Lectio divina học trong trưỜNG


Mẹ của Thầy: Người đã nghe và đem ra thực hành lời



tải về 1.56 Mb.
trang3/6
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích1.56 Mb.
#37403
1   2   3   4   5   6

Mẹ của Thầy:
Người đã nghe và đem ra thực hành lời

Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! " Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 27-28). Trong trích đoạn này, quả thực Chúa cho ta biết được chìa khóa sâu xa nhất của Mẹ Người, Chúa dạy ta nhìn Mẹ. Không phải sự kiện Mẹ đã cưu mang Chúa, cho Chúa bú mớm đã làm cho Mẹ nên cao cả, nhưng chính do Mẹ đã đón nghe Lời Chúa và trung thành tuân giữ. Dường như Chúa nói với ta: các con hãy học biết nhìn ngắm Mẹ Thầy. Hãy qui hướng cái nhìn vào điều chính yếu nơi Mẹ của Thầy: Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa và Mẹ đã đem Lời đó ra thực hành. Đừng chỉ nhìn bề ngoài tình mẫu tử của Mẹ, nhưng hãy nhìn cách hoạt động của tình này sâu đậm bên trong: Mẹ đã để cho Lời Chúa sinh ra trong Mẹ và sống trong Mẹ. Chúa đã giúp ta hiểu rõ về Mẹ của Người. Sự chọn lựa trước hết của Mẹ Maria chính là Lời Chúa, và Con của Mẹ đã nói như thế. Chúa còn nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 19-21). Ở đây Chúa không hề coi thường Mẹ, nhưng ca tụng Mẹ một cách đúng hơn và sâu xa hơn. Đó chính là Con Thiên Chúa dạy ta nhìn ngắm Mẹ Người và khám phá sự cao cả đích thật của Mẹ. Và đương nhiên Chúa đặt Mẹ trong tương quan với Lời Chúa.

Do đấy Mẹ là gương mẫu toàn hảo nhất đã được cống hiến cho ta trong việc thực hành Lectio divina. Chắc chắn sự tinh tuyền trinh khiết của Mẹ đã giúp Mẹ dễ dàng lắng nghe, nhưng ta cũng vẫn được mời gọi noi gương Mẹ.

Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”

Sự kiện nước hóa thành rượu tại Cana là dấu chỉ đầu tiên mà Chúa Giêsu thực hiện trong Phúc âm Gioan để người ta tin vào Người. Và điều mà ta thấy trong dấu chỉ đầu tiên này, đó là sự gắn kết của Mẹ Maria đối với những lời của Con Mẹ. “Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”94 (Ga 2, 5). Việc lắng nghe mà Lectio divina đòi hỏi không là việc gắn kết với điều Chúa Giêsu muốn nói với ta mọi ngày sao? Nhờ kinh nghiệm Mẹ Maria hiểu biết những lời của Chúa Giêsu. Mẹ hiểu biết lời của Chúa hữu hiệu và quyền năng như thế nào. Chính vì thế mà Mẹ khuyên ta cứ chăm chú lắng nghe Chúa... Và Lectio divina là gì nếu không phải chính là thế đó: chăm chú lắng nghe Đấng Cứu Thế ( Lc 19, 48) và “tất cả những gì Người sẽ nói với ta”? Mẹ cũng mời gọi ta vượt qua chính mình. Mẹ mời gọi ta tin vào “tất cả” điều Chúa muốn nói với ta vì nó vượt trên những ý niệm của ta. Việc lắng nghe trong Lectio divina đòi hỏi một sự mở lòng và nhất là mở lòng đối với những gì vượt trên ta. Chính vì thế mà Mẹ đã căn dặn Người bảo gì, tất cả những gì Người bảo, tất cả. Mẹ mời gọi ta phải mở rộng những xác tín của ta, những cái nhìn của ta. Luôn tiếp nhận hơn nữa, cách rộng rãi hơn, khó tin hơn. Thực vậy, trong dấu chỉ đầu tiên thực hiện ở Phúc âm Gioan, Chúa truyền một điều thật phi lý: đổ đầy nước vào các chum trong khi người ta đang cần đến rượu. Lectio divina là một hành động của đức tin. Đức tin nơi điều này: rằng sự cố gắng mà ta thể hiện (hành động vững tin vào Lời của Người) sẽ biến đổi nước lã của cuộc sống ta thành rượu mới, thành cuộc sống mới. Trong việc này Mẹ Maria không những hướng ta đến Lời của Chúa Giêsu một cách vững chắc, nhưng Mẹ cũng chỉ cho ta chất lượng của thái độ cần có đối với Lời của Chúa. Nếu tôi tưởng tượng rằng Chúa mời tôi đi một cây số, tôi có thể bắt đẩu Lectio divina để chuẩn bị cho tôi đi được năm hay mười cây số. Đó cũng là cách thế nhận rõ Chúa như thế nào: vĩ đại hơn tôi tưởng, có thể hơn cái không có thể, mở rộng đến một chân trời xa xăm hơn, mở rộng tới Thiên Chúa Thật. Theo cách thế của Mẹ, Mẹ truyền cho ta ra khơi với Chúa và đừng ở lỳ trên bờ của tư tưởng của ta, của trí hiểu của ta nhưng đi vào đại dương của Thiên Chúa.

Với Mẹ Maria đó là lời mời gọi nhưng cũng là sự trợ giúp mà ta tiếp nhận để tiến bước và để chu toàn cố gắng lắng nghe. Đó là một cố gắng tinh tuyền.

“Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con sự tinh tuyền lắng nghe của Mẹ, sự gắn kết của Mẹ vào Lời của Con Mẹ và việc Mẹ nhờ Chúa Thánh Thần đem Lời vào thực hành”.

Không Lời nào là không thể đối với Chúa;
tiếng vâng của Mẹ Maria

Trong Phúc âm về Truyền Tin, thường các dịch giả chuyển dịch những lời cuối cùng của thiên thần như sau: “...Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Nhưng thực ra bản văn chính không viết “không có gì”, nhưng viết “Không Lời nào là không thể đối với Chúa”. Chính vì thế mà Mẹ Maria đã trả lời: “... xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Do đấy, khi Chúa nói với ta chính là Chúa có thể thực hiện điều Chúa nói. Có thể đó là điều hiển nhiên đối với đức tin của ta, nhưng khi những lời ta nghe được lại khó khăn hoặc coi như “không thể” được, lúc đó ta cần đến đức tin của Mẹ Maria là người đã biết tin, là người đã có thể tin những lời không thể được. Chính do vậy mà người chị họ Ê-li-sa-bét được linh hứng đã ca ngợi Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 45). Đức tin của Mẹ Maria là tin vào lời của Chúa. Mẹ Maria là gương mẫu tối hảo về tin vào lời của Chúa. “Cũng thế, Giáo Hội tôn kính nơi Mẹ Maria sự thực hiện tinh tuyền nhất của đức tin”95.

Như thế ta thấy rằng để thực hành tốt Lectio divina ta cần đến sự giúp đỡ của Mẹ Maria. Mẹ cho ta đức tin của Mẹ để có thể thực hành Lectio divina. ĐGH Gioan Phaolô II dùng kiểu nói này: “Tham dự vào đức tin của Mẹ Maria”96. Đức Giáo Hoàng nói: “Đức tin của Mẹ Maria luôn trở nên đức tin của Dân Chúa đang tiến bước”97; đối với ta cũng thế, cần có sự chuyển trao đức tin của Mẹ Maria, từ Mẹ sang cho ta.

Hơn nữa cần ghi nhớ rằng Mẹ Maria đã tin vào điều không thể được nơi Mẹ và nơi Ê-li-sa-bét: một bà già mang thai! Thường người ta nghĩ rằng khi nói về người chị họ già nua lại mang thai, thiên thần nêu chứng cớ cho thấy điều Thiên Chúa có thể làm và như để khuyến khích Mẹ Maria tin rằng Chúa có thể làm được tất cả mọi sự. Nhưng người ta ít nghĩ đến điều thiên thần nói với Mẹ Maria về người chị họ là như một truyền tin thứ hai để bù đắp (cứu vãn) một cuộc truyền tin khác đã không xong: cuộc truyền tin cho Da-ca-ri-a98.

Như vậy Mẹ đã tin không những cho riêng Mẹ mà cũng còn cho tất cả những ai đã không tin mà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét là đại diện. Mẹ đã tin vào Lời Chúa cho tất cả ta. Mẹ đã nói lời “vâng” của Mẹ đáp lại lời của Chúa cho tất cả ta. “Mẹ đã nói lời “vâng” của Mẹ thay cho toàn thể nhân loại”99. Trong ý nghĩa này khi Ê-li-sa-bét ca ngợi Mẹ Maria, bà đã ca ngợi công đức của người duy nhất đã biết tin, bà nhận biết nơi Mẹ con người đã nói lời vâng thay cho chồng của bà và cho chính bà, và cho tất cả chúng ta. Nói cách khác, Ê-li-sa-bét chiêm ngưỡng, trong lời “fiat” (xin vâng) của Mẹ Maria chính lời “vâng” của riêng mình đã không được thốt ra. Thực vậy, lời “vâng” của ta được gói ghém trong lời “vâng” của Mẹ Maria. Lời “vâng” mà ta được mời gọi thốt lên cách mới mẻ mỗi ngày đáp lại Lời Chúa có trong lời “vâng” của Mẹ Maria.
II

MẸ MARIA VÀ CHÚNG TA


Cầu xin mẹ trong khi thực hành Lectio divina

Chú ý đến tất cả những liên hệ giữa Mẹ Maria và Lời, ta dễ dàng suy ra rằng cầu xin Mẹ Maria trong khi thực hành Lectio divina là một trợ giúp tuyệt hảo. Lấy kinh Mân Côi làm ví dụ. Khi ta đọc kinh Mân Côi không phải là để tưởng nghĩ đến Mẹ Maria cho bằng suy ngắm những mầu nhiệm vui, sáng, thương, mừng của cuộc đời Chúa ta. Lặp đi lặp lại “Kính mừng Maria” như là một nâng đỡ an bình giúp ta đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Kitô. Sự lặp đi lặp lại này không làm ta xa cách Chúa, nhưng đưa ta đến gần Chúa hơn.

Cũng vậy, xin Mẹ Maria trợ giúp khi thực hành Lectio divina, ví dụ đọc một kinh “Kính mừng Maria”, sẽ giúp ta biết lắng nghe Chúa hơn. Cầu nguyện với Mẹ Maria trong lòng mình và lắng nghe Chúa nói trong tâm trí mình rất phù hợp với nhau. Đó là hai cấp độ khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Trung tâm điểm của Lectio divina là Chúa Kitô nói với ta. Mẹ Maria giúp ta và dạy ta lắng nghe Chúa và đem Lời Chúa ra thực hành.
Mẹ Maria hình thành Giêsu-Lời trong ta

Cũng như Mẹ Maria đã giáo dục Chúa Giêsu, Mẹ cũng giáo dục ta. Chúa Giêsu là Lời của Cha, và là đời sống mới của ta. Con người mới của ta được cấu tạo do cuộc gặp gỡ này, do sự kết cấu này, giữa Lời và ta. Lời lại uốn nắn ta; Mẹ Maria cũng huấn luyện cuộc sống mới này, là Chúa Giêsu trong ta. Mẹ đem lại sự đảm bảo hơn cho công việc này được thực hiện cách trọn hảo nhất, hầu không một lời nào do Chúa nói ra trong lòng ta không đem lại hoa trái. Với Mẹ Maria, những hoa trái của Lời Chúa luôn tồn tại100.



Mẹ Maria là nơi Lời sinh ra, là nơi Lời nhập thể

Người Ta có thể nói rằng lòng Mẹ Maria – lòng theo ý nghĩa Kinh Thánh – là nơi Lời nhập thể sinh ra. Hơn nữa Mẹ Maria thuộc về ta, Mẹ đã được ban cho ta. Chúa Kitô nói với mỗi người, cũng như nói với thánh Gioan dưới chân Thánh Giá: “Đây là Mẹ của con” (Ga 19, 26). Đó cũng là lời mời gọi noi gương thánh Gioan đón nhận Mẹ về nhà mình, vào trong lòng mình: “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 26). Như vậy trong ta, Mẹ trở thành nơi cho Lời nhập thể. Để hiểu rõ điều này ta tìm hiểu sâu xa dụ ngôn người gieo giống trong Phúc âm Mát-thêu chương 13.



Dụ ngôn người gieo giống101

Ta ghi Nên nhớ rằng dụ ngôn này là dụ ngôn được khai triển nhất trong các dụ ngôn của Phúc âm và là dụ ngôn được các thánh sử ghi lại cách tuyệt vời. Quả thực dụ ngôn này là chìa khóa để lãnh hội giáo huấn của Chúa Kitô bằng dụ ngôn: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn!” (Mc 4, 13). Dụ ngôn này trình bày điểm chính của Phúc âm: lắng nghe Lời Thiên Chúa. Dụ ngôn này phân tích cho thấy đỉnh điểm điều Chúa chờ đợi: chất lượng của việc con người lắng nghe Lời của Người. Dụ ngôn này soi sáng cách vô cùng đặc biệt Lectio divina. Dụ ngôn này cũng soi cho ta hiểu thật thâm sâu về Đức Trinh Nữ Maria.

Dụ ngôn người gieo giống, theo cách thế riêng, cho ta thấy hai điểm trong đức tin của ta: một đàng Lời (đối tượng của ta tin: hạt giống) và đàng khác việc tiếp nhận Lời này (người tin, chính con người, cách thế: những loại đất khác nhau). Lời được thi hành sung mãn chính là Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu và “người đón nhận toàn hảo” là chính Mẹ Maria. Mẹ Maria là ‘cách’ tiếp nhận Lời tuyệt hảo nhất. Ta đã thấy như thế. Qua Lectio divina ta càng ngày càng trở thành Maria (khả năng) để tiếp nhận Chúa Giêsu càng ngày càng thêm sung mãn. Sự ngoan ngoãn của Mẹ Maria lúc Truyền Tin và trong suốt cuộc sống của Mẹ trở thành của ta.

Ngôi Lời đã đi ra từ Cung Lòng Cha để đi gieo chính mình. Hoặc Lời vĩnh cửu đã trở thành những lời đầy Thần Khí và Sự Sống. Những lời này do chính Chúa Giêsu ban cho. Nhưng có nhiều cách thế tiếp nhận những lời đó, có nhiều cách thế nghe Lời của Người. Những cách thế này được tượng trưng bằng những loại đất khác nhau tiếp nhận Hạt Giống. Dụ ngôn nêu lên bốn loại đất. Ba loại thuộc đất xấu – quả thực cả ba loại đất đầu tiên đều không sinh hoa trái – và một loại đất tốt, đem lại hoa trái.



Loại đất thứ nhất: đất này diễn tả tâm lòng khô cằn như một vỏ cứng không tiếp nhận được gì cả. Không có gì có thể đi sâu vào. Đó là một con tim không có trí hiểu, một con tim không lắng nghe, không hiểu gì cả, không muốn mở ra để tiếp nhận Lời.

Loại đất thứ hai: đất này chính là tâm lòng vui vẻ tiếp nhận Lời ngay, như người con nói: “Vâng con sẽ đi làm vườn nho cho cha ngay”102, nhưng rồi anh ta lại chẳng đi. “Đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay”. Không có kiên trì, không có bền chí.

Loại đất thứ ba: đất này là con tim “nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì”.

Một nhận định không vui gì, không một đất nào trong ba loại trên đây thành công đón nhận đúng đắn những Lời được gieo vào đất mình và sinh hoa trái. Dẫu vậy, chính Chúa nói với ta: “Chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15, 16). Cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không cho hoa trái, nếu Lời Chúa không đem lại hoa trái mà người ta mong chờ, mà Chúa chờ đợi. Ta nhận thấy rằng lòng ta là một pha trộn cả ba loại đất đầu tiên này nhưng ta lại cứ ước mong là như loại đất thứ bốn, “Đất Tốt”, và mang lại nhiều hoa trái. Nếu ta để cho ánh sáng của bài Phúc âm này soi chiếu trong thâm sâu của lòng mình, ta sẽ nhận ra rằng tâm lòng ta pha trộn những đui điếc, những ơ hờ ngoài mặt và những âu lo bóp nghẹt. Một nhận định khiêm tốn và rất thật: ta không lắng nghe Lời một cách tốt nhất. Ta khám phá ra rằng lòng ta bệnh hoạn, và ngay cả một tâm lòng trọn hảo nhất cũng vẫn còn pha trộn ba loại thái độ không đem lại hoa trái. “Vậy có ai được cứu rỗi”?103. Ai có thể đạt tới trưởng thành? Ai có thể đem lại hoa trái? Ta thất vọng như cả nhân loại, mà thánh Bênađô diễn tả104, chờ đợi một Bình ưu tuyển có thể nói “vâng”, tiếp nhận Đấng Cứu Độ và đem lại một thứ hoa trái của ơn Cứu Rỗi.



Loại đất thứ bốn: đất này là “kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục”. Ai ngoài Mẹ Maria nghe và hiểu? Trước hết Mẹ tiếp nhận Ngôi Lời trong lòng Mẹ nhờ đức tin. Mẹ chính là “Quyển Sách Thánh trong đó ngón tay của Cha đã ghi viết Ngôi Lời”105 hoặc là “Sách sống động của Chúa Kitô được đóng ấn Chúa Thánh Thần”106. Mẹ Maria quả thực là “Đất Tốt” của dụ ngôn người gieo giống. Mẹ như là một trang sách Phúc âm tuyền vẹn trên đó Cha đã viết Lời, Lời của Cha, Lời duy nhất của Cha, Logos, Ngôi Lời. Nhìn ra Mẹ Maria là “Đất Tốt” là một chiêm ngắm sâu xa về mầu nhiệm của Mẹ Maria. Ở nơi Mẹ ta tìm gặp được Chúa Giêsu.

Như ta vừa suy niệm, dụ ngôn người gieo giống cho ta thấy rõ ràng rằng trong đức tin của ta có hai điểm: 1- Người tin hoặc lắng nghe, và 2- Đối tượng của chính đức tin này: hạt giống của Lời, Chúa Kitô. Qua chăm chú đọc, ta đã khám phá ra rằng người trọn hảo là Mẹ Maria và tất cả người khác không thể đem lại hoa trái. Mẹ Maria là phương cách trọn hảo để tiếp nhận Lời và làm cho Lời sinh hoa kết trái. Vậy ta cũng được mời gọi đi vào trong Mẹ, và nhờ Mẹ là bề tôi trọn hảo, lắng nghe đối tượng của đức tin ta, những lời của Chúa Kitô, và mang lại những hoa trái tồn tại. Ơn gọi của ta là tiếp nối trong ta mầu nhiệm chủ yếu của đức tin ta: Maria-Giêsu, và làm cho mầu nhiệm này luôn sống động.

Diễn tả cách khác, những lời của Chúa Kitô, bị bỏ quên trong tâm lòng sỏi đá của ta sẽ gặp nguy hiểm và không thể sinh hoa kết quả. Những lời này mới chỉ là một nửa ơn huệ Chúa ban. Nửa còn lại chính là: khả năng tiếp nhận những lời đó”. Biết rằng Chúa Kitô đã nói những lời này lời nọ, chưa đủ, cần thiết những lời đó nhập thể trong tâm lòng ta và đem lại hoa trái. Chúa Kitô ban cho ta những lời của Người đồng thời cũng ban “khả năng tiếp nhận lời”, “khả năng tiếp thu”, của Mẹ Maria. Ơn huệ Người ban căn bản bao gồm cả hai điểm: Người vừa ban hạt giống vừa ban đất.

Những lời của Chúa Kitô cũng tìm gặp trong ta nơi chứa xứng hợp và thần thiêng: Mẹ Maria. Có được Mẹ Maria, vì Cha ban Mẹ cho ta, ta có thể nhờ Mẹ và trong Mẹ làm sinh hoa kết trái Lời của Thiên Chúa.

Vậy có thể nói Mẹ Maria giúp ta, một cách không sai lầm, tìm gặp được Chúa Giêsu, lắng nghe Người nói với ta trong Kinh Thánh, bởi vì có thể nói Mẹ là mẫu gốc sống động của sách Kinh Thánh. Như thế và nhất là Mẹ giúp ta hiểu được Kinh Thánh, như dụ ngôn nói: đất tốt là kẻ “ngộ”. Mẹ Maria đã cưu mang trong lòng Đấng mà cả trời đất không chứa nổi. Mẹ đã hiểu Người. Một Giáo Phụ nói: “Toàn bộ Kinh Thánh, Tất cả lời của Chúa, Chúa đã thu gom lại trong cung lòng Đức Trinh Nữ”107. Lòng của Mẹ Maria là Bình ưu tuyển, là Bình Mới có thể chứa Rượu Mới108, là áo cưới được nhận cho mặc dự tiệc cưới Nước Trời109, là Bụi Gai110 cháy mà không tiêu hủy, nhưng mang và nâng đỡ Lời của Thiên Chúa là lửa hồng111.

Mẹ Maria được ban cho ta;
trở thành Maria

Mẹ Maria, Đất Tốt, được ban cho ta để nhờ Mẹ và trong Mẹ, Lời có thể sinh hoa kết trái. Mẹ là ơn huệ của Chúa và niềm cậy trông của ta. Trái tim của Mẹ thật trọn hảo, và Chúa ban cho ta trái tim này cách nhưng không; Trái tim này là hoa trái thứ nhất của ơn Cứu Độ. Ta phải chấp nhận tiếp đón Trái Tim này, sử dụng Trái Tim này, biến Trái Tim này thành trái tim của ta để mỗi ngày có thể tiếp nhận Lời, hầu mang lại hoa trái và thực hiện cuộc sống của ta. Như thế khả năng của Mẹ sẽ là khả năng của ta. Ta đón nhận Mẹ về nhà mình như thánh Gioan người môn đệ yêu dấu đã làm. “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 26).

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu hát kính Mẹ Maria một cách đơn sơ nhưng cũng thật ý nghĩa: “Kho tàng của người mẹ thuộc về người con, vậy lạy Mẹ yêu mến, con là con của Mẹ; các nhân đức của Mẹ, tình yêu của Mẹ lại không là của con sao (...)112? Ta có thể nối tiếp tư tưởng của thánh nữ khi nói rằng khả năng lắng nghe, tiếp thu và hiểu của tâm lòng Mẹ Maria đã được ban cho ta, hoặc nói ngắn gọn: con tim của Mẹ thuộc về ta.

Người ta có thể nói rằng để sinh ra Lời trong lòng ta, cũng như để nhập thể, ta phải cần có không những Chúa Thánh Thần mà cả Mẹ Maria nữa.

“Lời vâng” mà Mẹ Maria đã thốt ra trong ngày Truyền Tin cũng cần thiết cho ta. Ta cần đến lời vâng này để Lời có thể nhập thể trong lòng ta và trong cuộc đời ta.

Ta noi gương Mẹ, nhưng ngày lại ngày ta cũng phải trở thành Mẹ, con người thâm sâu của ta mỗi ngày càng phải trở nên con người của Mẹ Maria. Càng ngày Mẹ càng sống trong ta. Càng kêu cầu Mẹ, càng khẩn nài Mẹ trợ giúp, ta càng để cho Mẹ dẫn dắt ta, soi sáng ta, ta càng trở thành như Mẹ, nhờ Mẹ và trong Mẹ ngoan ngoãn đón nhận tác động của Lời. Như thế, đối với ta cũng vậy, trái tim của Mẹ Maria trong ta trở thành nơi sinh cho Lời được nói cho ta mỗi ngày113.

Như thế nên tập quen để Mẹ Maria đến tiếp nhận Lời trong ta. Thốt lên “Maria”, cầu khẩn Mẹ, ta dần dần trở nên đồng hình đồng dạng với Mẹ. Lắng nghe Mẹ, theo những chỉ dẫn của Mẹ và những lời khuyên nhủ của Mẹ, ngoan ngoãn trong vòng tay của Mẹ, hoàn toàn phó thác cho Mẹ, sẽ làm cho tâm hồn ta trở thành Maria. Thánh Grignon de Montfort khuyên ta nên để Đức Trinh Nữ ở trong ta để Mẹ làm cho rễ của khiêm tốn đâm sâu trong ta114. Người ta có thể thêm: những rễ sâu đậm của lắng nghe Lời.

Mẹ Maria mẫu gương thực hành Lời Chúa

Ngay khi đáp lời “vâng” với thiên thần, Mẹ đã vội vã đem vào thực hành. “Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa” (Lc 1, 39). Mẹ đã vội vã ra đi để giúp đỡ người chị họ. Sự lắng nghe là một tác động trọn vẹn khởi đi từ đơn sơ lắng nghe Lời, và kết thúc với việc thực hành Lời đã đón nhận. “Lắng nghe Lời” có nghĩa là tuân phục. Thánh Phaolô nói đến “sự tuân phục của đức tin” (Rm 1, 5), “đức tin đến nhờ nghe” (Rm 10, 17).

Như Mẹ Maria và với Mẹ Maria đi thăm bà Ê-li-sa-bét, tâm hồn trinh khiết và, nhờ Lectio divina, mang Lời đến thăm tha nhân. Tâm hồn này sẽ làm thai nhi Gioan Tẩy Giả vị Tiền Hô ngộ ra Chúa Kitô nhảy mừng trong lòng tâm hồn Mẹ đến viếng thăm. Tiếp theo sự “tri biết” này, tâm hồn của tha nhân chứa đầy Chúa Thánh Thần!


Giữ lại một dấu vết qua chữ viết:

hành động thuộc Maria

Người ta thường khuyên mỗi ngày nên viết để giữ lại ánh sáng đã tiếp nhận. Nhưng có một số người tin là mình phản đối hợp lý: “Tôi không phải là một nhà trí thức, tôi có thể diễn tả cách khác (qua một hình vẽ hoặc một bức điêu khắc)”, hay “Tôi chẳng thấy viết mang lại lợi ích gì”. Nhưng xét kỹ giữ lại qua một nét viết ánh sáng đã tiếp nhận là một hoạt động thuộc Maria. Thực vậy, thế giới ta đang sống đã đánh mất một số những thái độ của con người, một số những hoạt động trước kia rất thường và tự nhiên. Trong thực tế ngày nay ta có một nhịp độ sống mau lẹ hơn trước nhiều. ta tiếp nhận một lượng rất lớn về những thông tin, những biến cố, người ta có thể nói ta bị dội bom bởi đủ thứ thông tin. Ngược lại ta còn quá ít giờ để đưa vào nội tâm điều mình tiếp nhận. Ta không còn có được trí nhớ của các tổ tiên ta. Sự thiếu tiếp thu ngoài ý muốn này khiến cho chính điều liên quan đến những ơn sủng được nhận lãnh, hoạt động của Thiên Chúa, không hoàn tất con đường nơi ta. Ta hãy xét kỹ điều này.

Ta hãy tưởng tượng con người ta như khối hình nón, đi từ cái tế nhị nhất, thuộc thể hơi, thiêng liêng, tinh thần là điểm nhỏ của linh hồn (điểm chóp nón) đến cái nặng hơn, thân xác (phần đáy nón). Ánh sáng Chúa thông ban cho ta đi từ cái bên trong nhất, sâu xa nhất, có nghĩa là từ điểm nhọn của nón, đi qua phần ý thức của ta, trí hiểu, ý muốn, tự do, nhưng cũng nhờ tưởng tượng và các giác quan, xuống tới phần “thấp” nhất, hoặc bên ngoài con người ta, thân xác. Rất cần phải giúp Ánh Sáng thực hiện cuộc hành trình này, cống hiến cho Ánh Sáng một mảnh đất sẵn sàng tiếp nhận bằng cách đồng hành với Ánh Sáng và cống hiến cho Ánh Sáng một phần của chính ta, một không gian và một thời gian.

Phúc âm nói với ta rằng Mẹ Maria tiếp nhận những ơn Chúa ban, và rồi Mẹ đưa những ơn ban đó vào lòng: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Hoạt động thật quan trọng. Nó giúp ta ý thức điều Thiên Chúa ban cho ta và cũng trở thành một đối tác, một người bạn của Chúa tự do hợp tác với hoạt động của Người. Ánh sáng kết thúc như thế tiến trình trong ta.

Mục đích không phải là có viết, càng không phải là để làm hài lòng mình vì đã viết hoặc để cho người khác đọc được điều mình viết. Mục đích là để ngồi đó (hoặc để không vội vã đứng dậy ngay), để dùng thời gian ý thức về ánh sáng Chúa ban. để dự phần vào hoạt động của ánh sáng đang tràn ngập con người của mình, cho tới cả thân xác của mình cũng được mời gọi hành động. Tìm cho ra được những chữ những câu diễn tả ánh sáng đã được ban cho, cần phải có thời gian. Và viết ra, cô đọng lại trên trang giấy điều mình đã tiếp nhận trong thâm sâu lòng mình sẽ giúp ích nhiều. Đây hoàn toàn không phải là hoạt động trí thức hay tiểu thuyết. Đây là hoạt động thuộc lãnh vực Maria; Hoạt động này phần nào đó giúp ta tham dự cách nào đó vào hoạt động của Mẹ Maria. Và đó cũng không phải là một hình thức diễn tả mà một số người thực hiện tốt đẹp hơn qua tranh vẽ hoặc điêu khắc hoặc viết văn. Không. Đó chính là, như Mẹ Maria, và với Mẹ thực hiện một cố gắng đáp ứng với ơn được ban cho để tiếp nhận ơn, chuyển trao, ý thức để có thể làm cho ơn đó sinh hoa kết trái. Mẹ Maria đã hiến thân như thế cho Lời và đó cũng là một cách thế rất tốt để hôm nay ta có thể hiến thân cho Lời. Chắc hẳn đó mới chỉ là một bước, nhưng là một bước quan trọng để đưa ta đi vào hành động thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, một ý muốn mà ta để tâm “ngộ” được dễ dàng hơn khi cúi xuống suy nghĩ viết trên giấy.

Trong trường hợp ngược lại, dường như Ánh Sáng của Chúa ngưng chiếu, mất đi sự hữu hiệu, phân tán, người ta đánh mất những phát quang và đôi khi đánh mất tất cả. Ta nghĩ rằng mình đã nhận ơn, ánh sáng, nhưng thực tế ta đã không tiếp nhận, ta đã không giữ lại, ơn sủng đã không hình thành trong ta!

Ban đầu, ta có thể thấy khó khăn viết ra câu văn điều ta đã nhận được, tìm được những từ đúng. Đòi hỏi ta phải cố gắng viết cho được ba bốn câu văn. Ngược lại, không tách khỏi những lời của Kinh Thánh mà Chúa dùng để nói với ta, ta không ngần ngại viết chúng ra trên giấy. Chúng sẽ có một âm vang, một sức nặng, một giá trị khác trên ta. Cho dù ta chỉ viết chính những lời đã được tiếp nhận, ta cũng giúp cho ánh sáng nhập thể trong cuộc sống của ta. Ta giữ lại lời để lời không bay biến đi mất, ta tiếp nhận lời để lời luôn giữ mãi được tính hiệu quả thực tiễn trong cuộc đời của ta.

Kết luận

Sau khi học hỏi về Mẹ Maria, có lẽ ta đo lường được cách thế mới vai trò của Mẹ trong việc ta lắng nghe Lời Chúa hằng ngày. Điều đó chắc chắn sẽ giúp ta hiểu biết hơn, yêu mến hơn đối với Đấng đã thực hiện việc lắng nghe cách trọn hảo.

“Đời sống kitô hữu cốt yếu hệ tại ở việc thực thi thánh ý Chúa. Mà Chúa đã chẳng có một ý muốn nào khác ngoài việc Sinh Người Con Duy Nhất, trong cung lòng Ba Ngôi, một phần và phần khác trong cung lòng Mẹ Maria nhờ tác động của Chúa Thánh Thần (Ba Ngôi và Nhập Thề). Do đó tâm hồn kitô hữu không cần phải làm gi khác ngoài việc chủ yếu thực thi tinh thần Maria để Cha sinh ra Người Con của mình trong Mẹ” 115.

PHẦN THỨ IV

CHÚA THÁNH THẦN

VÀ LECTIO DIVINA

Điều gì đến từ Thần Khí,



phải hiểu là

hoàn toàn do tác động của Thần Khí”116

Bây giờ ta hãy xem hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Lectio divina. Dĩ nhiên ta không khai triển thần học về Chúa Thánh Thần. Tuy vậy ta cũng khám phá hoạt động của Người trong Lectio divina. Cũng như ta vừa thấy Người với Đức Trinh Nữ Maria, Người giữ một vai trò nền tảng. Trong Phúc âm Gioan Chúa nói rằng người ta nghe thấy tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và cũng chẳng biết sẽ đi tới đâu117. Với Chúa Thánh Thần cũng thế. Người hiện diện đó và đồng thời hoạt động hữu hiệu nhưng lại bí ẩn. Nhưng cứ để Người trong bóng tối sẽ là điều bất công. Tuy nhiên chắc chắn sau khi đã phân tích và chiêm ngắm sự liên hệ giữa Mẹ Maria với Lời và với sự nhập thể của Lời, ta sẽ dễ khám phá ra Chúa Thánh Thần và hoạt động của Người.


I

MỘT VÀI NHẮC NHỚ QUAN TRỌNG

Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa

Trước khi đi vào chủ đề sống động này, có nghĩa là về khía cạnh thực tiễn của việc Thần Khí can thiệp vào Lectio divina, cũng nên xét đến vài khái niệm sẽ giúp ta hiểu biết Chúa Thánh Thần hơn và trân trọng Người hơn.

Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Ta tuyên xưng niềm tin của ta nơi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ta rất thường quên Ngôi Ba Thiên Chúa. Hoặc gán cho Người cả ngàn hoạt động hay đặc sủng nhưng lại quên điều chính yếu: công việc biến đổi ta. Cần thiết ta nhớ rằng Người là Thiên Chúa và tin nơi Người là điều thuộc đức tin của ta.

Nói về Người để hiểu rõ Người hơn và để hiểu được hành động của Người và sự quan trọng cần có Người, sẽ đưa Người từ bóng tối ra ánh sáng. Việc đi ra từ bóng tối qua ánh sáng là một lời gọi sống đức tin tích cực hơn. Nói rằng Người là Thiên Chúa, cũng có nghĩa nói rằng ta được mời gọi trọn vẹn lưu tâm đến Người. Người vẫn luôn bí nhiệm, nhưng ít ra sự chú tâm của ta, việc lắng nghe của ta cũng được khích động.

Người là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con. Thần Khí là hơi thở sống động chung của Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha và Chúa Con cũng gửi Thánh Thần xuống cho ta. Chúa Thánh Thần là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, là mối liên hệ kết hiệp Chúa Cha và Chúa Con. Người cũng là tình yêu kết hiệp ta với Chúa Cha và Chúa Con. Người ta cũng có thể nói rằng Lời vĩnh cửu của Cha (Logos-Thiên Chúa), với Cha thở hơi118 Thánh Thần.

Với Đức Maria,
Người là Tác Giả của việc Nhập Thể

Như trong bài ta học hỏi về Mẹ Maria và Lectio divina, Chúa Thánh Thần là Tác Giả của việc Nhập Thể: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1, 35). Mẹ Maria sinh hạ Chúa Con do tác động của Chúa Thánh Thần. Ta cũng nên ghi nhớ rằng thiên thần Gáp-ri-en đã chào Mẹ bằng một tên khác, một tên mới: “Người Nữ đầy ơn sủng”. Và cũng cần ghi nhớ rằng trong cái tên mới mà qua thiên thần Thiên Chúa đã đặt cho Mẹ có nhắc đến Chúa Thánh Thần, bởi vì từ “ơn sủng” hoặc Thánh Thần” cũng là một. Mẹ đầy Chúa Thánh Thần. Điều này cho ta biết không thể tách rời Mẹ Maria khỏi Chúa Thánh Thần. Các Ngài hoạt động chung. Và Mẹ đã thấm đượm Chúa Thánh trọn vẹn đến độ việc Mẹ làm là chính Chúa Thánh Thần làm và việc Chúa Thánh Thần làm là chính Mẹ làm. Nhận định này là nền tảng và minh chứng những gì ta học hỏi về Mẹ Maria là chính xác. Nếu Mẹ Maria là “Đất Tốt” đó chỉ vì Mẹ là Đấng “đầy ơn sủng”, đó chính là vì Thần Khí là “linh hồn” của Mẹ, Người sống động trong Mẹ với một sự sung mãn mà sự suy ngắm của ta không giúp ta hiểu được, và có nghĩa là tất cả những gì Người muốn Người đều thực hiện trong Mẹ. Đó cũng là lý do mà ta gặp thấy nơi Mẹ sự lắng nghe và tiếp thu tuyệt diệu nhất và nhờ đó Mẹ dạy ta nhận biết Chúa và yêu mến Chúa một cách tốt nhất. Lý do của mầu nhiệm này đó chính là Chúa Thánh Thần ngự trong Mẹ cách sung mãn: “đầy ơn sủng”119. Ta cũng hãy ghi nhận rằng Mẹ đã bỡ ngỡ trước tên gọi mới này đã được ban cho Mẹ . “Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1, 29). Dường như việc nhận thức và lưu ý đến hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi Mẹ là tác động đầu tiên của Mẹ Maria.

Sự Nhập Thể của Chúa Con, của Lời vĩnh cửu đã được thực hiện do hành động chung của Chúa Thánh Thần và của Mẹ Maria. Chúa Thánh Thần cần đến “lời vâng” của Mẹ Maria để hành động, Người cần đến sự hiến thân của chính Mẹ để hành động. Người ta cũng có thể suy diễn thêm rằng tất cả việc nhập thể của Lời đều cần phải có Chúa Thánh Thần. Chính Người là Đấng ban cho Lời có hình dạng con người, chính Người nhân dạng hóa Lời Thiên Chúa. Người ban cho Lời một thân xác. Ước muốn của ta trong thực hành Lectio divina đó là Lời được tiếp nhận có thể nhập thể trong ta, đó chính là Chúa Giêsu có thể tượng hình trong ta. Chúa Thánh Thần, cùng với sự hợp tác của Mẹ Maria, thực hiện công việc này trong ta: con người mới được sinh ra, ngày lại ngày. Hoạt động này chậm tiến, nhưng mới mẻ và hữu hiệu.

Thần Khí và Con

Thần Khí ngự trong Chúa Con,
chính là Thần Khí của Chúa Con

Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Con, Người ngự trong Chúa Con: “Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân” (Mt 12, 18). “Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11, 2). Và Chúa Giêsu tự nhận cho mình những lời này khi Người đọc sách trong hội đường: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Phúc âm cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4, 18).



Chính Chúa Con ban Thần Khí

Làm sao có được Thần Khí? Ai ban Thần Khí cho ta? Đó chính là Chúa Con ban Thần Khí. Chúa Con ban Thần Khí cho ta từ nơi Chúa Cha: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15, 26). Chúa Con vĩnh củu được nhập thể bởi Chúa Thánh Thần, nhưng, chính Chúa Con Nhập Thể ban Chúa Thánh Thần. Thần Khí thoát ra từ miệng Chúa Kitô như một hơi thở (“Người thổi hơi vào các ông” Ga 20, 22, “Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” Ga 19, 30), Thần Khí thoát ra từ con tim của Chúa Kitô như một sức sống.

Hơn nữa, Chúa Giêsu phục sinh đã thổi Thần Khí của Người trên các Tông Đồ (x. Ga 20, 22). Và như một trong những kết quả đầu tiên của sự hiện diện mới của Thần Khí, các Tông Đồ hiểu Kinh Thánh (x. Lc 24, 45). Chúa Giêsu phục sinh mở lòng mở trí các ông nhờ Chúa Thánh Thần, nhờ Thần Khí của Người, hơi thở thần thiêng của Người. Ta sẽ bàn đến sự liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và Kinh Thánh.

Nhờ Thần Khí,
Chúa Con nói những lời của Chúa Cha

Chính Chúa Cha, trong tâm hồn Chúa Kitô, bởi Chúa Thánh Thần linh hứng cho Con Người những lời phải nói ra. “Tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người (Chúa Cha) nói” (Ga 8, 26; “... đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa” (Ga 8, 40). “Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì.50 Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (Ga 12, 49-50). “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” Ga 16, 15). “vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con” (Ga 17, 8).




Thần Khí mạc khải Chúa Kitô
và thông ban tình yêu của Người cho ta

Truyền Thống cho ta biết rằng chính Thần Khí mạc khải Chúa Kitô, Người là cặp kính tốt nhất để nhìn thấy Chúa Kitô, khám phá ra Chúa Kitô. Người ta không thực sự nhìn ra Chúa kitô nếu không có Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần mạc khải Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần chỉ cho ta thấy khuôn mặt thật của Chúa Kitô, đưa ta vào trong thâm sâu nơi Chúa Kitô cho đến khi khám phá được Thần Tính của Chúa Kitô. Chính vì thế mà ta luôn phải cầu xin Chúa Thánh Thần khi ta đọc Kinh Thánh và khi ta cầu nguyện. Không có Chúa Thánh Thần sẽ không thể gặp gỡ đưọc Chúa Kitô sống động.

Thật ra, ta thấy Chúa Kitô bằng xương bằng thịt đứng trước những người đồng thời với Người, nhưng đa số chẳng nhìn ra được Thiên Tính của Người120. Mắt của họ cần được mở ra. Và chính Chúa Thánh Thần làm công việc này. Cần thiết là cầu xin Chúa Thánh Thần để nhìn thấy Chúa Giêsu. Nếu không, lòng trí ta vẫn dầy đặc, mắt nội tâm của ta mù quáng. Đó là điều thánh Têphanô trách cứ các trưởng lão và các luật sĩ: “Các ông chống cưỡng lại Chúa Thánh Thần”. Ngược lại khi đến trong lòng ta, Chúa Thánh Thần sẽ chỉ cho ta thấy Chúa Giêsu trong Thiên Tính của Người. Chính khi được tràn đầy Chúa Thánh Thần, thánh Têphanô được thấy Thiên Chúa và Con Người121. Trong Phúc âm Luca, sự liên hệ giữa sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và khả năng nhìn thấy được nhấn mạnh nhiều lần: Ê-li-sa-bét nhận biết Mẹ Maria và Con Trẻ trong Mẹ nhờ Chúa Thánh Thần (x. Lc 1, 41-45). Và trong Lc 2, 22-32, Ông Simêon, được Chúa Thánh Thần linh hứng, nhận biết con trẻ mà ông đang bồng trên tay là ơn Cứu Độ được Chúa đem đến.

Thánh Phaolô, theo cách riêng của ngài, cho ta thấy cần thiết phải cầu xin Chúa Thánh Thần để nhận biết Thiên Chúa, hoặc nhận biết Chúa Kitô theo Thần Khí122: “Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10). “Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa” (1 Cr 2, 11). “Không ai có thể nói rằng: "Đức Giê-su là Chúa", nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12, 3).

Thánh Irênê quả quyết: “Không có Thần Khí không thể nhận biết Ngôi Lời của Thiên Chúa; sự nhận biết Con Thiên Chúa là do Chúa Thánh Thần mà có”123.

Cũng vậy chính nhờ Thần Khí mà ta biết được tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta. Đàng khác, chính Chúa Thánh Thần là Tình Yêu Thiên Chúa; trong Ba Ngôi, Người là chính ngôi vị của Tình Yêu. Khám phá biết được Chúa yêu thương ta thế nào, chính là chỉ nhờ Thần Khí. Và ta cần phải trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa.



Ơn Thần Khí và các ơn của Thần Khí

Cần phải phân biệt Ơn Chúa Thánh Thần và các ơn của Chúa Thánh Thần. Ngôi Thánh Thần, là Ơn Chúa Kitô ban cho ta, hoạt động trong sâu thẳm cõi lòng ta, trong tinh thần124. Hoạt động này ta không thể nhận biết trực tiếp được, nhưng qua những tiếng dội mà Chúa ban trong tâm hồn. Ngược lại, những ơn của Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn, trong trí hiểu và trong ý muốn của ta. Đàng khác, cũng chính Người soi sáng và hướng dẫn ta. Thực vậy, qua Lời được lãnh nhận trong Lectio divina, Người soi sáng, nhờ các ơn hiểu biết của Người.

Như thế Người là sự sống của tâm hồn cũng như của tinh thần.

Tác giả chính của việc thánh hóa ta

Chúa Thánh Thần là tác giả chính làm việc thánh hóa ta. Chính Người hình thành Chúa Giêsu trong ta và Người chẳng có việc gì khác ngoài việc hình thành Chúa Giêsu. Ngày lại ngày, Người sinh ra trong ta con người mới: Chúa Giêsu sống động. Trên đây ta đã nói vì biết Người là Thiên Chúa nên ta phải trọn vẹn lưu tâm đến Người. Thực vậy, trong Ba Ngôi, Người là Ngôi Vị hoạt động trực tiếp trong ta. Thực ra thì tất cả Ba Ngôi đều hoạt động trong ta. Nhưng Truyền Thống dành cho Người việc hoạt động trực tiếp. Chúa Kitô cũng gọi Người là: ngón tay của Cha, và trong kinh Veni Creator Spiritus Người được gọi là “ngón tay phải của Cha”. Nhờ ngón tay này, Thiên Chúa đụng chạm đến ta, hoạt động trực tiếp và biến đổi ta. Nhờ các ơn của Người, Người đụng chạm đến ta và ta trải nghiệm những thay đổi mà Người thực hiện trong ta: hoặc trong trí hiểu mà Người soi sáng và làm cho sắc bén, hoặc trong ý muốn mà Người giải thoát và củng cố trong ý muốn của Thiên Chúa.



II
CHÚA THÁNH THẦN


VÀ LECTIO DIVINA

Chúa Thánh Thần và Kinh Thánh

Tác giả của Kinh Thánh

Một số bản văn Kinh Thánh và Truyền Thống nói cho ta về Chúa Thánh Thần như là tác giả chính của Kinh Thánh. Khi thực hành Lectio divina, ta luôn luôn phải giục lòng tin; Lời này được Thiên Chúa mạc khải, tác giả của Lời này là Chúa Thánh Thần – là Thiên Chúa. Để củng cố đức tin của ta, ta chăm chú đọc mấy đoạn văn này. Trong ba trích dẫn đầu, nói tới Cựu Ước:

Nhất là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2P 1,21-22).

[...] "Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đa-vít để nói trước” [...] Cv 1, 16)

Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con” (Mc 12, 36).

Chính thánh Phaolô cũng quả quyết: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng” (2 Tm 3, 16).

Đây là điều ĐGH Léon XIII nói về tác động của Chúa Thánh Thần trong các tác giả được linh hứng viết Kinh Thánh: “Nhờ sức mạnh siêu nhiên, chính Người đã linh hoạt và thúc đẩy viết và Người trợ giúp các tác giả đó khi họ viết, để họ suy nghĩ đúng, trung thành viết lại và diễn tả chính xác với một chân lý không hề lầm lạc tất cả những gì Người truyền cho họ viết, và chỉ viết điều Người truyền cho họ viết: nếu không, chính Người sẽ không là tác giả của toàn bộ Kinh Thánh”125

Tại Công Đồng Vaticanô II ta cũng tìm gặp được giáo huấn như thế: “Những gì Thiên Chúa đã mạc khải Thánh Kinh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần”126.

Nhớ lại điều đó giúp ta dễ dàng tin, mở tai lòng ta để lắng nghe Chúa là Đấng đã viết ra những Lời này. Điều đó cho ta thấy Chúa gần gũi ta biết bao. Chúa đã mặc lấy thực tại của ta như thế nào để nói với ta. Nhưng khi phải nói, Người nói theo cách thế của Thiên Chúa: “Thầy ở trên cõi cao” (Ga 8, 23). Bây giờ ta hãy xem, Chúa đưa ta vào hiểu biết điều Người đã viết như thế nào.
Giải thích Kinh Thánh

Chính Chúa Kitô đã biết rõ rằng những lời được chuyển trao đến từ Cha và việc giải thích những lời này là hai điều khác biệt. Người đã nói cho biết như thế khi tuyên bố với ta rằng tốt hơn thì Người phải ra đi để Chúa Thánh Thần đến và Chúa Thánh Thần dẫn đưa ta vào chiều sâu ý nghĩa những lời mà Người đã nói với ta. Do đó Người đã nói về Chúa Thánh Thần và về hoạt động của Chúa Thánh Thần liên quan đến điều Người đã nói: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26). Người còn đi xa hơn khi nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em” (Ga 16, 12 tt). Tuy nhiên Người cho biết: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. Đưa ta vào, hướng dẫn ta, tỏ cho ta biết. Ta thấy vai trò của Chúa Thánh Thần thật chính yếu như thế nào. Chúa Thánh Thần quả thật là vị Thầy dạy từ bên trong, cho ta được hiểu. Việc Chúa Con đến vẫn chưa đủ, cần thiết Chúa Con phải cho ta Thần Khí của Người để ta có thể nhận biết Người và đi vào trong bí nhiệm của Người cũng như những bí mật của các lời Người nói. Thánh Thần không hoạt động độc lập với Chúa Con. “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16,12).

Trong Phúc âm Gio-an khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các tông đồ, Người thổi hơi trên các vị và nói: “Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần”. Và thánh Luca, khi Chúa hiện ra với các tông đồ, viết: “Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc 24, 45). Như thế ta thấy các tác giả viết Kinh Thánh đã đặt nặng tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần. Chính Người là Thần Khí của Chúa Kitô, mạc khải Chúa Kitô, mở lòng mở trí cho ta hiểu bí nhiệm và những lời của Chúa Kitô.

Chỉ có tác giả của lá thư mới có thể giải thích ý nghĩa của lá thư. Chúa Thánh Thần là tác giả của lá thư này là Kinh Thánh. Muốn hiểu lá thư Kinh Thánh này, ta phải khẩn khoản nài xin Chúa Thánh Thần. “Hãy xin sẽ được, hãy gõ thì cửa sẽ mở cho các con”. Cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Thần để Kinh Thánh nổi rõ nét, ban sinh lực và nói với tâm lòng ta, mở trí ta hiểu biết, mạc khải cho ta ý định của Chúa đối với ta, giúp ta khám phá ra khuôn mặt của Chúa Kitô là Đấng yêu thương ta. Chúa Thánh Thần là sự hiểu biết Kinh Thánh. Không có Chúa Thánh Thần sẽ không có Lectio divina. Không có Chúa Thánh Thần thì chỉ là một việc làm hoàn toàn con người, một việc đọc, một sản phẩm con người, không phải là một đàm đạo sống động mạc khải khuôn mặt của Chúa Kitô và chiều sâu của tâm hồn ta. Tuy vậy cũng cần phải ghi nhớ rằng việc giải nghĩa Kinh Thánh của Chúa Thánh Thần không chống nghịch lại ánh sáng của lý trí. Người không phải là Đấng “phi lý trí”; Người là sự hiểu biết cao sâu hơn. Người nâng nhắc tầm hiểu biết của con người lên và huấn luyện sự hiểu biết của con người.

Ngay từ đầu Giáo Hội đã đọc Kinh Thánh trong Thần Khí và Thần Khí đã phân định mầu nhiệm Chúa Kitô trong Kinh Thánh. Nhưng có một thời việc đọc Kinh Thánh được áp dụng với những phương pháp và cách thức phong phú. Đó là thời các thánh Giáo Phụ. Các Người dạy ta đọc Kinh Thánh trong Thần Khí.

Đọc hợp với Thần Khí”;


chú giải của các Giáo Phụ

Chúa Thánh Thần dạy ta đọc Kinh Thánh và qua đó cũng cho ta những tiêu chuẩn để giải thích Kinh Thánh đúng đắn. Chúa Thánh Thần đã ngự trong Chúa Kitô trọn vẹn và sung mãn. Người đã chỉ cho Chúa Kitô-Người cách đọc Cựu Ước và cho biết Cựu Ước đã nói gì về Chúa Kitô-Người. Người tiếp tục giúp Giáo Hội đọc Kinh Thánh đúng đắn. Ta có rất nhiều gương sống trong thời hoàng kim là thời các Giáo Phụ. Thần Khí đã ban dồi dào cho các Người biết giải thích Kinh Thánh và cho ta thấy sự phong phú tuyệt diệu. Đến học tại trường của các Người, đơn giản chỉ là trường học của Chúa Thánh Thần – Người thông dịch Kinh Thánh. Trong cuốn sách này ta không thể bàn tới chú giải theo các Giáo Phụ hay theo Thần Khí (tất cả là một). Nhưng ta cũng không thể bỏ qua vấn đề này. Bởi vì Lectio divina, là hoạt động của Thần Khí trong ta, soi sáng ta và làm cho ta nghe được tiếng Chúa Kitô trong ta, cũng là đọc Kinh Thánh và việc đọc này cũng theo đúng những tiêu chuẩn của việc giải thích Kinh Thánh. Do đó thỉnh thoảng ta cũng nên xét lại xem việc đọc của ta khi thực hành Lectio divina có hợp với Thần Khí hay không.

Bây giờ ta bàn đến việc đọc chính xác bản văn; (không cho bản văn điều mà bản văn không nói đến) nhưng cũng đi vào việc hiểu Kinh Thánh. Thực hành Lectio divina và hiểu Kinh Thánh là hai điều liên hệ mật thiết với nhau. Và ta thấy rõ rằng trong cuộc sống kitô hữu có một chặng đường quan trọng và mới mẻ đó là đi vào một thế giời mới của việc hiểu Kinh Thánh. Chính Phúc âm cũng nhấn mạnh đến điều đó trong câu chuyện hai môn đệ làng Emmaus, nhưng cũng trong một lần Chúa Kitô hiện ra và thổi trên các tông đồ Thần Khí của Người và mở lòng mở trí để các ông hiểu Kinh Thánh. Để thực hành tốt Lectio divina, người ta không thể tiết kiệm trong việc đi vào tìm hiểu Kinh Thánh.

Dẫn vào tiến trình siêu nhiên của việc lắng nghe (tiến trình của Lectio divina) và đi vào hiểu biết Kinh Thánh cũng chỉ là một hoạt động của Thần Khí.

Để được thế, cần phải đọc những sách khác bàn trực tiếp về vấn đề hiểu biết Kinh Thánh, chú giải của các Giáo Phụ127.

Không hiểu biết Kinh Thánh, không có “cái nhìn” về Kinh Thánh, có thể ta hiểu một số trích đoạn Kinh Thánh, hoặc Tân Ước, theo cách thế của ta, theo cách thế con người. Nhưng đi vào hiểu biết Kinh Thánh quả thực là đi vào trong đám mây của đức tin, trong phương cách đọc của Thiên Chúa và lắng nghe Kinh Thánh. Thường việc đọc của ta thật hạn hẹp. Do đấy cần phải được hướng dẫn đi vào hiểu biết Kinh Thánh để Thần Khí có thể nói với ta. Như cần có một khai mở, một bức màn che phải được cất đi128.

Giáo huấn của các Giáo Phụ thật phong phú không thể vội vàng đưa ra một bản tóm kết. Đã có nhiều cố gắng trong lãnh vực này nhưng vẫn chưa đủ. Tiếp cận thường xuyên với các Giáo Phụ ta sẽ hiểu phần nào cách thế siêu nhiên các Người sử dụng để đọc Kinh Thánh. Cũng chính vì thế rất nên đọc những chú giải của các Người để làm quen với tinh thần và với những nguyên tắc trong việc đọc Kinh Thánh như các Người.

Quả quyết rằng nói đầy đủ về hiểu biết Kinh Thánh là điều không thể tin nổi. Dẫu vậy, không nói gì thì lại là một nguy hiểm lớn. Chẳng khác gì lấy Thần Khí ra khỏi Kinh Thánh. Ai dám nói rằng tôi đọc tốt? Ai có thể nói cho tôi rằng ý nghĩa mà tôi thấy trong một trích đoạn là ý nghĩa hợp với đức tin của tôi? Chắc hẳn phương cách tìm hiểu hai bản văn trong thánh lễ hằng ngày thích ứng với nhau sẽ tránh được nhiều giải thích sai lầm, tuy nhiên điều này không cho phép ta bỏ qua một dẫn nhập học hiểu Kinh Thánh.

Quả thực đó là đi vào một cấp độ chiều sâu hoàn toàn khác và mới mẻ. Đó cũng như sự đột nhập của cái siêu nhiên. Đó cũng như việc khám phá những chiều kích mới của bản văn, của những hòa điệu, của những thích ứng mới... thuộc vấn đề thống nhất của bản văn. Chiều kích mới này cho bản văn một sức sống. Hơn thế nữa, nó trả lại cho bản văn chính sự sống của bản văn và làm cho bản văn sinh động được.

Để một khảo luận về Lectio divina được thỏa mãn, cần thiết mở lòng ra để hiểu biết Kinh Thánh. Nếu không sẽ thiếu một cái gì thật là nền tảng trong việc giảng dạy về Lectio divina. Ở đây chúng tôi đề nghị ba tiêu chuẩn để thực hành Lectio divina theo Thần Khí.



Ba tiêu chuẩn để đọc theo Thần Khí

Giáo Hội đề nghị ba tiêu chuẩn truyền thống để cắt nghĩa Kinh Thánh. Do vậy khi thực hành Lectio divina ta cần lưu tâm đến ba tiêu chuẩn này. Điều đó sẽ tạo nên trong ta một thứ bản năng mới. Những tiêu chuẩn đó là:

1. Lưu ý đặc biệt tới nội dung và sự thống nhất của tất cả Kinh Thánh. Cho dù các sách Kinh Thánh có khác nhau, Kinh Thánh cũng vẫn là một vì sự đồng nhất của ý định của Thiên Chúa, mà Chúa Kitô là tâm điểm, là con tim, được mở rộng từ cuộc Vượt Qua của Người129.

Con tim130 của Chúa Kitô chỉ rõ: Kinh Thánh mới làm cho hiểu con tim của Chúa Kitô. Trái tim này đã bị khép kín trước cuộc Khổ Nạn vì Kinh Thánh lúc đó còn u mờ. “Nhưng Kinh Thánh đã được mở ra sau cuộc Khổ Nạn, bởi vì từ nay những ai hiểu được Kinh Thánh và phân định những lời tiên tri phải biết giải thích như thế nào131132. Cũng nên ghi nhận rằng Thánh Giá và mầu nhiệm Cứu Độ (chết và sống lại) là tâm điểm của việc chú giải Tân Ước: ít ra có ba bài học về vấn đề này trong Tân Ước để chỉ cho biết bằng cách nào qua và trong cuộc Khổ Nạn, Kinh Thánh được mở ra hay được vén màn133 để cho ta hiểu được ý nghĩa: bài học thứ nhất là bài học do chính Chúa đã dạy các môn đệ làng Emmaus (Lc 24, 15-27)134. Bài học thứ hai là của thánh Phêrô trong thư thứ nhất của Người (1P 2, 21-25)135. Bài học thứ ba là thánh Philipphê dạy cho viên thái giám người Ethiopie (Cv 8, 28-40). Ít ra, ta nên ghi nhớ hai trong ba bài học này có chủ đề tìm gặp trong sách ngôn sứ Isaia các ở chương 52, 13 đến 53, 12. Ta không áp dụng bản văn theo cách thế chú giải, mà chỉ thấy trong đó chính Chúa Kitô. Trong trích đoạn về viên thái giám ta tìm gặp ghi chú quí báu này: “Ông Phi-líp-phê lên tiếng, và khởi từ đoạn Kinh Thánh ấy (Isaia 53) mà loan báo Phúc âm Đức Giê-su cho ông” (Cv 8, 35) không khác gì tất cả đã được mở ra khởi đi từ trích đoạn Kinh Thánh này, hoặc những trích đoạn khác giống như vậy nói về sự đau khổ của Chúa Kitô. Đó cũng chính là diễn tiến và cách thức ta tìm thấy trong bài học Chúa dạy các môn đệ làng Emmaus.

2. “Đọc Kinh Thánh trong Truyền Thống sống động của toàn thể Giáo Hội”. Theo một cách ngôn của các Giáo Phụ, Kinh Thánh được đọc tốt trong lòng Giáo hội hơn là bằng những phương thế vật chất. Vì chưng, Giáo Hội mang trong Truyền Thống của mình kỷ niệm sống động về Lời Chúa, và chính Chúa Thánh Thần ban cho hiểu biết việc giải thích thiêng liêng về Kinh Thánh (“... theo ý nghĩa thiêng liêng mà Thần Khí ban cho Giáo Hội136”)137.

Con tim của Truyền Thống là Chúa Thánh Thần. Yves Congar nói rằng Chúa Thánh Thần là “chủ thể siêu việt của Truyền Thống”138. Như vậy Đọc Kinh Thánh trong Truyền Thống, đó chính là cố gắng khai triển một cảm nghiệm về sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần trong Truyền Thống và theo nghĩa mà Người xác định trong những yếu tố của đức tin ta. Hoặc còn có nghĩa là tháp nhập ý nghĩa đức tin mà Truyền Thống trao lại, và như vậy cũng có nghĩa là nhận thức về Chúa Thấnh Thần là Đấng giúp đọc và hiểu chính xác Kinh Thánh.

3. Chú tâm đến việc loại suy của đức tin (x Rm 12,6). Cụm từ loại suy của đức tin muốn nói lên sự kết hợp chặt chẽ giữa những chân lý của đức tin với nhau và trong chương trình toàn diện của Mạc Khải139. Ví dụ nếu trong một đoạn văn ta đọc thấy rằng Chúa Con thì kém hơn Chúa Cha (“Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28), ta đọc và hiểu theo Người nói về bản tính nhân loại của Chúa Kitô, chứ không phải muốn nói Con không phải là Thiên Chúa. Do vậy ta phải lưu ý đến những chân lý khác của đức tin (Con là Thiên Chúa) và sự kết hợp chặt chẽ của tất cả (vừa là người, vừa là Thiên Chúa).

Chúa Thánh Thần
nói với ta qua Kinh Thánh

Phương thế chắc chắn nhất để lắng nghe Thần Khí nói với ta đó chính là Kinh Thánh. Việc đồng hành thiêng liêng được coi là phương thế hữu hiệu nhất để biết được thánh ý của Thiên Chúa cũng không bao giờ có thể thay thế việc tiếp cận trực tiếp với Chúa Thánh Thần nhờ Kinh Thánh. Quả vậy sự đồng hành phải có vai trò xác định tác động này. Vì như đã nói ở trên Người Thầy thật đó chính là Chúa Thánh Thần. Chính Người dò xét lòng ta và Người biết rõ lòng ta hơn bất cứ ai khác. Không có gì, không có gì có thể thay thế hoạt động của Người qua Kinh Thánh. Đó là một hoạt động trực tiếp trong trí hiểu của ta. Người soi sáng lương tâm ta và huấn luyện lương tân ta bằng ánh sáng của Người. Người biến đổi con người nội tâm của ta. Tiếng nói của vị đồng hành hoặc của Giáo Hội chỉ có tính cách xác định hoạt động đầu tiên này. Chính vì thế, điều rất quan trọng là mượn con đường hoàng đạo này: Lắng nghe Chúa Thánh Thần nói với ta qua Kinh Thánh. Lửa bùng cháy thiêu đốt trong Kinh Thánh đó chính là lửa của Người.



Chúa Thánh Thần và ta

Vị hướng dẫn và Thầy của ta

Trong đời sống thiêng liêng, vị hướng dẫn và Thầy của ta chính là Chúa Thánh Thần. Hơn bất cứ ai khác và hơn cả ta chính Người biết ta. Người dò xét nội tâm sâu kín của ta và biết điều gì là tốt cho ta. Lắng nghe Người, trung thành với những linh hứng của Người là bổn phận cao cả nhất của ta. Luật mà Chúa ban cho ta chính là Chúa Thánh Thần trong lòng ta, chính Người là Đấng ta phải theo. Chắc hẳn trung thành với Chúa Thánh Thần là Đấng nói trong lương tâm của ta thì yêu sách hơn trung thành với một luật đơn giản được viết ra hoặc những qui định bên ngoài. Chính vì thế thánh Thomas Aquinô nói rằng Luật mới, Luật của Giao Ước được ký kết bởi máu Chúa Giêsu Kitô, chính là Chúa Thánh Thần trong lòng ta.

Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 13). Điều này cho ta thấy sứ mệnh của Chúa Kitô được Chúa Thánh Thần thực hiện trong ta. Người là vị hướng dẫn, là Đấng đưa cuộc sống của Chúa Kitô vào trong ta, là Đấng nhập thể Chúa Kitô trong ta. “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26). Và ta cũng thấy Chúa Thánh Thần can thiệp trong tâm trí của ta và dậy bảo trong lòng ta điều Chúa Giêsu đã nói. Đó là một hoạt động không thể thay thế và tuyệt đối bổ sung cho việc Chúa Kitô đến. Chính vì thế mà thánh Irênê nói về Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần là hai tay của Chúa Cha140.

Người còn nói với ta trong bí mật của lương tâm ta và ta tìm cách lắng nghe Người. Người soi sáng lương tâm ta: "Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa;11 về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi" (Ga 16, 8-11). Ta có thể đọc chú giải của ĐGH Gioan Phaolô II về trích đoạn này trong Tông Huấn về Chúa Thánh Thần, Dominum et vivificantem" các số 27 đến 48.

Những bản văn thuôc các số trên đây của Tông Huấn là một lời mời gọi ta xin Chúa Thánh Thần làm Bạn và làm Người Hướng Dẫn của ta.

Các ơn của Thần Khí

Nhờ các ơn sủng của Người, Chúa Thánh Thần muốn chiếm hữu tâm hồn, trí hiểu và lòng muốn đầy ý thức và tích cực của ta. Có một phương cách thần linh trong hành động. Chúa Thánh Thần ban bảy ơn5 hoạt động trong tâm hồn. Các ơn Khôn ngoan, Minh mẫn, Hiểu biếtMưu lược hoạt động trong trí hiểu. Các ơn Hiếu nghĩa, Dũng mãnhKính sợ hoạt động trong ý muốn. Thường ta hay tóm kết hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh bởi ơn khôn ngoan, nhờ chính trí hiểu mà người ban cho ta. Điều đó không có nghĩa là sáu ơn kia không hiện diện.

Có một sự khác biệt giữa lời được nói ra (vỏ của trái), và nhờ Chúa Thánh Thần đi vào lời này (nếm hưởng trái). Quả thực Chúa Thánh Thần dạy điều mà Chúa Con đã nói (“... Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” Ga 14, 26), Người làm cho lời này đi sâu vào, Người giải thích, Người giúp cho hiểu lời này. Chuyển đạt lời và giúp cho hiểu lời, là hai giai đoạn khác biệt, hai hoạt động khác nhau. Có những người nghe mà không hiểu141. Do đấy, có những lời vẫn chưa đủ. Nhưng tại sao có người nghe mà lại không hiểu? Có thể do hai lý do: một đàng người ta không muốn lắng nghe, người ta không muốn tìm hiểu sự thật, và đàng khác, chính Chúa Thánh Thần ban sự hiểu biết am hợp với sự phát triển của con người. Phải hội đủ cả hai điều kiện này. Những lời của Kinh Thánh đều như nhau, nhưng hiểu được lại là chuyện khác. Sự hiểu biết này đến từ từ; Chính Chúa Thánh Thần ban cho hiểu (ơn hiểu biết) và Người ban đầy đủ xứng hợp với từng người và những nhu cầu của mỗi người.

Chúa Thánh Thần và Lectio divina

Ánh sáng và trí hiểu

Dĩ nhiên ánh sáng được nhận lãnh trong Lectio divina là ánh sáng của Chúa Thánh Thần soi chiếu trí hiểu của ta. Điều ta hiểu, sự hiểu biết mới mẻ người ta có được từ Kinh Thánh đều do Chúa Thánh Thần là tác giả.

Thần Khí là Ánh Sáng. Thường người ta chú tâm đến sự kiện Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, và điều này thật đúng như vậy. Thánh Augustinô nói rằng trong Ba Ngôi, chính Chúa Thánh Thần là Ngôi Tình Yêu. Nhưng ta đừng quên rằng Người cũng là ánh sáng. Và trong thực hành Lectio divina ta cần đến ánh sáng của Người để có thể hiểu được thánh ý Thiên Chúa, và như thế có thể trở nên bạn hữu của Thiên Chúa: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).

Cầu xin Chúa Thánh Thần

Thực tế cần thiết phải cầu xin Chúa Thánh Thần, xin Người ban ánh sáng để có thể hiểu được bản văn Kinh Thánh. (...)

Cầu xin Chúa Thánh Thần là lời xin đầu tiên khi đi vào Lectio divina: “Lạy Chúa, nhờ Thần Khí Chúa, con muốn nhìn thấy, xin chỉ cho con biết điều Chúa muốn thay đổi trong con”. “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao”? (Lc 11, 9-13).

Thánh Augustinô thường nói với các thính giả của Người: “Ta hãy gõ” và thánh nhân gõ cửa Chúa Thánh Thần để Chúa Thánh Thần mở ý nghĩa của những lời mà Người phải chú giải.



Chúa Thánh Thần chỉ Lời, một Ánh Sáng
cho hôm nay để làm lương thực cho ta

Chính do đấy mà Chúa Thánh Thần còn được gọi là “Ngón tay của Thiên Chúa”, bởi vì Thiên Chúa dùng Ngón Tay của Người (Chúa Thánh Thần) chỉ cho ta lời và làm cho lời sống trước mặt ta. Mỗi ngày Người ban cho ta một lời.

Người cho phép ta nhìn thấy Chúa Kitô, lắng nghe Chúa Kitô.

Người nhập thể trong ta
Lời mà Người ban cho ta

Như Người đã làm trong việc Nhập Thể, nhưng trong một mức độ kém hơn, Thần Khí làm cho Lời đã được tiếp nhận nhập thể trong ta. Chúa Thánh Thần làm cho Lời sống trong ta và đổi mới ý muốn của ta. Thực hiện điều này Người đã dùng một lời trong Kinh Thánh để chỉ cho ta.

Lời cầu xin thứ hai của Lectio divina là: “Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần của Chúa cho chúng con để lời chúng con đã tiếp nhận được đem vào thực hành”. Chính là đáp lại lời mời gọi của Thần Khí, Đấng nói trong lòng ta, mà nhờ Người ta đem ra thực hành điều Người nói với ta, nhờ Người ta được đổi mới và Lời nhập thể trong ta.

KẾT LUẬN PHẦN THỨ BỐN

Để kết luận phần này liên quan đến liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và Lectio divina, ta có thể nói như sau:

Chính Thần Khí tác tạo trong trí khôn thuộc nhân tính của Chúa Kitô những lời sự sống mà Người sẽ nói như Người đã làm với các tác giả Sách Thánh. Cũng chính những lời sự sống này được các tác giả ghi chép lại trong Kinh Thánh, Người cho những lời đó sức sống trong trí khôn ta, Người mở ra cho ta, như người ta mở một kho báu để thấy những gì có trong đó. Chính Thần Khí hành động trong trí khôn ta. Chính Người tiến hành chuyển biến tế nhị từ ánh sáng tự hữu thành lời, từ lời thành ánh sáng tự hữu đễ giải phóng nhờ cũng chính lời này.

Thực tế ta cần đến Chúa Thánh Thần, cần đến trí hiểu Người ban cho ta để hiểu Kinh Thánh. Khi khẩn xin CHúa Thánh Thần, ta mở trí khôn để đón nhận điều ban xuống từ trên cao. Điều đó là tuyệt đối cần thiết và quan trọng. Điều này dường như hoàn toàn mới đối với người chưa bao giờ trải nghiệm vì họ quen hành động chỉ với ánh sáng của riêng trí hiểu của mình, là điều cũng cần thiết nhưng không đủ.




Lời và những ngôn từ

Ân huệ

và các ơn

trong ta

Lời


Vĩnh cửu – Thiên Chúa

Thở hơi Thánh Thần

Ân huệ vĩnh cửu và Tự Hữu

trong Ba Ngôi (1)


-


Lời

Vĩnh cửu – Thiên Chúa

Nhập Thể


Thông ban Thánh Thần - Ân huệ

cho loài người

(Tự hữu, Ân Huệ) (2)


Thần Khí – Ân Huệ vĩnh cửu được thông ban cho tinh thần ta

Với tư cách là người, Logos vĩnh cửu nhập thể, ban bố những lời nhân loại, nghe được và hiểu được

Người nói những lời đầy Thần Khí và sự sống (được tạo thành, các ơn huệ) (3)

những lời này nuôi dưỡng linh hồn ta bởi ơn trí hiểu (ơn ban của Thần Khí)

Ta hãy tóm kết những liên hệ khác nhau giữa Lời/các ngôn từ và Chúa Thánh Thần và ta. Bảng và lược đồ biểu thị những liên hệ này

Trên bình diện Tự Hữu, Lời Vĩnh Cửu Tự Hữu nhập thể thông ban cho ta Ân Huệ Thần Khí; trên bình diện tạo vật, lời thông ban cho linh hồn ta (trí khôn và ý chí) những lời đầy Thần Khí và sự sống nuôi dưỡng linh hồn bằng những ân huệ của Thần Khí.

Hình minh họa cả trang 133



PHẦN V

LECTIO VÀ

CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY

Nếu Chúa chẳng xây nhà,



thợ nề vất vả cũng là uổng công”

(Tv 127, 1)

Qua phần thứ năm này, chúng tôi ngắn gọn bàn đến mối tương quan giữa Lectio divina và một số yếu tố của cuộc sống hằng ngày của ta như “mục đích của cuộc đời ta”, “ơn gọi”, “đời sống trí thức”, “đời sống thiêng liêng”, v.v... Như thế chúng tôi trả lời cho một số vấn nạn thực tiễn đụng chạm tới tâm trí ta khi ta thực hành Lectio divina. Phần này sẽ cho thấy sự phong phú của Lectio divina cũng như những ảnh hưởng khác biệt của Lectio divina và những dàn trải trong cuộc sống và hoạt động của ta. Ta sẽ nắm bắt được những ích lợi lớn lao và chỗ đứng quan trọng của Lectio divina trong cuộc sống hằng ngày. Dĩ nhiên, người đọc sẽ tùy nghi lưu ý hơn về một triệt nào đó tùy theo lợi ích cá nhân.

Lectio divina là một tuyên tín lớn của Chúa nơi con người, nơi trí thức của con người. Chúa cần tới những con mắt, những đôi tay của ta để nhìn xem, để yêu mến và để hành động trong thế giới. Như lời thánh Phaolô nói, Lectio divina cho phép ta là những “cộng sự viên” của Chúa trong công trình của Người. Lectio divina là một nhu cầu sống còn. Lectio divna là tiêu chí của cuộc sống, là thước đo phẩm chất cuộc sống. Lectio divina làm cho ta thành những con người kết liên với Chúa, thông hiệp trí thức với Người.

Nếu ta chú tâm đến sứ điệp Chúa gửi cho ta mọi ngày, và nếu ta chấp thuận dành cho Người giờ giấc và sự lưu tâm cần thiết, Người sẽ biến đổi cuộc đời ta. Ta hãy theo dõi những giải thích về những vấn đề đó trong cuộc sống hằng ngày.



I

LECTIO VÀ HAI LUẬT TÌNH YÊU

Hai luật tóm kết tất cả

Hai luật tóm kết tất cả Kinh Thánh, tất cả Lề Luật, tất cả các ngôn sứ. Mục đích của tất cả mọi sự. Chính trong hai luật này mà ta tìm gặp được tất cả. Thế mà Lectio divina cho phép ta phát triển trong việc chu toàn hai luật này. Chúa Kitô kết hợp hai luật của Người vào làm một luật duy nhất, luật của Người: yêu tha nhân như Người đã yêu ta. Lectio divina cho phép ta đi sâu vào những mầu nhiệm của hai luật này, của tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Lectio divina cho phép ta nhận biết Thiên Chúa và ngày lại ngày suy ngắm Người đã yêu thương ta thế nào.

Con hãy yêu mến Chúa hết lòng con”

Điểm đơn thuần mà Lectio divina nhắm tới, đó chính là “Điểm cao nhất của Kinh Thánh”142. Có được chính Thiên Chúa. Nếu sau những năm thực hành Lectio divina, chỉ một chữ, một câu cũng đủ cho ta, điều đó rất bình thường; lúc đó người ta luôn luôn có thể nếm hưởng sâu đậm hơn. Người ta cần ghi nhận rằng tất cả sứ điệp của Kinh Thánh, Lời mà Chúa muốn nói với ta mỗi ngày đều qui gom về một ít điều, về một sự. Thực ra vai trò của Kinh Thánh là như cầm tay dẫn ta đến sự viên mãn kết hiệp với Chúa chứ không phải là trực tiếp giải quyết những vấn đề vật chất. Ta có trí tuệ và ý kiến của những người khôn ngoan để tìm được những giải đáp trong tinh thần Phúc âm. Ngày kia có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh” (x. Lc 12, 13-14). Phản ứng của Chúa thật rõ ràng và dứt khoát. Người ta còn nghe được lời này: “Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18, 36). “Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống” (Rm 14, 17). Vậy chờ đợi Lectio divina cho những câu trả lời vật chất, đó không khác gì chiếm hữu Lời, đó không khác gì chẳng nắm bắt được mục đích của tất cả Kinh Thánh! Đó không phải là Thiên Chúa đứng ngoài cuộc sống thường ngày của ta, chính Người cũng đã nói dù các sợi tóc của ta thì cũng đã được đếm cả. Nhưng hướng đến nền tảng là sự thánh hóa ta: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1 Th 4, 3). Nếu không, sẽ là đổi hướng Lời của Chúa tách khỏi ý nghĩa và Thần Khí của chính Lời.

Qua Lectio divina, Chúa trao đổi với ta mỗi ngày để cho biết Người là ai. Người mở lòng Người cho ta và cho ta thấy được sự êm dịu và khiếm hạ của Người. Hoặc Người đốt nóng lòng ta bằng một lời, cho ta khám phá được ý nghĩa mới sâu xa làm cho ta đi vào trong con tim của Người. Ta hiểu hơn về lửa Người đem đến ném trên trái đất và ước mong của Người muốn ăn lễ vượt qua với ta (Lc 22, 15).
Con hãy yêu tha nhân”

Qua Lectio divina, Chúa đưa ta đi vào tình yêu Người dành cho ta, Người vén màn cho ta thấy điều Người làm cho ta. Nhờ Lời Người, Người cầm tay ta, và ngày lại ngày Người soi sáng trí tuệ ta và linh hoạt lòng muốn ta yêu mến, không phải bằng khả năng hạn hẹp của ta, nhưng theo Chúa Thánh Thần mà Người ban cho ta. Như thế ta khám phá được chiều sâu, chiều rộng và chiều cao của tình yêu Người dành cho ta. Ta đi vào trong mầu nhiệm của điều Người đã làm cho chúng ta trong Bữa Tiệc sau cùng, tại vườn Cây Dầu và trên Thánh Giá.

Khả năng yêu của ta từ đó được nới rộng. Chính nhờ sự liên lạc sống động với Chúa Kitô, luôn được Lectio divina gìn giữ, mà ta đi vào mầu nhiệm tình yêu của Người cho con người và ta học biết yêu mến họ bằng chính tình yêu của Người.

Thánh Phaolô, trong các thư viết trong tù, chỉ cho ta một sự hiểu biết mới và sâu về mầu nhiệm của Thân Thề Chúa Kitô hay của Chúa “Kitô Toàn Thể”, như thánh Augustinô đã nói. Đó là dấu chỉ của sự hiện diện của một chân trời mới đối với bác ái. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vào cuối cuộc sống ngắn ngủi của chị, đã nói rằng Chúa đã khai mở cho chị mầu nhiệm bác ái một cách mới mẻ. Và thánh Gioan đã cho ta biết tất cả những gì Con Người làm, ta cũng được mời gọi làm. Trong một ý nghĩa nào đó, điều này cho phép ta đọc lại Phúc âm của Người trên một bình diện khác: cũng như ta được mời gọi làm lại trong chính con người ta mầu nhiệm của Chúa Kitô cho các anh em của ta. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã có cái can đảm thánh thiện này là áp dụng cho mình những lời của Chúa Giêsu trong Phúc âm theo Gioan 17.

Nhờ Lectio divina, phương thế mạnh mẽ này giữ nối kết sống động và thường nhật với Chúa, ta được dẫn vào trong mầu nhiệm đối với tha nhân, vào trong mầu nhiệm của giới luật mới. Một giới luật không dò thấu và gây bối rối.

Chiều sâu của cuộc sống thiêng liêng

Thánh Phaolô nói về một bước tiến đến tuổi trưởng thành. “Về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Đức Ki-tô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi” (1 Cr 3,1-2). Nhưng những ai đã đạt tới sẽ đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa (x. Ep 3, 18-19). Thánh Gioan Thánh Giá cũng nhắc đến trích đoạn này nhưng dường như trong triệt 36 của Khúc Linh Ca thánh nhân đề nghị với con người đã tiến xa hơn nữa: “Ta hãy đi vào sâu hơn nữa trong chiều dày” của sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Ta hãy xét kỹ điều mà có thể trở thành hai giới luật cho những con người nhờ ánh sáng của Lectio divina.

Điểm cao nhất của Kinh Thánh”

Thánh Phaolô nhắc nhở ta: “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1 Th 4, 3). Nếu Lectio divina là sự tìm kiếm thánh ý Chúa, điều đó có nghĩa là chính Lectio divina dẫn ta đến sự thánh thiện. Và thánh thiện là gì nếu không phải là kết hiệp với Chúa! Vậy Lectio divina, như là một nhà giáo dục, cầm tay ta, dắt ta đến với Chúa. Nếu luật thứ nhất là yêu mến Chúa, thì Lectio divina giúp ta thực hiện điều đó: Chúa làm cho ta thành nơi Chúa ngự.

Trong ý nghĩa này ta có thể nói về Kinh Thánh như là một tùy thể143 chứa đựng một thực thể: Ngôi Lời. Thiên Chúa. Vậy theo một cách thế nào đó, Kinh Thánh không phải là một tuyệt đối. Kinh Thánh chứa đựng một thực thể (bản thể), có nghĩa là Ngôi Lời, là Lời, là Logos vĩnh cửu, và chính Người là Đấng ta muốn gặp được trong Kinh Thánh. Lectio divina có tác dụng dẫn đến Ngôi Lời. Lectio divina tự mình không phải là một mục đích.

Ta sẽ xem xét một số tác giả kitô giáo mà ba trong số các vị là các Giáo Phụ. Nhưng trước hết ta hãy khảo sát hai biệt tài lớn của Kitô giáo, Gioan và Phaolô, theo cách thế riêng của các ngài, đã tóm lược Phúc âm, Kinh Thánh. Thánh Gioan nói rằng tất cả trong Kinh Thánh đều dẫn tới tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Thực tế, Kinh Thánh được tóm kết như sau: “Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin” (kết luận thứ nhất của thánh Gioan: Ga 20, 31). “Và điều làm cho ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của ta” (1 Ga 5, 4). Đức tin ở đây đồng nghĩa với kết hiệp với Thiên Chúa. Thánh Phaolô tóm kết Kinh Thánh như sau: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô...” (1 Cr 2, 2), hoặc còn về bác ái: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1 Cr 13, 2).

Bây giờ ta xét xem mỗi người trong số các tác giả này theo cách riêng của mình bàn đến vấn đề tương đối của Kinh Thánh xét như là sứ điệp như thế nào.

Denys l’Aréopagite, chóp đỉnh của Kinh Thánh

Trong quyển sách La Théologie Mystique (Thần học thần bí), Denys l’Aréopagite cầu nguyện như sau: “Xin dẫn chúng con không chỉ duy bởi trên tất cả ánh sáng, nhưng còn trên ngay cả sự vô thức cho tới chóp đỉnh của Thánh Kinh thần bí, nơi đó những mầu nhiệm đơn thuần, tuyệt đối và không thể hư hoại của thần học được mạc khải trong Cảnh Tối chiếu sáng nhất của Cõi Thinh Lặng: chính trong Cảnh Tối thì cũng vẫn là quá ít nếu có quả quyết rằng nó chiếu sáng bằng loại ánh sánh chói lòa nhất trong lòng bóng tối thâm u nhất, và dù vẫn luôn hoàn toàn không đụng chạm tới được hoặc hoàn toàn không thấy được thì vẫn có thể quả quyết rằng Cảnh Tối này cũng chứa đầy ánh quang đẹp đẽ hơn cả nét đẹp của trí tuệ và biết làm cho những con mắt phải khép lại”144.

Ở đây dường như Kinh Thánh thông truyền chính Thiên Chúa! Không còn có vấn đề chú giải theo nghĩa thường hiểu – cho dù là theo các Giáo Phụ. Kinh Thánh, như là một bí tích cao siêu, ban cho ta chính Thiên Chúa. Từ đỉnh cao của Kinh Thánh ta thấy được “Tia sáng tăm tối của Siêu Bản Thể Thiên Chúa” (Noms Divins 1, 1). Tia Sáng siêu bản thể này chứa đựng tất cả vĩnh cửu, theo cách gọi quá hạn hẹp là “khôn tả”, tận cùng của tất cả mọi hiểu biết. Người Ta không thể suy tư, cũng không thể diễn tả, không thể hiểu biết được bằng bất cứ thị kiến nào vì nó tách biệt khỏi mọi sự vật (Cf. Ibid. 1, 4). Như vậy dường như nói rằng Tia Sáng này phát ra từ Kinh Thánh như từ một nhà tạm (nơi cất giữ Mình Thánh Chúa).

Denys mở cho ta một nhãn giới mới khi cho ta thấy rằng Kinh Thánh chứa đựng một Tia Sáng. Ông kêu gọi ta vượt qua những phương pháp chú giải của ta, cho dù sâu xa nhất, để trao mình cho chính Thiên Chúa và không gì ngoài Người. Đó chính là một dữ kiện ta ít quen thuộc và có lẽ mạc khải cho ta bí nhiệm sâu xa nhất của khoa chú giải. Sự diễn tả này của Denys thật quá ngắn. Tuy nhiên một hiểu biết tốt về thần bí145 có thể giúp ta hiểu điều ông nói hơn.

Như vậy Kinh Thánh được so sánh với ngọn núi cao phải trèo lên qua bốn nấc mà ta đã có dịp khảo sát và nấc cuối cùng đưa ta ngập chìm vào chính Thiên Chúa một cách vượt trên hết mọi hiểu biết. Chính ở đó, tại ngọn cao nhất của Kinh Thánh mà ta tiếp nhận được Tia Sáng siêu bản thể.

Thánh Augustinô,

đức ái con tim của Kinh Thánh

Thánh Augustinô thấy rằng tất cả Kinh Thánh nói về một điều, về tình yêu: yêu, yêu bằng một con tim thanh khiết... theo con tim của Chúa. Thánh nhân tóm kết tất cả Kinh Thánh trong một điều: “Từ tất cả những trang Kinh Thánh, không xuất phát ra điều gì khác ngoài đức ái”146. Thánh Augustinô dạy rằng Chính Kinh Thánh dẫn tới bác ái; nhưng không phải bất cứ thứ bác ái nào. Điều này cho ta liên tưởng tới điều thánh Gioan Thánh Giá giải thích về những đỉnh cao của cuộc sống thiêng liêng: “lửa, ánh hồng rực sáng”. Người Ta hiểu rằng Kinh Thánh rút lui trước thực tại mà Kinh Thánh dẫn tới: Thiên Chúa trong tâm hồn, yêu mình qua những tiếng rên nhiệm lạ. Đó là điều thánh nhân nói với ta: “Đối với ai muốn nói về bác ái, không còn cần phải chọn trang nào để đọc: mỗi trang mà anh em mở ra đều vang lên điều đó”. Thầy Chí Thánh làm chứng điều này, khi được hỏi để biết những giới luật nào lớn nhất trong Lề Luật, Người đã trả lời: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22, 36-39). Và “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Và để tránh không phải tìm kiếm điều gì khác trong các trang Sách Thánh, Người tiếp: “Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 40). Nếu đã như thế đối với “Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ”, thì lại càng như thế đối với Phúc âm.

“Về tất cả những điều chúng tôi đã khảo luận đến bây giờ, điều chính yếu là hiểu rằng “yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13, 10), tình yêu của Đấng Hiện Hữu mà ta phải vui hưởng và cũng vui hưởng với ta. Bởi vì đối với ai yêu mến thì không còn cần lề luật”147.

“Con người dựa vào đức tin, đức cậy, đức mến và quyết tâm tuân giữ thì chỉ cần đến Kinh Thánh để dạy bảo những người khác. Có không ít người sống ba nhân đức này trong cô tịch, chẳng có cuốn sách nào. Nơi những người này, dường như đã chu toàn điều được viết: “Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn” (1 Cr 13, 8). Trên những nền tảng như thế, toà nhà đức tin, đức cậy, đức mến đã được xây dựng. Có được sự sung mãn rồi, những người này chỉ làm những việc lành từng phần. Sự sung mãn, được hiểu là có thể đạt tới trong cuộc sống này, vì so sánh với cuộc sống mai sau, không cuộc sống nào của một người công chính và thánh thiện là trọn hảo”148.

Thực ra tất cả những gì tìm gặp trong kinh Thánh có thể tóm kết trong ba nhân đức đối thần: đức tin, đức cậy, đức mến. “Thánh Augustinô đã qui gom sự hiểu biết toàn thể Kinh Thánh vào ba nhân đức này”149. Tất cả thời Trung Cổ đã theo nguyên tắc giải thích này về Kinh Thánh150.

Thánh Thomas Aquinô, Luật mới

Trong “Trả lời” của II-IIae q. 106 a.1, thánh Thomas Aquinô nói: “Luật mới chính yếu (princi-paliter) là luật bên trong (nội tâm), còn những yếu tố phụ thuộc (secondario) là một luật được viết ra”. Và trong “ad.1” thánh nhân nói tiếp: “Chữ viết của Phúc âm chỉ bao gồm điều liên kết với ơn Chúa Thánh Thần theo cách thế xếp đặt chuẩn bị, hay như những qui tắc dùng ơn thánh này”. Chúa Thánh Thần là Lề Luật mới được viết trong lòng ta. Người là tâm điểm, là con tim của Kinh Thánh.

Qua vài ví dụ này ta hiểu hơn rằng ta được mời gọi đạt tới điểm mà chỉ cần một chữ cũng có thể đủ cho ta cầm trí và tìm gặp được điều chính yếu: Thiên Chúa. Ta hiểu rằng Lectio divina không phải là cái hộp chứa những giải đáp nhưng là bí tích của sự gặp gỡ Thiên Chúa, ta hiểu rằng, sau khi đã cầm lấy tay ta, Kinh Thánh dẫn ta lên Đỉnh Cao của Núi Nhận Thức Thiên Chúa.

Tình lớn nhất:
trách nhiệm của ta tăng triển

Càng tiến xa trong Lectio divina, ta càng biến đổi mình trong Thiên Chúa, ta càng nhận ra rằng Lectio không có đó để nói điều ta phải trả lời cho những câu hỏi, những vấn nạn nhất định. Một cách nào đó, tác dụng của Lectio divina là cho ta thấy tình yêu Thiên Chúa và cho ta biết Chúa Giêsu yêu thương ta như thế nào và Người khao khát ta như thế nào. Ta có thể hỏi: làm gì đây? Vâng, dâng hiến mình mọi ngày. Điều người ta làm, thì làm với tình yêu, tìm kiếm tuyệt đối. Điều quan trọng nhất đó là yêu mến Chúa Giêsu.

Tất cả ta đều qua Lectio divina tìm kiếm thánh ý Chúa và muốn biết phải làm gì với cuộc sống của ta. Nhưng nói rõ thêm một lần nữa, không phải là Lectio divina, như một bàn hỏi lời sấm (xin quẻ!), sẽ cho ta những chỉ điểm như ta mong đợi. Ta hãy hiểu điều này, con tim có nơi ở trên trời, và ta còn phải hoạt động với những dụng cụ của con người. Ta làm tốt trong tìm kiếm thánh ý Người và Người yêu mến ta vì điều đó. Nhưng ý Người muốn là ta tự do trong những hành động của ta, trong những quyết định của ta. Đấng Toàn Năng sử dụng toàn thể con người để ban phát tình yêu của Người, tuy nhiên Người để cho mỗi người cái tự do thực hiện theo khả năng và những quyết định riêng của họ. Lời kêu gọi của Người là lời kêu gọi đến vinh quang! Ta có trách nhiệm về những hành động của mình. Nếu ta muốn sử dụng thì hãy dùng những khả năng của mình và sử dụng chúng cách khôn ngoan.

Ta sẵn sàng chiến đấu thế nào để có cho được điều mình muốn? Ta có đi tới tận cùng trái đất để chiếm cho được điều mình muốn không? Chớ thì Chúa không ban cho ta những tư tưởng, những mơ ước, những ước muốn? Ta đã sử dụng những thứ đó ra sao? Ta đã được dìm trong Chúa và cuộc sống mới này cho ta quyền tin rằng những tư tưởng của ta và những ước muốn của ta đều chìm đắm trong Người. Thường thì ta tự trói buộc theo những ước muốn của mình. Tuy nhiên càng ước muốn ta càng được nhận lãnh151.

Thời tuổi thơ đã qua rồi, giờ đây ta phải hành động như những người lớn: làm những gì người ta biết làm và làm tốt, tự tin nơi mình, nơi sức lực của mình, ý muốn của mình, chọn lựa của mình và tình yêu của mình. Nói khôngkhông, Thiên Chúa không quyết định thay cho ta!

Ta Hãy xét xem các thánh sống loại liên hệ này với Chúa như thế nào. Điều này giúp ta hiểu điều ta có thể chờ đợi nơi Lectio divina.

Ta Hãy đọc trích đoạn thời danh của thánh Têrêsa Giêsu trong Đường Hoàn Thiện, trong đó thánh nữ mở ra cho ta thấy một khía cạnh kinh ngạc nơi Thiên Chúa: Thiên Chúa đối xử “rất thân tình đến độ, như có thể nói, cả hai ý muốn cùng làm chủ, cùng ra lệnh, Người làm theo ý linh hồn xin cũng như linh hồn làm theo lệnh Người truyền” (Đường Hoàn Thiện 32, 12 tr. 174; xin dịch lại theo bản tiếng pháp của Jean Khoury trích dẫn: “rất thân tình, đến độ không những Người để cho linh hồn sử dụng ý muốn của mình mà Người còn ban cho linh hồn ý muốn của chính Người; vì trong một tình nghĩa thiết rất sâu đậm, đôi khi Chúa hài lòng để cho linh hồn, đến phiên mình, điều khiển Chúa làm điều linh hồn xin Chúa cũng như linh hồn thực hiện điều Chúa xin linh hồn làm”).

Nơi thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, ta có những lời này là âm vang của Phúc âm: “Tất cả những gì các con xin Cha, nhân danh Thầy, Cha sẽ ban cho các con”! Vậy con chắc chắn rằng Chúa sẽ nhậm lời những ước vọng của con; con biết như thế, ôi lạy Chúa Trời của con! Chúa càng muốn cho thì Chúa lại càng làm cho con ao ước” (Pri 6, 2ro). Hoặc: “Người luôn ban cho em điều em ước muốn hoặc đúng hơn Người luôn làm cho em ao ước điều Người muốn ban cho em” (Ms C 31ro). Ta cũng thấy nơi thánh Gioan Thánh Giá cũng một loại năng động này: “Tâm hồn càng ước muốn, lại càng nhận được: (II MC 7, 2) và “Người càng muốn cho, càng làm cho người ta ước muốn” (Lettre du 8/7/1589).

Như thế ta có quyền đặt cho mình câu hỏi: đạt tới một giai đoạn tiến sâu trong thông hiệp với Chúa, phải chăng ta có nguy cơ đứng trước một ngõ cụt không lối thoát? Có nghĩa là, nếu từ khởi đầu ta có cảm tưởng là Lectio divina đem đến cho ta những chỉ dẫn chính xác trong cuộc đời ta, càng tiến xa, ta càng bị để cho chính ta chọn lựa điều phải làm! Ta nghĩ rằng mình hoàn toàn ở trong đêm đen. Đúng và không đúng. Ý thức trách nhiệm phát triển như ta đã thấy trên kia và ta trải nghiệm Chúa làm cho ta thành những bạn hữu. Với các bạn hữu, từ nay Chúa nói tất cả. Bây giờ đến lúc các bạn hữu, như là tiếp nối thân xác của Người trên thế gian, phải chọn lựa và lấy những quyết định xứng hợp. Người không còn đó bên cạnh họ để chỉ cho họ việc phải làm, tuy nhiên vẫn ở trong họ, sống động và tác động trong họ một cách không cảm nghiệm thấy, điều này gây ấn tượng là mình bị phó mặc cho chính mình, không còn có một chỗ dựa nào từ bên ngoài đến từ Lời của Chúa, như một chỉ dẫn chắc chắn về điều phải làm. Người bạn biết và từ nay phải hành động với tư cách là người thứ nhất. Anh không thể có một sợ hãi nào. Anh biết bạn mình và biết mình được huấn luyện tại trường của bạn mình. Từ nay môn đồ là như Thầy, chính mình phải tiến ra xa, đi trên mặt nước.

Khi đó, Lectio divina đem lại điều gì trong lúc này? Trước hết, Lectio divina nhắc nhớ rằng Ơn Cứu Độ lệ thuộc ta. Sự cứu rỗi nhận được đã hoàn tất trên Thánh Giá chờ đợi ta cộng tác để có thể ban cho người khác. Lectio divina luôn cho thấy một cách thấm thía ta được cứu rỗi như thế nào do ý muốn con người của Chúa Giêsu và ý muốn này của Người là quyết định. “Cha đã ban cho con một thân xác và con đã thưa: này con đến thi hành ý Cha”. Cũng thế, người môn đệ, nhờ Lời được tiếp nhận mỗi ngày, nhận thức rằng mình tháp nhập vào nhân tính của Chúa Kitô và mình phải tiếp nối công việc của Người cho việc cứu rỗi. Tiếp đến, Lectio divina, không là một sấm ngôn về điều phải làm, luôn tiếp tục giáo huấn người môn đệ, soi sáng anh, củng cố anh trên đường anh đi và nhất là chỉ bảo cho anh biết điều chính yếu: lửa củaTình yêu, sự hiến thân mình. Nó không là rào cản để anh không phạm sai lầm, nhưng là một lực đẩy khuyến khích anh hiến thân mình và sống khiêm tốn. Tự hiến thân mình, vâng, nhưng trọn vẹn. Lectio divina kích động mỗi ngày. Tuy nhiên Lectio divina không hứa không sai lầm, mà luôn dẫn tới khiêm tốn và liên quan tới điều kiện của con người. Lectio divina luôn đưa tới tin tưởng và từ bỏ. Tình yêu trọn vẹn thấm nhập như thế vào cuộn sóng của tin tưởng và từ bỏ giúp anh luôn vượt qua chính mình để hướng tới những bắt đầu mới.


Không có tình nào lớn hơn”

Cụ thể, Lectio divina làm cho người môn đệ đạt tới những đỉnh cao của tham dự vào cuộc Khổ Nạn. Cũng như tất cả các thánh, Lời thức tỉnh anh mỗi ngày và nhắc nhở anh đỉnh cao của bác ái.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, về cuối đời, nói rằng Chúa mở ra cho chị bác ái một cách mới mẻ. Phải chăng điều đó nói rằng chưa bao giờ chị đã thực hành bác ái? Không. Tuy nhiên có những cấp độ và chị cho ta thấy trải nghiệm của riêng chị luôn được Lời Chúa soi sáng.

Khoa học của bác ái hay của cứu rỗi nhân loại là một khoa học sâu xa mà người môn đệ được dẫn đưa vào. Từ nay được đặt trong trục của nhân tính Chúa Kitô, người môn đệ được mời gọi làm điều Chúa đã làm. Chắc hẳn người môn đệ vẫn luôn còn là một tạo vật, và ngay cả dù là một tạo vật thánh thiện nhất trong các tạo vật cũng vẫn luôn khác với Ngôi Lời Nhập Thể, nhưng dẫu vậy vẫn có một bí nhiệm mà người môn đệ được dẫn vào. Theo Thầy mình, và trong Người, như thánh Phaolô, người môn đệ làm trọn trong thân xác mình điều còn thiếu trong cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô trong Thân Thể Người.

Lectio divina trao ban những sâu nhiệm mới không thể nghi ngờ được của Lời Chúa. Hãy lấy một ví dụ: ví dụ của Phúc âm thánh Gioan. Phúc âm này cống hiến những trang đọc trên cấp độ cao sâu hơn, cấp độ đọc của người thứ nhất, của Con Người. Người đọc Phúc âm, thay vì ở trong tư thế của người đọc những dấu chỉ được Chúa Giêsu thực hiện để tỏ bày thiên tính của Người, thì từ nay trong tư thế của người ủy thác cho mình sứ mệnh noi theo gương của Người – chiều sâu chưa từng nghe và trách nhiệm không kém quan trọng trước sự cứu rỗi của những người khác.

Lectio divina, giống như Chúa Thánh Thần, trao người nghe mình (Lời Chúa) cho con người, như Chúa Giêsu đã thực hiện, để cứu rỗi họ. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”152 (Ga 15, 13).



tải về 1.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương