Trường Đại học Dược Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy so sánh thẩM ĐỊnh mối quan hệ nhân quả phảN Ứng có HẠi của thuốc trong báo cáo tự nguyện về trung tâm di & adr quốc gia


Thẩm định mối quan hệ nhân quả phản ứng có hại của thuốc (ADR)



tải về 409.87 Kb.
trang3/8
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích409.87 Kb.
#30294
1   2   3   4   5   6   7   8

1.2. Thẩm định mối quan hệ nhân quả phản ứng có hại của thuốc (ADR)

1.2.1. Khái niệm về thẩm định mối quan hệ nhân quả ADR


Trong lĩnh vực cảnh giác dược, thẩm định mối quan hệ nhân quả phản ứng có hại của thuốc là việc đánh giá khả năng một thuốc nghi ngờ là nguyên nhân gây ra phản ứng bất lợi quan sát được hay xác định một ADE có phải là một ADR hay không.

Có 5 tiêu chuẩn cho một mối quan hệ nhân quả bao gồm ý nghĩa về mặt sinh học, việc phơi nhiễm yếu tố nghi ngờ xảy ra trước khi xuất hiện biến cố, tính chắc chắn, tính lặp lại, và đáp ứng liều [4].

Mối quan hệ được tìm thấy chắc chắn theo thang bằng chứng trong nghiên cứu dịch tễ (Hình 1.1).



Hình 1.1. Cấp bậc thiết kế nghiên cứu trong Cảnh giác Dược và Dịch tễ dược học
Phạm vi của thẩm định mối quan hệ nhân quả trong cảnh giác dược bao gồm việc ra một quyết định dựa trên thông tin về mối quan hệ giữa phơi nhiễm thuốc và ADR nghi ngờ từ một ca báo cáo đơn lẻ hoặc từ một loạt báo cáo. Ít có sự rõ ràng giữa vấn đề đang được quan tâm là ở mức độ báo cáo đơn lẻ hay ở mức độ hệ thống dữ liệu nghiên cứu lâm sàng hoặc dịch tễ [3], [39].

1.2.2. Vị trí và vai trò của thẩm định mối quan hệ nhân quả ADR trong cảnh giác dược


  • Vị trí của thẩm định mối quan hệ nhân quả ADR trong cảnh giác dược

Việc quyết định một thuốc có phải là nguyên nhân gây ra biến cố bất lợi hay không là câu hỏi quan trọng nhất đối mặt với các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực cảnh giác dược [29], [37]. Trong trung tâm cảnh giác dược, các ca báo cáo được gửi đến hàng ngày và việc đánh giá các báo cáo này được tiến hành thường xuyên. Quá trình đánh giá một ca báo cáo đơn lẻ bao gồm các hoạt động: đánh giá tầm quan trọng của biến cố (thuốc mới, phản ứng lạ, phản ứng nghiêm trọng, lợi ích cho khoa học); đánh giá chất lượng tài liệu báo cáo (thông tin đầy đủ và được xác minh); mã hóa; tiến hành thẩm định. Sau đó các dữ liệu được tập hợp, lựa chọn và phân tích cho việc phát hiện dấu hiệu, đưa ra các biện pháp quản lý hoặc công bố thông tin. Như vậy, thẩm định báo cáo ADR là bước đầu tiên hình thành dấu hiệu cho quá trình đánh giá sâu và hệ thống hơn [29].

Trong cảnh giác dược, một dấu hiệu về an toàn thuốc xuất hiện khi có những báo cáo về phản ứng bất lợi chưa từng được ghi nhận. Các báo cáo đơn lẻ như vậy thường được đánh giá là không chắc chắn. Mức độ đo lường của những bằng chứng trong một dấu hiệu là vấn đề quan trọng khi đánh giá những dữ liệu có giá trị. Có những trường hợp, một số báo cáo được thẩm định là “có thể” hình thành một dấu hiệu “có khả năng”, ngược lại có trường hợp một số lượng lớn báo cáo được thẩm định là “có thể” lại không có hoặc rất ít có ý nghĩa hình thành dấu hiệu [29].



  • Vai trò của thẩm định mối quan hệ nhân quả ADR trong cảnh giác dược

Thẩm định mối quan hệ nhân quả là một phần quan trọng của cảnh giác dược, góp phần đánh giá tốt hơn việc cân bằng nguy cơ lợi ích của thuốc và là một phần thiết yếu khi đánh giá các báo cáo ADR trong hệ thống cảnh báo sớm và cho mục đích quản lý [5], [25], [29]. Đặc biệt là những báo cáo về những phản ứng cập nhật thường kỳ của các thuốc đang được quan tâm. Độ an toàn của thuốc tiếp tục được theo dõi thông qua việc phát hiện dấu hiệu, đánh giá vấn đề, cập nhật thông tin hướng dẫn sử dụng và mối quan tâm tới cơ quan quản lý [29].

Vì vậy, việc hình thành một hệ thống thẩm định chuẩn hóa cho mối quan hệ nhân quả trong các báo cáo nghi ngờ về ADR là vô cùng cần thiết, theo một cách có cấu trúc sẽ dẫn đến một phương pháp thẩm định tin cậy và lặp lại [9].


1.2.3. Các nội dung cần quan tâm khi thẩm định mối quan hệ nhân quả ADR


Để thẩm định mối quan hệ nhân quả ADR, rất nhiều phương pháp đã ra đời sử dụng các thuật toán, hệ thống phân loại nhưng chưa có phương pháp nào được chấp thuận rộng rãi. Khi tiến hành thẩm định một ca báo cáo, các phương pháp khác nhau sẽ có những mức quy kết khác nhau. Nhìn chung, các mức quy kết sau phổ biến trong các phương pháp thẩm định: “chắc chắn” (thông tin ca báo cáo hỗ trợ hoàn toàn nguyên nhân), “có khả năng” (cân bằng với thông tin hỗ trợ nguyên nhân), “có thể” (một số thông tin hỗ trợ và một số thông tin mâu thuẫn với nguyên nhân), “không chắc chắn” (thông tin mâu thuẫn với nguyên nhân), “không thể phân loại” (không thể đánh giá vì thiếu những thông tin quan trọng) [39].

Các phương pháp thẩm định có thể dựa trên tiêu chuẩn hoặc hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến của người đánh giá. Tuy nhiên, khi thẩm định một ADR cần quan tâm tới 4 vấn đề sau:



  • Mối quan hệ về mặt thời gian

Quan tâm đến mối quan hệ về mặt thời gian là trả lời câu hỏi mối liên hệ về thời gian giữa thời điểm bắt đầu điều trị với thời điểm xảy ra biến cố có hợp lý hay không. Đây là vấn đề đầu tiên và cần thiết khi xem xét mối liên hệ giữa thuốc và biến cố bất lợi.

  • Mối liên hệ giữa thời gian xảy ra phản ứng và thời gian sử dụng thuốc.

Mối quan hệ nhân quả được xem xét chắc chắn bị loại trừ nếu các ADR bắt đầu trước khi sử dụng thuốc (mặc dù thuốc có thể làm trầm trọng hơn bệnh đang mắc). Những phản ứng xảy ra ngay khi sử dụng thuốc thì dễ dàng quy cho là liên quan đến thuốc, ví dụ: phản ứng sốc phản vệ ngay khi sử dụng một thuốc bằng đường tĩnh mạch hay phản ứng quá mẫn. Tuy nhiên, thời gian xảy ra biến cố bất lợi có thể gây nhầm lẫn, ví dụ: vàng da ứ mật do flucloxacilin có biểu hiện rõ ràng sau vài ngày đến vài tuần sau khi hoàn thành liệu trình điều trị. Những triệu chứng chẩn đoán do việc sử dụng thuốc kéo dài thì cần có mức độ nghi ngờ cao hơn và thường phức tạp.

Những phản ứng xảy ra sau thời gian ngắn (short - term) như mẩn đỏ khi sử dụng nifedipin thì thời gian dẫn đến biến cố là thời gian giữa liều cuối cùng sử dụng thuốc và sự bắt đầu phản ứng.

Những phản ứng xảy ra sau thời gian dài (long - term) như viêm gan do methotrexat thì thời gian cần xem xét là thời gian từ thời điểm bắt đầu liệu trình điều trị và thời điểm bắt đầu ADR.

Nếu có tương tác thuốc, thì thời gian sử dụng và ngừng sử dụng thuốc tương tác có phù hợp với thời gian xuất hiện biến cố bất lợi hay không.

Nếu tác dụng là dị tật bẩm sinh thì cần xem xét liệu bệnh nhân có sử dụng thuốc trong thời kỳ thai nghén không [18], [39].


  • Thông tin về biến cố khi ngừng sử dụng thuốc hay giảm liều (dechallenge) hoặc tái sử dụng hay tăng liều (rechallenge).

Sự hồi phục sau khi ngừng sử dụng thuốc hoặc giảm liều là một điểm quan trọng để có kết luận về mối quan hệ nhân quả. Đặc biệt, khi thời gian hồi phục phù hợp với đặc điểm dược lý của thuốc. Tuy nhiên, việc ngừng sử dụng thuốc thường đi kèm với sử dụng thuốc thay thế nên cần xem xét liệu rằng sự hồi phục có thực sự do thuốc nghi ngờ hay không. Hơn nữa, việc ngừng sử dụng thuốc có thể cho kết quả âm tính giả khi một ADR gây ra hậu quả không thuận nghịch.

Việc cố ý tái sử dụng thuốc ít khi được tiến hành do vi phạm về y đức, nhưng sự lặp lại của biến cố khi tái sử dụng thuốc trong điều kiện vắng mặt các nguyên nhân khác lại là một bằng chứng rất mạnh cho việc khẳng định thuốc là nguyên nhân gây ra biến cố. Tuy nhiên, việc tái sử dụng thuốc cũng có thể đưa lại lợi ích cho bệnh nhân nhiều hơn nguy cơ tái lặp lại biến cố. Do đó, cần phải xem xét liệu có thể để bệnh nhân tiếp tục phơi nhiễm biến cố nữa hay không. Trong một vài trường hợp, phản ứng (nhất là phản ứng type B) có thể nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí tử vong khi tái sử dụng thuốc nên cần thận trọng [19], [35].



  • Bản chất và tính đặc trưng của biến cố

Một số biến cố xảy ra do thuốc phù hợp với cơ chế dược lý hoặc kiểu dị ứng đặc trưng của thuốc. Ví dụ, một số loại phản ứng da, tăng trương lực cơ cấp, phát ban do thuốc, phát ban vùng mặt, cổ hay ở bệnh nhân sử dụng digoxin, sự kết hợp giữa ngừng tim và loạn nhịp sẽ hầu như chắc chắn do thuốc. Tuy nhiên, với những biến cố xảy ra không phù hợp với cơ chế dược lý hay kiểu dị ứng của thuốc thì không được dùng để loại trừ mối quan hệ nhân quả. Đặc biệt với thuốc mới, những phản ứng có hại chưa được ghi nhận, hoặc thậm chí không thể dự đoán từ cơ chế dược lý. Ví dụ, corticosteroid thường được dùng để ức chế miễn dịch thì có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Cần quan tâm đến mức độ thường gặp của biến cố và mức độ thường gặp của biến cố khi kết hợp với thuốc. Ví dụ, đau đầu là một triệu chứng hay xảy ra và khả năng do thuốc là ít, ngược lại thiếu máu tan máu là triệu chứng có tỷ lệ mắc nền thấp và thường kết hợp với thuốc, vì vậy nó có khả năng là một ADR hơn [18], [19].



  • Sự tin cậy

Sự tin cậy có khi biến cố liên quan đến thuốc hoặc thuốc tương tự đã được ghi nhận trong y văn hay trong hệ thống dữ liệu cảnh giác dược hoặc biến cố xảy ra đã được báo cáo là một ADR trong các thử nghiệm lâm sàng, các nghiên cứu hậu marketing hay các ca báo cáo. Tuy nhiên, dù biến cố chưa được ghi nhận trong bất cứ tài liệu nào, điều đó không có nghĩa là ADR không liên quan với thuốc nghi ngờ [19].

Một cơ chế đã được công nhận để giải thích biến cố dựa trên đặc điểm dược lý của thuốc. Thông thường những ADR type A có độ tin cậy về dược lực và dược động học nên sẽ dễ dàng giải thích có mối liên hệ với thuốc nghi ngờ. Ngược lại, những ADR type B khó nhận ra hơn nếu không có báo cáo tương tự nào được ghi nhận [19], [39].




  • Những nguyên nhân có thể khác

Các nguyên nhân khác có thể giải thích được biến cố như bệnh mắc kèm, thuốc sử dụng đồng thời hay những phơi nhiễm không liên quan đến thuốc có thể giải thích biến cố hay không. Những nguyên nhân tiềm tàng như vậy thường được gọi là các yếu tố gây nhiễu và khi xuất hiện chúng thì các ca bệnh được nói là “bị gây nhiễu”. Như đã đề cập ở trên, một vài biến cố lâm sàng bất lợi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra [18], [39].

Bệnh đang mắc hay một bệnh khác mới phơi nhiễm có thể là nguyên nhân gây ra biến cố. Thông thường một bệnh nhân sử dụng nhiều hơn một thuốc điều trị, do đó biến cố có thể là do một trong các thuốc đó hoặc tương tác giữa hai thuốc gây ra. Việc ngừng sử dụng thuốc rất có ích để xác định nguyên nhân trong những ca như vậy. Với một số phản ứng, những nghiên cứu cận lâm sàng là cần thiết để khẳng định nguyên nhân. Ví dụ, nồng độ thuốc trong huyết thanh có thể khẳng định một tương tác thuốc, viêm phổi hay viêm gan do thuốc có thể được kiểm tra bằng sinh thiết [19].



Như vậy, trong bốn mối quan tâm lớn nói trên, vấn đề bản chất của biến cố và sự tin cậy về lâm sàng cần được xem xét thận trọng hơn vì hai yếu tố này thường dẫn đến những tranh cãi khi thẩm định ADR và thông tin cho sự tin cậy thường không quan trọng để khẳng định một mối quan hệ nhân quả [39].


tải về 409.87 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương