Quảng Nam, ngày tháng năm 2014



tải về 0.97 Mb.
trang1/7
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.97 Mb.
#12947
  1   2   3   4   5   6   7

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH QUẢNG NAM



(Dự thảo lần 2)



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Quảng Nam, ngày tháng năm 2014
ĐỀ ÁN

BỔ SUNG QUỸ TÊN ĐƯỜNG TỈNH QUẢNG NAM

(Kèm theo Tờ trình số /TTr-UBND ngày tháng năm 2014

của UBND tỉnh Quảng Nam

1. Đặt vấn đề:

Sau 15 năm tái lập tỉnh, mạng lưới giao thông của tỉnh Quảng Nam phát triển mạnh, đều khắp và ngày càng hoàn thiện. Trong số các đường phố tại các đô thị đã hoàn thành, hiện có 199 đường đã được đặt tên ở thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An, thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn), Hà Lam (Thăng Bình), Đông Phú (Quế Sơn), Núi Thành (Núi Thành) và Khâm Đức (Phước Sơn). Qua các lần bổ sung, Quỹ tên đường hiện tại về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đặt tên đường tại các đô thị trong tỉnh. Tuy nhiên, trong Quỹ tên đường hiện nay vẫn chưa có tên của một số danh nhân có công lớn đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vừa mới qua đời; các danh nhân gắn với những chiến công của các địa phương trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (do các địa phương đề xuất); các danh nhân là người Quảng Nam có những đóng góp trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội; những danh nhân có công trong công cuộc bảo vệ biên cương, biển đảo của Tổ quốc; một số địa danh, sự kiện gắn với quá trình phát triển lịch sử của địa phương.... do đó, việc bổ sung Quỹ tên đường là việc làm cần thiết, làm cơ sở cho việc đặt tên đường tại các đô thị trong tương lai.



2. Căn cứ pháp lý lập Đề án:

- Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

- Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

3. Nguyên tắc xây dựng Quỹ tên đường:

Quỹ tên đường được xây dựng trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

- Tên các danh nhân, các anh hùng liệt sĩ, các nhà hoạt động chính trị, văn hóa, khoa học. Chỉ chọn những người đã qua đời để đưa vào Quỹ.

- Các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước.

- Các địa danh quan trọng gắn với lịch sử văn hóa của đất nước và địa phương.

- Các nhân vật, sự kiện còn có ý kiến tranh luận, chưa thống nhất thì không đưa vào Quỹ tên đường.



4. Hiện trạng Quỹ tên đường:

Trong Quỹ tên đường đã được Hội đồng nhân dân thông qua tại các kỳ họp, thể hiện qua các Nghị quyết số 18/2001/NQ-HĐND ngày 22/02/2001, Nghị quyết số 73/2003/NQ-HĐND ngày 06/8/2003, Nghị quyết số 109/2008/NQ-HĐND ngày 30/7/2008, Nghị quyết số 127/2008/NQ-HĐND ngày 11/12/2008, Nghị quyết số 49/2012/NQ-HĐND ngày 19/9/2012 của HĐND tỉnh, bao gồm 473 tên.

Kỳ này, UBND tỉnh kính trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua việc bổ sung 61 tên danh nhân, sự kiện, địa danh vào Quỹ tên đường của tỉnh.

Nếu được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, Quỹ tên đường của tỉnh sẽ có 534 tên. Trong đó:

- Danh nhân người Quảng Nam có 162 tên, chiếm tỉ lệ: 30,3%;

- Danh nhân của đất nước có 321 tên, chiếm tỉ lệ: 60,1%;

- Sự kiện, địa danh, mỹ từ có 51 tên, chiếm tỉ lệ: 9,6%.

5. Bổ sung Quỹ tên đường năm 2014:

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng tên danh nhân, sự kiện của địa phương và tên của các danh nhân có những đóng góp cho tiến trình lịch sử, cách mạng Việt Nam trong đặt tên đường tại các thành phố, thị trấn của tỉnh Quảng Nam thời gian tới, UBND tỉnh kính trình HĐND tỉnh xem xét bổ sung 61 tên địa danh, sự kiện, danh nhân vào Quỹ tên đường, gồm: 41 danh nhân tỉnh Quảng Nam (chiếm tỷ lệ 67,2% ), 12 danh nhân ngoài tỉnh Quảng Nam (chiếm tỷ lệ 19,7%) và 8 tên địa danh, sự kiện (chiếm 13,1%).



5.1. Tên đường:

TT

TÊN ĐƯỜNG

TT

TÊN ĐƯỜNG

1

Nguyễn Thị Ba

3

Thu Bồn

2

Nguyễn Thị Bảy

4

Đoàn Bường

5

Phạm Thị Cộng

34

Lê Văn Tâm

6

Lê Đình Chinh

35

Lê Tự Nhất Thống

7

Đinh Đạt

36

Trần Thu

8

Võ Nguyên Giáp

37

Lưu Quang Thuận

9

Nguyễn Thị Hồng

38

Lương Đình Thự

10

Trần Hớn

39

Nguyễn Thược

11

Trần Huỳnh

40

Lê Thiệt

12

Nguyễn Quý Hương

41

Nguyễn Công Tòng

13

Ngô Viết Hữu

42

Đoàn Xuân Trinh

14

Phan Khôi

43

Hồ Truyền

15

Nguyễn Lai

44

Lê Thanh Trường

16

Hoàng Văn Lai

45

Ngô Tuận

17

Thạch Lam

46

Hàn Mặc Tử

18

Lê Đình Lý

47

Nguyễn Đình Tựu

19

Chu Huy Mân

48

Trịnh Uyên

20

Bùi Thế Mỹ

49

Lê Tấn Viễn

21

Nguyễn Mỹ

50

Lưu Quang Vũ

22

Nguyễn Thanh Năm

51

Trương Thị Xáng

23

Lương Khắc Ninh

52

Quách Xân

24

Phan Nhu

53

Nguyễn Văn Xuân

25

Huỳnh Thị Nhuận

54

Căn Zơh

26

Trần Đình Phong

55

10 tháng 3

27

Thân Cảnh Phúc

56

26 tháng 3

28

Phan Quang

57

18 tháng 7

29

Nguyễn Quyền

58

Hoằng Hóa

30

Dương Thị Xuân Quý

59

Thọ Xuân

31

Nguyễn Sinh Sắc

60

Nga Sơn

32

Trần Ngọc Sương

61

Trường Sơn

33

Trần Quốc Tảng







5.2. Tiểu sử danh nhân, sự kiện:

1. Nguyễn Thị Ba (1952 - 1973): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng Nguyễn Thị Ba sinh năm 1952 tại xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; tham gia cách mạng năm 1965 trong lực lượng du kích xã Điện Hồng; năm 1967, làm Xã đội trưởng xã Điện Hồng.

Tháng 10 năm 1970, chị chỉ huy đội du kích xã Điện Hồng phục kích, tiêu diệt gọn một trung đội lính Mỹ tại ngã ba Trùm Giao. Đây được coi là một trong những trận đánh xuất sắc của du kích Điện Bàn, tạo niềm tin và khí thế cho quân và dân địa phương nổi dậy đánh địch.

Năm 1972, chị gia nhập bộ đội địa phương huyện Điện Bàn. Ngày 20/4/1973, trên đường đi trinh sát, gặp địch phục kịch, chị cùng đồng đội đánh trả quyết liệt và đã anh dũng hy sinh.

Trải qua 8 năm tham gia cách mạng, Anh hùng Nguyễn Thị Ba đã tham gia và chỉ huy đơn vị chiến đấu hàng trăm trận, tiêu diệt nhiều lực lượng và phương tiện chiến tranh của địch.

Ngày 06/11/1978, liệt sĩ Nguyễn Thị Ba được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



(Nguồn: Quảng Nam - chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh)
2. Nguyễn Thị Bảy (1948 - 1970): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng Nguyễn Thị Bảy sinh năm 1948 tại xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh, là Tiểu đội trưởng, Đại đội 2 bộ đội địa phương huyện Đại Lộc.

Chị tham gia lực lượng du kích xã từ năm 17 tuổi; năm 18 tuổi làm Xã đội phó xã Đại Minh. Trong vai trò này, chị tham gia và chỉ huy nhiều trận đánh Mỹ - Ngụy khi địch tiến công vào xã Đại Minh và vùng B Đại Lộc. Trong đó, tiêu biểu là các trận đánh địch tại Gò Đình và cầu Ái Nghĩa vào đầu năm 1968; trận phục kích tại khe Bò (Đại Đồng) tiêu diệt 20 tên địch.

Từ năm 1965 - 1970, Nguyễn Thị Bảy góp phần tiêu diệt hơn 150 lính Mỹ - Ngụy, bắn cháy 01 máy bay, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

Ngày 21 tháng 10 năm 1970, trong một trận chống càn tại vùng B Đại Lộc, tiểu đội của Nguyễn Thị Bảy đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa. Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Bảy đã anh dũng hy sinh trong một đợt đánh trả quân địch.

Với những thành tích trong chiến đấu, Nguyễn Thị Bảy đã được tặng thưởng 6 Huân chương Giải phóng các loại, 4 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ…. Ngày 30 tháng 8 năm 1995, liệt sĩ Nguyễn Thị Bảy được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



(Nguồn: Quảng Nam - chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh)
3. Thu Bồn (1935 - 2003): Nhà thơ hiện đại

Nhà thơ Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng, sinh năm 1935 tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ông tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, làm liên lạc cho đơn vị bộ đội địa phương huyện Điện Bàn. Sau năm 1954, ông cùng đơn vị tập kết ra Bắc, được cử đi học và trở thành giáo viên Trường Sĩ quan Lục quân.

Thu Bồn được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1962. Cũng trong năm này, ông tình nguyện trở về chiến trường miền Nam chiến đấu, được cử vào chiến trường Tây Nguyên. Chính những ngày tháng ác liệt đó, ông đã viết nên tác phẩm Trường ca chim Ch’rao, tác phẩm được coi là mở đầu cho một thời kỳ phát triển mới của thơ ca chống Mỹ, đồng thời cũng khẳng định vị trí của nhà thơ trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại.

Ngoài sáng tác thơ, Thu Bồn còn nổi tiếng với các tiểu thuyết như Chớp trắng (1970), Những đám mây màu cánh vạc (1975)…Trong sự nghiệp sáng tác ông đã được tặng nhiều giải thưởng, như: Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu (1965) với tác phẩm Trường ca chim Ch’rao; Giải thưởng về thơ của báo Hà Nội Mới; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.



(Nguồn: Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng, NXB KHXH)

4. Đoàn Bường (1933 - 1985): Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng Đoàn Bường sinh năm 1933 tại xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Ông tham gia du kích xã từ năm 1951; bị địch bắt giam từ năm 1957 - 1960. Ra tù, ông tiếp tục tham gia lực lượng du kích. Từ năm 1966 - 1978, ông tham gia quân đội, làm trợ lý công binh bộ đội địa phương. Ông đã tham gia nhiều trận đánh và nghiên cứu, sáng tạo nhiều cách đánh giặc bằng vũ khí tự tạo. Trong điều kiện thiếu thốn vũ khí, ông đã vận động nhân dân thu lượm bom, đạn lép của địch và cải tiến làm thành hàng nghìn quả mìn; hướng dẫn du kích lấy thuốc súng để làm ra hàng vạn quả lựu đạn và thủ pháo. Nhờ đó, lực lượng vũ trang và du kích trên địa bàn đã tổ chức được nhiều trận đánh với hiệu quả cao. Bản thân Đoàn Bường cũng tham gia nhiều trận đánh mìn, phóng bom, gài lựu đạn, tiêu diệt 93 tên địch, phá hủy 13 xe bọc thép. Tiêu biểu là trận đánh 2 chi đội xe bọc thép của địch tại xã Bình Phú (tháng 2 năm 1969), Đoàn Bường đã tổ chức gài mìn thành một tuyến dài chặn địch, phá hủy 8 chiếc, buộc địch phải bỏ dở trận càn.

Với những thành tích trong chiến đấu, Đoàn Bường đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương các loại; 9 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Ngày 06 tháng 11 năm 1978, Đoàn Bường được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Thăng Bình)

5. Phạm Thị Cộng (1902 - 1992): Bà Mẹ Việt Nam anh hùng

Mẹ Phạm Thị Cộng sinh năm 1902, quê ở làng Châu Bí, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cả cuộc đời Mẹ cống hiến cho cách mạng, nhất là những năm đen tối, địch đánh phá cơ sở ác liệt. Mẹ đào hầm bí mật, nấu cơm và nuôi giấu cán bộ.

Mẹ Phạm Thị Cộng là người phụ nữ kiên cường trong đấu tranh chính trị, đi đầu trong đấu tranh phá ấp chiến lược, xúc dân, càn phá. Từ năm 1960 đến năm 1965 Mẹ nhiều lần bị địch bắt, bị tra tấn nhưng vẫn một mực không khai. Bọn địch phải nể sợ trước tinh thần và ý chí bất khuất của mẹ Cộng.

Mẹ Phạm Thị Cộng có một người con trai duy nhất cũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mẹ đã được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Khi Mẹ Phạm Thị Cộng mất, đồng đội đến viếng hương đã tặng câu liễn với bốn chữ “Đăng huy bất tức” (Ngọn đèn không tắt), ghi nhận tấm lòng và sự cống hiến suốt cả cuộc đời cho cách mạng của Mẹ.

(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Điện Bàn)

6. Lê Đình Chinh (1960-1978): Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc

Anh hùng Lê Đình Chinh sinh năm 1960, quê ở xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, trú quán tại nông trường Sông Âm, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Lê Đình Chinh nhập ngũ ngày 16/2/1975 khi mới 15 tuổi. Sau thời gian huấn luyện, Lê Đình Chinh được biên chế vào đại đội 6, tiểu đoàn 2, trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng), tham gia chiến đấu trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Ngày 25 tháng 8 năm 1978, quân Trung Quốc vượt biên giới sang Việt Nam hành hung cán bộ, phụ nữ và nhân dân địa phương. Lê Đình Chinh đã đánh trả, bằng tay không đánh gục hàng chục tên địch nhưng đã anh dũng hy sinh khi mới tròn 18 tuổi.

Lê Đình Chinh là chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979, trở thành một trong những biểu tượng anh hùng của thế hệ thanh niên Việt Nam; đã nêu tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ngay sau khi Lê Đình Chinh hy sinh, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã kịp thời tuyên dương công trạng và truy tặng Huy hiệu “Vì thế hệ trẻ”; đồng thời phát động trong thế hệ trẻ Việt Nam phong trào “Sống, chiến đấu rực lửa anh hùng như Lê Đình Chinh”. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã lấy tên Lê Đình Chinh để đặt tên đường, tên trường học, nông trường.

Ngày 31 tháng 10 năm 1978, liệt sĩ Lê Đình Chinh được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



(Nguồn: Lịch sử Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng)

7. Đinh Đạt (1930 - 1967): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng Đinh Đạt sinh năm 1930 tại xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh, ông là Thuyền trưởng tàu không số - Hải quân nhân dân Việt Nam. Ông tham gia cách mạng từ năm 1947, năm 1954, ông tập kết ra Bắc và sau đó trở thành thuyền trưởng của đoàn tàu không số, chuyên chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1963 - 1966, ông đã tham gia 11 chuyến thành công, chở được một khối lượng lớn vũ khí và nhiều đồng chí cán bộ Trung ương vào Nam, ra Bắc. Bên cạnh đó, ông còn tiên phong mở 02 bến mới với nhiều khó khăn, phức tạp và nguy hiểm; xung phong lái con tàu sắt đầu tiên chở vũ khí vào Nam, tạo ra phong trào dùng tàu sắt thay tàu gỗ, mang lại hiệu quả to lớn.

Năm 1967, trong một chuyến tàu chở vũ khí vào chiến trường khu V (Quảng Ngãi), tàu của ông bị kẻ thù phát hiện. Ông đã chiến đấu và anh dũng hy sinh.

Ngày 20 tháng 9 năm 2011, liệt sĩ Đinh Đạt đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



(Nguồn: Truyền thống lịch sử Quân chủng Hải quân)

8. Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013): Đại tướng; nguyên Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Từ năm 1925 đến 1926, ông tham gia phong trào học sinh ở Huế, năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Năm 1930, ông bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1936, ông hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên các báo của Đảng: “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, “Tập hợp”, “Thời báo”, “Tin tức”... Tham gia phong trào Đông Dương đại hội, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.

Tháng 6/1940, Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1941, ông về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng.

Tháng 12/1944, Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Tháng 4/1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, Võ Nguyên Giáp được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Từ tháng 5/1945, ông là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân; tháng 6/1945, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng.

Tháng 8/1945, Võ Nguyên Giáp được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, ông được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 3/1946, ông là Chủ tịch Quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10/1946, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. Tháng 1/1948, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Võ Nguyên Giáp được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Từ tháng 9/1955 đến tháng 12/1979, Võ Nguyên Giáp là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Võ Nguyên Giáp được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Võ Nguyên Giáp được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V và lần thứ VI của Đảng, Võ Nguyên Giáp được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.

Từ tháng 1/1980, Võ Nguyên Giáp là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ); là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Ngày 04/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần tại Hà Nội.

Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

(Nguồn: Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam)

9. Nguyễn Thị Hồng (1925 - 1968): Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1925 tại xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; hy sinh khi đang dẫn đầu lực lượng đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân Điện Bàn.

Bà Nguyễn Thị Hồng tham gia nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật tại địa phương từ năm 1954 - 1965. Đặc biệt, trong thời gian địch tăng cường càn quét, đánh phá phong trào cách mạng, bà đã bị địch bắt giam tới 11 lần. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng bà vẫn một mực trung thành với cách mạng, không khai báo, đảm bảo an toàn cho cán bộ và các cơ sở bí mật..

Trong cuộc Tổng tấn công và Nổi dậy mùa Xuân 1968, bà được giao nhiệm vụ vận động nhân dân một số xã của huyện Điện Bàn xuống đường đấu tranh chống Mỹ - Ngụy và đánh chiếm quận lỵ. Bà đã dẫn đầu đoàn quân chính trị hơn 1000 người kéo xuống quận lỵ Vĩnh Điện và đã anh dũng hy sinh trước mũi súng của kẻ thù.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



(Nguồn: Quảng Nam - chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh)

Каталог: uploads -> laws
laws -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
laws -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôN
laws -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> 1. Mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bhtn
laws -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜNG
laws -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> TỈnh lạng sơn số: 89 /QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
laws -> THỦ TƯỚng chính phủ Số: 152/2008/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 0.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương