Quảng Nam, ngày tháng năm 2014



tải về 0.97 Mb.
trang4/7
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.97 Mb.
#12947
1   2   3   4   5   6   7

42. Đoàn Xuân Trinh: Nguyên Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Quế Sơn

Đoàn Xuân Trinh sinh năm 1902 tại làng Hòa Mỹ, nay thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Trước khi đến với cách mạng, Đoàn Xuân Trinh từng dạy học tại Điện Bàn, Quế Sơn; từng tham gia phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu và để tang Phan Châu Trinh.

Tháng 4 năm 1929, tại Dốc Tầng (Quế Sơn), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phạm Thâm đã tổ chức một hội nghị, kết nạp Đoàn Xuân Trinh cùng một số đồng chí khác vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời thành lập Chi bộ ghép Phú Trạch - Phương Trì - Hòa Mỹ, do Đoàn Xuân Trinh làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên được thành lập trên địa bàn huyện Quế Sơn. Tháng 9 năm 1930, Tỉnh ủy Quảng Nam ra quyết định thành lập Huyện ủy Quế Sơn và chỉ định Đoàn Xuân Trinh là Bí thư Huyện ủy lâm thời.

Cuối năm 1930, Đoàn Xuân Trinh bị địch bắt và bị giam ở nhà lao Hội An. Cuối năm 1932, ông ra tù và tiếp tục tham gia phong trào cách mạng ở địa phương.

Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở địa phương. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; sau làm Giám đốc Ngân hàng Liên khu 5.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Ngân hàng thành phố và mất tại Hà Nội.

(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Quế Sơn)

43. Hồ Truyền (1920 - 1967): Liệt sĩ; nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ

Liệt sĩ Hồ Truyền sinh năm 1920 tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh, ông đang làm Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ, phụ trách vành đai diệt Mỹ Chu Lai (nay là huyện Núi Thành).

Sau năm 1954, ông được phân công ở lại hoạt động bí mật. Đầu năm 1955, Tỉnh ủy Quảng Nam điều động và bổ sung Hồ Truyền vào Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Kỳ và giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy, trực tiếp xây dựng cơ sở cách mạng tại xã Tam Hải, Tam Hiệp, Tam Xuân, Tam Giang, Tam Quang.

Năm 1959, ông được bầu bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam và điều động làm Trưởng Ban cán sự huyện Tiên Phước

Từ năm 1960-1963, ông được bầu làm Bí thư Huyện ủy Tiên Phước. Với cương vị là cán bộ chủ chốt của huyện, ông đã cùng cán bộ và nhân dân trong huyện tổ chức thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy là lập trung tâm lãnh đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới. Quyết tâm giữ vững vùng căn cứ địa và phát triển vùng hậu phương, kêu gọi nhân dân chiến đấu anh dũng kiên cường với Đế quốc Mỹ và bọn tay sai, giành thắng lợi giải phóng các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, …. Đây là những địa bàn trọng yếu của căn cứ địa cách mạng, làm bàn đạp để bảo vệ cho hoạt động của Tỉnh ủy Quảng Nam

Năm 1965, Tỉnh ủy Quảng Nam đã điều động ông làm Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ (Núi Thành) để lãnh đạo phong trào cách mạng. Ông đã cùng với Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo quân và dân trụ bám giữ đất, giữ làng xây dựng cơ sở cách mạng, đồng thời xây dựng Vành đai diệt Mỹ Chu Lai…

Năm 1967 trong một lần đi kiểm tra để chuẩn bị cho các trận đánh tiếp theo ở các xã vùng Đông của huyện, ông đã bị địch bao vây và hy sinh.

(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Núi Thành)

44. Lê Thanh Trường (1950 - 1971): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng Lê Thanh Trường sinh năm 1950 tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh đang làm Đội trưởng Đội trinh sát vũ trang - Ban an ninh tỉnh Quảng Nam.

Lê Thanh Trường tham gia lực lượng an ninh và được điều về Đội Trinh sát vũ trang của tỉnh từ năm 1964. Nêu cao tinh thần mưu trí, dũng cảm, anh đã tham gia chiến đấu 86 trận, tiêu diệt và làm bị thương gần 200 tên ác ôn, ngụy quân, ngụy quyền; trong đó tiêu biểu là trận tiêu diệt tên xã trưởng xã Kỳ Sơn (Tam Kỳ), một tên ác ôn khét tiếng và có nhiều nợ máu với nhân dân.

Ngày 7 tháng 8 năm 1971, quân Mỹ tổ chức cuộc càn quét, bao vây quy mô lớn vào khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam. Lúc này, trong vai trò là Đội trưởng Đội trinh sát vũ trang - Ban an ninh tỉnh Quảng Nam, Lê Thanh Trường đã chỉ huy đơn vị chiến đấu quyết liệt, đồng thời tổ chức sơ tán tài liệu và bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo. Sau nhiều trận chiến đấu bẻ gãy các đợt tiến công của địch, Lê Thanh Trường đã anh dũng hy sinh.

Ngày 03 tháng 8 năm 1995, liệt sĩ Lê Thanh Trường được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



(Nguồn: Quảng Nam - chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh)

45. Ngô Tuận (1920 - 1958): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng Ngô Tuận sinh năm 1920 tại làng Phương Trì, nay thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Ông tham gia cách mạng từ phong trào Dân chủ những năm 1936 - 1939 và trở thành thành viên chủ chốt của nhóm Thanh niên dân chủ tại địa phương.

Tháng 10 năm 1939, Ngô Tuận được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 2 năm 1942 ông bị bắt và bị kết án hai năm tù giam; sau đó bị đưa đi an trí tại Huế. Khi Nhật đảo chính Pháp (3/1945), ông cùng các đồng chí của mình vượt ngục trở về, tiếp tục tham gia cách mạng.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia công tác Việt Minh ở xã; được bầu vào Đảng bộ huyện; sau được cử đi học ở trường Đảng Mác - Lê nin ở Trung Quốc…

Sau tháng 7 năm 1954, ông được phân công về công tác tại Quảng Nam; được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ Quế Sơn và được cử làm Bí thư Huyện ủy. Đây là thời kỳ địch tăng cường đánh phá các cơ sở cách mạng với những đợt “Tố cộng, diệt cộng”. Với cương vị là Bí thư Huyện ủy, ông đã kiên trì trụ bám, lặn lội với phong trào, đồng thời củng cố, xây dựng và phát triển cơ sở trong vùng… Nhờ đó, phong trào cách mạng của Quế Sơn cơ bản vẫn được giữ vững, khi thế cách mạng của nhân dân vẫn được nuôi dưỡng. Kẻ thù cũng ra sắc truy tìm để bắt Ngô Tuận.

Đầu tháng 11 năm 1958, khi đang ở nhà một cơ sở, Ngô Tuận đã bị phản bội, bị kẻ thù bao vây và bắt được. Trước những đòn tra tấn dã man và các thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc của kẻ thù, đồng chí vẫn kiên trung, không khai báo. Ông hy sinh trong nhà lao Quế Sơn.

Ngày 23 tháng 2 năm 2010, liệt sĩ Ngô Tuận đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



(Nguồn: Quảng Nam - Những tấm gương cộng sản)

46. Hàn Mặc Tử ( 1912 - 1940): Nhà thơ, người khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam

Hàn Mặc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912 tại làng Lệ Mỹ, nay thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; lớn lên ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Hàn Mặc Tử nổi danh trên thi đàn Việt Nam từ rất sớm, khi mới 16 tuổi. Ông cùng với các nhờ thơ Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.

Ông cũng đã từng gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá lớn của chí sỹ này. Ông được Phan Bội Châu giới thiệu bài thơ Thức khuya của mình lên một tờ báo. Sau này, ông nhận một suất học bổng đi Pháp nhưng vì thân thiết với nhà chí sĩ yêu nước này nên việc du học của ông bị nhà cầm quyền Pháp đình lại. Ông quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp, làm thơ, viết báo.



Cuối đời, do bệnh tật, ông đã quay về Quy Nhơn và vào nhà thương Quy Hòa; sau ông mất tại đây khi mới bước sang tuổi 28.

Hiện nay, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều tỉnh đã đặt tên đường Hàn Mặc Tử.

(Nguồn: Thi nhân Việt Nam)

47. Nguyễn Đình Tựu (1828 - 1888): Nhà giáo triều Nguyễn

Nguyễn Đình Tựu, tự là Doãn Ngũ, Vọng Chi, sinh năm 1828 tại làng Hội An, nay thuộc xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Ông đỗ Cử nhân khoa Tân Dậu (1861); đỗ Phó Bảng khoa Mậu Thìn (1868); làm quan trải các chức: Đốc học Quảng Nam, Tế tửu Quốc Tử giám (như Giám đốc Trường Đại học Quốc gia ngày nay), Thị giảng học sĩ - hàng tuần giảng sách cho vua. Ông còn được vua Tự Đức giao dạy học cho các hoàng tử Ưng Chân, Ưng Đăng.

Năm 1886, vua Đồng Khánh bổ nhiệm ông giữ chức Sơn phòng sứ Quảng Nam thay Tiến sĩ Trần Văn Dư. Theo Huỳnh Thúc Kháng, sau khi Nghĩa hội tan ra, các lãnh tụ của Nghĩa hội hy sinh, Nguyễn Đình Tựu đã đứng ra che chở, bảo lãnh nhiều thành viên khác.

Năm 1887, Nguyễn Đình Tựu về Huế và tiếp tục nhận chức Thị giảng, sau đó về làm Đốc học Quảng Nam cho đến khi qua đời (năm 1888).

Ông là người mô phạm khuôn mẫu, uyên bác nổi tiếng, đào tạo được nhiều nhà khoa bảng yêu nước đương thời.


(Nguồn: Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng)

48. Trịnh Uyên (1875 - 1916): Chí sĩ yêu nước phong trào Việt Nam Quang phục hội

Trịnh Uyên sinh năm 1875, quê làng Kim Đới, Tam Thăng, Tam Kỳ. Tháng 9 năm 1915, Thái Phiên và Trần Cao Vân đã cùng với nhiều sĩ phu các tỉnh lân cận đứng ra thành lập Việt Nam Quang Phục Hội, Trịnh Uyên cùng với một số người khác ở quê nhà đã tham gia. Tại Tam Kỳ phong trào phát triển khá mạnh, ngày 03/5/1916, cuộc khởi nghĩa nổ ra, các cánh quân từ khắp nơi trong phủ đã đồng loạt kéo về bao vây phủ đường, trong đó có cánh quân vùng Đông Tam Kỳ do Trịnh Uyên lãnh đạo.

Trước khí thế sục sôi căm hờn của nhân dân, bọn quan lại và thực dân Pháp đã vội vàng lẩn trốn, cờ khởi nghĩa được kéo lên thay thế cờ Tam tài của Phủ Đường. Nhưng sau đó thực dân Pháp đã huy động lực lượng đến cứu viện cho đồng bọn và đàn áp cuộc khởi nghĩa, Trịnh Uyên bị hy sinh, lãnh binh Trần Huỳnh bị bắt và sau đó bị xử chém, các sĩ phu lần lượt bị bắt, tra tấn và lưu đày khắp các nhà lao.

Mộ ông đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.



(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ thành phố Tam Kỳ)

49. Lê Tấn Viễn (1932 - 2000): Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; người chỉ huy trận đánh của những Dũng sĩ Điện Ngọc

Tấn Viễn (còn gọi là Lê Tấn Hiền, Bảy Hiền) sinh năm 1932 tại xã Điện Nam (nay là xã Điện Nam Bắc), huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Từ năm 15 tuổi, ông đã tham gia cách mạng, làm liên lạc và trinh sát cho bộ đội địa phương của huyện. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng Viễn là một  thiếu niên dũng cảm, mưu trí, luồn lách qua các vùng trọng yếu của địch để chuyển tài liệu, đi trinh sát...

Đầu năm 1953, Lê Tấn Viễn được điều về Đại đội đặc công thuộc Tỉnh đội Quảng Nam; tham gia nhiều trận đánh ở Đại Lộc, Đà Nẵng. Tháng 4-1954, ông bị thương nặng khi tham gia tiêu diệt một đại đội địch tại Câu Lâu. Sau đó, ông tập kết ra Bắc.

Tháng 7-1959, sau khi trở về miền Nam, ông được Tỉnh ủy Quảng Nam giao nhiệm vụ huấn luyện lực lượng vũ trang các huyện Hiên, Giằng, Trà My và Tam Kỳ; tham gia trận đánh tiêu diệt đồn Bót Xít (huyện Giằng) và cứ điểm Ga Lâu (huyện Hiên)… Ngày 26 tháng 2 năm1964, ông chỉ huy một bộ phận gồm 7 chiến sĩ đặc công của tỉnh và một số cán bộ chính trị huyện Điện Bàn về xây dựng cơ sở ở vùng cát phía đông. Trong khi di chuyển, bộ phận công tác đã bị địch phát hiện và trận đánh nổi tiếng của những Dũng sĩ Điện Ngọc với hàng trăm tên địch đã diễn ra trong suốt một ngày.

Trận đánh ngày 26 tháng 2 năm 1964 tại giếng cạn Điện Ngọc đã đi vào lịch sử đánh giặc Mỹ của nhân dân Điện Bàn, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương. Nơi diễn ra trận đánh đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ông mất năm 2000. Năm 2010, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.



(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Điện Bàn)

50. Lưu Quang Vũ (1948 - 1988): Nhà thơ, nhà viết kịch

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sinh năm 1948 tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ; quê ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng; là con trai của nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Thuận.

Năm 1965 ông nhập ngũ, thuộc quân chủng Phòng không - Không quân. Từ năm 1970, sau khi xuất ngũ, ông tham gia viết báo và sáng tác văn chương.

Từ năm 1978, ông làm biên tập cho Tạp chí Sân khấu. Cũng trong năm này ông viết kịch bản đầu tay “Sống mãi tuổi 17”; tác phẩm được tặng Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc 1980.

          Năm 1985, trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Lưu Quang Vũ có 8 vở kịch tham dự đều đạt giải (6 Huy chương vàng và 2 Huy chương bạc).

Trong sự nghiệp sáng tác, Lưu Quang Vũ đã viết hơn 50 kịch bản sân khấu, phần lớn đã được dàn dựng; với các vở nổi tiếng: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ…

Ngày 29/8/1988, ông qua đời cùng vợ (nhà thơ Xuân Quỳnh) và con trong một tai nạn giao thông. Với những cống hiến xuất sắc trên lĩnh vực sân khấu, năm 2000 Lưu Quang Vũ đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.



Hiện nay, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều tỉnh đã đặt tên đường Lưu Quang Vũ.

(Nguồn: Quảng Nam đất nước và Nhân vật)

51. Trương Thị Xáng (1947 - 1965): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng Trương Thị Xáng sinh năm 1947 tại xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Từ năm 1963 - 1965, chị hoạt động du kích, làm công tác binh - địch vận, nắm bắt tình hình diễn biến của địch để báo cáo cho tổ chức của ta. Cũng trong thời kỳ này, địch thường xuyên càn quét các xã vùng Đông của huyện Thăng Bình, trong đó Bình Giang là một trong những xã mà địch càn ác liệt nhất. Để đối phó, nhân dân thôn Bình Túy đã có sáng kiến đào một địa đạo bí mật trong lòng đất dài hơn 3km để làm nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ.

Ngày 22/2/1965, địch dùng 3 tiểu đoàn chính quy và 1 tiểu đoàn địa phương quân mở trận càn quét mới đánh phá Bình Giang. Tại thôn Bình Túy, chúng đã phát hiện được miệng của địa đạo và ra sức tìm mọi cách để dụ dỗ cán bộ ta ra đầu hàng, đồng thời sử dụng xăng, khí độc đẩy xuống miệng địa đạo. Mặt khác, chúng bắt dân ra đào địa đạo, đánh đập những ai không thực hiện theo lệnh của chúng. Trong khi đó, dưới địa đạo có tổng cộng hơn 300 cán bộ từ tỉnh, huyện, xã và du kích địa phương đang tránh địch càn dưới đó.

Trong tình huống nguy hiểm ấy, Trương Thị Xáng cùng với một số phụ nữ mưu trí hướng dẫn nhân dân “người này đào một lát thì người kia lấp lại ba lát”. Do vậy, kẻ địch đã dùng báng súng, giày đinh đánh đập nhân dân, buộc phải đào cho được địa đạo. Chị giả vờ kêu la đau bụng, mọi người không đào nữa mà tập trung vào cứu chữa chị. Với cách này, chị đã kéo dài việc đào địa đạo đến tối, buộc địch phải thả dân về nhà.

Ngay trong đêm, bằng nhiều biện pháp khác nhau, chị cùng một số phụ nữ cơ sở của ta đã làm công tác binh - địch vận, vận động một số binh lính địch có cảm tình với cách mạng và hợp đồng giờ để đưa họ mang súng ra vùng giải phóng theo cách mạng. Đồng thời, chị xuống địa đạo chỉ lối cho hơn 300 cán bộ, chiến sỹ và du kích của ta ra khỏi địa đạo an toàn từ một cửa bí mật khác ven sông Trường Giang. Khi quay lại, do địch đã thay đổi lính trực nên thấy ánh đèn pin đã bắn vào. Chị hy sinh khi chưa tròn 18 tuổi, nhưng toàn bộ cán bộ, chiến sỹ, du kích của ta dưới địa đạo đã an toàn thoát khỏi trận càn.

Năm 2012, liệt sĩ Trương Thị Xáng đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.



(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Thăng Bình)

52. Quách Xân (1916 - 2000):

Quách Xân sinh năm 1916 tại xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Ông tham gia phong trào Việt Minh tại địa phương từ năm 1945; làm Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Đại Lãnh; sau đó làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Đại Lộc….

Năm 1953, khi Ban cán sự miền Tây tỉnh Quảng Nam được thành lập, ông được cử làm Ủy viên kiêm Bí thư Huyện ủy huyện Hiên (Đông Giang và Tây Giang hiện nay).

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, ông được bố trí ở lại miền Nam, phụ trách công tác giáo dục. Trong thời gian này, ông cùng một số đồng chí đã sáng tạo bộ chữ viết Cơ tu theo phiên âm từ mẫu tự Latinh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa to lớn về chính trị và văn hóa.

Từ sau năm 1960, ông tham gia công tác ở Ban Tuyên huấn khu V, rồi Ban Miền núi khu V; được điều vào Trung ương Cục miền Nam, tham gia vận động đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên. Sau đó, ông trở lại khu V, là Ủy viên Ban đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam; làm Trưởng ban Giáo dục khu V.

Quách Xân là người có nhiều đóng góp cho công tác giáo dục và công tác vận động quần chúng, nhất là vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông mất năm 2000 tại Đà Nẵng.

(Nguồn: Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng)

53. Nguyễn Văn Xuân (1921 - 2007): Học giả; nhà Quảng Nam học

Nguyễn Văn Xuân sinh năm 1921, quê Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn.

Lúc nhỏ, ông học ở quê, sau ra học ở Huế. Năm 16 tuổi, ông bắt đầu tự học và tập viết văn.

Năm 1939, truyện ngắn đầu tay của ông có tên là "Bóng tối và ánh sáng" được chọn đăng trên tạp chí Thế giới (Hà Nội) và được trao giải nhất [1]. Sau đó, ông lần lượt cộng tác với các báo, như: Bạn dân (Hà Nội), Thế giới (Hà Nội), Mới (Sài Gòn), Văn Lang (tạp chí, Sài Gòn), Tiểu thuyết thứ Bảy (tạp chí, Hà Nội)...

Từ năm 1945 đến năm 1954, ông tham gia phong trào cách mạng ở Điện Bàn, làm Ủy viên kịch nghệ thuộc Hội Văn nghệ Quảng Nam, Ủy viên kịch nghệ thuộc Hội Văn nghệ liên khu V.

Sau năm 1954, ông ở lại Quảng Nam tham gia dạy học tại các trường tư và tiếp tục sáng tác.

Năm 1955, ông bị bắt giam ở nhà lao Thừa phủ (Huế), vì tham gia phong trào đấu tranh đòi thống nhất đất nước.

Ngoài công việc viết văn, ông còn dạy học tại các trường trung học tư thục Đà Nẵng, Đại học Văn khoa Huế, Đại Học Đà Nẵng.

Ông mất năm 2007 tại Đà Nẵng.

Sự nghiệp học thuật của ông để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị: Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam và nhiều công trình biên khảo về lịch sử, văn hóa về Quảng Nam.

(Nguồn: Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng)

54. Căn Zơh: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Anh hùng Căn Zơ là người dân tộc Cơ tu, sinh năm 1897 tại làng A Ró, xã Chàvàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Bà tham gia cách mạng từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 và công tác tại Hội phụ nữ xã cho đến năm 1954. Từ năm 1954 - 1957, bà trực tiếp làm cơ sở nuôi giấu cán bộ trước chính sách khủng bố, đàn áp của kẻ thù.

Từ sau năm 1960, khi phong trào đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị được phát động, mặc dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn hăng hái vận động đồng bào và trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu. Bà đã vận động nhân dân đóng góp hàng chục tấn gạo, hàng tạ muối cùng nhiều con gia súc, gia cầm khác. Năm 1970, mặc dù đã ngoài 70 tuổi, bà vẫn xung phong đi dân công. Việc làm của bà đã nêu gương và cổ động nhân dân trong vùng hăng hái tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ bộ đội chiến đấu.

Bà trở thành tấm gương tiêu biểu về tinh thần tận tụy, tích cực phục vụ kháng chiến của đồng bào các dân tộc vùng cao tỉnh Quảng Nam. Bà đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất; ngày 06 tháng 11 năm 1978, bà đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



(Nguồn: Quảng Nam - chân dung Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh)

55. 10 tháng 3: Sự kiện lịch sử; ngày giải phóng huyện Tiên Phước - chiến thắng mở đầu cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 ở tỉnh Quảng Nam.

Nằm trong chủ trương của Bộ Chính trị, huyện Tiên Phước đã vinh dự được chọn làm mục tiêu chiến lược, phối hợp cùng với Buôn Mê Thuột là những chiến trường mở đầu cho cuộc Tổng tấn công và Nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam.

Vào lúc 4h30 phút ngày 10 tháng 3 năm 1975, quân và dân ta đã tiến công đánh chiếm quận lỵ Phước Lâm - Tiên Phước. Đến 14 giờ cùng ngày, toàn bộ huyện Tiên Phước đã được hoàn toàn giải phóng.

Chiến thắng ngày 10 tháng 3 giải phóng huyện Tiên Phước đã mở màn cho cuộc tấn công nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và vùng duyên hải miền Trung.  



(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Tiên Phước)

56. 26 tháng 3: Ngày giải phóng các huyện Thăng Bình, Quế Sơn; Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

- Ngày 26 tháng 3 năm 1975, hòa chung khí thế của quân và dân cả nước trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy, nhân dân các huyện Thăng Bình, Quế Sơn…, với sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang, đã vùng lên đánh sập toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền từ huyện đến cơ sở, giành quyền làm chủ, kết thúc vẻ vang hơn 21 năm kháng chiến chống Mỹ.

- Từ ngày 20 đến ngày 26/3, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, Trung ương Đảng đã giành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và đi đến những quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn. 

Được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III, họp từ ngày 22 - 25/3/1961, đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 làm ngày thành lập Đoàn.

(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Quế Sơn, Thăng Bình; Lịch sử Đoàn TNCSHCM )

57. 18 tháng 7: Chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước

Ngày 18 tháng 7 năm 1974, thực hiện chủ trương của Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu V về đẩy mạnh chiến dịch Hè-Thu năm 1974, Tỉnh ủy Quảng Nam chủ trương phát động nhân dân nổi dậy tiêu diệt các đồn bốt, cứ điểm ở phía Tây Quốc lộ 1A, nhằm mở rộng vùng giải phóng, trong đó có cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước. Kết quả, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên địch; tiêu diệt 2 tiểu đoàn chủ lực, 2 đại đội bảo an, 13 trung đội dân vệ, nghĩa quân và toàn bộ bộ máy của địch. Huyện Nông Sơn với 13.000 dân được hoàn toàn giải phóng.

Chiến thắng Nông Sơn-Trung Phước đập tan tuyến phòng thủ phía Tây của địch, gây chấn động tinh thần quân địch trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, tạo điều kiện hỗ trợ cho lực lượng chính trị và LLVT địa phương tiến công địch giành chính quyền ở nhiều nơi khác.

(Nguồn: Lịch sử LLVT tỉnh Quảng Nam)

58. Hoằng Hóa: Tên một huyện của tỉnh Thanh Hóa; huyện kết nghĩa với huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Hoằng Hóa là một huyện nằm ở ven biển phía đông của tỉnh Thanh Hóa, có diện tích khoảng hơn 224km2, dân số khoảng hơn 253.000 người; có Quốc lộ 1A và đường sắt Thống Nhất đi qua.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Thống nhất Trung ương, ngày 12 tháng 3 năm 1960 tại thị xã Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam đã được tổ chức. Việc kết nghĩa giữa hai tỉnh và các huyện, thị xã sau đó của hai tỉnh đã tạo nên sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, động viên và cổ vũ Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh tích cực thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng cho đến ngày toàn thắng.

Nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, ngày 20/7/1963 tại huyện Hoằng Hóa, Huyện ủy, Ủy ban hành chính huyện Hoằng Hóa đã tổ chức lễ kết nghĩa hai huyện Hoằng Hóa - Điện Bàn và phát động phong trào thi đua lao động

Kể từ ngày đó đến nay, Đảng bộ và nhân dân hai huyện vẫn tiếp nối xây dựng, phát triển mối quan hệ kết nghĩa bền chặt giữa hai địa phương.



(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Điện Bàn)

59. Thọ Xuân: Tên một huyện của tỉnh Thanh Hóa; huyện kết nghĩa với huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Thọ Xuân là một huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa; nơi khởi phát của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, do Lê Lợi lãnh đạo và cũng là nơi phát tích của triều Hậu Lê.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Ban Thống nhất trung ương, ngày 12 tháng 3 năm 1960 tại thị xã Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam đã được tổ chức. Việc kết nghĩa giữa hai tỉnh và các huyện, thị xã sau đó của hai tỉnh đã tạo nên sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn, động viên và cổ vũ Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh tích cực thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng cho đến ngày toàn thắng.

Ngày 20 tháng 11 năm 1968 tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), Lễ kết nghĩa giữa huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) và huyện Quế Sơn (Quảng Nam) được tổ chức. Từ đó cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Thọ Xuân đã động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam nói chung, chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng. Đã có hàng trăm người con của Thọ Xuân hy sinh và nằm lại trên đất Quảng Nam.



(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện Quế Sơn)

Каталог: uploads -> laws
laws -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
laws -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôN
laws -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> QUỐc hội cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> 1. Mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bhtn
laws -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜNG
laws -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
laws -> TỈnh lạng sơn số: 89 /QĐ-ubnd cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
laws -> THỦ TƯỚng chính phủ Số: 152/2008/QĐ-ttg CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 0.97 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương