1. Cơ sở khoa học, ý nghĩa thực tiễn của đề tài


Kinh nghiệm phát triển quỹ ĐTMH tại một số nước trên thế giới



tải về 416.79 Kb.
trang4/9
Chuyển đổi dữ liệu05.09.2016
Kích416.79 Kb.
#31693
1   2   3   4   5   6   7   8   9

1.6. Kinh nghiệm phát triển quỹ ĐTMH tại một số nước trên thế giới

1.6.1. Kinh nghiệm của Mỹ


Mỹ là quốc gia tiên phong về đầu tư vốn mạo hiểm, với ý tưởng hỗ trợ vốn để hình thành các DN vừa và nhỏ có ý tưởng sáng tạo và có tiềm năng trên thị trường. Hiện ở Mỹ đã hình thành một thị trường vốn mạo hiểm khổng lồ, với hàng chục nghìn các nhà ĐTMH thường góp vốn vào các quỹ ĐTMH, có khả năng tài trợ cho nhiều dự án, đặc biệt là những ý tưởng sáng tạo mới, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, đóng góp một phần đáng kể vào GDP chung của toàn nước Mỹ.

Hình 1.3. Quy mô vốn ĐTMH tại Mỹ giai đoạn 1970 - 2014

Nguồn: NVCA venture impact-7th

Như hình 1.3 thể hiện, tổng khối lượng vốn ĐTMH cho tới trước năm 1995 chưa bao giờ vượt quá 6 tỷ USD, nhưng sau đó tổng chi tiêu đã đạt đến một con số gây kinh ngạc là 101,8 tỷ USD, rót vào 5606 công ty trong năm 2001. Lượng đầu tư trung bình là 11,69 triệu USD cho mỗi công ty, lớn gấp 3 lần so với lượng đầu tư trung bình 4,42 triệu USD cho mỗi công ty trong năm 1995. Lượng đầu tư trung bình cho mỗi công ty tăng ổn định trong suốt giai đoạn 1995-2001, sang 3 quý đầu năm 2002 đã giảm xuống chỉ còn 11,69 triệu USD cho 1 công ty. Tổng mức đầu tư đạt mức đỉnh 28,5 tỷ USD vào quý 3 năm 2001, sau đó giảm dần theo từng quý, sụt xuống mức 7,7 tỷ USD (trung bình 8,84 triệu USD/1 công ty) trong 3 quý đầu năm 2002. Tổng khối lượng đầu tư năm 2002 là 39,3 tỷ USD. Đây được coi là một sự sụt giảm mạnh.



Trong giai đoạn từ năm 2002 - 2014, có thể thấy rằng, năm 2007 là năm có lượng vốn ĐTMH ở Mỹ đạt ngưỡng cao nhất (39,52 tỷ USD). Đến năm 2008, lượng vốn ĐTMH ở Mỹ đã giảm mạnh (chỉ đạt mức 28,29 tỷ USD). Điều này được lý giải do nhiều nguyên nhân. Năm 2008 là năm mà cả thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, và nặng nề nhất là nước Mỹ với sự phá sản của nhiều tập đoàn lớn. Theo nghiên cứu của Hiệp hội các Quỹ ĐTMH quốc gia và công ty kiểm toán Pricewaterhouse Coopers, tổng lượng vốn thành lập mới của các DN Mỹ đã giảm xuống còn 5,4% - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2005. Cũng trong năm 2008, lượng vốn đầu tư chảy vào ngành phần mềm giảm còn 1 tỷ USD, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tổng số công ty được nhận tài trợ lần đầu tiên là 1,171 tỷ USD, tức là thấp hơn 10% so với năm 2007. Bên cạnh đó, TTCK lao dốc thảm hại trong năm 2008 là cả một thách thức đối với những công ty có ý định IPO. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu trên thế giới về lượng vốn ĐTMH trong năm 2008 với số vốn đầu tư lên tới 27,3 tỷ USD. Và ảnh hưởng tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục kéo dài đến năm 2009 và 2010 khi lượng vốn ĐTMH giảm mạnh.Trong năm 2011 lượng vốn ĐTMH ở Mỹ đã giảm mạnh, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1993 trở lại đây (năm 2009: 14,3 tỷ USD; năm 2010: 11,6 tỷ USD). Trong những năm gần đây, lượng vốn ĐTMH tại Mỹ đã có sự phục hồi với số vốn ĐTMH tăng dần và đạt mức 25,7 tỷ USD vào năm 2014.

  • Các mô hình ĐTMH ở Mỹ

Ở Mỹ hiện nay tồn tại 4 mô hình ĐTMH: SBICs, quỹ ĐTMH tài chính, quỹ ĐTMH dạng công ty, các hợp danh hữu hạn vốn mạo hiểm. Mặc dù cả 4 dạng quỹ trên đều hoạt động nhưng mô hình công ty hợp danh hữu hạn được coi là thống trị ngành ĐTMH tại Mỹ, một phần vì đây là dạng quỹ duy nhất không đưa ra một mục tiêu nào khác ngoài lợi nhuận đối với các cuộc ĐTMH. SBICs bị kìm giữ bởi phụ thuộc mang tính lịch sử của nó vào các nguồn tài trợ không phù hợp cho việc ĐTMH và các quy định liên quan tới công ty Chính phủ tài trợ. Trong khi các quỹ dạng tài chính và dạng công ty có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự gắn kết với lợi ích của công ty mẹ hơn là lợi ích các công ty nằm trong danh mục đầu tư, dễ dẫn đến xung đột lợi ích giữa các nhà tài chính và doanh nhân và giữa quỹ mạo hiểm công ty và các nhà ĐTMH khác. Vì tất cả các lý do này, các hợp danh hữu hạn mạo hiểm nắm tới trên 75% tổng nguồn vốn của ngành và hiện nay vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao.

1.6.2. Kinh nghiệm của Đài Loan


  • Hỗ trợ của Chính phủ Đài Loan với quỹ ĐTMH

Chính phủ Đài Loan bắt đầu thúc đẩy quỹ ĐTMH từ năm 1993. Mục tiêu chính là để tăng cường sự phát triển công nghệ mạnh, chuyên sâu và nâng cấp cấu trúc công nghệ sau này. Để hoàn thành mục tiêu đó, Chính phủ đã ban hành “Những quy định quản lý vốn với các công ty đầu tư mạo hiểm” vào năm 1993 trong đó bao gồm các quy định hướng dẫn điều tiết tổ chức, quản lý và giám sát doanh nghiệp đầu tư vốn mạo hiểm. Đặc biệt, để khuyến khích sự phát triển của lĩnh vực ĐTMH, Chính phủ đã giảm 20% thuế thu nhập đối với cá nhân nắm giữ cổ phiếu sáng lập của DN ĐTMH.

Một quỹ ĐTMH hoạt động qua 5 giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn đầu tư vốn ban đầu được coi là giai đoạn cần nhiều vốn nhất và có rủi ro tài chính lớn nhất. Cho dù giai đoạn này nhận được sự hỗ trợ tài chính từ ngành vốn mạo hiểm, số công ty có thể nhận được tài trợ kiểu như vậy là rất hữu hạn. Điều này đặc biệt đúng khi các tiêu chí niêm yết không thể đưa ra sự đánh giá chuẩn xác về tiềm năng các công ty công nghệ cao, vì thế, làm cho nó khó khăn hơn khi xin phát hành ra công chúng. Những yếu tố này không chỉ ngăn cản những nỗ lực của công ty công nghệ cao tiếp nhận vốn từ thị trường cổ phiếu mà còn cản trở khả năng của ngành vốn mạo hiểm trang trải cho đầu tư của công ty công nghệ cao.

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Đài Loan đã tạo ra bảng thứ 2 ở thị trường giao dịch phi tập trung OTC cho các DN đổi mới, tăng trưởng cao của Đài Loan (TIGER) với các điều kiện niêm yết ít chặt chẽ hơn. Mặc dù ảnh hưởng của TIGER vẫn được xem là giai đoạn đầu, song xét về lâu dài nó có tác động khuyến khích sự phát triển của ngành ĐTMH.


  • Những kết quả đạt được của ngành ĐTMH tại Đài Loan

Thị trường vốn đầu tư mạo hiểm ở Đài Loan đã trải qua sự tăng trưởng không dự đoán trước được, trong thời kỳ từ 1997-1999, ngành vốn ĐTMH ở Đài Loan thành công chưa bao giờ có được từ trước đến nay. Chỉ có 72 quỹ mạo hiểm với tổng số vốn 42,63 tỷ $NT(1,4 tỷ USD) vào cuối năm 1997. Từ năm 1997, quỹ vốn ĐTMH tăng nhanh gấp 2 lần và tổng số vốn tăng gấp 2,5 lần. Đến cuối năm 1999, quỹ vốn ĐTMH của Đài Loan đã đạt 94,71 tỷ $NT. Từ năm 2000-2007, ngành ĐTMH Đài Loan cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2007, lượng vốn ĐTMH tại Đài Loan đã đạt con số là 224,439 tỷ $NT với sự tham gia của 272 quỹ ĐTMH. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư hơn 2/3 tổng lượng vốn ĐTMH tại Đài Loan và đã đầu tư hiệu quả hơn các quỹ đầu tư nội địa.

Hình 1.4. Tổng số vốn ĐTMH vào Đài Loan 1998 - 2014

Nguồn: Taiwan venture capital association (wwww.tvca.com)

Năm 2008, hoạt động ĐTMH ở Đài Loan cũng chịu ảnh hưởng một cách bất lợi từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mặc dù thị trường vốn ĐTMH ở Đài Loan vẫn giữ tốc độ tăng trưởng về lượng vốn và số vụ ĐTMH nhưng tốc độ chậm lại so với năm 2007.Trong đó, nhiều quỹ ĐTMH đã rút khỏi thị trường Đài Loan do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính.

Trong giai đoạn 2009 - 2014, lượng vốn ĐTMH tại Đài Loan vẫn đang trên đà tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt, năm 2010, lượng vốn ĐTMH tại Đài Loan đạt 248,7 tỷ $NT, đây là một con số khá ấn tượng nếu xét đến tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Đây là một tín hiệu khá lạc quan dành cho ngành ĐTMH Đài Loan. Sự đầu tư vốn mạo hiểm tại Đài Loan thật sự là chất xúc tác cho sự phát triển ngành công nghệ cao tại Đài Loan.

1.6.3. Bài học rút ra cho Việt Nam.


1.6.3.1. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các quỹ ĐTMH

Nhà nước có thể tác động đến hoạt động ĐTMH một cách gián tiếp thông qua việc tạo lập khuôn khổ pháp lý, điều tiết quá trình ĐTMH, tạo môi trường kinh doanh ổn định, thu hút các nhà ĐTMH nước ngoài, đồng thời ban hành các chính sách như chính sách khuyến khích ĐTMH, chính sách ưu đãi thuế….Thật vậy, ở Đài Loan, Chính phủ giữ vai trò rất quan trọng, vai trò quản lý nhà nước đối với quỹ ĐTMH mà Bộ tài chính là cơ quan quản lý trực tiếp quỹ này. Tại Đài Loan, chính phủ thúc đẩy quỹ ĐTMH bằng các chính sách phát triển ngành công nghệ cao và phát triển sự hình thành của quỹ ĐTMH. Còn ở Mỹ, tuy rằng phần lớn các quỹ được hình thành từ các gia đình có thế lực, được tài trợ từ các định chế tài chính nhưng vẫn không thế phủ nhận vai trò của Chính phủ trong việc là cầu nối giữa nhà ĐTMH và DN. Để thành lập được mạng lưới này, ban đầu cần có vai trò của Chính phủ và các xúc tiến ban đầu của Chính phủ không chỉ dừng lại ở việc lên danh sách các công ty và các nhà đầu tư, mà điều quan trọng là phải tạo điều kiện tiếp xúc giữa các cá nhân. Cần có sự phối hợp giữa các hệ thống tư bản mạo hiểm tư nhân và Nhà nước ở các cấp địa phương, khu vực quốc gia nhằm tránh sự trùng lắp và thiếu thông tin.

Ở Việt Nam, với cơ chế thị trường, Nhà nước thực hiện công tác kế hoạch nhằm định hướng kinh tế-xã hội, lựa chọn mô hình tăng trưởng, lựa chọn các mục tiêu chủ yếu, xây dựng các chính sách kinh tế - xã hội. Đồng thời, Nhà nước cũng là người xây dựng pháp luật, đó là công cụ quan trọng nhất điều chỉnh các quan hệ xã hội và thực hiện quản lý xã hội.

Vì vậy, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ phía Đài Loan về việc phát huy vai trò của Nhà nước đối với việc phát triển ngành ĐTMH vì nó có ích cho sự phát triển kinh tế, tăng trưởng quốc gia và phù hợp với thị trường vốn chưa phát triển ở trong nước.



1.6.3.2. Sự phát triển thị trường tài chính là cần thiết cho hoạt động ĐTMH

Thị trường tài chính là nơi trung chuyển vốn từ những người thừa vốn sang những người thiếu vốn để đáp ứng mục đích của họ. Sự phát triển thị trường tài chính là sự phát triển đồng bộ về hệ thống ngân hàng, các trung gian tài chính khác, thị trường vốn. Có thể nhận thấy, các nước có ngành công nghiệp vốn mạo hiểm phát triển đều là những nước có TTCK tồn tại khá lâu trước khi có sự ra đời của quỹ ĐTMH. Thị trường tài chính tiền tệ ổn định và phát triển, trong đó có sự phát huy của TTCK là yếu tố quan trọng cho việc thu hút ĐTMH. Kinh nghiệm các nước cho thấy, tồn tại mối quan hệ giữa sự phát triển thị trường vốn và sự phát triển các quỹ ĐTMH là tương tác với nhau.

Thị trường tài chính ở Mỹ là thị trường phát triển rất cao, vì vậy, mô hình quỹ ĐTMH cũng rất đa dạng: Ví dụ, cho phép các tổ chức như quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm được đầu tư kinh doanh vốn mạo hiểm. Bên cạnh đó, họ còn thành lập thị trường riêng dành cho các công ty vừa và nhỏ, công ty mới thành lập có tiềm năng.

Ở châu Á, lịch sử phát triển thị trường tài chính ngắn hơn so với ở Mỹ và châu Âu, do đó cần thiết có sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức kinh tế có kinh nghiệm quản lý quỹ. Trong định hướng hay các chính sách của Nhà nước về phát triển quỹ ĐTMH tại Đài Loan đều chú trọng đến sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng.

Từ kinh nghiệm của Mỹ, các quỹ ĐTMH thúc đẩy sự phát hành cổ phần ra công chúng bởi các quỹ ĐTMH đều tập trung đầu tư vốn lớn cho các công ty theo danh mục đầu tư và thoát vốn chủ yếu bằng phát hành chứng khoán ra công chúng và giúp công ty này được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán hay thị trường OTC. Vì vậy, việc phát triển thị trường sơ cấp là rất cần thiết.

1.6.3.3. Để phát triển ĐTMH, cần tạo môi trường kích thích những sáng kiến trong nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân

Môi trường kinh doanh là tiền đề dẫn đến sự thành công hay thất bại của bất cứ loại kinh doanh nào. Môi trường không chỉ là tiền đề mà còn là chất xúc tác, kích thích những sáng kiến cho nhà kinh doanh.

Tạo môi trường kích thích sáng tạo cho các nhà DN là đưa ra các chính sách, xây dựng khuôn khổ pháp luật thích hợp, các thủ tục hành chính không phiền hà, gọn nhẹ, thoáng hơn, nới lỏng mọi ràng buộc không thích hợp, gây cản trở cho sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và sự hình thành quỹ ĐTMH nói riêng. Việc tạo môi trường thuận lợi không chỉ hỗ trợ các DN vừa và nhỏ hoạt động mà còn khuyến khích tinh thần tự chủ của các DN và nhận thức về vai trò và trách nhiệm của mình, khuyến khích tính sáng tạo và khả năng của các cá nhân thành lập công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và mạo hiểm có vai trò thúc đẩy nền kinh tế đất nước.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, như ở Mỹ, tồn tại một môi trường kích thích sáng tạo cho thành phần tư nhân do đó nó khuyến khích nhu cầu thành lập các công ty hay các tập đoàn đầu tư vào những ngành có tiềm năng lợi nhuận khổng lồ nhưng rủi ro cao. Đó là nguyên lý của việc cầu về vốn đầu tư rất lớn thì sẽ xuất hiện cung về vốn đầu tư. Tại Đài Loan, chính phủ lại phải tác động đến hoạt động của quỹ ĐTMH thông qua hình thức đưa ra các chính sách phát triển công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn và đưa ra ưu đãi cho các công ty tham gia vào đầu tư ngành công nghệ cao cũng như ưu đãi các tổ chức tài trợ vốn cho công ty này. Chính vì vậy, quỹ ĐTMH tại Đài Loan đã tăng trưởng và phát triển nhanh.

Tạo môi trường kích thích sự sáng tạo của các thành phần kinh tế không chỉ là chính sách của Nhà nước mà nó còn là hành lang pháp lý cho sự hoạt động của quỹ ĐTMH và công ty nhận đầu tư. Kinh nghiệm các nước cho thấy tùy thuộc vào dạng quỹ ĐTMH mà bị chịu sự điều tiết và quản lý bởi các nguồn luật khác nhau như: luật Doanh nghiệp, luật đầu tư….Tuy nhiên, quan trọng là sự đồng bộ và thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của quỹ ĐTMH cũng như các công ty nhận vốn đầu tư. Khi hệ thống pháp luật càng hoàn chỉnh thì số lượng và quy mô các quỹ ĐTMH cũng ngày càng tăng, mô hình của quỹ cũng đa dạng và phức tạp hơn. Vì vậy, đối với Việt Nam, việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh để điều chỉnh hoạt động của các quỹ ĐTMH là vấn đề cấp bách cần sớm được thực hiện.

1.6.3.4. Phạm vi đầu tư và đối tượng tham gia quỹ ĐTMH cần được điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm riêng của từng quốc gia

Tại các nước trên thế giới, nói đến quỹ ĐTMH đều được hiểu rằng nó hoạt động như một pháp nhân. Tại Mỹ, các hợp danh hữu hạn đầu tư vốn mạo hiểm đang giữ vai trò thống trị, các công ty tham gia vào quỹ ĐTMH với tư cách là thành viên hữu hạn để tiếp cận những công nghệ mới đầy triển vọng, còn các công ty con tiếp cận với thị trường và nguồn lực công nghệ của công ty lớn hơn.

Hầu hết, các nước có các đối tượng tham gia đầu tư vốn vào quỹ chủ yếu là các nhà đầu tư có tổ chức như các tổ chức tài chính trung gian và phi tài chính (quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, chứng khoán….) và các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ngoài ra, như tại Mỹ còn có sự tham gia của các trường đại học và quỹ tín thác gia đình, tuy nhiên tỷ lệ đóng góp không cao. Tại Đài Loan, Chính phủ đầu tư trực tiếp vào các quỹ ĐTMH, do đó tỷ lệ đầu tư trực tiếp từ trong nước chiếm một tỷ trọng cao. Trái lại ở những nước khác như Việt Nam, đầu tư từ nước ngoài chiếm tỷ lệ cao hơn. Vì vậy, tùy thuộc vào sự phát triển của thị trường vốn, tâm lý đầu tư, tập quán kinh doanh và kỹ năng quản lý của mỗi nước mà nới rộng hay thu hẹp đối tượng tham gia quỹ ĐTMH.

CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CỦA CÁC QUỸ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM TẠI VIỆT NAM



tải về 416.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương