn gọn có thể nói trong Lễ hằng ngày. Nhưng thật dễ hiểu là ngài sẽ gặp khó khăn nếu ngài không có một tiếp cận đầy sinh khí và thường nhật với Lời Chúa do Lectio divina mang lại.

Lectio divina góp phần rất lớn trong việc linh mục nối kết với Chúa Kitô và được Chúa Kitô thúc đẩy, bởi vì Lectio divina cho phép linh mục, qua việc lắng nghe luôn đổi mới, lắng nghe Chúa Kitô nói với mình mỗi ngày. Lectio divina đem lại cho linh mục một sự thân mật với Thần Khí là Tác Giả của Kinh Thánh. Thần Khí này mà ta thấy sống động và linh hoạt các thánh viết Phúc âm cũng như các Giáo Phụ.



Lectio divina và giảng thuyết

Như ta đã thấy ở trên, Lectio divina và giảng thuyết liên hệ với nhau. Giáo Hội, nhất là từ công đồng Vaticanô, yêu cầu chủ tế trong Thánh Lễ chú giải những bài đọc được công bố. Người linh mục thực hành Lectio divina hằng ngày, trở thành quen thuộc với Lời Chúa, một cách sâu đậm và thần thánh. Người quen để cho Lời Chúa uốn nắn mình chứ không phải ngược lại, có nghĩa là dùng Lời Chúa để quảng diễn tư tưởng riêng của mình, hoặc chú giải riêng của mình về thời sự. Điều này thật quan trọng, bởi vì phải đọc Kinh Thánh trong chính Thần Khí đã soạn ra. Nhưng phải chăng linh mục hay vị cử hành được mời gọi cống hiến nội dung Lectio divina của cá nhân mình? Lectio divina là một lời Chúa nói với từng cá nhân một cách duy nhất. Một sứ điệp thuộc riêng một cá nhân như Lectio divina không nhất thiết ích lợi cho cả cử tọa, hoặc cho đa số người trong cử tọa. Cũng có thể một cử hành đặc biệt (nhóm riêng, hôn phối, rửa tội v.v...) cũng không thích hợp gì với ánh sáng đã nhận được. Do vậy khuyên linh mục khi chuẩn bị bài giảng cần phải lưu ý đến thính giả và đừng đưa ra sứ điệp Chúa gửi đến riêng cho mình. Đôi khi có trùng hợp cách nào đó. Nhưng rất họa hiếm.

Như vậy Lectio divina chắc chắn là một chuẩn bị xa, một huấn luyện trường kỳ và dài hơi cho việc giảng – đàng khác linh mục có một bước đi dài và làm quen thật với Kinh Thánh và Thần Khí của Kinh Thánh qua chính lịch sử của riêng mình và việc huấn luyện của mình. Nhưng Lectio divina không nhất thiết là một chuẩn bị bài giảng. Bài giảng đòi hỏi những yếu tố mới: để ý tới cử tọa, hoàn cảnh, v.v...

Hiển nhiên là một linh mục thực hành Lectio divina mỗi ngày sẽ rất dễ chia sẻ đôi lời trong Thánh Lễ trong tuần. Và ngài không thấy quá khó khăn đối với bài giảng Chúa Nhật có nội dung dầy hơn. Có thể ngài cảm thấy không có ý nghĩa gì nếu dọn bài giảng cả năm ngày trước, và đó là điều rất tự nhiên. Vì thực tế mỗi ngày có thức ăn riêng của ngày đó. Chỉ từ sau trưa thứ bảy ngài nên dành giờ dọn bài giảng Chúa Nhật.

Lectio divina được thực hành tất cả mọi ngày cho phép tiếp nhận Thần Khí Chúa trực tiếp hơn đối với mình, và như thế giúp chú giải Kinh Thánh hằng ngày hữu hiệu hơn. Lectio divina cho người linh mục tự tin hơn vì ngài hiểu rằng Lectio divina trước hết là công việc hoán cải nội tâm, ngay cả là công việc của Chúa trong các tâm hồn. Và linh mục lúc đó luôn khởi đi từ điều chính yếu, khuyến khích thính giả một cách nội tâm hơn và hữu hiệu hơn. Ngôn từ của linh mục lúc đó có lẽ sẽ đơn sơ hơn và bớt rườm rà hoặc quá “cao siêu”, nhưng có một tác động trên các tâm hồn, tác động trong sáng đối với hành động của Chúa trong cử hành. Linh mục sẽ là dụng cụ hơn nữa của Chúa, ngoan ngoãn hơn và như vậy sẽ có khả năng kết hợp cử tọa với Chúa hơn.

Chính cách thế dọn bài giảng cũng sẽ được thay đổi nhờ Lectio divina. Linh mục sẽ hiểu rằng Chúa muốn chuyển ban ánh sáng của Người chứ không phải những tư tưởng (dù những tư tưởng rất quan trọng trong đời sống). Linh mục sẽ hiểu rõ hơn rằng sự vận hành của bài giảng thật ra thì rất đơn sơ: Một ánh sáng (chứ không phải một tư tưởng) phải thấy và phải làm cho nhập thể vào cuộc sống thường nhật của thính giả. Chính Lectio divina sẽ cho linh mục biết cái bí mật của bài giảng. Rất thường là khi đó đối với linh mục phải nhìn, phải nhận ra một ánh sáng qua bản văn, nhận ra giá trị, trình bày, giải thích nhờ những hình ảnh và cuối cùng chỉ cho biết làm sao ánh sáng này có thể nhập thể trong đời thường. Có thể linh mục không cần thiết phải viết đầy đủ hết cả bài giảng của mình, nhưng chỉ cần ghi lại trên giấy vài điểm một cách có hệ thống ánh sáng và diễn tiến của ánh sáng, đó là một cuộc nhập thể, ành sáng xuất phát từ Thiên Chúa và nhập thể trong lòng con người và trong những sinh hoạt của con người. Chính cái tài khéo riêng của linh mục phụ vào để chuyền đạt sứ điệp.



IV

LECTIO DIVINA VÀ ƠN GỌI

Chương này, “Lectio divina và ơn gọi”, bàn đến một vấn đề luôn gây bức xúc: ta luôn đặt ra cho mình thắc mắc rồi mình sẽ làm gì, sẽ là gì trong cuộc sống, sẽ sống theo ơn gọi nào? Đời thánh hiến? Đời hôn nhân? Sống độc thân? Dấn thân trong một lãnh vực nào đó? v.v... Nhiều khi ta phải khổ sở không ít về mối bận tâm này. Và rồi ngược lại, ta ít quan tâm đến vấn đề trung thành mỗi ngày với Chúa. Quả thực, ta dễ dàng đổi ngược vị thế những bận tâm của ta. Và điều đó gây tác hại cho ta. Ta có thể thu xếp để tham dự một cuộc tĩnh tâm chỉ để biết được mình phải làm gì trong cuộc sống, nhưng ta lại ít bận tâm đến vấn đề phải chú tâm ngày lại ngày cố công sống trung thành với Chúa!

Mục đích của chương thứ bốn này là cống hiến một điểm quan trọng về phân định để sống mỗi ngày tốt đẹp hơn và đạt được cứu cánh của cuộc sống ta. Để được thế, ta nên nhận định rõ hơn để biết rằng chỉ có một lời gọi: lời gọi theo Chúa Kitô, nhận biết Người – lời gọi này sẽ được thể hiện ra sao, không quan trọng lắm. Lời gọi này là như một thân cây và Lectio divina là một trong những cách thế mạnh mẽ nhất để cho cây này triển nở. Trái lại, việc nhập thể của ơn gọi của ta (hôn nhân, thánh hiến, v.v...) đến đúng thời hạn sẽ xuất hiện như một trái chín trên cây duy nhất này là trung thành với Chúa.

Ta tìm nhận định rõ ơn gọi cụ thể của ta. Ta hãy so sánh với một cây. Nếu ta không là những chuyên gia biết nhiều về các cây cối, nếu ta chỉ nhìn thấy những cây còn non bé, ta không thể biết được đó là thứ cây gì.: cây cam, cây táo... Chính khi nhìn thấy trái, ta sẽ nhận dạng rõ cây đó là cây gì. Với ơn gọi cũng thế. Ơn gọi xuất hiện như một trái chín trên cây và như thế sẽ cho ta biết cây đó là cây gì. Nếu ta thấy trên cây có những trái táo, ta biết đó là cây táo. Vậy thay vì khổ sở thắc mắc, đặt cho mình đủ thứ câu hỏi, bận tâm ngay cả về các kinh nguyện của mình, ta nên dồn mọi lo lắng của ta trong việc tưới cây. Vì nếu thay vì tưới cây, ta cứ chỉ đặt câu hỏi, ta sẽ làm ngưng trệ việc thực hiện ơn gọi của mình.

Lectio divina là một trong những cách thế mạnh mẽ nhất để làm cho cây lớn lên. Như thế, bằng một cách trực tiếp, vào đúng thời hạn, không thể trước được, ta sẽ biết ta được hướng theo ơn gọi nào. Thiên Chúa rất có thể mạc khải cho ta biết ta được hướng theo ơn gọi nào, nhưng điều đó sẽ thúc đẩy ta đốt giai đoạn và đảo lộn nhưng ưu tiên. Chính vì thế Chúa che dấu ta điều đó, thường trong một thời gian khá lâu, đôi khi đến phút chót. Đó là một cách tiến hành hoàn toàn sư phạm về phía Người để dạy ta gắn bó với điều chính yếu: là chính Người, mỗi ngày. Vì có ích gì nếu người ta biết được mình sẽ là gì nhưng lại không biết nghe được tiếng Chúa mỗi ngày. Sự trung thành của ta trong việc chu toàn ơn gọi của mình sẽ không bền lâu.
ƠN GỌI

Ơn gọi là gì?

Theo nguyên nghĩa: là lời gọi (vocare, vocatio). Để được gọi, phải có một người gọi và một người được gọi, và có một liên hệ giữa hai người. Phúc âm không phải là một ý thức hệ hay một cái tổ êm ấm. Đó là một sự liên hệ sống động và cá nhân với Chúa Kitô đang sống hôm nay. Một sự liên hệ đòi có một cử động, một bước đi. Chúa Kitô không bất động. Người đi tới và Người mời gọi đi theo Người. Người gọi từng cá nhân, Người đến với mỗi người, Người chăm chú nhìn, và vào một lúc nào đó trong cuộc sống của người này, Người cho người này khám phá ra Cuộc Sống của Người, giơ tay cho người này và mời gọi đi theo Người.



Chúa Kitô là con đường

Chúa Kitô là ơn gọi nền tảng của ta. Ơn gọi riêng (Hôn nhân, Thánh Hiến, Độc thân, sứ vụ riêng với tư cách là giáo dân, v.v...) là cách thế ta sẽ sống ơn gọi chính yếu của mình; trong ý nghĩa này, nó sẽ đến sau. Do nghiêng chiều bị biến dạng, ta có khuynh hướng đảo lộn các sự vật và cho ơn gọi riêng giá trị quan trọng hơn là ơn gọi chính yếu: theo Chúa Kitô. Theo Chúa Kitô từng bước – dù hoàn cảnh sống của ta có thế nào – chính là tâm điểm của cuộc đời ta. Chúa Kitô là đường của ta.



Tất cả ta đều được gọi

Tất cả ta đều được gọi theo Chúa Kitô, đó là ơn gọi nền tảng của ta. Người đã chết trên thập giá cho tất cả mọi người, và do đấy Người kêu gọi mọi người theo Người. Lectio divina, sẽ là cách thế tuyệt hảo lắng nghe Đấng gọi ta, và sẽ dạy cho ta biết trở nên giống Người và đặt chân ta trong những bước chân của Người.

Chương 6 của Phúc âm thánh Gioan với những quả quyết của thánh nhân, có thể làm ta nghi mình là những người được Chúa chọn, hay được Chúa gọi159. Làm sao có thể giải thích vấn đề phức tạp này, dù ta có muốn hay không, nó vẫn luôn dìm sâu ta trong mầu nhiệm ý định của Thiên Chúa liên quan đến việc tiền định? Vấn đề đã làm cho bất cứ ai cũng phải băn khoăn, dù nhà thông thái hay là người đơn sơ.

Thực ra, chìa khóa của câu trả lời là Thiên Chúa kêu gọi mọi người và muốn mọi người được cứu rỗi. Người chết trên thập giá cho mọi người. Do đấy tôi không thể nghi ngờ gì về lời Chúa gọi tôi. Diễn tả cách khác, mặt trời chỉ có thể chiếu sáng, nếu có một cái gì đó tối tăm hay u mờ, điều đó không do mặt trời nhưng do mây (những tư tưởng của tôi). Bên trên mây trời, mặt trời luôn chiếu sáng. Quả thực, tất cả đều hệ tại trong việc tôi trả lời. Cách thế trả lời tuyệt đối có tính cách quyết định. Tôi có thể trả lời do chính tôi, khởi đi từ cái tôi ích kỷ của tôi, xây dựng cách thế riêng tư của tôi trong việc theo chúa Kitô. Nhưng tôi cũng có thể cầu xin Chúa Thánh Thần giúp để lắng nghe Đấng kêu gọi tôi, theo Người từng bước, bước đi theo nhịp điệu và làm điều Người muốn. Điều đó yêu sách hơn, nhưng lời kêu gọi được thể hiện như thế. Nếu không, tôi tưởng là mình đáp lời, nhưng thực ra trình tự khởi đi từ chính cái tôi của tôi. Chính tôi hướng sự đáp lời của tôi trước tiếng gọi. Và cuối cùng, tôi sẽ thưa cùng Chúa: “Con đã giảng nhân danh Chúa, con đã làm điều này điều nọ vì Chúa”. Chúa sẽ trả lời tôi: “Xéo xa khỏi mặt Ta, Ta không biết ngươi”.

Tiếng gọi là từ Chúa, chính Người ban sức mạnh để chu toàn ngày lại ngày, qua con đường Người đã chọn, và chính Người dẫn tới hoàn thành.

Ta thực hành Lectio divina với ý đồ khám phá; trước ý định của Thiên Chúa ta ao ước có một cái nhìn tổng thể về cuộc đời của mình, hoặc về tương lai của mình. Đó là điều không thể được vì ta được mời gọi thay đổi. Ngay cả ta cũng không thể hiểu được điều chính ta sẽ là gì, làm sao ta có thể hiểu được tất cả một chương trình, một hướng đời! Mạc khải tất cả cùng lúc, đó không phải là phương cách sư phạm của Chúa, cũng không phải là cách thế Người hành động với ta. Người đi từ từ, tiệm tiến. Sự vội vã của ta làm xáo động công việc của Người, công việc của ta. Bổn phận của ta đó là từ từ khám phá ra mình đang tiến tới, ngày lại ngày, khám phá ra điều mà ta phải hiểu và phải làm mỗi ngày. Những chương trình là ở nơi Chúa. Ta có trách nhiệm tìm hiểu và thi hành.



Những điều kiện để đáp lại ơn gọi

Ta chỉ có thể quyết định cho một ơn gọi cách tự do và hiểu biết. Do đấy phải đạt được một kinh nghiệm tối thiểu, hiểu biết về Chúa Kitô, và phải được Người giải thoát (cho được tự do), để cuối cùng có thể chọn lựa. Như vậy phải có một trưởng thành tối thiểu, một ăn rễ sâu tối thiểu trong Người.



Ơn gọi, theo Chúa, một cây

Như thế ơn gọi như là một cây. Một đàng nó phải lớn lên, đàng khác, thấy được quả trái của nó để biết được loại ơn gọi.



Sự phát triển của cây

Như ta đã thấy ở phần hai của cuốn sách này, Đức Kitô, nhờ Lectio divina, nhập thể từng ít một. Mỗi ngày, một phần nơi ta được đổi mới. Con người mới thế chỗ từ từ, lớn lên, và con người cũ bị hư hoại đi. Từng khía cạnh một, ý muốn của ta được đổi mới, được tái tạo, mỗi ngày. Có một sự lớn lên thực sự của Chúa Kitô trong ta. Từ từ Người chiếm hữu ta, biến đổi ta, hướng dẫn ta. Người sống trong ta. Nước của Thiên Chúa được so sánh với hạt mầm, nhỏ nhất trong các loại hạt mầm, và nó trở thành một cây lớn. Đó là Chúa Kitô trong ta.



Ơn gọi, đó là những trái của cây

Ta chỉ có thể nhận định một ơn gọi, có nghĩa là loại trái của cây khi cây đạt tới một độ lớn nào đó. Chính nhờ do cây phát triển, Chúa Giêsu trong ta, sự phát triển mà Lectio divina mang lại cách mạnh mẽ, mà ta có thể nhận định được ơn gọi riêng của ta. Ta thấy Lectio divina góp phần quan trọng thế nào trong việc phân định ơn gọi! Ta nhận biết một ơn gọi nhờ hoa trái. Một sự trung thành với Chúa, qua việc lắng nghe hằng ngày, qua tình mến vững bền dựa trên Lời sống động của Người, làm triển nở một cách mạnh mẽ cây ơn gọi (dù là loại nào). Như thế sự phân định sẽ trở nên dễ dàng hơn; đôi khi như ta hái một trái chín, đúng lúc! Hơn nữa, Lectio divina, trong khi rèn sự trưởng thành và khả năng quyết định của con người, dẫn con người đến chọn lựa mà ta được kêu gọi thực hiện như những bạn hữu đích thật của Chúa Kitô, có nghĩa là trong ý thức chọn lựa.



Lời gọi và Lectio divina

Lectio divina giúp ta đi trên đường này

Trong Lectio divina, Đức Kitô là người thứ nhất, còn tôi thứ hai. Người nói, tôi nghe. Nguy cơ đó là việc lắng nghe trở thành quyết định của tôi, của cái tôi của tôi, chọn lấy một lời nào đó. Như thế tôi chiếm chỗ của Chúa Kitô. Và như vậy không còn là lắng nghe. Chính do đấy mà Chúa Thánh Thần giúp tôi lắng nghe, làm vững mạnh thêm liên hệ của tôi với Chúa Kitô bằng cách đặt Người ở chỗ thứ nhất.

Có nguy cơ là tự gọi chính mình, tự quyết định về lời của hôm nay. Nhưng động thái của sự lắng nghe thì ngược lại, chính Người bắt đầu, chính Người nói. Cầu xin Chúa Thánh Thần là đặt ta vào chỗ của mình là lắng nghe.

Mỗi ngày lắng nghe Chúa Kitô là Đấng kêu gọi ta theo Người, chỉ cho ta bước phải đi. Mỗi lần một bước. Ta bước theo Chúa Kitô như thế.



Thực hành Lectio divina đòi hỏi một dấn thân

Đàng khác, Lectio divina đòi hỏi trước hết người ta phải dấn thân với Chúa Kitô. Thực hành Lectio divina là một thực hành rất yêu sách, bao lâu người ta chưa quyết định trong lòng mình là tìm kiếm chân lý và gặp gỡ Chúa Kitô, thì rất khó lắng nghe.



Lectio và đồng hành ơn gọi

Hiển nhiên là để phân định đúng đắn một ơn gọi, cần thiết phải lắng nghe Chúa tất cả mọi ngày. Người Ta không thể khẳng định là có một ơn gọi mà không thực hành Lectio divina. Đó sẽ là thử thách Thiên Chúa160. Mỗi người được kêu gọi hay ước muốn phân định, tùy theo khả năng của mình đều phải thực hành Lectio divina. Nhưng hiển nhiên là nếu Chúa kêu gọi hay dường như kêu gọi (và Người kêu gọi tất cả mọi người theo Người), thì sẽ không bình thường tí nào nếu người ta chỉ dành cho Người ít cơ hội để nói với mình. Thử thách Chúa như thế thì thật là thiếu khôn ngoan. Tiếp tục bận rộn túi bụi giữa ngàn lẻ một chuyện và nói: Chúa kêu gọi tôi, nếu Người kêu gọi tôi thì Người biết điều Người làm và biết hướng dẫn tôi cách khác, nếu Người muốn. Không, Chúa chờ đợi tự do của ta, sự hiểu biết của ta chọn Người. Không có ta, Người không thể và cũng không muốn hành động. Nếu Người làm một cách ngoại lệ, đó chính là do lòng thương xót, nhưng đường đi mỗi ngày là ý thức rằng người ta đảo lộn các giá trị và do đấy cần phải thay đổi nhịp độ của cuộc sống, cho dù phải trả giá. Chắc hẳn, rất nên trao đổi với một linh mục hay một vị linh hướng có kinh nghiệm, nhưng sớm hay muộn, cuộc sống của ta cũng đòi hỏi phải thực hành Lectio divina mỗi ngày.

Nhiều người được kêu gọi, và nhiều người đánh mất ơn gọi. Không phải do Chúa chối từ lời Người kêu gọi (các ơn huệ của Chúa không bao giờ bị lấy lại), nhưng ta lùi bước đến độ đánh mất điều ta đã có được. Lời gọi cũng giống như một hạt nhỏ cần phải trở thành một cây lớn. Nếu hạt đó không bao giờ được tưới, nuôi dưỡng và gìn giữ, nó không thể đạt thành. Trước một cơn bão thứ nhất, hay thử thách, hoặc một tiếng gọi khác, nó sẽ nhượng bộ. Người ta dẵm trên nó và tiếng gọi dường như hoàn toàn bị đánh mất hay bỏ qua trong quên lãng. Vậy Lectio divina giúp cho hạt này nảy sinh. Lectio divina như là một vòng bao bọc che chở đối với tất cả và đối với mọi người. Thật đáng khâm phục sức mạnh khiêm tốn của con người được kêu gọi và thực hành Lectio divina mỗi ngày và bất chấp tất cả những nghịch cảnh nhờ chính ơn được gặp gỡ Chúa Kitô là Đấng nói, an ủi và hướng dẫn thật bảo đảm.

Đôi khi ta hài lòng với một cuộc tĩnh tâm để phân định. Nhưng trước hoặc sau tĩnh tâm, người ta bỏ không còn trung thành với ơn gọi nhờ thực hành Lectio mỗi ngày. Nếu ta phân định biết rằng Chúa kêu gọi ta và ta khẳng định là mình đã được “đặt lên đường” và rồi tất cả sẽ xuôi thuận, thì ta lầm to bởi vì sự trung thành đó chính là mỗi ngày!



Khi sự trung gian gây rối

Đôi khi có những người không khám phá ra được ơn gọi của mình; được hướng dẫn, góp ý, dẫn dắt, chắc hẳn những người này tiến bước, nhưng vẫn có một khoảng cách giữa họ và Chúa Kitô. Những trung gian, thay vì trong sáng tỏ bày Chúa Kitô thì lại làm cho lu mờ. Sự gặp gỡ sinh động với Chúa Kitô đã không thể hiện cách tự do, điều này khiến họ không trực tiếp nghe Tiếng Gọi. Lectio divina đặt ta tiếp cận trực tiếp với Chúa. Lectio divina cho ta trực tiếp lắng nghe Chúa Kitô. Chính ngài là ơn gọi của mỗi người được chịu phép rửa, chính Người ban sinh lực, sức mạnh. chính Người quyến rũ và lôi kéo, chính Người thuyết phục và kết nạp. Tất cả mọi trung gian đều phục vụ và phải cổ võ cho sự liên hệ này. Nhưng một khi sự trung gian vụ lợi - thường vụ lợi cách vô thức – khi sự đồng hành thiêng liêng nhắm đến chính người được đồng hành, sẽ phát sinh một màn che. Và ngay cả Lectio divina lúc đó cũng sẽ bị tổn hại.



Những tiếng gọi

Ta đã phân biệt giữa việc được mời gọi theo Chúa Kitô và cách thế lời mời gọi này sẽ cụ thể hóa: qua đời sống hôn nhân, thánh hiến, độc thân. Hiển nhiên là Lectio divina giữ vai trò làm phát triển và phân định trong tất cả các ơn gọi. Trong các phần tiếp theo, chúng tôi chỉ đề cập đến hai trường hợp: trường hợp của đời sống thánh hiến tu sĩ hay linh mục, và trường hợp của các ứng sinh chịu chức linh mục hoặc những người cảm nhận được ơn gọi này.



Lectio divina và đời sống thánh hiến

Như chúng tôi vừa nói trên đây, ta có thể dễ dàng suy ra điều xảy đến cho một ơn gọi được thực hiện riêng, có nghĩa là cho một người đi vào đời sống tu. Cây non, Chúa Kitô trong con người này, chưa đạt tới độ lớn đầy đủ, còn rất xa. Nếu người ta bỏ Lectio divina, như chúng tôi nói trên đây, ơn gọi sẽ mai một từ từ. Người ta nhận rõ điều đó nơi các tu sĩ cũng như các linh mục: Khi họ thực hành Lectio divina, đức tin của họ sống động và có sức cảm hóa. Đức tin của họ lớn mạnh. Họ có thể chống cưỡng lại tinh thần thế tục tìm mọi cách xâm nhập họ. Họ có một tinh thần trong sáng, ánh sáng của Chúa Kitô chiếu soi họ, và an ủi họ cách tỏ tường.

Nhưng những ai lơ là với Lectio divina hoặc năm thì mười họa thực hành một vài lần, hoặc làm cho có cho qua mau lẹ, đức tin của họ yếu kém dần và thế gian lấn đất dần trong con tim của họ. Sự thánh hiến của họ bị suy sụp nặng nề. Cũng có thể nói rằng đức tin của họ tỷ lệ thuận với mức độ họ thực hành Lectio divina.

Lectio divina và ơn gọi linh mục

Cũng có thể nói như thế với những người được mời gọi làm linh mục. Linh mục được gọi nên thánh, và ngài càng thánh, ngài càng là khí cụ dễ sử dụng trong tay Chúa, chính Chúa càng hoạt động trong ngài và làm công việc của mình. Lectio divina là phương thế tốt nhất để chuẩn bị khí cụ, làm cho khí cụ ngày lại ngày càng thêm nhuần nhuyễn trước ánh sáng của Chúa. Chắc hẳn, các linh mục tương lai nhận những ơn ban đặc biệt giúp họ sống mật thiết với Chúa để họ có thể hiểu và phục vụ anh em mình hơn. Như thế Lectio divina càng cần thiết hơn – nếu có thể diễn tả như thế - cho người linh mục tương lai. Nếu Lectio divina đặc biệt đem lại hoa trái của sự thánh hóa nơi người tu sĩ tương lai, thì ngoài điều đó lại ban cho người linh mục tương lai những ơn về hiểu biết sâu xa hơn về Kinh Thánh. Vì trách vụ của nguời linh mục tương lai cũng là một người bạn đặc tuyển của Chúa Kitô, hiểu được những ý định của Chúa và cộng tác thực hiện những công việc của Chúa.



Kết luận

Để kết luận, ta có thể nói điều này. Trong những mối bận tâm của mình, ta phải tránh đảo lộn thứ tự. Sự trung thành với Chúa mỗi ngày chiếm vị thế cao hơn nỗi lo lắng về tương lai. Chắc chắn là phải lo nghĩ đến tương lai của mình, nếu không ta sẽ chẳng làm gì cả. Nhưng mối bận tâm và nỗi lo âu xuất phát từ đó phải hướng về tìm sống trung thành hằng ngày. Nếu không, sẽ có nguy cơ là ta sẽ tìm những giải pháp có tính cách ma thuật. Chúng có vẻ dễ dàng hơn, mau chóng hơn, dễ đạt tới hơn. Ta sẽ chỉ muốn dự đúng một cuộc tĩnh tâm để biết mình phải làm gì trong đời sống, còn trung tín với Chúa, qua thực hành Lectio divina, trước và sau cuộc tĩnh tâm, ta ít lưu tâm đến hơn. Ta cảm thấy nó không quá bi quan! Nhưng chính Chúa là Đấng mà người ta lắng nghe mọi nơi. Chúa không phải là một đồ vật mà người ta thao tác điều khiển. Đó là một hữu thể sống và nhân cách! Người Ta cũng có thể tình cờ mở đọc một vài trang Kinh Thánh để tìm lời giải đáp. Nhưng một giải pháp yêu sách hơn, như hằng ngày trung thành qua việc lắng nghe Chúa, điều đó xem ra đắt giá hơn, vì phải cho đi chính mình!



V

LECTIO DIVINA

VÀ CUỘC SỐNG TRI THỨC
Lectio divina và việc quản trị cá nhân

Để thiết lập con người mới, dù người đó ở lứa tuổi nào, trí thức cần phải đạt tới tuổi trưởng thành thiêng liêng. Ở đây Lectio divina giữ vai trò chủ yếu.

Tất cả mọi người đều được mời gọi sống trưởng thành về phương diện hiểu biết đức tin của mình để có thể tự bảo vệ, phân định, biết hướng dẫn mình, v.v... Mà ta không thể chỉ hài lòng là mình trong trắng và hiền từ như chim câu. “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10, 16).

Rất quan trọng là phải cố gắng hết mình để trở nên khôn như con rắn. Và rồi cũng cần thiết phải biết phân tích niềm cậy trông của mình một cách ý thức161, nhưng luôn dựa trên một phân định cần thiết để có thể khôn khéo tự bảo vệ mình trong cuộc sống. Muốn hay không muốn, chính sự hiểu biết ý thức dẫn đường cho mỗi con người. Những quyết định và hướng sống đều dựa trên sự hiểu biết ý thức. Nếu sự hiểu biết đó không sắc bén, nó sẽ không trang bị đủ khí giới để đối mặt với tư tưởng của người khác, và làm một chọn lựa cần thiết, lúc đó nó sẽ ngã thua.

Chắc hẳn, trí tuệ là tôi tớ, tôi tớ của ánh sáng, nhưng cần thiết là nó quy phục ánh sáng, ngoan ngãn đối với ánh sáng và ánh sáng làm cho nó phong phú, và điều động nó, giải tỏa nó và cho phép nó nhận thức các sự việc, những phân biệt mà trước đó nó không thấy. Phân định, chọn lọc, tách biệt một sự việc khỏi một sự việc khác, phần lớn là vai trò của trí tuệ. Trí tuệ, như từ ngữ nói lên (Intelligence – tri thức hay trí thức, sự hiểu biết - do gốc từ la tinh Intus legere = đọc ở trong), thâm nhập, đi vào bên trong các sự vật, những hữu thể. Khi đi vào nó khám phá được sự vật, hữu thể (nó trở thành hữu thể một cách nào đó bởi một thứ cảm tình hay đồng hóa), và tiến tới điều bí nhiệm. Nhưng nếu nó không quen đi vào, thâm nhập, hiểu những sự vật là gì, nó vẫn mãi “ngây ngô”. Trong thế giới này, ngây ngô như thế thật là nguy hiểm bởi vì sự ngây ngô này có nguy cơ bị quật ngã, bị nghiền nát, bị chà đạp và đôi khi bị tàn sát, bị giết chết. Chim câu có thể sẽ là mồi cho quân thù, chính vì thế cần phải được thêm vào con rắn. Cũng như cây bảo vệ nhựa sống bằng vỏ rất cứng; vỏ này cho cảm tưởng là như đã chết. Nhưng nếu không có vỏ cứng, cây, trái, không thể tự bảo vệ, không thể sinh tồn. Tiếp cận với thế giới đòi hỏi phải có tri thức để tự bảo vệ, bảo vệ bồ câu (con tim, sự trinh khiết của con tim). Lectio divina là như thứ vỏ cứng bảo vệ cuộc sống suy nguyện. Lời nguyện của con tim (tâm nguyện) không đủ cho cuộc sống thiêng liêng.

Ta cần tự hướng dẫn mình, phải làm một loạt những hành động tất cả mọi ngày. Để được thế, sự hiểu biết ý thức cần được võ trang bàng ánh sáng và phân định, những tiêu chuẩn để phân định. “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Hãy coi chừng người đời” (Mt 10, 16-17a). Ví dụ ta không thể sống ở tuổi 20-30 với một đức tin mà ta có lúc 10-12 tuổi. Tri thức, qua sự phát triển và kích thích, qua sự kiện gặp được một số những kiến thức ở trường học, ở trường đại học, phải được nuôi dưỡng bằng ánh sáng của Chúa. Thực ra, nhờ giáo dục, tri thức như một bình chứa nới rộng đòi hỏi ánh sáng. Mà rất thường ta không lưu ý đủ. Ta hài lòng về việc đào tạo nhận được ở trường lớp và ở trường đại học. Hầu như ta không bận tâm đến việc nuôi dưỡng tri thức một cách tương đương bằng Ánh Sáng của Chúa! Đối mặt với bầy sói là số phận của tất cả mọi người muốn đi theo Ánh Sáng và Tình Yêu. Sóng to bão lớn rồi sẽ đến (x. Mt 7, 27). Vấn đề là phải biết đối mặt, nhờ một tri thức được ánh sáng Chúa đổi mới và làm cho phong phú.

Vậy ta nên xét đến ích lợi thực tiễn của Lectio divina để cấu tạo con người mới có khả năng phân định một cách trưởng thành và trí thức không những cái gì là tốt, nhưng cả những gì xứng hợp cho từng hoàn cảnh.

Lectio divina và cuộc sống trí thức

Bây giờ ta có thể nói ít lời về liên hệ có giữa Lectio divina và đời sống trí thức. Có nhiều người bắt tay vào trách nhiệm giúp đỡ ta giữ được một đời sống trí thức. Các sách của Gratry162, của Sertillanges163, và của Guitton164 là những chỉ nam cho cuộc sống trí thức. Mỗi tác giả một cách, họ cố gắng giúp ta có được một cuộc sống trí thức, và kê ra những lời khuyên, những phương pháp để làm việc một cách trí thức. Chắc hẳn tất cả đều khuyên hoặc đòi hỏi người đọc tín hữu một hoạt động thiêng liêng. Nhưng họ không diễn tả nó ra. Họ biết rằng một hoạt động như thế nâng đỡ hoạt động trí thức, dù trong trách vụ nào, tuy nhiên họ không cho ta một phương thế hay những chỉ dẫn trong hướng này.

Ta tin rằng, và kinh nghiệm cho thấy như thế, cuộc sống trí thức nhận được điều đó rất nhiều từ Lectio divina, bởi vì chính Thiên Chúa, nhờ ánh sáng của Người, chấp nhận điều khiển cuộc sống này. Người huấn luyện tri thức một cách từ từ, thường thì từng đề tài một. Một tiến trình dài hơi nhưng hữu hiệu và ta có thể nói là được hướng dẫn bởi một người bậc thầy. Đối với một người trí thức, ngày sống được bắt đầu bằng Lectio divna sẽ nhận được một thức ăn tối ưu cho tri thức và ngày sống sẽ được tổ chức theo ánh sáng đã nhận được buổi sớm. Chính là người thầy nội tâm hướng dẫn ta và giải thích tất cả cho ta. Đó chính là điều Chúa nói trong Phúc âm theo thánh Gioan về Chúa Thánh Thần: Người sẽ dạy bảo các con mọi điều và nhắc lại cho các con những gì Thầy đã nói (x. Ga 12, 26). Thầy còn nhiều điều muốn nói với các con (x. Ga 16, 12). Các con không còn hỏi Thầy điều gì nữa (x. Ga 15, 23).

Chắc hẳn Lectio divina không chuẩn chước cho việc làm trí thức, nhưng khắc sâu một phương pháp, một cách thế liên kết với Chúa. Ta cũng có thể nói : một khổ chế tri thức. Làm việc một mình hoặc làm việc đồng hành với một vị thầy nội tâm giải thích cho ta, làm cho ta hiểu các sự việc từ bên trong, đó là cái được thua! Lectio divina dạy cho tri thức vô số điều. Lectio divina dạy cho tri thức biết nuôi sống và biết tìm lương thực ở đâu. Dường như là có một trực giác mới được thiết lập và làm cho tri thức cảm nhận được điều gì là tốt nên đọc, điều gì đúng lúc.

Sự kiện viết mỗi ngày, dù ngắn gọn, những hoa trái của Lectio divina, cũng khai triển khả năng viết và trình bày tư tưởng của mình, làm cho tư tưởng của mình xuất hiện ra ngoài, cho nó một da thịt. Viết, diễn tả, ý thức về công việc này mỗi ngày cho ta một nhạy bén mới xét về mặt trí thức. Sự tiếp cận mát mẻ và luôn mới với ánh sáng của Chúa, cho tri thức sức lực và khôn khéo. Tất cả mọi ngày thao luyện lắng nghe người Thầy như thế là một trường học chỉ Người mới có.

Nhờ ánh sáng của Chúa Lectio divina cũng làm phong phú tất cả những lãnh vực suy tư. Đó cũng là điều ta trải nghiệm thường ngày Phúc âm nhập thể trong cuộc sống và trong mõi lãnh vực tất cả mọi ngày như thế nào. Ta có thể thấy men tác động ra sao trong bột của những công việc hằng ngày.

Đối với người trí thức hoặc nghệ nhân trung thành thực hành Lectio divina mỗi ngày, sẽ tiết kiệm được đáng kể về thời gian và năng lực. Sự tiết kiệm về thời gian sẽ lớn lao biết chừng nào khi ta được hướng dẫn bởi chính Ánh Sáng. Ta đi trực tiếp vào yếu tính của sự vật. Sẽ có một cuộc sống tuyệt vời như thế nào cho tri thức khi được Thầy đồng hành luôn mãi. Thường điều đó không đạt được ngay từ ngày đầu tiên, nhưng dù sao cũng khá mau.

Nhờ Lectio divina, Ánh Sáng xếp đặt trật tự trong tri thức con người, và tái lập theo thứ tự nguyên thủy. Hơn cả cách thế nguyên thủy. Lectio divina dạy cho tri thức biết sống với mầu nhiệm sự dữ. Nhờ được dẫn nhập thường ngày như thế, tri thức học hiểu sự vận hành của đời sống và phân định được tận căn cái đẹp với cái xấu. Nhưng bí mật vẫn luôn là Thầy có đó và dạy cho tri thức khoa học tối thượng của Người: khoa học về cứu rỗi, khoa học về Thánh Giá.

Như vậy Lectio divina xếp đặt thứ tự trong tri thức và làm cho tất cả những cố gắng thuộc tri thức ra dễ dàng. Tri thức luôn được đổi mới và hằng ngày được tắm gội trong Ánh Sáng.

Chính qua sự chọn lựa tự do của ta mà Thiên Chúa trở thành, hoặc lại trở thành vị thầy của tri thức của ta. Không phải Người cất khỏi ta sự tự do suy tư, nhưng ngược lại, nhờ hành động bí nhiệm của việc biến đổi tri thức này, Người làm cho nó thêm sáng suốt và có khả năng đi sâu vào những lãnh vực khó khăn nhất với một nhạy bén luôn luôn được đổi mới.

Chắc hẳn điều mà ta viết rút ra từ Lectio divina có thể hữu ích, tuy nhiên ta đừng quên rằng tất cả không phải đều là do linh hứng. Ta cũng chen vào đó cái riêng tư của mình! Cần thiết là phải sáng suốt về chính mình, thế thôi. Khi cuộc sống thiêng liêng được khởi động, rất thường ta có khuynh hướng đi vào nội quan và đưa ra chữ viết. Khi đó đôi khi ta bắt đầu viết hết trang này sang trang khác. Dĩ nhiên là nên giữ một thứ quân bình nào đó và nhớ rằng không phải tất cả những gì xuất phát từ Lectio divina đều là thánh thiêng hay được linh hứng. Về vấn đề này ta có thể đọc chương 29 trong quyển II Đường Lên Cát Minh của thánh Gioan Thánh Giá. Trong đó thánh nhân chỉ rõ khuynh hướng phóng đại một ánh sáng hoặc thêu dệt trên đó. Ý thức và sáng suốt về điều xảy ra là chính yếu. Tiết độ trong vấn đề này là tốt. Nghĩ lại những sự việc, tóm kết chúng lại, cô đọng và xếp đặt cách trình bày một điều nào đó của ánh sáng nhận được.

Mỗi ngày khi nhận được những hiểu biết về mầu nhiệm kitô giáo, nên kiên nhẫn trước khi tổng hợp lại tất cả. Điều này có thể cần đến nhiều năm. Vội vã ôm chầm lấy một hai ánh sánh mãnh liệt nào đó có thể có nguy cơ bỏ mất cái toàn thể của mầu nhiệm kitô giáo. Ghi nhận những nối kết và những ràng buộc liên kết những khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm kitô giáo, huấn luyện tri thức của ta hiểu mầu nhiệm, đó là những nâng đỡ cho sự nhẫn nại cần có trải qua nhiều ngày tháng.

Trong ý nghĩa này, Lectio divina đòi hỏi một sự khiêm tốn lớn cho tri thức. Chiếm đoạt ánh sáng là một cám dỗ thường rình mò ta luôn. Để được thế, cần phải cẩn thận cảnh giác bởi vì sự kiêu ngạo cũng rình mò ta, và nhất là nó rình mò người trí thức. Ta cũng có thể nói rằng người trí thức đọ sức với khiêm tốn của mình.

Lectio divina cho phép ta đi vào trong tình trạng nghĩa thiết ý thức với Thiên Chúa. Người hướng dẫn ta mọi ngày, và giải thích cho ta tất cả.

Đầu là một tôi tớ thứ nhất trong các tôi tớ của Ánh Sáng, nhưng con người trong toàn thể và trong chiều sâu của mình là chúa của tri thức – vì con người lớn hơn tri thức.

Lectio divina và huấn luyện về Kinh Thánh

Ngày nay, người mọi giới, giáo dân, tu sĩ, đều theo khoá huấn luyện học hỏi Kinh Thánh. Lectio divina giữ vai trò nào trong việc học hỏi này? Trước hết phải nói rằng việc học hỏi này là một dẫn nhập tuyệt vời cho Lectio divina vì nó giúp ta hiểu thấu đáo hơn thế giới của Kinh Thánh, tâm thức của dân Xê-mít, những vấn đề đặc thù của mỗi sách Kinh Thánh, những vấn đề linh hứng, những tác giả khác nhau, việc chú giải v.v... Tất cả những vấn đề này giúp dễ tiếp cận với Kinh Thánh. Nguy hiểm duy nhất đó là ta cứ khư khư ôm lấy phương pháp này khi thực hành Lectio divina. Phân biệt rõ ràng giữa hai hoạt động là điều rất quan trọng. Ngay khi học hỏi những vấn đề giúp cho việc hiểu tốt các bản văn hơn, cũng đừng quên rằng Lectio divina đòi hỏi một đức tin nơi Chúa là Đấng nói với tôi bây giờ. Sự khác biệt là vô cùng lớn. Nó hoàn toàn thuộc một cấp độ khác. Biết rằng sách ngôn sứ Isaia có thể có hơn một tác giả, định đúng những chỗ phân chia, hoặc biết rằng những trình thuật của sách Sáng Thế thuộc nguồn Elohiste hay Yahviste, tất cả những cái đó chẳng thay đổi niềm tin mà tôi sẽ đặt ra, vì luôn luôn chính Chúa là Đấng nói với tôi. Chắc hẳn điều đó cải thiện sự hiểu biết của tôi về mặt văn chương nhưng chẳng làm cho lời sinh động hơn mà cũng chẳng làm cho lời thâm nhập trong tôi hơn. Chắc hẳn vấn đề rất tế nhị, nhưng sự khác biệt là đó. Đừng quên điều đó. Chắc hẳn, Lectio divina không thể được phép đi ngược lại với những chân lý mà ta học biết, tuy nhiên cũng nên có một kiến thức về Kinh Thánh hay ít ra nhạy bén về Kinh Thánh để biết rằng trong những học hỏi về Kinh Thánh tất cả những điều ta nói thường chưa hẳn là xác định, và trong mọi trường hợp chưa là trọn vẹn. Khi ta thao luyện một chút theo chú giải của các Giáo Phụ, ta có thể hiểu hơn, không phải là nét tinh tế, nhưng là sự khác biệt lớn lao. Ví dụ khi ta xem cùng một trích đoạn Kinh Thánh được chú giải một cách hoàn toàn khác nhau bởi hai Giáo Phụ, mà cả hai cách cắt nghĩa này đều vừa tôn trọng chữ viết của bản văn, vừa tôn trọng đức tin, lúc đó ta sẽ hiều rằng Lời của Chúa thật có mãnh lực biết bao và lời đó có thể nói bằng những cách thật khác biệt nhau. Đóng đinh Lời bằng chỉ một nghĩa, hoặc hạn giới Lời, là một nguy cơ mà ta không dễ thoát được. Chăm đọc các Giáo Phụ và những chú giải của các ngài sẽ giúp cho tri thức của ta có được một số hiểu biết nội tâm, và sửa đổi những nguy cơ tiềm ẩn có trong chú giải hiện nay.

Khi học hỏi Kinh Thánh, ta được dẫn vào thần học của mỗi tác giả: thần học thánh Gioan, thánh Luca, v.v... Nhưng đối với Lectio divina ta phải qui hướng165 về những loại thần học của mỗi tác giả một sách Kinh Thánh hoặc về thần học của Tác Giả chính, Thiên Chúa”? Khi đọc một trong những sách Kinh Thánh, người ta nói rằng ta phải học hỏi thần học riêng của cuốn sách đó. Nhưng ta có ý thức đủ rằng có một tác giả xếp đặt tất cả và mong muốn quyển sách này hay quyển sách kia cùng kết thành ý tưởng duy nhất của mình? Lectio divina được thực hành theo cách này, vẫn tôn trọng chữ của bản văn, tác giả phụ của quyển sách và thần học trong đó, nhắm tới lời như là lời của Thiên Chúa và như vậy Lectio divina đi cao hơn, xa hơn, sâu hơn là chỉ đơn thuần là vấn đề của tác giả này hay tác giả kia. Ta ít khi lý luận theo loại này. Ví dụ trong cách thế xếp đặt các Phúc âm Nhất Lãm, ta có thể theo tiêu chí này. Ta có thể khám phá ra một luận lý cao hơn chi phối chọn lựa của các tác giả, thứ tự và nội dung của điều họ nói.

Cái cần phải ghi nhận đó là Lectio divina giúp cho dễ dàng có cái nhìn sâu này bởi vì Lectio divina không bám chặt lấy một văn bản, một tư tưởng, một tác giả, nhưng bám chặt lấy Thiên Chúa, Lời của Người và ý định của chính Người, vượt qua tác giả, nhưng không qua trung gian của tác giả.

Điều hoàn toàn chắc chắn là Lectio divina được thực hành thường ngày sẽ cho người học Kinh Thánh một hiểu biết sâu xa, một tri giác hoàn toàn sáng suốt, và trong trường hợp như thế, được thao luyện một cách khác với khoa chú giải là khoa có chỗ của nó ở nơi khác.

Lectio divina và thần học

Cũng không nên bỏ quên ý nghĩa tiên khởi của thần học, có nghĩa là “chiêm ngắm Chúa”. Tuy nhiên như ta thấy dưới đây chiêm ngắm được thực hiện ở hai cấp độ: cấp độ sâu hơn, diễn ra trong trí khôn, là điểm tinh ròng của tâm hồn và thuộc lãnh vực mà theo định nghĩa là khôn tả, và ở điểm kém sâu hơn, rơi vào trong tâm hồn như là một hiệu quả ở bên ngoài, hoa trái của một ơn riêng Chúa ban, là một sự hiểu biết của tâm hồn về điều mà mắt (trí khôn) vừa chiêm ngắm. Thực sự đó là sự chuyển qua từ ánh sáng thuộc lãnh vực tự hữu tới lãnh vực được tạo thành của tri thức con người, đến lãnh vực của suy tưởng và ý nghĩ. Lectio divina động chạm chính yếu tới lãnh vực này và nuôi dưỡng nó. Lectio divina là một ánh sáng đặc biệt của Chúa, được ban cho trí tuệ ý thức của con người, tâm hồn, và cho phép như thế, tùy khả năng, kết hiệp với Chúa, hiểu được một chút gì đó, để cũng có thể hướng dẫn mình trong cuộc sống và tin. Đó là một ơn mà Chúa ban một cách dồi dào cho các vị Tiến Sĩ của Giáo Hội, cho những nhà thần bí, nhưng cũng cho tất cả mọi người, bởi vì ta cần đến ơn đó để sống. Chắc hẳn tất cả không phải là những thần học gia theo nghĩa ơn gọi riêng trong Giáo Hội, nhưng tất cả đều là các nhà thần học theo nghĩa nguyên thủy của từ này chỉ đơn thuần là một thứ vui hưởng đức tin, trong tâm hồn, một thứ tiếng vọng có thể hiểu được và có tính cách biểu tượng166 cho điều diễn ra trong sâu thẳm của trí khôn. Nói gọn một lời, một sự chiêm ngắm phụ - bởi vì sự chiêm ngắm chính xảy ra trong điểm tinh ròng của tâm hồn đụng chạm trực tiếp đến Thiên Chúa.



Lectio divina và chiêm niệm

Như chúng tôi đã nói trong phần thứ hai của quyển sách này, Lectio divina thực hiện bước chuyển từ một lời của Chúa được biết sang một lời của Chúa được ngộ. Có nghĩa là khi khởi đầu, Chúa chỉ soi sáng trí hiểu của ta bằng cách khơi gợi sự đáp lời xứng hợp trong ý muốn của ta. Lúc này, ta mới chỉ đơn thuần hiểu trong tri thức. Ánh sáng vẫn chưa chiếu xuống trong ý muốn, vẫn chưa biến đổi ý muốn. Như vậy, ta đối diện với một sự hiểu biết, một khoa học. Còn thiếu sự nhập thể của ánh sáng này trong ý muốn. Sự kiện ánh sáng này soi chiếu trí hiểu của ta có thể là đánh lừa; ta có thể nghĩ rằng ánh sáng đó thâm nhập ta hoặc đã làm ta thêm phong phú một cách hữu hiệu. Nhưng thực tế không có gì cả. Sự tự do của ta được thúc đẩy bởi ánh sáng này và khoa học này về thánh ý Chúa được mời gọi mở cửa. Khi ánh sáng này thâm nhập ý muốn của ta, chữa lành và biến đổi nó, ta trải nghiệm lời của Thiên Chúa một cách hoàn toàn mới mẻ. Đó là một ngộ về Thiên Chúa. Thiên Chúa sinh ra trong ta. Claudel chia từ “connaissance = ngộ” ra làm hai một cách gợi cảm” “con-naissance”= (con = cùng, naissance = sự sinh ra). Và ông có lý khi chia như thế, vì điều đó gợi lên một việc sinh ra mới, hay còn đúng hơn: Chúa sinh ra trong ta. Đàng khác, Kinh Thánh dùng chính từ này để diễn tả sự kết hiệp sâu đậm giữa người chồng và người vợ. Vậy đó là một nhận thức mới và thân mật mà tâm hồn có từ lời nhận được hôm nay. Phúc âm trở nên sống động trong tâm hồn. Không ai trên trần này lại chống lại một nhận thức như thế về Phúc âm. Sự tri ngộ đó thật quá sâu đậm, được ghi khắc với nét thiên linh trong ý muốn mà đến độ dám thách thức với trần gian và với thời gian. Vậy chính trong ý nghĩa này mà ta nói rằng Lectio divina là một chuyển bước từ một khoa học sang một chiêm ngắm hay tri ngộ Thiên Chúa. Chân lý mà Chúa muốn cho nhập thể trong ta từ nay được chiêm ngắm, thưởng thức, tận hưởng không phải chỉ bằng sự hiểu biết nhưng bằng cả hiểu biết lẫn ý muốn.

Ta có thể khám phá được sự phong phú của tri ngộ này qua điều mà thánh Gioan Thánh Giá nói ở chương 26 của quyển sách thứ hai Đường Lên Cát Minh (nhất là những triệt từ 3 đến 10). Như ta thấy, những tri ngộ này nói về tri thức cũng như về ý muốn. Đó là nguyên tắc căn bản của Lectio divina. Vậy đó chính là sự chiêm ngắm yêu đương hữu thể của Thiên Chúa, bởi vì trong Thiên Chúa, hữu thể của Người và ý muốn của Người là một. Trong chương 26 này có vấn đề “tiểu dẫn” (những tri ngộ). Chúng có thể đến từ Kinh Thánh (x. triệt 9), chúng đến trực tiếp từ Thiên Chúa, chúng là một sự chiêm ngắm thuần túy (x. triệt 3), chúng là chính sự kết hiệp (x. triệt 5), chúng thuộc về sự kết hiệp dành cho tâm hồn (x. triệt 10), chúng là một loại đụng chạm của tâm hồn với thiên tính (x. triệt 5). Chúng làm cho tâm hồn thêm giàu có đến độ chỉ cần một nhận thức đó thôi cũng đủ tức khắc loại bỏ được tất cả những bất toàn mà tâm hồn đã không thể cởi bỏ được trong suốt cuộc đời mình, nhưng thêm vào lại còn chứa đầy những nhân đức và những sự thiện hảo của Thiên Chúa (x. triệt 6). Và phương thế để Thiên Chúa có thể ban cho những thứ đó phải là khiêm tốn và đau khổ vì tình yêu đối với Người, với từ bỏ tất cả những phần thưởng; bởi vì những ân huệ này không phải được ban cho tâm hồn là chủ nhân, nhưng chúng được ban vì một tình yêu rất đặc biệt mà Chúa dành cho tâm hồn này, tâm hồn này cũng yêu mến Người bằng một con tìm rất vô vị lợi (x. triệt 10).

Chính Chúa sẽ nói với ta về chiêm ngắm và nêu ra những điều kiện: “Ai giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (x. Ga 14, 23). Chúa đến với ta đây chính là chiêm ngắm. Điều kiện của việc chiêm ngắm này thật rõ ràng: phải giữ lời Chúa Kitô. Lời Chúa Kitô là thần khí và là sự sống; lời này dẫn tới sự sống của Thiên Chúa và cho trải nghiệm việc Chúa đến cách bí nhiệm trong ta.



Lectio divina và sự hiểu biết đức tin

Cho dù đức tin kitô giáo được mạc khải sung mãn tối đa ngay từ thời các tông đồ, và không còn cần phải phát triển, đức tin này tiếp nhận, qua thời gian, một sự hiểu biết tốt hơn trong tâm hồn tùy theo hoàn cảnh, nhu cầu và những nhân tố của từng thời đại. Như thế sự hiểu biết về đức tin tiếp nhận một phát triển. Cũng như một cây lớn lên, luôn theo đúng chủng loại, về việc hiểu biết đức tin cũng thế. Lectio divina, như ta thấy giúp rất nhiều cho sự phát triển này.

“Nhờ Thánh Thần trợ giúp, sự hiểu biết về các thực tại và các lời thuộc kho tàng đức tin có thể tăng trưởng trong đời sống Hội Thánh: Nhờ suy niệm và học hỏi của những tín hữu hằng gẫm suy trong lòng những thực tại và lời nói ấy [...]. Nhờ sự hiểu biết nội tâm mà các tín hữu cảm nhận được những điều thiêng liêng” (GLCG 94).

“Truyền thống cầu nguyện Ki-tô giáo là một cách thức để Truyền Thống đức tin định hình và phát triển đặc biệt nhờ việc chiêm niệm và học hỏi của các tín hữu, những người ghi nhớ trong lòng những lời đã phán trong nhiệm cục cứu độ; ngoài ra còn nhờ những hiểu biết sâu sắc về thực tại thiêng liêng mà họ cảm nghiệm được” (GLCG 2651).



Lectio divina và học thần học

Tất cả những ai học thần học (giáo dân, giảng viên giáo lý, chủng sinh, tu sĩ nam nữ) đều biết rằng Kinh Thánh là linh hồn của thần học như công đồng Vativanô II nhắc nhớ. Thần học không phải là nhận thức về Thiên Chúa sao? Còn Lectio divina đem lại cho ta cái gì? Sự nhận thức về Thiên Chúa. Ta trải nghiệm trong Lectio divina bước chuyển từ một khoa học sang một chiêm ngắm. Trong đó Chúa ban chính mình cho tất cả con ta, trí hiểu và ý muốn. Lectio divina là như một bảng chỉ đường cho tất cả thần học: Lectio divina báo cho ta biết sự hiện diện của một nhận thức siêu nhiên được Chúa ban cho. Đó cũng là thần học. Vậy khó có thể quan niệm một việc học thần học không có Lectio divina. Hình như thần học có hơi sử dụng Thiên Chúa chứ không phải phụng sự Người. Người hiện diện tất cả mọi ngày và kêu gọi ta. Người không chờ ta học xong thần học rồi mới phụng sự Người. Và Lectio divina không được thay thế bằng những sinh hoạt thần học khác như nhiều người tưởng và đã làm. Đó sẽ là hiểu sai về Lectio divina, hay đúng hơn hiểu sai về chính mình.



Lectio divina và giao hòa
giữa khoa học với đức tin

Bởi tiếp cận trực tiếp với ánh sáng có thể hiểu được của Chúa trong tâm hồn, Lectio divina cho phép hiểu được đức tin là điều đi vào tâm điểm của những việc thuộc Thiên Chúa. Lúc đó ta thấy rõ hơn sự liên hệ giữa cái áo khoác ngoài của chữ viết với ý nghĩa của chúng. Điều đó giải tỏa trí hiểu và cũng cho phép nó luôn đạt tới đáy sâu của các sự việc và không nô lệ cho những cách thức trình bày. Điều đó vừa là một mối nguy nhưng cũng là một may mắn. Một may mắn bởi vì nó đưa ta lại gần những truyền thống khác hoặc những khoa học khác nhau, như thế cho phép một tiến bộ về khoa học thần học và nó được cập nhật để có thể nói với con người của thời ta. Mối nguy đơn thuần chỉ là sự lẫn lộn hay loại bỏ tất cả những trình bày của kitô giáo đã được rèn tạo nên trải qua bao thế kỷ. Chính vì thế mà sự kiên nhẫn và phân định, cũng như một khoa học thực sự, phải là những nâng đỡ nội tại cho một tiến trình cần thiết như thế.

Đừng quên rằng ta có sứ mệnh loan truyền Thiên Chúa cho những người khác. Và điều đó đòi hỏi đụng chạm tới người khác là người sống trong thế giới hôm nay. Nếu ta chỉ gắn bó với những trình bày xưa kia, hoặc vất bỏ chúng, ta không thể đạt hiệu quả trong sứ mệnh của mình. Mà hiểu biết những công thức cũ và khám phá được sự phong phú từ trong đó, là do Lectio divina thực hiện. Nhưng Lectio divina còn làm hơn thế nữa. Lectio divina cho ta một sự khéo léo và dễ dàng để tìm được những hình thức giải thích chúng cách đơn giản nhưng vẫn luôn có tính cách biểu tượng và mang nhựa sống của Thiên Chúa, vì diễn tả hình ảnh. Và điều đó cũng cần thiết vì đó là tâm điểm của chính việc cập nhật hóa. Ta cần một ơn về hiểu biết đức tin để thực hiện việc cập nhật hóa này và để tránh được hai trở ngại: sử dụng cho con người ngày hôm nay một thứ ngôn từ tối nghĩa hoặc gạt bỏ tất cả để chấp nhận theo một thứ tu từ nhạt nhẽo và vô vị. Khước từ một trong hai – Thiên Chúa hay con người – đó chính là khước từ người khác. Nhưng ta không thể chọn lựa người này hay người kia. Lectio divina cho phép ta đi vào sâu thẳm của sự hiểu biết thân mật về Thiên Chúa và cho phép ta tìm ra được một cách trình bày “biểu tượng” đơn giản và có thể hiểu được cho con người ngày nay mà vẫn không làm mất đi cái gì là muối của Phúc âm. Sự đổi mới lệ thuộc vào việc biến đổi này của trí hiểu.

Lectio divina và thần học thiêng liêng

Thần học thiêng liêng là một ngành của thần học, học về sự tiến triển mà con người thực hiện cho tới kết hiệp với Chúa Kitô và cuộc sống tông đồ được đức ái Chúa Kitô linh hoạt. Một môn học rất khó khăn khiến nhiều người chán nản, và nhiều người khác phiêu lưu đi vào lại không đủ kinh nghiệm cũng như hiểu biết và đôi khi còn thiếu khôn ngoan. Môn học ít gặp trong một số trường đại học hay học viện thần học. Nhưng dẫu thế lại là một môn học quan trọng hàng đầu vì nó giúp ta thấy rõ hơn việc nhập thể của tác động của Thiên Chúa trong con người và chiêm ngắm công việc biến đổi của Người; sự tái sinh của con người, nhờ sức mạnh của sự Phục Sinh của Chúa. Môn học này là bà hoàng của các khoa học thần học đến độ có thể xếp nó như một minh triết thứ ba: 1o Minh triết triết lý; 2o Minh triết thần học; 3o Minh Triết thần bí (thần học thiêng liêng).

Ta hãy khảo sát điều mà Lectio divina thiết lập liên quan tới khoa học này.

Các sách và thủ bàn về thần học thiêng liêng

Nhìn qua những cuốn sách và những thủ bản bàn về thần học thiêng liêng167, ta không tìm thấy đủ chỗ cho việc ăn Lời Chúa như một phương thế chính để phát triển trong đời sống thiêng liêng. Chắc hẳn, theo lý thuyết, không ai có thể chối rằng Lời của Chúa chiếm chỗ chính yếu trong cuộc sống thiêng liêng, nhưng, ta lại không ghi nhận điều đó, và ta không trình bày tại sao. Ta bận rộn đến nghìn lẻ một thứ khác và ta bỏ qua cái chính yếu. Thường, không có một chương riêng nào dành cho nó. Cả sự suy niệm lẫn chiêm ngắm đã mất đi ảnh hưởng một cách kỳ cục. Chắc hẳn ngày nay ta thấy chiêm niệm đã trở lại, nhưng việc cắt nghĩa nó vẫn còn rất mơ hồ và không chính xác nên cũng vô ích thôi. Khi một người đọc, đến trang cuối vẫn không hiểu cái gì phải đem ra thực hành, và làm sao có thể thực hành được, lúc đó quyển sách mất đi tính thực dụng của nó.

Mà như ta đã thấy ở những phần trước, việc ăn Lời Chúa hằng ngày là nền tảng trong đời sống thiêng liêng và nó là động cơ rất mạnh cho việc phát triển thiêng liêng. Nó phải có chỗ, phải có tất cả chỗ của nó trong các sách và các thủ bản về thần học thiêng liêng. Ta không thể nói về đời sống thiêng liêng mà lại không cho nó chỗ đứng trong việc Lời nhập thể thường ngày vào sự hiểu biết và ý muốn của ta. Đó là yếu tính của chính Phúc âm: “Ai yêu Thầy thì giữ lời Thầy”, Chúa nói như thế. Vậy giữ lời thế nào? Một quyển sách về đời sống thiêng liêng phải giải thích điều đó. Nếu nghĩ rằng đó là điều hiển nhiên thì lầm to – những người bỏ chạy và những người thất bại thì nhiều hơn ta nghĩ rất nhiều. Nếu nghĩ rằng điều đó dư thừa, thì tại sao lại bàn đến những cái khác không quan trọng bằng. Ta không thể xây dựng một cuộc sống thiêng liêng mà không có Lời của Chúa.

Việc dạy thần học thiêng liêng

Điều đã nói trong đoạn trước cũng có giá trị cho điều có thể nói ở đây. Bởi vì việc dạy và sách vở đi song đôi168, cái này phản ánh cái kia.

Tuy nhiên ta hãy dừng lại một lúc để bàn đến hiện tượng đặc thù của việc dạy thần học nói chung. Trước tiên tôi ghi nhận cái thiếu liên kết giữa các môn. Thần học thiêng liêng có thể làm điều đó. Và thứ đến là thiếu những lớp thực hành. Lectio divina và Suy nguyện là hai khoa học cũng phải được học trong thực hành. Phải đề nghị đưa vào chương trình học những bài học thực hành. Chắc hẳn như thế trường đại học trong vài giờ sẽ biến thành scriptorium (nơi các đan sĩ học, đọc sách thiêng liêng) hay một nhà nguyện, nhưng điều đó thuộc thành phần của môn học và sẽ cho việc dạy thần học tất cả sức mạnh chiêm ngắm và tông đồ của nó. Không hề có những nhà truyền giáo nhiệt thành năng động hơn những nhà chiêm niệm thật. Ta kín múc hoạt động trong chiêm ngắm, cũng như người Con đã “thấy Cha làm”… và rồi người Con làm như vậy. Ta nói đến một thứ thần học quì gối, nhưng cũng phải thực hiện thực tế như thế tại trường đại học. Phải học điều đó trong thực hành.

Vậy ít ra có ba điểm:

- Đưa Lectio divina vào trong việc dạy về tu đức;

- Sinh viên không luôn thấy sự liên hệ nội tại giữa các môn. Và Lời của Chúa, vì là linh hồn của thần học, có thể nhờ những bài học về thần học thiêng liêng, trở thành sự liên hệ nối kết những ngành học khác nhau. Trong mọi trường hợp Lectio divina cho phép hiểu từ chính bên trong điều được học. Như thế ta sẽ chuyển từ những khoa học thần học tới một nhận thức và một chiêm ngắm;

- Cũng thử thiết lập một thực hành về minh triết này đã được dạy. Kinh nghiệm và phân định là cần thiết cho việc tiếp nhận một “minh triết” như thế là chính Lectio divina. Như vậy cần thiết phải có một một chuyển trao, một truyền thống. Tại sao không ghi nhận điều đó bằng những việc làm thực hành. Điều đó xem ra là ảo tưởng, nhưng chẳng kém ảo tưởng tí nào khi muốn chuyển trao sự Minh triết thần học mà chỉ hài lòng với việc trao đổi những ý niệm! Đàng khác đó là một bước trên con đường dài mà trường đại học phải trải qua để tìm lại được căn tính universitas của mình (= vũ trụ, tiếng pháp université là trường đại học, lấy từ từ la tinh này). Ta không thể khẳng định mình ở trong “universitas” nếu sinh viên không thực sự đạt tới Thiên Chúa, không phải chỉ bằng kiến thức, nhưng bằng chính cuộc sống, nếu sinh viên không trải nghiệm được Người như sức mạnh Phục Sinh biến đổi thực sự cuộc sống của con người. “Universitas” cũng và trước hết là một phòng thí nghiệm về cuộc sống.
Ghi chú về thần học luân lý

Một ghi chú liên quan tới luân lý nền tảng. Ngành thần học luân lý này dạy những căn bản của luân lý. Nó đề cập đến một trong những lựa chọn căn bản của kitô hữu, đó là chọn Chúa Kitô và từ đó như là khuynh hướng chính của cuộc đời mình. Trong môn học này ta cũng nói đến Luật Chúa, nói đến Luật mới. v.v… Phần học luân lý này là nền trên đó ta sẽ xây phần tiếp theo của một minh triết lớn đó là luân lý đặc thù bàn đến tất cả những vấn đề của cuộc sống cụ thể của con người. Ít ra khi bàn đến những chủ đề quan trọng như lựa chọn nền tảng hay Luật mới, cũng nên chỉ ra những phương thế và đưa chúng vào thực hành. Thực sự Lectio divina làm ta ngụp lặn trực tiếp và thường ngày trong việc gặp gỡ này với Chúa Kitô mà ta lựa chọn cho cuộc đời mình. Lectio divina cho phép ta trải nghiệm sự giải thoát mà Chúa Kitô đem lại cho ta nhờ Chúa Thánh Thần. Nó là chìa khóa để giải thoát mình mọi ngày và để thực sự theo Chúa Kitô. Nó là hoàng đạo mà luân lý có thể đi trên. Nếu không, luân lý có thể xuất hiện như một khoa học đẹp, tốt nhưng không thích dụng. Khi Giáo Hội trình bày luân lý, Giáo Hội cũng có bổn phận chỉ ra con đường thực hành, thực tế giải thoát con người và cho phép con người thực hành luân lý một cách dễ dàng. Đó là trải nghiệm của Chúa Kitô Đấng giải thoát nhờ Thần Khí của Người mà Lectio divina đem lại cho ta, cho kitô hữu khả năng theo Chúa Kitô với tất cả những đòi hỏi của Người.

Đảo ngược việc dạy hay che giấu phần giải phóng của việc dạy làm cho ta trở về với Cựu Ước trong đó Luật được ban bố do Môsê dường như là đẹp, nhưng thực hành thì lại không thể! Tất cả giáo huấn của thánh Phaolô cho ta thấy cái không có hiệu quả của một Luật mà những người không được Chúa Thánh Thần giải thoát không thể thực hành nổi. Ta không thể đảo ngược giáo huấn của Chúa Kitô.

Đó chính là sự gặp gỡ với Chúa Kitô Đấng giải thoát tôi ngày lại ngày và cho phép tôi thực hành luân lý của Người là thứ luân lý nhiều yêu sách hơn luân lý của Cựu Ước. Chính Người đến sống luân lý này trong tôi. Đảo lộn tiến trình sẽ cất khỏi Kitô giáo tất cả lý do hiện hữu của nó. Thánh Phaolô nói: “Như vậy Thánh Giá Chúa Kitô sẽ là vô ích”.




tải về 1.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương