1. Cơ sở khoa học, ý nghĩa thực tiễn của đề tài



tải về 416.79 Kb.
trang1/9
Chuyển đổi dữ liệu05.09.2016
Kích416.79 Kb.
#31693
  1   2   3   4   5   6   7   8   9

MỞ ĐẦU

1. Cơ sở khoa học, ý nghĩa thực tiễn của đề tài


Kể từ khi thực hiện công cuộc cải cách, mở cửa từ năm 1986 đến khi gia nhập WTO năm 2006, kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập sâu rộng trên thế giới. Mở cửa kinh tế và hội nhập với nền kinh tế thế giới đã mang lại nhiều cơ hội đầu tư, phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam. Giống như các thị trường phát triển mới nổi như Ấn Độ, Brazin, tại Việt Nam, ngày càng nhiều doanh nghiệp được thành lập hứa hẹn mức độ thành công và thu được lợi nhuận cao. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thành công, doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn khi khởi nghiệp mà trở ngại đầu tiên và lớn nhất họ phải đối mặt là sự thiếu hụt vốn đầu tư và khả năng quản lý. Đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ - lĩnh vực cần nguồn vốn lớn và ẩn chứa rủi ro cao. Với hệ thống tài chính ở nước ta hiện nay thì khó có thể thực hiện được những dự án có tiềm lực lớn. Đây là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp trẻ, họ có khả năng sáng tạo, ý tưởng, tiềm năng phát triển nhưng thiếu vốn để đầu tư, khả năng tài chính không cho phép họ thực hiện dự án mạo hiểm, họ cần những tổ chức tài chính tài trợ vốn. Mặt khác, do hội nhập quốc tế nên các doanh nghiệp trẻ Việt Nam phải tạo được sự khác biệt đối với sản phẩm, thương hiệu của mình trên thương trường. Để làm được việc này cần phải có những dự án mạo hiểm nhưng mang lại sự phát triển nhảy vọt, và điều kiện đầu tiên quyết định là khả năng tài chính được đảm bảo. Việc vay vốn ngân hàng đối với các doanh nghiệp không có nhiều tài sản thế chấp là điều rất khó khăn. Sự xuất hiện các quỹ đầu tư mạo hiểm đã góp phần giải quyết được phần nào vấn đề này.

Hiện nay, trên thế giới các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và phát triển mạnh mẽ, giữ một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như phát triển khoa học công nghệ ở các nước phát triển. Ở Việt Nam, tuy quỹ đầu tư mạo hiểm đã bắt đầu xuất hiện từ những năm 1990, nhưng đến nay khái niệm này vẫn còn mới mẻ. Với dân số hơn 90 triệu dân và nền kinh tế trẻ đang có những bước phát triển mạnh mẽ thì chắc chắn quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ là một hướng đi và lựa chọn mới cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.

Xuất phát từ cơ sở thực tiễn trên, tác giả đã chọn đề tài: Biện pháp tạo môi trường phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam làm đề tài luận văn cho mình.

2. Mục đích của đề tài


Mục đích nghiên cứu của luận văn là làm sáng tỏ một số vấn đề sau:

  • Hệ thống hóa những lý luận cơ bản về hoạt động đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư mạo hiểm, kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về quỹ đầu tư mạo hiểm.

  • Phân tích thực trạng hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam. Từ đó đánh giá những thành tựu và hạn chế mà hoạt động của những quỹ đầu tư mạo hiểm này mang lại cho thị trường vốn Việt Nam.

  • Các biện pháp tạo môi trường nhằm mở rộng và tăng cường phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm trên thị trường vốn Việt Nam.

3. Phương pháp nghiên cứu

  • Phương pháp nghiên cứu: Luận văn chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp và phương pháp thống kê kinh tế từ các nguồn dữ liệu trong và ngoài nước để tổng hợp số liệu và rút ra bản chất vấn đề. Ngoài ra, luận văn này cũng áp dụng một số phương pháp nghiên cứu khác như: phương pháp so sánh, đối chiếu….Các số liệu trong luận văn hoàn toàn dựa trên kết quả các điều tra, nghiên cứu trước đó mà không tiến hành qua khảo sát và điều tra riêng.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài

  • Đối tượng nghiên cứu của luận văn: biện pháp tạo môi trường phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, cụ thể là IDG Ventures Vietnam, CyberAgents Venture Việt Nam và một số quỹ ĐTMH khác trong suốt thời gian từ khi hình thành đến nay.

  • Phạm vi nghiên cứu của luận văn: một số quỹ đầu tư mạo hiểm điển hình tại Việt Nam, cụ thể là IDG Ventures Vietnam, CyberAgent Ventures Việt Nam và một số nước trên thế giới (Mỹ, Đài Loan).

5. Nội dung của đề tài (các vấn đề cần giải quyết)


Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục chữ viết tắt và ký hiệu, danh mục các bảng, danh mục các hình và phần tài liệu tham khảo, đề tài gồm 3 chương chính:

- Chương 1: Những vấn đề lý luận chung về đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư mạo hiểm.

- Chương 2: Thực trạng phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.

- Chương 3: Một số biện pháp tạo môi trường phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.


CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM VÀ QUỸ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM

1.1. Đầu tư mạo hiểm

1.1.1. Khái niệm về đầu tư mạo hiểm


Đầu tư mạo hiểm được sử dụng với thuật ngữ Venture Capital trong tiếng Anh. Venture có nghĩa là hành vi dám chấp nhận rủi ro, được gọi là mạo hiểm. Như vậy, Venture Captial được hiểu là một phương thức đầu tư mang tính rủi ro cao hơn phương thức đầu tư thông thường khác. Tuy ra đời từ lâu nhưng đầu tư mạo hiểm (ĐTMH) vẫn chưa có một định nghĩa thật chính xác. Và ở các khu vực khác nhau thì ĐTMH lại có một nét khác biệt nào đấy.

Hiểu theo nghĩa rộng, ĐTMH là đầu tư vào các công ty tư nhân dưới hình thức vốn cổ phần hoặc gần giống như là vốn cổ phần với thời hạn trên trung bình (từ 3-5 năm). Đầu tư với mục tiêu tìm được khoản thu nhập vốn cao hơn trung bình. Hoạt động đầu tư có thể được tiến hành không chỉ vào giai đoạn khởi nghiệp hay đang phát triển của doanh nghiệp mà còn gồm các khoản đầu tư mua quyền quản lý công ty. Ngoài ra, ĐTMH không chỉ là đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao mà có thể đầu tư vào tất cả các lĩnh vực.

Hiểu theo nghĩa hẹp, ĐTMH là đầu tư vốn vào các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK), có tiềm năng tăng trưởng cao từ lúc khởi đầu đến lúc trưởng thành, có tính sáng tạo và dựa vào công nghệ. Nói cách khác, công ty được đầu tư đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển sản phẩm, phát triển năng lực sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ. Do vậy, các công ty đang trong giai đoạn này có lịch sử phát triển ngắn hơn và quy mô nhỏ hơn so với đa số các khoản đầu tư nêu trong định nghĩa rộng. Cụ thể, ĐTMH không bao gồm việc đầu tư vào các doanh nghiệp đã tăng trưởng và lĩnh vực đầu tư chủ yếu chỉ là các hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng mới…)

Sự khác biệt giữa hai định nghĩa này được thế hiện ở mức độ trưởng thành của công ty nhận vốn đầu tư. Không có quy tắc rõ ràng nào để phân biệt hai loại công ty này. Thay vào đó, định nghĩa hẹp được xem là đúng ở một đầu dải thời gian đáo hạn của một khoản đầu tư cổ phần tư nhân. Mặt khác, các thị trường cổ phần tư nhân phát triển thì người cung cấp vốn có xu hướng tập trung vào đầu hoặc cuối dải thời gian đáo hạn.

Ở Việt Nam, hiện chưa có một định nghĩa chính thức về ĐTMH. Tuy nhiên, có thể hiểu quỹ đầu tư mạo hiểm là tổ chức tài chính được thành lập theo quy định của pháp luật để đầu tư vào hoạt động ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao. Quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động dựa trên cơ sở điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ. Ngoài ra, ĐTMH còn được hiểu là một thiết chế tài chính đặc trưng cho hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D). Như vậy, khái niệm ĐTMH theo quan niệm của Việt Nam nghiêng về sử dụng nghĩa hẹp của định nghĩa ĐTMH, tức là đầu tư cho những doanh nghiệp mới khởi nghiệp và gắn liền với công nghệ cao.

1.1.2. Đặc điểm của đầu tư mạo hiểm


Đầu tư mạo hiểm bao gồm một số đặc điểm sau:

1.1.2.1. ĐTMH thực chất là một dạng kinh doanh vốn

Các nhà đầu tư cung cấp vốn cho các doanh nghiệp mới khởi sự, có ý tưởng kinh doanh tốt, thường trong lĩnh vực công nghệ cao, có khả năng tăng trưởng cao. Tỷ lệ thất bại khi đầu tư vào các doanh nghiệp trong giai đoạn mới khởi sự này có thể rất cao, tới 80-90%, tức là tỷ lệ thành công hoàn toàn của nó thấp hơn 30%. Mức độ mạo hiểm càng cao thì khi thành công sẽ cho thu nhập cũng càng cao, vì công nghệ cao làm ra sản phẩm trước đây chưa có. Do đó, ĐTMH có thể thu được lợi nhuận rất lớn khi thành công và khác với tài chính truyền thống, vốn mạo hiểm là loại vốn có thể đảm nhiệm mạo hiểm cao, đặc tính này phù hợp với việc phát triển dự án công nghệ cao.

Bên cạnh đó các nhà cung cấp vốn ĐTMH không thu hồi lãi của công ty tiếp nhận vốn đầu tư mạo hiểm mà thu hồi vốn thông qua 4 kênh chính: Chứng khoán bán cho công chúng lần đầu, bán cổ phần cho nhà đầu tư khác, bán lại cổ phần cho DN, và bán DN cho DN khác.

1.1.2.2. ĐTMH đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn, tiềm năng tăng trưởng cao nhưng rủi ro lớn

Đầu tư là hoạt động hy sinh những giá trị hiện tại để đạt những giá trị không chắc chắn trong tương lai. Khác với đầu tư thông thường, mục tiêu của ĐTMH là kiếm được các khoản thu nhập vốn vượt trội hơn mức trung bình. ĐTMH thường tập trung đầu tư vào các công ty trong giai đoạn khởi nghiệp, trước khi đạt được khả năng thu lợi nhuận, trước khi bán được sản phẩm, thậm chí là trước khi phát triển được sản phẩm, nhưng phải sẵn sàng theo đuổi một con đường tăng trưởng nhanh. Các nhà ĐTMH nắm giữ các công cụ như: vốn chủ sở hữu, tham gia trực tiếp vào rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp (DN) mà họ đầu tư. ĐTMH tập trung chủ yếu tài trợ cho các DN thuộc lĩnh vực công nghệ cao (CNC). Do vậy, hình thức đầu tư này thường đòi hỏi lượng vốn đầu tư rất lớn, độ rủi ro cao vì các sáng chế, phát minh trong lĩnh vực này thường có tính đột phá cao, song lại chỉ mới dừng ở mức ý tưởng, chưa được tính toán và kiểm nghiệm thực tế. Điều này khiến ĐTMH mang độ rủi ro cao hơn so với các hình thức đầu tư thông thường khác. Tuy nhiên, đi kèm với yếu tố rủi ro là lợi nhuận vượt trội cho nhà đầu tư nếu hoạt động đầu tư thành công.



1.1.2.3. Đầu tư mạo hiểm là khoản đầu tư lâu dài (vintage cycles)

ĐTMH là loại hình đầu tư thường mang tính chất lâu dài, các khoản đầu tư sẽ kết thúc sau một thời gian nhất định (khoảng 7-10 năm). Đối tượng nhận vốn ĐTMH thường là các công ty cổ phần tư nhân, tức là những công ty chưa được sở hữu đại chúng, thậm chí mới ở giai đoạn hình thành ý tưởng ban đầu song lại có tiềm năng phát triển lớn. Để đi được đến đích cuối cùng của quỹ là một chiến lược thoát vốn hiệu quả, đem lại lợi nhuận cao nhất cho nhà đầu tư, các công ty phải đạt sự phát triển ở mức độ nhất định sao cho cổ phiếu của chúng hấp dẫn cao với thị trường, thỏa mãn tiêu chí niêm yết trên TTCK tập trung. Điều này đòi hỏi phải có khoảng thời gian cần thiết cho sự tích lũy và mở rộng, thường kéo dài từ 7- 10 năm.



1.1.2.4. Tính thanh khoản của ĐTMH phụ thuộc vào việc mua lại quyền kiểm soát (IPO) của nhà đầu tư

ĐTMH khó có thể rút được tiền ra trong ngắn hạn. Việc thanh lí, thoái vốn khỏi dự án trong danh mục đầu tư phụ thuộc vào việc nhà quản lý quỹ có thành công trong việc mua lại quyền kiểm soát hay không. Rủi ro phổ biến là việc nhà quản lý quỹ thiếu kinh nghiệm sẽ phô trương, thổi phồng và mang công ty được đầu tư ra thị trường quá sớm, đặc biệt là khi thị trường IPO đang thuận lợi. Ngược lại, khi thị trường IPO tồi tệ, có nghĩa là công ty dù thành công cũng có thể không có được sự thanh khoản ngay lập tức.



1.1.2.5. ĐTMH hỗ trợ tài chính và hỗ trợ phi tài chính cho DN

Khác biệt nhất của ĐTMH so với các hình thức đầu tư khác là nhà ĐTMH không chỉ đơn thuần cung cấp vốn mà còn hỗ trợ cho DN những vấn đề như: tư vấn ở cấp chiến lược, lập kế hoạch tài chính và chiến lược kinh doanh, tiếp cận thị trường mới và công nghệ mới, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh…Sự hỗ trợ này đóng vai trò quan trọng đối với sự thành bại của DN nhận đầu tư bởi lẽ, đối tượng được nhận vốn ĐTMH thường là những DN trẻ, mới khởi nghiệp, nên thiếu khả năng và kinh nghiệm điều hành quản lý DN. Đặc điểm này của hoạt động ĐTMH cũng được coi là nhân tố quan trọng để áp dụng thành công kỹ thuật quản lý doanh nghiệp theo kiểu Mỹ - đó là phương pháp tăng thêm giá trị của dự án đầu tư bằng những đóng góp tích cực vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nói cách khác, nhà ĐTMH sẽ sát cánh với đối tượng được đầu tư để đạt tới thành quả cuối cùng.


1.1.3. Chủ thể tham gia ĐTMH


Tham gia trực tiếp vào quá trình ĐTMH có ba đối tượng chính:

  • Nhà đầu tư mạo hiểm: Cá nhân hay tổ chức bất kỳ nào cũng có thể trở thành nhà đầu tư mạo hiểm. Họ có nhiểu tiền nhàn rỗi, sẵn sàng đầu tư và chấp nhận rủi ro cao để đạt được lợi nhuận cao trong tương lai. Nhà ĐTMH có thể thực hiện ĐTMH theo hai hình thức khác nhau đó là: cá nhân tự đầu tư hoặc đầu tư có tổ chức.

  • Nhà quản lý quỹ: Là những người hành nghề ĐTMH chuyên nghiệp, có tri thức, công nghệ và khả năng quản trị. Họ huy động vốn từ các nhà ĐTMH, tìm kiếm và đánh giá cơ hội đầu tư, thực hiện công cuộc thoát vốn và mang lại lợi nhuận cho quỹ.

  • Doanh nghiệp: chủ yếu là doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp. Họ là những tổ chức, cá nhân mong muốn biến những ý tưởng sáng tạo, độc đáo của mình thành hiện thực nhưng do tiềm lực tài chính có hạn nên cần có sự góp vốn của nhà ĐTMH.

Mối quan hệ giữa ba chủ thể này phải được duy trì liên tục và đảm bảo lợi ích của tất cả các bên nhằm mục tiêu: khuyến khích nguồn ý tưởng sáng tạo, tinh thần kinh doanh, tạo động lực cho người có vốn thực hiện ĐTMH và phát huy năng lực quản lý quỹ của các nhà ĐTMH.


tải về 416.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương