THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam



tải về 165.8 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích165.8 Kb.
#28948
1   2   3

III. PHẦN QUỐC TẾ
TRUNG QUỐC
Tập Cận Bình “thổi làn gió cải cách” PLA sau khi đánh đổ Từ Tài Hậu

TTXVN (Hong Kong 14/8) - Theo báo mạng wantchinatimes của Đài Loan, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) đã bắt đầu “thổi làn gió cải cách” quân sự ở nước này sau vụ hạ gục nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Từ Tài Hậu (Xu Cai Hou). Báo này cho biết, trong một bài bình luận mới đây, Thời báo Kinh tế Hong Kong nói rằng ông Tập Cận Bình đã rất xông xáo trong việc ngăn chặn nạn tham nhũng kể từ khi được bầu làm Tổng Bí thư vào tháng 11/2012, và đã sắp hoàn thành mục tiêu củng cố quyền lực bằng cách đoàn kết tất cả các lực lượng xung quanh nhà lãnh đạo này.

Bài bình luận trên tờ Thời báo Kinh tế Hong Kong nhận định, không giống như cách tiếp cận đối với chính trị gia “nặng ký” Chu Vĩnh Khang (Zhou Yong Kang), người đã về hưu trên cương vị Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính Pháp Trung ương và có thời gian dài nắm quyền kiểm soát lực lượng cảnh sát Trung Quốc, Tập Cận Bình đã thực hiện một cách tiếp cận nhanh chóng trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bằng cách hạ gục vị Thượng tướng PLA Từ Tài Hậu chỉ trong vòng 3 tháng. Các quan chức chống tham nhũng của Trung Quốc đã công bố một cuộc điều tra đối với Tướng Từ Tài Hậu vào ngày 15/3 và ông này bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 30/6 vừa qua. Ngược lại, mặc dù đã xuất hiện những đồn đoán về “cái chết” của Chu Vĩnh Khang từ hơn một năm qua khi những nhân vật thân tín và trợ lý của ông này đã lần lượt bị hạ bệ từng người một, nhưng một cuộc điều tra chính thức đối với vị cựu Bí thư Chính pháp Trung ương phải đến tận ngày 29/7 mới được công bố.

Kể từ vụ sụp đổ của Từ Tài Hậu, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, trên cương vị Chủ tịch Quân ủy Trung ương – cơ quan quyền lực tối cao của PLA – đã bắt đầu đưa ra một loạt quy định quân sự mới. Ngày 26/7, 4 tổng cục lớn của PLA và Quân ủy Trung ương đã cùng đưa ra một thông cáo liên quan đến việc các quan chức về hưu lạm dụng những lợi ích về nhà ở và xe ô tô. Hai ngày sau đó, ngày 28/7, PLA tiếp tục đưa ra một thông cáo khác, trong đó giảm mạnh những phần thưởng trong quân đội và yêu cầu ngừng thưởng tiền mặt. Mặt khác, những phần thưởng cho các binh sĩ đóng quân ở những nơi khó khăn hơn trên các khu vực biên giới của Trung Quốc đã được tăng lên. Những hành động xuất sắc xứng đáng được khen thưởng ở cấp trung đoàn hay cao hơn giờ đây cũng chỉ được ghi nhận sau khi đã nhận được sự tư vấn ban đầu từ Ủy ban Kỷ luật của PLA.

Bài bình luận nhấn mạnh, sự quan tâm chú ý đặc biệt mà nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã giành cho việc tái tổ chức quân đội Trung Quốc là một phần cần thiết của cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa” của nhà lãnh đạo này và mục tiêu mà ông thường tuyên bố là xây dựng một quân đội hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục bị vướng vào những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở cả biển Hoa Đông và biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Bài báo cũng cho rằng việc hạ gục Tướng Từ Tài Hậu là một phần chiến lược của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình bởi vì điều đó đặt toàn bộ các sĩ quan PLA cấp cao, kể cả những người sắp về hưu, vào tình trạng báo động trực tiếp, đồng thời đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những ai có ý định xây dựng bất kỳ kiểu quyền lực cá nhân hay phe phái nào ở trong quân đội.

Tính đến ngày 1/8/2014, Tập Cận Bình mới chỉ thăng quân hàm lên tướng cho 4 sĩ quan trong PLA, con số ít nhất trong 5 năm qua. Người tiền nhiệm của Tập Cận Bình, ông Hồ Cẩm Đào (Hu Jin Tao), đã thăng quân hàm lên tướng cho ít nhất 6 sĩ quan mỗi năm trong quãng thời gian 10 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo này, và năm 2010 con số sĩ quan được phong tướng là 11 người. Người tiền nhiệm của Hồ Cẩm Đào là Giang Trạch Dân (Jiang Ze Min) cũng thăng quân hàm lên tướng cho trung bình 10 sĩ quan mỗi năm trong quãng thời gian ông này nắm quyền.

Các chuyên gia phân tích chính trị đã nhận xét rằng ông Tập Cận Bình có vẻ như đang thổi làn gió cải cách kéo dài cả năm vào PLA, điều trùng khớp với những tin tức trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng nhà lãnh đạo này gần đây đã hoàn thành các cuộc thị sát cả 4 tổng cục và toàn bộ 7 Đại Quân khu của PLA. Các nguồn tin nói rằng trọng tâm tương lai của quân đội Trung Quốc sẽ tập trung vào “huấn luyện minh bạch và hoàn thành các mục tiêu”.


Cuộc chiến chống tham nhũng của Tập Cận Bình tiềm ẩn rủi ro lớn

TTXVN (Hong Kong 13/8) - Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ra sức thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng. Tới nay, ở nước này đã có gần 40 quan chức cấp Thứ trưởng trở lên bị “ngã ngựa”. Việc lập án điều tra nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính pháp Trung ương Chu Vĩnh Khang được coi như một cột mốc, làm dấy lên một cao trào chống tham nhũng mới. Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng hành động này tiềm ẩn rủi ro rất lớn bởi một khi người dân cho rằng chống tham nhũng chỉ là để đánh đổ đối thủ chính trị sẽ gây ra tác dụng ngược lại.

Trả lời phỏng vấn trang tin tiếng Trung của hãng BBC (Anh) ngày 12/8 vừa qua, Chủ nhiệm Trung tâm Trung Quốc thuộc Viện Brookings (Mỹ) Lý Thành (Li Cheng) cho biết ông không đồng ý với bình luận nói rằng cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy chỉ là đấu tranh quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bởi hiện nay, tham nhũng đã trở thành vấn đề lớn liên quan tới sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tới việc xã hội Trung Quốc có ổn định hay không. Tiếng kêu oán thán của người dân vô cùng lớn và tính hợp pháp trong sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đứng trước thách thức rất lớn. Nếu không ngăn chặn tham nhũng, bản thân Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể nào tiếp tục tồn tại, cho nên, chắc chắn phải ngăn chặn tham nhũng.

Tuy nhiên, theo Lý Thành, việc đụng tới quan chức cấp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là “vô cùng nguy hiểm” vì nó dính líu tới rất nhiều phương diện trên chính trường Trung Quốc. Trong khi đó, không ai có thể kiểm soát được hết được những phản ứng từ các phương diện này, hơn nữa, nó còn gây ra tình trạng “ai ai cũng cảm thấy mình sắp nguy hiểm”. Cho nên, rủi ro từ sự kiện Chu Vĩnh Khang là quá lớn. Nếu muốn thành công, ông Tập Cận Bình phải làm cho người dân Trung Quốc tin tưởng vào pháp chế, tin tưởng vào công cuộc chống tham nhũng sau này. Nhưng vấn đề sẽ khác nếu người dân Trung Quốc vô cùng thất vọng vào công cuộc chống tham nhũng, cảm thấy rằng việc chống tham nhũng ở nước này hoàn toàn là nhằm đánh đổ đối thủ chính trị.

Qua quan sát, chuyên gia Lý Thành cho biết người dân Trung Quốc rất tán thưởng hành động chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qi Shan - Trưởng Ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương). Nhưng vấn đề là công cuộc chống tham nhũng hiện nay của Trung Quốc chỉ là “kiểu phong trào”, thiếu tính pháp chế, không thể nào tiến hành lâu dài được. Cho nên, Trung Quốc cần phải dần dần xây dựng một hệ thống pháp chế và những chế độ quy định liên quan như quan chức phải khai báo tài sản, nhưng quan trọng nhất là hệ thống tư pháp phải dần dần đi theo hướng độc lập. Đương nhiên, cần có thời gian rất dài để xây dựng một hệ thống tư pháp độc lập và một xã hội pháp trị, nhưng phương hướng phải rõ ràng. Trên phương diện này, theo Lý Thành, việc Hội nghị Trung ương 4 khóa XVIII của Trung Quốc nhấn mạnh tới việc xây dựng nền pháp trị là rất có ý nghĩa.

Với một nhìn nhận khá tương đồng, ông Hồ Bình, một học giả Trung Quốc sống tại Mỹ, cho rằng bề ngoài ông Tập Cận Bình “mạnh mẽ không ai bằng”, nhưng trên thực tế ông Tập Cận Bình không phải thực sự là “người mạnh mẽ không ai ai bằng”. Trong một phát biểu được trang tin điện tử của tờ Kinh tế Nhật báo ngày 13/8 dẫn lời, Hồ Bình cho biết có nhiều vấn đề thực tế mà ông Tập Cận Bình cũng không dám khinh thường. Ví dụ, mới đây, truyền thông Trung Quốc đăng phát biểu của Tập Cận Bình nói rằng ông không màng sống chết hay việc danh dự bị hủy hoại, kiên quyết chống tham nhũng. Không lâu sau, cơ quan chức năng Trung Quốc lại ra sức rút bỏ thông tin trên ở trên mạng.

Theo Hồ Bình, phát biểu của ông Tập Cận Bình vốn dĩ được đưa ra tại một hội nghị trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, đương nhiên là nhằm răn đe những kẻ chống đối. Nhưng một khi được công bố ra bên ngoài sẽ khiến người ta không thể không liên tưởng tới việc trong thượng tầng lãnh đạo có quá nhiều vấn đề, đấu tranh quyền lực quá phức tạp, hơn nữa, ai thắng ai bại vẫn chưa rõ ràng. Tình hình này sẽ khiến những người vốn dự định ủng hộ ông Tập Cận Bình trở nên lưỡng lự bởi “một khi tình hình chưa rõ ràng, một khi người mình định ủng hộ có thể gặp phải phiền toái lớn, việc gì mình cần phải đứng ở bên cạnh anh ta”.


Lý do Trung Quốc không dùng tội danh chính trị như trước đây để khép tội quan chức cấp cao

TTXVN (Hong Kong 14/8) - Chu Vĩnh Khang rốt cuộc là phạm tội tham ô tiền bạc, tha hóa hay kết bè kết đảng chuẩn bị chính biến? Theo tờ Đông phương Nhật báo ngày 14/8, do vụ án này đang trong quá trình thẩm tra, nên vẫn chưa thể đưa ra kết luận. Trước Chu Vĩnh Khang, Trung Quốc có ba quan chức cấp Ủy viên Bộ Chính trị bị “ngã ngựa” là Trần Hi Đồng (Chen Xi Tong - cố Bí thư Thành ủy Bắc Kinh), Trần Lương Vũ (Chen Liang Yu - nguyên Bí thư Thành ủy Thượng Hải) và Bạc Hi Lai (Bo Xi Lai - nguyên Bí thư Thành ủy Trùng Khánh). Các vụ án này đều được xác định là án tham nhũng. Kết quả xét xử của tòa án cho thấy Trần Hi Đồng tham ô hơn 500.000 NDT (81.179 USD). Lượng tiền bạc mà Bạc Hi Lai tham ô nhiều hơn Trần Hi Đồng, khoảng 25 triệu NDT (4,06 triệu USD). Tuy vụ án Chu Vĩnh Khang đang trong quá trình thẩm tra, phải đợi công bố kết quả, nhưng xem ra số tiền mà Chu Vĩnh Khang tham ô sẽ nhiều hơn Bạc Hi Lai. Vấn đề là đối với các vị quan chức từ cấp Ủy viên Bộ Chính trị trở lên nếu vì một chút tiền bạc mà để bị lôi ra trước vành móng ngựa thì e rằng đã nhìn nhận vấn đề một cách quá đơn giản.

Báo trên cho biết trước cải cách mở cửa, những quan chức cấp cao bị lôi ra trước vành móng ngựa thời Mao Trạch Đông (Mao Ze Dong) cầm quyền đều dính dáng tới chính trị. Cao Cương (Gao Jiang) và Nhiêu Thấu Thạch (Rao Tou Shi) là hai quan chức cấp cao bị “ngã ngựa” sớm nhất ở Trung Quốc. Trong đó, Cao Cương là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Chính quyền Nhân dân Trung ương (cơ quan chính quyền quốc gia tối cao ở Trung Quốc từ khi nước CHND Trung Hoa thành lập vào ngày 1/10/1949 tới khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa I được triệu tập vào ngày 15/9/1954), còn Nhiêu Thấu Thạch là Bí thư thứ nhất Cục Hoa Đông Trung ương (cơ quan đại diện của Chính phủ Trung Quốc ở khu vực Hoa Đông, thành lập tháng 12/1945, giải tán vào ngày 27/4/1954). Khi bị đưa ra xét xử vào năm 1954, Cao Cương và Nhiêu Thấu Thạch bị khép tội “liên minh phản đảng”, đã là “phản đảng” đương nhiên mang tính chất chính trị.

Vào năm 1959, Trung Quốc tổ chức Hội nghị Lư Sơn được cho là nhằm xác định tội danh “cấu kết với nước ngoài, âm mưu phản quốc” cho “kẻ cầm đầu liên minh phản đảng” Bành Đức Hoài (Peng De Huai). Trong “Đại Cách mạng Văn hóa”, ông Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shao Qi) khi đó là Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc, đã bị bức hại tới chết với tội danh “phản bội, làm nội gián và bán rẻ lợi ích của giai cấp công nhân”. Sau này, Lâm Bưu - “Lin Biao - người bạn chiến đấu thân thiết nhất”, “người kế nhiệm” của Mao Trạch Đông - đã phải chạy trốn và chết (vì rơi máy bay) ở khu vực Ngoại Mông, cũng bị khép tội danh chính trị xấu xa không thể tha thứ - “ phản cách mạng”. Tại sao các quan chức cấp cao bị đánh đổ trước đây đều với tội danh chính trị còn những “con hổ” bị lôi ra ánh sáng ngày nay đều không bị khép vào tội danh chính trị?

Theo báo trên, trước đây lấy đấu tranh giai cấp làm chính, hàng ngày, hàng tháng Mao Trạch Đông đều nói về đấu tranh giai cấp. Mọi cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đều được dẫn dắt về lĩnh vực đấu tranh giai cấp, phản đối Mao Trạch Đông chính là kẻ thù của giai cấp. Ai đồng tình với những kẻ “nghịch mắt” Mao Trạch Đông đều có thể trở thành kẻ địch trong phạm trù “mâu thuẫn giữa ta và địch”. Cộng thêm việc Mao Trạch Đông được thần thành hóa, một lời nói của Mao Trạch Đông địch lại cả vạn lời nói khác, cho nên, không ai có thể hoài nghi hay đi ngược lại Mao Trạch Đông.

Tuy nhiên, tình hình ngày nay đã khác, quảng đại quần chúng nhân dân đã chán ghét đấu tranh chính trị vì trong lịch sử hiện đại có quá nhiều cuộc đấu tranh trong nội bộ đảng bị đổi trắng thay đen. Nhưng tính phổ biến của hành vi tham nhũng và số tiền tham nhũng quá lớn đã vượt qua giới hạn mà người dân có thể nhẫn nhịn, cho nên, “đánh hổ” đã trở thành việc tốt làm người dân vui sướng. Chống tham nhũng được lòng dân mà được lòng dân là được thiên hạ. Đánh đổ Bạc Hi Lai, người dân vui sướng, giờ lại lôi Chu Vĩnh Khang ra ánh sáng, người dân càng vỗ tay to hơn.

Năm xưa khi Trần Hi Đồng bị “ngã ngựa” và tuyên án tù giam, về danh nghĩa là vì tham nhũng. Nhưng những người biết sự tình tiết lộ đó là do Trần Hi Đồng tự cho mình có công lớn trong cơn sóng gió chính trị Thiên An Môn (4/6/1989), không phục lãnh đạo mới mà Trung ương cử xuống. Bạc Hi Lai thì rõ ràng là liên quan tới việc soán đoạt quyền lực, nhưng cuối cùng lại bị kết án vì tội tham nhũng phủ bại. Đó là do trong nội bộ giới chức cấp cao, đặc biệt là các nguyên lão, không có nhận thức chung, nếu tiến hành điều tra triệt để sẽ động chạm quá lớn. Bạc Hi Lai kết bè kết đảng chuẩn bị soán đoạt quyền lực như thế nào? Còn ai cấu kết với Bạc Hi Lai? Nếu tiếp tục điều tra, vấn đề sẽ còn kéo dài. Cho nên, tới giai đoạn hiện nay, hành động “đánh hổ” vẫn tạm thời chưa đề cập tới “âm mưu chính trị”.

Trước khi “ngã ngựa”, Chu Vĩnh Khang nắm trong tay đại quyền về công an, kiểm sát và tòa án. Do ba loại quyền lực, gồm công an, kiểm sát và tư pháp đều ở trong tay một người, không có sự chế ước, giám sát lẫn nhau, cho nên, một khi người nắm giữ nó phủ bại thì có thể phủ bại tới cùng cực. Hơn nữa, những quyền lực lớn như vậy đều nằm trong tay ông ta, ai dám gây khó dễ thì chỉ tự đẩy mình vào chỗ chết. Chu Vĩnh Khang sở dĩ nhởn nhơ chính là do quyền lực của ông ta quá lớn, nếu tiếp tục kết bè kết phái rất có thể sẽ dẫn tới rủi ro “chính biến”. Sau Đại hội XVIII, quyền lực của lãnh đạo ngành công an, kiểm sát và tòa án bị giáng xuống một cấp (Bí thư Chính pháp Trung ương không còn là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, chỉ là Ủy viên Bộ Chính trị), nhưng như thế vẫn chưa đủ mà cần phải thực hiện kiểm sát và tư pháp độc lập.
Xung quanh việc Trung Quốc tăng cường điều tra chống độc quyền

TTXVN (Hong Kong 14/8) - Sau khi 4 cơ sở kinh doanh tại Trung Quốc của Tập đoàn Microsoft bị kiểm tra bất ngờ vào cuối tháng 7 vừa qua, ba “ông lớn” ngành xe hơi thế giới đang hoạt động tại Trung Quốc gồm: Chrysler, Audi và Mercedes-Benz cũng bị cơ quan chức năng Trung Quốc điều tra chống độc quyền. Thậm chí, Microsoft còn nhận được cảnh cáo yêu cầu tập đoàn này phải phối hợp với cơ quan chống độc quyền Trung Quốc để triển khai công tác điều tra.

Có phân tích cho rằng doanh nghiệp nước ngoài rất dễ trở thành đối tượng điều tra chống độc quyền là do họ thường thiếu quan hệ chính trị sâu sắc, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và tài chính hiện vẫn do nhà nước Trung Quốc kiểm soát. Nhưng Nhật báo châu Á-Thái Bình Dương của Tân Hoa xã phát hành ở Hong Kong ngày 13/8 dẫn lại nguồn từ tờ Đại Công báo cho biết hành động nói trên của Chính phủ Trung Quốc được thực hiện theo Luật Chống độc quyền ban hành lần đầu tiên vào năm 2008. Mục đích không ngoài việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng không bị lừa gạt về giá cả hoặc chịu sự xâm hại lợi ích khác.

Bên cạnh đó, theo ông Scott Kennedy, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Thương mại Trung Quốc thuộc Đại học Indiana (Mỹ), Trung Quốc không đi về hướng thị trường mà lại bắt đầu sử dụng nhiều hơn các công cụ giám sát quản lý. Những hành động này không phải là nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, mà rõ ràng là muốn để môi trường cạnh tranh phát triển theo hướng có lợi cho một vài nhóm nào đó. Cho nên, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài lo ngại việc Trung Quốc tiến hành các cuộc điều tra nêu trên có thể đồng nghĩa với sự ngóc đầu trở lại của chủ nghĩa bảo hộ mới, khó phát hiện hơn. Chúng đội lốt giám sát sự công bằng, nhưng mục đích chủ yếu lại là thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước cỡ lớn mạnh mẽ.

Ngoài ra, theo ông Daniel Rosen, người sáng lập tập đoàn tư vấn kinh tế và chính trị Rhodium Group, Bắc Kinh đang cắt giảm các hình thức can dự của chính quyền đã lỗi thời. Việc bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy các quy định quản lý cạnh tranh tương ứng buộc phải đảm trách nhiệm vụ quan trọng. Đây chính là nguyên nhân giải thích tại sao Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa vấn đề này vào trong quy hoạch cải cách của mình. Nhưng nó sẽ khiến các nhà chấp pháp phải chịu áp lực từ sự chuyển đổi về quyết sách kinh tế ở Trung Quốc.

Trước đây, Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước luôn là cơ quan quy hoạch kinh tế của tầng tối cao ở Trung Quốc, tới nay vẫn phụ trách việc định giá các sản phẩm của các doanh nghiệp năng lượng nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC) và Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec)… Tuy nhiên, sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, sức ảnh hưởng của Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước đã giảm xuống, việc giám sát quản lý một số chính sách kinh tế được chuyển giao cho ủy ban mới thành lập, do đích thân ông Tập Cận Bình lãnh đạo. Thông qua việc thực hiện các quy định chống độc quyền để tăng cường sức ảnh hưởng của mình cũng có thể giúp Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước bù đắp lại những tổn thất trong quá trình chuyển đổi.

Trong một phát biểu được tờ Tin tức Thế giới cùng ngày dẫn lời, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Keck thuộc Đại học Claremont McKenna, ông Minxin Pei cho rằng hành động của Chính phủ Trung Quốc có thể làm các doanh nghiệp phương Tây ngạc nhiên, nhưng lại phản ánh đầy đủ chính sách ngoại giao tự tin của nhà lãnh đạo mới ở Trung Quốc. Môi trường kinh tế của Trung Quốc đã thay đổi và giờ đây là thời chủ nghĩa dân tộc kinh tế làm chủ. Do vậy, tuyệt đối không thể coi các biện pháp chống độc quyền của Trung Quốc là một hành động riêng rẽ.

Minxin Pei khuyến nghị các doanh nghiệp phương Tây phải có sách lược thống nhất xuyên suốt để bảo vệ quyền lợi thương mại và lợi ích của doanh nghiệp mình ở Trung Quốc. Sách lược phòng thủ tốt nhất chính là tiến công mạnh mẽ, thông qua việc tuân thủ pháp luật Trung Quốc, yêu cầu cơ quan chức năng Trung Quốc phải công khai minh bạch, lợi dụng sức ảnh hưởng của mình chống lại hoạt động điều tra chống độc quyền mới nhất của Trung Quốc. Đồng thời cũng phải để Chính phủ Trung Quốc biết rằng việc đối xử không công bằng đối với các doanh nghiệp Âu-Mỹ rất có thể sẽ dẫn tới việc các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài sẽ đối mặt với những trở ngại pháp lý tương tự.
NGA
Tổng thống Nga đang phải trả giá đắt vì cuộc khủng hoảng Ukraine?

Reuters (12/8) - Trang mạng của hãng tin Reuters ngày 12/8 đăng bài viết của William E. Pomeranz - Phó Giám đốc Viện Kennan thuộc Trung tâm Woodrow Wilson - về cái giá mà nước Nga phải trả cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Bài viết thể hiện quan điểm của riêng tác giả, nội dung như sau:

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng cách tiếp cận "tự hành động một mình" trong suốt cuộc khủng hoảng Ukraine và ông thường nói rằng nước Nga là một quốc gia "độc lập" và không liên kết. Tuy nhiên, Moskva không hề biệt lập như lời Tổng thống Putin. Việc ông Putin không nhận ra thực tế này - hoặc cố tình lờ đi - đã khiến ông đưa ra một loạt quyết định làm suy yếu nghiêm trọng vai trò của Nga trên trường quốc tế.

Sau khi Liên bang Xôviết sụp đổ, Nga đã ký kết hàng loạt thỏa thuận và gia nhập rất nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm: Hội đồng châu Âu (EC), G-7 (sau này trở thành G-8), và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Không rõ Nga có hiểu những nghĩa vụ cơ bản mà nước này cần phải tuân thủ khi trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế hay không nhưng có một điều chắc chắn là Nga cho rằng việc trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế mang lại cho nước này một vị trí quan trọng trong các cuộc đàm phán và giúp Moskva tăng cường ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế. Thêm vào đó, theo quan điểm của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), tốt hơn nên để Nga tham gia hệ thống quốc tế điều hành thế giới cho dù Nga không đáp ứng được các điều kiện tiên quyết để trở thành thành viên đầy đủ. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã phơi bày những sai lầm của cách suy nghĩ này, đặc biệt là đối với phương Tây. Tuy nhiên, với ông Putin, các sự kiện ở Ukraine đã làm dấy lên một câu hỏi lớn hơn: Liệu Nga có nên tiếp tục là một phần của hệ thống toàn cầu?

Thái độ nước đôi của Nga đối với các thể chế toàn cầu phản ánh lịch sử của nước này, đó là một nhà lãnh đạo độc đoán chi phối các cơ quan công quyền trong nhiều thế kỷ. Thực tế, kể từ khi trở lại nắm quyền năm 2012, chương trình nghị sự của ông Putin tập trung kiểm soát tất cả các thể chế dân sự và chính trị của Nga bao gồm: Cơ quan lập pháp, tư pháp, truyền thông, giáo dục đại học, các tổ chức phi chính phủ - và hầu như không gặp phải bất kỳ sự phản đối nào. Do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ông Putin bước vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine với một niềm tin vững chắc rằng các thể chế quốc tế sẽ không thể cản đường ông.

Sự hiểu lầm cơ bản của ông Putin về cách thức hoạt động của hệ thống quốc tế hậu đế quốc, hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã gây ra nhiều hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho nước Nga. Theo các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đây của EU và Mỹ, các ngân hàng nhà nước của Nga và các công ty của nước này hiện đã bị hạn chế tiếp cận hệ thống ngân hàng toàn cầu. Moskva cũng không được nhận những khoản cho vay mới nhiều tỷ USD/năm từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu.

Trong khi đó, Gazprom - công ty dầu khí của nhà nước - vẫn đang đợi kết luận của một cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu về việc công ty này có vi phạm luật chống độc quyền hay không. Các cuộc điều tra như vậy thường sẽ dẫn tới những khoản tiền phạt đáng kể, như trường hợp của Google và Microsoft. Tháng 7 vừa qua, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague cũng đã ra phán quyết buộc Nga phải bồi thường hơn 50 tỷ USD cho các cổ đông của tập đoàn Yukos - từng là tập đoàn dầu mỏ tư nhân lớn nhất tại Nga - vì đã sung công các tài sản của tập đoàn này năm 2004.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt mới của Nga - đối với các mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu và việc nước này lợi dụng việc kiểm tra chất lượng để không nhập khẩu hoa quả, rau củ và thịt từ EU, Mỹ, Moldova và Ukraine - dường như sẽ được đưa ra Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO để phân xử. Ba Lan đã tuyên bố có ý định đệ đơn yêu cầu WTO xem xét vấn đề này và các nước khác có vẻ cũng sẽ hành động tương tự.

Cái giá mà Nga phải trả cho "cuộc phiêu lưu" tại Ukraine không chỉ là tiền bạc mà còn là nhiều cơ hội bị bỏ lỡ. Nga đã bị loại khỏi G-8. Lẽ ra, Moskva đã có thể tìm kiếm được một đồng minh trong G-8, đồng minh mà cũng phải chứng kiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển ra khỏi lãnh thổ của mình. Song hiện Nga sẽ phải một mình giải quyết vấn đề này khi mà số vốn chuyển ra khỏi Nga trong 6 tháng đầu năm 2014 đã là 75 tỷ USD, vượt qua con số của cả năm 2013.

Nga có thể nghĩ rằng nước này không cần tuân theo các quy định của bất kỳ khối liên minh nào. Tuy nhiên, thực tế là các thể chế quốc tế rất quan trọng, và Nga không thể dễ dàng rút khỏi nền kinh tế toàn cầu. Hầu như mọi biện pháp trả đũa mà ông Putin đề xuất đều gây ra phản ứng ngược đối với Nga và thậm chí còn khiến vị thế tài chính của nước này bị suy yếu. Ví dụ, ông Putin đã đề nghị hạn chế mức giao dịch của thẻ Mastercard và Visa trước khi lập ra một hệ thống thanh toán riêng của Nga. Bằng cách đó, ông Putin đã gây đe dọa tới khả năng thanh thoán bằng thẻ tín dụng của người dân Nga. Bên cạnh đó còn có tin đồn rằng Nga có ý định cấm các máy bay vận tải của châu Âu bay qua Siberia. Những tin tức này lập tức khiến cổ phiếu của hãng hàng không Aeroflot rớt giá.

Do liên tục bác bỏ vai trò của các thể chế của cả trong nước và quốc tế, ông Putin đã tự dồn mình vào chân tường. Các lựa chọn còn lại của ông hoặc là thỏa hiệp ở miền Đông Ukraine và chấp nhận những hậu quả chính trị ở trong nước, hoặc là tăng cường hành động và trực tiếp can thiệp vào Donetsk và Lugansk. Lựa chọn đầu tiên sẽ phải phụ thuộc vào các thể chế quốc tế để quá trình này diễn ra suôn sẻ, trong khi đó lựa chọn thứ hai sẽ vấp phải sự phản đối của phần lớn cộng đồng thế giới. Ông Putin có vẻ như nghiêng về lựa chọn thứ hai. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa rằng, theo ông Putin, sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga sẽ được bảo vệ tốt nhất khi Nga ngày càng cô lập mình.

Những hành động gần đây của ông Putin cho thấy ông thiếu hiểu biết về thị trường toàn cầu và mức độ hội nhập của Nga trong kiến trúc toàn cầu hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Cái giá phải trả cho những tính toán sai lầm của ông Putin sẽ rất lớn. Theo các cuộc thăm dò dư luận Nga, Tổng thống Putin ngày càng được lòng dân hơn. Tuy nhiên, ông đã đạt được thành công này bằng việc làm suy yếu vai trò các thể chế của cả trong nước và quốc tế, giúp ông củng cố quyền lực. Ông Putin đang ngày càng có quyền lực hơn, những cũng dễ bị tổn thương hơn.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 165.8 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương