Thánh Thể Hy Tế tuyệt vời giới thiệU


NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT ĐỂ CỬ HÀNH THÁNH LỄ



tải về 1.6 Mb.
trang3/23
Chuyển đổi dữ liệu17.11.2017
Kích1.6 Mb.
#34398
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23

NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT ĐỂ CỬ HÀNH THÁNH LỄ

Giá trị siêu vời của Hy Tế Thánh có thể được quí chuộng hơn vì nhiều điều cần phải có để cử hành Thánh Lễ một cách thích đáng và hợp pháp đó là:



Một linh mục thừa tác, là đại diện Đức Kitô

Một bàn thờ đã được cung hiến – hay ít là làm phép – bàn thờ này phải được đặt ở một nơi cao trong mọi Nhà Thờ hay Nhà Nguyện, vì nó biểu thị núi Canvê,nơi Đức Kitô, Tế vật vô tội đã bị sát tế và treo lên Thập Giá.

Phẩm phục linh mục, gồm :

Khăn vai: một tấm vải trắng hình chữ nhật mà linh mục quấn quanh cổ và cột dây. Biểu trưng miếng vải mà người Do Thái đã dùng tại nhà Caipha để bịt mắt Chúa Giêsu rồi đánh vào mặt Người và hỏi: ‘Ai đánh ngươi’

Áo dài trằng (alba) biểu trưng chiếc áo trắng của kẻ dại mà Herôđê Antipas mặc vào cho Người.

Dây Lưng hay Đai Lưng biểu trưng cho những sợi dây dân Do Thái dùng để trói Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu và lôi Ngài đi [Xưa kia còn có Dây Tay (manipulus), nay đã bỏ].

Dây Chức hay ‘dây các phép’ (stola): bỏ qua hai vai xuốn phía trước, là phẩm phục cốt yếu của chủ tế (nên cũng gọi là Dây Các Phép); biểu thị những dây xích cột chặt Chúa Giêsu sau khi Người bị xử tử hình.

Áo lễ, áo choàng ngoài cùng, biểu thị tấm áo choàng màu đỏ mà dân Do Thái khoác lên vai Chúa Giêsu để chế nhạo Người là Vua. Hình Thánh Giá phía trước và sau Áo Lễ nhắc chúng ta nhớ đến Thánh Giá mà Chúa Giêsu chết trên đó.

Chén Lễ hay Chén Thánh nhắc chúng ta nhớ đến rượu Chúa Giêsu đã dùng trong Bữa Tiệc Ly và chén giấm mà Người đã không uống trên Thánh Giá.

Tấm Che Chén, hình vuông bằng vải cứng dùng để đậy Chén Lễ, nhắc ta nhớ đến tảng đá được vần ra để đậy cửa mồ Chúa Giêsu.

Đĩa Thánh, một đĩa tròn để đặt Bánh Thánh. Cả Chén Thánh và Đĩa Thánh đều phải mạ vàng ở mặt trong và được Giám Mục cung hiến vì phần này chạm trực tiếp vào Mình và Máu Chúa Giêsu.

Khăn Thánh, một tấm khăn lớn trắng tinh hình vuông đặt dưới Chén Thánh và Đĩa Thánh. Biểu thị Khăn Liệm Xác Chúa Giêsu.

Khăn Lau Chén, một miếng vải mỏng hình chữ nhật dùng để lau Dĩa và Chén Thánh sau khi rửa.

Mạng phủ, dùng để phủ Chén Thánh và Đĩa Thánh khi không dùng, biểu thị Màn Đền Thờ bị xé làm đôi khi Chúa Giêsu tắt hơi thở.

Hai bình Rượu Nước, một bình đựng rượu và một bình đựng nước.

Một Khay và Khăn Lau Tay, linh mục dùng để rửa và lau các ngón tay trước Truyền Phép và sau Rước Lễ.

Bánh Không Men, làm thành hình Bánh Thánh Lớn cho Linh Mục và các hình nhỏ hơn cho giáo dân, làm bằng bột mì trộn nước lã mà thôi.

Ít là hai Cây Nến cháy, cắm vào Chân Nến

Hai Khăn Bàn Thờ phủ mặt trên của Bàn Thờ.

Một quyển Sách Lễ Roma với tất cả các Lời Nguyện, Kinh Tiền Tụng, Lễ Qui và các công thức ban Phép Lành cho toàn năm phụng vụ.

Một cái Gối hay Giá để Sách Lễ.

Một tượng Chịu Nạn (Thánh Giá) đặt giữa bàn thờ đối diện với linh mục.

Một Chuông Nhỏ hay Cồng Chiêng.

Một Người Giúp Lễ hay Lễ Sinh để đọc các câu đáp và rung chuông; có nhiệm vụ mang nước và rượu, khay rửa tay và khăn lau tay.

Hầu hết các vật dụng nêu trên đều cốt yếu cho Thánh Lễ, nhiều thứ còn cần đến nỗi thiếu thì có thể mắc tội, hay ít là tội không vâng lời.

CẦN PHẢI CÓ TƯỢNG CHỊU NẠN

Khi dân Moor đã chinh phục phần lớn nước Tây Ban Nha, có một ông vua tại Caravaca đã bắt được một số rất đông tín hữu làm tù nhân. Ông thương cảm và muốn thả thích họ, nên truyền đem mọi người đến trình diện ông. Ông hỏi từng người về nghề nghiệp của họ và cho phép họ hành nghề. Trong số tù nhân có một Linh Mục khi được hỏi câu trên liền trả lời rằng ơn gọi của ông là ơn gọi cho ông quyền đem Thiên Chúa Toàn Năng từ trời xuống. Vua yêu cầu ông đưa ra bằng chứng về quyền năng này. Ông đáp rằng ông không thể đưa ra bằng chứng trừ khi có đủ những thứ mà người Kitô hữu cần đến để cử hành Thánh Lễ.

Vua truyền cho ông liệt kê một danh sách tất cả những thứ cần Linh Mục liệt kê ra nhưng quên mất một thứ: tượng Chịu Nạn. Chỉ khi sắp sửa dâng Thánh Lễ, ông mới nhận ra sự thiếu sót của mình. Ông rất bồn chồn và do dự, còn vua thì có thể thấy đã có chuyện gì không ổn và nghĩ rằng ông linh mục này không thạo nghề của mình. Vua hỏi ông có chuyện gì không ổn. Ông trả lời rằng ông đã quên mất một mục trong danh sách: một tượng Chịu Nạn và ông thấy hoàn toàn không đúng khi cử hành Thánh Lễ mà không có tượng Chịu Nạn.

Trong tình thế bối rối ông nài xin Chúa giúp: Đột nhiên chiếc mái vòm của căn phòng nơi có Bàn Thờ bỗng rẽ ra làm đôi và hai Thiên Thần sáng chói như mặt trời từ trên cao khênh xuống một cây Thánh Giá lớn rất đẹp bằng gỗ. Vua cùng mọi người có mặt liền té xuống đất và chỉ đứng dậy sau khi những vị khách thiên thai mà họ nghĩ là các Thần đã biến mất. Họ không còn nghi ngờ rằng Linh Mục có quyền năng gọi Thiên Chúa từ Trời xuống và mọi người sẵn sàng nhìn nhận Kitô Giáo là đạo thật.

Đó là gốc tích Cây Thánh Giá nay vẫn còn được lưu giữ và tôn kính tại Caravaca nước Tây Ban Nha.

NGHI THỨC VÀ LUẬT CHỮ ĐỎ CỦA THÁNH LỄ

[Chú thích của người biên tập: Nghi thức mà Linh Mục chủ tế phải theo khi cử hành Thánh Lễ cũng chứng minh địa vị siêu vời của Thánh Lễ. Chủ tế bái gối, cúi đầu, làm Dấu Thánh Giá, giang rộng hai tay hay chấp tay trước ngực, tất cả đều theo Luật Chữ Đỏ. Thể hiện và tuân giữ chính xác mọi luật chữ đỏ đã qui định chính là điều tạo phẩm chất cao vời cho cuộc cử hành, cũng như coi thường các luật ấy làm cho việc cử hành trở thành một cuộc trình diễn không hấp dẫn và thậm chí nhàm chán, như việc các tín hữu tham dự hay không tham dự chứng minh rõ ràng điều đó.

Thánh Lễ Rôma bằng tiếng Latinh chất chứa những Luật Chữ Đỏ và nghi lễ đẹp và giàu ý nghĩa, đã được tác giả liệt kê ra. Ông không cho rằng những điều này là nhàm chán, ngược lại, giống như Hội Thánh, ông nhìn chúng như là những đồ trang điểm giúp giữ lại phẩm cách cao vời và làm tăng vẻ rực rỡ của hành vi cao vời nhất và vinh quang nhất của việc Thờ Phượng Thiên Chúa. Điều này cũng đúng đối với Thánh Lễ bằng tiếng địa phương, miễn là chủ tế trung thành tuân theo Luật Chữ Đỏ của Sách Lễ với phong cách của sự vâng phục nghiêm nhặt và hoàn hảo của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha. Chủ tế phải đại diện cho Đức Kitô.]

Tất cả nghi thức này có một ý nghĩa thần bí và góp phần vào việc thễ hiện đúng mức và cung kính hành vi thánh thiện và cao cả này. Về điểm này, Đức Giáo Hoàng Piô V đã nghiêm khắc truyền rằng, vì đức vâng lời, mọi Hồng y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, Khâm Sứ và Linh Mục đều phải cử hành Thánh Lễ theo cách thức này chứ không được theo cách thức nào khác, không được thêm hay bớt gì bằng bất cứ cách nào. [Sau Công Đồng Vaticanô II, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cho phép duyệt lại Nghi Thức Thánh Lễ Rôma biên tập.] Nếu một linh mục nào tự ý và cố tình thay đổi hay bỏ đi bất kỳ nghi lễ nào trong số này, thì phải được kể là phạm một trọng tội, chứ không phải là một lỗi nhẹ do sự cẩu thả của mình, vì không chỉ là một sự xúc phạm đối với danh dự và địa vị của Hành Vi Thờ Phượng cao cả nhất này, mà còn là một sự vi phạm rõ ràng luật Hội Thánh.

Vì vậy chúng ta có thể đọc được rằng các tín hữu mang nặng ơn đối với linh mục là người buộc phải tuân giữ các Qui Luật nghiêm nhặt như thế khi dâng HY LỄ THÁNH cho họ. Nhờ hành vi này, linh mục nhận được một phần thưởng vĩnh cửu, nhưng chúng ta cũng không được quên rằng họ cũng được hưởng một phần thưởng tạm thời (vật chất). Không được bỏ thói quen dùng tiền xin lễ, vì như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: Anh em không biêt rằng người lo các thánh vụ thì được hưởng lộc Đền Thờ, và kẻ phục vụ bàn thờ thì cũng được chia phần của bàn thờ sao? Cũng vậy, Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng (I Cr 9: 13-14)

TẠI SAO THÁNH LỄ BẰNG TIẾNG LATINH

Nếu có người hỏi: Tại sao Thánh Lễ bằng tiếng Latinh, một ngôn ngữ không còn được sử dụng nữa, chúng ta trả lời: Thánh Lễ không phải là một bài giảng, mục đích Thánh Lễ không phải để dạy dỗ dân chúng; Thánh Lễ là sự dâng hiến Hy Tế của Tân Ước cho dân. Có những lý do chính đáng tại sao Thánh Lễ nên được cử hành bằng một ngôn ngữ không bao giờ có thể thay đổi.

Một số ngôn ngữ được gọi là ‘từ’ ngữ, số khác là ‘sinh’ ngữ. Các từ ngữ không còn được sử dụng rộng rãi và vì thế không thay đổi ý nghĩa; còn các sinh ngữ là những cách nói năng đang được sử dụng bởi nhiều quốc gia khác nhau, Nếu Thánh Lễ được cử hành bằng sinh ngữ, sẽ có nguy cơ các từ bị thay đổi và ý nghĩa gốc của các công thức Thánh Lễ cũng thay đổi theo, nên Hội Thánh phải phòng ngừa nguy cơ này . Vì một phần tất yếu của tôn giáo không thể thay đổi, nên các ý nghĩa của ngôn ngữ tôn giáo cũng phải luôn luôn giữ nguyên.

Sự duy nhất về giáo thuyết trong Hội Thánh Công Giáo trên khắp thế giới được minh họa rất đẹp bởi sự đồng nhất của ngôn ngữ mà Hội Thánh sử dụng, ở đó mầu nhiệm Đức Tin cao cả mà Hội Thánh tuyên xưng đều được cử hành giống hệt nhau, bằng cùng một ngôn ngữ. Và để giúp các tín hữu bình thường không bị ngu dốt về ý nghĩa của các kinh nguyện bằng tiếng Latinh trong Thánh Lễ. Hội Thánh với tình hiền mẫu đối với con cái mình đã lo liệu để các kinh ấy trong các ‘Sách Lễ’ được dịch ra tiếng địa phương của mỗi nước. Hội Thánh cũng truyền dạy tất cả những ai chăm sóc các linh hồn phải thường xuyên cắt nghĩa cho đoàn chiên mình ý nghĩa của các kinh nguyện và nghi lễ của Thánh Lễ để không một ai mà không hiểu.



VỊ THƯỢNG TẾ CAO CẢ CỦA TÂN ƯỚC

Từ những điều nói trên, chúng ta có thể có một vài ý niệm về địa vị cao siêu của HY TẾ THÁNH LỄ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn nữa khi xét AI thực sự là người dâng hiến Lễ Tế Thần Linh này.

Thực ra AI? Có phải là một Linh Mục, một Giám Mục, một Giáo Hoàng, một Thiên Thần, một vị Thánh, hay có lẽ là Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa chăng? Không phải ai khác mà là Đấng vĩ đại nhất trong mọi Linh Mục và Giám Mục, là Con Một của Chúa Cha Hằng Hữu. Đức Giêsu Kitô, Đấng được Cha xức dầu làm Thượng Tế muôn đời theo Dòng Menkisêđê. Đây là cái tạo cho Hy Tế Thánh Lễ địa vị vô biên, siêu vời và làm cho lễ tế ấy trở thành một Lễ Tế Thần Linh.

Thánh Gioan Kim Khẩu đã dùng lời sau đây để chứng thực rằng trong Thánh Lễ, chính Đức Kitô, vị Thượng Tế cao cả, là Đấng dâng Hy Tế Thánh: “Linh Mục chỉ là thừa tác viên vì Đấng thánh hóa và biến đổi tế vật là chính Đức Kitô. Đấng trong Bữa Tiệc Ly đã biến đổi bánh thành Thịt của Người. Người vẫn tiếp tục làm điều đó hôm nay. Vì vậy, hỡi người Kitô hữu, khi bạn thấy một Linh Mục ở Bàn Thờ, hãy nghĩ và nhìn thấy bàn tay của Đức Kitô vô hình đối với con mắt phàm nhân.” Bằng những lời này, Thánh Gioan Kim Khẩu khẳng quyết một cách không thể sai lầm rằng đích thân Đức Kitô thể hiện hành vi hiến tế cao cả, rằng Người từ Trời xuống, rằng Người biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Người, rằng Người tự hiến dâng chính Mình cho Chúa Cha để cứu rỗi thế giới, và là Đấng chuyển cầu trung thành trước mặt Thiên Chúa cho hạnh phúc của dân Người. Các Linh Mục chỉ là những tôi tớ của Người: họ để cho Người sử dụng môi, miệng, giọng nói, bàn tay của họ làm những dụng cụ để dâng Hiến Tế Thần Linh này.

Và để không ai từ chối tin lời của Thánh Gioan kim Khẩu, chúng tôi sẽ viện dẫn thêm những chứng cớ khác nữa mà không ai dám bắt bẻ, vì đó là bằng chứng của Hội Thánh Công Giáo qua lời dạy của Công Đồng Trentô: “Hy Tế Thập Giá và Hy Tế Thánh Lễ là cùng một Hy Tế: cùng một Hy Tế là Đức Kitô tự hiến dâng mình trên Thập Giá bây giờ được dâng lên qua các thừa tác vụ của các linh Mục.” Bằng chứng những lời này, Hội Thánh dạy chúng ta – và truyền chúng ta tin – rằng các linh mục chỉ là những thừa tác viên của Đức Kitô và Đức Kitô tự híến tế chính mình khi bị treo trên Thập Giá.

Quả là một vinh dự lớn lao biết bao, một đặc ân vô giá chừng nào, một lợi ích vô biên khi chúng ta được Chúa Cứu Thế của chúng ta hạ cố để trở thành Tư Tế của chúng ta, Đấng trung gian của chúng ta, Đấng bầu chữa cho chúng ta, và là Đấng hiến tế chính Mình Người cho Thiên Chúa Cha vì chúng ta.

Chúng ta hãy nghe Thánh tác giả Thư Do Thái nói thế nào về sự cao cả và vinh quanh của hành vi này: Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. Đức Giêsu không như các thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng tế lễ hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau đó để đền thay cho dân: phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. Vì luật Môsê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng dòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật lại đặt Người Con đã nên thập toàn đến muôn đời (Dt 7:26-28).

Thánh Tông Đồ đã dùng những lời lẽ bóng bẩy như thế để phô bày trước mắt chúng ta sự cao cả của Tình Yêu Thiên Chúa đối với chúng ta, đó là Người đã ban cho chúng ta một vị Thượng Tế và Trung Gian không phải là một con người mỏng dòn yếu đuối và tội lỗi, mà là chính Con Một của Người, tinh tuyền và thánh thiện vẹn toàn.

Bây giờ chúng ta xét đến những lý do tại sao Đức Kitô không ủy thác cho ai nhiệm vụ dâng Hy Tế mà chính bản thân Ngài. Chủ yếu là vì Lễ Tế nảy phải thanh sạch và không tì vết: Ở khắp nơi, Chúa phán, một lễ tế tinh tuyền được dâng lên để kính Danh Ta. Về điểm này. Hội Thánh dạy: “[Hy Tế Thánh Lễ này] thực là lễ tế thanh sạch không thể bị ô uế bởi bất cứ sự bất xứng hay tội ác nào của người dâng lễ tế này, mà linh mục lại là một người phàm nên lễ tế này có thể bị ô uế, và chúng ta có thể nghi ngờ lễ tế ấy không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa. Vì vậy Thiên Chúa Cha đã quyết định rằng chính Con Một chí thánh của Người phải giữ lại cho mình danh xưng và chức vụ của một Thượng Tế, theo như lời Người đã phán: Con là Tư Tế muôn đời theo Dòng Menkisêđê (Tv 109:4)

Vì vậy chúng ta thấy rằng, mặc dù linh mục cử hành Thánh Lễ, nhưng thực ra họ không phải là người dâng Hy Tế, họ chỉ là người đại diện cho vị Thượng Tế cao cả là Đức Giêsu Kitô. Nếu một người đưa cho đầy tớ của mình một món tiền để dâng lễ cho mình tại một đền thờ, thì giả sử đầy tớ ấy là người đang mắc tội trọng, lễ dâng cũng không vì thế mà mất đi giá trị của nó. Cũng vậy linh mục khi dâng Lễ Tế nhân danh Đức Giêsu Kitô thì hoàn toàn không thế nào làm cho Lễ Tế ấy trở thành ô uế hay mất đi sự thánh thiện.

Nhưng ta có thể nói, tại sao Đức Kitô không ủy thác cho một Thiên Thần hay một vị Thánh để dâng Hy Tế này? Thậm chí Người Mẹ trinh khiết vô song của Người – vô nhiễm nguyên tội và đầy ân sủng và không thể làm cho lễ vật này trở thành ô uế dù rất nhẹ - cũng không thể dâng Hy Tế này một cách hoàn hảo.

Sở dĩ Đức Kitô không ủy thác, và KHÔNG THỂ ủy thác việc DÂNG Hy Tế Thánh Lễ cực thánh cho Mẹ của Người, cho một Thiên Thần hay một vị Thánh nào đó, đó là để có thể hàng ngày Người dâng lên Cha Người một lễ dâng không bao giờ thay đổi, được dâng một cách vô cùng cao cả và hoàn toàn hiệu quả đến nỗi chắc chắn làm đẹp lòng Thiên Chúa Ba ngôi Cực Thánh.

Vì vậy mọi Thánh Lễ được cử hành đều là một hành vi cao trọng vô cùng, được thực hiện bởi chính Đức Kitô với lòng hiếu thảo, cung kính và yêu mến mà con người hay thiên thần cũng không thể nào hiểu hết. Điều này đã được chính Chúa Giêsu mặc khải cho Thánh Mechtilde qua những lời này: “Chỉ một mình thầy biết và hiểu hoàn toàn lễ dâng mà mỗi ngày Thầy dâng hiến chính minh Thầy vì phần rỗi của tín hữu. Lễ dâng của Thầy vượt quá sự hiểu biết của các Thiên Thần Kêrubim và Sêraphim, và của mọi cơ binh Thiên Thần trên Trời.”

Lạy Chúa, Hy Tế mà chính Đức Kitô tự hiến chính mình trong Thánh Lễ quả là vinh quang biết bao, mạnh thế biết bao và vô giá chừng nào, vì tất cả các bậc thần thánh cao sang nhất trên Trời cũng không thể nào hiểu thấu. Ôi Giêsu đáng tôn thờ. Mầu Nhiệm này quả là khôn dò, vì chỉ một mình sự Khôn Ngoan và Trí Hiểu Thần Linh của Người mới có thể hiểu và đánh giá nổi. Hạnh phúc cho ai tham dự Thánh Lễ và nhờ đó đáng được dự phần vào Hy Tế mà chính Chúa dâng lên cho họ, sức mạnh và hiệu quả của Hy Tế này trí khôn thụ tạo không thể nào dò thấu.

Vì thế chúng ta hãy ghi tạc điều này vào lòng và suy gẫm kỹ xem chúng ta được lợi biết chừng nào khi tham dự Thánh Lễ, vì trong Thánh Lễ Đức Kitô tự dâng hiến chính mình cho chúng ta, và đặt mình làm Đấng Trung Gian giữa sự công bằng của Thiên Chúa và các tội lỗi của loài người, và xóa bỏ hoàn toàn hay làm giảm nhẹ một phần hình phạt mà chúng ta đáng phải chịu vì những lỗi phạm hằng ngày của chúng ta. Chỉ cầ hiểu rõ điều này, chúng ta sẽ yêu mến Thánh Lễ biết bao, chúng ta sẽ tham dự Thánh Lễ sốt sắng biết bao, và chúng ta sẽ nhất quyết không để cho bất cứ điều gì ngăn cản chúng ta đến với Thánh Lễ. Trái lại, chúng ta sẽ sẵn sàng chịu những thiệt thòi vật chất hơn là để cho linh hồn bị tước mất lợi ích của việc tham dự Hy Tế thánh thiêng và cứu độ này. Các Kitô hữu thời kỳ đầu đã có lòng sốt sắng như thế đấy, họ thà mất mạng sống mình hơn là bỏ một Thánh Lễ.

DỰ THÁNH LỄ; NHỮNG MẪU GƯƠNG ANH HÙNG

Sự kiện sau đây xảy ra vào khoảng năm 303 C.N.

Tại thành phố Aluta bên Châu Phi, tất cả các nhà thờ Công Giáo đều bị phá hủy và việc thờ phượng Kitô Giáo bị nghiêm cấm theo sắc chỉ của Hoàng Đế. Nhưng bất chấp lệnh cấm này, một số Kitô hữu cả nam lẫn nữ đã tụ tập tại một nhà riêng để dự Thánh Lễ. Họ bị người ngoại đột kích, bị bắt và lôi đến trước quan tòa tại nơi phố chợ. Sách Lễ cùng với những sách khác của các tù nhân bị quẳng vào đống lửa ở chợ trước sự chế nhạo của mọi người. Tuy nhiên các sách ấy vẫn không bị cháy, vì trước khi lửa kịp bùng lên, một trận mưa rào lạ thường đổ xuống và lửa bị tắt ngúm. Quan tòa bị ấn tượng quá mạnh trước sự kiện này, ông đã ra lệnh đem các tù nhân gồm 34 đàn ông và 27 phụ nữ đến trình diện trước Hoàng Đế. Những người Kitô hữu này hân hoan lên đường, vừa đi vừa hát thánh ca và thánh vịnh để thời gian qua nhanh.

Khi họ được đưa tới trước mặt Hoàng Đế, quan cai tù tâu: “Tâu Hoàng Đế, những người Kitô hữu quấy rối này bị chúng tôi bắt tại thành Aluta, nơi họ coi thường lệnh Hoàng Đế và đang thờ cúng các thần giả trá.” Hoàng Đế liền bắt một người tù trong số này, lột hết quần áo, đặt lên giàn và lấy móc sắt lóc hết thịt người này. Lúc ấy một người tù khác tên là Telica liền lên tiếng: “Này bạo chúa, tại sao ông lại tra tấn một người thôi? Chúng tôi đây tất cả đều là Kitô hữu, tất cả chúng tôi đều đã dự thánh Lễ giống như người này”. Hoàng Đế liền bắt người này chịu cùng một cảnh tra tấn như người kia. Rồi ông hỏi: “Tên nào chịu trách nhiệm về cuộc tụ tập này?” “Đó là linh mục Saturninus, và tất cả chúng tôi.” Họ đáp, “nhưng ông nên biết rằng ông đang hành động rất bất công về chuyện này.” “Các ngươi phải tuân lệnh của ta và từ bỏ thờ cúng các thần giả trá này.” Hoàng Đế nói. Nhưng Telica trả lời: “Chúng tôi không phải vâng lệnh nào ngược với các điều răn của Thiên Chúa tôi, và tôi sẵn sàng chết về Người.” Thế là Hoàng Đế ra lệnh cởi trói cho các tù nhân và ném họ vào tù, không cho đồ ăn thức uống gì cả.

Trong khi ấy, người anh ngoại đạo của một tù nhân đến và tố cáo một nghị sĩ tên là Dativus là đã dụ dỗ em gái ông tên là Victoria đi dự lễ. Nhưng Victoria tự mình lên tiếng: “Chẳng có ai dụ dỗ tôi cả, chính tôi tự ý đến nhà ấy để dự Thánh Lễ, vì tôi là người Kitô hữu, và tội của tôi là vâng theo Luật Chúa Kitô.” Anh cô trả lời: “Mày mất trí rồi, và mày nói giống như một con điên.” “Tôi không phải là con điên, mà là Kitô hữu.” cô đáp. Bấy giờ Hoàng Đế hỏi cô có muốn trở về nhà với anh cô không, cô đáp cô coi những người đang chịu cực hình nhân danh Đức Kitô là những anh chị em thực sự của cô; cô cũng không muốn rời bỏ họ, vì cô cũng đã đến dự Thánh Lễ và rước lễ cùng với họ. Hoàng Đế thúc giục cô hãy nghe lời khuyên của anh mà cứu lấy thân; chính Hoàng Đế rất muốn cứu cô vì cô là một phụ nữ có nhan sắc tuyệt trần và là thành viên của một gia đình quyền quý trong thành phố. Nhưng thấy rằng mọi lời thuyết phục đều vô ích. Hoàng Đế ra lệnh giam cô lại và vẫn tìm hết cách để dụ cô bỏ đức tin. Cha mẹ cô gái này ép cô lấy chồng, nhưng thay vì chịu ép buộc, cô nhảy qua cửa sổ sang phòng giam của linh mục Saturninus và nài xin vị này nhận cô vào hàng ngũ các trinh nữ thánh hiến.

Cuối cùng, tên bạo chúa nói chuyện trực tiếp với linh mục Saturninus và hỏi có phải ông đã tụ tập những người này để thờ cúng chống lại sắc chỉ của vua không. Saturninus đáp: “Tôi tụ tập họ theo lệnh của Thiên Chúa để phụng sự Người” “Tại sao ngươi làm điều đó?” hoàng đế hỏi. “Vì chúng tôi có bổn phận dâng Hy Tế Thánh.” linh mục này đáp. Và khi hoàng đế hỏi có phải chính ông đã xúi dục và thuyết phục mấy người này tụ tập với nhau để làm việc đó không, vị linh mục nhin nhận đúng như vậy và chính ông đã cử hành Thánh Lễ. Thế là quan tòa xử ông phải bị lột hết quần áo và lóc hết thịt cho tới khi lòi ruột ra và bị ném vào ngục tối cùng với các tù nhân khác.

Một tù nhân khác tên là Emericus (sau này được phong thánh) cũng bị dẫn đến trước Hoàng Đế. Khi người ta hỏi ông là ai, ông nói ông chính là người đã tổ chức cuộc hội họp này, vì Thánh Lễ đã được cử hành tại nhà chính ông và ông đã tổ chức Thánh Lễ vì lợi ích của các anh chị em; họ không thể thiếu Thánh Lễ. Vì vậy ông cũng bị phạt như những người khác.

Sau đó Hoàng Đế nói với những tù nhân còn lại: “Ta mong các ngươi hãy xem gương của những người đồng đạo của các ngươi đã chịu cực hình, để các ngươi không vứt bỏ mạng sống mình giống như họ. Nhưng tất cả họ đều trả lời: “Chúng tôi là Kitô hữu, chúng tôi quyết tâm tuân giữ Luật Chúa Kitô dù có phải đổ máu.”

Hoàng Đế chỉ tay về một tù nhân trước mặt ông tên là Felix và hỏi: “Ta không hỏi ngươi có phải là Kitô hữu hay không, nhưng ta muốn biết ngươi có tham dự Thánh Lễ ấy không.” Felix đáp: “Câu hỏi này thừa. Một Kitô hữu không thể sống nếu không có Thánh Lễ cũng như không thể có Thánh Lễ nếu không có người Kitô hữu. Tôi mạnh bạo tuyên bố rằng chúng tôi tụ tập nhau lại với lòng đạo đức sốt sắng và đọc kinh cầu nguyện đang khi cử hành Thánh Lễ.” Nghe nói thế, Hoàng Đế giận điên lên và truyền đánh đòn vị thánh tử đạo này cho đến chết.

Sau sự việc này, tất cả các tù nhân còn lại đều bị tra tấn dã man và ném vào một ngục lớn và không được ăn uống gì cả. Những người bà con đem thức ăn đến cho họ nhưng bị cai ngục lấy sạch. Các Tôi Tớ Đức Kitô bị bỏ đói và khát cho đến chết.

Câu chuyện này được ông Baronius kể lại từ các sự tích xưa, nó chứng minh rõ ràng rằng trong Hội Thánh Kitô giáo thời kỳ đầu, Thánh Lễ được cử hành và có các tín hữu tham dự. Từ câu truyện này, chúng ta cũng biết được rằng các Kitô hữu có lòng sùng mộ Thánh Lễ biết chừng nào. Họ sẵn sàng chịu tra tấn và chết hơn bỏ Thánh Lễ. Tại sao có sự sốt sắng phi thường đến thế. Họ đánh giá cao sức mạnh siêu vời của Thánh Lễ và hăng hái ước ao chia sẻ những hoa qủa của Thánh Lễ. Ước gì gương sáng của họ là bài học cho chúng ta để biết tham dự Thánh Lễ một cách hết sức sốt sắng và lãnh nhận được nhiều ơn lành hơn cho linh hồn chúng ta và tất cả những người chúng ta yêu mến.

GIÁ TRỊ VÔ BIÊN CỦA LỄ TẾ

Tất cả những gì đã nói về sự siêu vời của Hy Tế Thánh Lễ cũng chưa đủ để diễn tả giá trị của Tế Phẩm được dâng lên Thiên Chúa Ba ngôi Cực Thánh trong Thánh Lễ. Tác giả Thư Do Thái nói: Bất cứ ai được phong làm thượng tế cũng là để dâng lễ vật và tế phẩm (Dt 8:3). Vì vậy, như Đức Kitô đã được Cha Người xức dầu làm Thượng Tế, thì Người cũng phải có một có một tế phẩm để hiến tế. Thánh Tông Đồ không nói tiếp rằng Đức Kitô có gì để dâng trên bàn thờ; ngài để chúng ta suy gẫm về điều đó. Vậy chúng ta hãy hỏi: Với tư cách là Thượng Tế, Đức Kitô đã sát tế vật gì cho Thiên Chúa Cha?

Tế phẩm phải là một lễ vật không tầm thường, nhưng có giá trị siêu vời vô hạn; nếu không thì không xứng đáng để dâng lên cho Thiên Chúa vô biên. Ví giá trị siêu vời của lễ vật được dâng hiến phải tỉ lệ thuận với sự cao cả của Đấng mà lễ vật ấy được dâng lên. Một người mà dâng một tặng vật xoàng xĩnh cho một ông vua thì chẳng những không được vua cảm ơn mà còn làm cho ông vua khó chịu. Vậy mà Thiên Chúa Toàn Năng là Chúa Tể tối cao của trời đất, siêu vượt hẳn mọi Vua Chúa trần gian. Chúng ta hãy nghe lời sách Khôn Ngoan nói về Người: Trước Thánh Nhan, toàn thể vũ trụ ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất (Kn 11:22). Nếu cả vũ trụ này cũng chẳng bằng một giọt sương trước nhan Thiên Chúa, thì có gì trên mặt đất này xứng đáng để được dâng lên cho Thiên Chúa Uy Nghiêm? Trên trời hay dưới đất nào có gì xứng đáng để Đức Kitô có thể dâng lên làm hy tế đẹp lòng Ba Ngôi Chí Thánh?

Vậy thì bạn thử nghĩ xem Đức Kitô dâng lên cho Thiên Chúa Toàn Năng lễ vật gì trong Thánh Lễ? Bạn hãy đọc và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trong khắp cả vũ trụ, Người chỉ tìm thấy một tặng phẩm duy nhất đáng được dâng lên cho Thiên Chúa vô biên, đó là Nhân Tính Thánh Thiêng của chính Người. Mình và Máu đáng tôn thờ của Người, Linh Hồn tinh tuyền vô tì vết của Người. Về đề tài này, Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Đức Kitô vừa là Tư Tế vừa là Tế Vật; Người là Tư Tế theo Thần Khí, Tế Vật theo huyết nhục. Người vừa là Tư Tế vừa là Tế Vật.” Thánh Augustinô cũng nói tương tự như thế khi bình luận về Thánh Vịnh 26: “Chỉ có Đức Kitô là người duy nhất vừa là Tư Tế vừa là đồng thời là Tế Vật, vì Người không hiến tế gì khác ngoài chính mình Người”; bởi vì mọi kho tàng trên trời dưới đất đều không thể cung cấp một tế vật nào thích hợp cho hiến tế cho Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh.

Nhân tính thánh thiêng của Chúa Giêsu là công trình vĩ đại và cao cả nhất của Thiên Chúa Toàn Năng. Mẹ Thiên Chúa đã mạc khải điều ngày cho Thánh Briget bằng những lời nguyên văn như sau: Trong số tất cả những gì đang có hay đã có, không có gì đáng giá và đáng quý bằng Nhân Tính Thánh Thiêng của Đức Kitô”. Vì bàn tay hào phóng của Thiên Chúa đã ban cho Nhân Tính của Con của Người những kho tàng giàu sang và vô tận như thế - kho tàng Ân Sủng và Nhân Đức, Khôn Ngoan và Thánh Thiện – tóm lại, một sự hoàn thiện tới mức không thể thêm gì hơn được nữa. Lý do là vì không phải khả năng ban phát các quà tặng vô giá của Thiên Chúa bị giới hạn, nhưng là vì bản tính nhân loại của Đức Giêsu quá sung mãn không thể nhận thêm điều gì lớn hơn. Đức Mẹ Thiên Chúa được phú ban một sắc đẹp, sự thánh thiện và giá trị siêu vời vượt quá trí tưởng tượng của chúng ta, nhưng so với Nhân Tính Thánh Thiêng của Chúa Kitô thì Đức Mẹ chỉ là một que diêm cháy sáng giữa mặt trời chính ngọ. Và vì sự siêu vời tuyệt đỉnh này, Nhân Tính Thánh Thiêng của Đức Kitô không chỉ được thờ lạy bởi những con người đạo đức thánh thiện, mà còn bởi các Cơ Binh Thiên Thần ở dưới đất; và trên Trời, Nhân tính của Người được liên lỉ tôn thờ, chỉ ở dưới một mình Thiên Chúa, nhờ các Ân Sủng và sự Thánh Thiện siêu vời mà Đức Kitô trong tư cách là thủ lãnh của loài người, đã mặc cho Nhân tính của Người tới một mức vượt trên mọi loài thụ tạo khác.

Trong sự hào phóng vô biên của Người, Thiên Chúa lúc tạo dựng đã ban cho các Thiên Thần sự thánh thiện lớn lao và các đức tính vinh hiển khác. Do lòng thương vô biên. Thiên Chúa cũng ban cho nhiều con người tốt lành và nhiều vị Thánh lỗi lạc ngay từ lúc mới sinh được những quà tặng và ân sủng phi thường, Người đã phú ban cho Đức Maria cả lúc sinh ra trong suốt cuộc đời của Mẹ những Ân Sủng, những đặc ân và những sự hoàn thiện phi thường và hết sức dồi dào. Nhưng trong Nhân Tính Thánh Thiêng của Đức Kitô, tất cả những hồng ân này đều tụ lại, ngoài vô số những đặc ân vô song trên trời mà Chúa Thánh Thần đã phú ban cho Nhân Tính của Người ngay từ đầu. Vì vậy chúng ta có thể thấy Nhân Tính của Chúa Giêsu siêu vời biết bao, vinh hiển biết bao, vượt quá trí hiểu của chúng ta, và là một đại dương của những sự hoàn thiện chứa đựng trong Nhân Tính ấy.

Nhân Tính Thánh Thiện và siêu vời của Đức Kitô là lễ vật vô giá mà vị Thượng Tế, Con Một của Thiên Chúa hiến dâng lên cho Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh trong mỗi Thánh Lễ hàng ngày. Và Người không chỉ dâng Nhân Tính này mà thôi. Người còn dâng tất cả những gì Người đã làm và những đau khổ trong 33 năm để tôn vinh và mang lại vinh quang cho Thiên Chúa Ba ngôi; các lần ăn chay, canh thức cầu nguyện, đi lại, tất cả các việc hãm mình, các lời giảng dạy, các việc phạt xác, chịu bách hại, vu khống, khinh dể, lăng nhục mà Người đã chịu, các đau đớn thể xác, bị đánh đòn, bị đội mũ gai, các vết thương, tra tấn và lo buồn xao xuyến Người đã chịu; các giọt nước mắt, máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm và giòng máu đỏ của Người. Tất cả những điều ấy Đức Kitô bày ra trước mắt Thiên Chúa Ba Ngôi mỗi khi Thánh Lễ được cử hành, và Người dâng lên với một giá trị không thua kém việc Người đã dâng ở trần gian này trong đời sống thánh thiện và những đau khổ cay đắng của Người.

Nhưng giá trị cốt yếu của Hy Tế này là ở chỗ Đức Kitô không chỉ dâng một mình Nhân Tính Thánh Thiêng của Người mà thôi, nhưng Người dâng trong sự kết hợp thiên Tính của Người. Bởi vì mặc dù trong HY TẾ THÁNH LỄ, không phải Thần Tính mà là Nhân Tính của Đức Kitô được dâng lên Chúa Cha Ba Ngôi, nhưng sự hoàn hảo của Lễ Vật này nhờ sự Kết Hiệp Ngôi Vị (hypostatic). Nhờ sự kết hiệp này, nhân tính được thần hóa, được làm giàu với vô vàn kho tàng Ân Sủng và được có một giá trị vô giá. Vì vậy chúng ta có thể kết luận rằng hy tế mà Chúa Cứu Thế dâng lên cho Thiên Chúa Chí Tôn trong mỗi Thánh Lễ quả là vô cùng siêu vời. Người dâng Nhân Tính Thánh Thiêng của Người một cách diệu kỳ và không thể nào hiểu nổi.

Sau cùng chúng ta không thể không lưu ý rằng Đức Kitô không dâng Nhân Tính của Người trong tình trạng vinh hiển ở trên Trời, nhưng trong thân phận hèn hạ ở trên Bàn Thờ. Các Thiên Thần trên trời run sợ trước Nhân Tính vinh hiển của Đức Kitô, và các ngài kinh ngạc khi nhìn thấy sự hạ mình của cùng một Nhân Tính này trên các Bàn Thờ của chúng ta. Ở đây, nhân tính ấy bị che giấu, có thể nói là bị giam cầm dưới hình bánh và rượu. Bởi vì các hình thức bên ngoài này bao bọc Nhân Tính Thánh Thiêng của Chúa chúng ta một cách quá mật thiết và che giấu Nhân Tính ấy, khiến cho nếu lấy đi các hình thức bên ngoài này thì Nhân Tính ấy cũng bị lấy đi, còn các hình thức này vẫn tiếp tục tồn tại thì Nhân Tính ấy cũng hiện diện dưới các hình thức ấy mà không một quyền năng phàm trần nào có thể tách rời Nhân Tính ấy được. Đức Kitô tự hiến dâng cho Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh dưới một hình thức nhỏ bé, quá khiêm hạ, đến nỗi toàn thể cơ binh trên Trời phải ngưỡng mộ sâu xa.

Chúng ta có thể nghĩ xem Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh sẽ bị đánh động như thế nào khi nhìn thấy sự hạ mình sâu thẳm này của Nhân Tính Đức Kitô? Chúa Cha trên trời được tăng phần vinh đự biết bao từ sự hạ mình tột cùng của Con Chí Ái của Người. Nó mang lại quyền năng ghê gớm cho HY TẾ THÁNH LỄ, vì đó là phương tiện nhờ đó mầu nhiệm thần linh này được hoàn thành. Nó là nguồn ơn cứu độ và lợi ích vô biên cho loài người mà HY TẾ cực thánh này được dâng lên cho. Nó mang lại niềm an ủi và vui sướng không nhỏ cho các linh hồn đau khổ dưới Luyện Ngục mà các Thánh Lễ thường được dâng lên để giải thoát các linh hồn ấy.

Hiểu được như thế, chúng ta sẽ vô cùng quí chuộng Hy Tế Thánh Lễ, đánh giá Thánh Lễ cao hơn và tham dự thường xuyên hơn, hân hoan hơn, và sốt sắng hơn. Vì các Thánh Lễ được dâng hàng ngày là những vũ khí ân sủng của Thiên Chúa, nguồn mạch Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và là hy tế đền tội toàn năng, nếu chúng ta dự lễ sốt sắng. Về điểm này, chúng ta phải hết lòng cảm tạ Đấng Cứu Chuộc đáng tôn thờ của chúng ta vì đã lập Hy Tế cứu độ hiệu qủa này cho chúng ta, Hy Tế mà Người dâng hàng ngày, hàng giờ lên cho Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh. Quả thật chúng ta phải tạ ơn Người vì ban cho chúng ta một vũ khí cực mạnh như thế, nhờ đó chúng ta có thể chiếm được Ân Sủng của Thiên Chúa, và có thể nói là chiếm được thành trì của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.


Каталог: uploads -> Files -> pub dir
pub dir -> Nghị định số 79/2006/NĐ-cp, ngày 09/8/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược
pub dir -> Nghị quyết củA Ủy ban thưỜng vụ quốc hộI
pub dir -> Bm-hapi-13-09 Dïng trong tr­êng hîp dù ¸n ®Çu t­ g¾n víi thµnh lËp Chi nh¸nh Céng hoµ x· héi chñ nghÜa ViÖt Nam
pub dir -> BỘ TÀi chính số: 11660 /btc-tct v/v chính sách thuế tndn đối với lĩnh vực xã hội hoá. CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
pub dir -> QuyếT ĐỊnh của thống đỐc ngân hàng nhà NƯỚc việt nam số 03/2006/QĐ-nhnn ngàY 18 tháng 01 NĂM 2006 VỀ việc kinh doanh vàng trên tài khoảN Ở NƯỚc ngoàI
pub dir -> BỘ TÀi chính cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
pub dir -> Quy đỊnh chung điều Phạm VI điều chỉnh
pub dir -> Thực hiện Nghị định số 08/2001/NĐ-cp ngày 22/02/2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện
pub dir -> CỦa ngưỜi làm ngàNH, nghề kinh doanh có ĐIỀu kiệN
pub dir -> SỔ liên lạC ĐIỆn tử-vnpt school-sms

tải về 1.6 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   23




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương