VỚi các nưỚc và khu vựC


VIÖT NAM NH×N THÕ GIíI NH¦ THÕ NµO?



tải về 1.8 Mb.
trang11/23
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.8 Mb.
#15173
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   23



VIÖT NAM NH×N THÕ GIíI NH¦ THÕ NµO?

P



KYÛ YEÁU HOÄI THAÛO QUOÁC TEÁ VIEÄT NAM HOÏC LAÀN THÖÙ BA

TIÓU BAN QUAN HÖ QUèC TÕ CñA VIÖT NAM VíI C¸C N¦íC Vµ KHU VùC






GS. TS Phạm Quang Minh*


1. Trong gần hai thập kỷ qua, tính từ năm 1989, khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, thế giới đã có nhiều thay đổi căn bản, nếu không muốn nói là bước ngoặt. Từ trật tự thế giới hai cực, với sự đối đầu của hai hệ thống, đứng đầu là hai siêu cường Liên Xô và Mỹ, thế giới chứng kiến sự tan vỡ của Liên Xô và sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Francis Fukuyama thậm chí còn cho sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản biểu hiện không chỉ là sự chấm dứt Chiến tranh lạnh, mà còn là “sự cáo chung của lịch sử”, theo nghĩa là sự chấm dứt của những cuộc đấu tranh lớn trên mặt trận tư tưởng kéo dài suốt ba thế kỷ. “Sự cáo chung của lịch sử” theo Fukuyama cũng đồng nghĩa với sự thắng lợi của phương Tây, của chủ nghĩa tự do kinh tế và chính trị Tây phương. Các chính thể dân chủ phương Tây và mô hình kinh tế thị trường là các lựa chọn duy nhất có thể của thế giới hiện đại.[1] Lời tuyên bố này đã gây ra sự thảo luận rộng rãi trong giới học thuật. Cho dù thế nào đi chăng nữa thì thế giới mà chúng ta đang sống vẫn là thế giới mà trong đó “kẻ mạnh làm những gì họ muốn và kẻ yếu làm những gì họ phải”. Như vậy để thấy một điều rằng, nằm dưới lớp vỏ bề ngoài của hệ tư tưởng chính là hạt nhân có ý nghĩa quyết định trong quan hệ quốc tế không có gì khác chính là lợi ích của các nước lớn đã dẫn đến sự cạnh tranh và mâu thuẫn giữa các dân tộc. Những thay đổi đó ai cũng biết. Nhưng vấn đề sự nhận thức của các quốc gia về sự thay đổi đó như thế nào? Người ta nhìn nhận thế giới bằng lăng kính nào, màu hồng hay màu đen? Sự nhận thức đó là không giống nhau và điều đó là hoàn toàn bình thường. Người ta có thể sợ hãi hoặc yêu thích những điều khác nhau vì những lý do khác nhau và vào những thời điểm khác nhau.

2. Bước vào những năm đầu thế kỷ XXI, nền chính trị quốc tế chứng kiến ba hiện tượng khác nhau, thậm chí đôi khi trái ngược nhau, cụ thể là toàn cầu hoá, khu vực hoá và chủ nghĩa dân tộc. Sự phức tạp của chính những hiện tượng này làm nản lòng các quyết tâm chính trị. Đặc điểm khái quát nổi bật của cục diện thế giới [2] mới có thể tóm tắt trong 4 đặc điểm sau: Thứ nhất đó là sức mạnh của mỗi quốc gia được xác định không chỉ bởi phương tiện quân sự mà là khả năng kinh tế và “quyền lực mềm” (soft power). Thứ hai, thế giới trở nên phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, không ai có thể tồn tại một cách biệt lập hoàn toàn và không ai có thể một mình giải quyết được tất cả công việc. Thứ ba, bàn cờ chính trị thế giới có sự tham gia của nhiều chủ thể hơn, bao gồm các chủ thể truyền thống (quốc gia) và các chủ thể mới như các tổ chức phi chính phủ (NGO), các công ty xuyên quốc gia (MNC) và cả các cá nhân. Thứ tư, mô hình kinh tế thị trường và dân chủ ngày càng nhận được thừa nhận ở nhiều nước trên thế giới. Cục diện thế giới mới tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho tất cả các nước. Trong bối cảnh đó, mỗi quốc gia phải tự tìm cho mình một lối đi thích hợp, đặng hạn chế thách thức và phát huy được những cơ hội cho sự phát triển của đất nước.

3. Mặc dù Chiến tranh lạnh đã chấm dứt được gần 20 năm và cùng với nó là trật tự thế giới cũ, nhưng trật tự thế giới mới chưa định hình. Thế giới đang ở trong thời điểm mà các nhà nghiên cứu gọi là “sự ngắt câu” (punctuation), theo đó những khuôn mẫu cũ của sự ổn định đã bị phá vỡ, trong khi những khuôn mẫu mới thì vẫn chưa xuất hiện để thay thế.[3] Chính vì thế mà tàn dư của Chiến tranh lạnh vẫn còn ảnh hưởng đến chính trị quốc tế. Đối với các quốc gia và nhiều người, Chiến tranh lạnh mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Đó là sự phân chia thế giới thành hai phe thù địch. Đó là trạng thái phân cực ở châu Âu nói chung và ở Đức nói riêng thành các vùng ảnh hưởng. Đó là cuộc đấu tranh tư tưởng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Đó là cuộc cạnh tranh thử thách lòng trung thành và ảnh hưởng đối với thế giới thứ ba. Đó là cuộc tranh tài giữa các cơ quan tình báo giấu mặt. Đó là cuộc chiến diễn ra trong lòng các đồng minh và giữa các đồng minh của các địch thủ chủ yếu. Đó là cuộc chiến đã định hình nên văn hoá, khoa học xã hội và tự nhiên và cả cách viết lịch sử. Đó là cuộc chạy đua vũ trang có khả năng chấm dứt sự tồn tại của loài người.[4]

4. Vì tác động nhiều mặt và sâu sắc của Chiến tranh lạnh, nên phần lớn giai đoạn kể từ khi nó chấm dứt được gọi là thời kỳ “hậu Chiến tranh lạnh”, với hàm ý chiến tranh vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển của thế giới. Những năm 1989 - 1991 được so sánh như những năm 1789 - 1794 hoặc 1917 - 1918 hoặc 1945 -1947 trong lịch sử. Sự giống nhau của những thời điểm lịch sử này là thế giới cố gắng đi tìm một sự ổn định sau một thời gian hỗn chiến. Nhưng lịch sử cũng cho thấy là thế giới khó có thể tìm thấy được một sự ổn định, cho dù là tương đối, cho sự phát triển tiếp theo của mình. Người ta quan sát thấy trong cục diện mới luôn luôn có sự xung đột, mâu thuẫn, đấu tranh giữa hai xu hướng, một bên là hội nhập và bên kia là tan rã.[5] Khi Tổng thống Woodrow Wilson đưa ra lời kêu gọi 14 điểm [6] sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông ta đã tính đến tình trạng mâu thuẫn giữa hai lực lượng này. Một mặt, ông ủng hộ cho một thế giới kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, tạo điều kiện tự do cho những dòng chảy thương mại và đầu tư. Mặt khác, ông cũng ủng hộ một thế giới độc lập về chính trị, trong đó quyền tự quyết dân tộc từ trước đến nay bị chối bỏ. Trên thực tế, Tổng thống Wilson đã không đạt được hoà bình mà là sự mâu thuẫn. Chính sự mâu thuẫn này đã ảnh hưởng sâu sắc đến cách ứng xử trong quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ. Ngay cả bản thân cuộc Chiến tranh lạnh cũng là một cục diện mà ở đó hai xu thế hội nhập và phân tách đã diễn ra đồng thời ở các cấp độ và mức độ khác nhau. Những năm 1950 của thế kỷ trước, Tây Âu đã chứng kiến những bước đi đầu tiên của một quá trình hội nhập thành công nhất trong lịch sử loài người là Liên minh châu Âu thể hiện bằng việc ra đời của cộng đồng than thép và khối NATO. Ở phần Đông của châu Âu, một mẫu hình hội nhập khác cũng diễn ra đánh dấu bằng việc thành lập khối SEV và Hiệp ước Vacsava. Nhưng trên phạm vi toàn cầu là sự chia rẽ giữa các thế giới và sự thù địch tưởng chừng khó dung hoà như đã nói ở trên. Còn từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt đến nay, xu hướng hội nhập và tan rã ở các quốc gia và các khu vực trên thế giới cũng diễn ra với phạm vi và cường độ không kém các giai đoạn trước. Chính vì thế mà nhiều học giả cho rằng hai thập niên đầu thế kỷ XXI vẫn là thời kỳ quá độ sang một trật tự mới. Cục diện thế giới vẫn có đặc điểm là cuộc đấu tranh giữa hai xu hướng hội nhập và tan rã. Hai xu hướng này đấu tranh với nhau, không có sự vượt trội và tạo thành một trạng thái ổn định tạm thời.

5. Bị ảnh hưởng nặng nề bởi học thuyết “hai phe” và “ba dòng thác cách mạng” của thời kỳ Chiến tranh lạnh, Việt Nam đã chưa đánh giá đúng mức về những thay đổi đã diễn ra trên bình diện quốc tế và khu vực, những điều chỉnh chiến lược của các nước lớn ngay từ đầu những năm 1970, khi cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn ác liệt nhất. Từ ngày 21-28/2/1972, khi Mao Trạch Đông tiếp Tổng thống Nixon tại Bắc Kinh, thì cục diện an ninh chính trị ở châu Á Thái Bình Dương nói riêng và ở thế giới nói chung đã thay đổi một cách cơ bản. “Sự xuất hiện mối quan hệ hữu nghị giữa Bắc Kinh và Washington đột nhiên đã làm cho mâu thuẫn Việt Nam từ vị trí tâm điểm của chính trị quốc tế trở thành một sự kiện ngoài lề và không gây được sự chú ý của dư luận.”[7]

Chiến thắng giành được trong cuộc chiến tranh lâu dài gian khổ chống siêu cường số một thế giới là đế quốc Mỹ và các nước đồng minh cũng làm cho Việt Nam chưa đánh giá chính xác về bản thân và tương quan lực lượng trên phạm vi toàn cầu, chưa phối hợp với thực tế và những thay đổi đang diễn ra. Theo William Duiker, “Thay vì thừa nhận một thực tế là thắng lợi của họ trước hết là kết quả của sự kết hợp giữa các nhân tố địa phương và tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam, họ đánh giá đó là sự biểu hiện của sự vượt trội của học thuyết Mác - Lênin đối với các giá trị và thể chế của thế giới tư bản do Mỹ lãnh đạo và là bước đầu trong quá trình sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc.”[8] Chính nhận thức phiếm diện này là một trong những nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam. Chiến thắng trong chiến tranh không đồng nghĩa với thắng lợi trong hoà bình. Hậu quả tất yếu là Việt Nam phải đối mặt với sự khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước và sự cô lập trong quan hệ quốc tế. Xung đột kéo dài với Campuchia và tiếp theo đó là cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã làm cho đất nước rơi vào một giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử. Ngay cả hành động nhân đạo của Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng vào tháng 1/1979 trên thực tế đã làm cho các nước láng giềng nghi ngờ về những nguyên tắc mà Việt Nam đã đưa ra trong tuyên bố 4 điểm về Đông Nam Á cách đó hai năm.



6. Bắt đầu từ giữa những năm 1980, chính sách đối ngoại của Việt Nam đã có những thay đổi cơ bản. Điểm quan trọng nhất của sự thay đổi trong đường lối đối ngoại của Việt Nam là nhấn mạnh đến lợi ích dân tộc và quốc gia thay vì chỉ chú ý đến khía cạnh hệ tư tưởng như trước đây. Lý do của sự thay đổi này được giải thích bằng hai yếu tố. Thứ nhất đó là những yếu tố nội sinh bắt nguồn từ những khó khăn chồng chất trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao mà Việt Nam phải đối mặt vào thời gian này. Hai là những yếu tố ngoại sinh do ảnh hưởng của đường lối cải tổ (perestroika) và công khai (glasnost) mà Liên Xô, đứng đầu là Mikhail Gorbachov khởi xướng từ mùa xuân năm 1985.

Như vậy là đứng trước tình hình thay đổi của thế giới, khi hai siêu cường Liên Xô và Mỹ tuyên bố chấm dứt cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài đã hơn 40 năm, khi mà đường lối cải tổ của Liên Xô đã gây ra làn sóng cách mạng ở các nước Đông Âu, Đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách quan trọng kịp thời. Một trong những sự kiện quan trọng là Đại hội Đảng lần thứ VII diễn ra vào tháng 6 năm 1991. Tại Đại hội này, Việt Nam tuyên bố muốn làm bạn với tất cả các nước. Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 mà Đại hội VII thông qua khẳng định Việt Nam sẽ tiến hành đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ kinh tế với tất cả các nước và các tổ chức kinh tế.

Về mặt lý thuyết, Đảng Cộng sản Việt Nam trong các văn kiện chính thức của mình như Nghị quyết Đại hội Đảng lần VIII (1996), lần thứ IX (2001) và lần thứ X (2006) đều khẳng định những vấn đề cơ bản sau đây. Về tình hình quốc tế, các tài liệu đều khẳng định xu thế phát triển chủ đạo của thế giới là hoà bình, ổn định và hợp tác, trong đó tất cả các nước đều ưu tiên cho phát triển kinh tế, tham gia vào quá trình liên kết khu vực và quốc tế. Đứng trước tình hình đó, về mặt đối ngoại, Việt Nam cần mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác triệt để mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của toàn cầu hoá để phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả. Đặc biệt, đại hội IX khẳng định khẩu hiệu của Việt Nam trong giai đoạn này là: “Việt Nam muốn là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới cùng phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Về mặt đối nội, hơn lúc nào hết Việt Nam cần phát huy tối đa nội lực, giữ vững độc lập, tự chủ, định hướng XHCN, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia và bản sắc văn hoá dân tộc.

7. Hai mươi năm đã trôi qua, kể từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua đường lối đổi mới. Những kết quả mà Việt Nam đạt được là rất đáng ghi nhận và khả quan. Một là đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, đói nghèo, kéo dài hàng chục năm, nhất là giai đoạn 1975 - 1985. Hai là, Việt Nam đã từng bước hội nhập vào hệ thống kinh tế - chính trị của khu vực và thế giới, có vị trí và tiếng nói quan trọng trong nhiều tổ chức khu vực và quốc tế.

Trong quá trình đó, Việt Nam cũng đã rút ra được một số bài học quý giá. Thứ nhất đó là giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ hữu cơ giữa đẩy mạnh quá trình đổi mới trong nước với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế gắn liền với việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Thứ hai, một mặt tăng cường sức mạnh nội lực, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia nhưng mặt khác phải biết phát huy vị thế và vai trò của Việt Nam trong với sự phát triển của các tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN, ARF, ASEM, APEC, WTO... Đúng như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng khẳng định: “Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ phải đi đôi với chủ động hội nhập kinh tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, kết hợp nội lực với ngoại lực thành nguồn lực tổng hợp phát triển đất nước.”[9]

Mặc dù đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng và cơ bản cả về đối nội và đối ngoại trong thời gian qua, nhưng nếu nhìn nhận một cách thực sự khách quan, trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn trong thời gian tới. Thứ nhất, sự tụt hậu, lạc hậu về kinh tế sẽ làm cho sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam ngày một yếu kém và không hiệu quả. Thứ hai, và điều này thì quan trọng hơn, đó là sau những chuyến viếng thăm hữu nghị, những cuộc đón tiếp thân mật, những thoả thuận về tăng cường đầu tư trực tiếp, trợ giúp, đẩy mạnh buôn bán, trao đổi, mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước sẽ phát triển theo hướng nào? Liệu có thể có quan hệ chính trị, an ninh, quốc phòng chặt chẽ giữa Việt Nam và các nước được không? Liệu sự hội nhập kinh tế toàn diện và sâu sắc của Việt Nam vào các tổ chức khu vực và quốc tế có đe doạ đến hệ thống chính trị và an ninh quốc gia không? Liệu “diễn biến hoà bình” có xảy ra không, khi mà Việt Nam ngày một chủ động hội nhập kinh tế, chấp nhận luật chơi của các tổ chức quốc tế đa phương hay thiết lập quan hệ song phương với các quốc gia có chế độ chính trị khác với Việt Nam. Đây là những câu hỏi lớn mà Việt Nam bây giờ phải trả lời, nếu như không muốn bị mãi mãi đứng ngoài dòng chảy của thời đại. Tất cả những điều này phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào người Việt Nam sẽ hành động như thế nào, bởi vì nói như Lý Quang Diệu “Người Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian cho việc loại bỏ các trói buộc để hoạt động thoải mái linh hoạt. Một khi họ làm được điều này, tôi ít nghi ngờ việc họ có thể thành công.”[10]
CHÚ THÍCH
[1] Francis Fukuyama, The End of History, in: The New Shape of World Politics-Contending Paradigm in International Relations, New York: Foreign Affairs 1997, pp.1-25.

[2] Cục diện thế giới là một thuật ngữ được sử dụng khá rộng rãi gần đây ở Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có một định nghĩa rõ ràng. Theo Từ điển tiếng Việt, cục diện “là tình hình chung của cuộc đấu tranh, cuộc tranh chấp, biểu hiện ra trong một thời gian nhất định”. Trong tiếng Anh, từ cục diện (complexion) được hiểu là diệnmạo hoặc đặc điểm, khía cạnh chung nhất của một hiện tương, sự vật, ví dụ như trong từ “cục diện chiến tranh” (the complexion of the war). Xem A.P. Cowie (chief editor), Oxford Advanced Learner’s Dictionary, Oxford University Press, 1989, tr.236. Theo Lê Văn Sang, cục diện thế giới “là kết cấu các quan hệ kinh tế chính trị quốc tế, các chủ thể kinh tế chính trị lớn tương đối ổn định và có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ thế giới trong quá trình phát triển”. Xem Lê Văn Sang (Chủ biên), Cục diên kinh tế thế giới hai thập niên đầu thế kỷ XXI, NXB Thế giới, 2005, tr.12. Trong một công trình khác, các tác giả cho rằng, khái niệm cục diện chỉ “thực trạng tình hình trên các lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội” thể hiện ở ba cục diện kinh tế, chính trị, an ninh và văn hoá và xã hội. Xem Dương Phú Hiệp, Vũ Văn Hà (Chủ biên), Cục diện châu Á Thái Bình Dương, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.14.

[3] Niles Eldredge, Time Frames: The Evolution of Punctuated Equylibria, Princeton, 1985.

[4] John Lewis Gaddis, The Cold War, the Long Peace, and the Future, in Michael J. Hogan (ed.), The End of the Cold War-Its Meaning and Implication, Cambridge University Press 1992, p.21-22.

[5] Robin Wright and Doyle McManus, Flashpoints: Promise and Peril in a New World, New York, 1991.

[6] Xem William A. Degregorio, 43 đời Tổng thống Hoa Kỳ, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.681-682.

[7] Qiang Zhai, China and the Vietnam Wars, 1950 - 1975, The University of North Carolina Press, Chapel Hill and London, 2000, tr.201.

[8] William J. Duiker, The Arrogance of Victory: Unlearning the Lessons of the War in Vietnam, in Kenton J. Clymer, The Vietnam War: Its History, Literature and Music, Texas Western Press, El Paso Texas, 1998, tr.51.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Hà Nội, NXB Chính trị Quốc gia, 2001, tr.25-26.



tải về 1.8 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương