Tcvn 7466: 2005 phưƠng tiện giao thông đƯỜng bộ BỘ phận của hệ thống nhiên liệu khí DẦu mỏ hoá LỎng (lpg) DÙng cho xe cơ giới yêu cầu và phưƠng pháp thử trong phê duyệt kiểU



tải về 0.71 Mb.
trang6/9
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích0.71 Mb.
#1977
1   2   3   4   5   6   7   8   9

L.2.1 Phép thử cơ học

L.2.1.1 Yêu cầu chung

L.2.1.1.1 Số lượng mẫu thử cơ học

L.2.1.1.1.1 Số lượng mẫu thử đối với bình chứa bằng kim loại:

- Thử trong sản xuất hàng loạt: một bình cho mỗi lô sản phẩm

- Thử phê duyệt:theo quy định trong bảng L.1.

Mẫu thử không phẳng phải được làm phẳng bằng gia công nguội.

Trong các mẫu thử có mối hàn, mối hàn phải được mài nhẵn.

Bình chứa bằng kim loại phải được thực hiện các phép thử như quy định trong bảng L.1.

Các mẫu thử lấy từ bình chứa chỉ có một mối hàn theo chu vi (hai phần) phải được lấy tại các vị trí được chỉ rõ trong hình 1, Phụ lục L-L2.

Các mẫu thử lấy từ bình chứa có các mối hàn dọc và mối hàn theo chu vi (hơn hai phần) phải được lấy tại các vị trí được chỉ rõ trong hình 2, Phụ lục L-L2.



L.2.1.1.1.2 Số lượng mẫu thử đối với bình chứa bằng composit:

- Thử trong sản xuất hàng loạt: một bình cho mỗi lô sản phẩm

- Thử phê duyệt:theo quy định trong bảng L.2.

L.2.1.1.2 Tất cả các phép thử cơ học để kiểm tra các tính chất của kim loại cơ bản và các mối hàn trên các vỏ chịu ứng suất của bình chứa phải được thực hiện trên các mẫu thử lấy từ các bình chứa thành phẩm.

L.2.1.2 Các loại phép thử và đánh giá kết quả thử

L.2.1.2.1 Mỗi bình chứa mẫu phải chịu các phép thử sau đây:

L.2.1.2.1.1 Bình chứa có các mối hàn dọc và theo chu vi (ba phần) trên các mẫu thử lấy từ các vị trí được chỉ ra trên hình L2.1, Phụ lục L-L2:

(a) Một phép thử kéo trên vật liệu cơ bản; mẫu thử phải được lấy theo phương dọc bình chứa (nếu không thể lấy được, có thể lấy theo chu vi);

(b) Một phép thử kéo trên vật liệu cơ bản làm đáy bình chứa;

(c) Một phép thử kéo thực hiện theo phương vuông góc với mối hàn dọc;

(d) Một phép thử kéo thực hiện theo phương vuông góc với mối hàn theo chu vi;

(e) Một phép thử uốn thực hiện trên mối hàn dọc, bề mặt trong chịu sức căng;

(f) Một phép thử uốn thực hiện trên mối hàn dọc, bề mặt ngoài chịu sức căng;

(g) Một phép thử uốn thực hiện trên mối hàn theo chu vi, bề mặt trong chịu sức căng;

(h) Một phép thử uốn thực hiện trên mối hàn theo chu vi, bề mặt ngoài chịu sức căng;

(i) Kiểm tra bằng quan sát trên các đoạn mối hàn.

(m1, m2) đối với các van được lắp ở thành bên, yêu cầu tối thiểu đối với hai phép kiểm tra bằng quan sát trên các cổ nối lắp van được quy định L.2.4.2 của phụ lục này.

L.2.1.2.1.2 Bình chứa chỉ có các mối hàn theo chu vi (hai phần) trên các mẫu thử lấy từ các vị trí được giới thiệu trên các Hình L2.2a và L2.2b, Phụ lục L-L2.

Đối với các phép thử theo quy định tại L.2.1.2.1.1, không áp dụng các phép thử (c), (e), (f). Mẫu thử để thử kéo trên vật liệu cơ bản phải được lấy từ (a) hoặc (b) nêu tại L.1 ở trên.



L.2.1.2.1.3 Các mẫu thử không phẳng phải được làm phẳng bằng ép nguội.

L.2.1.2.1.4 Trong tất cả các mẫu thử có mối hàn, bề mặt mối hàn phải được gia công nhẵn.

L.2.1.2.2 Phép thử kéo

L.2.1.2.2.1 Thử kéo trên vật liệu cơ bản

(a) Phép thử kéo phải được thực hiện theo BS EN 876, BS EN 895 và BS EN 10002-1.

(b) Các giá trị ứng suất chảy, độ bền kéo và độ giãn dài sau khi đứt đo được phải phù hợp với các tính chất của kim loại như yêu cầu tại L.1.3.

L.2.1.2.2.2 Thử kéo trên các mối hàn

(a) Trong phép thử kéo này, lực kéo được đặt vuông góc với mối hàn. Phép thử phải được thực hiện trên một mẫu thử có mặt cắt rộng 25 mm với chiều dài bằng chiều dài mối hàn cộng thêm về mỗi phía 15 mm kể từ các mép mối hàn, như hình L3.2, Phụ lục L-L3. Bên ngoài phần giữa này, chiều rộng của mẫu thử phải tăng dần.

(b) Độ bền kéo đạt được phải phù hợp với mức nhỏ nhất được quy định trong BS EN 10120.

L.2.1.2.3 Thử uốn

L.2.1.2.3.1 Phép thử uốn phải được thực hiện theo ISO 7438-2000 và ISO 7799-2000 và BS EN 910 đối với các chi tiết hàn.

Các phép thử uốn phải được thực hiện với cả bề mặt trong và bề mặt ngoài chịu sức căng.



L.2.1.2.3.2 Các vết nứt không được xuất hiện trong mẫu thử khi nó được uốn quanh trục uốn cho tới khi các mép trong của mẫu thử cách nhau một đoạn không lớn hơn đường kính của trục uốn + 3a (xem hình L3.1, Phụ lục L-L3).

L.2.1.2.3.3 Tỷ số (n) giữa đường kính trục uốn và độ dày của mẫu thử không được lớn hơn giá trị cho trong bảng L.3.

Bảng L.3

Độ bền kéo thực Rt

(N/mm2)



Tỷ số (n)

Rt  440

2

440 < Rt  520

3

Rt > 520

4

L.2.1.2.4 Thực hiện lại các phép thử kéo và uốn

L.2.1.2.4.1 Có thể thực hiện lại các phép thử kéo và uốn. Phép thử lần thứ hai phải được thực hiện trên hai mẫu thử lấy từ cùng một bình chứa với mẫu thử lần 1.

Nếu các kết quả của các phép thử này thoả mãn yêu cầu thì không xét đến phép thử lần thứ nhất.

Trong trường hợp một hoặc cả hai phép thử lần hai cho kết quả không thoả mãn các yêu cầu, lô sản phẩm này phải bị loại bỏ.

L.2.2 Thử phá vỡ do áp suất thủy lực

L.2.2.1 Điều kiện thử

Bình chứa phải mang nhãn hiệu đúng quy định và gắn vào phần bình làm mẫu thử áp suất



L.2.2.1.1 Phép thử phá vỡ do áp suất thuỷ lực phải được thực hiện bằng thiết bị cho phép tăng áp suất theo tốc độ đều cho đến khi bình chứa vỡ, đồng thời phải ghi lại được sự thay đổi áp suất tại thời điểm vỡ. Lưu lượng lớn nhất khi thử không được lớn hơn 3% dung tích bình chứa/phút.

L.2.2.2 Đánh giá kết quả thử

L.2.2.2.1 Chuẩn được áp dụng để đánh giá kết quả phép thử phá vỡ như sau:

- Độ giãn nở thể tích của bình chứa bằng kim loại bằng thể tích nước được sử dụng từ khi áp suất bắt đầu tăng tới khi bình vỡ.

- Việc kiểm tra chỗ hỏng và hình dạng của các mép của chúng.

- Áp suất vỡ.



L.2.2.3 Điều kiện chấp nhận phép thử

L.2.2.3.1 Áp suất phá vỡ đo được trên tất cả các chu vi không được nhỏ hơn 2,25 x 3000=6750 kPa.

L.2.2.3.2 Thay đổi về thể tích bình chứa bằng kim loại khi bắt đầu vỡ không được nhỏ hơn:

20%, nếu bình chứa bằng kim loại có chiều dài lớn hơn đường kính.

17%, nếu bình chứa bằng kim loại có chiều dài không lớn hơn đường kính.

8%, trong trường hợp bình chứa khác hình trụ tiêu chuẩn bằng kim loại được mô tả trong các hình A, B, C, Phụ lục L-L5.



L.2.2.3.3 Phép thử phá vỡ không được làm cho bình chứa vỡ ra từng mảnh.

L.2.2.3.3.1 Chỗ vỡ chính không được bộc lộ do nguyên nhân vật liệu giòn và dễ vỡ, nghĩa là các mép vỡ không được hướng tâm mà phải tạo một góc so với mặt phẳng hướng tâm và giảm diện tích vỡ trên suốt độ dày của chúng.

L.2.2.3.3.2 Đối với bình chứa kim loại, mặt gãy không được có các khuyết tật vốn có của vật liệu. Mối hàn phải có độ bền ít nhất bằng độ bền của kim loại cơ bản nhưng tốt nhất vẫn là có độ bền lớn hơn.

Đối với bình chứa bằng composit, mảnh vỡ không được bộc lộ do nguyên nhân các khuyết tật trong kết cấu.



L.2.2.3.4 Thực hiện lại phép thử phá vỡ

Có thể thực hiện lại các phép thử phá vỡ. Phép thử phá vỡ lần thứ hai phải được thực hiện trên hai bình chứa sản xuất ngay sau bình chứa thứ nhất trong cùng một lô sản phẩm. Nếu các kết quả của các phép thử này thoả mãn yêu cầu thì không xét đến phép thử lần thứ nhất.

Trong trường hợp một hoặc cả hai phép thử lần hai cho kết quả không thoả mãn các yêu cầu, lô sản phẩm này phải bị loại bỏ.

L.2.3 Thử thủy lực

L.2.3.1 Bình chứa đại diện cho kiểu bình để phê duyệt (không cần lắp các phụ kiện nhưng các cửa ra phải được đóng lại) phải chịu được áp suất thuỷ lực bên trong bằng 3000 kPa mà không có rò rỉ hoặc các biến dạng dư trong các điều kiện dưới đây.

L.2.3.2 Áp suất nước trong bình chứa phải tăng theo tốc độ đều cho đến khi đạt tới áp suất thử bằng 3000 kPa.

L.2.3.3 Bình chứa phải còn nguyên khi chịu áp suất thử suốt khoảng thời gian cần thiết để có thể chứng minh được bình chứa không bị sụt áp và không bị rò rỉ.

L.2.3.4 Sau khi thử, bình chứa không được có biến dạng dư.

L.2.3.5 Bình chứa không chịu được phép thử này phải bị loại.

L.2.3.6 Các phép thử thuỷ lực bổ sung được thực hiện đối với bình chứa bằng composit

L.2.3.6.1 Thử chu trình áp suất và nhiệt độ môi trường

L.2.3.6.1.1 Quy trình thử

Bình chứa thành phẩm phải được thử chu trình ở áp suất tối đa với 20000 chu trình như sau:

(a) Nạp đầy bình chứa mẫu bằng một trong các chất lỏng không ăn mòn như dầu, nước không ăn mòn hoặc glycol

(b) Điều chỉnh áp suất trong bình chứa theo chu trình trong khoảng từ một giá trị không lớn hơn 300 kPa đến một giá trị không nhỏ hơn 3000 kPa với tần suất không lớn hơn 10 chu trình/phút.

Chu trình này phải được thực hiện ít nhất 10000 lần và được tiếp tục cho đến khi đạt 20000 lần, trừ khi có rò rỉ trước khi vỡ.

(c) Phải ghi lại số lần hỏng, cùng với vị trí và mô tả sự hư hỏng ban đầu.



L.2.3.6.1.2 Yêu cầu

Trước khi đạt đến chu trình thử thứ 10000, bình chứa không được hỏng hoặc rò rỉ.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành 10000 chu trình thử, bình chứa có thể bị rò rỉ trước khi vỡ.

L.2.3.6.1.3 Thử lại

Cho phép thực hiện lại phép thử chu trình áp suất và nhiệt độ môi trường.

Phép thử lần thứ hai phải được thực hiện trên hai bình chứa tiếp theo được sản xuất ngay sau bình thứ nhất trong cùng một lô sản phẩm.

Nếu kết quả của các phép thử này thoả mãn yêu cầu, lô sản phẩm đạt yêu cầu.

Trong trường hợp một hoặc cả hai mẫu thử lần hai không thoả mãn các yêu cầu, lô sản phẩm không đạt yêu cầu.

L.2.3.6.2 Thử chu trình áp suất nhiệt độ cao

L.2.3.6.2.1 Quy trình thử

Bình chứa thành phẩm không bị nứt vỡ, rò rỉ hoặc bong sợi ở mép phải được thử chu trình như sau:

(a) Nạp đầy bình chứa mẫu một trong các chất lỏng không ăn mòn như dầu, nước không ăn mòn hoặc glycol.

(b) Để trong môi trường áp suất 0 kPa, nhiệt độ 650C và độ ẩm tương đối không nhỏ hơn 95% trong khoảng thời gian 48 giờ.

(c) Điều chỉnh áp suất thuỷ tĩnh trong bình chứa gồm 3600 chu trình trong khoảng áp suất không lớn hơn 300 kPa và không nhỏ hơn 3000 kPa với tần xuất không lớn hơn 10 chu trình/ phút tại nhiệt độ 65oC và độ ẩm 95%.

Theo chu trình áp suất tại nhiệt độ cao, bình chứa phải được thử rò rỉ ra ngoài và sau đó được điều chỉnh áp thuỷ tĩnh tới khi hỏng theo quy trình thử phá vỡ.



L.2.3.6.2.2 Thử lại

Cho phép thực hiện phép thử chu trình áp suất và nhiệt độ môi trường.

Phép thử lần thứ hai phải được thực hiện trên hai bình chứa tiếp theo được sản xuất ngay sau bình thứ nhất trong cùng một lô sản phẩm.

Nếu kết quả của các phép thử này thoả mãn yêu cầu, lô sản phẩm đạt yêu cầu.

Trong trường hợp một hoặc cả hai mẫu thử lần hai không thoả mãn các yêu cầu, lô sản phẩm không đạt yêu cầu.

L.2.3.6.3 Thử rò rỉ ra ngoài

L.2.3.6.3.1 Quy trình thử

Trong khi chịu áp suất thử 3000 kPa, bình chứa phải được nhúng ngập trong nước xà phòng để phát hiện rò rỉ (thử phát hiện bọt khí).



L.2.3.6.3.2 Yêu cầu

Bình chứa không được xuất hiện rò rỉ.



L.2.3.6.3.3 Thử lại

Cho phép thực hiện lại phép thử rò rỉ ra ngoài.

Phép thử lần thứ hai phải được thực hiện trên hai bình chứa tiếp theo được sản xuất ngay sau bình thứ nhất trong cùng một lô sản phẩm.

Nếu kết quả của các phép thử này thoả mãn yêu cầu, lô sản phẩm đạt yêu cầu.

Trong trường hợp một hoặc cả hai mẫu thử lần hai không thoả mãn các yêu cầu, lô sản phẩm không đạt yêu cầu.

L.2.3.6.4 Thử thấm

L.2.3.6.4.1 Quy trình thử

Tất cả các phép thử phải được thực hiện tại nhiệt độ 40oC với bình chứa được nạp propane thương phẩm đến 80% dung tích của nó.

Phép thử phải được duy trì trong ít nhất 8 tuần cho đến khi sự thấm vào kết cấu ở trạng thái ổn định được quan sát trong ít nhất 500 giờ.

Sau đó, phải đo tỷ lệ tổn thất khối lượng của bình chứa và vẽ đồ thị về thay đổi khối lượng / số ngày.



L.2.3.6.4.2 Yêu cầu

Tỷ lệ tổn thất khối lượng phải nhỏ hơn 0,15 g/ h.



L.2.3.6.4.3 Thử lại

Cho phép thực hiện lại phép thử thấm.

Phép thử lần thứ hai phải được thực hiện trên hai bình chứa tiếp theo được sản xuất ngay sau bình thứ nhất trong cùng một lô sản phẩm.

Nếu kết quả của các phép thử này thoả mãn yêu cầu, lô sản phẩm đạt yêu cầu.

Trong trường hợp một hoặc cả hai mẫu thử lần hai không thoả mãn các yêu cầu, lô sản phẩm không đạt yêu cầu.

L.2.3.6.5 Thử chu trình LPG

L.2.3.6.5.1 Quy trình thử

Bình chứa đã đạt yêu cầu phép thử thấm phải được thử chu trình áp suất và nhiệt độ môi trường theo L.2.3.6.1.

Bình chứa phải được phân chia thành nhiều phần và mặt phân cách giữa lớp lót và phần lồi phải được kiểm tra.

L.2.3.6.5.2 Yêu cầu

Bình chứa phải tuân theo các yêu cầu thử nghiệm chu trình áp suất nhiệt và độ môi trường.

Mặt phân cách lớp lót/ cổ lắp van của bình chứa không được thể hiện hư hỏng như nứt do mỏi hoặc ăn mòn tĩnh điện.

L.2.3.6.5.3 Thử lại

Cho phép thực hiện lại phép thử tuần hoàn LPG.

Phép thử lần thứ hai phải được thực hiện trên hai bình chứa tiếp theo được sản xuất ngay sau bình thứ nhất trong cùng một lô sản phẩm.

Nếu kết quả của các phép thử này thoả mãn yêu cầu, lô sản phẩm đạt yêu cầu.

Trong trường hợp một hoặc cả hai mẫu thử lần hai không thoả mãn các yêu cầu, lô sản phẩm không

đạt yêu cầu.



L.2.3.6.6 Thử rão ở nhiệt độ cao

L.2.3.6.6.1 Yêu cầu chung

Phép thử này chỉ được thực hiện trên các bình chứa composit với khuôn lưới nhựa tổng hợp có nhiệt độ chuyển hoá thuỷ tinh (TG) thấp hơn nhiệt độ thiết kế + 50oC.Quy trình thử

Một bình chứa thành phẩm phải được thử như sau:

(a) Bình chứa phải được điều áp đến 3000 kPa và được duy trì ở nhiệt độ quy định trong bảng L.3 theo thời gian của chu trình thử.



Bảng L.3. Nhiệt độ thử theo thời gian của chu trình thử

T (oC)

Thời gian (h)

100

200

95

350

90

600

85

1000

80

1800

75

3200

70

5900

65

11000

60

21000

(b) Bình chứa phải được thử rò rỉ ra ngoài

L.2.3.6.6.3 Yêu cầu

Tỷ lệ tăng thể tích cho phép lớn nhất bằng 5%. Bình chứa phải thoả mãn các yêu cầu của phép thử rò rỉ ra ngoài được quy định tại L.2.4.3 và phép thử phá vỡ được quy định tại L.2.2.



L.2.3.6.6.4 Thử lại

Cho phép thực hiện lại phép thử rão ở nhiệt độ cao.

Phép thử lần thứ hai phải được thực hiện trên hai bình chứa tiếp theo được sản xuất ngay sau bình thứ nhất trong cùng một lô sản phẩm.

Nếu kết quả của các phép thử này thoả mãn yêu cầu, lô sản phẩm đạt yêu cầu.

Trong trường hợp một hoặc cả hai mẫu thử lần hai không thoả mãn các yêu cầu, lô sản phẩm không đạt yêu cầu.

L.2.4 Kiểm tra không phá huỷ

L.2.4.1 Kiểm tra bằng chụp ảnh bức xạ

L.2.4.1.1 Các mối hàn phải được chụp ảnh bức xạ theo yêu cầu của ISO 17636-2003, áp dụng kỹ thuật chụp ảnh loại B.

L.2.4.1.2 Khi sử dụng thiết bị chỉ báo chất lượng hình ảnh kiểu dây, đường kính dây nhìn thấy nhỏ nhất không được lớn hơn 0,1 mm. Khi sử dụng thiết bị chỉ báo chất lượng hình ảnh kiểu lỗ và bước, đường kính lỗ nhìn thấy nhỏ nhất không được lớn hơn 0,25 mm.

L.2.4.1.3 Việc đánh giá bằng phương pháp chụp ảnh bức xạ mối hàn phải dựa vào các phim gốc phù hợp với quy định tại Điều 6, ISO 2504-1973.

L.2.4.1.4 Không chấp nhận các khuyết tật sau đây: Nứt vỡ, các mối hàn không đủ, hoặc không ngấu đều.

L.2.4.1.4.1 Đối với thành bình chứa có độ dày không nhỏ hơn 4 mm, các tạp chất dưới đây là chấp nhận được:

Bọt khí có kích thước không lớn hơn a/4 (mm) (a là độ dày thành bình chứa).

Bọt khí có kích thước lớn hơn a/4 (mm) nhưng không lớn hơn a/3 (mm) và cách bọt khí khác có kích thước nằm trong khoảng này một đoạn lớn hơn 25 mm.

Bọt khí có hình dài và nhóm các tạp chất hình tròn nằm trên một đường thẳng có độ dài (trên mối hàn

có độ dài bằng 12a) không lớn hơn 6 mm.

Các bọt khí trên đoạn mối hàn náo đó có chiều dài 100 mm và tổng diện tích của tất cả các bọt khí

không lớn hơn 2a (mm2).

L.2.4.1.4.2 Đối với thành bình chứa có độ dày nhỏ hơn 4 mm, các tạp chất dưới đây là chấp nhận được:

Bọt khí có kích thước không lớn hơn a/2 (mm) (a là độ dày thành bình chứa).

Bọt khí có kích thước lớn hơn a/2 (mm) nhưng không lớn hơn a/1,5 (mm) và cách bọt khí khác có kích thước nằm trong khoảng này một đoạn lớn hơn 25 mm.

Bọt khí có hình dài và nhóm các tạp chất hình tròn nằm trên một đường thẳng có độ dài (trên mối hàn có độ dài bằng 12 a) không lớn hơn 6 mm.

Các bọt khí trên đoạn mối hàn náo đó có chiều dài 100 mm và tổng diện tích của tất cả các bọt khí không lớn hơn 2a (mm2).

L.2.4.2 Kiểm tra bằng quan sát

Việc kiểm tra bằng quan sát toàn bộ vết cắt ngang mối hàn phải thể hiện sự chảy hoàn toàn trên bề mặt được tẩm axít thử và không được xuất hiện lỗi lắp ráp, tạp chất hoặc các khuyết tật khác. Ngược lại, việc kiểm tra bằng quan sát phải được thực hiện trên vùng nghi ngờ.



L.2.5 Kiểm tra bên ngoài mối hàn đối với bình chứa bằng kim loại

L.2.5.1 Kiểm tra này được thực hiện khi mối hàn đã được thực hiện xong.

Bề mặt mối hàn được kiểm tra phải được chiếu sáng đầy đủ và không được có mỡ, bụi, mảnh cặn hoặc các loại lớp bảo vệ khác.



L.2.5.2 Bề mặt nóng chảy của kim loại hàn với kim loại cơ bản phải phẳng nhẵn và không bị khắc mòn. Không được xuất hiện các vết nứt, rãnh khía hoặc các đốm xốp trên bề mặt mối hàn và bề mặt liền kề với thành bình. Bề mặt được hàn phải đồng đều và bằng phẳng. Nơi hàn bằng mối hàn giáp mép, độ dày phần lồi lên không lớn hơn 1/4 chiều rộng mối hàn.

L.2.6 Thử lửa

L.2.6.1 Thử lửa để chứng minh được bình chứa nguyên thuỷ (bao gồm cả các phụ kiện) không bị trong các điều kiện có lửa. Các yêu cầu của phép thử này được coi là thoả mãn với tất cả bình chứa các đặc điểm sau đây giống với bình chứa nguyên thuỷ:

(a) cùng nhà sản xuất;

(b) cùng hình dạng (hình trụ tiêu chuẩn, khác hình trụ tiêu chuẩn);

(c) cùng vật liệu;

(d) cùng độ dày thành bình hoặc lớn hơn;

(e) cùng đường kính hoặc nhỏ hơn (bình chứa hình trụ tiêu chuẩn);

(f) cùng chiều cao hoặc nhỏ hơn (bình chứa khác hình trụ tiêu chuẩn);

(g) cùng diện tích bề mặt ngoài hoăc nhỏ hơn;

(h) cùng cấu hình các phụ kiện lắp kèm bình chứa1)

L.2.6.2 Chuẩn bị bình chứa

Bình chứa phải được đặt nằm ngang, phần dưới cùng bình chứa phải cao hơn nguồn lửa khoảng 100 mm. Phải sử dụng màn chắn bằng kim loại để tránh việc tiếp xúc trực tiếp giữa lửa với các van, các đầu nối và/ hoặc van an toàn. Màn chắn kim loại không được tiếp xúc trực tiếp với hệ thống chống bắt lửa (cơ cấu an toàn hoặc van bình chứa). Nếu xẩy ra sự cố nào đó trong khi thử van, đầu nối hoặc ống dẫn không thuộc hệ thống bảo vệ thì phải huỷ bỏ kết quả.



L.2.6.3 Nguồn lửa

Nguồn lửa đều có chiều dài 1,65 m phải tác động trực tiếp vào bề mặt bình chứa suốt toàn bộ đường kính của nó.

Có thể sử dụng bất kỳ loại nhiên liệu nào cung cấp nguồn nhiệt đều, đủ để duy trì nhiệt độ thử cho đến khi bình chứa bị xả khí ra ngoài. Cách thức bố trí nguồn lửa phải được ghi lại đủ chi tiết để bảo đảm có thể lặp lại mức cấp nhiệt vào bình chứa. Nếu nguồn lửa không ổn định trong khi thử thì phải huỷ bỏ kết quả.

L.2.6.4 Đo áp suất và nhiệt độ

Trong khi thực hiện phép thử lửa, phải đo các nhiệt độ và áp suất sau đây:

(a) Nhiệt độ ngọn lửa ngay bên dưới bình chứa, dọc theo đáy bình chứa, tại ít nhất hai vùng, mỗi vùng có chiều dài không nhỏ hơn 0,75 m;

(b) Nhiệt độ thành bình tại đáy bình chứa;

(c) Nhiệt độ thành trong bình chứa tại các điểm cách cơ cấu an toàn không quá 25 mm.

(d) Đối với các bình chứa dài hơn 1,65 m, phải đo nhiệt độ thành bình trên đỉnh bình chứa, ngay tâm của ngọn lửa.

(e) áp suất bên trong bình chứa.

Phải sử dụng màn chắn kim loại để tránh ngọn lửa tiếp xúc trực tiếp với nhiệt kế. Ngoài ra, nhiệt kế có thể được lồng vào các khối kim loại, diện tích nhỏ hơn 25 mm2. Trong khi thử, nhiệt độ và áp suất bình chứa phải được ghi lại trong mỗi khoảng thời gian không quá 30 giây.

L.2.6.5 Điều kiện thử

(a) Bình chứa phải được nạp LPG đến 80 % dung tích và được thử ở vị trí nằm ngang tại áp suất thiết kế.

(b) Ngay sau khi cháy, ngọn lửa phải tác động lên bề mặt của bình chứa, dọc theo chiều dài

1,65 m của nguồn lửa ngang bình chứa.

(c) Trong khoảng thời gian cháy 5 phút, nhiệt độ ở phần dưới cùng của bình chứa không được nhỏ hơn 590oC; nhiệt độ này được hiển thị trên nhiệt kế và phải được duy trì để giữ nguyên tình trạng phép thử cho đến khi bình chứa không còn bị quá áp.

L.2.6.6 Tâm bình chứa phải được đặt ngay trên tâm của nguồn lửa;

L.2.6.7 Kết quả chấp nhận được:

LPG trong bình chứa kim loại phải thoát ra ngoài thông qua cơ cấu an toàn và bình không được nổ.

LPG trong bình chứa composit có thể thoát ra ngoài thông qua cơ cấu an toàn và/hoặc có thể thoát ra ngoài thông qua thành bình chứa hoặc các bề mặt khác và bình không được nổ.

L.2.7 Thử va chạm

L.2.7.1 Yêu cầu chung

Tất cả các phép thử va chạm có thể được thực hiện trên một bình hoặc mỗi phép thử được thực hiện trên một bình chứa khác nhau.



L.2.7.2 Quy trình thử

Đối với phép thử này, môi chất lỏng phải là hỗn hợp nước/ glycol hoặc chất lỏng khác có điểm đông cứng thấp nhưng không làm thay đổi các tính chất của vật liệu bình chứa.

Bình chứa được nạp môi chất lỏng tới khối lượng bằng khối lượng của LPG nạp vào 80% dung tích bình chứa với khối lượng chuẩn bằng 0,568 kg/l. Đặt bình chứa song song với trục dọc của xe (trục x trong hình L.1), khi đó bình chứa sẽ va vào một nêm cứng với vận tốc V=50 km/h, được cố định phương nằm ngang và vuông góc với hướng chuyển động của bình chứa.

Nêm phải được lắp đặt sao cho trọng tâm của bình chứa va vào tâm của nêm.

Nêm phải có góc = 90o và đầu va chạm phải được làm tròn với bán kính lớn nhất bằng 2,5 mm.

Chiều dài L của nêm ít nhất phải bằng chiều rộng của bình chứa theo hương chuyển động trong khi thử. Chiều cao H của nêm ít nhất phải bằng 600 mm.



Chú thích: c.g là toạ độ trọng tâm




tải về 0.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương