Trung tâm Nghiên cứu – Tư vấn ctxh & ptcđ Dự án “Nâng cao năng lực cho Nhân viên Xã hội Cơ sở ở tp. Hcm” CÁc giai đOẠn phát triển của con ngưỜI



tải về 472.42 Kb.
trang3/6
Chuyển đổi dữ liệu26.09.2016
Kích472.42 Kb.
#32412
1   2   3   4   5   6

  • Sự phát triển vận động tinh

  • Trẻ ba tháng bắt đầu cầm đồ chơi lắc. Khi 4 tháng trẻ sử dụng cả hai bàn tay cầm đồ chơi, nhưng chưa phối hợp hai tay. Khoảng 5 tháng tuổi đứa trẻ có thể kết hợp cử động của hai bàn tay, trẻ dùng tay phải cầm đồ chơi, tay trái vuốt ve. Động tác cầm nắm là hành động có tính định hướng đầu tiên, là bước ngoặt trong sự phát triển của trẻ năm đầu đời. Hành động cầm nắm có vai trò quan trọng trong sự phát triển tâm lí của trẻ: Bàn tay trở thành cơ quan xúc giác, bàn tay biết "khám phá". Sự cầm nắm được thực hiện dưới sự kiểm tra của mắt: Trẻ nhìn theo tay, theo dõi tay chuyển động về phía đồ vật. Khi tác nhân kích thích lọt vào mắt trẻ, hình ảnh chưa có. Hình ảnh chỉ xuất hiện khi có sự tiếp xúc giữa sự sờ mó bằng tay lên chính đồ vật. Cầm nắm đồ vật cũng là sự phối hợp hoạt động của tay và mắt. Nhờ động tác cầm nắm mà đôi tay phát triển, bắt đầu có sự đặt ngón cái đối diện với các ngón còn lại.

  • Trẻ 4 - 7 tháng, xuất hiện hành động dịch chuyển, lay động đồ vật, gõ lắc tạo ra âm thanh. Khoảng 7 - 10 tháng, hình thành các động tác phối hợp: cầm nắm hai vật cùng một lúc, đẩy chúng ra xa. Cuối thời kỳ hài nhi (10 - 11 tháng đến 14 tháng) xuất hiện hành động chức năng: đặt cạnh, xếp chồng, lồng hộp, xâu chuỗi, xỏ các vật. Cầm nắm, hướng tới đồ vật, là những hành động kích thích tư thế ngồi của trẻ. Khi trẻ ngồi được, trước mắt trẻ xuất hiện nhiều đồ vật khác nhau. Trẻ bị lôi cuốn, nó với tới đồ vật, nhưng để chạm đến đồ vật được, nó phải nhờ sự giúp đỡ của người lớn. Nhờ vậy, giao tiếp có được sắc thái mới, nó trở thành sự giao tiếp có chủ đích (vì đồ vật).

  1. Sự phát triển hoạt động giao tiếp

  • Giao tiếp xúc cảm trực tiếp (2 - 6 tháng): Trẻ tìm kiếm sự quan tâm, âu yếm của người lớn (biểu hiện của nhu cầu giao tiếp) bằng cách nhìn chằm chằm vào người lớn, cử động chân tay, phát ra những âm thanh nho nhỏ, vui vẻ khi người lớn đến gần nói chuyện (hóng chuyện)… Người lớn ở bên trẻ cần trò chuyện, mỉm cười, kể chuyện cho trẻ nghe, đừng băn khoăn về việc trẻ không hiểu hết những điều người lớn nói.

  • Giao tiếp tình huống công việc (bắt đầu từ nửa sau của năm thứ nhất): trẻ không chỉ thỏa mãn bởi giao tiếp với người lớn bằng những cái vuốt ve mà còn cần người lớn hợp tác với nó trong công việc. Trẻ tìm kiếm người lớn, đòi hỏi một sự quan tâm từ phía họ. Trẻ mong chờ người lớn tỏ thái độ với những gì nó làm, và chủ động tham gia vào công việc của nó (làm/chơi cùng nó).

  • Trong thời kì hài nhi, giao tiếp cảm xúc trực tiếp với người lớn được coi là điều kiện tiên quyết để trẻ trở thành người. Nhờ hoạt động chủ đạo này trẻ có những cảm xúc tích cực, có đời sống tâm lí ổn định. Qua giao tiếp với người lớn, sự phát triển ngôn ngữ cũng dần được hình thành. Bên cạnh đó, trong quá trình giao tiếp, người lớn luôn hướng dẫn, uốn nắn, đánh giá hành vi của trẻ (bằng nụ cười bằng lòng hay vẻ mặt không đồng ý) và trẻ nhận ra hành vi của mình đúng hay không đúng để từ đó học được thói quen tốt và cách ứng xử phù hợp.

  1. Cấu trúc tâm lý mới của tuổi hài nhi

  • Một loạt các hành động ở tuổi hài nhi thúc đẩy sự phát triển tâm lý nơi trẻ. Việc cầm nắm đồ vật cho phép trẻ thực sự làm chủ thế giới ngay bên cạnh, đem lại những vận động cho bàn tay, những kinh nghiệm (tự ăn/bị bỏng, bị kẹp), và ý muốn vận động. Có hành động với đồ vật mới giúp trẻ tìm hiểu các đối tượng, các thuộc tính của chúng và có được những ấn tượng mới. Các hoạt động ngồi, đứng, bò rồi đi có giá trị phá vỡ tình huống phát triển cũ. Khi trẻ biết đi, cái chính không phải là sự mở rộng không gian tiếp xúc của trẻ, mà là trẻ đã tách mình khỏi người lớn, thể hiện sự di chuyển độc lập đầu tiên. Bây giờ không phải mẹ dẫn dắt trẻ, mà là trẻ dẫn mẹ đến nơi nó muốn. Hoạt động này giúp trẻ mở rộng tầm nhìn, gia tăng khả năng hành động, và có được những kinh nghiệm đủ loại. Tuy nhiên cần lưu ý để xa những vật nguy hại khỏi tầm tay của trẻ.

  • Việc phát ra các từ vựng đầu tiên cũng có một ý nghĩa đặc biệt. Đó là thứ ngôn ngữ tự cảm và chỉ có những người thân mới hiểu, ngôn ngữ này đặc thù ở cấu trúc, nó hình thành từ những âm của từ. Các nhà tâm lý học gọi nó là "tiếng vú em". Ngôn ngữ này là tiêu chí chứng tỏ tình huống xã hội của sự phát triển cũ đã bị phá vỡ.

  1. THỜI KỲ ẤU NHI (1 - 3 TUỔI)

  1. Phát triển thể chất

  • Khi trẻ em 3 tuổi, não của nó cân nặng 1.200 gram, gần bằng não người lớn (1300 - 1400 gram). Tư thế đứng thẳng người và những bước đi ban đầu từ cuối năm thứ nhất bây giờ đã vững chãi hơn. Trẻ không chỉ đi được mà còn chạy nhảy trong một không gian ngày càng mở rộng. Khả năng di chuyển có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển tâm lý, dẫn tới khả năng giao tiếp với thế giới bên ngoài rộng rãi hơn, độc lập hơn, tự chủ hơn. Trẻ 3 tuổi đã bắt đầu có khả năng tự phục vụ và tham gia vào các mối quan hệ qua lại với những người lớn xung quanh.

  1. Cấu trúc tâm lý

  • Sự phát triển ngôn ngữ

Giai đoạn ấu nhi là giai đoạn ngôn ngữ ở trẻ phát triển rất nhanh theo hướng tăng vốn từ, và hiểu cấu trúc ngữ pháp qua giao tiếp với người lớn và qua các hoạt động với đồ vật. Từ vựng của trẻ vừa có ý nghĩa chỉ đối tượng cụ thể vừa có ý nghĩa khái quát hóa. Tạo hình và đồ chơi có vai trò lớn trong quá trình này. Trong tạo hình, trẻ chỉ hình vẽ thay cho đồ vật thật, trong vui chơi trẻ gọi ghế là ngựa... Ngôn ngữ làm phát triển trí tuệ, giải phóng trẻ khỏi sự phụ thuộc vào tri giác. Ngôn ngữ tham gia vào quá trình trí nhớ, tư duy và tưởng tượng của trẻ.

  • Sự phát triển tư duy

Ở trẻ ấu nhi tư duy chủ yếu là tư duy trực quan hành động. Những biểu hiện tư duy gắn rất chặt với hành động trong những tình huống cụ thể. Trẻ biết sử dụng mối liên hệ giữa đối tượng để đạt tới mục đích. Chẳng hạn trẻ kéo cái rổ để lấy quả cam đựng trong đó, kéo cái khăn trải bàn để lấy cái ly. Trẻ cũng khám phá ra rằng những đối tượng khác nhau có thể được sử dụng bằng cách thức giống nhau. Ví dụ có thể dùng cây gậy để khều quả cam ở gầm giường, chọc quả chuối ở trên cao, hoặc hích trái banh từ góc này sang góc khác v.v. Tính khái quát ban đầu của công cụ, và của kinh nghiệm hành động xuất hiện từ đây, làm nền tảng quan trọng cho sự phát triển tư duy sau này.

  • Quá trình xuất hiện "Cái tôi" và tiền đề của sự hình thành nhân cách của trẻ ấu nhi

  • Theo Lewis (1987) sự phát triển cái tôi xuất hiện khi trẻ 20 - 24 tháng. Chúng bắt đầu nhận ra ảnh của mình trong ảnh đám trẻ con cùng tuổi. Trẻ 28 tháng bắt đầu xác lập chủ sở hữu trên đồ chơi khi chơi chung với bạn. Nếu nó lấy máy bay chơi trước mà bạn đến gần định lấy thì nó vội giằng lấy và nói: "Cái này của tôi mà". Cuối tuổi ấu nhi, trẻ bắt đầu nhận biết được mình là ngôi thứ nhất. Trẻ trò chuyện đúng ngôi, ngay cả khi ở trong tình huống có nhiều ngôi khác nhau (lúc này trẻ xưng con, xưng em và cả xưng tao). Đối với người lớn, sự xuất hiện cái tôi của trẻ còn biểu hiện ở thái độ trẻ bắt đầu “bướng”, đòi nằng nặc để theo ý mình, có ý chống đối (không chịu ăn, chịu ngủ...). Tuy nhiên, các nhà tâm lý cho rằng tính chống đối của trẻ có chọn lọc, chỉ xảy ra đối với người lớn độc đoán, muốn hạn chế sự tự do, tính độc lập của trẻ. Nếu biết khuyến khích tính độc lập của trẻ một cách hợp lý thì những khó khăn trong quan hệ giữa trẻ và người lớn sẽ được khắc phục, khủng hoảng sẽ nhanh chóng qua đi.

  • Cùng với sự hình thành của "cái tôi", tính tự ý thức cũng manh nha ở thời kỳ này. Trẻ thường tự cố gắng trong hành động để được người lớn khen thưởng. Trẻ mong muốn người lớn thừa nhận, khen ngợi những nỗ lực của nó. Lời ngợi khen và tán thưởng của những người xung quanh là nguồn cổ vũ quan trọng giúp trẻ hình thành tình cảm tự hào, sự tự khẳng định mình. Chúng còn giúp trẻ tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với những chuẩn mực mà người lớn qui định. Từ đó, trẻ phát triển cái tốt, cái đúng và hạn chế cái xấu, cái sai. Đây là điều kiện góp phần hình thành nhân cách sau này của trẻ.

  1. Hoạt động chủ đạo

Ở độ tuổi này, hoạt động chủ đạo của trẻ là hoạt động với đồ vật. Hoạt động này giúp trẻ học biết được đặc điểm và phương thức sử dụng đồ vật. Hoạt động với đồ vật gồm hai loại hành động:

  • Hành động thiết lập mối tương quan: Là hành động đưa hai hoặc nhiều đối tượng (hoặc các bộ phận của chúng) vào mối tương quan nhất định trong không gian. Ví dụ trẻ có thể xếp chồng được các khối gỗ thành hình tháp. Khi xếp trẻ phải tính đến những thuộc tính của các đối tượng và thiết lập mối tương quan của chúng sao cho khối gỗ to nhất ở dưới cùng và khối gỗ nhỏ dần ở phía trên. Trẻ có thể xâu chuỗi hạt theo thứ tự các màu xanh - đỏ - vàng. Đây là những hoạt động khá phức tạp đối với trẻ. Ban đầu chúng thường xếp lung tung và nhờ người lớn giúp bằng cách làm mẫu. Về sau, trẻ tự làm theo lối thử – phạm lỗi rồi dần làm được. Nhờ thế, các chức năng tâm lý như trí nhớ, tư duy, trí tưởng tượng phát triển mạnh.

  • Hành động công cụ: Là hành động trong đó một đồ vật nào đó được sử dụng như một công cụ để tác động lên đồ vật khác. Ví dụ trẻ dùng muỗng để xúc cơm, dùng que để khều banh. Việc sử dụng công cụ đòi hỏi bàn tay thao tác khéo léo và giúp trẻ biết được mục đích của hành động và chức năng của công cụ. Ví dụ sau khi trẻ uống nước trong ly, trẻ mới hiểu mục đích sử dụng ly là để uống nước.

Trong khi học biết cách thức sử dụng các đồ vật sinh hoạt hằng ngày, trẻ cũng học được những qui tắc hành vi xã hội. Một đứa trẻ khi giận dỗi có thể ném cái ly nước xuống sàn, nhưng bằng kinh nghiệm của mình (thông qua thái độ của người lớn) dần dần nó nhận ra đó là một hành vi không đúng, không phù hợp với qui tắc sử dụng đồ vật và lần sau, "lỡ" có làm như vậy, nó tỏ ra sợ hãi khi nhìn vào mặt người lớn. Những qui tắc ứng xử xã hội sẽ được hình thành dần dần như vậy.

  1. Khủng hoảng tuổi lên 3

Khủng hoảng 3 tuổi là khủng hoảng về quan hệ xã hội. Mọi khủng hoảng quan hệ xã hội đều là khủng hoảng đề cao "cái tôi" của bản thân. Trong tác phẩm "Về nhân cách trẻ 3 tuổi", V.Keler mô tả sự khủng hoảng tuổi lên 3 với các hiện tượng cơ bản sau:

  • Bướng bỉnh: trẻ kiên quyết tìm cách thỏa mãn đòi hỏi của bản thân, khăng khăng giữ quyết định của mình

  • Ngang ngạnh: Gần giống với sự bướng bỉnh nhưng nó có đặc điểm đặc trưng là tính công khai và tính thiếu cá tính. Trẻ phản kháng lại trật tự trong gia đình, lăn ra ăn vạ, đập đầu, đạp tứ tung để đạt được mục đích

  • Tự tiện: đây là xu hướng giải thoát khỏi người lớn. Trẻ muốn tự làm mọi thứ giống người lớn. Trước mặt người lớn trẻ tỏ ra ngoan ngoãn, sau lưng người lớn trẻ lén làm mọi thứ.

  • Vô lễ với người lớn: Trẻ có thể nói người lớn “Đồ ngu” hay xưng “mày, tao” với người lớn

  • Chống đối: Tất cả hành vi của trẻ đều thể hiện sự chống đối, dường như trẻ luôn nằm trong trạng thái chiến tranh với người xung quanh, ẩu đả với người lớn. Có trẻ sẵn sàng cắn lại người lớn để không phải làm theo mệnh lệnh của họ

  • Chuyên quyền: ở những gia đình có độc nhất một trẻ, chúng ta sẽ gặp phải xu hướng chuyên quyền ở trẻ. Trẻ tỏ ra có áp lực chuyên quyền trong quan hệ với tất cả mọi cái xung quanh và nó đưa ra hàng loạt các phương thức chuyên quyền. Trẻ có thể khóc ré lên, hoặc khóc tỉ tê, hoặc làm bộ mếu, hoặc dãy đành đạch... để điều khiển người lớn theo ý mình. Những lúc như vậy, trẻ thường liếc trộm người lớn xem phản ứng của người lớn để điều chỉnh phương thức chuyên quyền của mình.

  1. TUỔI MẪU GIÁO (3 - 6 TUỔI)

  1. Sự phát triển thể chất

Ở trẻ từ 3 đến 6 tuổi có sự phát triển nhanh chóng về mặt sinh học. Trọng lượng của não tăng nhanh chóng (từ 1.100 gram lên 1.300 gram), xương chắc chắn hơn, cơ quan hô hấp và tuần hoàn, và các bộ máy nhận cảm phát triển mạnh

  1. Sự phát triển tâm lý

Đây là giai đoạn phát triển của cảm giác, tri giác, tưởng tượng, tư duy, ngôn ngữ mạnh mẽ.

  • Theo Piaget, khi trẻ lên 4 tuổi, có một sự chuyển biến trong tư duy. Tư duy của trẻ lúc này có mang màu sắc của sự suy luận dựa trên những biểu tượng cụ thể về thế giới khách quan. Những suy luận này gắn chặt với hành động, bị chi phối bởi những ý nghĩ chủ quan, còn chưa xác đáng. Ví dụ: nước biển mặn vì người ta bỏ muối vào, những người mặc áo bơ-lu trắng đều là bác sĩ… Tuy nhiên đây là công cụ mạnh mẽ giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh, tích lũy phong phú các biểu tượng bảo đảm cho việc chuyển sang loại tư duy tiền thao tác ở giai đoạn sau.

  • Vào 5 - 6 tuổi ngôn ngữ của trẻ mẫu giáo phát triển mạnh, đạt chất lượng cao cả về mặt phát âm, vốn từ và những hình thức ngữ pháp. Điều cần lưu ý là quá trình tưởng tượng phát triển rất mạnh ở lứa tuổi này, thể hiện trong trò chơi, trong các bức vẽ, trong các câu chuyện "bịa" của trẻ. Các trò chơi phân vai theo chủ đề giúp trẻ tưởng tượng ra nhiều nhân vật đặc sắc.

  • Trí tưởng tượng của trẻ đầu tuổi mẫu giáo chủ yếu là không chủ định. Những gì làm trẻ xúc động mạnh sẽ trở thành đối tượng của tưởng tượng. Do ảnh hướng của trò chơi, trẻ "sáng tác" những truyện cổ tích, nhiều trẻ khi "sáng tác" mà chưa biết câu truyện của mình sẽ nói về cái gì. Trí tưởng tượng có chủ định hình thành ở trẻ mẫu giáo lớn trong quá trình phát triển các dạng hoạt động sáng tạo (vẽ, nặn, thiết kế trong xây dựng và kể chuyện). Trong các hoạt động này có sự điều chỉnh hành vi của trẻ bằng ngôn ngữ (Trẻ tự nghĩ ra khúc cuối của một câu chuyện, sáng tác truyện theo chủ đề, vẽ tranh theo mục đích đặt ra từ trước).

  1. Sự phát triển về mặt tương tác môi trường xã hội

Trẻ mẫu giáo bắt đầu đi học nên mối liên hệ xã hội của trẻ có những thay đổi quan trọng. Hoạt động cùng nhau ở giai đoạn trước được thay thế bằng việc thực hiện những nhiệm vụ độc lập theo những lời chỉ dẫn của người lớn. Trẻ phải hoàn thành một số nghĩa vụ sơ đẳng đối với bản thân và những người xung quanh. Trẻ một mặt ngày càng tách mình ra khỏi người lớn, mặt khác muốn bắt chước để xử sự như người lớn. Trẻ phân biệt được đồ vật của mình, việc làm của mình với đồ vật, việc làm của người khác: "Cái này của con, cái đó của mẹ", "Mình làm việc này, bạn làm việc khác”. Như vậy, trong suốt tuổi mẫu giáo "cái tôi" phát triển mạnh và dần dần trở thành ý thức về bản thân.

  1. Sự hình thành nhân cách

Nhân cách là tổ hợp các thuộc tính tâm lý ổn định và tuổi mẫu giáo là tuổi xây nền nhân cách. Nhìn vào trẻ, người ta có thể biết được cá tính của nó ra sao. Nhân cách của trẻ được hình thành qua bắt chước và qua sự giáo dục của người lớn. Nếu người lớn chuẩn mực, trẻ bắt chước được điều hay. Nếu người lớn giáo dục đúng cách, trẻ sẽ có nhiều đức tính tốt.

Tính cách của trẻ mẫu giáo thể hiện qua:



  • Hành động hợp đích: Trẻ ráng ăn để được đi chơi

  • Các loại tình cảm cấp cao khác với con vật ở cấp thấp:

  • Tình cảm đạo đức: những rung cảm, xúc cảm của con người trên những hành vi đạo đức. Trẻ có thái độ tương ứng đối với hành vi - tốt thì khen ngợi, tự hào; xấu thì chê bai, căm ghét. Trẻ bắt đầu có tiếng nói lương tâm, lương tri (trẻ ghét các nhân vật ác trong phim, trong kịch). Nếu bị hạn chế, sự phát triển nhân cách về sau sẽ tệ hại. Ví dụ trẻ dỗ dành bạn bằng cách cho đồ chơi và bị bố mẹ mắng là ngu thì tình cảm đạo đức bị giập tắt. Về sau, trẻ có thể vô cảm, không có tình người

  • Tình cảm trí tuệ: Trẻ thích tìm hiểu thế giới xung quanh, tự khám phá, đặt nhiều câu hỏi (búp bê có mỏi mắt không, tại sao con gà lại chỉ có hai chân trong khi con chó lại có bốn chân!?!)

  • Tình cảm thẩm mỹ: Trẻ đều cảm nhận được và có thái độ trước cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài, cái hào hùng. Đẹp - trầm trồ, xấu - gớm, anh hùng - ngưỡng mộ, làm theo, hài - cười, bi - buồn

  1. Hoạt động vui chơi

Vui chơi là hoạt động chủ đạo ở tuổi mẫu giáo. Trong trò chơi, trẻ thể hiện ước vọng làm người lớn. Chúng phân vai theo chủ đề (ví dụ trò bác sĩ - bệnh nhân, cô giáo - học trò, ba - mẹ - con…) và mô phỏng theo đời sống lao động của người lớn cùng với những mối quan hệ xã hội của họ. Chính trong khi vui chơi, trẻ nhận ra những nghĩa vụ, quyền hạn của con người trong xã hội, học các đức tính tốt và các kỹ năng (ví dụ sự đồng cảm, lòng nhân ái, tính tự lập, hợp tác, chủ động, lãnh đạo….). Các hoạt động mang tính mỹ thuật, tạo ra sản phẩm nhất định (ví dụ như vẽ, nặn, ghép hình, xây dựng….) cũng rất quan trọng, góp phần hình thành và phát triển trí tuệ, năng lực sáng tạo, óc thẩm mỹ và nhân cách ở giai đoạn này.

  1. Hoạt động học tập và lao động

  • Ở lứa tuổi mẫu giáo, hoạt động học tập đang ở thời kì sơ khai. Trẻ được tiếp thu một lượng tri thức chung về thế giới xung quang do trực tiếp nhìn, nghe, qua tranh ảnh, chuyện kể… Những tri thức này làm nảy sinh tính ham hiểu biết, hứng thú nhận thức nơi trẻ mà biểu hiện của nó là việc trẻ không ngừng đặt câu hỏi. Tuy nhiên cần chú ý rằng hoạt động học tập của trẻ ở giai đoạn này chưa đặt nặng vấn đề cung cấp kiến thức và mà chỉ chuẩn bị cho trẻ các kỹ năng học tập về sau (lắng nghe, chú ý, giữ trật tự….). Vì thế không nên thúc giục trẻ học quá sớm.

  • Trẻ mẫu giáo thực hiện các nhiệm vụ lao động đơn giản: lao động tự phục vụ (để dép lên kệ, xếp ghế, lau mặt, đánh răng,..), lao động phụ giúp người lớn (bê thức ăn, dọn bàn…), chăm sóc cây cối, vật nuôi, làm các đồ vật và đồ chơi đơn giản (bằng giấy, vải vụn, hột hạt…). Lao động có những ý nghĩa nhất định cho sự phát triển nhân cách về sau. Qua lao động trẻ học cách hợp tác, quan tâm và chia sẻ trách nhiệm. Trẻ ham làm thì chừa thói xấu, lười biếng, ỷ lại và biết được giá trị sức lao động

Tóm tắt ý chính: GIAI ĐOẠN TỪ 0 ĐẾN 6 TUỔI

Ngoài việc lưu ý đến những sự phát triển thể chất ở từng độ tuổi, cần quan tâm đến những điểm sau:



  • Thời kỳ sơ sinh (0 - 2 tháng tuổi): trẻ cần một giai đoạn thích nghi, cần được ở trong bầu không khí tâm lí bình yên, được bảo vệ, che chở ấm áp tình cảm của người mẹ. Thiếu sự an toàn, cảm xúc của trẻ sẽ bị rối loạn.

  • Thời kỳ hài nhi (3 - 12/15 tháng): giao tiếp cảm xúc trực tiếp với người lớn được coi là điều kiện tiên quyết để trẻ trở thành người - phát triển những cảm xúc tích cực, có đời sống tâm lí ổn định, hình thành ngôn ngữ, học được thói quen tốt và cách ứng xử đúng.

  • Thời kỳ ấu nhi (1 - 3 tuổi): Trẻ thường tự cố gắng trong hành động để được người lớn khen thưởng, thừa nhận. Lời ngợi khen và tán thưởng của những người xung quanh là nguồn cổ vũ quan trọng giúp trẻ hình thành tình cảm tự hào, sự tự khẳng định mình và giúp trẻ tự điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với những chuẩn mực đạo đức.

  • Tuổi mẫu giáo (3 - 6 tuổi): Vui chơi là hoạt động chủ đạo góp phần hình thành và phát triển trí tuệ, năng lực sáng tạo, óc thẩm mỹ và nhân cách ở giai đoạn này.




Bài 3: GIAI ĐOẠN NHI ĐỒNG
(TUỔI HỌC SINH CẤP I)


Tuổi nhi đồng là ở độ tuổi 7 đến 12 tuổi. Đây là lúc sự trưởng thành và phát triển của thể chất, nhận thức và kỹ năng vận động tiếp tục hình thành và ổn định. Trong suốt giai đoạn này, trẻ tham gia vào thế giới bên ngoài với chúng bạn càng lúc càng nhiều và trẻ quan tâm đến sự thành đạt và tự kiểm soát mình.

  1. SỰ PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT

  • Trẻ cấp 1 gia tăng chiều cao, trọng lượng, cơ bắp và các kỹ năng phối hợp. Bộ xương vẫn tiếp tục phát triển, trong đó cột sống có những thay đổi lớn: độ cong ở cổ, ở ngực, ở thắt lưng hình thành tạo ra độ mềm dẻo, linh hoạt hơn trong cử động. Các dây chằng, cơ bắp được tăng cường. Các đốt ngón tay được hoàn thiện. Cơ tim phát triển mạnh và được cung cấp đủ máu nên trong não trẻ có sẵn năng lượng hoạt động khá hơn tuổi mẫu giáo. Trọng lượng của não tăng gần bằng người lớn với cấu trúc hoàn thiện, đặc biệt thùy trán rất phát triển, tạo điều kiện cho việc hình thành những chức năng tâm lý bậc cao. Răng cố định và xương trở nên cứng cáp hơn. Cần lưu ý rằng vệ sinh răng miệng và thói quen dinh dưỡng trong thời gian này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này của trẻ.

  • Trẻ tiếp tục phát triển các kỹ năng vận động như chạy, nhảy, leo trèo và các hoạt động khác sử dụng ngón tay và bàn tay. Mặc dù trẻ có thể ngồi yên và tham gia công việc, chúng cần các hoạt động thể chất để tiếp tục phát triển các kỹ năng vận động. Vi tính, ti vi và các phương tiện điện tử khác làm giảm đi sự phát triển các kỹ năng tinh xảo của trẻ và làm cho trẻ béo phì và sinh ra những vấn đề khác sau này. Đây là lúc trẻ cần có sự quân bình giữa hoạt động thể chất và trí tuệ cũng như có chế độ dinh dưỡng và những thói quen tích cực để gia tăng sức khỏe về lâu về dài.

  1. SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ

  • Về mặt nhận thức, trẻ tiếp tục phát triển kỹ năng phản hồi và khả năng suy nghĩ linh hoạt và phức tạp hơn trước. Trẻ nhớ lâu, tập trung và có khả năng suy đoán được chi tiết của công việc được giao. Khả năng nối kết thông tin mới với những kiến thức có sẵn có khuynh hướng gia tăng trong giai đoạn này. Trẻ cũng có khả năng hiểu sự việc ở mức độ sâu xa hơn và so sánh, đánh giá thông tin ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên khả năng chú ý ở trẻ còn kém, dễ bị cuốn hút điều mới lạ, dễ phân tán, hay liên tưởng nên hay hỏi chuyện khác trong khi học.

  • Đời sống xúc cảm, tình cảm của học sinh nhỏ khá phong phú, đa dạng và cơ bản là mang tính tích cực. Trẻ sống hồn nhiên, hướng thiện. Trẻ rất vui mừng vì có bạn, tự hào vì được gia nhập Đội, hãnh diện vì được giáo viên giao cho những công việc cụ thể. Trẻ tiếp tục phát triển khả năng tự đánh giá bản thân và cảm xúc. Ban đầu, trẻ đánh giá bản thân dựa vào những đặc điểm bên ngoài như tuổi tác, màu mắt, màu tóc. Về sau, trẻ nhìn vào những đặc điểm bên trong để đánh giá bản thân. Ví dụ trẻ mô tả mình là tử tế, thông minh, rộng rãi, hay được yêu mến. Khả năng hiểu và bày tỏ những cảm xúc phức tạp như tự hào, tội lỗi, ganh tị gia tăng không ngừng. Thêm vào đó, những trạng thái cảm xúc này có khuynh hướng trở thành một phần bản thân trẻ. Trẻ cũng nhận ra trách nhiệm của bản thân trong việc tạo ra và kiểm soát những cảm xúc khác nhau. Trẻ hiểu hơn rằng cảm xúc liên quan với sự kiện và hành động và chúng tìm cách che giấu một số cảm xúc hay bày tỏ cảm xúc theo phương cách được xã hội chấp nhận.

  • Sự phát triển nhân cách của học sinh nhỏ chủ yếu diễn ra và bị chi phối bởi hoạt động chủ đạo là hoạt động học tập. Qua học tập, tập dần với việc tự điều khiển mình tuân theo những qui định của trường lớp. Tuy nhiên, ý chí của trẻ còn non nớt. Trẻ thiếu tính độc lập, dễ bắt chước, làm theo người khác, khả năng tự chủ kém, dễ phạm lỗi, kiên trì yếu, dễ bỏ cuộc (chỉ nhìn những gì trước mắt). Trẻ nhận thức bản thân theo ý kiến của người khác (biết nhà mình giàu hay nghèo, biết thân phận), trẻ hình dung bản thân mình theo nhận xét của những người xung quanh. Đối với trẻ, ý kiến của người lớn, đặc biệt của giáo viên là cơ bản nhất, quan trọng nhất và không thể chống đối lại. Vì thế, trẻ sẽ gặp khó khăn và hoang mang khi đứng trước những ý kiến khác biệt hoặc mâu thuẫn về chính bản thân mình.

  1. HOẠT ĐỘNG CHỦ ĐẠO

  • Học tập là hoạt động chủ đạo của học sinh nhỏ. So với lứa tuổi mẫu giáo, hoạt động học tập giai đoạn này vừa đòi hỏi trí tuệ tiếp thu những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo vừa cần nơi trẻ một năng lực, một ý chí nhất định để tự kiềm chế bản thân, vượt khó khăn, cố gắng thực hiện những yêu cầu của giáo viên. Do những qui định chặt chẽ về mục đích, mục tiêu của giáo dục, trẻ không thể thích thì làm, không thích thì thôi như thời mẫu giáo nữa. Ngược lại, nó phải biết thích ứng với những tình huống xã hội mới ở lớp học, và trong giao tiếp với thầy cô và bạn bè.

  • Qua học tập, trí tuệ của trẻ phát triển, trẻ gia tăng óc quan sát, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng. Tuy nhiên, trong năm đầu khả năng trí tuệ này chưa thật tinh tế. Trẻ dễ viết thiếu nét, đọc nuốt chữ, nhầm lẫn những chi tiết gần giống nhau như oa - ao. Cấu trúc lớp học, tương quan với thầy cô cũng đổi khác rất nhiều, do đó, trẻ cần cha mẹ hỗ trợ trong khoảng một học kỳ đến 1 - 5 năm để có thể thích nghi và đáp ứng nhiệm vụ học tập.

  1. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NHI ĐỒNG


  1. tải về 472.42 Kb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương