THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)



tải về 261.56 Kb.
trang4/4
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích261.56 Kb.
#30937
1   2   3   4

Đài RFI đêm 8/1 đưa tin chỉ vài giờ sau vụ khủng bố đẫm máu tại Tòa soạn Tuần báo Charlie Hebdo ở trung tâm Paris ngày 7/1, đã có ít nhất 3 vụ tấn công nhỏ vào nơi thờ phụng của người Hồi giáo tại Pháp. Các sự cố này đã làm dấy lên sự lo ngại về nguy cơ bạo động bùng nổ, không chỉ tại Pháp, mà cả tại nhiều nước châu Âu khác, với cộng đồng người Hồi giáo là nạn nhân. 


Theo các nguồn tin tư pháp ngày 8/1, được hãng AFP trích dẫn, ngay từ đêm ngày 7/1, tức là chỉ vài tiếng đồng hồ sau vụ bọn khủng bố hô khẩu hiệu xưng tụng Hồi giáo, xả súng sát hại 12 người tại trụ sở báo Charlie Hebdo ở Paris, tại thành phố Le Mans, miền Tây nước Pháp, một kẻ lạ mặt đã ném 3 quả lựu đạn dùng để huấn luyện, đồng thời nổ súng vào một đền thờ Hồi giáo tại một khu phố bình dân.

Ở thành phố Port-La-Nouvelle, vào buổi tối, 2 phát súng cũng được bắn về phía một phòng cầu nguyện của người Hồi giáo. Đến sáng sớm 8/1, một vụ nổ mang tính chất tội phạm cũng xảy ra ở phía trước của một nhà hàng bán thịt nướng kiểu kebab, Arab gần một đền thờ Hồi giáo ở thành phố Villefranche-sur-Saone, miền Trung nước Pháp.

Theo các nhà quan sát, các sự cố kể trên rất có thể là hành vi trả đũa vụ thảm sát tại Paris, vụ khủng bố được ghi nhận là đẫm máu nhất ở Pháp trong 50 năm qua. Thủ phạm xả súng giết hại 10 nhà báo và hai nhân viên công lực, miệng hô vang khẩu hiệu truyền thống của người Hồi giáo “Allah akbar” (Thánh Allah vĩ đại).

Với vòng xoáy bạo động giữa các thành phần quá khích từ cả hai phía như đã được khởi động, giới phân tích đang rất lo ngại về nguy cơ cộng đồng người Hồi giáo tại Pháp nói riêng, và tại châu Âu nói chung, trở thành nạn nhân của những vụ bạo hành và kỳ thị, trong bối cảnh các hành vi tàn ác dã man của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông đang gây phẫn uất trong dư luận phương Tây.

Theo Marc Pierini, cựu Đại sứ Pháp, đồng thời là một nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu: “Điều đáng lo ngại là vụ thảm sát như vậy ngay tại trung tâm Paris, sẽ kích động thêm tâm lý bài ngoại và bài Hồi giáo”.

Trên trang Facebook của mình, Luciano Rispoli, một nhà ngoại giao Pháp công tác tại Baghdad cũng lưu ý: “Ở đâu cũng có những kẻ điên. Do đó, không nên lầm kẻ thù và lẫn lộn giữa đức tin và sự cuồng tín, giữa lòng ngoan đạo và thái độ sùng đạo cực đoan”.

Nỗi lo ngại đặc biệt mạnh mẽ tại Pháp, nơi dung thân của một cộng đồng Hồi giáo lớn nhất nhì châu Âu, trong lúc Nhà nước Pháp lại rất tích cực trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở châu Phi, cũng như lực lượng thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria.

Trong một vài năm gần đây, tâm lý bài Hồi giáo có dấu hiệu gia tăng tại Pháp và được thể hiện qua hai thực tế: đảng Cực hữu Mặt trận Quốc gia ngày càng có thêm nhiều kết quả tốt trong các cuộc bầu cử, và một số nhân vật nổi tiếng không ngần ngại công khai thể hiện quan điểm bài Hồi giáo, như nhà bình luận Eric Zemmour, tác giả một cuốn sách ăn khách, tố cáo nạn nhập cư là một trong những nguyên do gây bất hạnh cho nước Pháp.

Căng thẳng cũng sẽ trầm trọng thêm tại Đức, nơi cũng có một cộng đồng Hồi giáo đông đảo, chủ yếu là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Tình trạng căng thẳng đã bắt đầu gia tăng rõ nét với sự vươn lên của phong trào chống “Hồi giáo hóa” Pegida, phát sinh từ thành phố Đông Đức Dresden. Vụ thảm sát tại Paris được cho là sẽ thêm củi lửa cho phong trào bài Hồi giáo này.

Cựu Đại sứ Pháp Marc Pierini, đồng thời là thành viên Hiệp hội Fondation Carnegie châu Âu dự đoán bi quan: “Chúng ta đang ở trong một cái vòng luẩn quẩn” vì vụ khủng bố ở Paris và các cuộc biểu tình bài Hồi giáo ở Đức “sẽ nuôi dưỡng lẫn nhau”.


Vụ tấn công thể hiện sự chia rẽ sâu sắc giữa các chính phủ phương Tây và người Hồi giáo

TTXVN (New York 8/1) - Theo mạng tin Stratfor, vụ tấn công vào trụ sở tạp chí châm biếm của Pháp tại Paris ngày 7/1 có nguy cơ làm xấu đi mối quan hệ giữa chính phủ các nước châu Âu với cộng đồng Hồi giáo trong nước. Ý đồ đằng sau các vụ tấn công này của lực lượng Hồi giáo cực đoan là nhằm thực hiện âm mưu chia rẽ trên, gây ảnh hưởng với các chính sách của Pháp và tuyển mộ thêm nhiều thành viên mới. Cho dù chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo về bản chất là cuộc xung đột giữa các phe phái với nhau, nhưng các sự kiện như cuộc tấn công ở Paris sẽ lôi kéo cả người dân không theo đạo Hồi, làm vấn đề càng trầm trọng hơn.

Đây là cuộc tấn công thứ ba kiểu như thế này ở một quốc gia phương Tây trong chưa đầy 3 tháng. Thủ phạm vụ tấn công đã thể hiện kỹ năng sử dụng vũ khí hạng nhẹ thuần thục, cho thấy chúng đã được huấn luyện kỹ càng.

Dù cuộc tấn công này xuất phát từ các đối tượng Hồi giáo cực đoan tự tiến hành hoặc theo chỉ đạo của một tổ chức khủng bố Hồi giáo quốc tế, những sự việc như vậy sẽ ngày càng làm gia tăng căng thẳng quan hệ giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo. Điều này đặc biệt lo ngại ở châu Âu, khi các quốc gia ở châu lục này đang chứng kiến sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan và các cộng đồng Hồi giáo từ lâu đã phải chịu đựng sự không thân thiện. Ý đồ của lực lượng Hồi giáo cực đoan là muốn chính phủ các nước đàn áp mạnh hơn các cộng đồng Hồi giáo để củng cố cho những cáo buộc của chúng rằng phương Tây đang gây chiến với đạo Hồi và người Hồi giáo.

Mặc dù chính phủ các nước phương Tây tìm mọi biện pháp để trấn an rằng không có sự xung đột giữa các nền văn minh nào như vậy nhưng các lực lượng cực hữu lại có nhưng lời lẽ khiêu khích, khiến củng cố thêm sự lo ngại của cộng đồng người Hồi giáo ôn hòa. Điều quan trọng hơn là đã có sự xung đột từ lâu về giá trị, đặc biệt là quyền tự do bày tỏ, được phương Tây cổ vũ nhưng lại bị nhiều người Hồi giáo xem là bằng chứng của sự báng bổ. Mặc dù phần lớn người Hồi giáo không có các hành động bạo lực đáp lại những tuyên bố được coi là báng bổ này nhưng cũng có không ít kẻ cực đoan vẫn sử dụng bạo lực. Ở Pakistan, bộ luật về báng bổ là chủ đề tranh cãi gay gắt trong xã hội nước này. Nhiều người dân Pakistan đã bị ám sát bởi chính công dân đất nước họ vì có các phát ngôn, thái độ bị xem là sự báng bổ đối với Thánh. Gốc rễ sâu xa của vấn đề này là thái độ cực đoan mà nhiều người Hồi giáo đã có đối với vấn đề tự do bày tỏ, dù thái độ này không mang tính phổ quát. Thông tin đề cập tới Nhà tiên tri Mohammed còn nhạy cảm hơn vì theo nhìn nhận của người Hồi giáo, Nhà tiên tri này không được phép mô tả bằng hình tượng, chứ chưa nói tới bị vẽ hình châm biếm.

Cuối cùng, đây cũng là một cuộc chiến trong nội bộ người Hồi giáo để tranh giành quyền lực và kiểm soát, được gói gọn trong cuộc tranh luận về điều gì có ý nghĩa với một người Hồi giáo trong thế giới ngày nay và giới hạn nào biện minh cho hành động đó. Xác định được các nhân tố đó là công cụ có thể được sử dụng để giành lấy quyền lực, tấn công chống lại phương Tây và lợi ích liên quan, buộc người phương Tây phải rút khỏi các vùng đất của người Hồi giáo. Vấn đề này làm suy yếu nỗ lực của những người Hồi giáo ôn hòa và cấp tiến muốn thúc đẩy quan điểm tự do theo phong tục Hồi giáo.

Cuộc tranh luận đang diễn ra trong nội bộ người Hồi giáo đã tạo cho những kẻ cực đoan không gian ý thức hệ và địa chính trị để lợi dụng. Lực lượng Hồi giáo cực đoan đã chủ đích tấn công vào những người không theo đạo Hồi, đặc biệt là người dân phương Tây, coi đó là phương tiện để giành chỗ đứng trong thế giới Hồi giáo cực đoan. Chiến lược này cũng nhằm đẩy thế giới phương Tây vào cái được coi là cuộc nội chiến Hồi giáo, nhằm giải quyết các mối đe dọa an ninh mà các phần tử vũ trang Hồi giáo cực đoan mang lại. Theo cách này, cuộc tranh luận nội bộ trong thế giới Hồi giáo sẽ không dẫn tới sự thất bại của lực lượng cực đoan hoặc giúp làm giảm căng thẳng giữa người Hồi giáo và phương Tây. Và vì vậy, một khi ý thức hệ trên đây vẫn còn tồn tại, nó sẽ tiếp tục sản sinh ra nhiều chiến binh Hồi giáo cực đoan mới.



LIÊN BANG NGA
Chiến lược châu Á của Tổng thống Putin cho năm 2015

TTXVN (Washington 8/1) - Cơ quan nghiên cứu chuyên về châu Á (NBR) của Mỹ, mới đây đăng bài phân tích với tựa đề "Chiến lược châu Á của Tổng thống Putin cho năm 2015" của tác giả Morena Skalamera. Nội dung cụ thể như sau:

Trong bối cảnh một cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây làm gợi nhớ lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nga đã tăng cường xoay trục đến châu Á. Với các biện pháp trừng phạt quốc tế trên quy mô lớn được phát động chống lại nước Nga xung quanh sự kiện Ukraine, đồng ruble đã rơi xuống mức thấp gần như kỷ lục, đồng thời đầu tư của phương Tây đã biến mất khi nền kinh tế của Nga đang đối mặt với tăng trưởng bằng “0” và khả năng suy thoái kinh tế. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi giá dầu lửa đã giảm xuống dưới 70 USD/thùng tại thời điểm bài viết này (16/12), kéo theo các hậu quả tai hại cho một nền kinh tế mà lĩnh vực năng lượng đóng góp tới 70% kim ngạch xuất khẩu hàng năm và hơn một nửa ngân sách liên bang.

Những thách thức kinh tế đã làm cho Tổng thống Vladimir Putin tuyệt vọng hơn bao giờ hết, dẫn đến lao sâu vào các nguồn tài chính dồi dào của Trung Quốc. Phương Tây cũng đã áp đặt nhiều vòng (trừng phạt thông qua) đóng băng tài sản, hạn chế tài chính và cấm mua các khoản nợ ngày càng lớn của Nga. Đồng thời, các Ngân hàng Nhà nước của Nga hiện không được huy động các khoản vay dài hạn tại Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh đó, việc xuất khẩu các trang thiết bị quân sự lưỡng dụng cho Nga cũng như các hợp đồng vũ khí tương lai giữa Nga và EU, việc chuyển giao một loạt các công nghệ trong ngành công nghiệp năng lượng của phương Tây cho Nga bị cấm thực hiện. Nhiều người ở phương Tây hy vọng rằng các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn sẽ làm cho Putin thay đổi tiến trình về Ukraine. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa xảy ra. Tại Nga, nơi mà ông Putin đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng, việc khơi dậy niềm tự hào (dân tộc) được chú ý hơn là tìm cách giữ lại nguồn tiền từ phương Tây. Thách thức các lời đe dọa mới về việc cô lập Nga, ông Putin đã thề rằng đất nước ông đang một lần nữa hiện thực hóa sự vĩ đại của nó. Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận là Nga đang vô cùng khó khăn, cả về chính trị và kinh tế. Từ chối phương Tây đồng nghĩa với việc Nga phải trả một cái giá rất lớn: trở thành một nước lệ thuộc vào các nguồn lực cấp thấp từ Trung Quốc.

Trong năm 2015, Tổng thống Putin sẽ hướng tới các nguồn lực của châu Á như một phần trong chính sách đối ngoại của ông đối với khu vực. Các thị trường vốn châu Á trong đó có Hong Kong, Singapore và Thượng Hải, không có nghĩa vụ phải tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, cổ phần của các nhà đầu tư châu Á trong các thị trường tài chính của Nga là rất thấp. Điều này có nghĩa họ không quen với những người vay nợ đến từ Nga. Nhìn chung, các nhà đầu tư châu Á cũng khá bảo thủ và hiếm khi đưa ra các quyết định đầu tư nhanh chóng, nhất là trong bối cảnh các thị trường vốn của Nga có mức độ chuyên sâu thấp hơn các thị trường vốn của phương Tây. Do những yếu tố này, các nhà đầu tư châu Á sẽ thận trọng hơn với việc mua các khoản nợ của Nga, đồng thời việc xây dựng niềm tin sẽ cần phải có thời gian. Vì vậy, chúng ta không nên kỳ vọng về một luồng vốn từ châu Á sẽ nhanh chóng đổ vào Nga.

Nhật Bản, thị trường tài chính lớn nhất châu Á, hiện tham gia một phần vào các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm hạn chế các quan hệ kinh tế quốc tế với Nga. Hơn thế, cuối tháng 9 vừa qua, Nhật Bản đã tuyên bố cứng rắn hơn trong việc thực thi các lệnh trừng phạt, theo đó, cấm một số ngân hàng của Nga phát hành trái phiếu tại Nhật Bản, đồng thời thắt chặt các hạn chế về xuất khẩu trong lĩnh vực quốc phòng tới Nga. Theo quan điểm của ông Putin, các biện pháp này làm nổi bật mức độ phụ thuộc của Nhật Bản vào mối quan hệ đồng minh với Mỹ cũng như mối liên hệ tổng thể với phương Tây, trong việc triển khai chính sách đối ngoại của mình.

Dù sao chăng nữa, với rất ít bạn bè, Nga cần phải gõ cửa Trung Quốc. Cả Tổng thống Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev đã bỏ nhiều công sức nhằm nêu bật một điều rằng việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc không liên quan đến tình hình chính trị hiện nay. Một năm trước, những đề nghị của Nga với Trung Quốc được dùng với động cơ cho châu Âu thấy rằng Nga có các lựa chọn hướng về phía Đông, trong khi nước này vẫn nuôi hy vọng gặt hái được các lợi ích của việc làm ăn với cả hai. Hôm nay, Trung Quốc là lựa chọn duy nhất của Nga và Bắc Kinh đã ngay lập tức xuất hiện thế vào khoảng trống được tạo ra do việc đóng cửa các thị trường vốn của châu Âu. Ngày 13/10, một phái đoàn Trung Quốc tại Moskva đã ký hơn 30 hiệp định với Nga, trong đó có một thỏa thuận về việc cung cấp khí qua đường ống dẫn khí đốt "Power of Seberia" mới và một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 150 tỷ Nhân dân tệ (24,5 tỷ USD), theo đó, sẽ cho phép Nga phát hành trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và ngược lại đối với đồng ruble, bỏ qua sự can dự của các ngân hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Trung Quốc sẽ chỉ đi liền với các nhượng bộ rõ ràng của Nga với Bắc Kinh. Đó là thêm nhiều nguyên liệu thô được bán với giá thấp, sự tiếp cận trực tiếp dành cho các công ty Trung Quốc đối với các lĩnh vực năng lượng của Nga, đặc quyền tiếp cận đối với công nghệ vũ khí hiện đại. Theo tác giả Vasily Kashin đến từ Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moskva, việc làm sâu sắc hơn các mối quan hệ Trung - Nga có thể ảnh hưởng đến tiến trình của các sự kiện bên ngoài khu vực, do Nga nhiều khả năng sẽ đồng ý bán các hệ thống tên lửa chống máy bay S-400 và các máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2015. Nga cũng có thể sẽ cung cấp cho Trung Quốc tàu ngầm mới nhất (Amur-1650) và các thiết bị phức tạp dành cho vệ tinh. Điều này đánh dấu sự thay đổi trong thực tiễn kéo dài nhiều thập kỷ, theo đó, Nga bán cho Trung Quốc một số lượng lớn vũ khí, song từ chối bán các loại vũ khí tốt nhất mà mình có. Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và Việt Nam đã được đặt trong tình trạng báo động trước các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Lo lắng của các nước này sẽ chỉ tăng lên nếu Bắc Kinh nhận được thiết bị này của Nga.

Các hy vọng của ông Putin về một luồng vốn tăng nhanh từ Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tiếp tục giảm sút nếu các quốc gia này cho rằng Nga đang giúp Trung Quốc xâm phạm vào an ninh của họ. Điều này có thể dẫn tới Nga chỉ còn một người bạn duy nhất để trông cậy là Trung Quốc. Nga sẽ trở thành một quốc gia phụ thuộc vào các nguồn lực của Trung Quốc. Trên thực tế, sau hơn 10 năm đàm phán, Moskva và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD hồi tháng 5/2014, về việc cung cấp 38 tỷ mét khối khí đốt trong vòng 30 năm tới. Tổng thống Putin đã mô tả thỏa thuận này là một "sự kiện có tính lịch sử".

Với tất cả sự cứng rắn của mình trong việc thanh lọc các tay chân thân tín của cựu Tổng thống Boris Yeltsin, những người đã nắm giữ nước Nga hồi thập niên 1990, hôm nay, ông Putin đang bán rẻ nguồn lợi của đất nước mình cho Trung Quốc vì lợi ích của các thân hữu của mình. Trong năm qua, Trung Quốc đã mua được 12,5% cổ phần của công ty sản xuất phân đạm kali Uralkali lớn nhất của Nga. Trong năm 2013, công ty dầu lửa Rosneft của Nga đã ký một hợp đồng trả trước trị giá 70 tỷ USD trong một thỏa thuận, theo đó cung cấp khoảng 360 triệu tấn dầu thô cho Trung Quốc trong vòng 25 năm, với tổng trị giá 270 tỷ USD. Trước đó, Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã mua lại 20% cổ phần trong dự án khí hóa lỏng Yamal LNG của công ty Novatek của Nga, với giá trị không được tiết lộ. Những thương vụ lớn này đã làm giàu không ngờ cho các nhân vật trung thành với Putin và cho phép Putin cư xử với Trung Quốc qua các ưu đãi về chính trị và kinh tế. Nếu Trung Quốc là bên hưởng lợi lớn nhất của mối quan hệ này thì một mạng lưới hạn chế các thân hữu trung thành ủng hộ Putin cũng đang hưởng lợi một cách hết sức hậu hĩnh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phối hợp làm việc cùng Tổng thống Putin nhằm cố gắng hạn chế sự thống trị của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Họ sẽ sử dụng Ngân hàng Phát triển mới (NDB) vừa được công bố, trước đây gọi là Ngân hàng Phát triển nhóm BRICS, để phục vụ mục đích này. Bên cạnh đó, vào tháng 9/2014, Nga đã tiếp quản vị trí Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), mà mục tiêu chính của tổ chức này sẽ là tăng cường hợp tác an ninh tập thể ở châu Á như là một đối trọng với cấu trúc an ninh do Mỹ lãnh đạo.

Do thực tế nền kinh tế của Trung Quốc đang phát triển trong khi nền kinh tế của Nga thì ngược lại, Trung Quốc hiện đang hưởng lợi hơn nhiều từ sự hợp tác kinh tế đó. Lấy ví dụ về khí đốt, hiện có sự đồng thuận trong giới chuyên gia rằng để xây dựng đường ống dẫn khí "Power of Siberia", ông Putin sẽ phải hy sinh các lợi ích kinh tế để theo đuổi các mục tiêu địa chính trị. Khả năng thu hồi vốn của đường ống dẫn khí đốt với trị giá hơn 55 tỷ USD này, sẽ là thấp hoặc thậm chí là lỗ. Ngày 9/11, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký một bản ghi nhớ về cái gọi là đường ống dẫn khí phía Tây, với tiềm năng cung cấp bổ sung 30 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc. Gần đây nhất, ông Putin đã tuyên bố về việc hủy bỏ dự án xây dựng đường ống khí đốt khổng lồ tới châu Âu mang tên "Dòng chảy phương Nam". Tất cả những động thái này chứng minh rằng Nga đang điên đảo "xoay trục" về phía Đông, đặc biệt là tới Trung Quốc. Trong bối cảnh thị trường châu Âu không còn sinh lợi như vốn có trước đây, Nga đang rất cần lợi nhuận ở thị trường Trung Quốc nhằm nuôi dưỡng nguồn ngân sách "ốm yếu" của mình. Điều này vô hình trung tạo đòn bẩy cho Trung Quốc trong quan hệ với Nga.

Tất cả điều này diễn ra một cách nhuần nhuyễn trong bàn tay của Trung Quốc. Bắc Kinh có nguồn nhiên liệu giá rẻ được đảm bảo nhằm cung cấp năng lượng cho sự phát triển phi thường của mình, đồng thời có được các loại vũ khí mới cho phép nước này củng cố vị thế tại khu vực Thái Bình Dương. Điều này trái ngược với một nền kinh tế Nga đang ngày càng bị thu hẹp. Nhận thức về sự năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Putin trong các phát biểu của mình đã nhấn mạnh đến tính lô gíc của việc Nga mở rộng quan hệ với toàn bộ khu vực này. Tuy nhiên, Tổng thống Putin có thể cảm thấy khó khăn trong việc "đa dạng hóa các mối quan hệ". Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc sẽ tiếp tục ca ngợi sự cứng rắn của ông Putin trong việc đương đầu với Mỹ. Điều này càng làm tăng thêm "cái tôi" của Putin và tạo ra một ảo tưởng về sự bình đẳng giữa các quốc gia. Tuy nhiên trong thực tế, Trung Quốc sẽ siết chặt tất cả những gì mà nước này có thể có được từ mối quan hệ đối tác với Nga. Trong khi đó, Tổng thống Putin và thân hữu của mình cũng sẽ được lợi, song chỉ có người dân Nga là bị thiệt với một nền kinh tế ốm yếu.



VENEZUELA
Phải chăng Trung Quốc đã quay lưng với Venezuela?

TTXVN (La Habana 8/1) - Tờ El Nuevo Herald (xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha) của Mỹ ngày 8/1 đã nhận định có thể chính phủ Trung Quốc đã quay lưng với Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro khi không đồng ý cấp khoản tín dụng khẩn cấp trị giá 16 tỷ USD để “cứu” nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này, mà chỉ đưa ra những cam kết đầu tư về dài hạn.

Mặc dù tổng giá trị các thỏa thuận hai bên ký kết đợt này lên tới 20 tỷ USD, tuy nhiên tờ báo hữu khuynh này nhận định đây không phải là cái Caracas cần trong thời điểm hiện tại, vì đó cũng chỉ như những “ý định thư” phải mất nhiều năm để triển khai và trong những điều kiện thuận lợi, và hiện tại Venezuela cũng còn nhiều dự án đầu tư chưa thể thực hiện với tổng trị giá lên tới 150 tỷ USD. Cái mà ông Maduro tìm kiếm trong chuyến công du này là những thanh khoản “tươi” để giải quyết ngay vấn đề thâm hụt ngân sách nghiêm trọng hiện tại.

Để đổi lại gói tín dụng khẩn cấp nêu trên, tổng thống Maduro từng đề nghị một loạt các khoản đảm bảo, bao gồm việc cung cấp dầu và sản lượng tương lai của Tổng công ty Guyana (CVG) – tổ hợp quốc doanh khai thác vàng nhôm và sắt. Nhưng có vẻ như Bắc Kinh không mặn mà với lời đề nghị này và họ chỉ chấp nhận sản lượng của CVG như một khoản đảm bảo với điều kiện họ được hoàn toàn kiểm soát công ty này.

Điều này lý giải lời tuyên bố khá khiêm tốn của ông Maduro sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Tập Cận Bình rằng quan hệ song phương vẫn dựa trên “nền móng” năng lượng và hai bên sẽ tiếp tục mở rộng các dự án hợp tác tại Dải Orinoco của Venezuela.

Thế nhưng, như trên đã nói, những nguồn vốn như vậy chỉ có thể được giải ngân trong dài hạn, và có nguy cơ là chẳng bao giờ được giải ngân, xét tới thực tế rằng nhiều dự án song phương tại vùng dầu khí chủ chốt nói trên của Venezuela cũng đang tê liệt từ hàng năm nay bất chấp những nỗ lực của Caracas để cải thiện tình hình.

Theo giáo sư kinh tế Orlando Ochoa, thuộc Đại họ Thiên Chúa Andrés Bello tại Caracas, có 3 yếu tố dẫn tới thái độ thiếu mặn mà của Trung Quốc nói riêng, cũng như các nhà đầu tư khác nói chung đối với Venezuela hiện tại. Đó là tình trạng tham nhũng tràn lan, chế độ hối đoái méo mó (1 USD chỉ đổi được 11 – 12 bolivar theo tỷ giá chính thức, trong khi có giá tới 170 bolivar trên thị trường đen), và thiếu hụt nguồn cung vật liệu ổn định.

Việc không đạt được thỏa thuận “vay nóng” với Bắc Kinh càng dồn Caracas vào thế chân tường do hiện tại Nga và Iran, những đồng minh có tiềm lực còn lại của Venezuela, cũng đang phải đối diện quá nhiều khó khăn, trong khi việc gõ cửa Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) – thường bị chính phủ theo tư tưởng Bolivar mô tả là đại diện của sự tàn bạo tư bản – sẽ khiến ông Maduro bị chính những người ủng hộ mình phản đối.

Trong khi đó, ông Francisco Ibarra, giám đốc hãng tư vấn Econométrica dự đoán, với việc giá dầu lao dốc như hiện tại (ngành dầu khí chi phối tới 95% nền kinh tế Venezuela), thất bại trong việc tìm kiếm tín dụng khẩn cấp tại Trung Quốc có thể buộc Caracas phải đưa ra nhiều biện pháp điều chỉnh rất mạnh mẽ trong vài tháng tới.




TÌNH HÌNH BỈ QUÝ IV/2014
TTXVN (Brussels 7/1) -

I. Tình hình địa bàn

1.Chính trị

Ngày 11/10/2014, Bỉ đã chính thức có chính phủ mới sau khi 4 đảng N-VA (Dân tộc chủ nghĩa Flamand), MR (Phong trào cải cách), CD&V (Dân chủ thiên chúa giáo) và Open VLD (Tự do và Dân chủ Flamand) đã đi đến thống nhất thành lập Liên minh. Chủ tịch đảng MR Charles Michel được bầu làm Thủ tướng chính phủ. 39 tuổi, ông Charles Michel là vị Thủ tướng trẻ nhất của Vương quốc Bỉ kể từ năm 1840.

Ngay sau khi đi vào hoạt động, chính phủ của Thủ tướng Charles Michel tiến hành hàng loạt cải cách, trong đó áp dụng chính sách “thắt lưng, buộc bụng” nhằm có thể đạt được cân bằng ngân sách vào năm 2018, đồng thời cũng tăng tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi vào năm 2030. Đây là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình trên khắp cả nước nhằm phản đối chính phủ, trong đó, cuộc biểu tình hôm 6/11 đã biến thành bạo động khiến 112 cảnh sát bị thương.

Theo Thủ tướng Charles Michel, chương trình cải cách của chính phủ mới “chắc chắn, nghiêm túc và có trách nhiệm” nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách để giảm nợ công hiện lên đến 107% GDP, tức 37.000 euro/người dân.

Tuy nhiên, Thủ tướng Charles Michel hiện đang phải đối mặt với vấn đề vùng nói tiếng Hà Lan Flanders đang đòi quy chế độc lập và tách khỏi Bỉ.


  1. Kinh tế

Xuất khẩu và nhu cầu nội địa tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Bỉ. Tăng trưởng kinh tế của Bỉ ước tính đạt 1,1% trong năm 2014 và dự kiến mức 1,5% trong năm 2015. Xuất khẩu đạt 2,3% năm 2014 và dự kiến 3,2% năm 2015, nhờ tình hình quốc tế được cải thiện.

Đầu tư doanh nghiệp, sau một thời gian chững lại đã đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2014 và 2015, song song với việc tăng thị trường nội địa và nước ngoài. Đầu tư doanh nghiệp đạt 5,4% trong năm 2014 và 1,5% năm 2015.

Tăng trưởng kinh tế khá trong năm 2014 và 2015 góp phần cải thiện thị trường lao động với mức tăng trưởng 0,2% năm 2014 và 0,6% năm 2015. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm từ 8,5% năm 2014 xuống còn 8,3% năm 2015.

3. Tình hình Liên minh châu Âu

Quý IV/2014 đánh dấu những thay đổi quan trọng đối với Liên minh châu Âu (EU). Kể từ ngày 1/11/2014, Ủy ban châu Âu (EC) nhiệm kỳ mới chính thức đi vào hoạt động với người đứng đầu là cựu Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker. Từ ngày 1/12, cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng nhậm chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu thay ông Hermal Van Rompuy.

Trong năm 2014, châu Âu được xem như một nền kinh tế “ốm yếu” với tăng trưởng không vượt ngưỡng 0,8% và dự kiến chỉ đạt mức tăng nhẹ khoảng 1,3% trong năm 2015. Hai vấn đề gai góc nhất đối với EU là đầu tư và mối quan hệ láng giềng phía Đông.

Về vấn đề đầu tư, Chủ tịch EC, ông Jean-Claude Juncker đưa ra gói giải pháp đầu tư trị giá 315 tỷ euro. Tại Hội nghị Thượng đỉnh cuối cùng của EU trong năm 2014, gói ngân sách này đã được các quốc gia EU nhất trí thông qua. Liên quan đến quan hệ láng giềng phía Đông, EU khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine bằng mọi giá. Đây cũng là thách thức của EU vì trên thực tế, ngân sách của EU không dư dả gì. Đặc biệt, xung đột thương mại với Nga và mức nợ cao, tỷ lệ thất nghiệp cao tại một số quốc gia thành viên là những yếu tố tiếp tục làm giảm tính năng động của nền kinh tế EU.

Lạm phát tại khu vực đồng euro hiện ở mức thấp và có thể dẫn tới giảm phát. Mặt khác, sự gia tăng khủng hoảng nợ cũng như xung đột tại Ukraine leo thang có thể dẫn đến việc suy giảm lòng tin của người tiêu dùng và các nhà sản xuất châu Âu. Việc bình thường hóa quá nhanh chính sách tiền tệ của Mỹ cũng có thể gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế châu Âu.

4. Tình hình NATO

Kể từ ngày 1/10, ông Jens Stoltenberg, cựu Thủ tướng Na Uy trở thành Tổng Thư ký Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).

Ngày 31/12 vừa qua, NATO đã chính thức kết thúc sứ mệnh chiến đấu của Lực lượng an ninh quốc tế (ISAF) tại Afghanistan và chính thức khởi động sứ mệnh “Hỗ trợ kiên quyết” nhằm tư vấn, hỗ trợ và đào tạo lực lượng an ninh của Afghanistan. Sứ mệnh này bao gồm 12.000 binh sĩ cả nam và nữ do các đồng minh và 14 quốc gia đối tác của NATO đóng góp.

Cuối tháng 12 vừa qua, Ukraine đã chính thức tuyên bố từ bỏ quy chế “không liên kết” để đề nghị gia nhập NATO. Về phần mình, NATO khẳng định cánh cửa luôn rộng mở cho Ukraine nhưng Ukraine phải đáp ứng các điều kiện mà NATO yêu cầu.



II. Quan hệ Bỉ-Việt Nam

Từ ngày 12-14/10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức Vương quốc Bỉ và EU. Chuyến thăm được đánh giá thành công tốt đẹp. Đặc biệt, diễn đàn doanh nghiệp Bỉ-Việt được tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng 12 bộ trưởng, thứ trưởng. Cuộc trao đổi kéo dài hơn 2 tiếng giữa lãnh đạo Việt Nam và các doanh nghiệp Bỉ khiến các nhà đầu tư Bỉ hiểu thêm về cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư ở Việt Nam. Qua diễn đàn này, lòng tin và sự quan tâm của các nhà đầu tư Bỉ đối với Việt Nam được khôi phục. Nhiều nhà đầu tư và lãnh đạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bỉ đã có các chuyến đi con thoi nhằm tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt công ty Mondelez International có trụ sở tại Bỉ đã mua 80% cổ phiếu của công ty bánh kẹo Kinh Đô. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam đang khởi sắc.

Năm 2015, dự kiến phía Bỉ sẽ thành lập Trung tâm dạy nghề chế tác kim cương tại Tp. Hồ Chí Minh, do các doanh nghiệp về kim cương của vùng Anvers sẽ sang đào tạo. Nhiều PME của vùng Flanders cũng dự kiến tiến hành xúc tiến thương mại tại Tp. Hồ Chí Minh.

Năm 2014, các hoạt động giao thương Việt Nam-Bỉ phát triển mạnh. Xuất khẩu của Việt Nam sang Bỉ tăng 29%, đạt 1,7 tỷ USD, xuất siêu đạt 1,03 tỷ euro (1,07 tỷ USD).

Việt Nam là quốc gia ASEAN đứng thứ 5 về xuất khẩu sang Bỉ nhưng xuất siêu đứng thứ 2, chỉ sau Singapore.

Luxembourg là trung tâm tài chính của châu Âu và cũng là một thị trường quan trọng của Việt Nam. Hiện Việt Nam đang mời gọi các nhà đầu tư Luxembourg tham gia vào thị trường tài chính của Việt Nam. Năm 2014, Việt Nam xuất 42 triệu USD sang Luxembourg. Những con số này cho thấy quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Bỉ và Luxembourg ngày càng phát triển.



III. Quan hệ EU-Việt Nam

Trong chuyến thăm EU của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam và EU đã ra tuyên bố chính trị về Hiệp dịnh đối tác thương mại và đầu tư (FTA) giữa 2 bên. Dự kiến trong tháng 1/2015, vòng đàm phán cuối cùng về FTA sẽ diễn ra tại thủ đô Brusseles. Hai bên dự kiến kết thúc đàm phán vào tháng 3/2015. Một khi FTA được ký kết, thuế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU sẽ được cắt giảm.

Năm 2014, EU mất vị trí hàng đầu và trở thành thị trường xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ tăng 10%. Hiện nông thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU đang gặp khó khăn do phía bạn liên tục báo lỗi về nhiễm độc hàng hóa và bị trả về. Gỗ bao bì đóng gói hàng xuất khẩu cũng bị cảnh báo có côn trùng nếu tình trạng này không được khắc phục thì xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ bị cắt.

Ngoài ra, cá tra và basa của Việt Nam không được đánh giá cao tại thị trường EU do vi phạm quy định về tỷ lệ thủy phần.

Trong năm 2015, Việt Nam tiếp tục bàn bạc với EU về dự án thành lập Trung tâm phân phối thủy sản Việt Nam tại châu Âu đặt tại cảng Bruges.

IV. Tình hình cộng đồng Việt Nam tại Bỉ

Ngày 9/10, đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tp. Hồ Chí Minh do bà Võ Thị Dung, Chủ tịch, dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tìm hiểu đời sống của cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ. Chuyến thăm nhằm mục đích trao đổi, lắng nghe nguyện vọng của kiều bào.

Một bộ phận Việt kiều phản động do ông Nguyễn Văn Đào, sống tại thành phố Liège vẫn âm mưu tổ chức biểu tình tại những dịp lễ để tuyên truyền chống phá chế độ Việt Nam. Tuy nhiên, những âm mưu biểu tình trong dịp 2/9 và dịp Thủ tướng sang thăm Bỉ đã bị chặn đứng.
TÌNH HÌNH VƯƠNG QUỐC ANH NĂM 2014
TTXVN (London 7/1)

I. Tình hình trong nước

1. Chính trị

Thủ tướng Anh David Cameron đã thực hiện cuộc cải tổ nội các sâu rộng (tháng 7/2014), với 42 vị trí Bộ trưởng và Quốc vụ khanh mới được công bố. Mục tiêu của lần cải tổ này là nhằm thay đổi hình ảnh "già cỗi và xa rời quần chúng" của đảng Bảo thủ trước thềm bầu cử Quốc hội khóa mới vào tháng 5/2015. Cuộc cải tổ này đưa vào nội các những gương mặt trẻ hơn và tăng số quốc vụ khanh là phụ nữ với mục đích thu hút cử tri nữ ở cuộc tổng tuyển cử năm tới.

Việc ông Philip Hammond, Bộ trưởng Quốc phòng, được cử giữ chức Ngoại trưởng thay cho ông William Hague (từ chức tháng 7/2014), cho thấy Chính phủ Anh dưới sự lãnh đạo của đảng Bảo thủ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn với châu Âu. Do đó, quyết định này đã dọn đường cho ông Hammond đóng vai trò trung tâm trong tiến trình đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) trước khi Anh tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU vào năm 2017 (trong trường hợp đảng Bảo thủ thắng cử).

Bộ trưởng Quốc phòng mới, Michael Fallon là một lựa chọn bất ngờ vì ông này năm nay đã 62 tuổi (không phù hợp với chủ trương trẻ hóa nội các) và chưa đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền. Tuy nhiên, ông Fallon là người thân tín của Thủ tướng Cameron, có thái độ cứng rắn với vấn đề EU và là người có quan hệ tốt với Scotland (ông này sinh tại Scotland). Mối quan hệ của Fallon với Scotland được Thủ tướng Cameron đánh giá cao trong việc vận động Scotland không tách khỏi Anh trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hồi tháng 9 (công nghiệp quốc phòng của Anh, đặc biệt là công nghiệp đóng tàu tập trung tại Scotland. Ngoài ra, quân cảng của lực lượng tàu ngầm nguyên tử của Anh cũng nằm tại đây và đương nhiên, phải di chuyển trong trường hợp Scotland độc lập), giúp Anh tránh được một thảm họa chính trị và sự toàn vẹn của Vương quốc liên hiệp vẫn được duy trì. Tuy nhiên, Anh tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa sự ổn định khi các cuộc thảo luận về kế hoạch cải cách hiến pháp bắt đầu làm "nóng" nghị trường và xã hội.

Trước đó, trong nỗ lực thuyết phục Scotland ở lại, Cameron cùng với lãnh đạo Công đảng và đảng Dân chủ Tự do đã đưa ra nhiều cam kết trao thêm quyền tự chủ cho nghị viện xứ này. Tuy vậy, nếu Nghị viện Scotland được trao nhiều quyền hơn thì chắc chắn Nghị viện các xứ Wales và Bắc Ireland cũng đòi hỏi được tăng quyền hạn một cách tương xứng. Thủ tướng Cameron dù khẳng định "tôn trọng đầy đủ" cam kết dành quyền lực mới về thuế và phúc lợi xã hội cho Nghị viện Scotland, nhưng cũng nhấn mạnh việc trao quyền mới này sẽ phải đi kèm với những cải cách sâu rộng bộ máy hiến pháp trên toàn lãnh thổ, trong đó bao gồm thỏa thuận trao thêm quyền cho các nghị sĩ England trong các vấn đề riêng của xứ này (England là xứ duy nhất không có nghị viện riêng và Điện Westminster ở thủ đô London là Quốc hội chung cho cả liên hiệp, bỏ phiếu thông qua các đạo luật áp dụng cho cả Liên hiệp trừ những lĩnh vực chính sách đã được phân quyền). Như vậy, vấn đề vị thế và bản sắc của Liên hiệp Vương quốc Anh trên bàn cờ quốc tế sẽ khiến chính giới nước này phải đau đầu.

2. Kinh tế

Bất chấp khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, Anh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), với mức tăng trưởng dự báo có thể đạt 3% trong năm 2014. Trong năm 2014, Anh đã tạo thêm được 500.000 việc làm mới. Tỷ lệ thất nghiệp giảm. Tỷ lệ lạm phát năm 2014 ước tính chỉ ở mức 1,5%, thấp hơn mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đề ra. Về tình hình nợ công, thâm hụt của Anh đã giảm một nửa kể từ năm 2010. Lượng tiền vay giảm từ 97,5 tỷ bảng trong tài khóa 2013-2014 xuống 91,3 tỷ bảng trong tài khóa 2014-2015. Trong Báo cáo cuối năm, Bộ trưởng Tài chính George Osborne khẳng định kế hoạch khôi phục kinh tế của chính phủ đang đi đúng hướng, nhưng Anh sẽ vẫn phải tiếp tục chính sách khắc khổ trong những năm tới để đạt mục tiêu cân bằng ngân sách vào cuối thập niên này.



II. Quan hệ đối ngoại

1. Quan hệ Anh- Afghanistan:

Anh rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan. Những đơn vị quân sự cuối cùng của Anh đã rút khỏi miền Nam Afghanistan (ngày 24/11), sau cuộc chiến kéo dài 13 năm, cướp đi sinh mạng của 453 binh sĩ Anh trong các chiến dịch tại Afghanistan kể từ năm 2001.



2. Quan hệ Anh-Iraq (với liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng-IS)

Hạ viện Anh đã thông qua với đa số áp đảo (+481) kế hoạch của Chính phủ Thủ tướng Cameron tham gia chiến dịch không kích do Mỹ cầm đầu nhằm vào các căn cứ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq. Anh quyết định can dự vào Iraq sau khi nhận được đề nghị chính thức từ Chính phủ Iraq muốn Anh tham gia liên minh quốc tế tiêu diệt IS, trong bối cảnh các vụ hành quyết man rợ của IS đối với các con tin người Anh gây rúng động dư luận Anh và thế giới.



3. Quan hệ với các nước Tây Phi

Anh thể hiện vai trò là nước đi đầu trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế chống đại dịch Ebola, nhằm giúp các quốc gia Tây Phi đối phó với dịch Ebola. Bên cạnh sự đóng góp của các nhà khoa học và hãng dược phẩm Anh trong cuộc chạy đua bào chế vắc xin chống lại virus chết người này, Anh đã viện trợ tài chính lên tới 205 triệu bảng cho các nước vùng dịch, đồng thời điều 750 binh lính cùng với tàu hậu cần Argus, một bệnh viện di động được trang bị đầy đủ đến Sierra Leone, một trong những nước có dịch Ebola hoành hành dữ dội nhất. Ngoài ra, khoảng 780 tình nguyện viên là các nhân viên y tế của nước này cũng tới đây để giúp giới chức địa phương đối phó với dịch bệnh.



4. Quan hệ Anh - EU: Năm 2014 đánh dấu nhiều bất đồng trong quan hệ giữa Anh với EU. Thủ tướng Cameron đã thất bại trong việc ngăn cản cựu Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker trở thành Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ mới. Lãnh đạo các nước thành viên không đồng tình với đề nghị của Cameron muốn thay đổi Hiệp ước sáng lập tổ chức này, trong đó có điều khoản cốt lõi bảo vệ quyền tự do di chuyển nội khối về người, để ngăn chặn người di cư tìm việc làm có thể lợi dụng chính sách phúc lợi xã hội của những nước giàu hơn trong khối. Cameron tuyên bố sẽ thương lượng để giảm lượng người di cư trong EU và biến cải cách phúc lợi thành một yêu cầu bắt buộc trong tiến trình đàm phán lại về tư cách thành viên của Anh trong EU.

5. Quan hệ Anh-Trung Quốc:

Anh mở rộng Chính sách "hướng Đông" bằng việc ký kết và công bố hàng loạt thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính - ngân hàng, đầu tư, văn hóa, giáo dục, công nghệ cao... trị giá hơn 14 tỉ bảng Anh. Trung Quốc và Anh sẽ phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỉ USD vào năm 2015. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc - ngân hàng cho vay lớn thứ 2 nước này- đã được chọn mở dịch vụ giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ đầu tiên tại London. Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc trong EU, với kim ngạch thương mại song phương Anh-Trung Quốc năm ngoái đạt 70 tỉ USD. Bộ Nội vụ Anh đã thông báo nới lỏng một số chính sách thị thực nhằm thu hút khách du lịch Trung Quốc.



6. Quan hệ Anh-Ấn Độ: Anh coi quan hệ với Ấn Độ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của nước này.

III. Quan hệ Anh - Việt Nam

Trong năm 2014, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, văn hóa, giáo dục tiếp tục phát triển mạnh.

Kim ngạch xuất khẩu song phương Việt Nam-Anh đạt 2,83 tỉ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó xuất khẩu đạt 2,4 tỉ USD (giảm 2,9%), nhập khẩu đạt 426 triệu USD (tăng 14,3%). Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh gồm: hải sản, rau quả, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, sản phẩm chất dẻo, cao su, túi xách, ví, vali, ô dù, sản phẩm mây tre, cói thảm, sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép, thiếc, máy vi tính và linh kiện điện tử. Các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường Anh vẫn đang phát triển tốt và chiếm lĩnh được thị phần.

Về vấn đề dân chủ-nhân quyền: Việt Nam nằm trong danh sách những nước mà Anh cho là đáng quan ngại về vấn đề nhân quyền. Trong năm 2014, xuất hiện hiện tượng các đối tượng người Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Anh tổ chức biểu tình đòi thả các đối tượng bất đồng chính kiến đang bị giam giữ để quay phim, chụp ảnh nhằm "lập hồ sơ" xin tị nạn chính trị tại Anh. Những đối tượng này đã tổ chức 2 cuộc biểu tình như vậy trước trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Anh trong năm 2014.
PHỤ LỤC
Ngoại giao “đồng tiền” của Trung Quốc

TTXVN (Singapore 8/1) - Theo báo Liên hợp Buổi sáng, năm 2014 là một năm quan trọng đối với ngoại giao kinh tế của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo nước này đã dồn dập tới khắp các nơi trên thế giới, đến bất cứ đâu hợp đồng được ký kết rất nhiều, đồng thời họ cũng để lại các “món quà viện trợ hào phóng” cho một số nước. Bất luận là đầu tư 40 tỉ USD để thành lập Quỹ con đường tơ lụa, hay cam kết rót vốn vào Ngân hàng Phát triển BRICS và Quỹ BRICS các khoản tiền lần lượt là 10 tỉ và 41 tỉ USD, việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để làm đòn bẩy cho những thay đổi cục diện địa chính trị cho thấy khả năng ảnh hưởng nổi trội cũng như tham vọng nước lớn đã quá rõ ràng của họ.

Cách làm này của Trung Quốc không phải gần đây mới xuất hiện. Trong 10 năm qua, mỗi lần các nhà lãnh đạo Trung Quốc có các chuyến thăm nước ngoài, hoặc các nhà lãnh đạo quan trọng đến thăm Trung Quốc, họ đều “gửi tặng” các bản hợp đồng lớn hàng tỉ thậm chí chục tỉ USD. Đối với các nước đang phát triển, Trung Quốc cũng thường xuyên dành tặng các khoản tiền và vật chất lớn dưới hình thức viện trợ nhằm củng cố quan hệ song phương. Có khi Trung Quốc còn sử dụng mức độ nhiều ít của các hợp đồng và khoản viện trợ để thể hiện mức độ quan hệ thân sơ, đồng thời cũng sử dụng thủ đoạn hủy bỏ hoặc cắt giảm các hợp đồng, các khoản viện trợ để trừng phạt những nước gây khó dễ cho họ về mặt chính trị.

Kiểu ngoại giao kinh tế mang đặc trưng Trung Quốc này khiến cho họ trở thành “địa chủ” lớn nhất thế giới, với lượng tiền dường như tiêu mãi không hết của mình, Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nước một khi những nước đó “làm vừa lòng” họ. "Indonesia cần xây dựng một cản mới ư? Hãy nhận lấy 3 tỉ USD. Philippines cần nâng cấp cải tạo sân bay Manila ư, không vấn đề gì. Mạng lưới điện của Thái Lan quá tải? Hãy gửi các hóa đơn cho tôi".

Ngày 5/5/2014, hãng tin Bloomberg của Mỹ trong một bài báo có tựa đề "Trung Quốc dùng tiền để kết bạn và tạo ảnh hưởng” miêu tả rất rõ về kiểu ngoại giao kinh tế của Trung Quốc, đồng thời chỉ ra tình trạng tâm lý của Trung Quốc là: Đối với các nước khác, nếu bạn không thể đánh bại họ, chỉ cần dành cho họ nhiều tiền là có thể chiến thắng.

Sử dụng biện pháp kinh tế để đạt được mục đích về chính trị và chiến lược, cách làm này không chỉ mỗi Trung Quốc, Mỹ viện trợ cho Ai Cập, Nhật Bản mở rộng quy mô đầu tư ở khu vực Đông Nam Á, đều có sự tính toán và cân nhắc mạnh mẽ chứ không chỉ là hành vi kinh tế đơn thuần. Đối với Trung Quốc, trong bối cảnh sức mạnh mềm của bản thân còn chưa đủ lớn thì việc phát huy sở trường nhằm che lấp sở đoản, phát huy ưu thế về sức mạnh kinh tế được xem là việc làm cần thiết và hợp lý. Về kết quả thực tế, Trung Quốc sử dụng lượng tiền lớn cho lĩnh vực ngoại giao không phải là việc làm vô ích, trên thực tế đã đạt được những thành tựu nhất định về mặt kinh tế, chính trị và lợi ích chiến lược. Thứ nhất, giảm bớt căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc với một số nước. Một số nước dù không thừa nhận chế độ chính trị và một số cách làm của Trung Quốc, song trước sức hấp dẫn của các hợp đồng và các khoản viện trợ, cũng như tính toán đến những nhu cầu kinh tế trong nước, nên luôn giữ quan hệ ôn hòa với Trung Quốc trong một số vấn đề. Thứ hai là tạo ra giới doanh nghiệp có quan hệ hữu hảo với Trung Quốc ở một số nước để khi quan hệ hai nước phát triển không thuận lợi, các doanh nghiệp này có thể phát huy vai trò trong việc điều hòa cũng như nói tốt cho Trung Quốc. Điểm này được thể hiện rất rõ trong những năm 1990, khi Mỹ ban hành quy chế tối huệ quốc cho Trung Quốc. Có thể nói, phần lớn các thời kỳ trong lịch sử quan hệ Mỹ-Trung, các doanh nghiệp lớn của Mỹ đều là những người ủng hộ Trung Quốc kiên định nhất, và là những người có tiếng nói mạnh nhất trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước.

Ngoài ra, “ngoại giao hợp đồng” cũng giúp Trung Quốc thực hiện một số các mục tiêu địa chính trị. Hiện nay, mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu mỏ nước ngoài là gần 60%. Tháng 9/2013, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia dầu nhập khẩu lớn nhất thế giới, trong đó việc vận chuyển dầu thô bằng đường biển gần như phải đi qua eo biển Malacca. Trong bối cảnh sức mạnh hải quân Trung Quốc còn chưa đủ mạnh như hiện nay và việc bảo đảm an toàn cho các tuyến đường hàng hải quốc tế đều do Mỹ thực hiện, việc Trung Quốc đầu tư vào một loạt cảng ở Pakistan, Sri Lanka và Bangladesh, không chỉ là đầu tư kinh tế đơn thuần mà còn mang ý nghĩa địa chính trị to lớn.


Bắc Kinh (đêm 8/1) - Ba nước Malaysia, Singapore và Thái Lan lần lượt là đối tác thương mại lớn thứ nhất, thứ hai và thứ ba của Trung Quốc trong các nước ASEAN, quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT) mới đây đã không ngừng thu được bước tiến mạnh tại Malaysia, Singapore và Thái Lan.


Ngày 6/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ra thông cáo số 2 trong năm 2015 cho biết, theo nội dung liên quan ghi trong “Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Trung ương Trung Quốc với Ngân hàng Thái Lan”, quyết định ủy quyền cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng Công thương Trung Quốc tại Thái Lan mở nghiệp vụ thanh toán bằng đồng NDT tại Bangkok. Ngày 5/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ra thông cáo số 1 cho biết, theo nội dung liên quan trong bản “Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Trung ương Trung Quốc với Ngân hàng Nhà nước Malaysia”, quyết định ủy quyền cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng Trung Quốc tại Malaysia mở nghiệp vụ thanh toán bằng đồng NDT tại Kuala Lumpur.

Đây là bước tiến lớn của quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ tại 3 nước Malaysia, Singapore và Thái Lan trong gần 3 tháng qua.

Ngày 22/12/2014, Ngân hàng Trung ương của hai nước Trung Quốc và Thái Lan đã ký bản ghi nhớ hợp tác về sắp xếp thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ tại Thái Lan, đồng thời ký hiệp định trao đổi đồng nội tệ hai chiều với quy mô 70 tỷ NDT. Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ủy quyền Ngân hàng Công thương Trung Quốc tại Thái Lan mở nghiệp vụ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ tại Bangkok là một phần nội dung nhằm thực hiện hiệp định kể trên.

Ngày 28/10/2014, thị trường ngoại tệ liên ngân hàng Trung Quốc đã khởi động hoạt động giao dịch trực tiếp giữa đồng Nhân dân tệ với đồng đôla Singapore. Việc này được coi là biện pháp chung quan trọng của hai nước Trung Quốc-Singapore nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại hai nước tiếp tục phát triển lên phía trước, có lợi cho hình thành tỷ giá hối đoái trực tiếp giữa đồng Nhân dân tệ với đồng đôla Singapore, đồng thời thúc đẩy sử dụng song song NDT và đôla Singapore trong hoạt động thương mại và đầu tư hai chiều. Chỉ số đồng NDT do Ngân hàng Trung Quốc công bố mới đây cho thấy, mức giao dịch giữa đồng đôla Singapore và đồng NDT trong quý III/2014 đã tăng trưởng rõ rệt, tăng 20,4% so với quý II/2014.

Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ủy quyền cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng Trung Quốc tại Malaysia mở nghiệp vụ thanh toán bằng đồng NDT tại Kuala Lumpur là biện pháp thúc đẩy thực hiện bản ghi nhớ hợp tác về sắp xếp thanh toán bằng đồng NDT được ký giữa ngân hàng trung ương hai nước tại Kuala Lumpur ngày 10/11/2014.

Quốc tế hóa đồng NDT sẽ mang lại dịch vụ tài chính tiền tệ nhanh tiện và chất lượng cao hơn cho cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan tài chính khu vực ASEAN trong hoạt động giao dịch xuyên biên giới bằng đồng NDT, thúc đẩy hơn nữa tự do hóa và tiện lợi hóa thương mại và đầu tư.



Theo thống kê, năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc-Malaysia đạt 106 tỷ USD; kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc-Singapore đạt 91,43 tỷ USD; kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc-Thái Lan đạt 71,26 tỷ USD./.





Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 261.56 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương