THỰc trạng và giải pháp về chính sách thu hút nguồn nhân lực trình đỘ cao của thành phố ĐÀ NẴNG


Kinh nghiệm thu hút nguồn nhân lực trình độ cao của các quốc gia, thành phố khác trên thế giới



tải về 1.08 Mb.
trang4/13
Chuyển đổi dữ liệu15.07.2016
Kích1.08 Mb.
#1736
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

Kinh nghiệm thu hút nguồn nhân lực trình độ cao của các quốc gia, thành phố khác trên thế giới

  1. Kinh nghiệm thu hút nguồn nhân lực trình độ cao qua chính sách di cư và nhập tịch


Trên thế giới, tùy mục tiêu xây dựng chính sách mà các quốc gia có những cách tiếp cận khác nhau trong việc hoạch định chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao. Những cách tiếp cận đó bao gồm:

a. Tiếp cận dưới góc độ nguồn nhân lực: những quốc gia có truyền thống nhập cư (như Canada) muốn phát triển nguồn nhân lực trình độ cao thông qua chính sách nhập cư. Để khuyến khích đối tượng này nhập cư, những nước này sẽ cho phép họ có cơ hội được cư trú lâu dài, cũng như được hoàn toàn tự do tham gia thị trường lao động, thậm chí còn được có đầy đủ các quyền xã hội – chính trị khi nhập tịch. Một số nước thì ban hành các chính sách đặc biệt cho phép nhập cảnh hoặc quy định điều kiện nhập cảnh rõ ràng, cụ thể đối với lao động trình độ cao trong từng lĩnh vực nghề nghiệp.

b. Tiếp cận dưới góc độ thị trường lao động: đây là cách được áp dụng nhiều nhất, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ cao theo chu kỳ bằng cách cho phép lao động nước ngoài có kinh nghiệm và bằng cấp đáp ứng yêu cầu được nhập cảnh để làm việc trong ngắn hạn. Khi xây dựng chính sách theo hướng tiếp cận này, các nước sẽ quan tâm đến việc làm thế nào xác định được nhu cầu đối với nguồn lao động trình độ cao; quy định điều chỉnh linh hoạt thời gian cư trú và làm việc của họ; quy định thời gian được phép cư trú của người nhập cư; hạn chế việc định cư và xem xét hoàn cảnh gia đình của họ để quyết định cho nhập cảnh trong ngắn hạn.

c. Tiếp cận dưới góc độ hỗ trợ doanh nghiệp: để thúc đẩy thương mại và khuyến khích đầu tư nước ngoài một số quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cảnh và cư trú của nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia, nhà quản lý và thành viên gia đình của họ. Một số nước còn cho phép nhà đầu tư định cư lâu dài nếu họ đầu tư số vốn và tuyển dụng số nhân công lớn hơn hoặc bằng mức pháp luật quy định. Nhưng đa phần các nước chỉ quy định các điều kiện thuận lợi cho việc cư trú ngắn hạn.

d. Tiếp cận dưới góc độ học vấn: một số nước chọn cách thu hút sinh viên nước ngoài đang học tập tại các cơ sở đào tạo của mình bằng cách khuyến khích họ tiếp tục ở lại sau khi tốt nghiệp để làm việc hoặc nghiên cứu. Chính sách này thường ít khi được công bố chính thống nhưng có nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, đã rất thành công trong việc thu hút đội ngũ nhân lực trình độ cao bằng cách này, hầu hết đối tượng này tốt nghiệp phổ thông ở nước của họ và hoàn thành chương trình tiến sĩ tại các trường đại học của Mỹ.

Các quốc gia có thể áp dụng kết hợp nhiều cách tiếp cận khác nhau để đa dạng hóa chính sách thu hút của mình. Ví dụ: những nước có truyền thống nhập cư như Canada hay Úc quy định chính sách theo cách tiếp cận dưới góc độ nguồn nhân lực, nhưng trong thập kỷ gần đây họ cũng vận dụng chính sách nhập cư để thu hút đầu tư tài chính. Việc xác định chính sách nào là tốt nhất phụ thuộc vào mục tiêu mà quốc gia đó hướng đến. Chẳng hạn, nếu mục tiêu là để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn của thị trường lao động thì phải quy định chính sách nhập cảnh sao cho không gây nên tình trạng lao động nước ngoài giành mất cơ hội việc làm của lao động trong nước và không để xảy ra tình trạng thất nghiệp ở bất cứ lĩnh vực nghề nghiệp nào.

Nhìn chung, chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao của các nước đang chuyển từ hướng hạn chế sang tháo dỡ các rào cản và tiến tới động viên, khuyến khích và trực tiếp tuyển dụng để thu hút nhân lực trình độ cao. Trước đây, hầu hết các quốc gia đều có những quy định hạn chế nhập cư như: quy định số lượng tối đa lao động nước ngoài được nhập cảnh trong một số lĩnh vực, ngành nghề, hoặc trong một số công ty nhất định; thời hạn lưu trú và làm việc ngắn, quy định phải có xác nhận nhu cầu tuyển dụng, quy định mức lương tối thiểu, hạn chế chuyển đổi nơi làm việc, hạn chế cơ hội làm việc của vợ/chồng, hạn chế gia hạn thời gian cư trú, làm việc, nghĩa vụ hồi hương trước khi thay đổi hình thức lưu trú, tiêu chuẩn ngôn ngữ,... Hiện nay, nhiều quốc gia đã xóa bỏ các quy định hạn chế đối với lao động có trình độ cao, thậm chí còn có nhiều chính sách động viên, khuyến khích như: cho phép các chuyên gia, người lao động có trình độ cao ở nước ngoài được “xin giấy phép tìm việc” để nhập cảnh trong thời gian 3 tháng để tìm việc làm; miễn thuế thu nhập trong vòng 5 năm cho các nhà khoa học đến làm việc tại địa phương; công nhận bằng cấp chuyên môn và hỗ trợ học tiếng cho đối tượng thu hút và thành viên trong gia đình của họ; cho phép vợ/chồng của họ được tiếp cận cơ hội việc làm bình đẳng như công dân của nước sở tại,… Nhiều quốc gia còn tổ chức các chương trình tuyển dụng nhân lực trình độ cao ở nước ngoài như chương trình tuyển dụng nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực y tế của Anh ở Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Ý, Hy Lạp, Bungari và Ấn Độ.

      1. Kinh nghiệm kêu gọi trí thức ngoại kiều hồi hương

        1. Trung Quốc


a) Tình hình thu hút Hoa kiều hồi hương của Trung Quốc từ những năm 1980 đến nay

Những năm 1980, Trung Quốc đối diện với nạn chảy máu chất xám, rất nhiều sinh viên, trí thức bỏ ra nước ngoài học tập, làm việc; cho đến cuối những năm 1980, rất ít người sẵn lòng nghĩ đến chuyện trở lại Trung Quốc vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do chính trị.

Năm 1991, Trung Quốc bắt đầu cải thiện môi trường cho những người hồi hương với khẩu hiệu “ủng hộ du học, khuyến khích hồi hương, cho mọi người quyền tự do đi lại”.

Năm 1996, Văn phòng Đối ngoại của Bộ Giáo dục (MOE) bắt đầu khuyến khích những người đang ở nước ngoài quay trở về Trung Quốc trong thời gian ngắn để “phục vụ đất nước”. Theo các chương trình “Ánh sáng mùa xuân”, chính phủ tài trợ những chuyến đi ngắn cho việc giảng dạy hay hợp tác nghiên cứu. Đây cũng là dịp để các trí thức xem tình hình tại Trung Quốc có đảm bảo cho việc hồi hương của họ không.

Năm 1998, chính quyền Trung ương tăng cường đầu tư vào các bậc học cao hơn và khuyến khích các trường đại học sử dụng những quỹ này nhằm thu hút người có trình độ cao ở nước ngoài. Chính phủ đã đầu tư hàng tỉ nhân dân tệ vào 9 trường đại học nhằm biến những trường này thành trường đại học tầm cỡ quốc tế, nhất là 02 trường đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa.

Chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng khiến nhiều Hoa kiều muốn về nước lập công ty riêng hoặc làm việc cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Việc gia nhập WTO cũng đã đưa nhiều công ty đa quốc gia đến với Trung Quốc, những công ty này cần người lao động người Hoa có kinh nghiệm và được đào tạo ở phương Tây; vì thế rất nhiều Hoa kiều hào hứng quay trở về Trung Quốc để sinh sống.

Chính sách thu hút nhân lực trình độ cao được ban hành linh hoạt, bắt nguồn từ những thay đổi đáng kể trong quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc. Chẳng hạn, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân cho rằng “tồn tại thị trường toàn cầu về người tài và Trung Quốc phải cạnh tranh trong thị trường đó, thậm chí là để thu hút chính người của đất nước mình”“cạnh tranh trong hoạt động nghiên cứu khoa học là cạnh tranh về người tài”. Thủ tướng Chu Dung Cơ cũng tán thành quan điểm này, ông đánh giá “Trung Quốc nên tập trung vào kết hợp người tài với kỹ năng kỹ thuật thay vì thu hút vốn nước ngoài”.

Tháng 3/2002, Trung Quốc ban hành chiến lược thu hút những người hồi hương theo khẩu hiệu “cải thiện những hỗ trợ dành cho sinh viên hồi hương” với những chế độ như:

- Thành lập Trung tâm giới thiệu việc làm cho sinh viên hồi hương tại Thẩm Quyến, Thượng Hải và Phúc Kiến;

- Thực hiện các chính sách đãi ngộ như: (a) cấp chỗ ở và phong chức vụ cao hơn cho người hồi hương; (b) cho phép gia đình người hồi hương cùng chuyển đến thành phố khi người hồi hương tìm được việc; (c) cho phép sinh viên đã ký hợp đồng 2 hoặc 3 năm với các trung tâm nghiên cứu có thể tiếp tục làm việc hoặc đổi việc khi thời hạn hợp đồng chấm dứt;

- Thành lập hiệp hội những sinh viên hồi hương;

- Tăng cường hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học

- Cho phép người hồi hương làm việc tại các đơn vị và thành phố khác với nơi xuất thân trước đây của họ.

Đối với những người không hồi hương, Trung Quốc cũng nhận thấy rằng họ vẫn có thể đóng góp cho sự phát triển của Trung Quốc bằng nhiều cách khác nhau như tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hướng dẫn sinh viên học cao học, nghiên cứu sinh ở nước ngoài, đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp,…

Năm 2003, giới lãnh đạo Trung Quốc lại tiếp tục khẳng định vai trò của những người hồi hương là “không thể thay thế được”“có ý nghĩa lịch sử quan trọng”. Ngoài những lợi ích chắc chắn về lương và điều kiện làm việc thì việc Chính phủ đánh giá cao người tài cũng có ý nghĩa quyết định đối với quyết định trở về của trí thức Hoa kiều.

b) Những chính sách kêu gọi trí thức Hoa kiều hồi hương

- Huy động lực lượng cán bộ tại nước ngoài

Để khuyến khích người hồi hương, Nhà nước đã huy động cán bộ tại các đại sứ quán, lãnh sự quán giới thiệu để trí thức nước ngoài tham gia các tổ chức như: Hiệp hội sinh viên nước ngoài, Hiệp hội nghề nghiệp. Đây là những cầu nối giữa trí thức Hoa kiều nước ngoài với Trung Quốc. Các phái đoàn tuyển dụng của các thành phố được cử ra nước ngoài để tuyển dụng trí thức Hoa Kiều. Ủy ban phụ trách các vấn đề du học và hồi hương cũng được thành lập để tăng cường các hoạt động thu hút trí thức hồi hương.

- Các chính sách hỗ trợ tài chính

Trung Quốc ban hành nhiều chương trình quốc gia trợ cấp cho sinh viên và trí thức ở nước ngoài về tài chính nếu họ trở về như: “Chương trình hỗ trợ tài chính cho những giáo sư trẻ xuất sắc” đến cuối năm 2003 đã cấp cho 2.218 giáo sư hồi hương 144 triệu nhân dân tệ; ngoài ra còn nhiều chương trình khác như: “Quỹ ươm mầm cho trí thức hồi hương”(1990), “Chương trình đào tạo cán bộ xuất sắc xuyên thế kỷ” (1991), “Quỹ khoa học quốc gia dành cho trí thức trẻ xuất sắc” (1994) và “Chương trình một trăm, một ngàn, mười ngàn” (1995).

- Cải thiện luồng thông tin

Chính phủ đã có nhiều biện pháp cải thiện thông tin về tình hình tại Trung Quốc và các cơ quan, đơn vị trong nước cho trí thức Hoa kiều ở nước ngoài như thành lập Tạp chí “Shenzhou xueren” và trang điện tử của tạp chí làm cầu nối giữa các trí thức nước ngoài và các tổ chức trong nước. Bộ Giáo dục cũng tổ chức những cuộc gặp gỡ, hội thảo hàng năm cho trí thức Trung Quốc nước ngoài để giới thiệu về chính quyền và các công ty trong nước.


- Đơn giản hóa thủ tục hồi hương

Chính phủ thành lập các trung tâm hỗ trợ du học nước ngoài tại các tỉnh và thành phố để giúp những người hồi hương tìm việc. Bộ phận đầu tư tại những trung tâm này giúp đỡ những người Trung quốc định cư ở nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc và mang công nghệ tiên tiến về cho đất nước. Nhà nước khuyến khích các thành phố xây dựng trường học cho con em của những người hồi hương. Các “trạm sau tiến sĩ” được thành lập, đây là trạm dừng chân cho những tiến sĩ đào tạo tại nước ngoài chưa tìm được việc tại Trung Quốc. Đối với trí thức Hoa kiều đã đổi sang quốc tịch nước ngoài, Bộ Ngoại giao cấp visa dài hạn nếu họ hồi hương.

- Đưa người về “phục vụ đất nước” trong ngắn hạn

Chính phủ khuyến khích mọi người trở về trong thời gian ngắn để tham gia các dự án hợp tác hay giảng dạy. Ngoài mục tiêu thu hút những đối tượng này thì chương trình cũng giúp truyền bá thông tin, công nghệ mới về nước và chuyển thông tin cho những trí thức nước ngoài về tình hình ở Trung Quốc.

- Chính quyền địa phương cạnh tranh thu hút người tài

Các thành phố cạnh tranh nhau để thu hút Hoa kiều hồi hương với nhiều chính sách đãi ngộ khác nhau, như: trợ cấp mua nhà; miễn thuế nhập khẩu xe hơi, máy tính; mở trường cho con; tìm việc cho vợ/chồng, cấp giấy phép thường trú, v.v… Các cơ quan quản lý nhân sự tại những thành phố này rất tích cực thuyết phục trí thức nước ngoài về nước. Các phái đoàn được cử sang nước ngoài để tìm kiếm người tài.

Thẩm Quyến: quy định cho những người hồi hương về các Đặc khu kinh tế được cư trú hợp pháp, cất giữ ngoại tệ, mua nhà với giá hợp lý, thành lập doanh nghiệp và “hưởng quyền ưu tiên sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ”.

Thành phố Uy Hải: trợ cấp thêm 500 nhân dân tệ/tháng cho những người hồi hương, giảm giá nhà ở 20%, miễn thuế nhập khẩu ô tô; con cái được sắp xếp chỗ học, vợ/chồng được sắp xếp việc làm. Thu nhập kiếm được trong thời gian làm việc tại Uy Hải được gửi ra nước ngoài. Nếu công nghệ họ đem về Trung Quốc mang lại những lợi ích cao thì sẽ được thưởng một khoản tiền lớn.

Thượng Hải: xây dựng các mối quan hệ giữa các hiệp hội, trường học tại nước ngoài với những trường đại học tại Thượng Hải; cấp giấy phép thường trú cho người hồi hương; xây dựng các trung tâm cho người hồi hương tại các đặc khu, gọi là “khu vực dành cho trí thức nước ngoài thành lập doanh nghiệp”.

- Nỗ lực thu hút người tài của các cơ quan, tổ chức

Các trường đại học và cơ quan nghiên cứu được chính phủ tài trợ để thu hút người tài, đặc biệt là Viện Khoa học Trung Quốc và 9 trường đại học hàng đầu, 20% kinh phí tài trợ là để tuyển dụng nhân lực trình độ cao từ nước ngoài. Các trường đại học tính thời gian học tập và làm việc tại nước ngoài là một tiêu chuẩn tuyển dụng và thăng chức. Các viện khoa học Trung Quốc cạnh tranh thu hút người hồi hương thông qua “Chương trình 100 người tài”. Để nhận được tiền trợ cấp này, mỗi cơ quan phải viết báo cáo đến Văn phòng của Chương trình và Hội đồng chuyên ngành, trong đó nêu lên mục đích sử dụng tiền trợ cấp; nếu được chấp thuận, những cơ quan/đơn vị này sẽ quảng cáo tìm người thực hiện trên các tạp chí nghiên cứu khoa học. Các ứng viên trình bày kế hoạch nghiên cứu với Hội đồng tuyển dụng của cơ quan/đơn vị đó, Hội đồng này sẽ quyết định việc tiến cử ứng viên này với Viện khoa học. Giá trị mỗi suất trợ cấp là 2 triệu nhân dân tệ. Ngoài ra, những người nhận trợ cấp cũng sẽ được cấp nhà ở rộng rãi, tiện nghi. Viện Khoa học Trung Quốc còn tổ chức các đoàn tuyển dụng nhân sự ở nước ngoài như ở Anh, Mỹ, Pháp, Đức,…

c) Một số tồn tại trong việc thực hiện chính sách kêu gọi trí thức Hoa kiều hồi hương

- Chất lượng những người hồi hương

Nhìn chung, những người hồi hương được đánh giá cao hơn những người chưa từng đi nước ngoài. Nhiều cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng, tại các trường đại học, phòng nghiên cứu, khu khoa học công nghệ, những người hồi hương có kỹ năng, thông tin, và phương pháp nghiên cứu mà phần lớn những người chưa từng đi nước ngoài không có được. Họ có những mối liên hệ quốc tế mạnh, viết nhiều bài cho các tạp chí chuyên ngành quốc tế hơn và nhận được nhiều tiền thưởng, tiền tài trợ hơn. Các giáo sư trong nước cũng thừa nhận rằng những người hồi hương có kết quả công việc tốt hơn bản thân họ. Những người hồi hương trong khu vực tư cũng đem về nhiều công nghệ cao chưa có ở Trung Quốc, đẩy mạnh sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, chất lượng của những người hồi hương còn kém xa so với những người vẫn ở lại nước ngoài. Giáo sư Rao Yi của trường Đại học Washington tại St. Louis đồng thời là người cố vấn cho Viện Khoa học Trung Quốc cũng cho rằng, về mặt danh tiếng và uy tín quốc tế, ít trí thức hồi hương có thể so sánh với những người ở lại nước ngoài.

- Giữ người tài sau khi thu hút

Nhiều trí thức Hoa kiều hồi hương trở về làm việc tại các viện nghiên cứu và có được những kết quả ban đầu tích cực, nhận được trợ cấp của chương trình 100 người tài, trợ cấp nhà ở,.... nhưng cũng không chắc sẽ ở lại Trung Quốc lâu dài.

- Sự suy bì của giới trí thức trong nước với những người hồi hương

Những nỗ lực thu hút của nhà nước cũng gây mâu thuẫn giữa những người hồi hương với giới trí thức trong nước. Một số người chỉ trích chính sách ưu đãi những người được thu hút là “bỏ con trai nuôi con rể”. Cũng có chuyên gia cảnh báo việc quá nâng tầm của những người hồi hương.

Một số giáo sư đại học cho rằng những người hồi hương không có gì nổi trội đặc biệt, trong khi những người được đào tạo trong nước cũng rất giỏi. Vậy nhưng nhà trường chỉ hỗ trợ nhà ở cho những người hồi hương, tạo điều kiện cho họ ổn định công tác và triển khai các hoạt động nghiên cứu. Ở các Viện nghiên cứu thì thái độ suy bì có vẻ ít hơn vì người hồi hương là lực lượng đóng góp tích cực cho việc tăng cường năng lực nghiên cứu của những viện này. Tuy nhiên, cũng có người phàn nàn về chính sách nhà ở chưa công bằng và cho rằng nhà nước thiếu quan tâm hỗ trợ trí thức trong nước. Chính sách này cũng bị quy là ảnh hưởng xấu đến tinh thần cống hiến của giới trí thức trong nước. Ngay cả những người hồi hương cũng cho rằng việc nhanh chóng phong hàm giáo sư khi họ mới trở về là một chính sách thiển cận dù chính họ rất mong được thế. Vì nhiều người trong số họ chỉ mới vừa hoàn thành nghiên cứu sau tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của người khác và chưa chứng tỏ có khả năng nghiên cứu độc lập thì đã được giao hướng dẫn người khác nghiên cứu.


d) Nhận định chung và bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

Nhìn chung, ở mọi cấp độ, từ trung ương đến địa phương, từ cơ quan nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu đến các doanh nghiệp, Trung Quốc đã đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc để thu hút các nhà khoa học và giới doanh nhân Hoa kiều về nước. Nhiều tổ chức được thành lập để triển khai các chương trình nhắm đến mục tiêu này, nhiều chế độ ưu đãi được áp dụng. Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại nhưng Trung Quốc đã thực sự đón nhận một “làn sóng hồi hương”. Ổn định chính trị, cải thiện nhà ở, cơ hội kinh doanh tốt hơn, khu vực tư nhân năng động hơn, quy trình quản lý và trang thiết bị hiện đại hơn, lương cao hơn, và nhiều ưu đãi khác đã tạo nên một môi trường thực sự hấp dẫn.

Nhiều khảo sát cho thấy những người hồi hương thực sự tài giỏi hơn giới trí thức trong nước nói chung dù rằng những nhân tài hạng nhất vẫn còn ở nước ngoài. Dù sao thì kinh phí dùng cho chính sách này cũng không lãng phí. Và kết quả của chính sách này sẽ cải thiện chất lượng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học và doanh nhân Trung Quốc trong những thập kỷ tới.

Từ bài học kinh nghiệm của Trung Quốc, Việt Nam - mà cụ thể là thành phố Đà Nẵng - có thể cân nhắc vận dụng linh hoạt một số chính sách như: tổ chức cho trí thức Việt kiều về nước tìm hiểu, hợp tác nghiên cứu, giảng dạy trong ngắn hạn; cử phái đoàn hoặc thông qua văn phòng đại diện ở nước ngoài làm cầu nối với giới trí thức Việt kiều, cải thiện các kênh thông tin quảng bá hình ảnh và cơ hội việc làm tại Đà Nẵng; tổ chức các đợt tuyển dụng quy mô ở nước ngoài; kêu gọi sự “đóng góp từ xa” của trí thức Việt kiều chưa có ý định hồi hương; đầu tư hỗ trợ thu hút nhân lực trình độ cao cho các trường đại học, viện nghiên cứu; thành lập khu vực dành riêng ưu đãi đầu tư cho trí thức Việt kiều chuyển giao công nghệ tiên tiến; tiếp tục nâng cao các chế độ đãi ngộ dành cho trí thức Việt kiều hồi hương và cuối cùng là tránh những hạn chế mà Trung Quốc đang gặp phải như mâu thuẫn lợi ích giữa trí thức “tại chỗ” và người được thu hút, điều chỉnh linh hoạt các chế độ đãi ngộ tương xứng với năng lực của người thụ hưởng.

        1. Singapore

a) Tình hình chung

Là đất nước được xây dựng bởi những người nhập cư nên Singapore luôn chào đón lao động nước ngoài, nhất là lao động có kỹ năng. Cuối những năm 1990, Singapore thành lập tổ chức “Contact Singapore” – “Kết nối Singapore” với nhiều văn phòng đại diện đặt tại Úc, Trung Quốc, Châu Âu, Ấn Độ và Bắc Mỹ để cung cấp thông tin về cuộc sống và công việc tại Singapore cho người nước ngoài và người Singapore đang định cư ở nước ngoài. Tổ chức này là cầu nối giữa nhân lực trình độ cao và các cơ quan tuyển dụng trong nước, thực hiện chức năng thu hút nhân lực cho quốc gia và kêu gọi những người Singapore đang học tập, làm việc ở nước ngoài hồi hương. Singapore tạo điều kiện thuận lợi cho nhân lực trình độ cao nước ngoài được cư trú dài hạn, thậm chí trao quốc tịch cho họ. Giới lãnh đạo Singpore luôn đánh giá cao vai trò của lao động nước ngoài, xem đây là “vấn đề sống còn của đất nước”. Quốc gia này được đánh giá là một trong số quốc gia có chính sách quản lý người tài thân thiện nhất trên thế giới (theo điều tra của Công ty PriceWaterhouse năm 2005) và là nước đứng đầu trong việc thu hút nhân lực trình độ cao trong số 29 nền kinh tế có dân số dưới 20 triệu người. Thành công của Singapore được lý giải bằng 5 nguyên nhân chính. Đó là: cam kết kiên định của các nhà lãnh đạo đối với chính sách thu hút; việc thực hiện chính sách nhanh gọn, linh hoạt; chi phí đời sống không quá đắt đỏ, chất lượng đời sống cao và an toàn; chính sách thuế thu nhập nhiều ưu đãi; ngôn ngữ sử dụng chính là tiếng Anh; một xã hội đa sắc tộc và ngày càng được quốc tế hóa.
b) Chính sách thu hút nhân lực cho khu vực công

- Cấp học bổng Tổng thống để đào tạo các cá nhân xuất sắc với quy chế ràng buộc trở về làm việc cho khu vực Nhà nước từ 4 - 6 năm;

- Quy trình tuyển dụng bao gồm các bước: nghiên cứu hồ sơ kết quả học tập, đánh giá của hiệu trưởng đối với ứng viên, báo cáo hoạt động xã hội, báo cáo tâm lý ứng viên, phỏng vấn trực tiếp để tuyển chọn những người thông minh, có kết quả học tập tốt, say mê, nhiệt tình với công việc, có động cơ làm việc phù hợp vị trí tuyển dụng và cả sự cân bằng trong cuộc sống;

- Trả lương tháng thứ 13 cho công chức như tiền thưởng của khu vực tư nhân;

- Áp dụng tiêu chuẩn thị trường để xác định lương cho đội ngũ công chức. Ví dụ: lương của bộ trưởng và công chức cao cấp tương đương với mức bình quân của sáu nhóm người có lương cao nhất trong xã hội (chủ ngân hàng, doanh nhân, giám đốc điều hành các công ty xuyên quốc gia, luật sư, kế toán trưởng và công trình sư);

- Tin tưởng và giao trọng trách cho đội ngũ trẻ. Tại Singapore, cán bộ trẻ ở độ tuổi 30 thường được bổ nhiệm vào đội B để hỗ trợ chuyên môn cho các bộ trưởng (đội A) thường ở độ tuổi 40. Những cán bộ trẻ có triển vọng được phân công quản lý một lĩnh vực kỹ thuật trong vài năm, sau đó chuyển sang vị trí quản lý để tích lũy kinh nghiệm, kết hợp với nền tảng kiến thức được đào tạo bài bản, họ sẽ trở thành những hạt nhân xuất sắc cho các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước.

- Mạnh dạn thay thế những cá nhân lỗi nhịp trong bộ máy công quyền.

Nhờ những chính sách trên Singapore đã thu hút được rất nhiều người giỏi phục vụ cho sự phát triển lâu dài của đất nước.

c) Bài học kinh nghiệm

Bài học đầu tiên mà thành phố Đà Nẵng có thể tham khảo từ kinh nghiệm của Singapore chính là cách thức thu hút người tài. Với những biện pháp quảng bá rộng rãi, thuyết phục, tổ chức “Contact Singapore” đã truyền tải được hình ảnh một Singapore là điểm đến hấp dẫn cho trí thức trình độ cao với cơ hội nghề nghiệp đa dạng, môi trường sống tốt, chính trị ổn định, quan điểm rộng mở và kết nối với thế giới bên ngoài, xã hội năng động – một nơi lý tưởng để sống, làm việc và có “một tương lai tươi sáng”. Bên cạnh đó, Singapore còn có hơn 20 website quảng bá cơ hội nghề nghiệp để kết nối với nguồn nhân lực bên ngoài. Ngoài ra, việc phát triển các cơ hội nghề nghiệp trong khu vực công của đất nước này cũng rất đáng xem xét như cơ hội học tập, cơ hội thăng tiến và có thu nhập cao. Cuối cùng, nhưng rất quan trọng chính là việc mạnh dạn thay thế những cá nhân không đáp ứng yêu cầu. Đây là điều mà Việt Nam (trong đó có thành phố Đà Nẵng) hầu như rất ít áp dụng.
        1. Hàn Quốc


Sau chiến tranh (1953), Hàn Quốc vẫn còn là nước nghèo, lạc hậu, thiếu tài nguyên. Chính phủ Hàn Quốc đã xác định để phát triển kinh tế thành công thì phải phát triển công nghệ và đã tập trung tối đa các nguồn lực để thực hiện mục tiêu này, trong đó có việc thực hiện chính sách đãi ngộ nhân tài như: trả lương cho nhà khoa học cao hơn lương Tổng thống, đầu tư các hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D) ở các doanh nghiệp, thành lập các Viện nghiên cứu như Viện Khoa học Công nghệ Hàn Quốc (KIST), Viện Hàn lâm Khoa học Hàn Quốc (KAIS), Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) và các viện nghiên cứu thuộc các trường đại học. Đối với quan chức thì Hàn Quốc thực hiện chính sách tuyển dụng gắt gao, trả lương cao, quyền hành lớn, cơ chế kiểm soát chặt chẽ, luật pháp nghiêm minh, cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ thì xin từ chức, có khuyết điểm thì xin lỗi công khai. Nhờ những chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ mà đến giữa thập kỷ 1990, Hàn Quốc đã gia nhập tổ chức OECD.

Tóm lại, qua kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, Úc,… có thể khẳng định các quốc gia biết cách thu hút và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao là những quốc gia gặt hái được nhiều thành công vượt bậc trong thời gian rất ngắn.



  1. Каталог: Portals
    Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
    Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
    Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
    Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
    Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
    Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
    Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
    Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

    tải về 1.08 Mb.

    Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương