THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam


III. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐÔNG BẮC Á



tải về 179.46 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích179.46 Kb.
#14298
1   2   3

III. VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN ĐÔNG BẮC Á
Mỹ tiếp tục thách thức Trung Quốc ở Biển Đông

Đài RFA (đêm 16/9) - Hoa Kỳ mới đây tiết lộ thông tin cho biết Malaysia đã đề nghị Mỹ sử dụng một trong các căn cứ không quân của nước này để thực hiện các chuyến bay do thám ở khu vực Biển Đông. Khả năng máy bay do thám của Mỹ bay ở vùng Biển Đông tạo thách thức ra sao trước những hành động lấn lướt gần đây của Trung Quốc?

Thông tin mới đây về việc Malaysia cho phép Hoa Kỳ sử dụng căn cứ không quân của nước này để thực hiện các chuyến bay do thám ở Biển Đông, có thể nói là một động thái hiếm hoi của Malaysia, liên quan đến vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, và theo một số chuyên gia đây có thể là một thách thức mới đối với Trung Quốc ở Biển Đông.



Mỹ gia tăng sự hiện diện

Ngày 8/9, tại một diễn đàn quân sự ở Washington DC, Đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ cho biết, mới đây, Malaysia đã đề nghị cho phép Mỹ sử dụng một căn cứ không quân của nước này để thực hiện các chuyến bay do thám bằng máy bay P-8 Poseidon ra Biển Đông. Giải thích về động thái mới này, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc trường đại học George Mason, Hoa Kỳ nhận định: “Thứ nhất, Trung Quốc ngày càng hành xử hung hăng hơn. Thứ hai, vừa qua, máy bay của Mỹ bị máy bay Trung Quốc sách nhiễu, Mỹ đã không chấp nhận điều đó vì họ muốn kiểm soát, muốn biết các động thái của Trung Quốc, nhất là các động thái quân sự của Trung Quốc vì Mỹ không tin Trung Quốc và cho rằng Trung Quốc không minh bạch. Mỹ tuyên bố với Trung Quốc là họ sẽ tiếp tục làm như vậy”.

Tuyên bố mới của Đô đốc hải quân Hoa Kỳ Jonathan Greenert được đưa ra, chỉ một ngày trước khi Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cảnh báo Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice rằng, Mỹ nên ngừng ngay các chuyến bay do thám gần bằng máy bay P-8 Poseidon trên vùng Biển Đông và khu vực gần bờ biển Trung Quốc.

Hồi tháng 8 vừa qua, một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã bay gần sát một chiếc P-8 ở ngoài khơi đảo Hải Nam. Hai chiếc máy bay chỉ bay cách nhau khoảng 30 feet và gần như đụng nhau.

Mặc dù thông tin mới chưa được phía Malaysia chính thức xác nhận, nhưng theo đánh giá của giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thông tin này là có thể tin tưởng vì nó được Đô đốc hải quân Hoa Kỳ xác nhận, và nó phù hợp với những hành động gần đây của Mỹ trong việc tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông.

Ít lâu nay, Mỹ đã nói thứ nhất là củng cố đồng minh, thứ hai là tăng cường quan hệ quân sự với các đối tác. Mỹ đã ký hiệp ước sử dụng các căn cứ cơ sở nếu cần và Mỹ đang làm dần dần và trong trường hợp của Malaysia như thế này, cũng là trong trường hợp sử dụng cơ sở để làm phòng thủ chung.

Mới đây, nhân chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tới Philippines, nước cũng đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt với Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Kỳ và Philippines đã ký thỏa thuận theo đó Philippines cho phép gia tăng sự có mặt của quân đội Mỹ tại Philippines.

Báo New York Times, ngày 13/9, trích lời một nhà ngoại giao châu Á giấu tên, cho biết Malaysia và Mỹ đang thảo luận việc cho phép Hoa Kỳ sử dụng căn cứ không quân ở bang Sabah thuộc miền Đông Bắc nước này.

Ngoài ra, theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, việc máy bay Mỹ được sử dụng căn cứ không quân của Malaysia để thực hiện các chuyến bay do thám ngoài Biển Đông cũng có thể coi là một hành động chặn trước khả năng Trung Quốc cho thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông như đã làm ở biển Hoa Đông hồi cuối năm ngoái.

Malaysia có quyền lợi gì?

Malaysia là nước đòi chủ quyền một phần trên Biển Đông. Tuy nhiên, khác với Philippines và Việt Nam, trong những năm qua, Malaysia không trực tiếp đối đầu với Trung Quốc trong các tranh chấp ở khu vực. Điều này xuất phát từ mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Malaysia và Trung Quốc. Malaysia là thành viên ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc kể từ năm 1974. Malaysia cũng là nước thúc đẩy mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia. Thương mại hai chiều, vào năm 2012, đạt khoảng 55 tỷ USD.

Trung Quốc dường như cũng khá nhẹ tay với Malaysia khi không có những hành động gây khó khăn nào đối với việc thăm dò dầu khí của tập đoàn dầu khí quốc doanh Malaysia, Petronas, ngay trong vùng lưỡi bò, hay đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông.

Tuy nhiên, Malaysia cũng không hoàn toàn ngoại lệ trước những hành động đòi chủ quyền gay gắt của Trung Quốc ở Biển Đông, và nước này cũng có phản ứng nhất định. Bằng chứng là, vào tháng 5/2009, Malaysia đã cùng với Việt Nam nộp lên Ủy ban về Ranh giới và thềm lục địa của Liên hợp quốc, báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước. Trung Quốc, ngay sau đó, đã lên tiếng phản đối. Đại diện thường trực của Trung quốc tại Liên hợp quốc, sau đó, đã gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon, yêu cầu Ủy ban không xem xét hồ sơ của Việt nam và Malaysia.

Gần đây nhất, hôm 26/1, Trung Quốc cho biết 3 tàu chiến của nước này đã đi tuần tra gần bãi James Shoal, phía Nam quần đảo Trường Sa, cách bờ biển của Malaysia khoảng 50 hải lý. Các thủy thủ trên tàu Trung Quốc không những thế, còn tổ chức lễ thề bảo vệ chủ quyền đối với bãi này.

Báo New York Times, ngày 13/9, trích lời chuyên gia Đông Nam Á, Ernie Bower thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington DC cho rằng, Trung Quốc đã khiến Malaysia ngạc nhiên khi đưa tàu chiến vào vùng biển của nước này và đe dọa hoạt động khai thác dầu ngoài khơi của Malaysia.

Theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông như việc đắp các bãi đã ngầm thành đảo như cáo buộc của Philippines, hay hạ đặt giàn khoan dầu Hải Dương-981 ngoài khơi Việt Nam, đã khiến Malaysia phải lo ngại và thay đổi phần nào cách tiếp cận của mình với Trung Quốc.

Có tin là Trung Quốc đang xây đá ngầm thành đảo nên tất cả các nước đều có nhu cầu quan sát hành động của Trung Quốc để có đối phó kịp thời. Và đây là dịp Malaysia cho phép làm chuyện đó… Hành động gần đây nhất là giàn khoan làm họ rất quan tâm… Malaysia cũng có quyền lợi để biết tin tức về hành động của Trung Quốc ở vùng Biển Đông.

Theo đánh giá của giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, hành động mới của Malaysia, dù chưa thể nói có thể làm thay đổi những hành động gây hấn liên tục gần đây của Trung Quốc ngoài Biển Đông, nhưng điều này cũng cho thấy một số quốc gia Đông Nam Á đang dần giảm bớt ‘sự tự kiềm chế’ của mình đối với Trung Quốc, để tăng cường hợp tác với Mỹ vì quyền lợi quốc phòng của họ.
IV. PHẦN QUỐC TẾ
ĐÔNG BẮC Á
Trung Quốc thành lập lực lượng vũ trụ?

Đài Tiếng nói nước Nga (đêm 16/9) - Mới đây, tờ báo Nhật Yomiuri Shimbun đưa tin rằng có thể Trung Quốc đã tạo lập đội quân vũ trụ, có qui chế thể loại riêng trong lực lượng vũ trang, ngang hàng với các lực lượng bộ binh, không quân, hải quân và pháo binh II (tức là tên lửa chiến lược). Có hàng loạt dấu hiệu cho thấy rằng ý nghĩa quân sự của việc sử dụng không gian bên ngoài đối với Trung Quốc đang không ngừng tăng lên.

Cấp cho lực lượng vũ trụ qui chế riêng trong lực lượng vũ trang lại là chuyện ít có khả năng hiện thực - chuyên gia Vasily Kashin của Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ nêu nhận xét như vậy.

Theo nhiều hướng quan trọng, sự phát triển không gian quân sự của Trung Quốc nếu không trong số những thủ lĩnh thế giới thì cũng chiếm vị trí hàng đầu. Những đề án chế tạo các loại vũ khí chống vệ tinh là qui mô và tiên tiến nhất trên thế giới. Đất nước này giữ vị thế tiên phong trong việc tạo ra vệ tinh do thám và cụ thể đã đạt tới thành quả vệ tinh trinh sát quang học-điện tử dưới 1m. Đang xúc tiến thành công xây dựng hệ thống định vị vệ tinh riêng của mình.

Vẫn ít khả năng cấp qui chế riêng cho lực lượng vũ trụ. Trước hết, giả như có quyết định như vậy, thì hẳn chúng ta đã thấy sự thay đổi trong thành phần Ủy ban Quân sự Trung ương của Trung Quốc, mà các thành viên là chỉ huy các quân chủng của lực lượng vũ trang. Và hẳn cũng đã có những thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quân khí, sở hữu đa số các chủ thể của cơ sở hạ tầng không gian trên mặt đất. Sự thay đổi hẳn sẽ bộc lộ cả trong binh chủng Pháo binh II, mà đội ngũ nhân viên thường tham gia các cuộc phóng bộ máy vũ trụ phục vụ lợi ích của lực lượng vũ trang.

Các sân bay vũ trụ của Trung Quốc như Thái Nguyên và Tây Xương cũng là trung tâm thử nghiệm tên lửa chiến đấu, bao gồm cả tên lửa đạn đạo và tên lửa chống vệ tinh. Nếu đã có lực lượng mới với qui chế riêng, thì giải quyết vấn đề kiểm soát những sân bay này như thế nào. Nhìn chung, những thay đổi trong hệ thống quản lý, hoàn thiện và đảm bảo kỹ thuật-hậu cần sẽ rất lớn, đến mức che giấu là chuyện vô ích.

Nhưng dù sao chăng nữa, trong tương lai cũng vẫn phải giải quyết vấn đề nhân sự tùy thuộc và qui chế của đội quân vũ trụ tiềm năng. Trong thời hạn nhất định, rồi Trung Quốc sẽ sớm sở hữu mấy hệ thống không gian phức tạp, phục vụ nhu cầu khác nhau. Thí dụ, triển khai đại chiến hạm mang tên lửa chống tàu và tên lửa đạn đạo chống hạm sẽ làm nảy sinh yêu cầu phát triển hệ thống năng lượng cao chỉ định mục tiêu. Tức là hướng không gian quân sự sẽ được dành chú ý ngày càng nhiều hơn.

Trung Quốc cũng đang tăng thêm số lượng các vệ tinh do thám, vệ tinh trinh sát quang học thăm dò và chặn bắt sóng vô tuyến, cũng như cố gắng chế tạo hệ thống cảnh báo sớm về cuộc tấn công tên lửa. Hòa nhịp cùng đà phát triển vũ khí chống vệ tinh, tất cả những thứ đó đều mang ý nghĩa chung là gia tăng ổn định cơ số nhân sự cũng như các chi phí tài chính cho ngành không gian và tương ứng sẽ dẫn đến nâng cao ảnh hưởng và trọng lượng chính trị của các cơ cấu quân sự hữu quan. Khi đó, chắc sẽ nảy sinh sự cần thiết tách đội quân vũ trụ thành một nhánh riêng biệt của lực lượng vũ trang.
Báo Sankei: “Viễn giao cận công” không còn là chiến lược của riêng Trung Quốc

TTXVN (Tokyo 15/9) - Theo mạng tin Sankei số ra mới đây, động thái ngoại giao của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi thăm Nhật Bản hồi đầu tháng 9/2014 dường như là một cách để thăm dò tình hình châu Á - Thái Bình Dương, có vẻ tương tự như phương thức bang giao của Nhật Bản.

Chuyến thăm Nhật Bản của ông Modi bắt đầu từ thành phố Kyoto của Nhật Bản, được cho là động thái mang tính tinh thần mà tiếp theo đó sẽ là các chuyến thăm của các vị lãnh đạo ở New Dehli tới Australia, Việt Nam và Mỹ, các quốc gia nằm ven Thái Bình Dương.

Người hiện thực hóa “mô hình ngoại giao toàn cầu” là Thủ tướng Shinzo Abe. Ngoại giao của ông Abe là tạo dựng tầm bao quát toàn cầu nhằm thúc đẩy lợi ích kinh tế của Nhật Bản mà nội hàm sâu xa của chính sách đối ngoại đó chính là việc ông Abe triển khai chính sách đối ngoại “viễn giao cận công” - theo cách gọi của người Trung Quốc. Ý nghĩa của chính sách “viễn giao cận công” là tăng cường sức mạnh nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra xung đột với quốc gia láng giềng đồng thời liên kết chặt chẽ với các nước ở xa nhằm chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp.

Do bề ngoài tỏ ra là nhà lãnh đạo “phi đồng minh”, Thủ tướng Modi vừa cố gắng hạn chế tối đa cách thể hiện thân Nhật vừa thận trọng trong phát ngôn để tránh hiểu lầm đối với Trung Quốc. Đối với cuộc gặp 2+2 giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước mà Nhật Bản đề nghị từ sớm, tuyên bố chung của hai nước cũng chỉ dừng lại ở góc độ “xem xét biện pháp tăng cường đối thoại”.

Mặc dù Thủ tướng Modi đại diện cho phe dân tộc chủ nghĩa nhưng dường như ông không thể xem nhẹ ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc đối với Ấn Độ. Nhật Bản và Ấn Độ vẫn tránh việc có thể tạo dựng một hình thức quan hệ “bán-đồng minh” (đồng minh một nửa) mà chỉ đưa ra tuyên bố chung dưới dạng “đối tác chiến lược đặc biệt” nhằm tăng cường liên kết song phương.

Ngay sau khi về nước, Thủ tướng Modi lập tức đón Thủ tướng Australia Tony Abbott tại New Dehli, dự kiến thăm Canberra vào tháng 11/2014 và lên kế hoạch tổ chức cuộc tập trận hải quân chung lần đầu tiên giữa hai nước vào năm sau.

Về phần mình, trong chuyến thăm Australia, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định quan hệ Nhật-Úc là mối quan hệ đặc biệt, giống như một quốc gia bán-đồng minh. Trước quan điểm của Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản trong vấn đề lịch sử, Thủ tướng Abbott coi đó như một quân bài mà Bắc Kinh sử dụng để phê phán Tokyo. Ông lên tiếng phản đối: “Chúng ta cần phải đánh giá một cách công bằng hành động của Nhật Bản trong hiện tại mà không phải câu chuyện 70 năm trước họ ra sao”.

Trong bài phát biểu ở Tokyo, Thủ tướng Modi cũng ám chỉ Trung Quốc khi cho rằng “chủ nghĩa bành trướng có thể được coi là đã xuất hiện từ thế kỷ XVIII” và đưa ra lời cảnh báo rằng giờ đây “có quốc gia đang xâm lược một quốc gia khác. Họ đang xâm hại biển đảo và chiếm cứ quốc gia khác”. Với tuyên bố này, ông Modi dường như đang đưa ra cảnh báo đối với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang sắp có chuyến thăm tới Ấn Độ. Báo Anh The Economist dự báo rằng “có lẽ đây sẽ chẳng phải là một chuyến thăm hữu hảo”.

Thật vậy, Thủ tướng Modi đang mời Thủ tướng lưu vong của Tây Tạng Lobsang Sangay sang Ấn Độ, trùng với thời điểm ông Tập Cận Bình thăm Ấn Độ trong khi Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee thực hiện chuyến thăm Việt Nam.

Trong khi đó, dưới thời Chính phủ Atal Bihari Vajpayee trước đây, cũng thuộc phe dân tộc chủ nghĩa của ông Modi, khi một lãnh đạo Trung Quốc tới thăm Ấn Độ, New Dehli cũng tiến hành đồng thời một vụ thử tên lửa bình thường như không có chuyện gì xảy ra.

Ở Đông Nam Á, Việt Nam mua tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất và lực lượng hải quân nước này đang được hải quân Ấn Độ, hiện cũng đang sử dụng loại tàu ngầm trên, huấn luyện kỹ năng. Công ty dầu mỏ quốc doanh Ấn Độ đang sửa đổi quyền khai thác dầu ở Việt Nam tại các giếng dầu nằm trong vùng biển mà Trung Quốc và Việt Nam đang căng thẳng.

Tháng 9/2014, Thủ tướng Modi cũng thực hiện chuyến thăm Mỹ nhằm hâm nóng mối quan hệ Mỹ-Ấn bị lạnh giá dưới Chính quyền tiền nhiệm Manmohan Singh. Rõ ràng, vành đai Nhật-Mỹ-Úc-Ấn giờ đây đang ngày càng siết chặt, hình thành nên “chuỗi kim cương bảo đảm an ninh” ở châu Á mà Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng trong diễn văn bằng tiếng Anh khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai. Các quốc gia ở ven bờ Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… nhiều khả năng sẽ tham gia vào chuỗi liên kết này. Điều này sẽ khiến cho Trung Quốc – nước chuẩn bị đón Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương – không khỏi ôm nỗi thất vọng tràn trề.
TRUNG QUỐC
Về sự xói mòn của công cụ tín dụng trong điều hành kinh tế

TTXVN (New York 16/9) - Theo mạng tin Stratfor (Mỹ), nhiều dấu hiệu mới cho thấy ngành bất động sản Trung Quốc đang bước vào chu kỳ suy giảm không thể tránh khỏi. Đáng ngại hơn, sợi dây gắn bó một thời giữa chính sách mở rộng tín dụng của chính phủ với sự sôi động của thị trường nhà đất Trung Quốc và các ngành công nghiệp liên quan đang bị xói mòn. Với một chính phủ đang phải đánh cược khả năng lãnh đạo của mình nhờ việc duy trì tăng trưởng kinh tế và tạo nhiều việc làm, việc mất đi công cụ tín dụng như một cách để quản lý nền kinh tế chắc chắn là điều đáng lo ngại.

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 15/9, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 6,9%/năm vào tháng 8, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009. Tương tự như vậy, đầu tư vào ngành xây dựng, phát triển hạ tầng và sản xuất cũng giảm trong tháng 8. Điểm đáng chú ý nhất là sản lượng điện của Trung Quốc - vốn được xem là chỉ số đáng tin cậy hơn về hoạt động kinh tế so với số liệu về tốc độ tăng trưởng GDP chính thức - đã giảm 2,2% so với năm trước đó, mức suy giảm mạnh lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động đến Trung Quốc cách đây 6 năm. Một phần có thể do thời tiết năm nay dễ chịu hơn so với đợt nóng cùng thời điểm này năm ngoái khiến tiêu thụ điện giảm, nhưng đó không phải là nguyên nhân chính. Lý do chủ yếu là thực tế khắc nghiệt ngành xây dựng của Trung Quốc - xương sống của tăng trưởng kinh tế 6 năm qua - đang chậm lại và kéo nền kinh tế nước này đi xuống.

Tất nhiên, chỉ sự suy giảm các hoạt động kinh tế trong tháng 8 chưa nói lên điều gì. Việc thay đổi lên xuống theo tháng đối với các chỉ số sản xuất công nghiệp, đầu tư và xây dựng nhà đã trở lên thường xuyên những năm gần đây. Nhưng quan trọng hơn đi đôi với sự suy giảm này lại là tổng tín dụng đã tăng gấp ba lần trong thời gian từ giữa tháng 7 và tháng 8. Sau khi giảm mạnh và bất thường nguồn tín dụng mới trong tháng 7, Bắc Kinh đã cam kết mở rộng cung tín dụng vào tháng 8 từ 140 - 240 tỷ USD. Chính phủ đã thực hiện đúng cam kết khi bơm 155 tỷ USD vào nền kinh tế.

Việc mở rộng tín dụng hàng tháng như thế này là chưa từng có. Trong 2 năm qua, tín dụng đã tăng hơn 400 tỷ USD trong 3 tháng riêng biệt. Ở khía cạnh nào đó, việc tăng trưởng chậm lại ở một số ngành của nền kinh tế vào tháng 8 có thể xuất phát từ việc cung tín dụng yếu bất thường vào tháng 7. Điều này cho thấy sự sụt giảm của tháng 8 có thể sẽ đảo ngược vào tháng 9 cùng với việc gia tăng tín dụng và sản xuất xuất khẩu tăng trước mùa Đông. Tuy nhiên, sự trì trệ trong nhiều ngành của tháng 8 là đáng báo động vì nó cho thấy công cụ vốn được ưa thích của chính phủ Trung Quốc để quản lý nền kinh tế - công cụ tín dụng- có thể không còn đủ mạnh để ngăn chặn nền kinh tế Trung Quốc tự điều chỉnh.

Thách thức đối với kinh tế Trung Quốc là việc tăng trưởng dựa chủ yếu vào đầu tư các tài sản cố định, cụ thể là vai trò trung tâm của ngành bất động sản trong nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2013, có tới 47 % GDP của nước này bắt nguồn từ việc đầu tư vào xây dựng nhà ở và các ngành phụ trợ liên quan bao gồm vận tải, hải cảng và cơ sở hạ tầng năng lượng, tăng từ 39% của năm 2007. Trong khi đó, xuất khẩu chỉ chiếm 26% GDP năm 2013, giảm so với mức 38% năm 2007. Tiêu thụ hộ gia đình năm nay chỉ chiếm gần 34%.

Lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc chắc chắn không đủ mạnh để bù đắp cho sự mất mát đối với tăng trưởng GDP và việc làm mà sự suy thoái của ngành bất động sản sẽ gây ra. Tương tự như vậy, sẽ phải mất nhiều năm trước khi ngành chế tạo có giá trị gia tăng cao và sức tiêu thụ nội địa - những trụ cột chính trong cải cách và tái cân bằng kinh tế - đủ mạnh để trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, trong vài năm tới, Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục dựa vào đầu tư nhà nước vào phát triển cơ sở hạ tầng để duy trì tăng trưởng ổn định, giống như nước này đã làm 6 năm qua.

Theo dự báo của Stratfor, nửa sau của thập kỷ này sẽ chứng kiến những thách thức chưa từng có đối với nền kinh tế, sự ổn định chính trị xã hội của nước này. Câu hỏi lớn hiện nay là liệu kinh tế Trung Quốc có thể chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào mở rộng tín dụng đầu tư sang ổn định căn bản, dựa vào ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và tiêu thụ nội địa mạnh mẽ, mà không vấp phải những bất ổn chính trị, xã hội của một cuộc khủng hoảng và điều chỉnh? Dữ liệu kinh tế tháng 8 đã cho thấy rằng, câu trả lời cho câu hỏi này đang đến, và có lẽ nhanh hơn so với các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng.
Lý do Trung Quốc lo ngại cuộc trưng cầu dân ý tại Scotland

TTXVN (Ottawa 16/9) - Theo báo Thư tín địa cầu ngày 16/9, lý do Trung Quốc quan ngại về cuộc trưng cầu dân ý tại Scotland là tình hình hiện nay tại Anh và Trung Quốc có phần nào tương đồng. Giống như Anh, Trung Quốc đang tự coi họ là một nước lớn. Cũng giống như Anh, Trung Quốc hiện đang tồn tại bằng cách liên kết các nhóm sắc tộc khác nhau, với rất nhiều sự khác biệt về tôn giáo và văn hóa. Nhưng không giống như Anh, bất kỳ hành động nào nhằm nới lỏng sự ràng buộc này của Bắc Kinh cũng đều có những hậu quả ngay lập tức và nghiêm trọng.

Ngày 17/9, một ngày trước khi các cử tri Scotland bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc có ở lại vương quốc Anh hay không, Ilham Tohti, một nhà kinh tế Trung Quốc sẽ phải ra tòa và việc ủng hộ số phận của đa số những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ có thể khiến ông ta bị kết án tử hình. Ông Tohti đang bị buộc tội ly khai. Bằng chứng chống lại ông ta là thực tế rằng một sinh viên mà ông đã dạy nhiều năm trước đây đã tham gia các cuộc bạo loạn năm 2009, làm hàng chục người thiệt mạng tại thủ phủ Urumqi của Tân Cương. Dựa trên bằng chứng mong manh này, ông Tohti có thể bị kết án tử hình, ngược lại hoàn toàn với sự tương đối hòa bình xung quanh nỗ lực độc lập hiện nay của Scotland.

Bo Zhiyue, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Á nhận xét rằng "ban lãnh đạo Trung Quốc rất sợ những tác động tiềm tàng từ cuộc trưng cầu dân ý tại Scotland bởi vì đối với bất kỳ quốc gia hiện đại nào trên thế giới, người dân cũng có quyền tự quyết. Bất kỳ sự độc lập nào cho các cộng đồng thiểu số cũng đều là đáng sợ đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc bởi vì họ có Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan và Hong Kong". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủng hộ việc Scotland bỏ phiếu không rời khỏi vương quốc Anh, coi đó là một trụ cột dân chủ của phương Tây khi ủng hộ giữ nguyên một đế quốc. Nói cách khác, Trung Quốc coi việc Scotland ở lại vương quốc Anh là một lá phiếu ủng hộ hệ thống hiện nay của nước này.

Tất nhiên, về mặt chính thức, Trung Quốc không đề cập nhiều đến cuộc trưng cầu dân ý tại Scotland. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chun Ying) đã tuyên bố rằng trưng cầu dân ý độc lập của Scotland là một vấn đề nội bộ của Anh và Trung Quốc sẽ không phát biểu về vấn đề này. Nhưng đối với các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, bài học tại Scotland là những hậu quả của việc cho phép hy vọng dù mong manh về độc lập tồn tại và phát triển.

Trong một bài bình luận, tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng nếu Scotland lựa chọn độc lập, Thủ tướng Anh David Cameron dường như sẽ trở thành một tội nhân lịch sử; rằng nếu Scotland ra đi, Anh sẽ từ một quốc gia hạng nhất tụt xuống quốc gia hạng hai; rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ không chơi trò trưng cầu dân ý về độc lập như tại Anh. Trong sự quan ngại của Anh về tình hình Scotland, dường như Trung Quốc hiểu được một điểm rằng bất kỳ sự tiến triển nào của chủ nghĩa ly khai cũng châm ngòi cho một loạt sự kiện.

Tuy nhiên, dù có độc lập hay không thì có một việc dường như sẽ không thay đổi sau cuộc bỏ phiếu ngày 18/9 tại Scotland. Đó là sự yêu thích Trung Quốc ngày càng tăng của vùng lãnh thổ này. Hiện nay, Trung Quốc đang nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 897 triệu USD mỗi năm, trong đó kim ngạch nhập khẩu cá hồi và rượu whisky lên tới hàng chục triệu USD.

Scotland cũng tích cực hoan nghênh quyền lực mềm của Trung Quốc và hiện có tới 5 viện Khổng Tử đang hoạt động tại Scotland. Khác với Canada, Edinburgh dường như không e ngại về việc cho phép Bắc Kinh đưa sự tuyên truyền của họ vào giáo dục phương Tây. Hàng chục trường trung học phổ thông hiện đang đóng vai trò trung tâm để đưa văn hóa Trung Quốc vào các trường tiểu học và trung học cơ sở. Tiếng Hoa là một trong số ít ngôn ngữ mà việc nghiên cứu đang tăng lên tại Scotland. Và các nhà giáo dục Scotland còn muốn nhiều hơn thế. Theo một tuyên bố của trường ĐH Strathclyde Glasgow, "mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là mọi học sinh Scotland đều có thể theo học lớp Khổng Tử để hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên giá trị của họ".
NGA
Lệnh trừng phạt và bài toán tăng trưởng GDP của Nga

TTXVN (Moskva 16/9) - Theo Báo Độc lập (Nga), ngày 15/9 hãng xếp hạng tín dụng Moody’s đã cảnh báo mức tín nhiệm của nền kinh tế Nga đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của các lệnh trừng phạt. Trước đó hãng Fitch cũng đưa ra thông tin không mấy lạc quan về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế Nga. Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế nước này không loại trừ khả năng thời gian tới chỉ số xếp hạng tín dụng của Nga có thể tiếp tục bị hạ thấp.

Các chuyên gia của Moody’s cho rằng việc phương Tây thắt chặt các lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng đến tình trạng ngân sách của Nga. Bên cạnh đó, các hình thức hạn chế cho các ngân hàng và công ty lớn của Nga huy động tài chính ở nước ngoài vừa mới được áp dụng là yếu tố tiếp tục làm cho các Tập đoàn của Nga gặp khó khăn trong bối cảnh các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không còn mấy quan tâm đến các loại cổ phiếu do Nga phát hành.

Cũng trong bản báo cáo, các chuyên gia của Moody’s nhận định các lệnh trừng phạt mới có thể làm tăng tốc độ rút vốn ra khỏi nền kinh tế Nga, khiến đồng rúp tiếp tục đà suy yếu và Nga phải áp dụng thêm các biện pháp nhập khẩu thay thế. Tất cả các yếu tố kể trên sẽ tạo thành áp lực đối với tỷ lệ lạm phát hiện đang nằm khá xa ngưỡng dự báo của Ngân hàng Trung ương Nga. Trong tháng 8 vừa qua, tỷ lệ lạm phát của Nga đã cán mốc 7,6% so với 6,1% cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia quốc tế nhận định việc tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt trong tương lai trung và dài hạn sẽ khiến một số chỉ số tín nhiệm chủ chốt của nền kinh tế Nga bị đe dọa nghiêm trọng. Trong đó việc giữ được thăng bằng và tích trữ ngoại tệ là hai lĩnh vực nhạy cảm nhất. Theo đánh giá của Moody’s, nếu lệnh trừng phạt được duy trì trong thời gian dài thì dự trữ ngoại tệ của Nga sẽ có thể giảm xuống mức 383 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Việc không được tiếp cận các nguồn tài chính từ bên ngoài cũng sẽ góp phần làm nâng cao mức độ nhạy cảm của nền kinh tế Nga trước sự thay đổi giá dầu mỏ trên thị trường thế giới. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài và sức tiêu dùng trong nước giảm còn có tác động tiêu cực lên tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2014. Dự báo của Moody’s cho biết năm nay GDP của Nga có thể sẽ chỉ đạt mức -1% và đến năm 2015 bắt đầu dấu hiệu suy thoái.

Trong khi đó, Fitch cũng cho biết hãng có thể phải xem xét lại các dự báo đối với nền kinh tế Nga vì những lo ngại khủng hoảng. Hiện hãng này vẫn giữ nguyên chỉ số tín dụng của Nga ở mức BBB, nghĩa là ở mức trung bình và tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2014 là 0,5%, trong khi dự trữ ngoại tệ có thể giảm xuống còn 400 tỷ USD.

Giới quan sát độc lập cho rằng việc hai hãng xếp hạng tín dụng đưa ra những đánh giá tương đối khác biệt cho thấy tính chất bất định của nền kinh tế Nga khá cao. Tuy nhiên, với tình trạng sức khỏe của nền kinh tế như hiện nay, đặc biệt là cách thức Nga đã chống đỡ với 3 cấp độ trừng phạt cho thấy GDP của Nga khó có khả năng sụt giảm. Sở dĩ Moody’s và Fitch đưa ra những cảnh báo tương đối bi quan về nền kinh tế Nga là do các tiêu chuẩn mà họ áp dụng thường gắn liền với các diễn biến và động thái chính trị. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo phương Tây về việc tiếp tục gia tăng lệnh trừng phạt nếu tình hình ở miền Đông Ukraine không được cải thiện, có lẽ đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của các chuyên gia hai hãng này.

Đại diện của Fitch tại Nga Olga Ignatieva cho biết thông thường mỗi năm hãng đưa ra 2 lần đánh giá vào đầu quý I và quý III đối với một nền kinh tế. Dự báo của Fitch sẽ được giữ nguyên nếu không có các nguyên nhân khẩn cấp phải thay đổi mức xếp hạng tín dụng đã đưa ra. Hiện hãng này đang chờ đợi các số liệu kinh tế quý III/2014 sẽ đựơc công bố vào cuối tháng 9 tới trước khi quyết định có xem xét lại các đánh giá về nền kinh tế Nga hay không.


Каталог: images -> detail
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna)
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam
detail -> THÔng tấn xã việt nam vietnam News Agency (vna) Trụ sở : 79 Lý Thường Kiệt Hà Nội, Việt Nam

tải về 179.46 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương