Quảng Nam, ngày tháng năm 2014


Huỳnh Thị Nhuận (1950 - 1968)



tải về 0.97 Mb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.97 Mb.
#12947
1   2   3   4   5   6   7

25. Huỳnh Thị Nhuận (1950 - 1968): Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng Huỳnh Thị Nhuận sinh năm 1950 tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Chị tham gia cách mạng từ năm 1965, trong đội du kích xã Bình Nam. Đầu năm 1966, được chuyển về Ban Giao bưu tỉnh. Với tinh thần dũng cảm, mưu trí, chị đã thực hiện nhiều chuyến công tác vẫn chuyển công văn, tài liệu an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tháng 6 năm 1968, trong một đợt càn quét của địch vào cơ quan của Ban Giao bưu (trạm B23 tại Kỳ Yên - Tam Kỳ), chị bị địch bắt sau khi đã phân tán, cất giấu toàn bộ tài liệu. Chúng đưa chị lên trực thăng định chở về căn cứ Chu Lai. Khi máy bay đang ở độ cao khoảng 1500m, Huỳnh Thị Nhuận đã nhảy khỏi máy bay và anh dũng hy sinh.

Huỳnh Thị Nhuận đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương các loại. Năm 2001, liệt sĩ Huỳnh Thị Nhuận đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

(Nguồn: Quảng Nam - chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh)

26. Trần Đình Phong (1843 - 1909): Nhà giáo triều Nguyễn; Người có công đào tạo nhiều danh nhân Quảng Nam

Trần Đình Phong, hiệu là Mã Sơn, sinh năm 1843 tại làng Yên Mã, nay thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Ông thi đỗ Cử nhân khoa Bính Tý (1876) và đỗ Tiến sĩ năm 1879. Cuộc đời làm quan của ông trải các chức: Tri phủ Kiến An kiêm nhiệm phủ Bình Giang (Hải Dương); Tri phủ Thọ Xuân (Thanh Hóa); thăng Thị giảng học sĩ; năm 1898 làm Đốc học tỉnh Quảng Nam.

Trong thời gian làm Đốc học tỉnh Quảng Nam, ông đã trực tiếp giảng dạy ở trường tỉnh (Trường Đốc), ông là người có tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, con ông là Trần Đình Phiên tham gia phong trào Đông Du, sau cộng sự với cụ Huỳnh Thúc Kháng làm báo Tiếng Dân. Trần Đình Phong đã có công đào tạo nhiều danh nhân đất Quảng như Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phạm Tuấn… được học trò kính trọng.

Năm 1905, ông được thăng chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Thời gian này, ông tham gia biên soạn nhiều sách của Quốc sử quán triều Nguyễn như: Quốc triều hình luật, Quốc triều chính biên toát yếu.

Đối với vùng đất Quảng Nam, ngoài việc có công đào tạo nhiều sĩ tử có tài năng và khí phách, ông còn để lại tác phẩm Quảng Nam tỉnh phú - khái quát về lịch sử hình thành và các điều kiện về tự nhiên, tài nguyên, văn hóa, con người, đặc biệt là về truyền thống yêu nước và hiếu học.



Hiện nay, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Nghệ An đã đặt tên đường Trần Đình Phong.

(Nguồn: Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng)

27. Thân Cảnh Phúc: Tướng nhà Lý; người có công trong cuộc kháng chiến chống Tống và bảo vệ biên cương Tổ quốc

Thân Cảnh Phúc (không rõ năm sinh năm mất) còn có tên là Cảnh Nguyên, Đạo Nguyên hay Cảnh Long, biệt danh Phò mã Áo chàm, tương truyền có thể là Thân Vũ Thành (theo thần tích các đền thờ về nhân vật này dọc bờ sông Lục Ngạn), là tù trưởng động Giáp châu Lạng tức châu Quang Lang (ngày nay thuộc Lạng Sơn). Ông sinh ra trong gia đình nhiều đời làm thổ mục ở Động Giáp (là một phần phía Nam tỉnh Lạng Sơn và một phần phía Bắc của tỉnh Bắc Giang). Ông là người dân tộc Tày, vốn gốc họ Giáp, sau lấy công chúa Thiên Thành nhà Lý, được vua nhà Lý đổi sang họ Thân và phong chức Tri châu.

Thân Cảnh Phúc lãnh đạo một đội quân người dân tộc dựa vào rừng núi, dùng chiến thuật du kích chống Tống, chiến đấu sau lưng đạo quân nhà Tống đến khi hy sinh, góp phần không nhỏ vào cho chiến thắng của nhà Lý trước nhà Tống năm 1077 ở phòng tuyến sông Như Nguyệt.

Tháng 11 năm 1066, Thân Cảnh Phúc được vua Lý Thánh Tông gả con gái là công chúa Thiên Thành.

Sau khi được làm Phò mã, Thân Cảnh Phúc được phong làm Châu mục Lạng Châu.

Năm 1075, Thân Cảnh Phúc cùng các tù trưởng Vi Thủ An, Tông Đản, Lưu Kế Tông, Hoàng Kim Mãn chỉ huy bộ binh đánh thẳng lên thành Ung Châu, phối hợp với đạo quân của Thái uý Lý Thường Kiệt đi bằng đường thuỷ tấn công Liêm Châu, phá cuộc chuẩn bị xâm lược nước Đại Việt của nhà Tống.

Mùa xuân năm 1077, 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ và Triệu Tiết chỉ huy, theo đường ải Nam Quan (Lạng Sơn) ồ ạt tấn công Đại Việt. Tới khu vực ải Chi Lăng, quân Tống gặp sự kháng cự quyết liệt của quân dân động Giáp do Thân Cảnh Phúc chỉ huy. Nhưng trước thế giặc mạnh, Thân Cảnh Phúc phải cho dân quân động Giáp rút lui vào rừng núi để bảo toàn lực lượng. Sau khi rút lui, Thân Cảnh Phúc cùng các tù trưởng khác đã tổ chức dân binh dùng chiến thuật du kích tiêu hao sinh lực quân Tống, quấy rối vùng sau lưng của chúng, góp phần làm chậm sức tiến của quân Tống, giúp cho quân đội chính quy của nhà Lý do Lý Thường Kiệt chỉ huy chặn quân Tống tại phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu).

Trong vùng tạm chiếm, ông thực hiện vườn không nhà trống, địch đến ông “cho dân rút hết vào rừng, chỉ để một vài người ốm yếu ở nhà”, giặc phải thừa nhận: “Lưu Kỷ, Thân Cảnh Phúc đều cầm cường binh”.

Trong một trận chiến đấu ở vùng Lục Ngạn (Bắc Giang), Thân Cảnh Phúc đã hy sinh.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang đã đặt tên đường Thân Cảnh Phúc.

(Nguồn: Địa chí tỉnh Bắc Giang)

28. Phan Quang (1873 - 1939): Tiến sĩ triều Nguyễn

Phan Quang sinh năm 1873 tại xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam ngày nay.

Khoa thi Giáp Ngọ 1894, ông đậu Cử nhân tại trường thi Thừa Thiên; khoa thi Mậu Tuất 1898, ông đỗ Tiến sĩ, một trong những “Ngũ phụng tề phi” của Quảng Nam. Cuộc đời làm quan của ông trải các chức: Tri huyện Lệ Thủy, Bố Trạch (Quảng Bình); Án sát Bình Định; Tham tri bộ Hình. Năm 1939 ông về hưu, được tặng hàm Lễ bộ Thượng thư. Người đương thời thường gọi ông là cụ Thượng Phước Sơn để phân biệt các nhân vật nổi tiếng đương thời là Hà Đình Nguyễn Thuật và Trung Lộc Nguyễn Đình Hiến.

Các con của ông sau này đều có những đóng góp cho nước nhà trên các lĩnh vực văn học, báo chí (nhà văn Phan Du), lịch sử (Giáo sư Phan Khoang) và quân sự (Thiếu tướng Phan Xuân).



Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã đặt tên đường Phan Quang.

(Nguồn: Quảng Nam đất nước và nhân vật )

29. Nguyễn Quyền (1869 - 1941): Chí sĩ yêu nước; người sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục

Nguyễn Quyền, hiệu là Đông Đường, sinh năm 1869 tại làng Thượng Trì, nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Do ông từng đỗ Tú tài khoa Tân Mão năm 1891, được bổ làm Huấn đạo tỉnh Lạng Sơn, nên người đương thời thường gọi ông là Huấn Quyền.

Năm 1907, ông từ quan rồi cùng với Lương Văn Can lập trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, cổ động canh tân, học chữ Quốc ngữ. Lương Văn Can đứng tên làm Hiệu trưởng trường còn ông làm Giám học của trường này. Sau 9 tháng trường đã bị đóng cửa.

Ngoài trường Đông Kinh, Nguyễn Quyền cũng là người đứng ra lập hãng Hồng Tân Hưng bán hàng công nghệ nội hoá với mục đích tự cường kinh tế và cạnh tranh với các hãng buôn ngoại quốc. Năm 1908, nhân xảy ra vụ Hà thành đầu độc, thực dân Pháp lấy cớ bắt đóng cửa trường Đông Kinh và ông bị bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), kết án khổ sai chung thân rồi đem đày ra Côn Đảo.

Năm 1910 ông được tha về, nhưng bị “an trí” tại Bến Tre cùng với một số chí sĩ khác như Dương Bá Trạc, Võ Hoành... Năm 1920 ông đến Rạch Giá, Sa Đéc rồi về sống tại Bến Tre và mất tại đây.

Hiện nay, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh đã đặt tên đường Nguyễn Quyền.

(Nguồn: Lịch sử phong trào Đông du)

30. Dương Thị Xuân Quý (1941 - 1969): Liệt sĩ; nhà văn

Dương Thị Xuân Quý sinh năm 1941 tại Hà Nội, quê gốc thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông nội bà là cụ Dương Trọng Phổ, một chí sĩ yêu nước của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.

Tốt nghiệp khóa Báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Dương Thị Xuân Quý nhận công tác làm phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968. Năm 1968, Dương Thị Xuân Quý gửi con gái mới 16 tháng tuổi cho mẹ, tình nguyện vào chiến trường miền Nam; nhận nhiệm vụ phóng viên tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ (thuộc Ban Tuyên huấn Khu V).

Đêm 8 tháng 3 năm 1969, bà đã hy sinh tại thôn Thi Thại, nay thuộc xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, trong một trận càn của quân Đại Hàn.

Ngay trong những ngày tháng chiến đấu gian khổ, trong nỗi nhớ con của người mẹ trẻ, bà vẫn cho ra đời những sáng tác, trong đó bao gồm những sáng tác về cuộc chiến đấu và những vùng đất, con người Quảng Nam, như “Tiếng hát trong hang đá”, “Hoa rừng”, “Niềm vui thầm lặng”... Năm 2007 nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.



Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã đặt tên đường Dương Thị Xuân Quý.

(Nguồn: Chân dung nhà văn Việt Nam)

31. Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929):

Nguyễn Sinh Sắc, thường gọi là Cụ Phó bảng, sinh năm 1862 tại Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là thân sinh của Nguyễn Sinh Cung - tức Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh. Năm 1894 ông đỗ Cử nhân. Năm sau không đậu kỳ thi Hội, dù gia cảnh nghèo, nhưng ông quyết tâm theo đuổi khoa cử; năm 1901, ông đỗ Phó bảng. Với quan niệm học để làm người chớ không phải học để làm quan, trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, sau khi đỗ đạt, ông đã hai lần từ chối ra làm quan, sống thanh đạm bằng nghề dạy học, nghiên cứu tân thư, kết bạn tâm giao với các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Phan Chu Trinh… và đặc biệt chú tâm dạy dỗ con cái.

Năm 1906, khi không còn lý do thoái thác, ông đành phải ra nhận chức Hành tẩu bộ Lễ; năm 1909, ông được đưa vào Bình Khê (Bình Định) nhận chức Tri huyện. Ông thường giao du với các nhà Nho yêu nước ở địa phương, cho những nông dân thiếu tiền thuế, những người tham gia phong trào chống thuế… đang bị giam cầm, trốn thoát. Ông đứng về phía nông dân chống lại giai cấp thống trị. Nhân vụ một tên cường hào bị ông bắt giam rồi chết sau khi thả ra hai tháng, ông bị triều đình phạt 100 trượng, sau giáng bốn cấp và thải hồi. Ông vào Phan Thiết tháng 3/1911, rồi đến Sài Gòn, cùng Nguyễn Tất Thành xuống Mỹ Tho gặp Phan Chu Trinh, trong lúc Phan Chu Trinh đang chuẩn bị sang Pháp.

Ông đi khắp các tỉnh Nam Bộ và đôi lần sang tận Campuchia. Đến đâu ông cũng tìm cách quan hệ với các nhà sư, nhà Nho yêu nước, chính trị phạm của các phong trào Cần Vương, Đông Du, Duy Tân. Năm 1917, ông về Cao Lãnh, kết thân với nhiều nhà Nho yêu nước trong đó có ông Lê Văn Đáng, Trần Bá Lê, Võ Hoành. Ông Trần Bá Lê cất cho ông một gian nhà nhỏ để ông xem mạch cho toa và dạy nghề thuốc. Ông ở Cao Lãnh đến hết năm 1919.

Ông quan hệ với nhiều tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở đồng bằng sông Cửu Long và thường xuyên bị mật thám bám sát theo dõi. Đầu năm 1928, ông về ở Cao Lãnh. Tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Cao Lãnh, đứng đầu là Phạm Hữu Lầu, cho người sắp xếp đưa ông về ở nhà ông Năm Giáo. Hàng ngày ông đến tiệm thuốc bắc Hằng An Đường ở chợ Cao Lãnh làm nghề thuốc giúp đỡ dân nghèo. Tháng 11/1929, ông qua đời, được đồng bào Hoà An, Cao Lãnh chôn cất bên cạnh chùa Hoà Long (phường 4, thành phố Cao Lãnh ngày nay).

Hiện nay, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh đã đặt tên đường Nguyễn Sinh Sắc.

(Nguồn: Địa chí tỉnh Nghệ An)

32. Trần Ngọc Sương (1949 - 1972): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng Trần Ngọc Sương sinh năm 1949 tại xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh, ông là thiếu uý, Huyện đội phó huyện Tiên Phước.

Ông nhập ngũ tháng 1 năm 1968, cho đến khi hy sinh, anh đã tham gia đánh 170 trận, đều dũng cảm, mưu trí, chỉ huy linh hoạt, dẫn đầu đơn vị vượt qua mọi khó khăn, ác liệt; đã chỉ huy đơn vị diệt hơn 1.000 tên địch, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh của nhân dân trong huyện. Riêng anh diệt 430 tên địch (có 47 Mỹ), phá huỷ 4 xe bọc thép, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng.

Ngày 12 tháng 5 năm 1972, trong một trận đánh, Trần Ngọc Sương đã anh dũng hy sinh.

Với những thành tích trong chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, Trần Ngọc Sương đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, nhiều bằng khen, 6 lần được tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ. Ngày 6 tháng 11 năm 1978, liệt sĩ Trần Ngọc Sương đã được Chủ tịch nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

(Nguồn: Lịch sử đảng bộ huyện Tiên Phước)

33. Trần Quốc Tảng (1252 - 1313): Danh tướng triều Trần; người có công trấn giữ vùng biển, đảo phía Đông Bắc của Tổ quốc

Trần Quốc Tảng được phong tước Hưng Nhượng Vương, là con trai thứ ba của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Từ nhỏ, ông đã nổi danh là người “Tính khí mạnh mẽ, thích trừ bọn bạo ngược”.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ hai (1885), ông tập hợp quân từ trang ấp của mình để tham gia, góp phần chiến thắng quân giặc. Sau đó, ông được vua Trần ban đất lập ấp ở vùng Tĩnh Bang (Quảng Ninh), trấn giữ vùng đất Cửa Suốt - cửa ngõ phía Đông Bắc của Tổ quốc. Năm 1287, khi quân Nguyên - Mông vào xâm lược nước ta lần thứ ba, Trần Quốc Tảng được giao trấn giữ các đồn dọc biên giới phía Đông Bắc, chặn đường tiến của giặc.

Sau chiến thắng quân Nguyên - Mông, triều đình bình công xét thưởng, Trần Quốc Tảng được phong làm Tiết độ sứ.

Tháng 3 năm 1313, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng qua đời. Vua Trần Minh Tông đã truy tặng ông chức Thái úy và cho lập đền thờ tại vùng Cửa Ông (Quảng Ninh) và sắc phong Thượng đẳng thần.

Hiện nay, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh đã đặt tên đường Trần Quốc Tảng.

(Nguồn: Giáo trình Lịch sử Việt Nam)

34. Lê Văn Tâm (1945 - 1968): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng Lê Văn Tâm sinh năm 1945 tại xã Tam Mỹ, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh, ông là Xã đội trưởng xã Tam Mỹ.

Ông tham gia du kích xã từ năm 1962; sau đó làm Xã đội trưởng xã Tam Mỹ. Anh đã tham gia và chỉ huy lực lượng du kích xã tiêu diệt gần 400 tên địch, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của nhân dân trong xã phát triển mạnh mẽ. Bản thân Lê Văn Tâm diệt 49 tên, trong đó có 31 tên Mỹ.

Ngày 15 tháng 8 năm 1968, trên đường đi nắm tình hình địch nhằm lập kế hoạch diệt ác, phá kèm, ông lọt vào trận phục kích của địch. Ông đã đánh trả quyết liệt và anh dũng hy sinh.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, Lê Văn Tâm đã được tặng thưởng 3 Huân chương Giải phóng các loại, 4 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ…. Ngày 06 tháng 11 năm 1978, liệt sĩ Lê Văn Tâm đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

(Nguồn: Quảng Nam - chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh)

35. Lê Tự Nhất Thống (1954 - 1971): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng Lê Tự Nhất Thống sinh năm 1954 tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh, anh đang là thôn đội trưởng du kích.

Anh tham gia cách mạng - làm liên lạc khi mới 10 tuổi ; 14 tuổi tham gia du kích xã Điện Thắng. Trong quá trình chiến đấu, Lê Tự Nhất Thống đã tham gia hơn 30 trận đánh, cùng đơn vị tiêu diệt 156 tên địch; riêng anh tiêu diệt hơn 70 tên, thu và phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch; trong đó tiêu biểu là trận tiêu diệt một tiểu đội lính Mỹ vào tháng 11 năm 1970.

Ngày 7 tháng 10 năm 1971, trong một trận chiến đấu tại quê hương Điện Thắng, Lê Tự Nhất Thống đã anh dũng hy sinh.

Với những thành tích trong chiến đấu, Lê Tự Nhất Thống đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương các loại; 6 lần là Dũng sĩ diệt Mỹ. Ngày 20 tháng 12 năm 1994, liệt sĩ Lê Tự Nhất Thống được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



(Nguồn: Quảng Nam - chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh)
36. Trần Thu (1880 - 1918): Chí sĩ yêu nước phong trào Việt Nam Quang phục hội

Trần Thu sinh năm 1880, trong một gia đình làm nghề thầy thuốc, tại làng Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam.

Tháng 9 năm 1915, Thái Phiên và Trần Cao Vân tập hợp các nhân sĩ yêu nước ở hầu hết các tỉnh miền Trung đứng ra thành lập tổ chức Việt Nam Quang Phục hội. Tại Quảng Nam, phong trào này đã phát triển rất mạnh và đều khắp, nhiều cơ sở được xây dựng dưới sự lãnh đạo của nhiều sĩ phu như Phan Thành Tài, Mai Dị, Trương Bá Huy... Tại Tam Kỳ, phong trào diễn ra rầm rộ và quyết liệt với nhiều sĩ phu, nhân dân tham gia. Ông lấy danh nghĩa là thầy thuốc chữa bệnh cho dân nghèo, đi lại trong và ngoài tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Định để bắt liên lạc, bàn kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa chống Pháp. Sau đó ông trở về quê nhà, cùng với các sĩ phu yêu nước đứng ra thành lập, vận động nhân dân tham gia khởi nghĩa. Khu vườn của nhà ông trở thành nơi hội họp, tập luyện dân binh, tích trữ lương thực chuẩn bị. Tại Tam Kỳ, chiều ngày 02/5/1916 các đội dân binh được vũ trang do ông chỉ huy bao vây phủ đường và đồn Đại Lý Tam Kỳ. Thực dân Pháp đưa quân tiếp viện, tấn công lực lượng khởi nghĩa, Trần Thu và các chí sĩ bị bắt giam, đày đi Lao Bảo (Quảng Trị). Sau hai năm bị giam cầm khổ sai, ông chết tại nhà tù Lao Bảo vào năm 1918.

Mộ ông đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.



(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ thành phố Tam Kỳ)

37. Lưu Quang Thuận (1921-1981): Nhà văn, nhà viết kịch

Lưu Quang Thuận sinh năm 1921 tại thành phố Đà Nẵng, là cha của nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ. Thuở nhỏ, ông học Trường tiểu học tại Đà Nẵng; năm cuối cùng của bậc tiểu học ông ra Huế tham dự và đoạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Trung. Ngay từ lúc còn  đi học, ông đã có thơ và truyện ngắn được đăng báo ở Hà Nội, Sài Gòn.

Năm 1937, ông vào Sài Gòn dạy học và làm báo. Năm 1941, ông viết vở kịch đầu tay Chu Du đại chiến Uất Trì, được Hội Hướng đạo học sinh - sinh viên Đà Nẵng dàn dựng và biểu diễn nhiều lần ở Đà Nẵng, Hội An, …

Năm 1943, ông ra Hà Nội, tiếp tục viết báo, làm thơ và soạn kịch; sáng tác hàng loạt vở kịch thơ, kịch nói. Năm 1944, ông tham gia Ban kịch Anh Vũ do Thế Lữ chủ trì.

Năm 1946, ông tham gia kháng chiến chống Pháp; là một trong những người sáng lập Tạp chí Sân khấu và làm Giám đốc Việt Nam thư ấn cục của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại chiến khu Việt Bắc.

Năm 1948, ông hoạt động trong Đoàn kịch Chiến Thắng, sau chuyển về Đoàn Văn công nhân dân Trung ương năm 1951. Từ năm 1954 đến 1964, ông làm việc tại Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, NXB Văn học, Báo Văn nghệ. Từ năm 1965, ông công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam.

Lưu Quang Thuận là tác giả của khoảng 40 vở kịch, chèo... Các tác phẩm của ông được đánh giá là thấm đượm tình yêu non sông, nòi giống, lòng tự hào dân tộc và tinh thần chống ngoại xâm. Trong đó, hai tác phẩm chèo Tấm Cám và Mối tình Điện Biên của ông được đánh giá là những mốc son trong nghệ thuật chèo hiện đại Việt Nam. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã đặt tên đường Lưu Quang Thuận.

(Nguồn: Quảng Nam đất nước và nhân vật)

38. Lương Đình Thự (1871 - 1917): Chí sĩ yêu nước phong trào Việt Nam Quang phục hội.

Lương Đình Thự sinh năm 1871 tại làng Quí Thượng, huyện Hà Đông, (nay là thôn 2, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam). Xuất thân trong một gia đình nhà Nho nên sau này ông trở thành nhà giáo có uy tín trong làng.

Thân sinh ông đã từng tham gia các phong trào yêu nước như phong trào chống thuế (1908), phong trào Duy Tân nên ít nhiều đã tác động đến tinh thần yêu nước của ông ngay từ lúc thiếu thời. Sau khi trở thành nhà giáo, ông đã bắt đầu tham gia các cuộc đấu tranh đòi độc lập do những sĩ phu yêu nước khởi xướng.

Năm 1916, phong trào đấu tranh ở Tam Kỳ phát triển mạnh, ông cùng với Trịnh Uyên, Trần Thu, Nguyễn Thiện... vận động quần chúng ở vùng đông Tam Kỳ tham gia cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội. Tháng 5 năm 1916, ông cùng với các sĩ phu vận động nhân dân kéo về vây kín Phủ Đường và đồn Đại Lý Tam Kỳ. Với khí thế sục sôi đấu tranh của quần chúng, lực lượng khởi nghĩa đã tiến vào chiếm lấy phủ đường, nhưng sau đó thực dân Pháp điều động lực lượng để phản công, nhiều người lãnh đạo cuộc đấu tranh đã bị bắt, ông bị đày đi Lao Bảo và mất trong tù năm 1917.

Mộ ông đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ thành phố Tam Kỳ)
39. Nguyễn Thược (1870 - 1918): Chí sĩ yêu nước phong trào Việt Nam Quang phục hội.

Nguyễn Thược sinh năm 1870, quê làng Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, Tam Kỳ. Hưởng ứng phong trào Duy Tân do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo, tại phủ Tam Kỳ, ông cùng các một số sỹ phu yêu nước tích cực tham gia và vận động nhân dân chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa quy mô chống lại thực dân Pháp. Ở Tam Kỳ, Quảng Nam cuộc khởi nghĩa nổ ra vào ngày 03/5/1916, Nguyễn Thược cùng các sỹ phu khác đã dẫn theo các đội dân binh từ vùng Kim Đới, Ngọc Mỹ, Thượng Thanh, Hạ Thanh... phối hợp với các cánh quân khác bao vây Phủ đường và đồn Đại Lý. Nhưng do đã có sự chuẩn bị đối phó từ trước, thực dân Pháp nhanh chóng khống chế, đàn áp dã man và dập tắt cuộc khởi nghĩa. Nguyễn Thược bị bắt và lưu đày ở nhà tù Lao Bảo. Sau nhiều năm bị giam cầm và tra tấn, ông chết trong tù vào năm 1918.

Mộ ông đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ thành phố Tam Kỳ)

40. Lê Thiệt (1940 - 1972): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng Lê Thiệt sinh năm 1940 tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh, ông là Xã đội trưởng xã Quế Phú.

Ông tham gia du kích từ năm 1964; đã tham gia chiến đấu và chủ huy du kích xã đánh hàng trăm trận, tiêu diệt hàng ngàn tên địch. Bản thân ông đã diệt và làm bị thương gần 400 tên, bắn cháy 3 xe quân sự của địch. Tiêu biểu là trận đánh chi đội xe bọc thép của địch (tháng 2/1964), Lê Thiệt đã dùng mìn diệt 2 xe cùng toàn bộ lính trên xe; trận phục kích tiêu diệt địch ở cầu Hương An (3/1965); trận chống càn ở thôn Phú Hương (3/1971)….

Trong quá trình chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, ông luôn thể hiện tinh thần dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, không sợ hy sinh, được đồng đội và nhân dân quý mến.

Tháng 9/1972, trong một trận chiến đấu quyết liệt, ông đã anh dũng hy sinh tại quê hương Quế Phú. Ông đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương. Ngày 06 tháng 11 năm 1978, liệt sĩ Lê Thiệt đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



(Nguồn: Quảng Nam - chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh)

41. Nguyễn Công Tòng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng Nguyễn Công Tòng sinh năm 1935 tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Khi được phong anh hùng, ông là đại đội trưởng đại đội 3, tiểu đoàn 93, trung đoàn 2, sư đoàn 3, Quân khu V.

Ông tham gia cách mạng từ cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc; năm 1961 trở về quê hương chiến đấu. Từ năm 1961 đến năm 1966, ông đã tham đánh 31 trận, diệt và bắt sống nhiều tên địch.

Trong trận Thuần Mẫn, tháng 6-1965, ông đã chỉ huy 1 trung đội, đánh thẳng vào cơ sở chỉ huy chiến đoàn dù của quân ngụy. Trong lúc chiến đấu, thấy phân đội bạn gặp khó khăn, Nguyễn Công Tòng chủ động dẫn đơn vị sang đánh chi viện, bẻ gãy 3 đợt phản kích của địch. Kết quả trận đánh, trung đội của ông đã diệt gọn ban chỉ huy chiến đoàn dù địch, 1 trung đội thông tin, phá hủy 7 xe Jeep và xe GMC, bắn rơi 1 máy bay L19; cùng phân đội bạn diệt gọn 1 đại đội pháo gồm 5 khẩu pháo 105 ly. Đặc biệt khi vào trận, Nguyễn Công Tòng vừa chỉ huy chiến đấu, vừa tổ chức đưa thương binh về tuyến sau an toàn .

Tháng 11-1965, đơn vị tổ chức tập kích địch đóng trên đồi cao ở Gò Riêng, ông mưu trí chọn chỗ dốc cao hiểm, bất ngờ tấn công địch. Chỉ sau 15 phút, quân ta đã làm chủ trận địa, diệt gọn 1 đại đội biệt kích. Riêng phân đội của ông diệt 47 tên, bắt sống 7 tên. Ông đã được tặng thưởng Huân chương chiến công Giải phóng hạng nhất. Ngày 17 tháng 9 năm 1967, ông được Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

(Nguồn: Quảng Nam - chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh)


Каталог: uploads -> laws
laws -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
laws -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôN
laws -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> 1. Mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bhtn
laws -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜNG
laws -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> TỈnh lạng sơn số: 89 /QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
laws -> THỦ TƯỚng chính phủ Số: 152/2008/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 0.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương