THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)



tải về 261.56 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích261.56 Kb.
#30937
1   2   3   4

Đài RFA đêm 8/1 đưa tin, mới đây, Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam tuyên bố phá giá đồng bạc thêm 1% và đây là lần thứ hai trong vòng 7 tháng qua Việt Nam phá giá đồng tiền của mình. Động thái phá giá này nói lên điều gì? Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên Cố vấn kinh tế cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương để tìm hiểu thêm vấn đề này.


- Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đồng tiền châu Á nói chung đã suy yếu so với đồng USD trong 6 tháng qua do giả định rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu nâng lãi suất trong năm nay. Như vậy, việc phá giá đồng bạc Việt Nam có nằm trong lý thuyết này hay không?

+ Đồng bạc Việt Nam đã được ổn định so với đồng USD trong năm 2014. Mức ổn định đó căn cứ trên việc chỉ giảm giá đồng bạc 2% so với mức lạm phát trung bình cả năm là 4%. Nếu cộng thêm với mức độ lạm phát của nền kinh tế Việt Nam trong những năm trước đây, các nhà kinh tế tính toán rằng tiền đồng Việt Nam thực sự đã lên giá so với đồng USD tới 30% và điều này thực sự gây khó khăn cho xuất khẩu tại Việt Nam.

Chúng ta thấy xuất khẩu của các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất ra, chứ không phải là mặt hàng gia công nhập khẩu từ bên ngoài vào thì đã có những khó khăn khá lớn. Như vậy, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm giá đồng tiền Việt Nam 1% trong những ngày đầu năm của 2015 là một điều có thể hiểu được, không có gì đáng lo ngại lắm.

Điều đáng lo ngại là Việt Nam đang nợ nước ngoài khá nhiều. Nếu giảm giá đồng bạc Việt Nam thì Việt Nam phải chi tiêu thêm nhiều hơn để trả nợ nước ngoài. Còn tác động đối với xuất khẩu theo tôi, chỉ tác động với tỷ lệ xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, còn nếu như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhập khẩu hàng hóa và nguyên vật liệu vào rồi lắp ráp ở Việt Nam thì tỷ lệ giá trị gia tăng tương đối thấp, vì vậy tác động trực thuộc đối với xuất khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là hạn chế.



- Việc phá giá lần thứ hai này có liên quan gì đến yếu tố xuất khẩu dầu của Việt Nam hay không, vì nền công nghiệp này đóng góp vào GDP rất lớn?

+ Việc giảm giá dầu chắc chắn đã ảnh hưởng không tốt đến nguồn thu ngân sách của Việt Nam và điều này Bộ Tài chính đã có công bố nhiều lần. Vấn đề ở đây là việc giảm giá dầu đó đồng thời nó cũng giảm giá các mặt hàng mà Việt Nam nhập  khẩu như xăng, chất dẻo, phân đạm, như sợi polyester, các sản phẩm này đều sản xuất từ dầu lửa cho nên nếu như các sản phẩm đó cũng giảm giá thì tác động với nền kinh tế Việt Nam sẽ tích cực hơn. Vì vậy, tôi nghĩ giá dầu giảm sẽ có mặt tích cực cho nền kinh tế và có thể sẽ tích cực đối với sức mua của người dân. Xăng hạ, người dân có thể dùng khoản tiền tiết kiệm đó để chi cho các khoản khác.



- Vâng, ông vừa nói mặt tích cực trong việc sản xuất và chi tiêu của người dân khi giá xăng giảm mạnh, vậy việc phá giá đồng tiền lần này có ý nghĩa gì nữa?

+ Đối với việc giảm giá đồng bạc trong tình hình hiện nay, nó cũng đáp ứng yêu cầu cụ thể của thị trường. Cuối năm, các doanh nghiệp phải tất toán các hoạt động cho nên họ có nhu cầu mua USD nhiều hơn và điều ấy thường đem đến việc giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh, cho nên sau khi ngân hàng có điều chỉnh tỉ giá thì ngay lập tức giá USD cũng đã nâng lên một mức mới. Điều đó cho thấy việc điều chỉnh 1% đối với nền kinh tế Việt Nam không gây tác động gì lớn đối với lạm phát cũng như không gây ra biến động lớn đối với kinh tế vĩ mô.



- Đồng tiền phá giá là hình thức chống lạm phát, trong trường hợp này, xin ông cho biết có phải kinh tế Việt Nam đang đi vào giai đoạn trì trệ, sau khi đã phát triển trong mấy năm qua?

+ Không. Việt Nam hồi gần đây tăng trưởng trở lại rất mạnh mẽ. Năm 2014 đã tăng trưởng gần 6%. Tôi nghĩ rằng hiện nay, không có dấu hiệu gì cho thấy Việt Nam đang đi vào giai đoạn trì trệ. Hy vọng sắp tới đây, chính phủ sẽ đẩy mạnh công cuộc cải cách và tôi hy vọng rằng nền tảng của nền kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Việc điều chỉnh tỷ giá này nó cũng góp phần làm cho các biến động của thị trường và sức ép đối với các ngân hàng được ổn định hơn thôi chứ tôi nghĩ rằng không gây khó khăn gì lớn.

- Như ông đã nói là phá giá đồng bạc sẽ gây thêm mối lo ngại về trả nợ nước ngoài vì nợ sẽ tăng theo việc phá giá. Ông có đề nghị gì giảm bớt gánh nặng nợ công khi đồng bạc mất giá?

+ Trong tình hình hiện nay, không thể nào có biện pháp để làm vừa lòng tất cả mọi người. Giảm giá đồng bạc 1% có nghĩa là nợ sẽ tăng thêm 1%. Điều ấy cũng đáng lo ngại nhưng theo tôi, không đến nỗi phải lo ngại một cách quá đáng. 1% không phải là điều gì ghê gớm nếu như so với trước đây Việt Nam đã trải qua các biến động lớn hơn 1% nhiều.


II. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐÔNG BẮC Á
Trung Quốc: Tam Sa tổ chức diễn tập chấp pháp hành chính tổng hợp trên biển

TTXVN (Bắc Kinh 8/1) - Truyền hình mạng Trung Quốc ngày 7/1 đưa tin ngày 6/1, thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã tiến hành diễn tập chấp pháp hành chính tổng hợp trên biển tại vùng biển đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm), Tây Sa (Hoàng Sa). Nội dung diễn tập lấy chấp pháp hành chính tổng hợp trên biển và cứu viện khẩn cấp là chính, với 4 khoa mục: biên đội (gồm lực lượng chấp pháp dân quân, hải cảnh và ngư chính) có trang bị tàu tuần tra trên biển, thực hiện chấp pháp hành chính tổng hợp trên biển (kiểm tra tàu cá của Trung Quốc và nước ngoài vi phạm), tìm kiếm và cứu người trên biển, tuần tra chấp pháp liên hợp trên biển.
III. TIN QUỐC TẾ
TRUNG QUỐC
Xung quanh chiến dịch thanh lọc lớn trong quân đội Trung Quốc

TTXVN (Hong Kong 8/1) - Tờ Thái dương số ra ngày 8/1 cho biết trong lần điều chỉnh nhân sự quân đội mới nhất, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh Lưu Chí Cương đã chuyển ngang làm Phó Tư lệnh Quân khu Tế Nam. Tuy chức vụ không thay đổi, nhưng việc bị điều từ Thủ đô ra tỉnh ngoài cho thấy Lưu Chí Cương đã bị ruồng bỏ. Do Lưu Chí Cương từng là thư ký của Quách Bá Hùng (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương), cho nên, việc Lưu Chí Cương bị điều động lần này còn có nghĩa số phận của Quách Bá Hùng cũng không ổn.

Báo trên cho biết Lưu Chí Cương có thời gian dài công tác ở Quân khu Bắc Kinh. Khi Quách Bá Hùng làm Phó Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, Lưu Chí Cương là người tâm phúc của Quách Bá Hùng. Sau khi tấn thăng làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Quách Bá Hùng đã nhanh chóng điều Lưu Chí Cương về Quân ủy Trung ương, làm thư ký cho mình. Vài năm sau, Lưu Chí Cương được đưa xuống Tập đoàn quân số 38, con át chủ bài của quân đội Trung Quốc, để rèn luyện. Hơn 10 năm qua, con đường quan lộ của Lưu Chí Cương luôn thuận buồm xuôi gió và đã trở thành Phó Tư lệnh Quân khu. Nếu như không có vụ án Cốc Tuấn Sơn (Trung tướng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần) dẫn tới chiến dịch thanh lọc lớn trong quân đội, rất có thể Lưu Chí Cương sẽ tấn thăng làm Tư lệnh Quân khu.

Ngoài Lưu Chí Cương, một viên tướng khác cũng bị thất sủng là Phó Chính ủy Quân khu Lan Châu Phạm Trường Bí, người từng làm Chính ủy Tập đoàn quân số 47, nơi khởi nghiệp của Quách Bá Hùng. Có quan chức Tổng cục Chính trị tố cáo, năm xưa Phạm Trường Bí đến Bắc Kinh mở tiệc mời Cốc Tuấn Sơn xin kinh phí. Cốc Tuấn Sơn nói với Phạm Trường Bí rằng uống một chén rượu sẽ cấp 1 triệu Nhân dân tệ (khoảng 160 nghìn USD). Phạm Trường Bí đã uống liền một mạch 38 chén rượu, sau đó, Cốc Tuấn Sơn đã cấp cho Tập đoàn quân số 47 hơn 50 triệu nhân dân tệ. Nắm được tiền trong tay, Phạm Trường Bí nhanh chóng mang hơn 10 triệu nhân dân tệ tới biếu người nhà Quách Bá Hùng, không lâu sau thì tấn thăng làm Phó Chính ủy Quân khu Lan Châu. Dư luận sớm đồn đoán rằng Phạm Trường Bí đã bị điều tra. Trong khi đó, người ta không thấy Phạm Trường Bí có mặt tại Hội nghị biểu dương động viên huấn luyện quân sự của Quân khu Lan Châu chiều 31/12 vừa qua. Cho nên, dư luận e rằng Phạm Trường Bí đã bị bắt.

Theo báo trên, những đồn đoán về số phận của Quách Bá Hùng đã nóng lên từ lâu. Vào trung tuần tháng 1/2014, mạng hải ngoại đã đăng tải một bức thư với tiêu đề “Ông Tập Cận Bình 12 lần chỉ thị tại sao không xử lý được Từ Tài Hậu (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương) và Quách Bá Hùng”. Bức thư nói rằng “vụ án tham nhũng lớn của nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Cốc Tuấn Sơn đã bùng phát được 2 năm nhưng vẫn không thể nào thúc đẩy kết án được. Nguyên nhân nằm ở chỗ Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng vốn dính líu sâu vào vụ án Cốc Tuấn Sơn ngoan cố chống lại Trung ương Đảng do ông Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư. Trong gần 2 năm, ông Tập Cận Bình đã có tổng cộng 12 lần chỉ thị, yêu cầu điều tra xử lý nghiêm vụ án Cốc Tuấn Sơn để trả lời toàn Đảng, toàn quân, nhưng Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng không chịu làm”.

Trước thềm Hội nghị Trung ương 4 khóa XVIII, trong một lần phát biểu, Trương Mộc Sinh, người được cho là quân sư của Chính ủy Tổng cục Hậu cần Lưu Nguyên, đã tiết lộ trong quân đội vẫn có một “hổ lớn” lợi hại hơn Từ Tài Hậu, thậm chí còn dám động tới cả ngân sách quân đội. Sau đó, Chính ủy Đại học Quốc phòng Lưu Á Châu cũng cho biết điều tra Từ Tài Hậu và Cốc Tuấn Sơn mới chỉ là khởi đầu, cuộc chiến chống tham nhũng trong quân đội không có dấu chấm hết. Do thân phận đặc biệt, vả lại Trương Mộc Sinh và Lưu Á Châu còn có điều kiện tiếp cận giới quyết sách, cho nên, những phát biểu nêu trên của họ đã gợi ra rất nhiều liên tưởng.

Giờ đây, khi Phạm Trường Bí “mất tích”, Lưu Chí Cương bị “ruồng bỏ”, có thể thấy lãnh đạo thế hệ 5 ở Trung Quốc đã bắt đầu nhằm vào Quách Bá Hùng. Đáng chú ý là trong lần điều chỉnh nhân sự quân đội lần này, Quân khu Lan Châu vốn được cho là “sào huyệt” của Quách Bá Hùng đã bị thay máu mạnh. Ngoài việc Phạm Trường Bí “mất tích”, nhiều tướng lĩnh nơi khác như từ Quân khu Bắc Kinh, Quân khu Thành Đô… đã được điều đến nắm giữ các chức vụ quan trọng tại Quân khu Lan Châu. Phương thức Mao Trạch Đông đối phó với Lâm Bưu khi xưa đang được tái hiện và người ta sẽ sớm được biết vận mệnh của Quách Bá Hùng.

Trong một diễn biến liên quan, tạp chí Minh kính số tháng 1/2015 dẫn nguồn tin là cán bộ cấp cao quân đội Trung Quốc về hưu cho biết ông Tập Cận Bình đã hạ quyết tâm chỉnh đốn quân đội triệt để. Sau Từ Tài Hậu, “hổ lớn” bị đánh đổ tiếp theo chính là Quách Bá Hùng. Nhân vật này vốn dĩ được tạm thời bỏ qua, nhưng hiện nay, qua điều tra phát hiện thấy Quách Bá Hùng có quá nhiều vấn đề. Hơn nữa, các vấn đề của Quách Bá Hùng không hề nhẹ hơn vấn đề của Từ Tài Hậu, cho nên, khó có thể không bị bắt giữ. Nếu Quách Bá Hùng bị bắt giữ, cuối cùng, rất có thể phải chịu sự xét xử của tòa án quân sự.
Trung Quốc tìm cách phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa chống tham nhũng và bảo vệ Đảng

TTXVN (Singapore 9/1) - Theo báo Liên hợp buổi sáng, trong những năm qua, có một câu nói phổ biến trong xã hội Trung Quốc là “Chống tham nhũng thì mất đảng, không chống tham nhũng thì mất nước”. Thế hệ lãnh đạo thứ năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay đang cố gắng phá vỡ vòng luẩn quẩn này, tức là vừa chống tham nhũng song cũng cần bảo vệ Đảng. Năm 2014 chứng kiến rất nhiều quan chức cấp cao bị xử lý do liên quan đến vấn đề tham nhũng, đó thực sự là một sự kiện chưa từng có trong suốt 60 năm qua.

Một thời gian trước, một số nhà lý luận theo trường phái cổ điển còn đưa ra cái gọi là "lý luận đấu tranh giai cấp", vậy thì những "con hổ lớn" trong Đảng và quân đội như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch thuộc vào giai cấp nào? Chắc chắn không phải là giai cấp vô sản, thậm chí còn vượt xa so với giai cấp tư sản thông thường.

Tiền của giai cấp tư sản dù tốt hay xấu phần lớn đều dựa vào kinh doanh mà có được, song tiền của những phần tử tham ô nói thẳng ra là toàn dựa vào lạm dụng quyền lực, chiếm dụng bất hợp pháp tài sản Nhà nước, cướp đi các khoản nộp thuế của người dân.

Giai cấp tư sản chí ít còn biết làm thế nào để thực hiện theo quy định của pháp luật, làm việc theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Trong khi đó, các phần tử tham nhũng cấp cao này có quyền lực tập trung trong tay cùng với tiền bạc kiếm được nhiều, chúng xem thường pháp luật, lạm dụng quyền lực để phục vụ các mưu đồ mục đích cá nhân. Đây thực sự là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia, văn minh của xã hội và nền dân chủ của nhân dân.

Không quá khi nói rằng các phần tử tham nhũng này sau một thời gian dài có thể leo sâu, leo cao trong các cơ quan Nhà nước và quân đội, gây ra những tổn thất to lớn cho đất nước và nhân dân, và nếu tiếp tục phát triển sẽ dẫn đến tình trạng làm mất Đảng, mất nước. Tại sao lại để xảy ra tình trạng xấu như vậy?

Chống tham nhũng xem xét từ góc độ thời gian, cần phân làm ba giai đoạn là trước, trong và sau khi sự việc xảy ra. Trong đó, phòng chống trước khi sự việc xảy ra là biện pháp quan trọng nhất, ngăn chặn khi phát hiện sự việc xảy ra là biện pháp hỗ trợ và tiến hành điều tra truy cứu sau khi sự việc xảy ra là biện pháp bổ trợ. Không khó để phát hiện ra rằng các quan chức cấp cao ngã ngựa vì tham nhũng hiện nay phần lớn đều thuộc về giai đoạn ba, sau khi sự việc xảy ra, tức là tổn thất và ảnh hưởng đã trở thành hiện thực, khi đó mới đi điều tra truy cứu và xử lý.

Việc phòng chống tham nhũng ở tầng lớp quan chức cấp cao không hiệu quả chủ yếu là các thủ tục lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ cấp cao có nhiều thiếu sót nghiêm trọng. Việc không kịp thời phát hiện và ngăn chặn quan chức tham nhũng chủ yếu là cơ chế giám sát thiếu sức mạnh và không minh bạch.

Trong lịch sử Trung Quốc không có khái niệm và hoạt động của chính đảng, chỉ có các thể chế và thế lực bang nhóm như “Thanh Hồng Bang”, “Ca Lão Hội”. Từ góc độ ý nghĩa hiện đại, cái gọi là chính đảng lại là đảng chuyên hoạt động về chính trị, đồng thời xây dựng tổ chức và nguyên tắc hoạt động của riêng mình. Thực tiễn chính đảng hiện đại của Trung Quốc có thể nói là nửa chừng, trong đó một trong những điểm khác biệt nhất là chính đảng không chỉ tham gia vào việc chính sự mà còn trở thành “Đảng toàn năng” có thể bao quát tất cả các lĩnh vực của đất nước.

Bẫy lớn nhất mà “Đảng toàn năng” đang phải đối mặt là việc thiếu một cơ chế hợp lý nhằm cân bằng các tầng lớp trong xã hội, thường xuyên xuất hiện các nguy cơ “quyền lực tuyệt đối dẫn đến tham nhũng tuyệt đối”. Trong thời kỳ Quốc dân Đảng, Đảng cầm quyền khi đó có tư tưởng lấy tay che cả bầu trời, khiến cho tình trạng tham nhũng càng nghiêm trọng, đã được nhà báo nổi tiếng khi đó là Chu Anh Bình gọi là “một khối thối nát”. Kết quả là quân đội Quốc dân đảng được sự trang bị vũ khí hiện đại của Mỹ song chỉ trong vòng vài năm đã bị quân đội Đảng Cộng sản với trang bị thô sơ đánh bại và phải chạy đến đảo Đài Loan.

Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi nắm quyền ở Đại lục thực sự được “thưởng thức hương vị quyền lực", lại bắt đầu trượt theo sai lầm “Đảng toàn năng”. Trong 30 năm đầu tiên nắm quyền thường xuyên có những sai lầm to lớn do việc xuất hiện các nhà lãnh đạo độc đoán. Trong khi đó, nền kinh tế thị trường gần 30 năm qua cũng dẫn đến tình trạng tham nhũng nghiêm trọng trên diện rộng. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đẩy mạnh công tác chống tham nhũng chính là do tình hình đã quá nghiêm trọng, không thể không làm, song các công việc đang làm mới chỉ giải quyết được phần ngọn.

Nếu mục tiêu cuối cùng là chữa bệnh thì cần có sự thay đổi lớn từ "Đảng toàn năng” sang "Đảng chuyên nghiệp". "Đảng chuyên nghiệp" nên chuyên môn vào các hoạt động chính trị, không nên lấn sân sang các lĩnh vực khác, điều này cũng đồng nghĩa với việc thiết lập ranh giới và chiếc tròng cho quyền lực chính trị. Toàn xã hội trong đó có cả Đảng cầm quyền đều phải tự giác thực hiện triệt để việc chấp hành các quy định pháp luật và chịu sự giám sát của quần chúng, có như vậy mới có thể phòng ngừa hiệu quả và ngăn chặn kịp thời tình trạng lạm dụng quyền lực để tham nhũng, qua đó đưa xã hội phát triển đi lên.
Báo mạng: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có phong cách của một Tổng thống Mỹ

Reuters (London 7/1) - Theo nhiều nhà bình luận, Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình, và thậm chí là Mao Trạch Đông. Song lại có ý kiến cho rằng người ta nên so sánh phong cách và quyền lực của ông với một tổng thống Mỹ. Khác với cách sử dụng cơ chế quyền lực tập thể của những người tiền nhiệm như Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, ông Tập Cận Bình đã vận dụng một cách triệt để quyền lực cá nhân. Trên bình diện đối ngoại, ông thể hiện bản thân như một nhà ngoại giao hàng đầu, trong khi đối với dư luận trong nước, ông được xây dựng hình ảnh là một nhân vật năng nổ và đầy trách nhiệm, là người đại diện cho Đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc thường phát đi những hình ảnh của Chủ tịch Tập Cận Bình đang tham dự các lễ kỷ niệm, giám sát các cuộc diễu binh, đón tiếp giới chức nước ngoài tới thăm Trung Quốc, và trong các cuộc họp yêu cầu cấp dưới giải trình về hậu quả của các vụ thiên tai cũng như tranh cãi chính trị, thậm chí là cả những vụ việc như vụ giẫm đạp tại Thượng Hải trong lễ chào đón Năm mới vừa qua. Đây rõ ràng là những điều mà một tổng thống Mỹ vẫn thường làm.

Giới bình luận cho rằng những người chịu trách nhiệm xây dựng hình ảnh cho Chủ tịch Tập Cận Bình dường như cũng mang một sự "ám ảnh" đối với việc phải thể hiện cho dư luận thấy được quyền lực của lãnh đạo giống đội ngũ nhân viên của Phòng Bầu dục. Bộ máy "quan hệ công chúng" này không ngừng xây dựng hình ảnh ông Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, năng động, nắm vững mọi khía cạnh thông tin và là một nhà lãnh đạo độc lập, người chịu trách nhiệm về tất cả những quyết định của Đảng và chính phủ.

Trong một bài viết được đăng trong ấn bản ra ngày 20/9/2014, tạp chí Nhà Kinh tế nhận định: "Ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo đầu tiên có hẳn một đội ngũ riêng đảm trách việc xây dựng hình ảnh trước công luận. Tuy nhiên, ông cũng là một nhân vật có khả năng thiên bẩm trong việc thu hút đám đông nhờ vào vóc dáng, tính kiên nhẫn và khả năng lớn trong lĩnh vực quan hệ công chúng".

Trên bình diện đối ngoại, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng thể hiện một phong cách rất riêng biệt. Ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường - nhân vật quyền lực thứ hai trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc - đã dành tổng cộng 85 ngày để thực hiện các chuyến thăm cấp cao tới 30 quốc gia tại châu Âu, châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và châu Đại Dương. Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã ngày 28/12/2014 đã đăng tải một bài viết có tiêu đề "Thế giới hoan nghênh động thái ngoại giao chủ động của Trung Quốc", trong đó đã gọi việc các hội nghị thượng đỉnh cùng nhiều cuộc gặp cấp cao diễn ra liên tiếp trong thời gian qua là "một cơn lốc Trung Quốc".

Việc giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tăng cường hoạt động trong môi trường ngoại giao quốc tế hoàn toàn không phải là điều ngẫu nhiên. Trong buổi tổng kết năm 2014 và chiêu đãi các nhà ngoại giao quốc tế tại Bắc Kinh vừa qua, Ngoại trưởng Vương Nghị đã tự hào tuyên bố: "2014 là năm bội thu đối với ngành ngoại giao Trung Quốc". Ông nói: "Với mục tiêu xây dựng một mạng lưới đối tác toàn cầu, chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác trên nhiều khía cạnh với 64 quốc gia và 5 tổ chức khu vực". Ngoại trưởng Vương Nghị cũng cam kết trong năm 2015, Trung Quốc sẽ tiếp tục "tích cực theo đuổi đường lối ngoại giao đặc biệt để củng cố vai trò nước lớn của Trung Quốc, hỗ trợ mạnh mẽ cho việc hiện thực hóa 'Giấc mơ Trung Hoa', nhằm đổi mới đất nước cũng như đóng góp cho hòa bình và sự phát triển của toàn thế giới".

Trên thực tế, mạng lưới đồng minh toàn cầu (trên các khía cạnh như quân sự, ngoại giao và kinh tế) là tài sản lớn nhất giúp Mỹ khẳng định vị thế là một cường quốc. Mục tiêu xây dựng một mạng lưới ngoại giao để củng cố điều mà giới chức Trung Quốc gọi là vị thế của một "nước lớn" thực chất là tham vọng trở thành một cường quốc tầm vóc toàn cầu.

Tại Mỹ, các hoạt động ngoại giao của tổng thống đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc củng cố các mối quan hệ và xây dựng tầm ảnh hưởng đối với thế giới bên ngoài. Tùy theo mức độ của mối quan hệ, giới tướng lĩnh quân đội, các nhà ngoại giao hàng đầu, bộ trưởng các bộ, phó tổng thống hoặc chính bản thân tổng thống Mỹ sẽ thực hiện các chuyến thăm viếng nước ngoài để củng cố quan hệ và đổi lại, thận trọng gửi những lời mời giới chức nước bạn tới thăm Bộ Ngoại giao, Nhà Trắng hoặc Phòng Bầu dục. Trung Quốc rõ ràng đang phát triển một mô hình tương tự. Lực lượng Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã bắt đầu triển khai kế hoạch đưa tàu chiến tới thăm cảng biển theo lời mời của các nước bạn.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phát triển các học thuyết chính sách đối ngoại của riêng họ xoay quanh "sự trỗi dậy hòa bình" của đất nước, "giấc mơ Trung Hoa" và sáng kiến "Một vành đai, một con đường" nhằm thúc đẩy tầm nhìn về phát triển kinh tế hòa bình với Trung Quốc là trung tâm. Điều này cũng giống như Mỹ trước đây khi phát triển các học thuyết ngoại giao xoay quanh tự do thương mại, tài chính toàn cầu và quyền tự do cá nhân.

Những người từng đứng đầu Nhà Trắng muốn có một học thuyết mang tên họ để ghi lại toàn bộ những động thái và chiến lược của họ trong các vấn đề đối ngoại. Ông Tập Cận Bình đã phát triển một điều gì đó tương tự như vậy khi đưa ra sáng kiến "Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21".

Cũng như Mỹ từng sử dụng các thỏa thuận thương mại tự do, hỗ trợ quân sự, các chính sách ngân hàng về viện trợ và cho vay để "thưởng" cho các đồng minh và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ ngoại giao, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang bận rộn ký kết các thỏa thuận thương mại cũng như thực hiện các khoản cho vay và đầu tư trị giá hàng tỷ USD đối với những đối tác chiến lược được lựa chọn, với hy vọng sẽ giành được ảnh hưởng và sự ủng hộ lớn hơn.

Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà ngoại giao của Trung Quốc dường như đều cố ý sao chép mô hình quan hệ quốc tế của Mỹ, trong đó có sửa đổi để phù hợp với nguồn lực và đáp ứng những ưu tiên chiến lược của riêng họ, tìm cách giúp Trung Quốc có được ảnh hưởng quân sự, kinh tế và ngoại giao ngang bằng với Mỹ song vẫn có sự khác biệt.

Ở trong nước, nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc Tập Cận Bình dường như cũng đã học được những bài học quan trọng từ Mỹ về tầm quan trọng của sự lãnh đạo cá nhân mà người dân có thể dễ dàng nhận thấy được. Ông Tập Cận Bình rất giỏi việc sử dụng ảnh hưởng của vị trí người đứng đầu nhà nước đối với công luận để thúc đẩy chương trình nghị sự hay một phương hướng chính sách rõ ràng nào đó, theo cách thức khiến người ta ngay lập tức nghĩ tới các tổng thống Mỹ, từ Theodore Roosevelt tới Ronald Reagan.

Ngay cả chiến dịch chống tham nhũng và việc Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần nói rằng cần tập trung vào tăng cường kỷ luật rõ ràng là nhằm tập trung quyền kiểm soát hành chính và chính trị cũng như loại bỏ những đối thủ và củng cố tính hợp pháp của Đảng cầm quyền. Những biện pháp này đơn giản là nhằm làm cho hệ thống đảng-chính phủ trở nên hiệu quả, có hiệu lực và ổn định hơn.

Các chiến dịch kêu gọi thắt chặt kỷ luật, trật tự và chống lại chủ nghĩa bè phái là sự nhắc nhở thẳng thắn đối với những quan chức cấp thấp hơn rằng nếu không tuân theo những chỉ thị từ bên trên thì chắc chắn sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Như trong chính sách đối ngoại, những cải cách trong nước là nhằm trang bị cho Bắc Kinh một bộ máy chịu trách nhiệm ra quyết định về các vấn đề quân sự, chính trị và kinh tế cần thiết cho một cường quốc kinh tế và ngoại giao hiện đại.

Vấn đề ưu tiên không phải là đưa Trung Quốc tiến tới dân chủ, mà là làm cho hệ thống cầm quyền hiện nay hoạt động hiệu quả hơn, cho phép Bắc Kinh đối phó với những thách thức trong việc điều hành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như điều mà Ngoại trưởng Vương Nghị cho là sự tương tác ngày càng chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.


Lý do Trung Quốc ráo riết triển khai chương trình thăm dò Mặt Trăng?

TTXVN (Pretoria 8/1) - Theo mạng tin Nhà Ngoại giao ngày 7/1, tàu thăm dò Chang'e 5-T1 (Hằng Nga 5-T1) của Trung Quốc, còn được gọi là Xiaofei, đã hoàn thành một quỹ đạo quanh Mặt Trăng hồi tháng 10/2014. Đây là lần đầu tiên một chuyến bay vòng quanh Mặt Trăng được thực hiện kể từ khi Mỹ và Nga tiến hành các chuyến bay dạng này hồi thập kỷ 1970. Xiaofei là tiền thân của Hằng Nga 5, một loại tàu thăm dò dự kiến sẽ mang về Trái Đất các loại đất đá (regolith) khai thác được từ độ sâu 2 mét trên Mặt Trăng, được cho là có chứa chất helium-3 quý giá cho việc sản xuất năng lượng, và quan trọng hơn cho việc chế tạo các loại vũ khí hạt nhân thế hệ thứ 4.

Mục tiêu chính của Xiaofei trong cuộc thám hiểm nói trên là để thử nghiệm khả năng tái thâm nhập khí quyển trên một khoang giống như khoang được thiết cho Hằng Nga 5, dự kiến sẽ được phóng đi vào năm 2017. Giống như tàu thăm dò Yutu, điểm đến của Hằng Nga 5 trên Mặt Trăng sẽ là Mare Imbrium, còn được gọi là "Biển Mưa", một trong những vùng biển rộng lớn hình thành từ miệng núi lửa trên Mặt Trăng, có thể nhìn thấy từ Trái Đất, và được đánh giá là một nơi tích tụ nhiều helium-3. Nguồn tài nguyên đặc biệt này đang thúc đẩy Trung Quốc mạnh dạn đi đầu trong cuộc đua không gian bí mật giữa các cường quốc nhằm giành giật helium-3, một loại khí giàu năng lượng nhất mà con người cho tới nay được biết.

Theo Tiến sĩ Abdul Kalam, cựu Tổng thống Ấn Độ đồng thời là nhà khoa học hàng đầu của nước này, thì "nguồn helium-3 trên Mặt Trăng có thể cung cấp một nguồn năng lượng lớn gấp hơn 10 lần năng lượng từ tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch trên Trái Đất". Nói một cách cụ thể thì một tấn helium-3 có thể sản xuất ra một lượng điện năng đủ để đáp ứng 80% nhu cầu của thành phố Tokyo trong vòng 1 năm. Một tấn helium-3 cũng có khả năng sản sinh ra một lượng năng lượng lớn gấp 1,5 lần Tsar Bomba (Vua bom) - quả bom hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay, có sức công phá lên tới 58 megaton mà Liên Xô từng thử nghiệm vào năm 1962. Tsar Bomba có sức hủy diệt lớn gấp 1.350 lần tổng số bom nguyên tử từng hủy diệt các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.

Mấy năm gần đây, các nhà khoa học quốc tế bắt đầu nói nhiều đến giá trị của helium-3 trong việc sản xuất năng lượng nhờ phương pháp tổng hợp nhiệt hạch, và nhiều quốc gia trên thế giới đang âm thầm triển khai các kế hoạch khai thác nguồn tài nguyên này từ Mặt Trăng. Trái Đất chí có khoảng 100kg helium-3 tồn tại trong tự nhiên và khoảng 600kg dưới dạng sản phẩm phụ trong quá trình phân rã các đầu đạn hạt nhân sử dụng tritium của Mỹ và Nga.

Helium-3 là nguồn tài nguyên dồi dào và có giá trị nhất trên Mặt Trăng, bên cạnh titan, niken, bạch kim, nhôm, silicon, uranium, thorium, phosphorous, kim cương, nước và các nguyên tố đất hiếm. Những năm gần đây, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đã lập bản đồ và khẩn trương phân tích, đánh giá các nguồn tài nguyên này.Trung Quốc đang tiến rất gần tới một bước đột phá trong công nghệ sản xuất năng lượng từ helium-3, và họ đang đặt mục tiêu khai thác helium-3 trên Mặt Trăng như một ưu tiên chiến lược.

Helium-3 là một nguồn nhiên liệu quý giá, bởi nó sản sinh ra nhiệt lượng cực cao thông qua phản ứng tổng hợp nhiệt hạch mà hầu như không phát ra các neutron phóng xạ độc hại. Như vậy, các loại vũ khí hạt nhân thế hệ thứ 4 sử dụng helium-3 tinh khiết sẽ tạo ra rất ít hoặc không tạo ra bụi phóng xạ, nhờ đó, có thể được coi là các loại vũ khí thông thường siêu việt và tránh được những điều cấm trong các hiệp ước về vũ khí hạt nhân. Các nhà quan sát quân sự cho rằng quốc gia nào kiểm soát được nguồn helium-3 trên Mặt Trăng sẽ trở thành thế lực bá quyền mới của thế giới.

Tiềm năng về helium-3 trên Mặt Trăng đang gây ra một cuộc chạy đua mới giữa các cường quốc vũ trụ, nhằm khẳng định lãnh thổ và chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên trên vệ tinh này. Hiện nay, một số chính khách đã kêu gọi xây dựng một cơ sở pháp lý cho việc chia sẻ các nguồn tài nguyên trên Mặt Trăng, mà Hiệp ước về Khoảng không vũ trụ năm 1967 quy định là "di sản chung của toàn nhân loại".
Nguyên nhân các giảng đường tại Mỹ và Canada đóng cửa Viện Khổng Tử

TTXVN (Washington 8/1) - Mạng tin diendantheky.net ngày 7/1 đăng bài tổng hợp về nguyên nhân các giảng đường tại Mỹ và Canada đóng cửa Viện Khổng Tử. Nội dung cụ thể như sau:

Trong vòng một tuần qua, hai trường đại học có uy tín tại Mỹ - Đại học Chicago và Đại học Pennsylvania - đã lần lượt ra tuyên bố ngừng hợp tác và đóng cửa Viện Khổng Tử, cơ quan giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Cùng thời điểm này, tại Canada, Ban điều hành hệ thống trường học thành phố Toronto cũng đưa ra quyết định tương tự. Các quyết định này được công bố ngay tại thời điểm Trung Quốc rầm rộ kỷ niệm 10 năm thành lập và mở rộng Viện Khổng Tử trên toàn cầu.

Quyền lực mềm” hay “tuyên truyền cứng”?

Lễ kỷ niệm được xúc tiến hoành tráng tại Trung Quốc tuần qua. Đích thân Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ kỷ niệm của Hiệp hội Khổng Tử quốc tế tại Bắc Kinh. Sự có mặt của người đứng đầu nhà nước tại một sự kiện của một tổ chức phi lợi nhuận không phải là ngẫu nhiên. Các hoạt động của Viện Khổng Tử được quản lý và kiểm soát bởi Ban Hán học, một cơ quan nhà nước do các thành viên của Bộ Chính trị trực tiếp điều hành.

Viện Khổng Tử đầu tiên tại Mỹ được mở ở Đại học Maryland năm 2004. Các Viện Khổng Tử “mọc” lên nhanh chóng trong khuôn viên đại học vùng Bắc Mỹ vào đúng thời điểm suy thoái kinh tế bắt đầu ảnh hưởng đến ngân sách đào tạo đại học, cũng đồng thời điểm Trung Quốc bắt đầu vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Hiện nay, hơn 480 Viện Khổng Tử đã có mặt tại 123 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, hoạt động trong các trường đại học và cao đẳng. Nếu tính cả các chương trình “song sinh” mang tên lớp học Khổng Tử, dạy tiếng Hoa cho lứa tuổi phổ thông bằng giáo trình do Viện soạn thảo, con số các tổ chức đào tạo mang tên Khổng Tử lên đến hơn 1.100. Dự kiến đến cuối năm 2015, số lượng Viện Khổng Tử trên toàn cầu sẽ đạt đến con số 500. Ban Hán học của Chính phủ Trung Quốc bày tỏ tham vọng sẽ đạt được cột mốc 1.000 viện vào năm 2020.

Với một số trường đại học và cao đẳng trong vùng, sự có mặt của Viện Khổng Tử trở thành một cơ hội “cung cấp chương trình học giá rẻ” cho sinh viên của mình. Mặt khác, sự có mặt của Viện Khổng Tử cũng là “cần câu” hữu hiệu để thu hút sinh viên Trung Quốc đến học. Trung Quốc được coi là thị trường trọng điểm của các cơ sở đào tạo giáo dục Mỹ và Canada, do số lượng học sinh, sinh viên đến từ nước này luôn chiếm tỉ lệ cao trong số du học sinh quốc tế. Nguồn tài chính mà Ban Hán học Trung Quốc rót vào các chương trình của Viện Khổng Tử cũng là động lực không nhỏ. Riêng tại Mỹ, ngân sách hoạt động hàng năm do Ban Hán học tài trợ là 100.000-150.000 USD, chiếm 50% tổng ngân sách (đại học đối tác Mỹ đóng góp phần còn lại). Những động cơ nói trên làm học đường Mỹ dễ dàng đón nhận Viện Khổng Tử vào khuôn viên của mình. Hiện tại, có khoảng 100 viện hoạt động tại các đại học và cao đẳng Mỹ, cũng như 350 chương trình giảng dạy phổ thông do Viện Khổng Tử thiết kế.

Tuy nhiên, con số không nói lên được toàn bộ câu chuyện. Ban đầu, Viện Khổng Tử được đón nhận như là “đại sứ học thuật” của Chính phủ Trung Quốc, hoạt động theo cùng khuôn mẫu vận hành của các tổ chức có cấu trúc tương tự như Hội đồng Anh, Viện Goethe (của Đức), hoặc Nhà văn hóa Pháp - được coi là đại diện “quyền lực mềm” của các Chính phủ Anh, Đức và Pháp trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khác biệt căn bản trong tôn chỉ mục đích của Viện Khổng Tử và các cơ quan văn hóa phương Tây dần lộ rõ. Cả 3 cơ quan của Anh, Pháp và Đức đều không được đặt trong các trường đại học trên toàn cầu mà hoạt động độc lập, công khai tôn chỉ và định hướng tại các nước đối tác.

Trong khi đó, chỉ không lâu sau khi các Viện Khổng Tử đi vào hoạt động, dư luận trong giới học thuật Mỹ đã ồn ào vì việc các viện này giảng dạy “đúng định hướng” của chính sách Bắc Kinh: từ chối công nhận vụ thảm sát tại Thiên An Môn năm 1989, cấm thảo luận về đề tài Tây Tạng... Thậm chí ông Hạ Nghiệp Lương, nguyên giáo sư kinh tế học bị Đại học Bắc Kinh sa thải năm 2013 vì kêu gọi cải cách chính trị, từng lên tiếng cảnh báo về khả năng Trung Quốc cài cắm gián điệp qua các chương trình trao đổi đào tạo và khách mời đến Mỹ. Tại Canada, từ năm 2007, một báo cáo giải mật của Cơ quan Tình báo an ninh Canada đã nhắc đến Viện Khổng Tử như một “nỗ lực (của Chính phủ Trung Quốc) trong việc tạo ra tâm lý thân thiện với Trung Quốc và mọi điều liên quan đến Trung Quốc”.



Vi phạm tự do học thuật

Bản thân chính quyền Bắc Kinh không che giấu tham vọng gây ảnh hưởng qua Viện Khổng Tử. Năm 2009, Lý Trường Xuân, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc, đã chính thức thừa nhận các Viện Khổng Tử là một phần quan trọng trong chiến lược tuyên truyền ngoài nước của Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc phủ nhận việc can thiệp và cấm đoán tự do học thuật tại các nước đối tác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 30/9 cho biết, các Viện Khổng Tử được thành lập tại các trường đại học Mỹ dựa trên lời mời từ phía Mỹ. Bà Oánh cũng khẳng định: “Các viện này cung cấp ban giảng huấn, chương trình giảng dạy và các hỗ trợ khác theo yêu cầu tự nguyện từ phía đối tác Mỹ. Các trường (đại học Mỹ) không bị ép phải mở viện và các viện cũng không thể tác động xấu đến tự do học thuật và tính chính trực hàn lâm được”.

Phản ứng của giới học thuật Bắc Mỹ cho thấy một thực tế khác với tuyên bố của Trung Quốc. Từ tháng 10/2013, giáo sư ngành nhân chủng học Marshall Sahlins thuộc Đại học Chicago đã công bố một điều tra về tình trạng hoạt động của các Viện Khổng Tử tại giảng đường Mỹ. Sau đó, hơn 100 giảng viên của đại học này đã ký tên vào văn bản chính thức phản đối sự hiện diện của viện trong khuôn viên Đại học Chicago. Tuyên bố không tiếp tục gia hạn ký kết - đồng nghĩa với đóng cửa viện - mà Đại học Chicago đưa ra vào tuần qua là kết quả trực tiếp của phản ứng này. Giáo sư Eric Hayot thuộc khoa châu Á học, cựu Giám đốc Viện Khổng Tử của Đại học Pennsylvania, cho biết trong thời điểm tại nhiệm, ông và các giáo sư cộng sự liên tục đề xuất các kế hoạch nghiên cứu về khoa học, chính trị, môi trường... của Trung Quốc nhằm tận dụng ngân sách của viện. Tuy nhiên, mọi đề xuất đều bị Ban Hán học bác bỏ vì lý do “nằm ngoài phạm vi hoạt động của viện”.

Tại Canada, theo nhật báo The Globe and Mail, Ban điều hành hệ thống trường học thành phố Toronto, hệ thống trường phổ thông lớn nhất Canada, hồi đầu tháng 10 bỏ phiếu với tỉ lệ 9-1, quyết định chấm dứt hoạt động những chương trình đào tạo của các Viện Khổng Tử trong hệ thống nhà trường ở Toronto. Nếu đề xuất này được toàn thể hội đồng trường thông qua, hệ thống trường phổ thông này sẽ là đơn vị thứ 3 sau Đại học McMaster và Đại học Sherbrooke của Canada chấm dứt hợp tác với Viện Khổng Tử. Trước đó, từ tháng 12/2013, Hiệp hội Giảng viên đại học Canada cũng ra văn bản kêu gọi các trường đại học Canada hủy bỏ các hợp đồng hợp tác với Viện Khổng Tử.

Alice Huynh, giáo viên tại một trường phổ thông Toronto, cho biết bà đã thu thập được 14.000 chữ ký của phụ huynh và người dân trong cộng đồng phản đối sự hiện diện của Viện Khổng Tử trong các trường phổ thông Toronto. Phát biểu tại buổi bỏ phiếu, bà nói: “Điều mà chúng tôi cực lực phản đối là việc (nhà trường) trao quyền dạy tiếng Hoa vào tay một tổ chức tự thừa nhận là có động cơ chính trị và muốn gây ảnh hưởng đến con em của chúng ta”. Trước buổi họp này, Ban điều hành hệ thống trường học thành phố Toronto cho biết đã nhận được cảnh báo từ giới chức Trung Quốc, rằng việc đóng cửa các Viện Khổng Tử tại khối trường phổ thông Toronto sẽ làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ của ban điều hành với “thị trường học sinh nước ngoài lớn nhất của Toronto”.

Tháng 6/2014, Tiểu ban về tự do học thuật của Hiệp hội Giáo sư đại học Mỹ đã công bố một báo cáo mang tiêu đề: Về việc hợp tác với các chính phủ nước ngoài: Trường hợp của Viện Khổng Tử. Bản báo cáo nhấn mạnh: trong xu hướng toàn cầu hóa, các giảng đường nước Mỹ đã dần dần cởi mở hơn trong việc tiếp nhận đóng góp (về nội dung, nhân sự và tài chính) từ nước ngoài, từ chính phủ, viện, trung tâm, tổ chức... đến các công ty tư nhân. Tuy nhiên, ranh giới của việc tiếp nhận đóng góp tích cực từ ngoài nước và chấp nhận bị mất quyền quản lý và kiểm soát về nội dung đóng góp luôn luôn rõ ràng. Viện Khổng Tử là một điển hình đã vượt qua ranh giới này.

Điều bất ổn nhất trong các văn bản ký kết hợp tác giữa Viện Khổng Tử Trung Quốc và các trường đại học Mỹ là những điều khoản cho phép Ban điều hành Viện Khổng Tử toàn quyền tuyển dụng và kiểm soát nhân sự giảng dạy của viện, lựa chọn chương trình giảng dạy và hạn chế các đề tài tranh luận trong giảng đường theo các quy chuẩn của Chính phủ Trung Quốc. Bản báo cáo của Hiệp hội Giáo sư đại học Mỹ tuyên bố: “Việc cho phép một tổ chức khác kiểm soát các vấn đề học thuật đi ngược lại với nguyên tắc về tự do học thuật và quyền tự chủ của các đại học Mỹ”.

Giáo sư ngành lịch sử Trung Hoa Matthew Sommer thuộc Đại học Stanford bày tỏ: “Tôi lo ngại về những hậu quả lâu dài (của việc Viện Khổng Tử hoạt động trong học đường Mỹ). Các chương trình này đang phát triển rầm rộ không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới và hiển nhiên có tác động lớn đến việc ngành Trung Hoa học sẽ được giảng dạy như thế nào. Đáng lo nhất không phải là hiện nay, mà là hậu quả sẽ phát lộ trong 15-20 năm tới”. Trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal, ông Henry Reichman, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo sư đại học Mỹ, cho biết: “Tôi tin rằng Chicago và Pennsylvania không phải là 2 đại học duy nhất nhận ra rằng hợp tác với một viện như kiểu Viện Khổng Tử là hoàn toàn không đáng”.




Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 261.56 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương