Tiếng nói của tất cả mọi người Việt Nam yêu chuộng tự do dân chủ, công bằng xã hội, góp phần thúc đẩy công cuộc dân chủ hóa đất nước theo tiến trình văn minh chung của nhân loại, đòi hỏi thực thi công bằng và lành mạnh hóa xã hội


Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trương Vĩnh Trọng



tải về 0.51 Mb.
trang5/7
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.51 Mb.
#12974
1   2   3   4   5   6   7

Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trương Vĩnh Trọng


Người thứ hai trong Ban này và có lẽ cũng là người có quyền lực thực sự trong Ban là Phó TT Trương Vĩnh Trọng, một người đang có thêm quyền lực lớn từ sau ĐH 10. Các chức vụ hiện nay của Trương Vĩnh Trọng là ủy viên BCT, Bí thư TUĐ và Trưởng ban Nội chính Trung ương. Hai chức vụ sau cùng ông Trọng đã giữ từ Khóa 9 (2001-06). Trong ĐH 10 Trương Vĩnh Trọng đã nhẩy được vào BCT và đang kiêm nhiệm ba chức quan trọng là Bí thư Trung ương, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Nội chính trung ương và nay thêm chức Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng.

Suốt trên 5 năm qua với tư cách Trưởng ban Nội chính Trung ương, Trương Vĩnh Trọng phải biết rõ hồ sơ cá nhân của từng ủy viên BCT cũng như các ủy viên TUĐ. Điều cần nhấn mạnh nữa là, trong Khóa 9 ông Trọng cũng đã là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2) phòng, chống tham nhũng.

Cùng lúc giữ hai vai trò quan trọng như thế, nếu có ý thức trách nhiệm cao và có ý chí dám làm thì chắc chắn ông Trọng đã phải đưa nhiều vụ tham nhũng từ trung ương tới địa phương ra ánh sáng và nắm đầy đủ hồ sơ về tham nhũng của các quan lớn đang ăn bẩn . Nhưng suốt trong thời gian này Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2) lại không tự mình đưa ra được một vụ tham nhũng nào cả, một vài vụ bị lộ ra đều do sự tố cáo của nhân dân hoặc báo chí. Mỗi lần như thế Trương Vĩnh Trọng thường vẫn lớn tiếng, sẽ xử đến nơi đến chốn, bất kể người đó là ai! Nhưng trong vụ PMU 18 có dính dáng cả con rể của Nông Đức Mạnh thì ông Trọng im thin thít. Có lẽ chính vì thủ thế „im lặng là vàng“ cho nên Trương Vĩnh Trọng đã được cất nhắc vào BCT, lại vẫn giữ chức Bí thư Trung ương (một cơ quan có thực quyền chuyên lo công việc điều hành hàng ngày của đảng), đồng thời lại được cử làm Phó Thủ tướng phụ trách các lãnh vực nội trị. Nay Trương Vĩnh Trọng lại còn nhẩy vào làm Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng nữa.  Điều này cho thấy Trương Vĩnh Trọng đang giữ một vai trò rất quan trọng trong BCT Khóa 10 hiện nay.

Xuyên qua những lời tuyên bố vào cuối tháng 9.06 của Trương Vĩnh Trọng trong cuộc họp công bố chấm dứt nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2) khiến nhiều trí thức XHCN và đảng viên cấp tiến đặt một câu hỏi lớn về tư cách của ông Trọng. Mặc dầu tệ trạng tham nhũng, lãng phí của các tham quan đang ngày một bung ra khủng khiếp trong suốt 5 năm qua, nhưng tại cuộc họp nói trên Trương Vĩnh Trọng đã lại tự khen là, Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2) mà ông ta làm Trưởng ban đã „hoàn thành nhiệm vụ được giao“!:

Ban chỉ đạo Trung ương 6 (2) đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần đáng kể vào những thành tựu đạt được trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua. „

Nhưng cũng tại cuộc họp này, ủy viên BCT Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư, đã sửa gáy ông Trọng và thừa nhận cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí "vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, chưa tạo được chuyển biến căn bản tình hình." Vào đầu tháng 10 trong Hội nghị Cán bộ toàn quốc để giải thích về Nghị quyết Trung ương 3 đối với việc phòng, chống tham nhũng, Trương Tấn Sang đã nói rõ tệ trạng tham nhũng đã tung hoành như thế nào từ đầu thập niên 90 của thế kỉ trước cho tới nay. Nếu vào đầu thập niên 90 tham nhũng chỉ mới là một „thách thức lớn“ thì nay „thật sự là nguy cơ đe dọa ..sự sống còn của chế độ“:

Hiên nay tham nhũng, lãng phí không những là thách thức lớn trên con đường phát triển của đất nước như đánh giá của Hội nghị Đại biểu Toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kì Khóa 7, mà còn thật sự là nguy cơ lớn đe dọa sự ổn định chính trị-xã hội và sự sống còn của chế độ ta.“

Qua các sự kiện trên cho thấy, Trương Vĩnh Trọng một người đã từng bất lực trong công tác chống tham nhũng, lãng phí suốt 5 năm qua, nay đã không biết ngượng khi tuyên bố rằng, công việc làm của Ban do mình điều khiển đã thành công! Chẳng những thế, ông Trọng còn chui được vào BCT, cơ quan đầu não của chế độ. Nay ông ta lại còn được cắt nhắc làm nhân vật thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, một công tác mà ông Trọng đã hoàn toàn thất bại trong suốt 5 năm qua. Điều này giải thích những người có quyền lực trong BCT và vài nguời có quyền uy đứng đằng sau BCT đang theo đuổi thực tâm gì trong việc chống tham nhũng ! Qua đó người ta có thể ước tính về  khả năng và kết quả  của Ban này trong công tác chống tham nhũng sẽ ra sao!



Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Tấn Dũng


Sau khi nắm chức Thủ tướng vào cuối tháng 6. 06, một trong những công việc đầu tiên Nguyễn Tấn Dũng thực hiện là chọn một số vụ tham nhũng nổi cộm đang gây bất bình lớn trong đảng viên và nhân dân làm công tác hàng đầu, trong đó hứa giải quyết đến nơi đến chốn. Trong số này phải kể tới bốn vụ: PMU 18, vụ Lương Cao Khải và một số quan lớn trong Ban Thanh tra Chính phủ tham nhũng, vụ án đất đai ở Đồ sơn liên hệ tới Ủy ban Nhân dân Hải phòng và vụ „siêu lừa“ Nguyễn Đức Chi ở Nha trang. Tiếp theo đó Nguyễn Tấn Dũng còn ra nhiều Chỉ thị trực tiếp đòi bộ này, bộ kia hay cơ quan nọ phải giải quyết những vụ nổi cộm trong bộ hay cơ quan của mình. Trong đó ông Dũng còn ấn định cả thời gian phải giải quyết hay thời gian phài trình cho ông ta biết kết quả.

Có lẽ từ trước tới nay chưa có một Thủ tướng nào của CSVN trong vòng chưa đầy nửa năm lại ra nhiều Nghị định, Chỉ thị như Nguyễn Tấn Dũng. Chỉ tính riêng trong lãnh vực chống tham nhũng, lãng phí từ khi lên làm Thủ tướng ông Dũng đã ra cả trên chục Nghị định và Chỉ thị! Về lãnh vực này ông trở thành một TT đoạt giải quán quân vô địch!

Trong tư cách là người mới cầm đầu chính phủ thì những quyết định của Nguyễn Tấn Dũng là đúng và cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của người dân. Nhất là vào thời điểm nhân dân đang vô cùng bất mãn với bọn tham nhũng và khinh thường những người lãnh đạo đã dung túng và bất lực không dám dụng tới các tham quan. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây không phải là chỉ hứa cuội theo  cách làm của Tào Tháo ngày xưa, đánh lừa đoàn quân đang gần chết khát là sắp tới rừng mơ! Mọi người chờ đợi Nguyễn Tấn Dũng không phải chỉ là hô khẩu hiệu xuông như các người tiền nhiệm của ông, mà chính là, có làm đến nơi đến chốn hay không và nhất là ông ta có đủ uy tín và thẩm quyền để chống tham nhũng không?

Cho tới nay một số quyết định hay chỉ thị của Nguyễn Tấn Dũng đã quá thời hạn, cho nên ông ta phải gia hạn mới. Chẳng hạn như vụ đòi bộ Công an xét xử cho rõ vụ Thiếu tướng  Cao Ngọc Oánh, nguyên Thủ trưởng cơ quan điều tra vụ PMU 18 của bộ Công an. Các tin tức gần đây còn cho thấy đang có những chống đối và tranh chấp giữa Nguyễn Tấn Dũng với bộ Công an và giữa bộ Công an với Viện kiểm sát trung ương về các vấn đề xét xử tiếp tục vụ PMU 18.


             Ngày 3.11.06 Nguyễn Tấn Dũng kí quyết định cho nghỉ từ 1.12.06 (tới tuổi hưu hay cách chức?) một lúc trên 10 Thiếu tướng trong Bộ Công an đứng đầu các Tổng cục hay Cục trong bộ Công an. Trong số này có cả Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra vừa mới thay Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh điều tra vụ PMU 18. Giới am hiểu cho rằng, việc đưa một loạt nhiều cán bộ cao cấp trong Bộ Công an với lí do „tới tuổi hưu“ cùng một lúc là phản ứng bực bội của Thủ tướng Dũng đối với Bộ này. Nhưng mặt khác, một số nhân vật cao cấp hơn trong bộ Công an đang có những tai tiếng lớn về tham nhũng và lộng quyền thì vẫn bình chân như vại. Việc này chứng tỏ uy quyền của Nguyễn Tấn Dũng không lớn.

Ngày 22.9.06 Nguyễn Tấn Dũng kí Nghị định số 107/2006/NĐ-CP quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý. Trong dịp này Thủ tướng Dũng còn nói là, nếu Bộ trưởng có hành vi tham nhũng thì cũng bị cách chức. Ngày 20.10 Nguyễn Tấn Dũng còn kí Nghị định 120/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng. Ông Dũng đòi công khai, minh bạch trong các cơ quan và nhân viên của chính phủ.

Nhưng mới đây khi các vụ „biến nhà công thành nhà ông“ được báo chí khui ra, trong đó hàng ngàn biệt thự công, nhà công đã bị bán rẻ như cho cho nhiều cán bộ cấp cao từ các ủy viên BCT tới các Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch Hội đồng nhân dân…  đang bị dư luận rộng rãi rất bất bình và kết án thì chỉ ít ngày sau đã bị khép lại. Trong số những người lợi dụng chức vụ để mua nhà công này có cả Lê Đức Thúy, ủy viên TUĐ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ông Thúy đã lợi dụng chức vụ mua một trụ sở của NHNN theo giá rất rẻ và làm thủ tục rất nhanh để làm nhà riêng. Rõ ràng đây là một vụ tham nhũng và lộng quyền của người đứng đầu NHNN. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng đã không cách chức Lê Đức Thúy mà chỉ bắt ông Thúy trả lại căn nhà cho NHNN mà thôi! Quyết định dung túng Lê Đức Thúy đã cho thấy đi ngược với Nghị định số 107 mà chính ông Dũng vừa mới kí vài ngày trước. Việc này chứng tỏ là nói và làm của tân TT có đi đôi với nhau không?  Ấy thế trong cuộc trả lời chất vấn tại QH vào cuối tháng 11 Nguyễn Tấn Dũng đã nói: "Chương trình hành động đã có, bây giờ là lúc phải hành động. Chúng ta nói đúng mực, quan trọng là phải hành động bằng thực tiễn".

Nhưng khi trả lời chất vấn của nhiều đại biểu QH về tình trạng „biến nhà công thành nhà ông“ thì cũng trong buổi họp này Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết: Việc xem xét, xử lý  chỉ trong phạm vi chế tài, quy định của Nghị định Chính phủ, không đề cập đến các trường hợp mà Đảng và Nhà nước đã giải quyết trước đây, có tính lịch sử. Như vậy tân Thủ tướng Dũng muốn nói rằng, hàng ngàn biệt thự ở Hà nội và Sài gòn trong các năm qua đã được các Thủ tướng cho phép bán theo giá như cho cho các quan lớn từ các Ủy viên Bộ chính trị tới các Ủy viên Trung ương đảng đã trở thành lịch sử, tức là chuyện đã rồi!

Trong thái độ và chính sách đối với báo chí, Nguyễn Tấn Dũng cũng đang chứng tỏ nói và làm hoàn toàn trái ngược nhau. Ai cũng biết, hầu hết các vụ tham nhũng lớn bị đổ bể là do nhân dân hoặc một số nhà báo có can đảm đã tố cáo, chứ các cơ quan đảng và chính phủ không tha thiết trong các vụ này. Tuy nhiên để tỏ rằng mình cũng quan tâm tới dư luận nên từ Nông Đức Mạnh tới Nguyễn Tấn Dũng cũng thường khen ngợi báo chí trong một vài vụ việc tố tham nhũng. Khi mới nhậm chức TT, ông Dũng đã có những cuộc gặp gỡ với báo chí và khen nhiều báo đã có can đảm tố cáo tham nhũng. Nhưng mới đây một số tờ báo đã bị đình bản và nhiều tờ báo bị cảnh cáo vì đã đưa tin về việc Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy đã cứ cho in tiền Polymer, mặc dầu còn đầy những khuyết điểm. Báo chí còn khui là con trai của ông Thúy là Phó Giám đốc công ti in tiền Polymer.

Tệ hại hơn nữa, tuân hành quyết định của BCT nên ngày 29.11.06 Nguyễn Tấn Dũng đã kí Chỉ thị số  37/2006/CT-TTg ra lệnh kiểm soát chặt chẽ báo chí hơn nữa và theo dõi cũng như tìm cách trừng trị những nhà báo cứng đầu. Điều 2 khoản d của Chỉ thị này đã nhấn mạnh:

Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, làm tốt công tác động viên, khen thưởng để phát huy tốt vai trò của báo chí; đồng thời, chỉ đạo uốn nắn kịp thời và xử lý đúng pháp luật các sai phạm của báo chí. Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức và không để bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào lợi dụng, chi phối báo chí để phục vụ lợi ích riêng, gây tổn hại lợi ích đất nước.“

Điều này chứng minh chính sách thông tin và báo chí của Nguyễn Tấn Dũng không khác trước. Ông Dũng vẫn giữ chủ trương chỉ cho phép báo chí nói gì và nói tới đâu theo ý muốn của những người có quyền lực. Nghĩa là trong chính sách thông tin báo chí vẫn duy trì „những vùng cấm“ của các quan lớn không cho phép báo chí được đụng vào! Bịt miệng báo chí, đàn áp những nhà báo có can đảm và ý thức trách nhiệm đã chứng tỏ Nguyễn Tấn Dũng không có chủ tâm chống tham nhũng thực sự! Trái lại, qua Chỉ thị này Nguyễn Tấn Dũng đã công khai đứng ra bảo vệ cho các quan tham nhũng ở ngay trong BCT và TUĐ!

Khi Nguyễn Tấn Dũng đòi bộ Công an phải sớm kết thúc điều tra và công bố kết quả vụ PMU 18 thì Thứ trưởng bộ Công an, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, đã nói rõ là gặp nhiều khó khăn trong việc điều tra đối với „những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lí“. Ý nói đây là những cấm địa, „những vùng cấm!“. Nghĩa là đối với các Bộ trưởng, Ủy viên TUĐ, Ủy viên BCT thì các cơ quan điều tra không được phép đụng tới!…..Như vậy là tướng Tiệm đã vạch cho thấy, tân TT Dũng biết thừa qui định „những vùng cấm“, nhưng vẫn lớn tiếng đòi hỏi như thế chỉ để thỏa mãn anh hùng tính và thể hiện tính thích đấu võ mồm của tân Thủ tướng!
            Từ khi giữ chức Thủ tướng và cầm đầu Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng muốn đóng vai trò một người hùng, đồng thời cũng muốn xoa dịu sự bất mãn của quần chúng, cho nên ông Dũng  từng tuyên bố sẽ cách chức những cán bộ tham nhũng, bất kể là ai. Nhưng Nguyễn Phú Trọng, ủy viên BCT, Chủ tích QH và lí thuyết gia của chế độ, một người cầm trịch của nhóm bảo thủ trong BCT hiện nay đã sửa sai Nguyễn Tấn Dũng ngay:
            „Việc nào của Thủ tướng với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì lại theo nguyên tắc tập trung dân chủ.“

Nghĩa là, mọi quyết định quan trọng về các vụ tham nhũng liên quan tới các quan lớn thì ông Dũng phải xin ý kiến trong BCT, trong thực tế chỉ là một vài người có quyền lực lớn nhất. Không những thế, Nguyễn Phú Trọng còn nói thẳng cho biết quyền hạn rất giới hạn của Nguyễn Tấn Dũng trong vấn đề quyết định nhân sự:

         „Cấp thứ trưởng và tương đương trở xuống là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng có thể trực tiếp tạm đình chỉ. Còn cấp cao hơn thì phải xin ý kiến của các cơ quan chức năng.“

Như vậy là „anh hùng“ Nguyễn Tấn Dũng đã bị Nguyễn Phú Trọng sửa lưng! Chẳng những thế Nguyễn Tấn Dũng cũng không dám qua mặt Đỗ Mười, một nhân vật trước sau vẫn là người cầm trịch của phe bảo thủ. Ai cũng biết sự tồn tại của hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa là ổ nuôi tham nhũng, vừa là chỗ thất thoát tài sản hàng trăm ngàn tỉ đồng của nhân dân. Nhưng phe bảo thủ đòi tiếp tục phải duy trì DNNN là chủ đạo trong kinh tế. Ngày 19.9 Đỗ Mười, người có quyền uy đứng đằng sau dựt dây BCT đã nói rõ duy trì tiếp tục chủ trương này. Chỉ ít ngày sau Nguyễn Tấn Dũng cũng phải nhìn nhận  vai trò chủ đạo tiếp tục của các DNNN!

            Những sự kiện dẫn chứng trên đây chứng minh hai điều: Vì muốn gây thanh thế và tạo uy quyền cho nên tân TT Dũng đã đưa ra hàng loạt quyết định trong lãnh vực chống tham nhũng để tỏ cho dư luận biết rằng, mình sẽ làm thật và làm đến nơi đến chốn. Nhưng vừa mới thử ra tay thì Nguyễn Tấn Dũng đã bị chận lại ngay. Ngoài ra, vì đã từng chia ngọt xẻ bùi với các tham quan từ bao nhiêu năm nay, tay đã nhúng chàm cho nên mỗi lần ông Dũng vỗ ngực làm anh hùng thì lại phải đối diện với thực tế và quá khứ lại lừng lững hiện về trước mặt. Mới chỉ cầm đầu chính phủ nửa năm nhưng Nguyễn Tấn Dũng đã đang rơi vào thế lúng túng, bị động của một người vừa muốn trở thành anh hùng, nhưng lại không thoát ra khỏi quá khứ, không dám vượt ra khỏi cái bóng của mình. Chính những sự dằng co này cho thấy khả năng không nhiều  và uy tín không lớn của Nguyễn Tấn Dũng.

Đánh giá của một số người theo dõi thời cuộc về Nguyễn Tấn Dũng

Trong thời gian gần đây, nhất là từ sau khi công bố Nghị quyết và danh sách thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng đã có nhiều nhận định và đánh giá về khả năng, vai trò của Ban này. Trong khuôn khổ bài này, người viết chỉ nêu ra ý kiến của một số nhân sĩ và một số chuyên viên nắm bắt và hiểu được cách vận hành của chế độ này. Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai của cố TBT Lê Duẩn, dường như đã thấy cách lập ra Ban này chỉ như người chửa ghẻ ngoài da mà thôi và đã tỏ ra bi quan về khả năng của Ban này. Ông Thành ví nó như một ban chữa cháy chỉ chạy lung tung và còn nghi ngờ là thủ phạm các vụ đốt nhà có khi nằm ngay trong những người thuộc đội quân đi cứu hỏa:

Tôi nghĩ rằng dường như chúng ta lập ra Ban đó như là lập ra một đội lính cứu hoả, lửa ở đâu thì chúng ta phi đến dập…“

Nếu chúng ta vẫn không làm những việc để đám cháy khỏi bùng phát thì với một lực lượng như vậy, chúng ta không thể dập hết được. Đã chắc gì đám cháy không xảy ra ở chính trong lòng đội chữa cháy đó. Ai sẽ là người kiểm soát nó, nếu chúng ta không tìm cách ngăn chặn ngọn lửa từ đầu. „

Mới đây trong cuộc phỏng vấn của tờ Tuổi trẻ về tệ trạng là có nhiều cán bộ trong các lực lượng chống tham nhũng như công an, thanh tra, tòa án… „lại bắt tay với tham nhũng, tiêu cực để làm sai lệch hồ sơ vụ án, sai lệch kết quả điều tra, thanh tra“, Mai Quốc Bình, Phó Trưởng ban Thanh tra Chính phủ và cũng vừa mới được chỉ định làm Cục trưởng Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Ban Thanh tra Chính phủ đã xác nhận tình trạng bất lực trong việc chống tham nhũng. Vì những tham quan đã „cấu kết, có hệ thống“ với nhau:

Trong thực tế đã diễn ra tình trạng đó rồi và Nhà nước cũng phát hiện, chế tài, xử lý nhưng liệu đã đủ sức chấm dứt tình trạng đó không thì tôi cho rằng cực kỳ khó, bởi vì bản chất của tham nhũng bây giờ không phải đơn độc mà có sự cấu kết, có hệ thống nên gỡ nó là cực kỳ khó khăn và phải trả giá.“

Giáo sư Hoàng Tụy, một nhà toán học nổi tiếng và có uy tín, cũng đưa ra nhận định tương tự về các chính sách đầu voi đuôi chuột trong việc chống tham nhũng từ trước tới nay. Bởi vì chính sự tồn tại của cơ chế độc tài đảng trị là mụ đỡ và người che trở cho bọn tham nhũng:

Muốn chống tham nhũng ở Việt Nam thì cần phải hiểu cái cơ chế sản sinh ra các hiện tượng tham nhũng. Nếu chúng ta không có biện pháp quản lý thu nhập của viên chức, nếu chúng ta không xây dựng hoàn chỉnh cơ chế quản lý xã hội một cách công khai và minh bạch thì rất khó chống tham nhũng.



Theo cá nhân tôi, cho tới hôm nay, những biện pháp mà chúng ta đã đề ra để chống tham nhũng vẫn còn chưa đủ. Luật Chống tham nhũng như đã soạn thảo cũng chưa đủ...“

Nhưng GS Tụy còn nhấn mạnh thêm, cơ chế không phải là từ trên trời rơi xuống, mà chính là những phần tử có quyền lực và quyền uy đã đẻ và đang thao túng nó để bảo vệ những đặc quyền đặc lợi của mình. Bọn tham quan sẽ không bao giờ tự dời bỏ quyền lực và tiền bạc, chỉ có những biện pháp mạnh mới trị được:

Bây giờ tôi biết có người đổ lỗi cho cơ chế để phủi hết trách nhiệm, nhưng cơ chế là do ai làm? Có phải do đế quốc xâm lược nào áp đặt cho ta đâu? Muốn chống tham nhũng phải phân tích cho rõ cơ chế sinh ra nó. Nếu xác định nó là căn bệnh trọng thì phải uống thuốc đắng, đắng mấy cũng phải uống. Chỉ có thuốc đắng mới dã được tật thôi!“

*          *          *

Nói tóm lại, lên làm Thủ tướng đã được sáu tháng Nguyễn Tấn Dũng muốn tỏ rằng, ta là một anh hùng, nên đã hết ra nghị định này đến chỉ thị kia để ra oai là ta sẽ chống tham nhũng thực sự. Nhưng nhóm bảo thủ và bọn tham quan đã chẳng coi ông Dũng ra gì cả. Sau những câu nói hùng hổ chỉ thấy những hành động hèn yếu, thỏa hiệp lười biếng, đồng thời lại tìm cách ngăn chặn nhân dân và báo chí tố cáo tham nhũng! Các nhân sĩ và dư luận đã nhận ra bản chất của chính sách „đầu voi đuôi chuột“ của Nguyễn Tấn Dũng!

Muốn làm anh hùng thì phải có bản lĩnh anh hùng, phải có đảm lược, phải dám quyết định. Anh hùng mà chỉ tuyên bố xuông, còn sợ bọn tham quan dùng nanh vuốt xé mình thì chỉ là anh hùng rơm sớm nở tối tàn.

Sau những quyết định không dám đụng tới các tham quan đã ngang nhiên chiếm hàng ngàn biệt thự và nhà công  „biến nhà công thành nhà ông“ và lại còn siết cổ thêm báo chí thì Nguyễn Tấn Dũng còn được thiên hạ tặng cho chức „anh hùng dạ“. Chữ dạ ở đây không phải là rơm rạ, mà là gọi dạ bảo vâng. Bên ngoài thì Nguyễn Tấn Dũng tỏ ra anh hùng, nói năng hùng hổ, nhưng đằng sau chỉ biết mở miệng vâng dạ nhóm lãnh đạo bảo thủ và bọn tham quan!

Mới 6 tháng lên làm TT, dù có trương cờ xí, treo biểu ngữ vỗ ngực anh hùng, nhưng Nguyễn Tấn Dũng không thể đánh lừa dư luận về một quá khứ chính trị dài liên quan tới quan lộ của ông ta. Ít nhất trong hơn 10 năm vừa qua Nguyễn Tấn Dũng đã đi xa và leo cao trên quan lộ, giữ nhiều chức vụ quan trọng, nhưng thành tích lại không có gì hiển hách.  Ngay khi mới 37 tuổi Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành ủy viên dự khuyết TUĐ khóa 6 (1986); sau đó lên làm Bí thư tỉnh ủy Kiên giang và Thứ trưởng bộ Nội vụ (nay là bộ Công an). Từ ĐH 8 (1996) ông Dũng leo được  vào BCT  khi đó mới 47 tuổi, đồng thời đã giữ chức Phó TT Thường trực suốt gần 10 năm qua dưới quyền của Phan Văn Khải.

Trong suốt thời gian 10 năm làm ủy viên BCT và Phó TT Thường trực Nguyễn Tấn dũng đã được giao nhiều công tác quan trọng khác nhau, như Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chánh, Trưởng ban Chỉ đạo và phát triển  doanh nghiệp nhà nước, Trưởng ban Chỉ đạo Tây nguyên…. Cho tới nay mọi người đều thấy, cải cách hành chánh vẫn dẫm chân tại chỗ, sự tham nhũng của các quan càng gia tăng. Các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục là nơi hôi của của các tham quan, bòn rút tài sản của nhân dân. Trong khi ấy ở Tây nguyên hàng trăn ngàn đồng bào thiểu số tiếp tục bị đàn áp và phải sống trong nghèo đói.

Trong những năm qua Nguyễn Tấn Dũng đã không thành công trong các công tác quan trọng được giao phó, nhưng vẫn tiếp tục được ngồi trong BCT và nay còn lên làm Thủ tướng và Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng!  Điều này chứng tỏ thái độ sẵn sàng thỏa hiệp của Nguyễn Tấn Dũng, kể cả những thủ đoạn đầu cơ quyền lực để bảo vệ đặc quyền đặc lợi. Với một quá khứ chính trị như thế mà nay lại chờ đợi rằng, trong tư cách Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm đến nơi đến chốn, dám đụng tới cả „ những vùng cấm“! Như vậy hóa chăng chờ đợi ông Dũng sẽ có đũa thần hay đang muốn  biến mộng làm thực?  Nguyễn Tấn Dũng đang nuôi ảo tưởng về chính mình và những ai tin như thế thì là đang ngồi chờ sung rụng!

 Hiệp Hội Dân Chủ và Phát Triển Việt Nam

 

Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:

            www.dcpt.org     hay    www.dcvapt.net



GHI CHÚ

. Trần Duy, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là thiết thực góp phần bảo vệ đảng, nhà nước, bảo vệ chế độ, Quốc phòng Toàn dân  số tháng 9.06, tr. 20,21

. Thời báo Kinh tế Sài gòn số 14, 2006, tr. 15

.
Каталог: TapSan
TapSan -> Tiếng nói của tất cả mọi người Việt Nam yêu chuộng tự do dân chủ, công bằng xã hội, góp phần thúc đẩy công cuộc dân chủ hóa đất nước theo tiến trình văn minh chung của nhân loại, đòi hỏi thực thi công bằng và lành mạnh hóa xã hội
TapSan -> Tiếng nói của tất cả mọi người Việt Nam yêu chuộng tự do dân chủ, công bằng xã hội, góp phần thúc đẩy công cuộc dân chủ hóa đất nước theo tiến trình văn minh chung của nhân loại, đòi hỏi thực thi công bằng và lành mạnh hóa xã hội
TapSan -> MỘt vài thông tin nhân sự kiện gs ngô BẢo châU ĐẠt giải thưỞng fields 2010 Huỳnh Tấn Châu Trường thpt chuyên Lương Văn Chánh
TapSan -> Tiếng nói của tất cả mọi người Việt Nam yêu chuộng tự do dân chủ, công bằng xã hội, góp phần thúc đẩy công cuộc dân chủ hóa đất nước theo tiến trình văn minh chung của nhân loại, đòi hỏi thực thi công bằng và lành mạnh hóa xã hội
TapSan -> Tiếng nói của tất cả mọi người Việt Nam yêu chuộng tự do dân chủ, công bằng xã hội, góp phần thúc đẩy công cuộc dân chủ hóa đất nước theo tiến trình văn minh chung của nhân loại, đòi hỏi thực thi công bằng và lành mạnh hóa xã hội

tải về 0.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương