ĐỀ CƯƠng tuyên truyền phong trào khởi nghĩa n’trang lơng (1912 1936) LỜi nóI ĐẦU



tải về 165.4 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích165.4 Kb.
#12703
  1   2   3


ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

PHONG TRÀO KHỞI NGHĨA N’TRANG LƠNG (1912 - 1936)
LỜI NÓI ĐẦU

Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước và đấu tranh chống giặc ngoại xâm bất khuất, kiên cường. Truyền thống đó càng được đẩy lên cao độ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam năm 1858, từ đây các phong trào chống Pháp nổ ra mạnh mẽ từ miền xuôi đến miền ngược tiêu biểu là phong trào Cần Vương, các cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Bãi Sậy, Ba Đình… đã lập nhiều chiến công hiển hách, giáng những đòn trí mạng vào đội quân xâm lược của thực dân Pháp. Đối với khu vực Tây Nguyên, khi thực dân Pháp đem quân xâm lược vùng đất này nhằm đặt ách cai trị ở đây đã vấp phải cuộc chiến đấu anh dũng, ngoan cường của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó, đặc biệt nhất là phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử các dân tộc Đông Dương nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng. Người anh hùng N'Trang Lơng với chiến thắng Bu Nor - Bu Mêra vang dội vào tháng 7-1914 đã làm cho phong trào phát triển, giải phóng một vùng Cao nguyên rộng lớn khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp trong nhiều năm, đồng thời cũng là niềm tin cổ vũ cho các phong trào cách mạng ở Trường Sơn suốt thời kỳ Pháp thuộc. Với tầm vóc lịch sử của phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng, năm 1964, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Bu Nor - Bu Mêra tại thủ đô Hà Nội, nhằm phát huy truyền thống bất khuất của các dân tộc Tây Nguyên, cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Với những ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn đó, nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông hiểu sâu sắc về thân thế, sự nghiệp của anh hùng N'Trang Lơng và những chiến công oanh liệt, truyền thống đấu tranh bất khuất của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Nông trong suốt chiều dài ¼ thế kỷ (từ năm 1912 đến năm 1936) do anh hùng N'Trang Lơng lãnh đạo, gắn liền với cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng dân tộc Việt Nam, đồng thời hướng tới kỷ niệm 100 năm phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912 – 2012) trên mảnh đất Đắk Nông giàu truyền thống cách mạng. Trên cơ sở Ấn phẩm lịch sử Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912 – 1936) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên tập: “Đề cương tuyên truyền phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912 – 1936)” nhằm phục vụ cho Cuộc thi tìm hiểu “100 năm Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng”, đồng thời góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống đoàn kết, tinh thần cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tích cực tham gia góp sức xây dựng tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, cùng chung sức, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh quyết tâm xây dựng quê hương Đắk Nông giàu mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

NỘI DUNG

Phần 1. BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN BÙNG NỔ CUỘC KHỞI NGHĨA.

I. VÀI NÉT VỀ TÂY NGUYÊN TRƯỚC KHI THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC.

Tây Nguyên là một vùng cao nguyên lớn nằm ở phía Tây miền Nam Trung Bộ, với diện tích khoảng 8 vạn cây số vuông, bằng ¼ diện tích toàn quốc. Tây Nguyên có các cao nguyên chính là cao nguyên Pleiku, Đắk Lắk, M’Nông, Langbiang và Di Linh. Riêng hai cao nguyên Pleiku và Đắk Lắk là nơi có nhiều vùng đất đai rộng và bằng phẳng rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, vì thế, đây là nơi tập trung nhiều đồn điền chè, cà phê, cao su của thực dân Pháp. Tây Nguyên là vùng kinh tế giàu về tài nguyên, đất đai, nhân lực, có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, có mối liên hệ chặt chẽ, thuận lợi với các tỉnh ven biển miền Trung, Đông Nam bộ và mở rộng ra các nước khu vực Đông Nam Á, trước hết là Lào và Campuchia.

Sau khi chiếm được vùng đồng bằng Nam Trung Bộ, thực dân Pháp đưa quân tiến sâu vào vùng Tây Nguyên để đàn áp, cai trị các dân tộc thiểu số. Lúc này, xã hội Tây Nguyên nói chung vẫn đang ở trong giai đoạn tan rã của chế độ thị tộc bộ lạc. Nhưng trong những vùng nhất định, tuỳ theo điều kiện lịch sử và kinh tế, sự phát triển xã hội trong các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng hoàn toàn không giống nhau. Cho đến đầu thế kỷ XIX, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, các bộ lạc Tây Nguyên ở các vùng trên vẫn tồn tại một cách độc lập. Đại bộ phận các bộ lạc đều sống tự do, bình đẳng với những quan hệ dân chủ trong các công xã nguyên thuỷ và những tù trưởng địa phương của mình. Nhà nước phong kiến Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ cũng không đủ sức đặt được sự kiểm soát của mình ở các vùng Tây Nguyên. Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, với chính sách “ràng buộc”, các vua chúa phong kiến đã dần dần đặt được mối quan hệ giữa triều đình với một số tù trưởng các dân tộc Ê đê, Ba Na… Các tù trưởng trên, hàng năm đều chịu triều cống triều đình Việt Nam và được triều đình thừa nhận quyền thống trị địa phương để họ trấn yên biên cảnh, giữ vững miền trung châu. Giai đoạn này, giai cấp phong kiến ở Thái Lan và Lào đã nhiều lần âm mưu thôn tính các dân tộc Tây Nguyên và bành trướng thế lực đến các vùng giáp trung châu. Để bảo vệ cuộc sống độc lập của mình, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cùng với các tù trưởng của họ đã đánh bại những hành động xâm lược của ngoại xâm.

II. THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC VIỆT NAM VÀ ÂM MƯU CỦA CHÚNG ĐỐI VỚI TÂY NGUYÊN.

1. Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và Tây Nguyên.

Thực dân Pháp chiếm Việt Nam và các nước Đông Dương vào nửa sau thế kỷ XIX, khi chế độ phong kiến trong vùng đã trở nên suy yếu. Triều đình phong kiến nhà Nguyễn từ chống trả yếu ớt đến nhượng bộ đầu hàng, thừa nhận nền bảo hộ của Pháp.

Giữa năm 1889, tình hình ở miền đồng bằng Nam Trung bộ đã tương đối ổn định, việc chiếm đóng miền Bắc Tây Nguyên cũng đã hoàn thành, thực dân Pháp liền quay mũi súng xuống đánh chiếm các vùng Nam Tây Nguyên. Giặc Pháp chia ra làm nhiều cánh quân từ đồng bằng Nam Trung bộ thọc sâu vào cao nguyên Đắk Lắk, Lâm Đồng, đồng thời nhiều cánh quân khác xuất phát từ miền Bắc Tây Nguyên đánh thốc xuống chiếm đóng Nam Tây Nguyên. Cuối năm 1889 đầu năm 1890, thực dân Pháp sau khi chiếm được những địa điểm quan trọng ở Nam Tây Nguyên, chúng liền tăng cường bắt xâu thuế, mở rộng căn cứ và củng cố lực lượng ở vùng này, đồng thời nhanh chóng thực hiện các chính sách bóc lột và cai trị đối với đồng bào Tây Nguyên.

Về kinh tế, việc đầu tiên của chúng là phát triển những đồn điền trồng cà phê, chè, cao su… và mở mang đường sá nối liền giữa các vùng với mục đích phục vụ cho quân sự. Bên cạnh việc cướp đất lập đồn điền, bắt xâu phục dịch, xâu thuế không ngừng tăng và thực dân Pháp còn đặt ra nhiều loại thuế khoá như thuế voi, thuế đất, thuế súc vật, thậm chí cả thuế thân, thuế nóc nhà và bắt đồng bào phải nộp, ngày càng trở thành xiềng xích cột chặt người dân miền rừng núi này vào các đồn điền và các công trường làm đường sá, đồn bốt của bọn thực dân, đẩy các dân tộc đến cảnh nghèo đói, bệnh tật.

Về quân sự, âm mưu của Toàn quyền Đông Dương - Đume là thành lập những lực lượng vũ trang người bản địa làm công cụ đàn áp cách mạng và làm bia đỡ đạn cho chúng khi chiến tranh xảy ra. Chính sách bắt lính và chế độ xâu thuế của Đume, đã cướp đi số lao động khỏe nhất của các dân tộc miền sơn nguyên Nam Đông Dương, là nguyên nhân chủ yếu đẩy các dân tộc vào cảnh "bị nhổ bật ra khỏi nương rẫy, đi đến cảnh bần cùng, nhiều khi là nạn đói và nguy cơ của một nạn diệt vong dân tộc".

Về chính trị, năm 1899, viên quan cai trị Bourgeois đã thành lập khu vực Ban Don với mục đích làm thí điểm trong công cuộc bình định Cao nguyên Trung phần. Chủ trương, chính sách cai trị của Pháp tại Cao nguyên nhằm ngăn cấm đến mức tối đa sự tiếp xúc liên lạc giữa người sơn cước Việt Nam và người đồng bằng; nắm độc quyền khai thác Cao nguyên bằng cách tập trung mọi nỗ lực vào trong tay những vị đại diện chính thức của Pháp; tách Cao nguyên ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Về văn hoá, giáo dục - y tế, thực dân Pháp thực hiện chính sách “ngu dân” để hòng dễ cai trị vùng Tây Nguyên. Dưới chiêu bài “bảo vệ và phát triển các chủng tộc Thượng”, hoặc “không đụng chạm đến văn hoá bản địa”, thực dân Pháp đã tạo điều kiện duy trì và khuyến khích phục hồi những hủ tục, mê tín dị đoan trong nhân dân. Về y tế, việc điều trị chỉ được tiến hành nhỏ giọt ở thị xã, thị trấn. Như ở tỉnh Kon Tum, đến năm 1928, bệnh viện chỉ có 1 y sĩ, 1 hộ sinh và 47 giường bệnh, không thể giải quyết cho 36.357 lượt người đến khám chữa bệnh.

Cùng với những chính sách cai trị dã man, chế độ sưu cao, thuế nặng, áp bức bóc lột tàn nhẫn, thực dân Pháp đã biến những người dân chất phác, hiền lành thành nô lệ, phục vụ cho công cuộc khai thác Tây Nguyên của tư sản Pháp.

Chính sách của Pháp đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của các dân tộc trên toàn miền sơn nguyên, các dân tộc miền sơn nguyên Nam Đông Dương đã nổi dậy lẻ tẻ, hoặc liên minh phối hợp với nhau vùng lên chống lại bọn xâm lược, đánh vào các đồn bốt và các cuộc hành quân của giặc; chống thuế, chống xâu, hay lánh cư, bất hợp tác, không phục tùng.

2. Những cuộc đấu tranh đầu tiên của đồng bào dân tộc Tây Nguyên chống Pháp đầu thế kỷ XX.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên phải chịu chung ách thống trị, bóc lột của thực dân Pháp như mọi dân tộc, tầng lớp nhân dân Việt Nam. Ngoài ra, đồng bào nơi đây còn chịu nhiều áp bức bóc lột nặng nề khác. Vì vậy, cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập tự do của nhân dân Tây Nguyên đã bùng lên mạnh mẽ.

Ở Trung Trường Sơn - Tây Nguyên, năm 1900, đồng bào Ba Na và Chăm Hroi huyện Đồng Xuân tham gia đông đảo cùng nghĩa quân Võ Trứ đánh vào Sông Cầu, sau đó tham gia đội nghĩa quân của Đế Nam, người kế tục Võ Trứ. Năm 1902 - 1903, ở An Khê, cuộc nổi dậy của Thăng Mơ bao trùm nhiều làng Ba Na trong khu vực. Từ năm 1889 đến năm 1905, dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh Ama Wal, Ama Khơl, Ama Jhao, N’Trang Gưh, P'tao Pui, Ol Mai, Đi Phai... hai dân tộc Ê đê và Gia rai liên tục nổi dậy chống thuế, chống xâu, chống bắt phu, cướp đất làm đường. Cuộc nổi dậy của N’Trang Gưh, người Bih chống tên công sứ Buốcgioa (Bourgedis) là một cuộc đấu tranh vũ trang lớn (1900-1914). Cuộc nổi dậy của P'tao Pui, người Giarai, năm 1904, giết tên quan cai trị Ođăngđan (Odend'hal) đã gây một chấn động lớn trong chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Công sứ Bacđanh (Bardin) ở Đắk Lắk và tên giám binh Vanhxilioni (Vincilion) đã huy động hơn 500 tên lính khố xanh và dân vệ đến để đàn áp. Henri Maitre cho biết đến năm 1912, diễn ra cuộc khởi nghĩa N'Trang Lơng, người Êđê vẫn chưa nộp cho Pháp một xu thuế. Ở miền núi Đông Nam Kỳ, người S’Tiêng vẫn chống lại những cuộc xâm nhập của Pháp.

Tổng kết tình hình miền sơn nguyên Nam Đông Dương từ cuối thế kỷ XIX, khi tên Toàn quyền Đông Dương - Đume ra lệnh chính thức tiến quân xâm lược đến năm 1911, khi Henri Maitre, tên quan cai trị đã được giao nhiệm vụ chính thức xâm nhập cao nguyên M'nông, đã buộc phải thốt lên rằng: "Nhiều đồn bốt mọc lên, nhiều tỉnh được thành lập, nhưng rồi nhiều cái đã tan biến...". "Có những người Pháp dũng cảm vẫn dấn thân đi vào đó (miền sơn nguyên Nam Đông Dương), nhưng đã được đón tiếp bằng những trận mưa tên”.



III. N’TRANG LƠNG VÀ BƯỚC ĐẦU HÌNH THÀNH CUỘC KHỞI NGHĨA CHỐNG PHÁP TRÊN CAO NGUYÊN M’NÔNG.

1. Vài nét về đồng bào M’Nông, S’Tiêng trên cao nguyên M’Nông Đắk Lắk.

Từ lâu đời, cao nguyên M’nông đã là quê hương của hai dân tộc M'Nông và S’Tiêng. Một dân tộc chia thành nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm có một địa vực cư trú riêng. Người S’Tiêng chia thành hai nhóm Bu Lơ và Bu Đeh, phân bổ từ miền lưng chừng sườn phía Nam cao nguyên (Bu Lơ) đến miền đất cao kế cận thuộc Đông Nam Kỳ (Bu Đeh). Người M’Nông phân bố trên phần còn lại của cao nguyên, gồm các nhóm Biêt, Bu Nor, một bộ phận nhóm Rơhong phân bổ trên đất Campuchia, các nhóm Nông, Prông, Preh và một bộ phận nhóm Rơhong phân bổ trên đất Việt Nam. Người M’Nông cư trú chủ yếu trên một vùng đất khá bằng phẳng của cao nguyên Đắk Lắk và Đắk Nông ngày nay, địa hình khá bằng phẳng, hơi lượn sóng, xen kẽ với các thung lũng, nhiều sông suối, hồ đầm, chung quanh bao bọc bởi núi cao… Địa bàn cư trú của người M’Nông là những cánh rừng tự nhiên mênh mông, nơi cung cấp lương thực, thực phẩm dồi dào cho nhu cầu hàng ngày của đồng bào như: măng, nấm, rau rừng, tôm cá trong các khe suối, các loài chim, thú đa dạng. Đặc biệt, từ xa xưa, người M’Nông đã có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, biến chúng thành voi nhà, một phương tiện vận chuyển thuận lợi của đồng bào. Không chỉ có mối quan hệ vật chất với rừng, người M’Nông từ xa xưa đã tự nhiên hình thành mối quan hệ tinh thần, mối quan hệ văn hoá với rừng; rừng là mái nhà che chở, bao bọc người M’Nông, là nơi ở của các vị thần linh mà người M’Nông có thể khẩn cầu sự giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Có thể nói, tuy dân số không nhiều, song người M’Nông đã khẳng định một vị trí khá đặc biệt của mình bởi một nền văn hoá phong phú, đa dạng, truyền thống lịch sử đấu tranh kiên cường, bền bỉ với những phong trào đấu tranh chống xâm lược, giành và giữ nền độc lập cho dân tộc.

Người M’Nông và người S’Tiêng là hai dân tộc láng giềng gần gũi từ lâu đời, là hai dân tộc anh em có quan hệ nguồn gốc lịch sử nói chung, đến thời kỳ Pháp thuộc vẫn cùng một giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Ngôn ngữ M’Nông và ngôn ngữ S’Tiêng đều thuộc ngữ hệ Môn - Khơ Me, cùng tộc hệ ngôn ngữ với các dân tộc như Mạ, Cơ Ho, Ba Na, Xơ-đăng v.v... Đối với đồng bào M’Nông, trong quá trình lịch sử và cuộc sống hằng ngày, họ đã sáng tạo ra được một số loại nhạc cụ độc đáo: bộ gõ có đàn chiêng (cĩng), trống (Ding Gơr), đàn môi (guốc). Truyền thống văn hoá đồng bào dân tộc M’Nông hết sức đặc sắc, gắn với hệ thống nghi lễ - lễ hội, liên quan chặt chẽ đến hệ thống thần linh và tín ngưỡng đa thần. Đặc biệt, đồng bào M’Nông và S’Tiêng luôn giữ được truyền thống bình đẳng, dân chủ, tương thân, tương trợ, tính cố kết cộng đồng.

2. Phái bộ Henri Maitre, âm mưu và tội ác đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Thực hiện kế hoạch đặt ách cai trị lên vùng đất phía Nam Tây Nguyên, thực dân Pháp tiếp tục đem quân tiến vào cao nguyên M’Nông. Cuối năm 1908, "Phái bộ khảo sát - hành chính Đông Cao Miên" được thành lập. Henri Maitre được chỉ định cầm đầu phái bộ này. Nhiệm vụ của Henri Maitre là trong hai năm 1909-1910 phải hoàn thành điều tra khảo sát toàn bộ cao nguyên M'Nông và đặt được ở đây một nền móng ban đầu cho chính quyền thực dân Pháp. Ban đầu, Henri Maitre chỉ có trong tay một lực lượng bảo an và khố xanh nhỏ gồm 9 tên, nhưng con số đã nhanh chóng tăng lên đến một trung đội rút từ Buôn Ma Thuột và Xrây Ktum. Để thành công trong chính sách nô dịch và bóc lột các dân tộc, hắn chủ trương thực hiện một phương sách hành động kết hợp mị dân với bạo lực, lấy bạo lực làm chủ yếu. Khi Henri Maitre kéo quân vào cao nguyên M'Nông, cao nguyên này đã nằm lọt trong một vành đai đồn bốt dựng lên từ trước. Chính với những lực lượng vòng trong vòng ngoài này, trong hai năm 1909-1910, Henri Maitre đã tung hoành khắp cao nguyên M'Nông thu thập tài liệu và tìm cách nắm dân. Tháng 6-1910, Henri Maitre tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sự thành lập hạt đại lý Pu Sra tháng 9-1910 và việc Henri Maitre được cử làm đại lý hạt hành chính này được bọn cầm quyền chóp bu ở Đông Dương coi là một thắng lợi to lớn của cuộc tiến quân vào cao nguyên M'Nông. Nhưng đối với người dân trên cao nguyên M'Nông thì đó là kết quả của trăm nghìn hành động tàn bạo của Henri Maitre đối với đồng bào, là nguyên nhân buộc hắn phải đền tội năm 1914.

Sáu năm Henri Maitre có mặt trên cao nguyên M'Nông (1909-1914) là những năm hắn gây ra những tội ác chồng chất, khủng bố giết chóc những người chống lại hắn, đàn áp buôn làng họ; vơ vét, cướp bóc lương thực, xâu thuế nặng nề, hà hiếp dân của bọn tay chân của hắn. Căm phẫn trước những tội ác chồng chất đó, nên khi N'Trang Lơng lãnh đạo phong trào nhân dân nổi dậy đánh đồn Pu Sra đã có mấy chục làng M'Nông Biêt và Bu Nor tham gia hưởng ứng. Sau đó, một phong trào chống Pháp dấy lên rầm rộ khắp cao nguyên, lan xuống đến vùng S’Tiêng; vai trò là ngọn cờ chống Pháp trên cao nguyên đã được hai dân tộc M'Nông và S’Tiêng trao cho người anh hùng N'Trang Lơng.

3. N'Trang Lơng và cuộc chiến đấu giải phóng quê hương.

N'Trang Lơng1 sinh khoảng năm 1870, mất ngày 23 tháng 5 năm 1935, gốc là người M'Nông Biêt. Vợ ông, bà Lal, cũng là người M'Nông Biêt, theo tập tục dân tộc M'Nông, ông đến ở rể tại quê bà, một làng M'Nông Biêt - làng Bu Par, dưới chân núi Đrônh, ăn nước Đăk Đưr chảy xuống sông Prêk Tê, cách Pu Sra khoảng hai ngày đường về phía tây - bắc.

N'Trang Lơng và bà Lal có với nhau bốn người con, người con gái đầu lòng tên là Trang, sau Trang là hai con gái: Hplang, Phiang và một trai Rkang. Ông bà là người làm ăn cần cù, giỏi giang nên kinh tế khá giả, đời sống gia đình vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng rồi tai họa đã ập đến tổ ấm gia đình ông bà từ đồn Pu Sra, mùa khô 1910-1911, vợ ông và Trang bị lính của Henri Maitre hãm hiếp. Để trả thù nhà, N’Trang Lơng bắt bọn chúng phải đền tội thì Henri Maitre tấn công vào làng của ông, bắt và tra tấn dã man bà Lal và Trang rồi bỏ chết đói. Giữa mùa khô sau đó, vào đầu năm 1912, ông nổi dậy trả thù nhà, tiêu diệt đồn Pu Sra thì Henri Maitre lại mở chiến dịch đàn áp khốc liệt cuối mùa khô 1912-1913, đốt sạch, phá sạch tài sản gia đình ông, dồn ông vào cảnh vong gia bại sản. Từ đó, ba người con còn lại của ông cũng bị đẩy vào cảnh phiêu bạt rồi mất tích. Đời vợ sau của ông là bà Pang, một bà góa có một con, gốc R’Hong, quê ở Bu Rơlâm, một làng R’Hong trước kia ở trên đầu nguồn sông Prêk Chlong, nhưng sau nhiều lần du canh du cư đã đến cắm tại hữu ngạn trung lưu sông Đăk Huich. Đầu năm 1913, khi bị Henri Maitre truy lùng ráo riết nhằm trả thù trận ông đánh sập đồn Pu Sra của hắn, N’Trang Lơng cùng một số nghĩa quân đã chuyển vùng đến nguồn Đăk Huich để lánh giặc, đồng thời gây dựng cơ sở mới, bắt nối lại phong trào ở vùng này. Ông đã gặp bà Pang và làm bạn với bà trong khoảng thời gian này. Từ khi quê hương được giải phóng, ông về ở hẳn với bà ở Bu Rơlâm và làm đầu làng của làng này. Đến khi ông cầm súng lên đường đi đánh Pháp xâm lược trở lại cao nguyên, bà đã đi theo ông, trở thành người bạn chiến đấu của ông. Đến khi ông ngã xuống trước họng súng của quân thù tại Bu Par, bà đã hy sinh bên cạnh ông.

Vị đầu làng Bu Par N'Trang Lơng bước vào lịch sử giữa mùa khô 1911-1912, năm ông khoảng 40 tuổi. Từ đó, ông hiến dâng tất cả những năm tháng của đời mình cho cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp. Ngay cả trong những năm dài quê hương được giải phóng, tuy trở lại với cuộc sống bình thường của một người đầu làng nơi quê hương vợ, nhưng từng lúc, từng nơi, khi tình hình cuộc chống Pháp lấn chiếm cao nguyên trở lại đòi hỏi, ông vẫn có mặt ở vị trí cần thiết, làm nhiệm vụ của người thủ lĩnh phong trào. Như vậy, N'Trang Lơng là một tấm gương tiêu biểu nhất về tinh thần thiết tha yêu quê hương, về chí căm thù giặc Pháp xâm lược sâu sắc, về lòng dũng cảm và ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ cuộc sống độc lập và tự do của quê hương trong lịch sử chống Pháp ở miền sơn nguyên Nam Đông Dương. Dân tộc M'Nông rất tự hào về người thủ lĩnh của mình. Từ năm 1912 khi ông mới đứng lên cho đến khi ông phải dừng chiến đấu vào tháng 5-1935, lớp lớp người đầu làng M'Nông, S’Tiêng đã kế tiếp nhau đứng lên chiến đấu dũng cảm, ngoan cường.



Phần 2. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA CUỘC KHỞI NGHĨA N’TRANG LƠNG (1912 - 1936).

I. GIAI ĐOẠN KHỞI PHÁT CỦA CUỘC KHỞI NGHĨA N’TRANG LƠNG (1912-1913).

Bước vào những năm cuối thập kỷ 1910, khi tiếng súng của phong trào Cần Vương đã không còn, hầu hết các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã lần lượt thất bại. Trong khi đó, điểm nóng nhất của các phong trào chống đối cùng thời nhưng nằm ngoài phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, cũng đang trải qua những đêm cuối cùng (cuộc khởi nghĩa chấm dứt vào tháng 2-1913, khi Hoàng Hoa Thám hy sinh). Lúc này, ở vùng Cao nguyên M'Nông, dưới sự lãnh đạo của N’Trang Lơng, cuộc khởi nghĩa của đồng bào M'Nông, S’Tiêng bước vào giai đoạn khởi phát với trận mở đầu đánh vào đồn Pu Sra của Pháp.

N’Trang Lơng cùng các thủ lĩnh tiến hành xây dựng căn cứ địa kháng chiến tại thung lũng rừng già Bu Siết (tức Bu Jeng Kiet hay Bu Jang Chet) giáp ranh với Bu N’Drung ở thượng nguồn suối Buk Xô thuộc núi Nâm Nung. Đây là cơ quan đầu não của nghĩa quân, với lực lượng từ 150 – 170 tay súng thóat ly buôn làng. Phần lớn nghĩa quân là người M’Nông Biêt và M’Nông Nông do N’Trang Lơng trực tiếp chỉ huy. Họ xây dựng lán trại, kho lương, nhà chứa vũ khí, đào hầm, cắm chông gài bẫy xung quanh căn cứ. Bên cạnh căn cứ là những nương rẫy trồng lúa, bắp, khoai của nghĩa quân. Bên cạnh N’Trang Lơng - vị thủ lĩnh tài ba, trong hàng ngũ nghĩa quân, còn có những thủ lĩnh khác như B’Heng Reng, R’Đing, R’Ong Leng, N’Xinh. Họ là những thủ lĩnh yêu nước, là những cánh tay đắc lực của N’Trang Lơng.

Trong quá trình chiến đấu chống thực dân Pháp, hầu hết người M'Nông, S’Tiêng tích cực tham gia cuộc chiến chống kẻ thù chung dưới sự lãnh đạo của N’Trang Lơng. Nếu tính trung bình mỗi buôn có khoảng 10 người tham gia nghĩa quân thì có thể ước tính lực lượng trực tiếp chiến đấu của N’Trang Lơng khoảng gần 5.000 người. N’Trang Lơng đã phiên chế lực lượng này thành hai loại: lực lượng trong buôn và lực lượng ra rừng ; ngoài ra còn có một lực lượng đặc biệt làm công tác tuyên truyền và thám báo. Về vũ khí, ngoài cung, tên, giáo, mác, rìu, xà gạc, thuẫn, dao găm, nghĩa quân chủ lực còn có súng kíp, súng mút cơ tông lấy được của Pháp. Xung quanh căn cứ và trên những con đường địch hay di chuyển, nghĩa quân bố trí các loại bẫy, chông lợi hại nhằm tiêu hao sinh lực của chúng. Ngoài nghĩa quân chủ lực, các thủ lĩnh khu vực thường điều động nghĩa quân địa phương của các buôn đi chiến đấu. Họ được trang bị vũ khí tự có và được N’Trang Lơng phân phát thêm súng tịch thu của giặc Pháp.



1. Trận Pu Sra.

Sau quá trình N’Trang Lơng vận động, tập hợp lực lượng hình thành nghĩa quân, tích trữ lương thảo và xây dựng các căn cứ chiến đấu, đến đầu năm 1912, N’Trang Lơng quyết định mở cuộc tấn công đồn Pu Sra - Sở chỉ huy của Pháp.

Trận Pu Sra được các tài liệu chính thức của Pháp thời bấy giờ miêu tả là một trận đánh tiêu biểu hoàn toàn thắng lợi của nghĩa quân. Số làng liên minh với N'Trang Lơng trong trận đánh này khoảng vài chục làng, phần lớn là người M'Nông Biêt và Bu Nor ở các vùng nguồn Prêk Tê, Đăk Rpa và Đăk Plai. Diễn biến trận đánh đồn Pu Sra, trong đêm tối, dưới sự chỉ huy trực tiếp của N’Trang Lơng và các thủ lĩnh, khoảng 150 đến 170 nghĩa quân cùng tiến sát đồn, diệt tên lính gác rồi ào ạt xung phong, dùng hoả công thiêu rụi đồn Pu Sra, diệt được 13 tên địch. Trong đó, có tên Balat Mau, quyền trưởng đồn, người Cao Miên, khét tiếng gian ác cùng tên Nđjrak Ot, đầu làng làng Pu Sra, nổi tiếng là tay chân đắc lực của Henri Maitre cũng bị nghĩa quân trừng trị đích đáng.

Số thủ lĩnh đầu làng và già làng tham gia chỉ huy trận đánh bên cạnh N'Trang Lơng rất đông. Chiến thắng Pu Sra làm nức lòng dân chúng và làm tên tuổi N’Trang Lơng vang dội khắp Tây Nguyên, Ông trở thành con người vĩ đại của dân tộc M'Nông bất khuất.

Chiến thắng Pu Sra như một luồng gió mạnh thổi lên khắp cao nguyên M'Nông, mở đầu một phong trào vũ trang nổi dậy chống Pháp mạnh mẽ. Đối với Pháp, Pu Sra thất thủ là một thất bại nặng nề. Việc cắm được đồn Pu Sra và việc thành lập được đại lý Pu Sra được chúng coi là một thành công lớn của phái bộ khảo sát - hành chính Đông Cao Miên, tức là của Henri Maitre, thì nay toàn bộ “sự nghiệp” đó đã bị nghĩa quân N'Trang Lơng xóa sạch.

2. Cuộc chống càn thắng lợi của nghĩa quân N'Trang Lơng mùa khô 1912-1913

Cuối năm 1912 Henri Maitre trở lại cao nguyên M'Nông với nhiệm vụ “trả đũa” N'Trang Lơng vì nghĩa quân của ông đã xóa sổ đồn Pu Sra. Trong mấy tháng mùa khô năm 1913, hắn liên tục hành quân lùng sục khắp vùng Biêt - Bu Nor, thi hành chính sách đốt sạch nhằm dồn nghĩa quân vào cảnh đói cực và chết chóc trong núi rừng. Chính trong cuộc càn quét trả đũa này, Henri Maitre đã cho N'Trang Lơng, (theo lời của hắn) "một bài học nên thân", triệt phá nốt số ít gia sản còn lại của ông, đẩy ba người con còn lại của ông vào cảnh phiêu bạt rồi mất tích.

Bị Henri Maitre truy lùng ráo riết, N'Trang Lơng đã tạm lánh vào vùng nguồn Đăk Huich và tiếp tục hoạt động ở đây. Nguồn Đăk Huich là một vùng có phong trào chống Pháp sôi sục, nhất là từ khi Henri Maitre mở những cuộc hành quân càn quét N'Trang Lơng ở phía Bắc. Người Rơhong ở đây có khoảng 25 hoặc 30 khẩu súng mua của những thương lái từ phía sông Mê Kông đem tới. Vị đầu làng có uy tín nhất trong vùng là Bu Luk Amprah, ông cùng với N'Trang Lơng bí mật tuyên truyền, vận động và tổ chức đồng bào M’Nông trong vùng đứng lên chống Pháp. Đầu năm 1913, Bu Luk Amprah nhiều lần đem quân đánh, quấy rối đồn Xrây Ktum. Ông cũng vượt qua cao nguyên Đồi Cỏ, lên phía Bắc đánh vào đồn Pu La mới thành lập. Henri Maitre đã tỏ ý e sợ và không ngừng trông chừng người thủ lĩnh đầu làng quan trọng này. Thực tế cho thấy, vị thủ lĩnh Bu Luk Amprah đã đóng góp quan trọng vào các chiến công đánh Pháp của nghĩa quân N'Trang Lơng.



tải về 165.4 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương