VỚi các nưỚc và khu vựC



tải về 1.8 Mb.
trang13/23
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.8 Mb.
#15173
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   23






VIÖT NAM Më CöA Vµ HéI NHËP
NH×N Tõ KINH NGHIÖM THÕ Kû XX

G



KYÛ YEÁU HOÄI THAÛO QUOÁC TEÁ VIEÄT NAM HOÏC LAÀN THÖÙ BA

TIÓU BAN QUAN HÖ QUèC TÕ CñA VIÖT NAM VíI C¸C N¦íC Vµ KHU VùC






S Vũ Dương Ninh*


Việt Nam đang bước vào thập niên đầu của thế kỷ XXI. Những thành tựu đạt được hôm nay chính là kết quả của một quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Trong đó, quan hệ đối ngoại đóng một vai trò quan trọng.

Ngược dòng lịch sử của thế kỷ XX, bài viết đề cập đến ba lần mở cửa và hội nhập với những thất bại và thành công để từ đó nêu lên một vài suy nghĩ về nắm bắt thời cơ trong sự hội nhập hôm nay.



1. Việt Nam mở cửa và hội nhập đầu thế kỷ XX - một thử nghiệm không thành

Lịch sử Việt Nam bước vào thế kỷ XX được phác hoạ như một bức tranh màu ảm đạm. Sau gần nửa thế kỷ chinh phục, đế quốc Pháp đã thiết lập chế độ thuộc địa trên mảnh đất này. Các phong trào chống xâm lược - từ khởi nghĩa nông dân đến cuộc vận động Cần vương - đều lần lượt thất bại. Các cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ nền độc lập, phục hồi vương triều tự chủ không còn phù hợp, ý thức hệ phong kiến đã tàn phai, người ta muốn đi tìm một con đường mới.

Con đường mới ấy chính là xu hướng dân chủ đang làm thức tỉnh các dân tộc châu Á. Đối với Việt Nam thời đó, những người đi đầu trong trào lưu dân chủ chính là các sỹ phu cấp tiến mà đại diện là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Trong khát vọng tìm đường cứu nước, Phan Bội Châu thành lập Đồng minh hội (1904), đề ra một trong ba nhiệm vụ trước mắt là “chuẩn bị xuất dương cầu viện”, được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Thi hành nhiệm vụ xuất dương cầu viện, Phan Bội Châu suy tính: Trong các liệt cường, nếu không phải là những nước cùng nền văn hoá, cùng giống da vàng thì họ sẽ không giúp mình; còn Trung Quốc đã chịu nhường nước ta cho Pháp, thế lực suy yếu, tự cứu không xong; chỉ có Nhật Bản, vừa là nước da vàng lại vừa tân tiến, “vậy thì bây giờ muốn tìm ngoại viện, không gì bằng sang Nhật là hơn cả”1.

Như vậy, Nhật Bản là mẫu hình mà các hội viên trong Đồng minh hội hướng tới. Với thành tựu của công cuộc Duy tân Minh Trị, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới thoát khỏi ách thống trị của thực dân Âu Mỹ, gìn giữ được nền độc lập và vươn lên hàng cường quốc. Nhất là chiến thắng của Nhật trong chiến tranh với Nga năm 1905 đã gây tiếng vang lớn về thắng lợi của một nước châu Á đối với một nước châu Âu, của một dân tộc da vàng chống lại một dân tộc da trắng. Người Nhật tuyên truyền thuyết Đại Đông Á, đưa ra chiêu bài “đồng văn, đồng chủng” nhằm xác lập vai trò người lãnh đạo khu vực. Hướng về Nhật Bản, các chí sỹ thời đó cũng có phần lo ngại vì Nhật “từ ngày thắng Nga lại càng sinh dã tâm” nhưng vẫn hy vọng vào thuyết “đồng văn, đồng chủng” để có thể thuyết phục họ giúp đỡ binh lính hoặc khí giới và lương thực.

Phan Châu Trinh hướng về phương trời Tây, tiếp nhận quan điểm dân chủ tư sản, chống lại chế độ quân chủ phong kiến. Tấm gương của Cách mạng Pháp 1789, của nhà lãnh đạo Mỹ G. Washington, của những người anh hùng Ý Matdini và Garibaldi cùng trình độ công nghệ hiện đại của các nước Âu Mỹ đã thúc đẩy Cụ mạnh mẽ đấu tranh chống vương triều thối nát, đòi thiết lập chế độ cộng hoà. Cụ diễn thuyết, viết sách báo kêu gọi sự thức tỉnh của đồng bào, truyền bá những tư tưởng tiên tiến cùng những thành tựu khoa học kỹ thuật mong đất nước sánh vai cùng các liệt cường với phương châm “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Với ảnh hưởng rộng lớn khắp cả nước, “Cụ được sỹ phu Duy tân hưởng ứng đưa lên thành cao trào yêu nước, một cuộc cách mạng tân văn hoá và vận động dân quyền sôi nổi trong những năm đầu thế kỷ XX”2.

Cuối cùng, cả hai xu hướng của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đều không thành công. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự bất thành đó, song có thể thấy một điểm chung chính là sự phát triển của thời cuộc đã vượt lên quá xa, các quốc gia quê hương của tư tưởng “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” cũng như của cuộc Duy tân Minh Trị nổi tiếng đã không sẵn sàng giúp đỡ các dân tộc nhỏ yếu đi theo con đường mà họ đã đi. Ngược lại, các quốc gia nhỏ yếu chính là đối tượng xâm lược và nô dịch của họ. Sự câu kết giữa chính phủ Nhật Bản với giới cầm quyền thực dân Pháp ở Đông Dương để trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam là minh chứng cho chính sách thuộc địa của họ. Niềm hy vọng của các Cụ đặt vào các “liệt cường tiên tiến” bị tan vỡ.

Nhưng dẫu sao phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX cũng đã đánh dấu một bước phát triển mới. Nó thoát khỏi tình trạng bị o bế trong khuôn khổ từng địa phương của các cuộc khởi nghĩa nông dân hay phong trào Văn thân chống xâm lược. Nó bắt đầu hướng ra bên ngoài với sự học hỏi và cầu viện, vượt qua ý thức hệ phong kiến để tiếp cận với xu hướng dân chủ tư sản. Cánh cửa đã hé mở với niềm hy vọng canh tân và hoà đồng vào trào lưu thế giới nhưng thời cơ đã vượt qua, tất cả đã thất bại.

Những cố gắng đầu tiên của sự mở cửa và hội nhập đầu thế kỷ XX đã


không thành !

2. Việt Nam mở cửa và hội nhập giữa thế kỷ XX - sự chọn lựa trong Thế giới hai cực

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã vượt qua cái khung hạn hẹp của các bậc tiền bối, hướng tầm nhìn ra thế giới rộng lớn đầy sôi động. Qua cuộc hành trình cứu nước khắp năm châu bốn biển, đi qua các nước văn minh và các thuộc địa, tiếp xúc với nhiều loại người từ chủ tư bản đến người nô lệ, nhìn rõ cuộc đấu tranh giải phóng đang lan rộng, Hồ Chí Minh đã rút ra một nhận xét: “Việt Nam là một bộ phận của thế giới, cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới”. Chân lý ấy tưởng như giản đơn nhưng đã mở rộng cánh cửa tư duy gắn cuộc đấu tranh của dân tộc vào phong trào đấu tranh của thế giới.

Từ Đại hội Tours (1920) qua các diễn đàn của Quốc tế Cộng sản đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Hồ Chí Minh bằng nhận thức và hành động của mình đã kết nối phong trào đấu tranh trong nước với trào lưu cách mạng vô sản thế giới.

Trong Thế chiến thứ hai, cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đã hoà nhập cùng phong trào đấu tranh chống phát xít trên thế giới và khi chế độ quân phiệt Nhật Bản đầu hàng thì cũng là thời cơ để Mặt trận Việt Minh lãnh đạo Tổng khởi nghĩa thành công.

Trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà, Hồ Chí Minh đã kêu gọi nguyên thủ các cường quốc hãy công nhận nước Việt Nam độc lập và kết nạp Việt Nam vào Liên hợp quốc. Những nỗ lực để mở cánh cửa đưa quốc gia non trẻ hội nhập cùng thế giới đã không thành - người Mỹ quay đi, người Nga im lặng, có nghĩa là để ngỏ cửa cho thực dân Pháp quay lại tái chiếm Đông Dương. Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp được tiến hành bằng tinh thần và sức lực của bản thân dân tộc Việt Nam sục sôi ý chí vì độc lập, vì tự do mà không có một sự trợ giúp nào từ bên ngoài.

Trật tự hai cực Ianta ngày càng thể hiện trên bản đồ chính trị thế giới: châu Âu với Đông Âu và Tây Âu, Đông Đức và Tây Đức, Đông Berlin và Tây Berlin; châu Á với Nam và Bắc bán đảo Cao Ly (Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Đại Hàn Dân Quốc), Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa với Đài Loan.

Cuộc kháng chiến ở Việt Nam bắt nguồn từ mâu thuẫn dân tộc giữa nhân dân Việt Nam với chủ nghĩa thực dân Pháp, nhưng trong bối cảnh của Chiến tranh lạnh, nó không thể không mang dấu ấn của Trật tự hai cực. Trong bối cảnh đó, bất cứ một quốc gia nhỏ yếu nào cũng phải tìm cho mình một chỗ dựa, hoặc bên này, hoặc bên kia.

Nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc kháng chiến gần 5 năm trời trong điều kiện hầu như đơn độc, phải chiến đấu trong vòng vây. Đến khi Cách mạng Trung Quốc thành công, nước CHND Trung Hoa ra đời (10/1949), biên giới phía Bắc nước ta rộng mở, cách mạng Việt Nam thông được với thế giới bên ngoài. Chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 1/1950 đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác.

Đây chính là lần mở cửa hội nhập thành công đầu tiên của nhà nước Việt Nam độc lập. Điều đặc biệt của sự hội nhập lần này là Việt Nam bước vào thế giới XHCN mà ba mươi năm về trước, Nguyễn Ái Quốc đã chọn con đường “tin theo Lênin, tin theo Quốc tế Ba “. Đó là kết quả của 20 năm đấu tranh giải phóng dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản. Và đặc biệt, đó là hệ quả của những thắng lợi bước đầu của nhân dân Việt Nam trong cuộc chống chọi kẻ thù đế quốc. Việc Việt Nam bước vào hàng ngũ các nước xã hội chủ nghĩa cũng là hệ quả của tình thế “hai cực” đang chi phối đời sống chính trị quốc tế.

Từ đó, Việt Nam nhận được sự đồng tình ủng hộ và sự viện trợ vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa, đã tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Bằng đường lối đoàn kết quốc tế, chúng ta đón nhận tình hữu nghị và sự đoàn kết của các dân tộc đang đấu tranh vì nền độc lập dân tộc, của các đoàn thể và nhân sỹ yêu chuộng công lý và hoà bình thế giới. Điều đặc biệt hiếm hoi trong lịch sử thế giới là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng ta nhận được sự chia sẻ từ phía những nhân sỹ và các đoàn thể ở Pháp đòi chính phủ nước họ chấm dứt “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” ở Đông Dương; trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sinh viên, trí thức và nhiều tầng lớp nhân dân Mỹ đã đấu tranh đòi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, đưa lính Mỹ về nước. Những phản ứng quyết liệt của nhân dân các nước phản đối chính phủ nước họ tham chiến ở Việt Nam trở thành một nhân tố góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Và đó cũng là thành công của chính sách mở cửa và hội nhập, làm cho thế giới hiểu rõ tính chính nghĩa của Việt Nam, đấu tranh chống lại sự phi nghĩa và bảo vệ sinh mệnh của con em nước họ.

Trong công cuộc cứu nước vì độc lập và thống nhất, đường lối mở cửa và hội nhập, nói cách khác là đường lối đoàn kết quốc tế được đánh giá xứng đáng là một trong những nhân tố góp phần vào thắng lợi cuối cùng của thời kỳ cách mạng dân tộc, dân chủ.

3. Việt N­am mở cửa và hội nhập cuối thế kỷ XX - những thành quả bước đầu

Với thắng lợi năm 1975, quan hệ đối ngoại của nước Việt Nam thống nhất được mở rộng, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước, gia nhập Liên hợp quốc và tham gia nhiều tổ chức quốc tế khác. Nhưng chỉ sau vài năm, cánh cửa liên hệ với thế giới bị đóng sập lại. Cái gọi là “vấn đề Campuchia” được coi là nguyên cớ trực tiếp gây nên tình trạng này. Việt Nam rơi vào thế hầu như bị cô lập, chưa bao giờ vòng vây bên ngoài xiết chặt gắt gao đến thế.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới tình hình này. Song về mặt nhận thức, có đôi điều nên suy nghĩ.

Tình hình phức tạp ở Đông Dương khi đó bị chi phối bởi 2 loại mâu thuẫn chính. Đó là mâu thuẫn giữa các nước cùng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, cùng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Và mâu thuẫn vốn có giữa Việt Nam với Hoa Kỳ sau nhiều năm chiến tranh căng thẳng.

Về mâu thuẫn thứ nhất có 2 tầng nấc: một là mâu thuẫn giữa các nước Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam; hai là mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Liên Xô, hai mâu thuẫn này chồng chéo nhau, tác động lẫn nhau, chi phối tình hình trên bán đảo Đông Dương.

Qua quá trình lịch sử, chúng ta nhận thức khá rõ về mâu thuẫn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mâu thuẫn giữa nền độc lập dân tộc với kẻ xâm lược, đồng thời là mâu thuẫn giữa một nước xã hội chủ nghĩa với một nước đế quốc chủ nghĩa. Nhưng phải chăng chúng ta chưa nhận thức đúng về mâu thuẫn giữa các nước xã hội chủ nghĩa mặc dầu đến nửa đầu những năm 80, mâu thuẫn Trung - Xô đã diễn ra công khai gần hai chục năm trời. Chúng ta chỉ coi đó là sự bất đồng nội bộ phong trào công nhân quốc tế. Nhất là trong lý thuyết về 4 mâu thuẫn cơ bản của thời kỳ quá độ (giữa xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa tư bản, giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa phong trào giải phóng dân tộc với chủ nghĩa đế quốc, giữa các nước tư bản chủ nghĩa) thì không nói đến mâu thuẫn giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Do vậy, vào những năm cuối 70 - đầu 80 của thế kỷ trước, phải chăng chúng ta đã lúng túng khi đối mặt với mối mâu thuẫn chưa hề tính đến ? Mà thực chất, mâu thuẫn giữa các nước tư bản chủ nghĩa hoặc mâu thuẫn giữa các nước xã hội chủ nghĩa đều có cùng một bản chất, đó là mâu thuẫn về lợi ích quốc gia, dù rằng cùng trong một ý thức hệ.

Trước tình hình đó, người Mỹ quay trở lại tăng cường chính sách thù địch với Việt Nam, tiến hành bao vây cấm vận. Một “liên minh quốc tế” chống Việt Nam đã hình thành, gây ra biết bao khó khăn về kinh tế - xã hội ở nước ta.

Đến đây cũng có điều nên bàn tới về mối quan hệ giữa chính trị và đạo lý. Từ sau năm 1975, càng ngày thế giới càng nhận rõ chính sách diệt chủng của tập đoàn Khmer Đỏ được sự ủng hộ của nước ngoài. Tội ác tày trời của chúng đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu người dân Campuchia (tương đương 1/4 dân số), phá hoại nền kinh tế vốn đã nghèo nàn và gây ra nhiều vụ xâm phạm vào biên giới Tây Nam nước ta. Theo lời kêu gọi của Mặt trận cứu nguy dân tộc Campuchia, quân đội Việt Nam cùng với lực lượng yêu nước Campuchia đã mở cuộc tiến công quét sạch bè lũ Pon Pot, hồi sinh đất nước “từ con số không”. Hành động thiện chí đó đã cứu nguy cho sự tồn vong của cả một dân tộc mà Quốc vương Norođom Sihanouk từng nói: ”Không có bộ đội Việt Nam giúp đỡ giải phóng nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng thì con cháu nhà vua cũng chết hết”. Và Thủ tướng Hunxen khẳng định: “Phải thừa nhận một sự thật là: nếu thế giới càng đòi hỏi phải đưa bọn đầu sỏ Khmer Đỏ ra xét xử bao nhiêu thì càng cần phải ca ngợi sự anh hùng của các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam - những người đã hy sinh thân mình vì nhân dân Campuchia bấy nhiêu”3.

Nhưng do lợi ích chính trị, nhiều chính phủ trong khi vạch tội ác của chế độ diệt chủng lại lớn tiếng tố cáo “Việt Nam xâm lược Campuchia”. Có lý lẽ cho rằng sự can thiệp chỉ được coi là nhân đạo khi có một liên minh nhiều nước tham gia. Chính dưới chiêu bài đó, lịch sử đã chứng kiến bao cuộc xâm lược mang danh nghĩa “Liên minh”? Rõ ràng là đạo lý của cuộc sống nhiều khi bị lu mờ trước sức ép về chính trị mà phải qua một thời gian lâu dài, lịch sử mới có thể phán xét công minh.

Tình trạng đối đầu giữa hai khối nước ASEAN và Đông Dương nửa đầu những năm 80 không đem lại lợi ích cho một ai ở Đông Nam Á bởi vì nguồn gốc của tình hình đó không bắt nguồn từ mối mâu thuẫn trực tiếp nào giữa các nước thuộc hai khối. Lịch sử hiện đại Đông Nam Á đã hơn một lần chứng minh rằng những vụ căng thẳng trong khu vực thường là do tác nhân từ bên ngoài và đem lại lợi ích cho bên ngoài. Cho nên trong không khí hoà dịu trên phạm vi thế giới, các nước Đông Nam Á đều muốn đi tìm biện pháp cùng nhau hoà giải và hợp tác.

Năm 1986 đường lối Đổi mới của Việt Nam đã bước đầu mở ra khả năng vượt qua tình trạng bị bao vây. Có thể nói trong khoảng thời gian giữa hai kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986 – 7/1991), đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá dần dần hình thành. Nhất là sau khi quân đội Việt Nam đã rút toàn bộ khỏi Campuchia (9/1989) thì những vướng mắc trong quan hệ với các nước ASEAN, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU… dần dần được tháo gỡ. Tại Đại hội VII của Đảng đã vang lên lời tuyên bố trịnh trọng: “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.

Lưu ý rằng việc định hướng và thực thi đường lối đối ngoại theo tinh thần Đổi mới diễn ra trước khi Nhà nước Liên xô tan rã (12/1991). Sự kết thúc chế độ Xô viết sau gần ba phần tư thế kỷ tồn tại là một thách thức rất lớn đối với nước ta, chẳng những về mặt chính trị, kinh tế mà cả về mặt tư tưởng và quan hệ đối ngoại. Các lực lượng đối lập chờ đợi một biến động tương tự các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sẽ diễn ra ở Viêt Nam vào năm tiếp theo, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Trái lại, Việt Nam đã vượt qua được thách thức vô cùng hiểm nguy, tiếp tục mở rộng quan hệ với thế giới, khởi đầu bằng việc tham gia ký Hiệp định Bali, trở thành quan sát viên của ASEAN (1992). Tiếp sau đó là các cuộc viếng thăm lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam với nguyên thủ các nước Trung Quốc, Đông Nam Á, Nhật Bản, Tây Âu và nhiều nước khác tạo nên bầu không khí hữu nghị, mở ra khả năng hợp tác về thương mại và đầu tư. Tình trạng bị bao vây, cấm vận được tháo gỡ dần dần để đến tháng 7/1995, Việt Nam gặt hái được một vụ mùa bội thu về đối ngoại: ngày 11 thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, ngày 17 ký Hiệp định khung với EU, ngày 28 gia nhập ASEAN, là thành viên thứ 7 của tổ chức khu vực này.

Như vậy trên chặng đường 10 năm Đổi mới đầu tiên, quan hệ đối ngoại của Việt Nam đã thực hiện thành công 2 việc lớn: giải toả tình trạng bị bao vây cô lập và bước đầu mở cửa hội nhập quốc tế. Một trong những nhân tố chủ yếu nhất dẫn đến thành công chính là Việt Nam đã nắm bắt được sự chuyển động của tình hình trên bình diện thế giới đến phạm vi khu vực để từ đó hoạch định đối sách đúng đắn và thích hợp của nước nhà. Đặt giả thiết rằng nếu như trong những năm nửa sau thập kỷ 80 không có cách nhìn mới để định ra đường lối đổi mới thì sau khi Liên Xô tan rã, vận mệnh đất nước sẽ ra sao? Chắc chắn rằng trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam sẽ rơi vào một tình thế hết sức bất lợi bởi vì chỗ dựa cũ không còn mà quan hệ mới chưa xác lập, chưa ra khỏi tình thế bị bao vây thì sợi dây cấm vận sẽ xiết chặt hơn nữa. Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Đó không phải là sự may rủi mà chính là do sự nắm bắt đúng thời cơ, dự báo đúng xu thế phát triển, điều chỉnh đúng chính sách đối ngoại và thực thi đúng phương châm đa phương hoá, đa dạng hoá.

Có thể nói đây là một thành công lớn có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước và nhờ đó ngày càng hội nhập với thế giới, đem lại kết quả lớn lao về kinh tế và xã hội. Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã đặt quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia, đã gia nhập các tổ chức khu vực và quốc tế (ASEAN, ASEM, APEC, WTO …) và trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008 - 2009). Việc mở rộng quan hệ ngoại giao đã tạo điều kiện thúc đẩy thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực, cải thiện một cách rõ ràng điều kiện kinh tế và xã hội của đất nước. Đó chính là thành công cơ bản nhất của lần mở cửa và hội nhập của Việt Nam vào cuối thế kỷ XX.



Kết luận

Trong xu thế toàn cầu hoá của thế giới, việc hội nhập quốc tế là điều tất yếu, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài vòng xoáy của thời cuộc. Điều khác biệt quan trọng là tham gia vào quỹ đạo chung của loài người một cách thụ động hay chủ động. Nếu không nhận thức được xu thế phát triển thì sẽ đứng ngoài cuộc và bị lôi cuốn theo một cách bị động. Nếu ngược lại thì sẽ bước vào “sân chơi” một cách chủ động, có ý thức và đạt thành quả. Ba lần mở cửa và hội nhập của Việt Nam trong thế kỷ XX đã minh chứng điều đó.

Trong 20 năm Đổi mới (1986 - 2006), Việt Nam đã giải toả tình trạng bị bao vây, thiết lập quan hệ với các nước, gia nhập các tổ chức khu vực và quốc tế. Bằng đường lối đúng đắn và biện pháp linh hoạt của mình, Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế thành công. Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO có thể được coi như sự kết thúc của quá trình gia nhập vào “sân chơi” chung của thị trường thế giới và mở ra một thời kỳ mới trong tiến trình hội nhập - thời kỳ tham gia bình đẳng trong sự hợp tác và cạnh tranh. Chính từ đây lại xuất hiện những thách thức và thời cơ mới, đặt ra vấn đề phải vươn tới một tầm cao mới trong quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Những thách thức mới đòi hỏi phải không ngừng nâng cao năng lực chỉ đạo và điều hành nền kinh tế theo đúng quy luật chung, trau dồi trình độ công nghệ cao phù hợp xu hướng của thời đại kinh tế tri thức, bồi dưỡng nguồn nhân lực thích ứng với các loại hình hoạt động, xây dựng phong cách làm việc kỷ luật và minh bạch, kiên quyết loại trừ nạn tham nhũng và lãng phí. Công tác đối ngoại chẳng những tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế mà qua đó kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, tiếp tục bảo đảm môi trường hoà bình, an ninh và ổn định nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế của đất nước và đời sống của nhân dân.

Trong xu thế chung của thế giới sau Chiến tranh lạnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, cơ hội lớn đang mở rộng đầy tiềm năng cùng nhiều thách thức. Có nắm bắt và tận dụng được thời cơ đó hay không là tuỳ thuộc ý chí và năng lực chủ quan của chúng ta. Lời nhắc nhở của Cố ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch: “Cần phải ra sức tranh thủ thời cơ mới và quyết tâm không bỏ lỡ thời cơ. Bỏ lỡ thời cơ này thì rất nguy hiểm và sẽ bị tụt hậu rất xa”4 vẫn mang tính thời sự và có ý nghĩa thiết thực trên bước đường phát triển.

1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương