BÁo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết tw 4 (Khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020



tải về 138.99 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu06.01.2018
Kích138.99 Kb.
#35767





  1. UỶ BAN NHÂN DÂN

  2. TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Số: 27/BC-UBND


  1. CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

  2. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




      1. Huế, ngày 17 tháng 3 năm 2008


BÁO CÁO

Tình hình thực hiện Nghị quyết TW 4 (Khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020

Qua 1 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả thiên tai, những biến động của thị trường, các loại dịch bệnh mới xuất hiện ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân.... song, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế nỗ lực khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực và thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, đạt những kết quả sau:



I. THỂ CHẾ HÓA CÁC NỘI DUNG CỦA NGHỊ QUYẾT

1. Triển khai thực hiện:

Tỉnh uỷ đã có Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2007 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá X) về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế từ nay đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020; UBND tỉnh cúng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2007 của Tỉnh ủy Khóa XIII về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế từ nay đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 theo Quyết định số 2093/QĐ-UBND ngày 15/9/2007.

Tỉnh đã tổ chức và chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu và nội dung Nghị quyết, xây dựng chương trình hành động của ngành, cấp mình gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIII, các quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm; trong đó, tập trung chỉ đạo xây dựng 7chương trình dự án trọng điểm: Chương trình phát triển khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô; Chương trình phát triển du lịch ven biển và đầm phá; Chương trình đánh bắt, nuôi trồng chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; Chương trình bảo tồn gen và bảo vệ môi trường biển và đầm phá; Chương trình tái định cư và XĐGN dân thủy diện, ven biển và những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai; Chương trình sắp xếp nò sáo và chuyển nghề trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; Chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, trọng tâm là thủy lợi, đê điều.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển du lịch dịch vụ biển và đầm phá, công nghiệp – TTCN, nghề và làng nghề, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, các thiết chế văn hoá - thể thao, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường. Xây dựng và hoàn thành các quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản, lập đề án phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến và bảo vệ nguồn lợi thủy sản....



2. Các văn bản đã được ban hành:

- Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2007 của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá X) về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế từ nay đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020;

- Quyết địnhsố 2093/QĐ-UBND ngày 15/9/2007 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2007 của Tỉnh uỷ khóa XIII về phát triển kinh tế biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế từ nay đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020;

- Quyết định số 1068/QĐ-UBND ngày 27/4/2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Dự án qui hoạch sản xuất thủy sản đầm Sam Chuồn đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 1537/QĐ-UBND ngày 05/07/07 của UBND tỉnh về phê duyệt đề cương quy hoạch sản xuất thuỷ sản đầm Cầu Hai đến 2010 và định hướng đến 2020;

- Quyết định số 2709/QĐ-UBND ngày 12/07/2007 của UBND tỉnh về Chiến lược phát triển nguồn nước và Quản lý tổng hợp các lưu vực sông thuộc tỉnh TTHuế đến năm 2020;

- Quyết định số 3022/2007/QĐ-UBND 31/12/2007 về điều chỉnh Kế hoạch kiên cố hoá kênh mương tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Quyết định số 2227/QĐ-UBND ngày 27/09/2007 về Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 2458/QĐ-UBND ngày 31/10/2007 về phê duyệt đề án Phát triển giống thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006-2010;

- Quyết định số 163/QĐ-UBND ngày 21/1/2008 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình tái định cư, xoá đói giảm nghèo dân thuỷ diện ven biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2008-2009.



3. Tổ chức chực hiện Nghị quyết:

a) Tổ chức thực hiện các quy hoạch:

Đã thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Qui hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế; đang xem xét Quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; đã chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản tỉnh đến năm 2010 định hướng đến năm 2020, quy hoạch chi tiết sản xuất thủy sản đầm Cầu Hai, quy hoạch chi tiết NTTS nước lợ xã Quảng Phước, Quảng Điền, quy hoạch chi tiết NTTS nước ngọt xã Phong Chương, Phong Điền. Hoàn thành chiến lược phát triển nguồn nước và Quản lý tổng hợp các lưu vực sông thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020; UBND tỉnh phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số đề án Phát triển giống thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên Huế; điều chỉnh Kế hoạch kiên cố hoá kênh mương tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 163/QĐ –UBND ngày 21/01/2008 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình tái định cư, xoá đói giảm nghèo dân thủy diện ven biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2008-2009.



b) Công tác sắp xếp nò sáo, bảo vệ nguồn lợi và khuyến ngư:

+ Việc sắp sếp lại nò sáo trên đầm phá

- Công tác giải tỏa, sắp xếp nò sáo tại các xã thuộc huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc đã bước đầu đem lại kết quả tốt về cải thiện môi trường,

- Về nuôi chắn sáo: Hầu hết các huyện đã dẹp bỏ nuôi chắn sáo, chỉ còn 400 ha ở huyện Phú Vang. Đến nay, việc nuôi chắn sáo trên đầm phá đã được chuyển đổi sang hình thức nuôi xen ghép nhiều đối tượng nhằm hạn chế và giảm áp lực ô nhiễm môi trường, phòng tránh tình hình dịch bệnh nên đa số ngư dân có lãi và đã ổn định cuộc sống.

+ Công tác bảo vệ nguồn lợi: Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành Thủy sản được 52 đợt, kết quả đã xử lý 110 trường hợp vi phạm; thực hiện công tác thống kê điều tra số lượng nghề cấm khai thác thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm thực hiện tốt Chỉ thị 01/1998/CT-CP của Chính phủ về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

+ Công tác khuyến ngư: đã tổ chức các đợt tập huấn nâng cao kỹ thuật nuôi trồng như hội thảo đầu bờ để hướng dẫn người dân phương pháp cải tạo ao, chọn giống theo đúng qui trình kỹ thuật; phương pháp nuôi tôm cao triều, hạ triều, nuôi nhuyễn thể...

Triển khai nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản đúng thời vụ, có hiệu quả và mang lại hiệu quả kinh tế góp phần giúp bà con ngư dân tiếp thu công nghệ mới, đối tượng nuôi mới như: Nuôi ngao; nuôi cá kình, đối, ong, dầy; Nuôi cá Kình ghép tôm sú; Nuôi ghẹ trong ao đất; Nuôi cá Chẽm bằng lồng trên biển; Mô hình ương cá giống và nuôi cá Thác Lát còm, nuôi cá điêu hồng trong ao đất; Ương giống cá biển qua lụt; ...



+ Công tác quản lý con giống: Tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống thả nuôi, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm công tác kiểm dịch và quản lý chất lượng con giống trước khi thả nuôi. Tiến hành kiểm dịch và kiểm tra qua máy PCR 100% giống các trại sản xuất trong tỉnh, giám sát và kiểm tra chất lượng toàn bộ tôm giống từ ngoại tỉnh đưa về sau khi thả ương. Xây dựng kế hoạch và phương án nhằm hỗ trợ kịp thời cho bà con trong công tác kiểm tra con giống đầu vào hoặc khi có dấu hiệu dịch bệnh xảy ra.

+ Dịch vụ hậu cần nghề cá: Hoạt động tại Cảng cá Thuận An có chuyển biến tích cực. Các dịch vụ hậu cần nghề cá và an ninh trật tự tại Cảng được mở rộng, đã thu hút nhiều tàu cá ngoại tỉnh vào cảng. Đã tổ chức vận hành có hiệu quả các cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, phục vụ tốt công tác dịch vụ hậu cần nghề cá. Tổ dịch vụ thông tin hàng hải tàu cá đã được thành lập và bước đầu thử nghiệm liên lạc trên các kênh tần USB: 9075MHz máy tầm xa ICOM và kênh AM 27.415Kz máy Galaxy.

II. NHỮNG KẾT QUẢ SAU MỘT NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT

1. Lĩnh vực kinh tế:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,6%, tiếp tục đạt mức cao nhất từ trước đến nay; cao hơn mức bình quân cả nước (8,5%), xếp vào nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao trong toàn quốc. Tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng từ 43,8% (năm 2006) lên 43,9%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 36,1% lên 36,2%, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn tăng về giá trị sản xuất, nhưng giảm tỷ trọng tương ứng từ 20,1% xuống 19,9%.



- Khu vực dịch vụ ước tăng 13,8%, đóng góp 6,0% vào mức tăng trưởng chung. Dịch vụ du lịch tăng nhanh cả tổng lượt khách và doanh thu các hoạt động; dịch vụ tài chính, viễn thông, internet phát triển nhanh do có sự tham gia của nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới có thương hiệu mạnh; hoạt động thương mại tăng nhanh, loại hình siêu thị phát triển tạo văn minh thương mại và nhu cầu mua sắm.

- Công nghiệp - xây dựng tăng 18,2%, đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung (7,2%). Chất lượng và sức cạnh tranh của một số sản phẩm được cải thiện; sản phẩm chủ lực vẫn tăng khá; năng lực sản xuất toàn ngành tiếp tục được đầu tư phát triển.

- Lĩnh vực nông lâm thủy sản tăng 2,8%, đóng góp 0,5% vào mức tăng trưởng chung, là nỗ lực quan trọng trong điều kiện bị thiệt hại của thiên tai và dịch bệnh. Năng suất các loại cây trồng, nhất là lúa tăng khá; thu nhập của bà con nông dân được cải thiện đáng kể từ thu hoạch các sản phẩm cao su, cà phê, sắn, cây ăn quả, trồng, chăm sóc rừng, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản. Công tác phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, kể cả dịch bệnh tôm có kết quả. Chăn nuôi tiếp tục phát triển đa dạng. So cùng kỳ, số lượng đàn trâu bò tăng 2,82%, đàn heo tăng 6,01%, đàn gia cầm tăng 16,57%.

Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 5.448 ha, bằng 100,82% so năm 2006, trong đó nuôi nước lợ 3.712 ha, giảm 3%. Mô hình nuôi tôm chân trắng công nghiệp ở Phong Điền đạt hiệu quả cao (10-12 tấn/1vụ) và đi đúng hướng. Tổng sản lượng thuỷ sản 32.500 tấn, tăng 6%. Trong đó: Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 6.701 tấn, sản lượng khai thác thuỷ sản đạt 24.700 tấn. Xuất khẩu thuỷ sản đạt 778,44 tấn sản phẩm bằng 93,89% so với năm 2006.

Công tác đa dạng hoá đối tượng phát triển với nhiều hình thức nuôi: Nuôi cá Hồng, cá Mú,...bằng lồng ở vùng gần cửa biển như Hải Dương, TT Thuận An, Tư Hiền, Lộc Bình,...đặc biệt tại 3 xã Lộc Bình, Vinh Hiền, Lăng Cô phát triển mạnh nuôi cá mú, cá hồng bằng lồng thu được hiệu quả cao; tổng số lồng nuôi nước lợ là 724 cái, sản lượng thu hoạch ước đạt 100 tấn. Nuôi xen ghép ở các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc với diện tích đạt 817 ha, sản lượng thu đạt khoảng 710,9 tấn.

Việc nuôi các đối tượng nước ngọt đem lại thu nhập ổn định, tăng hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị sản xuất nông nghiệp mà ít thay đổi tập quán sản xuất của bà con nên diện tích nuôi phát triển mạnh tại các địa phương huyện Phú Vang, Phú Lộc,…Công tác dồn điền đổi thửa cũng được triển khai kịp thời tại các địa phương này nhằm chuyển đổi một số diện tích trồng lúa vùng trũng năng suất thấp, không hiệu quả kinh tế vào nuôi thủy sản nước ngọt. Đến nay, nuôi nước ngọt phát triển với nhiều hình thức như: nuôi chuyên cá, nuôi 1 vụ cá + 1 vụ lúa, nuôi cá xen trong ruộng lúa, nuôi các trong hồ trồng sen,…

Việc chuyển đổi diện tích nuôi tôm ở vùng thấp triều bị ô nhiễm nặng của 3 huyện Phú Vang, Hương Trà và Quảng Điền chuyển sang nuôi xen ghép tôm-cá dìa-rong câu chỉ vàng có kết quả tốt. Công tác giải tỏa, sắp xếp nò sáo tại các xã thuộc huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc đã bước đầu có kết quả, việc phát triển nuôi rong câu ở vùng đầm Sam Chuồn, Cầu Hai với sản lượng thu hoạch 595 tấn góp phần cải thiện môi trường nước.

2. Công tác đầu tư XDCB, xây dựng kết cấu hạ tầng:

Huy động vốn đầu tư phát triển có chuyển biến tích cực, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 5.710 tỷ đồng, tăng 20%, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung và tăng thu ngân sách địa phương. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư của khu vực tư nhân tăng nhanh cả số doanh nghiệp và tổng vốn đăng ký đầu tư. Quan hệ hợp tác quốc tế và kinh tế đối ngoại đạt nhiều kết quả khả quan. Đã huy động và lồng ghép nhiều nguồn lực cho mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, ven biển. Hệ thống đê kè sông, biển xung yếu được quan tâm đầu tư; hoàn thành xây dựng các khu tái định cư dân vùng sạt lở, các khu vực thuộc diện di dời, giải toả…. Đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng cầu Thuận An, cầu Tứ Phú, cầu Tư Hiền; đường Quốc phòng Kinh tế ven biển Điền Hương - Quảng Ngạn; …; thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình thử nghiệm công nghệ chống xói lở bờ biển Stabilap kè Phú Thuận; triển khai thi công Hồ Tả Trạch, hệ thống đê Đông Tây Ô Lâu, kè sông Bồ, hệ thống tưới tiêu Điền Hòa - Điền Hải… Đã huy động tối đa nguồn vốn ODA, NGO để đầu tư nhiều công trình quan trọng ở các khu vực nông thôn, ven biển.

Tập trung ưu tiên đầu tư nhiều hạ tầng quan trọng của Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, đường ven đầm Lập An, đường Tây cảng Chân Mây... Đến nay, đã có 17 dự án đầu tư trong và ngoài nước được cấp giấy phép và đang hoạt động đẩy mạnh hoạt động đầu tư, tiêu biểu có dự án đầu tư khu du lịch sinh thái biển của Tập đoàn Bayan Tree (Singapore) có tổng mức đầu tư 276 triệu USD đang xin điều chỉnh lên 1 tỷ USD, một số nhà đầu tư lớn trong nước như Tập đoàn Saigon Invest Group đã đăng ký đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu phi thuế quan với tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng... Cảng Chân Mây đã đón được tàu chuyên dụng trọng tải trên 30.000 tấn, đón tàu khách du lịch trên 2.000 khách, đã được Chính phủ cho phép chuyển giao Cảng Chân Mây cho Tập đoàn Vinashin quản lý và đầu tư để nâng hiệu quả khai thác, phát triển thành cảng tổng hợp, trong đó có cảng container, cảng khách du lịch...

- Vùng ven biển và đầm phá được tập trung phát triển toàn diện cả nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng CNH - HĐH gắn với xây dựng và phát triển nông thôn mới. Nuôi trồng thủy sản phát triển; kết cấu hạ tầng về điện, đường, trường, trạm được đầu tư theo hướng kiên cố hoá từ Chương trình giảm nghèo bãi ngang ven biển. Việc xây dựng mới cầu Thuận An, cầu Tứ Phú, cầu Tư Hiền và một số tuyến đường giao thông ven biển cùng với các công trình đã đầu tư trong các năm trước đã tạo thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.



3. Quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên và môi trường:

Đã tích cực chỉ đạo xử lý tình trạng ô nhiễm dầu; xử lý đình chỉ hoạt động khai thác tận thu khoáng sản trái phép; xử lý khẩn cấp chống sạt lở bờ biển khu vực Phú Thuận bằng công nghệ Stabiplage; triển khai các giải pháp giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất vôi hàu ở khu vực Lăng Cô, giúp người dân chuyển đổi nghề đảm bảo ổn định cuộc sống. Đã thành lập Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường. Xúc tiến xây dựng Trạm quan trắc môi trường đầm phá nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường.

Hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường được duy trì thường xuyên qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện lồng ghép vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu vào công tác quy hoạch, quản lý tổng hợp vùng bờ và lưu vực sông. Tổ chức cấp giấy phép môi trường và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư trên địa bàn. Nhiều địa phương đã đầu tư phương tiện và tổ chức thu gom, xử lý rác thải, xây dựng hệ thống thoát nước tại các chợ, các khu vực dân cư tập trung, tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp

4. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội:

Trong năm 2007, các lĩnh vực xã hội tiếp tục phát triển toàn diện. Đã huy động được nhiều nguồn lực trong cộng đồng để triển khai các hoạt động chuyển giao kỹ thuật hỗ trợ sản xuất, nâng cao ý thức làm giàu để phát triển kinh tế hộ, thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách.. lồng ghép chương trình xoá đói giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; kết kợp xây dựng hạ tầng thiết yếu với phát triển sản xuất, bố trí sắp xếp lại dân cư, tạo nơi ở ổn định. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, đã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 18,4% (năm 2006) xuống còn 15,1% (2007), đạt mức tương đương tỷ lệ hộ nghèo chung trên toàn quốc (14,7%). Các lĩnh vực giáo dục, y tế, dân số gia đình trẻ em, thể dục thể thao, văn hóa thông tin, khoa học công nghệ... có sự chuyển biến tích cực, công tác xã hội hóa các hoạt động xã hội đã được đẩy mạnh đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển KTXH.



5. Về quốc phòng, an ninh và công tác nội chính:

Năm 2007, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tuy có những diễn biến phức tạp nhưng đã được tập trung chỉ đạo chặt chẽ nên tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chính trị ổn định. Triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục con em trong từng gia đình không phạm tội; bảo vệ an toàn tuyệt đối các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng, kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm an ninh chính trị, tạo môi trường ổn định cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đã làm tốt việc xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh; chăm lo củng cố, nâng cao chất lượng của lực lượng vũ trang. Chú trọng gắn phát triển kinh tế với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phục vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh; khảo sát xúc tiến dự án tăng dày cột mốc biên giới, xây dựng mới, nâng cấp các đồn biên phòng ven biển; tập trung vào các công trình đường cơ động kinh tế - quốc phòng ven biển…

Công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã được chỉ đạo chặt chẽ; tổ chức tốt công tác tiếp công dân, kịp thời phát hiện và giải quyết những kiến nghị, những vấn đề gây mất ổn định ngay từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng, tình hình an ninh nông thôn tiếp tục giữ vững ổn định.

Công tác phòng chống lụt bão được chú trọng, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương để tổ chức và triển khai các phương án sơ tán, di dời dân và tài sản ở những vùng xung yếu, vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, thực hiện tốt phương châm 5 tại chỗ, đảm bảo không để dân đói, dân rét và sống trong cảnh màn trời chiếu đất...



6. Hoạt động kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư:

Hoạt động hợp tác kinh tế, văn hóa - xã hội, nghiên cứu khoa học; quan hệ hợp tác, hữu nghị được củng cố và mở rộng. Đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường lớn trong nước và nước ngoài, nhiều dự án hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, thương mại, giáo dục đào tạo, nông nghiệp... được ký kết, thu hút được một số nhà đầu tư có thương hiệu lớn: Tập đoàn Banyan Tree, Saigon Invests Group, Vinashin, Dầu khí, Than Khoáng sản, Vinaphone, Changi Airports International…, đang tích cực khởi động các hoạt động hợp tác kinh tế trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Thành phố Huế được công nhận là thành phố Fesstival đặc trưng của Việt Nam, Sân bay Phú Bài được công nhận là sân bay quốc tế và cùng với sự thành công trong công tác đối ngoại đã góp phần nâng cao vị thế và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển dịch vụ và lộ trình thực thi cam kết WTO, hỗ trợ tăng cường năng lực kinh doanh cho các doanh nghiệp đã được chú trọng.



7. Công tác cải cách hành chính:

Hệ thống thể chế tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện đổi mới.

Đã rà soát loại bỏ những qui định, những thủ tục không phù hợp, gây phiền hà chậm trễ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời bổ sung những qui định, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất kinh doanh. Đã triển khai Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đã tổ chức rà soát và ban hành Quyết định số 1930/2007/QĐ-UBND phê duyệt danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh, 100% UBND xã đã thực hiện cơ chế "1 cửa"; hoạt động đăng ký kinh doanh, cấp dấu và mã số thuế được thực hiện theo cơ chế “Một cửa liên thông”; công tác tiếp nhận giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính của các tổ chức cá nhân được quan tâm. Việc phân công, phân cấp rõ ràng, tạo cho các ngành, các cấp khả năng chủ động hơn.

Tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính đang được điều chỉnh, sắp xếp theo Nghị định 13 và Nghị định 14 của Chính phủ, đảm bảm tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước. Việc phân công, phân cấp cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, được đẩy mạnh góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chế độ công khai minh bạch về tài chính.



III. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ QUA 1 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT

1. Tăng trưởng kinh tế chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm hàng hoá còn thấp. Các ngành kinh tế biển và đầm phá phát triển thiếu bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng;

Trình độ công nghệ của nhiều ngành sản xuất còn thấp và lạc hậu, khả năng ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất còn hạn chế.

Dịch vụ vận tải biển phát triển chậm; chưa hình thành được các chi nhánh giao dịch vận tải biển; chưa thiết lập được các tuyến vận chuyển hàng hóa quốc tế. Công nghiệp chế biến thuỷ sản chậm khôi phục, thiếu những sản phẩm có thương hiệu.

Việc sản xuất giống tại địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi, ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển đổi đối tượng trong NTTS. Công tác kiểm dịch con giống còn hạn chế, vẫn còn một lượng lớn tôm giống chưa được kiểm tra qua máy PCR, vì vậy vẫn xảy ra dịch đốm trắng ở một số vùng nuôi. Công tác phát hiện bệnh và xử lý bệnh chưa kịp thời và chưa kiên quyết.

Công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn tình trạng vi phạm Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản,...Chưa giải quyết dứt điểm tình trạng giăng nò sáo trên đầm phá; việc lấn phá nuôi trồng thủy sản tự phát tuy đã được ngăn chặn nhưng chưa tổ chức sắp xếp lại sản xuất theo quy hoạch; nuôi trồng vẫn thiếu ổn định, năng suất thấp, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nuôi vẫn xảy ra. Nguy cơ suy giảm nguồn lợi thuỷ sản chưa có biện pháp xử lý tích cực, nhất là trong đầm phá, sông ngòi.

2. Tình trạng ô nhiễm môi trường sống đang ngày càng gia tăng. Ý thực về vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm trong cộng đồng còn hạn chế. Việc thu gom xử lý chất thải rắn, nước thải còn yếu. Tình trạng xây lăng mộlớn và an táng không có quy hoạch rải rác dọc độn cát ven biển làm ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường.

3. Quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng chi tiết của một số ngành còn thiếu, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển và nhu cầu đầu tư xây dựng.

4. Cơ sở hạ tầng mặt dù đã được tập trung đầu tư nhưng vẫn thiếu và yếu; một số dự án có tầm chiến lược nhằm tạo bước đột phá như sân bay, cảng biển, các tuyến giao thông đối ngoại… triển khai chậm do chưa có khả năng cân đối vốn.

5. Khả năng hấp thụ vốn đầu tư của nền kinh tế tuy đã có bước cải thiện nhưng vẫn chưa tận dụng được thật tốt cơ hội để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, mức độ xã hội hóa các lĩnh vực còn hạn chế.

6. Cải cách hành chính mặc dù đã có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều Sở và địa phương chưa triển khai nghiêm túc Quyết định 1930 của UBND tỉnh; chưa thực sự tạo được môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi. Việc phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước đã có chuyển biến, song trách nhiệm giữa các ngành và địa phương có lúc xác định chưa rõ, dẫn đến tình trạng chồng chéo; trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc triển khai các nhiệm vụ chưa được đề cao.

7. Cơ sở vật chất ngành giáo dục còn thiếu và yếu ở tất cả các bậc học và cấp học. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia vẫn còn thấp. Chưa hình thành các trường chất lượng cao trong các cấp học. Cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học; cán bộ y tế và trang thiết bị, thuốc chữa bệnh ở tuyến cơ sở vẫn còn yếu và thiếu…

8. Nguồn nhân lực phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế còn yếu, nhiều cơ quan, đơn vị thiếu cán bộ giỏi về quản lý hành chính, quản lý kinh doanh, thiếu khả năng tham mưu chiến lược; tư duy và phong cách, lề lối làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, kể cả một số cán bộ ở vị trí lãnh đạo còn chậm đổi mới... chưa đáp ứng được nhu cầu của quá trình phát triển và hội nhập.

9. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc khắc phục chậm như việc làm, công tác giảm nghèo, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường… Tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Đời sống của một bộ phận nông dân vùng đầm phá còn rất nhiều khó khăn, việc xóa đói giảm nghèo thiếu bền vững. Những bất cập trong việc thu hồi đất, đền bù tái định cư không những đã làm chậm trễ mất cơ hội của các nhà đầu tư mà còn làm cho đời sống một bộ phận dân cư trong diện thu hồi đất gặp nhiều khó khăn và là nguyên nhân chính trong nhiều vụ khiếu kiện kéo dài.



Nguyên nhân tồn tại, yếu kếm:

- Việc triển khai, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển, đầm phá chưa được quan tâm đúng mức, thiếu các biện pháp tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc đánh giá kết quả thực hiện ở từng ngành, từng cấp.

- Công tác quy hoạch thiếu quan tâm, tình trạng tự phát trong nuôi trồng, thiếu kiểm kê, kiểm soát dẫn đến tình trạng ô nhiểm ngày càng cao, hiệu quả nuôi tôm ngày càng kém, chưa gắn quy hoạch với tổ chức sản xuất, đầu tư thiếu đồng bộ, nhất là thuỷ lợi, công cụ kỹ thuật để kiểm dịch, dập dịch còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng cho công tác nuôi trồng thuỷ sản. Thời tiết thay đổi thất thường, ảnh hưởng đến tiến độ nuôi trồng, quản lý môi trường, dịch bệnh. Nguồn giống tự nhiên khan hiếm.

- Các cấp chính quyền ở cơ sở còn lúng túng trong việc cụ thể hoá chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều cấp uỷ đảng chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở.

- Công tác quản lý Nhà nước còn chồng chéo, phân công phân cấp có mặt chưa rõ ràng. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa gắn kết chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khép kín vẫn còn nặng ở một số đơn vị, địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát chưa được quan tâm đúng mức.

IV. CÁC GIẢI PHÁP NHẰM TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT

1. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Nghị quyết:

Tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XIII về Chiến lược biển đến năm 2020 làm cho cán bộ, công chức, viên chức và toàn dân nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của biển, đầm phá đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm phấn đấu đưa tỉnh ta trở thành tỉnh mạnh về biển của cả nước; tạo sự chuyển biến thực sự trong ý thức của tất cả các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Tư duy, ý thức về biển phải được lãnh đạo các ngành, các cấp quan tâm và cụ thể hóa bằng các chương trình hành động thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy.



2. Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch:

- Đôn đốc chỉ đạo xây dựng Đề án chuyển đổi nghề dân cư vùng ven biển và đầm phá; Chương trình phát triển du lịch ven biển và đầm phá; Đề án nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng ven biển và đầm phá; đề án xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học biển tại Huế; Đề án xây dựng cơ chế quản lý tổng hợp tài nguyên nước, vùng đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế; Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao năm 2008; Qui hoạch chung cảnh quan hai bên bờ sông Hương,... đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành quy hoạch vùng kinh tế Tam Giang.

- Hoàn thành các quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản: Lập đề án phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hoàn thành đề án rà soát điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển nuôi trồng thuỷ sản; đề án rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai, sạt lở và dân thuỷ diện tỉnh thừa Thiên Huế; quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tập trung, quy hoạch các vùng trọng điểm khai thác đầm phá Tam Giang - Cầu Hai gắn với việc giao quyền khai thác và nghĩa vụ bảo vệ, quản lý.

- Đẩy nhanh quy hoạch chi tiết nuôi trồng thuỷ sản ở các xã trọng điểm. Triển khai quy hoạch sản xuất đầm Cầu Hai, xây dựng quy hoạch nghề cá ven biển theo Nghị định 123 của Chính phủ.

- Thực hiện thí điểm ”treo thuyền” ở vùng đầm phá của huyện Phong Điền và sắp xếp 50% nò sáo ở vùng đầm phá huyện Phú Lộc.

- Thực hiện sắp xếp tái định cư cho 500 hộ dân thuỷ diện ở 5 huyện(Phong Điền, Quảng Điền, Huơng Trà, Phú Vang, Phú Lộc) gồm di dân và hỗ trợ làm nhà 500 hộ; san lấp mặt bằng xen ghép cho 278 hộ và 05 điểm tái định cư tập trung cho 222 hộ.



3. Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển:

- Sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư phát triển; thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư; tạo môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng, bình đẳng và đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư; chủ động xúc tiến, kêu gọi tìm kiếm đối tác đầu tư.

- Đa dạng hoá các hình thức huy động và tạo vốn, coi nguồn vốn trong nước là quyết định, nguồn vốn nước ngoài là quan trọng. Thực hiện cải cách hành chính, có các biện pháp khuyến khích nhân dân và các doanh nghiệp bỏ vốn vào xây dựng, mở rộng sản xuất kinh doanh. Ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng nhiều hình thức thích hợp. Có chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng. Khai thác tối đa nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Trung ương để đầu tư hạ tầng đối với khu kinh tế, khu công nghiệp, ở những địa bàn khó khăn. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA để xây dựng kết cấu hạ tầng chủ yếu cho các công trình thuỷ lợi lớn, giao thông, điện, nước... Thực hiện chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để bê tông hoá kênh mương, xây dựng và kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn. Đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục thể thao...

- Ban hành chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển thủy sản. Cụ thể : Có chính sách hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư sản xuất giống thủy sản để khuyến khích người sản xuất giống, trợ giá các loài giống thuỷ sản đối với vùng đang gặp thua lỗ nhiều năm để hỗ trợ cho người nuôi, miễn, giảm phí kiểm dịch tôm giống để khuyến khích việc kiểm dịch tự nguyện.

- Cụ thể hóa các chính sách ưu tiên trong đầu tư của Tỉnh đối với ngành thủy sản: Ưu tiên bố trí kế hoạch kinh phí đủ cho kế hoạch chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản, giống thuỷ sản, vốn sự nghiệp thuỷ sản và nghiên cứu khoa học. Trước mắt ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho dự án Trung tâm Giống thuỷ sản cấp I nước ngọt; dự án bố trí, sắp xếp dân cư ở vùng thiên tai, sạt lở và dân thuỷ diện tỉnh Thừa Thiên Huế, các dự án chương trình nâng cấp, củng cố đê biển, đê sông, hệ thống chống xói lở; đường ứng cứu Hồ Truồi, ổn định cửa Tư Hiền...

- Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản ở các xã, các vùng nuôi tập trung như đê bao, kênh mương cấp thoát nước, các hồ xử lý nước thải, hệ thống cấp nước ngọt nuôi tôm trên cát Điền Lộc và Điền Hoà, hệ thống xữ lý nước thải vùng nuôi tôm công nghiệp Điền lộc, Điền Hoà. Hỗ trợ đầu tư phát triển và xây dựng môi hình mới trong lĩnh vực nước ngọt để đa dạng hoá phát triển nuôi trồng thuỷ sản và đảm bảo bền vững. Thực hiện công tác đầu tư sau quy hoạch đã được duyệt, đầu tư theo chương trình đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản và dịch vụ hậu cần nghề cá...

- Xúc tiến thực hiện dự án xây dựng bảo tàng thiên nhiên khu vực Miền Trung, dự án đóng tàu ở Cảng Thuận An.

- Tập trung ưu tiên vốn ngân sách vào đầu tư cho những dự án có tính chất hỗ trợ hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ môi trường và bố trí chỉ định theo hạng mục dự án được duyệt, kiên quyết không bố trí dàn trãi, chung chung.

- Tiến hành khảo sát, thống nhất địa điểm, xây dựng quy hoạch cụm công nghiệp nhà máy chế biến cát ở huyện Phong Điền.

4. Các chính sách về lao động việc làm:

- Tập trung đẩy mạnh phát triển giáo dục - đào tạo gắn với đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội. Khuyến khích phát triển các trường dạy nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân.

- Đẩy mạnh phát triển các chuyên ngành đào tạo đại học, cao đẳng thuộc các lĩnh vực kỹ thuật; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phát triển hệ thống dạy nghề gắn với thị trường lao động, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo nghề theo yêu cầu, khuyến khích các thành phần kinh tế mở các trường đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên 34%.

- Thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ đóng tàu và khai thác xa bờ, chuyển đổi nghề nghiệp từ khai thác ven bờ sang vươn khơi xa và bám biển dài, chính sách khoanh và cho vay vốn lưu động đối với người nuôi vùng bị dịch bệnh nhiều năm, vay vốn sản xuất ở những vùng thực hiện đúng quy hoạch.

- Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, công chức các ngành, các cấp về pháp luật, quản lý và điều hành các lĩnh vực kinh tế biển, quốc phòng, an ninh.

5. Quản lý bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

Ưu tiên đầu tư các công trình xử lý nước thải công nghiệp, đô thị; đầu tư bảo tồn và phát triển dải rừng sinh thái ven biển ngập mặn nhằm làm đẹp cảnh quan, cải tạo môi trường sống và bảo vệ nguồn lợi biển, ven bờ và phòng hộ đối với sản xuất nông nghiệp. Đối với các khu vực cảng biển phải có biện pháp chủ động phòng chống sự cố tràn dầu và các tác nhân gây ô nhiễm khác.

Đầu tư xây dựng hệ thống các công trình cấp nước sinh hoạt, vệ sinh. Phát triển các dải cây xanh gắn với các điểm dân cư nhằm cải thiện môi trường sống.

Thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra môi trường; thực hiện tốt các chương trình bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên vùng đầm phá, ven biển, vùng cửa sông...; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống quan trắc môi trường toàn tỉnh, xây dựng nhà máy xử lý rác, các bãi chôn lấp rác theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hỗ trợ hóa chất dập dịch ngay từ đầu vụ để các địa phương chủ động trong xử lý khi có bệnh dịch bùng phát, tránh lây lan trên diện rộng, hạn chế rủi ro, thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản. Tập trung xử lý môi trường sau lũ lụt, chủ động dập dịch, ngăn ngừa, kiên quyết không để các dịch bệnh xảy ra.

Thành lập lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp cơ sở cùng với các cơ quan ban ngành chức năng triển khai tốt chỉ thị 01 của Chính phủ “về các nghề cấm” khai thác như xung điện, te, xiết điện, giã cào. Chính quyền các cấp chủ động và có hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân tham gia bảo vệ môi trường



6. Chủ động phòng chống thiên tai:

Lồng ghép nhiều nguồn lực khôi phục hệ thống cơ sở hạ tầng chủ yếu, đặc biệt là các công trình đê kè bờ sông, bờ biển, hệ thống thủy lợi, giao thông, hồ ao nuôi trồng thủy sản, các cở sở hạ tầng phục vụ y tế, giáo dục,… đáp ứng kịp thời nhu cầu về giống cây, con cho sản xuất. Qui hoạch xây dựng các khu dân cư mới, các công trình phúc lợi công cộng phải đảm bảo ứng cứu kịp thời, xử lý tại chỗ, chung sống an toàn với lụt bão, gắn với chiến lược phòng chống thiên tai của Trung ương. Xây dựng hoàn chỉnh các phương án chủ động phòng chống lụt bão, có phân công cụ thể theo địa bàn, tăng cường phương tiện ứng cứu và triển khai diễn tập. Tổ chức vận hành tốt 5 phương châm tại chỗ để xử lý đối phố với thiên tai.



7. Công tác quản lý nhà nước:

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong xây dựng và tổ chức thực hiện.

- Chỉ đạo xây dựng chính sách phòng và dập dịch trong nuôi trồng thuỷ sản, chính sách khoanh nợ, dãn nợ, khoanh lãi cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản bị dịch bệnh, chính sách hỗ trợ người làm công tác cộng đồng trong nuôi trồng thuỷ sản, chính sách trợ cước, trợ giá cho các đơn vị cung cấp giống vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

- Có chính sách về thu nhập thích đáng, bồi dưỡng mở rộng kiến thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động phù hợp với nhu cầu phát triển của các ngành nghề có lợi thế của kinh tế biển.

- Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân ngừng đánh bắt trong mùa sinh sản của các loài thủy sinh; chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư nò sáo khi bị tháo dỡ cho các hộ ngư dân; chính sách hỗ trợ nhà ở định cư cho các hộ dân thủy diện; chính sách đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Áp dụng chính sách miễn, giảm thủy lợi phí cho hộ sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ hạ tầng thiết yếu ngoài hàng rào đến các trang trại, cơ sở sản xuất giống, vùng sản xuất tập trung của các hộ nông dân.

- Cụ thể hóa các chính sách ưu đãi đầu tư khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư khai thác, nuôi trồng thủy sản và chế biến xuất khẩu thủy sản.

- Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách cụ thể trong hoạt động các đơn vị của ngành theo hướng tăng cường trách nhiệm đối với kết quả công việc được giao phó. Xây dựng hệ thống chính sách cụ thể trong quản lý Nhà nước lĩnh vực thuỷ sản, đề xuất cơ chế chính sách cụ thể trong hoạt động các đơn vị của ngành.



Nơi nhận:

- Thường vụ Tỉnh ủy;

- Thường trực HĐND;

- CT và các PCT;

- Các Sở ngành thuộc UBND Tỉnh;

- UBND các huyện, thành phố;

- VP: Lãnh đạo, CV: TH;

- Lưu VT.





TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH
Ngô Hòa

CHỦ TỊCH








Каталог: Upload -> DOCUMENTS -> 2008
2008 -> THỦ TƯỚng chính phủ
2008 -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh thừa thiên huế Độc lập Tự do Hạnh phúc
2008 -> UỶ ban nhân dân tỉnh thừa thiên huế`
2008 -> UỶ ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh thừa thiên huế Độc lập Tự do Hạnh phúc
2008 -> Ủy ban nhân dân tỉnh thừa thiên huế
2008 -> UỶ ban nhân dân tỉnh thừa thiên huế Số: 85/bc-ubnd cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
2008 -> TỈnh thừa thiên huế CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
2008 -> Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Thông tư số 92/2007/bnn ngày 19 tháng 11 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 1405/QĐ-ttg ngày 16/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện ấp trứng gia cầm
2008 -> TỈnh thừa thiên huế
2008 -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh thừa thiên huế Độc lập Tự do Hạnh phúc = = Số: 68 /ub-bc

tải về 138.99 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương