SÁch giáo lý CỦa giáo hội công giáo sách giáo lý CỦa giáo hộI



tải về 4.7 Mb.
trang12/68
Chuyển đổi dữ liệu31.07.2016
Kích4.7 Mb.
#11671
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   68

473 240. Nhưng đồng thời, tri thức nhân loại của Con Thiên Chúa cũng biểu lộ đời sống Thiên Chúa của bản thân Người (T. Ghê-gô-ri-ô Cả thư số 10,39 : DS 475). "Nhân tính của Con Thiên Chúa, không tự sức mình, nhưng nhờ kết hợp với Ngôi Lời, đã từng hiểu biết và biểu hiện nơi mình tất cả những gì phù hợp với Thiên Chúa" (T. Ma-xi-mô tuyên đạo 66). Trước hết là tri thức thâm sâu và trực tiếp của Con-Thiên-Chúa-làm-người về Cha của Người (x.Mc. 14,36; Mt 11,27; Ga 1,18; 8,55 vv...). Trong tri thức nhân loại của mình, Chúa Con cũng cho thấy Người thấu suốt như Thiên Chúa những tâm tư thầm kín của con người ( x. Mc 2,8; Ga 2,25; 6,61 vv...).
474. Do kết hợp với sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa trong bản thân Ngôi Lời nhập thể, tri thức nhân loại của Đức Ki-tô hoàn toàn thấu triệt những ý định ngàn đời mà Người đến để mặc khải (x.Mc 8,31; 9,31;10,33-34; 14,18-20.26-30). Trong lĩnh vực này (x.Mc 13,32 ), có điều thì Người bảo là mình không biết nhưng nơi khác Người lại nói Người không có sứ mạng mặc khải (x.Cv. 1,7).
Ý chí nhân loại của Đức Ki-tô
475 2008 2824. Cũng một thể đó, Hội Thánh tuyên xưng trong Công Đồng chung thứ VI ( Cđ Con-tan-ti-nô-pô-li III năm 681), rằng Đức Ki-tô có hai ý chí và hai khả năng hành động theo hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại, không đối kháng nhưng hợp tác với nhau, đến nỗi Ngôi Lời làm người đã muốn vâng phục theo nhân tính tất cả những gì Người đã quyết định với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần theo thiên tính để cứu chuộc chúng ta ( DS 556-559). Ý chí nhân loại của Đức Ki-tô "thuận theo ý chí Thiên Chúa của Người mà không cưỡng lại hay đối nghịch, nhưng tùy thuộc vào ý chí toàn năng ấy" (x. DS. 556).
Thân xác thật của Đức Ki-tô
476 1159- 1162 2129-2132. Vì Ngôi Lời đã làm người bằng cách đảm nhận một nhân tính thực sự, nên thân xác của Đức Ki-tô cũng bị giới hạn (x. Cd. Latran 649. DS. 504). Do đó, gương mặt nhân loại của Đức Giê-su có thể được "họa lại" (Gl 3,2). Trong Công Đồng chung thứ VII (x. Cđ Ni-xê-a II 787 : DS. 600-603), Hội Thánh nhìn nhận việc họa lại hình ảnh của Người là chính đáng.
477. Đồng thời, Hội Thánh luôn luôn nhìn nhận "Thiên Chúa vốn là Đấng vô hình, đã xuất hiện hữu hình giữa nhân loại" trong thân xác Đức Giê-su (x. Lễ Giáng Sinh). Thật vậy, các đặc điểm riêng của thân xác Đức Ki-tô biểu lộ Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã nhận làm của mình những nét nhân dạng của thân thể Người, để khi người tín hữu tôn kính những đặc điểm ấy được họa lại trong tranh ảnh thánh, họ "cung chiêm chính Đấng mà tranh ấy diễn tả" (x. Cđ Ni-xê-a II : DS 601) .
Trái tim của Ngôi Lời Nhập Thể
478 487 368 2669 766. Trong suốt cuộc đời, cả khi hấp hối và chịu khổ nạn, Đức Giê-su biết và yêu mến mọi người và từng người chúng ta. Người đã hiến mạng cho mỗi người chúng ta. "Con Thiên Chúa đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi" (Gl 2,20). Người đã yêu chúng ta bằng con tim nhân loại. Do đó Thánh Tâm Chúa Giê-su, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta (x. Ga 19,34), "được coi là dấu chỉ và biểu tượng tuyệt vời của tình yêu mà Đấng Cứu Thế không ngừng dâng lên Chúa Cha hằng hữu và dành cho mọi người không trừ ai" (. Pi-ô XII, Thông điệp "Haurietis aquas": DS. 3924; x.DS.3812).
TÓM LƯỢC
479. Vào đúng thời Thiên Chúa đã định, Con Một của Chúa Cha là Ngôi Lời hằng hữu, là Hình Ảnh đồng bản thể với Chúa Cha, đã nhập thể : Người đã đảm nhận bản tính nhân loại mà vẫn không đánh mất bản tính Thiên Chúa.
480. Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật và là người thật, trong một ngôi vị Thiên Chúa duy nhất. Vì vậy Người là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người.
481. Đức Giê-su Ki-tô có hai bản tính, Thiên Chúa và nhân tính, không lẫn lộn, nhưng hợp nhất trong ngôi vị duy nhất của Con Thiên Chúa.
482. Vì là Thiên Chúa thật và là người thật, Đức Ki-tô có một trí khôn và một ý chí nhân loại, hoàn toàn hòa hợp và qui thuận trí khôn và ý chí thần linh mà Người cùng có chung với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
483. Nhập thể là mầu nhiệm của sự kết hợp tuyệt vời giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại trong ngôi vị duy nhất của Ngôi Lời.
Tiết 2: "BỞI PHÉP CHÚA THÁNH THẦN MÀ NGƯỜI XUỐNG THAI, SINH BỞI BÀ MARIA ĐỒNG TRINH....
I. BỞI PHÉP CHÚA THÁNH THẦN MÀ NGƯỜI XUỐNG THAI...
484 461 721. Biến cố truyền tin cho Đức Ma-ri-a mở đầu "thời viên mãn" (Gl 4,4), nghĩa là thời thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa và chuẩn bị từ trước. Đức Ma-ri-a được mời gọi hoài thai Đấng mang nơi thân xác mình "tất cả sự viên mãn của thiên tính" (Cl 2,9). Câu hỏi của Mẹ "việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?" (Lc 1, 34) đã được thiên sứ giải thích bằng quyền năng Thánh Thần : "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà" (Lc 1, 35).
485 689,723. Sứ mạng của Chúa Thánh Thần bao giờ cũng kết hợp nhịp nhàng với sứ mạng của Chúa Con (x.Ga 16,14-15). Thánh Thần được cử đến để thánh hoá cung lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và làm cho Mẹ thụ thai cách kỳ diệu. Bởi Người là "Chúa và là Đấng ban sự sống", Người ban cho Mẹ thụ thai Con hằng hữu của Chúa Cha, trong một nhân tính bắt nguồn từ nhân tính của Mẹ.
486 437. Con Một của Chúa Cha ngay từ khi tượng thai làm người trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, đã là "Ki-tô" nghĩa là Đấng được Thánh Thần xức dầu (x.Mt 1,20; Lc 1,35), cho dù Người chỉ tỏ mình từng bước cho các mục đồng (x. Lc 2,8-20), các đạo sĩ (x.Mt 2,1-12), cho Gio-an Tẩy giả (x.Ga 1,31-34), cho các môn đệ (x.Ga 2,11). Như vậy, trọn cuộc đời của Đức Ki-tô tỏ cho thấy "Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người như thế nào" (Cv 10,38).
II. SINH BỞI BÀ MA-RI-A ĐỒNG TRINH
487 963. Những gì Hội Thánh Công Giáo tin về Đức Ma-ri-a đều đặt nền tảng trên những gì Hội Thánh tin về Đức Ki-tô, nhưng đồng thời giáo huấn về Đức Ma-ri-a lại soi sáng thêm cho lòng tin vào Đức Ki-tô.
Đức Ma-ri-a được tiền định
488. "Thiên Chúa đã cử Con mình đến trong thế gian" (Gl 4,4). Nhưng để "tạo một thân xác" (Dt 10,5) cho Người, Thiên Chúa đã muốn có sự tự do cộng tác của một thụ tạo. Với mục đích ấy, từ trước muôn đời Thiên Chúa đã chọn một thiếu nữ Ít-ra-en, một cô gái Do Thái, quê tại Na-da-rét xứ Ga-li-lê, "một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi Đa-vít, trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a" (Lc 1,26-27) để làm mẹ của Con Mình.
Chúa Cha rất nhân từ đã muốn sự ưng thuận của Đấng đã được tiền định làm Mẹ phải có trước khi Chúa Con nhập thể, để như một người nữ đã hợp tác cho sự chết, thì cũng một ngừơi nữ hợp tác cho sự sống (LG 56. x. 61).
489 722 410 145 64. Suốt thời Cựu Ước, sứ mạng của Đức Ma-ri-a đã được chuẩn bị trước nơi vai trò của các phụ nữ thánh thiện. Từ lúc khởi đầu, là bà E-và : dù bà bất tuân phục, nhưng bà đã nhận được lời hứa rằng một hậu duệ của bà sẽ chiến thắng ma quỉ (x. St 3,15) và bà sẽ là mẹ của chúng sinh (x. St 3,20). Vì lời hứa đó, Sa-ra mang thai một người con trai, dù đã cao niên (x. St 18,10-14; 21,1-2). Khác với dự đoán của loài người, Thiên Chúa đã chọn những gì bị coi là bất lực và yếu đuối (x. 1Cr 1,27) để chứng tỏ Người luôn trung thành với lời đã hứa : Han-na, mẹ của Sa-mu-en (x. 1 Sm 1.), Đê-bô-ra, Rút, Giu-đi-tha và Ét-te và nhiều phụ nữ khác. Đức Ma-ri-a "vượt trên tất cả những người khiêm hạ và khó nghèo của Chúa, là những người tin tưởng, hy vọng và được Chúa cứu độ. Với Đức Ma-ri-a, người thiếu nữ Xi-on tuyệt vời sau thời mong đợi đằng đẵng chờ Thiên Chúa thực hiện lời hứa, thời gian đã nên trọn và nhiệm cục mới được thiết lập" (LG 55).
Thụ thai Vô nhiễm
490 2676, 2833 2001. Để làm Mẹ Đấng Cứu thế, Đức Ma-ri-a "đã được Chúa ban cho nhiều ơn xứng với nhiệm vụ cao cả ấy" (x. LG 56). Lúc truyền tin, thiên sứ Gáp-ri-en đã chào Mẹ "là đấng đầy ơn phúc" (x. Lc l,28). Thật vậy, Mẹ cần được ân sủng Chúa nâng đỡ để có thể hoàn toàn tự do trong đức tin mà đáp lại lời loan báo ơn gọi của Người.
491 411. Suốt dọc chiều dài lịch sử, Hội Thánh đã nhận thức rằng Đức Ma-ri-a, vì được Thiên Chúa ban cho "đầy ơn phúc" (Lc 1,28), nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai. Đó là nội dung tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức Pi-ô IX công bố năm l854.
Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Ma-ri-a, đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố nguyên tội ngay từ lúc tượng thai, do ân sủng và tình thương đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Đức Giê-su Ki-tô Đấng Cứu Độ loài người (DS 2803).
492 2011 1077. Mẹ có được "sự thánh thiện tuyệt vời có một không hai" "ngay từ lúc tượng thai" (x. LG 56) hoàn toàn là do Đức Ki-tô : Mẹ đã "được cứu chuộc cách kỳ diệu nhờ công nghiệp Con Mẹ" (x. LG 53). Hơn bất cứ thụ tạo nào khác, Chúa Cha đã thi ân giáng phúc, cho Mẹ "hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, từ cõi trời, trong Đức Ki-tô" (Ep 1,3). Người "đã chọn Mẹ trong Đức Ki-tô, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người" (x. Ep 1,4).
493. Các Giáo phụ Đông Phương gọi Mẹ Thiên Chúa là Đấng Rất Thánh (Panaghia) và tôn vinh Mẹ là "Đấng không hề vương nhiễm một tội nào, như một thụ tạo mới do Chúa Thánh Thần nắn đúc và tác tạo" (x. LG 56). Nhờ ân sủng Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm tội riêng nào.
"Xin Chúa làm cho tôi như lời thiên sứ nói ..."
494 2617, 148 968. Khi được loan báo mình sẽ hạ sinh "Con Đấng Tối Cao", bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,28-37), dù không sống đời vợ chồng, Đức Ma-ri-a tin chắc chắn rằng : "đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được"; và với "sự vâng phục trong đức tin" (Rm 1,5), Mẹ đã đáp lại : "Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như thiên sứ nói" (Lc 1,37-38). Như vậy, khi ưng thuận lời Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a trở thành Mẹ Chúa Giê-su. Không bị bất cứ tội lỗi nào ràng buộc, Mẹ hết lòng vâng theo ý muốn cứu độ của Thiên Chúa, tự hiến hoàn toàn cho Con của Mẹ và sự nghiệp của Người, để cùng Người và tùy thuộc vào Người mà phục vụ cho mầu nhiệm Cứu Chuộc, nhờ ân sủng của Thiên Chúa (x. LG 56).
726. Thánh I-rê-nê nói : "Nhờ vâng phục, Mẹ đã trở nên nguyên nhân cứu độ chính mình và toàn thể nhân loại". Và cùng với Thánh I-rê-nê, rất nhiều giáo phụ cũng giảng dạy rằng : "Nút dây do sự bất tuân của bà E-và thắt lại, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Ma-ri-a; điều mà trinh nữ E-và đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã tháo ra nhờ lòng tin". So sánh Đức Ma-ri-a với bà E-và, các ngài gọi Đức Ma-ri-a là "Mẹ của chúng sinh", và thường quả quyết rằng: "Sự chết đột nhập vào trần gian qua E-và, thì sự sống đến với con người nhờ Đức Ma-ri-a" (LG 56). .
Đức Ma-ri-a Mẹ Thiên Chúa
495 466, 2677. Trong các sách Tin Mừng, Đức Ma-ri-a được gọi là "Mẹ Đức Giê-su" (Ga 2, 1; 19,25) (x.Mt 13,55). Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, Mẹ được xưng tụng là "Mẹ của Chúa tôi" (Lc 1,43) ngay cả trước khi Con Mẹ sinh ra. Qủa thế Đấng mà Mẹ cưu mang làm người bởi Thánh Thần, Đấng thực sự là con Mẹ theo xác phàm, chính là Con hằng hữu của Chúa Cha, Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Đức Ma-ri-a thực sự là "Mẹ Thiên Chúa" (Theotokos) (DS 25l).
Sự tinh khiết của Mẹ Maria
496. Ngay từ những công thức đức tin đầu tiên (x.DS. 10-64), Hội Thánh tuyên xưng Đức Giê-su đã tượng thai trong cung lòng Trinh Nữ Ma-ri-a chỉ do quyền năng Thánh Thần, và cũng như vậy, khẳng định khía cạnh thể lý của biến cố này : Đức Giê-su được tượng thai "bởi Chúa Thánh Thần không cần mầm giống nam nhân" (x.Cđ La-tran năm 649: DS 503). Các Giáo phụ nhận ra việc thụ thai đồng trinh là dấu chỉ chính Con Thiên Chúa đã đến mặc lấy một nhân tính giống như nhân tính chúng ta.
Thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a (đầu thế kỷ II) dạy : "Anh em đã xác tín rằng Chúa chúng ta, xét theo xác thịt, đích thực là người thuộc dòng dõi Đa-vit (x.Rm. 1,3), là Con Thiên Chúa theo ý định và quyền năng Thiên Chúa (x.Ga 1,13). Người đã thực sự được một trinh nữ sinh ra. Người đã thực sự chịu đóng đinh thân xác vì chúng ta, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô. Người đã thực sự chịu khổ hình cũng như đã thực sự Phục Sinh (Smyrn. 1-2).
497. Các trình thuật Tin Mừng (x.Mt 1,18-25: Lc 1,26-38) xem việc thụ thai đồng trinh như một công trình của Thiên Chúa, vượt quá tầm hiểu biết và khả năng nhân loại (x.Lc l,34). Thiên thần đã nói với ông Giu-se về Đức Ma-ri-a, hôn thê của ông : "Người con bà cưu mang là do quyền năng Thánh Thần" (Mt 1,20). Hội Thánh nhìn nhận đây là việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa qua miệng ngôn sứ I-sai-a : "Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai" (Is 7,14), theo bản dịch Hy lạp của Mt 1,23.
498 50 2717. Đôi lúc, người ta hơi lúng túng vì sự im lặng của Tin Mừng Mac-cô và các thư Tân Ước đối với việc Đức Ma-ri-a thụ thai đồng trinh. Người ta tự hỏi không biết đây có phải là huyền thoại hay chỉ là luận điểm thần học không chứng cớ lịch sử. Về vấn đề này, chúng ta phải đáp rằng : đức tin vào việc Mẹ Ma-ri-a thụ thai Chúa Giê-su mà còn đồng trinh, đã bị những kẻ không tin, bị người Do Thái và lương dân chống đối mãnh liệt, bị chế diễu, bị xuyên tạc (x.T. Giút-ti-nô tập đối thoại 99,7: Ô-ri-gê-nê.chống lại Celsus 1,32.69) : đức tin đó không do huyền thoại lương dân hay mô phỏng các ý tưởng đương thời tạo ra. Ý nghĩa của biến cố này chỉ có thể hiểu được nhờ đức tin, khi đức tin nhìn sự kiện "trong mối dây liên kết các mầu nhiệm với nhau" (DS 3016), trong toàn bộ mầu nhiệm Đức Ki-tô, từ Nhập Thể cho đến Vượt Qua. Thánh I-nha-ti-ô thành An-ti-ô-ki-a đã chứng nhận mối dây này : "Thủ lãnh thế gian này đã không hề biết sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a, việc Chúa giáng trần và việc Người chịu chết : Ba mầu nhiệm vang lừng nhưng đã được Thiên Chúa âm thầm thực hiện" (1 Cr.2,8) (Ep 19,1).
Đức Ma-ri-a "trọn đời đồng trinh"
499. Khi đào sâu đức tin về Đức Mẹ đồng trinh, Hội Thánh đi đến chỗ tuyên xưng Đức Ma-ri-a thật sự và trọn đời đồng trinh (DS 427), ngay cả khi sinh Con Thiên Chúa làm người ( x. DS. 29l, 294, 443, 503, 57l, l880). Thật vậy, việc hạ sinh Đức Ki-tô "không làm suy giảm nhưng thánh hiến sự trinh khiết vẹn toàn" của Mẹ (x.LG 57). Phụng vụ của Hội Thánh luôn tôn vinh Mẹ là “Đấng trọn đời đồng trinh" (LG 52).
500. Để phản bác điều này, đôi khi người ta lý luận rằng Kinh Thánh có nói đến anh chị em của Đức Giê-su (x.Mc 3,31-35 ; 6,3; 1 Cr 9,5; Gl 1,19). Xưa nay Hội Thánh vẫn hiểu những đoạn này như sau : chúng không hề ám chỉ những người con khác của Đức Trih nữ Ma-ri-a. Gia-cô-bê và Giu-se được gọi là "anh em của Đức Giê-su" (Mt 13,55), họ là con của một môn đệ Đức Giê-su (x.Mt 27,56) tên là Ma-ri-a. Bà này được nhắc đến cách cẩn thận để phân biệt là "Bà Ma-ri-a khác" (Mt 28,1). Theo lối nói thông dụng trong Cựu Ước, "anh em" chỉ những người bà con thân thuộc của Đức Giê-su (x. St 13.8; 14,16; 29,15 vv. ..).
501 969 970. Chúa Giê-su là Con một của Đức Ma-ri-a. Nhưng Đức Ma-ri-a còn là mẹ thiêng liêng (x.Ga 19,26-27: Kh.12,17) của tất cả loài người được Đức Giê-su cứu độ. "Người con mà Mẹ sinh ra, Thiên Chúa đã đặt " làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc", (Rm 8,29), nghĩa là các tín hữu mà Mẹ đã cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục bằng tình thương của một người mẹ" ( LG 63).

Chức năng làm mẹ đồng trinh của Đức Ma-ri-a trong ý định của Thiên Chúa
502 90. Khi nhìn toàn bộ mặc khải với đôi mắt đức tin, chúng ta có thể khám phá những lý do nhiệm mầu khiến Thiên Chúa trong ý định cứu độ của Người, đã muốn rằng Con của Người sinh ra bởi một trinh nữ. Những lý do này liên hệ đến con người và sứ mạng cứu chuộc của Đức Ki-tô, cũng như đến việc Đức Ma-ri-a đón nhận sứ mạng này cho tất cả loài người .
503 422. Sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a cho thấy mầu nhiệm Nhập Thể hoàn toàn do Thiên Chúa khởi xướng. Đức Giê-su chỉ có Thiên Chúa là Cha (x. Lc 2,48-49). "Nhân tính mà Người đã đảm nhận không hề tách Người khỏi Chúa Cha. Người là Con của Chúa Cha theo thiên tính, là con của Mẹ Ma-ri-a theo nhân tính, nhưng là Con của Thiên Chúa theo hai bản tính" (x. Cđ. Fri-un năm 796: DS 619).
504 359. Đức Giê-su nhập thể trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a bởi phép Chúa Thánh Thần vì Người là A-đam mới (x. 1 Cr.15,45) khởi đầu cho sáng tạo mới : "Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; người thứ hai tự trời mà đến" (1 Cr 15,47). Ngay từ lúc nhập thể, nhân tính Đức Ki-tô đã tràn đầy Thánh Thần, vì Thiên Chúa "ban Thánh Thần cho Người vô ngần vô hạn" (Ga 3,34). Chính từ "nguồn sung mãn" của Người, là đầu của nhân loại được cứu chuộc mà "chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác" (Ga 1,16).
505 1265. Khi nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ, Đức Giê-su, A-đam mới, đã khởi đầu cuộc sinh hạ mới những người con được nhận làm nghĩa tử trong Thánh Thần nhờ đức tin. "Việc ấy xảy ra cách nào ?" (Lc 1,34) (x. Ga 3,9). Việc thông phần vào sự sống Thiên Chúa không phải "do khí huyết, cũng chẳng phải do ý muốn của xác thịt, hay ý muốn nam nhân, nhưng do chính Thiên Chúa" (Ga 1, 13). Sự sống mới này được đón nhận cách trinh khiết, bởi nó hoàn toàn do Thánh Thần tặng ban cho nhân loại. Con người được mời gọi kết hiệp với Thiên Chúa như trong mọi giao ước hôn nhân; ơn gọi này, đã được thực hiện viên mãn nơi Đức Ma-ri-a làm Mẹ mà vẫn đồng trinh (x.2 Cr 11,2).
506 148, 1814. Đức Mẹ đồng trinh, vì sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a là dấu chỉ đức tin của Mẹ, một đức tin "không bị mối nghi ngờ nào làm phai nhạt (LG 63)" và là dấu chỉ tận hiến trọn vẹn để chu toàn ý định của Thiên Chúa (x.1 Cr 7,34-35). Chính nhờ đức tin mà Đức Ma-ri-a trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế : "Đức Ma-ri-a thật là diễm phúc vì mẹ đã tin vào Đức Ki-tô hơn là vì Mẹ đã cưu mang thân xác Ngài" (x.Th. Augustinô, tiểu luật về Đức Trinh Nữ 3.).
507 967 149. Đức Ma-ri-a, vừa là Trinh Nữ vừa là Mẹ, vì vừa là hình ảnh vừa là sự thể hiện trọn vẹn của Hội Thánh (x. LG 63). "Hội Thánh, vì tin tưởng đón nhận lời Thiên Chúa, nên cũng được làm Mẹ. Thực vậy, nhờ việc rao giảng và ban phép rửa, Hội Thánh sinh hạ những người con được thụ thai bởi Thánh Thần. Họ được Thiên Chúa sinh ra để lãnh nhận đời sống mới bất diệt. Hội Thánh cũng là Trinh Nữ, bởi đã giữ gìn toàn vẹn và tinh tuyền lòng trung nghĩa đối với Phu Quân" (LG 64).
TÓM LƯỢC
508. Trong dòng dõi bà E-và, Thiên Chúa đã chọn Đức Trinh Nữ Ma-ri-a làm Mẹ của Con Ngài. "Mẹ đầy ơn phúc", là "hoa trái tuyệt vời nhất của công trình cứu chuộc" (SC 103). Ngay từ giây phút đầu tiên khi tượng thai, Mẹ đã được hoàn toàn gìn giữ khỏi tỳ ố nguyên tội và suốt cả đời, Mẹ vẫn luôn tinh tuyền không phạm tội riêng nào.
509. Đức Ma-ri-a thực sự là "Mẹ Thiên Chúa" vì là Mẹ của Con Thiên Chúa làm người, người Con hằng hữu ấy cũng chính là Thiên Chúa.
510. "Dù khi thụ thai hay khi sinh hạ, khi cưu mang hay khi nuôi con, Đức Ma-ri-a vẫn đồng trinh, trọn đời đồng trinh" (x.T.Augustinô, bài giảng 186, 1). Mẹ trọn vẹn là "nữ tỳ của Chúa" (Lc l,38).
511. Đức Trinh nữ Ma-ri-a đã "cộng tác vào việc cứu độ nhân loại, nhờ lòng tự do tin và tự do vâng phục " (LG 56). Mẹ đã nói lên lời Xin Vâng "nhân danh toàn nhân loại" ( x. T.Tô-ma A-qui-nô. tổng luận thần học 3,30,1). Nhờ vâng phục, Mẹ đã trở thành E-và mới, mẹ của chúng sinh.

Tiết 3: CÁC MẦU NHIỆM CỦA CUỘC ĐỜI CHÚA KITÔ
512 1163. Khi đề cập đến cuộc đời của Đức Ki-tô, kinh Tin Kính chỉ nói về mầu nhiệm Nhập Thể (tượng thai và sinh ra) và mầu nhiệm Vượt Qua (khổ nạn - đóng đinh - chịu chết - mai táng xuống ngục tổ tông - sống lại - lên trời), mà không nói cách minh nhiên về các mầu nhiệm cuộc đời ẩn dật và công khai của Đức Giê-su. Tuy nhiên, những tín điều liên quan đến Nhập Thể và Vượt Qua của Đức Giê-su lại soi sáng toàn bộ cuộc đời trần thế của Đức Ki-tô. "Tất cả những việc Đức Giê-su làm và những điều Người dạy, kể từ lúc đầu cho đến ngày... Người được rước lên trời" (Cv 1,1-2), cần phải được nhìn dưới ánh sáng các mầu nhiệm Giáng Sinh và Phục Sinh.

513 426, 561. Tùy theo hoàn cảnh, huấn giáo sẽ đề cập đến tất cả sự phong phú trong các mầu nhiệm của Đức Giê-su. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu lên một vài điểm chung cho tất cả mọi mầu nhiệm cuộc đời của Người (I). Sau đó sẽ bàn sơ lược về các mầu nhiệm chính yếu trong cuộc đời ẩn dật (II) và công khai (III) của Đức Giê-su.
I. TOÀN BỘ CUỘC ĐỜI ĐỨC GIÊ-SU LÀ MẦU NHIỆM
5l4. Có nhiều điều liên quan đến Đức Giê-su mà loài người tò mò muốn biết, nhưng lại không được các Tin Mừng nói đến. Tin Mừng hầu như không nói gì về cuộc sống của Người ở Na-da-rét, và một phần lớn cuộc đời công khai của Người cũng không được nhắc đến (x.Ga 20,30). Tất cả những gì được viết ra trong các Tin Mừng là "để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ Danh Người" (Ga 20,31).
515 126 609, 477. Các Tin Mừng đã được những người thuộc số các tín hữu đầu tiên viết ra ( x.Mc 1,1 ; Ga 21,24) vì muốn chia sẻ đức tin cho kẻ khác. Được nhận biết Đức Giê-su nhờ đức tin, họ thấy và chỉ cho thấy những dấu tích về mầu nhiệm của Người trong suốt thời gian Người sống trên dương thế. Từ những tấm tã lót ngày Giáng Sinh (x.Lc 2,7), cho đến chút dấm lúc chịu khổ hình (x.Mt 27,48), và tấm khăn liệm ngày Phục Sinh ( x.Ga 20,7), mọi sự trong cuộc đời Đức Giê-su đều là dấu tích cho mầu nhiệm của Người. Qua những cử chỉ, phép lạ, lời nói, Người mặc khải cho biết "tất cả sự viên mãn của thiên tính hiện diện cách cụ thể nơi Người" (Cl 2,9). Như vậy nhân tính của Người xuất hiện như một "bí tích", nghĩa là như một dấu chỉ và công cụ cho thiên tính và ơn cứu độ Người mang lại : những gì hữu hình trong cuộc đời trần thế của Người dẫn chúng ta đến với mầu nhiệm vô hình về địa vị Con Thiên Chúa và sứ mạng cứu chuộc của Người.
Những điểm chung trong các mầu nhiệm của Đức Giê-su
516 65 2708. Toàn bộ cuộc đời Đức Ki-tô là mặc khải về Chúa Cha : những lời Người nói, những việc Người làm, những lúc Người im lặng, những đau khổ Người chịu, cách thế Người sống và giảng dạy. Đức Giê-su có thể nói : "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Ga 14,9), và Chúa Cha nói : "Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người" (Lc 9,35). Vì Chúa Ki-tô đã làm người để chu toàn ý muốn của Chúa Cha ( x.Dt 10,5-7), nên ngay cả những điểm nhỏ nhặt nhất trong các mầu nhiệm của Người đều biểu lộ cho chúng ta thấy "tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta" (1 Ga 4,9).
517 606, 1115. Toàn bộ cuộc đời Đức Ki-tô là mầu nhiệm Cứu Chuộc. Ơn Cứu Chuộc đến với chúng ta trước hết nhờ Máu Người đổ ra trên Thánh Giá ( x.Ep 1,7; Cl 1,13-14 : 1 Pr 1,18-19), nhưng mầu nhiệm này đã hoạt động trong toàn bộ cuộc đời Đức Ki-tô : trong việc Nhập Thể, khi Ngưòi trở thành nghèo khó để lấy cái nghèo của mình làm cho chúng ta nên giàu có ( x.2Cr 8,9); trong cuộc sống ẩn dật, khi Người vâng phục ( x.Lc 2,51) để sửa lại sự bất phục tùng của chúng ta; trong lời Người nói để làm cho kẻ lắng nghe nên thanh sạch (x.Ga 15,3); trong các việc chữa bệnh và trừ qủy, "Người mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta" (Mt 8,17) ( x.Is 53,4); trong việc phục sinh, để chúng ta được nên công chính (x. Rm 4,25).
518. Toàn bộ cuộc đời Đức Ki-tô là mầu nhiệm. Qui Tụ tất cả mọi điều Đức Giê-su đã nói, đã làm, đã chịu...đều hướng tới mục đích đưa con người sa ngã trở về ơn gọi ban đầu :

Khi nhập thể làm người, Đức Ki-tô đã qui tụ nơi mình toàn bộ lịch sử nhân loại và ban cho chúng ta ơn cứu độ, để những gì xưa kia chúng ta đã mất nơi A-đam, tức là không còn là hình ảnh và giống như Thiên Chúa nữa, thì nay chúng ta tìm lại được trong Đức Ki-tô Giê-su (Th. I-rê-nê, chống lạc giáo 3,18,1). Chính vì thế Đức Ki-tô đã trải qua các lứa tuổi của đời người, nhờ đó làm cho mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa (Id3,18,7; x. 2,22,4).


Chúng ta hiệp thông với các mầu nhiệm của Đức Giê-su
519 793 602 1085. Ai cũng "được mời gọi thừa hưởng gia sản và sự phong phú của Đức Ki-tô" (x. RH 11). Đức Ki-tô không sống cho riêng mình, nhưng cho chúng ta : từ lúc nhập thể "vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta", cho đến khi chết "vì tội lỗi chúng ta" (1 Cr 15,3) và phục sinh "để chúng ta nên công chính" (Rm 4,25). Cả bây giờ nữa, Người vẫn là "Đấng Bảo Trợ cho chúng ta trước mặt Chúa Cha" (1 Ga 2, 1), "vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta" (Dt 7,25). Với tất cả những gì Người đã sống và chịu vì chúng ta một lần dứt khoát, giờ đây Người luôn hiện diện "trước mặt Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta" (Dt 9,24).

tải về 4.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   68




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương