THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam



tải về 179.46 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích179.46 Kb.
#14298
1   2   3

KHỦNG HOẢNG UKRAINE
Putin sẽ tiến xa đến đâu trong vấn đề Ukraine?

AFP (Brussels 16/9) - Giới phân tích cho rằng Nga có thể sẽ can thiệp sâu hơn vào Ukraine bằng chiến lược "xung đột đóng băng" mà họ đã thử nghiệm tại các quốc gia khác. Động thái này có thể sẽ dẫn tới kết quả là Moskva từng bước sáp nhập khoảng một nửa lãnh thổ của Ukraine.

Kiev đã lên tiếng chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách "chiếm toàn bộ Ukraine", kịch bản mà một số chuyên gia cho là nhiều khả năng sẽ xảy ra bởi họ tin rằng Kremlin đang chuẩn bị triển khai một giải pháp quân sự. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk ngày 13/9 khẳng định mục đích của Putin không chỉ là sáp nhập hai khu vực li khai Donetsk và Lugansk mà còn nhằm xóa sổ nền độc lập của Ukraine.

Trong khi đó, các nước phương Tây cáo buộc Nga đã triển khai hơn 1.000 binh sỹ để hỗ trợ các phiến quân tại miền Đông Ukraine, song Moskva vẫn liên tục phủ nhận điều này. Kể từ khi lệnh ngừng bắn giữa Kiev và lực lượng nổi dậy chính thức có hiệu lực ngày 5/9 vừa qua, một vùng rộng lớn tại biên giới giữa Ukraine và Nga, từ Lugansk cho tới Biển Azov, vẫn nằm ngoài quyền kiểm soát của Chính quyền Ukraine.

Một số nhà phân tích cho rằng Nga đang nỗ lực làm mọi cách để duy trì ảnh hưởng đối với Kiev - tương tự những gì họ từng làm tại Gruzia, nơi Nga đã hậu thuẫn hai nền cộng hòa li khai trong cuộc xung đột năm 2008, và tại Transdniestr, thuộc lãnh thổ Moldova, nơi Kremlin cũng đã hỗ trợ lực lượng li khai.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen ngày 15/9 nói rằng "tham vọng lâu dài của Nga là xây dựng một vùng ảnh hưởng tại khu vực lân cận" và ngăn các nước láng giềng gia nhập các liên minh như EU và NATO. Trong khi đó, một số nhà phân tích tin rằng ông Putin - người đã sử dụng thuật ngữ Novorossiya (phổ biến dưới thời Nga Hoàng) hay "Nước Nga mới" để miêu tả một số khu vực thuộc Ukraine - đang có những tham vọng to lớn hơn.

Ulrich Speck, một học giả đang cộng tác với Viện Nghiên cứu Chiến lược Carnegie châu Âu tại Brussels (Bỉ), nói: "Việc Nga sẽ tiến về Nam Ukraine xa tới đâu phụ thuộc chủ yếu vào các tính toán của Kremlin như thiệt hại quân số bao nhiêu là chấp nhận được, quan hệ với phương Tây trở nên căng thẳng tới mức nào là đủ hoặc liệu Nga có thể thực sự kiểm soát các vùng lãnh thổ (thuộc Ukraine) mà họ xâm chiếm hay nơi đây sẽ diễn ra một cuộc xung đột phe phái không có hồi kết?".

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Các Vấn đề Quốc tế Ba Lan, có trụ sở tại Warsaw, cho rằng phiến quân được Nga hậu thuẫn tại Ukraine sẽ tăng cường tấn công quân chính phủ vào mùa Đông tới và một cuộc chiến tranh chỉ còn là vấn đề thời gian. Theo những nhà nghiên cứu này, kịch bản nhiều khả năng sẽ xảy ra nhất là Nga sẽ tiến hành can thiệp quân sự vào cuối tháng 10 để đảm bảo an toàn cho "hành lang" dài 300 km2 và rộng 50km2 - tuyến đường cung cấp năng lượng và lương thực cho Crimea.

Trong khi đó, một kịch bản khác - có "khoảng 30% khả năng" sẽ trở thành hiện thực - là Nga tuyên bố thành lập "Novorossiya" tại phía Nam Ukraine, với diện tích chiếm tới 1/2 lãnh thổ quốc gia này. Chiến dịch của Nga sẽ được thực hiện với sức mạnh quân sự gồm khoảng từ 50.000 đến 70.000 binh sỹ. "Novorossiya" sẽ là khu vực nối liền vùng Transdniestr của Moldova với Crimea. Nền kinh tế Ukraine chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi bước tiến này, nhất là sau khi bị mất tới 7 cảng biển, bao gồm cả cảng Odessa, và hai nhà máy điện hạt nhân. Mức thiệt hại dự tính sẽ lên tới 27% GDP. Hiện vẫn chưa rõ số phận của khoảng một triệu cư dân đang sinh sống trong khu vực nếu kịch bản này thực sự diễn ra.

Kịch bản tăm tối nhất sẽ khiến Ukraine bị chia rẽ nghiêm trọng, trong khi khoảng 100.000 binh sỹ Nga sẽ nắm quyền kiểm soát miền Đông - vùng công nghiệp chính của quốc gia này. Giles Keir, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Chatham House tại London, nói với AFP: "Tất cả đều có thể xảy ra. Tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian". Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh từ lâu đã cảnh báo về các kịch bản tương tự. Viện nghiên cứu chính sách này cho rằng nền công nghiệp vũ khí của Nga phụ thuộc khá lớn vào Ukraine do có tới 30% số linh kiện cần thiết (dùng để lắp ráp máy bay và tên lửa) được sản xuất tại quốc gia này. Do vậy, đây có thể là nguyên nhân khiến Moskva "xâm lược".

Không chỉ vậy, ông Keir cho rằng Putin đang ở thế chủ động nhờ "chiến lược kiên trì", trong khi các nền dân chủ phương Tây đang phải lo ngại về vòng xoáy khủng hoảng chính trị trong nước. Ông nói: "Nga đang rảnh tay theo đuổi các mục tiêu của mình, trong khi người ta bận rộn với các vấn đề khác. Nga rõ ràng đang ở thế chủ động".


100 ngày cầm quyền của Tổng thống Petro Poroshenko

TTXVN (Moskva 16/9) - Ngày 16/9, ông Petro Poroshenko đã lãnh đạo Ukraine được tròn 100 ngày. Phía trước vị Tổng thống thứ 5 Ucraine là đòi hỏi lớn của một xã hội đã phế truất ông Viktor Yanukovych. Mặt khác, Ukraine trên thực tế cũng đang ở trong tình trạng chiến tranh. Trang điện tử Delo.ua đã đăng tải đánh giá của giới phân tích đánh giá về những thành công và thất bại của Tổng thống Petro Poroshenko 100 ngày vừa qua

Cải cách đất nước chỉ với quốc hội mới

Một trong những thành công chính của Tổng thống Petro Poroshenko theo giới chuyên gia là quyết định giải tán Quốc hội, tổ chức bầu cử trước thời hạn. Đây cũng là cam kết trước bầu cử của ông Poroshenko, phù hợp với nguyện vọng của xã hội. Dù có chút ít bê bối với các đồng nghiệp trong liên minh song ngày 27/8 Tổng thống đã ra sắc lệnh giải tán Verkhovna Rada khóa VII.

Chuyên gia Taras Chernovol bình luận: "Với quốc hội, kể cả vào giai đoạn yên tĩnh nhất cũng không thể sống nổi, chứ chưa nói đến thời chiến. Trong thời gian gần đây, các nghị sĩ đã không còn biết sợ và tỏ ra rất thô lỗ".

Taras Kozak, Chủ tịch tập đoàn đầu tư “Univer” và một trong những lãnh đạo nhóm cải cách “Đất nước mới” bình luận: "Không có quốc hội mới, hoàn toàn không thể thậm chí khởi động được những tiến trình cần thiết như thanh lọc bộ máy, phi tập trung hóa quyền lực, và thực hiện cải cách sâu rộng. Tuy nhiên, ông Kozak cũng lưu ý rằng Tổng thống Poroshenko được dự kiến sẽ đưa ra những “quyết định bất thường”, song điều đó đã không xảy ra.

Đương nhiên, với uy tín và sự ủng hộ hiện nay, Tổng thống Poroshenko có quyền đề xuất những dự luật mang tính cải cách, song ông không làm vậy. Ông giải thích việc này là do không thể hợp tác với quốc hội hiện hành. Ông nói tại Hội nghị thượng đỉnh “Sáng kiến châu Âu Yalta”: "Kể từ sau Maidan, Ukraine là một dân tộc khác, song quốc hội và luật chơi không thay đổi. Đó là một trong những nguyên nhân khiến tôi quyết định tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn”.

Tổng thống cũng nhấn mạnh, mặc dù tình hình miền Đông còn phức tạp và dòng đầu tư giảm sút, chiến tranh không có nghĩa là không thực hiện cải cách. Ông cho biết, để giải quyết vấn đề này, ông đã xây dựng một bộ máy gồm những nhà quản lý giỏi, cụ thể là mời Tổng giám đốc “Microsoft Ukraine” Dmitry Shimkiv và thành lập Hội đồng cải cách, thành phần là các chuyên gia kinh tế và doanh nhân. Tuy nhiên ông Kozak đánh giá rằng những sáng kiến từ ê kíp tổng thống, cũng như sáng kiến của nhóm “Đất nước mới” và gói cải cách khẩn cấp, trên thực tế chỉ đơn thuần là sáng kiến.

Giám đốc Viện phân tích chính trị và nghiên cứu quốc tế Sergei Tolstov cho rằng Tổng thống cũng chưa thể xây dựng sự hợp tác hiệu quả với Nội các. Theo Hiến pháp, Tổng thống không có quyền gây ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, hơn nữa trong thời gian này ông còn đang bận rộn với vai trò Tổng tư lệnh quân đội Ukraine.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, quan trọng nhất là Tổng thống Poroshenko đã làm điều thuộc khả năng của mình để bắt đầu cải cách kinh tế có hệ thống.



Cuộc chiến chống tham nhũng và thanh lọc

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị “CASE Ukraine”, Dmitry Boyarchuk tin rằng Tổng thống Poroshenko đã làm tất cả những gì có thể làm được: “Chẳng hạn như thúc đẩy việc thành lập Cơ quan chống tham nhũng và vấn đề thanh lọc bộ máy chính quyền, cũng như việc tuyển lựa rất cẩn thận những người dưới quyền mình”.

Ông Boyarchuk cho rằng, mặc dù không phải là vấn đề kinh tế, song điều này có ảnh hưởng rất lớn đến ý chí tiến hành cải cách và sự sẵn sàng thay đổi cơ bản điều gì đó. Ông nói: “Có thể chưa có thời gian và tình huống phù hợp. Song tình huống lúc nào cũng không thích hợp còn thời gian thì luôn thiếu".

Theo chuyên gia Taras Chernovol, nếu Tổng thống không có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thanh lọc bộ máy, thì đối với cuộc chiến chống tham nhũng, ông có thể gây ảnh hưởng qua Viện tổng công tố. Ông nhận xét: “Viện tổng công tố vẫn không có tác dụng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Trong vấn đề này, cộng đồng xã hội chưa nhận được câu trả lời cho kỳ vọng của mình”.



Buộc Tổng thống Nga chấp nhận hòa bình

Kỳ vọng lớn nhất của người dân Ukraine với Tổng thống Poroshenko là làm thế nào để kết thúc chiến tranh tại miền Đông. Trong vấn đề này, dù chưa đạt được thắng lợi nhanh chóng, song nếu quân Nga không tham chiến ở Donbass, chiến dịch chống khủng bố không đến nỗi khốc liệt như vậy.

Dù cuộc chiến ở Donbass chưa kết thúc, kế hoạch hòa bình của ông Poroshenko đang từng bước được thực hiện. Điều dễ thấy nhất là việc ông buộc Nga phải tham gia quá trình đàm phán và kêu gọi được phương Tây gây sức ép lớn đối với Nga. Chernovol đánh giá: “Quá trình 'hòa bình cần thiết' như cách nói của ông Putin đang được thực hiện từng bước, với chính ông".

Về vấn đề này, chuyên gia Sergei Tolstov bổ sung thêm ngày 27/6 tại Brussels, ông Poroshenko đã ký Hiệp ước hội nhập với EU bằng chiếc bút mà ông Yanukovych mang theo mình tới hội nghị thượng đỉnh Vilnius.

Ngược lại, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội “Hàn thử biểu Ukraine” Victor Nhebozenko thì cho rằng Tổng thống Poroshenko chưa thành công trên cương vị của mình, do đất nước đang có chiến tranh, mà ông Poroshenko thì không phải là một chính trị gia “100%”. Ông nói: “Poroshenko là Tổng thống tốt, nhưng chỉ phù hợp với thời điểm khác, cho một đất nước hòa bình”. Ông cho rằng 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Poroshenko đã rất nặng nề, tới đây thậm chí còn có thể phức tạp hơn.
CUBA
Cách thức Canada dân chủ hóa Cuba

TTXVN (Ottawa 16/9) - Theo Hội đồng quốc tế Canada ngày 16/9, các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe khẳng định sẽ tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ vào tháng 4/2015 nếu Cuba không được mời tham gia. Canada và Mỹ lại giữ quan điểm sự tham dự của Cuba sẽ làm suy yếu đáng kể Hiến chương dân chủ liên châu Mỹ. Tuy nhiên, Ottawa và Washington không thể để hội nghị đổ vỡ. Trong thời đại sức mạnh khu vực đang nổi và sự gia tăng tham gia của các nước bên ngoài có trọng lượng như Trung Quốc, Bắc Mỹ có lý do quan ngại về việc bị gạt ra ngoài mối quan hệ bán cầu mới.

Từ khi tham gia Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) năm 1989, Canada đã xem việc bảo vệ và thúc đẩy dân chủ như ưu tiên trong can dự bán cầu. Hiến chương dân chủ liên châu Mỹ (IADC) trong đó chính phủ Canada tham gia soạn thảo quy định “bất kỳ sự thay đổi bất hợp hiến hay can dự trật tự dân chủ nào ở các nước bán cầu đều được xem là trở ngại lớn cho việc tham gia vào các Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ của chính phủ nước nước đó”. Bên cạnh đó, trong khi duy trì mối quan hệ tôn trọng với Havana từ năm 1959, Ottawa cho rằng Cuba không đáp ứng các tiêu chuẩn dân chủ tự do quy định trong IADC. Do vậy, Ottawa không ủng hộ những động thái “làm giảm quy định dân chủ” trong khu vực. Tuy nhiên, Canada không muốn bị cô độc đứng ngoài, nhất là trong trường hợp Washington quyết định theo quan điểm đa số đối với sự tham gia của Cuba. OAS đóng vai trò quan trọng vì đây là thể chế bán cầu duy nhất trong đó Canada thành viên đầy đủ. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh của OAS thành công sẽ đảm bảo sự hiện diện của Canada ở bán cầu.

Vậy Canada làm thế nào để Hội nghị diễn ra và chấp thuận Cuba tham gia mà không phải nhượng bộ quy định trong IADC?

Thứ nhất, Ottawa nên xem việc Cuba tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ như biện pháp xây dựng lòng tin, không phải là làm giảm giá trị điều lệ Hiến chương. Sự tham gia của Cuba không những sẽ đưa sự tái hợp tác trong OAS đi xa hơn mà còn vô hiệu hóa các bước đi của Havana và các nước khác trước khi Cuba có thể trở thành thành viên đầy đủ của hệ thống liên Mỹ.

Thứ hai, Ottawa có thể lặng lẽ ủng hộ một chương trình nghị sự hội nghị xung quanh các chủ đề ít gây tranh cãi, ví dụ như hợp tác quản lý người nhập cư. Tuy nhiên, Ottawa có thể hỗ trợ một cuộc thảo luận cấp thấp hơn nhằm thổi luồng gió mới cho IADC. Cuộc thảo luận sẽ thu hút Cuba và “các đồng minh” tham gia, với nội dung bao gồm cách thức củng cố và thực hiện dân chủ bền vững theo điều lệ quy định trong IADC. Việc thừa nhận những khó khăn và khác biệt về dân chủ này sẽ mở ra hội thoại mang tính xây dựng, hỗ trợ Cuba trong công cuộc xây dựng các thể chế dân chủ hơn.

Cuối cùng, với cách thức không ồn ào, Canada có thể tiếp tục hỗ trợ phát triển dân chủ thông qua hợp tác kỹ thuật với các thể chế Cuba, bằng các cách như hỗ trợ sự tham gia lớn hơn của công dân vào quản trị nhà nước; cấp quỹ cho các tổ chức xã hội dân sự hoạt động nhằm tăng cường việc chấp nhận sự đa dạng và giải quyết hòa bình các tranh cãi; hậu thuẫn các nhà nghiên cứu Cuba tìm ra cách thức thúc đẩy chính phủ (Cuba) có trách nhiệm hơn. Nhiều tổ chức phi chính phủ Canada đang tham gia vào các sáng kiến này.

Trong những năm tới, nhiều việc sẽ được thực hiện nhằm mở rộng nỗ lực thúc đẩy dân chủ ở bán cầu. Công cuộc dân chủ sẽ nổi lên với tiến trình bên trong bao gồm sự chuyển đổi thế hệ cũng như khôi phục các quy tắc dân chủ ở bán cầu.
PHỤ LỤC
Trung Quốc là bạn hay là đối tác thực dụng của Nga?

Đài Tiếng nói nước Nga (đêm 16/9) - Biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể đẩy nhanh sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc. Đó là quan điểm của người đứng đầu về phía Nga trong Hội đồng Doanh nghiệp Nga-Trung, ông Gennady Timchenko. Tuy nhiên, các chuyên viên lo ngại rằng trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc sẽ tranh thủ ràng buộc áp đặt những điều kiện riêng và xoay chuyển tình hình hợp tác một cách thực dụng thiên về có lợi cho họ.

Ông Gennady Timchenko nhận định rằng, sự xích gần của Nga và Trung Quốc là do tác động của rất nhiều yếu tố thống nhất, còn các Chính phủ trợ giúp quá trình đó ở cấp độ thỏa thuận chính trị. Theo lời ông, các hãng Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào phát triển tổ hợp khai thác mỏ nguyên liệu, năng lượng, cơ sở hạ tầng và nhiều hạng mục hơn nữa. Nhưng thực tế, đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài cho thấy rằng người Trung Quốc quan tâm trước hết đến phát triển tài nguyên thiên nhiên trên lãnh thổ các quốc gia khác. Và điều đó là tự nhiên bởi Trung Quốc thiếu thốn hơn cả là về nguyên liệu năng lượng.

Luận đề này thể hiện cả qua chương trình hợp tác giữa các khu vực Viễn Đông Nga và Đông-Bắc Trung Quốc những năm 2009-2018. Trong số các đề án chung thực hiện trên lãnh thổ Nga, có thăm dò khai thác mỏ quặng kim loại hỗn hợp ở khu vực Đông-Nam Ngoại Baikal, mỏ magiê ở Savinskoye… Còn trên lãnh thổ Trung Quốc là đề án sản xuất máy và chế tạo thiết bị nâng cao chất lượng than, đề án chế biến nhôm thỏi… Nói cách khác, phía Trung Quốc quan tâm đến phát triển khai thác tài nguyên thiên nhiên tại Liên bang Nga, còn ở địa bàn nước mình thì chú trọng phát triển chu trình sản xuất công nghiệp nội tại. Trung Quốc luôn luôn biết khéo léo thúc đẩy tuyến lợi ích của mình trong tất cả các đề án chung - như nhận xét của chuyên viên Liubov Novoselova từ Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga.

Trung Quốc là đất nước duy nhất mà kinh phí của Ngân hàng Thế giới (WB) đã được rót vào không phải để phát triển cải cách như thường thấy, mà là cho phát triển những ngành sản xuất thực tế, chính là những gì đã được quan tâm ở Trung Quốc hồi những năm 90. Tức là, thậm chí cả trong các cuộc thương lượng với tổ chức tầm cỡ lớn nhất như WB, đã có khối kinh nghiệm phong phú qua đàm phán với các nước đang phát triển, thì Trung Quốc vẫn có thể bảo lưu lập trường của mình. Có lẽ nước này sẽ tiếp tục trong cùng một tinh thần như vậy”.



Nga hiện nay đang khó đàm phán với châu Âu về nhiều vấn đề. Nhưng nếu không hiệu quả, thì việc gì cứ phải đập đầu vào cánh cửa cố tình đóng chặt? Nên chăng quay lại và nhìn vào khả năng hiệp lực với đối tác Trung Quốc - như kêu gọi của ông Gennady Timchenko, lãnh đạo về phía Nga trong Hội đồng Doanh nghiệp Nga-Trung. Hiển nhiên là trong bối cảnh phương Tây thi hành các biện pháp trừng phạt, thì Moskva cần cố gắng tìm kiếm cơ sở phối hợp mới ở phương Đông. Trong đó, Nga dự định phát triển hợp tác không chỉ với Trung Quốc mà còn với cả những cầu thủ khác của khu vực. Đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN. Nguyện vọng của doanh nghiệp Nga tiến tới đa phương hóa các mối liên hệ công việc ở châu Á đã được chứng minh qua rất nhiều cuộc gặp và hội nghị trong tháng 9, ở Moskva. Chẳng hạn cách đây vài ngày đã tổ chức Diễn đàn Nga-Nhật “Những điểm tiếp xúc: Kinh doanh và công nghệ”. Còn ngày 16/9, tại thủ đô của Nga có buổi Diễn đàn doanh nghiệp Nga-Việt Nam, với sự tham gia đông đảo của đại diện rộng rãi giới kinh doanh các nước./.






Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 179.46 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương