Quảng Nam, ngày tháng năm 2014



tải về 0.97 Mb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.97 Mb.
#12947
1   2   3   4   5   6   7

10. Trần Hớn (1934 - 1970): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Hớn sinh năm 1934 tại làng Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông hy sinh khi đang làm Trưởng ban an ninh xã Bình Đào, huyện Thăng Bình.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1954; được kết nạp vào Đảng năm 1966. Sau năm 1954, ông tham gia hoạt động bí mật; là người có nhiều kinh nghiệm cũng như chiến công trong công tác diệt ác, phá kềm. Ông cùng đồng đội đã chiến đấu nhiều trận, tiêu diệt nhiều lực lượng địch, đặc biệt tiêu diệt các tên ác ôn, có nợ máu với nhân dân.

Tháng 3 năm 1970, ông bị địch bắt khi đang giữ chức vụ Trưởng Ban an ninh xã Bình Đào (Thăng Bình). Trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, ông vẫn ngoan cường chịu đựng để bảo vệ đồng đội và cơ sở. Ông đã hy sinh trước mũi súng của kẻ thù.

Năm 2011, liệt sĩ Trần Hớn đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

(Nguồn: Quảng Nam - chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh)

11. Trần Huỳnh (1858 - 1916):

Trần Huỳnh, sinh năm 1858 tại làng Tân An Tây, nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

        Trong các năm 1905-1908, ông cùng với các chí sĩ Lê Cơ ở Phú Lâm, Lê Vĩnh Huy ở Thạnh Bình, Phan Quang ở Cẩm Y đứng ra tiến hành cải cách làng quê mình bằng việc lập trường Tân Xuân dạy chữ Quốc ngữ, trường Dục Thanh dạy võ dân tộc cho thanh niên trai tráng địa phương nhằm mưu việc nước về sau…

         Tháng 8 năm 1915, hưởng ứng lời kêu gọi khởi nghĩa do vua Duy Tân và hai chí sĩ xứ Quảng là Thái Phiên và Trần Cao Vân chủ trương, Ban chỉ huy khởi nghĩa tổng Phước Lợi chính thức được thành lập, do Trần Huỳnh làm Tổng lãnh binh và Trần Tùy Vân làm Phó lãnh binh. Một tháng sau, Đội phục quốc quân được thành lập tại nhà Trần Huỳnh với khoảng 30 người tham gia ban đầu, đến cuối năm lên gấp đôi. Ngoài ra, Đội còn vận động thành lập được 22 đội dân binh ở các xã, thôn gồm khoảng 350 người; tất cả lấy rừng dương gò Chùa làm địa điểm tập luyện quân.

           Chiều ngày 3 tháng 5 năm 1916, theo kế hoạch của cuộc Khởi nghĩa Duy Tân, gần 1.000 dân binh tập trung về căn cứ Gò Chùa (còn gọi là Gò Đỏ) để làm lễ tế cờ xuất quân. Lễ khao quân được tiến hành tại nhà Trần Huỳnh, sau đó tiến về phía phủ đường Tam Kỳ.

          Tuy nhiên, do kế hoạch của cuộc Khởi nghĩa Duy Tân đã bị bại lộ ở kinh thành Huế nên thực dân Pháp đã nhanh chóng đàn áp. Trần Huỳnh và nhiều chỉ huy nghĩa binh khác bị giặc bắt. Trong lao tù, mặc dù bị tra tấn, dụ dỗ nhưng Trần Huỳnh vẫn tỏ ra khẳng khái nhận hết trách nhiệm về mình.

         Ngày 27 tháng 5 năm 1916, thực dân Pháp đã mở phiên xét xử Trần Huỳnh và các đồng chí của ông. Tuy chúng tuyên án đày biệt xứ ông lên Buôn Ma Thuột, nhưng sau đó đã lén lút đưa ông đi xử chém tại Chợ Củi (huyện Điện Bàn).

(Nguồn: Quảng Nam đất nước và nhân vật)

12. Nguyễn Quý Hương (1906 - 1988): Nhà trí thức yêu nước, nhà báo.

Nguyễn Quý Hương sinh năm 1906 tại làng Mỹ Thạch, xã An Mỹ Đông, phủ Tam Kỳ (nay là Phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ). Thuở nhỏ, ông học ở trường tỉnh Quảng Nam, sau đó tiếp tục ra học ở Hội An, Đà Nẵng và Huế. Ông đỗ tú tài lúc 18 tuổi, sau ra Hà Nội học Cao đẳng Đông Dương. Năm 1926 ở Hà Nội, ông tham gia bãi khóa truy điệu Phan Châu Trinh, bị đuổi học, trở về quê; ông làm Phó Hội trưởng “Hội Đức, Trí, Thể dục Tam Kỳ”, bị Pháp bắt giam ở Hội An và đày lên làm lao công ở Bà Nà, Đà Nẵng.

Năm 1927, được thả tự do, ông ra Huế gặp Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, được giao làm Tổng thư ký toà soạn báo Tiếng Dân. Cùng với việc lo bài vở đăng báo, ông viết nhiều thể loại xã luận, bình luận chính trị về các vấn đề trong nước và ở Trung Kỳ, nghiên cứu những vấn đề tư tưởng, chính trị, học thuật của nước ngoài. Ông còn cộng tác với các báo Nhành Lúa của Hải Triều, Viên Âm của Lê Đình Thám.

Ông tham gia vận động thành lập Hội nhà báo, nhằm tập hợp, tuyên truyền giác ngộ và bảo vệ quyền lợi cho báo giới, dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ. Ông tranh cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ và trúng ở hạt 5 tỉnh Quảng Nam; trong hoạt động tiếp xúc với cử tri và các hội nghị của Viện dân biểu, ông luôn luôn bênh vực dân nghèo, đứng về phía tiến bộ chống Pháp và tay sai.

Sau cách mạng tháng 8/1945, ông làm Chánh Văn phòng kiêm Trưởng phòng báo chí Bộ Tài chính trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Ông được cử vào các tỉnh Nam Trung bộ công tác và tham gia kháng chiến, làm Tổng thư ký báo Đoàn kết kháng chiến, Kinh tế miền Nam, Trung bộ Nam phần công báo. Năm 1954, ông cùng vợ được bố trí ở lại hoạt động hợp pháp. Năm 1955, ông ra Huế tổ chức xuất bản báo Công lý và làm chủ bút. Ông ủng hộ phong trào hoà bình và có quan điểm chính trị đối lập với chính quyền tay sai, ông bị bắt giam cùng cả gia đình ở Lao Thừa Phủ, bị quản thúc để đe dọa và mua chuộc, ông thẳng thắn từ chối chức vụ tỉnh trưởng của Ngô Đình Diệm. Không mua chuộc được ông, chúng vu cáo ông chống chế độ và ông bị bắt giam lần thứ hai, đến năm 1960.

Ra tù, ông vào Sài Gòn làm chủ bút tờ Dân chí, đến tháng 9/1961 thì bị đóng cửa. Năm 1965, ông cùng với những trí thức yêu nước ở Sài Gòn thành lập “Phong trào dân tộc tự quyết”, “Uỷ ban vận động hoà bình” chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, xuất bản đặc san Tự quyết. Ông và vợ bị bắt giam lần thứ ba và bị kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo. Năm 1975, được giải phóng, ông tham gia UBMTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh cho đến lúc qua đời vào năm 1988.



(Nguồn: Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng)

13. Ngô Viết Hữu (1948 - 1972): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng Ngô Viết Hữu sinh năm 1948 tại xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông hy sinh khi đang là Trưởng ban đặc công - Tỉnh đội Quảng Nam.

Ông tham gia và chỉ huy đơn vị đánh nhiều trận, tiêu diệt hàng trăm tên địch; riêng ông đã tiêu diệt được khoảng 80 tên, thu 10 súng. Trong chiến đấu, ông luôn nêu cao tinh thần tiến công địch đến cùng; hai lần bị thương nặng phải đi điều trị, nhưng sau đó ông kiên quyết xin trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu.

Tháng 4/1972, trong trận đánh vào cứ điểm Chà Vu (Quảng Nam), ông chỉ huy đơn vị tiêu diệt một đại đội địch và đã anh dũng hy sinh.

Ngày 03/6/1976, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Ngô Viết Hữu.



(Nguồn: Quảng Nam - chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh)

14. Phan Khôi (1887 - 1959): Nhà văn, nhà báo

Nhà văn, nhà báo Phan Khôi sinh năm 1887 ở làng Bảo An, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là cháu ngoại của Tổng đốc Hoàng Diệu.

Sau khi đỗ tú tài năm 18 tuổi, ông bỏ lối học khoa cử. Năm 1906, ông ra Hà Nội học tiếng Pháp, tham gia phong trào Duy Tân và dạy học tại trường Đông Kinh nghĩa thục. Khi phong trào Duy Tân bị đàn áp, ông bị bắt đưa về giam tại nhà lao Hội An cho đến năm 1911.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ông ra Hà Nội và tham gia kháng chiến. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Phan Khôi được coi là một nhà báo tài năng, tích cực tiếp thu nhiều tư tưởng mới từ bên ngoài; đồng thời luôn phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp; phê phán thẳng thắn chính sách cai trị của người Pháp trên đất nước Việt Nam. Suốt cuộc đời sáng tác, ông đã để lại hàng ngàn bài báo, tác phẩm văn học thể hiện một kiến thức uyên thâm trên nhiều lĩnh vực thuộc văn hóa, văn nghệ, với một khẩu khí thẳng thắn, bênh vực những cái đúng. Ông được coi là người khởi xướng ra phong trào thơ mới với bài thơ Tình già nổi tiếng. Ông mất năm 1959 tại Hà Nội. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã đặt tên đường Phan Khôi.

(Nguồn: Quảng Nam đất nước và nhân vật)

15. Nguyễn Lai (1902 - 1984): Nghệ sĩ nhân dân; Diễn viên, Đạo diễn nghệ thuật sân khấu Tuồng

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Lai sinh năm 1902 tại làng An Quán, nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ông đến với bộ môn nghệ thuật Tuồng từ sớm; năm 20 tuổi bắt đầu đóng những vai diễn đầu tiên trên sân khấu; năm 27 tuổi đã trở thành diễn viên Tuồng nổi tiếng. Năm 1934, ông cùng nghệ sĩ Ngô Thị Liễu thành lập gánh hát Tân Thành Ban với chủ trương cách tân sân khấu hát bội; đồng thời tổ chức lưu diễn ở nhiều nơi.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, nghệ sĩ Nguyễn Lai tiếp tục hoạt động trên sân khấu hát bội và là một trong những người sáng lập Đoàn tuồng Liên khu V.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc; tiếp tục hoạt động ở Đoàn tuồng Liên khu V, đồng thời tham gia giảng dạy - làm Chủ nhiệm khoa Tuồng ở Trường Nghệ thuật sân khấu; cùng tham gia chỉnh lý một số vở Tuồng cổ.

Sau năm 1975, ông tham gia giảng dạy và đào tạo diễn viên cho Đoàn tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng.

Nguyễn Lai là người có nhiều đóng góp cho nghệ thuật Tuồng Việt Nam nói chung, của Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng. Với những đóng góp cho bộ môn nghệ thuật này, năm 1983 nghệ sĩ Nguyễn Lai đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.



Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã đặt tên đường Nguyễn Lai.

(Nguồn: Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng)

16. Hoàng Văn Lai (1923 - 1978): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nguyên Trưởng ty Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng

Anh hùng Hoàng Văn Lai sinh năm 1923 tại xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh, ông đang là Trưởng ty Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Năm 23 tuổi, ông thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954 ông tập kết ra Bắc; khi trở lại chiến trường miền Nam, ông tham gia chiến đấu trong đội ngũ Tiểu đoàn 25 - Tỉnh đội Quảng Nam. Năm 1967, ông được điều chuyển sang làm Bí thư Huyện ủy huyện Duy Xuyên, một trong những địa phương mà Mỹ và chính quyền Sài Gòn tập trung quân đội chà xát, càn quét ác liệt. Ông đã góp phần cùng Huyện ủy hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo quân và dân trong huyện tiêu diệt địch, bảo vệ căn cứ cách mạng. Sau đó, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban An ninh tỉnh Quảng Đà…

Đà Nẵng giải phóng, Ty An ninh Quảng Đà được thành lập, cấp trên giao nhiệm vụ Trưởng ty cho ông. Tiếp đó, UBND Cách mạng lâm thời Khu Trung Trung Bộ quyết định hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Hai Ty An ninh Quảng Đà và Quảng Nam cũng sáp nhập thành Ty Công an Quảng Nam - Đà Nẵng, Hoàng Văn Lai tiếp tục được giao nhiệm vụ Trưởng ty.

Dưới sự chỉ đạo sâu sát của ông và các lãnh đạo của Ty Công an Quảng Nam - Đà Nẵng, chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng an ninh đã tóm gọn hàng loạt tên phản động đầu sỏ, phá vụ nội gián mang tên "Đại Sơn" ở Khu Đoàn Thanh niên Quảng Đà và vụ hoạt động của  tổ chức phản động "Mặt trận cứu quốc"…

Tháng 7 năm 1978, trên đường đi thị sát tình hình nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công vào hang ổ phản động, ông hy sinh trên đường đi công tác. Năm 2011, liệt sĩ Hoàng Văn Lai đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã đặt tên đường Hoàng Văn Lai.



(Nguồn: Lịch sử Công an nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng)

17. Thạch Lam (1910 - 1942): Nhà văn

Nhà văn Thạch Lam, tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân, sinh năm 1909 (có sách nói ông sinh năm 1910) tại làng Cẩm Phô, nay thuộc phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình danh gia vọng tộc, với nhiều người từng là đại thần dưới triều Nguyễn.

Thuở nhỏ, Thạch Lam sống với gia đình ở quê ngoại (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), sau đó theo cha chuyển sang Thái Bình tiếp tục học bậc tiểu học. Lớn lên, ông cùng gia đình chuyển ra Hà Nội, học trường Canh nông, rồi trường Trung học Albert Saraut. 

Thạch Lam bắt đầu hoạt động văn học từ 1932, là thành viên của Tự lực văn đoàn. Ông tham gia biên tập các tờ tuần báo Phong hóa, Ngày nay. Thạch Lam mất vì bệnh lao năm 1942 tại Hà Nội.

Tác phẩm chính: Các tập truyện ngắn Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1942), tiểu thuyết Ngày mới (1939), tập tiểu luận Theo dòng (1941), tập bút ký Hà Nội băm sáu phố phường (1943). 

Hiện nay, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh đã đặt tên đường Thạch Lam.

(Nguồn: Danh nhân Việt Nam)

18. Lê Đình Lý (1790 - 1858): Người chỉ huy trận đánh Pháp đầu tiên ở Đà Nẵng

Lê Đình Lý sinh năm 1790 tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ông gia nhập quân đội của triều đình nhà Nguyễn vào năm 1829. Do có công ổn định vùng đất biên giới thuộc các tỉnh Hà Tiên, An Giang…, ông được phong chức Đề đốc, được triều đình cho ghi công, khắc tên vào súng đồng “Thần uy phục viễn”.

Năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Đà Nẵng, trên cương vị Tổng thống quân vụ đại thần, ông đã chỉ huy quân và dân Đà Nẵng tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp. Giữa lúc cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt, ông bị trọng thương và hy sinh ngay tại mặt trận Đà Nẵng.

Sau cái chết của ông, triều đình Nguyễn cử Nguyễn Tri Phương thay ông, tiếp tục chỉ huy cuộc chiến đấu chống Pháp tại Đà Nẵng.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã đặt tên đường Lê Đình Lý.

(Nguồn: Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng)

19. Chu Huy Mân (1913–2006): Đại tướng; nguyên Tư lệnh Quân khu V

Ông tên thật là Chu Văn Điều, sinh  năm 1913 tại tại xã Yên Lưu, nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Ông tham gia cách mạng năm 1929, vào Đảng năm 1930. Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, ông tham gia đội Tự vệ đỏ và là đội phó đội tự vệ xã, sau đó làm Bí thư chi bộ xã (năm 1933), Bí thư Huyện ủy huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (năm 1936).

Từ 1937 đến năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần ở nhà lao Vinh, đến năm 1940 đưa đi giam ở Đắc Lay rồi Đắc Tô thuộc tỉnh Kon Tum. Năm 1943, ông vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Ban Việt Minh và Tỉnh ủy Quảng Nam, sau đó làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông giữ các chức vụ: Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam; sau đó làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính 4 tỉnh Trung Bộ, Trưởng ban Kiểm tra Đảng, Ủy viên Quân khu Việt Bắc.

Từ năm 1947 đến năm 1949 làm Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy các Trung đoàn 72, Trung đoàn 74 Cao Bằng và Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng. Tháng 5-1951, ông làm Phó Chính ủy, sau đó làm Chính ủy Đại đoàn 316, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Năm 1957, ông giữ chức Chính ủy Quân khu IV; năm 1958, là Chính ủy Quân khu Tây Bắc kiêm Bí thư Khu ủy Tây Bắc.

Năm 1961, ông làm Trưởng đoàn Cố vấn chuyên gia giúp Cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang, giữ cương vị Đoàn trưởng Đoàn 100 (Đoàn chuyên gia Quân sự Việt Nam tại Lào).

Năm 1961 ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4. Tháng 8-1965, làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên.

Từ năm 1967 đến năm 1975, ông là Tư lệnh Quân khu 5, Phó Bí thư Đảng ủy Quân khu, Chính ủy chiến dịch Huế- Đà Nẵng.

Từ 1975 đến 1976, ông là Chính uỷ kiêm Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5.

Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1976, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1977-1986).

Ông là Đại biểu Quốc hội các khoá II, VI, VII; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa VII (1981-1986; Ủy viên Bộ Chính trị khoá IV, V.

Ông mất năm 2006 tại Hà Nội.



(Nguồn: Lịch sử QĐND Việt Nam)

20. Bùi Thế Mỹ (1904 - 1943): Nhà báo; nhà yêu nước Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20

Nhà báo Bùi Thế Mỹ, bút danh Lan Đình, sinh năm 1904 tại làng Phú Nhuận, nay thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Sau khi đậu bằng Thành Chung ở Huế, ông vào Sài Gòn viết báo và trở thành một nhà báo có tên tuổi giai đoạn trước khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ông từng làm chủ bút nhiều tờ báo: Đông Pháp thời báo, Trung lập, Tân Thế kỷ, Thần chung và là Chủ nhiệm tờ Dân báo.

Trong cao trào Dân chủ những năm 1936 - 1939, Bùi Thế Mỹ cùng với nhiều nhà trí thức khác, bao gồm cả những đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập các tổ chức yêu nước; từng bị thực dân Pháp trục xuất khỏi Sài Gòn do tham gia các hoạt động yêu nước.

Nhà báo Bùi Thế Mỹ được đánh giá là một cây bút xông xáo và sắc sảo, không khoan nhượng đối với những trò mị dân của chính quyền thực dân và luôn đấu tranh chống lại những nhà văn, nhà báo làm tay sai cho thực dân.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã đặt tên đường Bùi Thế Mỹ.

(Nguồn: Quảng Nam đất nước và nhân vật )

21. Nguyễn Mỹ (1935 - 1971): Liệt sĩ; nhà thơ

Nhà thơ Nguyễn Mỹ sinh năm 1935 tại xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Năm 16 tuổi ông vào bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở đoàn Văn công Tây Nguyên, học lớp báo chí của Trường Tuyên huấn Trung ương rồi về công tác ở nhà xuất bản Phổ thông.

Năm 1968, Nguyễn Mỹ trở lại chiến trường miền Nam làm phóng viên báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ, thuộc Ban Tuyên truyền Văn nghệ khu V. Ông hy sinh ngày 16 tháng 5 năm 1971 tại huyện Trà My (Quảng Nam), khi đang trên đường công tác.

Trong cuộc đời sáng tác của mình, nhà thơ Nguyễn Mỹ đã để lại tác phẩm nổi tiếng “Cuộc chia ly màu đỏ”. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh đã đặt tên đường Nguyễn Mỹ.

(Nguồn: Lịch sử Hội nhà văn Việt Nam)

22. Nguyễn Thanh Năm (1938 - 1998):

Nguyễn Thanh Năm, tên thường gọi là Năm Dừa, sinh năm 1937 tại làng Cẩm Sa, xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, ông thoát ly theo cách mạng, làm giao liên và sau đó trở thành Đội trưởng Đội công tác, tham gia xây dựng cơ sở cách mạng tại Điện Bàn - địa phương mà kẻ địch tập trung đánh phá ác liệt nhất qua các chiến dịch “Tố cộng, diệt cộng”; sau ông được bầu vào Huyện ủy Điện Bàn.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (tháng 01 năm 1961, Nguyễn Thanh Năm được bầu vào Tỉnh ủy. Năm 1962, do sức khỏe giảm sút, ông được tổ chức đưa ra Bắc điều dưỡng.

Năm 1964, Nguyễn Thanh Năm trở lại chiến trường và ông đã có nhiều đóng góp cho việc mở rộng vùng giải phóng của Quảng Nam trong giai đoạn Mỹ mở rộng chiến tranh. Khi quân Mỹ trực tiếp đổ bộ vào miền Nam, ông được giao nhiệm vụ làm Bí thư Khu I Hòa Vang, Bí thư Quận ủy quận Nhất, quận Nhì - những quận trung tâm của Đà Nẵng. Ông trực tiếp xây dựng và chỉ huy lực lượng biệt động thành, nắm và chỉ đạo Tổng hội sinh viên học sinh Đà Nẵng. Ông còn trực tiếp xâm nhập vào thợ máy, bà con tiểu thương ở các chợ, nội thành, gặp gỡ các nhà công thương và trí thức yêu nước, động viên họ tham gia vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Kẻ thù đã từng treo giải thưởng lớn để bắt ông.

Ông mất năm 1998 tại Đà Nẵng.

  (Nguồn: Quảng Nam - chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh)


23. Lương Khắc Ninh (1862 - 1943): Nhà văn, nhà báo

Lương Khắc Ninh sinh năm 1862 tại làng An Hội, nay thuộc thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre; quê gốc ở làng Bảo An, nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ông tốt nghiệp trung học tại trường Le Myre De Vilers (Mỹ Tho), rồi làm việc tại sở Thương chánh Bến Tre từ năm 1880 đến năm 1883. Năm 1889, ông làm thông ngôn tại tòa án Bến Tre, từng làm thành viên Hội đồng quản hạt Bến Tre. Năm 1900, ông bỏ lên Sài Gòn viết báo. Năm 1901, ông làm chủ bút cho tờ Nông cổ mín đàm, được xem là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng Quốc ngữ tại Việt Nam.

Năm 1902, ông đắc cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, sau được bổ nhiệm làm thành viên của Hội đồng Tư vấn Đông Dương.

Tuy là người có danh tiếng, từng làm nghị viên hội đồng nên người đương thời gọi ông là Hội đồng Ninh, tuy vậy hoạt động chính của ông vẫn là trong ngành báo chí hơn là chính trị. Tháng 10 năm 1908, ông làm chủ bút tờ Lục tỉnh tân văn từ số 51, thay cho khi chủ bút trước là Trần Chánh Chiếu bị chính quyền thuộc địa Pháp bắt.

Thông qua mục Thương cổ luận (Bàn luận về nghề buôn bán) trên Nông cổ mín đàm, Lương Khắc Ninh chủ trương cổ động mạnh mẽ cho việc phát triển nghề nông và kêu gọi thành lập những công ty thương nghiệp để thoát ra khỏi sự bóc lột trên thương trường của người Hoa kiều. Ông có cái nhìn sáng suốt về nguyên nhân nghèo khó của người Việt và của Việt Nam lúc đó. Một số học giả đánh giá lời kêu gọi của ông đến nay vẫn còn giá trị. Ngay từ số đầu tiên, mục Thương cổ luận đã tuyên chiến với quan niệm cũ bằng lời khẳng định: Sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường.

Đi ngược lại truyền thống tự tôn của giới trí thức Nho học, Lương Khắc Ninh, một trí thức xuất thân từ Nho học và Tây học, đã không ngần ngại phơi bày và phân tích, mổ xẻ trên báo chí những thói hư tật xấu của người Việt, cả trong tư duy lẫn trong hành xử... Mục đích tối thượng của ông không phải để khinh miệt, chối bỏ, mà để chỉ ra những lực cản hữu hình và vô hình đã và đang ngăn trở dân tộc mình dấn bước trên con đường canh tân để cho dân phú quốc cường.

Năm 1922, ông dẫn đầu một đoàn hát bội sang lưu diễn tại Pháp nhân có hội chợ đấu xảo tại Marseille. Tại đây, ông đã nhiều lần tiếp xúc và trao đổi về quan điểm, đường lối cứu nước với chí sĩ Phan Châu Trinh và tỏ ra rất kính trọng và khâm phục tài năng chí sĩ họ Phan trong đường lối giành độc lập dân tộc. Cũng tại Pháp, ông từng viết một bức thư gửi vua Khải Định, bấy giờ cũng đang ở Pháp, khuyên vua nên tiếp thu và thực thi quan điểm của Phan Châu Trinh.

Sau khi ở Pháp về, ông vẫn tiếp tục cộng tác với các báo ở Sài Gòn và thường đi diễn thuyết nhằm cổ động cho phong trào duy tân, tự cường. Ông mất năm 1943.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh và một số tỉnh đã đặt tên đường Lương Khắc Ninh.

(Nguồn: Quảng Nam đất nước và nhân vật)

24. Phan Nhu (1926 - 1967): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh  hùng Phan Nhu ( Tức A Ma Lê) sinh năm 1926, tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Dân tộc Kinh. Khi hy sinh, ông đang là Bí thư Huyện ủy huyện 5, tỉnh Đắc Lắc.

Cách mạng tháng Tám thành công, Phan Nhu nhập ngũ tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam. Năm 1950 theo yêu cầu nhiệm vụ, ông được điều về tỉnh Đắc Lắc trực tiếp làm Bí thư chi bộ xã Ta Bol, huyện Ma Đrắc. Trận đánh đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh Đắc Lắc vào ngày 27 tháng 10 năm 1960 đã tiêu diệt 1 trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí ở Buôn Hoang đã có tác động lớn đến phong trào đồng khởi giành chính quyền trong toàn tỉnh. Cuối năm 1965, Phan Nhu được giao làm Bí thư huyện ủy Huyện 5, là địa bàn chiến lược để tổ chức lực lượng đánh vào thị xã Ban Mê Thuột. Phan Nhu đã chỉ đạo xây dựng lực lượng, tiến hành 3 mũi giáp công, phát triển phong trào du kích chiến tranh, bảo vệ hành lang, tổ chức chuyển vũ khí cho tỉnh và khu. Phan Nhu có công lớn trong lãnh đạo đấu tranh chính trị, binh vận, giải phóng một vùng rộng lớn sát thị xã, quận lỵ  trong hai năm 1964 - 1965. Tháng 11 năm  1967, trên đường đi công tác, Phan Nhu bị địch phục kích và đã anh dũng  hy sinh.

Phan Nhu là cán bộ Đảng, cán bộ quân đội ưu tú ở Đắc Lắc và Tây Nguyên. Từ năm 1950 đến năm 1967, ông đã gắn bó và chỉ đạo phong trào cách mạng góp phần tích cực đưa phong trào của tỉnh từ chỗ non yếu nhất của Khu 5 lên ngang tầm  với phong trào chung của liên khu.

Ngày 20 tháng 12 năm 1994, liệt sĩ Phan Nhu được truy tăng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

   (Nguồn: Quảng Nam - chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh)



Каталог: uploads -> laws
laws -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
laws -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôN
laws -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> 1. Mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bhtn
laws -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜNG
laws -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> TỈnh lạng sơn số: 89 /QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
laws -> THỦ TƯỚng chính phủ Số: 152/2008/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 0.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương