VỚi các nưỚc và khu vựC



tải về 1.8 Mb.
trang20/23
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.8 Mb.
#15173
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   23




QUAN HÖ VIÖT NAM - CANADA (1954 - 2008)
LÞCH Sö Vµ TRIÓN VäNG

P



KYÛ YEÁU HOÄI THAÛO QUOÁC TEÁ VIEÄT NAM HOÏC LAÀN THÖÙ BA

TIÓU BAN QUAN HÖ QUèC TÕ CñA VIÖT NAM VíI C¸C N¦íC Vµ KHU VùC




GS.TS Trần Thị Vinh*


Canada là một trong những quốc gia phát triển và giàu có hàng đầu thế giới, đồng thời là đất nước thanh bình nổi tiếng thế giới. Quan hệ Việt Nam - Canada được chính thức thiết lập từ năm 1973, tuy nhiên trên thực tế, hai nước đã có “duyên nợ” lịch sử từ thập niên 50 của thế kỷ trước, trong những biến cố của lịch sử thế giới thời kỳ Chiến tranh lạnh, khi Canada là thành viên của Uỷ ban giám sát và kiểm soát quốc tế cho việc thực thi Hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương. Gần 20 năm sau, Canada lại một lần nữa tham gia vào Uỷ ban giám sát và kiểm soát quốc tế cho việc thi hành Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam. Bài viết này sẽ phân tích quan hệ Việt Nam - Canada trải qua các thời kỳ lịch sử từ 1954 đến nay, đặc biệt tập trung vào thời kỳ hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ 1973 đến nay và xem xét triển vọng của mối quan hệ này.

1. Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Canada

Trong lịch sử phát triển của mình, Canada vốn là một thuộc địa của Anh và phải trải qua một chặng đường dài đấu tranh giành độc lập dân tộc. Bằng việc lựa chọn con đường đấu tranh hợp hiến, Canada đã được Quốc hội Anh cho phép thành lập Liên bang Canada vào ngày 1/7/1867, được quyền tự trị về chính sách đối nội nhưng phải phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền Anh về chính sách đối ngoại. Cùng với cuộc đấu tranh với thực dân Anh để giành độc lập hoàn toàn, số phận lịch sử đã buộc Canada phải kiên trì đấu tranh với Mỹ, nước láng giềng hùng mạnh có vị trí địa lý gần kề ở Bắc Mỹ để bảo vệ các lợi ích quốc gia trong quá trình phát triển của mình. Chính vì vậy, trong chính sách đối ngoại của Canada, Anh và Mỹ là hai nước lớn có liên quan trực tiếp đến các mục tiêu chiến lược quốc gia, có ảnh hưởng đặc biệt và là những đối tác quan trọng nhất của Canada [1].

Sau khi giành được độc lập hoàn toàn, Chính phủ Canada đề ra chính sách đối ngoại độc lập, trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc cơ bản như: “pháp quyền trong quan hệ quốc tế”, “tự do chính trị”, “chấp nhận trách nhiệm quốc tế”... Trên cơ sở cho rằng an ninh quốc gia phụ thuộc vào sự phát triển của một cơ cấu tổ chức quốc tế vững chắc, Canada kiên trì thực thi nguyên tắc “pháp quyền trong quan hệ quốc tế”, tham gia phần lớn các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth), Cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp (La Francophone) ... Đồng thời, Canada là một trong những nước đứng đầu trong lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, tham gia vào các Uỷ ban kiểm soát và giám sát quốc tế ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong quan hệ quốc tế, quan hệ với Mỹ được đặt lên vị trí hàng đầu và quan trọng nhất đối với Canada, bởi lẽ Mỹ chiếm khoảng 70% đến 85% thương mại của Canada và giữ vững vị trí này trong suốt quá trình phát triển của Canada. Canada cũng là bạn hàng lớn nhất của Mỹ, đồng thời hai nước có chung đường biên giới tự do dài nhất thế giới. Canada có quan hệ gần gũi với Anh và các nước trong Khối Thịnh vượng chung. Phần lớn các nước Mỹ latinh, trong đó có Cu Ba, có quan hệ ngoại giao và thương mại từ sớm với Canada. Mặc dù chịu ảnh hưởng của Mỹ, nhưng chính sách đối ngoại của Canada có một điểm khác biệt quan trọng là Canada có quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa. Khẳng định nguyên tắc pháp quyền trong quan hệ quốc tế, Chính phủ Canada phản đối lệnh cấm vận của Mỹ và duy trì quan hệ ngoại giao và thương mại với Cu Ba bất chấp những áp lực từ phía Mỹ. Thủ tướng Trudeau năm 1976 và Thủ tướng Jean Chrétien năm 1998 đã thăm chính thức Cu Ba. Đối với Trung Quốc, Canada thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc từ ngày 13/10/1970, gần một thập niên trước khi Mỹ có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Canada đứng về phía Mỹ trong chiến lược ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, đồng thời là thành viên sáng lập Tổ chức Hiệp ước phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO). Là một thành viên của Uỷ ban giám sát quốc tế (The Intenational Commission for Supervision and Control - ICSC) đối với việc thực thi Hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương cùng với các nước thành viên khác là Ấn Độ và Ba Lan, về lý thuyết, chính sách của Canada là làm tròn bổn phận của một sứ giả hoà bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế để đảm bảo lợi ích cho các bên trong việc thực thi Hiệp định Geneve 1954. Điều này được Ramesh Thakur (1984), nhà nghiên cứu Canada, lý giải rằng vào thời điểm đó Canada không có bất cứ một lợi ích trực tiếp nào ở Đông Dương [2]. Tuy nhiên trên thực tế, chính sách của Canada đối với Việt Nam lúc đó không hoàn toàn mang tính chất “trung lập “. Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, trong bối cảnh của trật tự thế giới hai cực và sự mở rộng ảnh hưởng sức mạnh của nước Mỹ, Canada thực hiện chiến lược liên minh toàn diện với Mỹ. Đó chính là lý do giải thích vì sao Canada là một trong số những nước phương Tây công nhận Chính phủ Việt Nam Cộng hoà từ cuối năm 1955.

Những năm cuối thập niên 50, sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Canada theo hướng giảm dần sự lệ thuộc vào Mỹ bằng chính sách đa phương hoá quan hệ quốc tế, bắt đầu từ Chính phủ của Thủ tướng Diefenbaker (1957 - 1963), được kế tiếp dưới thời Thủ tướng Pearson (1963 - 1968) và được đẩy mạnh dưới thời Thủ tướng Trudeau (1968 - 1984), đã tác động đến quan điểm của Canada đối với cuộc chiến ở Việt Nam. Ngày 2/4/1965, phản ứng trước việc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam, Thủ tướng Pearson, trong chuyến thăm Mỹ, đã công khai phê phán chính sách chiến tranh của Mỹ. Dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và dư luận quốc tế, Chính phủ Canada kêu gọi Chính phủ Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam. Tháng 1/1973, Chính phủ của Thủ tướng Trudeau đã đưa ra trước Quốc hội một nghị quyết lên án việc Mỹ kéo dài cuộc chiến ở Việt Nam.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đặc biệt là từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam được đặt trong chính sách đối ngoại của Canada đối với ASEAN, một tổ chức tiểu khu vực năng động và có uy tín ở châu Á - Thái Bình Dương. Đối với Canada, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về an ninh chính trị và lợi ích kinh tế. Năm 1989, Canada tham gia và trở thành thành viên sáng lập Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Chính phủ Canada tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại với các nước và các tổ chức trong khu vực. Thương mại hai chiều của Canada với khu vực Đông Á tăng lên nhanh chóng, từ 1,59 tỷ USD (chiếm 6,1% tổng giá trị ngoại thương) năm 1971 lên 27,72 tỷ USD (chiếm 12,2% tổng giá trị ngoại thương) năm 1991. Những năm đầu thập niên 1990, lần đầu tiên thương mại xuyên Thái Bình Dương của Canada đã vượt thương mại xuyên Đại Tây Dương [3].

Canada trở thành một bên đối thoại của ASEAN từ năm 1977 và bắt đầu tham gia Diễn đàn An ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ARF) từ năm 1994. Tuy nhiên, lịch sử giao thương của Canada với một số nước thành viên ASEAN đã có chiều dài trên một thế kỉ. Trong tổng số trên 31 triệu dân của Canada, trên một triệu người có nguồn gốc từ các nước ASEAN. Cộng đồng này ngày càng phát triển và góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy và mở rộng quan hệ song phương cũng như quan hệ đa phương Canada - ASEAN. Các nước ASEAN là một trong số 13 thị trường ưu tiên của Canada bao gồm: Mỹ, Mexico, ASEAN, Australia và New Zeland, Braxin, Trung Quốc, EU, Vùng Vịnh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ latinh và Caribe, Nga. ASEAN là một trong những bạn hàng lớn nhất của Canada, thương mại hai chiều giữa Canada và ASEAN tăng lên nhanh chóng, đạt mức 12 tỷ USD năm 2006 [4].

Trong bối cảnh đó, vị trí của Việt Nam ngày càng được chú trọng trong chính sách của Canada đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng. Sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 8/1973, đặc biệt là sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, quan hệ song phương phát triển nhanh chóng. Việt Nam là một trong những đối tác phát triển chính được Canada tập trung viện trợ theo Tuyên bố Chính sách Quốc tế mới của Canada, theo đó Canada chuyển từ việc viện trợ dàn trải cho 155 nước sang việc viện trợ tập trung cho 25 nước. Cùng với quan hệ song phương, Việt Nam và Canada còn chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Cộng đồng Pháp ngữ, APEC, ASEAN. Việt Nam trở thành điều phối viên chính thức của ASEAN trong quan hệ với Canada trong nhiệm kỳ 2006- 2009. Những năm đầu thế kỷ XXI, quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới. Để có được điều đó, quan hệ hai nước đã trải qua một chặng đường dài, từ chỗ Canada là thành viên của Uỷ ban giám sát quốc tế ICSC cho Hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương cho đến khi Canada trở thành một trong những nhà đầu tư lớn ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI.

2. Canada và chiến tranh Việt Nam (1954 - 1973)

Trở lại lịch sử có thể thấy, mặc dù là đồng minh của Mỹ trong Chiến tranh lạnh nhưng trên thực tế, Canada không trực tiếp gửi quân tham chiến và thực hiện chính sách không can dự vào chiến tranh Việt Nam. Các chính phủ cầm quyền ở Canada (cả Chính phủ của Đảng Bảo thủ lẫn Đảng Tự do) trong thời gian xảy ra chiến tranh, ở những mức độ khác nhau, đã phản đối việc Mỹ leo thang và kéo dài cuộc chiến. Các nhà ngoại giao Canada đã có những cố gắng trong vai trò làm trung gian đàm phán giữa Washington và Hà Nội, nhằm tìm kiếm giải pháp để kết thúc chiến tranh và sự rút lui trong danh dự cho người Mỹ. Nhà ngoại giao Canada Jaimes B. Seaborn, nguyên là một thành viên của Uỷ ban giám sát quốc tế, đã đến Hà Nội cả thảy 5 lần trong thời gian chiến tranh Việt Nam để thực hiện sứ mệnh này.

Vào nửa sau thập niên 60, khi phong trào phản chiến lan rộng toàn nước Mỹ, hàng ngàn thanh niên Mỹ trốn quân dịch đã nhập cư vào Canada và coi đây là nơi trú ẩn an toàn nhất. Các số liệu thống kê của Bộ Di trú Canada cho thấy, có khoảng từ 20 ngàn đến 30 ngàn thanh niên Mỹ trốn quân dịch nhập cư vào Canada trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Theo các số liệu được công bố trong Từ điển Bách khoa Toàn thư Canada, có khoảng 20 ngàn thanh niên Mỹ trốn quân dịch và 12 ngàn lính Mỹ đào ngũ đã xin tỵ nạn ở Canada trong thời gian chiến tranh Việt Nam [5]. Chính sách nhập cư của Chính phủ Canada vào thời điểm đó đã tạo thuận lợi cho những người nhập cư. Phần lớn trong số họ được định cư ở những thành phố lớn như Montreal, Toronto, Vancouver..., đồng thời tham gia Liên hiệp sinh viên vì hoà bình, một tổ chức chống chiến tranh ở Canada có liên hệ với Tổ chức sinh viên dân chủ Mỹ. Bên cạnh đó, số lượng công dân Mỹ, những người chống chiến tranh, nhập cư vào Canada cũng tăng lên nhanh chóng, vào khoảng từ 50 ngàn đến 125 ngàn người trong thời gian chiến tranh Việt Nam, tạo nên làn sóng di cư vì lý do chính trị lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ sau Cách mạng Mỹ [6]. Cũng trong thời gian này, phong trào phản đối chiến tranh đã lan rộng trong các tỉnh bang ở Canada, nhất là trong các trường đại học và cao đẳng với sự tham gia của các nhóm sinh viên phản chiến.

Các nhà nghiên cứu Canada cho rằng những sự kiện nêu trên mới chỉ phản ánh một phần sự thật. Trên thực tế, Canada đã can dự sâu vào chiến tranh Việt Nam và không chỉ theo chiều hướng tích cực như chúng ta đã thấy. Victor Levant (1986) cho rằng đó là “một sự can dự trong im lặng” [7]. Các tài liệu lưu trữ của Hãng truyền hình quốc gia Canada CBC cho thấy, đã có “một cuộc chiến tranh bí mật của Canada” ở Việt Nam [8]. Theo đó, Canada là một trong những nhà cung cấp chính về vũ khí, thiết bị chiến tranh cho quân đội Mỹ. Theo Hiệp định về trao đổi sản phẩm quốc phòng ký với Mỹ năm 1958, Canada đã bán cho Mỹ tổng giá trị vũ khí, đạn dược, bom napalm và hoá chất trị giá 2,5 tỷ USD trong những năm 1965 – 1973. Bên cạnh đó, cũng trong thời này Canada xuất khẩu sang Mỹ khoảng 10 tỷ USD các sản phẩm lương thực, đồ uống, quân trang quân dụng, vật liệu chiến tranh ... Bộ Quốc phòng Canada đã hợp tác với Mỹ trong các dự án thử nghiệm chất diệt cỏ để sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Tháng 6/1966, hoá chất diệt cỏ đã được thử nghiệm trên diện tích 2,4km2 trong một khu rừng ở tỉnh New Brunswick. Đồng thời, với tư cách là thành viên NATO, Canada đã cho phép NATO tiến hành các hoạt động thử vũ khí, tập trận trên lãnh thổ của mình theo các điều khoản của tổ chức này. Phi công Mỹ đã tiến hành tập trận ném bom rải thảm ở các vùng Suffield, Alta, và North Battleford, thuộc tỉnh Saskatchewan (Canada) trước khi đi thi hành nhiệm vụ của mình ở Việt Nam. Năm 1981, một báo cáo của Chính phủ Canada đã đề cập đến những ảnh hưởng của việc thử nghiệm chất độc màu da cam đối với khu vực Gatetown ở tỉnh New Brunswick. Cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về mức độ độc hại của hoá chất diệt cỏ ở khu vực này, nhưng Chính phủ Canada cam kết sẽ bồi thường cho những ai bị ảnh hưởng chất độc. Ngoài ra, các nguồn tài liệu tin cậy cũng chỉ ra rằng, có khoảng 10 ngàn người Canada tham gia quân đội Mỹ với tư cách là lính đánh thuê trong thời gian chiến tranh Việt Nam [9].

Những năm giữa thập niên 1960, tỷ lệ thất nghiệp ở Canada xuống thấp đến mức kỷ lục, chỉ vào khoảng 3,9%, mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng lên nhanh chóng, đạt mức 6% hàng năm. Đó cũng là thời điểm các công ty Mỹ mở rộng các dự án đầu tư vào Canada, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp và khai thác kim loại. Victor Levant (1986) cho rằng, một trong nguyên nhân của tình hình này là do “vận may đưa đến từ những đơn đặt hàng có nguồn gốc từ cỗ máy chiến tranh của Mỹ”. Bộ trưởng Bộ Lao động Canada, Jean Marchand, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên ở Montreal về vấn đề này đã lý giải rằng, khoảng 150 ngàn công nhân Canada sẽ mất việc nếu chúng ta ngừng sản xuất các thiết bị và vật liệu chiến tranh theo đơn đặt hàng của Mỹ [10].

Trong những năm 1950 - 1975, Canada đã viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân chiến tranh Việt Nam thông qua Hội Chữ thập đỏ Canada và Chương trình Colombo tổng số tiền trị giá 29 triệu USD. Trên thực tế, toàn bộ số viện trợ này được chuyển giao cho chính quyền Nam Việt Nam, trong khi những nạn nhân chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam đã không được nhận bất kỳ một sự trợ giúp nào. Về vấn đề này, Victor Levant (1986) đã dẫn lời của Gordon Longmier, thành viên Uỷ ban giám sát quốc tế của Canada vào tháng 3/1968 rằng: “Chương trình viện trợ của chúng ta chỉ mang ý nghĩa nhân đạo 50%, còn 50% là mang ý nghĩa chính trị”[11].

Sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, từ ngày 28/1 đến ngày 31/7/1973, Canada đã gửi 240 người thuộc lực lượng gìn giữ hoà bình tham gia vào Uỷ ban giám sát quốc tế (ICCS) cùng với Hungary, Indonesia và Ba Lan. Tháng 4/1975, sau khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Chính phủ Canada đã tiếp nhận hàng chục ngàn người Việt Nam tị nạn, tạo nên dòng người nhập cư lớn nhất trong lịch sử Canada. Tính đến cuối năm 1986, khoảng 100 ngàn người Việt Nam đã được định cư ở Canada. Cộng đồng người Việt nhập cư chủ yếu sống tập trung ở Vancouver, Toronto và Montreal. Cho đến nay, cộng đồng người Việt ở Canada bao gồm trên 250 ngàn người và có những đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của đất nước rộng lớn này.

Chiến tranh Việt Nam đã có những tác động không nhỏ đối với Canada trên các bình diện kinh tế, chính trị – xã hội và văn hoá. Nhiều người Canada cho rằng Canada hoàn toàn đứng ngoài cuộc chiến tranh này và tự hào về việc đất nước mình đã trở thành quê hương thứ hai của những người Mỹ phản chiến, về vai trò trung lập và sự trợ giúp nhân đạo cho những nạn nhân chiến tranh. Tuy nhiên, thực tế lịch sử đã cho thấy một câu chuyện khác. Trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh lạnh và trật tự thế giới hai cực, là một nước tư bản phương Tây chịu ảnh hưởng của Mỹ, Canada đứng về phía Mỹ trong chiến lược ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản và có lợi ích chiến lược trong cuộc đối đầu Đông - Tây. Chính sách của Canada đối với Việt Nam vào thời điểm đó là chính sách của một nước phương Tây đối với một nước cộng sản. Đó là lý do lý giải vì sao Canada không thể đóng vai trò hoàn toàn trung lập và trên thực tế đã gián tiếp dính líu và “can dự trong im lặng“ vào chiến tranh Việt Nam.



3. Quan hệ Việt Nam - Canada từ 1973 đến nay

Ngày 21/8/1973 Việt Nam và Canada chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, tuy nhiên quan hệ giữa hai nước chỉ thực sự mở rộng và phát triển từ đầu thập niên 1990s trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao cũng như kinh tế - thương mại.



3.1. Về quan hệ chính trị - ngoại giao

Sau khi quan hệ song phương được chính thức thiết lập, tháng 9/1976 Việt Nam mở Đại sứ quán tại thủ đô Ottawa, Canada. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực Đông Nam Á từ cuối thập niên 1970 đã có những tác động không thuận chiều cho quan hệ Việt Nam – Canada. Do vậy, tháng 3/1981, Đại sứ quán Việt Nam ở Ottawa đóng cửa và một thập niên sau đó, tháng 11/1990 mới trở lại hoạt động. Chỉ sau một thời gian ngắn, tháng 7/1991 Chính phủ Canada mở Phái đoàn ngoại giao đầu tiên và chính thức khai trương Đại sứ quán Canada tại Hà Nội vào tháng 8/1994. Cùng năm, Văn phòng thương mại Canada được mở ở Tp. Hồ Chí Minh và hai năm sau (1996) được nâng cấp thành Tổng lãnh sự quán Canada.

Quan hệ song phương Việt Nam – Canada được mở rộng và phát triển trong bối cảnh Việt Nam thực hiện thành công công cuộc đổi mới và hội nhập ngày càng sâu vào khu vực Đông Nam Á và thế giới. Đối với Canada, việc mở rộng quan hệ đối ngoại, quảng bá các giá trị và văn hoá Canada nhằm “thúc đẩy phồn vinh và việc làm”, “thúc đẩy hoà bình thế giới” là những mục tiêu then chốt trong chính sách đối ngoại thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, được Chính phủ Jea Chrétien (1993 - 2003) công bố trong Sách trắng “Canada trong thế giới”[12]. Sự gặp gỡ của những lợi ích chiến lược song trùng là cơ sở cho việc phát triển quan hệ Việt Nam – Canada. Năm 1994, Thủ tướng Jean Chrétien là Thủ tướng Canada đầu tiên đi thăm Việt Nam và dự lễ khai trương Đại sứ quán Canada tại Hà Nội. Ông đã trở lại Việt Nam lần thứ hai trong nhiệm kỳ Thủ tướng của mình để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ tổ chức tại Hà Nội năm 1997.

Thập niên 90 đã chứng kiến những hoạt động ngoại giao sôi động giữa các cấp, các ngành và đoàn thể giữa hai nước. Về phía Việt Nam có các chuyến thăm chính thức của Phó Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 6/1994, của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm tháng 11/1998. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ tại Canada tháng 9/1999. Về phía Canada có các chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao A. Ouellet tháng 11/1995, của Bộ trưởng Tài chính Paul Martin tháng 4/1996, của Chủ tịch Cơ quan phát triển quốc tế Canada (CIDA) H. Labelle tháng 6/1996, của Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế và Pháp ngữ D. Boundria tháng 10/1996, của Bộ trưởng Nông nghiệp Lyle Vanclief tháng 11/1999.

Những năm đầu thế kỷ XXI, các hoạt động ngoại giao tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu với việc trao đổi các đoàn cấp cao giữa hai bên, đặc biệt là chuyến thăm chính thức Canada của Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải vào tháng 6/2005 và sự kiện Thủ tướng Canada Stephen Happer tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Hà Nội năm 2006. Trong chuyến thăm chính thức Canada tháng 6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã hội đàm với Thủ tướng Paul Martin và ra Tuyên bố chung khẳng định cam kết tăng cường hợp tác song phương trong khuôn khổ đối tác toàn diện, ổn định và lâu dài. Tuyên bố chung nhấn mạnh Việt Nam là một trong 25 đối tác phát triển chính sẽ tiếp tục được Canada tập trung viện trợ theo Tuyên bố Chính sách Quốc tế mới của Canada. Thủ tướng Paul Martin cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực quan trọng về quản lý, phát triển nông thôn và giáo dục cũng như đối phó với những thách thức mang tính khu vực trong các vấn đề y tế xuyên quốc gia. Cũng trong dịp này, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết hai Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada về cải cách ngân hàng và về kiểm tra và nâng cao chất lượng nông sản - thực phẩm. Đồng thời, hai nhà lãnh đạo ghi nhận sự hợp tác mang tính xây dựng giữa hai nước tại các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Cộng đồng Pháp ngữ, ASEAN và APEC mà Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao năm 2006 [13].

Các hoạt động chính trị - ngoại giao đã gắn kết quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Cho đến nay, hai nước đã hoàn thành việc ký kết 7 Hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực sau đây:

- Hiệp định Hợp tác kinh tế và Khoa học kỹ thuật Việt Nam - Quebec (11/1992).

- Hiệp định chung về Hợp tác phát triển Việt Nam - Canada (4/1994).

- Hiệp định Hợp tác Kinh tế giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Canada (6/1994).

- Hiệp định Thương mại Việt Nam – Canada (11/1995).

- Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (11/1997).

- Hiệp định hợp tác về con nuôi giữa Việt Nam và Canada (6/2005).

- Thoả thuận hợp tác về con nuôi giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Quebec (9/2005).

Các hiệp định đang trong quá trình đàm phán bao gồm: Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư và Hiệp định Hỗ trợ tư pháp. Việc ký kết các hiệp định nêu trên đã trở thành khung pháp lý và nền tảng thúc đẩy quan hệ giữa hai nước mở rộng và phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, văn hoá - giáo dục.



3.2 Về quan hệ kinh tế – thương mại

Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Canada được bắt đầu từ thập niên 1970, tuy nhiên mối quan hệ này chỉ thực sự phát triển sau khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Canada được ký kết tháng 11/1995. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng lên nhanh chóng, đồng thời các mặt hàng xuất khẩu được đa dạng hoá về chủng loại và số lượng. Theo các số liệu thống kê, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp 14 lần, từ 75 triệu USD năm 1995 lên trên 1 tỷ USD năm 2007. Một đặc điểm của thương mại song phương trong nhiều năm qua là Việt Nam luôn luôn xuất siêu sang Canada. Trước năm 1995, thương mại giữa hai nước chủ yếu tập trung vào việc Việt Nam xuất khẩu hải sản sang Canada và nhập khẩu thuốc chữa bệnh của Canada. Đến nay, danh mục hàng xuất khẩu của Việt Nam bao gồm nhiều nhóm hàng khác nhau: may mặc, giày dép, thuỷ sản, đồ dùng gia đình và văn phòng, xe đạp, cà phê... Trong nhóm hàng may mặc, Việt Nam xếp thứ 9 trong số các nước xuất khẩu hàng may mặc chính vào Canada. Trong nhóm hàng thuỷ sản, tôm đông lạnh là mặt hàng chủ lực (chiếm trên 50% tổng kim ngạch) và được ưa chuộng ở thị trường Canada. Về đồ dùng gia đình, đồ gỗ là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, với mức tăng trưởng cao (bình quân từ 60% đến 80%) và ổn định. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Canada tìm nguồn cung từ Việt Nam thay cho nguồn cung từ Trung Quốc, nhất là những mặt hàng đòi hỏi chất lượng cao. Về các mặt hàng nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu nhập các loại thiết bị máy móc, lúa mỳ, phân bón của Canada. Kim ngạch xuất khẩu của Canada sang Việt Nam đã tăng gấp hơn 7 lần trong vòng 10 năm trở lại đây (1998 - 2007), từ chỗ đạt 36,7 triệu USD (năm 1998) tăng lên 288,7 triệu USD vào năm 2007. Bảng thống kê ở dưới sẽ cho thấy sự phát triển của kim ngạch thương mại song phương trong 5 năm trở lại đây.



Xuất khẩu của Canada sang Việt Nam (2003 – 2007)

Đơn vị: triệu USD



(Nguồn: Canada in Việt Nam (N.23/2008),


tại địa chỉ http://geo.international.gc.ca)

Xuất khẩu của Việt Nam sang Canada (2003 – 2007)

Đơn vị: triệu USD



(Nguồn: Canada in Việt Nam (N.23/2008), tại địa chỉ http://geo.international.gc.ca)

Về đầu tư nước ngoài, bắt đầu từ nửa sau thập niên 1990, các công ty của Canada đã có mặt ở Việt Nam để thực hiện các dự án đầu tư trong các lĩnh vực tài chính, khai thác dầu khí, kim loại, viễn thông, du lịch và dịch vụ. Một đặc điểm nổi bật của đầu tư trực tiếp của Canada vào Việt Nam là sư hiện diện của các công ty, các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm đầu tư và sản xuất hàng trăm năm, có công nghệ cao và đầu tư bền vững. Trong số các nhà đầu tư phải kể đến các công ty như: Manulife, công ty tài chính hàng đầu Canada được thành lập từ năm 1887; Tập đoàn Olympus Pacific Minerals, một trong những nhà khai thác và sản xuất kim loại lớn nhất Canada (hiện đang thực hiện hai dự án khai thác vàng ở Bồng Miêu và Phước Sơn, thuộc tỉnh Quảng Nam); Công ty viễn thông danh tiếng Nortel, Công ty Dầu khí hàng đầu Canada Talisman, Công ty phát triển bờ biển châu Á... Mặc dù vào thị trường Việt Nam muộn hơn nhưng các công ty Canada đã có chỗ đứng vững chắc và nhanh chóng vượt qua các nhà đầu tư khác để trở thành nhà đầu tư lớn thứ năm trong tổng số 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư ở Việt Nam trong năm 2008, với tổng số vốn cam kết đạt 6,2 tỷ USD. Trong đó, đáng kể nhất là dự án đầu tư vào Khu du lịch phức hợp Hồ Tràm trị giá 4,2 tỷ USD, một trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay. Dự án do Công ty Phát triển bờ biển châu Á (ACDL) của Canada làm chủ đầu tư được xây dựng trên diện tích 169 héc ta ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm các hạng mục: khu điều dưỡng, khu vui chơi giải trí phức hợp, trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế, khách sạn cao cấp... Dự án Hồ Tràm sẽ là một trong những điểm du lịch hàng đầu Việt Nam, có khả năng khai thác tiềm năng du lịch và các dịch vụ giải trí, tạo công ăn việc làm có thu nhập cao cho hàng ngàn lao động ở địa phương. Cựu Thủ tướng Canada Jean Chrétien, cố vấn cao cấp của tập đoàn ACDL đã tham dự lễ công bố dự án vào tháng 5/2008.

3.3. Về quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khác

Về hợp tác phát triển của Canada và Việt Nam, kể từ năm 1990 đến nay, Chính phủ Canada thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (CIDA) đã dành trên 400 triệu đô la (Canada) để hỗ trợ cho công tác xoá đói, giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng, công bằng xã hội, bình đẳng giới và sự bền vững môi trường ở Việt Nam. Trong Khung chương trình phát triển Quốc gia của CIDA tại Việt Nam 2004 -2009, CIDA tiếp tục thực hiện các dự án tập trung vào các lĩnh vực giảm nghèo ở nông thôn, cải cách luật pháp và tư pháp, cải cách ngân hàng, quản lý môi trường, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đào tạo nguồn nhân lực trong công nghiệp và nông nghiệp, giáo dục cơ sở, bảo vệ môi trường thông qua quản lý ô nhiễm công nghiệp. Trong đó, Dự án Môi trường Việt Nam – Canada (1996 - 2006) trị giá 21,5 triệu USD, được coi là một trong những dự án thành công nhất của CIDA tại Đông Nam Á. Bên cạnh đó, kể từ năm 1991, CIDA đã tài trợ trên 9 triệu USD cho hơn 400 dự án hỗ trợ cho các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam là một trong 5 nước châu Á được CIDA lựa chọn để thực hiện Dự án Canada – châu Á đối phó với các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện (CAREID) trị giá 15 triệu USD nhằm hỗ trợ cho các hoạt động y tế. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thông qua CIDA, Canada tài trợ việc thực hiện dự án Phát triển và kiểm soát chất lượng các sản phẩm nông nghiệp trị giá 17 triệu USD của các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Hợp tác văn hoá - giáo dục Việt Nam – Canada cũng đạt được những thành tựu đáng kể, nhất là trong những năm đầu thế kỷ XXI. Canada là một trong những nước có nền giáo dục tiên tiến và có bề dày lịch sử lâu đời ở Bắc Mỹ. Thông qua CIDA, Chính phủ Canada đã hỗ trợ việc thực hiện những dự án phát triển giáo dục cơ sở, giúp đỡ trẻ em thiệt thòi được đi học, xây dựng mô hình các trường đại học, cao đẳng cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam...Trong đó, điển hình là việc thực hiện có hiệu quả Dự án thành lập Đại học Trà Vinh, một trong số 30 dự án hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng Canada với Việt Nam. Đại học Trà Vinh hiện nay có khoảng 9000 sinh viên theo học, các chương trình đào tạo của trường được sự cố vấn và hỗ trợ của Hiệp hội các trường cao đẳng cộng đồng Canada (ACCC) với sự hợp tác của các trường đại học hàng đầu của Canada. Tổ chức Hỗ trợ các trường đại học Canada (WUSC) đã trở thành cầu nối xúc tiến cho các hoạt động hợp tác giữa các trường đại học trong việc trao đổi sinh viên và giảng viên, đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ, nghiên cứu khoa học...

Về hợp tác du học, cho đến nay, khoảng 60 cơ sở giáo dục của Canada đã có quan hệ hợp tác với Việt Nam. Khoảng 2000 sinh viên, học sinh Việt Nam đang du học tại các trường trung học, đại học và cao đẳng ở Canada. Thông qua các triển lãm giáo dục, diễn đàn giáo dục, ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn các trường đại học ở Canada với hệ thống giáo dục chất lượng cao, khuôn viên an toàn, đa văn hoá và môi trường học tập tiên tiến. Số lượng sinh viên Việt Nam du học ở Canada tăng 23% trong năm 2007 và 35% trong 6 tháng đầu năm 2008. Dự báo đến 2010, Việt Nam sẽ nằm trong số 20 nước trên thế giới có đông sinh viên du học nhất ở Canada.

Các hoạt động hợp tác văn hoá - nghệ thuật và ngoại giao nhân dân cũng góp phần quan trọng trong việc tạo dựng cây cầu hữu nghị xuyên Thái Bình Dương cho quan hệ Việt Nam - Canada. Từ thập niên 1990 trở lại đây, đã diễn ra hoạt động hợp tác của các tổ chức quần chúng, đoàn thể của hai nước các lĩnh vực văn hoá - nghệ thuật. Năm 1994, ca sỹ Canada nổi tiếng thế giới Bryan Adams trở thành nghệ sỹ phương Tây đầu tiên đến biểu diễn ở Việt Nam kể từ sau năm 1975. Sau đó, việc trao đổi các đoàn nghệ thuật giữa hai nước đã trở thành những hoạt động thường niên. Khoảng 20 tổ chức phi chính phủ của Canada có những hoạt động từ thiện, nhân đạo ở khắp ba miền Trung, Nam, Bắc Việt Nam với tổng giá trị trung bình vào khoảng 10 triệu USD hàng năm. Cuộc chạy Terry Fox từ thiện được tổ chức ở Việt Nam trong 12 năm qua là một thí dụ. Bắt đầu từ năm 1997, đến nay đã có trên 55.000 người tham dự các cuộc chạy maraton thường niên nhằm mục đích từ thiện, gây quỹ và tăng cường tình hữu nghị Việt Nam - Canada. Đồng thời, thông qua Chương trình tình nguyện viên quốc tế, hàng trăm tình nguyện viên Canada đã đến và làm việc ở khắp mọi vùng miền của Việt Nam như những “đại sứ thiện chí” của tình hữu nghị Việt Nam - Canada.

3.4. Về triển vọng quan hệ Việt Nam - Canada

Quan hệ Việt Nam – Canada sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng trong những thập niên tới trên cơ sở những tiền đề thuận lợi như đã phân tích ở trên. Hai nước có thể chia sẻ những lợi thế của một nước công nghiệp có kinh nghiệm phát triển hàng trăm năm với một nước đang phát triển mới bắt đầu quá trình công nghiệp hoá. Bên cạnh đó, quan hệ song phương sẽ được mở rộng trong bối cảnh hai nước đều có chung lợi ích trong các tổ chức quốc tế và khu vực như WTO, APEC, ASEAN... Một điểm nhấn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước là vai trò của cộng đồng người Việt ở Canada. Theo các số liệu thống kê chính thức, trong tổng số trên 250 ngàn Việt kiều ở Canada, có khoảng 90% là “công nhân cổ xanh” làm việc trong các công ty, xí nghiệp, văn phòng..., khoảng 5% là chủ những doanh nghiệp nhỏ và cơ sở buôn bán nhỏ, và 5% còn lại là ”công nhân cổ trắng”, trong đó có những chủ doanh nghiệp lớn, những nhà quản lý thành đạt. So với cộng đồng người Canada gốc Lào và Campuchia, những người chỉ chủ yếu làm nông nghiệp, Việt kiều thành đạt hơn trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ trong khi vẫn duy trì được bản sắc của mình. Cộng đồng người Việt ở Canada sẽ là cầu nối vững chắc cho việc mở rộng và phát triển quan hệ giữa hai nước [14].

Quan hệ Việt Nam - Canada trong 35 năm qua đã được gắn kết trên nhiều lĩnh vực và có những kết quả đầy hứa hẹn, đặc biệt là trong quan hệ thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, những kết quả đó chưa được như mong đợi và chưa xứng với tiềm năng của hai nước. Mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều đã vượt qua con số 1 tỷ USD và Canada đã trở thành nhà đầu tư đứng thứ năm ở Việt Nam trong năm 2008, nhưng trên thực tế những con số này mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại và đầu tư của Canada với thế giới. Việt Nam xếp thứ 55 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ được Canada đầu tư, sau Panama, và xếp thứ 51 trong số các thị trường xuất khẩu của Canada, sau Rumani. Nhận xét về vấn đề này, Marcus Gee (2007), chuyên viên phân tích kinh tế quốc tế của thời báo Canada The Globe and Mail cho rằng, các nhà kinh doanh Canada đã ”bỏ lỡ cơ hội đến với con hổ Việt Nam đang lên”. Với thị trường 85 triệu dân, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nóng nhất thế giới, tuy nhiên sự có mặt của các doanh nghiệp Canada ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Thị trường gỗ Việt Nam là một thí dụ được Marcus Gee phân tích, theo đó Canada mới chỉ có được thị phần 1 triệu USD trong thị trường gỗ trị giá 750 triệu USD ở đây. Đồng thời, Việt Nam cũng có những thứ mà Canada cần, như nguồn nhân công rẻ chỉ vào khoảng 1/3 so với Trung Quốc, đồng thời có thể sử dụng lao động ở đây thông qua hình thức outsourcing (sử dụng lao động từ bên ngoài). Chính vì vậy, Marcus cho rằng, Việt Nam có thể được coi là một sự lựa chọn tốt để thay thế người khổng lồ Trung Quốc [15].

Trong tình hình đó, triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam – Canada, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, tuỳ thuộc rất nhiều vào công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, quảng bá hình ảnh và thông tin cập nhật giữa hai nước. Đối với Việt Nam, để có thể đứng vững và mở rộng thị phần trên thị trường Canada, vấn đề quan trọng là nâng cao tính cạnh tranh và đa dạng hoá các chủng loại hàng xuất khẩu, chú trọng vào các mặt hàng cao cấp, chất lượng cao. Đồng thời tăng cường tính chuyên môn của các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, thiết lập mạng lưới quan hệ hữu hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin thương mại nhanh và chính xác cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tăng cường các đoàn vận động đầu tư theo phương thức làm việc trực tiếp với các tập đoàn lớn, kêu gọi đầu tư trực tiếp vào những dự án quan trọng, chủ động tiếp cận và hỗ trợ các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư vào Việt Nam, khai thông thị trường xuất khẩu lao động vào Canada... là những biện pháp cần thiết.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Việt Nam và Canada có những tiếp xúc đầu tiên trong lịch sử quan hệ song phương. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, quan hệ giữa hai nước ngày càng được gắn kết và mở rộng trên các lĩnh vực đặc biệt là từ sau khi quan hệ ngoại giao chính thức được thiết lập. Sự phát triển liên tục của quan hệ giữa hai nước trong 35 năm qua (1973 - 2008) là kết quả của những nỗ lực đến từ hai phía bất chấp những rào cản của trật tự thế giới hai cực thời kỳ Chiến tranh lạnh cũng như khoảng cách về địa lý giữa hai nước trên hai bờ Thái Bình Dương. Sự phát triển, mở rộng và cân bằng hơn quan hệ song phương trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại và các lĩnh vực khác sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. Quan hệ Việt Nam - Canada sẽ tiếp tục ổn định và phát triển trong tương lai trên cơ sở những tiền đề sẵn có cùng với những nỗ lực đồng bộ nhằm tăng cường các quan hệ chính phủ, thương mại và tổ chức quần chúng trong khuôn khổ đối tác toàn diện, ổn định và lâu dài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Văn Sảnh, Quan hệ Mỹ - Canada - Những bài học kinh nghiệm, Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội, 2006, tr.113.

[2] Ramesh Thakur, Peacekeepping in Vietnam. Canada, India, Poland and The International Commision. Edmonton: University of Alberta Press, 1984, p.30.

[3] Royal Bank, Canada’s Economic Oppotunity in the Rising East, www.hamline.edu/apakabar/basicdata/1992/05/25/0005.html

[4] Derpartment of Foreign Agfrais and International Trade Canada, Last News 12/9/2007, Canada-ASEAN(1977-2007), www.geo.international.gc.ca

[5] The Canadian Encyclopedia, www.thecanadianencyclopedia.com

[6] CBC, Draft-dodger memorial to be built in B.C. CBC News, 09/08/2004.

[7] Victor Levant, Quiet Complicity: Canadian Involvement in the Vietnam War.

[8] Canada Broadcasting Corporation (CBC), Canada Secret War: Vietnam (1954-2003), tại địa chỉ: www.archives.cbc.ca/war_conflic/vietnam_war

[9] The Canadian Encyclopedia, www.thecanadianencyclopedia.com

[10] Victor Levant, Quiet Complicity: Canadian Involvement in the Vietnam War.

[11] Victor Levant, Showing Maple Leaf in Vietnam. Compass Vol.14#1, www.gvanv.com/compass/arch/v1401/levant.html

[12] Department of Foreign Affrais and International Trade Canada, Canada in the World, www.dfait-maeci.gc.ca/foreign_policy/cnd-world/summary-en.asp

[13] Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tuyên bố chung Việt Nam-Canada (27/6/2005).

[14] The Canadian Encyclopedia, www.thecanadianencyclopedia.com

[15] Marcus Gee, Canadian Business is missing out of the rise of the Vietnam Tiger. The Globe and Mail, Canada. 21/11/2007, p. B12.


1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương