1. Cơ sở khoa học, ý nghĩa thực tiễn của đề tài


Đánh giá chung về thực trạng phát triển của các quỹ ĐTMH tại Việt Nam



tải về 416.79 Kb.
trang8/9
Chuyển đổi dữ liệu05.09.2016
Kích416.79 Kb.
#31693
1   2   3   4   5   6   7   8   9

2.4. Đánh giá chung về thực trạng phát triển của các quỹ ĐTMH tại Việt Nam

2.4.1. Các thành tựu đã đạt được


2.4.1.1 Tạo ra giá trị gia tăng cho các DN được đầu tư trong giai đoạn khởi nghiệp

Khi đầu tư vào DN Việt Nam, các quỹ ĐTMH đã cung cấp các hoạt động làm tăng giá trị cho công ty nhận đầu tư như quản lý tài chính, quan hệ đối tác, chiến lược kinh doanh, marketing, đánh giá quản lý, hỗ trợ niêm yết lần đầu….Sau một thời gian nhận vốn đầu tư từ các quỹ ĐTMH, các công ty đều đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu cao và đã niêm yết thành công trên TTCK.

Hầu hết, các DN mà quỹ ĐTMH đầu tư đã có những thành tựu quan trọng như tạo ra được những thương hiệu mạnh trong lĩnh vực dịch vụ trực tuyến và không dây. Sản phẩm của các công ty này đã tạo ra môi trường dịch vụ tương đối đầy đủ cho người dùng, từ các dịch vụ nền tảng như thanh toán, xử lý dữ liệu đến các dịch vụ như thông tin, tìm kiếm, quảng cáo và thương mại. Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân vốn của các quỹ khá nhanh. Nguồn quỹ đầu tư ban đầu của quỹ IDGVV vào Việt Nam đã được giải ngân xong. Các công ty mà IDGVV đã đầu tư có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, từ 30-40%/năm. Thành công lớn nhất trong các dự án ĐTMH tại Việt Nam hiện nay đó là VinaGame và tập đoàn VC Corporation như đã phân tích ở trên.

2.4.1.2. Góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực khoa học công nghệ tại Việt Nam

Hoạt động của các quỹ ĐTMH ở Việt Nam đã thực sự mang đến một nguồn vốn lớn. Nhiều ý tưởng sáng tạo đã thành công với sự đầu tư của các quỹ ĐTMH như website thương mại: vinagame, chodientu.vn, peacesoft, hay Vinapay…. Việc này đã thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, và khoa học công nghệ tại Việt Nam. Với lợi nhuận trung bình từ 35-40% một năm, sau hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, những khoản đầu tư của các quỹ ĐTMH đã và đang thúc đẩy sự phát triển của kinh tế dịch vụ, qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu dịch vụ.

Mặc dù đã có nhiều khởi sắc nhưng số quỹ hoạt động ĐTMH tại Việt Nam chưa tương xứng với quy mô. Các quỹ có xu hướng đầu tư vào các công ty đã phát triển, có hoạt động tương đối thành công và sản phẩm được thị trường chấp nhận, độ rủi ro thấp. Quy mô các quỹ đều ở mức trung bình và hoạt động đầu tư còn khiêm tốn. Điều này bắt nguồn từ thực trạng của nền kinh tế nước ta còn nhiều hạn chế.

2.4.2. Hạn chế


2.4.2.1. Hạn chế từ nguyên nhân nội tại của nền kinh tế

Thứ nhất là sự khó khăn trong hoạt động huy động vốn của các quỹ ĐTMH tại thị trường Việt Nam. Ngoài việc tiến hành đầu tư vào các DN mới khởi sự, các ý tưởng sáng tạo, trên thế giới còn có nhiều quỹ ĐTMH chuyên cứu trợ cho các DN đang gặp khủng hoảng hay bên bờ phá sản. Ở Việt Nam, các quỹ chưa làm được như vậy, chủ yếu là do thiếu vốn. Như đã đề cập ở chương 1, nguồn vốn cung cấp cho các quỹ ĐTMH có phần lớn là nguồn vốn nhàn rỗi từ dân chúng, được huy động thông qua các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm, nhà đầu tư tư nhân. Hiện nay, nguồn vốn nhàn rỗi tại thị trường Việt Nam được huy động chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng nhưng hệ thống ngân hàng Việt Nam lại không thực sự phù hợp và cũng chưa sẵn sàng cung cấp vốn cho các quỹ ĐTMH. Các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí vẫn chưa thể hiện được vai trò thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của mình. Ngoài ra, việc quy định mức trần đóng bảo hiểm xã hội của Chính phủ cũng lại càng làm suy giảm vai trò thu hút vốn - vốn đã rất yếu kém của các quỹ hưu trí. Các quy định về cơ chế hưu trí đang kìm kẹp thị trường bảo hiểm hưu trí, một kênh thu hút vốn quan trọng của các công ty bảo hiểm.

Thứ hai, ngân sách dành cho khoa học công nghệ ở Việt Nam còn rất nhỏ. Hoạt động ĐTMH ở Việt Nam chủ yếu là đầu tư vào các DN công nghệ cao. Tuy nhiên, nguồn ngân sách dành cho hoạt động này ở Việt Nam còn khá khiêm tốn. Trong giai đoạn từ 2008 - 2014, chỉ đạt 2% tổng chi ngân sách (khoảng 0,5-0,6% GDP), tỷ trọng đầu tư của các DN còn ít, chưa đến 0,1% GDP. Bởi hầu hết các DN đều là các DN vừa và nhỏ, ban đầu phải lo tồn tại trong thương trường, chưa có điều kiện đầu tư cho khoa học công nghệ. Các DN lớn chủ yếu là DNNN thì đầu tư cho lĩnh vực này rất thấp, thậm chí thấp hơn tư nhân. Trong khi đó, tỷ lệ đầu tư ở Trung Quốc cho khoa học công nghệ từ ngân sách Nhà nước so với khu vực ngoài Nhà nước là khoảng 1:3 còn ngược lại ở Việt Nam là 5:1. Đầu tư cho đổi mới công nghệ của DN Việt Nam rất thấp, chi phí đổi mới công nghệ chỉ khoảng 0,2 - 0,3% doanh thu, trong khi ở Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10%. Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) còn thấp hơn cả khu vực tư nhân lẫn khu vực quốc doanh. Chi tiêu của ngân sách cho công tác R&D còn quá ít khiến trong suốt thời gian vừa qua không có nhiều ý tưởng mới để các quỹ ĐTMH nhận thấy được cơ hội đầu tư.

Thứ ba, TTCK ở Việt Nam có nhiều bước đi mới trong thời gian vừa qua, tuy nhiên nó vẫn chưa thật sự phát triển ổn định để trở thành một kênh thoát vốn hữu hiệu cho các nhà đầu tư mạo hiểm. Với vai trò là một kênh thu hồi vốn hữu hiệu nhất, ở hầu hết các nước khác, TTCK ra đời và phát triển là nền tảng cho ngành công nghiệp ĐTMH. Trong khi đó, ở Việt nam, năm 1991, quỹ ĐTMH đầu tiên ra đời thì đến năm 1997, Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước mới được thành lập, và mãi đến 3 năm sau Trung tâm giao dịch chứng khoán mới đi vào hoạt động tại TP Hồ Chí Minh (20/7/2000). Sau 15 năm hoạt động tuy đã có những bước tiến nhất định nhưng TTCK Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, hoạt động của thị trường chủ yếu mới chỉ là hoạt động của thị trường giao dịch thứ cấp mà chưa có sự phát triển đầy đủ của thị trường phát hành sơ cấp. Giao dịch chứng khoán bên ngoài Sở giao dịch thiếu thông tin và không đảm bảo. Do đó, các quỹ ĐTMH không dễ dàng thực hiện việc rút vốn bằng cách phát hành IPO hay tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược để tiếp nhận các khoản đầu tư trong danh mục đầu tư của quỹ.



2.4.2.2. Hạn chế từ môi trường pháp lý

Trong thời gian qua, với chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương chính sách nhằm tạo nên sự thông thoáng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nó vẫn luôn không theo kịp nhịp đập của thị trường. Mặc dù đã hoạt động ở Việt Nam hơn 20 năm, nhưng quỹ ĐTMH vẫn chưa có được những văn bản quy định một cách rõ ràng, cũng như chưa có những thông tư hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, các quỹ ĐTMH luôn gặp những khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh. Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện không những gây khó khăn cho quỹ trong quá trình tham gia hoạt động mà còn hạn chế rất lớn cơ hội đầu tư cho các quỹ, đồng thời làm giảm hiệu quả đầu tư của quỹ. Hiện nay, để thành lập một quỹ ĐTMH vẫn chưa có một nguồn luật điều chỉnh, nghị định hay thông tư nào hướng dẫn cụ thể mà chỉ có thể áp dụng một số văn bản pháp luật như sau: luật đầu tư 2014, luật doanh nghiệp 2014, nghị định số 144/2003/NĐ-CP, nghị định 175/2005/QĐ-TTg, nghị định 99/2003/NĐ-CP. Nhìn chung do chỉ mới quy định ở cấp Nghị định, do đó các đối tượng này đồng thời phải chịu sự điều chỉnh của các luật liên quan trong khi luật đó lại chưa đưa ra các quy phạm điều chỉnh cụ thể và đầy đủ. Điều đó dẫn đến nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ trong hệ thống các văn bản pháp luật với các đối tượng tham gia hoạt động trên thị trường. Như vậy, Nhà nước chưa chỉ rõ cơ sở pháp lý nào áp dụng cho hình thức hoạt động của các quỹ ĐTMH, bên cạnh đó Nhà nước cũng chưa quy định rõ ràng về mức độ, cơ chế góp vốn từ ngân sách nhà nước vào các quỹ ĐTMH.

Ngoài ra, một số chính sách luật của Nhà nước vẫn còn chưa đồng bộ và chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Ví dụ như chính sách thuế của chính phủ. Trong nghị định 39/2000/QĐ-TTg ngày 27/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ quy định tạm thời ưu đãi về thuế đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán và thông tư số 74/2000/TT-BTC ngày 19/7/2000 hướng dẫn thi hành quyết định số 39/2000/QĐ-TTg chỉ quy định các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, tổ chức niêm yết và cá nhân đầu tư chứng khoán được hưởng chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế từ hoạt động kinh doanh chứng khoán. Thực chất quỹ đầu tư là một định chế đầu tư chuyên nghiệp được hình thành dưới hình thức hợp vốn và ủy thác đầu tư thông qua công ty quản lý quỹ. Do vậy, nếu các quỹ đầu tư không được hưởng ưu đãi thuế trong khi cá nhân đầu tư được thực hiện miễn thuế thì sẽ không khuyến khích các nhà đầu tư góp vốn vào quỹ. Bên cạnh đó, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, quy định hiện nay việc thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định tại thông tư số 169/1998/TT-BTC theo đó cách tính thuế chuyển nhượng của tổ chức đầu tư nước ngoài được thực hiện theo 1 trong 2 cách sau: (1) 1% trên giá chuyển nhượng hoặc (2) 32% chênh lệch mua bán chứng khoán. Đây thực sự là một tỷ suất khá cao và không phù hợp. Mặt khác, đối với các quỹ ĐTMH nước ngoài, một trong những quy định quan trọng có ảnh hưởng đến hoạt động ĐTMH là hạn chế cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong DNNN. Hiện nay theo quy định của Nhà nước tối đa là 30%. Quy định này thực sự đã hạn chế các quỹ đầu tư nhiều hơn cho các dự án công nghệ và những ý tưởng sáng tạo. Thực tế ở Việt Nam, các DN khởi nghiệp khó có thể huy động vốn từ các nguồn khác, nếu có vốn ĐTMH thì đó sẽ là nguồn vốn chính. Vì vậy, giới hạn 30% là tương đối thấp trong hoạt động ĐTMH liên quan đến ý tưởng sáng tạo và công nghệ mới.

Như vậy, với nhiều nguyên nhân tồn tại trong môi trường pháp lý và chính sách đã dẫn đến sự thận trọng của các nhà ĐTMH khi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị trường vốn Việt Nam. Thực trạng này cũng một phần được xuất phát từ chính bản thân các quỹ ĐTMH.


2.4.2.3.Hạn chế từ phía các DN nhận vốn đầu tư


Hoạt động ĐTMH ở Việt Nam chủ yếu được hiểu theo khái niệm hẹp, tức là đầu tư vào DN đang tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực công nghệ cao. Hiện nay ở Việt Nam, số lượng các DN công nghệ cao đang ngày càng nhiều. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch của các DN Việt Nam nói chung và các DN công nghệ cao nói riêng đã làm cho các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn khi tiến hành đánh giá DN trước khi đầu tư cũng như trong quá trình giám sát, củng cố DN, làm cho các nhà đầu tư từ bỏ ý định đầu tư. Nhiều DN công nghệ cao hoạt động không có chiến lược, hệ thống quản trị kém, từ đó các nhà đầu tư sẽ rất khó khăn khi đưa ra các quyết định nhanh chóng, kịp thời, chính xác để có thể làm tăng thu nhập, làm tăng giá trị DN.

Ngoài ra, có thể thấy rằng, thiếu những dự án khả thi là hạn chế lớn nhất khi các nhà ĐTMH xem xét các dự án đầu tư ở Việt Nam. Số lượng các DN gia tăng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, những dự án có tiềm năng thực sự tốt, thực sự hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của các quỹ đầu tư thì lại chưa thực sự nhiều, số lượng dự án xin tài trợ nhiều nhưng số lượng dự án được xem xét lại rất thấp. Các công ty vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện nhận được vốn ĐTMH trung và dài hạn, vì trình độ tổ chức và vận hành công ty còn thấp cũng như thiếu chiến lược dài hạn trong đổi mới công nghệ, ngoại trừ một số công ty hoạt động xuất khẩu hoặc trong lĩnh vực CNTT. Theo ông Chris Freund, giám đốc quỹ Mekong Capital, nhiều công ty CNTT tại Việt Nam quá nhỏ đối với những nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân trừ những nhà ĐTMH như IDGVV có thể sẵn sàng đầu tư cho các DN nhỏ. Nguyên nhân của thực trạng trên là do các yếu tố sau:



Thứ nhất, các DN cho rằng đây vẫn còn là một hình thức đầu tư khá xa lạ, chưa phổ biến nhiều ở Việt Nam. Hầu hết các quỹ đầu tư dưới dạng mua cổ phần của công ty nhà nước tiến hành cổ phần hóa hoặc những công ty tư nhân đang cần vốn để tái cấu trúc hoặc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Chưa có nhiều quỹ đầu tư vào DN ngay từ giai đoạn khởi sự - một thời điểm mà DN rất cần một nguồn tài trợ để có thể hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro tài chính, vì trong giai đoạn này DN phải đối mặt với rủi ro kinh doanh khá cao.

Thứ hai, quy mô nhỏ bé của DN cũng là một trở ngại, liệu với quy mô nhỏ bé của DN có thu hút được sự chú ý của các quỹ đầu tư trong khi bản thân các DN chưa có một chiến lược cụ thể để tiếp cận với nguồn vốn ĐTMH.

Thứ ba, một khi có sự đầu tư bên ngoài thì vấn đề chi phối hoạt động được các DN quan tâm rất nhiều. Tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các quỹ làm cho DN lo ngại về một sự kiểm soát công ty trong tương lai. Mục tiêu của quỹ đầu tư là gia tăng giá trị của DN để thu được lợi nhuận vượt trội vì thế họ đưa ra những chiến lược kinh doanh mà đôi khi không phù hợp với mục tiêu chung của DN, của môi trường kinh doanh Á Đông. Chính điều này cũng làm cho các DN Việt Nam còn e ngại với vốn ĐTMH.

2.4.2.4. Hạn chế từ bản thân các quỹ ĐTMH

Hiện nay, số lượng quỹ ĐTMH nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay (IDGVV, CAV, DFJ VinaCapital và Kusto), phần còn lại là những công ty, quỹ đầu tư muốn mở rộng thị trường đầu tư và chọn Việt Nam với một khoản đầu tư không đáng kể. Ngoài ra, có một số quỹ đầu tư từ Singapore, Nhật Bản, châu Âu cũng tìm hiểu thị trường Đông Nam Á (ĐNA); lẫn những DN trong nước. Song, việc quỹ ngoại đổ vốn vào thị trường Việt Nam đang dần trở nên nhỏ giọt. Theo thống kê của Preqin, hãng nghiên cứu và cung cấp thông tin về ngành công nghiệp vốn, tài sản thì ĐTMH tại Đông Nam Á năm 2013 tiếp tục gia tăng so với năm 2012. Cụ thể, tổng vốn ĐTMH tăng từ 248 triệu USD lên 918 triệu USD; song, đáng tiếc là gần 90% vốn lại tập trung chủ yếu ở thị trường Indonesia và Singapore. Trong khi đó, vốn ĐTMH vào Việt Nam đang giảm đáng kể.



Hình 2.4. ĐTMH tại khu vực ASEAN từ 2007 – Quý I/2014

Các quỹ ĐTMH hoạt động trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu hoạt động chưa thật sự mang đúng tính chất mạo hiểm. Ngay cả với những công ty chuyên quản lý quỹ như DragonCapital, MekongCapital, VinaCapital,… thì tỷ trọng đầu tư thật sự mạo hiểm cũng chỉ chủ yếu vào một vài quỹ chủ yếu. Tỷ trọng đầu tư vào cổ phần chưa niêm yết của Dragon Capital chỉ chiếm trung bình 4% tổng số vốn đầu tư (tập trung chủ yếu vào quỹ VPF), quỹ Mekong Capital dù đang quản lý 3 quỹ đầu tư lớn nhưng hoạt động ĐTMH chủ yếu được thực hiện ở quỹ MEFI, đối với quỹ VinaCapital thì chỉ chủ yếu ở quỹ DFJV. Thực trạng trên cũng xảy ra tương tự với các quỹ ĐTMH khác đang hoạt động trên thị trường Việt Nam. Hiện nay, tại Việt Nam, chỉ có quỹ IDGVV và CyberAgent Ventures là hoạt động mang đúng tính chất mạo hiểm. Trong hơn 10 năm tham gia vào thị trường Việt Nam, IDGVV đã tiến hành rót vốn đầu tư vào 42 dự án ĐTMH. CyberAgent Ventures cũng đã thực hiện đầu tư vào 19 dự án ĐTMH tại thị trường Việt Nam. Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù mang tính chất hoạt động ĐTMH nhưng các quỹ ĐTMH khi tham gia hoạt động ở Việt Nam vẫn có tâm lý e ngại rủi ro nên tập trung chủ yếu đầu tư vào các DN đã niêm yết và có tên tuổi từ trước trên thị trường. Chính điều này đã hạn chế khá nhiều tính linh hoạt trong các danh mục đầu tư của các nhà ĐTMH.

Ngoài ra, các quỹ ĐTMH khi tham gia hoạt động trên thị trường Việt Nam cũng đã gặp phải không ít những sai lầm quan trọng. Đa số các quỹ chưa năng động và cứng nhắc trong việc xây dựng cũng như lựa chọn dự án đầu tư. Điều này thể hiện rõ nhất qua xu hướng hoạt động của quỹ Beta Fund và Templetion Việt Nam Fund, tiêu chí của Beta Fund là chỉ đầu tư vào các DN liên doanh hoặc các DN 100% vốn nước ngoài có giá trị từ 1-5 triệu USD và tuyệt đối không đầu tư vào các DN trong nước. Templetion Việt Nam Fund thì chỉ tập trung đầu tư vào các dự án có giá trị từ 10 triệu USD trở lên, do đó các quỹ này rất khó khăn trong việc tìm kiếm các dự án đầu tư. Trên thị trường Việt Nam hiện nay, có thể thấy tiêu chí đầu tư vào dự án ĐTMH của quỹ IDGVV khá linh hoạt. Các dự án đầu tư của IDGVV chủ yếu là đầu tư vào các DN trẻ trong nước và không yêu cầu tiêu chí giá trị dự án đầu tư (Ví dụ tiêu biểu là IDGVV đã đầu tư từ 240.000 USD đến 3 triệu USD vào dự án Peacesoft - dự án của các bạn trẻ sinh viên mới ra trường nhằm giúp công ty tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm truyền thống và mở rộng, phát triển các dự án về thương mại điện tử). Tuy nhiên, so với số quỹ ĐTMH đang hoạt động trên thị trường Việt Nam hiện nay thì trường hợp của IDGVV vẫn chỉ là trường hợp cá biệt. Chủ yếu các quỹ ĐTMH ở Việt Nam hiện nay vẫn đặt ra tiêu chí yêu cầu đầu tư khá khắt khe và không phù hợp với thị trường đa số các DN vừa và nhỏ như Việt Nam.

Chương 2 đã tiến hành nghiên cứu thực trạng hoạt động của các quỹ ĐTMH tại Việt Nam. Tuy còn khá nhiều hạn chế nhưng nói chung, hoạt động của các quỹ ĐTMH tại Việt Nam đã tạo ra một kênh cung cấp vốn khá hữu hiệu cho thị trường Việt Nam – thị trường tập trung chủ yếu của các DN vừa và nhỏ. Chương 2 này cũng là cơ sở để rút ra những kết luận đánh giá về hoạt động của nhà đầu tư có ảnh hưởng lớn đến thị trường vốn Việt Nam. Dựa trên sự phân tích ở chương 2, tác giả xin được đề cập trong chương 3 một số biện pháp tạo môi trường phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.



tải về 416.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương