VỚi các nưỚc và khu vựC


CÊU TRóC QUAN HÖ VIÖT NAM - TRUNG QUèC GIAI §O¹N 1991 - 2008



tải về 1.8 Mb.
trang16/23
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.8 Mb.
#15173
1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   23



CÊU TRóC QUAN HÖ VIÖT NAM - TRUNG QUèC
GIAI §O¹N 1991 - 2008

G



KYÛ YEÁU HOÄI THAÛO QUOÁC TEÁ VIEÄT NAM HOÏC LAÀN THÖÙ BA

TIÓU BAN QUAN HÖ QUèC TÕ CñA VIÖT NAM VíI C¸C N¦íC Vµ KHU VùC






S.TS Carlyle A. Thayer*


Mở đầu

Nhiều công trình nghiên cứu tập trung vào quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương (Amer 2004a và 2008, vuving 2006 và 2008, Womack 2006). Báo cáo này mở rộng khuôn khổ của phân tích bao gồm cả những cấu trúc hợp tác song phương và đa phương chủ chốt có tác động tới quan hệ Việt – Trung. Báo cáo được chia làm ba phần: Phần đầu tiên nói về cấu trúc của hợp tác song phương, phần thứ hai nhắc đến những cấu trúc hợp tác đa phương và phần cuối cùng tập trung vào sự tương tác của những cấu trúc hợp tác song phương và đa phương trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và kiểm soát tranh chấp lãnh thổ.

Phần đầu tiên nhắc tới cấu trúc của quan hệ song phương kể từ năm 1999 -2000, khi Trung Quốc và Việt Nam ký kết những hiệp định khung về hợp tác lâu dài giữa hai Đảng và Nhà nước. Hai bên thường xuyên tiến hành những chuyến viếng thăm giữa các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo Đảng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và những quan chức cấp cao khác. Những hiệp định khung cũng dẫn tới việc thiết lập các nhóm làm việc cấp chuyên gia và chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề trọng yếu trong tranh chấp như biên giới trên bộ, Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông.

Phần thứ hai nhấn mạnh tầm quan trọng của những cấu trúc hợp tác đa phương và các hiệp định đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đàm phán trước và sau khi Việt Nam trở thành thành viên của khối. Phần thứ hai cũng đề cập đến tác động của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tới quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.

Cuối cùng, phần ba của báo cáo nhìn lại một số vấn đề liên quan tới hợp tác Việt Nam – Trung Quốc tại Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông, đồng thời đánh giá tác động của cơ cấu hợp tác song phương và đa phương trong việc giải quyết những vấn đề trên một cách hiệu quả. Báo cáo sẽ kết thúc với việc nhấn mạnh tầm quan trọng của những cuộc gặp gỡ cấp cao giữa các nhà lãnh đạo, bao gồm cả Ban Chỉ đạo Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác như những cấu trúc chủ yếu trong việc kiểm soát quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.

Phần 1: Quan hệ song phương

Sau hơn một thập kỷ nguội lạnh kéo dài (1978 - 1989), tháng 9/1990, các nhà lãnh đạo của Hà Nội và Bắc Kinh gặp nhau tại miền Nam Trung Quốc và đồng ý bình thường hoá quan hệ song phương. Trung Quốc và Việt Nam nối lại tiếp xúc chính trị cấp cao trong tháng 11/1991, vốn được nhấn mạnh chỉ sau khi Việt Nam chấp nhận giải quyết hoàn toàn vấn đề chính trị ở Campuchia. Đầu năm 1999, hai bên đã xác định nguyên tắc cho quan hệ chính trị song phương trong một cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Đảng hai nước được tổ chức ở Bắc Kinh.[1]

Trong giai đoạn giữa hai thời điểm bình thường hoá quan hệ và xác định nguyên tắc cho quan hệ chính trị song phương, Việt Nam và Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành những cuộc đàm phán cấp chuyên gia nhằm tìm ra một giải pháp cho những tranh chấp liên quan tới biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ. Cuộc đàm phán cấp chuyên gia đầu tiên được tiến hành vào tháng 10/1992. Hơn một năm sau, đàm phán cấp chính phủ đã mang lại kết quả là một hiệp định về các nguyên tắc giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Tranh chấp biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ được tách riêng và mỗi vấn đề do một nhóm chuyên gia hỗn hợp đảm nhiệm. Nhóm công tác hỗn hợp về biên giới trên bộ làm việc lần đầu tiên vào tháng 2/1994 và kết thúc vào tháng 12/1999 sau 16 cuộc họp khi Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp ước biên giới trên bộ. Nhóm công tác hỗn hợp về Vịnh Bắc Bộ gặp gỡ lần đầu tiên vào tháng 3/1994 và tổ chức 17 cuộc thảo luận trước khi đạt được một hiệp định. Những cuộc đàm phán cấp chuyên gia về các vấn đề biển được bắt đầu vào tháng 11/1995.

Tháng 12/2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký hai văn bản quan trọng là Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá tại Vịnh Bắc Bộ. Quan trọng hơn, Việt Nam và Trung Quốc ra Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới [2] Tuyên bố chung này đã đặt ra cấu trúc cho quan hệ song phương thông qua một khuôn khổ hợp tác lâu dài. Cần chú ý rằng Trung Quốc cũng đã đàm phán những hiệp định tương tự với tất cả các nước khác trong khu vực trong khoảng thời gian từ tháng 2/1999 đến tháng 12/2000 (Thayer, 2003 và Haacke, 2005). Thông thường, những hiệp định này lấy mẫu từ các Tuyên bố chung được ký giữa các Bộ trưởng Ngoại giao hoặc Phó Thủ tướng.



Hợp tác quốc phòng: Sáu hiệp định khung về hợp tác dài hạn của Trung Quốc bao gồm cả lĩnh vực hợp tác an ninh (với Thái Lan, Malaysia, Brunei, Singapore, Philippines và Lào). Đáng chú ý là không có điều khoản về hợp tác quốc phòng trong hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc, có thể là do bản chất phức tạp của những tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết ở Biển Đông. Theo Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc “cả hai bên sẽ kiềm chế, không tiến hành bất cứ hoạt động nào có thể làm phức tạp và leo thang những tranh chấp, loại bỏ khả năng sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực”.

Việc tiếp xúc trong lĩnh vực quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc lần đầu tiên được thực hiện với những cuộc trao đổi đoàn đại biểu giữa các Cục Đối ngoại quân sự thuộc Bộ Quốc phòng lần lượt trong tháng 2 và tháng 5 năm 1992. Số liệu trong giai đoạn 2002-2006 chỉ ra rằng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Trung Quốc bốn lần trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc chỉ đến Hà Nội đúng một lần. Những cuộc trao đổi đoàn ở cấp tướng lĩnh hay giữa các Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần diễn ra với số lượng cân bằng hơn.

Trung Quốc và các nước ASEAN đã tiếp hành 71 chuyến thăm quân sự song phương cấp cao trong giai đoạn 2002-2006. 16 trong số đó là chuyến thăm của các Bộ trưởng. Những chuyến thăm cấp Bộ trưởng được thực hiện giữa Trung Quốc với 5 nước bao gồm Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Việt Nam và Trung Quốc đã 9 lần trao đổi đoàn cấp cao trong giai đoạn này. Trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2006, giữa Trung Quốc và 7 nước Đông Nam Á đã thực hiện 11 chuyến thăm hữu nghị của lực lượng hải quân. Tàu chiến Trung Quốc đã thăm Việt Nam,1 Singapore (2 lần), Thái Lan và Brunei.

Quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời điểm này gần như hoàn toàn tập trung vào việc trao đổi quan điểm về an ninh khu vực, các vấn đề tư tưởng và an ninh biên giới. Kể từ khi bình thường hoá quan hệ, cả Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành rà soát, gỡ bỏ bom mìn, đạn dược chưa nổ tại khu vực biên giới chung. Sau khi ký kết một hiệp ước về biên giới chung vào năm 1999, hai bên đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ phân định ranh giới khu vực này. Tháng 4/2005, Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu tiến hành những cuộc hội kiến không thực sự sôi nổi về an ninh quốc phòng tại Bắc Kinh.2

Tháng 7/2005, Chủ tịch Trần Đức Lương thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 5 ngày đến Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết đẩy mạnh sự phát triển chung và đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Tuyên bố chung chính thức công bố rằng “từ giờ đến cuối năm 2005, hai bên sẽ thực hiện khảo sát chung về nguồn hải sản ở những vùng đánh bắt chung, cố gắng thực hiện những cuộc tuần tra chung giữa hai lực lượng hải quân ở Vịnh Bắc Bộ và khởi động đàm phán về phân định lãnh hải ở cửa Vịnh Bắc Bộ càng sớm càng tốt.”[3]

Tháng 10/2005, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tào Cương Xuyên và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà đã đạt được thoả thuận về việc tiến hành tuần tra chung tại Vịnh Bắc Bộ giữa hai lực lượng hải quân. Mục đích của hoạt động này là nhằm củng cố hợp tác giữa hai lực lượng hải quân và duy trì an ninh cho hoạt động đánh bắt cá cũng như khai thác dầu khí trong khu vực. Hai Bộ trưởng Quốc phòng cũng thảo luận qua về việc hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng.[4]

Quý I / 2006, Hà Nội đón tiếp Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Giả Khánh Lâm và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Tào Cương Xuyên. Bộ trưởng Tào Cương Xuyên đến Việt Nam để hoàn tất những thoả thuận cho hoạt động tuần tra chung của hải quân hai nước và thúc đẩy công nghệ quốc phòng cũng như huấn luyện quân chính quy của Trung Quốc.[5] Ngày 27/4, hải quân Trung Quốc và Việt Nam đã thực hiện cuộc tuần tra chung đầu tiên trên Vịnh Bắc Bộ. Đó là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc thực hiện hoạt động này. Bộ trưởng Quốc phòng mới của Việt Nam Phùng Quang Thanh tiến hành chuyến thăm đáp lễ tới Bắc Kinh trong tháng 8 để thảo luận về việc hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng giữa hai nước cũng như trao đổi huấn luyện sỹ quan cấp cao.[6]

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh thực hiện chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 22 đến 26/8/2006. Giới truyền thông nhấn mạnh rằng đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên mà Tổng bí thư thực hiện sau khi tái đắc cử vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và người đồng cấp Hồ Cẩm Đào thống nhất thúc đẩy thương mại, đẩy nhanh để hoàn thành nhiệm vụ phân định biên giới vào cuối năm 2008 và tiếp tục tăng cường đàm phán về Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo cũng đạt được sự thống nhất về những dự án chung phát triển năng lượng, đặc biệt là ở Vịnh Bắc Bộ. [7] Thông cáo chung nhất mạnh rằng “Hai bên thảo luận tích cực về… hoạt động tuần tra chung tại Vịnh Bắc Bộ giữa hải quân hai nước”. [8]

Tháng 10/2006, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam thăm Bắc Kinh để đàm phán về những kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Chuyến thăm này được đáp lễ trong tháng 11-12/2008. Cuối tháng 10/2006, Thượng tướng Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đến thăm Trung Quốc để thảo luận về hoạt động trao đổi huấn luyện quân đội chính quy.[9] Chuyến thăm của tướng Dũng tới Đại học Quốc phòng Bắc Kinh gợi ra ý rằng Việt Nam có thể sẽ gửi sỹ quan quân đội đến đó trong tương lai.

Cuối tháng 10/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Nam Ninh khi tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 15 năm quan hệ đối thoại Trung Quốc – ASEAN. [10] Hai Thủ tướng đồng ý hoàn tất đàm phán về hiệp định khung hợp tác kinh tế và thương mại. [11] Hơn nữa, hai Thủ tướng thống nhất sẽ hoàn thành công việc phân định biên giới trên bộ trong năm 2008 và thúc đẩy đàm phán phân định lãnh hải ngoài Vịnh Bắc Bộ. Hai Thủ tướng cũng thảo luận về những dự án xây dựng lớn chung của hai nước như nâng cấp tuyến đường sắt và đường bộ. Cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc được tiến hành vào ngày 11/11/2008 tại Hà Nội ở cấp Phó Thủ tướng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quay trở lại Trung Quốc trong tháng 10/2008 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM).

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 15 đến 17/11/2006) nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Trong chuyến thăm này, Trung Quốc và Việt Nam đã ký hiệp định khung về hợp tác kinh tế và thương mại cùng biên bản ghi nhớ hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế”. Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm cả hoạt động khai thác dầu khí chung tại Vịnh Bắc Bộ. Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tới thăm Bắc Kinh trong tháng 5/2007 (sau đó tham dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008). Chủ tịch Việt Nam và Trung Quốc nhìn lại quan hệ chính trị và kinh tế song phương, thống nhất về giá trị của những chuyến thăm cấp cao cũng như hiệu quả của Uỷ ban hợp tác hỗn hợp. Một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc thảo luận của hai lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết việc hoàn thành hoạt động phân định biên giới trên bộ trong năm 2008 và thúc đẩy hoạt động khai thác dầu khí chung ở Vịnh Bắc Bộ. Hai bên thống nhất kiềm chế bất cứ hành động đơn phương nào có thể gây tổn hại tình trạng hiện tại hoặc làm trầm trọng thêm những xung đột ở Biển Đông.

Tháng 8/2007, hai Bộ trưởng Tào Cương Xuyên và Phùng Quang Thanh đã ký Thoả thuận hợp tác biên phòng giữa hai Bộ Quốc phòng. Thoả thuận này có hiệu lực từ ngày 8/11. Thoả thuận này đã đặt ra “những nguyên tắc cơ bản cho quan hệ hợp tác, quy định thông tin và trách nhiệm bảo vệ biên giới của hai nước cũng như việc quản lý các lực lượng.” [12] Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành trao đổi chuyến thăm giữa các Tổng Tham mưu trưởng quân đội lần lượt trong tháng 11-12/2008 và tháng 3/2009.

Việt Nam thực hiện quan hệ song phương với Trung Quốc theo những điều khoản ghi trong các thoả thuận giữa hai Đảng và Nhà nước. Những thoả thuận này thiết lập nên các cuộc viếng thăm thường xuyên giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an. Uỷ ban hỗn hợp chỉ đạo hợp tác ở cấp Phó Thủ tướng có nhiệm vụ thảo luận các vấn đề hiện tại. Dù Việt Nam nằm ở thế bất lợi do tính chất bất đối xứng của quan hệ song phương nhưng Việt Nam vẫn sử dụng các cấu trúc hợp tác đa phương nhằm cải thiện tình trạng mất cân bằng quyền lực với Trung Quốc.



Phần 2: Những cấu trúc đa phương

Phần này bàn về cấu trúc của quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thông qua vai trò thành viên của Việt Nam trong ba thể chế đa phương là ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS).



Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Quan hệ chính thức giữa Trung Quốc và ASEAN bắt đầu từ năm 1991 khi Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 24 được tổ chức tại Kuala Lumpur với tư cách là khách mời của chính phủ Malaysia. Ngoại trưởng Tiền Kỳ tham nhấn mạnh mong muốn của Trung Quốc về việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. ASEAN phản ứng tích cực và trong tháng 9/1993, Tổng thư ký ASEAN Dato Ajit Singh đến Bắc Kinh để tiếp tục bàn bạc về kế hoạch do Ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra. Tổng thư ký Singh tiến hành hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Đường Gia Triền. Tháng 7/1994, ASEAN và Trung Quốc đạt được thoả thuận chính thức về việc thành lập hai uỷ ban chung – một uỷ ban phụ trách hợp tác khoa học và công nghệ cùng một uỷ ban phụ trách hợp tác kinh tế và thương mại. ASEAN và Trung Quốc cũng đồng ý mở ra những cuộc hội đàm về các vấn đề an ninh – chính trị ở cấp quan chức cấp cao. Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ nhất được tổ chức ở Hàng Châu tháng 4/1995. Việt Nam gia nhập ASEAN trong tháng 7/1995 và có nghĩa vụ công nhận tất cả những thoả thuận trước đây giữa ASEAN và Trung Quốc.

Năm 1996, Trung Quốc được chính thức được nhận quy chế là đối tác đối thoại của ASEAN. Với tư cách này, Trung Quốc bắt đầu tham gia thường xuyên trong các cuộc Hội nghị tham vấn sau các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN hằng năm. Hội nghị này diễn ra với hình thức một cuộc họp giữa ASEAN và 10 đối tác đối thoại (ASEAN 10 + 10) và một cuộc họp riêng rẽ giữa ASEAN với từng đối tác (ASEAN 10 +1). Tháng 2/1997, ASEAN và Trung Quốc chính thức hoá quan hệ hợp tác bằng việc thành lập Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác ASEAN – Trung Quốc (ACJJC). Uỷ ban này họp lần đầu tiên tại Bắc Kinh, nơi uỷ ban này được hai bên thống nhất “hoạt động với tư cách là cơ quan điều phối cho tất cả các cấp làm việc của cơ chế hợp tác ASEAN – Trung Quốc”. [13]

Tháng 12/1997, trong Hội nghị thượng đỉnh không chính thức ASEAN lần thứ hai tại Kuala Lumpur, ASEAN đã đưa ra một quá trình hợp tác mới với nguyên thủ quốc gia / người đứng đầu chính phủ ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản mà kể từ đó được biết tới là quá trình hợp tác ASEAN + 3. ASEAN cũng họp với từng nhà lãnh đạo riêng rẽ. Sau cuộc hội đàm ASEAN – Trung Quốc, các nhà lãnh đạo đưa ra tuyên bố chung nói rằng “tái khẳng định mong muốn chung trong việc phát triển lưu vực sông Mê Kông và cam kết đẩy mạnh ủng hộ các nước con sông chảy qua bằng cách thúc đẩy những hoạt động thương mại, du lịch và vận tải.”3

Ba năm sau, tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức ASEAN lần thứ tư được tổ chức ở Singapore tháng 11/2000, Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ công bố cam kết thúc đẩy phát triển ở vùng sông Mê Kông. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tiếp sau đó ở Brunei trong tháng 11/2001 tán thành việc thành lập khu vực tự do thương mại với Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc đề xuất 5 lĩnh vực hợp tác trong đó bao gồm cả vấn đề phát triển của lưu vực sông Mê Kông.

Quan hệ Trung Quốc – ASEAN tiến lên một mức mới trong tháng 11/2002 với việc ký kết 3 văn bản quan trọng: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa các nước ASEAN và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và ASEAN về hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống và Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (Tuyên bố DOC 2002).

Hiệp định đầu tiên đặt nền móng cho Khu vực tự do thương mại Trung Quốc – ASEAN. Tuyên bố chung về các vấn đề an ninh phi truyền thống được chính thức hoá trong biên bản ghi nhớ tháng 1/2004. Một tiến bộ quan trọng hướng tới khu vực tự do thương mại đã đạt được trong tháng 1/2007 khi Trung Quốc và ASEAN ký Hiệp định về thương mại dịch vụ trong Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 ở Cebu, Philippines. Ban đầu, ASEAN đã tìm cách để đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Trung Quốc chống lại áp lực ngoại giao phải chấp nhận bộ quy tắc mang tính pháp lý của ASEAN. Tuy nhiên, Trung Quốc và ASEAN có thể phát triển các biện pháp hợp tác theo Tuyên bố DOC 2002 (xem thảo luận kỹ hơn ở phần dưới đây).



Đối tác chiến lược vì hoà bình và thịnh vượng. Tháng 10/2003, quan hệ Trung Quốc – ASEAN cơ bản được thúc đẩy khi Trung Quốc tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ASEAN. Sau đó, hai bên ra tuyên bố chung thành lập qua hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc. Tuyên bố chung này là hiệp định chính thức đầu tiên giữa Trung Quốc với một tổ chức khu vực cũng như là hiệp định đầu tiên của ASEAN. Tuyên bố chung bao gồm nhiều lĩnh vực trong đó có cả việc chuẩn bị cho sự khởi đầu một cơ chế đối thoại an ninh mới cũng như hợp tác chung trong các vấn đề chính trị (Breckon 2003a).4

Trong tháng 7/2004, Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đường Gia Triền đưa ra viễn cảnh hợp tác chiến lược nổi bật với ASEAN trong cuộc gặp gỡ Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong tại Bắc Kinh. Kết quả là, cuối năm 2004, Trung Quốc và ASEAN đã phác thảo lên Kế hoạch hành động 5 năm (2005-2010). Kế hoạch này bao gồm một cam kết tăng cường các chuyến thăm cấp cao thường xuyên, hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, đối thoại an ninh cùng trao đổi và hợp tác quốc phòng.5 Kế hoạch hành động đưa ra những mục tiêu sau:

– Thúc đẩy trao đổi và tin tưởng lẫn nhau trong lĩnh vực quân sự quốc phòng với quan điểm duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực;

– Thực hiện đối thoại, đàm phán và thảo luận về các vấn đề an ninh –


quốc phòng;

– Tăng cường hợp tác trong việc huấn luyện quân nhân;

– Chú ý theo dõi những cuộc tập trận của bên đối tác và khai thác những khả năng tiến hành tập trận chung ở cả cấp độ song phương cũng như đa phương;

– Khai thác và thúc đẩy hợp tác giữ gìn hoà bình.

ASEAN bất đắc dĩ phải đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Trung Quốc một cách quá gấp gáp. Tháng 5/2004, trong chuyến thăm Bắc Kinh của tân Thủ tướng Malaysia Abdullah Badawi, người đồng cấp Ôn Gia Bảo đề nghị họ xem xét một kế hoạch chung nhằm duy trì an ninh cho tuyến vận tải thương mại biển quốc tế đi qua eo Malacca. Tháng sau đó, dự định này tiếp tục được Phó Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng Quốc gia – Thượng tá Vương Tông Xuân đưa ra. Trong bài báo cáo được trình bày tại Diễn đàn Trung Quốc – ASEAN ở Singapore, Thượng tá Vương đề xuất hoạt động diễn tập và tuần tra chung của hải quân cũng như trao đổi tin tức tình báo về chủ nghĩa khủng bố. Theo một nhà phân tích, đề xuất của Thượng tá Vương được thính giả đón nhận một cách thờ ơ với sự hoài nghi đáng kể (Montaperto, 2004a).

Tháng 9/2003, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc Ngô Bang Quốc đề xuất kế hoạch khai thác và phát triển chung về dầu khí tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Đầu năm sau, ASEAN và Trung Quốc đồng ý thành lập một nhóm công tác hỗn hợp nhằm thực hiện Tuyên bố ứng xử giữa các bên tại Biển Đông. Tháng 11/2004, tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – ASEAN lần thứ tám, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo một lần nữa nhắc đến kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm ngăn chặn những tranh chấp ở Biển Đông “trong khi vẫn đang hợp tác vì phát triển chung”. Điều này dẫn tới một bước đột phá quan trọng vào ngày 14/3/2005 khi các công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc, Philippines và Việt Nam ký một thoả thuận cùng tiến hành thăm dò dầu khí ở Biển Đông. [14]

Tháng 4/2005, ASEAN và Trung Quốc tổ chức Hội nghị các quan chức cấp cao. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vũ Đại Vĩ nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc mang tính chất sống còn đối với an ninh khu vực và Trung Quốc ủng hộ vai trò lãnh đạo của ASEAN trong cơ chế hợp tác đa phương của khu vực. Quan trọng hơn nữa, Trung Quốc đồng ý tham gia vào Nhóm công tác chung thực hiện Tuyên bố về ứng xử giữa các bên tại Biển Đông.

Tháng 7/2005, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Brunei, Indonesia và Philippines, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhắc lại lời kêu gọi đã kéo dài cả thập kỷ của Trung Quốc cho sự phát triển chung. [15] Cùng thời điểm đó, Trung Quốc và ASEAN thiết lập Nhóm công tác chung thực hiện Tuyên bố về ứng xử giữa các bên tại Biển Đông và giao cho nhiệm vụ thi hành thoả thuận với những giải pháp đề xuất. Nhóm công tác đã tổ chức cuộc họp thứ hai tại Hải Nam trong tháng 2/2006. Do những vụ tấn công của cướp biển nhằm vào tàu đánh cá Trung Quốc trong tháng 5, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đồng ý tăng cường hợp tác an ninh trên Biển Đông. [16]

Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc tiến thêm một bước bằng việc tổ chức hội thảo về an ninh khu vực lần thứ nhất với sự tham dự của các quan chức quốc phòng tại Bắc Kinh tháng 7/2006. Hội thảo này bàn bạc về hợp tác trên biển, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, chống khủng bố cùng những hoạt động gìn giữ hoà bình.

Tháng 10/2006, Trung Quốc tổ chức Hội nghị cấp cao kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác đối thoại của Trung Quốc với ASEAN tại Nam Ninh với sự tham gia của những người đứng đầu các chính phủ. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã kêu gọi mở rộng đối thoại quân sự, hợp tác và trao đổi quốc phòng trong những lĩnh vực như an ninh biển, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, tội phạm quốc tế cùng sự lây lan của các loại bệnh truyền nhiễm.

Tuyên bố chung của tất cả các nước tái khẳng định cam kết của họ trong nỗ lực thành lập Khu vực tự do thương mại Trung Quốc – ASEAN vào năm 2010. Thương mại hàng hoá giữa Trung Quốc với 6 nước thành viên ban đầu của ASEAN sẽ được tự do hoá ngay lập tức trong khi 4 thành viên mới (bao gồm Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia) sẽ được lùi lại tới năm 2015. 10 lĩnh vực ưu tiên phát triển cũng được đưa ra, trong đó bao gồm cả vấn đề phát triển của lưu vực sông Mê Kông. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo cũng cam kết thực hiện Tuyên bố DOC 2002 và thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế chung tại Biển Đông.

Đến cuối năm 2006, Trung Quốc và ASEAN đã thực hiện 28 cơ chế tổ chức hợp tác, gồm những hội nghị thường xuyên giữa các quan chức cấp cao về hợp tác chiến lược và an ninh chính trị, hội nghị hàng năm giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và hội nghị thượng đỉnh hằng năm giữa những người đứng đầu chính phủ (Sutter và Hoang, 2006b). Sự phát triển này mang lại một nền móng cho tiềm năng hợp tác phát triển an ninh quốc phòng trong tương lai.

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – ASEAN và ASEAN + Trung Quốc lần thứ 11 được tổ chức ở Singapore tháng 11/2007. Trong một bài phát biểu quan trọng, Thủ tướng Ôn Giao Bảo thúc giục những người đồng nhiệm bên phía ASEAN thúc đẩy hợp tác và phát triển chung theo Tuyên bố DOC 2002. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng nhắc lại kêu gọi thắt chặt hợp tác quốc phòng nhằm đối phó với những mối đe doạ của các vấn đề an ninh phi truyền thống. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đề nghị các học viện quốc phòng trao đổi hợp tác. Và, liên quan đến vấn đề mới, Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi thành lập một nhóm chuyên gia chung nghiên cứu soạn thảo những đề án cho việc hợp tác kinh tế tại Vịnh Bắc Bộ.

Tháng 3/2008, hợp tác quân sự ASEAN – Trung Quốc tiến thêm một bước khi Trung Quốc đứng ra tổ chức một hội nghị cấp cao giữa các quan chức và chuyên gia quốc phòng của ASEAN. Hội nghị này nhằm mục đích tập trung xây dựng sự tin cậy trong lĩnh vực quân sự giữa Trung Quốc và ASEAN. Một quan chức của Indonesia đã lên tiếng phát biểu về những lo ngại của ASEAN với việc Trung Quốc tăng chi phí quốc phòng và hiện đại hoá quân đội, đồng thời kêu gọi Trung Quốc công khai hơn nữa cũng như không sử dụng khả năng vũ lực để đe doạ các nước trong khu vực.

Khi Việt Nam gia nhập ASEAN tháng 7/2005, Việt Nam đã chấp nhận tuân theo tất cả các hiệp định đa phương giữa ASEAN và Trung Quốc. Sau khi gia nhập, Việt Nam đã tham gia vào quá trình thiết lập quyết định của ASEAN nhằm định hình cho tương lai quan hệ với Trung Quốc. Do đó, cấu trúc của quan hệ ASEAN – Trung Quốc cũng tạo thành một phần quan trọng của khuôn khổ hoạt động của quan hệ song phương giữa Việt Nam với người láng giềng phương bắc.

Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Việt Nam là thành viên sáng lập ra Diễn đàn khu vực ASEAN năm 1994. ARF mang lại khung hợp tác đa phương cho Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh và quan hệ tương tác với Trung Quốc cũng như các cường quốc khác.

Khi Trung Quốc lần đầu tiên tham dự diễn đàn ARF, họ đã rất lo ngại rằng những hoạt động trong khuôn khổ hợp tác đa phương có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chủ quyền quốc gia của họ. Tuy nhiên, theo thời gian, Trung Quốc lại tiến hành thắt chặt hợp tác an ninh đa phương trong khuôn khổ ARF (Ba, 2006). Trung Quốc đã thể hiện vai trò rất tích cực trong giai đoạn giữa các hội nghị nhằm tìm biện pháp xây dựng lòng tin. Ví dụ như tháng 3/1997 và tháng 11/2003, Trung Quốc tổ chức Hội nghị nhóm biện pháp xây dựng lòng tin.

Năm 1997, Trung Quốc cử đại diện tới Hội nghị hiệu trưởng các đại học quốc phòng của ARF và đứng ra tổ chức hội nghị này lần thứ tư vào tháng 9/2000. Bộ trưởng Quốc phòng Trì Hạo Điền mở đầu hội nghị, phát biểu rằng việc ARF nhấn mạnh tới đối thoại và trao đổi thể hiện “một quan niệm mới về an ninh” cũng như xu thế “đa cực hoá” trong khu vực. Bộ trưởng Trì đã chỉ ra rằng những mâu thuẫn khu vực thỉnh thoảng vẫn tồn tại “chủ nghĩa bá quyền và quyền lực chính trị đã thể hiện hướng phát triển mới” và “dân chủ và nhân quyền” được sử dụng để bào chữa cho hành động can thiệp, đồng thời chủ nghĩa ly khai đang nổi lên khắp nơi. Tất cả những vấn đề trên sẽ đe doạ hoặc làm hại tình hình an ninh và sự ổn định của khu vực. Đó là lý do tại sao chúng ta chủ trương rằng tất cả các nước sẽ theo đuổi một quan niệm an ninh mới được xây dựng dựa trên sự bình đẳng, đối thoại, tin cậy lẫn nhau và hợp tác. [17]

Năm 2000, lần đầu tiên Trung Quốc tham gia vào Báo cáo an ninh hằng năm của ARF và bắt đầu cung cấp những hướng dẫn tự nguyện về an ninh khu vực.

Theo một nhà phân tích Trung Quốc, “hai đặc điểm ngắn gọn rút ra từ tài liệu này (Sách trắng quốc phòng năm 2000)” là việc nhấn mạnh vào sự nổi bật của hoà bình và phát triển như lực đẩy cho phát triển toàn cầu cùng một hệ quả tất yếu là hướng tới các chính sách đối ngoại dựa trên cách tiếp cận về hợp tác đa phương” (Montaperto, 2004b). Từ năm 2000, Trung Quốc đã luôn đề xướng quan niệm an ninh mới của họ như khuôn khổ ưa thích cho hợp tác đa phương. Ví dụ, tháng 7/2002, Trung Quốc đưa ra khái niệm an ninh mới trong báo cáo tại Hội nghị bộ trưởng ARF hằng năm.

Trung Quốc soạn thảo và đề xuất quan niệm mới trước khi tổ chức Hội nghị chính sách an ninh ARF lần thứ nhất tháng 11/2004 (Dillon và Tkacik, 2005). Thủ tướng Ôn Giao Bảo khai mạc hội nghị và nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc đối với hợp tác an ninh đa phương. Các đại biểu tham dự hội nghị khai mạc cơ bản đồng ý bắt đầu hợp tác bằng việc xem xét lập những kênh thông tin mới nhằm đối phó với chủ nghĩa khủng bố và các mối đe doạ phi truyền thống.

Tại Hội nghị Bộ trưởng ARF lần thứ 11 năm 2004, Trung Quốc đưa ra một loạt các kế hoạch cho sự phát triển của ARF trong tương lai. Những kế hoạch này sau đó được tóm tắt lại như sau:

Duy trì tính chất của diễn đàn và tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của việc ra quyết định thông qua cơ chế đồng thuận, tăng cường tiếp cận và phát triển ở tốc độ phù hợp với tất cả các thành viên để khuyến khích các sáng kiến cùng sự tham gia tích cực; tiếp tục tăng cường và củng cố những biện pháp xây dựng lòng tin (CBMs) trong khi chủ động giải quyết các vấn đề liên quan đến ngoại giao phòng ngừa, nhờ đó dần tìm ra các giải pháp và cách tiếp cận mang tính hợp tác cho ngoại giao phòng ngừa, phù hợp với khu vực và những nhu cầu hiện tại; tăng cường sự tham gia của các quan chức quân sự, đẩy mạnh trao đổi và hợp tác giữa lực lượng quân sự các nước liên quan và nhận thức được tầm quan trọng của quân đội trong việc thúc đẩy tin tưởng lẫn nhau; nhấn mạnh hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia (Cộng hoà nhân dân Trung Hoa 2004).

Tháng 12/2004, Trung Quốc lại công bố Sách trắng quốc phòng. Tài liệu này đưa ra 5 lĩnh vực của hợp tác an ninh quốc tế: hội nghị và đối thoại chiến lược; hợp tác an ninh khu vực; hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống; tham gia vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc và trao đổi quân sự. Chương 9 nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc trong quan hệ với ASEAN và ARF.

Sách trắng quốc phòng cũng nhấn mạnh chính sách của Bắc Kinh về hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực liên quan tới khoa học, công nghệ và công nghiệp quốc phòng bao gồm cả việc xuất khẩu các sản phẩm quân sự và những công nghệ liên quan. Theo tài liệu này, hoạt động xuất khẩu trong lĩnh vực nhạy cảm này bị kiểm soát theo 3 nguyên tắc: “chỉ phục vụ cho mục tiêu giúp nước mua tăng cường khả năng quốc phòng hợp pháp; không làm tổn hại hoà bình, an ninh và ổn định của khu vực và thế giới; không sử dụng hoạt động xuất khẩu để can thiệp vào công việc nội bộ của nước mua” (Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, chương 7).

Hội nghị thường niên ARF lần thứ 13 được tổ chức ở Kuala Lumpur tháng 7/2006. Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong những vấn đề chính hiện nay (như những vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên hay vấn đề Myanmar). Trung Quốc một lần nữa bày tỏ rằng ARF duy trì diễn đàn đa phương để thảo luận những vấn đề chính trị và an ninh khu vực. Tại Hội nghị thường niên ARF lần thứ 14 được tổ chức tại Manila tháng 8/2007, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì một lần nữa nhấn mạnh đến quan niệm an ninh mới của Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc cũng nhắc lại một chủ đề cũ nhằm cảnh báo những hành động “củng cố liên minh quân sự song phương” và “tìm kiếm sức mạnh quân sự tuyệt đối” của các nước (đọc Mỹ và Nhật Bản).



Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Sông Mê Kông chảy qua 6 nước: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tất cả các nước con sông chảy qua đều coi Mê Kông là nguồn chính cung cấp thuỷ sản, đường giao thông vận tải chính và cung cấp năng lượng cần thiết cho phát triển kinh tế quốc dân. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ được nhìn nhận rộng rãi là cả cơ hội lẫn thách thức cho các nước ở hạ nguồn, vốn đều là thành viên của ASEAN. ASEAN và Trung Quốc đã cam kết thành lập khu vực tự do thương mại. Đó có thể là lợi ích quốc gia cho 6 nước trong khả năng giảm thiểu xung đột liên quan tới việc chia sẻ nguồn tài nguyên từ dòng sông thông qua hợp tác quản lý nguồn nước và cam kết hợp tác phát triển chung. Hợp tác trên dòng sông Mê Kông có thể đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế và cũng như hội nhập và an ninh khu vực.

Có hai thể chế hợp tác đa phương liên quan tới sự phát triển ở khu vực sông Mê Kông và những vùng xung quanh. Hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) được thành lập tháng 10/1992 theo những nỗ lực ban đầu của Ngân hàng phát triển châu Á, trong khi đó Uỷ hội sông Mê Kông (MRC) được thành lập năm 1995. Trung Quốc không phải là thành viên của cả GMS lẫn MRC. Việc chính phủ trung ương Trung Quốc không chính thức tham gia đã giáng đòn mạnh vào hiệu quả của hợp tác của cả hai thể chế. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với vùng thượng nguồn sông Mê Kông (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương) đồng thời coi việc xây dựng các đập nước là chuyện riêng mặc cho những tác động tiêu cực tới hạ nguồn.

Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai địa phương của Trung Quốc là tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây. Chương trình hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng đã trải qua 4 giai đoạn: xây dựng lòng tin (1992-1994), tìm kiếm lĩnh vực ưu tiên (1994-1996), dự án phát triển (1996-2000) và thực hiện dự án (2000-nay).

Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng ra quyết định dựa trên hội nghị bộ trưởng hằng năm cho tới năm 2002 khi được thay thế bằng các hội nghị thượng đỉnh thường xuyên. Tháng 7/2005, Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ hai được tổ chức tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Trong phát biểu chính thức tại Hội nghị, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tái khẳng định cam kết tài chính của Trung Quốc đối với chương trình hoạt động của GMS và đưa ra kế hoạch 7 điểm nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng tuyên bố ưu đãi thuế dành cho hàng hoá xuất khẩu từ Campuchia, Lào và Myanmar.

Điều đáng chú ý là hoạt động hợp tác của GMS không diễn ra dựa theo cơ sở của một hiệp ước chính thức hay những cam kết mang giá trị pháp lý. Hơn nữa, hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng mang đậm màu sắc những quy tắc của ASEAN như việc đưa ra quyết định là không chính thức và tự nguyện. Từng thành viên của GMS được phép thực hiện những chương trình hợp tác mà không cần sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên.

Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng có thể được coi là tổng thể của các chương trình hợp tác nhỏ. Những chương trình hợp tác chung được thực hiện bởi các tiểu ban điều phối tiểu khu vực, nhóm công tác chung và diễn đàn trên 9 lĩnh vực: cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, truyền thông, phát triển năng lượng, quản lý môi trường, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và nông nghiệp.

Việc tìm hiểu tất cả các cơ chế hợp tác trong GMS sẽ vượt ra ngoài phạm vi của báo cáo này. Hoạt động hợp tác của GMS rộng hơn khu vực địa lý của lưu vực sông Mê Kông và do đó mang lại khung hợp tác cho Việt Nam và Trung Quốc nhằm phát triển khu vực biên giới của mỗi bên. Đầu thập niêm 1990, cả Trung Quốc và Việt Nam đã tính đến việc phát triển khu vực vùng biên trong những dự án phát triển của mình.

Hợp tác qua biên giới bao gồm cả những hoạt động tương tác giữa các chính phủ và chính quyền địa phương, đã dẫn tới sự phát triển của thương mại cũng như các lĩnh vực năng lượng, truyền thông và cơ sở hạ tầng giao thông. Ví dụ, từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với việc buôn bán tập trung nhiều vào các mặt hàng thế mạnh của Trung Quốc. Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của tỉnh Quảng Tây. Việt Nam mua điện từ mạng lưới điện của tỉnh Vân Nam. Quan hệ Lào Cai – Hà Khẩu cũng phát triển thành một thị trường tiềm năng và vùng Côn Minh trong nội địa có thể tiến ra biển thông qua tuyến đường sắt chạy qua Lào Cai đến cảng Hải Phòng.

Tháng 10/2004, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã mô tả mô hình hợp tác qua biên giới là “hai hành lang, một vành đai kinh tế”. Hai hành lang ở đây chỉ các tuyến vận tải Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng và Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. “Vành đai” ở đây chỉ sự phát triển chung tại khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Tháng 11/2004, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt nối Côn Minh với Hà Nội. Một năm sau, tuyến đường sắt cao tốc nối Nam Ninh với tuyến đường sắt Bắc – Nam của Việt Nam được khánh thành. Năm 2007, Việt Nam và Trung Quốc thống nhất xây dựng khu vực hợp tác kinh tế dọc theo biên giới giữa thành phô Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây với tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam. Hệ quả của hoạt động hợp tác qua biên giới này là sự thúc đẩy lưu thông hàng hoá Trung Quốc qua Việt Nam đến Đông Nam Á.



Phần 3: Những vấn đề của hợp tác Việt Nam – Trung Quốc

Tháng 10/2007, tại Đại hội lần thứ 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đã đưa ra khái niệm về “thế giới hài hoà” làm chủ đề cơ bản của chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ này thay cho khái niệm “sự trỗi dậy hoà bình” và “sự phát triển hoà bình của Trung Quốc”. Có 3 ý chính liên quan tới khu vực Đông Nam Á. Thứ nhất, Trung Quốc tìm cách tăng cường ảnh hưởng tới khu vực bằng cách thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với các nước ASEAN thông qua hội nhập kinh tế và hợp tác trong các vấn đề phi truyền thống. Thứ hai, Trung Quốc tìm cách phát triển khu vực miền nam (tỉnh Vân Nam và Quảng Tây) bằng cách thúc đẩy sự phát triển của hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng và hợp tác Vịnh Bắc Bộ. Thứ ba, Trung Quốc tiếp tục ủng hộ ASEAN, ARF và các thể chế khu vực khác miễn là những thể chế này mang lại lợi ích cho Trung Quốc.[18]



Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng

Hợp tác đa phương cho sự phát triển của lưu vực sông Mê Kông và tiểu vùng Mê Kông mở rộng sẽ khó tồn tại nếu vắng mặt Trung Quốc, vì vậy mới có sự tham gia của tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây trong hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Trung Quốc xứng đáng có vị thế đáng kể bởi họ là nước ở thượng nguồn cũng như có sức mạnh kinh tế và tiềm năng phát triển quân sự. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố rõ ràng rằng họ phản đối những nguyên tắc quản lý nguồn nước mà Uỷ hội sông Mê Kông thông qua. Việc xây dựng các đập nước ở thượng nguồn sông Mê Kông (sông Lan Thương) được cho là sẽ có tác động tiêu cực tới các nước ở hạ nguồn. Việc Trung Quốc tiếp tục chính sách xây dựng các đập nước sẽ mang lại những tác động rộng lớn, nhiều mặt tới dòng nước và hệ sinh thái, bao gồm cả một trong hai vựa lúa lớn của Việt Nam là vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Mặc dù Uỷ hội sông Mê Kông và hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng có mục tiêu giống nhau nhưng là theo đuổi những giá trị và có cấu trúc khác nhau. Một nghiên cứu mới đây (Buntain, 2007) kết luận rằng Trung Quốc chủ ý thúc đẩy sự phát triển của những thể chế chồng chéo, không có trật tự nhằm tách vấn đề phát triển kinh tế ra khỏi vấn đề môi trường. Buntain (2007) gọi quá trình này là “vấn đề phân chia”, theo đó “Trung Quốc sử dụng vị thế lãnh đạo ở khu vực nhằm tập trung chính sách hợp tác vào các thể chế thông qua việc tham dự có lựa chọn”. Mặt khác, dù mức độ phụ thuộc kinh tế giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng đang tăng lên nhưng những hành động của Trung Quốc đã kéo lùi sự phát triển của các cơ cấu quản trị mang tính hợp tác. Do đó, Việt Nam không thể bày tỏ những lo ngại của mình về dòng nước trong mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long trong Uỷ hội sông Mê Kông (mà Trung Quốc không phải là thành viên) cũng như hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng (vì tập trung chủ yếu vào ngoại thương và phát triển cơ sở hạ tầng).

Vịnh Bắc Bộ. Khác với hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, Việt Nam và Trung Quốc có thể hợp tác thành công ở Vịnh Bắc Bộ. Cơ sở cho hợp tác Việt – Trung là hiệp định phân chia Vịnh Bắc Bộ năm 2000. Hiệp định này phân chia lãnh hải bằng cách lập bản đồ chi tiết theo đường phân cách đều đã sửa đổi.6 Hiệp định này có hiệu lực từ tháng 6/2004 cùng việc ký nghị định thư bổ sung về khu vực khai thác hải sản chung. Tháng 10/2004, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến Hà Nội để củng cố hợp tác nghề cá (cũng như thúc đẩy quá trình phân định biên giới trên bộ).

Tháng 1/2005, một vụ đọ súng diễn ra ở Vịnh Bắc Bộ khiến 8 ngư dân Việt Nam thiệt mạng làm nổi bật nhu cầu quản lý khu vực đánh bắt chung. Dù vụ việc trên diễn ra nhưng tháng 11/2005, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc đồng ý tiến hành khai thác chung dầu và khí đốt ở Vịnh Bắc Bộ. Tháng 1/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê chuẩn thoả thuận này. Như đã nói ở trên, Việt Nam và Trung Quốc thực hiện cuộc tuần tra chung đầu tiên trong tháng 4/2006. Kể từ đó đã có thêm 5 cuộc tuần tra chung được tiến hành vào các thời điểm: tháng 12/2006, tháng 7/2007, tháng 10/2007, tháng 5/2008 và tháng 8/2009.7

Tháng 6/2008, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm Trung Quốc theo lời mời của Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào. Tuyên bố chung của hai bên nói rằng: “hai nước sẽ tiếp tục thực hiện hiệp định phân chia và hiệp định hợp tác nghề cá tại Vịnh Bắc Bộ đồng thời tiến hành kiểm tra khu vực đánh bắt chung, khảo sát nguồn hải sản chung cũng như tuần tra chung. Hai bên sẽ đẩy mạnh việc thực hiện Thoả thuận khung về hợp tác khai thác dầu và khí đốt ở những khu vực thống nhất tại Vịnh Bắc Bộ…”[19]

Việt Nam và Trung Quốc cũng bắt đầu đàm phán phân định lãnh hải ở cửa Vịnh Bắc Bộ. Cuộc họp thứ tư về vấn đề này đã được tổ chức tại Bắc Kinh tháng 1/2008.



Biển Đông. Những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về lãnh hải và những vấn đề khác ở Biển Đông đã thể hiện tính chất khó giải quyết. Tuy đã có những tiến triển trong các vấn đề liên quan tới Vịnh Bắc Bộ nhưng những tuyên bố chồng chéo ở Biển Đông vẫn tồn tại như một hằng số có tính chất kích thích xung đột. Tháng 10/2004, sau chuyến thăm rất thành công của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới Hà Nội, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “quan tâm sâu sắc” đến việc Việt Nam tiến hành khai thác dầu và khí đốt tại vùng lãnh hải phía trên thềm lục địa của họ. Trung Quốc cáo buộc Việt Nam đi ngược lại với những cam kết ngay trước đó. Tuy vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến hành hoạt động khai thác.

Những vụ việc nhỏ như vậy tiếp tục xảy ra. Tháng 3/2005, Trung Quốc tuyên bố rằng ngư dân của họ bị “cướp biển” Việt Nam tấn công ở Biển Đông. Trung Quốc đề nghị Việt Nam tham gia ngăn chặn, kìm hãm tội phạm trên biển. Hai tháng sau, một tàu chở hàng của Việt Nam bị chìm ở ngoài bờ biển Thượng Hải làm tăng thêm nghi ngờ rằng tàu đã bị hải quân Trung Quốc tấn công khi lực lượng này đang tập trận ở khu vực đó. Ngày 12/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố rằng Trung Quốc không phải chịu trách nhiệm về vụ chìm tàu.

Những cuộc đàm phán cấp chuyên gia về những vấn đề biển (Biển Đông) bắt đầu từ tháng 11/1995 và đang tiếp tục diễn ra. Cả hai bên vẫn chưa thống nhất về chương trình làm việc. Việt Nam nhất quyết đòi đàm phán về cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc không muốn đàm phán về vấn đề Hoàng Sa mà chỉ tập trung vào vấn đề Trường Sa, tranh chấp lãnh hải và thềm lục địa.

Tháng 4/2006, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X thông qua nghị quyết phát triển vùng biển của Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực có lợi thế so sánh “nhằm phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, duy trì an ninh quốc phòng theo tinh thần hợp tác quốc tế”. Vấn đề này được thảo luận tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư tháng 1/2007. Các báo cáo tại hội nghị này chỉ ra rằng chưa có kế hoạch liên kết vấn đề phát triển kinh tế các vùng ven biển với việc khai thác nguồn tài nguyên biển trong khu vực chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Các nhà kinh tế ước tính rằng đến năm 2020, nếu kinh tế biển được phát triển toàn diện, lĩnh vực này có thể đóng góp 55% GDP và khoảng 50-60% giá trị xuất khẩu.

Hội nghị trung ương IV quyết định rằng cần phải vạch ra Chiến lược biển hướng tới năm 2020 nhằm kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ an ninh quốc phòng. Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ “bảo vệ lãnh hải và chủ quyền quốc gia”. Việc soạn thảo chiến lược biển đã được hoàn tất vào cuối năm 2007 nhưng chưa được công bố.

Việc Việt Nam thông qua chiến lược biển mới trùng khớp với thời điểm tham vọng của Trung Quốc về Biển Đông đang lên cao. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh hải và khu vực mà ở đó Việt Nam đang tìm kiếm nguồn lực phát triển. Trung Quốc đặt áp lực lên các công ty nước ngoài có liên quan tới hoạt động phát triển kinh tế biển của Việt Nam, cảnh báo các công ty này rằng hoạt động làm ăn của họ ở Trung Quốc có thể gặp rắc rối nếu tiếp tục tham gia vào việc tìm kiếm nguồn lợi phát triển ở những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Tháng 3/2007, Tập đoàn Dầu khí BP và các đối tác của họ trình các dự án lên Bộ Công nghiệp Việt Nam, theo đó sẽ đầu tư 2 tỷ USD mở rộng khai thác khí gas và năng lượng trong thập kỷ tới. Những dự án này bao gồm cả việc xây dựng ít nhất hai đường ống dẫn khi gas nối vùng ven biển với hai khu vực khai thác khí mới là Mộc Tinh và Hải Thạch ở vùng Nam Côn Sơn trên Biển Đông. Những dự án của BP cũng bao gồm cả việc xây dựng một nhà máy điện ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. [19] Hiện tại, BP chỉ còn duy trì hoạt động của đường ống dẫn khí nối khu vực khai thác Lan Tây – Lan Đỏ ở vùng Nam Côn Sơn với tổ hợp nhà máy điện Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Những khu vực khai thác mới được sẽ nối với đường ống đã được đề xuất nằm liền kề với những khu vực mà BP đang tiến hành khai thác hiện nay.

Câu hỏi về tương lai hoạt động của BP nhanh chóng trở thành vấn đề phức tạp trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Ngày 10/4, một phóng viên từ cơ quan truyền thông nhà nước trực tiếp hỏi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương về đường ống đề xuất của BP và kế hoạch tổ chức bỏ phiếu về vấn đề Biển Đông của Quốc hội Việt Nam, ông Tần Cương trả lời: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa và những khu vực lãnh hải liền kề cũng như các vùng biển xung quanh… Hành động mới đây của Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, quyền chủ quyền và quyền quản lý quần đảo Nam Sa, đi ngược lại với sự đồng thuận quan trọng về vấn đề biển mà lãnh đạo hai nước đã đạt được và không có lợi cho sự ổn định ở khu vực Biển Đông”. [20] Ông Tần Cương nhấn mạnh rằng bất cứ hành động đơn phương do bất cứ nước nào thực hiện ở Biển Đông là “phạm pháp và sai trái”, xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. [21] Ông Tần Cương cũng được trích lời: “Điều đó không có lợi đối với sự ổn định ở khu vực Biển Đông. Phía Trung Quốc quan tâm sâu sắc và chúng tôi đã gửi những phản đối mạnh mẽ tới phía Việt Nam.”[22]

Phản ứng lại, ngày 11/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng tuyên bố rằng Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Lê Dũng nói rằng những hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại khu vực hai quần đảo, lãnh hải bao gồm cả những cù lao nhỏ là “hoàn toàn bình thường”; hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và thực tiễn, đặc biệt là theo đúng Công ước về luật biển năm 1982 của Liên hợp quốcTuyên bố về ứng xử giữa các bên tại Biển Đông năm 2002.”[23] Ông Lê Dũng cũng nhấn mạnh rằng hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và tập đoàn BP bắt đầu từ năm 2000 và “nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nằm trong khu vực chủ quyền của Việt Nam.”[24] Việc khai thác khí gas ở khu vực Lan Tây – Lan Đỏ cho hoạt động sản xuất điện đã diễn ra từ năm 2002.

Trong tháng 4/2007, khi hai bên đang cáo buộc và phản ứng lẫn nhau, các tàu hải quân của Trung Quốc đã bắt giữ 4 tàu đánh cá của Việt Nam đang hoạt động gần khu vực quần đảo Hoàng Sa và phạt thuỷ thủ đoàn (Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, 2008: 11). Và trong tháng 6, dưới áp lực của Trung Quốc, tập đoàn BP tuyên bố tạm dừng tất cả các hoạt động ở ngoài khơi miền nam Việt Nam cho tới khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam lắng xuống. Tình hình trở nên tồi tệ hơn vào ngày 9/7/2007 khi một vụ việc giữa tàu hải quân của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc với các tàu đánh cá của Việt Nam được cho rằng đã xảy ra ở gần quần đảo Hoàng Sa dẫn tới một tàu cá của Việt Nam bị đánh chìm và một ngư dân thiệt mạng (Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ 2008: 11).

Đến cuối năm, cuộc tập trận PLAN của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa từ ngày 16 đến 23/11/2007 đã dẫn tới hành động phản đối của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố rằng cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam, “không phù hợp với nhận thức chung” và tinh thần thống nhất mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trong cuộc thảo luận cấp cao ở Singapore. Việt Nam tái khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nhưng cũng kêu gọi tìm kiếm biện pháp hoà bình cho những tranh chấp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng lại cách bác bỏ tuyên bố của Việt Nam, cho rằng tuyên bố đó là vô căn cứ và như thường lệ tái khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hai quần đảo.

Một hành động gây kích động lớn là quyết định của Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc về việc thành lập thành phố Tam Sa bao gồm ba quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa và Trường Sa trực thuộc quyền quản lý hành chính của tỉnh Hải Nam (Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, 2008: 11).[25] Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra phản ứng vào ngày 4/12/2007 bằng tuyên bố hành động của Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Tình hình đầu năm mới tiếp tục nóng lên khi Trung Quốc cáo buộc 12 tàu đánh cá của Việt Nam tấn công 10 tàu cá của Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ vào ngày 7/1. Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng vài tàu cá của Trung Quốc đã bị trúng đạn. Việt Nam bác bỏ luận điệu của Trung Quốc và trả lời rằng vụ việc xảy ra vì lưới đánh cá mắc vào nhau. [26]

Để giải toả căng thẳng đang lên cao, Việt Nam và Trung Quốc triệu tập hội nghị lần thứ hai Uỷ ban chỉ đạo hợp tác Việt Nam – Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 23/1/2008. Đại diện phía Việt Nam là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm. Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và gặp Uỷ viên Quốc vụ viện Đường Gia Triền. Tại hội nghị của Uỷ ban chỉ đạo, hai bên thống nhất “giải quyết đúng đắn những vấn đề trong quan hệ song phương” thông qua “đối thoại và trao đổi”.

Va chạm leo thang giữa Trung Quốc và Việt Nam được giải quyết thông qua một cuộc “hội nghị thượng đỉnh” giữa hai nhà lãnh đạo hai Đảng Cộng sản diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 30/5 đến 2/6/2008. Vấn đề Biển Đông được nhắc tới một cách thiên lệch theo quan điểm của truyền thông nhà nước như một vấn đề “khúc mắc để lại từ lịch sử”. Một bài bình luận trên báo Nhân dân ngày 30/5 nói rằng “vấn đề duy trì ổn định ở Biển Đông” đã được thảo luận.

Theo tường thuật của giới truyền thông về hội nghị này, khi Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào “đề nghị một giải pháp đúng đắn cho những vấn đề tồn tại giữa hai nước dựa trên cơ sở đàm phán hữu nghị và hai bên cùng có lợi”, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trả lời rằng ông chia sẻ quan điểm của Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và rằng “hai nước nên đàm phán ngay lập tức về những vấn đề cùng quan tâm”. Hai nhà lãnh đạo đồng ý “thúc đẩy một cơ chế hợp tác có hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an và các cơ quan an ninh của hai nước.” Hai nhà lãnh đạo Đảng cũng thống nhất rằng cơ chế hiệu quả nhất để giải quyết quan hệ song phương là Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương. Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào cũng kêu gọi người đồng cấp bên phía Việt Nam chấp nhận kế hoạch 5 năm về hợp tác thương mại.

Một tuyên bố chung được đưa ra sau những cuộc hội đàm chính thức giữa hai nhà lãnh đạo chỉ ra rằng Việt Nam và Trung Quốc sẽ đặt cơ sở cho tương lai hợp tác ở Vịnh Bắc Bộ theo những hiệp định đã đạt được trong năm 2004 về phân định lãnh hải và khu vực đánh bắt cá. Hai nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục thực hiện tuần tra chung giữa hai lực lượng hải quân và tiến hành nghiên cứu vùng lãnh hải ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cũng đồng ý hoàn tất việc cắm mốc phân định biên giới trên bộ vào cuối năm. Tuy nhiên, tiến bộ đáng kể nhất trong tuyên bố chung này là Trung Quốc và Việt Nam quyết định nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược.8

Ngay trước chuyến thăm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đến Bắc Kinh, hình ảnh được chụp từ một vệ tinh thương mại được công bố xác nhận việc Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ hải quân lớn trên đảo Hải Nam. Bức ảnh với độ phân giải cao đã chỉ rõ một số lượng quân lớn cũng như một tàu ngầm nguyên tử đang đóng ở đó. Một bức ảnh khác chụp được hình ảnh các cầu tàu và xưởng sửa chữa chỉ ra rằng căn cứ hải quân Tam Á có khả năng tiếp nhận một số lượng quân lớn và cả tàu chiến.

Việc phát triển căn cứ hải quân Tam Á được thực hiện song song với hoạt động xây dựng sân bay trên đảo Gỗ thuộc quân đảo Hoàng Sa, củng cố các điều kiện trên đảo Đá chữ thập cũng như duy trì sự có mặt của hải quân trên đảo Đá vành khăn (cả hai đều thuộc quần đảo Trường Sa). Thêm vào đó, Trung Quốc đang nhanh chóng giành được khả năng tổ chức diễn tập quân sự ở những vùng họ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và bảo vệ tuyến vận tải thương mại quốc tế đi qua eo Malacca và eo Singapore, vốn là tuyến đường vận chuyển tài nguyên năng lượng chủ yếu, có ý nghĩa sống còn đối với họ.

Hoạt động xây dựng khác chỉ ra rằng căn cứ hải quân Tam Á sẽ có ảnh hưởng chiến lược tới trạng thái cân bằng quyền lực trong khu vực. Những phần của căn cứ được xây dựng dưới lòng đất nhằm mang lại những địa điểm thuận lợi mà không dễ bị phát hiện. Hình ảnh từ vệ tinh xác nhận sự có mặt của tàu ngầm Trung Quốc Type-094 Jin-class từ cuối năm 2007.9 Tàu ngầm Type-094 là tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ hai và đại diện cho các loại vũ khí huỷ diệt mạnh nhất của hải quân Trung Quốc. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, 5 tàu ngầm hạt nhân nữa sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2010. Khi những căn cứ tàu ngầm được hoàn thành, Trung Quốc sẽ có khả năng duy trì một số lượng đáng kể các tàu ngầm hạt nhân trên đảo Hải Nam. Nếu Trung Quốc có thể phát triển tất cả các hoạt động cần thiết, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc có thể tuần tra và tấn công từ những vị trí bí mật ở ngoài khơi đảo Hải Nam.



Kết luận

Nhiều năm qua, các học giả vẫn đang tham dự vào cuộc tranh luận rằng các quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương phản ứng như thế nào đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thông thường, 5 chiến lược chính được đưa ra là: cân bằng, ngăn chặn, hợp tác song phương, ràng buộc đa phương và đa dạng hoá (Kang, 2003 và 2003/04; Acharya, 2003/04; Roy, 2005; Vuving, 2005; Womack, 2006 và Goh, 2007/08). Có hai cách cân bằng lực lượng (Roy 2005). Cách thứ nhất hướng ra ngoài và kết hợp với sự hợp tác của hai hay nhiều nước để chống lại đối thủ tiềm năng. Cách thứ hai hướng nội và kết hợp với phát triển năng lực quốc phòng cùng đoàn kết dân tộc. Ngăn chặn là chính sách thông thường và một lựa chọn mở. Ví dụ, một nước có thể theo đuổi một chính sách hội nhập trong khi vẫn giữ các rào cản. Có hai cách của hợp tác song phương. Cách thứ nhất là trở thành đồng minh của đối thủ tiềm năng nhằm ngăn chặn những khả năng bị ép buộc. Cách thứ hai của hợp tác song phương là tìm kiếm những lợi ích kinh tế bằng cách là “phía thu hút”.

Chiến lược ràng buộc đa phương chỉ hoạt động thiết lập quan hệ nhiều chiều với nước khác với kỳ vọng thành quả thu được từ mối quan hệ đó sẽ mang đến kết quả là sự nhân nhượng và duy trì tình trạng hiện tại. Theo Roy (2005: 306), ràng buộc là chiến lược ở đó một nước sử dụng cam kết và kết quả tốt đẹp nhằm buộc một cường quốc đang bất mãn chấp nhận luật lệ và thể chế của trật tự quốc tế đã tồn tại trước đó. Cuối cùng, chiến lược đa dạng hoá quan hệ chỉ “quá trình lôi kéo một nước, theo đó sẽ lôi kéo nước này bị lôi cuốn sâu vào trường khu vực và quốc tế, bao bọc nước này trong một mạng lưới trao đổi và tương tác liên tục với mục tiêu dài hạn là hội nhập” (Goh 2007/08: 120-121).

Việt Nam đang bị đặt vào một thế rất khó khăn khi Trung Quốc đã thể hiện tham vọng ở Biển Đông trong những năm gần đây. Về lĩnh vực ngoại giao công khai, Trung Quốc đã nhắc đi nhắc lại việc tôn trọng Tuyên bố DOC 2002 và giải quyết các vấn đề tồn tại một cách hoà bình. Nhưng thực tế, Trung Quốc vẫn kín đáo đặt những áp lực ngoại giao và quân sự nhằm buộc Việt Nam phải công nhận chủ quyền ở những khu vực trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố là của họ. Sức ép của Trung Quốc lên các tập đoàn quốc tế, buộc những tập đoàn này tạm ngừng hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy khai thác nguồn dầu và khí tự nhiên ở ngoài khơi đã đe doạ “đánh chìm” những dự án phát triển vùng biển của Việt Nam.

Đối diện với những thách thức như vậy, Việt Nam phải thực hiện chính sách gì? Những số liệu trong báo cáo này rõ ràng chứng minh một điều rằng Việt Nam không thể thực hiện chính sách cân bằng quyền lực trong quan hệ song phương trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Việt Nam cũng không phải hợp tác với Trung Quốc trong nỗ lực nhằm giảm khả năng bị ép buộc hay tìm kiếm những lợi ích kinh tế. Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội: “mọi người đều biết là chúng ta phải giữ một thế cân bằng tệ nhị” không thể “dựa dẫm vào Mỹ” hay “luồn cúi” đối với Trung Quốc. [27] Có bằng chứng (không được đề cập trong báo cáo này) là Việt Nam đang theo đuổi chính sách cân bằng bên trong bằng nỗ lực nhẹ nhàng hiện đại hoá lực lượng quân đội và duy trì đoàn kết dân tộc (Thayer, 2009).

Có vẻ như Việt Nam đang thực hiện kết hợp các chính sách ràng buộc, đa phương hoá và ngăn chặn đối với Trung Quốc. Việt Nam thực hiện chính sách ràng buộc trước tiên trong quan hệ song phương với Trung Quốc bằng những điều khoản trong hiệp định khung về hợp tác lâu dài ký năm 2000. Việt Nam cũng nhắm tới quản lý và luật lệ hoá quan hệ với Trung Quốc thông qua những đồng thuận đạt được trong các cuộc hội đàm cấp cao giữa các Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước. Quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực đã không đạt kết quả và được giải quyết thông qua hoạt động của những nhóm công tác chung ở cấp chuyên gia, chính phủ và bộ trưởng. Những cơ cấu hợp tác này đã mang lại kết quả là hiệp ước biên giới trên bộ, hiệp định phân chia Vịnh Bắc Bộ và hiệp định hợp tác nghề cá. Việc hoàn thành cắm mốc cuối cùng phân định biên giới trên bộ thể hiện nỗ lực mạnh mẽ trong việc xây dựng lòng tin.

Việt Nam cũng theo đuổi chính sách đa dạng hoá thông qua quy chế thành viên của ASEAN và Hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Trung Quốc là một trong những đối tác đối thoại của ASEAN. ASEAN và Trung Quốc đã thể thế hoá quan hệ thông qua quy chế đối tác chiến lược bao gồm những hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nguyên thủ hay người đứng đầu chính phủ, Uỷ ban hợp tác hỗn hợp ASEAN – Trung Quốc, Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN – Trung Quốc, Hội nghị chính trị an ninh ASEAN – Trung Quốc, nhóm công tác hỗn hợp ASEAN – Trung Quốc về vấn đề Biển Đông cùng những cơ chế khác. ASEAN và Trung Quốc đang nỗ lực thành lập khu vực thương mại tự do.

ASEAN cũng là hạt nhân trong những thể chế hợp tác đa phương khác trong khu vực, như ARF, mà đáp ứng việc quản lý quan hệ với Trung Quốc. Hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và Uỷ hội sông Mê Kông là những cơ chế hợp tác yếu. Đại diện cho Trung Quốc trong hai cơ chế hợp tác này không phải chính phủ trung ương mà là tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Tuy nhiên, cơ cấu hợp tác tiểu vùng Mê Kông cũng mang lại khung quan trọng cho những thuận lợi thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế qua biên giới và phát triển cơ sở hạ tầng. ASEAN và Trung Quốc đồng ý tiến hành những hoạt động chung nhằm phát triển hợp tác GMS. Trung Quốc không phải là thành viên chính thức của Uỷ hội sông Mê Kông nhưng đã trở thành đối tác đối thoại, do đó đã mở ra một hướng khác cho Việt Nam trong việc thực thi quan hệ với Trung Quốc thông qua các cơ chế hợp tác đa phương.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Tân hoa xã, ngày 27/2/1999.

[2] Thông tấn xã Việt Nam, ngày 25/12/2000.

[3] “China, Vietnam issue joint communiqué”, Nhân dân nhật báo Online, ngày 21/7/2005.

[4] Jane’s Defense Weekly, ngày 4/1/2006, bản điện tử online.

[5] Báo Nhân dân, ngày 8/4/2006.

[6] Tân hoa xã, ngày 9/8/2006.

[7] Tân hoa xã, ngày 24/8/2006.

[8] “China-Vietnam Joint Communiqué”, Bắc Kinh, ngày 24/8/2006.

[9] Thông tấn xã Việt Nam, ngày 25/10/2006.

[10] Thông tấn xã Việt Nam, ngày 31/10/2006.

[11] Tân hoa xã ngày 1/11/2006 và Thông tấn xã Việt Nam ngày 1/11/2006.

[12] “Vietnam, China enhance border defence cooperation”, Vietnamnet, ngày 9/11/2007.

[13] Joint Press Release, ‘The First ASEAN-China Joint Cooperation Committee Meeting’, Bắc Kinh, ngày 26 - 28/2/1997.

[14] “Tripartite agreement on joint survey of seismic activity in East Sea signed”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 14/3/2005, Ma. Theresa Torres và Niel Villegas Mugas, ‘RP China, Vietnam to explore Spratlys’, The Manila Times, ngày 16/3/2005. Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Phan Văn Khải tổ chức cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ hai, tháng 7/2005 và thống nhất hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Philippines nhằm thực hiện thoả thuận chung; “China, Vietnam agree to joint exploration of disputed areas”, Tân hoa, Bắc Kinh, ngày 4/7/2005; và “China, Philippines, Vietnam work on disputed South China Sea area”, Tân hoa xã, ngày 27/8/2005.

[15] Xinhuanet, Bắc Kinh, 19/7/2005 trong People’s Liberation Army Daily, ngày 20/7/2005.

[16] Agence France-Presse, “Philippines, China, Vietnam to cooperate in Spratlys security”, Channelnewsasia.com, ngày 19/5/2006.

[17] Tân hoa xã, ngày 6/9/2000.

[18] Zhai Kun, “Harmony through East Asia Friendship”, Trung Quốc hằng ngày, ngày 19/11/2007.

[19] “Joint Statement Between China and Vietnam”, Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, ngày 1/6/2008.

[20] Dong Ha, ‘BP, PetroVietnam rearrange gas pipeline overhauls plan’, Thanh Niên, ngày 14/3/2007.

[21] Tân hoa xã, Nhân dân nhật báo Online, ngày 10/4/2007; về những khác biệt, tham khảo thêm Reuters, “Vietnam stirring trouble with gas pipe plan – China”, ngày 10/4/2007.

[22] Tân hoa, Nhân dân nhật báo Online, ngày 10/42007.

[23] Trích dẫn bởi Reuters, ngày 10/4/2007. Bình luận của ông Tần Cương được đăng tải trên Thượng Hải hằng ngàyTrung Quốc hằng ngày, ngày 11/4/2007.

[24] Thông tấn xã Việt Nam, Thanh Niên, ngày 12/4/2007.

[25] Thanh Niên, ngày 12/4/2007.

[26] Minh báo [Hong Kong], ngày 19/11/2007 dẫn theo một quan chức của Phòng tuyên truyền huyện Wenchang, Hải Nam.

[27] Dẫn theo Jane Perlez, “U.S. competes with China for Vietnam’s allegiance”, International Herald Tribune, ngày 19/6/2006.


1   ...   12   13   14   15   16   17   18   19   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương