Trường Đại học Dược Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy so sánh thẩM ĐỊnh mối quan hệ nhân quả phảN Ứng có HẠi của thuốc trong báo cáo tự nguyện về trung tâm di & adr quốc gia


Phương pháp thẩm định mối quan hệ nhân quả ADR trong báo cáo tự nguyện



tải về 409.87 Kb.
trang4/8
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích409.87 Kb.
#30294
1   2   3   4   5   6   7   8

1.3. Phương pháp thẩm định mối quan hệ nhân quả ADR trong báo cáo tự nguyện

1.3.1. Giới thiệu về phương pháp thẩm định mối quan hệ nhân quả ADR


Năm 1972, nhà bệnh học Irey là tác giả đầu tiên khẳng định tầm quan trọng và tính hợp lý của việc đánh giá mối quan hệ giữa việc sử dụng thuốc và biến cố bất lợi dựa trên các tiêu chuẩn. Tiếp theo đó, các nhà khoa học Karch và Lasagna (1977), Kramer và cộng sự (1979), Venulet và cộng sự (1980)… cũng đã đưa ra một mối quan tâm phổ biến hơn của giới y khoa về vấn đề này, một số phương pháp thẩm định mối quan hệ nhân quả đã được đưa ra, sử dụng trong quản lý và lâm sàng [8], [20], [21].

1.3.1.1. Cấu trúc của quá trình thẩm định ADR và nguyên nhân của sự đa dạng các phương pháp thẩm định


  • Cấu trúc của quá trình thẩm định ADR

Mỗi phương pháp thẩm định mối quan hệ nhân quả giữa thuốc và biến cố bất lợi được thực hiện theo một bảng phân loại hoặc một thang điểm. Các ADR thường được đánh giá là “nghi ngờ”, “có thể”, “có khả năng” hoặc “chắc chắn”. Phân loại theo thứ tự này thu được từ quá trình gồm hai bước: (1) Tiêu chuẩn đánh giá đã được định nghĩa và thiết lập thành nguyên tắc. Tiêu chuẩn này dùng để kiểm tra các thông tin trong ca báo cáo là có quy kết hay không quy kết cho thuốc như mối quan hệ về thời gian, tính đặc biệt của các phơi nhiễm lâm sàng, các xét nghiệm liên quan. Từ đó, đưa ra đánh giá là âm tính hay dương tính. (2) Một bảng quyết định để kết hợp các tiêu chuẩn được đánh giá và đưa ra mức độ quy kết [33].



Hình 1.2. Cấu trúc và sự đa dạng trong đánh giá ADR

  • Nguyên nhân đa dạng của các phương pháp đánh giá

Nguyên tắc cho đánh giá các tiêu chuẩn có thể dựa trên ý kiến lâm sàng, thậm chí cho những bằng chứng thực tế và có thể được chuẩn hóa bằng danh sách những câu hỏi hoặc thuật toán. Do các tiêu chuẩn đánh giá (định nghĩa và nguyên tắc) không giống nhau giữa các phương pháp và bảng quyết định tổng hợp tất cả các thông tin trong ca báo cáo lại theo nhiều cách khác nhau (như thang tiêu chuẩn, cây quyết định, hoặc bảng cộng điểm) nên các mức quy kết cũng khác nhau từ phương pháp này đến phương pháp khác. Điều đó dẫn đến sự đa dạng về phương pháp đánh giá mối quan hệ nhân quả giữ thuốc nghi ngờ và biến cố bất lợi [28], [33].

1.3.1.2. Ưu nhược điểm của các phương pháp


Trong cảnh giác dược, hầu hết các ca báo cáo đều liên quan đến phản ứng có hại nghi ngờ là do thuốc. Thực tế, có rất ít phản ứng là “chắc chắn” hoặc “không thể” mà hầu hết là rơi vào giữa hai mức độ “có khả năng” và “có thể”. Do đó, để giải quyết vấn đề này, rất nhiều hệ thống phương pháp đã hình thành và phát triển nhằm đánh giá mối quan hệ nhân quả giữa thuốc và biến cố bất lợi một cách chặt chẽ và hợp lý. Tuy nhiên, chưa một phương pháp nào đưa ra những đánh giá có tính chất định lượng chính xác và tin cậy về khả năng của mối quan hệ nhân quả. [29].

Những điểm mạnh và điểm yếu của các phương pháp thẩm định mối quan hệ nhân quả ADR trong báo cáo tự nguyện được trình bày trong bảng 1.5 [27].



Bảng 1.1. Ưu nhược điểm của phương pháp thẩm định mối quan hệ nhân quả

Các phương pháp thẩm định có thể làm được gì?

Các phương pháp thẩm định không thể làm được gì?

- Làm giảm sự không tương đồng giữa những người thẩm định.

- Phân loại khả năng của mối quan hệ trong nhiều mức như là “có thể”, “có khả năng”….

- Đánh dấu những ca báo cáo riêng lẻ (để tránh hiểu nhầm).

- Nâng cao tính khoa học của thẩm định.



- Đưa ra những đo lường định lượng về khả năng của mối quan hệ.

- Phân biệt những ca có giá trị và những ca không có giá trị.

- Chứng minh rõ mối quan hệ giữa một thuốc và một biến cố.

- Đo lường thuốc ảnh hưởng đến sự tiến triển của một biến cố bất lợi ra sao (phân biệt nguyên nhân chính và nguyên nhân phụ, ví dụ trong các ca nghiên cứu phải nhập viện)

- Thay đổi không chắc chắn là do thuốc thành chắc chắn là do thuốc.


Sử dụng các phương pháp thẩm định nhân quả đã được chuẩn hóa giúp những thông tin trong báo cáo được rõ ràng. Điều này, đóng một vai trò quan trọng trong việc trao đổi dữ liệu và hạn chế những kết luận sai về mối quan hệ nhân quả giữa biến cố và thuốc nghi ngờ [10].

1.3.2. Các phương pháp thẩm định mối quan hệ nhân quả ADR phổ biến trên thế giới


Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều phương pháp thẩm định mối quan hệ nhân quả đã được công bố và sử dụng. Năm 2008, một nghiên cứu đã chỉ ra có khoảng 34 phương pháp khác nhau được tìm thấy bằng các công cụ tìm kiếm trên internet, có thể phân thành 3 nhóm chính là ý kiến chuyên gia hay xem xét tổng thể, thuật toán và xác suất hay tiếp cận Bayes [8], [37], [38]

1.3.2.1. Ý kiến chuyên gia

Nhóm phương pháp này là một quá trình thẩm định mà chuyên gia đánh giá mối quan hệ nhân quả với thuốc bằng việc xem xét tất cả các dữ liệu quan liên quan tới ADR nghi ngờ, tầm quan trọng của dữ liệu và định ra mức độ để suy xét khả năng vai trò của một thuốc tới phản ứng đó. Nhiều báo cáo ADR dựa trên đánh giá của một người thẩm định, một số được tiến hành dựa trên một nhóm chuyên gia, hoặc chuyên gia và người không phải chuyên gia, những người này sau đó sẽ đồng thuận để đi đến kết luận. Những đánh giá như vậy được dựa trên kiến thức và kinh nghiệm, do đó sự không đồng nhất vẫn thường xuyên xảy ra, thậm chí cả giữa các chuyên gia giàu kinh nghiệm [37].

Phương pháp Wilholm được xây dựng bởi cơ quan quản lý dược Thụy Điển sử dụng, việc đánh giá thông qua xem xét bảy yếu tố: (i) Sự kết hợp về mặt thời gian, (ii) Những thông tin trước đó về thuốc sử dụng, (iii) Mối quan hệ về liều, (iv) Kiểu đáp ứng với thuốc, (v) Tái sử dụng thuốc, (vi) Các nguyên nhân có thể khác, (vii) Thuốc được sử dụng đồng thời. Những biến cố sau đó được phân loại thành 2 mức là “có khả năng” hoặc “có thể” và “ không thể đánh giá” hoặc “ không chắc chắn”. Hạn chế của phương pháp này là số lượng các mức phân loại quá ít để một mối quan hệ nhân quả có thể đặt vào, điều này dễ dẫn đến sự chồng chéo và đánh giá sai ADR [6].

Một phương pháp khác được thực hiện thông qua việc năm chuyên gia độc lập thẩm định mối quan hệ nhân quả trên một hệ thống ngẫu nhiên các ADR. Những đánh giá của họ được thể hiện trên một thang VAS (Visual analogue scale) chiều dài 100 mm, thay đổi từ 0 đến 1 theo khả năng của mối liên hệ. Khả năng này được chia cụ thể thành bảy mức quy kết để dễ phân tích hơn [5].

Với sự giúp đỡ của các trung tâm cảnh giác dược là thành viên tham gia vào chương trình giám sát thuốc quốc tế, Tổ chức y tế thế giới (WHO) và trung tâm theo dõi cảnh giác dược thế giới tại Uppsala (UMC) đã phát triển một công cụ thẩm định được áp dụng phổ biến trong thực hành đánh giá các báo cáo đơn lẻ hiện nay. Phương pháp này dựa trên những xem xét về mặt dược lý - lâm sàng của ca bệnh và chất lượng thông tin báo cáo. Dựa trên một số tiêu chuẩn đánh giá, quan hệ nhân quả được nhóm thành sáu mức là “chắc chắn”, “có khả năng”, “có thể”, “không chắc chắn”, “chưa phân loại” và “không thể phân loại”. Phương pháp của WHO đưa ra những hướng dẫn về việc lựa chọn các mức khác nhau của ADR. Tiêu chuẩn được xác định cũng được dùng để loại trừ biến cố. Những thông tin sẵn có và yếu tố xác suất không được xem xét trong phương pháp này [43].

1.3.2.2. Thuật toán

Một thuật toán là biểu đồ thể hiện trình tự thao tác đặc hiệu cho vấn đề với từng bước hướng dẫn để đi đến câu trả lời. Đó là một công cụ ở dạng hệ thống các câu hỏi mà đưa ra tiêu chuẩn chi tiết cho việc đánh giá khả năng của một mối quan hệ khi một ADR bị nghi ngờ. Có khoảng 26 thuật toán hiện nay đang được sử dụng trên thế giới.

Thuật toán đưa ra những phương pháp đánh giá có cấu trúc và cách tiếp cận hệ thống để nhận ra những ADR dựa trên những thông số như thời gian xảy ra ADR, tiền sử phản ứng bất lợi, tiền sử sử dụng thuốc, ngừng sử dụng thuốc và tái sử dụng thuốc. Các báo cáo được tiếp cận một cách có hệ thống, nên độ chắc chắn và lặp lại cao. Những đánh giá lâm sàng đôi khi vẫn yêu cầu trong một số bước để có thể đi tới kết luận [37] .

Năm 1978, cơ quan quản lý dược Pháp đã đưa ra thuật toán đánh giá dựa trên một quá trình gồm ba bước: một là, đánh giá tiêu chuẩn về mặt thời gian; hai là, những tìm kiếm về lâm sàng và sinh học; ba là, đánh giá những triệu chứng cho phát hiện ADR. Phương pháp này tách rõ một quy kết thuộc tính (mối quan hệ nhân quả có thể giữa sử dụng thuốc và sự xuất hiện biến cố trên lâm sàng) khỏi quy kết ngoại (những thông tin từ các hệ cơ sở dữ liệu) sử dụng bảy tiêu chuẩn (ba về mặt thứ tự thời gian và bốn về mặt triệu chứng) trong hai bảng khác nhau. Khi kết hợp lại, điểm số từ hai bảng quyết định này (thứ tự thời gian và triệu chứng) đưa ra một quy kết thuộc tính ở năm mức. Phương pháp này cho phép quy kết biến cố bất lợi với một hay nhiều thuốc nhưng đòi hỏi nhiều thời gian hơn các phương pháp khác. Năm 1985, Begaud và cộng sự đã đưa ra một phương pháp dựa trên những nguyên tắc tương tự về việc tách quy kết thuộc tính khỏi quy kết ngoại nhưng dễ dàng sử dụng hơn [11] .

Năm 1979, Kramer và cộng sự đã phát triển một hệ thống tiêu chuẩn với các quy tắc cụ thể. Thuật toán này áp dụng với một phơi nhiễm lâm sàng đơn lẻ xảy ra sau khi dùng một thuốc nghi ngờ. Thuật toán bao gồm sáu cây quyết định với một hệ thống tính điểm phù hợp với mỗi vấn đề. Một số điểm là +1, 0 hoặc -1 tương ứng với mức độ bằng chứng trong mỗi vấn đề. Các số điểm sẽ được cộng lại và tương ứng với các mức quy kết. Tổng số điểm thay đổi từ -7 đến +7. Những đánh giá chủ quan vẫn cần có ở một số bước để đi tới kết luận. Phương pháp thuận lợi khi đánh giá những ca mà nhiều hơn một thuốc bị nghi ngờ. Với một ít thay đổi, phương pháp có thể được dùng để đánh giá tương tác thuốc hoặc những ca mà việc ngừng sử dụng thuốc có thể là nguyên nhân cho những phơi nhiễm lâm sàng. Tuy nhiên, phương pháp vẫn yêu cầu mức độ nhất định về kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và cần nhiều thời gian để sử dụng để có hiệu quả nhất [21].

Năm 1981, Naranjo và cộng sự đã phát triển một thang quy kết ADR bao gồm mười câu hỏi mà câu trả lời là “có”, “không” và “không biết” để đánh giá nhân quả trong nhiều tình huống lâm sàng khác nhau. Điểm số có được từ mỗi câu hỏi thay đổi từ -1 đến +2. Biến cố được quy kết tại bốn mức: chắc chắn (≥ 9), có khả năng (5 - 8), có thể (1 - 4) và nghi ngờ (≤0). Thang Naranjo thiên về đánh giá khả năng của một ADR liên quan với một thuốc hơn là cho các biến cố do tương tác giữa hai thuốc. Thang Naranjo có nhược điểm khi quy kết những ADR liên quan đến tương tác thuốc [3], [32].



1.3.2.3. Phương pháp xác suất (tiếp cận Bayes)

Phương pháp xác suất quy kết ADR bằng cách tìm kiếm thông tin trong một ca để ấn định “xác suất định trước” của biến cố được nghiên cứu. Thông tin này có được từ các thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu dịch tễ. Các tỷ lệ khả năng được tính toán cho mỗi yếu tố liên quan đến biến cố. Một tỷ lệ khả năng có thể là thông tin về thời gian, tái sử dụng thuốc… được tách ra và tính toán dựa trên thông tin cụ thể của ca bệnh. Kết quả cuối cùng thu được bằng cách nhân tỷ lệ các phần khác nhau để cho ra kết quả quy kết về mối liên hệ [17].

Một số chương trình chẩn đoán ADR sử dụng thuyết Bayes đã được phát triển. Công cụ chẩn đoán phản ứng có hại Bayes (Bayesian Adverse Reaction Diagnosis Instrument - BARDI) đã khắc phục nhiều nhược điểm của nhóm phương pháp ý kiến chuyên gia và thuật toán. Đây là một công cụ phân tích quyết định mà khả năng quy kết được tính toán từ những dữ liệu dịch tễ, lâm sàng (lợi thế ưu tiên) và phân tích ca (tỷ lệ khả năng). Hiện nay, tiếp cận Bayes được cải tiến nhiều, từ việc sử dụng bảng tính trên giấy hoặc máy tính đã được vi tính hóa thành các phần mềm chẩn đoán nhiều loại ADR trong lâm sàng.

Đây là một phương pháp khó sử dụng, thống kê phức tạp, thông tin tìm kiếm khá rải rác và không sẵn có nhưng cách đánh giá lại chắc chắn và rõ ràng. Cho đến nay, cách tiếp cận Bayes được xem là phương pháp logic nhất cho quy kết ADR và được đề nghị là chuẩn vàng để kiểm tra những phương pháp khác [5], [22].





tải về 409.87 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương