TÔng huấn hậu thưỢng hộI ĐỒng giám mục verbum domini củA ĐỨc giáo hoàng bêNÊĐITÔ XVI gửi các giám mụC, HÀng giáo sĩ


Việc giải thích Kinh Thánh theo Công Đồng: một chỉ thị cần nắm vững



tải về 1.05 Mb.
trang6/20
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích1.05 Mb.
#1513
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   20

Việc giải thích Kinh Thánh theo Công Đồng: một chỉ thị cần nắm vững


34. Trên bối cảnh này, ta có thể đánh giá tốt hơn các nguyên tắc quan trọng cho việc giải thích thuộc khoa chú giải Công giáo do Công Đồng Vatican II đã quy định, đặc biệt trong Hiến chế tín lý Dei Verbum: “Vì trong Kinh Thánh, Thiên Chúa nói nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, nên để thấy rõ điều chính Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, nhà chú giải Kinh Thánh phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử thật sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của các ngài”.106 Một đàng, Công Đồng nhấn mạnh tới việc nghiên cứu các văn thể và ngữ cảnh, như là những yếu tố căn bản giúp hiểu được ý nghĩa tác giả thánh nhắm đến. Đàng khác, vì Kinh Thánh phải được giải thích trong cùng một Thần Khí theo đó Kinh Thánh đã được viết ra, Hiến chế tín lý đưa ra ba tiêu chuẩn nền tảng để giúp quan tâm đến chiều kích thần linh của Kinh Thánh: 1) phải giải thích bản văn trong khi vẫn lưu ý tới tính thống nhất của toàn bộ Kinh Thánh; ngày nay, người ta gọi đây giải thích theo Thư Quy; 2) kế đó, phải quan tâm đến Truyền thống sống động của toàn thể Giáo Hội; và 3) cuối cùng, phải tỏ ra tôn trọng nguyên tắc loại suy đức tin. “Chỉ khi nào cả hai bình diện phương pháp luận, phương pháp mang tính phê bình-lịch sử và phương pháp mang tính thần học, đều được tôn trọng, ta mới có thể nói tới một khoa chú giải thần học, tức một khoa chú giải phù hợp với Quyển Sách này”.107

Các Nghị Phụ có lý khi quả quyết rằng không thể chối cãi được hoa trái tích cực phát sinh từ việc sử dụng phương pháp nghiên cứu phê bình-lịch sử. Tuy nhiên, trong khi khoa chú giải hàn lâm hiện đại, kể cả Công Giáo, làm việc ở một cấp độ cao trên bình diện của phương pháp luận phê bình-lịch sử bằng cách tiếp thu những đóng góp mới đây, vẫn nên yêu cầu có một nghiên cứu tương tự dành cho chiều kích thần học của các bản văn Kinh Thánh, hầu Kinh Thánh được hiểu sâu sắc hơn, theo ba yếu tố đã được Hiến chế tín lý Dei Verbum nêu ra.108


Nguy hiểm của thuyết nhị nguyên
và khoa chú giải trần tục hoá


35. Về phương diện này, nên nhắc tới nguy cơ trầm trọng do một thuyết nhị nguyên mới xuất hiện ngày nay khi tiếp cận Kinh Thánh. Quả thế, phân biệt hai bình diện tiếp cận Kinh Thánh không hề có nghĩa tách biệt chúng hay đặt chúng đối lập nhau, cũng không chỉ là đặt chúng bên nhau. Chúng được liên kết với nhau. Đáng tiếc thay, không hiếm khi người ta đã tách biệt chúng cách vô ích, và do đó, tạo ra một sự phân rẽ giữa chú giải và thần học, điều này “xảy ra cả ở những bình diện học thuật cao nhất”.109 Ở đây, tôi muốn nhắc đến các hậu quả đáng lo ngại nhất cần phải tránh.

a) Trước hết, nếu hoạt động chú giải chỉ giới hạn ở bình diện thứ nhất, thì hậu quả là làm cho chính Kinh Thánh thành một bản văn thuộc quá khứ: “Ta có thể rút ra được các hệ luận luân lý, ta có thể học biết lịch sử, nhưng Quyển Sách như thế chỉ nói về quá khứ, và khoa chú giải không còn thật sự mang tính thần học nữa, mà trở thành một khoa sử học thuần túy, một khoa lịch sử về văn chương”.110 Rõ ràng là một lối giản lược như thế không thể nào giúp hiểu được biến cố Thiên Chúa mạc khải bằng Lời của Ngài, một mạc khải đã được truyền lại cho ta trong Truyền thống sống động và trong Kinh Thánh.

b) Tình trạng thiếu một công việc chú giải Kinh Thánh theo đức tin không phải chỉ kéo theo một sự trống vắng; thay vào đó sẽ không tránh được một cách giải thích khác, một cách giải thích trần tục hóa, duy nghiệm, với chìa khóa căn bản là xác tín rằng yếu tố thần linh không hề xuất hiện trong lịch sử loài người. Theo cách giải thích này, bất cứ chỗ nào xem ra có sự hiện diện của một yếu tố thần linh, thì đều phải được giải thích cách khác và phải giản lược mọi sự vào chiều kích nhân loại. Hậu quả là người ta đề nghị những cách giải thích phủ nhận tính lịch sử của các yếu tố thần linh.111

c) Một lập trường như thế chỉ có thể gây ra những tác hại trong đời sống Giáo Hội, vì gieo rắc sự hoài nghi đối với các Mầu nhiệm căn bản của Kitô giáo và giá trị lịch sử của chúng, chẳng hạn việc thiết lập phép Thánh Thể và sự Phục Sinh của Đức Kitô. Khi đó, người ta đã áp đặt một cách giải thích triết học, cách này phủ nhận rằng yếu tố thần linh có thể đi vào và hiện diện trong lịch sử. Chấp nhận một lối giải thích như thế trong các nghiên cứu thần học chắc chắn sẽ đưa tới một tình trạng lưỡng phân nặng nề phân biệt giữa chú giải chỉ giới hạn ở bình diện thứ nhất và thần học chỉ nhằm thiêng liêng hoá ý nghĩa của Kinh Thánh, mà không tôn trọng đặc tính lịch sử của Mạc Khải.

Lập trường này chỉ có thể đưa tới một kết quả tiêu cực cả trên đời sống thiêng liêng lẫn trên hoạt động mục vụ; “hậu quả của tình trạng thiếu vắng bình diện phương pháp luận thứ hai là đã tạo ra một hố sâu phân cách giữa chú giải khoa học và Lectio divina. Đôi khi điều này có thể gây ra một tình trạng thiếu trong sáng trong việc soạn bài giảng lễ”.112 Cũng cần phải lưu ý rằng sự lưỡng phân này đôi khi tạo ra tình trạng mơ hồ lẫn lộn và thiếu chắc chắn trong việc đào luyện trí thức cho các ứng viên đi tới các thừa tác vụ thánh.113 Tóm lại, “nơi nào khoa chú giải không phải là khoa thần học, thì Kinh Thánh không thể là linh hồn của khoa thần học, và ngược lại, nơi nào nền thần học không chủ yếu là việc giải thích Kinh Thánh của Giáo Hội, nền thần học ấy sẽ không còn có nền móng nữa”.114 Vậy, cần phải cương quyết quan tâm nhiều hơn nữa đến các chỉ dẫn mà Hiến chế tín lý Dei Verbum đã cung cấp về phương diện này.

Đức tin và lý trí trong tiếp cận Kinh Thánh


36. Tôi tin rằng điều Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết về vấn đề này trong thông điệp Fides et ratio có thể giúp hiểu biết đầy đủ hơn về khoa chú giải và tương quan của khoa này với toàn bộ thần học. Ngài quả quyết rằng không được đánh giá thấp “mối nguy hiểm gắn liền với ý muốn cố gắng rút ra chân lý Kinh Thánh từ việc áp dụng một phương pháp luận duy nhất, mà quên rằng cần có một cách chú giải bao quát hơn, giúp nhà chú giải, cùng với toàn thể Giáo Hội, đạt tới nghĩa trọn của các bản văn. Những ai dấn thân vào việc nghiên cứu Kinh Thánh phải luôn nhớ rằng các phương pháp luận giải thích khác nhau đều có một quan niệm triết học tại nền của chúng: vậy cần cứu xét phương pháp ấy cẩn thận trước khi áp dụng vào các bản văn thánh”.115

Suy tư sáng suốt ấy giúp ta thấy rõ là trong tiếp cận giải thích Kinh Thánh, nhất thiết sẽ phải đề cập đến tương quan đúng đắn giữa đức tin và lý trí. Quả thế, cách giải thích Kinh Thánh kiểu trần tục hoá phải được coi như là hành vi của một lý trí, về phương diện cấu trúc, muốn loại trừ khả năng Thiên Chúa đi vào trong đời sống loài người và nói với loài người bằng ngôn ngữ loài người. Vậy, trong trường hợp này, cần phải mời người ta mở rộng phạm vi của lý trí.116 Chính vì thế, khi sử dụng các phương pháp phân tích lịch sử, ta phải tránh chọn cho mình những tiêu chuẩn nào tiên thiên khép lại với việc Thiên Chúa tự mạc khải ra trong lịch sử loài người. Tóm lại, tính thống nhất của hai bình diện giải thích Kinh Thánh giả thiết có một sự hài hoà giữa đức tin và lý trí. Một đàng, phải có một đức tin nắm vững một tương quan thích đáng với lý trí ngay thẳng và không bao giờ được thoái hoá thành chủ trương duy tín, đưa tới cách đọc Kinh Thánh theo chủ trương bảo thủ. Đàng khác, phải có một lý trí, trong khi đi tìm các yếu tố lịch sử có trong Kinh Thánh, tỏ ra cởi mở và không tiên thiên bác bỏ tất cả những gì vượt quá tầm mức của mình. Nói cho cùng, tôn giáo của Lời nhập thể sẽ chỉ có thể cho thấy rằng tôn giáo này hết sức hợp lý đối với bất cứ ai chân thành đi tìm chân lý và ý nghĩa tối hậu của đời mình và của lịch sử.




tải về 1.05 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   20




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương